Trang chủ » Vũ trụ thế giới vĩ mô

Vũ trụ thế giới vĩ mô

by Trung Kiên Lê
86 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại New York, 19 tháng 1, 1896)

Những đóa hoa ta nhìn thấy quanh ta thật là đẹp, cảnh mặt trời mọc thật là đẹp, sắc màu đa dạng trong thế giới tự nhiên thật là đẹp.

Toàn thể vũ trụ thật là đẹp, và con người đã hưởng thụ nó kể từ khi họ xuất hiện trên trái đất.

Những ngọn núi thật tôn nghiêm hùng vĩ; những con sông lớn ào ạt tuôn về biển cả, những sa mạc không một dấu chân người, những đại dương bao la vô tận, bầu trời lấp lánh ngàn sao – tất cả những thứ đó quả thật tôn nghiêm hùng vĩ và xinh đẹp vô cùng.

Toàn bộ sự vật mà ta gọi là thế giới tự nhiên đã tác động lên tâm trí con người kể từ thời vô thủy. Nó đã và đang tác động lên tư tưởng con người, và phản ứng của tư tưởng làm phát sinh câu hỏi: “Tất cả những thứ này là gì? Chúng từ đâu đến?”.

Lần ngược về thời kỳ những sáng tác cổ xưa nhất của loài người, tức kinh Veda, ta thấy một câu hỏi tương tự được đặt ra: “Cái này từ đâu ra? Khi nào không có cả hữu lẫn vô, khi nào bóng tối được giấu kín trong bóng tối? Ai đã làm xuất sinh ra vũ trụ này? Xuất sinh như thế nào? Ai biết được điều huyền mật đó?”.

Và câu hỏi đó đã truyền đến chúng ta ngày nay. Hàng triệu nỗ lực đã đổ ra để tìm lời giải đáp, và hàng triệu lần, câu hỏi đó vẫn cứ phải tìm lại lời giải đáp. Không phải mỗi lời giải đáp là một thất bại; mỗi lời giải đáp đều chứa một phần chân lý, và theo thời gian, chân lý đó dần thu thập được thêm sức mạnh.

Tôi xin tình bày với các bạn nét đại cương của lời giải đáp mà tôi thu thập được từ những triết gia Ấn Độ cổ đại, phù hợp với tri thức hiện đại. Chúng ta thấy rằng trong câu hỏi cổ xưa nhất của mọi câu hỏi này, có một vài điểm đã được giải quyết.

Điểm đầu tiên là mốc thời gian khi “không có cả hữu lẫn vô”, khi thế giới này chưa tồn tại; khi muôn vì tinh tú và ánh sáng của chúng, khi mẹ đất của chúng ta với biển cả đại dương, với núi non sông suối, với thành phố thôn làng, với loài người và cầm thú – toàn bộ sự sáng tạo vô biên này – chưa hề tồn tại.

Chúng ta sẽ truy nguyên cái kết luận này xuất hiện như thế nào. Con người thấy gì quanh mình? Lấy một cái cây nhỏ để minh họa. Anh ta gieo một hạt giống xuống đất, rồi sau đó thấy hạt nhú mầm, phát triển dần dần trên mặt đất, lớn mãi lớn mãi cho đến khi thành một thân cây hùng vĩ.

Rồi cây chết đi, chỉ để lại hạt giống. Cái cây vận hành theo đường tròn – nó nhú mầm ra khỏi hạt giống, biến thành cây, rồi lại kết thúc bằng hạt giống. Hãy nhìn con chim, xem nó chui ra khỏi vỏ trứng như thế nào, sống rồi chết ra làm sao, để lại trứng – những hạt giống cho những con chim trong tương lai.

Loài vật đã thế thì con người cũng không khác. Mọi vật trong thiên nhiên đều khởi đầu, có thể nói như vậy, từ những hạt giống nào đó, từ những nguyên sinh vật thô sơ nào đó, trong một hình thức tế vi nào đó, rồi ngày càng phát triển và trở nên thô dần, tiếp tục theo cách đó trong một khoảng thời gian, sau đó lại quay về lại với hình thức tế vi và giảm dần.

Hạt nước mưa, mà trong đó ánh nắng mặt trời xinh đẹp đang long lanh tỏa sáng, được thành hình từ hơi nước của đại dương, bay cao lên không trung, đến nơi nó biến thành nước, rồi lại rơi xuống trong hình dạng hiện giờ – để rồi chuyển hoá trở lại thành hơi nước.

