Trang chủ » Chương 65 – 69. Mọi tìm cầu hạnh phúc đều khốn khổ

Chương 65 – 69. Mọi tìm cầu hạnh phúc đều khốn khổ

by Hậu Học Văn
362 views

65. Tất cả những gì ông cần là một cái tâm tĩnh lặng

Hỏi: Tôi không khỏe. Tôi cảm thấy rất yếu. Tôi phải làm gì?

Maharaj: Ai không khỏe, ông hay thân xác?

H: Dĩ nhiên là thân xác.

M: Hôm qua ông cảm thấy khỏe. Cái gì cảm thấy khỏe?

H: Thân xác.

M: Ông vui khi thân xác khỏe, ông buồn khi thân xác yếu. Ai là kẻ vui hôm nay buồn hôm sau?

H: Tâm.

M: Ai là người biết cái tâm biến đổi?

H: Tâm.

M: Tâm là người biết. Ai biết người biết?

H: Thế không phải người biết biết chính mình?

M: Tâm không liên tục. Nó thường ở trong trạng thái vô ký, như khi ngủ hay bất tỉnh hoặc đãng trí. Phải có một cái gì liên tục để ghi nhận sự không liên tục.

H: Tâm nhớ. Điều này có nghĩa là sự liên tục.

M: Ký ức bao giờ cũng phiến diện, không xác thực và chóng phai. Ký ức không giải thích được ý thức mãnh liệt về chính mình, bao trùm khắp ý thức – ý thức “Ta hiện hữu.” Hãy tìm ra cái gì nằm ở gốc rễ của nó.

H: Dù có quan sát sâu xa đến đâu, tôi cũng chỉ thấy tâm. Tôi hoàn toàn không hiểu câu ông nói “ở ngoài tâm.”

M: Khi quan sát bằng tâm, ông không thể vượt ra ngoài tâm. Muốn vượt ra ngoài, ông phải quay đi với tâm và nội dung của nó.

H: Thế thì tôi phải nhìn hướng nào?

M: Tất cả mọi hướng đều ở trong tâm! Ta không bảo ông nhìn về một hướng nhất định nào. Chỉ quay đi với tất cả những gì xảy ra trong tâm và hướng tâm về cảm giác “Ta hiện hữu.” Cái “Ta hiện hữu” không phải là một phương hướng. Tối hậu thì ngay cả cái “Ta hiện hữu” cũng sẽ phải ra đi, vì ông không cần phải tiếp tục khẳng định một điều hiển nhiên. Hướng tâm về cảm giác “Ta hiện hữu” chỉ giúp tâm quay đi với mọi cái khác.

H: Làm như thế sẽ đưa tôi đến đâu?

M: Khi không hướng về những gì làm cho nó bận rộn thì tâm trở nên tĩnh lặng. Nếu không khuấy động sự tĩnh lặng này và ở trong đó, ông sẽ thấy nó thấm nhuần một thứ ánh sáng và tình yêu mà ông chưa hề biết bao giờ, nhưng ông nhận ra ngay đó chính là bản tánh của ông. Một khi đã trải qua kinh nghiệm này, ông không còn là con người trước kia; cái tâm bất kham có thể phá vỡ sự an lạc và xóa nhòa hình ảnh của nó; nhưng chắc chắn nó sẽ trở lại, nếu ông vẫn kiên trì tinh tấn. Rồi sẽ đến ngày mọi trói buộc bị phá vỡ, ảo tưởng và ràng buộc chấm dứt và sự sống hoàn toàn tập trung vào hiện tại.

H: Điều đó có gì quan trọng?

M: Sẽ không còn tâm nữa, chỉ có tình yêu hoạt động.

H: Làm sao tôi nhận ra trạng thái này khi đạt đến nó?

M: Ông trở nên vô úy.

H: Ở giữa một thế giới đầy những bí ẩn và nguy hiểm, làm sao tôi có thể vô úy?

M: Cái thân xác bé nhỏ của ông cũng đầy những bí ẩn và nguy hiểm, nhưng ông không sợ nó vì ông xem nó như chính ông. Điều ông không biết là toàn thể vũ trụ là thân ông và ông không cần phải sợ nó. Ông có thể cho rằng ông có hai thân; thân con người và thân vũ trụ. Thân con người đến rồi đi, nhưng thân vũ trụ luôn luôn ở với ông. Toàn thể những gì được tạo ra là thân vũ trụ của ông. Những gì thuộc về con người làm cho ông mê mờ đến nỗi ông không thấy được thân vũ trụ. Sự mê mờ này sẽ không tự chấm dứt mà phải được giải trừ một cách khéo léo và thận trọng. Khi tất cả ảo ảnh được hiểu rõ và từ bỏ, ông sẽ đạt đến trạng thái không còn sai lầm và toàn hảo, trong đó mọi phân biệt giữa con người và vũ trụ chấm dứt.

H: Tôi là một con người nên giới hạn trong không gian và thời gian. Tôi chiếm một khoảng không gian nhỏ hẹp và tồn tại trong vài khoảnh khắc; tôi không thể nào tưởng tượng được chính tôi là vĩnh cửu và bao trùm tất cả.

M: Ấy vậy mà ông . Khi lặn sâu vào chính ông để tìm ra bản tánh chơn thật của ông, ông sẽ khám phá ra rằng chỉ có thân ông là bé nhỏ và chỉ ký ức ông là ngắn, còn đại dương bao la của sự sống là của chính ông.

H: Chính các từ ngữ “Ta” và “Vũ trụ” mâu thuẫn lẫn nhau. Cái này loại trừ cái kia.

M: Không phải thế. Ý thức về chính mình bao trùm khắp vũ trụ. Hãy tìm và ông sẽ phát hiện Con Người Vũ Trụ, tức là chính ông và còn vô biên nữa.

Dù sao, hãy bắt đầu bằng cách nhận ra rằng thế giới ở trong ông, chứ ông không ở trong thế giới.

H: Làm sao có thể như thế? Tôi chỉ là một phần của thế giới. Làm sao toàn thể thế giới lại có thể được dung nhiếp trong cái một phần, ngoại trừ ảnh phản chiếu của nó, giống như trong gương?

M: Những gì ông nói là đúng thật. Thân con người của ông là một phần mà trong đó cái toàn thể phản chiếu một cách kỳ lạ. Nhưng ông còn có một thân vũ trụ. Ông không thể nói ông không biết thân vũ trụ của ông vì ông luôn luôn thấy và kinh nghiệm nó. Chỉ có điều ông gọi nó là “thế giới” và ông sợ nó.

H: Tôi cảm nhận rằng tôi biết thân xác nhỏ bé của tôi nhưng tôi không biết người khác, ngoại trừ qua khoa học.

M: Thân xác nhỏ bé của ông đầy những điều kỳ bí và lạ lùng mà ông không biết. Người hướng dẫn duy nhất của ông là khoa học. Khoa cơ thể học và thiên văn học đều mô tả ông.

H: Dù tôi chấp nhận học thuyết của ông về thân vũ trụ là một lý thuyết hữu lý, tôi trắc nghiệm nó bằng cách nào và nó có ích lợi gì cho tôi?

M: Biết được chính ông là người ở trong cả hai thân thì ông chẳng từ bỏ gì cả. Cả vũ trụ sẽ là mối quan tâm của ông, ông sẽ yêu thương và cứu giúp từng sinh vật một cách trìu mến nhất và khôn ngoan nhất. Không hề có va chạm quyền lợi giữa ông và tha nhân. Mọi bóc lột sẽ hoàn toàn chấm dứt. Mọi hành động của ông đều đem lại lợi lạc, mỗi khoảnh khắc là một phước báu.

H: Nghe thì rất hấp dẫn, nhưng làm sao giác ngộ sự hiện hữu mang tính vũ trụ của chính tôi?

M: Có hai cách, một là ông dành tất cả trái tim và tâm trí cho sự khám phá chính ông, hai là ông chấp nhận, tin và làm theo lời Ta. Nói cách khác, hoặc là ông trở nên hoàn toàn quan tâm đến chính mình, hoặc là ông hoàn toàn không quan tâm đến chính mình. Chính từ ngữ “hoàn toàn” là quan trọng. Ông phải triệt để thì mới đạt đến cái Tối thượng.

H: Tầm thường và nhỏ bé như tôi làm sao hoài bão những điều quá cao siêu như thế?

M: Hãy nhận ra chính ông là đại dương bao la của ý thức mà tất cả mọi thứ xảy ra trong đó. Điều này không mấy khó khăn, chỉ cần một chút chú ý, một chút quan sát kỹ chính mình, ông sẽ thấy rằng không một sự kiện nào xảy ra bên ngoài ý thức của ông.

H: Thế giới đầy những sự kiện không xảy ra trong ý thức của tôi.

M: Ngay cả thân ông cũng đầy những sự kiện không xuất hiện trong ý thức của ông. Điều này không ngăn cản ông nhận thân xác là của chính ông. Ông biết thế giới cũng như ông biết thân xác của ông – qua các giác quan. Chính tâm phân chia thế giới bên ngoài lớp da với thế giới bên trong lớp da của ông, và đặt chúng vào thế đối nghịch. Điều đó gây nên sợ hãi, thù hận và tất cả những bất hạnh của đời sống.

H: Tôi không theo kịp điều ông nói về “vượt ra ngoài ý thức.” Tôi hiểu phần ngôn từ nhưng không thể hình dung được kinh nghiệm. Xét cho cùng, chính ông bảo rằng tất cả kinh nghiệm đều xảy ra trong ý thức.

M: Đúng thế. Không thể có kinh nghiệm ở ngoài ý thức. Nhưng vẫn có kinh nghiệm chỉ hiện hữu thuần túy. Có một trạng thái bên ngoài ý thức, nhưng không phải vô thức. Có người gọi đó là siêu thức, là thuần ý thức, hoặc Ý thức Tối thượng. Nó là tánh biết thuần túy, hoàn toàn không có quan hệ chủ thể – đối tượng.

