Trang chủ » Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

by Trung Kiên Lê
49 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Mọi hành vi xuất phát từ chúng ta đều tác dụng ngược lại chúng ta như thế nào, thì mọi hành vi mà chúng ta tác động trên người khác, hoặc của người khác tác động trên ta, cũng đều có tác động ngược như thế ấy.

Có lẽ tất cả các bạn đều quan sát thấy một điều hiển nhiên này: khi một người làm những việc hung ác thì càng ngày họ càng trở nên hung ác, còn khi họ bắt đầu làm những việc thiện thì càng ngày họ càng trở nên lành mạnh hơn và lúc nào cũng học cách làm điều thiện.

Sự gia tăng ảnh hưởng của hành vi là điều không thể được giải thích trên nền tảng nào khác hơn điều này: chúng ta có thể hành động và chịu phản ứng lẫn nhau.

Khi tôi đang làm một điều gì đó thì có thể nói là tâm trí tôi đang ở trong trạng thái dao dộng nào đó, và tất cả những tâm trí nào đang ở trong trạng thái tương tự cũng đều có xu hướng chịu ảnh hưởng theo tâm trí tôi.

Thử minh họa bằng hiện tượng vật lý: giả sử trong phòng này có nhiều loại nhạc khí khác nhau đang cần chỉnh âm cho đều nhau, có thể các bạn đã nhận thấy rằng khi một nhạc cụ được tấu lên thì những nhạc cụ khác có xu hướng dao động theo, sao cho tạo được sự đồng âm.

Do đó, tất cả những tâm trí nào có cùng trương độ, có thể nói như vậy, sẽ đều cùng chịu ảnh hưởng như nhau của cùng một tư tưởng. Mức độ ảnh hưởng dĩ nhiên sẽ khác nhau tùy theo cự ly và nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng tâm trí sẽ luôn mở rộng để đón nhận sự cảm nhiễm.

Giả sử tôi đang làm một điều ác thì tâm trí tôi ở trong một trạng thái dao động nào đó, và tất cả những tâm trí trong vũ trụ đang ở trong trạng thái tương tự cũng đều có xu hướng chịu ảnh hưởng theo tâm trí tôi.

Cũng vậy, khi tôi đang làm một điều thiện thì tâm trí tôi đang ở trong trạng thái dao dộng khác, và tất cả những tâm trí nào đang ở trong trương độ tương tự cũng đều có xu hướng chịu ảnh hưởng theo tâm trí tôi, và năng lực tác động của tâm trí này lên tâm trí kia mạnh hay yếu là tùy thuộc vào cường độ của trương lực.

Đưa ví dụ này đi xa hơn nữa, sóng ánh sáng có thể đã phải di chuyển hàng triệu năm trước khi chạm vào một vật thể thì cũng vậy, sóng tư tưởng cũng có thể phải di chuyển hàng trăm năm trước khi chạm vào một đối tượng mà chúng có thể tạo ra được sự hòa thanh cộng hưởng, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Bởi vậy, rất có thể là bầu khí quyển của chúng ta chứa đầy những dao dộng tư tưởng như thế, cả thiện lẫn ác. Mỗi tư tưởng được phóng chiếu từ mọi bộ não, có thể nói như vậy, sẽ cứ tiếp tục dao động cho đến khi nó gặp được một đối tượng thích hợp tiếp nhận được nó.

Bất kỳ tâm trí nào mở rộng để tiếp nhận những dao động đó đều sẽ dung nạp được chúng ngay lập tức.

Bởi vậy, khi một người làm điều ác là anh ta đã đặt tâm trí mình vào một trạng thái trương lực nào đó, và tất cả những dao động sóng tương ứng với trạng thái đó – có thể nói là chúng đã hiện hữu sẵn trong bầu khí quyển – đều tranh nhau xâm nhập vào tâm trí anh ta.

Đó là lý do khi một người làm điều ác thì thường càng trở nên hung ác. Hành vi hung ác của anh ta đã được tăng thêm sức mạnh.

Đối với trường hợp người làm điều thiện cũng thế, tâm trí anh ta mở rộng để đón nhận tất cả những dao động tốt đẹp trong bầu khí quyển, cho nên hành vi tốt đẹp của anh ta cũng sẽ được tăng thêm sức mạnh.

Bởi thế, khi làm điều ác thì chúng ta mắc phải một nguy hiểm gấp đôi: thứ nhất, chúng ta mở rộng tâm trí cho tất cả những ảnh hưởng xấu quanh ta, thứ hai, chúng ta tạo thêm điều hung ác gây ảnh hưởng đến kẻ khác, có thể kéo dài cả trăm năm kể từ bây giờ.

Khi làm điều hung ác thì chúng ta gây tổn hại cho bản thân mình và cho người khác nữa. Khi làm điều thiện thì chúng ta đem lại điều tốt đẹp cho bản thân mình và cho người khác nữa, và cũng như những lực khác nơi con người, các lực thiện và ác này cũng dung nạp sức mạnh từ bên ngoài.