Tất cả sự vật quanh ta trong thế giới tự nhiên cũng vậy. Chúng ta biết rằng những ngọn núi khổng lồ kia đang bị bào mòn từ từ bởi những băng hà và sông suối, chúng bào mòn từ từ nhưng chắc chắc sẽ biến những ngọn núi kia thành cát bụi.

Cát bụi đó sẽ lại bị cuốn trôi ra biển, chúng sẽ trầm tích xuống đáy biển, lớp này chồng lên lớp khác, dần dần rắn chắc như đá, rồi lại chồng cao lên thành núi trong tương lai. Rồi chúng lại bị bào mòn, và quy trình đó lại cứ tái diễn.

Những ngọn núi đó nhô lên từ cát bụi rồi trở lại thành cát bụi.

Nếu đúng là thiên nhiên đồng dạng ở khắp mọi nơi, nếu đúng là – và nếu cho đến nay không một kinh nghiệm nào của con người đối nghịch lại với điều đó – từ những thiên thể khổng lồ trong toàn thể vũ trụ như mặt trời, mặt trăng cùng muôn vì tinh tú cho đến một hạt cát nhỏ bé đều được tạo thành theo phương thức như nhau; nếu đúng là toàn thể vũ trụ được cấu tạo theo phương thức như một nguyên tử; nếu đúng là toàn thể vũ trụ này đều bị chi phối bởi cùng một định luật, nếu quả đúng là như vậy thì khi lấy một cây nhỏ và nghiên cứu đời sống của nó, ta cũng hiểu được điều bí ẩn của toàn thể vũ trụ y như thực, như kinh Veda đã nói: “Biết một cục đất thì ta biết được bản chất của tất cả các loại đất trong vũ trụ”.

Nếu biết được một hạt cát thì ta hiểu được sự huyền ẩn của toàn thể vũ trụ. Vận dụng phương thức lý luận này vào hiện tượng giới, trước hết ta thấy rằng tự thủy chí chung vạn hữu đều đồng dạng, nhất như.

Núi được tạo ra từ cát rồi trở về với cát, sông được tạo ra từ hơi nước rồi trở về với hơi nước, cây được tạo ra từ hạt giống rồi trở về với hạt giống, con người sinh ra từ mầm sống rồi trở về với mầm sống. Vũ trụ này với trăng sao tinh tú xuất phát từ trạng thái tinh vân rồi trở về với trạng thái tinh vân.

Chúng ta học hỏi được gì từ điều này? Đó là: trạng thái hiển lộ và thô sơ hơn là quả [ effect], còn trạng thái tế vi hơn là nhân [ cause]. Cách đây hàng ngàn năm, Kapila – người cha vĩ đại của nền triết học – đã chỉ ra rằng hoại diệt có nghĩa là quay ngược về nhân.

Nếu cái bàn này bị phá hủy thì thì nó sẽ quay ngược về nhân, quay về với những hình thức tế vi và những phân tử ban đầu – là những thứ kết hợp nhau để cấu tạo nên hình thể mà ta gọi là cái bàn.

Nếu con người chết đi thì nó sẽ quay về với những nguyên tố đã tạo nên thể xác; nếu trái đất này bị hủy diệt thì nó sẽ quay về với những nguyên tố đã tạo nên hình thể của nó.

Quay về lại với nhân, đó là cái mà ta gọi là hoại diệt. Do đó, chúng ta biết rằng quả tương đồng với nhân, chứ không khác. Nó chỉ ở trong một hình thể khác.

Cái ly này là quả; nó có nhân, và nhân đó đang hiện diện trong hình thể này. Một khối lượng chất liệu nào đó được gọi là thủy tinh, cộng thêm sức mạnh từ đôi bàn tay của người thợ, đó là các nhân; công cụ và chất liệu kết hợp lại với nhau tạo nên cái hình thể có tên gọi là cái ly.

Lực trong đôi tay của người thợ hiện diện trong cái ly như là năng lực kết dính, nếu không có nó thì các phân tử sẽ tách rời nhau ra; và chất liệu thủy tinh cũng hiện diện.

Cái ly chỉ là sự biểu hiện của những nhân tế vi trong một hình thể mới; nếu nó bị vỡ ra từng mảnh thì lực vốn đã hiện hữu dưới hình thức kết dính sẽ quay ngược lại, và kết hợp với nguyên tố riêng của nó, rồi những phân tử thủy tinh sẽ giữ nguyên hình trạng cho đến khi chúng tạo nên những hình thể mới.