H: Tôi từng nghiên cứu Thông thiên học nhưng không thấy có gì giống như ông nói. Đồng ý rằng Thông thiên học chỉ nói đến sự thể hiện, nhưng mô tả rất chi tiết về vũ trụ và các loại chúng sinh trong đó. Thông thiên học nhìn nhận rằng có nhiều giai tầng vật chất tương ứng với nhiều giai tầng kinh nghiệm, nhưng hình như không có gì vượt ra ngoài. Cái ông nói thì vượt ra ngoài mọi kinh nghiệm. Nếu cái gì đó không thể kinh nghiệm được thì nói về nó để làm gì.

M: Ý thức thì gián đoạn, đầy những khoảng trống. Nhưng ý thức về chính mình thì liên tục. Ý thức về chính mình này do đâu mà có, nếu không phải là do một cái gì đó bên ngoài ý thức?

H: Nếu tôi ở ngoài tâm thì làm sao tôi thay đổi được chính mình?

M: Việc gì lại cần thay đổi? Thế không phải tâm luôn luôn thay đổi hay sao? Chỉ cần thản nhiên quan sát tâm là đủ làm cho tâm tĩnh lặng. Khi tâm tĩnh lặng ông có thể vượt ra ngoài nó. Đừng để tâm lúc nào cũng bận rộn. Hãy ngưng lại – và chỉ hiện hữu. Nếu để tâm nghỉ, nó sẽ an định và khôi phục sự thanh tịnh và sức mạnh của nó. Thường xuyên tư lự làm cho tâm thoái hóa.

H: Nếu sự hiện hữu chơn thật luôn luôn ở với tôi thì tại sao tôi không biết?

M: Bởi vì nó rất vi tế còn tâm ông thì thô lậu, đầy những ý nghĩ và cảm thọ. Hãy lắng tâm yên tĩnh và trong sáng ông sẽ biết chính ông như ông là.

H: Tôi có cần đến tâm để biết chính tôi?

M: Ông ở ngoài tâm, nhưng ông biết bằng tâm của ông. Hiển nhiên sự sâu rộng và tính cách của sự biết tùy thuộc vào công cụ mà ông sử dụng. Hãy cải thiện công cụ thì sự biết của ông sẽ cải thiện.

H: Để biết một cách toàn hảo, tôi cần một cái tâm toàn hảo.

M: Một cái tâm tĩnh lặng là tất cả những gì ông cần. Một khi tâm đã tĩnh lặng thì tất cả những cái khác sẽ xảy ra một cách đúng mức. Cũng như khi mặt trời lên sẽ làm cho thế giới hoạt động, thì sự biết rõ chính mình sẽ tác động vào những thay đổi trong tâm. Với ánh sáng của sự biết rõ chính mình trong an định các năng lực nội tại trỗi dậy và hoạt động một cách kỳ diệu mà không có sự cố gắng nào của ông.

H: Ông muốn nói rằng công việc vĩ đại nhất được thực hiện bằng cách không làm gì cả?

M: Đúng thế. Hãy hiểu rằng sự giác ngộ của ông đã được định trước. Hãy tương thuận với định mệnh của ông, đừng cưỡng lại và cũng đừng ngăn trở nó. Hãy để nó tự hoàn mãn. Tất cả những gì ông cần là dành tất cả chú ý vào những chướng ngại mà cái tâm ngu ngốc đã tạo ra.

❁ ❁ ❁

66. Mọi tìm cầu hạnh phúc đều khốn khổ

Hỏi: Tôi từ Anh đến và trên đường đi Madras. Tôi sẽ gặp cha tôi ở đó và chúng tôi sẽ lái xe về lại Luân đôn bằng đường bộ. Tôi có ý định theo khoa tâm lý học nhưng không biết sẽ làm gì khi tốt nghiệp. Tôi có thể theo ngành tâm lý công nghiệp hay tâm lý trị liệu. Cha tôi là một y sĩ đa khoa, có thể tôi cũng theo nghề của ông ấy.

Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến những vấn đề tôi quan tâm, những vấn đề không thay đổi với thời gian. Tôi biết ông có câu trả lời cho những vấn đề như thế nên đến đây để gặp ông.

Maharaj: Không biết Ta có phải đúng người để trả lời các câu hỏi của cậu. Ta biết rất ít về sự việc và con người. Ta chỉ biết Ta hiện hữu, và cái đó thì cậu cũng biết. Chúng ta đều như nhau.

H: Dĩ nhiên tôi biết tôi hiện hữu. Nhưng tôi không hiểu điều này có nghĩa gì?

M: Cái mà cậu cho là “Ta” trong cái “Ta hiện hữu” thì không phải là cậu. Biết được cậu hiện hữu thì tự nhiên, nhưng biết được cậu là cái gì thì lại là kết của nhiều tra vấn. Cậu phải khám phá toàn thể phạm trù ý thức và vượt ra ngoài nó. Muốn thế, cậu phải tìm được đúng thầy, và tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự khám phá. Nói chung, có hai cách: ngoài và trong. Hoặc là cậu thân cận với một người giác ngộ chân lý, và hoàn toàn tuân theo sự hướng dẫn và uốn nắn của người đó; hoặc là cậu tìm kiếm sự hướng dẫn ở bên trong và đến bất cứ nơi nào ánh sáng nội tâm đưa cậu đến. Trong cả hai trường hợp, cậu phải loại bỏ mọi tham ái và lo sợ. Hoặc là cậu học nhờ sự thân cận, hoặc là cậu học bằng sự tra vấn, hoặc là thụ động hoặc là năng động. Hoặc là cậu để chính mình trôi theo giòng đời và tình yêu mà tiêu biểu là đạo sư của cậu, hoặc là cậu tự lực, theo sự hướng dẫn của ngôi sao nội tâm. Trong cả hai trường hợp, cậu phải tiến bước, cậu phải thành khẩn. Hiếm người may mắn tìm được người đáng kính ngưỡng và đáng yêu quý. Hầu hết người ta phải theo con đường gian khổ, con đường của trí tuệ và hiểu biết, con đường của sáng suốt và vô tư – Viveka-Vairagya. Con đường này mở ra cho tất cả.

H: Tôi quả thật may mắn đã đến đây; dù ngày mai tôi phải lên đường nhưng chỉ một lần đàm đạo với ông có thể ảnh hưởng đến cả suốt cuộc đời tôi.

M: Phải, một khi cậu nói “Tôi muốn tìm chân lý,” toàn thể cuộc đời cậu sẽ chịu ảnh hưởng bởi điều đó một cách sâu sắc. Tất cả những thói quen tâm lý và vật lý, cảm giác và cảm xúc, tham ái và lo sợ, kế hoạch và quyết định sẽ trải qua một cuộc chuyển hóa căn bản nhất.

H: Một khi đã quyết định tìm kiếm Thực Tại, tiếp đến tôi phải làm gì?

M: Điều đó còn tùy vào tính khí của cậu. Nếu cậu thành khẩn thì bất cứ con đường nào cậu lựa chọn cũng đều đưa đến đích. Chính lòng thành khẩn là yếu tố quyết định.

H: Cái gì là nguồn gốc của lòng thành khẩn đó?

M: Đó là bản năng trở về với nguồn gốc, bản năng đó khiến con chim về tổ, cá lội về nguồn nơi nó được sinh ra, hạt giống trở về với đất khi trái chín. Tất cả là do sự chín mùi.

H: Cái gì làm tôi chín mùi? Tôi có cần đến kinh nghiệm không?

M: Cậu đã có tất cả kinh nghiệm cần thiết, nếu không cậu đã không đến đây. Cậu không cần phải tích lũy thêm kinh nghiệm, mà đúng ra là cậu phải vượt ra khỏi kinh nghiệm. Bất cứ cố gắng nào mà cậu thực hiện, bất cứ sự tu tập nào mà cậu theo chỉ tạo thêm kinh nghiệm, mà không đưa cậu ra ngoài. Đọc kinh sách cũng chẳng giúp gì cậu. Sách vở chỉ làm giầu thêm cho tâm, nhưng con người mà cậu là – vẫn không thay đổi. Nếu cậu mong cầu bất cứ lợi lạc nào trong sự tìm kiếm – vật chất, tinh thần hay tâm linh – thì có nghĩa là cậu không thấy được vấn đề. Chân lý không đem lại bất cứ lợi thế nào. Chân lý không cho cậu một địa vị cao hơn, hay uy quyền đối với người khác; tất cả những gì cậu được chỉ là cái chơn thật và hoàn toàn tự do đối với cái hư giả.

H: Chắc chắn chân lý cho ông quyền năng để cứu độ người khác.

M: Dù điều đó cao thượng đến đâu thì cũng chỉ là tưởng tượng. Trong chân lý cậu không cứu độ người khác, vì không có người khác. Cậu phân chia con người thành tôn quý và phàm phu, rồi bảo người tôn quý cứu độ kẻ phàm phu. Cậu phân biệt, đánh giá, cậu phán xét và lên án – nhân danh chân lý cậu hủy diệt chân lý. Chính ý định công thức hóa chân lý của cậu phủ nhận chân lý, vì chân lý không thể được chứa đựng trong ngôn từ. Chỉ có thể diễn tả chân lý trong hành động bằng cách phủ nhận cái hư giả. Muốn vậy, cậu phải thấy cái hư giả – Viveka – là hư giả và từ bỏ nó – Vairagya. Từ bỏ cái hư giả là giải thoát và đem lại sức sống. Nó mở đường đến với sự toàn hảo.

H: Khi nào tôi biết mình đã tìm ra chân lý?

