Trang chủ » Bất cứ gì được nhận thức đều không phải là ông

Bất cứ gì được nhận thức đều không phải là ông

by Hậu Học Văn
377 views

10. Nơi nào có thực phẩm thì có Cái Đó cư trú bên trong

Khách: Theo tôi ý thức xuất hiện và biến mất.

Maharaj: Ông chỉ nói láo. Làm sao ông biết không có ý thức? Chỉ trong khi ngủ mới không có ý thức. Từ lúc tỉnh giấc cho đến lúc ngủ ý thức luôn luôn có mặt. Bất cứ khi nào ông quán sát một đối tượng thì tâm phải có đó để diễn dịch. Cùng với ý thức, tâm phải có đó để nhận thức.

K: Bất cứ khi nào một đối tượng bị chứng kiến thì hành vi chứng kiến đều xảy ra. Tôi không biết phải gọi sự chứng kiến này là gì.

M: Nếu không có tâm thì không thể có sự chứng kiến. Sự chứng kiến chỉ có thể xảy ra khi có các đối tượng của tâm, hành vi chứng kiến này dựa vào sự hiện diện của ý thức. Thoạt tiên, sự chứng kiến xảy ra với ý thức trong phạm trù của tâm. Mọi hành hoạt đều xảy ra đối với tâm và tri thức, còn sự chứng kiến tất cả những điều này lại xảy ra với cái Ta.

Nếu ý thức cứ bám víu lấy thân xác và xem thân xác như là diện mạo của nó thì cái biết đích thực không bao giờ bừng nở trong ông. Cái Ta được choàng lên lớp áo thân xác – và từ đó rắc rối khởi sinh.

K: Có vô số đạo sư và cũng có vô số con đường. Làm sao chúng tôi tìm được chân sư và chánh đạo?

M: Rất nhiều người đã đến đây và nhiều người trong số họ chỉ chú trọng đến các chủ đề liên quan đến thân tâm. Ta chẳng bận tâm đến các đề tài này. Thật hy hữu mới có người muốn biết cái Ta. Chủ đề hiện nay của Ta là: Bất cứ gì không còn nữa thì không phải nó biến mất và chết đi, mà phân tán và thị hiện thành vô số. Dù cho ý thức lìa bỏ thân xác nhưng nó vẫn sung mãn, rộng khắp và hiển nhiên.

Hàng ngàn năm nay các đấng cứu thế và những người muốn cải tổ xã hội vẫn tìm cách đem lại một sự thay đổi trong thế giới thị hiện. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực tập thể của họ nhưng không hề có sự tiến bộ nào. Toàn thể nhân loại đều có cùng một loại tâm và tri thức mà trong đó họ vướng mắc và xung đột. Không thể nào có sự cải thiện trong trạng thái này. Ta luôn luôn chú trọng đến nguyên lý căn bản ở hậu cảnh. Tất cả mọi thứ đều xảy ra từ nguyên lý căn bản trước hậu cảnh đó mà không hề hay biết. Người ta thường tham dự vào các sinh hoạt được cho là tốt hay xấu, nhưng thật ra những sinh hoạt đó chỉ là sự bận rộn của tâm.

Mọi người tìm cách bảo vệ và giữ gìn yếu tố thời gian – có nghĩa là ý thức. Bao giờ còn có thời gian thì còn có ý thức; và còn có thời gian khi nào thân xác còn hiện diện.

Khi sinh mệnh kết thúc thì thời gian cũng không còn. Khi thời gian không còn thì ý thức cũng không còn. Bao giờ còn có sự hiện hữu thì các hành hoạt còn diễn ra. Khi nhận ra rằng ông không phải là thân xác thì lúc đó sự thị hiện không còn sức thu hút.

Khi có được sự tin tưởng kiên cố rằng mình không phải là thân xác thì thái độ của một người sẽ giống như ngũ đại, người đó chẳng còn cho mọi chuyện xảy ra là do mình, mà chỉ tự xảy ra. Một người như thế chẳng còn sự cần cầu nào.

Rất nhiều người bị các quan điểm tâm linh ngăn che nên không dễ dàng từ bỏ sự nhận diện của họ với thân xác. Nhân danh tâm linh, họ tiếp tục theo đuổi các tín ngưỡng, các đức tin và những kỷ luật hành xác, nhưng không chịu từ bỏ những diện mạo mà họ trân trọng, và cũng chẳng quay vào bên trong hướng về cái Ta. Tất cả những lớp áo khác nhau mà họ khoác lấy đều là những đặc tính của tâm – tức là các khuynh hướng và đặc tính tiềm ẩn của nó – mà không phải là của cái Ta. Nhiều người thay đổi tín ngưỡng như người ta thay vợ đổi chồng theo sự sai sử của tâm.

Khi một đồ tể đạt đến trạng thái giác ngộ thì người ấy vẫn tiếp tục hành nghề sát sinh vì biết rằng đó chỉ là chức năng của thân xác còn mình không phải thân và tâm. Thậm chí người đó cũng chẳng cần đến một Thượng đế hay cái biết của “Brahman”.

Khi nhận ra mình không phải là thân và tâm, ông chẳng còn sự cần cầu nào nữa; lúc đó ông là một với ý thức thị hiện. Rồi vào đúng lúc, thậm chí ông cũng không phải là ý thức khi ông an trú trong trạng thái Tối Thượng, như thế có nghĩa là cuối cùng ông siêu vượt ý thức. Ý thức thị hiện chính là “Brahman”.

Một khi đã an trụ trong “Brahman” thì chẳng còn cần đến cái biết về “Brahman” – có nghĩa là, cái biết về cái Ta. Liệu “Brahman” có công dụng gì đối với “Brahman”? Do đó, Ta, “Brahman”, chẳng làm gì cả và cũng chẳng cần gì cả vào giai đoạn “videhisthiti” này – tức giai đoạn vô thân. Sẽ chẳng có cao hay thấp, chẳng có thật hay không thật, chẳng có bên trong hay bên ngoài, và cũng chẳng có chiều kích nào trong trạng thái đó.

Nhân danh tâm linh, người ta nhận một số tín ngưỡng và khái niệm nào đó làm tôn giáo của mình rồi cảm thấy hãnh diện. Sau đó người ta lại từ bỏ tất cả và chấp nhận một tín ngưỡng khác, và vân vân. Cuối cùng, người ta sẽ không bao giờ biết khi nào thân xác của mình “chết đi”.

Hiện nay, ông đặt niềm tin của ông vào thân xác. Khi nào từ bỏ được niềm tin này thì ông là “Brahman”, tức nguyên lý thị hiện. Đấng Krishna từng bảo: “Hãy nhớ Ta, Ta luôn luôn có mặt”. Trạng thái Krishna đó là gì? Krishna ở ngoài trạng thái thân tâm, điều này có nghĩa Krishna ở ngoài ý thức. Không những thế, Krishna – cái Tuyệt Đối – còn là người chứng kiến ý thức, vì thế bất cứ khi nào có ai nghĩ đến Krishna tức là nghĩ đến vĩnh cửu. Trong khi suy nghĩ như thế, hành giả đã tự an trú trong sự vĩnh cửu. Do đó, Krishna bảo: “Hãy nhớ Ta, hãy ghi nhớ Ta”. Đừng bao giờ sử dụng diện mạo của ông với thân xác, nhưng bằng mọi cách cứ việc sử dụng thân xác.

Tuy ở trong thân xác, nhưng cái biết “Ta hiện hữu” phủ nhận thân xác: “Ta không phải thân xác”. Ta, trong trạng thái Krishna, không thuộc về đức tin Ấn giáo, đức tin Thiên chúa giáo hay đức tin Hồi giáo? Vì sao thế? Vì Ta không phải thân xác và do đó Ta hiện hành trong người Ấn giáo, người Thiên chúa giáo, người Hồi giáo, trong mọi người và mọi vật. Hãy dẫn đến cho Ta một người Hồi giáo hay một người Thiên chúa giáo mà không có thân xác. Liệu ông có thể dẫn đến cho Ta một người như thế? Tất cả mọi tôn giáo và tín ngưỡng đều thuộc bình diện thân tâm. Có nguyên lý nào như là Ấn giáo, Thiên chúa giáo hay Hồi giáo nội trú trong thực phẩm mà chúng ta trồng trọt và tiêu thụ không? Như thế thực phẩm không hề cung cấp sự nuôi dưỡng nào có tính cách tôn giáo để biểu thị tôn giáo của một người.

