Trang chủ » Trung Dung – Chương 33

Trung Dung – Chương 33

by Hậu Học Văn
222 views

CHƯƠNG XXXIII

Kinh Thi nói: “Mặc áo gấm lồng thêm áo đơn”, ấy là ghét vẻ đẹp của nó lộ ra. Cho nên đạo của người quân tử, ở trạng thái mờ tối mà mỗi ngày lại rõ rệt. Đạo của kẻ tiểu nhân, ở trạng thái bộc lộ mà mỗi ngày lại mất đi. Đạo của người quân tử lạt lẽo mà không chán, đơn sơ mà lại đẹp đẽ, ôn hoà mà đạt lý.

Hễ biết rằng có xa là có gần, có phong thái bên ngoài là do tự trong mình, có sự tế vi bề trong thì hiển hiện bề ngoài, thì có thể bước vào cõi đức vậy.

Kinh Thi rằng: “Ẩn náu trong nước tuy là nấp kín, mà cũng hiện rõ tỏ tường.” Cho nên người quân tử tự xét trong lòng thấy không lỗi lầm, thì không tự thẹn (không thấy ý chí chán ghét). Chỗ mà quân tử chưa thể đạt tới (ở đáy lòng), riêng người ngoài không thấy được.

Kinh Thi rằng: “Xem ở nhà ngươi, hãy chuộng điều gì mà không thẹn ở góc nhà tây bắc.” Vì vậy, người quân tử không hành động mà người vẫn kính trọng; không nói mà người vẫn tin.

Kinh Thi nói: “Tiến lên dâng lễ mà không nói, bấy giờ không có sự tranh cãi.” Vì vậy, người quân tử không khen thưởng mà dân được khuyên bảo; không giận dữ mà dân sợ hơn dao búa.

Kinh Thi nói: “Chỉ có đức không lộ ra, trăm vua chư hầu đều theo phép thường.” Vậy nên, người quân tử đầy lòng cung kính mà thiên hạ được bình an.

Kinh Thi rằng: “Ta nhớ đức sáng, không cần lớn tiếng, không cần dung mạo.” Đức Khổng nói: “Phải dùng tiếng nói và dung mạo để giáo hóa dân, ấy là ngọn vậy.”

Kinh Thi nói: “Đức nhẹ như sợi lông.” Sợi lông vẫn còn có khối lượng. “Sức chứa của Trời cao, không tiếng, không hơi.” Chí lý vậy.

Trên đây là chương thứ ba mươi ba. Tử Tư nhân những chương trước đã nói đến chỗ cùng cực, (giờ đây) quay trở lại gốc. Ông nhắc lại rằng việc học đạo từ thấp phải cẩn thận trong hành vi lúc ở một mình, rồi suy rộng nói thêm, dần dần đến việc dốc lòng cung kính để tạo được sự thịnh vượng bình an cho thiên hạ. Ông lại khen ngợi sự vi diệu của đạo đạt tới mức không tiếng, không hơi, sau đó mới thôi. Thế là ông đã nêu ra một thiên trọng yếu, bằng cách nói tóm lược lại. Rồi ông nhắc đi nhắc lại kỹ càng mách bảo ý tứ cho người ta đến chỗ thật sâu sắc. Người học đạo lại không thể hết lòng sao?

BÌNH GIẢI:

Sau khi bàn về đạo Trung dung với nhiều chiều kích: nhân đạo, thánh đạo, thiên đạo, trong đó có cả chiều kích áp dụng vào việc chính trị làm cho đất nước ổn định, thiên hạ thái bình; trong chương cuối này, Tử Tư thu tóm đạo Trung dung về một nền tảng duy nhất. Đó là tâm đạo: đạo ở trong lòng.

Muốn trở về tâm đạo, việc trước hết là phải khiêm nhường, tự hạ, đừng bao giờ phô trương chính mình.