M: Khi ý tưởng “cái này là chân lý,” “cái kia là chân lý” không sinh khởi. Chân lý không tự khẳng định, chân lý ở trong sự nhận biết cái hư giả là hư giả và loại bỏ cái hư giả. Nếu tâm không thấy được cái hư giả thì tìm kiếm chân lý chỉ là chuyện vô ích. Cái hư giả phải được hoàn toàn thanh tẩy thì chân lý mới có thể bừng sáng trong tâm.

H: Nhưng cái gì là hư giả?

M: Cái không có thực thể thì chắc chắn là hư giả.

H: Không có thực thể nghĩa là gì? Cái hư giả có đó, chắc như đinh.

M: Cái gì tự mâu thuẫn với chính nó thì không có thực thể, hoặc nó chỉ hiện hữu nhất thời thì cũng thế. Vì cái gì có sự khởi đầu và sự kết thúc thì không có đoạn giữa. Nó trống rỗng. Nó chỉ có danh xưng và hình tướng được tâm gán ghép cho, nhưng không có tánh (essence) mà cũng chẳng có chất (substance).

H: Nếu tất cả những gì trôi qua không có thực thể, thì vũ trụ cũng không có thực thể.

M: Có ai phủ nhận điều đó đâu? Dĩ nhiên vũ trụ không có thực thể.

H: Vậy cái gì có thực thể?

M: Cái không tùy thuộc vào bất cứ gì để tồn tại, cái không nổi lên với vũ trụ nổi lên, chìm xuống với vũ trụ chìm xuống, cái không cần đến bằng chứng, nhưng truyền thực tại cho bất cứ gì nó chạm đến. Bản chất của cái hư giả là xuất hiện rất như thật trong khoảnh khắc. Có thể nói rằng cái chơn thật là cha của cái hư giả. Còn cái hư giả thì hữu hạn trong thời gian và không gian, và do tình huống tạo nên.

H: Làm sao tôi có thể loại trừ cái hư giả và đạt được cái chơn thật?

M: Để làm gì?

H: Để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, mãn nguyện hơn, hợp nhất và hạnh phúc.

M: Bất cứ gì nhận thức được bằng tâm đều hư giả, vì nó phải là tương đối và hữu hạn. Cái thật thì bất khả nhận thức và không thể uốn nắn cho một mục đích. Cái thật phải được mong cầu vì chính nó.

H: Làm sao tôi có thể mong cầu cái bất khả nhận thức?

M: Còn cái gì khác đáng mong cầu? Cứ cho là cái thật không thể được mong cầu như một vật được mong cầu, nhưng một người có thể thấy cái không thật và loại bỏ nó. Chính sự loại bỏ cái hư giả mở đường đi đến cái chơn thật.

H: Tôi hiểu, nhưng theo cái nhìn thực tế của đời sống thường nhật thì thế nào?

M: Lợi ích vị kỷ và quan tâm đến chính mình là những tiêu điểm của cái hư giả. Cuộc sống hàng ngày của cậu rung động giữa tham ái và lo sợ. Hãy chăm chú quan sát và cậu sẽ thấy tâm khoác lên nó vô số danh xưng và hình tướng, như một con sông sủi bọt giữa hai bờ đá. Theo dấu từng hành động đến tận nguyên do vị kỷ của nó, và chăm chú quan sát nguyên do cho đến khi nó tan biến.

H: Để sống, một người phải lo lắng cho chính mình, phải kiếm tiền để nuôi thân.

M: Cậu không cần phải kiếm sống cho chính mình, nhưng có thể cậu phải kiếm sống vì một người đàn bà và một đứa trẻ. Có thể cậu phải tiếp tục làm việc vì người khác. Thậm chí chỉ cần đủ sống cũng có thể là một sự hy sinh. Không vì bất cứ lý do gì để vị kỷ. Hãy từ bỏ bất cứ nguyên do tìm kiếm cái Ta ngay khi nó được phát hiện. Cậu không cần tìm kiếm chân lý, chân lý sẽ tìm ra cậu.

H: Cũng phải có những cần cầu tối thiểu.

M: Thế không phải những cần cầu đó được đáp ứng khi cậu bầy tỏ? Hãy loại bỏ mọi câu thúc của sự lo lắng thái quá về chính mình, và hãy là cái cậu là – trí tuệ và tình yêu trong hành động.

H: Nhưng một người phải sinh tồn chứ!

M: Không thể nào cậu không sinh tồn! Cái Ta thật của cậu thì vô thời và ở ngoài sinh tử. Thân xác vẫn sinh tồn chừng nào nó còn được cần đến. Thân xác trường thọ không phải là điều quan trọng. Một cuộc sống viên mãn vẫn tốt hơn là một cuộc sống dai dẳng.

H: Ai quyết định thế nào là một cuộc sống viên mãn? Điều này tùy thuộc vào nền tảng văn hóa của tôi.

M: Nếu tìm kiếm thực tại cậu phải thoát ra khỏi mọi nền tảng, văn hóa, mọi mô thức tư duy và cảm thọ. Ngay cả ý tưởng là nam hay nữ, thậm chí là con người cũng cần loại bỏ. Đại dương của sự sống bao gồm tất cả, không chỉ riêng con người. Vì vậy, trước tiên hãy từ bỏ tất cả mọi sự nhận dạng cái Ta, chấm dứt nghĩ rằng mình là thế này, thế nọ, là thế này hay thế kia. Từ bỏ tất cả mọi quan tâm thái quá về chính mình; không còn lo lắng đến sự an sinh của riêng mình, dù là vật chất hay tinh thần; buông bỏ mọi tham ái, thô hay tế; chấm dứt nghĩ tưởng đến mọi thành đạt. Cậu hoàn toàn ở đây và ngay bây giờ, cậu tuyệt nhiên không cần gì cả.

Điều này không có nghĩa là cậu phải ngu đần, liều mạng, không biết tiên liệu hoặc thờ ơ; chỉ cần từ bỏ sự lo lắng sơ đẳng (basic anxiety) về chính mình. Cậu cần nơi ăn, chốn ở, quần áo cho bản thân và những người tùy thuộc, nhưng điều này không thành vấn đề chừng nào lòng tham không được xem là một sự cần thiết. Hãy sống thuận theo với mọi thứ như chúng là, chứ không phải như chúng được tưởng tượng là.

H: Tôi là gì nếu không phải là con người?

M: Cái gì nhờ nó cậu nghĩ rằng mình là một con người thì cái đó không phải con người. Nó chỉ là một điểm vô phương vị của ý thức, một cái không là gì cả nhưng hữu thức; tất cả những gì cậu có thể nói về cậu là: “Ta hiện hữu.” Cậu là sự hiện hữu thuần túy – tánh biết – an lạc. Nhận ra được nó là kết thúc cuộc tìm kiếm. Cậu đạt đến nó khi cậu thấy – tất cả những gì cậu nghĩ cậu là – chỉ là tưởng tượng, và cậu đứng xa lìa trong sự thuần túy thấy biết cái vô thường là vô thường, tưởng tượng là tưởng tượng, hư giả là hư giả. Điều này không hề khó khăn, nhưng cần vô tư. Chính sự bám víu vào cái hư giả làm cho cái thật trở nên khó thấy. Một khi cậu nhận ra rằng cái hư giả cần đến thời gian, và cái gì cần đến thời gian thì hư giả, lúc đó cậu cận kề hơn với Thực Tại, tức là cái vô thời, thường tại. Vĩnh cửu trong thời gian đơn thuần chỉ là sự lập đi lập lại, giống như chuyển động của một cái đồng hồ. Nó lưu chuyển bất tận từ quá khứ vào tương lai, một sự vĩnh cửu rỗng tuếch. Thực tại là cái làm cho hiện tại thật sống động, thật khác biệt với quá khứ và tương lai – tức là những trạng thái của tâm. Nếu cậu cần thời gian để đạt được một cái gì đó, thì cái đó chắc chắn là hư giả. Cái thật luôn luôn ở với cậu; cậu không cần phải đợi để là cái cậu hiện hữu. Điều duy nhất là cậu không được để tâm đi ra ngoài cậu tìm kiếm. Khi cần một cái gì đó, hãy tự hỏi: “Ta có thực sự cần nó không?” và nếu câu trả lời là không, thì chỉ việc buông bỏ nó.

H: Tôi không thể hạnh phúc sao? Có thể tôi không cần một cái gì, nhưng nếu có cái làm cho tôi hạnh phúc, tôi không được nắm bắt nó hay sao?

M: Không gì có thể làm cho cậu hạnh phúc hơn chính cậu. Tất cả mọi tìm cầu hạnh phúc chỉ là khốn khổ và đưa đến khốn khổ hơn nữa. Hạnh phúc duy nhất đúng với ý nghĩa của nó là hạnh phúc tự nhiên của sự hiện hữu hữu thức.

H: Tôi có cần thật nhiều kinh nghiệm trước khi đạt đến trình độ tỉnh thức cao siêu như thế?

M: Kinh nghiệm chỉ để lại ký ức phía sau và cộng thêm vào gánh nặng vốn đã chồng chất. Cậu không cần thêm kinh nghiệm. Những kinh nghiệm cũ là quá đủ. Và nếu cảm thấy cần thêm thì hãy nhìn vào trái tim của những người quanh cậu. Cậu sẽ thấy đủ loại kinh nghiệm mà có mất đến cả ngàn năm cậu cũng không thể trải qua hết. Học từ những đau khổ của thế nhân và tránh đừng trải qua như họ. Cái cậu cần không phải là kinh nghiệm, mà là sự tự do thoát khỏi mọi kinh nghiệm. Đừng tham lam kinh nghiệm, cậu chẳng cần một kinh nghiệm nào.

H: Thế không phải chính ông cũng trải qua các kinh nghiệm?