Theo quy ước, một đứa trẻ trong thân xác một người Hồi giáo được cho là người Hồi giáo. Quan niệm này cũng áp dụng tương tự cho một đứa trẻ Ấn giáo. Vì cha mẹ gọi nhau là người Ấn giáo hay Hồi giáo, nên họ cũng áp đặt tôn giáo riêng biệt của họ lên con cái.

Liệu có thể nào có tôn giáo, tín ngưỡng hay đức tin trong thực phẩm, sản phẩm của ngũ đại?

Từ cùng một chỗ ăn uống, con người thuộc các đức tin khác nhau tiêu thụ cùng một thứ thực phẩm. Nhưng ngay khi thực phẩm được thân xác của họ tiêu thụ, nó liền được gán cho cái danh phận tôn giáo của thân xác thực phẩm đó. Thật là kỳ cục!

Trong thực phẩm, ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” luôn luôn có sẵn và tiềm ẩn. Ngay khi thực phẩm được tiêu hóa và hấp thụ trong thân xác thì cái biết “Ta hiện hữu” liền thị hiện tự thân.

Khi thân xác xuất hiện thì liền có sự cần thiết phải đặt cho nó một cái tên. Chúng ta đặt ra một cái tên để nhận diện thân xác rồi cái tên đó được xem như chính con người. Có một thân xác, một hình tướng xuất hiện và cùng với hình tướng là một cái tên để nhận diện nó. Nhưng lạ thay, cái tên lại được xem như chính con người mang nó!

Thế giới đầy những trẻ con. Thật ra, chúng là sản phẩm của thực phẩm, và những đứa trẻ chưa được sinh ra đã hiện diện sẵn trong tinh chất của thực phẩm trong tình trạng tiềm ẩn. Khi tinh chất thực phẩm khoác lấy một hình tướng, nó thị hiện thành một thân xác, và thân xác trở thành phương tiện cho nguyên lý nội trú “Ta hiện hữu”. Cũng như sữa được một đứa trẻ bú từ một chai sữa, thì cái biết “Ta hiện hữu” tiêu thụ tinh chất thực phẩm từ thân xác. Cái biết “Ta hiện hữu” ăn và tiêu hóa thân xác suốt ngày. Với cái hiểu này chúng ta phải nhận ra mình không phải thân xác. Đó chính là giải thoát, và giác ngộ.

Tất cả các ông đều im lặng. Vì sao thế? Vì các ông đã được hóa giải diện mạo hiện thời cùng với sự tin tưởng mình là một thân tâm. Do đó các ông không thể hỏi bất cứ câu nào. Đối với Ta, hành vi chứng kiến thân tâm và sự hiện hữu chỉ xảy ra. Giả sử như có sự đau đớn vì một nguyên nhân nào đó được cảm nhận. Ai là người hiểu sự đau đớn?

Chính là ý thức, cái được duy trì bởi thân xác bằng tinh chất thực phẩm. Khi nói “ý thức” Ta muốn nói ý thức vũ trụ. Nhưng người chứng kiến ý thức lại là nguyên lý tối thượng – cái Tuyệt Đối.

Hương thơm và vị ngọt của thân xác bằng tinh chất thực phẩm là cái biết “Ta hiện hữu”. Cái biết này không có danh xưng và hình tướng. Nó là trạng thái “Ta yêu”, là mùi vị “Ta”. Nhưng từ trạng thái thân tâm các ông đi hành hương và tìm đến vô số đạo sư.

Chừng nào ý thức còn có đó thì tiếng rầm rì còn tiếp tục, và ai là kẻ rầm rì? Chính nguyên lý đang rầm rì và đang nói “Ta hiện hữu, Ta hiện hữu” đó – là đạo sư của các ông. Nếu quán triệt những gì Ta nói và hiểu rõ vị đạo sư này – tức ý thức – và an trụ ở đó thì các ông sẽ giác ngộ cái Ta. Lúc đó sẽ không còn cần đến nghi lễ, sự hành xác và tâm linh. Bây giờ các ông đã rõ “đạo sư” nghĩa là gì? Đạo sư chính là ý thức về cái biết “Ta hiện hữu”.

Trong pháp môn sùng tín, sự tôn thờ được đặt ra. Trong việc cúng tế, “prasada” được sửa soạn trước tiên vì đó là thực phẩm cúng dường lên vị thần linh được tôn thờ. Trước khi rung chuông thỉnh cầu thần linh, “prasada” phải được dọn sẵn vì vị thần linh được nuôi dưỡng bằng thực phẩm; vị thần linh chính là ý thức, và ý thức tùy thuộc vào thực phẩm.

Có một hành giả nọ học được cách làm cho người chết sống lại; trong lúc đi qua một cánh rừng hành giả này thấy một khúc xương. Vị hành giả muốn thử sở học của mình đối với khúc xương, tình cờ lại là của một con sư tử. Hành giả này bắt đầu niệm chú và làm các nghi thức cần thiết nhưng lại quên cúng dường thực phẩm. Khúc xương sau đó hiện hình thành một con sư tử và có vẻ rất đói. Con sư tử nhìn quanh tìm kiếm thức ăn nhưng không thấy, thế là nó gầm lên giận dữ, vồ người hành giả và ăn tươi nuốt sống.

Bất cứ khi nào có thực phẩm đúng chất lượng và trong một thân thể thích hợp, và khi hơi thở của sự sống hoạt động trong đó thì nguyên lý cái biết “Ta hiện hữu” qua đó thị hiện tự thân. Cái biết “Ta hiện hữu” này là “Bhagavan” – nguyên lý thiêng liêng.

Sau khi gặp Tôn sư, Ta đã từng lang thang khắp nơi và có lần đến viếng một linh địa có tên Pandharpur. Linh địa này nổi tiếng với đền thờ thần Vithoba. Lúc đó Ta thường chống gậy và trên người chỉ đeo một cái khố. Có lần Ta tình cờ đến một khu hỏa táng người chết. Ta không có ý định thăm viếng các đền đài, thật ra Ta chỉ muốn xem các kiến trúc hơn là các tượng thần ở trong các ngôi đền này. Ta thấy một người đàn ông gầy gò ngồi ở một góc trong nội vi khu hỏa táng. Ta tò mò đến gần và hỏi: “Này ông, vì sao ông lại ngồi ở chỗ hoang liêu thế này?” Người đàn ông trả lời: “Vì sao tôi ngồi đây? Tôi thật sự không biết”.

Ta hỏi tiếp: “Ông không đến viếng đền thờ Thần Vithoba sao?”

“Không, tại sao tôi lại phải đến đó?” người đàn ông đáp một cách ngắn gọn.

“Thế thì làm sao ông tìm được thực phẩm?” Ta hỏi.

“Ồ, đó không phải là vấn đề. Tôi ăn những nắm thức ăn người ta cúng cho các xác chết. Tôi dùng vải liệm các xác chết để che thân”. Người đàn ông giải thích trong lúc Ta đứng sửng sốt trước các câu trả lời ngây thơ của ông ta. Người đàn ông nói tiếp:

“Việc gì tôi phải đi đâu để tìm cái tôi cần dùng? Nơi nào có thực phẩm thì Cái Đó cư trú trong đó”.

Lời lẽ của người đàn ông chứa đựng một ý nghĩa rất thâm sâu, và Ta nhận thấy ông ta có một trình độ tâm linh khá cao siêu.

Việc gì Ta phải lang thang đây đó? Bất cứ nơi nào có thực phẩm cùng với hơi thở của sự sống thì Nguyên lý Thiêng liêng cư trú trong đó. Vì thế Ta chẳng đi đâu cả.

Nguyên lý Thiêng liêng này còn được gọi là “Bhagavan”, hay ý thức, hay cái biết “Ta hiện hữu” vân vân, và được ca ngợi bằng rất nhiều danh xưng và tước hiệu.

