Trang chủ » Trung Dung – Chương 9

Trung Dung – Chương 9

by Hậu Học Văn
240 views

CHƯƠNG 9

Đức Khổng nói: “Thiên hạ, các chư hầu có thể bình trị được; chức tước bổng lộc có thể khước từ được; gươm giáo sáng quắc có thể giẫm lên được; đạo trung dung không thể làm nổi vậy.”

Trên đây là chương thứ chín.

BÌNH GIẢI:

Các vua hoặc các lãnh tụ quốc gia có đầy đủ nhân, trí, dũng có thể qui tụ được các kẻ sĩ tài tuấn, có thể nhiếp phục được các ác bá, có thể làm cho dân chúng mến mộ; cho nên có thể làm cho thiên hạ, đất nước bình trị. Bằng chứng là vào đời Nghiêu Thuấn (thượng cổ Trung hoa), thiên hạ được thái bình thịnh trị. Kinh thư đã chép về vua Nghiêu như sau:

“Rằng: xét đời xưa, Vua Đế Nghiêu đáng khen là “phóng huân” nghĩa là công nghiệp rất to tát. Nói về đức tính thì cung kính, thông minh, văn chương rõ rệt, ý tứ sâu xa, tự nhiên mà không miễn cưỡng. Lại hay kính cẩn khiêm nhường, đức trạch khắp bốn cõi, đến cả trên trời, dưới đất. Thịnh đức biết là nhường nào!

“Hay tỏ đức tốt để thân với người trong họ chín đời. Các người trong họ chín đời hoà mục rồi, ngài tỏ đức tốt cho cả trăm họ (dân trong hạt). Trăm họ sáng tỏ rồi, ngài hoà hợp cả đến muôn nước chư hầu. Bấy giờ, nhân dân trong thiên hạ đều hoà vui, bỏ điều ác mà làm điều thiện.”

(Kinh Thư: Nghiêu điển, 1-2. Bản dịch của Thẩm Quỳnh.

Còn về vua Thuấn, Kinh Thư chép:

“Rằng: xét đời xưa, vua Đế Thuấn, đáng khen là có đức tươi sáng giống vua Nghiêu. Tính thâm trầm mà khôn, văn vẻ mà sáng suốt, ôn hoà mà cung kính, thật thà mà chất thực. Bốn đức u tiềm ấy đến tai vua Nghiêu! Bèn trao cho ngôi vua.

“Vua Thuấn cẩn thận thi hành mục luật 5 đạo thường (ngũ điển) thì 5 đạo thường thuận tiện cả. Điều khiển trăm quan, trăm quan làm việc trôi chảy cả. Khi tiếp tân ở bốn cửa: đông, tây, nam, bắc, trong kinh thành, thì các nước chư hầu ở bốn phương hoà mục cả. Khi đi trị thủy, vào rừng dưới núi, gặp lúc gió to, có sấm mưa, vua Thuấn không sợ hãi mà rối trí.”

(Kinh Thư: Thuấn điển, 1-2).

Chẳng riêng thời Nghiêu Thuấn, xét trong lịch sử nhân loại, thời nào có minh quân cai trị thì trăm họ đều được an bình, đất nước tương đối ổn định.

Chỉ ở trong thời hôn ám, do các lãnh tụ thất đức cầm quyền, nhân trí dũng suy kém thì chính sự mới rối loạn, quan lại trở nên tham nhũng. Bấy giờ bọn tiểu nhân có cơ hội ngoi lên, khiến kẻ sĩ quân tử chán chường, tìm nơi ẩn náu; do đó thiên hạ quốc gia mới suy vong.

Như thế việc bình trị thiên hạ không phải là khó lắm.

Còn tước lộc tuy có quí thật, nhưng đối với những kẻ sĩ giàu đức hạnh, họ cũng dễ dàng từ bỏ.

Ngoài ra, gươm giáo tuy sắc thật, dễ dàng lấy mất mạng người, nhưng không thiếu những dũng sĩ can trường, mà bất cứ thời nào cũng có, sẵn sàng giẫm đạp lên.

Riêng đối với đạo Trung dung, người ta khó lòng làm nổi là vì đâu?

Ở phần trên, chúng ta đã bàn tới đạo Trung dung cao siêu, khó tìm, khó theo; ở đây chúng ta hãy tìm hiểu kỹ hơn.