Do đó, ta thấy rằng quả không bao giờ khác với nhân. Nó chỉ là sự tái tạo của nhân dưới hình thức thô sơ hơn. Tiếp theo đây, chúng ta học hỏi một điều là mọi hình thể đặc thù – mà ta gọi là cây cối, muông thú hay con người – đều đang được tái diễn đến vô tận, cứ hết nhô lên rồi lại chìm xuống.

Hạt giống tạo ra cây. Cây lại tạo ra hạt giống để nảy sinh thành một cây khác, rồi cứ tiếp tục như thế, không bao giờ ngừng. Hạt nước rơi dọc theo triền núi để ra đại dương, bốc lên thành hơi nước, quay về lại với núi, rồi lại rơi dọc theo triền núi để ra đại dương.

Bay lên rồi rơi xuống, chu trình này cứ tiếp diễn mãi như thế. Mọi sự sống, mọi sự tồn tại mà chúng ta có thể nhìn thấy, cảm nhận, nghe ra hay tưởng tượng ra cũng đều thế cả. Tất cả mọi điều nằm trong phạm vi kiến thức của chúng ta cũng đang diễn ra theo phương thức tương tự, giống như hơi thở vào ra trên cơ thể con người.

Tất cả tạo vật đều tiến hành theo hình thức này, con sóng cứ nhô lên rồi lại rơi xuống, nhô lên rồi lại rơi xuống hoài hoài. Mỗi con sóng đều có một chỗ lõm, mỗi chỗ lõm đều có một con sóng. Vũ trụ – xét như một chỉnh thể – phải được áp dụng cùng một quy luật như nhau, vì nó đồng nhất.

Vũ trụ này phải được phân giải thành những nhân của nó; mặt trời, mặt trăng, tinh tú, và trái đất, thể xác và tâm trí cũng vạn vật trong vũ trụ đều phải quay về với những nhân tế vi hơn của chính nó, tan biến đi, bị hủy diệt như đúng ra phải thế.

Nhưng chúng sẽ sống trong các nhân dưới những hình thức tế vi. Rồi từ những hình thức tế vi này, chúng sẽ lại hiện ra thành những trái đất, mặt trời, mặt trăng cùng muôn vì tinh tú mới lạ. Còn có một sự kiện cần phải học hỏi nhiều hơn nữa về chu trình sinh diệt này: chu trình nhô lên rồi rơi xuống.

Hạt giống phát sinh từ cây; nó không trở thành cái cây ngay, mà có một giai đoạn thụ động, hay đúng hơn là một giai đoạn hoạt động tế vi rất khó nhận ra. Hạt giống phải hoạt động một thời gian dưới lòng đất. Nó vỡ ra thành các mẫu nhỏ, thoái hóa đi, rồi từ trạng thái thoái hóa đó, sự sống hồi sinh.

Thoạt kỳ thủy, vũ trụ phải hoạt động trong một thời gian trong hình thức nhỏ bé đó, hình thức tế vi vô hình mà chúng ta gọi là sự hỗn mang; rồi từ đó xuất sinh một hiện tượng mới.

Toàn bộ giai đoạn hiện hình của vũ trụ – đi xuống hình thức tế vi hơn, duy trì trong hình thức đó một thời gian rồi xuất sinh trở lại – được gọi là kalpa, tức là kiếp hay chu kỳ, trong tiếng Phạn. Tiếp theo là một câu hỏi vô cùng quan trọng, nhất là đối với thời hiện đại.

Chúng ta thấy rằng những hình thức tế vi hơn phát triển chậm chạp, và dần dần trở nên thô thiển hơn. Chúng ta đã thấy rằng nhân quả đồng nhất, và quả chỉ là nhân trong hình thức khác. Do đó, toàn thể vũ trụ này không thể được sinh ra từ hư không.

Không có gì được sinh ra mà không có nhân, và nhân là quả trong hình thức khác. Vậy thì vũ trụ được sinh ra từ đâu? Từ một vũ trụ tế vi trước đó. Con người được sinh ra từ đâu? Từ một hình thức tế vi trước đó. Cái cây được sinh ra từ đâu? Từ hạt giống; toàn bộ cái cây đã nằm trong hạt giống rồi.

Nó xuất lộ và hiện hình. Bởi vậy, toàn thể vũ trụ đã được sáng tạo từ chính vũ trụ đó trong một hình thức nhỏ hơn, rồi được làm cho hiển lộ ra.

