Trang chủ » Hãy tìm cách hiểu nguyên lý “Đứa trẻ vô minh”

Hãy tìm cách hiểu nguyên lý “Đứa trẻ vô minh”

by Hậu Học Văn
463 views

13. Ông phải có trước hành vi chứng kiến để sự chứng kiến có thể xảy ra

Maharaj: Ông cho biết đang viết một cuốn sách. Thế ông đã có cái biết cần thiết về cái Ta, hay ông viết sách mà không có cái biết cần thiết đó.

Khách: Tôi không viết sách về biết cái Ta.

M: Nếu không biết cái Ta thế ai là người viết?

K: Tôi đang viết một cuốn sách về “yogic asanas” – các tư thế yoga – cùng với một vị thầy về “yoga”. Cuốn sách không phải là sản phẩm của tâm tôi.

M: Không sao cả. Nhưng còn chính ông, bản tánh và diện mạo của ông? Ông viết về các sinh hoạt vật lý.

K: Xét cho cùng thì đúng. Tôi muốn biết chính tôi.

M: Nếu không có ông thì liệu còn có gì khác? Vì sao ông lại viết về những cách tập luyện này? Chỉ cần biết chính mình là đủ, có phải thế không?

K: Những gì trong cuốn sách sẽ sửa soạn cơ sở cho người tìm kiếm, chuẩn bị hành giả cho sự tìm kiếm cái Ta.

M: Thế cơ sở của ông đã được sửa soạn chưa?

K: Chưa, dĩ nhiên là chưa.

M: Thế tại sao ông lại viết sách?

K: Cuốn sách chỉ có tính cách kỹ thuật, với các hình ảnh.

M: Nhưng tác giả không biết chính mình, vậy lợi ích của tác phẩm là gì?

K: Như vậy thì tôi nên thân cận ông, nhưng như tôi đã nói cuốn sách chỉ có tính cách kỹ thuật và được sự giám sát của một vị thầy.

M: Lợi lạc của ông trong chuyện này là gì? Khi làm việc này ông có đạt được cái Ta của ông? Sự thành đạt quan trọng nhất trong đời là nhận ra cái Ta của chính mình.

K: Tôi đồng ý với ông. Theo một ý nghĩa nào đó, có thể tôi đã hưởng được lợi ích trong thời gian viết cuốn sách, nghĩa là tôi đã trưởng thành trong kinh nghiệm và trở nên chín chắn.

M: Điều ông nói có nghĩa là cùng với kinh nghiệm ông đã thu thập thêm khái niệm. Có phải ông là người trưởng thành cả về bề cao lẫn bề rộng?

K: Không phải.

M: Ông đến gặp Ta có mục đích gì?

K: Cứ mỗi lần đến gặp ông tôi đều có một cảm giác hứng khởi và hưng phấn.

M: Cả những thứ đó có lợi ích gì?

K: Tôi hiểu điều ông muốn nói.

M: Ai chứng kiến tất cả những cảm thọ hứng khởi và hưng phấn? Ai là người biết? Ông không nhìn chính ông mà lại mải mê với những cái khác.

K: Ông muốn nói rằng trong khi nhìn vào chính tôi, tôi cũng nên theo đuổi nghề nghiệp của tôi?

M: Một khi nhìn vào bên trong thì mọi chuyện tiếp theo sẽ xảy ra một cách tự nhiên cho ông. Trước khi ông nhận ra mẹ ông, tất cả những gì liên quan đến ông đều tự xảy ra mà ông không hề hay biết.

K: Vâng, tôi đồng ý.

M: Ông đã phát triển tự nhiên thành một con người. Trước khi có sự xuất hiện này, ông có cái biết nào không? Thay vì chú ý đến chủ đề này thì ông lại lôi cuốn chính ông vào chuyện của người khác!

K: Thế tôi nên chấm dứt việc làm hiện tại của tôi?

M: Vấn đề không phải là ông tiếp tục hay chấm dứt công việc của ông. Ông phải biết chính ông.

K: Nhưng cho đến khi thấy được chính tôi, tôi phải làm gì?

M: Ông đang làm một cái gì đó…

K: Lúc nãy ông nói, vì sao tôi lại lôi cuốn chính mình vào các sinh hoạt…

M: Đừng bận tâm đến chuyện phải làm hay không làm một cái gì đó; điều quan trọng nhất là ông hãy nhìn chính ông.

Người khách thứ hai: Nhưng ít ra, ông ấy đang làm một điều gì đó hữu ích, như viết một cuốn sách về yoga.

M “Yoga” là gì? Sự “kết hợp” ấy là gì? Người nào gặp cái gì?

K: Sự hợp nhất của linh hồn với Thượng đế.

M: Thượng đế chỉ là một từ ngữ mà ông đã nghe qua, còn linh hồn là kinh nghiệm trực tiếp về sự tồn tại của một người.

K: Tôi chỉ diễn tả ý nghĩa của “yoga” theo cách hiểu thông thường.

M: Nói như thế có nghĩa ông không hiểu “yoga” đích thực là gì. Ông có biết rằng chỉ những bậc thánh nhân đã giác ngộ cái Ta mới được tôn thờ, chứ không phải các “yogi”?

K: Như thế là tôi sai lầm khi theo đuổi “yoga”?

M: Có rất nhiều “rishis” và những người tu khổ hạnh thực hành “yoga”; nhưng họ có được tôn thờ không?

[Maharaj hỏi một người mới đến, người này đã từng gặp Đạo sư Ananda Mayi Ma] Ông có đạt được trạng thái ananda khi đến gặp Bà Đạo sư? Nếu đã giác ngộ “ananda mayi” thì ông không còn đến gặp bà ấy và cũng chẳng đến đây. Nếu hiểu được Ta nói gì thì đó là quá đủ.

K: Chẳng có gì khó hiểu cả.

M: Thế tại sao ông ngồi đây?

K: Tôi muốn ngồi đây một lúc.

M: Ông đã từng tiếp kiến Đạo sư Ananda Mayi, cho Ta và những người ở đây biết “ananda” là gì? “Ananda” – Cực Lạc – có một hình tướng cụ thể nào không?

K: Tôi không nghĩ “ananda” có hình tướng. Nhưng một người có thể cảm thấy hạnh phúc.

M: Đồng ý, nhưng liệu ông có thấy nó hay quan sát nó được không?