Để biện minh cho quan điểm của mình, Tử Tư đã trích dẫn nhiều câu Kinh Thi. Kinh Thi là những bài ca dao ở trong dân gian đúc kết tinh túy tư tưởng của các bậc hiền nhân thời cổ. Do nếp sống giản dị chưa bị văn minh vật chất chi phối, tâm trí các ngài dễ tiếp cận với minh triết của Trời; do đó lời của các ngài đã trở nên những châm ngôn truyền thống hướng dẫn sinh hoạt của dân gian, được dân gian truyền tụng và trân trọng như một kho tàng khôn ngoan. Tương truyền, Khổng tử đã thu gom những bài dân ca truyền thống ấy, tạo thành Kinh Thi; và Khổng môn trong đó có Tử Tư đã xem Kinh Thi như là một bộ Thánh điển của đạo Nho.

Câu Kinh Thi được trích dẫn đầu tiên ở chương này là một câu thuộc phần Quốc phong (Trịnh phong): “ý cẩm thượng quýnh”: mặc áo gấm lồng thêm áo đơn. Có lẽ người xưa ăn mặc như vậy nhằm hai ý:

Một là có ý tiết kiệm, giữ gìn áo gấm (thứ vải quí, đắt tiền) cho khỏi chóng hư, chóng bạc màu.

Hai là tỏ lòng khiêm nhường, không muốn phô trương cái đẹp của mình ra cho mọi người biết.

Tử Tư dùng câu Kinh Thi này có ý khuyên người học đạo nên bắt chước theo đó mà thu giấu nết na của mình ở trong lòng, chớ nên khoe khoang. Ông cho biết kết quả của việc thu giấu đó là: Đạo của người quân tử ở trạng thái mờ tối (do thu giấu) mà mỗi ngày lại rõ rệt.

Trái lại, hậu quả của việc khoe khoang là: Đạo của kẻ tiểu nhân ở trạng thái bộc lộ (do phô trương) mà mỗi ngày lại mất đi.

Thực ra, quan điểm này của Tử Tư không khác gì quan điểm của Lão tử trong Đạo-đức-kinh:

“Tương dục hấp chi, Tất cố trương chi.

Tương dục nhược chi, Tất cố cường chi.

Tương dục phế chi, Tất cố hưng chi.”

 

Hòng muốn thu rút đó lại, Là sắp mở rộng đó ra.

Hòng muốn làm yếu đó, Là sắp làm đó mạnh lên. Hòng muốn vứt bỏ đó, Là sắp làm hưng khởi đó.

(Đạo-đức-kinh: chương 36, Nguyễn Duy Cần dịch).

Đây là qui luật phản phục diễn ra trên sự mâu thuẫn đối đãi mà Kinh thánh Tân Ước cũng có nói tới: “Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ nào tự hạ mình xuống thì sẽ được nhắc lên.” (Matthêô: 23, 12).

Câu Kinh thánh trên nói về dức khiêm hạ. Tư tưởng này cũng được Đức Giêsu nhắc tới khi trả lời các môn đồ: “Quả thật, tôi bảo các ông: nếu các ông không hóa nên lại như những trẻ nhỏ, các ông sẽ không vào được Nước Trời đâu. Vậy ai kể mình hèn mọn như trẻ nhỏ này đây, thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.” (Matthêô: 18, 3-4) .

Khởi đi từ tư tưởng khiêm hạ, Tử Tư đưa ra một nhận xét chắc chắn: “Đạo của người quân tử lạt lẽo mà không chán, đơn sơ mà lại đẹp đẽ, ôn hoà mà đạt lý.

Lạt lẽo mà sâu sắc, bền vững; đơn sơ nhưng duyên dáng dễ thương; ôn hoà mà thấu tình đạt lý, cho nên đạo của người quân tử chẳng những đã không làm cho người chán, lại còn làm cho người thêm lòng quí mến.