Trung dung là một đạo thống nối liền trời và đất; một đầu mối thông với Thực tại thường hằng (Thượng đế), đầu mối còn lại thông với cõi người ta. Muốn theo đạo Trung dung, phải “tận kỳ tính” (làm cho rốt ráo cái tính bản nhiên) mới đạt tới thiên mệnh (dĩ chí ư mệnh). Tới thiên mệnh là thông với Trời, là trung; “hoà” với tha nhân là thông với cõi người ta, là nối liền với đất.

Cửa ngõ vào đạo Trung dung lại ở sâu trong lòng mình, tìm ở ngoài không thấy. Vua Thuấn đã từng nhắn nhủ vua Vũ: “Duy tinh duy nhất, doãn chấp quyết trung: Phải giữ lòng tinh thuần, chuyên nhất mới giữ chắc được đạo trung.” (Kinh Thư: Đại vũ mô).

Trước đó, vua Nghiêu dặn dò vua Thuấn: “Thiên chi lịch số tại nhĩ cung, doãn chấp kỳ trung. 天之曆數在爾躬,允執其中。” (Lịch số của Trời ở chính ngươi, nên thành thực giữ đạo trung trong ngươi.) (Luận ngữ: Nghiêu viết, 1).

Đó là lý do tại sao Trung dung lại khó thi hành như vậy.

Để tiến tới đạo Trung dung, người ta phải bước vào đức nhân. Trong Khổng môn, con người thiết tha với đạo Trung dung nhất là Nhan Hồi cũng chỉ mới đứng trong đức nhân được ba tháng. Đức Khổng nói: “Hồi dã, kỳ tâm tam nguyệt bất vi nhân. Kỳ dư, tắc nhật nguyệt chí yên nhi dĩ hỹ – 回也,其心三 月不違仁,其餘,則日月至焉而已矣。 (Trò Hồi, trong ba tháng, lòng chẳng lìa đức nhân. Còn lại, kẻ thì giữ được một ngày, một tháng mà thôi.” (Luận Ngữ: Ung dã, 5).

Chữ nhân là đức nhân () ghép bởi bộ nhân () chỉ con người và chữ nhị () là số hai. “Hai” vừa nói lên mối liên hệ thông giao giữa trời (thiên) với đất (địa), vừa nói lên mối tương giao giữa người với người. Để thành tựu đức nhân, người ta phải thực hiện được hai mối liên hệ và tương giao ấy.

Đức nhân có nhiều cấp độ từ thấp lên cao. Tùy theo trình độ của mỗi đệ tử mà Khổng tử dạy về đức nhân khác nhau. Phàn Trì hỏi nhân, Khổng tử nói: “Ái nhân: yêu người”. Trọng Cung hỏi nhân, Khổng tử nói: “Xuất môn như kiến đại tân, sử dân như thừa đại tế; kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân: Ra cửa như tiếp khách lớn, trị dân như làm lễ tế lớn, điều gì mình không muốn, đừng làm cho người.” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, 2)

Nhan Hồi hỏi nhân. Khổng tử nói: “Khắc kỷ, phục lễ vi nhân: chinh phục lấy mình, theo thiên lý là nhân” (Luận Ngữ: Nhan Uyên, 1) “Khắc kỷ”, nói theo ngôn ngữ Tân Ước là “Bước vào Cửa hẹp”, tức là tránh vong thân, không để cho dục vọng lôi cuốn. “Phục lễ” là sống theo tiết điệu uyên nguyên của trời đất, là sống theo thiên lý.

Dù hiểu theo nghĩa thấp hay cao, đức nhân vẫn là đầu mối các điều thiện. Sống trong đức nhân, con người được an vui, tâm hồn thanh thản, trí khôn sáng suốt; và do đó, hiểu rõ sự lý trong thiên hạ, trong trời đất.

Chính vì thường xuyên đứng trong đức nhân ba tháng mà Nhan Hồi học ít hiểu nhiều, Khổng tử nói điều gì cũng hiểu, không cần thắc mắc.

Cuộc đối thoại giữa Khổng tử và Tử Cống cho biết điều này: “Tử vị Tử Cống viết: “Nhữ dữ Hồi dã, thực dũ? Đối viết: “Tứ dã, hà cảm vọng Hồi? Hồi dã, văn nhất dĩ tri thập. Tứ dã, văn nhất dĩ tri nhị.” Tử viết: “Phất như dã. Ngô dữ nhữ phất như dã.” (Đức Khổng tử bảo Tử Cống rằng: “Nhà ngươi cùng với Hồi, ai hơn?” Đáp rằng: “Tứ này sao dám mong bằng Hồi? Hồi nghe một thì biết mười, Tứ này nghe một chỉ biết đến hai.” Đức Khổng tử nói: “Chẳng bằng. Ta cùng với nhà ngươi chẳng bằng vậy.”) (Luận Ngữ: Công dã Tràng, 8).

