Trang chủ » Hiện hữu của ông là sự bắt đầu và chấm dứt của tâm

Hiện hữu của ông là sự bắt đầu và chấm dứt của tâm

by Hậu Học Văn
434 views

18. Hiện hữu của ông là sự bắt đầu và chấm dứt của tâm

Khách: Một người khách người Tây-ban-nha từng ghé đây đã hành thiền khá lâu nhưng vẫn còn bị ràng buộc.

Maharaj: Chừng nào còn bị ràng buộc với thân xác thì ông không thể nào vượt ra khỏi sự ràng buộc với người khác và vật khác.

K: Hễ khi nào tôi cố gắng tìm chính mình thì tôi không còn cảm thấy yêu thương những người thân của tôi nữa.

M: Đừng bận tâm đến người khác mà hãy bận tâm với chính ông.

K: Sau khi thiền quán, tôi không còn cảm thấy yêu thương người khác.

M: Điều đó không có nghĩa là tình yêu của ông giảm bớt. Tình yêu bây giờ hòa nhập vào cái Ta của ông. Sự hiện hữu của ông là tình yêu và hỷ lạc. Ông đã khách thể hóa tình yêu của ông. Bản tánh của ông chính là tình yêu. Bằng sự an trụ trong hiện hữu ông thu lại tất cả tình yêu đã bị phân tán và trải ra bên ngoài. Hãy an trụ trong cái biết “Ta hiện hữu”. Bất cứ gì mà “ông là” bên trong thân xác chỉ tiêu biểu cho tình yêu. Tình yêu này làm việc, thu thập thực phẩm, ăn, tiêu hóa và thụ đắc cái biết. “Ta hiện hữu” là tình yêu và thể hiện chính nó qua hơi thở của sự sống; có nghĩa là các sinh hoạt diễn ra là do hơi thở của sự sống. Cũng như thân xác có tay, chân để thực hiện các sinh hoạt thế gian thì cái biết “có mình” có hơi thở là tay chân để nó sinh hoạt.

Vấn đề không phải là yêu thương người khác mà là trực tiếp biết cái “ông là”. Tình yêu đó sẽ chăm sóc ông; nó là sự nuôi dưỡng ông, là động cơ và năng động lực của ông. Hãy đặt sự chú ý của ông ở đó. Sự chuyển động của nó được biểu hiện bằng hơi thở của sự sống; nó là sinh lực. Cảm thọ rõ rệt về sự thị hiện của nó là cái biết “có mình”. Tình yêu này là tình yêu có tính cách vũ trụ. Nó không hướng đến một người hay một vật nào đó, nó rất giống với không gian. Không gian không bảo rằng nó chỉ dành riêng cho một ai đó. Nó không biến tình yêu thành riêng biệt cho một ai. Tình yêu đó là hiển nhiên và mang tính vũ trụ. Vì ông nhận diện với thân xác nên mọi phiền não khởi sinh.

Tình yêu đầu tiên là “yêu quý được hiện hữu”; chỉ sau đó ông mới nghĩ đến việc yêu người khác. Tại sao ông tìm đủ mọi cách để “hiện hữu”? Đơn giản là ông “yêu quý được hiện hữu”. Sự lầm lẫn to lớn nhất là đồng hóa ông với thân tâm. Phải hiểu rằng không phải ông có thể trở thành Thượng đế, mà ông Thượng đế. Nguyên thủy ông chính là Thượng đế nhưng ông trở thành một cái gì đó không phải là ông. Ông phải hiểu rằng nơi đến của ông là cái Ta của ông, cái “Ta là”. Nó chính là nguồn gốc của tất cả. Phải giác ngộ cái “Ta là” đó.

K: Đó là nơi đến, nhưng làm sao để đến?

M: Ông lạc ra ngoài sự tìm kiếm chỉ vì thân xác. Vì bám víu lấy thân xác nên ông ngã nhào từ vị thế thuận lợi thiêng liêng. Vì “có ông” nên mới có ý thức. Trước khi ông nói “Ta hiện hữu” thì đã có ông.

K: Đồng ý.

