Trang chủ » Vedanta thực tiễn IV

Vedanta thực tiễn IV

by Trung Kiên Lê
91 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 18 tháng 11, 1896)

Từ đầu đến giờ, chúng ta đã bàn luận về cái chung hay cái phổ quát. Sáng nay, tôi sẽ cố gắng trình bày cùng các bạn quan niệm về sự tương quan giữa cái đặc thù với cái phổ quát, theo triết học Vedānta.

Như chúng ta đã thấy, trong những giáo lý kinh Veda dưới hình thức nhị nguyên, tức những hình thức giáo lý nguyên thủy, có một linh hồn giới hạn và riêng biệt được xác định một cách rõ ràng cho mọi sinh thể.

Có rất nhiều thuyết về linh hồn riêng biệt này trong mỗi cá nhân, nhưng cuộc tranh luận chính chỉ diễn ra trong thời cổ giữa các triết gia Vedānta và các luận sư Phật giáo.

Những triết gia Vedānta tin rằng mỗi linh hồn cá biệt là một chỉnh thể trong chính nó, còn các luận sư Phật giáo thì phủ nhận hoàn toàn một linh hồn như thế.

Như tôi đã từng nói với các bạn, cuộc tranh luận này cũng thú vị chẳng khác gì cuộc tranh luận của các bạn ở châu Âu về bản thể và phẩm tính: một bên chủ trương rằng đằng sau những phẩm tính có một cái gọi là bản thể, và những phẩm tính hiện hữu trong bản thể đó; một bên phủ nhận sự tồn tại của bản thể, xem như không cần thiết, bởi vì phẩm tính có thể tự tồn tại.

Thuyết cổ nhất về linh hồn có lẽ dựa trên lập luận của thuyết tự đồng nhất [ self-identity] – “Tôi là Tôi” –, tôi của hôm qua là tôi của hôm nay, và tôi của hôm nay sẽ là tôi của ngày mai; dù thể xác tôi có biến đổi bao nhiêu đi chăng nữa thì tôi tin rằng tôi vẫn luôn là tôi.

Điều này có vẻ như là luận chứng trọng tâm của những người tin vào một linh hồn cá biệt, tuy bị giới hạn nhưng lại vô cùng hoàn hảo.

Mặt khác, các luận sư Phật giáo thời xưa phủ nhận sự cần thiết của một giả thuyết như thế. Họ đề xướng luận chứng rằng tất cả những gì ta biết, và tất cả những gì ta có thể biết, đều đơn giản là những sự biến dịch.

Việc xác lập một bản thể bất biến và bất khả biến là điều hoàn toàn dư thừa, thậm chí nếu có một sự vật bất khả biến như vậy thì ta cũng không bao giờ có thể hiểu được nó, cũng không bao giờ có thể nhận thức được nó theo bất kỳ ý nghĩa nào của thế gian.

Hiện nay, các bạn sẽ thấy cuộc tranh luận tương tự đang diễn ra tại châu Âu giữa hai bên: một bên là những người cuồng tín và những người duy tâm, một bên là những người theo thuyết thực dụng và những người theo thuyết bất khả tri.

Bên này tin rằng có một cái gì đó bất biến (đại diện mới nhất là triết gia Herbert Spencer), và ta thoáng nhìn thấy được cái bất khả biến. Bên kia là những người theo triết học August Comte[1] hiện đại và những người theo thuyết bất khả tri hiện đại.

Những ai trong số các bạn quan tâm đến cuộc tranh luận giữa Herbert Spencer và Frederick Harrison cách đây mấy năm có thể nhận thấy rằng cuộc tranh luận đó cũng là vấn nạn cũ: một bên chủ trương có một bản thể đằng sau biến dịch; một bên bác bỏ giả thuyết đó, cho rằng không cần thiết.

Một bên nói rằng ta không thể quan niệm được sự biến dịch nếu không quan niệm một cái gì đó bất biến; bên kia là cho rằng lập luận đó thật là phù phiếm; chúng ta chỉ có thể quan niệm được những gì đang biến dịch, còn đối với những gì bất biến thì chúng ta không thể nhận biết, cảm thụ hay có cảm giác về nó.

Tại Ấn Độ, từ thời thượng cổ, vấn nạn này đã không tìm được lời giải đáp; bởi vì, như ta đã thấy, không bao giờ có thể chứng minh được giả thuyết về một bản thể – không phải là phẩm tính – nằm đằng sau các phẩm tính; thậm chí cũng không thể chứng minh được luận chứng từ thuyết tự đồng nhất, từ ký ức – đó là: “Tôi” là tôi của ngày hôm qua, bởi vì tôi nhớ được nó, do đó tôi đã là và vẫn đang là một cái gì đó tương tục.

Một ý kiến phản bác khác, vốn thường được nêu ra, chỉ thuần túy là sự lừa gạt về ngôn từ. Ví dụ một người có thể dùng một loạt các câu nói như: “Tôi làm”, “Tôi đi”, “Tôi mơ”, “Tôi ngủ”, “Tôi di chuyển”, và ở đây các bạn thấy rằng các hành vi “làm”, “ đi”, “mơ”, “ngủ”, v.v… có biến đổi, nhưng có cái bất biến, đó là cái “Tôi”.

Và do đó, họ kết luận rằng cái “Tôi” là cái gì đó thường hằng, và là cá thể tự thân [ individual in itself], còn tất cả những biến đổi đều thuộc về thể xác. Điều này, dù có vẻ sáng sủa và thuyết phục, cũng chỉ là trò chơi chữ.

Cái “Tôi” và các hành vi “làm”, “ đi”, “mơ”, “ngủ”, v.v… có thể được phân biệt rõ ràng, nhưng không ai có thể phân biệt được chúng trong tâm trí. Khi tôi ăn, tôi nghĩ đến tôi như là hành vi ăn, và tự đồng nhất tôi với hành vi ăn đó. Khi tôi chạy thì tôi và hành vi chạy đó không phải là hai sự thể tách biệt nhau.

Do đó, luận chứng rút ra từ tính cá thể đồng nhất có vẻ như không được vững vàng cho lắm. Những luận chứng khác, luận chứng từ ký ức, cũng yếu. Nếu tính đồng nhất trong sự tồn tại của tôi lại được biểu hiện bởi ký ức thì nhiều điều mà tôi đã lãng quên sẽ bị lạc mất khỏi tính đồng nhất đó.

Và ta biết rằng, trong một số tình huống nào đó, con người quên sạch quá khứ của mình. Có nhiều trường hợp, người mắc bệnh tâm thần ngỡ mình là tấm kính, hoặc là một con vật.

