Trang chủ » Tự do

Tự do

by Trung Kiên Lê
92 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Chúng tôi đã tuyên bố rằng ngoài ý nghĩa là hoạt động thì từ karma, về phương diện tâm lý, còn bao hàm quan hệ nhân quả. Bất kỳ việc làm nào, bất kỳ hành động nào, bất kỳ tư tưởng nào cũng đều tạo ra hiệu ứng gọi là karma.

Do đó, luật karma có nghĩa là luật nhân quả, chỉ mối tương quan không thể tránh được giữa nhân và quả. Bất cứ nơi nào có nhân thì phải sinh ra quả, không thể cưỡng lại tính tất yếu này, và luật nhân quả này, theo nền triết học của chúng tôi, là chân thực xuyên suốt cả vũ trụ này.

Bất cứ những gì ta thấy, hay cảm thụ, hay làm, bất cứ hành động nào diễn ra ở bất cứ nơi đâu trong vũ trụ – trong khi một mặt thì nó là quả của hành động trong quá khứ – còn mặt khác thì đến lượt nó, nó sẽ trở thành nhân, và tạo nên quả của chính mình.

Cùng với điều này, cần phải xét xem từ “định luật” có ý nghĩa gì. Từ “định luật” ở đây có nghĩa là xu hướng của một loạt những sự kiện tự nó lặp đi lặp lại.

Khi ta thấy một sự kiện được nối tiếp bởi một sự kiện khác, hoặc xảy ra đồng thời với một sự kiện khác, thì ta mong đợi xảy ra kết quả hay hiện tượng cộng tồn. Những nhà luận lý học và triết gia cổ đại thuộc học phái Nyāya của chúng tôi gọi định luật này bằng cái tên vyāpti.

Theo họ, mọi quan niệm của chúng tôi về định luật đều do sự kiên kết. Một loạt các hiện tượng được nối kết với những sự vật trong tâm trí chúng ta theo một trật tự bất biến, do đó, bất cứ sự vật nào mà chúng ta nhận thức tại bất kỳ thời điểm nào cũng lập tức được quy chiếu với những dữ kiện khác trong tâm trí.

Theo môn tâm lý học của chúng tôi thì bất cứ ý tưởng nào, bất cứ một làn sóng nào được tạo ra trong tâm – hay chitta – cũng phải luôn luôn kích hoạt nhiều làn sóng tương tự khác nổi dậy.

Đó là quan điểm tâm lý về sự liên kết, và luật nhân quả chỉ được xem như là một khía cạnh của nguyên lý liên kết vĩ đại phổ biến này. Trong tiếng Sanskrit thì sự liên hết phổ biến này được gọi là vyāti.

Trong thế giới ngoại tại, quan niệm về định luật cũng tương tự như trong thế giới nội tâm – mong chờ một hiện tượng đặc biệt nào đó sẽ được tiếp nối bởi một hiện tượng khác, và một chuỗi các hiện tượng đó tự nó cứ lặp đi lặp lại. Bởi vậy, nói một cách nghiêm túc thì định luật này không tồn tại trong tự nhiên.

Thật là sai lầm khi nói rằng luật hấp dẫn tồn tại trong trái đất, hoặc có một định luật nào đó tồn tại một cách khách quan tại một nơi nào đó trong tự nhiên. Định luật là phương pháp, là cách thức mà tâm trí chúng ta nắm bắt một loạt các hiện tượng, tất cả đều ở trong tâm trí.

Một số hiện tượng nào đó xảy ra lần lượt hoặc đồng thời, và chắc chắn diễn ra một cách đều đặn, như thế là giúp tâm trí chúng ta nắm bắt được phương thức hoạt động của toàn bộ chuỗi các hiện tượng, điều đó được giải thích bằng cái mà chúng ta gọi là định luật.

Vấn đề cần xét tiếp theo là cái mà chúng ta cho là tính phổ quát của định luật. Vũ trụ của chúng ta là một phần của Tồn Tại, được quy định bởi cái mà các triết gia Sanskrit gọi là deśa-kāla-nimitta, hoặc được phương Tây biết đến như là không gian, thời gian, và quan hệ nhân quả.

Điều tất yếu kéo theo là định luật này chỉ có thể vận dụng trong một vũ trụ được quy định, vượt ra ngoài vũ trụ đó thì không thể còn định luật nào nữa.

Khi nói về vũ trụ thì chúng ta chỉ nói đến một phần của Tồn Tại được giới hạn bởi tâm trí ta – một vũ trụ khả giác, mà chúng ta có thể thấy, cảm nhận, sờ mó, nghe, nghĩ tới, và hình dung được.

Chỉ có thế giới đó mới nằm trong ảnh hưởng của định luật, nhưng vượt ra ngoài thế giới đó thì Tồn Tại không thể bị chi phối bởi định luật này, bởi vì luật nhân quả không thể vươn rộng ra khỏi thế giới tâm trí chúng ta.

Bất cứ thứ gì nằm ngoài phạm vi tâm trí và giác quan của chúng ta đều không còn bị ràng buộc bởi luật nhân quả, bởi vì không có mối liên kết giữa sự vật trong cảnh giới vượt ngoài giác quan, và không thể có luật nhân quả nếu không có sự liên kết giữa các ý tưởng.

