Trang chủ » Bậc giác ngộ thấy thế giới như thế nào

Bậc giác ngộ thấy thế giới như thế nào

by Hậu Học Văn
926 views

Ngày 1 tháng 5 năm 1980

Người hỏi: Bậc giác ngộ thấy thế giới như thế nào 

Maharaj: Người giác ngộ biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của ý thức, và sự hiện hữu này tự sinh khởi đối với người giác ngộ. Cũng ý thức này đóng nhiều vai trò khác nhau, có cái vui thích, có cái không vui thích; nhưng dù vai trò là gì thì giác ngộ chỉ là người chứng kiến. Vai trò không hề ảnh hưởng đến người giác ngộ.

Tất cả vấn đề của ông đều là vấn đề thân tâm. Ấy thế mà ông vẫn bám víu vào thân xác. Vì tự đồng hóa với thân tâm nên ông tuân theo một số quy tắc lịch sự trong khi nói chuyện. Ta thì không. Ta có thể làm cho ông bối rối; có thể ông không chịu được những gì Ta nói. Ta không biết phép lịch sự là gì.

Ông bị ràng buộc bởi các khái niệm và quan niệm của ông. Thật ra, ông chỉ yêu quí ý thức “Ta” ; ông làm đủ mọi chuyện vì nó. Ông chẳng phục vụ cho ai, và cũng chẳng phải cho đất nước, mà chỉ cho cái ý thức “Ta” này, cái mà ông vô cùng yêu quí.

H: Nhưng tôi thích hành động; tôi thích làm việc.

M: Tất cả các sinh hoạt xảy ra, nhưng chỉ là trò tiêu khiển. Các trạng thái thức và ngủ sâu tự đến và đi. Qua ý thức “Ta”, ông có cảm tưởng như thể ông làm việc. Nhưng hãy tìm xem cái ý thức “Ta” này là thật hay không thật, thường hay vô thường.

Cái “ta” xuất hiện là cái ta không thật. Ta đã chứng minh nó không thật như thế nào. Ngay khi cái “ta” được chứng minh là không thật thì ai là kẻ biết cái “ta” không thật? Cái biết bên trong ông biết cái “ta” không thật, cái biết đó biết sự thay đổi, nên chính nó phải bất biến và thường hằng.

Ông chỉ là một ảo ảnh – Maya – một sự tưởng tượng. Vì Ta biết ta không thật nên Ta biết ông cũng không thật. Không phải: Vì Ta thật, nên ông không thật, mà là: Vì Ta không thật, nên tất cả đều không thật. Ý thức tùy thuộc vào thân xác, thân xác tùy thuộc vào tinh chất của thực phẩm.

Chính ý thức là cái đang nói. Nếu không có tinh chất của thực phẩm thì thân xác không thể tồn tại. Nếu không có thân xác, liệu Ta có thể nói?

Liệu ông có thể bằng mọi cách giữ lại ý thức “Ta” này? Nó đến một cách tùy nghi và ra đi cũng như thế. Nó không báo trước với ông bằng cách tuyên bố “ngày mai ta sẽ ra đi”.

Một nghi vấn vừa khởi sinh và ông đang cố tìm một giải pháp, nhưng ai là kẻ nghi vấn? Hãy tìm ra kẻ đó cho chính ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 10 tháng 5 năm 1980

Maharaj: Bằng cách nào Ta đã đến với chân lý và đạt được nó một cách vĩnh viễn? Bằng cách thiền quán kẻ thiền quán, bằng cách hội nhập cái biết “Ta Hiện Hữu”

vào cái biết “Ta Hiện Hữu”. Chỉ khi đó Ta mới hiểu được bổn tánh đích thực của Ta là gì. Các Thánh nhân Vĩ đại cũng thiền quán theo cách đó. Chẳng có ai bảo Ta cách thiền quán như thế. Ta đã không tìm sự hiểu biết này từ bên ngoài. Nó tự sinh khởi trong Ta.

Ta thiền quán cũng như các Thánh nhân và thấy một linh ảnh. Thoạt tiên chỉ là không gian, và trong không gian Ta thấy các nguyên lý hiện thân. Thật ra, các nguyên lý không có thân, nhưng trong linh ảnh của Ta các nguyên lý đó có thân. Ta gọi các thân đó là Prakriti (nguyên nhân nguyên thủy) và Purusha (cái ta ở ngay tâm của vạn vật), tức là các yếu tố dương và âm của ý thức vũ trụ.

Trước khi có sự hợp nhất giữa Prakriti và Purusha, thì ý thức năng động và trùm khắp ở trong trạng thái tiềm tàng. Trong sự hợp nhất của các yếu tố dương và âm, tinh trùng được cấy vào các yếu tố âm của các hình tượng này. Khi các tinh trùng nhập vào tử cung thì chúng bắt đầu tượng hình. Sau chín tháng của thời kỳ bào thai, một hài nhi được sinh ra.

Ý thức được cấy vào tử cung là “lingadeha” tức thân nhân quả. Trong “lingadeha” cái biết “Ta hiện hữu” ở trong trạng thái tiềm tàng. Đó là những gì Ta thấy trong thiền quán.

Người hỏi: Chúng tôi đã mất đi trạng thái ý thức thuần túy này như thế nào?

M: Mọi sinh vật đều kinh nghiệm trạng thái Isvara (Thượng đế), hoặc trực tiếp hoặc tiềm tàng, nhưng vì bị gói trọn trong thế giới khách quan này nên con người mất đi diện mạo của mình. Chắc chắn ông phải biết nguyên lý “Ta hiện hữu” này là gì. Nó tự xuất hiện, và cùng với sự xuất hiện của nó sự bí hiểm của cuộc sống có tính cách khái niệm bắt đầu.

H: Tôi phải khởi sự tìm kiếm cái Ta của tôi như thế nào?

M: Khởi sự ngay từ đầu. Trong thế giới thô lậu này Ta đã bắt đầu với cha mẹ của Ta, vì Ta hoàn toàn biết rõ nguyên lý của Ta đã ở trong sự tích tụ những yếu tố thân xác của họ mà từ đó Ta được sinh ra. Nhưng Ta đã đi đến kết luận rằng Ta không thể là cái nguyên lý bắt nguồn từ thân xác của người mẹ. Không ai có mặt ở đây được một trăm tuổi. Liệu điều này có nghĩa một trăm năm trước các ông đã không tồn tại?

H: Tôi không biết.

M: Người nói “Tôi không biết” chắc chắn đã phải có đó; nói tóm tắt, ông không phải như thế này nhưng chắc chắn ông đã phải là một cái gì đó. Ông phải hiểu điều này một cách đúng đắn. Một trăm năm trước Ta đã không như thế này; như vậy, người chỉ ra điều này chắc chắn phải có mặt vào lúc đó. Ông đã và đang tồn tại cho đến vĩnh cửu.

Những gì Ta đang dẫn giải không liên quan với cái biết thế gian. Ông không muốn từ bỏ cái biết thế gian hoặc cái được gọi là cái biết tâm linh, và bằng những khái niệm thế gian này, ông muốn hiểu điều bí ẩn về sự tồn tại của ông; đó chính là lý do vì sao ông không thể nào hiểu được.

Thật ra, trạng thái của ông là một với hỷ lạc Tuyệt Đối chứ không phải trạng thái hiện tượng này. Trong trạng thái phi hiện tượng đó, ông đầy hỷ lạc nhưng không hề kinh nghiệm về sự có mặt của hỷ lạc. Trong trạng thái đó không hề có dấu vết của đau khổ hay bất hạnh, chỉ có hỷ lạc vô cấu nhiễm. Ta đang nói về cái gì thế?

H: Ananda – Hỷ lạc.

M: Vì muốn một sự thỏa mãn nào đó theo khái niệm của ông, ông tìm cách xác định đặc tính của hỷ lạc thuần túy. Từ ngữ “ananda” chỉ có ý nghĩa khi nào nó cho biết là có sự hiện hữu mang tính thân xác để kinh nghiệm nó. Trong giấc ngủ sâu và khi bắt đầu thấy các hình tướng thì ông đang chiêm bao. Thế không phải các hình tướng trong chiêm bao đó sinh khởi từ hiện hữu của ông? Không phải bất cứ gì ông thấy, ngay cả trong trạng thái thức, đều sinh khởi từ chính sự hiện hữu của ông, mà sự hiện hữu đó ở trong thân xác hay sao? Trong giấc ngủ sâu, ý thức ở trong trạng thái tiềm tàng, không có thân xác, không có khái niệm và cũng không có phiền trược. Ngay khi có sự xuất hiện của trạng thái thức, và cùng với sự xuất hiện của khái niệm “Ta Hiện Hữu” thì lòng yêu quý cái “Ta Hiện Hữu” thức dậy. Đó chính là Maya – ảo ảnh.

H: Maharaj muốn nói rằng người kinh nghiệm ba trạng thái này là cái Ta?