Nếu sự tồn tại của người đó tùy thuộc vào ký ức thì anh ta hẳn đã được cấu tạo từ thủy tinh rồi – nếu không thế thì chúng ta không thể bắt tính đồng nhất của tự ngã phải tùy thuộc vào một sự vật mong manh như ký ức.

Từ đó, ta thấy rằng linh hồn – hiểu theo nghĩa là sự đồng nhất tương tục, dù bị giới hạn nhưng hoàn chỉnh – không thể được xác lập tách biệt với các phẩm tính được.

Ta không thể xác lập một sự tồn tại giới hạn và thu hẹp mà lại gắn với một lô các phẩm tính. Mặt khác, lập luận của những luận sư Phật giáo thời cổ có vẻ mạnh mẽ hơn, đó là: ta không biết và không thể biết được bất cứ điều gì nằm bên ngoài các phẩm tính đó. Theo họ, linh hồn chứa một lô các phẩm tính được gọi là cảm thọ.

Sự kết hợp những thứ đó[2] tạo thành linh hồn hay sinh mệnh, và biến đổi vô thường. Thuyết linh hồn của nhất nguyên luận Advaita dung hòa được những lập trường này. Lập trường của những nhà triết gia Advaita là: chúng ta không thể tư duy về bản thể tách lìa với phẩm tính, chúng ta không thể tư duy cùng lúc về biến dịch và bất biến, điều đó không khả thi.

Cái mà ta gọi là bản thể thì chính cái đó là phẩm tính, bản thể và phẩm tính không phải là hai thực thể riêng biệt. Chính cái bất khả biến lại biểu hiện như là cái khả biến. Bản chất bất khả biến của vũ trụ không phải là cái gì đó tách lìa nó.

Nguyên thể không phải là cái gì đó tách biệt với hiện tượng, mà chính nguyên thể đã biến thành hiện tượng. Có một Linh Hồn bất biến, và những thứ mà ta gọi là cảm thọ, thậm chí cả thể xác đều chính là Linh Hồn đó, khi nhìn từ một quan điểm khác.

Chúng ta có thói quen tư duy rằng mình có một thể xác và một linh hồn, v.v… nhưng trên thực tế thì chúng chỉ là một. Khi tôi tư duy về bản thân tôi như một thể xác thì tôi chỉ là thể xác; thật vô nghĩa khi nói tôi là thứ gì khác.

Khi tôi tư duy về bản thân tôi như một Linh Hồn thì thể xác biến mất, và sự nhận thức về thể xác không còn nữa. Không một ai có thể nhận thức được Linh Hồn trừ phi sự nhận thức về thể xác tan biến mất; và không một ai có thể nhận thức được bản thể trừ phi sự nhận thức về phẩm tính không còn.

Tôi có thể dùng lại một lần nữa minh họa cũ xưa của triết học Advaita về việc nhận lầm sợi dây thừng là con rắn, để giải minh cho điểm này.

Khi một người nhận lầm sợi dây thừng là con rắn thì sợi dây thừng biến mất; nhưng khi anh ta nhận ra đó là sợi dây thừng thì con rắn biến mất, mà chỉ còn lại sợi dây thừng.

Những ý tưởng về sự tồn tại hai lớp hay ba lớp này phát sinh từ lập luận dựa trên dữ liệu không dầy đủ; chúng ta đọc những điều này trong sách vở hoặc nghe nói về chúng, cho đến khi ta sa vào ngộ nhận khi nhận thức rằng thực có Linh Hồn và thể xác cùng tồn tại song đôi; nhưng một nhận thức như thế thực ra không bao giờ tồn tại.

Nhận thức là nhận thức về thể xác hoặc về Linh Hồn. Không cần đến luận cứ để chứng minh điều này, các bạn có thể xác minh nó ngay trong tâm trí mình. Hãy cố gắng tư duy về bản thân các bạn như là Linh Hồn, như là cái gì đó đã thoát khỏi thể xác.

Các bạn sẽ thấy điều đó hầu như bất khả; một số rất ít người, khi thực hiện được điều đó, sẽ thấy rằng ngay khi thực chứng được bản thân là Linh Hồn thì họ không còn ý tưởng về thể xác nữa.

Các bạn đã nghe nói đến, hoặc đã nhìn thấy có những người – trong một số trường hợp đặc biệt – đã sống trong trạng thái tinh thần đặc biệt như nhập định, tự thôi miên, hay trạng thái hưng phấn bất thường, hoặc dùng thuốc gây nghiện.

Từ kinh nghiệm của họ, các bạn có thể đúc kết được một điều là: họ đang cảm nhận một cái gì đó từ thế giới nội tâm, thế giới tự nhiên đã biến mất với họ. Điều đó chứng minh rằng bất cứ cái gì tồn tại đều là một.

Tính thống nhất này xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, và tất cả những hình thức này làm phát sinh tương quan nhân quả. Tương quan nhân quả là một tương quan tiến hóa – cái này biến thành cái kia, và cứ tiếp tục như thế.

Có lúc thì nhân biến mất, có thể nói như vậy, và chỉ để lại quả. Nếu Linh Hồn là nhân của thể xác thì có thể nói là Linh Hồn tạm thời biến mất, chỉ còn lại thể xác; và khi thể xác biến mất thì chỉ còn lại Linh Hồn.

Thuyết này phù hợp với lập trường của các luận sư Phật giáo, lập trường này phủ nhận quan niệm nhị nguyên giả định giữa thể xác và Linh Hồn bằng cách phủ nhận tính nhị nguyên, và chứng minh rằng bản thể và phẩm tính là một, là cùng một sự thể nhưng được biểu hiện trong nhiều hình thức khác nhau.

Chúng ta cũng đã thấy rằng khái niệm bất biến chỉ có thể được xác lập trong mối tương quan với toàn thể, chứ không bao giờ với thành phần.

Ngay cả khái niệm thành phần cũng xuất phát từ khái niệm biến dịch hay chuyển động. Mọi sự vật nào bị giới hạn thì chúng ta đều có thể hiểu và nhận biết, bởi vì nó biến dịch; còn cái toàn thể thì bất biến, bởi vì không có một sự vật nào khác bên cạnh để dựa vào đó mà thấy có sự biến dịch.

Biến dịch phải luôn luôn nằm trong mối tương quan với một cái bất biến, hoặc với một cái tương đối ít biến dịch hơn. Bởi vậy, theo triết học Advaita thì khái niệm Linh Hồn là cái phổ quát, bất biến và bất tử; trong mức độ có thể, ta không thể chứng minh được khái niệm đó.