K: Thỉnh thoảng tôi có thể thấy tinh hoa của hạnh phúc sinh khởi từ Ananda Mayi Ma.

M: Thế ông không nghĩ rằng người biết phải có mặt trước mọi hành vi thấy hay cảm thọ?

K: Sau khi đọc I AM THAT (TA LÀ CÁI ĐÓ) tôi hiểu rằng người biết phải có mặt phải có mặt trước bất cứ gì có thể được thấy, được cảm thọ hay kinh nghiệm.

M: Ông – là nhân chứng – phải có trước hạnh phúc. Nhưng cái ông tối hậu, cái ông đích thực có trước cái ông nhân chứng. Hạnh phúc thì không lâu dài.

K: Lúc đầu, trong khi thiền quán tôi đã kinh nghiệm về “nhân chứng” trong tôi, tôi rất sợ vì cảm thấy bị phân thành hai; bây giờ thì tôi không còn kinh nghiệm này nữa.

M: Ông cảm thấy sự phân chia. Bây giờ cho Ta biết cái nào là “ông” – khái niệm về sự chứng kiến, hay sự chứng kiến khái niệm?

K: Tôi không có được sự phân biệt rõ ràng như thế.

M: Ít ra, hãy cho biết – dù ở bình diện tri thức – ông có kinh nghiệm trực tiếp sự vi tế đó không?

K: Tôi là người chứng kiến sự phân chia.

M: Hãy giải thích hai giai đoạn.

K: Tôi rất sợ tôi sẽ thấy sự phân chia.

M: Đó là sự phân chia của khái niệm hay đó là sự phân chia chính ông?

K: Cả hai đều không phải.

M: Đúng. Ông – cái Tuyệt Đối – không phải là một hay hai. Ông có trước cả hai.

Ngày xưa ở Ấn Độ, khi người đứng đầu nhà nước đi xe hơi thì chiếc xe của người đó có bảng nhưng không có số. Tương tự như thế, là cái Tối Thượng ông không cần một con số nào cả.

[Maharaj lại nói với người viết sách về yoga]: Ông là một “yogi” và ông hiểu Ta đang nói gì.

K: Vâng. Tôi hiểu đôi chút nhưng tôi không phải là một “yogi”.

M: Nhưng ông từng nghiên cứu các pháp môn “yoga” và thực hành “yoga”. Khi ông bỏ đường hay muối vào nước thì chúng hòa tan trong nước. Bây giờ Ta hỏi ông: Ông đã hội nhập vào cái gì?

K: Có lúc tôi hội nhập.

M: Thế còn những lúc khác?

K: Tôi niệm danh hiệu linh thiêng, tôi trì “japa”.

M: Mục đích của trì “japa” là bảo tồn chính mình, có nghĩa là cái biết phải được duy trì. “Japa” trong tiếng Marathi có nghĩa là giữ gìn, bảo vệ. Ông phải bảo vệ sự hiện hữu của ông bằng “japa”.

Một người khách khác: Hiện hữu là gì?

M: Cái “ông là”, cái biết “có mình” vô ngôn, ý thức về sự hiện hữu thuần túy. Ai đã đến gặp Đạo sư Ananda Mayi Ma, thân xác hay sự hiện hữu? Sự hiện hữu có trước thân, tâm và sự sinh khởi của ngôn từ. Ông có hành trì “japa” không?

K: Có.

M: “Japa” cũng như một cách điều trị sự hiện hữu của ông, cũng như ông uống thuốc và đắp dược thảo lên thân thể để được khỏe mạnh.

K: Đó là điều tôi cảm thấy rất mãnh liệt.

M: Ông cảm thấy thanh thản.

K: Vâng, rất nhiều. Nhưng vì biết đôi chút về hành vi nhân chứng, tôi không biết phải trì “japa” như thế nào.

M: Vào lúc ông biết ông đang trì “japa”?

K: Vâng.

M: Thế đó không phải là hành vi nhân chứng, hay hành vi nhân chứng xảy ra đối với ông?

K: Phải.

M: Hành vi nhân chứng xảy ra một cách tự nhiên. Khi ngôn từ của ông đi vào trong Ta thì Ta đáp lại. Tương tự như thế, khi chúng ta cảm nhận bất cứ gì thông qua các giác quan thì hành vi chứng kiến sự cảm nhận tự xảy ra, chẳng có cố gắng đặc biệt nào là cần thiết.

K: Tôi muốn hỏi ông về thiền và “yoga”.

Mười năm trước, Đạo sư Ananda Mayi Ma bảo tôi trì “japa”. Sau một thời gian tôi bắt đầu chứng kiến “japa” tiếp diễn trong tôi. Rồi Đạo sư Ananda Mayi Ma bảo tôi theo đuổi nó. Nhưng vấn đề của tôi là: Làm sao đạt được cái biết “Ta hiện hữu” và sự hiện hữu?

M: Hành vi chứng kiến đầu tiên là sự chứng kiến “có mình”, các hành vi chứng kiến khác xảy ra sau đó. Nếu hành vi chứng kiến “có mình” không xảy ra trước tiên thì không thể có bất cứ hành vi chứng kiến nào khác. Khi sự tuôn chảy của ngôn từ sinh khởi trong ông, như Ta đã nói, sự chứng kiến ngôn từ sinh khởi xảy ra một cách tự nhiên trong ông. Ta lập lại: Cảm giác “có mình” phải xuất hiện trước tiên, rồi sau đó sự tuôn chảy của ngôn từ và hành vi chứng kiến sự tuôn chảy đó xảy ra cùng một lúc. Như thế, không phải ông có trước ngôn từ hay sao?

K: Tôi không biết.

M: Đó chính là vô minh, và nhận ra nó là biết. Trong sự phân tích sau cùng, ông – cái Tuyệt Đối – không phải cái biết này.

K: Tôi xin hỏi một câu có được không?

M: Hãy nhớ đến Đạo sư Ananda Mayi, và ông hãy đặt câu hỏi với sự ghi nhớ này trong tâm vì Ananda Mayi là Đạo sư của ông.

K: Bây giờ tôi cảm thấy chỉ có một mình tôi mà không hề có đạo sư.

M: Ông nói đúng. Ông phải an trụ trong cái hiểu đó và chỉ trong cái hiểu đó. Nhưng trước khi đi đến kết luận này, ông có hiểu ông là gì và đạo sư là gì không?