Sau khi giác ngộ cái Ta, bất cứ thái độ hay hành động nào thể hiện thông qua thân xác của bậc thánh nhân đều tự sinh khởi và hoàn toàn phi điều kiện hóa. Thái độ và hành vi của bậc giác ngộ không thể bị ràng buộc vào bất cứ hình thức kỷ luật nào. Một bậc giác ngộ có thể được phát hiện qua một con người bệ rạc nằm trong đống tro tàn của một khu hỏa táng, hay trên giường nệm trong cung điện như một vị vua. Người giác ngộ có thể là một tên đồ tể hay là một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, người giác ngộ, sau khi đã vượt ra ngoài cõi giới của sự hiện hữu, lúc nào cũng an trú trong Cái Tuyệt Đối Thường Hằng.

Ngày 4 tháng 2 năm 1980

❁ ❁ ❁

11. Ngay cả Cái Tối Thượng cũng vô ích đối với Cái Tối Thượng

Khách: Theo tôi hình như khi một hình tướng được truyền cho sự sống thì ý thức được tạo ra, nó xuất hiện do sự phản chiếu của tánh biết lên vật chất. Liệu tiến trình này có thể nào đảo ngược?

Maharaj: Những gì ông nói đều đúng từ trạng thái thân tâm. Khi ý thức gột sạch trạng thái thân tâm thì lúc đó nó trở thành tính cách vũ trụ. Đó là nguồn gốc của sự tạo thành ngũ đại, ba đặc tính “gunas” và tiếp đến là thế giới thực vật và động vật.

K: Trong thực vật có “prana” – tức hơi thở của sự sống. Liệu trong thực vật cũng có ý thức?

M: Tất cả những gì được nhìn thấy và nhận thức trong không gian đều do ý thức tạo ra và được truyền cho ý thức. Toàn thể thế giới hữu hình được tạo ra cuối cùng sẽ hội nhập vào không gian. Từ vị thế của thân xác, tất cả hình tướng có vẻ là những thực thể riêng biệt. Nhưng ở bình diện ý thức, chúng đều là ý thức thị hiện và không hề tách biệt.

Khi tiến bộ trong tâm linh, ông sẽ nhận ra nguồn gốc của vũ trụ chỉ là ý thức của ông. Hiện nay, ông đang ở trong sự kiềm tỏa của trí năng biện luận, và vì sự nhận diện của ông với một thân xác nên ông không hiểu được. Bất cứ cái biết nào được ông thu thập đều từ sự nhận diện này và không phải là cái biết đích thực. Nhưng khi có cái biết về “cái ông là” thì ông sẽ hiểu rằng chính thế giới và vũ trụ đều được dung chứa trong cái đốm ý thức của ông. Lúc đó ông đã vượt ra khỏi ý thức thân tâm của ông. Nhưng hôm nay, bất cứ cái biết nào mà ông có được đều qua sự tin tưởng kiên cố ông là thân tâm.

Khi thấy thế giới “bên trong” như một cái gì đó bên ngoài, ông gọi đó là “chiêm bao”. Nhưng cái gì là cái được nhận thức bên trong? Nó được chứa đựng trong cảm giác “có mình”, trong ý thức của ông. Một tiến trình tương tự diễn ra y như thế trong trạng thái thức.

Ý thức của ông, cảm giác về sự hiện diện, chính là cái vỏ mà trong nó thế giới thức hay thế giới chiêm bao tăng trưởng.

Đây là một thực tế. Nhưng ông chỉ chấp nhận tất cả những gì được ông thấy bằng giác quan của thân xác; và bất cứ gì ông nhận thức đều thông qua cái thước đo không chính xác của tri thức hữu hạn. Bất cứ gì có thể thấy được và nhận thức được chỉ là một kết quả của không gian. Khi chúng biến mất thì không gian lại hiện hành. Khi thế giới của ông hiển hiện từ không gian và trong không gian, ông tùy nghi gọi những gì trong thế giới đó bằng đủ loại danh xưng và tước hiệu để thực hiện để thực hiện các sinh hoạt hàng ngày của ông. Trong thực tế, không hề có danh xưng hay tước hiệu nào như thế. Chẳng vật nào được tạo ra như thế có một hình tướng có giá trị, uy quyền hay tính cách cá nhân của riêng nó.

Để nhận ra điều này ông phải hoàn tất “jnana-yoga” có nghĩa là: Cái tôi nhập vào cái Ta. Một lần nữa, “jnana-yoga” có nghĩa là tìm hiểu cái biết “Ta hiện hữu” này và thế giới đã xuất hiện như thế nào. Nhận ra cái biết “Ta hiện hữu” và thế giới chỉ là một – chính là “jnana-yoga”. Đến đây cái biết “Ta hiện hữu” phải nhập vào chính nó.

Nhưng điều ông thật sự mong muốn là giữ nguyên ý thức thân tâm của ông; điều này không thể được. Vì thế sự hoàn mãn của “jnana-yoga” là nhận ra cái biết “Ta hiện hữu” chính là thế giới thị hiện và vũ trụ.

Khi ý thức hiện hữu xuất hiện, nó không có cảm giác về thân xác. Từ ý thức hiện hữu này toàn thể vũ trụ được tạo thành. Trong sự tạo thành đó ông cũng có một hình tướng, ông nhận thân xác là diện mạo của ông rồi ông đi lại và hành hoạt trong thế giới.

Cái nguyên lý vận hành và làm cho thân xác linh hoạt chỉ là ý thức về sự hiện hữu, nó không phải là thân xác. Toàn thể vở kịch trong vũ trụ và thế giới diễn ra trong ý thức và cuối cùng vở kịch sẽ hội nhập vào ý thức. Hãy suy gẫm về điều này nhưng đừng nhận diện với thân xác, và ông, tức ý thức, sẽ biết rằng chấp nhận hình tướng làm diện mạo là “maya”, là ảo tưởng. Như vậy, ý thức chính là nguyên lý mầm mống của toàn thể vũ trụ.

Nó gồm có sinh lực năng động, “guna” tức tính chất của sự hiện hữu, và “prana” hay hơi thở của sự sống. Ý thức tạo ra cái biết “có mình”. Khi mới xuất hiện, ý thức không hề đồng hóa nó với “cái này” hay “cái kia”. Tuy là nguyên lý vũ trụ năng động thị hiện, nhưng vì đồng hóa với thân xác nên nó nhận chịu đau khổ và lạc thú. Ý thức tự biết nó qua chính nó. Chỉ có người hy hữu mới nhận ra toàn thể sự thị hiện vũ trụ sinh khởi từ mầm mống ý thức của mình. Từ “atma-yoga”, chỉ “vis-vayoga” – có nghĩa là sự hợp nhất của một người với vũ trụ – được thực hiện khi một người hợp nhất với chính mình. Khi cái tôi an trụ trong cái Ta thì có nghĩa là “Jnana-yoga” – một trạng thái vô danh xưng vô hình tướng – nhưng sau đó bất cứ gì tự thị hiện đều khoác lấy một danh xưng và hình tướng.

Chỉ đơn thuần bằng sự thụ đắc cái biết, một người không thể nhận mình là một “jnani” – bậc giác ngộ. Hành giả “jnana-yoga” không được yêu cầu phải biết bất cứ gì vì mình chính là cái biết. “Jnana-yoga” là trạng thái cao nhất trong tâm linh. Trong trạng thái này không còn tính cách cá nhân vì đó là trạng thái bao trùm tất cả. Hy hữu mới có người đặt câu hỏi từ vị thế này và còn hy hữu hơn nữa nếu có ai đó trả lời. Ý thức về tính cách cá nhân và mọi sự cần cầu vẫn còn trước khi đạt đến trạng thái “jnana-yoga”. Nhưng sau khi hoàn tất “jnana-yoga” hành giả vượt ra khỏi mọi sự cần cầu và tính cách con người cá nhân. Các hành giả “Kundalini-yoga” miệt mài trong các linh ảnh và quyền năng đạt được bằng “yoga” nhưng không thể diễn giải nguồn gốc của năng lượng

“Kundalini”.