Theo pháp môn karma-yoga thì một hành vi đã làm không thể bị phá huỷ, cho đến khi nào nó tạo ra kết quả, không một thế lực nào trong tự nhiên có thể bắt nó ngừng việc sản sinh ra kết quả.

Nếu tôi làm một điều hung ác, tôi phải chịu khổ đau về nó, không một sức mạnh nào trong vũ trụ này có thể ngăn chặn hay đình chỉ nó được cả. Tương tự như vậy, nếu tôi làm một điều tốt thì cũng không một sức mạnh nào trong vũ trụ này có thể ngăn chặn nó sinh ra thiện quả.

Hễ có nhân thì có quả, không một thứ gì có thể ngăn cản hoặc kiềm chế được điều này. Bây giờ, chúng ta bàn đến một vấn đề rất tế nhị và nghiêm túc của karma-yoga – đó là những hành động của chúng ta, cả tốt lẫn xấu, đều kiên kết với nhau vô cùng mật thiết.

Chúng ta không thể đặt ra một ranh giới rồi bảo rằng hành động này hoàn toàn tốt, còn hành động kia hoàn toàn xấu.

Không có một hành động nào lại mang lại đồng thời kết quả thuần thiện hay thuần ác. Hãy lấy ví dụ gần gũi nhất này: tôi đang nói chuyện với các bạn, và có lẽ một số người trong các bạn cho rằng tôi đang làm một điều thiện, nhưng đồng thời có thể là tôi đang giết hàng ngàn con vi trùng trong không khí.

Vậy thì tôi cũng đang làm một điều ác đối với một cái gì khác. Khi một hành động tạo ra ảnh hưởng với những người ta biết, hoặc những người thân thiết của ta, theo cách tốt đẹp thì ta bảo đó là một hành động tốt.

Chẳng hạn, các bạn có thể bảo việc tôi đang diễn thuyết đây là điều vô cùng tốt đẹp với các bạn, nhưng những con vi trùng thì không muốn thế, những con vi trùng đó các bạn không hề thấy, nhưng các bạn có thể thấy được bản thân mình.

Cách thức mà bài diễn thuyết của tôi ảnh hưởng đến các bạn hiện rõ ra với các bạn, nhưng nó ảnh hưởng đến những con vi trùng như thế nào thì điều đó lại không hiển nhiên. Và do đó, nếu đem phân tích những hành vi xấu của mình, chúng ta cũng có thể thấy trong đó có một vài kết quả tốt nào đó.

Người nào thấy được trong việc thiện có một phần nào đó ác, và trong việc ác lại thấy được một phần thiện ở số điểm nào đó thì người đó đã biết được bí quyết làm việc.

Nhưng từ đó ta rút ra được điều gì? Đó là: dầu ta có cố gắng đến cách nào đi nữa thì vẫn không thể có bất kỳ một hành động nào là hoàn toàn trong sạch, cũng chẳng có một hành động nào là hoàn toàn nhơ bẩn, các từ “trong sạch “ và “nhơ bẩn” hiểu theo nghĩa “làm tổn thương” và “không làm tổn thương”.

Chúng ta không thể nào hít thở hoặc sống mà không gây tổn thương cho người khác, và mọi miếng ăn mà ta ăn đều giành lấy từ miệng kẻ khác.

Ngay cả sinh mạng của chúng ta cũng đang xô đẩy những sinh mạng khác ra ngoài. Đó có thể là con người, là thú vật hay loài vi trùng, nhưng chúng ta phải xô đẩy một số trong những sinh mạng đó ra ngoài. Sự thể đã là vậy thì hậu quả tất nhiên là ta không thể nào đạt đến sự hoàn hảo bằng công việc.

Chúng ta có thể làm việc đến tận thiên thu vạn kiếp, nhưng sẽ không có con đường nào đưa ta thoát ra khỏi mê cung này. Các bạn có thể làm việc, làm việc nữa, làm việc mãi, nhưng sẽ không có điểm kết thúc cho sự kết hợp tất yếu giữa thiện và ác trong kết quả của việc làm.

Điểm thứ hai cần xét đến là: Cứu cánh của làm việc là gì? Chúng ta thấy đại bộ phận dân chúng tại mọi quốc gia đều tin rằng đến một lúc nào đó thì thế giới này sẽ trở nên hoàn hảo, khi đó sẽ không còn bệnh tật, cái chết, bất hạnh và sự hung ác nữa.

Đó là một ý tưởng vô cùng tốt đẹp, một nguyên động lực vô cùng tốt đẹp để tạo cảm hứng và đề cao kẻ ngu muội, nhưng nếu suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy rõ ràng là không thể như vậy được.

Làm thế nào có thể có được điều đó, khi mà thiện và ác là mặt trái và mặt phải của cùng một đồng xu? Làm thế nào các bạn có thể có một điều thiện mà đồng thời lại không có điều ác? Hoàn hảo có nghĩa là gì? Một cuộc sống hoàn hảo là điều mâu thuẫn về thuật ngữ.