M: Ngay bây giờ ông biết “ông hiện hữu”. Hãy ở đó. Ở đây Ta không nói với ông những gì được viết trong kinh điển, dù những kinh điển đó có tinh tế đến đâu. Ta chỉ nói với ông một cách đơn giản là “ông hiện hữu”. Nếu ông thích nghe thuyết giảng của Ta thì cứ đến; nếu không thích thì tránh xa. Hiện ông có thể cho mình là một kẻ tầm thường trí tuệ hạn hẹp. Nhưng thật ra không phải thế. Ông vô cùng cổ đại. Ông là vô biên, là vĩnh cửu. Cảm giác về cái biết “Ta hiện hữu” này cũng giống như một sự thông báo, nó biểu thị trạng thái vĩnh cửu đó. Ngôn từ “Ta hiện hữu” hay cảm thọ “Ta hiện hữu” trong ông thì không vĩnh cửu. Nhưng ông thì vĩnh cửu và cổ đại.

K: Làm sao tôi hiểu rằng tôi là vĩnh cửu?

M: Điều này không thể được hiểu theo cách hiểu trí thức thông thường, trạng thái đó chỉ có thể tự giác ngộ. Khi an trụ trong trạng thái cái biết “Ta hiện hữu”, ông nhập vào trạng thái vĩnh cửu. Ông đang biết ông hiện hữu và ông đang ngồi đây. Ông đã có được sự tin tưởng này bằng cách nào?

K: Tôi biết tôi đang ngồi đây.

M: Cũng như thế, ông phải có sự tin tưởng rằng ông là cái Tuyệt Đối; đây là điều tối quan trọng. Ông phải đặt sự chú ý vào đó mà thôi. Trước khi sự hiện hữu hay cái biết xuất hiện, Ta, cái Tuyệt Đối, đã luôn luôn có đó. Ai sẽ tập trung sự chú ý? Ai biết đây là sự tập trung chú ý? Cái tập trung sự chú ý thì có trước sự chú ý.

Ở trong tâm thì làm sao ông có thể thiền? Trong cái ông gọi là “thiền” ông cần một đối tượng. Ai quan sát sự thiền quán? Ai là kẻ hành thiền? Diễn tiến này cần sự hiện diện của “một người” và một “đối tượng” có phải thế không? Nhưng trước tất cả mọi cái khác, Thiền giả phải có mặt. Bây giờ hãy để Thiền giả một mình không có đối tượng.

Trong chân thiền chỉ có Thiền giả “một mình” mà không có đối tượng để thiền quán. Trước trạng thái thức, Ta, hay cái Tuyệt Đối luôn luôn là. Khi thức giấc cái “Ta hiện hữu” nẩy sinh trong Ta. Và chỉ sau đó tất cả mọi diễn tiến và sự việc xuất hiện đối với tâm. Ta lập lại, Ta, cái Tuyệt Đối phải có trước trạng thái thức. Hãy ở yên tại đó. An trú trong đó. Ông phải an định trong bản tánh đích thực hiện tiền “Ta hiện hữu” của ông.

Tất cả mọi đối tượng không cần thiết và dư thừa cần phải được loại bỏ. Đừng tập trung sự chú ý của ông vào những thứ đó. Toàn thể diễn tiến là: ở trong nguồn gốc của ông. Hiện nay cái gì là nguồn gốc của ông? Đó là “Ta hiện hữu”. Hãy bám chặt cái biết “Ta hiện hữu” và ở trong nó.

Ông phải nhận ra cái Ta của ông. Ông phải ở ranh giới giữa “có Ta” và “không có Ta”. Giả sử như ông không nảy sinh ý nghĩ “có mình”. Liệu như thế có phải không có ông? Nếu cái biết “Ta hiện hữu” không có, thì vẫn có Ông, cái Tuyệt Đối. Như thế ông hiện hành trước khi, trong khi và sau khi có trạng thái thức. Trong suốt trạng thái thức cái biết “Ta hiện hữu” của ông nhận thức thế giới; và cái biết “Ta hiện hữu” của ông cùng những nhận thức của nó được chứng kiến từ vị thế của Ông, cái Tuyệt Đối.

K: Tôi muốn làm một cái gì đó tâm linh.

M: Ông có muốn biết cái Ta của ông hay không? Ông muốn làm một cái gì đó tâm linh, nhưng phải có ông để làm cái gì đó. Ông phải biết “Ông”. Ai là người làm chuyện tâm linh? “Ta hiện hữu” chính là người làm. Khi ông bị lôi cuốn vào các sinh hoạt thường ngày ở nhà, ngoài đường hay ở công sở, “ai” là yếu tố chung? Đó chính là cái biết “Ta hiện hữu” của ông. Cái biết “Ta hiện hữu” này của ông làm đủ mọi chuyện.