K: Tôi đồng ý rằng chúng ta sẽ đều đạt đến trình độ tối thượng. Nhưng ông vừa nói rằng từ trạng thái tối thượng cái biết “Ta hiện hữu” đột nhiên sinh khởi. Như thế chúng ta ở tại gốc rễ của một sự bí ẩn hoàn toàn.

M: Cái gì là nguyên nhân xúi giục ông nói về các trình độ và nghĩ đến chuyện đạt đến trình độ tối thượng? Trình độ chỉ là một khái niệm. Do sự tách ra khỏi cái Tối Thượng, khái niệm đầu tiên “Ta hiện hữu” sinh khởi và tiếp theo đó là những khái niệm khác hình thành. Tách ra có nghĩa là “cái khác”, là nhị nguyên.

K: Tôi nghĩ tôi đã nghe ông nói hoàn toàn không có sự phân biệt ở trình độ tối thượng. Ở trình độ tối thượng đó, liệu ông có cái biết “Ta hiện hữu” hoàn toàn?

M: Từ “không biết” cái biết xuất hiện: Cái biết này phải nhận ra chính nó. Trong khi nói, chúng ta phải tìm hiểu ngôn từ sinh khởi từ đâu. Ngôn từ sinh khởi từ ý thức “Ta hiện hữu”, nhưng cái gì là nguồn gốc của cái biết “Ta hiện hữu” này?

Thật ra, Ta không nói; chỉ khi nào xảy ra một cách tự phát thì hành động nói mới thể hiện chính nó. Nhưng cái xảy ra đầu tiên là sự nhắc nhở “Ta hiện hữu” rồi từ đó ngôn từ và hành động nói phát sinh. Vậy cái biết “Ta hiện hữu” này là gì?

Nên nhớ rằng toàn thể vũ trụ và thân xác của ông tồn tại trong sự nhắc nhở đầu tiên – “Ta hiện hữu”. Tất cả các thân xác đều được tạo ra từ tinh chất vật chất và được duy trì bằng tinh chất vật chất (sinh học), nhưng ý thức về sự hiện hữu là tinh chất – sattva-guna – của thân xác. Ý thức hiện hữu này là ai, và nó từ đâu mà có? Đây là điều cần phải tìm hiểu đến nơi đến chốn. Khi thực hiện điều này, trong lúc an trụ một cách cần thiết trong cái biết “Ta hiện hữu” – tức ý thức về sự hiện hữu – một sự tiết lộ kỳ thú xảy ra: Cụ thể là từ mầm mống hiện hữu của ông toàn thể vũ trụ thị hiện được phóng chiếu ra, kể cả thân xác ông. Mặc dù tự thân là vô dang xưng vô hình tướng, nhưng khi nguyên lý tối thượng và mãnh liệt này cảm thấy “Ta hiện hữu” thì nó liền bám lấy thân xác và nhận lầm đó là của chính nó. Nó bám lấy diện mạo thân xác nhanh chóng đến độ không thấy được sự tồn tại bất tùy thuộc của chính nó.

Thực chất của hiện hữu, tức là tiếng rầm rì “Ta hiện hữu”, là điều kiện tiên quyết đối với tất cả chức năng của thân xác. Khi gọi hay ra dấu cho một người đau ốm mà không thấy người ấy trả lời hay có phản ứng thì có nghĩa là ý thức hiện hữu này bị che khuất.

K: Liệu một người có phải đi vào giấc ngủ nhiều lần để kinh nghiệm cái biết “Ta hiện hữu” trong trạng thái thức?

M: Cái biết “Ta hiện hữu” không thể được kinh nghiệm hay nhận ra từ ý thức thân-tâm. Chính cái biết “Ta hiện hữu” làm cho thân xác cũng như các giác quan hoạt động và kinh nghiệm.

Ông là người biết nhiều; bây giờ hãy hiểu điều này: Nếu ông nghĩ ông chết, thì điều này cho thấy ông vẫn nhận diện với thân xác của ông và cái biết “Ta hiện hữu” chưa nhập vào chính nó, và cũng chứng tỏ rằng ông chưa đạt được “jnana-yoga”.

Cái biết tâm linh của ông bị nhiễm ô. Mặc dù ông chính là cái biết thị hiện “Ta hiện hữu” nhưng lại bám lấy thân xác như chính ông. Đây chính là sự nhiễm ô. Chúng ta nói về cái chết, tức là điểm tận cùng của sự sống; thế còn điểm bắt đầu, tức sự sinh ra thì sao? Trước khi được sinh ra, ông ở trong dạ con suốt chín tháng. Trong suốt thời gian này, liệu ông có “humkara” – tiếng rầm rì của sự hiện hữu không? Ngay sau khi sinh ra, sự hiện hữu nội thân chưa nhận ra nó một cách rõ ràng. Một vài tháng sau thì nó bắt đầu nhận ra. Mãi về sau đứa trẻ mới bắt đầu biết nhiều vật thể khác, chẳng hạn như thân xác nó, mẹ nó, cũng như âm thanh và ngôn từ. Lúc này, qua mẹ nó, nó biết tên nó và những ý tưởng khác.

Khi còn là một bào thai, ông có biết chính ông ở trong dạ con của mẹ ông không?

K: Nhưng không có ý thức trong hình hài đó.

M: Thế bào thai có biết chính nó suốt chín tháng trong dạ con không?

K: Không, nhưng nó có đó.

M: Ý thức bao trùm tất cả, nhưng vẫn ở trạng thái tiềm ẩn trong bào thai vì nó chưa phải là một thân xác phát triển đầy đủ.

K: Nhưng ý thức đã ở trong bào thai đó.

M: Có gì để tranh luận đâu? Ý thức ở khắp nơi, ý thức ở trong bông hoa, trong ông, trong Ta, khắp nơi!

K: Hay quá, tôi đã hiểu ra rồi.

M: Ông đã hiểu cái gì?

K: Chẳng có gì khác ngoài ý thức.

M: Không, không phải. Chỉ có cái hiểu đúng là khi nào ông nhận ra rằng bất cứ gì ông hiểu cho đến nay đều vô giá trị. Khi đã thành tựu “jnana-yoga”, thì tất cả những gì được hiểu đều trở thành không thật.

Những người được gọi là thánh nhân nhưng còn say mê với các quyền năng đạt được, và sự tôn kính dành cho họ như một thành quả thì chưa thực sự giác ngộ vì họ chưa hoàn toàn an trụ trong cái Ta. Một đứa trẻ vô tư được nhồi nhét đủ loại ý tưởng thì cũng giống như màn ảnh trống trơn của cái máy TV phát ra các hình ảnh được truyền lại từ bên ngoài.

Nguyên lý đứa trẻ, tức là ý thức, là sản phẩm của một “tiến trình hóa học”. Ta muốn gọi ý thức là “hóa chất”. Nhưng Ông, ở bình diện tối thượng, thì không phải thứ hóa chất mà trong đó toàn thể vở kịch thế gian đang diễn ra. Giả sử như ông là người một trăm tuổi và ôm giữ cái ký ức ông là người một trăm tuổi. Đó là hóa chất. Để ví dụ, hãy nhìn tấm ảnh Tôn sư của Ta trên tường kia. Ai là kẻ lưu giữ hình ảnh Tôn sư của Ta?

Chính là “hóa chất” của tấm hình. Hóa chất này trong thân xác lưu giữ một diện mạo và thực hiện các sinh hoạt thông qua thân xác. Ta gọi sự thể hiện này là “máy móc”.

K: Nhưng “hóa chất” của tấm hình không thể nào lưu lại hình ảnh của vị đạo sư nếu không có vị đạo sư.

M: Nhưng ai là vị đạo sư, và cái ký ức “Ta hiện hữu” cũng như “hóa chất” kia ở đâu nếu không có cái Tối Thượng – tức cái Tuyệt Đối? Chỉ có sự tồn tại vĩnh cửu của cái Tuyệt Đối mới làm cho sự xuất hiện của ý thức và vởi kịch thế giới xảy ra, vì thế vở kịch thế giới chỉ là một hình ảnh được tạo ra bởi ý thức.