Chỉ khi nào Hằng Hữu hoặc Tồn Tại bị đóng khung trong phạm vi danh sắc thì nó mới tuân theo luật nhân quả, và ta nói rằng nó chịu sự chi phối của luật này – bởi vì phần tinh túy của mọi định luật đều nằm trong quan hệ nhân quả.

Bởi vì ta thấy ngay rằng không thể có một cái bất kỳ nào đó như là ý chí tự do, ngay cả từ ngữ đã là sự mâu thuẫn rồi, bởi vì ý chí là cái chúng ta biết được, và tất cả những gì chúng ta biết được đều nằm trong vũ trụ của ta, và tất cả những gì nằm trong vũ trụ của ta đều bị đóng khung theo những quy định của không gian, thời gian và quan hệ nhân quả.

Tất cả những sự vật mà chúng ta biết, hoặc có thể biết, đều chịu sự chi phối của luật nhân quả, và những gì tuân theo luật nhân quả thì không thể tự do.

Nó bị tác động bởi những tác nhân khác, rồi đến lượt mình, nó lại trở thành nhân.

Nhưng cái được chuyển biến thành ý chí – cái mà trước đó không phải là ý chí, chỉ do bị rơi vào cái khung không gian, thời gian và luật nhân quả mà biến thành ý chí con người – thì cái đó được tự do, và khi ý chí thoát ra khỏi cái khung không gian, thời gian và luật nhân quả thì nó sẽ tự do trở lại.

Từ tự do nó đến, rồi bị đóng khung trong vòng trói buộc, nó thoát ra và quay về lại với tự do. Câu hỏi được nêu ra là: vũ trụ này từ đâu tới, nó nghỉ ngơi trong cái gì, rồi đi về đâu? Câu trả lời là: từ tự do nó đến, nó nghỉ ngơi trong tự do và quay về lại với tự do.

Bởi vậy, khi ta nói về con người như thể không nói về ai khác hơn ngoài đấng Vô Biên đang tự thân hiển lộ trong người đó, thì ý chúng ta muốn nói rằng chỉ một phần rất nhỏ trong anh ta là con người, phần thể xác và tâm trí, mà chúng ta thấy được, chỉ là một phần của cái toàn thể, chỉ là một dấu chấm trong Hằng Hữu Vô Biên.

Toàn thể vũ trụ này chỉ là một đốm nhỏ của Hằng Hữu Vô Biên, và tất cả những định luật của chúng ta, tất cả những vui buồn, tất cả những niềm hạnh phúc và hy vọng của chúng ta cũng chỉ nằm trong phạm vi của cái vũ trụ nhỏ bé này mà thôi.

Chúng ta cùng tất cả sự tiến bộ và thoái bộ của chúng ta đều nằm trong phạm vi nhỏ bé của nó.

Bởi vậy các bạn thấy rằng chờ đợi sự liên tục của vũ trụ này – tức sự sáng tạo của tâm trí chúng ta – và hy vọng lên thiên đàng, điều đó thật là trẻ con biết mấy, vì rốt cuộc thì tất cả những điều đó cũng chỉ là sự lặp lại của cái thế giới mà chúng ta đã biết.

Các bạn thấy ngay rằng bắt toàn bộ cõi Tồn Tại Vô Biên phải thích nghi với sự tồn tại hạn hẹp và bị chi phối mà chúng ta được biết, đó là điều bất khả và ấu trĩ.

Khi một người bảo rằng anh ta sẽ có đi có lại mãi mãi cùng một sự vật mà hiện anh ta đang có hoặc, như có đôi lần tôi đề xướng, anh ta đòi hỏi một tôn giáo dễ chịu thì các bạn có thể hiểu là anh ta đã sa đọa đến mức không còn khả năng nghĩ đến điều gì cao cả hơn con người thực của anh ta lúc này, không thể nghĩ được điều gì vượt quá cái môi trường sống tẻ nhạt và vô nghĩa hiện tại.

Anh ta đã quên đi cái bản thể vô biên của mình, và toàn bộ suy nghĩ của anh ta bị đóng khung trong những thú vui, những nỗi buồn vụn vặt cùng những thói ghen tỵ trong phút chốc.

Anh ta cho rằng sự vật hữu hạn là cái Vô Biên, không những thế, anh ta còn không muốn để sự ngu xuẩn biến đi. Anh ta bám chặt một cách tuyệt vọng vào trishnā hay khát vọng sống, mà Phật giáo gọi là tanhā và tissā.

Có lẽ còn có đến hàng triệu loại hạnh phúc, hàng triệu định luật, tiến bộ và luật nhân quả khác, tất cả đều đang tác động bên ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà chúng ta biết, và sau cùng thì tất cả những thứ đó cũng chỉ gồm một phần trong bản thể vô biên của chúng ta.

Để đạt đến tự do, chúng ta phải vượt quá giới hạn của vũ trụ này, tự do không thể tìm thấy được ở nơi đây.