M: Mọi chuyện xảy ra quanh Ta nhưng Ta không tham dự. Một sự kiện chỉ trở thành kinh nghiệm khi nào Ta can dự một cách xúc cảm. Ta ở trong một trạng thái viên mãn, không cần tìm kiếm bất cứ gì để toàn hảo chính nó. Kinh nghiệm có ích lợi gì cho Ta?

H: Một người cần kiến thức, và giáo dục.

M: Để đối phó với sự việc, kiến thức về sự việc là cần thiết. Để đối xử với con người, cậu cần sự hiểu biết và thông cảm. Để hành xử với chính mình, cậu chẳng cần gì cả. Hãy là cái cậu là: hiện hữu hữu thức và đừng đi lạc khỏi chính cậu.

H: Giáo dục đại học là hữu ích nhất.

M: Hiển nhiên, nó giúp cậu kiếm sống. Nhưng nó không dạy cậu sống như thế nào. Cậu học khoa tâm lý. Học thức của cậu có thể giúp cậu trong một số tình huống nào đó. Nhưng cậu có sống bằng khoa tâm lý học? Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó phản ánh Thực tại trong hành động. Chẳng có đại học nào dạy cậu cách sống như thế nào để khi đến giờ lâm chung, cậu có thể nói rằng: Ta đã sống trọn vẹn, Ta không cần phải sống thêm lần nữa. Hầu hết chúng ta chết đi nhưng vẫn mong được tái sinh. Có quá nhiều lầm lẫn đã phạm phải, có quá nhiều điều còn bỏ dở. Hầu hết mọi người chỉ lớn lên và già đi, chứ không sống. Họ chỉ biết tích lũy kinh nghiệm và làm giầu cho ký ức. Mà kinh nghiệm chính là phủ nhận Thực tại, tức là cái không thể cảm nhận bằng giác quan hay qua khái niệm, là cái không phải thân mà cũng chẳng phải tâm, nhưng bao gồm và siêu vượt cả hai.

H: Kinh nghiệm bao giờ cũng hữu ích. Nhờ kinh nghiệm ông tránh không thò tay vào lửa.

M: Ta đã nói với cậu rằng kinh nghiệm hữu ích trong đối phó với sự việc. Nhưng nó không dạy cậu cách đối xử với con người, với chính cậu, và sống như thế nào. Chúng ta không nói chuyện học lái xe, hay kiếm tiền. Đối với những chuyện này cậu cần đến kinh nghiệm. Nhưng để là ánh sáng cho chính cậu thì kinh nghiệm vật chất chẳng giúp cậu được gì. Cậu cần một cái thân thuộc hơn và thâm sâu hơn kiến thức vay mượn để là cái Ta của chính cậu theo đúng nghĩa của từ ngữ này. Cuộc sống bên ngoài của cậu chẳng quan trọng. Cậu có thể là một người gác đêm mà vẫn sống hạnh phúc. Chính cái mà cậu là, bên trong, mới quan trọng. An lạc nội tâm chính là cái mà cậu phải kiếm, và còn khó kiếm hơn cả kiếm tiền. Chẳng có đại học nào có thể dạy cậu là chính cậu. Cách học duy nhất là thực hành. Hãy bắt đầu ngay lập tức là chính cậu. Từ bỏ tất cả những gì không phải là cậu và đi sâu hơn nữa. Như người đào giếng bất kể những gì không phải là nước cho đến khi đụng đến mạch, thì cậu cũng loại bỏ tất cả những gì không phải là chính cậu, cho đến khi không còn lại bất cứ gì để loại bỏ. Cậu sẽ nhận ra rằng cái còn lại không là gì để tâm có thể bám víu. Thậm chí cậu không phải là một con người. Cậu chỉ hiện hữu – một điểm của tánh biết, cùng bao la với thời gian và không gian nhưng siêu vượt cả hai, là nguyên nhân tối hậu nhưng tự thân lại hằng hữu. Nếu cậu hỏi Ta: “Ông là ai?” câu trả lời sẽ là: “Chẳng có gì riêng biệt. Nhưng, Ta hiện hữu.”

H: Nếu không phải là cái gì riêng biệt, ông phải là vũ trụ.

M: Cái gì là vũ trụ – không phải là một khái niệm mà là một lối sống? Không tách biệt, không đối nghịch, nhưng hiểu và yêu thương bất cứ gì tiếp xúc với cậu – tức là sống một cách vũ trụ. Để có thể nói một cách đúng thực: “Ta là thế giới, thế giới là Ta,” thì Ta phải thân thuộc với thế giới, và thế giới là chính Ta. Mọi tồn tại là tồn tại của chính Ta, mọi đau khổ là đau khổ của chính Ta và mọi an vui là an vui của chính Ta – đó là cuộc sống vũ trụ. Nhưng sự hiện hữu chơn thật của Ta – và của cậu cũng thế – ở ngoài vũ trụ, và, do đó ở ngoài mọi phân loại của cái cá biệt và vũ trụ. Nó là chính nó, hoàn toàn bất phụ thuộc và độc lập.

H: Tôi thấy cái ông nói rất khó hiểu.

M: Cậu phải dành thời gian để tư duy những điều như thế. Phải xóa sạch mọi vết mòn trong não bộ và đừng tạo thêm vết mới. Cậu phải nhận ra chính cậu là cái bất động, ở đằng sau và bên ngoài mọi cái động, là nhân chứng thầm lặng của tất cả những gì xảy ra.

H: Điều này có nghĩa là tôi phải từ bỏ tất cả ý tưởng về một cuộc sống năng động?

M: Không phải thế. Cậu vẫn sẽ lập gia đình, có con cái, kiếm tiền để nuôi sống gia đình; tất cả những chuyện đó xảy ra trong giòng diễn tiến tự nhiên, vì định mệnh phải được hoàn tất; cậu sẽ trải qua định mệnh mà không cưỡng lại, đương đầu với mọi chuyện khi chúng đến, một cách chăm chú và cẩn thận, dù là chuyện lớn hay nhỏ. Nhưng thái độ chung nhất là vô tư một cách trìu mến, vô cùng thiện chí, không mong cầu đền đáp, luôn luôn cho mà không bao giờ đòi hỏi. Trong hôn nhân, cậu không phải là chồng hay vợ, mà là tình yêu giữa vợ chồng. Cậu là sự trong sáng và lòng tử tế làm cho mọi thứ an ổn và hạnh phúc. Điều này có vẻ hơi mơ hồ đối với cậu, nhưng nếu chịu suy nghĩ một chút cậu sẽ nhận ra cái bí ẩn nhất là cái thực tiễn nhất, vì nó làm cho cuộc sống của cậu hạnh phúc một cách sáng tạo. Ý thức của cậu sẽ được nâng lên một giai tầng mới mà từ đó cậu có thể thấy mọi chuyện rõ ràng hơn và mãnh liệt hơn rất nhiều. Cậu nhận ra rằng con người mà cậu trở thành khi sinh và chấm dứt khi tử chỉ là vô thường và hư giả. Cậu không phải con người nhục dục, đa cảm và tri thức, bị câu thúc bởi tham ái và lo sợ. Hãy tìm ra sự hiện hữu chơn thật của cậu. “Ta là cái gì?” là câu hỏi căn bản của tất cả các hệ thống triết lý và tâm lý học. Hãy quán nó thật sâu xa.

❁ ❁ ❁

67. Kinh nghiệm thì không thật

Maharaj: Người tìm kiếm là kẻ đi tìm chính mình. Người đó sẽ sớm nhận ra mình không phải là thân xác. Một khi sự tin tưởng “Ta không phải là thân xác” trở nên kiên cố thì người đó không còn cảm thọ, tư duy và hành động cho thân xác, và nhân danh thân xác, người đó sẽ dễ dàng nhận ra rằng mình là sự hiện hữu vũ trụ, biết và hành động mang tính vũ trụ, rằng toàn thể vũ trụ là thật, hữu thức và năng động trong người đó và thông qua người đó. Đây là trọng tâm của vấn đề. Hoặc là ông chỉ biết thân xác và là kẻ nô lệ của hoàn cảnh; hoặc ông chính là ý thức vũ trụ và hoàn toàn chủ động đối với từng sự kiện.

Tuy nhiên, ý thức – dù cá nhân hay vũ trụ – không phải trú xứ đích thực của Ta. Ta không ở trong ý thức, ý thức không phải của Ta, không có “Ta” trong ý thức. Ta ở ngoài, mặc dù rất khó giải thích làm sao một người không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức, mà ở ngoài. Ta không thể nói Ta ở trong Thượng đế, hoặc Ta là Thượng đế. Thượng đế là ánh sáng vũ trụ và tình yêu, là nhân chứng vũ trụ. Ta thậm chí còn ở ngoài cả vũ trụ.

H: Như thế ông không có danh xưng và hình tướng. Vậy sự hiện hữu của ông là gì?

M: Ta là cái Ta là, chẳng phải có hình tướng hay không có hình tướng, chẳng phải hữu thức mà cũng không phải vô thức. Ta ở ngoài tất cả các phạm trù như thế.

H: Ông sử dụng luận pháp Neti-Neti – không phải cái này, không phải cái này?

M: Ông không thể tìm thấy Ta bằng đơn thuần phủ định. Ta vừa là tất cả vừa không là gì cả. Không phải cả hai mà cũng chẳng phải cái này hay cái kia. Tất cả những định nghĩa như thế áp dụng cho Chủ tể của vũ trụ, nhưng không thể dùng cho Ta.

H: Ông muốn nói rằng ông chỉ là không gì cả?

M: Ồ, không! Ta viên mãn và toàn hảo. Ta là tính hiện hữu của hiện hữu, tánh biết của biết, tính viên mãn của hạnh phúc. Ông không thể rút Ta xuống thành hư không!

