Trang chủ » Trung Dung – Chương 32

Trung Dung – Chương 32

by Hậu Học Văn
181 views

CHƯƠNG XXXII

Chỉ riêng bậc chí thành trong thiên hạ mới có khả năng sắp đặt những mối liên hệ lớn của thiên hạ, mới có khả năng thiết lập những nền tảng lớn của thiên hạ, mới biết được sự phát triển sinh hóa của trời đất. Có nương cậy vào chỗ nào ư?

Chân chất lòng nhân, thăm thẳm vực sâu, lớn lao bầu trời. Ví bằng chẳng thông minh thánh trí thực, thành tựu được đức của Trời, thì ai có khả năng biết được?

Trên đây là chương thứ ba mươi hai.

BÌNH GIẢI:

Sang phần cuối sách Trung Dung này, Tử Tư muốn giải thích cho mọi người hiểu về nguyên lai của nền tảng luân lý mà những người sống trong đạo Nho đã thực hành từ lâu, những người mới bước vào nghiên cứu đạo Nho đã thấy từ những bước đầu, nhưng không biết xuất phát do đâu. Những nền tảng luân lý ấy là đại kinh và đại bản của xã hội.

Đại kinh còn gọi là ngũ luân, ngũ phẩm hay ngũ điển, gồm: đạo vua tôi (quân thần), đạo cha con (phụ tử), đạo chồng vợ (phu phụ), đạo anh em (huynh đệ), đạo bè bạn (bằng hữu), có khi đạo bè bạn được thay bằng đạo lớn nhỏ (trưởng ấu).

Để cho tương quan giữa ngũ luân được tốt đẹp cổ nhân đòi hỏi phải có “chính danh” và “thập nghĩa” trong khi thi hành ngũ luân.

Chính danh là thể hiện đúng tên gọi dành cho mình: Vua cho ra vua; bề tôi cho ra bề tôi; cha cho ra cha; con cho ra con; chồng cho ra chồng; vợ cho ra vợ; anh cho ra anh; em cho ra em; bạn cho ra bạn; bè cho ra bè, hoặc là lớn cho ra lớn; nhỏ cho ra nhỏ. Bởi vì vua có ra vua, bề tôi mới ra bề tôi; cha có ra cha, con mới ra con; chồng có ra chồng, vợ mới ra vợ; anh có ra anh, em mới ra em; bạn có ra bạn, bè mới ra bè, hoặc là lớn có ra lớn, nhỏ mới ra nhỏ.

Khổng tử đã tóm tắt đường lối chính danh trong câu: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, phu phu, phụ phụ, huynh huynh, đệ đệ…”

Thập nghĩa là mười cách cư xử tương ứng với mười đối tượng trong ngũ luân ở trên:

Quân nhân, thần trung; phụ từ, tử hiếu; phu nghĩa, phụ thính; huynh lương, đệ đễ; trưởng huệ, ấu thuận.”

Có nghĩa là: Vua phải có đức nhân, bầy tôi phải trung thành; cha phải nhân từ, con phải có hiếu thảo; chồng phải có nghĩa (cư xử tốt), vợ phải nghe theo; anh phải tốt lành, em phải kính yêu; người lớn phải ban ơn, người nhỏ phải vâng theo; nếu là bạn bè với nhau thì phải giữ niềm tin với nhau (tín).

Đặc biệt trong đường lối chính danh thập nghĩa này, một vế mà hỏng thì vế kia sớm muộn gì cũng hỏng theo. Cụ thể là:

Vua chẳng ra vua, thì bề tôi sẽ chẳng ra bề tôi. Tức là: nếu vua không có đức nhân, thì bề tôi chẳng trung thành nữa.

Cha chẳng nhân từ, thì con khó lòng có hiếu thảo.

Chồng chẳng cư xử tốt, thì vợ khó lòng phục tùng.

Anh chẳng tốt lành, thì em chẳng kính yêu.

Người trên (lớn) chẳng ban ơn, chẳng thương xót, thì người dưới (nhỏ) khó lòng vâng theo.

Đường lối chính danh thập nghĩa lại đặt quan trọng ở người đứng đầu. Đứng đầu trong nước là vua (người lãnh đạo đất nước); đứng đầu trong gia đình là cha. Nếu hỏng ở vế đầu thì những vế sau gãy đổ theo.

Trong nước, vua bất nhân thì kéo theo cả nước bất nhân. Trong nhà, cha bất từ kéo theo cả vợ con hư hỏng, gia đình tan vỡ.

Cho nên người xưa đã nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn.” (Người trên không chính đáng, người dưới phải rối loạn.) Hoặc là: “Tội qui vu trưởng.” (Tội lỗi quy trách về người trên.)

Đại kinh là đạo lý về những mối tương quan trong gia đình, xã hội; còn đại bản là đạo lý thông thường của mỗi cá nhân. Đại bản là “ngũ thường”: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Nhân: lòng yêu thương con người.

Nghĩa: sự cư xử tốt lành, công bằng với con người.

Lễ: các hình thức tạo nên tương quan tốt đẹp giữa người với người.

Trí: sự hiểu biết sáng suốt để chọn điều tốt, tránh điều xấu, tìm điều phải, xa điều trái.