K: Thế ý thức vũ trụ đã nhận lấy hình tướng của Maharaj?

M: Cái đốm ý thức đó đã nhận lấy hình tướng của ý thức vũ trụ. Hình ảnh của nó là toàn thể vũ trụ, cũng như cái chích nhẹ của ý thức trong giấc ngủ sâu triển khai thành một thế giới chiêm bao.

K: Điều đó có nghĩa là ông ở trong thế giới chiêm bao của tôi?

M: Trước khi quy cho “Ta” là “ông” hãy tìm hiểu xem “ông” là cái gì. Cũng như cái “boomerang” bay ngược trở lại đánh trúng người đã ném nó, tương tự như thế câu hỏi của ông quay ngược trở lại với ông, vậy “ông” – là cái gì? Không những thế, Ta không phải thân xác và thậm chí cũng không phải “hóa chất” kia.

“Hóa chất” này hay ý thức còn được gọi là “maha-tattva”, “moolamaya”, “hyranyagarbha”, “brahma-sutra”, nhưng gọi chung là “atma-prem” có nghĩa là lòng yêu quý cái Ta. Người hiểu và nhận ra “maha-tattva” được gọi là “Mahatma”. Ông có thể tự phụ cho mình là một bậc giác ngộ và nếu quả thật ông nghĩ như thế thì ông chỉ là một kẻ vô minh.

K: Như vậy Tánh biết là từ ngữ cao nhất được dùng. Tánh biết có vẻ như còn trên cả cái biết “Ta hiện hữu”.

M: Phải, với điều kiện là Tánh biết không cảm thấy cái biết “Ta hiện hữu”. Cái biết về toàn thể vũ trụ hội nhập vào trạng thái tối thượng đó. Bất cứ sự thị hiện có phẩm chất nào cũng đều được gọi là “Bhagawan”. Tất cả mọi tước hiệu và địa vị được thừa nhận bởi tước hiệu, cùng mọi cái khác đều đã nhập vào “Không”. “Ishwara” đã trở thành “visvavishaya” tức sự thị hiện vũ trụ – lại trở thành “nirvishaya” – có nghĩa là người không có cả tính cách chủ quan. Điều này chỉ những ai vô cùng thiết tha muốn biết bản tánh của mình mới hiểu được. Những gì Ta nói đều là về cái tia, cái đốm ý thức đã tạo ra vũ trụ hữu hình này. Ngoài ra, Ta – cái Tuyệt Đối – không phải cái đốm đó.

Nhưng Ta không thể nói bất cứ gì về Ta – cái Tuyệt Đối. Không biết bao nhiêu vũ trụ đã biến mất và không biết bao nhiêu thiên niên kỷ đã trôi qua nhưng Ta – cái Tuyệt Đối – vẫn như như và quốc độ của Ta vẫn luôn luôn tĩnh lặng. Giả sử có người hỏi ông, ông đã là gì một trăm năm trước? Ông sẽ trả lời: “Tôi đã không có”. Điều này có nghĩa tôi đã không có như “thế này”, tức là như cái “Tôi là” hiện nay. Ai (và làm sao) có thể nói: “Tôi đã không như thế này?” Người nói như thế, không phải đã có đó hay sao? Người – trước một trăm năm không như cái “tôi là” hiện nay – đã có đó và bây giờ vẫn có đó.

K: Người đó là cái “Ta” này – cái Tuyệt Đối.

M: Phải, cứ việc dùng bất cứ ngôn từ và khái niệm nào ông thích để thỏa mãn chính ông. Khi Ta gọi ai đó là một kẻ gian lận thì điều đó thỏa mãn Ta, và khi Ta gọi ai đó là một “Mahatma” thì điều đó cũng làm cho Ta thỏa mãn. Một trăm năm trước ông đã là cái gì? Hãy suy nghĩ sâu xa về điều này.

Tại sao ông không tìm hiểu vấn đề nhập thai và sự phát triển của bào thai? Trái lại, ông quá bận rộn gom góp của cải tâm linh và thế tục. Những thứ đó chẳng giúp ích gì.

Trong nước cốt của thực vật và tinh chất của thực phẩm, “svarasa” – tức ý thức về cái biết – và “prarabdha” – tức định mệnh – đã tồn tại trong điều kiện tiềm ẩn. Còn tinh chất của thực phẩm và nước cốt thực vật là ý thức hiện hữu hay cái biết “Ta hiện hữu”.

K: Nhưng liệu có nguyên lý đó mà không có “prana”?

M: Liệu có thể có ai mà không có “prana”?

K: Nguyên lý đó có trong một bông hoa không?

M: Không những trong bông hoa mà còn cả trong mầu sắc. Nó ở khắp nơi. Sau khi lắng nghe cái biết mà Ta đang giải thích thì chuyện gì xảy ra? Người nào hiểu và tiếp thu được cái biết sẽ đi đến kết luận rằng bất cứ gì được nhìn thấy, được nghe, được kinh nghiệm và được sở hữu đều hoàn toàn vô dụng và dư thừa. Cuối cùng sẽ chẳng còn ai ngoài “nishkama Parabrahman” tức trạng thái vô tham ái Tuyệt Đối vĩnh cửu. Chúng ta vẫn tiếp tục hành những pháp môn tâm linh như sùng tín một vị thần linh, sám hối, trì chú, vân vân để đạt được một cái gì đó có tính cách tâm linh.

Và nếu mục đích đã đạt được, thì nó sẽ là “nishkama Parabrahman” – chứng tỏ mọi thứ đều vô dụng. Ngay cả cái tối thượng cũng vô dụng đối với cái tối thượng. Trạng thái này còn được gọi là “Poornabrahman”, “Paramatman”, và “Parameshvara”. Bây giờ hãy trở lại một ngày trước khi ông nhập thai. Trạng thái đó cũng là “Poorna-brahman”. Lúc đó đã không hề có sự cần cầu nào.

K: Tôi tìm cách theo dõi các ý nghĩ và cảm thọ của tôi, nhưng nhận thấy chúng thường xuyên biến đổi. Tôi biết sự biến đổi này xảy ra trước một hậu cảnh bất biến trong tôi. Liệu lối suy nghĩ này có hữu ích cho tôi?

M: Có, nó sẽ hữu ích, nhưng… về mặt trí thức thì đúng, nhưng sự suy nghĩ thì không thật. Ông nói bất biến nghĩa là thế nào? Khi nào thì có thể có cái bất biến? Chỉ khi nào ông không biết “có mình”… khi ý thức về sự hiện hữu hoàn toàn nhập vào chính nó.

Thế không phải ông đã ở trong trạng thái bất biến đó, một ngày trước khi nhập thai? Từ ý thức thân tâm ông thấy mọi thứ đều là những thực thể riêng biệt, chẳng hạn như “tôi”, “ông”, “chúng ta”, “họ” vân vân. Nhưng đối với cái Tuyệt Đối bất biến, toàn thể vở kịch này của vũ trụ xảy ra trong tế bào của sự hiện hữu. Diện mạo nào là bất biến kể từ thời thơ ấu cho đến tuổi của ông hôm nay? Chẳng có diện mạo nào trong thế giới có thể là thường hằng và bất biến!

K: Theo tôi thì “nguyên lý Ta” bất biến, không phải vậy sao?

M: Cái “nguyên lý Ta” của ông vẫn chưa hiểu. Nó là sản phẩm của vở kịch ngũ đại, luôn luôn ở trong trạng thái thay đổi liên tục. Vậy làm sao ông có thể cho tính chất của cái biết “Ta hiện hữu” là trạng thái Tuyệt Đối? Trong trạng thái Tuyệt Đối không hề có chỗ cho vở kịch nào của ngũ đại! Đó là một trạng thái phi thuộc tính.

Giả sử như cái Tuyệt Đối có đôi chút ý thức của cái biết “Ta hiện hữu” này thì liệu nó có muốn nhập vào dạ con?

K: Trong lúc hành Thiền, tôi đặt sự chú ý vào chính ý thức. Tôi nhận thấy tôi biết rõ ý thức thuần túy đó và như thế tôi không phải là nó.