H: Nếu ông ở ngoài ngôn từ, thì chúng ta có thể nói về cái gì? Đứng về phương diện siêu hình, luận pháp của ông rất gắn bó, không có mâu thuẫn nội tại. Nhưng những gì ông nói chẳng thiết thực đối với tôi, và ở ngoài những nhu cầu bức thiết của tôi. Tôi xin bánh mì, ông lại cho châu báu. Rõ ràng châu báu quí và đẹp, nhưng tôi đói.

M: Không phải thế. Ta chỉ cho ông đúng cái ông cần – sự tỉnh thức. Ông không đói và ông cũng chẳng cần bánh mì. Ông cần dừng lại, ông cần buông bỏ và tháo gỡ. Cái ông nghĩ ông cần thì không phải là cái ông cần. Cái thực sự cần thiết của ông thì Ta biết, nhưng ông không biết. Ông cần trở về với trạng thái Ta – trạng thái tự nhiên của ông. Bất cứ gì ông có thể nghĩ đến đào là ảo tưởng và chướng ngại. Cứ tin Ta đi, ông chẳng cần gì cả ngoài cái mà ông là. Ông tưởng tượng sẽ tăng thêm giá trị của mình bằng sự thụ đắc. Cũng giống như vàng tưởng nó sẽ tinh hảo hơn bằng cách gia thêm đồng. Loại trừ, thanh tẩy và không nhận bất cứ gì không phải là bản chất của ông là đủ. Tất cả những cái khác chỉ là hư giả.

H: Nói thì dễ hơn làm. Một người bị đau bụng đến gặp ông nhờ giúp và ông bảo người đó nôn ra những gì đã ăn vào. Dĩ nhiên, nếu không có tâm thì chẳng có phiền não. Nhưng tâm có đó – một cách minh thị nhất.

M: Chính tâm bảo ông là tâm có đó. Đừng để tâm đánh lừa. Tất cả những lập luận bất tận về tâm là do chính tâm tạo ra để bảo vệ nó, duy trì sự tiếp tục của chính nó và bành trướng chính nó. Chỉ có dứt khoát từ chối suy nghĩ về những uẩn khúc và biến dịch của tâm mới có thể đưa ông ra khỏi nó.

H: Thưa ông, tôi là kẻ tầm thường đi tìm chân lý, còn ông chính là Thực tại Tối thượng. Tôi đến với cái Tối thượng để cầu giác ngộ. Cái Tối thượng sẽ làm gì?

M: Lắng nghe cái mà Ta nói đi nói lại với ông và đừng xa lìa nó. Luôn luôn nghĩ tưởng đến nó mà không có cái gì khác xen vào. Khi đã đi xa đến mức đó, hãy buông bỏ mọi ý nghĩ không những về thế giới mà còn cả về chính ông. Hãy ở ngoài mọi ý nghĩ và trong tánh biết hiện hữu im lặng. Đó không phải là tiến bộ, vì cái mà ông đạt đến vốn có sẵn trong ông, và chờ ông.

H: Theo ông tôi phải chấm dứt suy nghĩ và an trú trong ý tưởng “Ta hiện hữu”?

M: Đúng thế. Loại bỏ mọi ý nghĩa của bất cứ ý nghĩ nào đến với ông, liên quan với cái “Ta hiện hữu,” đừng để ý đến chúng.

H: Tôi tình cờ gặp nhiều người trẻ đến từ phương Tây, và nhận thấy có một sự khác biệt rất căn bản khi so sánh họ với người Ấn. Có vẻ như cái Psyche của họ khác hẳn. Cái tâm Ấn Độ nắm bắt dễ dàng những khái niệm như Ngã, Thực Tại, chơn thâm thuần tịnh, ý thức vũ trụ. Những tiếng đó nghe rất thân quen và hương vị rất ngọt ngào. Cái tâm Tây phương không cảm ứng với, hoặc bác bỏ những quan niệm như thế. Cái tâm Tây phương cụ thể hóa và muốn hưởng dụng ngay những giá trị được chấp nhận. Những giá trị này thường có tính cách cá nhân: sức khỏe, an sinh, sự sung túc; hoặc có khi mang tính xã hội như một xã hội tốt đẹp hơn, một cuộc sống hạnh phúc hơn cho mọi người; tất cả đều liên quan đến những vấn đề trần tục, dù là cá nhân hay phi cá nhân. Một trở ngại nữa thường xảy ra khi nói chuyện với người phương Tây là đối với họ tất cả đều là kinh nghiệm – cũng như muốn nếm qua thức ăn, thức uống, đàn bà, nghệ thuật và du lịch, họ muốn có kinh nghiệm về Yoga, về giác ngộ và giải thoát. Đối với họ những thứ này cũng là kinh nghiệm và có thể có được với một cái giá nào đó. Họ tưởng tượng những kinh nghiệm như thế có thể mua được nên mặc cả về giá bán. Khi một Đạo sư đưa ra một cái giá quá cao – về thời gian và sự cố gắng – họ bỏ đi tìm người khác. Các Đạo sư mới đưa ra những phương án từng phần, rõ ràng là rất dễ nhưng đầy những điều kiện không thể thực hiện được. Một cổ tích bảo rằng khi chữa bệnh thì đừng suy nghĩ lăng xăng. Ở đây là đừng nghĩ đến thế giới, “từ bỏ mọi tướng trạng của cái ta,” “đoạn trừ mọi tham ái,” “trở thành những người tu toàn hảo,” và vân vân. Dĩ nhiên là sự lừa gạt xảy ra trong tất cả các trình độ, và kết quả là chẳng có gì. Một số Đạo sư trong cơn tuyệt vọng hoàn toàn bỏ cả cách tu tập, không đặt ra điều kiện nào, và cổ xúy cho sự bất dụng công, sự tự nhiên, và đơn thuần sống trong sự tỉnh thức vô phản ứng, không hề có bất cứ mô thức “phải” hay “không phải” nào. Cũng có rất nhiều môn đồ chán ghét bản thân đến độ không còn muốn nhìn chính mình chỉ vì những kinh nghiệm đó trong quá khứ. Nếu không ghê tởm thì họ cũng nhàm chán. Họ chán ngấy sự thấy biết chính mình và muốn cái gì khác.

M: Cứ để họ không nghĩ đến chính mình nếu họ thích thế. Cứ để họ thân cận với Đạo sư, quan sát Đạo sư và nghĩ đến Đạo sư. Họ sẽ sớm kinh nghiệm một sự an lạc rất mới lạ mà chưa bao giờ họ đã trải qua trước kia – ngoại trừ trong thời thơ ấu. Kinh nghiệm này mới lạ một cách không thể lầm lẫn, sẽ thu hút sự chú ý của họ, và tạo ra sự thích thú; một khi sự thích thú được khơi dậy thì sự chuyên tâm sẽ tuần tự theo sau.

H: Những người này hay chỉ trích và rất đa nghi. Dù đã trải qua nhiều bài học và thất vọng, nhưng họ vẫn không thể là gì khác hơn. Họ muốn kinh nghiệm, nhưng lại hoài nghi kinh nghiệm. Làm sao đến với họ thì chỉ có Thượng đế mới biết.

M: Sự hiểu biết chơn thật và tình yêu sẽ đến với họ.

H: Khi họ có đôi chút kinh nghiệm tâm linh thì một khó khăn khác nổi lên. Họ kêu ca rằng kinh nghiệm không lâu dài, mà chỉ đến rồi đi một cách ngẫu nhiên. Có được cây kẹo que trong tay, họ muốn lúc nào cũng mút nó.

M: Kinh nghiệm, dù siêu phàm đến đâu, đều không phải cái thật. Do bản chất của nó, kinh nghiệm đến rồi đi. Giác ngộ chính mình không phải là một sự thụ đắc. Đúng ra nó thuộc về bản chất của hiểu. Một khi đã đạt được thì nó không thể bị mất đi. Trái lại, ý thức thì thay đổi, trôi nổi và biến dịch từ lúc này sang lúc khác. Đừng bám víu vào ý thức cũng như nội dung của nó. Khi bị lưu giữ thì ý thức ngừng lại. Tìm cách lưu giữ vĩnh viễn một thoáng sáng suốt, hay sự xuất hiện bất ngờ của hạnh phúc là hủy diệt cái muốn được lưu giữ. Cái gì đến thì phải đi. Cái thường hằng ở ngoài tất cả những gì đến và đi. Hãy đến tận gốc rễ của tất cả kinh nghiệm, của ý thức hiện hữu. Bên ngoài hiện hữu và phi hiện hữu là sự bao la của cái chơn thật. Hãy thường tinh tấn.

H: Muốn tinh tấn một người cần tín tâm.

M: Trước tiên phải có ước muốn. Khi ước muốn đủ mãnh liệt thì sự sẵn sàng tinh tấn sẽ đến. Khi ước muốn mãnh liệt, ông không cần chắc chắn phải thành công. Ông sẵn sàng mạo hiểm.

H: Ước muốn mãnh liệt thì cũng như tín tâm mãnh liệt. Những người này không những đã chẳng tin tưởng vào gia đình hay xã hội, mà còn không tin cả chính họ. Bất cứ gì họ đụng đến đều tiêu tan. Hãy cho họ một kinh nghiệm hoàn toàn đích thực, bất khả nghi hoặc, và ở ngoài mọi biện luận của tâm thì họ sẽ theo ông đến tận cùng thế giới.

M: Ta có làm gì khác thế đâu! Một cách không mệt mỏi, Ta hướng sự chú ý của họ vào yếu tố bất khả tranh luận duy nhất – đó là hiện hữu. Hiện hữu chẳng bao giờ cần đến bằng chứng – nó chứng minh tất cả những cái khác. Nếu họ có thể đi sâu vào thực tế hiện hữu, và khám phá được sự bao la cùng hạnh phúc tuyệt vời mà cái “Ta hiện hữu” là cánh cửa – rồi bước qua cánh cửa đó sang bên kia – thì cuộc đời của họ sẽ chan hòa hạnh phúc và tràn đầy ánh sáng. Cứ tin Ta đi, sự tinh tấn phải bỏ ra chẳng là gì cả khi so với những gì được tìm ra.