Sự quân bình hoàn hảo, hay cái mà các tín đồ Cơ Đốc giáo gọi là sự bình an thông qua mọi sự hiểu biết, không thể có được trong vũ trụ này, cũng không có ở thiên đàng hay bất kỳ nơi nào mà tâm trí và tư tưởng chúng ta có thể đến được, giác quan có thể cảm thụ được hoặc trí tưởng tượng có thể hình dung được.

Không một nơi nào như thế có thể đem đến cho chúng ta sự tự do, bởi vì tất cả những nơi như thế đều nằm trong phạm vi của vũ trụ chúng ta, và chúng đều bị giới hạn bởi không gian, thời gian và luật nhân quả.

Có những chốn còn siêu nhiên thoát tục hơn cõi trần gian của chúng ta với những niềm vui có thể còn tinh tế hơn, nhưng ngay cả những chốn đó cũng phải nằm trong vũ trụ này, và do đó, phải chịu ràng buộc theo định luật.

Bởi thế, chúng ta phải vượt ra đến chốn bên kia, và tôn giáo chân chính bắt đầu nơi mà cái vũ trụ nhỏ bé này chấm dứt. Những vui buồn vụn vặt cùng tri thức về sự vật kết thúc ở đó, và thực tại khởi đầu.

Chừng nào chúng ta còn chưa từ bỏ được khát vọng sống, chưa từ bỏ được luyến cảm mãnh liệt vào cuộc sống phù du đầy trói buộc này thì chúng ta cũng không có hy vọng gì thấy được sự tự do vô biên ở cõi bên kia, thậm chí chỉ là để thấy thoáng qua.

Vậy thì hiển nhiên là chỉ có một con đường duy nhất để đạt đến tự do đó, vốn là mục tiêu cho tất cả những khát vọng cao cả nhất của nhân loại, và con đường đó là từ bỏ cuộc sống nhỏ nhen này, từ bỏ cái vũ trụ nhỏ bé này, từ bỏ trần gian này, từ bỏ thiên đàng, từ bỏ thân xác, từ bỏ tâm trí, từ bỏ tất cả những gì bị giới hạn và quy định.

Nếu chúng ta từ bỏ được luyến cảm với cái vũ trụ nhỏ bé của giác quan hoặc của tâm trí này thì chúng ta sẽ tự do ngay lập tức.

Con đường duy nhất để thoát ra khỏi sự trói buộc là phải vượt qua bên kia những giới hạn của định luật, vượt qua bên kia luật nhân quả. Nhưng từ bỏ luyến cảm với vũ trụ này là điều cùng cực khó khăn, ít người đạt được. Có hai cách được nhắc đến trong những kinh sách của chúng tôi.

Một cách được gọi là “Neti, neti” (không phải cái này, không phải cái này), cách kia gọi là “iti” (cái này), cách trước thì tiêu cực, còn cách sau thì tích cực. Cách tiêu cực là cách khó nhất.

Chỉ có những người có tâm trí cao siêu, ý chí phi thường mới có thể đứng lên một cách bình dị và nói: “Không, tôi không muốn có thứ này”, thế là tâm trí và thể xác đều tuân phục theo ý chí họ, và họ thoát ra ngoài một cách thành công. Nhưng những người như thế rất là hiếm.

Phần lớn nhân loại đều chọn cách tích cực, tức con đường đi qua cõi thế, lợi dụng tất cả những ràng buộc để bẻ gãy chính những ràng buộc đó.

Đây cũng là một loại từ bỏ, chỉ có điều là nó được thực hiện chậm chạp và dần dần, bằng cách biết được sự vật, hưởng thụ sự vật, nhờ đó thu thập được kinh nghiệm, và thấu hiểu bản chất sự vật cho đến khi tâm trí buông xả tất cả và trở nên vô luyến.

Con đường trước đạt đến tâm vô luyến bằng lý luận, còn con đường sau thì thông qua công việc và kinh nghiệm. Cách thứ nhất là con đường của jnāna-yoga và đặc điểm của nó là khước từ làm bất cứ việc gì; còn cách thứ hai là con đường của karma-yoga, theo đó thì ta làm việc không ngừng.

Mọi người đều phải làm việc trong vũ trụ này. Chỉ có những người hoàn toàn mãn nguyện với Chân Ngã, không còn khao khát vượt qua khỏi Chân Ngã, những người mà tâm trí không bao giờ lìa khỏi Chân Ngã, xem Chân Ngã là điều tối trọng yếu – thì chỉ những người đó mới không làm việc. Những người còn lại đều phải làm việc.

Dòng nước, theo bản tính tự nhiên của nó là chảy xuống, đổ vào một cái vũng sâu và tạo thành xoáy nước, sau một hồi chạy trong xoáy nước đó, nó lại trồi lên dưới hình thức dòng nước tự do, và trôi đi mà không hề bị ngăn trở nữa. Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng giống như dòng nước đó.

Nó đi vào cơn lốc xoáy, bị lôi cuốn vào cái thế giới của không gian, thời gian và luật nhân quả, quay cuồng một hồi, gào thét “cha tôi, mẹ tôi, tên tôi, danh tiếng tôi”, v.v…, và cuối cùng thì trồi lên khỏi cơn xoáy đó và phục hồi được tự do nguyên thủy.