Người đứng trong đức Nhân tức là giữ đúng sứ mệnh Tài Nhân trong Tam Tài (Thiên Địa Nhân); đó là con người hội thông giao hoà hai năng lực càn khôn (Thiên Địa), là sứ giả đặt mối liên hệ giữa ý Trời và ý người, là gạch nối giữa siêu nhiên giới và hiện tượng giới (thế giới hữu hình).

Nhan Hồi là một đệ tử trong Khổng môn đã ở trong đức Nhân được ba tháng liền; vậy còn Khổng tử, vị thầy của Khổng môn thì sao?

Sách Luận Ngữ không nói rõ điều này, nhưng chúng ta có thể luận ra.

Khổng tử đã từng nói: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ (Đức Khổng tử nói: “Ta mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi thì vững vàng, bốn mươi tuổi thì không ngờ vực, năm mươi tuổi thì biết mệnh trời, sáu mươi tuổi thì nghe theo, bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt qua khuôn phép.) (Luận Ngữ: Vi chính, 4)

Khổng tử nói những lời này với các đệ tử hẳn là sau tuổi bảy mươi, vào lúc ngài sắp từ trần (ngài hưởng thọ 73 tuổi). Căn cứ vào đây, chúng ta nhận thấy rằng: Khổng tử chuyên chú vào việc học, cả kiến thức lẫn đạo lý, ở lứa tuổi mười lăm. Thăng tiến đều đặn, tâm trí vững vàng, hết bị nghi ngờ, hết bị mê hoặc; đến tuổi năm mươi Ngài hiểu Thiên mệnh, tức là ngài đã noi theo tính (suất tính) mà sinh hoạt, hành động; đồng thời ngài cũng hiểu được đạo Trời lưu hành trong thiên hạ. Do đó, tới tuổi sáu mươi, với tâm trí khai phóng, ngài hiểu rành mọi sự lý. Tới tuổi bảy mươi, ngài thành tựu đạo trung dung, suy nghĩ, mong muốn điều gì cũng không ra ngoài thiên lý, nghĩa là ngài bắt đầu bước chân vào bến bờ toàn thiện.

Thực hành đạo trung dung là trở về cội nguồn chân lý, là trở về với cái Một diệu huyền, từ đó mà quán thông tất cả. Khổng tử sở dĩ hiểu biết nhiều là vì đã đạt tới nguồn mạch này. Lời đối thoại giữa Khổng tử và Tử Cống sau đây đã nói lên điều đó.

Tử viết: “Tứ dã, nhữ dĩ dư vi đa học nhi chí chi giả dư?” Đối viết: “Nhiên. Phi dư?” Viết: “Phi dã, dư nhất dĩ quán chi. Đức Khổng Tử nói: “Này trò Tứ, ngươi cho rằng ta học nhiều mà hiểu biết thấu đáo đấy chăng?” Đáp rằng: “Đúng vậy. Chẳng phải thế sao?” Trả lời: “Chẳng phải thế. Ta lấy một mà thông suốt hết.” (Luận Ngữ: Vệ linh công, 2).

Con đường thực hiện đạo trung dung của Khổng tử ở đây cũng chính là cái học của Lão tử trong Đạo đức Kinh:

Bất xuất hộ, tri thiên hạ; bất khuy dũ, kiến Thiên đạo. Kỳ xuất di viễn, kỳ tri di thiểu.

Thị dĩ thánh nhân: bất hành nhi tri, bất kiến nhi danh, bất vi nhi thành.

 

Không ra khỏi nhà, mà biết việc thiên hạ; không nhìn qua cửa sổ, mà thấy đạo Trời. Càng ra xa, càng biết ít.

Vì vậy, thánh nhân không đi mà biết, không thấy mà rõ, không làm mà nên.

(Đạo đức Kinh: chương 47)

Để đạt được thành quả như Khổng, Lão, người theo đạo trung dung phải thành tâm thiện chí, phải dày công tu tập, bảo sao người đời không khó lòng mà thực hiện được!

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x