H: Những gì ông nói đều đúng. Nhưng những người này không có tín tâm mà cũng chẳng kiên nhẫn. Thậm chí một cố gắng ngắn ngủi cũng đủ làm cho họ mệt mỏi. Thật đau lòng khi nhìn họ mò mẫm trong mê mờ nhưng không thể nắm bắt bàn tay cứu giúp. Tận căn bản, họ là những con người tốt nhưng hoàn toàn bối rối. Tôi bảo họ: Các anh không thể có được chân lý theo phương cách riêng của các anh. Các anh phải chấp nhận các điều kiện. Họ chỉ trả lời: Có người chấp nhận điều kiện và cũng có người không. Chấp nhận hay không chấp nhận đều nông cạn và tình cờ; thực tại ở trong tất cả; chắc chắn có một con đường cho tất cả đi theo – mà không kèm theo một điều kiện nào.

M: Có một con đường như thế, mở ra cho tất cả, cho mọi trình độ, và cho mọi tầng lớp. Mỗi người đều biết rõ chính mình. Đào sâu, khơi rộng sự thấy biết chính mình là con đường huy hoàng. Gọi đó là chú tâm, là hành vi nhân chứng, hay thuần chú ý – con đường này dành cho tất cả. Không ai là không chín mùi và không ai có thể thất bại trên con đường này.

Nhưng dĩ nhiên, ông không được tỉnh thức suông. Sự chú tâm của ông phải dung nhiếp cả tâm. Hành vi nhân chứng là sự thấy biết ý thức trước tiên và mọi động thái của nó.

❁ ❁ ❁

68. Truy tìm cội nguồn của ý thức

Hỏi: Hôm trước chúng ta có đàm luận về mô thức của cái tâm Tây phương hiện đại, và sự khó khăn mà nó gặp phải trong sự tuân theo kỷ cương đạo đức và tri thức của trường phái Vedanta. Một trong các trở ngại đó là nỗi ưu tư của những người trẻ ở Âu châu hay ở Mỹ về tình trạng đầy thảm họa của thế giới, và sự cần thiết cấp bách phải chấn chỉnh tình trạng này.

Họ không có đủ kiên nhẫn nghe những người như ông thuyết giảng rằng sự thay đổi của mỗi cá nhân là điều kiện tiên quyết để cải thiện thế giới. Họ cho đó là điều không thể thực hiện được và cũng chẳng cần thiết. Nhân loại đang sẵn sàng đối với sự thay đổi về các định chế – xã hội, kinh tế, chính trị. Một chính quyền thế giới, cảnh sát thế giới, sự hoạch định toàn cầu, và hủy bỏ tất cả những hàng rào vật chất và ý thức hệ: Thế la đủ, không một sự chuyển hóa con người nào là cần thiết. Hiển nhiên, con người định hình xã hội, nhưng xã hội cũng định hình con người. Sống trong một xã hội nhân đức con người cũng trở nên nhân đức; ngoài ra, khoa học đã đem lại giải đáp cho rất nhiều vấn đề mà trước kia vẫn thuộc phạm vi tôn giáo.

Maharaj: Hiển nhiên, phấn đấu cho sự cải thiện thế giới là một việc làm đáng ca tụng nhất. Nếu được thực hiện một cách vô vị kỷ, nó sẽ làm cho tâm trong sáng và trái tim trong sạch. Nhưng chẳng bao lâu con người sẽ nhận ra mình đang theo đuổi một ảo ảnh. Những cải cách mang tính địa phương và nhất thời hết lần này đến lần khác được thực hiện và hoàn tất dưới ảnh hưởng của một đại vương hay một đại sư, nhưng rồi những cải cách đó cũng kết thúc, để lại cho nhân loại một chu kỳ khốn khổ mới. Ngay trong bản chất của mọi thị hiện, cái tốt và cái xấu thay phiên nhau với những mức độ như nhau. Sự an trú đích thực chỉ ở trong cái bất thị hiện.

H: Ông không khuyên người ta chạy trốn?

M: Trái lại. Con đường duy nhất đưa đến sự tân tạo là đi qua sự hủy diệt. Ông phải nấu chảy tất cả các món trang sức cũ thành vàng không còn hình dạng trước khi đúc nặn ra cái mới. Chỉ những người đã ra ngoài thế giới mới có thể thay đổi được thế giới. Điều ngược lại chưa bao giờ xảy ra. Chỉ có một số rất ít người còn lưu lại ảnh hưởng lâu dài là những người giác ngộ thực tại. Cứ đạt đến vị trí của họ, rồi hãy nói đến chuyện cứu độ thế giới.

H: Không phải núi sông là những gì chúng tôi muốn giúp, mà là con người.

M: Chẳng có gì sai lầm với thế giới nếu không có con người làm cho nó xấu xa. Hãy nói với con người cần biết cách hành sử.

H: Ham muốn và lo sợ làm cho con người hành sử như thế.

M: Đúng vậy. Chừng nào cách hành sử của con người còn bị ham muốn và lo sợ khống chế thì chẳng có bao nhiêu hy vọng. Và để tiếp cận với con người một cách hữu hiệu thì chính ông cũng cần hoàn toàn không còn ham muốn và lo sợ.

H: Những ham muốn và lo sợ căn bản – liên quan đến ăn uống, tình dục và cái chết – thì bất khả tránh.

M: Đó chỉ là những sự cần thiết – vì là sự cần thiết nên có thể thỏa mãn dễ dàng.

H: Ngay cả chết cũng là một sự cần thiết?

M: Sau khi đã sống một cuộc sống trường thọ và lợi ích, ông cảm thấy cần chết đi. Chỉ khi nào áp dụng sai lầm thì ham muốn và lo sợ mới hủy diệt. Bằng mọi cách hãy ham muốn cái đúng và sợ cái sai lầm. Chỉ khi nào ham muốn cái sai và sợ cái đúng con người mới tạo ra hỗn loạn và tuyệt vọng.

H: Cái gì đúng, và cái gì sai?

M: Trong tương đối, cái đem lại đau khổ là sai, cái giảm bớt đau khổ là đúng. Trong tuyệt đối, cái đem ông trở lại với thực tại là đúng, cái làm mê mờ thực tại là sai.

H: Khi nói cứu giúp nhân loại, chúng tôi muốn nói đến sự phấn đấu chống lại hỗn loạn và đau khổ.

M: Ông chỉ nói giúp suông. Có bao giờ ông giúp, thực sự giúp một ai chưa? Đã bao giờ ông đưa được một người ra khỏi sự cần giúp thêm nữa hay chưa? Ông có thể cho ai đó chính tâm – nếu không dựa trên sự thấy biết rõ ràng sự hiện hữu chơn thật của người đó – thì ít ra cũng căn cứ vào sự hoàn thành nhiệm vụ và tận dụng thời cơ của họ? Khi không biết được cái gì tốt cho chính ông, làm sao ông biết cái gì tốt cho người khác?

H: Cung cấp đầy đủ các phương tiện sinh nhai thì ai cũng có lợi cả. Ông có thể là Thượng đế, nhưng ông cần một thân xác ăn uống no đủ thì mới có thể nói chuyện với chúng tôi.

M: Chính ông cần thân xác của Ta để nói chuyện với ông. Ta không phải thân xác, mà Ta cũng chẳng cần nó. Ta chỉ là nhân chứng. Ta không có một hình tướng nào của riêng Ta.

Các ông quá quen suy nghĩ chính mình là thân xác dung chứa ý thức nên không thể tưởng tượng ra ý thức dung chứa thân xác. Một khi ông nhận ra sự tồn tại thân xác chỉ là một trạng thái của tâm, một chuyển động trong ý thức; một khi ông nhận ra ý thức là đại dương vô biên và vĩnh cửu; một khi ông nhận ra mình chỉ là nhân chứng khi giao tiếp với ý thức – lúc đó ông mới có thể hoàn toàn rút ra ngoài ý thức.

H: Chúng tôi nghe nói có nhiều cảnh giới của sự tồn tại. Ông có tồn tại và hành hoạt trong tất cả các cảnh giới? Khi ở thế gian, ông cũng có mặt trên thiên đường – Swarga?

M: Ta chẳng ở đâu để có thể tìm ra! Ta không phải một vật được cho một chỗ trong số những vật khác. Mọi vật đều ở trong Ta, nhưng Ta không ở trong số các vật. Ông nói với Ta về thượng từng cấu trúc còn Ta quan tâm đến nền tảng. Thượng từng cấu trúc được dựng lên và đổ xuống, nhưng nền tảng thì trường tồn. Ta không để ý đến cái vô thường, còn ông không nói gì khác ngoài cái nhất thời.

H: Xin vui lòng bỏ qua một câu hỏi khác thường của tôi: Nếu kẻ nào đó dùng một thanh kiếm rất bén bất chợt chém đứt đầu ông thì có gì khác biệt với ông?

M: Chẳng có gì khác biệt. Thân xác sẽ mất đi cái đầu của nó, một số đường dây liên lạc bị cắt đứt, chỉ thế thôi. Hai người đang nói chuyện qua điện thoại thì đường dây bị cắt. Chẳng có chuyện gì xảy ra đối với hai người, chỉ có điều là họ phải tìm một phương tiện liên lạc khác. Kinh Bhagavad Gita có nói: “Kiếm không chém đứt .” Rõ ràng là như thế. Bản chất của ý thức tồn tại bất kể phương tiện thể hiện nó. Cũng như lửa đốt nhiên liệu nhưng không đốt chính nó. Cũng như một đám cháy có thể tồn tại lâu hơn cả núi nhiên liệu, thì ý thức tồn tại lâu hơn vô số thân xác.

H: Nhiên liệu ảnh hưởng đến ngọn lửa.