Giờ đây, chúng ta đã thấy được rằng những hình thức tế vi hơn phát triển chậm chạp, và dần dần trở nên thô thiển hơn, cho đến khi chúng đạt đến giới hạn; và khi đạt đến giới hạn rồi thì chúng lại quay về mỗi lúc một xa hơn, càng ngày lại càng trở nên tế vi hơn nữa.

Quá trình thoát ra khỏi cái tế vi và trở nên thô sơ đã làm biến đổi một cách đơn giản sự sắp xếp của những thành phần – có thể nói vậy, quá trình đó là cái là thời đại hiện nay gọi là sự tiến hóa. Điều đó là chân thực, hoàn toàn chân thực, chúng ta cũng chứng kiến nó trong đời sống.

Có lẽ không một người có lý trí nào lại đi cãi nhau với những người theo thuyết tiến hóa. Nhưng ta còn phải học hỏi thêm một điều nữa. Chúng ta còn phải bước một bước xa hơn nữa, và đó là gì? Đó là: trước mọi sự tiến hóa là sự nội trưởng [ involution].

Hạt giống là cha của cây, nhưng một cây khác lại là cha của hạt giống đó. Hạt giống là hình thức tế vi làm nảy sinh một cây lớn, rồi một cây lớn khác lại là cái hình thức nội trưởng của hạt giống đó. Toàn bộ vũ trụ này đã hiện hữu trong một vũ trụ tế vi khác.

Tế bào nhỏ bé – mà về sau phát triển thành con người – chỉ là một tế bào được nội trưởng, và tiến hóa thành con người. Nếu chấp nhận điều này thì chúng ta không cần phải tranh cãi với những người theo thuyết tiến hóa nữa, vì nếu họ chấp nhận bước này thì thay vì phá hoại tôn giáo, họ sẽ là những vị hộ pháp vĩ đại nhất.

Như vậy, ta thấy rằng không có gì được tạo ra từ hư không. Muôn vật tồn tại thông qua vĩnh cửu, và sẽ tồn tại thông qua vĩnh cửu. Chỉ những chuyển động mới kế tục nhau như con sóng nhấp nhô, quay về với hình thể tế vi, và xuất sinh để hiển lộ ở dạng thô.

Quá trình nội trưởng và tiến hóa diễn ra khắp thế giới tự nhiên. Toàn bộ quá trình tiến hóa – khởi đầu từ hình thức biểu hiện thô thiển nhất của cuộc sống và đạt đến hình thức cao nhất là con người hoàn hảo – phải là quá trình nội trưởng của một cái gì đó.

Câu hỏi là: Sự nội trưởng của cái gì? Cái gì được nội trưởng? Thượng Đế. Những người theo thuyết tiến hóa sẽ bảo quan niệm của các bạn – cho rằng cái được nội trưởng là Thượng Đế – là quan niệm sai lầm.

Vì sao? Họ đáp: vì các bạn thấy Thượng Đế thông minh, nhưng chúng tôi thấy trí thông minh phát triển muộn màng về sau trong quá trình tiến hóa; chỉ nơi con người và động vật cao cấp ta mới thấy trí thông minh, mà trước khi trí thông minh xuất hiện thì thế giới này đã trải qua hàng triệu năm rồi.

Tuy nhiên, sự phản bác của những người theo thuyết tiến hóa không vững vàng, như ta sẽ thấy sau đây, khi vận dụng lý thuyết của họ. Cái cây sinh ra từ hạt giống, rồi lại trở về với hạt giống, khởi đầu và kết thúc là như nhau. Trái đất sinh ra từ nhân [ cause] của nó rồi trở về với nhân.

Chúng ta biết rằng nếu tìm được khởi đầu thì sẽ tìm được kết thúc. Ngược lại, nếu tìm được kết thúc thì chúng ta sẽ tìm được khởi đầu. Nếu quả là vậy thì hãy xem lại quá trình tiến hóa, từ chất nguyên sinh ở cực này đến con người hoàn hảo ở cực kia.

Toàn bộ quá trình này là một cuộc sống. Ở phần kết thúc, ta thấy một con người hoàn hảo thì ở phần khởi đầu cũng phải vậy. Do đó, chất nguyên sinh là sự nội trưởng của trí thông minh cao nhất.