Cuộc sống tự nó là một trạng thái đấu tranh liên tục giữa chúng ta với mọi sự vật bên ngoài. Mỗi giây phút, chúng ta đều đang chiến đấu thực sự với thế giới tự nhiên bên ngoài, và nếu thất bại thì chúng ta xong đời.

Chẳng hạn, có cuộc đấu tranh không ngừng vì thực phẩm và không khí. Nếu thiếu thực phẩm và không khí thì chúng ta chết. Cuộc đời đâu phải là thứ đơn giản và trôi chảy êm đềm, mà nó là một hiệu ứng phức hợp.

Cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái gì đó ở bên trong với thế giới ngoại tại là cái mà chúng ta gọi là cuộc sống. Như thế, hiển nhiên là khi cuộc đấu tranh này đình chỉ thì cuộc sống cũng sẽ chấm dứt theo. Một hạnh phúc lý tưởng có nghĩa là đình chỉ đấu tranh.

Nhưng lúc đó thì cuộc sống cũng đình chỉ theo, bởi vì cuộc đấu tranh đó chỉ có thể đình chỉ khi bản thân cuộc sống đã đình chỉ hẳn.

Chúng ta đã thấy rằng giúp đỡ thế giới chính là tự giúp mình. Hiệu quả chính của việc làm vì người khác là nó khiến chúng ta trở nên thuần tịnh. Bằng cách thường xuyên cố gắng làm việc thiện cho người khác, chúng ta đang cố tự quên mình; quên đi bản thân là bài học vĩ đại duy nhất mà chúng ta phải học trong đời.

Con người suy nghĩ một cách điên rồ rằng họ có thể tự làm cho mình được hạnh phúc bằng những hành động ích kỷ, nhưng sau nhiều năm đấu tranh, cuối cùng họ mới tìm ra hạnh phúc chân thực nằm ở chỗ xóa bỏ đi thói ích kỷ, và không một ai có thể làm cho mình được hạnh phúc ngoài chính bản thân họ.

Mọi hành vi từ thiện, mọi tư tưởng cảm thông, mọi hoạt động trợ giúp, mọi nghĩa cử tốt đẹp đều lấy đi rất nhiều cái thói tự cho mình là quan trọng ra khỏi bản ngã nhỏ mọn của chúng ta, và khiến chúng ta suy nghĩ về mình là thứ thấp kém nhất, ít ỏi nhất, nhờ thế mà tất cả đều trở nên tốt đẹp.

Ở đây, ta thấy các pháp môn jnāna, bhakti và karma đều đồng quy về một điểm. Lý tưởng tối cao là xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn bản ngã của ta, không còn “Tôi” nữa mà tất cả đều là “Bạn”, và dù con người có ý thức được điều đó hay không thì karma-yoga vẫn đưa họ đến cứu cánh.

Nhà truyền giáo có thể kinh hãi trước quan niệm về một Thượng Đế Phi Nhân Thể, họ có thể khư khư khẳng định một Thượng Đế Nhân Thể, muốn duy trì tính đồng nhất và bản sắc cá nhân của Ngài theo ý nghĩa bất kỳ.

Nhưng quan niệm của họ về đức lý – nếu những quan niệm đó thực sự tốt đẹp – không thể không dựa trên nền tảng giải trừ bản ngã. Đó là nền tảng của mọi nền đạo đức.

Các bạn có thể mở rộng nó ra đến phạm vi con người, thú vật hay các thiên thần, nó là quan niệm cơ bản duy nhất, nguyên lý nền tảng duy nhất chạy xuyên suốt qua mọi hệ thống đạo đức. Các bạn sẽ thấy có nhiều hạng người khác nhau trong thế giới này.

Trước hết, có những con người thần thánh đã từ bỏ hoàn toàn bản ngã, chỉ làm những điều tốt đẹp cho nhân loại, thậm chí đến mức hy sinh cả tính mệnh. Đó là hạng người cao cả nhất. Bất kỳ đất nước nào, nếu có được một trăm người như thế thì đất nước đó không bao giờ tuyệt vọng.

Nhưng bất hạnh hay, những người như thế lại quá ít. Kế đó là những người làm điều tốt cho người khác, trong mức độ những chuyện đó không gây tổn hại cho họ.

Thứ ba là hạng người hại người để làm lợi cho mình. Một nhà thơ viết bằng tiếng Sanskrit kể rằng có một hạng người thứ tư không thể gọi tên, chuyên làm hại cho người khác chỉ vì muốn gây hại.

Cũng như ở cực này của cuộc sống gồm những người lương thiện, làm điều tốt chỉ vì điều tốt thì cũng vậy, ở cực kia, gồm những người chuyên làm hại cho người khác chỉ vì muốn gây hại. Làm hại người thì họ chẳng được cái gì cả, nhưng vì bản chất của họ là muốn gây tội ác.