M: Đó là trạng thái Saguna Brahman; vì có sự hiện hữu của ông nên mới có những trạng thái khác. Thế giới chiêm bao thì rất xưa cũ, nó không hề mới. Ông thấy các công trình kiến trúc vĩ đại cổ kính trong các giấc chiêm bao của ông. Sự hiện hữu của ông rất mãnh liệt.

Chính sự xuất hiện của trạng thái hiện hữu này tạo ra thời gian. Tất cả đều là hiện hữu, nhưng Ta – cái Tuyệt Đối – thì không phải thế. Trong thiền quán có không gian, rồi đột nhiên hai hình tướng – Prakriti và Purusha – xuất hiện từ vô hình tướng, và tinh hoa của các hình tướng này là cái biết “Ta Hiện Hữu”. Không hề có hình tướng, rồi đột nhiên hình tướng xuất hiện như trong thế giới chiêm bao.

Ông như kẻ chiêm bao đang ngủ trên giường; trong thế giới chiêm bao ông thấy một thân xác và ông nghĩ đó là ông, và ông làm tất cả mọi chuyện qua thân xác chiêm bao này. Cũng như thế, thân xác được tạo ra trong cái được gọi là trạng thái thức.

Trạng thái Prakriti và Purusha thì vô hình tướng và vĩnh cửu, nó không có sự khởi đầu và cũng không có sự kết thúc. Nhưng từ trạng thái đó ngũ đại xuất hiện, và cùng một lúc với ngũ đại thân xác được hình thành ngay lần đầu tiên khi thời gian được kinh nghiệm. Tiến trình này luôn luôn tiếp diễn, mà hình tướng thân xác chỉ là biểu thị của cơ

hội kinh nghiệm thời gian. Không phải ai cũng có thể hiểu được sự giải thích này.

Vào thời điểm của cái được gọi là chết, ông muốn ra đi với diện mạo nào?

H: Như Parabrahman.

M: Cái Tuyệt Đối – mà Ta gọi là Parabrahman – là gì? Những gì ông đang làm chỉ là thêm ngôn từ vào ngôn từ, thêm khái niệm vào khái niệm.

H: Maharaj phải đưa tôi ra khỏi sự rắc rối này.

M: Ông có thể xác định ông là ai?

H: Cần phải có sự gia ân của ông thì tôi mới hiểu được mình là cái gì.

M: Ông rất giỏi với trò chơi chữ nghĩa. Ta đang nói về cái biết bên ngoài thế giới hiện tượng này, còn ông thì cố hiểu bằng khái niệm và ngôn từ thế gian. Hãy buông bỏ tất cả những khái niệm đó và tìm hiểu sâu xa bản chất hiện hữu của ông. Ông đã tình cờ hiện hữu như thế nào? Hãy suy gẫm về điều này. Ân phước đích thực của Đạo sư xuất hiện ngay khi chính cái biết của ông sinh khởi trong ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 14 tháng 5 năm 1980

Maharaj: Các bác sĩ đã chẩn định thân xác này bị ung thư. Liệu có ai vui mừng như Ta trước một sự chẩn định nghiêm trọng như thế? Thế giới là kinh nghiệm trực tiếp của ông, là sự quan sát của chính ông. Tất cả những gì đang xảy ra chỉ xảy ra ở bình diện này, nhưng Ta không ở bình diện này. Ta đã tách chính Ta ra khỏi Sattva Guna (sự hiện hữu tự nhiên), ra khỏi hiện hữu.

Trong tâm linh trạng thái Tối thượng là trạng thái trong đó mọi sự cần thiết đều không được cảm nhận vào bất cứ lúc nào, chẳng có gì là hữu ích cho bất cứ gì. Trạng thái đó được gọi là Nirvana, Nirguna, tức Chân lý Vĩnh Cửu và Tối thượng. Cốt lõi và tổng kết của toàn bộ thuyết giảng này được gọi là Sat-guru Parabrahman (Tuyệt đối tối thượng), một trạng thái trong đó không có điều kiện tất yếu nào.

Sau khi vũ trụ tan biến, và không một dấu vết nào của sự sáng tạo còn thấy được thì những gì còn lại chính là trạng thái toàn hảo của Ta. Trong suốt cuộc tạo dựng và hủy diệt vũ trụ Ta không hề bị ảnh hưởng. Ta chưa giải thích phần này: Trạng thái của Ta không hề cảm nhận sự tạo dựng và hủy diệt vũ trụ. Ta là cái nguyên lý tồn tại bên ngoài tất cả mọi sự tạo dựng và hủy diệt. Đó là trạng thái của Ta, và của ông nữa, nhưng ông không nhận ra nó vì ông đang ôm chặt lấy hiện hữu của ông. Một người chỉ có thể nhận ra nó khi được hỗ trợ bằng tín tâm bất thối chuyển từ Sat-guru Parabrahman vĩnh cửu.

Trạng thái này, nguyên lý Parabrahman này là vĩnh cửu, và trạng thái Sat-guru cũng vậy. Nó là tài sản vĩnh viễn của bất cứ ai sùng kính Đạo sư.

❁ ❁ ❁

Ngày 29 tháng 7 năm 1980

Người hỏi: Vì sao ý thức này lại sinh khởi?

Maharaj: Ông là câu hỏi và cũng là câu trả lời. Tất cả các câu hỏi của ông đều bắt nguồn từ sự đồng hóa ông với thân xác. Làm sao câu hỏi về một cái gì đó có trước thân xác và ý thức có thể được giải đáp? Có rất nhiều hành giả yogi ngồi thiền rất nhiều năm tìm kiếm đáp án cho câu hỏi này, nhưng ngay cả họ vẫn không hiểu được nó. Thế mà ông lại kêu ca.

H: Đó là một điều vô cùng bí ẩn.

M: Nó chỉ bí ẩn với những kẻ vô minh. Với người không nhận mình là thân xác thì nó không còn là bí ẩn.

H: Maharaj không thể truyền đạt điều đó cho chúng tôi?

M: Ta vẫn nói với ông nhưng ông không lắng nghe.

H: Maharaj có thấy chúng tôi như là những cá nhân?

M: Không hề có những cá nhân; chỉ có những thân xác bằng thực phẩm với cái biết “Ta Hiện Hữu”. Không có sự khác biệt nào giữa một con kiến, một con người và Thượng đế; tất cả đều cùng một tính chất. Thân xác của con kiến thì nhỏ bé, của con voi thì to lớn. Sức mạnh tuy có khác vì kích thước nhưng sức sống thì như nhau. Để biết, thân xác là cần thiết.

H: Maharaj đã có cái tên Nisargadatta như thế nào?

M: Có một dạo Ta thường làm thơ. Các giòng thơ lai láng tuôn chảy từ trong Ta, và trong giòng thơ đó Ta chỉ thêm vào chữ Nisargadatta. Ta đã say mê làm thơ cho đến khi Tôn sư lưu ý Ta rằng: “Ngươi thích làm thơ quá, hãy buông bỏ đi thôi!” Tôn sư đã muốn nói gì? Mục đích của ngài là muốn Ta hội nhập vào trạng thái Tuyệt Đối, thay vì ham vui với hiện hữu của Ta. Đó là cách Ta đã đạt được cái biết, không phải qua sự vận dụng tâm thức. Tôn sư bảo, “Nó là như vậy”, và đối với Ta thế là xong! Nếu còn nấn ná trong cõi giới của tri thức, ông chỉ càng vướng mắc và sa lạc trong khái niệm.

Ý thức là thời gian trôi chảy liên tục. Nhưng Ta, cái Tuyệt Đối, không đi cùng với ý thức mãi mãi vì ý thức bị câu thúc bởi thời gian. Khi sự hiện hữu này ra đi, cái Tuyệt Đối sẽ không biết “Ta Hiện Hữu”. Xuất hiện và biến mất, sinh và tử, đều là tính chất của hiện hữu, chúng không phải tính chất của ông. Ông vừa tiểu tiện và mùi khai bốc lên – ông có phải là mùi khai đó không?

H: Không, tôi không phải.

M: Sự hiện hữu này cũng giống như chất nước tiểu đó. Liệu có thể nào ông là sự hiện hữu đó?

H: Chắc chắn là không!

M: Ông chẳng cần tu tập thêm nữa. Đối với ông, thuyết giáo của Đạo sư đã chấm dứt.

❁ ❁ ❁

Ngày 5 tháng 10 năm 1980

Maharaj: Ta hoàn toàn không có tính cách cá nhân. Ta không khoác lên một kiểu cách nào như một con người. Bất cứ gì xảy ra trong ý thức thị hiện đều tự xảy ra.

Con người đồng hóa Ta với khái niệm của họ và làm theo những gì khái niệm của họ sai xử. Chỉ có ý thức thị hiện, không còn gì khác. Ai là kẻ đang nói, ai là kẻ đang đi, ai là kẻ đang ngồi? Đều là những thể hiện của hóa chất “Ta Hiện Hữu” đó. Ông có phải là hóa chất (chemical) đó không? Ông nói về thiên đường và địa ngục, bậc giác ngộ này bậc giác ngộ kia, nhưng còn ông. Ông là ai?