Trái lại, sự mặn mà, đằm thắm, nhiệt thành bề ngoài của kẻ tiểu nhân với mục đích cầu lợi, sớm muộn gì cũng phai tàn nếu không có lợi, hoặc đã thu được lợi rồi. Người bình dân Việt Nam cũng đã nhận ra sự đối nghịch của hai đường lối quân tử, tiểu nhân này và hậu quả của nó, cho nên minh họa trong câu ca dao:

“Chóng thắm thì lại chóng phai,

Thoang thoảng hoa nhài mới lại thơm lâu.”

Chóng thắm, chóng phai” là đạo tiểu nhân; “thoang thoảng hoa nhài” chính là đạo quân tử. Để tiến vào tâm đạo, Tử Tư còn cho rằng những ai muốn bước lên cõi đức nhiệm mầu thì phải biết đến qui luật “nhân quả” là những nguyên lý tất yếu về sự liên hệ giữa xa và gần, trong và ngoài, hiển và vi:

Tri viễn chi cận, tri phong chi tự, tri vi chi hiển; khả dữ nhập đức hỹ”: Biết rằng có xa là có gần, có phong thái bên ngoài là do tự trong mình, có sự tế vi bề trong sẽ hiển hiện bề ngoài, thì có thể bước vào cõi đức.

Biết có xa do gần, cho nên người quân tử muốn tiến lên Hình nhi thượng phải đi qua Hình nhi hạ; tức là muốn bước vào thế giới linh thánh, phải giữ đạo nhân luân (đại kinh, đại bản). Biết rằng phong thái do tự căn cốt, cho nên người quân tử phải đôn đốc lòng nhân hậu ở trong lòng để có một dáng vẻ bề ngoài (phong thái) tử tế, ung dung, thảnh thơi. Biết rằng điều tế vi sẽ hiển hiện ra ngoài, cho nên người quân tử luôn luôn giữ cái tâm trong sáng; bởi vì có tâm trong sáng không tì ố thì ngoại diện sẽ có nét thanh tao thư thái.

Biết được những điều ấy là đã bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cõi đạo. Làm được những điều ấy thì trở nên thánh nhân.

Để xác chứng cho tư tưởng này, Tử Tư lại trưng dẫn Kinh Thi: “Tiềm tuy phục hỹ, diệc khổng chi chiêu”: Ẩn náu trong nước tuy là nấp kín, mà cũng hiện rõ tỏ tường.

Những điều kín đáo ẩn sâu trong lòng, người phàm tưởng là tuyệt mật, nhưng thực ra vẫn hiện ở ngôn ngữ, cử chỉ, chẳng giấu được người tinh tường; chẳng khác gì con cá lặn trong nước (tiềm, phục) không thể qua mắt người săn tìm. Vì vậy, người quân tử phải tự xét mình luôn, không có lỗi lầm sẽ không tự thẹn. Đó là cái chỗ mà người quân tử hơn người phàm; người phàm không thấy được chỗ ấy. Còn thấy mình tự thẹn, ấy là người quân tử biết mình chưa đạt đạo quả thánh nhân (Quân tử chi sở bất khả cập.)

Trong chương cuối này, Tử Tư muốn nhắc nhở người học đạo nhớ lại điểm cốt yếu ở chương đầu. Đó là: con đường tâm đạo phải chú trọng tới “thận độc”.

Ông trưng dẫn Kinh Thi: “Tướng tại nhĩ thất, thượng bất quí vu ốc lậu”: Xem ở nhà ngươi, hãy chuộng điều gì mà không thẹn ở góc nhà tây bắc.

Góc nhà tây bắc là nơi vắng vẻ nhất trong nhà, ít khi có người lui tới (vì sợ bị hao thoát, bệnh hoạn); nhưng chính tại nơi đó, Trời lại để “con mắt siêu nhiên” ngó nhìn.[164] Vì thế, càng ở những nơi kín đáo vắng vẻ, người quân tử lại càng phải đề cao cảnh giác, cẩn thận giữ mình (thận độc).