K: Đạo sư là người bảo tôi phải làm gì và tôi là người phải làm theo những gì được chỉ bảo.

M: Gọi cái biết “Ta hiện hữu” là đạo sư có được không?

K: Vâng, được.

M: Nhưng ngay cả “cái biết” đó cũng không phải là ông!

K: Khi ông nói “cái biết” có phải đó là ý thức?

M: Hẳn nhiên, “biết”, “Ta hiện hữu” có nghĩa là ý thức, là Thượng đế, là “Ishwara”, là đạo sư, vân vân. Nhưng ông – cái Tuyệt Đối – thì không phải những cái đó.

Một người khách khác: Tôi xin hỏi, tôi là ai?

M: Ông có trước hay sau khi hỏi?

K: Cả hai.

M: Cần phải hiểu và nhận ra rằng cái “Ta hiện hữu” có trước khi mọi ngôn từ và câu hỏi sinh khởi trong Ta. Người ta luôn luôn muốn lấy một cái tên hay một khái niệm để chỉ trạng thái “Ta hiện hữu” trước khi có ngôn từ. Khi đặt cho trạng thái đó một cái tên, chẳng hạn như “Brahman” thì họ thỏa mãn.

K: Tôi không an vui, tôi rất sợ hãi.

M: Kể cả ngay bây giờ, hay trước kia?

K: Ngay cả bây giờ.

M: Sự sợ hãi đó là do ông nhận diện với thân tâm. Khi không có cái biết về thân xác, liệu có thể có sự sợ hãi?

K: Không. Khi Đạo sư của tôi bảo tôi là “Brahman” thì bắt đầu có sự sợ hãi này.

M: Đúng thế. Trước những lời lẽ đó của Đạo sư thân tâm ông bàng hoàng vì sự tan rã của nó bắt đầu! Sự sợ hãi của ông là ở trong tâm.

K: Tôi biết điều đó, nhưng tôi vẫn sợ. Thân xác sợ nó không còn nữa.

M: Hãy trở lại với Ananda Mayi Ma. Khi Ananda Mayi nhập vào “ananda mayi” (cái Ta của bà ấy) thì đó là trạng thái Tối Thượng, cái Tuyệt Đối. “Ananda Mayi” biểu thị một trạng thái cực lạc nhưng vẫn còn thuộc tính. Đó là ý thức.

K: “Ananda mayi” thuộc về thế giới này?

M: Ngược lại thì đúng, tất cả các thế giới đều ở trong dạ con của “Ananda mayi”. “Ananda mayi” là gì? Là trạng thái thuần cực lạc của ông, là cái biết “có mình”. Nếu không có cái biết này thì không có gì cả! Ông cho “ananda mayi” là một nhân vật nhưng hoàn toàn không phải thế. “Ananda mayi” là trạng thái hiện hữu.

Ngày 13 tháng 3 năm 1980

❁ ❁ ❁

14. Ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” còn vi tế hơn không gian

Maharaj: Sự hiện hữu chỉ có thể hành động trong thế giới với sự trợ giúp của một thân xác. Thân xác là tinh hoa của ngũ đại, và tinh hoa của thân xác là cái biết “Ta hiện hữu”. Nếu không có thân xác thì sự hiện hữu không thể biết chính nó. Như vây, ông chỉ bám lấy nguyên lý nội thân đó, tức sự hiện hữu, mà thôi. Tiềm năng của mọi hoạt động đều tùy thuộc vào sự hiện hữu tiềm ẩn trong các tinh chất của thân xác thực phẩm. Các tinh chất này phát sinh từ ngũ đại. Nguyên lý chủ yếu của toàn thể chức năng là cái biết “Ta hiện hữu”, tức tinh chất của thân xác ngũ đại. Cần phải hiểu đúng cái biết “Ta hiện hữu” này. Sự hiện hữu, hơi thở của sự sống và tâm đều không có hình tướng.

Trong tiến trình vận hành của ngũ đại vô số hình tướng thân xác của các chủng loại khác nhau được tạo ra. Khi hơi thở truyền sự sống cho các hình tướng này thì sự hiện hữu cũng tự thể hiện qua các hình tướng đó. Tinh chất của thực vật, được gọi là “sattva” nhập vào sự tạo thành những thân xác khác nhau của các chủng loại. Và ý thức về sự hiện hữu có nguồn gốc là tinh chất thực phẩm cư trú trong các thân xác đó. Mỗi chủng loại có một tên gọi khác nhau tùy theo hình dáng hay hình thể của thân xác. Sự thể hiện và hành động của các chủng loại cũng khác nhau, tùy theo hình thể thân xác của chúng.

Trong các chủng loại, loài người là chủng loại tiến hóa cao nhất, và do đó đủ tư cách được gọi là “Ishwara”, hay Thượng đế. Với sự vận hành của hơi thở, giòng tâm bắt đầu hoạt động trong thân xác con người, và các hành động được thực hiện tùy theo các “samskaras” (Những ấn tượng thuộc tiềm thức được ghi lại trong vô thức bởi các kinh nghiệm trong kiếp này hay các kiếp trước.), tức là những ấn tượng được tâm thu thập từ bên ngoài.

Một thân xác có thể đen hay trắng, cao hay thấp nhưng nguyên lý nội thân – tức cái biết “Ta hiện hữu” – thì không có mầu sắc hay chiều kích, hơi thở của sự sống và tâm cũng thế. “Ta hiện hữu” đơn thuần chỉ là “ý thức về sự hiện diện”, một cảm giác về sự tỏa sáng. Và tâm hoạt động như phương tiện của nó để thực hiện các sinh hoạt trong thế giới.

Ông muốn hành thiền, vậy ông nên hành thiền. Chân thiền là an trụ trong ý thức hiện hữu này. Thật vậy, thiền có nghĩa là: ý thức hiện hữu bám lấy chính nó. Người ta tin rằng sau khi chết họ lên thiên đường hay xuống địa ngục. Đó chỉ là khái niệm và những gì được nghe nói. Khi thân xác chết đi, nguyên lý nội thân “atman”, tức ý thức hiện hữu, mất đi ký ức về sự hiện hữu của nó và không còn biết “có nó”. Trong trạng thái này không có ngủ, thức và biết.