Toàn thể vũ trụ này đang hoạt động theo cách đó. Dù có biết được hay không, dù có ý thức được hay không thì tất cả chúng ta cũng đều đang làm việc để thoát ra khỏi giấc mộng trần gian. Kinh nghiệm của con người trong thế gian này là để giúp họ thoát khỏi cơn xoáy đó.

Karma-yoga là gì? Là tri thức về bí quyết làm việc. Chúng ta thấy rằng toàn thể vũ trụ này đang hoạt động. Để làm gì? Để đạt được giải thoát, đạt được tự do. Từ hạt nguyên tử cho đến sinh thể cao siêu nhất, tất cả đều hoạt động vì một cứu cánh duy nhất, đó là đạt đến cảnh giới tự do cho thể xác và tinh thần.

Tất cả sự vật đều luôn luôn cố gắng để đạt được tự do, thoát khói vòng trói buộc. Mặt trời, mặt trăng, các hành tinh, tất cả đều đang cố gắng bay ra khỏi vòng trói buộc. Những lực ly tâm và hướng tâm hoạt động trong khắp vũ trụ này.

Thay vì để bị trôi dạt khắp nơi trong vũ trụ, và sau những đợt trì hoãn lâu dài và bị đánh tả tơi mới hiểu được sự vật là gì thì chúng ta hãy học hỏi từ karma-yoga bí quyết làm việc, phương pháp làm việc và năng lực tổ chức công việc.

Một số lượng năng lượng khổng lồ sẽ bị tiêu hao vô ích nếu chúng ta không biết cách lợi dụng nó. Karma-yoga tạo nên khoa học về công việc, nhờ nó, các bạn sẽ biết cách tận dụng tối đa mọi công việc trên thế gian này.

Làm việc là chuyện không thể tránh khỏi, đương nhiên là phải thế, nhưng chúng ta nên làm việc vì mục tiêu cao cả nhất. Karma-yoga khiến chúng ta chấp nhận rằng thế giới này là một cõi tạm bợ phù du, là một cái gì đó mà chúng ta phải đi qua, và giải thoát không ở nơi đây mà ở phải được tìm thấy ở bên kia.

Để tìm lối thoát ra khỏi sự trói buộc của thế gian thì chúng ta phải đi qua nó chầm chậm và chắc chắn. Có thể có những người ngoại lệ mà tôi đã nói đến, những người có thể làm kẻ bàng quan và từ bỏ thế gian, như con rắn lột xác, rồi tránh qua một bên để nhìn miếng da lột đó.

Chắc chắn là có những con người phi thường ngoại lệ, nhưng phần còn lại của nhân loại đều phải đi chầm chậm qua cái thế giới của công việc này. Karma-yoga chỉ ra tiến trình, bí quyết và phương pháp làm việc đó một cách thuận lợi nhất.

Nó dạy những gì? “Hãy làm việc không ngừng, nhưng hãy từ bỏ mọi luyến cảm với công việc”. Đừng đồng hóa bản thân các bạn với bất cứ thứ gì. Hãy luôn để tâm trí được tự do.

Tất cả những gì các bạn thấy – đớn đau và khốn khổ – chỉ là những điều kiện cần thiết của thế gian này, giàu nghèo, hạnh phúc chỉ là tạm thời, chúng không thuộc về bản tính thực của chúng ta.

Chân tính của chúng ta vượt xa khỏi khốn khổ và hạnh phúc, vượt ngoài mọi đối tượng của giác quan, vượt quá óc tưởng tượng, và các bạn phải luôn luôn làm việc không ngừng nghỉ. Khốn khổ đến là do luyến cảm chứ không phải do công việc.

Ngay khi chúng ta đồng hóa mình với công việc thì chúng ta cảm thấy khốn khổ, nhưng nếu chúng ta không đồng hóa mình với nó thì chúng ta không cảm nhận được khốn khổ này.

Nếu một bức tranh đẹp của người khác bị cháy thì ta thường chẳng thấy đau khổ, nhưng nếu đó là bức tranh của ta thì ta thấy đau khổ biết là ngần nào! Vì sao? Cả hai đều là những bức tranh đẹp, có thể đều được sao chép từ một nguyên bản nào đó, nhưng trong trường hợp này thì lại gây nhiều khốn khổ hơn trường hợp kia.

Bởi vì trong trường hợp này thì ta tự đồng hóa mình với bức tranh, còn trong trường hợp kia thì không. Cảm giác “tôi và và của tôi” này gây nên toàn bộ sự khốn cùng.

Đi cùng với cảm giác chiếm hữu là lòng vị kỷ, và lòng vị kỷ mang tới khốn khổ. Mỗi hành động hay tư tưởng mang tính vị kỷ đều khiến chúng ta cứ quyến luyến với sự vật, và ngay lập tức biến mình thành nô lệ.

Mỗi làn sóng dao động trong tâm trí – chitta – mà lên tiếng: “Tôi và của Tôi” thì lập tức tạo ngay ra một xích xiềng trói buộc, và biến chúng ta thành nô lệ. Hễ chúng ta càng nói: “Tôi và của Tôi” thì trạng thái nô lệ càng lớn mạnh, và sự khốn khổ càng gia tăng.