Nếu người quân tử có thói quen gìn giữ tâm tính lúc nào cũng thánh thiện, thì tự nơi người quân tử sẽ tỏa ra những luồng năng lượng tốt lành, thanh tịnh, sáng láng… đến nỗi, không cần làm bất cứ điều gì (bất động) mà mọi người nhìn thấy bóng dáng là phải tỏ niềm tôn kính, không cần nói một câu nào cả, mọi người cũng hết lòng tin cậy. Đó là kết quả to lớn của công phu “thận độc” nơi người quân tử . Điều này đã được gợi ra ở chương đầu sách Trung Dung, nhưng ở chương cuối này, Tử Tư mới nói rõ công năng.

Tâm đạo không chỉ riêng gây ơn ích cho người quân tử tu đạo mà thôi, nó còn gây ảnh hưởng to lớn trong dân chúng và khắp cả thiên hạ nữa. Kinh Thi nói: “Tấu cách vô ngôn, thời mỵ hữu tranh”: Tiến lên dâng lễ mà không nói, bấy giờ không có sự tranh cãi.

Câu này có ý nói rằng đường lối của tâm đạo thì lặng lẽ, không ồn ào náo nhiệt; chẳng khác gì khi tiến dâng lễ vật trên tế đàn, không dùng ngôn ngữ gì cả mà mọi người đều đồng tâm hiệp ý, không hề có sự cãi cọ, tranh giành. Đó là cách thức giáo dục tuyệt diệu mà Lão tử đã từng nhắc tới:

“Thị dĩ thánh nhân,

Xử vô vi chi sự,

Hành bất ngôn chi giáo.”

 

Vậy nên bậc thánh nhân,

Cư xử theo cách làm vô vi,

Vận dụng không lời mà dạy dỗ.

(Đạo đức kinh: chương 2).

Đây cũng là đường lối mà Khổng tử ao ước sử dụng vào lúc cuối đời: “Dư dục vô ngôn.” (Ta muốn không nói.)

Bởi vì dùng lời nói để giáo hóa là chuyện bình thường của người đời; và công dụng của nó cũng bình thường: lời nói thì nhiều, hiệu quả giáo hóa thì ít! Còn dùng lối “không lời” (vô ngôn) để giáo hóa là cách phi thường của bậc thánh nhân, hiệu quả của nó sẽ gấp bội. Dùng lối “không lời” tức là chỉ dùng bản thân mình như một tấm gương sáng cho mọi người soi chung và cảm nghiệm. Như thế, người quân tử bậc thầy sẽ không cần khen thưởng gì hết, chỉ chiếu tỏa ra quanh mình một luồng sóng lặng lẽ, dịu dàng, đáng mến, đáng trọng… khiến cho dân chúng tâm phục, cảm thấy như tiếp được lời khuyên bảo, rồi lại khuyên bảo lẫn nhau. Do đó, không cần tỏ sự giận dữ với trăm thứ hình phạt mà dân chúng còn kinh sợ hơn dao búa.

Cũng trong chiều hướng giáo hóa vô ngôn này, Tử Tư đã nhắc tới câu Kinh Thi ca ngợi đức độ của Văn Vương: “Bất hiển duy đức, bách tích kỳ hình chi”:

Chỉ có đức không lộ ra, trăm vua chư hầu đều theo phép thường. Chính nhờ cái đức tiềm tàng, đôn hậu ấy (bất hiển duy đức) mà Văn vương đã cảm hóa được hàng trăm vua chư hầu, khiến cho họ đều theo phép thường, không dám tung hoành càn dở. Như thế là tâm đạo đã có khả năng gây ảnh hưởng tốt trên khắp cả thiên hạ. Do đó, người quân tử trị nước cứ dốc lòng cung kính, súc tích nhân đức trong lòng cũng có thể làm cho thiên hạ được thái bình.

Trong nỗ lực triển khai tâm đạo này, Tử Tư còn trích dẫn một câu Kinh Thi, có lẽ phải khiến cho các độc giả quen đọc Cựu Ước và Tân Ước ngày nay phải kinh ngạc: “Dư hoài minh đức, bất đại thanh dĩ sắc.”