Tín: giữ lời hứa để tạo niềm tin nơi mọi người.

Đại bản chính là những điều kiện nhân bản để phân biệt loài người với loài vật. Bởi vì, hầu hết loài vật sống theo bản năng chứ không sống theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Tóm lại, đại kinh và đại bản là những nền tảng nhân luân không thể bỏ qua. Nếu xã hội nào bỏ qua những nền tảng nhân luân này, sớm muộn gì cũng sẽ bị rối loạn và trong xã hội đó sẽ nẩy sinh ra nhiều tai họa làm cho con người mất hạnh phúc. Ví dụ: tệ nạn tham nhũng làm băng hoại cơ cấu chính trị nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, cùng là nạn Mafia hoành hành liên quốc gia, bệnh Aids (liệt kháng), đại họa thế kỷ này, càng ngày càng lớn mạnh thêm lên, đều do con người ngày nay muốn xóa bỏ nền tảng nhân luân.

Ngay cả giới tu hành muốn vượt thế gian để tìm một cảnh giới siêu việt cũng không thể bỏ qua nhân luân được. Đối với những người tu muốn bỏ nhân luân, người Việt bình dân đã có câu ca dao:

“Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.”

Đối với những người muốn tu tiên, trở nên bậc siêu phàm, thì cổ nhân Nho nói: “Dục tu tiên đạo, tiên tu nhân đạo; nhân đạo bất tu, tiên đạo viễn hỹ. ”: Muốn tu đạo tiên, trước hết phải tu đạo làm người; đạo làm người không tu, thì tiên đạo còn xa vậy.

Ngay đến một sử gia thời danh của Hoa Kỳ là Will Durant cũng có ý kiến tương tự. Ông đã từng nói với giới trẻ trong phần cuối của cuốn “Những bài học lịch sử”, sau 50 năm nghiên cứu về lịch sử văn minh nhân loại, đại ý rằng: Những điều gọi là qui luật của đời sống (nhân luân) sở dĩ có được là do công lao và kinh nghiệm của cổ nhân bao nhiêu đời trước chắt lọc lại, không thể sớm chiều bỏ qua được.

Nói như thế, sử gia Will Durant có ý nhắn nhủ các thế hệ sau này hãy cố duy trì những tinh hoa nhân luân của quá khứ; nếu bỏ đi, đời sống sẽ hụt hẫng tai hại.

Trong triết Nho, những tinh hoa nhân luân ấy là đại kinh và đại bản. Không phải vô tình mà Tử Tư đã nhắc lại những đạo lý nền tảng ấy ở chương áp chót của sách Trung Dung này. Ông cho rằng người quân tử trước khi chắp đôi cánh siêu phàm để trở nên bậc chí thành, chí thánh thì cũng đã từng đứng trên nền tảng đạo lý của những con người bình thường.

Theo Tử Tư, chính những bậc chí thành của nhân loại đã sắp đặt (kinh luân) nên đại kinh và đại bản, tức là những giềng mối liên hệ lớn, những nền tảng lớn của thiên hạ. Chẳng những thế, qua kinh nghiệm sống và suy tư chiêm nghiệm, trí khôn các ngài còn được mở ra để biết được những qui luật phát triển sinh hóa và nuôi nấng (hóa dục) của trời đất nữa. Các ngài không phải nương cậy vào ai hết. Bởi vì, trước khi trở nên thánh nhân, các ngài đã từng là những con người trung thực, là bầy tôi, là dân, là con, là chồng, cha, là anh em, bè bạn gương mẫu. Các ngài đã thấu suốt nhân tâm, lại còn thăng tiến đến mức hội thông với trời đất, đứng trong hàng Tam Tài. Hơn nữa, với cái tâm thánh nhân, các ngài còn được tham dự vào nguồn linh lực siêu nhiên của Trời (Tuyệt đối thể), nguyên ủy của vũ trụ vạn vật. Cho nên từ trong cái tâm vũ trụ ấy, các bậc chí thành đã khơi được ra những nguyên tắc đạo lý cần thiết cho con người trong cõi nhân sinh để ổn định gia đình xã hội, để đặt nền thái hoà cho nhân loại và nâng đỡ nhân loại tiến hóa.

Để cực tả cái tâm của bậc chí thành, Tử Tư đã nói: “Truân truân kỳ nhân, uyên uyên kỳ uyên, hạo hạo kỳ thiên.” Tấm lòng của các ngài mới nhân hậu chân chất làm sao! Tâm linh của các ngài quả là thăm thẳm vực sâu, lồng lộng lớn lao như trời cao.

Phải là bậc thông minh thánh trí đích thực, thành tựu được năng lực của Trời nơi mình, mới có thể biết được những những nhu cầu thiết yếu của con người, biết được những năng hướng sâu xa của tính mệnh con người, để đưa ra những nền tảng nhân luân, những nguyên tắc đạo lý cơ bản, hướng dẫn con người nên hoàn thiện. Ai là người có khả năng làm được những kỳ công siêu không gian, thời gian đó? Chỉ có bậc chí thành đồng thời cũng là bậc chí thánh mới đủ sức làm được mà thôi.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x