Bởi vậy, pháp môn karma-yoga dạy cho chúng ta cách thưởng thức vẻ đẹp của tất cả những bức tranh trên thế gian này, mà không đồng hóa bản thân mình với bất kỳ một bức nào. Đừng bao giờ nói “của tôi”. Bất cứ khi nào chúng ta nói vật đó là “của tôi” thì sự khốn khổ lập tức sẽ đến. Đừng nói “con của tôi” dù chỉ trong tâm trí.

Nếu bạn nói thế thì sự khốn khổ sẽ đến. Đừng nói “cái nhà của tôi” hay “thể xác của tôi”. Toàn bộ sự khó khăn là ở đó. Thể xác này không phải của các bạn, không phải của tôi, mà chẳng phải của bất kỳ ai.

Những thể xác này đến rồi đi theo những định luật tự nhiên, còn Linh Hồn thì cứ ung dung tự tại, đứng nhìn như một nhân chứng. Thể xác này không tự do hơn một bức tranh treo trên tường.

Vậy thì cớ sao ta lại phải quyến luyến nhiều đến thế vào thể xác này? Giả sử có một người nào vẽ bức tranh, sao anh ta lại phải quyến luyến với nó chứ? Anh phải chia tay với nó khi chết. Đừng có vươn những cái vòi vị kỷ ra: “Tôi phải chiếm hữu lấy nó”.

Ngay khi vừa làm điều đó thì sự khốn khổ sẽ bắt đầu. Do đó, karma-yoga bảo: trước hết phải hủy bỏ xu hướng vươn những cái vòi vị kỷ ra ngoài, và khi các bạn có được năng lực khống chế điều đó thì hãy ghìm nó lại, và chớ để tâm trí rơi vào làn sóng vị kỷ.

Lúc đó, các bạn có thể nhập thế, và làm việc nhiều tùy ý. Hãy lăn lộn ở bất cứ nơi đâu, hãy đi đến bất cứ chốn nào bạn thích, các bạn sẽ không bị nhiễm những điều xấu ác nữa.

Giống như lá sen trong nước, nước không thể làm ướt lá hay dính vào nó được, các bạn hãy sống như thế trong thế gian này. Điều đó được gọi là vairāgya, nghĩa là vô dục hay vô luyến cảm. Tôi tin là đã nói với các bạn rằng nếu không có tâm vô luyến thì không có bất kỳ pháp môn yoga nào.

Vô luyến cảm là nền tảng của mọi yoga. Người từ bỏ cuộc sống trong nhà với quần áo đẹp và thức ăn ngon để đi vào sống trong sa mạc, vẫn có thể là một người còn mang luyến cảm nặng nề nhất.

Vật sở hữu duy nhất của ông ta – cái xác thân đó – có thể trở thành tất cả, và trong thời gian còn sống, ông ta sẽ đấu tranh ngày đêm để giữ gìn cái thể xác của mình. Ý nghĩa của vô luyến cảm chẳng có liên quan gì đến thể xác bên ngoài của chúng ta, nó hoàn toàn nằm trong tâm trí.

Sợi dây trói buộc “Tôi và của Tôi” nằm trong tâm trí. Nếu ta không có nối liên kết ràng buộc giữa thể xác với sự vật của giác quan thì chúng ta vô luyến, cho dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều gì.

Một người có thể ngồi trên ngai vàng mà tâm hoàn toàn vô luyến, còn người khố rách áo ôm vẫn có thể mang nặng luyến cảm. Trước tiên chúng ta phải đạt được tâm vô luyến, rồi sau đó phải làm việc không ngừng nghỉ. Karma-yoga dạy phương pháp giúp chúng ta từ bỏ mọi luyến cảm, dù trên thực tế điều này rất đỗi khó khăn.

Có hai cách để từ bỏ mọi luyến cảm. Một cách dành cho người không tin vào Thượng Đế hoặc bất kỳ sự giúp đỡ nào ở bên ngoài. Họ bị bỏ mặc với những dụng cụ riêng của họ, họ chỉ làm việc bằng ý chí của chính mình, bằng năng lực của tâm trí và khả năng phân biệt, họ bảo: “Tôi phải giữ tâm vô luyến”.

Còn đối với những người tin vào Thượng Đế thì có một cách khác, dễ hơn rất nhiều. Họ phó mặc mọi thành quả lao động cho Thượng Đế, họ làm việc và không hề bận tâm đến kết quả. Tất cả những gì họ thấy, cảm nhận, nghe hoặc làm đều dành hết cho Ngài.

Đối với những việc tốt mà mình có thể đã làm, chúng ta đừng có đòi hỏi phải được khen ngợi hay có lợi ích. Nó là của đấng Chúa Tể, hãy hiến dâng hết mọi thành quả cho Ngài.

Chúng ta hãy làm kẻ bàng quan và nghĩ rằng mình chỉ là những kẻ tôi tớ vâng lời Thượng Đế, vị Chủ Nhân của chúng ta, rằng mọi sự thôi thúc dẫn đến hành động đều xuất phát từ Ngài trong từng phút từng giây.

Bất cứ những gì các bạn sùng bái, bất cứ những gì các bạn cảm nhận, bất cứ những gì các bạn làm, hãy dâng tất cả lên cho Ngài và hãy nghỉ ngơi.