Giả sử như từ sáng sớm đến tối Ta làm đủ mọi chuyện. Toàn bộ các sinh hoạt của Ta là gì? Tất cả những sinh hoạt này xảy ra trong trạng thái hiện hữu của Ta. Trong giấc ngủ sâu, cái “Ta hiện hữu” đi vào quên lãng; nó quên mất chính nó. Vậy những gì đã được thực hiện có ích lợi gì? Hiện hữu không phải là một trạng thái thường hằng. Nó là một giai đoạn nhất thời – một cuộc trình diễn rồi sẽ qua đi. Ý thức là sản phẩm của ngũ đại và những tương tác giữa các đại. Kết quả của ngũ đại thì nhất thời và bị giới hạn bởi thời gian. Cái biết của ông và tất cả những gì ông huân tập được luôn luôn có sau sự hiện hữu của ông. Ông chỉ biết một cái gì đó khi cái biết biết “có nó”. Thất bại của ông xảy ra khi ông tìm cách nhận diện một cái gì đó trong phạm trù của ý thức là “chính ông”. Ý thức của ông thị hiện thành thế giới. Khi ông tìm cách xem thân xác ngang hàng với chính ông thì sự thất bại bắt đầu.

K: Ai là kẻ nghĩ tôi là ý thức?

M: Ông! Nếu không có hiện hữu thì không thể có tư duy. Hiện hữu là điều kiện tiên quyết cho tư duy hay không tư duy. Giả sử như ông cảm thấy đau đớn trong thân xác.

Ai chứng kiến sự đau đớn đó? Chỉ có sự hiện hữu của ông chứng kiến. Không có sự hiện hữu, làm sao có thể có sự chứng kiến? Người chứng kiến đích thực chính là cái Ta thường hằng. Chừng nào còn có sự hiện hữu thì ông là sự hiện hữu. Khi sự hiện hữu không có, ông là cái Tuyệt Đối. Mọi người đến đây đều sẽ phải ra đi. Tương tự như thế, hiện hữu đã đến thì sẽ phải ra đi.

Ngày 28 tháng 7 năm 1980

❁ ❁ ❁

19. Đối với bậc giác ngộ, toàn thể sự vận hành của thế giới là một bài thánh ca Bhajan

Khách: Maharaj nghĩ gì về khả năng làm cho các vật thể hữu hình xuất hiện và biến mất như Đạo sư Satya Sai Baba đã làm? Tôi không chỉ muố giới hạn hiện tượng này cho riêng trường hợp của Satya Sai Baba.

Maharaj: Chỉ là trò giải trí. Đừng bận tâm đến những chuyện như thế. Cái “ông là” và cái “Ta là” cũng đều là khái niệm.

K: Nếu không có khái niệm thì thế giới không thể vận hành.

M: Thế giới vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, bất cứ gì đã xuất hiện trong cuộc sống thế gian chỉ là ảo ảnh. Một sự kiện đã xảy ra (hay biến mất) có còn tái diễn nữa không?

K: Không ai biết được.

M: Những sự kiện tương tự có thể xảy ra, nhưng không bao giờ giống nhau.

K: Ông có thể cho tôi biết về tái sinh?

M: Theo sự tin tưởng kiên cố của nhiều người thì người chết sẽ có một giấc chiêm bao khác mà trong đó anh ta lại được sinh ra.

K: Cái gì là nguyên nhân hiển nhiên của sự tái sinh? Có phải là do nghiệp quá khứ? Và liệu có cái như là nghiệp?

M: Nghiệp bao gồm các hành động vật lý và tâm lý của ông. Nhưng thật ra chúng là những gì xảy ra do ba “gunas” là: “sattva, “rajas”, và “tamas” theo thứ tự là sự hiện hữu, tính chất năng động và sự tự cho mình là người hành động.

K: Làm sao một người có thể xa lìa chính mình? Hầu hết mọi người bị vướng mắc với những khuôn mẫu hay những câu thúc của khái niệm.

M: Ai nói thế?

K: Theo sự quan sát của tôi.

M: Chừng nào ông còn biết “mình hiện hữu” thì khái niệm luôn luôn ở với ông và không bao giờ rời ông.

K: Làm sao tôi có thể được giải thoát khỏi các khái niệm?

M: Trước tiên, ông phải biết cái “ông là”.

K: Ông có thể cho biết một vài phương cách?