Ông phải quán triệt điều này. Nếu một người nghĩ mình là thân xác thì người đó trở thành nô lệ của tâm và do đó chịu đau khổ. Vì thế, ông phải triệt để nhận diện chính ông với nguyên lý tối thượng trong ông, tức cái biết “Ta hiện hữu”. Kết quả là ông sẽ đạt đến địa vị “brihaspati”, tức là thầy của chư thiên.

Ông nghĩ rằng ông là một người nào đó, nhưng ông hoàn toàn không phải như thế.

Ý thức hiện hữu được thể hiện qua thân xác chỉ là kết quả của cái Tuyệt Đối bao trùm tất cả. Ý thức hiện hữu này mê đắm chính nó nên được gọi là “atma-prem” – có nghĩa là lòng yêu quý cái Ta. Nó cũng còn được gọi là “guna”, Shiva, và Brahman. Chính lòng yêu quý cái Ta này hoạt động qua nhiều thân xác khác nhau. Vì chỉ có nguyên lý duy nhất này thể hiện chính nó bằng nhiều cách khác nhau, qua nhiều phương tiện khác nhau nên không có “ông”, “tôi” hay “hắn”. Khi thân xác chết đi, nó tan rã vào năm đại nguyên thủy; và hơi thở của sự sống – “prana” – hòa nhập vào không khí của vũ trụ. Còn “guna” – tức ý thức hiện hữu – lập tức trở thành “nirguna” hay phi hiện hữu, giống như ngọn lửa bị dập tắt ngay tức thời. Hãy chú ý lắng nghe những gì Ta nói.

Nếu không có hơi thở của sự sống, “guna” không có được tính chất của hiện hữu.

Chỉ khi nào “guna” tồn tại thì các danh hiệu vĩ đại như Shiva, Brahma và Vishnu mới có thể áp dụng. Nếu không có “prana”, tức hơi thở của sự sống thì không thể có sự vận động hay tính chất năng động của thân xác và ngay cả đối với “guna”. Tóm lại, khi người bạn thân và cũng là người hầu cận thân tín của nó – “prana” – từ bỏ thân xác thì nguyên lý tối thượng, “guna” cũng biến mất. Ý thức tiềm ẩn trong một đống hạt, và khi hội đủ nhân duyên nó lại thị hiện tùy theo hình tướng và tính chất của các chủng loại. Nếu ai có câu hỏi về chủ đề này, hãy lên tiếng.

Khách: Các hình thể sinh học được cấu tạo một cách tự nhiên mà không hề có một mục đích nào?

M: Phải, nhưng một chủng loại chỉ sinh sản trong phạm vi hình thể của chính nó.

Con người không sinh ra loài cầm thú và ngược lại. Trở lại với ý thức về cái biết “Ta hiện hữu”, ông phải hiểu rằng cái biết này là nguyên lý vi tế nhất, nó còn vi tế hơn cả không gian. Khi nó biến mất vì cái chết của thân xác và sự chấm dứt của hơi thở, sự kiện này được gọi là “nirvana”. Đây là trạng thái không còn vết tích của cái biết “Ta hiện hữu” – một trạng thái tuyệt đối không còn một vết tích nào. Trạng thái này – không biết “nó hiện hữu”, ở ngoài mọi hạnh phúc, đau khổ và hoàn toàn siêu vượt ngôn từ – được gọi là “Parabrahman”, trạng thái phi kinh nghiệm.

K: Trạng thái cực lạc trong thiền là gì?

M: Khi thiền giả hoàn toàn quên mất chính mình trong thiền, đó là trạng thái “vishranti”, có nghĩa là tuyệt đối an nghỉ, chấm dứt trong sự hoàn toàn quên lãng. Đây là trạng thái cực lạc, trong đó không cần đến ngôn từ, khái niệm và thậm chí ngay cả ý thức “Ta hiện hữu”.

K: Tất cả mọi khái niệm trong chúng tôi đều sinh khởi từ cái nguyên lý tiềm ẩn trong bào thai. Có phải thế không?

M: Phải.

K: Như thế thì liệu sự sinh khởi của ý nghĩ cũng đã được quyết định trước?

M: Ý nghĩ không do tiền định, mà là những phản ứng của các ấn tượng, của các “samskaras” được ông tiếp nhận bây giờ.

K: Thượng đế hay “Ishwara” được cho là thông suốt mọi sự – thấy biết tất cả. Điều này có nghĩa gì?

M: “Ishwara” không phải là một con người cá nhân. “Ishwara” là nguyên lý bao trùm tất cả, tiềm ẩn trong mọi vật. Nguyên lý này thị hiện trong ngũ đại, ba “gunas” và trong chu trình “thức, ngủ và biết”.

K: “Ishwara” có nghĩa là bất nhị?

M: Nhị nguyên chỉ ở bình diện thân tâm. Trong ý thức bao trùm vũ trụ hàng triệu sự sinh ra mỗi ngày, nhưng trong tính Tuyệt Đối căn bản của nó, nó là “ajanma” – có nghĩa là Bất Sinh. Khi là ý thức vũ trụ, nó là đa tính chất, nhưng khi là trạng thái Tuyệt Đối thì nó là “nirguna” – phi tính chất.

[Maharaj nói với một nhà văn người Mỹ]: Bà nên rời đây sớm, trước khi bà tiếp thu cái biết này trọn vẹn, nếu không rời đây bà sẽ mất hết tất cả mọi “diện mạo” đấy.

K: Tôi không thể nói…

M: Nhưng Ta nói, ông sẽ thản nhiên đối với sự đến và đi của các khái niệm, ngay cả ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” của ông rồi cũng sẽ được thanh lý. Ở xứ sở này, nhiều đời nay người ta vẫn chấp nhận rằng một danh hiệu thiêng liêng thường chuyên chở một công năng tâm linh to lớn nếu được trì niệm đúng mức mà cho đến nay vẫn chưa có sự thay thế nào tốt hơn. Hàng triệu người trên thế gian này được nhân cách hóa bởi cái tên đặt cho họ, vì cái tên có sự tiện ích của nó ở bình diện thế gian. Ông được thu nhận vào một môn phái tâm linh với một pháp danh, có nghĩa là pháp danh này tiêu biểu cho “bản tánh đích thực tối hậu” của ông. Hãy hoàn toàn là một với pháp danh này, rồi nó sẽ cho ông tất cả cái biết bí ẩn cần thiết cho sự thăng tiến tâm linh. Nó sẽ thức tỉnh ông vào “tánh biết thường hằng” của chính ông.