M: Trình độ tâm linh của ông khá tốt. Ông nói về ý thức thuần túy, nó là sự thị hiện và cũng là chức năng bao trùm tất cả. Trong trạng thái này hành vi nhân chứng diễn ra. Sự hoàn mãn của Thiền kết thúc bằng sự xóa sạch ký ức và vô ký ức về sự thị hiện cùng với ý thức về hiện hữu. Chừng nào “guna”, ý thức về hiện hữu còn đó thì hành vi nhân chứng còn xảy ra. An trụ trong trạng thái phi nhân chứng là trạng thái bất nhị “advaita”, tức trạng thái tối thượng; do đó tất cả mọi kinh nghiệm phải được tiêu trừ, kể cả cảm thọ về ý thức hiện hữu, tức kinh nghiệm đầu tiên.

K: Như tôi nói lúc nãy, khi tôi biết rõ ý thức thuần túy thì cũng vào điểm này tôi hoàn toàn bất tùy thuộc vào thân xác và ngoại cảnh. Tôi cảm thấy chính tôi, cái Tuyệt Đối, chính là nguồn gốc của ý thức đó. Và ở phía sau ý thức này, “Ta” – cái Tuyệt Đối – vẫn ở trong sự nghỉ ngơi tĩnh lặng.

M: Ông đang nói về ý thức, bây giờ cho Ta biết: Cái gì là nguyên nhân của ý thức này? Ý thức là kết quả của cái gì, là sản phẩm của cái gì?

Người khách thứ hai: Ý thức là sản phẩm của thực phẩm.

M: Phải, trong tinh chất thực phẩm; ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” ở trong tinh chất này hay “guna”. Nhưng phải hiểu rõ rằng từ vị thế Tuyệt Đối, ông hay Ta đều không phải “guna”. Chúng ta – cái Tuyệt Đối – chỉ làm ra vẻ “Ta hiện hữu”. Là cái Tuyệt Đối, chúng ta không phải là hóa chất “Ta hiện hữu” kia.

Người khách thứ nhất: Vào giai đoạn sau trong khi thiền quán, hình như tôi ra khỏi trạng thái biết rõ ý thức thuần túy và sa trở lại sự tồn tại của thân tâm. Xin ông giúp đỡ tôi ở điểm này.

M: Chẳng làm gì cả, tuyệt đối không làm gì cả! Chỉ là, là cái biết “Ta hiện hữu” và an trụ ở đó.

Để quán triệt điều này, chỉ thiền quán về sự hiện hữu. Bám chặt lấy cái biết “Ta hiện hữu” trong khi thiền quán. Trong tiến trình này sự nhận thức cho thấy rằng “Ta” – cái Tuyệt Đối – không phải là đặc tính “Ta hiện hữu”; vì thế trong thiền không có gì được giữ lại thành ký ức. Tuy nhiên, sẽ có cái gì đó xuất hiện trên màn ảnh ký ức, nhưng đừng bận tâm; chỉ là, đừng làm gì cả. Đừng nắm bắt bất cứ gì trong thiền, vì ngay khi nắm bắt cái gì đó thì “cái khác” bắt đầu và nhị nguyên liên sinh khởi. Chẳng có gì để làm cả. Rồi tất cả những mắc mứu của ông sẽ được giải quyết và hóa giải. “Moolamaya” tức ảo ảnh đầu tiên sẽ buông tha ông và biến mất.

Trong tâm linh không có được hay mất, và cũng không có vấn đề sinh và tử. Thật ra, ông không hề có kinh nghiệm trực tiếp về sự sinh ra! Điều này cũng giống như có một vụ cướp xảy ra ở Calcutta, còn Ta thì ở Bombay và chưa bao giờ đến Calcutta nhưng lại bị buộc tội ăn cướp ở Calcutta. Tương tự như thế, Ta bị buộc tội không những đã sinh ra lần này mà còn hàng trăm lần trong tiền kiếp. Ta không hề biết bất cứ sựi sinh ra nào của Ta, chỉ “cha mẹ” Ta – những người mà trước đó Ta không hề quen biết – buộc Ta cái tội sinh ra này.

Trong tình thế này, ông không cảm thấy xấu hổ khi chấp nhận sự buộc tội ông sinh ra hay sao? Ta đã được tuyên bố vô tội đối với tất cả những cáo buộc tưởng tượng này khi Ta gặp Đạo sư bên trong, người đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ và cho Ta thấy bản tánh đích thực của Ta là Bất sinh. Trong cõi giới Bất Sinh, không hề có chỗ cho cái “Ta hiện hữu” hay mặt trời, mặt trăng, các vì sao và vũ trụ, vân vân.

Ngày 10 tháng 2 năm 1980

❁ ❁ ❁

12. Bất cứ gì được nhận thức đều không phải là ông

Khách: Tôi đã đọc I AM THAT (TA LÀ CÁI ĐÓ) và tự tìm đến gặp ông.

Maharaj: Ông đọc trọn bộ? [Lúc đầu I AM THAT được phân làm hai cuốn].

K: Tôi đọc hết cuốn một, cuốn hai mới được một phần.

M: Sau khi đọc xong ông có đến được với cái Ta của ông ở trạng thái nhân chứng?

K: Có, tôi hiểu nhưng vẫn không cảm nhận được. Tâm tôi không an.

M: Ông có được ý niệm khái quát nào về sự liên hệ giữa ông với cái Ta của ông?

K: Chỉ đôi chút.

M: Ông có muốn hỏi gì không?

K: Tôi không hỏi gì nhiều, nhưng tôi rất biết ơn nếu được chỉ cho cách an tâm.

M: Chính nhờ cái Ta, tức “Atman” mà ông được liên kết với thế giới qua thân xác. Cái Ta không gì khác hơn là cái biết “có mình”. Hãy thiền quán cái nguyên lý mà nhờ nó ông biết “có mình” và cũng nhờ nó ông kinh nghiệm thế giới. Hãy thiền quán cái biết “có mình” này, tức ý thức, và an trú trong đó.

K: Nhưng tôi không có được sự tập trung.

M: Phớt lờ tâm cũng như không để ý đến đám đông ông gặp ngoài đường.

K: Tôi sẽ thử.

M: Thật ra tâm là nguyên lý năng động có tính cách vũ trụ, nhưng chúng ta đóng khung nó trong giới hạn của thân xác, và rồi tùy thuộc vào thân xác – do đó mọi rắc rối khởi sinh. Lấy trường hợp nước ở hồ Tansa. Nước hồ thuộc về toàn thể thành phố Bombay. Liệu chúng ta có thể cho rằng một lượng nước nào đó trong hồ Tansa là của ông hay của Ta? Tương tự như thế, phải hiểu rằng cái Ta có tính cách vũ trụ. Nhưng ông đã điều kiện hóa cái Ta bằng cách giam hãm nó trong thân xác, vì thế ông gặp đủ mọi vấn đề. Cái Ta này còn được gọi là “Ishwara”, Thượng Đế, hay Nguyên lý Vũ trụ. Nếu bám chắc lấy nó thì cái biết thâm sâu sẽ truyền cho ông và ông sẽ an lạc.

K: Tôi tìm cách thiền quán cái Ta nhưng tâm cứ lang thang đây đó. Cố tìm cách lãnh đạm với tâm là cả một tiến trình dài lê thê.

M: Thế không phải ông chính là nguồn gốc của mọi tiến trình hay sao?

K: Nguồn gốc của mọi thứ là sự sống.

M: Đúng, sinh lực thì có tính cách vũ trụ và không thể bị cá nhân hóa. Một khi nhận ra điều này thì ông không còn rắc rối nào nữa.

K: Đúng vậy, nhưng khi tâm đi lạc thì tôi gặp rắc rối. Có nhiều khi tôi cảm thấy sự sống có tính cách vũ trụ nhưng cũng có những lúc sự sống đó trở nên bị cá nhân hóa. Làm sao chấm dứt tình trạng này?

M: Đây là một cách nói thông thường. Nước là của chung nhưng khi dùng nó thì ông sở hữu nó. Tương tự như thế, cứ dùng tâm để thỏa mãn những cần cầu của ông, rồi để nó tự trôi chảy mà đừng xen vào hay can thiệp, cũng như một giòng sông mà chỉ khi nào cần thì ông mới lấy nước lên.