M: Đó là “tantra, mantra và yantra”. “Tantra” là một phương pháp, “mantra” là một chuỗi gồm những linh tự nhất định và “yantra” là một cỗ máy cho sự tiến bộ tâm linh. Ông cần hiểu và tiêu hóa những gì Ta diễn giảng và lý giải; rồi hãy là chính ông và rời khỏi đây.

K: Tôi không thể biến những gì ông nói với tôi thành hành động một cách dễ dàng.

M: Vấn đề không phải là chuyển hóa chính ông. Thật ra, ông đã biến ông thành cái không phải chính ông. Bây giờ ông phải tái chuyển hóa chính ông trở về cái Ta nguyên thủy của ông. An định trong chính ông. Vì muốn “hiện hữu” nên ông bận rộn trò chuyện và làm đủ mọi thứ. Để duy trì cái “ông là” này ông thực hiện đủ mọi sinh hoạt; vì thế ông làm cho tâm luôn bận rộn. Đối với người giác ngộ, giòng tâm cũng giống như chất hơi hôi thối thoát ra từ hậu môn.

Người đã an trụ trong cái Ta coi rẻ sự huyên thuyên của tâm như chất hơi hôi thối và vô tích sự trong dạ dày.

Khi ông ở trong trạng thái vô minh thì đủ loại câu hỏi – về tốt và xấu, và về sự lựa chọn để chấp nhận hay từ chối – phát sinh. Nhưng trong trạng thái biết, mọi chuyện tự xảy ra và không hề có sự lựa chọn hay loại bỏ. Ngay cả những hành vi có tính cách nghi lễ bề ngoài của bậc giác ngộ như hát thánh ca, tán thán thần linh, vân vân đều là những thể hiện tự phát. Những hành vi này không hề được sửa soạn trước mà chỉ xảy ra. Đối với người giác ngộ, toàn thể sự vận hành của thế giới là một bài thánh ca. Tất cả những gì đang diễn ra là do “ông”, nguồn động lực thôi thúc. Dù các hành động tự diễn ra nhưng ông lại đòi quyền tạo tác ra chúng. Một sự đòi hỏi như thế phát sinh từ sự nhận diện của ông với thân tâm.

Sau khi có được cái biết tâm linh, ông sẽ làm gì để đem lại lợi lạc cho thế gian?

K: Tôi sẽ chỉ .

M: Những người thích hoạt động xã hội muốn làm một điều gì đó tốt đẹp. Họ muốn chuyển hóa phẩm chất trí năng của người khác để mọi người có thể chung sống hòa hợp.

K: Thế giới là sự thể hiện của chân lý và mọi người cần được giúp để hiểu điều này.

M: Nếu như chuyện đó xảy ra thì nó sẽ tự xảy ra. Cái luôn luôn thay đổi là cái không thật. Chỉ có thể đem lại thay đổi trong cõi giới không thật. Không thể thực hiện thay đổi nào trong cái thật, trong chân lý. Trong thế gian ông có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi khái niệm, nhưng chớ nên gọi khái niệm là chân lý.

Cái thật có thể hiểu cái không thật; nhưng liệu cái không thật có thể hiểu được cái thật? Ông thay đổi khái niệm cũng như ông thay đổi quần áo, và ông cảm thấy vui thích.

Không thể thấy được hay nhận thức được chân lý, nhưng chân lý có thể quan sát cái không thật.

K: Với khái niệm tôi sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Có phải thế không?

M: Ông nghĩ rằng ông có thể cảm thấy hạnh phúc với khái niệm. Hạnh phúc hay cực lạc tự hiển lộ trong trạng thái “vô khái niệm” thì không thể nhận thức được.

K: Có những lúc chúng ta cảm thấy an lạc trong đời khi thoáng thấy chân lý; kết quả là đức tin phát triển, tác động và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta

M: Toàn là ngôn từ, và ngôn từ không chứa đựng chân lý. Chân lý không cần đến sự trợ giúp của ngôn từ. Bất cứ gì ông nói ra chỉ là kinh nghiệm. Ông là người kinh nghiệm, và dù cho không có kinh nghiệm thì vẫn có ông. Kinh nghiệm đến và đi nhưng người kinh nghiệm ở lại. Ông kinh nghiệm thế giới nhưng ông có trước thế giới. Thế giới thuộc về kinh nghiệm, còn “Ông” – cái Tuyệt Đối – thì phi kinh nghiệm.