Đó là khai tự kỳ bí của “Navanath-Sampradaya” – tông phái truyền thống của chín vị Chân sư (Nine Gurus). Các chân sư này không hề được giáo dục hay có sở học cao rộng. Theo truyền thuyết, có một người ngồi trên cành cây cao nhất tìm cách chặt chính cành cây anh ta đang ngồi, ở chỗ sát với thân cây! Một vị đạo sư tình cờ đi qua thấy được sự chú ý thiển cận của gã đàn ông khờ khạo, nên khởi từ tâm và ban cho anh ta một cái tên, người đàn ông chuyên cần trì niệm cái tên nó. Vào đúng thời điểm, anh khờ này trở thành một thánh nhân. Đó là công năng của sự trì niệm danh hiệu thiêng liêng với tất cả chuyên tâm chú ý.

Ngày 29 tháng 3 năm 1980

❁ ❁ ❁

15. Sự hội nhập của hiện hữu vào chính nó là suối nguồn của cực lạc

Maharaj: Trước khi có sự sinh khởi của ngôn từ thì đã có “Ta”, rồi Ta thầm nói: “Ta hiện hữu”. Trạng thái vô ngôn vô tưởng là “atman”.

Tự thân “atman” đầy đủ với chính nó. Nhưng khi “atman” bám lấy thân xác thì cần phải có các “phương thức trị liệu” như các trò giải trí hay bận rộn tâm lý và vật lý, nếu không thì một người không thể nào chịu được “atman”. Để có được tiến hóa tâm linh, điều kiện tất yếu là tách rời “atman” khỏi diện mạo thân xác, và vì mục đích này mà nhiều pháp môn đã được đặt ra.

Trong số các pháp môn đó, pháp môn “namasmarana” – tức trì niệm một danh hiệu thiêng liêng của Thượng Đế – được cho là tối thắng. Ở đây Thượng Đế có nghĩa là nguyên lý cư trú nội thân – tức “atman” – và nguyên lý này được gán cho vô số danh hiệu. Các danh hiệu này tiêu biểu cho “Thượng Đế bên trong”, Ngài sẽ đáp ứng dù ông trì niệm bất cứ danh hiệu của Thần linh nào khác. Thói quen lần tràng hạt chỉ làm cho tay ông bận rộn, đúng ra chính vị “Thượng Đế bên trong” này mới là người ông cầu khẩn. Vị Thượng Đế này được đánh thức khi ông lần tràng hạt bằng cách niệm tên của vị ấy. Cũng như vú của bò mẹ tuôn sữa khi thấy con nó vừa chạy đến vừa kêu “ama-ama”, thì sự hiện hữu rưới ân huệ lên người nào trì niệm danh hiệu thiêng liêng của nó và lần hạt với tất cả lòng thành khẩn bằng cách đem người đó vào sự tĩnh lặng.

Mục đích chính của sự trì niệm dan hiệu này là trì giữ cái biết “Ta hiện hữu” này trong chính nó. Người nghe trong chính ông lắng nghe tiếng trì niệm và cảm thấy rất hài lòng.

Đây là lý do vì sao những người thường trì niệm danh hiệu và lần hạt mỗi ngày cảm thấy khó chịu khi không được làm như thế. Tukaram, thi sĩ thánh nhân của trường phái Maha-rashtra, đã khẳng định nguyên lý này khi ngâm một trong hai câu thơ:

“Ta hân hoan khi khóa chặt hiện hữu của Ta trong chính nó bằng tất cả thành tâm.

Thế là Ta đã đạt đến tột đỉnh sự tìm kiếm tâm linh của Ta, và kết quả là những thiên hướng của tâm Ta khô cạn”.

(Thiên hướng của tâm – Mental inclinations – Tukaram muốn nói đến những gì trong Ấn giáo vẫn gọi là “vasanas” hay những khuynh hướng tiềm ẩn. Chúng là sự kết tập của những ước muốn ẩn tàng, khuynh hướng bẩm sinh và thói quen tập nhiễm sâu dầy, tạo thành sự tồn tại của một thực thể hư giả gọi là “tôi”. Sự thanh tẩy các khuynh hướng tiềm ẩn này được xem như điều kiện thiết yếu để giải thoát. Tiến trình làm cho khô kiệt và dần dần biến mất các nguồn năng lượng tâm lý này còn được các bậc giác ngộ xứ Ấn gọi là “Thanh tẩy tâm”.)

Sự hội nhập của hiện hữu vào chính nó là suối nguồn của cực lạc. Nhiều bậc thánh nhân ở trong trạng thái đó không hề biết đến tình trạng thể xác của mình mà chỉ nằm trên đất, tận hưởng an lạc trong chính họ. Một số người tìm kiếm tâm linh lầm lạc, dưới sự trợ lực của ma túy như cần sa, chỉ tạo ra được sự quên lãng giả tạo. Họ chỉ làm tê dại các giác quan bằng các phương tiện bên ngoài. Những người đó không thể có sự an lạc lâu dài, mà chỉ có được dư vị của ma túy và những cái đầu hư hỏng. Nếu muốn có được an lạc trường tồn, ông có thể có nó và là nó bằng con đường sùng kính thuần thành: “nama-japa” hay “bhakti-yoga”.

Ngày 30 tháng 3 năm 1980

❁ ❁ ❁

16. Hãy tìm cách hiểu nguyên lý “Đứa trẻ vô minh”

Maharaj: Những gì Ta thuyết giảng là về cái biết tổng thể. Đó không phải là một mẩu sự kiện. Ta xem sự thị hiện như một tổng thể còn ông lựa ra một mảnh, một khái niệm của những gì Ta nói, rồi bảo: “Tôi thích ý tưởng này” và cho nó một địa vị cao cả bằng cách gán cho nó những danh hiệu như “Brahman”, “Vishnu” vân vân. Ông không tìm cách hiểu ý nghĩa tổng thể và “hữu ích” của những gì Ta nói.

Khách: Ông vừa nói về nguyên lý “đứa trẻ vô minh”. Xin có thể nói rõ hơn chút nữa được không?