M: Chừng nào nhiên liệu còn. Thay đổi bản chất của nhiên liệu thì mầu sắc và sự thể hiện của ngọn lửa sẽ đổi theo.

Ông và Ta đang trò chuyện. Muốn thế, sự hiện diện là cần thiết. Nếu chúng ta không hiện diện thì không thể trò chuyện. Nhưng nếu chỉ có sự hiện diện thì chưa đủ. Phải có ý muốn nói chuyện.

Trên tất cả, chúng ta muốn duy trì ý thức. Thà chịu đau khổ và nhục nhã nhưng chúng ta vẫn muốn duy trì ý thức. Nếu không nổi loạn chống lại sự thèm khát kinh nghiệm và hoàn toàn buông bỏ cái thị hiện thì không thể nào có giải thoát. Chúng ta vẫn còn bị câu thúc.

H: Ông bảo ông là nhân chứng thầm lặng và ông cũng ở ngoài ý thức. Như vậy không mẫu thuẫn hay sao? Nếu ở ngoài ý thức, ông chứng kiến cái gì?

M: Ta ý thức và vô thức, vừa ý thức lẫn vô thức, không phải ý thức mà cũng chẳng phải vô thức – đối với tất cả những cái đó Ta là nhân chứng – nhưng thật ra không có nhân chứng vì chẳng có gì để làm chứng. Ta hoàn toàn rỗng rang không có bất cứ hình tướng nào của tâm, vô tâm – nhưng hoàn toàn thấy biết. Đó là cái mà Ta cố diễn tả bằng cách nói rằng Ta ở ngoài tâm.

H: Vậy làm sao tôi có thể đến với ông?

M: Biết mình đang ý thức và tìm ra cội nguồn của ý thức. Chỉ thế thôi. Ngôn từ không thể truyền đạt được nhiều. Điều Ta nói với ông không đem lại ánh sáng, mà làm theo điều Ta nói sẽ đem lại ánh sáng. Phương tiện không quan trọng, chính ước muốn, sự thôi thúc, và lòng thành khẩn mới đáng kể.

❁ ❁ ❁

69. Vô thường là bằng chứng của tính hư giả

Hỏi: Bạn tôi người Đức, còn tôi sinh ra tại Anh nhưng cha mẹ là người Pháp. Tôi ở Ấn Độ khoảng một năm nay và lang thang từ tịnh xá này đến tịnh xá khác.

Maharaj: Ông có tu tập tâm linh?

H: Tôi nghiên cứu kinh sách và thiền quán.

M: Ông thiền quán về cái gì?

H: Về những gì tôi đã học.

M: Tốt.

H: Xin phép hỏi ông đang làm gì?

M: Ngồi.

H: Gì nữa?

M: Nói.

H: Ông nói về cái gì?

M: Ông muốn nghe thuyết giảng? Ông nên hỏi về một điều gì đó làm cho ông thật xúc động, như thế ông mới xúc cảm mãnh liệt. Nếu không tham dự một cách nhiệt tình thì dù ông có tranh luận với Ta, vẫn không thể nào có cái hiểu thực sự giữa Ta và ông. Nếu ông bảo: “Chẳng có gì làm tôi lo lắng, tôi không có phiền não” thì cũng được và chúng ta giữ im lặng. Nhưng nếu có điều gì đó thực sự làm cho ông xúc động thì mới có mục đích để đàm đạo.

Ta hỏi ông được chứ? Ông đi từ nơi này đến nơi khác để làm gì?

H: Gặp gỡ người khác, tìm cách hiểu họ.

M: Ông tìm cách hiểu hạng người nào? Một cách chính xác ông theo đuổi cái gì?

H: Sự hợp nhất.

M: Nếu muốn hợp nhất, ông phải biết người ông muốn hợp nhất.

H: Qua tiếp xúc và quan sát người khác, một người cũng có thể biết được chính mình. Hai điều này đi cùng với nhau.

M: Không nhất thiết chúng đi cùng với nhau.

H: Cái này hoàn thiện cái kia.

M: Không phải thế. Gương phản chiếu hình ảnh nhưng hình ảnh không làm cho gương toàn hảo. Ông không phải gương mà cũng chẳng phải ảnh trong gương. Sau khi đã làm cho tấm gương hoàn hảo để nó có thể phản chiếu chính xác, trung thực, ông có thể xoay tấm gương lại và thấy trong đó ảnh phản chiếu trung thực của chính ông – trung thực đến mức gương có thể phản chiếu. Nhưng ảnh phản chiếu không phải là ông – ông là người thấy ảnh phản chiếu. Hãy hiểu rõ điều này – dù bất cứ gì ông nhận thức, cái được nhận thức không phải là ông.

H: Tôi là gương và thế giới là ảnh?

M: Ông có thể thấy cả ảnh lẫn gương. Ông không phải cả hai. Ông là ai? Đừng suy luận theo công thức. Câu trả lời không có trong ngôn từ. Sự diễn tả gần nhất mà ông có thể nói bằng ngôn từ là: Ta là cái làm cho nhận thức khả hữu, là sự sống ở bên ngoài người kinh nghiệm và kinh nghiệm của người đó.

Thế nào, liệu ông có thể tách mình ra khỏi gương lẫn ảnh trong gương, và hoàn toàn đứng một mình, với chính ông?

H: Không, tôi không thể.

M: Làm sao ông biết ông không thể? Có rất nhiều thứ ông làm nhưng không biết làm như thế nào. Ông tiêu hóa thức ăn, ông lưu thông máu huyết và bạch cầu, ông vận động bắp thịt – nhưng hoàn toàn không biết làm như thế nào. Cũng như ông nhận thức, cảm thọ, tư duy nhưng không biết vì sao và bằng cách nào. Tương tự như thế, ông là chính ông nhưng ông không biết. Chẳng có gì là không đúng với ông khi là cái Ta. Nó là cái nó là một cách chính xác. Nó là tấm gương nhưng không trong và không trung thực, do đó cho ông những hình ảnh sai lầm. Ông không cần phải sửa đổi chính ông, mà chỉ cần sửa lại cho đúng ý nghĩ về chính ông. Hãy học cách tách ông ra khỏi ảnh và gương, nên thường ghi nhớ rằng: Ta không phải tâm mà cũng không phải những ý nghĩ của nó. Hãy kiên nhẫn làm như thế với sự tin tưởng chắc chắn rằng ông sẽ đến với hình ảnh trực tiếp về chính ông: nguồn gốc của hiện hữu – biết – yêu thương, vĩnh cửu, bao trùm tất cả và xuyên suốt tất cả. Ông là cái vô biên hội tụ trong một thân xác. Hiện nay ông chỉ thấy thân xác. Hãy tinh cần một cách thành khẩn, ông sẽ chỉ thấy cái vô biên.

H: Kinh nghiệm về thực tại đến, có tồn tại mãi không?

M: Tất cả kinh nghiệm đều qua đi một cách cần thiết, nhưng nền tảng của mọi kinh nghiệm thì bất di bất dịch. Không có gì được gọi là sự kiện lại tồn tại lâu dài. Có những sự kiện làm cho tâm trong sáng và cũng có sự kiện làm cho tâm cấu nhiễm. Những khoảnh khắc của sự thấy biết sâu sắc và lòng yêu thương trùm khắp làm cho tâm trong sạch; tham ái và lo sợ, ganh ghét và sân hận, tin tưởng mù quáng và kiêu căng trí thức làm cho tâm ô nhiễm và mê mờ.

H: Giác ngộ chính mình quan trọng đến thế sao?

M: Nếu không giác ngộ chính mình ông sẽ hư hao vì tham ái và lo sợ, rồi lập đi lập lại lo sợ và tham ái một cách vô nghĩa trong đau khổ triền miên. Hầu hết mọi người không biết có thể chấm dứt đau khổ. Một khi nghe được tin lành thì việc làm cấp bách nhất rõ ràng là thoát ra ngoài mọi tranh giành và xung đột. Ông biết ông có thể tự do, bây giờ tùy ông chọn lựa. Hoặc là ông mãi mãi cam chịu đói khát, mong cầu, tìm kiếm, chiếm hữu, chấp thủ, luôn luôn thua thiệt và đau khổ; hoặc là ông hết lòng dấn thân đi tìm trạng thái toàn hảo siêu vượt thời gian, trạng thái không gì có thể thêm vào hay bớt đi. Trong trạng thái đó mọi tham ái và lo sợ hoàn toàn không có – không phải vì tham ái và lo sợ bị từ bỏ, mà bởi vì chúng đã mất đi ý nghĩa.

H: Cho đến lúc này tôi vẫn theo kịp ông. Bây giờ, tôi phải làm gì?

M: Chẳng có gì để làm. Chỉ . Không làm gì. . Không phải lên núi hay vào ngồi trong hang động. Thậm chí Ta không bảo: “Là chính ông” vì ông không biết chính ông. Chỉ . Sau khi thấy được rằng ông không phải thế giới “ngoại quan” của những gì có thể nhận thức được, mà cũng chẳng phải thế giới “nội tại” của những gì có thể nghĩ tưởng được; không phải thân mà cũng chẳng phải tâm thì ông chỉ .

H: Chắc chắn giác ngộ có nhiều trình độ khác nhau.

M: Giác ngộ chính mình không có trình tự. Không có sự tiệm tiến trong giác ngộ. Nó xảy ra chớp nhoáng, bất ngờ và không thể đảo ngược. Ông chuyển sang một cảnh giới mới mà từ đó nhìn ra, những gì trước kia chỉ là mơ hồ trừu tượng. Cũng như khi mặt trời lên vạn vật thế nào thì ông thấy y như thế, khi giác ngộ chính mình ông thấy mọi thứ như thị. Thế giới của hư huyễn bị bỏ lại phía sau.