Trong thiền quán, một người thấy rất nhiều linh ảnh. Chúng ở trong hóa chất, cõi giới ý thức của ông, phải thế không? Tất cả đều liên hệ với hóa chất tạo ra sự sinh đó (birth-chemical). Ông không phải là hóa chất “Ta Hiện Hữu” này! Cái biết tâm linh không do nghiên cứu, nó chính là cái biết phát sinh từ lắng nghe. Khi người nghe nghe nó và chấp nhận nó thì một cái gì đó bật mở trong người nghe. Cái “Ta Hiện Hữu” này là trạng thái của sự khác biệt, nó là một biểu hiện của nhị nguyên.

❁ ❁ ❁

Ngày 8 tháng 11 năm 1980

Người hỏi: Tại sao chúng tôi có vẻ cho là tự nhiên khi nghĩ về chính mình như những cá nhân khác biệt?

Maharaj: Mọi ý nghĩ của ông về tính cách cá nhân thật ra không phải là ý nghĩ của riêng ông; đó là những ý nghĩ tập thể. Ông cho rằng ông là một con người có ý nghĩ; thật ra ý nghĩ sinh khởi trong ý thức.

Khi sự hiểu biết tâm linh của chúng ta trưởng thành, sự đồng hóa mình với thân tâm như những cá nhân không còn nữa, và ý thức của chúng ta trải rộng thành ý thức vũ trụ. Nguồn sinh lực vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng ý nghĩ và hành động của nó không còn giới hạn trong một cá nhân. Nó trở thành một sự thị hiện tổng thể. Nó cũng giống như động thái của gió – gió không thổi vì một cá nhân riêng biệt nào, nhưng vì sự thị hiện tổng thể.

H: Là một cá nhân, liệu chúng tôi có thể trở về nguồn gốc?

M: Không phải như một cá nhân, cái biết “Ta Hiện Hữu” phải trở về nguồn gốc của chính nó.

Hiện nay, ý thức đồng hóa nó với một hình tướng. Sau này, khi hiểu rằng nó không phải là hình tướng đó và đi xa hơn nữa. Trong một số ít trường hợp, nó có thể đạt đến cõi không gian, và thường thì dừng lại ở đó. Rất hiếm khi nó về đến được nguồn gốc đích thực, bên ngoài mọi trạng thái điều kiện hóa. Bỏ được khuynh hướng đồng hóa thân xác với cái Ta thì rất khó. Ta không nói với một cá nhân, Ta đang nói với ý thức. Chính ý thức này phải tìm ra nguồn gốc của nó.

Hiện hữu sinh khởi từ trạng thái phi hiện hữu. Nó xuất hiện một cách thầm lặng như buổi hoàng hôn, chỉ cần cảm thọ “Ta Hiện Hữu” thì đột nhiên có ngay không gian.

Trong không gian, chuyển động bắt đầu với không khí, lửa, nước và đất. Toàn thể ngũ đại này chỉ là ông. Từ ý thức của ông tất cả đã xảy ra. Không hề có cá nhân. Chỉ có ông, toàn thể sự vận hành là ông, ý thức là ông.

Ông là ý thức, tất cả tước vị của các thần linh đều là danh hiệu của ông, nhưng vì đeo bám lấy thân xác nên ông đã nạp mình cho thời gian và cái chết mà ông tự áp đặt lên chính ông.

Ta là toàn thể vũ trụ. Khi là toàn thể vũ trụ Ta chẳng cần gì cả vì Ta là tất cả.

Nhưng Ta đã thu hẹp chính mình vào một vật nhỏ bé, một thân xác; Ta đã biến mình thành một mảnh rời rạc và trở nên cần cầu. Là một thân xác nên Ta cần rất nhiều thứ.

Không có thân xác, liệu ông đang và đã tồn tại? Liệu có ông, và liệu đã có ông hay không? Hãy đạt tới trạng thái trước khi có thân xác và đã có trước thân xác. Bổn tánh chơn thật của ông thì rộng mở và tự do, nhưng ông ngăn che nó lại, và gán cho nó vô số dạng thức.

❁ ❁ ❁

Ngày 9 tháng 11 năm 1980

Người hỏi: Có nên dạy trẻ con thái độ lãnh đạm mà Maharaj đang dạy chúng tôi?

Maharaj: Không nên. Nếu dạy như thế, chúng sẽ không còn tham vọng phát triển thêm nữa; trẻ con cần phải có một số tham vọng nào đó, một số ham muốn nào đó để chúng có thể phát triển một cách thích hợp. Người nào đã tìm hiểu chính mình một cách rốt ráo, người nào đã hiểu thì sẽ không bao giờ can thiệp vào sự vận hành của ý thức. Không hề có đấng sáng tạo nào với một tri thức bao la như thế; toàn thể sự vận hành này tự xảy ra.

Không hề có đấng tài trí nào ở đằng sau nó, vậy đừng tìm cách áp đặt khả năng hiểu biết của ông nhằm đem lại bất cứ thay đổi nào; cứ để kệ nó. Khả năng hiểu biết của ông chỉ là một sản phẩm phụ thuộc vào tiến trình này, vậy thì làm sao tri thức của ông có thể đảm đương, hoặc thậm chí đánh giá toàn thể sự tạo dựng? Hãy tìm hiểu rõ cái Ta của ông; đó chính là mục đích hiện hữu của ông. Sinh hoạt tâm linh chỉ là hiểu rõ vở kịch này của ý thức – tìm cách phát hiện sự hư giả này bằng cách truy ra nguồn gốc của nó.

❁ ❁ ❁

Ngày 12 tháng 11 năm 1980

Maharaj: Cái biết “Ta Hiện Hữu”, sự thị hiện của Brahman, và Thượng đế chỉ là một; hãy suy gẫm về điều này và nhận ra nó. Đây là dịp hi hữu khi được nghe giải thích thật chi tiết, vì thế phải tận dụng cơ hội.

Ông là sự thị hiện của Brahman. Ta đã nhiều lần nói cho ông biết trạng thái đích thực của ông, nhưng vì thói quen, ông lại sa vào sự đồng hóa với thân xác. Bây giờ là giai đoạn ông phải từ bỏ sự đồng hóa với thân xác này. Các hành hoạt của thân xác sẽ tiếp tục cho đến khi nó chết đi, nhưng ông không được đồng hóa chính mình với những hành hoạt đó.

Người hỏi: Chúng tôi thực hành bằng cách nào?

M: Ông có thể quan sát thân xác, vậy ông không thể là thân xác. Ông có thể quan sát hơi thở, vậy ông không phải là hơi thở của sự sống. Cũng như thế, ông không phải là ý thức nhưng ông phải trở nên một với ý thức. Khi ông an định trong ý thức thì sự nhàm chán thân xác và những thể hiện qua thân xác sẽ tự sinh khởi. Đây là một sự từ bỏ tự nhiên, mà không phải có tính toán. Điều này không có nghĩa ông phải sao lãng các nhiệm vụ thế tục; cứ thi hành những nhiệm vụ ấy với tất cả sự hăng say.

H: Thế không phải chúng ta lại tìm được sự tự do của trẻ thơ từ thân xác?

M: Hãy hiểu rõ nguồn gốc của đứa trẻ. Đứa trẻ là sản phẩm từ tinh trùng của người cha và trứng của người mẹ. Ý thức có trong đứa trẻ cũng như trong cha mẹ; ý thức luôn luôn là một dù trong trẻ thơ hay người lớn. Chỉ có một ý thức duy nhất. Ông phải trở thành một với ý thức và an định trong ý thức; rồi ông vượt ra khỏi nó. Ý thức đó là vốn liếng duy nhất của ông. Hãy hiểu nó. Ông biết chính mình được bao nhiêu?

H: Tôi đã nắm được chân của Sat-guru (cái Ta nội tại), ngoài ra tôi không biết gì cả.

M: Ông phải làm chuyện đó, nhưng ông phải hiểu “chân của Sat-guru” nghĩa là gì.

Phải hiểu được điều này, vì mọi di chuyển bắt đầu bằng chân, như thế chuyển động bắt đầu từ không biết đến biết. Khi cái biết xảy ra, đó chính là sự chuyển động của Sat-guru.

Hãy đi đến nguồn gốc của sự chuyển động đó, nơi cái “Ta Hiện Hữu” bắt đầu. Công sức của người nào đã nắm bắt được sự chuyển động đó sẽ không bao giờ uổng phí. Nắm được chân của Sat-guru là đang ở ranh giới giữa cái biết và cái không biết.

❁ ❁ ❁

Ngày 17 tháng 11 năm 1980

Người hỏi: Thế không phải chúng ta phải buông bỏ mọi cái biết?