Có thể các bạn không thấy được nó, nhưng trí thông minh nội trưởng đó là cái tự cuốn mình lại, cho đến khi nó hiển lộ nơi con người hoàn hảo nhất. Điều đó có thể được chứng minh bằng toán học.

Nếu định luật bảo toàn năng lượng là đúng thì các bạn không thể nhận được gì từ cỗ máy, nếu như trước đó các bạn không nạp năng lượng đó vào. Công năng mà ta nhận được từ một cỗ máy đúng là số năng lượng mà ta đã nạp vào đó dưới dạng nước và than, không hơn không kém.

Công năng mà tôi đang thực hiện lúc này chỉ là những gì tôi nạp vào cơ thể dưới hình thức không khí, thức ăn cùng những thứ khác.

Vấn đề chỉ là biến đổi và biểu hiện. Không thể thêm được vào trong nền kinh tế của vũ trụ này một phân tử vật chất hoặc một foot-pound[1] lực nào, mà cũng chẳng thể có một phân tử vật chất hoặc một foot-pound lực nào, được lấy từ đó.

Nếu vấn đề là thế thì trí thông minh là gì? Nếu nó không hiện hữu trong chất nguyên sinh thì chắc hẳn nó phải được sinh ra từ một biến cố đột biến phát sinh từ hư không, điều này vô lý.

Do đó, một điều tuyệt đối chính xác là con người hoàn hảo, con người tự do, con người – Thượng Đế [ man-God] – người đã vượt qua khỏi quy luật tự nhiên và siêu nhiên ngoại vật, người không còn đi qua quá trình tiến hóa không còn trầm luân sinh tử, người mà tín đồ Cơ Đốc giáo gọi là “Con Người Chúa” [ Christ-man], Phật tử gọi là “Con Người Phật” [ Buddha-man], và các Yogi gọi là “Người giải thoát”, con người toàn thiện ở cuối chuỗi tiến hóa – đã được nội trưởng trong tế bào của nguyên sinh động vật, tức là sinh vật ở cực bên kia của cùng một chuỗi tiến hóa.

Vận dụng lập luận này cho toàn thể vũ trụ, ta thấy rằng trí thông minh phải là Chúa Tể sáng tạo, là nhân. Ý niệm tiến hóa cao nhất mà con người có được về vũ trụ là gì? Đó là trí thông minh, là sự hiệu chỉnh phần này phần khác, là sự phô bày trí thông minh mà thuyết thiết kế cổ đại đã cố gắng trình bày.

Do đó, khởi thủy là trí thông minh. Tại khởi thủy, trí thông minh đó được nội trưởng và cuối cùng nó tiến hóa. Tổng số trí thông minh phô bày trong vũ trụ, do đó, phải là trí thông minh phổ quát được nội trưởng, đang hiển lộ tự thân.

Trí thông minh phổ quát đó là cái mà ta gọi là Thượng Đế. Có gọi nó bằng một danh xưng khác đi nữa thì chắc chắn một điều là: tại khởi thủy đã có một trí thông minh vô biên bao trùm cả vũ trụ.

Trí thông minh bao trùm vũ trụ đó được nội trưởng, rồi nó tự hiển lộ và tiến hóa cho đến khi trở thành con người hoàn hảo – “Con Người Chúa” hoặc “Con Người Phật”. Kế đó, nó lại quay về nguồn cội. Đó là lý do vì sao kinh điển nói: “Chúng ta sống, di chuyển và tồn tại trong Ngài”.

Đó là lý do vì sao kinh điển thuyết giảng rằng chúng ta đến từ Thượng Đế và trở về với Thượng Đế. Đừng để các thuật ngữ thần học làm cho sợ hãi, nếu các thuật ngữ đó làm cho các bạn sợ hãi thì các bạn không xứng đáng là các triết gia.

Trí thông minh bao trùm vũ trụ đó được các nhà thần học gọi là Thượng Đế. Người ta nhiều lần hỏi tôi: “Vì sao ông lại sử dụng danh từ Thượng Đế [ God] cũ kỹ đó?”. Bởi vì nó là danh từ hay nhất cho mục đích của chúng ta.

Các bạn không thể tìm được một danh từ nào hay hơn thế, bởi vì mọi hy vọng, khát khao và hạnh phúc của nhân loại đều tập trung vào đó cả. Không thể đổi bằng một danh từ nào khác. Những ngôn từ như thế được các vị hiền triết đặt ra trước tiên, các vị này đã thực chứng được nội dung và hiểu rõ ý nghĩa của chúng.