Hiện thời, ý thức về cái biết “mình hiện hữu” được cảm nhận, nhưng nó chỉ là trạng thái vô thường; nó sẽ ra đi. Một trăm năm trước, có nghĩa là trước khi có sự sinh ra thì cái biết “mình hiện hữu” này chẳng liên quan gì với “Ông” – cái Tuyệt Đối. Kinh nghiệm “mình hiện hữu” này đã xuất hiện như một cơn sốt. Vì sao và làm sao cơn sốt này đã xuất hiện thì không có sự giải thích hay lý do nào.

K: Chỉ trong khoảnh khắc ông thoát ra khỏi căn bệnh “mình hiện hữu”. Liệu tôi có hy vọng nào cũng kinh nghiệm một khoảnh khắc siêu phàm như thế.

M: Có, với điều kiện ông phải hiểu và tiêu hóa sự thuyết giảng này. Bất cứ gì chúng ta hiện đang có là ý thức hiện hữu. Trước tiên, ông phải an trụ trong đó, và sau cùng thoát ra khỏi nó.

K: Trong lúc thiền quán sáng hôm nay tôi cảm thấy tôi không còn trong thân tâm mà chỉ trong sự hiện hữu.

M: Đó là ý thức. Đó là trạng thái thị hiện, trong đó không có tính cách con người, không có nam hay nữ. Đó là cái biết “mình hiện hữu”.

K: Có lúc cũng không có cả ý thức về sự hiện hữu.

M: Đó là trạng thái tĩnh lặng và chỉ còn có ý thức.

K: Có người nói rằng ý thức “Ta hiện hữu” ở về bên phải của ngực, khoảng bốn ngón tay cách trung điểm.

M: Còn tùy vào kinh nghiệm cá nhân. Vị trí có thể thay đổi tùy theo từng người. Nhưng đừng hiểu hay định vị nó bằng sự liên hệ với thân xác.

[Một hành giả người Ấn vừa mới đến sau khi đã lang thang khá lâu trong khu phố tìm nhà Maharaj]

M: Ông có biết khu phố này không? Ông tìm ra nhà có lâu không?

K: Lâu, thưa ông. Một vài năm trước tôi vẫn thường đến khu này để gặp một tu sĩ khổ hạnh trông như triết gia.

M: Vị đó có thuyết giáo không?

K: Không. Nhưng vị đó có một số quyền năng. Mấy năm trước, có một vụ nổ trên một con tàu bỏ neo trong cảng Bombay. Vị tu sĩ tình cờ ở gần đó đã linh cảm trước vụ nổ sẽ xảy ra nên đã la lớn giục mọi người chạy ra khỏi khu vực ngay lập tức. Có lần vị tu sĩ đã vỗ nhẹ lên đầu tôi ban phước và tôi cảm thấy như năng lượng “kundalini” đã dâng lên.

M: Điều ông nói làm Ta nhớ đến một tu sĩ khổ hạnh khác đã đạt nhiều chứng đắc phi thường tên là Tikku-Baba. Vị tu sĩ này từng sống ở quận Colaba. Ta không đích thân gặp Tikku-Baba, nhưng vẫn thường liên lạc với ông ấy qua sứ giả là một tu sĩ khổ hạnh vẫn thường ghé quán bán thuốc lá của Ta. Tikku-Baba có quyền năng phi thường để làm các phép lạ. Một hôm vị sứ giả đi gặp Tikku-Baba khá khuya. Ông ta hết sức kinh hoàng khi thấy Tikku-Baba bị phanh thây, tay chân chất thành một đống. Sợ rằng đây là một vụ sát nhân, người sứ giả vội vàng bỏ chạy. Vì tò mò, sáng hôm sau ông ta trở lại và vô cùng ngạc nhiên khi thấy Tikku-Baba vẫn khỏe mạnh như thường.

Một hôm người sứ giả này đến quán của Ta với thư nhắn của Tikku-Baba mời Ta đến gặp ngay vì ông ta sắp qua đời. Bức thư còn cho biết thêm là trước khi lìa thân xác, Tikku-Baba muốn truyền tất cả quyền năng cho Ta. Để đáp lại, Ta bày tỏ sự cám ơn và bảo người sứ giả: “Làm ơn nói với Tikku-Baba rằng sự chấp nhận chỉ có một lần”. Ý ta muốn nói một môn đồ chân chính chỉ chấp nhận một đạo sư duy nhất và hết lòng với vị ấy, môn đồ chân chính không chạy theo các đạo sư khác. Khi nhận được phúc đáp của Ta, Tikku-Baba bảo: “Ồ, ông ta đã đến đích và ở ngoài mọi sự cần cầu”.