Maharaj: Ông phải có một cái biết rốt ráo về ý thức này; sau khi biết rõ ngọn ngành của ý thức ông sẽ đi đến kết luận rằng nó hoàn toàn không thật, đến lúc đó hãy buông bỏ nó. Sau khi lắng nghe các pháp thoại này, hãy ngồi im lặng và thiền quán:

“Những gì ta đã nghe có đúng thật hay không?” Rồi ông sẽ hiểu ngay cả những điều nghe được đó cũng phải buông bỏ.

Cái nguyên lý có thể phán xét thế giới là thật hay không thật – nguyên lý đó có trước thế giới. Cái mà nhờ nó mọi vật được biết, liệu nó có hay không – ai biết được điều này?

Khi Ta nói Parabrahman, ông bảo là ông hiểu. Danh xưng chỉ là phương tiện truyền đạt. Ông hiểu Ta muốn nói gì không?

H: Bậc giác ngộ biết rằng tất cả chỉ là một ảo ảnh, không hề có con đường nào; nhưng nếu – từ trong ảo ảnh – một người tin rằng có một con đường, và có nơi để đến, thì vận dụng phương cách để đạt đến cái ảo ảnh mới kia – có ý nghĩa gì không?

M: Ảo ảnh – có phải nó là một từ ngữ hay không?

H: Nó là một từ ngữ có liên quan đến một khái niệm.

M: Nó cũng là một danh xưng, có phải thế không?

H: Phải.

M: Thế từ ngữ ảo nào mà ông muốn sẽ thỏa mãn được ông?

❁ ❁ ❁

Ngày 18 tháng 11 năm 1980

Maharaj: Cái nhìn hiện nay của Ta không còn hữu hạn, hoàn toàn tự do.

Tối hậu một người phải vượt ra khỏi cái biết, nhưng cái biết phải đến, và cái biết chỉ có thể đến bằng thường xuyên thiền quán. Bằng thiền quán, cái biết “Ta Hiện Hữu” dần dần lắng xuống và hội nhập với cái biết vũ trụ, và do đó trở nên hoàn toàn tự do, như bầu trời hay không gian.

Người ta đến đây với ý tưởng thu thập được cái biết, dù là cái biết tâm linh, người ta đến đây như những cá nhân khao khát được một cái gì đó; đó là điều thực sự khó khăn. Người tìm kiếm phải biến mất.

Khi ông biết bổn tánh chơn thật của ông thì cái biết “Ta Hiện Hữu” còn đó, nhưng cái biết đó là vô giới hạn. Ông không thể thụ đắc cái biết, ông là cái biết. Ông chính là cái ông đang tìm kiếm.

Sự hiện hữu chơn thật của ông tồn tại trước khi có sự sinh khởi của bất cứ khái niệm nào. Liệu có thể nào ông – như một đối tượng – hiểu một cái gì đó [mà cái đó] tồn tại trước khi có sự sinh khởi của khái niệm? Không có ý thức thì liệu có bằng chứng nào về sự tồn tại của bất cứ gì? Ý thức chính là tâm, là ý nghĩ, là tất cả các hiện tượng, là tất cả mọi thị hiện. Hiểu được điều này là chết đi cái “Ta là thân xác” trong khi đang sống.

Cái biết này xảy ra thật hy hữu, nó là cái biết rất khó nắm bắt nhưng chẳng có cố gắng nào là cần thiết; thật vậy, chính cố gắng lại là chướng ngại. Đó là hiểu bằng trực giác.

Người hỏi: Như thế có cần phải buông bỏ tất cả giới hạnh tâm linh?

M: Ở trình độ thượng thừa thì như thế; ở trình độ sơ cơ thì ông vẫn cần phải làm bài tập.

Những ai có thể nắm bắt điều này bằng trực giác thì chẳng còn quan tâm đến chuyện thế gian. Sau khi mất đi sự bận tâm với thế gian, họ sẽ được gì? Bất cứ gì mất đi thì họ chỉ mất đi con người tầm thường, nhưng thay vào đó những gì họ nhận được lại xứng đáng cho một vị vua. Những ai đã hiểu và những ai đã đạt đến một giai đoạn nào đó thì chẳng còn mong cầu bất cứ gì, nhưng tất cả sẽ tự đến với họ. Không hề có sự mong cầu nào; nhưng cái không được mong cầu lại có đó. Điều này không xảy ra cho một cá nhân – nó xảy ra vì sự thị hiện có tính cách vũ trụ, hoặc cho ai đã trở thành một với bổn tánh chơn thật của chính mình. Đối với người giác ngộ, chỉ có hành vi nhân chứng xảy ra.

❁ ❁ ❁

Ngày 20 tháng 11 năm 1980

Maharaj: Cái nguyên lý có thể tự biết chính nó thì ở ngay trong cơ thể. Nó có đó, trong con côn trùng đang bò, vì theo bản năng con côn trùng tự biết chính nó.

Nghe thuyết giảng của Ta, các ông sẽ được chuyển hóa trở lại trạng thái nguyên thủy, trạng thái trước khi các ông được sinh ra. Dù kiếp sống hiện tại của các ông là thế nào đi nữa, sự chuyển hóa vẫn sẽ xảy ra ngay bây giờ. Những gì Ta hiện đang thuyết giảng thì rất khác lạ, và ở một bình diện cao hơn; vì thế Ta không mời ai nghe những gì Ta thuyết giảng. Ta khuyến cáo đừng ai đến nghe vì người nghe sẽ trở nên lãnh đạm với gia đình hoặc cuộc sống đời thường của họ.

Năng lượng của ngôn ngữ và năng lượng hơi thở của sự sống phải hòa nhập và an định. Bằng không, nếu các ông để các năng lượng đó tuôn ra ngoài thì chúng sẽ tiêu tán.

Nếu muốn an thì hãy định tại điểm mà các ông đã bắt đầu hiện hữu, và hãy ở yên đó. “Om” là âm không được phát ra thành tiếng, ngôn từ không được nói ra bằng lời.

Nếu không cảm ứng với những điều Ta nói thì các ông vẫn chưa nhận ra được bản chất ý thức của mình. Ý thức là một cái gì đó như tính kịch của một vở kịch – diễn kịch.

Các ông không hề được chống đỡ, các ông không có chỗ nào để nương tựa cả. Sự sinh ra, cha mẹ – tất cả đều là ảo tưởng. Nhận thân xác làm chính mình là một tai họa. Nếu các ông không bám lấy thân xác như là diện mạo của mình thì mọi chuyện đều tốt đẹp.

Khi hiện hữu quên đi chính nó thì đó là trạng thái Parabrahman. Cái biết này không phải trạng thái chơn thật của ông, nó là sản phẩm của thân xác được cấu thành bởi tinh chất của thực phẩm, còn ông – Cái Tuyệt Đối – không phải nó.

❁ ❁ ❁

Ngày 21 tháng 11 năm 1980

Maharaj: Bất cứ gì Ta nghĩ trước kia thì bây giờ đã thay đổi. Những gì đang xảy ra bây giờ là ngay cả một vẩn gợn mong manh của tính cách cá nhân cũng hoàn toàn biến mất, và như thế ý thức đang tự kinh nghiệm. Kết quả là hoàn toàn tự do. Đã luôn luôn có sự tin tưởng trọn vẹn rằng chính ý thức là cái đang kinh nghiệm; nhưng cái “Ta” kia – cái mà ý thức kinh nghiệm nó – đã có đó. Bây giờ tính cách cá nhân đã hoàn toàn biến mất; vì thế, bất cứ gì xảy ra trong phạm trù ý thức, thì Ta – kẻ có trước ý thức – không hề bận tâm. Kinh nghiệm là ý thức kinh nghiệm chính nó.

Tuy nhiên, phải hiểu được ý thức là gì, cho dù ý thức không phải là một cá nhân. Cơ sở và nguồn gốc của ý thức đều ở trong vật chất. Những gì Ta nói vẫn còn trong thế giới của khái niệm, và các ông không nhất thiết phải chấp nhận đó là chân lý. Không có cái gì trong thế giới của khái niệm là đúng thật.

Sau khi căn bệnh đã được chẩn định, chính cái tên của căn bệnh bắt đầu đẻ ra vô số ý nghĩ và khái niệm đó, Ta đã đi đến kết luận rằng bất cứ gì xảy ra đều ở trong ý thức.

Ta đã nói với ý thức: “Chính ngươi là kẻ đau đớn, không phải Ta”. Nếu ý thức muốn tiếp tục chịu đau đớn thì cứ để nó lưu lại trong thân xác. Còn nếu nó muốn rời bỏ thân xác, thì cũng kệ nó. Dù cách nào đi nữa Ta cũng chẳng bận tâm.

Đủ mọi thứ đã xảy ra, ý nghĩ và kinh nghiệm; chúng được ghi “có” vào tài khoản của Ta, nhưng sau khi xem xét chúng là gì thì tất cả sổ sách kế toán đều đã bị tiêu hủy, Ta chẳng cần một tài khoản nào nữa.