Vấn nạn này liên quan đến cái đặc thù. Chúng ta sẽ làm gì với những thuyết nhị nguyên cổ xưa mà tất cả chúng ta đều phải trải qua – những thuyết tin vào những linh hồn cá thể, nhỏ nhoi và giới hạn?

Chúng ta đã thấy rằng xét như là toàn thể thì chúng ta bất tử; nhưng điểm khó khăn vẫn nằm ở điểm này: chúng ta khao khát được bất tử với tư cách là những thành phần của toàn thể đó.

Chúng ta đã thấy rằng chúng ta là Cái Vô Biên, và Cái Đó chính là bản sắc cá nhân chân chính của ta, nhưng chúng ta lại muốn biến những linh hồn nhỏ bé đó thành bản sắc cá nhân.

Các linh hồn đó sẽ ra sao, khi mà, bằng kinh nghiệm đời thường, ta tìm ra rằng chúng là những cá nhân, chỉ với một đôi chút dè dặt là: chúng là những cá nhân liên tục phát triển?

Chúng như nhau, mà lại không như nhau. “Tôi” của ngày hôm qua là “Tôi” của ngày hôm nay, tuy nhiên không phải hoàn toàn như vậy, nó đã ít nhiều thay đổi.

Bây giờ, bằng cách thoát khỏi quan niệm nhị nguyên cho rằng giữa lòng vạn hữu biến chuyển có một cái không biến chuyển, và bằng cách dựa vào những quan niệm hiện đại nhất, tức thuyết tiến hóa, chúng ta thấy rằng cái “Tôi” đó là một thực thể liên tục biến chuyển, liên tục khoáng trương.

Nếu quả thực là con người tiến hóa từ loài động vật thân mềm thì mỗi cá thể động vật thân mềm cũng tương tự như con người, nó chỉ việc khoáng trương thật nhiều. Từ loài động vật thân mềm đến con người là một quá trình bành trướng liên tục hướng đến Cái Vô Biên.

Do đó, linh hồn hữu hạn có thể được định hình như một cá nhân đang bành trướng liên tục hướng đến một Cá Thể Vô Biên [ Infinite Individual]. Bản sắc cá nhân chỉ đạt đến sự toàn hảo khi nó đạt đến Cái Vô Biên, nhưng khi còn ở phía bên này của Cái Vô Biên thì nó là một tính cách liên tục phát triển và biến đổi.

Một trong những nét nổi bật của triết học nhất nguyên Vedānta là dung hòa được những hệ thống triết học trước đó. Trong nhiều trường hợp, nó hỗ trợ cho triết học rất nhiều; trong một số trường hợp, nó lại làm tổn thương triết học.

Các triết gia cổ đại của chúng tôi đã biết đến mà các bạn gọi là thuyết tiến hóa; sự tiến hóa đó diễn ra từ từ theo từng bước một, và khi nhận thức được thuyết này thì ta có thể dung hòa với tất cả những hệ thống triết học trước đó.

Sai lầm của tín ngưỡng Phật giáo là nó không có khả năng nhận thức được sự khoáng trương liên tục này, vì vậy, nó không bao giờ cố gắng tìm cách tự dung hòa mình với những bước đi đã tồn tại từ trước, trên đường hướng về lý tưởng đó.

Tín ngưỡng Phật giáo phủ nhận những bước đi đó vì cho là vô ích và nguy hiểm. Khuynh hướng này trong tôn giáo thật vô cùng nguy hiểm.

Một người có được quan niệm mới tốt hơn, anh ta bèn quay nhìn lại những quan niệm cũ mà anh ta đã từ bỏ, rồi lập tức quyết định chúng là tai hại và không cần thiết.

Anh ta không bao giờ nghĩ rằng, dù những quan niệm đó có thô thiển đến đâu chăng nữa, khi xét từ lập trường của anh ta, thì chúng cũng đã rất cần thiết để anh ta đạt đến trình độ tư tưởng như bây giờ; và mỗi người trong chúng ta đã phát triển theo cách thức giống nhau, trước hết là dựa vào những quan niệm thô thiển, vận dụng chúng để đạt đến chuẩn mực cao hơn.

Do đó, với những giáo lý tối cổ, Advaita là một triết học thân thiện.

Thuyết nhị nguyên và mọi hệ thống triết học trước nó đều được triết học Advaita đề huề dung nạp, không phải theo thói chủ nhân trịch thượng, mà bằng niềm tin chắc rằng chúng đều là sự biểu hiện của cùng một chân lý, và tất cả những giáo lý đó đều đưa đến những kết luận tương tự như triết học Advaita đã từng đạt đến.

Xin đừng nguyền rủa mà hãy cầu phúc cho tất cả những bước đi khác nhau, mà nhân loại đã phải trải qua.

Do đó, không bao giờ nên khước từ hay vất bỏ tất cả những hệ thống triết học nhị nguyên mà hãy gìn giữ chúng nguyên vẹn trong triết học Vedānta; và quan niệm nhị nguyên về linh hồn cá thể, dù còn nhiều hạn chế và bất toàn, vẫn tìm được chỗ đứng trong triết học Vedānta.

Theo thuyết nhị nguyên thì khi chết đi, con người sẽ đến một thế giới khác hoặc đại loại như thế; những quan niệm đó vẫn được gìn giữ trọn vẹn trong triết học Vedānta.

Với sự nhận thức về sự phát triển trong triết học Vedānta, những thuyết đó được xếp vào những vị trí phù hợp bằng cách xem chúng chỉ là những kiến giải phiến diện về Chân Lý.

Xét từ quan điểm nhị nguyên thì vũ trụ này chỉ có thể xem như được tạo ra từ vật chất hay lực, chỉ có thể được xem như một trò chơi của ý chí, và ý chí đó lại được xem như tách biệt với vũ trụ.

Do đó, người đứng trên lập trường này chắc chắn phải thấy bản thân mình được cấu tạo từ bản chất nhị nguyên, gồm phần hồn và phần xác; và phần hồn này, dù bị hạn chế thì tự thân nó vẫn hoàn hảo xét về phương diện cá nhân.

Đối với một người như thế thì những quan niệm về bất tử và cuộc sống kiếp sau tất yếu phải ăn khớp với quan niệm của anh ta về linh hồn.

Những giai đoạn này đã được gìn giữ trong triết học Vedānta, và do đó, tôi thấy cần phải trình bày cho các bạn một vài quan niệm về thuyết nhị nguyên. Theo thuyết này thì chúng ta có một thể xác, điều đó hiển nhiên; và đàng sau thể xác đó là cái mà họ gọi là thể xác tế vi.