Đây là hai từ trong tiếng Sanskrit. Một là pravritti nghĩa là hướng ngoại, và từ kia là nivritti nghĩa là nội quán. “Hướng ngoại” là cái mà ta gọi thế giới này, “cái Tôi” và “cái của Tôi”.

Nó bao hàm tất cả những sự vật làm cho “cái Tôi” được thêm dồi dào phong phú như tài sản và địa vị, quyền lực và danh tiếng, và là cái mang bản chất thâu tóm, luôn có xu hướng tích lũy mọi thứ vào một trung tâm duy nhất là “cái Tôi”.

Đó là pravritti, một xu hướng tự nhiên của tất cả mọi người – đem mọi thứ ở mọi nơi về chồng chất chung quanh một trung tâm, trung tâm đó là cái bản ngã dịu dàng của mỗi người. Khi xu hướng này bắt đầu gãy đổ và được thay thế bằng nivritti, hay xu hướng nội quán, là lúc đạo đức và tôn giáo khởi đầu.

Cả pravritti và nivritti đều là bản chất của công việc, cái trước là việc xấu, cái sau là việc tốt. Nivritti này là nền tảng chính của mọi nền đạo đức và tất cả các tôn giáo, và trạng thái tận thiện của nó là hoàn toàn vong ngã, sẵn sàng hy sinh thân, tâm cùng tất cả mọi thứ vì người khác.

Khi đạt đến trạng thái này thì ta thấu đạt trọn vẹn pháp môn karma-yoga. Đó là kết quả cao nhất của những việc làm tốt đẹp.

Một người dù không hề nghiên cứu một hệ thống triết học nào, dù không tin Thượng Đế, dù suốt đời chưa hề cầu nguyện một lần nào, nhưng nếu năng lực giản dị của những hành vi tốt đẹp đưa anh ta đến trạng thái sẵn sàng hy sinh tính mạng cùng mọi thứ vì người khác thì người đó đã đạt đến cùng một cảnh giới, mà người có đạo tâm đạt đến bằng cầu nguyện, và triết gia đạt đến bằng trí tuệ.

Bởi vậy, các bạn thấy rằng triết gia, người hoạt động, người có đạo tâm đều gặp nhau tại một điểm chung, đó là giải trừ bản ngã.

Dù cho những hệ thống triết học và tôn giáo của con người có khác biệt nhiều đến đâu chăng nữa thì tất cả loài người cũng đều kính trọng và kính sợ trước một người sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác. Ở đây hoàn toàn chẳng có chút liên quan nào đến tín ngưỡng hay giáo lý.

Ngay cả những người phản đối kịch liệt mọi quan niệm về tôn giáo, khi thấy một trong những hành động hy sinh hoàn toàn bản thân đó, cũng cảm nhận một điều là họ phải tỏ lòng tôn kính.

Các bạn há không thấy ngay cả một tín đồ Cơ Đốc giáo cố chấp nhất, khi đọc cuốn “Ánh sáng Á châu” ( Light of Asia) của Edwin Arnold, cũng phải tỏ lòng tôn kính Đức Phật, dù Ngài không thuyết pháp về Thượng Đế, không thuyết về điều gì ngoài việc hy sinh bản thân đó sao?

Chỉ có một điều là vị tín đồ cố chấp đó không biết rằng cứu cánh và mục tiêu trong cuộc đời anh ta cũng hoàn toàn giống như cứu cánh và mục tiêu trong cuộc đời của những người mà anh ta cho là khác với mình.

Những người sùng bái, bằng cách thường xuyên tâm niệm về Thượng Đế và hoàn cảnh tốt đẹp chung quanh, đều đi đến một điểm chung và nói: “Xin vâng ý Cha”, và không còn giữ thứ gì cho mình nữa.

Đó là giải trừ bản ngã. Vị triết gia, bằng trí tuệ, thấy được được rằng cái tựa hồ là bản ngã đó chỉ là một vọng tưởng, và từ bỏ nó dễ dàng. Đó là giải trừ bản ngã.

Do đó, cả karma, bhakti, và jnāna đều cũng đồng quy tại đây, và đây là điều mà tất cả những đại chân sư thời cổ muốn nói, khi các ngài dạy rằng Thượng Đế không phải là thế gian. Thế gian là một chuyện, còn Thượng Đế lại là một chuyện khác, và sự phân biệt này rất đúng.

Nói đến thế gian là các vị muốn đến lòng vị kỷ, còn nói về Thượng Đế là muốn nói đến đức tính vị tha. Một người có thể sống trên ngôi vua, nơi cung vàng điện ngọc, nhưng nếu hoàn toàn vị tha thì người đó đang sống trong lòng Thượng Đế.

Còn người khác dù có sống trong lều tranh vách nát, ăn mặc rách rưới, chẳng có được một thứ gì trên đời, nhưng nếu là người ích kỷ thì anh ta vẫn là người cực kỳ trần tục.

Quay về với một trong các điểm chính của chúng ta, chúng ta đã nói rằng không thể làm điều thiện mà đồng thời lại không gây ra một chút điều ác, hoặc không thể làm điều ác mà đồng thời lại không làm được một chút điều thiện.