Thật đáng ngạc nhiên khi thấy ai đó nghĩ mình là một cá nhân, là người hành động hay người đã đạt thành. Bất cứ gì xảy ra, cũng như kinh nghiệm về sự xảy ra, đều xảy ra trong ý thức – khi cái “Ta Hiện Hữu” sinh khởi.

❁ ❁ ❁

Ngày 24 tháng 11 năm 1980

Người hỏi: Nếu không có sự khác biệt giữa cái có trước khi sinh và cái còn lại sau khi chết, thì lý do gì để tìm hiểu chúng ta là ai bây giờ? Không phải rốt cuộc thì cũng thế thôi?

Maharaj: Ánh sáng chiếu ra từ mặt trời và tự thân mặt trời, có khác biệt không?

H: Sự khác biệt duy nhất là những gì xảy ra ở khoảng giữa.

M: Bất cứ gì xảy ra ở giữa sinh và tử cũng chỉ là sự thể hiện của ý thức. Ngay cả khi ở trong cõi giới của ý thức, ông cũng giải trí bằng vô số khái niệm khác nhau; ông có làm gì khác hơn?

H: Maharaj có vui đùa với các khái niệm không?

M: Không. Đó là ý thức, ý thức tự đùa vui.

H: Như thế ý thức của Maharaj đùa vui, mặc dù Maharaj đã xa lìa ý thức?

M: Ý thức không phải là tài sản riêng, nó thuộc về vũ trụ.

H: Chúng tôi hiểu được điều đó, nhưng nhiều khi nó có vẻ như giới hạn trong một thân xác.

M: Ông đang tìm cách hiểu bằng tri thức; hãy đơn thuần hiện hữu. Khi Ta bảo ông rằng ông là cái biết năng động và hiển minh thì ông là tất cả. Ông còn muốn gì hơn nữa?

H: Tôi biết rõ rằng tôi đến đây vì Maharaj cho tôi tấm gương, nhưng lần này Maharaj cho tôi thấy tôi là tấm gương của chính tôi.

M: Đó là lý do vì sao ông không cần phải nấn ná ở đây lâu.

H: Sau khi rời khỏi đây, chúng tôi phải làm gì?

M: Tùy ông. Nếu ông an trú trong ý thức thì mọi chuyện sẽ tự xảy ra. Nếu ông vẫn ở bình diện thân tâm thì ông sẽ nghĩ rằng ông đang làm một cái gì đó. Nếu ông thực sự ở trong cái Ta nói thì ông sẽ là một với Cái Ta của ông. Rồi người ta sẽ hầu hạ ông, họ sẽ quỳ xuống dưới chân ông. Bất cứ gì cần thiết cho ông sẽ tự xảy ra. Các hành hoạt chắc chắn phải xảy ra. Ý thức không bao giờ có thể ở trong tình trạng bất động, ý thức luôn luôn bận rộn – đó là bản chất của nó. Khi đến đây, ông có một số mong đợi, một số ước muốn nào đó, nhưng sau khi nghe Ta nói ông mất đi tất cả những thứ đó.

H: Một cách trực giác, tôi hiểu những điều ông nói, nhưng cái gì làm cho tôi miễn cưỡng từ bỏ những gì không phải là tôi?

M: Ông chưa an định trong cái hiểu đó một cách kiên cố. Sự tin tưởng của ông phải mãnh liệt đến độ trong tương lai không còn phát sinh câu hỏi nào về những gì ông đã hiểu. Cũng như một người chết đi và được hỏa táng thì mọi chuyện đều đã qua, liệu có còn câu hỏi nào về người đó chết hay không? Tương tự như thế, tất cả rồi sẽ qua đi.

H: Tôi cần cố gắng nào để thực hiện điều đó?

M: Chẳng cần cố gắng, chỉ hiện hữu. Khi ý thức hoàn toàn hiểu rõ ý thức thì liệu nó có còn ôm lấy thân xác mà cho là chính nó nữa không? Nó ở trong cái tổng thể; nó sẽ không lựa ra một thành phần nào đó của sự thị hiện và bảo: “Ta là cái này”.

Ý thức thể hiện chính nó cũng như ánh sáng. Vở kịch ngũ đại này là sự thị hiện của ý thức, chỉ là sự tỏa sáng của ý thức. Vở kịch ngũ đại tối hậu sẽ hội nhập vào ý thức, vì nó chính là sản phẩm của ý thức.

❁ ❁ ❁

Ngày 25 tháng 11 năm 1980

Maharaj: Nhiều người đến đây và ở lại nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Trong một vài ngày đầu, những gì họ nghe đã bám rễ, và cũng là lúc họ nên ra về, những gì đã bám rễ sẽ có thời gian tăng trưởng và nở hoa. Ngay khi mầm mống đã bám rễ, người nghe nên rời đây. Cái gì đã bám rễ chắc chắn sẽ nở hoa, chắc chắn sẽ thể hiện chính nó trong tim của mỗi người.

Người hỏi: Về điều này, Maharaj có nói giáo pháp là của Đạo sư, còn hiểu là thuộc về người nghe.

M: Tôn sư đã bảo Ta rằng chỉ ý thức là Đạo sư, còn mọi sự phát triển đều tự nẩy mầm trong Ta. Trái phải lớn lên trên cây của ông. Ta không thể gieo cấy những hiểu biết của Ta trong ông. Ta không bao giờ dùng đến truyền thống hay cái biết có tính cách truyền thống.

Nếu chịu khó tìm hiểu một chút ông sẽ thấy truyền thống hoàn toàn là một khái niệm. Ta chỉ quan tâm với một thực tế duy nhất. Ta đã ở trong sự viên mãn của chính Ta, thậm chí Ta cũng không biết cái biết của Ta, thì đột nhiên ý thức này sinh khởi. Nó đã sinh khởi như thế nào? Đó là câu hỏi cần tìm cho ra lẽ.

Một người cần hiểu rõ huyễn thuật của Maya lừa dối tài tình như thế nào; trước tiên nó cho chúng ta thấy thân xác và làm cho chúng ta tin rằng mình là thân xác, mà thân xác chỉ là cái đốm nhỏ của tinh trùng đã kết thai, và ý thức tiềm ẩn trong tinh trùng đó.

Ông thấy huyễn thuật này lừa dối tài tình không?

Thực chất của thân xác là tinh chất của thực phẩm, và ý thức này tiềm ẩn trong thân xác ngay từ đầu. Trong trạng thái đó của ý thức là toàn thể vũ trụ. Khi thấy được điều này, người nào đã hiểu thì chắc chắn sẽ im lặng, vì biết rằng đây chỉ là một hiện tượng xảy ra nhất thời. Cái cơ cấu khái niệm đồ sộ mà chúng ta được dạy thành kiến thức dựa trên sự xuất hiện đơn thuần của ý thức.

❁ ❁ ❁

Ngày 5 tháng 12 năm 1980

Maharaj: Căn bệnh này chứng tỏ rằng không hề có tính cách con người, không hề có cá nhân. Bệnh với ai? Bệnh là một phần thuộc chức năng thuộc tổng thể sự thị hiện và tính cách năng động của Chaitanya (Ý thức); nó chỉ là sự vận hành của ý thức. Trạng thái chơn thật của Ta có trước ý thức này. Trạng thái đó không tùy thuộc vào ý thức.

Có hai câu mà chúng ta thường hát tại các buổi lễ để dâng lên Chakrapani.

Chakrapani có nghĩa là cái biết “Ta Hiện Hữu”, nguyên lý của sự sống, nguyên lý thị hiện. Nó cũng như cái bật lửa hút thuốc này (cigarette lighter). Nhiên liệu theo đúng nghĩa của nó thì không có ánh sáng, nhưng sự thị hiện của nó là ngọn lửa. Cái nguyên lý đó đầy ánh sáng, sự sống, và năng lượng. Thậm chí trong một nguyên tử hay phân tử, vẫn có cái năng lượng đó.

Chức năng của ý thức xảy ra một cách tự phát, và một người không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chẳng hạn như khi Ta nói một điều gì đó thì ông M dịch theo cách này, còn ông B dịch theo cách khác, theo cách mà mỗi người đã hiểu. Đó là cách mà các diễn tiến sẽ tiếp tục. Đấng Krishna đã nói: Cái biết Ta Hiện Hữu này cũng như cái bánh trớn (fly-wheel) xoay tròn các hiện hữu. Nguồn năng lượng vận hành vạn hữu trong trạng thái thức thì tiềm ẩn trong giấc ngủ sâu. Một người không biết cái biết trong bao nhiêu lâu? Một người không biết, nhưng đột nhiên ý thức sinh khởi. Có ai tư duy theo cách này không?

Thế không phải ý thức – ở trong tình trạng tiềm ẩn trong một thời gian bất định – đột nhiên tự sinh khởi là một điều kỳ lạ sao?

Người hỏi: Có bao giờ ý thức vũ trụ tự biết nó là ý thức vũ trụ không, hay nó chỉ trở nên biết khi nào có một hình tướng?