Chúng ta hãy giữ tâm bình an, tuyệt đối bình an với chính mình, và hãy hiến dâng toàn bộ thể xác và tâm trí này cùng tất cả mọi thứ cho đấng Chúa Tể như là lễ vật hiến sinh vĩnh viễn.

Thay vì rót rượu lễ vào trong lửa, như trong nghi thức hiến tế, hãy thực hành nghi thức hiến sinh vĩ đại duy nhất này suốt ngày và đêm – hy sinh cái bản ngã nhỏ bé của các bạn. “Khi đi tìm sự giàu có trong thế gian này, Ngài là sự giàu có duy nhất mà tôi tìm thấy, tôi hy sinh bản thân tôi cho Ngài.

Khi đi tìm người nào đó để thương yêu, Ngài là đấng thân thương duy nhất mà tôi tìm thấy, tôi hy sinh bản thân tôi cho Ngài”.

Hãy lặp đi lặp lại câu này cả ngày lẫn đêm, và bảo: “Chẳng có việc gì đối với tôi cả, chẳng hề gì nếu như sự việc là tốt, xấu hoặc không tốt không xấu, tôi không quan tâm điều đó, tôi hiến dâng tất cả cho Ngài”.

Chúng ta hãy từ bỏ cái tựa hồ như là bản ngã của chúng ta cả ngày lẫn đêm, cho đến khi điều đó trở thành thói quen, cho đến khi nó ngấm sấu vào trong máu thịt, vào thần kinh và não tủy của chúng ta, và cả thể xác này lúc nào sẵn sàng tuân theo ý tưởng giải trừ bản ngã.

Lúc đó dù có đến giữa chiến trường, giữa tiếng bom đạn vang rền, tiếng ầm ĩ của chiến tranh, các bạn sẽ thấy mình vẫn tự do và bình thản. Karma-yoga dạy chúng ta rằng quan niệm thông thường về bổn phận nằm trên bình diện thấp hơn, tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải làm tròn bổn phận của mình.

Vậy mà chúng ta có thể thấy rằng ý nghĩa đặc biệt này của bổn phận thường là nguyên nhân gây nên bao điều khốn khổ. Bổn phận trở thành một căn bệnh đối với chúng ta, nó lẽo đẽo theo chúng ta suốt đời. Nó vồ chộp lấy chúng ta và biến cả cuộc đời chúng ta thành nỗi khốn cùng.

Đó là nguyên nhân sụp đổ của đời người. Bổn phận này, quan niệm này về bổn phận là ánh mặt trời chói chang ngày hạ, thiêu cháy nơi tận cùng sâu thẳm của linh hồn nhân loại.

Hãy nhìn những kẻ nô lệ đáng thương cho bổn phận! Bổn phận khiến họ không còn thời gian để cầu nguyện, không còn thời gian để tắm rửa, lúc nào bổn phận cũng đè nặng lên họ.

Họ rời nhà và đi làm việc, bổn phận đè nặng lên họ! Họ quay về nhà và nghĩ đến công việc của ngày hôm sau, bổn phận đè nặng lên họ! Đó là cuộc đời của một kẻ nô lệ, cuối cùng sẽ gục ngã ngoài đường, và nằm hấp hối với yên cương, như con ngựa.

Đó là bổn phận theo cách người ta hiểu. Bổn phận duy nhất là phải trở nên vô luyến cảm, và làm việc như những người tự do, phó mặc mọi công việc cho Thượng Đế. Mọi bổn phận của chúng ta là của Ngài. Chúng ta thật có phúc khi được gửi đến chốn đây.

Chúng ta phục vụ cho thời đại mình, ai biết được chúng ta thực hiện bổn phận mình tốt hay tồi? Nếu làm tốt, chúng ta đừng nghĩ đến thành quả. Nếu làm tồi, chúng ta cũng chẳng phải lo gì. Chúng ta hãy nghỉ ngơi, hãy tự do, và làm việc. Kiểu tự do này là điều rất khó đạt được.

Thật dễ dàng biết mấy khi giải thích tình cảnh nô lệ của chúng ta như là bổn phận – luyến cảm mê muội của xác thân với xác thân như là bổn phận! Con người đi vào đời và đấu tranh hoặc chiến đấu vì tiền hay vì bất cứ thứ gì mà họ quyến luyến.

Hỏi họ vì sao làm thế, họ đáp: “Đó là bổn phận”. Đó là lòng tham vô độ trước vàng bạc cùng sự thành đạt, và họ cố che lấp nó bằng một vài bông hoa. Rốt cuộc thì bổn phận là gì? Thực ra nó là luyến cảm – nghĩa là xung động của xác thịt.

Và khi luyến cảm này đã được xác lập thì chúng ta gọi nó là bổn phận.

Chẳng hạn trong một quốc gia không có hôn nhân thì không có bổn phận giữa vợ và chồng, khi hôn nhân xuất hiện thì vợ chồng sống với nhau vì luyến cảm, và kiểu sống chung với nhau này được chấp nhận sau nhiều thế hệ, và khi đã được chấp nhận rồi thì nó trở thành bổn phận.