H: Trong trạng thái giác ngộ, liệu mọi vật có thay đổi? Chúng có trở nên nhiều mầu sắc và đầy ý nghĩa?

M: Kinh nghiệm đó khá đúng, nhưng đó không phải kinh nghiệm về thực tại – Sadanubhav, mà là sự hài hòa – Satvanubhav – của vũ trụ.

H: Dù sao, đó cũng là sự tiến triển.

M: Chỉ có tiến triển trong sự chuẩn bị – Sadhana. Giác ngộ thì bất ngờ. Trái cây chín từ từ, nhưng rơi rụng thì bất ngờ và không bao giờ trở lại.

H: Tôi an lạc cả về vật lý lẫn tâm lý. Tôi còn cần gì hơn nữa?

M: Trạng thái của ông có thể không phải là trạng thái tối hậu. Ông sẽ nhận ra trạng thái đó khi hoàn toàn không còn tham ái và lo sợ. Xét cho cùng, cái cảm giác không phải là cái mà ông là – ở ngay tại nguồn gốc của tham ái và lo sợ. Cũng như một chỗ sai khớp chỉ đau vì không đúng chỗ, một khi đã được đưa về đúng khớp cái đau sẽ bị quên đi – thì tất cả những lo lắng về bản thân chỉ là một triệu chứng lệch lạc của tâm, nó sẽ tan biến ngay khi một người trở về trạng thái bình thường.

H: Đúng, nhưng sự tu tập để đạt đến trạng thái tự nhiên là gì?

M: Bám chặt lấy ý thức “Ta hiện hữu” để loại trừ tất cả những cái khác. Khi tâm trở nên hoàn toàn tĩnh lặng như thế, nó sẽ chiếu sáng với một ánh sáng mới và rung động với sự hiểu biết mới. Nó xuất hiện một cách tự sinh khởi, ông chỉ cần bám chặt lấy cái “Ta hiện hữu.” Cũng như khi vừa thức dậy hay vừa trải qua một trạng thái vô cùng sung sướng, ông cảm thấy thư thái, nhưng không thể giải thích vì sao và bằng cách nào ông đạt đến sự sảng khoái như thế, thì khi giác ngộ ông cảm thấy hoàn toàn, viên mãn, không còn những phức cảm khoái lạc và đau khổ, nhưng không thể giải thích chuyện gì đã xảy ra, tại sao và bằng cách nào. Ông chỉ có thể phát biểu bằng sự phủ định: “Không còn gì sai lầm với Ta nữa.” Chỉ bằng cách đối chiếu với những gì trước kia, ông biết ông đã ra khỏi quá khứ. Hay nói một cách khác – ông chỉ là chính ông. Đừng tìm cách trao truyền nó cho người khác. Nếu ông trao truyền được thì nó không phải cái chơn thật. Hãy tĩnh lặng và quan sát nó tự thể hiện trong hành động.

H: Nếu ông cho tôi biết cái tôi sẽ trở thành thì điều này sẽ giúp tôi theo dõi được tiến triển của mình.

M: Làm sao người khác có thể nói cho ông biết cái ông sẽ trở thành, vì không có sự trở thành? Ông chỉ phát hiện ra cái mà ông là. Mọi uốn nắn chính mình theo một khuôn mẫu nào đó chỉ lãng phí thời gian một cách nghiêm trọng. Không suy nghĩ đến quá khứ hay tương lai, chỉ hiện hữu.

H: Làm sao tôi có thể chỉ hiện hữu? Thay đổi là bất khả tránh.

M: Thay đổi là bất khả tránh trong cái vô thường, nhưng ông không bị sự thay đổi chi phối. Ông là hậu cảnh bất biến, nhờ nó mọi thay đổi được nhận thức.

H: Mọi cái thay đổi, hậu cảnh cũng thay đổi. Chẳng cần đến một hậu cảnh bất biến để nhận biết sự thay đổi. Cái Ta thì nhất thời – nó chỉ là một điểm, tại đó quá khứ giao tiếp với tương lai.

M: Dĩ nhiên cái Ta dựa vào ký ức thì nhất thời. Nhưng cái Ta đó cần phải có một sự liên tục không gián đoạn đằng sau nó. Kinh nghiệm cho ông biết có những khoảng trống khi cái Ta của ông bị quên mất. Cái gì đem nó trở lại với sự sống? Cái gì đánh thức ông dậy vào buổi sáng? Phải có một yếu tố bất biến nối liền những khoảng trống trong ý thức. Nếu quan sát kỹ ông sẽ thấy ngay cả ý thức hàng ngày của ông thường xuyên chớp tắt, luôn luôn có những khoảng trống xen kẽ. Cái gì ở trong những khoảng trống đó? Còn cái gì khác ngoài sự hiện hữu chơn thật của ông, nó vô thời, cả tâm lẫn vô tâm đều là một đối với nó.

H: Theo ông, tôi nên đến một nơi riêng biệt nào để chứng đắc tâm linh?

M: Nó thích hợp nhất là bên trong. Thế giới bên ngoài không giúp ích mà cũng chẳng ngăn trở được ông. Không pháp môn hay phương cách hành động nào có thể đưa ông đến đích. Từ bỏ mọi dự tính cho một tương lai, tập trung hoàn toàn vào cái bây giờ, chỉ quan tâm đến phản ứng của ông đối với từng động thái của cuộc sống khi nó xảy ra.

H: Cái gì là nguyên nhân của sự thôi thúc phải lang thang đây đó?

M: Không có nguyên nhân. Ông chỉ chiêm bao thấy ông lang thang đây đó. Trong vài năm nữa thời gian lưu lại Ấn Độ sẽ xuất hiện như một giấc chiêm bao đối với ông. Lúc đó ông sẽ mơ một giấc chiêm bao khác. Hãy nhận ra rằng ông không hề di chuyển từ giấc chiêm bao này sang giấc chiêm bao khác, mà các giấc chiêm bao trôi qua trước mặt ông và ông là nhân chứng bất biến. Không một sự kiện xảy ra nào có thể tác động đến sự hiện hữu chơn thật của ông – đây là chân lý tuyệt đối.

H: Không thể nào tôi di chuyển một cách vật lý nhưng vẫn giữ sự ổn định bên trong?

M: Ông có thể chứ, nhưng để làm gì? Nếu thành khẩn ông sẽ nhận ra rằng rốt cuộc ông sẽ chán lang thang và hối tiếc đã phung phí thời gian và sức lực. Để tìm chính ông, ông chẳng cần tốn một bước.

H: Có sự khác biệt nào trong kinh nghiệm về cái Ta và cái Tuyệt đối?

M: Không thể có kinh nghiệm về cái Tuyệt đối vì nó ở ngoài mọi kinh nghiệm. Trái lại, cái Ta là yếu tố đem lại kinh nghiệm trong từng kinh nghiệm, và như thế, về một phương diện, nó làm cho tính vô số của kinh nghiệm có giá trị. Thế giới có thể đầy những thứ có giá trị lớn lao, nhưng nếu không có người mua thì chúng không thể có giá trị. Cái Tuyệt đối dung chứa tất cả những gì có thể kinh nghiệm được, nhưng nếu không có người kinh nghiệm thì kinh nghiệm là không. Cái làm cho kinh nghiệm khả hữu chính là cái Tuyệt đối. Cái làm cho kinh nghiệm hiện thực là cái Ta.

H: Thế không phải chúng ta đạt đến cái Tuyệt đối thông qua sự tiệm tiến của nhiều kinh nghiệm? Bắt đầu với cái thô nhất, và kết thúc bằng cái cao thượng nhất.

M: Không thể có kinh nghiệm nếu không có sự mong cầu kinh nghiệm. Có thể có sự tiệm tiến giữa các mong cầu, nhưng ở giữa sự mong cầu cao thượng nhất và sự tự do vô mong cầu là một hố thẳm cần phải vượt qua. Cái hư giả có thể trông như thật, nhưng vô thường. Cái thật thì vô ngại thời gian.

H: Thế không phải cái không thật là sự thể hiện của cái thật?

M: Làm sao có thể như thế được? Nói thế chẳng khác nào bảo rằng chân lý thể hiện tự thân trong chiêm bao. Đối với cái thật, cái hư giả không hề có. Cái hư giả có vẻ như thật chỉ vì ông tin nó thật. Khi nghi hoặc nó thì cái giả chấm dứt. Khi yêu một người nào đó, ông dành cho tình yêu đó tất cả hiện thực – ông tưởng tượng tình yêu của ông vô cùng mãnh liệt và bất diệt. Khi cuộc tình chấm dứt, ông vỡ lẽ: “Ta cứ ngỡ nó thật, nhưng nó không thật.” Biến diệt vô thường là bằng chứng hùng hồn nhất về tính hư giả. Cái gì hữu hạn trong không gian, thời gian, và chỉ có thể áp dụng cho một người thì không thật. Cái thật thì cho tất cả và mãi mãi.

Ông yêu quí chính ông trên tất cả mọi thứ. Ông không chấp nhận bất cứ gì để đổi lấy sự tồn tại của ông. Ham muốn hiện hữu là ham muốn mãnh liệt nhất trong tất cả những ham muốn; nó chỉ ra đi khi ông nhận ra bản tính chơn thật của chính mình.

H: Ngay trong cái hư giả cũng có đôi chút thực tại.

M: Đúng, thực tại mà ông truyền cho nó bằng cách xem nó như thật. Sau khi thuyết phục chính mình tin tưởng, sự tin tưởng sẽ trói buộc ông. Khi mặt trời chiếu sáng, mầu sắc hiển hiện. Khi mặt trời lặn, mầu sắc biến mất. Không có ánh sáng, mầu sắc ở đâu?

H: Đó là cách tư duy theo nhị ngueyeen.

M: Tất cả tư duy đều nhị nguyên. Trong sự đồng nhất mọi tư duy không tồn tại.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Người dịch: Vũ Toàn

Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x