M: Tánh biết thì không biết cái biết của nó. Nếu đào sâu những gì Ta nói thì bà sẽ quẳng đi tất cả những cuốn sách mà bà viết, tất cả mọi thứ.

H: Tôi sẽ hoàn thành bộ sách, rồi thôi.

M: [Nói với Jean Dunn – người ghi lại những thuyết giảng của Maharaj trong cuốn sách này] Bà đã hứa với Ta là bà sẽ hoàn tất bộ sách. Ý thức vũ trụ không viết bộ sách.

Bà sẽ viết bộ sách bằng cách nào?

JD: Nó sẽ tự xảy ra.

❁ ❁ ❁

Ngày 8 tháng 12 năm 1980

Maharaj: Ta nói về ý thức, là cái hiện đang hành hoạt qua thân xác này, nhưng không thấy được. Ý thức này không giới hạn trong thân xác mà là ý thức vũ trụ; Ta không thể nói gì hơn nữa bây giờ. Một người đã chết thì không còn ưu tư về bất cứ gì.

Người khác có thích hay không thì chẳng quan trọng. Có thể ông nhận được đôi chút phước báu, một số lợi lạc qua nghe những gì Ta nói, Ta không biết. Tất cả hành động của Ta là hành động của ý thức vũ trụ xuất hiện để làm việc qua thân xác này. Ta chẳng nhớ gì từ quá khứ rồi hành động; mọi hành động đều ở trong cái bây giờ.

Người hỏi: Ý thức từ đâu mà đến?

M: Ý thức không đến mà cũng không đi, nó chỉ có vẻ như đã đến.

H: Vì sao Maharaj biết điều này còn chúng tôi thì không?

M: Điều này không quá khó để ông không thể biết được, nhưng ông hỏi với diện mạo nào?

H: Có phải điều đó thuộc về nghiệp, liệu có thể thay đổi được nghiệp?

M: Tất cả đều là hành hoạt của ý thức, không phải người này hay người kia hành động; tất cả đều là ý thức.

H: Có thể nào Maharaj vì lòng từ bi giúp sức cho tôi nhập vào trạng thái ý thức vũ trụ đó không?

M: Dĩ nhiên là được, Ta có thể làm được điều đó, nhưng ông phải nghe Ta, ông phải hoàn toàn tin bất cứ gì Ta bảo ông về chính ông, và ông phải hành xử một cách tương ứng.

Về bản chất, Ta bất thị hiện, vậy mà Ta thị hiện, nhưng Ta không thực sự thị hiện. Liệu ông có thể sống như thế, như cái bất thị hiện?

Chừng nào còn thuộc tính, thì tính chất của thuộc tính, tức cái “Ta Hiện Hữu” vẫn còn đó, vì thế Ta mới có thể nói như thế này. Nếu cái “Ta Hiện Hữu” ra đi thì chuyện gì xảy ra? Ý thức “Ta” đã đến và ra đi, chỉ thế thôi, còn Ta vẫn không chết. Ai đã khước từ cái diện mạo này thì hiểu được điều đó.

H: Maharaj muốn nói rằng ông sẽ bất tử?

M: Làm sao kẻ không được sinh ra lại có thể chết đi?

Lúc đầu khi nghe nói về căn bệnh này, nhiều người có cảm tình với Ta đến bảo Ta, hoặc viết thư cho Ta những lời khuyên và các phương thuốc chữa trị. Bất cứ gì sẽ xảy ra phải xảy ra, Ta không hề quan tâm. Vì vô úy nên Ta chẳng cần phải làm gì. Theo lẽ thường những ai có cảm tình với Ta viết thư và đến bàn luận với Ta; Ta không nghe họ, và điều này cũng đúng với lẽ thường vì Ta chẳng sợ gì cả.

Ông hỏi: “Ta là ai?” và ông sẽ không nhận được câu trả lời, vì người nào nhận được câu trả lời thì người đó là hư giả. Ông có thể có một ý tưởng, một khái niệm, và ông cho rằng ông đã tìm ra chính ông, nhưng đó chỉ là một khái niệm; ông không bao giờ có thể thấy cái Ta của ông.

H: Sat-chit-ananda là gì?

M: Đó là ngôn từ. Ông có thể xem sat-chit-ananda là tất cả những gì mà tâm ông có thể mô tả về một trạng thái không thể mô tả. Bản tính chơn thật của ông thì bất thị hiện; sự thị hiện xuất hiện và ngôn từ xuất hiện. Người kinh nghiệm sat-chit-ananda có đó, trước cả kinh nghiệm.

❁ ❁ ❁

Ngày 15 tháng 12 năm 1980

Maharaj: Hãy xem xét cái cương vị mà ông đã đạt được nếu ông hiểu được những gì Ta nói, và nếu ông đã hiểu thì chẳng có cương vị nào cả. Giá trị của ông không thể nào đo lường được. Ông đã làm xong các bài tập và bây giờ sadhana hay sự tu tập tâm linh của ông đang kết trái: bây giờ ông ở đây. Cứ để nó tăng trưởng trong ông. Ông chẳng cần tìm cầu bất cứ ai khác sau khi rời khỏi nơi này; phần công việc đó đã được ông làm xong. Vì ông xứng đáng với trạng thái giác ngộ đó, nên ông có mặt ở đây hôm nay.

Hãy nhận biết cái “Ta Hiện Hữu” vô ngôn sinh khởi vào mỗi sáng. Biết cái Ta, an trú trong sự biết cái Ta không phải là cái biết thuần tri thức. Ông phải là cái đó, và ông không được xa lìa nó. Hãy bám chắc lấy nó.

Đừng tham vấn người khác về những gì Ta đã chỉ cho họ. An trú trong những gì Ta bảo riêng với ông. Hãy giết chết sự tò mò muốn biết người khác được chỉ giáo những gì; tùy người tìm cầu mà Ta chỉ giáo. Nếu ông không an trú với bản tánh chơn thật của chính ông thì ông không thể đo lường chiều sâu bản tánh của người khác. Khi muốn tìm cách hiểu người khác thì bản chất tự chiếu sáng của cái Ta của một người phải khai mở hoàn toàn. Ông sẽ biết chính ông trong tiến trình đó. Cái biết đang được giải thích ở đây ông không tìm được trong bất cứ sách vở nào. Thôi, Ta đã cho ông khá nhiều, ông có thể gặp hoặc không gặp Ta ngày mai thì chẳng quan trọng, nhưng đừng quên những gì Ta nói với ông về cái Ta của ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 18 tháng 12 năm 1980

Người hỏi: Ý thức cũng như màn ảnh, và tôi là màn ảnh.

Maharaj: Hãy hiểu những gì Ta nói mà không được dùng đến khái niệm; ông đang tạo thêm khái niệm. Bây giờ hãy đi đến trạng thái hoàn toàn không còn khái niệm.

Có rất nhiều hành giả tâm linh chỉ có mục đích kiếm đủ công đức để đạt đến một cảnh giới nào đó như cõi Thiên hoặc Vaikuntha (Cõi giới của Thần Vishnu). Ta chẳng có mục đích nào ngoài việc tìm biết. Ta đã không biết cái biết của Ta, rồi đột nhiên Ta trở nên ý thức rằng Ta hiện hữu. Ý thức này đã từ đâu và bằng cách nào đã sinh khởi đối với Ta? Đó là sự tìm biết của Ta, Ta đi ngược trở lại trạng thái khi chưa có sự hiện diện của hiện tượng. Có nghĩa là cái biết tiên nguyên về cái Ta nguyên thủy. Như thế, Ta đi ngược trở lại, truy tìm cái Ta nguyên thủy này, và Ta đã đến một giai đoạn Ta muốn biết trạng thái của Ta như thế nào trước khi ý thức này sinh khởi. Đó là nơi đến mà Ta đã đến. Brahman, Isvara, Thượng đế, tất cả đều là danh xưng gán cho ý thức khi ý thức ý thức chính nó. Nếu ông hiểu được đúng mức cái biết này thì thái độ của ông như thế nào vào thời điểm của cái được gọi là chết? Thái độ này sẽ quan sát cái gì đang xảy ra. Ý thức này dần dần mất đi tất cả và cuối cùng ý thức không còn ý thức về chính nó nữa. Trạng thái này không thể diễn tả được.

Nó được gọi là Parabrahman, cái Tối Thượng, nhưng đó chỉ là một danh xưng cho mục đích truyền đạt.

Tiến trình của sự tìm biết này bắt đầu khi Ta để ý thấy rằng từ khi thức giấc cho đến khi ngủ, con người luôn luôn bận rộn làm cái này hay cái khác. Cái gì thôi thúc chúng ta làm những chuyện như thế? Tiến trình này tiếp diễn vì cái gì? Rồi Ta đã đi đến kết luận là: chính sự hiện hữu của Ta, chính cái “Ta ý thức về sự tồn tại” hành hoạt suốt ngày. Sự tìm biết của Ta đã bắt đầu như thế.