Có thể nói đó là một loại bệnh trầm kha. Khi luyến cảm trở thành căn bệnh trầm kha thì ta rửa tội cho nó bằng tên gọi rất kêu về bổn phận. Chúng ta rắc hoa lên nó, nổi trống giong cờ cho nó, và nói về nó bằng những kinh điển thiêng liêng.

Cả thế giới này đang đánh nhau, và người ta hăng hái cướp bóc lẫn nhau chỉ vì cái bổn phận này. Bổn phận chỉ tốt trong chừng mực nó kiềm chế được thói hung bạo. Đối với những người thấp kém – những người không thể có được một lý tưởng nào khác – thì bổn phận đôi khi là điều tốt.

Nhưng đối với những người muốn trở thành hành giả karma-yogi thì phải vất ý tưởng bổn phận xuống biển. Không có một bổn phận nào cho 550  SWAMI VIVEKANANDA các bạn và tôi. Những gì các bạn cần trao cho thế gian này thì hãy trao bằng mọi cách, nhưng không phải như là bổn phận.

Đừng bao giờ suy nghĩ đến nó nữa. Đừng để bị ép buộc. Vì sao các bạn lại để bị ép buộc? Tất cả những gì các bạn làm do cưỡng bức đều tạo nên luyến cảm. Và sao các bạn phải có một bổn phận nào đó? Hãy phó thác mọi sự cho Thượng Đế.

Trong cái lò lửa dữ dội đang cháy ngùn ngụt, nơi mà ngọn lửa bổn phận thiêu cháy hết tất cả mọi người, hãy uống nước cam lộ nhẫn nhục và hãy hạnh phúc. Tất cả chúng ta chỉ làm việc theo ý chí của Ngài, và chẳng liên quan gì đến chuyện thưởng phạt.

Nếu các bạn muốn có thưởng thì phải có phạt, con đường duy nhất để thoát phạt là từ bỏ luôn thưởng. Con đường duy nhất để thoát khỏi khốn khổ là từ bỏ hạnh phúc, bởi vì cả hai cùng liên kết với nhau. Ở mặt này là hạnh phúc, ở mặt kia lại là khốn khổ.

Ở mặt này là sự sống, ở mặt kia lại là cái chết. Cách duy nhất để vượt qua cái chết là phải từ bỏ lòng ham sống. Sống và chết, sinh và tử chỉ là một, được nhìn từ hai quan điểm khác nhau.

Bởi vậy, quan niệm về hạnh phúc mà không có khốn khổ, hay sống mà không có chết là quan niệm rất tốt đẹp cho học sinh và trẻ con, còn những nhà tư tưởng thì thấy bản thân nó đã mâu thuẫn trong thuật ngữ rồi, và họ từ bỏ cả hai.

Đừng tìm kiếm lời ngợi khen hay phần thưởng cho bất kỳ việc gì các bạn làm. Vừa làm xong một việc thiện là chúng ta bắt đầu muốn có lời ca ngợi. Vừa tặng tiền cho một tổ chức từ thiện là chúng ta muốn tên tuổi mình được tuyên dương trên mặt báo.

Khốn khổ ắt hẳn phải đến như là kết quả của những tham vọng đó. Những con người vĩ đại nhất trên thế gian này đã lặng lẽ đi qua cõi đời không một ai hay biết.

Những nhân vật như Đức Phật hoặc Chúa Jesus mà chúng ta đã biết chỉ là những vị anh hùng bậc hai so với những vị anh hùng mà thế giới hoàn toàn không hay biết một chút gì. Hàng trăm vị anh hùng vô danh đó đã lặng lẽ sống ở khắp mọi quốc gia, lặng lẽ sống và làm việc.

Những vị đó sống lặng lẽ và ra đi lặng lẽ, tư tưởng họ sớm muộn gì cũng được biểu hiện trong tư tưởng của Đức Phật hoặc Chúa Jesus, nhưng chỉ những vị sau là chúng ta được biết. Những con người vĩ đại nhất đó không đi tìm tên tuổi hay danh tiếng từ trí tuệ của mình.

Họ lưu lại những tư tưởng cho thế gian, không yêu cầu gì về phần mình, chẳng dựng tông lập phái nhân danh mình. Trọn bản tính của họ thu mình lại trước những chuyện như thế. Họ là những vị sāttvika thuần khiết, giữ tâm tịch nhiên bất động, và chỉ tan chảy thành tình thương yêu.

Tôi đã từng thấy được một hành giả yogi như thế sống trong một hang động tại Ấn Độ[1]. Người là một trong những người kỳ diệu nhất mà tôi từng thấy.

Người hoàn toàn đang mất ý thức về cá nhân mình đến mức chúng ta có thể nói rằng con người trong người đã hoàn toàn tan biến, chỉ còn lại cảm thức trùm khắp cõi thiêng liêng. Nếu một con vật cắn vào cánh tay người, người sẵn lòng đưa luôn cánh tay kia, và bảo rằng đó là ý chí của Thượng Đế.

Bất cứ thứ gì đến với người cũng đều xuất phát từ Thượng Đế. Người không hề lộ diện trước mọi người, tuy vậy người là một kho tàng của tình yêu và của những tư tưởng dịu hiền, chân thực.