Biết thế rồi thì chúng ta có thể làm việc theo cách nào?

Trên thế giới này có những giáo phái thuyết giảng một cùng cực lố bịch rằng tự tử chậm là cách duy nhất để giải thoát khỏi thế gian này, bởi vì nếu sống thì ta phải giết các con vật nhỏ bé đáng thương và làm chết cỏ cây, không thì cũng làm tổn hại vật gì đó hay người nào đó.

Bởi vậy, theo họ, cách duy nhất để giải thoát khỏi thế gian là chết.

Tín đồ đạo Jain đã rao giảng giáo lý này như là lý tưởng tối cao của họ, và tưởng chừng như nó rất hợp lý. Nhưng giải pháp thực sự được tìm thấy trong Bhagavad Gitā.

Đó là giáo lý vô luyến cảm, không bị trói buộc vào bất cứ chuyện gì, khi làm việc trong đời. Hãy biết rằng các bạn hoàn toàn tách biệt với thế gian, dù các bạn đang sống trong cõi thế, và dù có làm bất cứ điều gì đi nữa thì các bạn cũng đừng làm vì lợi ích cho bản thân mình.

Bất cứ hành động nào các bạn làm vì bản thân mình cũng đều mang đến hậu quả mà các bạn phải gánh chịu.

Nếu đó là hành động tốt thì các bạn sẽ nhận được thiện quả, nếu xấu thì các bạn sẽ nhận được ác quả, còn bất cứ hành động nào mà các bạn không làm vì bản thân mình thì, dù là tốt hay xấu, cũng đều không mang lại hiệu ứng nào cho các bạn.

Trong kinh điển của chúng tôi, có một câu kinh văn vô cùng ấn tượng cụ thể hóa ý tưởng này: “Cho dù y có giết toàn thể vũ trụ này (hay là y bị giết) thì y cũng không phải là kẻ giết hay người bị giết, bởi vì y hiểu rằng y hành động hoàn toàn không vì bản thân mình”.

Bởi vậy, karma-yoga dạy: “Đừng từ bỏ thế gian, hãy sống trong thế gian, hãy hấp thụ những ảnh hưởng của nó bằng hết sức mình”. Nhưng có phải tất cả những điều đó là để các bạn hưởng thụ lạc thú cho bản thân? Chắc chắn là không.

Hưởng lạc không phải là mục tiêu. Trước hết hãy giải trừ bản ngã, rồi đón nhận toàn thể thế giới này như là chính các bạn. Giống như các tín đồ Cơ Đốc giáo lớn tuổi thường nói: “Người già phải chết”.

Người già ở đây dùng để chỉ quan niệm vị kỷ, cho rằng toàn thể thế giới này được tạo ra để chúng ta hưởng lạc. Nhiều bậc phụ huynh ngớ ngẩn dạy con cái cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài đã tạo ra mặt trời và mặt trăng cho chúng con”, làm như Thượng Đế chẳng có chuyện chi để làm, ngoài việc tạo ra mọi thứ cho con cái họ.

Đừng có dạy cho con cái các bạn những điều nhảm nhí đó. Lại có những người ngớ ngẩn theo cách khác: họ dạy cho chúng ta rằng tất cả loài vật được tạo ra là để chúng ta giết lấy thịt, và vũ trụ này dành cho con người hưởng thụ. Đó là điều hoàn toàn ngớ ngẩn.

Con cọp có thể nói: “Con người được tạo ra để cho ta ăn thịt”, và cầu nguyện: “Lạy Chúa, những kẻ nào không đến đây nạp mạng cho con thật là quá đỗi độc ác, bọn chúng đang phá bỏ hết luật lệ của Ngài rồi”. Nếu thế giới này được tạo ra cho chúng ta thì chúng ta cũng được tạo cho thế giới.

Cho rằng thế giới được tạo ra để cho chúng ta hưởng lạc thì đó là một ý tưởng độc ác nhất khiến chúng ta phải suy đồi. Thế giới này đâu phải được tạo ra là vì chúng ta.

Hằng triệu người lìa bỏ nó mỗi năm, thế giới đâu có cảm nhận gì về điều đó, hàng triệu người khác được bổ sung để thế vào chỗ họ. Thế giới đối với chúng ta như thế nào thì chúng ta đối với thế giới cũng y như thế ấy.

Do đó, để làm việc một cách đúng đắn thì trước hết các bạn phải từ bỏ ngay tâm luyến cảm. Thứ hai, đừng có cãi cọ, hãy giữ mình như một nhân chứng và tiếp tục làm việc. Sư phụ tôi thường nói: “Hãy chăm sóc con cái các bạn như người vú nuôi”.