Cái thể xác tế vi này cũng được cấu tạo bằng vật chất, chỉ có điều là bằng vật chất rất tế vi. Nó là nơi tích lũy tất cả những thân nghiệp và ý nghiệp của chúng ta, và tất cả những thứ đó đều sẵn sàng xuất hiện dưới dạng hữu hình.

Mọi ý tưởng ta nghĩ và mọi hành động ta làm, sau một thời gian cụ thể, sẽ trở nên tế vi, biến thành hạt giống – có thể nói như vậy – và sống trong thể xác tế vi kia dưới dạng tiềm năng; rồi sau một thời gian, chúng sẽ lộ diện và mang lại quả. Những quả này chi phối cuộc đời con người.

Anh ta đã định hình cuộc đời của mình như thế đó. Con người không bị trói buộc bởi bất kỳ quy luật nào ngoại trừ những gì anh ta tự tạo ra cho chính mình.

Mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói và từng hành động của ta, bất kể là tốt hay xấu, đều là những sợi lưới dệt nên tấm lưới mà ta tung ra để bọc quanh mình. Mỗi khi ta khởi động một nguồn năng lượng nào đó thì ta phải gánh trọn vẹn kết quả. Đó là quy luật Karma.

Đằng sau cái thể xác tế vi đó là sự tồn tại của jiva, tức sinh mệnh hay linh hồn cá biệt của mỗi người. Có nhiều cuộc tranh luận về hình tướng và kích thước của linh hồn cá biệt này.

Trường phái này thì cho rằng nó nhỏ như một nguyên tử, trường phái kia thì cho rằng nó không nhỏ như vậy, trường phái khác nữa thì cho rằng nó rất lớn, v.v… Jiva này là một phần của bản thể vũ trụ và vĩnh hằng trường cửu, nó tồn tại vô thủy vô chung.

Nó kinh qua mọi hình tướng để tự hiển lộ thực tính của nó là cái thuần tịnh. Hành động hay tư tưởng nào làm trì hoãn sự hiển lộ đó thì bị gọi là xấu; còn những hành động hay tư tưởng giúp cho jiva khoáng trương, hiển lộ được thực tính của nó thì được xem là tốt.

Ở Ấn Độ, có một thuyết rất phổ biến trong giới những người nhị nguyên thô thiển nhất cũng như những người phi nhị nguyên tiến bộ nhất, đó là: mọi khả tính cùng năng lực của linh hồn đều hàm ẩn bên trong tự thân của nó chứ không đến từ bên ngoài.

Tất cả những thứ đó đều nằm ở bên trong linh hồn dưới dạng tiềm năng, và toàn bộ hoạt động của cuộc sống chỉ đơn giản là hướng về sự hiển lộ những năng lực tiềm ẩn đó.

Những người theo thuyết nhị nguyên cũng có thuyết tái sinh, họ chủ trương rằng khi thể xác tan rã thì jiva sẽ mang một thể xác khác, rồi khi thể xác đó lại tan rã thì nó lại mang tiếp một thể xác khác, và việc đó cứ tiếp tục diễn ra như thế ở cõi thế này hay tại một thế giới nào đó khác; nhưng cõi thế này được ưa chuộng hơn, bởi vì nó được xem là thế giới tuyệt hảo nhất trong mọi thế giới dành cho mục đích này.

Những cõi khác được xem là những cõi ít khổ đau, nhưng, họ lập luận, chính vì thế mà con người lại ít có cơ hội nghĩ đến những điều cao siêu hơn.

Bởi vì thế giới này chứa ít hạnh phúc và nhiều khổ đau nên jiva đôi lúc thức tỉnh và nghĩ đến chuyện giải thoát bản thân.

Nhưng cũng giống như những người giàu trong thế giới này rất ít có cơ hội để nghĩ đến những điều cao xa, thì cũng thế, những jiva ở nơi cõi trời cũng ít có cơ hội tiến bộ, bởi vì tình cảnh của họ cũng giống như những người nhà giàu, chỉ khác là với cường độ mạnh hơn.

Jiva có một thể xác cực kỳ tế vi không hề biết đến bệnh tật, nó cũng không có nhu cầu ăn uống, và ước gì được nấy.

Jiva sống nơi đó, hưởng thụ hết lạc thú này đến lạc thú khác, nên quên mất bản tính thực của mình. Vẫn còn có một vài cõi trời cao hơn, mặc dù nơi đó cũng có đủ tất cả thứ những lạc thú, những jiva vẫn có thể tiến hóa thêm.

Một vài triết gia nhị nguyên hình dung cứu cánh là cõi trời tối cao, nơi đó những linh hồn được sống với Thượng Đế đời đời. Linh hồn sẽ mang những thể xác đẹp đẽ, không hề biết đến ốm đau già chết, không hề biết đến điều xấu ác, ước gì được nấy.

Thỉnh thoảng có một vài người nơi cõi trời đó quay lại trần gian, mang một thân xác khác để dạy cho loài người con đường dẫn đến Thượng Đế; đó chính là các bậc chân sư vĩ đại.

Họ đã được giải thoát, và đang sống với Thượng Đế trên cõi trời cao nhất; nhưng tình yêu mà họ dành cho chúng sinh đang chịu trầm luân đau khổ lớn đến mức họ phải giáng thế để dạy cho loài người con đường dẫn đến thiên đàng.

Dĩ nhiên, chúng ta biết triết học Advaita chủ trương rằng đó không thể là mục tiêu hay lý tưởng. Mà lý tưởng phải phi hình thể, phi sắc tướng.

Lý tưởng không thể là cái hữu hạn. Bất cứ thứ gì thiếu tính Vô Biên đều không thể là lý tưởng, và không thể có một thể xác vô biên vô hạn. Đó là điều bất khả, bởi vì thể xác xuất phát từ sự giới hạn. Không thể có tư tưởng vô biên vô hạn, bởi vì tư tưởng cũng xuất phát từ sự giới hạn.

Triết học Advaita bảo rằng chúng ta cần phải vượt qua bên kia thể xác, và vượt qua bên kia tư tưởng. Khi đã liễu ngộ được điều đó thì, theo triết học Advaita, ta đạt đến giải thoát, nó đã có sẵn trong ta. Chỉ tại chúng ta lãng quên nó và phủ nhận nó mà thôi.

Sự hoàn hảo không phải là cái gì cần phải đạt được, mà nó đã có sẵn trong ta rồi. Sự bất tử và lạc phúc không phải là cái gì cần phải đạt được, mà chúng ta đã có TRIẾT HỌC VEDANTA  335 sẵn chúng rồi; chúng đã là của chúng ta từ vô thủy.