Những gì Ta nói là dành cho những người có trí tuệ. [Maharaj nói với một người khách bản xứ] Tại sao ông đến? Ông không thể hiểu những pháp thoại như thế này; ông chỉ có thể hát lễ nhạc ngợi ca Thượng đế.

Tại sao Ta tôn trọng những người khách nước ngoài này? Họ là những người thành khẩn đi tìm chân lý nhưng vẫn chưa xác định được chân lý ở đâu. Ta trân trọng lòng thành khẩn và sự thôi thúc mãnh liệt muốn hiểu của họ.

K: Họ thực sự đi xa. Họ tìm hiểu rất sâu xa bất cứ vấn đề nào mà họ quan tâm.

M: Dù ông và Ta đang ngồi nói chuyện ở đây nhưng thật ra hai thực thể này không có. Đây là chủ đề hôm nay: Thoạt tiên “không có ai” cả. Ngay tức thời, có một và rồi hai.

Chủ đề của cuộc pháp thoại này là: Làm sao hai rút lại chỉ còn một và cuối cùng không còn gì nữa? Từ không, ý thức về sự hiện hữu tự nhiên được cảm nhận – đó là một. Sau đó, khi ý thức về sự hiện hữu biết “Ta hiện hữu” thì nhị nguyên bắt đầu. Rồi sau khi nhị nguyên sinh khởi, ý thức về sự hiện hữu nhận diện nó với một hình tướng, và vân vân.

Thật ra, cho ý thức về sự hiện hữu là “một” thì không đúng hẳn. Vì trong trạng thái này chỉ có ý thức về sự hiện hữu hiện hành, thì đâu là sự cần thiết để nói cho dù là “một”?

Với sự xuất hiện của cái khác (nhị nguyên) cả một và hai xuất hiện cùng một lúc. Khi nói “có cái gì đó” thì phải có “Ta” trước tiên. Nếu không có “Ta” thì Ta không thể nói “có cái gì đó. Như vậy nguyên tắc căn bản trong tâm linh là phải có “Ta” trước khi có bất cứ gì khác. Cái “Ta” này là sự hiện hữu, là trước tiên.

K: Ông bảo lúc đầu chỉ có “một” và sau đó “chẳng có gì cả”.

M: Khi một người nhìn vào trong cái Ta của mình, có nghĩa là khi một người an trú trong cái Ta thì lúc đó “chẳng còn gì cả”.

K: Nhưng, khi cái này nhập vào cái kia thì vẫn còn một cái.

M: Nói như thế thì đúng theo cách nói thông thường, nhưng thật ra không phải như thế.

K: Nhưng ông bảo sự sống là vĩnh cửu, như vậy sự sống có đó.

M: Nhưng không phải sự sống của một cá nhân; mà đó là Cái Tuyệt đối vượt ra ngoài ý thức vũ trụ.

K: Sự sống là vĩnh cửu, điều này có nghĩa sự sống luôn luôn có đó.

M: Đúng, sự sống tiềm tàng luôn luôn có đó. Nhưng nếu không có một hình tướng thân xác thì không thể có bất cứ nhận thức nào. Khi thân xác chết, các giác quan không hoạt động nữa, do đó không có nhận thức hay cái biết nào về thế giới xảy ra về thế giới xảy ra đối với thực thể đó. Chỉ khi nào các giác quan hoạt động thì mới có nhận thức và cái biết về thế giới.

Như vậy, về một phương diện, có thể nói khi không có sự hoạt động của các giác quan tức là giải thoát. Phải thế không?

Ngay lúc này Ta đang sống, các giác quan và phản xạ của Ta phản ứng đối với các tình huống. Còn các giác quan và phản xạ của một người chết thì không phản ứng. Trong vũ trụ thị hiện, khi khả năng nhận thức thuộc giác quan và các chức năng vận động được tạo ra trong một hình tướng thân xác thì lúc đó mới có sự tồn tại của một vũ trụ có thể cảm nhận được. Để cho một vũ trụ tồn tại thì điều chính yếu là phải có người quan sát và những công cụ giác quan hoạt động tốt. Tâm diễn giải các cảm nhận thuộc giác quan và kết luận vũ trụ tồn tại. Do đó, nếu công cụ giác quan và tâm của người quan sát không hoạt động thì vũ trụ của người quan sát không tồn tại.

K: Nhưng các giác quan thấy, nghe, sờ mó, vân vân thuộc về thân xác chứ không thuộc về cái Ta, tức “Atman”.

M: Nếu không có “Atman”, các giác quan không thể hoạt động. “Atman” ở trong phần tinh túy của thân xác. Khi “Atman” rút vào trong chính nó thì chỉ còn lại “nirguna” – tức cái Tuyệt Đối vô định tính.

K: “Atman” có thể thay đổi thân xác.

M: “Atman” không có thân xác, làm sao “Atman” có thể thay đổi? Lúc này, cứ giả sử rằng cái “Ta hiện hữu” chỉ có nghĩa là thân xác.

K: Trong thế giới duy vật này, khi nói “chúng ta” thì chúng ta chỉ có ý nói đến thân xác. Nhưng nếu hai chân tôi bị chặt đứt thì chúng lìa khỏi tôi. Do đó, tôi cảm thấy như vậy tôi không phải thân xác.

M: Đúng thế.

K: Vậy “Atman” là một cái gì đó không phải thân xác.

M: “Atman” không phải là cá nhân, phải nắm vững điều này. “Atman” chỉ cảm thấy ý thức hiện hữu thông qua một thân xác có những giác quan hoạt động, nếu không thì “Atman” không cảm thấy chính nó.

K: Để nhận ra điều này, tôi có cần phải thiền quán?

M: Có, thiền quán rất cần thiết. Nếu ông có thể thiền liên tục thì tốt, nhưng vì sinh kế hàng ngày điều này không thể luôn luôn thực hiện được. Thiền vào những lúc sáng sớm rất ích lợi và hữu hiệu. Nhưng ông có thể thiền vào bất cứ khi nào rảnh rỗi. Người tìm kiếm chân lý với một sự thôi thúc sâu xa thì có thể hành thiền vào bất cứ lúc nào. Lúc đầu, hành giả tĩnh tọa một mình ở nơi yên tịnh với sự thanh thản hoàn toàn. Khi đạt đến trình độ vững vàng, hành giả có thể tọa thiền ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Giả sử như có một thiền giả cao siêu tọa thiền ngay ở đây thì người đó hoàn toàn biến mất trong chính mình. Sự chú ý của thiền giả chỉ tập trung vào sự chú ý, và kết quả là người đó không biết những gì xảy ra xung quanh. Ngoài ra, khi ở trong trạng thái như thế thì chẳng có gì xảy ra đối với người đó. Thiền phải có phẩm chất như thế. Giả sử như một người mải mê lo nghĩ thì liệu người đó còn biết gì xảy ra xung quanh?

Khi tọa thiền thâm sâu, ý thức hiện hữu của ông hoàn toàn hòa nhập vào cái biết “Ta hiện hữu”. Trong trạng thái như thế, ông sẽ nhận ra một cách trực giác vì sao ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” nổi lên và nổi lên như thế nào.

K: Bằng cái biết “Ta hiện hữu”?

M: Ý thức, sự hiện hữu, cảm nhận về hiện hữu, cái biết “Ta hiện hữu” đều như nhau trong ông trước khi có sự sinh khởi của ngôn từ.

Đây là điều rất vi tế, vậy hãy cố hiểu một cách tường tận. Khi Ta nói “Ta đã không là” trước khi có sự nhập thai thì điều Ta thực sự muốn nói là: Ta đã không giống như “Ta là” bây giờ. Nhưng cái “Ta” có thể phân biệt điều này chắc chắn phải có đó để phán xét sự không có của cái “Ta là” bây giờ.

Vì không có thân xác, nên cái “Ta” có trước khi nhập thai đã không có ý thức về sự hiện hữu, hay ý thức về cái “Ta hiện hữu”. Cùng với sự xuất hiện của thân xác, ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” được tròng lên cái “Ta” trước đó.