Người vú nuôi sẽ chăm sóc con cái các bạn, âu yếm và vui đùa với nó như là con ruột của mình, nhưng khi các bạn thông báo cho nghỉ việc là họ sẵn sàng mang khăn gói ra khỏi nhà ngay – mọi luyến cảm đều bị lãng quên. Người vú nuôi không thấy đau đớn gì khi phải chia tay đứa con của bạn để đi chăm sóc một đứa bé khác.

Các bạn giống như người vú nuôi, và nếu các bạn tin vào Thượng Đế thì hãy tin rằng tất cả những gì bạn ngỡ là của mình thực ra đều thuộc về Ngài. Sự yếu đuối lớn nhất thường khoác lớp vỏ như là điều tốt đẹp nhất và mạnh mẽ nhất. Cho rằng có ai đó phải dựa dẫm vào tôi, và tôi có thể làm điều tốt cho người khác, đó là sự yếu đuối.

Niềm tin này là mẹ đẻ ra tất cả luyến cảm, và từ luyến cảm này mà chúng ta phải gánh chịu tất cả sự khổ đau.

Ta phải nhắc nhở cho tâm trí mình biết rằng không một ai trong vũ trụ này lệ thuộc vào ta cả, không một kẻ ăn mày nào sống dựa vào lòng từ thiện của ta cả, không một linh hồn nào sống dựa vào lòng tử tế của ta cả, không một sinh linh nào sống dựa vào sự giúp đỡ của ta hết.

Tất cả đều đang được thiên nhiên giúp đỡ, và sẽ thiên nhiên tiếp tục giúp đỡ ngay cả khi hàng triệu người chúng ta không còn có mặt nơi đây.

Tiến trình vận động của tự nhiên sẽ không dừng lại vì những người như các bạn và tôi, mà đây chỉ là, như tôi đã trình bày, một đặc ân đầy lạc phúc để các bạn và tôi được phép tự giáo dục lấy mình, thông qua việc giúp đỡ người khác.

Đây là một bài học vĩ đại cần phải học trong đời này, và khi đã học trọn vẹn rồi thì chúng ta sẽ không bao giờ còn bất hạnh, chúng ta có thể lăn lộn trong đời bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu mà không lo bị tổn thương.

Các bạn có thể có vợ, có chồng, có đông đảo kẻ hầu người hạ, có cả vương quốc để cai trị, nhưng nếu như các bạn thực hành nguyên lý này: thế giới này không phải dành cho các bạn, và tất nhiên là nó chẳng cần gì đến các bạn, thì chúng chẳng thể gây tổn thương các bạn được.

Ngay trong năm này, một số bạn bè của các bạn có thể đã mất. Thế giới này có ngừng vận động chăng? Nó có chờ đợi những người bạn đó quay về lại chăng? Vạn vật có dừng lại chăng? Không, thế giới vẫn cứ tiếp tục vận hành.

Bởi vậy, hãy vất bỏ khỏi tâm trí bạn ý tưởng cho rằng các bạn phải làm điều gì đó cho thế gian này, nó chẳng cần gì đến sự giúp đỡ của bạn hết. Thật là quá đỗi nhảm nhí cho bất cứ ai nghĩ rằng họ sinh ra là để giúp đỡ thế giới này. Đó chỉ là sự huênh hoang, khoác lác, là thói tự phụ, kiêu căng tự khoác lớp vỏ đức hạnh.

Khi các bạn đã rèn luyện cho tâm trí và thần kinh mình thấu hiểu được tư tưởng rằng thế giới này không lệ thuộc vào ta hoặc vào bất kỳ một ai khác thì sẽ không còn phản ứng gây nên khổ đau từ việc làm nữa.

Khi tặng cho ai một thứ gì đó và không mong báo đáp – thậm chí cũng chẳng cần người đó biết ơn – thì sự vô ơn của họ chẳng gây phiền não nào nơi các bạn, vì các bạn không bao giờ mong chờ báo đáp, không bao giờ nghĩ rằng mình có quyền gì để nhận lại sự báo đáp cả.

Các bạn đã cho họ cái mà họ xứng đáng nhận lấy, karma của họ đã đón nhận tặng phẩm cho họ, còn karma của các bạn biến các bạn thành người mang quà tặng.

Vậy thì có gì để bạn tự hào khi tặng một món quà nào đó? Các bạn chỉ là người mang tiền hoặc một loại tặng phẩm gì đó, và thế gian này xứng đáng để nhận do karma của chính nó. Vậy thì có gì để các bạn tự hào? Chẳng có gì là rất vĩ đại trong những thứ bạn tặng cho thế gian này.

Khi các bạn đã cảm nhận được sự vô luyến thì sẽ chẳng còn gì là thiện hay ác đối với các bạn cả. Chỉ có lòng vị kỷ mới phân biệt ra thiện ác.

Đây là một điều rất khó hiểu, nhưng sẽ đến một lúc nào đó các bạn học được rằng không một thế lực nào trong vũ trụ có thể tác động lên các bạn, cho đến khi nào các bạn cho phép nó tác động.