Theo Kinh Thi, đây là lời của Trời (Thượng đế) phán cùng Văn vương; có nghĩa là: “Ta nhớ đức sáng, không cần lớn tiếng, không cần dung mạo.” (Kinh Thi: Đại nhã, Hoàng hỹ).

Thế là không riêng gì Kinh Thánh có lời Chúa Trời phán mà cả kinh Thi cũng có nữa. Lý do là ở đâu có lòng thanh khiết, có lòng thành khẩn, ở đấy có Trời khải thị.

Chính cái đức sáng phát huy mới đẹp lòng Trời, chính cái đức sáng mới làm cho con người nên thánh thiện, nên giống Trời, và có khả năng giáo hóa xã hội; chứ không phải to tiếng ồn ào thuyết giảng, hay không phải dung mạo mỹ miều, trịnh trọng hoặc lễ vật cầu kỳ.

Trong ngôn ngữ thuộc văn hóa Do Thái, chúng ta có thể thấy quan điểm này của Trời được đặt trong nhiều câu Kinh Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Tuy nhiên, đây là bài tiêu biểu nhất do tiên tri Amos nói:

“Ta ghét, Ta từ lễ lạc của các ngươi,

Hội hè của các ngươi Ta không ngửi được.

Khi các ngươi thượng tiến lễ thượng hiến…

Lễ cúng của các ngươi, Ta không nhận.

Lễ kỳ an, các ngươi tế bò nẫy, ta không ngó đến

Hãy xua đi xa ta, ca vãn om sòm của ngươi,

Ngươi tấu nhạc đàn ca, Ta sẽ không nghe.

Nhưng công lý hãy cuồn cuộn như nước,

Và đức nghĩa như khe nước chảy kinh niên.”

(Amos: 5, 21-14).

Công lý” và “đức nghĩa” mà Chúa trời muốn được thấy chảy cuồn cuộn như khe nước kinh niên ấy chính là những đức hạnh thoát thai từ “minh đức” (đức sáng), tức là từ “thiên mệnh” trong con người, nói theo ngôn ngữ nhà nho Đông phương. Những đức hạnh ấy rất cần cho xã hội ổn định, nhân loại thái bình. Ý tứ trong câu Kinh Thi “bất đại thanh dĩ sắc” (không cần lớn tiếng, không cần dung mạo) cũng là ý tứ trong những câu Kinh thánh trên.

Trời “không cần lớn tiếng” tức là không thích nghe “ca vãn om sòm, tấu nhạc đàn ca”.

Trời “không cần dung mạo” tức là không cần “lễ vật, bò nẫy”.

Do Thái và Viễn Đông là hai nền văn hóa có những nét khác nhau, cho nên ngôn ngữ và cách diễn tả có khác nhau. Tuy nhiên, ý tứ chính trong câu Kinh Thi trên và bài Kinh Thánh của Amos giống như nhau. Đó là: Trời (Thượng đế) không ưa những kẻ thờ phụng Ngài bằng môi miệng, bằng hình thức bên ngoài như lễ vật, phẩm phục, âm thanh ca xướng… Ngài chỉ muốn người ta làm lành, lánh dữ, yêu thương tha nhân, thực hiện công bằng xã hội, tức là luôn luôn có “minh đức” tỏa sáng trong tâm hồn. Giữ cho tâm hồn luôn luôn có “minh đức” tỏa sáng, đó là “thờ phụng Cha trong tinh thần và chân lý” theo như lời Đức Giêsu nói trong Tin Mừng Gioan vậy. (Gioan : 4, 23).

Ở một nơi khác, tiên tri Amos đã nói rõ hơn ý định của Chúa Trời (Yavê Thiên Chúa) như sau:

“Hãy tìm sự lành, chứ đừng tìm sự dữ ngõ hầu các ngươi được sống. Ước gì, như thế, Yavê Thiên Chúa các cơ binh ở với các ngươi, như các ngươi đã nói. Lo ghét sự dữ và mến điều lành. Đề cao công lý nơi công môn.”