Nếu các bạn bảo các bạn được tự do thì các bạn được tự do kể từ lúc đó. Nếu các bạn bảo các bạn bị trói buộc thì các bạn sẽ chịu cảnh trói buộc.

Đây là điều mà triết học Advaita mạnh dạn tuyên bố. Tôi đã nói cho các bạn nghe quan điểm của những triết gia nhị nguyên cùng những trường phái triết học khác.

Các bạn có thể tự chọn cho mình quan điểm mà bạn thích. Lý tưởng tối cao của triết học Vedānta rất khó hiểu, và mọi người cứ luôn tranh cãi về nó; và điều gây khó khăn nhất là mỗi khi họ nắm bắt được một số ý tưởng nào đó thì họ lại phản bác và chống đối những ý tưởng khác.

Hãy chọn những gì phù hợp với mình và cứ để những người khác chọn cái họ cần. Nếu các bạn thích bám vào cá nhân nhỏ bé này, bám vào phận người hạn hẹp này thì hãy cứ làm thế, hãy cứ khát khao và thụ hưởng tất cả những điều đó.

Nếu các bạn nghiệm thấy cái phận người này là điều hay ho, tốt đẹp thì hãy giữ lấy nó, chừng nào các bạn thích. Các bạn có thể làm thế, vì các bạn là người tạo ra số phận mình; không có gì có thể thúc đẩy các bạn từ bỏ phận người.

Chừng nào còn thích thì các bạn sẽ cứ làm người, không có gì có thể ngăn cản được các bạn. Nếu các bạn muốn làm thiên thần thì các bạn sẽ là thiên thần, đó là quy luật.

Nhưng lại có người không hề muốn làm thiên thần chút nào. Các bạn lấy quyền gì để cho rằng quan niệm của họ là đáng kinh tởm? Các bạn có thể hoảng kinh khi mất một trăm bảng Anh, nhưng vẫn có những người khác không hề chớp mắt khi đánh mất tất cả số tiền họ kiếm được trong đời này.

Đã từng có và sẽ còn có những con người như thế. Sao các bạn dám phán xét họ theo chuẩn mực của mình? Các bạn khư khư bám vào những giới hạn của mình, và những tư tưởng nhỏ mọn lẩn quẩn trong trần gian này có lẽ là lý tưởng tối cao của các bạn.

Các bạn hãy hân hoan chào đón chúng. Các bạn cứ làm thế nếu thấy thích. Nhưng vẫn có những người khác đã thấy được chân lý và họ không chịu yên nghỉ trong những giới hạn này, những người đó đã dứt bỏ những hết thứ đó và muốn đi xa hơn.

Cõi thế này cùng với tất cả những lạc thú trần gian đối với họ chỉ là một vũng lầy. Sao các bạn lại muốn trói buộc họ để kéo họ xuống ngang tầm với những quan niệm của mình? Các bạn cần phải thoát khỏi khuynh hướng đó ngay lập tức.

Hãy để cho mỗi người có một chỗ phù. Tôi có lần đọc câu chuyện về những chiếc tàu bị kẹt trong một cơn bão tại quần đảo trên biển Thái Bình dương, và trên tạp chí ở London có hình minh họa về nó.

Tất cả những chiếc tàu đều bị đắm, trừ một chiếc của nước Anh sống sót qua cơn bão. Hình minh họa cho thấy những người sắp bị chìm đều đứng trên boong tàu để reo hò cổ vũ cho những người đang lái chiếc tàu vượt qua cơn bão. Hãy can đảm và khoan dung như những con người đó.

Đừng có kéo người khác chìm cùng với bạn. Một quan niệm điên rồ khác nữa, đó là: nếu chúng ta đánh mất bản sắc cá nhân thì cả nhân loại không còn sự bất tử hay niềm hy vọng gì nữa.

Làm như từ xưa đến nay ai nấy cũng đều đang hy sinh vì nhân loại! Cầu Thượng Đế ban phúc cho các bạn! Nếu tại mỗi quốc gia mà có được hai trăm người thực tâm muốn làm việc thiện cho nhân loại thì sẽ có đến một triệu người trong vòng năm ngày.

Chúng ta biết rõ chúng ta đang hy sinh cho nhân loại như thế nào rồi. Toàn là những lời rỗng tuếch nói suông, chứ chẳng có gì khác. Lịch sử thế giới đã cho thấy những người không bao giờ nghĩ đến bản sắc cá nhân nhỏ bé của mình đều là những ân nhân vĩ đại nhất của nhân loại, con người hễ càng nghĩ đến cá nhân mình thì càng ít có khả năng làm điều tốt cho người khác.

Một bên là lòng vị tha, một bên là thói ích kỷ. Bám vào những lạc thú thấp hèn, khao khát được kéo dài và lặp lại tình trạng đó, đó là sự biểu hiện của tâm trí hoàn toàn ích kỷ.

Nó không phát sinh từ lòng khát khao chân lý; nó không được hình thành từ lòng thương yêu đối với người khác, mà từ thói hoàn toàn ích kỷ trong thâm tâm của nhân loại.

Qua quan niệm như vầy: “Ta phải có được tất cả mọi thứ, và không thèm quan tâm đến bất kỳ ai”. Tôi thấy quan niệm này biểu hiện như vậy đó.

Tôi mong ước được nhìn thấy có nhiều thêm nữa những con người đạo đức trong thế gian này, những người sẵn sàng hy sinh hàng trăm lần mạng sống, nếu như có thể đem lại lợi ích cho một con vật bé nhỏ, giống như những nhà tiên tri vĩ đại hay những nhà hiền triết thời cổ đại!

Hãy nói đến đạo đức và làm việc tốt cho người khác!

Câu chuyện ngớ ngẩn thời hiện đại! Tôi mong ước được nhìn thấy những con người đạo đức như Đức Phật, Ngài không tin vào một Thượng Đế Nhân Thể hay một linh hồn nhân thể, không bao giờ tra vấn về chúng, mà làm một nhà bất khả tri hoàn hảo; tuy nhiên Ngài lại sẵn sàng hy sinh vì bất cứ người nào, và hoạt động suốt đời vì lạc phúc cho tất cả chúng sinh, và chỉ tư duy về những điều tốt đẹp cho tất cả chúng sinh.

Các nhà nghiên cứu tiểu sử của Ngài đã ghi chép rất rõ ràng rằng Ngài đản sinh là để đem lại lạc phúc cho vô số chúng sinh. Ngài không đi vào rừng ngồi thiền để mong cầu giải thoát, Ngài cảm thấy rằng cả thế gian này đang bừng cháy, và Ngài phải tìm cho được một lối thoát ra ngoài.