M: Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó chỉ là một hình thể vô hại gồm xương thịt và hoàn toàn vô tư. Nó không có các trạng thái tâm lý mà chỉ có bản năng ăn uống, bài tiết và khóc. Theo trình tự khối thịt này phát triển khả năng biết và hành động. Dần dần cái biết “Ta hiện hữu” được nó cảm nhận rồi sau đó tâm xuất hiện. Cái biết “Ta hiện hữu” này được cảm nhận trước khi có sự hình thành của tâm chính là nguyên lý “đứa trẻ vô minh”, còn được gọi là trạng thái “balkrishna”. Nguyên lý này chính là nguồn gốc hay nền tảng mà trên đó đứa trẻ phát triển qua các thời thơ ấu, thời thiếu niên, thời dậy thì, vân vân và không ngừng trải qua những thay đổi vật lý và sinh lý.

Cuối cùng rồi nó cũng đến tuổi thành niên khi tất cả khả năng vật lý và tâm lý đạt đến tột đỉnh. Nhưng cái gì là gốc rễ của tất cả những gì đạt được này? Đó chỉ là nguyên lý “đứa trẻ vô minh” nó phát triển với sự tăng trưởng chuyên nhất từ trong ra ngoài. Trong tiến trình tăng trưởng thành người lớn và sau này, nó tiếp nhận, ghi lại và phản ứng đối với tất cả mọi ấn tượng thông qua các giác quan và tâm. Nhưng tất cả những chuyện này chỉ xảy ra sau khi nó biết chính nó.

Khái niệm lầm lẫn của ông về cái biết là: Thu thập các dữ kiện và ý tưởng từ bên ngoài về cái biết hay sự nhận thức qua năm giác quan. Rồi ông truyền lại cho người khác như thể đó là cái biết quan trọng và ông bị mê hoặc bởi nó. Còn Ta khi nói về cái biết, Ta không đề cập đến cái biết từ bên ngoài đó, mà Ta nói về cái biết “có mình”, tức sự hiện hữu của ông, hay về “nguyên lý đứa trẻ” tức trạng thái “balkrishna”, nguyên nhân gốc rễ của tất cả những gì ông thụ đắc, cả về tâm linh lẫn thế tục. Ông phải cố hiểu “nguyên lý đứa trẻ” này là gì. Ta chỉ nói về nó, chứ không phải cái được gọi là “biết” đạt được từ bên ngoài thông qua các giác quan.

Nguyên lý “balkrishna” có tiềm năng rất to lớn. Nó chính là loại “hóa chất” phát triển những ký ức lưu trữ hình ảnh, nó có thể lưu giữ và mô phỏng lại bất cứ gì đọc được hay nghe được dù chỉ một lần. Đó chính là khả năng bẩm sinh của “nguyên lý đứa trẻ vô minh – đứa trẻ không biết” hay còn gọi là “balkrishna”. Ở đây “bal” có nghĩa là tinh chất thực phẩm, tức thân xác đứa trẻ, và “krishna” có nghĩa “không biết” hay còn là vô minh. Nhưng nó có tiềm năng tiếp nhận, đối đáp và phản ứng.

Ông chẳng làm gì cả. Tất cả những chuyện đó tự xảy ra trong ông. Nếu ông muốn hiểu ý nghĩa sâu xa của cái biết này thì hãy tìm đến tận cội nguồn, đến với sự hiện hữu của ông, và bám chặt lấy nó. Nhưng quan trọng hơn tất cả là đừng thu thập khái niệm.

Ở đây, những thuyết giảng này tự diễn ra như hơi thở. Hàng trăm người đến nghe thuyết giảng, nhưng Ta không khoác lấy một điệu bộ nào. Vì sao thế? Trong cái đốm hiện hữu của Ta, trong khi Ta quan sát chính Ta và mọi thứ khác cùng với sự hiện hữu thì sự giác ngộ xảy đến với Ta. Từ đó về sau, tất cả những gì diễn ra đều tự xảy ra. Ngay cả sự thuyết giáo cũng tự xảy ra, và do đó Ta không phải người nói. Ta cũng không ở trong trạng thái “nguyên lý đứa trẻ” hay “balkrishna” vì Ta an trú trong cái Tuyệt Đối.

Ngày 4 tháng 4 năm 1980

❁ ❁ ❁

17. Để biết mình là cái gì, một người phải biết sự hiện hữu của chính mình

Khách: Sự khác biệt giữa tâm linh và phân biệt là gì?

Maharaj: Phân biệt có nghĩa là lựa chọn ngôn từ và ý nghĩa thích đáng về chúng ta. Tuy nhiên, ngôn từ thích đáng về bản tánh đích thực và mô tả trạng thái tối hậu của chúng ta thì không bao giờ có. Từ một đống lúa mì, ông lựa ra những cây lúa tốt để ăn và loại bỏ đá sạn và những cây lúa lép. Sự phân biệt cũng được dùng như thế.

Ông hiện đang nhận diện mình với thân tâm. Do đó trong những giai đoạn đầu tiên của sự tu tập tâm linh, ông phải loại bỏ sự nhận diện đó bằng cách hiểu rõ nguyên lý “Ta hiện hữu” chỉ là hơi thở của sự sống và ý thức, mà không phải thân tâm. Trong những giai đoạn sau, hơi thở của sự sống và ý thức – tức cái biết “Ta hiện hữu” – nhập vào bản tánh tối hậu của một người cũng như các tư tưởng của một nhà bác học hay một học giả chìm vào trong người đó khi đi ngủ. Trong giấc ngủ sâu một người không biết chính mình, vì ngay cả ý thức về sự hiện hữu của người đó cũng đã hòa nhập vào người đó.

Khi nhận ra rằng mình không phải thân tâm thì ông không hề bị ảnh hưởng bởi bất cứ biến đổi tâm lý nào. Trong trạng thái đó, ông là ý thức năng động vũ trụ. Ông phải an trú trong trạng thái này.

Chừng nào còn có sự nhận diện với thân tâm thì còn cảm thấy lạc thú, đau đớn và khốn khổ. Giả sử như một con tàu chìm ở giữa biển với hàng ngàn hành khách. Thử hỏi nếu không có thân tâm thì diện mạo của họ có thể thoát khỏi tai họa đó không? Ngoài ra, liệu các nạn nhân có biết gì về chính họ sau thảm kịch đó, khi thân xác của họ hoàn toàn tiêu tan? Trong những tình huống như thế, ngay cả thân nhân còn sống cũng không thể hình dung ra trạng thái của các hành khách bất hạnh kia. Để xác định một diện mạo thì thân xác, hơi thở của sự sống và sự hiện hữu là những điều kiện tiên quyết.