Cái nguyên lý nội trú trong thân xác là ý thức. An trú trong ý thức, nguyên lý đó trở nên sự thị hiện toàn diện. Lúc này trạng thái siêu nghiệm của ý thức cũng xảy ra. Với sự xuất hiện của ý thức, cái Tuyệt Đối biết nó hiện hữu, “Ta Hiện Hữu”. Đó là kinh nghiệm. Bây giờ, trong yếu tố thời gian này, lại có những kinh nghiệm khác nhưng các kinh nghiệm sẽ dần dần tan biến, kể cả cái kinh nghiệm tiên khởi “Ta Hiện Hữu”. Chỉ ý thức là cái sẽ biến mất, cái Tuyệt Đối luôn luôn có đó.

Thật là một sự sa ngã kỳ lạ! Trạng thái toàn hảo, bị vướng mắc trong những kinh nghiệm này, và tìm cách thu lượm một số lợi lạc nào đó từ các kinh nghiệm.

H: Điều đó tự xảy ra?

M: Phải. Nguyên lý Tuyệt đối bị vướng mắc trong bất cứ kinh nghiệm nào xảy ra trong phạm trù của cái biết này. Nó nhận một kinh nghiệm nào đó là chính nó. Nhận kinh nghiệm là cái chơn thật, nó càng trở nên vướng mắc.

❁ ❁ ❁

Ngày 22 tháng 12 năm 1980

Maharaj: Vừa mới đây Ta nằm trong trạng thái tỉnh thức, nhưng hoàn toàn không nhận thức hoặc cảm nhận ngôn từ, một trạng thái như trước khi có ngôn từ.

Lúc này những tàn dư cuối cùng của tính cách con người hoặc tính cách cá nhân đã xa lìa Ta. Năm ngoái Ta vẫn thường nói với người nghe với một tình cảm nào đó, nhưng bây giờ không còn nữa. Sự cư trú của Ta trong thế giới thô lậu đã chấm dứt, bây giờ sự cư trú đó ở trong cõi giới vi tế hơn, như trong không gian.

Tác dụng của những gì Ta nói ra là ông sẽ an định ngay tại chính nguồn gốc mà từ đó ngôn từ phát sinh. An trú trong ý thức năng động và thị hiện là an trú trong ngôn từ của Đạo sư. Thần chú mà Ta vừa cho ông có nghĩa là: ông là nguyên lý thị hiện và năng động, ông không phải thân xác. Khi an trú trong nó, ông trở thành nó.

Nhiều người nghĩ rằng họ đến đây vì ý muốn của riêng họ, nhưng chính ý thức đem họ đến đây, vì ý thức muốn cái biết này. Những gì Ta nói là nói với ý thức: “Ngươi đã tự đồng hóa với thân xác, nhưng ngươi không phải thân xác”. Chính cái biết phải hiểu bản chất của chính nó, và hội nhập với cái biết, tức là nguồn gốc của nó.

Người ta đến đây cầu xin công đức; họ không hiểu được rằng: biết được mình không phải là thân xác, mà là ý thức bên trong, chính là công đức.

❁ ❁ ❁

Ngày 25 tháng 12 năm 1980

Người hỏi: Khi bận rộn với công việc thế tục, chúng tôi cần giữ gì trong tâm?

Maharaj: Nguyên lý “Ta Hiện Hữu” luôn luôn có đó nên nó lưu chuyển khắp nơi. Để nhận ra nó, ông khoác lên vô số bộ đồng phục để cho nó một diện mạo, nhưng nguyên lý “Ta Hiện Hữu” sẵn có đó, và vì nguyên lý đó ông tham dự vào vô số sinh hoạt. Nếu không khoác lên bộ đồng phục (thân xác), ông không thể tiến hành bất cứ sinh hoạt nào.

Cái biết này tức là nguyên lý Isvara, cái hiện đang vướng mắc trong ảo tưởng cho rằng nó là thân tâm. Ông chấp nhận diện mạo của bộ đồng phục và diện mạo đó trở thành cái ta của ông. Isvara là nguyên lý thị hiện, nhờ nó mà mọi sinh hoạt được tiến hành. Nó không có hình tướng; các hình tướng được thêm vào vì sự vận hành của ngũ đại. Hiện nay, nguyên lý đó hoàn toàn mất hút trong bộ đồng phục và chỉ được nhận ra bằng bộ đồng phục. Ông sợ chết vì ông sợ mất đi diện mạo của ông, tức là thân xác.

Vì bộ đồng phục có sẵn cho ông, bằng mọi cách hãy dùng nó, nhưng phải hiểu rằng ông không phải bộ đồng phục.

H: Một người phải làm gì khi bộ đồng phục trở nên phiền toái?

M: Thu vào trong cái Ta của chính ông, là một với cái Ta đích thực của ông. Cái “Ta Hiện Hữu” này thọ hưởng vô số kinh nghiệm. Nó có thể trở thành kẻ ăn mày hoặc một ông vua.

Thân xác này có bất biến không? Thân xác không ngừng biến đổi trong suốt cuộc đời ông, diện mạo nào là ông?

H: Tôi nhận diện mình với thân xác, tôi biết điều đó.

M: Ai?

H: Tôi.

M: Hãy cho Ta một chân dung của từ ngữ “Tôi” đó. Ông không thể. Nguyên lý đó không có danh, sắc hay hình tướng. Kết luận chắc chắn của Ta là bất cứ gì được thực hiện qua bộ đồng phục đều hư hoại, và sẽ không tồn tại. Có bộ đồng phục nào là vĩnh cửu? Một khi biết rằng ông không phải hình tướng hay danh xưng của bộ đồng phục đó thì mọi chuyện hoàn tất. Cũng như ông cất giữ một số giấy bạc 1000 rupee (tiền Ấn Độ), rồi bất chợt chính phủ tuyên bố số giấy bạc ấy vô giá trị.

Khi ông vất bỏ bộ đồng phục “Ta hiện hữu” này thì cái gì còn lại là Parabrahman. Cái luôn luôn hiện hành là Parabrahman.

H: Liệu Maharaj sẽ giúp tôi cởi bỏ bộ đồng phục của tôi?

M: Có cần thiết không? Nó có tồn tại mãi đâu, nó chưa bao giờ là vĩnh cửu.

H: Chúng tôi chưa cởi bỏ được nó, đó là vấn đề.

M: Thôi được, cho Ta biết, khi cái biết không có thì cái gì là kinh nghiệm của ông? Chính sự chạm nhẹ của cái biết “Ta Hiện Hữu” mà ông cảm thấy sự tồn tại của chính ông và của thế giới.

H: Làm sao từ bỏ cái biết này?

M: Có cần thiết không? Nếu ông nhận bộ đồng phục là chính ông thì có vấn đề từ bỏ nó? Hãy từ bỏ sự nhận diện của ông với thân xác, hãy tìm cách biết chính ông. Nó chỉ là biết, ông không thể lĩnh hội trạng thái đó. Vì không biết nên ông đến đây, chứ không phải vì ông biết nhiều. Cái biết mà Ta cho chỉ để giải trừ vô minh.

❁ ❁ ❁

Ngày 25 tháng 12 năm 1980

Maharaj: Thân xác này được cấu thành từ những gì?

Người hỏi: Nó là sự thể hiện của ý thức.

M: Thế không phải thân xác này được cấu thành bởi ngũ đại? Ông biết ông tồn tại; không phải cái biết này tùy thuộc vào ngũ đại hay sao? Không thể biết được ý thức nếu không có thân xác. Ý thức tùy thuộc vào hình tướng.

H: Ông muốn nói rằng nếu không có thân xác, tôi không biết tôi hiện hữu?

M: Đúng thế. Từ kinh nghiệm của chính ông – không dựa theo những gì ông đã nghe hay đọc sách – liệu ông có thể biết ông tồn tại mà không có thân xác?

H: Tôi tồn tại mà không cần có thân xác này.

M: Hãy quên những gì ông đã nghe đi. Khi ông không có kinh nghiệm về thân xác này, liệu ông có kinh nghiệm về hiện hữu?

H: Tôi không giỏi tiếng Anh nên không thể diễn tả điều đó, nhưng tôi biết “Tôi Hữu Hữu”.

M: Trước khi được sinh ra, liệu ông đã có thể cảm thọ, hoặc cảm giác, hoặc biết ông tôn tại? Một người giác ngộ thì tự do vì người đó thấy thân xác được cấu thành bởi ngũ đại và thân xác đó hành hoạt theo bản chất của các đại này. Ta thấy thân xác đó, nhưng Ta không quan tâm đến bất cứ gì thân xác đó làm. Không có gì trong thân xác đó mà Ta có thể nhận là Ta. Ý thức về sự hiện hữu, về sự tồn tại là kết tinh của sự kết hợp ngũ đại. Sự kết hợp đó xảy ra cùng một lúc, Ta không tham dự trong đó. Cái cảm giác ta hiện diện tùy thuộc vào sự có một thân xác; Ta không phải thân xác mà cũng không phải sự hiện diện hữu thức.