“Do đâu mà thế gian này có quá nhiều đau khổ?”, câu hỏi đó đã chi phối trọn cuộc đời của Đức Phật. Các bạn có cho rằng mình đạo đức như Đức Phật không? Con người hễ càng ích kỷ thì càng phi đạo đức. Một dân tộc cũng thế. Một dân tộc chỉ khư khư biết lấy mình thì đó là dân tộc tàn nhẫn nhất và độc ác nhất trên thế giới.

Không một tôn giáo nào cố chấp vào thuyết nhị nguyên như Hồi giáo, và cũng không có một tôn giáo nào làm đổ nhiều máu và tàn nhẫn với con người như nó.

Trong kinh Koran có đoạn dạy rằng kẻ nào không tin vào những lời giảng trong kinh đều phải bị giết; giết người lại được ban phép lành! Và cách an toàn nhất để lên đến thiên đàng – nơi có toàn tiên nữ và mọi thú vui nhục dục – là giết những người ngoại đạo.

Thử nghĩ đến cảnh đổ máu từ hậu quả của một đức tin như thế! Trong tôn giáo của đấng Christ, vẫn có một ít điều thô thiển, có đôi chút khác biệt giữa tôn giáo thuần khiết của đấng Christ và triết học Vedānta. Các bạn tìm thấy trong đó ý tưởng về Nhất Thể Tính.

Nhưng đấng Christ cũng truyền giảng những quan niệm nhị nguyên cho mọi người, trao cho họ một giáo lý cụ thể dễ hình dung, dễ nắm bắt để dẫn dắt họ đến lý tưởng tối cao.

Chính Nhà Tiên Tri đã thuyết giảng: “Cha chúng ta ở trên thiên đàng” lại thuyết giảng: “Ta và Cha Ta là một”, và cũng chính Nhà Tiên Tri đó biết rằng con đường dẫn đến “Ta và Cha Ta là một” nằm trong lời giảng “Cha chúng ta ở trên thiên đàng”.

Trong tôn giáo của đấng Christ chỉ có lạc phúc và yêu thương, nhưng ngay khi sự thô thiển len lỏi vào thì nó thoái hóa và suy đồi thành một tôn giáo không khá hơn tôn giáo của Nhà Tiên Tri xứ Á Rập bao nhiêu.

Sự thô thiển đó nằm trong cuộc đấu tranh cho cái tự ngã nhỏ bé, đấu tranh cho sự chấp trước vào “Cái Tôi”, không chỉ trong đời này, mà cả trong khát vọng được tiếp tục tồn tại trong kiếp sau.

Họ tuyên bố điều đó là lòng vị tha, là nền tảng của đạo đức!

Xin Thượng Đế hãy cứu giúp chúng ta nếu điều đó nền tảng của đạo đức! Và thật là lạ lùng khi nam nữ – những người lẽ ra phải nên tư duy chín chắn hơn rằng mọi nền đạo lý đều sẽ bị sụp đổ nếu như những cái tôi nhỏ bé này tiếp tục tồn tại – lại kinh hãi trước ý tưởng cho rằng nền đạo lý chỉ có thể đứng vững dựa trên sự hủy diệt họ.

Khẩu hiệu mang lại mọi sự bình yên an lạc và mọi điều thiện hảo là “bạn” chứ không phải “tôi”. Ai quan tâm làm chi chuyện có thiên đàng, địa ngục hay không? Ai quan tâm làm chi chuyện có linh hồn hay không? Ai quan tâm làm chi chuyện có một Thực Thể Bất Biến hay không? Cõi thế là đây, đầy cảnh khốn cùng khổ não.

Hãy nhập thế như Đức Phật, và cố gắng làm dịu sự khổ đau hoặc chết đi trong sự nỗ lực đó.

Hãy quên mình đi; đó là bài học đầu tiên cần phải học, không kể bạn là người có tín ngưỡng hay là kẻ vô thần, không kể bạn là người theo thuyết bất khả tri hay là người theo triết học Vedānta, không kể bạn là tín đồ Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo.

Bài học duy nhất được giảng dạy cho tất cả mọi người là phá bỏ tự ngã nhỏ bé này, và bồi đắp nên Thực Ngã. Có hai thế lực luôn hoạt động song song bên cạnh nhau.

Một cái bảo: “tôi”, cái kia bảo: “không phải tôi”. Hai thế lực này hiển lộ không chỉ nơi con người, mà cả nơi loài vật; không chỉ nơi loài vật, mà cả nơi loài sâu bọ nhỏ bé nhất. Con cọp cái đang cắm những chiếc nanh vào dòng máu nóng hổi của con người, con cọp đó sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bầy con.

Con người nghèo khổ nhất, kẻ không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc lấy đi mạng sống của những người anh em, có thể sẽ không ngần ngại hy sinh để cứu vợ con đang chết đói. Xuyên suốt qua toàn thể tạo vật, hai thế lực đó vẫn luôn hoạt động bên cạnh nhau; khi các bạn tìm thấy cái này thì cũng tìm thấy cái kia.

Cái này là tính ích kỷ, cái kia là lòng vị tha. Một cái là chiếm hữu, một cái là buông xả. Cái này lấy, cái kia cho. Từ những loài thấp nhất cho đến những loài cao nhất, toàn thể vũ trụ là sân chơi cho hai thế lực này. Điều đó không yêu cầu phải chứng minh gì cả, mà nó hiển lộ ra cho tất cả mọi người.

Bất kỳ bộ phận nào của cộng đồng nhân loại lấy quyền gì để nói rằng sự vận hành và tiến hóa của vũ trụ chỉ được dựa trên hai sự kiện này – cạnh tranh và đấu tranh?

Họ lấy quyền gì để nói rằng toàn bộ sự vận hành của vũ trụ chỉ được dựa trên dục vọng và chiến đấu, dựa trên cạnh tranh và đấu tranh? Sự tồn tại của những thứ đó là điều ta không thể phủ nhận, nhưng ai có quyền phủ nhận sự vận hành của những thế lực khác?

Ai có thể phủ nhận rằng tình yêu – tức cái “không tôi” này, cái “vô ngã” này, sự từ bỏ này – là sức mạnh tích cực duy nhất trong vũ trụ? Những thứ khác chỉ là sự vận dụng sai lệch sức mạnh tình yêu này; sức mạnh tình yêu này mang đến sự cạnh tranh; sự cạnh tranh được thực sự sinh ra trong tình yêu.

Còn điều ác được thực sự sinh ra từ lòng vị tha. Kẻ tạo ra điều ác là điều tốt, và chung cục của nó cũng tốt. Đó chỉ là sức mạnh của điều thiện bị hướng dẫn sai đường. Kẻ sát nhân có thể bị kích động phải giết người bởi tình yêu đối với đứa con mình.