Kế đến là những những người mang rất nhiều tố chất raja, hay hoạt động, với bản chất hiếu chiến, những người này tiếp thu tư tưởng của những người hoàn hảo rồi thuyết giảng lại cho thế giới.

Những mẫu người cao cả nhất lặng lẽ kết tập những những tư tưởng cao siêu và chân thực, và những người khác – như Đức Phật hay Chúa Jesus – đi từ nơi này đến nơi khác để thuyết giảng chúng, và làm việc vì chúng.

Trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, ta lưu ý rằng Ngài luôn luôn nói rằng Ngài là vị Phật thứ hai mươi lăm. Hai mươi bốn vị Phật trước Ngài không được biết đến trong lịch sử, mặc dù Đức Phật lịch sử mà ta biết hẳn phải xây dựng trên những nền tảng do các vị đó dựng nên.

Những nhân vật cao siêu nhất thì lặng lẽ tịch nhiên và không ai biết đến. Các vị đó là những người thực sự biết đến năng lực của tư tưởng, họ biết chắc rằng thậm chí họ có ngồi yên trong thạch động, khép cửa lại và chỉ cần quán tưởng đến năm tư tưởng chân thực rồi viên tịch thì năm tư tưởng đó từ ý chí họ sẽ trường tồn vĩnh viễn.

Trong thực tế, những tư tưởng như thế sẽ xuyên thấu qua núi non, băng qua đại dương và du hành khắp thế gian. Chúng sẽ thâm nhập vào tâm hồn và não bộ con người, nâng cao những người muốn thực hiện những tư tưởng đó trong đời sống thực tế hàng ngày.

Các vị sāttvika này quá gần gũi với Thượng Đế nên, theo lời họ nói, không thể hoạt động hay chiến đấu, không thể làm việc, đấu tranh, thuyết pháp hay làm việc thiện cho nhân loại trên thế gian này. Những người hoạt động năng nổ, dù thiện hảo, vẫn còn đôi chút vô minh trong tâm.

Chỉ khi nào trong bản tính chúng ta còn đôi chút bất tịnh thì ta mới có thể làm việc. Bản chất của công việc thường mang tính ép buộc do động cơ làm việc và luyến cảm.

Trước sự hiện diện của một Thiên Mệnh năng động, lưu tâm đến cả một con chim sẻ bị rơi, thì làm sao con người có thể gán được tầm quan trọng nào vào công việc của mình?

Làm như thế há chẳng là một điều bất kính, khi chúng ta biết rằng Ngài luôn chăm lo đến từng việc lặt vặt nhất trong thế gian? Chúng ta chỉ còn biết kinh ngạc và kính sợ đứng trước Ngài mà nói: “Xin vâng ý Người”. Những người cao siêu nhất không làm việc, vì họ không còn luyến cảm.

Những ai tìm thấy hỷ lạc trong Chân Ngã, thỏa mãn với Chân Ngã, và chỉ tìm thấy niềm vui trong Chân Ngã – thì đối với những người đó không còn công việc gì để làm. Đó thực sự là những vị cao siêu nhất của nhân loại, còn ngoài ra thì ai cũng phải làm việc.

Trong khi làm việc, chúng ta đừng có bao giờ nghĩ rằng mình có thể giúp ích được một chút xíu gì trong vũ trụ này. Chúng ta không thể. Chúng ta chỉ có thể tự giúp bản thân mình trong cái phòng tập thể dục của thế gian này. Đó là thái độ làm việc đúng đắn.

Nếu chúng ta làm việc theo cách này, nếu chúng ta luôn luôn nhớ rằng cơ hội làm việc như hiện nay là được trao một đặc ân, thì chúng ta sẽ không bao giờ nảy sinh luyến cảm với bất cứ việc gì.

Hàng triệu người như các bạn và tôi nghĩ rằng chúng ta là những người vĩ đại trong thế giới này, nhưng tất cả chúng ta đều phải chết, và chỉ trong vòng năm phút là mọi người đã quên bẵng chúng ta. Nhưng đời sống của Thượng Đế thì vô tận.

“Liệu ai có thể sống được trong một phút chốc, hít thở trong một phút chốc, nếu như đấng Toàn Năng không muốn điều đó?”. Ngài là Thiên Mệnh sinh động vĩnh hằng. Mọi quyền năng đều thuộc về Ngài và nằm trong Mệnh Lệnh của Ngài.

Thông qua mệnh lệnh của Ngài mà gió thổi, mặt trời tỏa sáng, trái đất di chuyển và cái chết bước đi hiên ngang trong cõi thế. Ngài là đấng Toàn Dung, bao trùm tất cả; Ngài là tất cả và hiện hữu trong tất cả. Chúng ta chỉ có thể sùng bái Ngài mà thôi.

Hãy từ bỏ hết mọi thành quả của công việc, hãy làm việc thiện chỉ vì bản thân của công việc, rồi ta sẽ đạt đến cảnh giới vô luyến hoàn toàn. Những xiềng xích trói buộc tâm hồn sẽ gãy vụn, và chúng ta sẽ thực chứng được sự tự do. Tự do này là mục tiêu của karma-yoga.

[1] Ám chỉ Pavhari Baba [Ghi chú trong nguyên tác].

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x