Trong thiền quán, ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” cho biết nó đã xuất hiện như thế nào và tại sao nó xuất hiện. Ông phải kiên trì với ý nghĩ tìm cho ra cái biết “Ta hiện hữu” này là gì, cũng như ông không thể ngồi yên cho đến khi tìm ra nguồn gốc của một mùi hương bốc lên từ một chỗ nào đó. Chẳng hạn như, nếu có mùi hôi thối bốc lên thì ông phải đi đến tận nơi nó phát ra, và khi phát hiện đó là cái xác thối rữa của một con chuột thì ông phải quẳng cái xác đó đi để loại trừ mùi hôi thối. Tương tự như thế, nếu có một hương thơm bay về hướng ông thì ông muốn tìm ra bông hoa tỏa ra hương thơm đó.

Ông phải tìm đến tận nguồn gốc của mùi hương “Ta hiện hữu” này để khám phá ra “nguyên do tại sao và như thế nào” của nó.

K: Làm sao một người có thể theo đuổi điều này?

M: Nguyên lý đã tạo ra mùi hương “Ta hiện hữu” này được gọi là “Bhagavan-vasudeva”, có nghĩa là vị Thần Hương Thơm. Bất cứ ai nhận được hương thơm này cũng đều muốn giữ nó lại bằng mọi giá.

K: Làm sao một người có thể nhập vào trạng thái đó?

M: Từ bình diện thân tâm thì ông không thể truy ra nó. Nhưng nguyên lý đó tự tìm ra chính nó. Có một người – ông có thể gọi người này là “Bhagavan”, hay “Vittal”, hay Thượng Đế – vì quá say đắm với hương thơm này nên muốn làm cho nó trở thành vĩnh cửu.

K: Một ngày nào đó khi những cố gắng của tôi kết thành quả, tự động tôi sẽ tìm ra người đó.

M: Ngay khi bị ông phát hiện thì người đó chẳng còn quan trọng đối với ông nữa, ông sẽ được giải thoát ra khỏi sự mê đắm hương thơm đó.

K: Nói cách khác, theo tôi thì ông luôn luôn cảm thấy mùi hương đó thì ông không còn tìm kiếm nó. Một khi nhận ra cái Ta thì nó tự động đến với ông, và ông chẳng cần phải truy tìm nó. Như vậy khi đã nhận ra nó, chúng ta có thể sử dụng nó theo ý muốn.

M: Trong trạng thái đó, ông vượt ra ngoài mọi sự cần cầu; ông chẳng cần phải dùng nó để làm gì nữa. Sẽ không còn ước muốn nào nữa vì tất cả đã được mãn nguyện.

K: Tôi không có ý nói sẽ dùng nó cho những cần cầu thế gian. Tôi chỉ muốn nói là tôi sẽ trở nên một với nó.

M: Thật ra ông chưa bao giờ xa lìa nó. Vậy đâu là vấn đề trở nên một với nó?

K: Thật thích thú khi biết tôi chưa bao giờ xa lìa nó, nhưng trong trạng thái hiện nay tôi vẫn cho mình chỉ là thân xác.

M: Cho ông là thân xác là khái niệm của ông, và nó đang lừa dối ông.

K: Rồi tôi sẽ tự do.

M: [Viện dẫn hai câu thơ của Đạo sư Nanak]

Này tâm, ngươi đang tìm gì thế? Bên trong và bên ngoài chỉ là một duy nhất.

Chính khái niệm khiến ngươi cảm thấy bên trong và bên ngoài.

Một khi cái hũ mang tên Nanak bị đập vỡ bằng cách loại trừ khái niệm Ta là thân xác

thì đâu là bên ngoài và đâu là bên trong?

Chỉ có “Ta” hiện hành khắp nơi.

Nanak còn nói:

Giống như hương thơm của một đóa hoa, giống như một hình ảnh trong gương, ý thức “Ta hiện hữu” này được cảm nhận trong thân xác. Vì thế, hãy từ bỏ cái tên Nanak cùng với sự nhận diện ngươi với thân xác.

Hãy an trú trong ý thức “Ta hiện hữu” rồi ngươi sẽ được giải thoát.

K: Khi truy tìm cái Ta thì tôi thấy hình như sự truy tìm tạo ra nhiều cái Ta khác.

M: Nhưng ai là kẻ quấy nhiễu cái Ta? Một ý nghĩ đẻ ra nhiều ý nghĩ. Ai là người quan sát ý nghĩ đầu tiên?

K: Đây là điều tôi muốn biết.

M: Chỉ có ông là người quan sát ý nghĩ đầu tiên. Nếu không có người biết ý nghĩ đầu tiên thì ai là kẻ quan sát những ý nghĩ khác?

K: Nếu không có người biết thì cũng không có ý nghĩ.

M: Nếu ông hiểu điều này thì mọi chuyện hoàn tất, ông có thể ra về. Diễn giải và đẻ ra khái niệm thì dễ. Nhưng buông bỏ tất cả khái niệm thì thật khó và hiếm hoi.

K: Làm thế nào để loại trừ ý nghĩ và những khái niệm mới? Nếu loại trừ được tất cả khái niệm và ý nghĩ thì liệu tôi có trở thành một với cái đó?

M: Đừng tìm cách trở thành bất cứ gì. Đừng làm gì cả! Đừng nghĩ về bất cứ từ ngữ nào của ông, giữ im lặng. Ngay khi một từ ngữ sinh khởi nó liền tạo ra một ý nghĩa, rồi ông cỡi lên nó. Ông chạy theo ý nghĩa của ngôn từ và bảo đó là ông đang đi tìm cái Ta của ông. Vậy hãy tỉnh thức với trạng thái trước khi ngôn từ sinh khởi. Ông có từng thân cận bậc thánh nhân nào chưa?

K: Đây là lần đầu tiên.

M: Ông có đọc sách nào không?

K: Tôi có đọc các tác phẩm của Paul Brunton về Đạo sư Ramana Maharshi.

M: Nền tảng tâm linh của ông đã sẵn sàng nên ông lắng nghe và tìm cách hiểu các pháp thoại. Nhiều người tranh luận với Ta bằng khái niệm của họ. Họ đầy ắp khái niệm và kết quả là không thể lắng nghe những gì Ta nói. Rất nhiều người đến đây, tự cho mình biết nhiều nhưng Ta biết họ đều vô minh. Ta chỉ xem họ như ý thức.

Tất cả các diện mạo của ông ở bình diện thân tâm không ngừng thay đổi, không có cái nào là thường hằng và trung thành với ông. Thế thì tại sao ông lại bị lôi cuốn bởi những diện mạo đó bằng cách nói rằng “Ta như thế này”, “Ta như thế kia”?

K: Tất cả đều do tâm. Có những lúc tôi nghĩ tôi “như thế này” và có những lúc tôi nghĩ tôi “như thế kia”.

M: Còn ai ngoài ông là người quan sát những lúc như thế? Ông là người chứng kiến những lúc như thế. Bất cứ gì được thấy, được nhận thức và cả những gì ông thấy bên trong lẫn bên ngoài ông đều không phải là ông.

K: Tôi đang cố hiểu.

M: Trong thiền quán, ông có thể thuyết phục ông: “Ta chỉ là Đạo sư Nanak”, hoặc như nhiều người trong khi thiền quán tin tưởng một cách kiên cố: “Ta chỉ là Đấng Sri Krishna”. Chẳng có diện mạo nào như thế là lâu bền. Diện mạo lâu bền duy nhất là người quan sát các diện mạo kia, và chỉ có ông là người quan sát đó – người quan sát thường hằng.

Giả sử như có một diễn viên nghèo khó đóng vai một ông vua rất tài tình và được rất nhiều khen ngợi. Nhưng anh ta không phải là vua. Tương tự như thế, ông không phải Đạo sư Nanak. Ông là người quan sát. Bất cứ gì ông thấy và nhận thức đều là vở kịch của “maya”, là nguyên lý hư huyễn.

Ngày 19 tháng 2 năm 1980

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Nước Thiêng của sự Bất Tử

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x