Tình yêu của hắn đã bị giới hạn vào một đứa bé, và loại bỏ hàng triệu sinh linh khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, dù bị giới hạn hay vô hạn thì đó cũng là một tình yêu như nhau.

Như thế, sức mạnh khởi phát của toàn thể vũ trụ, trong mọi thể cách mà nó hiển lộ tự thân, là điều rất diệu kỳ, là lòng vị tha, sự buông xả, là tình yêu, là thế lực sinh động, chân thực, duy nhất trong vũ trụ. Do đó, triết gia Vedānta khẳng định vạn hữu là nhất thể.

Chúng ta cũng khẳng định cách lý giải này, vì chúng ta không thể chấp nhận có hai nhân [ cause] trong vũ trụ. Nếu chúng ta cho rằng cùng một tình yêu tuyệt diệu và đẹp đẽ đó, nhưng khi bị giới hạn thì có vẻ xấu xa độc ác, ta sẽ thấy toàn thể vũ trụ được lý giải bằng thế lực của một tình yêu duy nhất.

Nếu không thì phải mặc nhiên chấp nhận vũ trụ có hai nhân: một thiện, một ác; một yêu thương, một hận thù. Cách lý giải nào hợp lý hơn? Dĩ nhiên là thuyết một thế lực. Bây giờ ta hãy chuyển sang những vấn đề có thể không liên quan gì đến thuyết nhị nguyên.

Tôi không thể nán lại lâu hơn với những triết gia nhị nguyên. Tôi sợ.

Quan điểm của tôi là chứng minh rằng lý tưởng cao nhất của đạo đức và lòng vị tha luôn song hành với quan niệm siêu hình học tối cao, rằng các bạn không cần phải hạ thấp quan niệm của mình xuống để có được nền đạo lý, mà trái lại, để đạt đến nền tảng thực sự của một nền đạo lý thì các bạn phải có những quan niệm khoa học và siêu hình học cao siêu nhất.

Tri thức loài người không gây trở ngại cho sự an lạc của loài người. Trái lại, chỉ có tri thức mới cứu giúp chúng ta trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tri thức là tín ngưỡng. Chúng ta biết càng nhiều càng tốt. Triết học Vedānta cho rằng căn nguyên của mọi điều tưởng là xấu xa độc ác đều là do sự hạn chế của cái vô giới hạn.

Tình yêu – bị giới hạn trong những suy nghĩ hạn hẹp và tưởng chừng như xấu xa – rốt cuộc cũng thoát ra khỏi ở cực bên kia, và tự thân hiển lộ như là Thượng Đế. Triết học Vedānta cũng cho rằng căn nguyên của mọi điều tưởng là xấu xa độc ác đều ở trong tâm ta.

Đừng đổ lỗi cho bất kỳ một đối tượng siêu nhiên nào, cũng đừng có tuyệt vọng hay ngã lòng, cũng đừng nghĩ rằng ta đang ở tại một nơi không sao thoát ra được, trừ phi có ai đó đến và đưa tay cứu giúp. Triết học Vedānta bảo rằng không thể có điều đó.

Chúng ta như con tằm; ta rút ruột ra để làm tổ kén, rồi dần dần theo thời gian, ta bị cầm tù trong đó. Song điều đó không phải là vĩnh viễn.Trong tổ kén đó, chúng ta sẽ phát triển sự thực chứng tâm linh, rồi thoát ra ngoài như con bướm tự do.

Ta dệt nên mạng lưới Nghiệp (Karma) bao quanh mình, và do vô minh ta ngỡ rằng mình đang bị trói buộc, nên khóc than và kêu gào giúp đỡ. Nhưng sự giúp đỡ đó không đến từ bên ngoài, mà từ chính bên trong của chúng ta.

Hãy kêu gọi tất cả chư thần trong vũ trụ. Tôi đã kêu gọi bao năm, cuối cùng tôi thấy mình được giúp đỡ. Nhưng sự giúp đỡ đó đến từ chính bên trong tôi. Và tôi đã phải xóa bỏ hết những gì đã làm do nhầm lẫn. Đó là con đường duy nhất.

Tôi phải cắt bỏ hết tấm lưới mà tôi đã giăng quanh mình, và sức mạnh để làm được điều đó xuất phát từ nội tâm. Từ đó, tôi tin chắc rằng không một cảm hứng nào – dù được hướng dẫn tốt hay tồi trong đời tôi – lại hoàn toàn vô ích, mà tôi là kết quả của quá khứ mình, cả thiện lẫn ác.

Tôi đã phạm nhiều sai lầm trong đời nhưng tôi xin các bạn lưu ý là nếu không có những sai lầm đó thì tôi không thể được như ngày hôm nay, cho nên tôi hoàn toàn hài lòng là đã phạm phải những sai lầm đó.

Tôi không có ý muốn nói rằng các bạn hãy quay về nhà và tha hồ phạm sai lầm; xin đừng ngộ nhận tôi theo cách đó. Nhưng đừng có ủ rũ sầu bi vì những sai lầm đã phạm phải, mà hãy biết rằng rốt cuộc rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy.

Không thể khác đi được, bởi vì bản tính chúng ta vốn thiện hảo và thuần tịnh, và bản tính đó không bao giờ bị hủy diệt. Bản tính tinh yếu của chúng ta luôn tự như.

Cái mà ta cần phải hiểu là điều này: những thứ mà ta gọi là lầm lẫn hay xấu xa, sở dĩ ta phạm phải là do ta yếu đuối, mà ta yếu đuối bởi vì ta ngu muội.

Tôi thích gọi chúng là những điều lầm lẫn hơn. Danh từ tội lỗi – mặc dù khởi thủy là một từ rất tốt đẹp – lại mang một sắc thái khiến ta phải kinh hãi. Ai làm cho chúng ta ngu muội? Chính chúng ta. Chúng tay lấy tay che mắt rồi than khóc sao mà tối quá.

Hãy lấy bàn tay ra thì tự nhiên ánh sáng sẽ xuất hiện; ánh sáng vẫn muôn đời ở đó vì chúng ta, nó là bản tính tự ngời sáng của linh hồn con người. Các bạn há không nghe các nhà khoa học hiện đại của các bạn nói gì sao? Nguyên nhân tiến hóa là gì? Khát vọng.

Con vật muốn làm một điều gì đó, nhưng thấy môi trường không thuận lợi, do đó, nó phát triển thành một thể xác mới. Ai đã phát triển nó? Chính bản thân nó, ý chí của nó. Các bạn đã tiến hóa từ loài động vật nguyên sinh thấp kém nhất.