Không một thứ gì có thể chi phối được Chân Ngã con người, chừng nào Chân Ngã đó chưa biến thành một kẻ ngu ngốc và đánh mất đi sự tự tại. Bởi vậy, bằng tâm vô luyến, các bạn vượt qua được và phủ nhận thế lực của bất kỳ vật gì tác động lên chúng ta.

Thật là dễ dàng khi nói rằng không có gì có thể tác động lên các bạn, cho đến khi nào các bạn cho phép nó làm thế, nhưng cái gì là dấu hiệu chân thực của một người thực sự không cho phép bất cứ điều gì chi phối mình, một người không còn hạnh phúc hay bất hạnh, trước mọi tác động của thế giới ngoại tại?

Dấu hiệu đó là: vận may hay tai họa đều không khiến người ấy động tâm, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người ấy vẫn luôn tự như bất động.

Ở Ấn Độ có một nhà đại hiền triết tên là Vyasa. Ông được xem là tác giả của những câu cách ngôn trong triết học Vedānta, và là một bậc thánh. Cha của ông cố gắng trở thành một người hoàn hảo nhưng thất bại. Ông nội của ông cũng đã từng cố gắng nhưng thất bại.

Ông cố nội của ông cũng đã từng cố gắng nhưng thất bại. Bản thân ông cũng không thành công hoàn toàn, nhưng con trai ông, Śuka, khi sinh ra đã là người hoàn hảo.

Vyasa dạy cho con trai mình sự minh triết. Sau khi đích thân dạy cho con tri thức về chân lý, ông bèn đưa nó đến yết kiến vua Janaka. Vị vua này là một thánh quân và được gọi là Janaka Videha. Videha có nghĩa là “vô thể”, tức không có thể xác.

Dù là một vị vua, nhưng ông lại hoàn toàn quên mất rằng mình có một thể xác, lúc nào ông cũng nghĩ rằng mình chỉ là tinh thần. Cậu bé Śuka được đưa đến để học hỏi với ông. Nhà vua biết con trai của Vyasa đến gặp mình để học hỏi về minh triết, vì thế ông có vài sự sắp đặt trước.

Khi cậu bé tự đến trình diện ở cửa hoàng cung thì những người lính thị vệ chẳng thèm đếm xỉa gì đến nó. Họ chỉ đưa cho Śuka một cái ghế, và nó ngồi yên ở đó ba ngày ba đêm, chẳng có ai nói với nó một lời nào, cũng không ai hỏi nó là ai và từ đâu đến.

Śuka là con trai của nhà đại hiền triết, phụ thân nó được cả nước trọng vọng, và bản thân nó cũng là một người rất đáng kính, vậy mà đám lính thị vệ thấp hèn ở chốn hoàng cung lại chẳng thèm ngó ngàng gì đến.

Thình lình sau đó, các quan thượng thư và các đại thần đều tề tựu đến đón rước Śuka hết sức long trọng. Họ đón cậu bé vào hoàng cung, và đưa vào những gian phòng lộng lẫy, cho tắm nước hoa thơm nhất và mặc những y phục lộng lẫy nhất, và trong suốt tám ngày, họ để cho Śuka hưởng thụ đủ mọi thứ xa hoa.

Gương mặt nghiêm trang trầm tĩnh của Śuka không hề biến đổi một chút nào bởi sự thay đổi trong cung cách đối xử với mình, sống giữa cảnh xa hoa, nó vẫn giữ thái độ như lúc ngồi chờ ngoài cửa. Kế đó, Śuka được đưa đến yết kiến nhà vua.

Nhà vua ngồi trên ngai vàng, nhạc tấu vang lừng, cảnh khiêu vũ cùng những thú vui khác cứ đang tiếp tục diễn ra. Nhà vua đưa cho Śuka một chén sữa rót tràn đến miệng, và bảo nó đi bảy vòng quanh tòa đại sảnh mà không được để rơi một giọt nào.

Đứa bé cầm lấy chén sữa, bước đi giữa tiếng nhạc và những khuôn mặt xinh đẹp đầy quyến rũ. Làm đúng theo yêu cầu của nhà vua, Śuka đi bảy vòng mà sữa không hề sánh ra ngoài một giọt. Tâm trí đứa bé không hề bị lôi cuốn bởi bất cứ điều gì trong thế gian này, trừ phi nó cho phép điều đó ảnh hưởng đến mình.

Và khi Śuka mang chén sữa đến cho nhà vua, nhà vua bảo: “Những gì phụ thân người dạy cho ngươi, và những gì ngươi tự học, ta chỉ có thể lặp lại mà thôi. Ngươi đã biết được Chân Lý rồi.

Về nhà đi thôi”. Như thế, người nào chế ngự được bản thân thì không thể bị bất kỳ vật gì bên ngoài làm ảnh hưởng; đối với người đó thì tình trạng nô lệ không còn nữa, tâm trí anh ta trở nên tự do. Chỉ có người như thế mới thích hợp để sống trong thế gian này.

Chúng ta thường thấy con người duy trì hai thế giới quan. Một số người thì bi quan và nói: “Thế giới này thật là gớm ghiếc, thật là hung ác!”.