Nhưng khi những ngôn từ đó được lưu hành trong xã hội, để cho những kẻ ngu dốt sử dụng thì hậu quả là chúng đánh mất đi tinh thần và ánh hào quang.

Danh từ Thượng Đế đã được con người sử dụng từ thời thượng cổ, và ý tưởng về trí thông minh bao trùm vũ trụ, cùng tất cả những gì vĩ đại thiêng liêng đều được bao hàm trong đó.

Ý các bạn cho là: vì có những kẻ ngu ngốc bảo danh từ đó không ổn mà chúng ta nên vất nó đi chăng? Một kẻ khác có thể đến và bảo: “Hãy dùng danh từ của tôi”, rồi một kẻ khác nữa lại bảo: “Hãy dùng danh từ của tôi”. Cứ thế thì sẽ không có hồi kết cho các danh từ ngu xuẩn đó.

Hãy dùng các danh từ cũ, chỉ dùng nó bằng tinh thần chân chính, gột sách hết mọi thứ mê tín dị đoan, và thực chứng trọn vẹn ý nghĩa của danh từ xưa cũ này.

Nếu các bạn hiểu được sức mạnh của luật liên tưởng, các bạn sẽ biết rằng những danh từ này được liên kết với vô số những ý tưởng mạnh mẽ và tôn nghiêm; hàng triệu người đã sử dụng và sùng bái chúng, và kết hợp chúng với tất cả những điều cao siêu và tốt đẹp nhất, những điều hợp lý nhất, đáng yêu nhất, những gì vĩ đại trong bản tính con người.

Chúng gợi lên ý tưởng kết hợp này, nên ta không thể từ bỏ chúng. Nếu như tôi cố gắng diễn đạt tất cả những điều này bằng cách nói với các bạn rằng Thượng Đế đã sáng tạo nên vũ trụ thì điều đó chẳng đem đến được ý nghĩa nào cho các bạn.

Thế nhưng, sau tất cả cuộc đấu tranh này, chúng ta đã quay về với Ngài – đấng Cổ Sơ Tối Thượng.

Bây giờ, ta thấy rằng tất cả những hình thức khác nhau của năng lượng vũ trụ như vật chất, tư tưởng, lực, trí thông minh, v.v… chỉ là những biểu hiện của trí thông minh bao trùm vũ trụ, hoặc đấng Chúa Tể Tối Cao – như ta sẽ gọi kể từ đây về sau.

Tất cả những gì các bạn thấy, cảm nhận hoặc nghe – nghĩa là toàn thể vũ trụ này – đều là sự sáng tạo của Ngài, hoặc chính xác hơn một chút nữa là sự phóng chiếu của Ngài, hoặc chính xác hơn nữa là Tự Thân Ngài. Ngài tỏa sáng như mặt trời và muôn ngàn tinh tú, Ngài là đất mẹ.

Ngài chính là đại dương. Ngài đến nhẹ như một trận mưa rào, Ngài là không khí dịu dàng mà ta hít thở, và Ngài là lực đang hoạt động trong thể xác ta. Ngài là lời nói mà chúng ta thốt ra, Ngài là kẻ đang nói. Ngài là khán giả đang ngồi ở nơi đây. Ngài là cái bục nơi tôi đang đứng.

Ngài là ánh sáng giúp tôi thấy rõ gương mặt các bạn. Ngài là tất cả. Ngài vừa là tác nhân vật chất, vừa là tác nhân tạo hiệu năng trong vũ trụ này, Ngài là cái được nội trưởng trong từng tế bào li ti và tiến hóa đến cực bên kia, rồi lại biến thành Thượng Đế.

Ngài là cái đang đi xuống và biến thành nguyên tử thấp kém nhất, từ từ hiển lộ bản chất mình ra, rồi tái kết hợp với chính mình. Đây là điều huyền mật của vũ trụ. “Người là nam, Người là nữ, Người là người khỏe mạnh đang bước đi trong niềm kiêu hãnh của tuổi thanh xuân, Người là ông già lọm khọm đang chống gậy.

Người ở trong tất cả, Người là tất cả, hỡi Thượng Đế”. Đây là giải pháp duy nhất về vũ trụ có thể làm thỏa mãn được trí năng con người. Tắt một lời, chúng ta sinh ra từ Ngài, sống trong Ngài và quay về lại với Ngài.

[1] Công thực hiện khi nâng một pound lên cao một foot.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x