Hãy tiếp tục triển khai ý chí đó, rồi nó sẽ đưa các bạn đến một cảnh giới cao hơn nữa. Ý chí là toàn năng. Nếu nó là toàn năng, các bạn có thể nói thế, vậy thì tại sao tôi không thể làm được tất cả mọi điều tôi thích? Là vì các bạn chỉ nghĩ đến cái tự ngã nhỏ bé của mình.

Hãy nhìn ngược lại quá trình tiến hóa của các bạn từ loài động vật nguyên sinh đến con người hiện nay, ai đã tạo nên tất cả những điều đó. Chính ý chí của các bạn. Các bạn có thể phủ nhận để cho là nó không toàn năng chăng?

Cái gì đã làm cho các bạn tiến hóa cao hơn thì cái đó sẽ còn làm cho các bạn tiến hóa cao hơn nữa. Cái các bạn thiếu là cá tính, là sự củng cố mạnh mẽ cho ý chí.

Bởi vậy, nếu tôi dạy cho các bạn rằng bản tính các bạn vốn ác, rằng các bạn nên về nhà mặc áo tang, bôi tro lên người và khóc than cho đến khi chết vì các bạn đã phạm những sai lầm nào đó thì điều đó chẳng giúp ích gì có các bạn cả, mà còn làm cho tất cả các bạn càng yếu đuối hơn nữa, như vậy là tôi lại sẽ tiếp tục chỉ ra cho các bạn một con đường dẫn đến nhiều điều xấu ác hơn là điều tốt đẹp.

Nếu căn phòng này đã chìm trong bóng tối hàng ngàn năm qua, các bạn đi vào và than khóc: “Ôi, sao mà tối mịt mùng thế này!” thì liệu bóng tối có biến mất hay không? Hãy dùng một que diêm đánh lửa lên, và ánh sáng sẽ đến ngay lập tức.

Có ích gì nếu suốt đời các bạn cứ nghĩ: “Ôi, mình đã làm điều xấu, mình đã phạm sai lầm”. Chúng ta không cần đến bóng ma để nói cho ta biết điều đó.

Hãy mang ánh sáng vào, và điều xấu ác sẽ lập tức tan biến. Hãy bồi đắp cho cá tính của các bạn, hãy hiển lộ bản tính thực của mình – tức cái Bản Tính Quang Minh Rạng Rỡ, cái Bản Nhiên Thuần Tịnh –, và hãy đánh thức nó dậy nơi tâm hồn của bất cứ người nào bạn gặp.

Tôi mong sao mỗi người trong chúng ta đều đạt đến cảnh giới dù sống giữa những người tồi tệ xấu xa nhất, ta vẫn có thể thấy được Thực Ngã bên trong họ, và thay vì nguyền rủa họ, ta hãy nói: “Hãy đứng lên! Bạn, đấng Quang Minh Rạng Rỡ!

Hãy đứng lên! Bạn, đấng Vĩnh Viễn Thuần Tịnh! Hãy đứng lên! Bạn, đấng Vượt Thoát Tử Sinh! Hãy đứng lên! Bạn, đấng Toàn Năng! Và hãy hiển lộ chân tính của mình. Những biểu hiện nhỏ nhoi thấp kém này không thích hợp với bạn đâu”.

Đó là lời cầu nguyện tối cao mà triết học Advaita đã dạy. Đó là lời cầu nguyện duy nhất để nhớ đến chân tính của chúng ta – vị Thượng Đế luôn ở trong tâm ta –, hãy luôn nghĩ đến nó như là cái vô biên, toàn năng, vốn luôn luôn toàn thiện, luôn luôn từ tâm, vô ngã, xóa bỏ mọi giới hạn.

Vì bản tính vốn vô ngã, nên nó kiên cường và không sợ hãi; bởi vì sự sợ hãi chỉ xuất phát từ lòng ích kỷ. Người không còn tham vọng nào cho riêng mình thì còn sợ ai, và cái gì có thể khiến anh ta kinh hãi? Cái chết có gì khiến anh ta phải sợ?

Điều xấu ác có gì khiến anh ta phải sợ? Do đó, nếu là những triết gia Advaita thì chúng ta phải tư duy rằng kể từ lúc này, các tự ngã cũ kỹ của chúng ta đã chết và biến mất cả rồi.

Ông X., bà Y., cô Z. đều đã biến mất hết rồi, chúng chỉ thuần là những điều mê tín, cái còn lại sự bản nhiên thuần tịnh, bản nhiên kiên cường, là cái toàn năng, toàn tri – chỉ cái đó mới còn lại trong ta.

Tất cả những nỗi sợ hãi đều biến sạch khỏi tâm trí ta, và công việc duy nhất của chúng ta là khai phá được tri thức đó nơi những người đồng loại của mình.

Chúng ta thấy rằng họ cũng là chính là cái Chân Ngã Thuần Tịnh đó, chỉ có điều là họ không hay biết; chúng ta phải dạy cho họ biết, chúng ta phải giúp họ khải phát được bản tính vô biên đó. Đây là điều mà tôi thấy tuyệt đối khẩn thiết trên khắp thế giới.

Đó là giáo lý cổ xưa, có lẽ còn cổ xưa hơn nhiều ngọn núi nữa. Tất cả chân lý đều vĩnh cửu. Chân lý không phải là tài sản của bất kỳ một ai; không một giống nòi nào, không một cá nhân nào có thể độc quyền tuyên bố nó.

Chân lý là bản tính của mọi linh hồn. Ai có thể tuyên bố là có quyền đặc biệt đối với chân lý?

Ngược lại, chân lý đã được tạo ra theo tính thực tiễn, đơn giản (bởi vì những chân lý tối cao luôn đơn giản), cho nên nó có thể thẩm thấu vào mọi ngóc ngách của xã hội loài người, và trở thành tài sản của những người tài năng ưu tú nhất và những tâm trí bình thường nhất, đồng thời của tất cả nam phụ lão ấu.

Tất cả những diễn dịch theo lý luận này, tất cả các đống siêu hình học này, tất cả những thần học và nghi thức này có thể tốt đẹp trong thời đại của chúng, nhưng chúng ta hãy cố gắng biến những thứ đó trở nên đơn giản hơn và tạo ra thời đại hoàng kim, trong đó mỗi người là một người sùng bái, và Thực Tại Tính nơi mỗi người là đối tượng để sùng bái.

[1] Auguste Comte (1798–1857) là triết gia Pháp, người sáng lập triết học thực chứng (positivism).

[2] Tức năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x