K: Từ bi, tha thứ, bình an và ràng buộc đều thuộc về cõi giới loài người. Tôi nói như thế có đúng không?

M: Những đặc tính này chỉ có ý nghĩa khi nào có sự hiện hữu, chức năng của thân xác và hơi thở của sự sống. Khi ba nguyên lý này hoạt động tương thuận với nhau thì có tất cả, còn không thì chẳng có gì cả.

Thực hành tâm linh có nghĩa là an trụ trong cái Ta. Khi đàm luận hay tư duy về các đề tài như phân biệt hay tâm linh thì ông chỉ nghiên cứu với tư cách khách thể và cục bộ. Còn Ta nói về các đề tài này trong tư cách chủ thể và tổng thể bằng cách chỉ thẳng nguyên lý bao trùm tất cả, tức cái Ta. Hiểu cái Ta, cái Ta.

Chừng nào thân xác của ông, hơi thở sự sống và sự hiện hữu còn đó thì ông biết “có ông”. Khi hơi thở sự sống ra đi, thân xác rũ xuống và sự hiện hữu tan biến; diễn tiến này được gọi là “chết”. Người chết không thể biết bất cứ gì. Người chết không thể biết mình “hiện hữu” hay “đã hiện hữu”. Như thế không hề có sự tồn tại của một người chết đối với chúng ta hay đối với chính người đó.

Hãy đến tận gốc rễ sự hiện hữu của ông. Trong tiến trình này ngay cả sự hiện hữu cũng sẽ bị vượt qua và chỉ cái “Ông” tối hậu còn lại mà không có cái biết “có mình”. Trạng thái tối hậu được gọi là “vishranti” có nghĩa là hoàn toàn an nghỉ, hoàn toàn thảnh thơi, hoàn toàn tĩnh lặng, vân vân.

Còn một nghĩa nữa, bằng cách chiết tự, là “vishara-anti” tức “cuối cùng quên mất chính mình”. Có nghĩa là trong trạng thái tối hậu cái biết “mình hiện hữu” hoàn toàn bị quên mất. Dù là “Ta hiện hữu” hay “Ta không hiện hữu” cả hai đều bị quên mất. Đây là trạng thái quên mất của sự an nghỉ: “parama-vishranti”. Đừng chấp nhận những gì Ta nói một cách dễ dàng. Nếu còn nghi hoặc thì cứ hỏi. Nếu có ai đó đặt câu hỏi thì các câu hỏi đều phát sinh từ bình diện thân tâm, và tâm có nghĩa là bất cứ gì được thu thập từ bên ngoài mà không phải của chính mình. Vậy, hãy hỏi về những gì vừa được thuyết giảng và hỏi từ vị thế đúng.

K: Làm thế nào để kinh nghiệm trạng thái Tối Thượng?

M: Không có vấn đề kinh nghiệm. Ông chính là trạng thái Tối Thượng.

K: Mọi kinh nghiệm đều hình thành qua các giác quan.

M: Đúng, nhưng “Ông” – người kinh nghiệm sau cùng – không phải là sự tổng kết của các kinh nghiệm. Khi thức giấc, ông biết “có mình”; đó là cái biết của ông. Trước khi có cái biết này, bất cứ gì “ông là” đều không phải cái biết.

K: Thế cái đó có liên quan với cái Tối Hậu?

M: Có vô số tước hiệu và biểu tượng, nhưng “Ông” có trước tất cả mọi biểu tượng.

K: Chúng tôi có sự giác ngộ không?

M: Tất cả đều là khái niệm. Trạng thái tối hậu thì ở ngoài mọi nắm bắt của ngôn từ. Từ một khái niệm, vô số các khái niệm khác hình thành, và mọi chuyện đều diễn ra với những khái niệm này và thông qua những khái niệm này. Theo cách đó, nhà kho chất chứa đầy những khái niệm. Nhưng khi chính khái niệm đầu tiên bị loại trừ thì còn đâu là những khái niệm về sau?

K: Cái “Ta” này có được phóng đại lên không?

M: Ông bao nhiêu tuổi?

K: Sáu mươi mốt.

M: Đi ngược thời gian về một ngày trước sáu mươi mốt năm của tuổi ông, lúc đó ông có biết ông sắp nhận sự sinh ra không?

K: Hẳn nhiên là không. Trước khi sinh ra, tôi hoàn toàn không biết tôi sắp được sinh ra.

M: Bây giờ đã được sinh ra, có bao giờ ông hỏi vì sao ông đã được sinh ra? Trước đó, cái biết “Ta hiện hữu” này đã không có trước khi sinh ra.

K: Tôi không biết mình đã được sinh ra khi nào và cũng chẳng biết khi nào mình sẽ chết đi.

M: Trong suốt thời gian qua, tại sao ông không tìm hiểu? Bây giờ ông có cái biết “Ta hiện hữu”, làm sao ông đã có cái biết này? Cứ cho rằng ông đã được sinh ra mà không hề hay biết, nhưng một người ngủ dậy thấy mình có cái nhọt lớn mà không thắc mắc “Ta đã có cái nhọt này vào lúc nào” hay sao?

K: Tôi đã tìm hiểu.

M: Ông đã hỏi ai? Ông đã nhận được câu trả lời gì?

K: Tôi chẳng nhận được câu trả lời nào cả.

M: Bằng cách nào và vì sao lại có cái biết “Ta hiện hữu”? Đó là điều ông phải biết. Cái biết “Ta hiện hữu” này đã xuất hiện như thế nào từ trạng thái không biết?

K: Tôi không biết.

M: Ông phải biết điều đó. Tất cả những thông tin ông có được dùng để làm gì? Hàng ngàn người vừa chết chìm với con tàu. Những thông tin nào mà ông có thể có về tình trạng hiện nay của họ?

K: Chết.

M: Hiển nhiên là không có gì cả. Liệu một người không biết sống hay chết là gì thì người đó có thể biết về cái chết của mình?

K: Chúng ta phải hỏi người chết đó.

M: Thế ông sẽ đi hỏi người chết? Cái biết này đã xuất hiện một cách không hay biết. Bằng cách nào? Từ “Không” cái biết “Ta hiện hữu” này đã xuất hiện. Bằng cách nào? Trước khi sinh ra, có bao giờ ông đã kinh nghiệm cái biết “Ta hiện hữu” không?

K: Có lẽ là không.

M: Vì sao lại “có lẽ”?