(Amos : 5, 14-15).

Trong đạo thống xuyên suốt lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây ấy, khi áp dụng vào việc giáo hóa dân chúng, Khổng tử cũng đồng quan điểm với câu Kinh Thi trên: “Phải dùng tiếng nói và dung mạo (hay hình sắc) để giáo hóa dân, ấy là ngọn vậy.” (Thanh sắc chi ư dĩ hóa dân, mạt dã.)

Vì là biện pháp “ngọn”, cho nên kết quả của nó không được bao nhiêu. Phải biết dùng “đức” hóa dân mới là biện pháp căn bản có mãnh lực rộng rãi và lâu dài.

Đức là một năng lực siêu hình; do đó có sức mạnh tiềm tàng, có sức lan tỏa bao la. Vì cần phải diễn tả cho dân chúng dễ hiểu, cho nên Kinh Thi đã nói: “Đức thù như mao”: Đức nhẹ như sợi lông. Thực ra, dùng sợi lông mà hình dung “đức” chẳng qua là gắng gượng miêu tả; bởi vì sợi lông tuy nhỏ bé, nhưng vẫn còn có (Mao du hữu luân). Nói cho đúng hơn, “đức” thuộc về năng lượng của Trời cao, không phải khối lượng, không thể hình dung được. Đức là “sức chứa trữ của Trời cao, không tiếng, không hơi” (Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú), cho nên có khả năng vô cùng vô tận.

Tóm lại, Trung dung là một quyển sách quan trọng bậc nhất trong bộ Tứ Thư của Nho giáo nói về đạo Trung dung bao gồm: nhân đạo, thánh đạo thiên đạo.

Nhân đạo thì nói đến đạo làm người trong gia đình, xã hội và cũng nói đến đạo trị nước, trị dân khiến cho thiên hạ thái bình.

Thánh đạo nói đến đức chí thành làm cho phàm nhân trở nên thánh nhân.

Thiên đạo nói đến thánh nhân sánh với trời đất, cùng tham gia vào việc hóa dục vạn vật.

Mặc dầu nội dung sách đề cập đến nhiều vấn đề nhưng từ đầu chí cuối đều triển khai một lý duy nhất: đó là nhân đạo, thánh đạo đều nằm trong thiên đạo. Thiên đạo lại là tâm đạo.

Khởi đầu nói đến thiên mệnh; bàn ra thì đạo ấy rộng rãi bao la, cao đến tận trời, sâu đến đáy vực; nhưng cuối cùng đạo ấy lại thu về sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người là minh đức. Minh đức ở chương cuối lại là một tên khác của thiên mệnh ở chương đầu.

Vì thế, trong phần mở đầu sách, Chu Hy đã nói:

“Sách ấy, những lời ban đầu nói đến một lý duy nhất, ở đoạn giữa trải ra muôn việc, phần cuối lại kết hợp thành một lý duy nhất. Mở rộng ra thì đầy sáu cõi, thu lại thì lui vào ẩn náu nơi kín đáo”…

(Chu Hy chương cú).

Câu này quả đã thu tóm toàn thể các chương sách Trung Dung.

Mở đầu sách nói về thiên mệnh, kết thúc sách lại nói: “Thượng thiên chi tải, vô thanh, vô xú.”

Điều đó chứng tỏ một cách rốt ráo rằng: Đạo Trung dung vốn là thiên đạo. Vì là thiên đạo cho nên ở trong chương cuối mới có những câu Kinh Thi nhắc nhở đến đạo thống tiềm tàng trong các nền tư tưởng lớn của nhân loại như Nho giáo, Lão giáo, Công giáo (và cả trong Ấn giáo, nếu chúng ta hiểu chữ Dư trong câu “Dư hoài minh đức” là Brahman, và hiểu minh đức là Atman).

Đó là chỗ diệu kỳ của sách Trung Dung, khó lòng nói hết!

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x