Còn một số người khác thì lạc quan và bảo: “Thế giới này thật tươi đẹp biết mấy, thật tuyệt diệu làm sao!” Đối với những người không chế ngự được tâm trí mình thì thế gian này đầy dẫy điều hung ác, hoặc giỏi lắm thì cũng là thiện ác lẫn lộn.

Chính thế gian này sẽ trở thành một thế gian hạnh phúc đối với chúng ta khi chúng ta làm chủ được tâm trí mình. Lúc đó sẽ không có gì ảnh hưởng được đến tâm trí ta như là thiện hay ác nữa, mà chúng ta sẽ thấy mọi vật đều được yên vị đúng chỗ, đều hài hòa.

Những người ban đầu bảo rằng thế giới là một địa ngục thì rốt cuộc lại thường bảo nó là một thiên đàng, khi họ thành công trong việc tự chế ngự mình.

Nếu chúng ta muốn trở thành những hành giả karma-yogi, và muốn tự rèn luyện để đạt đến cảnh giới đó thì dù có bắt đầu bằng cách nào đi nữa, rốt cuộc chúng ta chắc chắn phải kết thúc bằng cách giải trừ hoàn toàn bản ngã, và ngay khi cái mà chúng ta tưởng là bản ngã này tan biến thì toàn thể thế giới này – mà thoạt đầu đối với ta tựa hồ đầy dẫy điều hung ác – sẽ hiện ra như một thiên đàng ngập tràn lạc phúc.

Ngay cả không khí nơi đây cũng chứa chan lạc phúc, mỗi gương mặt người ở nơi đây đều sẽ tốt đẹp. Đó là cứu cánh và mục tiêu của karma-yoga, và đó là sự viên mãn của nó trong đời sống thực tế.

Các pháp môn yoga khác nhau của chúng ta không hề xung đột lẫn nhau, mỗi pháp môn đều đưa chúng ta đến cũng một mục tiêu và giúp ta hoàn hảo, chỉ có điều là pháp môn nào cũng đều cần phải tinh tấn tu tập. Trọn bí quyết nằm trong việc thực hành.

Đầu tiên các bạn phải nghe giảng, rồi tư duy, và tiếp đó là thực hành. Điều đó đúng với mọi pháp môn yoga. Trước tiên, các bạn phải nghe nói về nó và hiểu được nó là gì, và nhiều điều các bạn không hiểu sẽ được sáng tỏ khi các bạn thường xuyên nghe và tư duy.

Khó mà hiểu được mọi thứ ngay lập tức. Cuối cùng thì lời giải thích cho mọi sự đều nằm trong chính các bạn. Không một ai thực sự có thể được dạy dỗ bởi người khác, mỗi người chúng ta đều phải tự học Người thầy bên ngoài chỉ gợi ý cho người thầy bên trong hoạt động để hiểu được sự vật.

Rồi sự vật sẽ trở nên rõ ràng với chúng ta nhờ vào năng lực của nhận thức và tư tưởng của chúng ta, và chúng ta sẽ thực chứng chúng trong linh hồn mình, và sự thực chứng đó sẽ phát triển thành năng lực mãnh liệt của ý chí.

Trước tiên là cảm nhận, rồi mới trở thành ý chí, rồi từ ý chí đó xuất phát một sức mạnh mãnh liệt cho công việc, sức mạnh đó sẽ chảy qua từng mạch máu, từng dây thần kinh và từng cơ bắp, cho đến khi toàn thể khối lượng của thể xác chuyển thành công cụ cho pháp môn yoga hành động mang tính vị tha, và đạt đến thành quả mong muốn về việc giải trừ bản ngã trọn vẹn và hoàn toàn vô ngã.

Thành quả này không lệ thuộc vào bất kỳ giáo điều, giáo lý hay tín ngưỡng nào. Dù các bạn có là tín đồ Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo hay là người ngoại đạo cũng không quan trọng.

Các bạn có lòng vị tha không? Đó mới là vấn đề. Nếu có, thì các bạn sẽ là người hoàn thiện mà không cần đọc một cuốn sách tôn giáo nào, không cần phải đi lễ tại một nhà thờ hay đền thờ nào hết.

Mỗi pháp môn yoga của chúng tôi đều phù hợp để giúp con người trở nên hoàn thiện mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác, bởi vì tất cả các pháp môn đó đều có chung một mục tiêu trong quan điểm.

Tất cả các pháp môn yoga hành động, yoga trí tuệ, hay yoga sùng đạo đều có thể là phương tiện trực tiếp và độc lập để đưa đến giải thoát. “Chỉ có kẻ ngu mới nói rằng hoạt động và triết học là hai thứ khác nhau, người trí không nói thế”.

Bậc thức giả biết rằng, dù bề ngoài có vẻ khác nhau, nhưng cuối cùng thì chúng cùng dẫn đến một mục tiêu giống nhau là sự toàn thiện của con người.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x