K: Chắc chắn là không. Thu thập bất cứ dữ kiện nào về trạng thái “không biết” chỉ là chuyện dỗi hơi.

M: Thế tại sao bây giờ ông lại bám chặt lấy cái biết, vì ông chắc chắn sẽ gặp cái chết? Trước khi sinh ra, ông đã không biết ông hiện hữu. Rồi ông sẽ chết, thế thì tại sao lại bám lấy các khái niệm về thiên đường, địa ngục, công hạnh và tội lỗi? Sau khi nghe những gì Ta nói, liệu ông có quay lại và quan sát?

K: Thỉnh thoảng tôi làm điều đó.

M: Lợi ích của sự quay lại và quan sát là gì? Cuối cùng, ông sẽ phải đi đến kết luận rằng không hề có cái như “tôi” và “của tôi”. Ít nhất ông phải thấy được sự bắt đầu của ông.

K: Có thể chúng ta có quyền hạn với sự bắt đầu, nhưng còn đối với sự kết thúc thì không.

M: Ta chỉ quan tâm đến sự bắt đầu của ông. Ông đã tình cờ hiện hữu như thế nào?

Đây mới là điểm tối quan trọng.

K: Tôi quan tâm đến tôi và chính tôi.

M: Nhưng ông đã biết được ông là gì chưa?

K: Ông hãy ban phước cho tôi.

M: Hãy đặt diện mạo của ông trước mặt Ta rồi Ta sẽ ban phước cho. Khi một người không biết được sự bắt đầu của chính mình thì làm sao có thể cầu xin cho ai? Dù biết rất rõ rằng ông không biết nhưng tại sao ông vẫn cứ ôm chặt lấy những cái biết này?

K: Đó là bản năng; chúng ta ôm lấy những gì mình biết một cách tự nhiên.

M: Sự nổi dậy của bản năng ấy là gì? Cái gì là cái được sinh ra? Ông không có cái biết đó vì ông không có sự thôi thúc. Chỉ khi nào ông có sự thôi thúc mãnh liệt thì lúc đó mới có sự soi sáng. Cho đến khi có cái biết đó thì ông thực hiện đủ mọi cố gắng trong khi người khác hưởng lợi, cũng như một người mù ra sức xay gạo còn bột thì chó ăn hết.

K: Làm sao chúng tôi có thể loại bỏ được sự u minh này?

M: Bằng cách kiên trì an trú trong cái Ta. Thiền quán về cái Ta. Ông phải hành

“hatha-yoga” về sự kiên định và quyết tâm để có cái biết trọn vẹn về cái Ta.

K: Liệu có ai có cái biết đó không?

M: Có, người hy hữu, một trong hàng chục triệu người. Biết được tỉ lệ bất lợi này, liệu ông có định từ bỏ sự tìm hiểu?

K: Tôi không có ý định bỏ cuộc.

M: Ông đi đến quyết định này sau khi đã véo tai ông đấy chứ?

K: Cố gắng thì có ích lợi gì?

M: Những khái niệm của ông thì có ích lợi gì? Người giác ngộ ở ngoài mọi khái niệm. Người giác ngộ chẳng cho khái niệm nào là quan trọng.

K: Người giác ngộ không biết chúng tôi hiện đang cố gắng như thế nào và trước đây đã cố gắng như thế nào; ông không biết được. Đạo sư Ramakrishna Paramahamsa đã van xin Mẹ ông ấy: “Ôi Mẹ, hãy đưa con vượt ra khỏi mọi ý nghĩ và cái biết, con điên lên vì những thứ đó”.

M: Ông đã thử vượt ra khỏi ý nghĩ và cái biết chưa? Nếu chưa thì tại sao lại viện dẫn người khác?

K: Chưa.

M: Nếu chính ông chưa thử phương cách đó thì tại sao lại nói về nó? Tại sao ông lại nêu lên phán xét của người khác? Liệu ông có thể sống mà không có ngôn từ? Nếu không có ngôn từ, làm sao ông có thể điều khiển các sinh hoạt hàng ngày? Ta biết rất rõ lai lịch sinh ra của ông. Ta biết rất rõ vì sao ông gọi một người là “cha” hay “mẹ”. Tại sao ông lại bận tâm về người khác như Ramakrishna Paramahamsa thay vì bận tâm về chính cái Ta của ông? Nếu vì không biết nên thắc mắc về người khác thì được. Nhưng khi ông thắc mắc về chính ông thì nên tìm hiểu về chính ông. Khi Ta làm vừa lòng cái biết “Ta hiện hữu” bằng cách hiểu nó thì chỉ khi đó Ta mới đến với cái biết “Ta hiện hữu” này, và đồng thời Ta còn phát hiện ra rằng “Ta”, cái Tuyệt Đối, không phải cái “Ta hiện hữu” đó. Hãy an trụ ở một chỗ. Sau khi thu thập tất cả cái biết, hãy tư duy về cái biết trong sự cô tịch.

K: Nếu Maharaj ban phước tôi sẽ giác ngộ.

M: Không đơn giản như thế. Ông nói như thể một cặp vợ chồng sẽ sinh con nếu được ai đó ban phước.

K: Cái biết “Ta hiện hữu” là một sự nguyền rủa.

M: Nó là tình cờ, là tự phát. Sự bắt đầu của “Ta hiện hữu” là khi Ta nhận được thông báo qua điện thoại rằng “Ta hiện hữu”. Và khi Ta có dữ kiện “Ta hiện hữu” thì đó là trạng thái “ganesha”.

K: Vì sao “ganesha” tương đương với âm thanh đầu tiên “pranava” tức tiếng “Om”?

M: Vì “ganesha” tiêu biểu cho cái biết “prana”, hơi thở của sự sống. Từ “pravana” – sản phẩm của “prana” – ngôn ngữ hình thành sau khi trải qua bốn giai đoạn: “para”, “pashyanti”, “madhyama” và “vaikhari”. “Para” là nguồn gốc và cũng là vi tế nhất, “vaikhary” là thô thiển nhất, tiêu biểu cho sự bật ra thành âm tiếng. Trạng thái trước “para” là “Yêu thích được hiện hữu”, ý thức về tình yêu, nó tạo ra tất cả các hoạt động. Trạng thái đó là “ganesha”.

Ngày 26 tháng 7 năm 1980

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Nước Thiêng của sự Bất Tử

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x