Trong thân xác này là nguyên lý vi tế “Ta Hiện Hữu”, nguyên lý đó chứng kiến tất cả những chuyện này. Ông không phải ngôn từ. Ngôn từ là sự thể hiện của không gian, ngôn từ không phải của ông. Sâu xa hơn nữa, ông không phải cái “Ta Hiện Hữu” đó.

H: Vậy “Tôi” là cái gì?

M: Ai đang hỏi thế?

H: Không có gì ở đây cả, không có “Tôi”.

M: Ai đang hỏi câu này?

H: Có ý thức về một cái gì đó, tôi không biết đó là cái gì.

M: Nếu ông cảm nhận ý thức về một cái gì đó, liệu nó có thật không? Khi ý thức này đi vào quên lãng, ai là kẻ nói trạng thái đó là gì?

H: Tôi không biết.

M: Vì cái biết “Ta Hiện Hữu” không có đó nên ông không biết chính ông. Khi ông bắt đầu biết ông hiện hữu, ông gây ra đủ mọi tai họa, nhưng khi cái “Ta Hiện Hữu”

không có thì vấn đề tai họa không được đặt ra.

H: Như thế cái “Ta Hiện Hữu” luôn luôn có đó chừng nào còn có thân xác của tôi?

M: Cái “Ta Hiện Hữu” chỉ vắng mặt trong trạng thái samadhi, khi cái ta hội nhập vào cái Ta. Nếu không, nó vẫn có đó. Trong trạng thái của một người đã giác ngộ, cái

“Ta Hiện Hữu” vẫn có đó, nhưng người giác ngộ chỉ không xem nó là quan trọng. Người giác ngộ không bị một khái niệm hướng dẫn.

H: Khi tôi nghĩ tôi phải có mặt ở đây với ông thì chúng ta có quan hệ nào không, Maharaj?

M: Chính ý nghĩ đó là mối quan hệ.

H: Sự mãnh liệt mà tôi mong muốn có mặt ở đây khiến tôi thắc mắc liệu Maharaj có nghĩ đến các môn đồ của ông không?

M: Ta nghĩ đến họ còn nhiều hơn là ông biết.

❁ ❁ ❁

Ngày 30 tháng 12 năm 1980

Người hỏi: Tôi nghĩ trong toàn thể sự thị hiện phải có cái đẹp.

Maharaj: Ông đừng để bị cuốn hút vào những gì xuất hiện bề ngoài. Như trường hợp của cái cây – vỏ cây, lá cây, hoa, trái, tất cả đều có một tính cách riêng. Nếu để bị thu hút vào những hình tướng bề ngoài của chúng thì ông không thấy được nguồn gốc của nó là cái cây.

Về mặt tri thức thì ông đã hiểu, nhưng ông phải là một với nó, ông phải đồng hóa với cái mà ông đã hiểu. Hãy hiểu rằng mầm mống của thân xác này là tinh trùng của người cha hòa nhập với trứng của người mẹ. Đó là chủng tử của sự thị hiện các hiện tượng, nhưng Ta không phải chủng tử đó, Ta không phải hiện tượng mà Ta cũng không phải ý thức bị câu thúc bởi thời gian.

Danh xưng và hình tướng mà ông thấy chỉ là ý thức. Ý thức của ông rất thuần khiết và đó là lý do vì sao ông có thể phán xét. Atman (cái Ta) thì vô sắc nhưng nó có thể phán xét mầu sắc, và những thứ khác. Việc tu tập của ông đã hoàn tất; ông đã đến nơi này.

Cái biết này chỉ dành cho những ai không còn tham ái. Biết cái Ta là cái biết cao quý nhất.

Vì ông là người đi tìm cái Ta nên Ta giải thích loại biết này. Ta hướng dẫn ông đến một trạng thái mà ở đó không còn cái đói, không còn tham ái, vì thế Ta không có ý định mời gọi những ai còn bận tâm đến của cải và người thân của họ đến nghe thuyết giảng của Ta.

Khi có được cái biết, ông sẽ thấy rằng ý thức “Ta” bao trùm tất cả khi ý thức có đó; nhưng người chứng kiến ý thức thì không có cái “Ta Hiện Hữu”, và đó là bổn tánh chơn thật thường hằng của ông.

“Ta yêu” làm sinh khởi sự vui sướng tuyệt vời, nhưng cũng lúc ấy không có gì khốn khổ như “Ta yêu”.

Giã từ thân xác là một lễ hội vĩ đại đối với Ta.

Cái gì là giá trị các sinh hoạt của con người? Tất cả đều là giải trí, để giết thời gian. Ông cảm thấy thích thú chỉ khi nào ông quên mất chính mình; trong giấc ngủ sâu ông quên mất chính ông, và chính đó là niềm vui sướng.

Chính Atman, chứ không phải tính cách cá nhân, bị lôi cuốn vào cõi giới tâm linh. Trong tương lai Ta sẽ không giải thích về cái biết nữa; rải rác đó đây một đôi lời và chỉ có thế thôi.

❁ ❁ ❁

Ngày 3 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Hiện hữu có đặc tính trở thành bất cứ gì mà ông nghĩ đến. Ông đưa vào ý thức khái niệm gì thì ý thức sẽ cho ông cái đó. Bất cứ gì mà ông bám giữ một cách mãnh liệt thì ông chắc chắn trở thành cái đó, đó là đặc tính của ý thức. Đừng bao giờ nghĩ rằng ông là thân xác.

Ý thức không phải thân xác. Vì có thân xác nên hiện hữu được cảm nhận, nhưng hiện hữu thì bao trùm tất cả.

Chỉ ý thức mới cảm nhận được cõi giới bao la của ý thức, nhưng Ta, cái Tuyệt Đối, không phải ý thức.

Bất cứ gì được biết đều được biết bởi ý thức, đều ở trong phạm trù của ý thức. Ý thức và cái biết chìm xuống khi thân xác thực phẩm chết đi. Cái Tuyệt Đối luôn luôn còn lại. Những lời lẽ này đã gieo cấy trong ông mầm mống của cái biết; bây giờ ông phải làm cho nó tiếp tục. Ông phải nuôi dưỡng nó, suy gẫm về nó, như thế cây hiểu biết mới tăng trưởng.

❁ ❁ ❁

Ngày 4 tháng 1 năm 1981

Người hỏi: Sáng nay tôi suy ngẫm về điều Maharaj nói rằng tất cả ý thức đều như nhau; trong một vài giây thì tất cả mọi thứ như là một, và tôi ở đằng sau nó. Có phải đó là mục đích?

Maharaj: Đó không phải là mục đích. NÓ LÀ NHƯ THẾ. Nó có đó và bởi vì sự nhận diện với thân xác nên cái đang là không có vẻ như nó là. Xin hiểu rằng chỉ có một điều duy nhất được hiểu, và điều đó là: ông là cái vô sinh, vô hình tướng và vô thời. Chính vì sự nhận diện ông với thân xác như một thực thể nên ý thức của ông, ý thức vũ trụ, lại nghĩ rằng nó chết đi. Chẳng có ai chết vì chẳng có ai đã được sinh ra.

Hàng triệu hình tướng đều là sự thị hiện của ý thức. Chỉ có hàng triệu hình tướng được tạo ra và bị hủy diệt, còn tự thân ý thức vũ trụ thì bất sinh và bất tử. Thử tưởng tượng cả triệu hình tướng được tạo nên và còn mãi thì làm sao các hình tướng khác được tạo ra? Chính vì ý thức bất sinh bất tử nên hàng triệu hình tướng được tạo ra và bị hủy diệt; đó là một chuỗi diễn tiến liên tục. Hãy hiểu cái ông là là chính ý thức vũ trụ vô biên này. Chỉ cái mà trong đó ý thức thị hiện chính nó thì mới hữu hạn, được tạo ra và bị hủy diệt. Toàn thể tiềm năng của ý thức vẫn còn. Tiềm năng đó là vô hạn.

Ông tìm kiếm cái biết từ quan điểm của sự đồng hóa với thân xác nên bất cứ gì nắm bắt ông đều nắm bắt bằng tâm. Có bộ máy thân xác này, có cả phương cách sử dụng bộ máy đó, và đó là cái ông hiện đang nhận diện là ông, nhưng nó không phải là diện mạo đích thực của ông. Ông không có cách nào chế ngự nó, nó đã xuất hiện và rồi nó sẽ biến mất.

Ta nói với ông từ cái nhìn của ý thức vũ trụ, và Ta biết rõ tất cả các thân xác đều là tinh chất của thực phẩm và chúng sẽ diệt vong.

❁ ❁ ❁

Ý thức và cái Tuyêt đối – Sri Nisargadatta Maharaj
Ảnh: Jongsun Lee on Unsplash

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x