Ngày 22 tháng 10 năm 1980

❁ ❁ ❁

20. Bám chặt lấy ý thức hiện hữu của ông

Maharaj: Ý thức vũ trụ bao trùm tất cả, nó không hề được hay mất vì những tương tác trong vở kịch của ngũ đại. Trong diễn tiến của những tương tác này ý thức thị hiện một cách hiển nhiên. [Maharaj cầm lên một bình hoa bằng kim loại rồi thả xuống nền nhà gây nên một âm thanh chát chúa]. Khi một vật thể va chạm với một vật thể khác thì âm thanh tiềm ẩn trở thành hiển hiện. [Maharaj cầm lên một cái khăn và cho biết lửa tiềm ẩn trong miếng vải]. Lửa chỉ thị hiện khi có sự tác động lên vải (có nghĩa là châm lửa vào vải) và phản ứng xảy ra là lửa thị hiện và cái khăn bốc cháy). Ý thức luôn luôn có đó. Sự sống luôn luôn có đó, và sự sống sẽ tự thị hiện khi có một hình tướng. Ý thức đi vào hoạt động (có nghĩa là trở thành hiển hiện và có thể nhận thức được) cũng giống như âm thanh vang lên hay miếng vải bốc cháy.

Giống như âm thanh hay lửa không có một diện mạo nhất định thì ý thức cũng không có diện mạo. Vì vô minh và nhận diện với thân xác nên ông kinh nghiệm lạc thú và đau khổ mặc dù ý thức có tính cách vũ trụ và chỉ hoạt động thông qua thân xác. Nhiều người đã chết đi, nhiều người đã bị sát hại nhưng ý thức lúc nào cũng như thế. Nó không hề giảm hay tăng trong bất cứ trường hợp nào – nó không hề đau khổ. [Maharaj lại buông cái bình hoa kim loại xuống nền nhà tạo thành tiếng chát chúa, và bảo âm thanh chỉ xảy ra]. Đối với âm thanh không hề có đau khổ hay lạc thú. Nó chỉ thị hiện và ý thức cũng vậy, ý thức không có lạc thú hay đau khổ. Không có được hay mất đối với ngũ đại. Tất cả những thảm họa mà con người trải qua không hề đem lại lạc thú hay đau khổ cho ngũ đại cũng như các đặc tính khác nhau (gunas) được cảm nhận bằng các giác quan. Năm đặc tính đó là: xúc chạm, hình tướng, mùi, vị và âm thanh. Thế nào, cái “ông” đó có ý nghĩa gì với ông? Đừng để bị lôi cuốn vào những mong muốn của ông. Ông đang đi về đâu?

Hãy suy nghĩ về những điều này: Ngũ đại đang vận hành, và do sự tương tác của ngũ đại mà các hình tướng được tạo ra, các hình tướng này được trang bị với năm giác quan. Từ các vật thể thuộc ngũ đại – tức thực vật và thực phẩm – hình tướng được tạo ra. Qua hình tướng này, ý thức thị hiện trên các đặc tính (gunas) của ngũ đại. Hãy thử suy gẫm và tìm ra: Ông là cái gì? Và ông đang đi về đâu?

Từ vô thủy hàng ngàn cuộc chiến tranh đã xảy ra. Hậu quả của những cuộc tàn sát đó đối với ngũ đại là gì? Năm đại này được cảm nhận bởi năm giác quan. Vì ngũ đại trượt ra khỏi nguyên lý Tối thượng nên “guna” này – tức ý thức – hình thành.

Giả sử như có người bị sát hại, thật sự thì chuyện gì đã xảy ra? Ý thức nội trú trong thân xác bị sát hại đi vào quên lãng, và chức năng của năm giác quan ngừng hoạt động. Hàng triệu người đã bị sát hại và quá vãng; liệu các giác quan và ý thức của họ có đến tìm ông để tranh luận gì không? Một thân xác có năm giác quan để nhận thức và năm chi để hành động. Với tuổi tác gia tăng, thân xác trở nên suy yếu, các giác quan và các chi không còn hoạt động hữu hiệu nữa. Như thế, với sự hư hao lần mòn của các giác quan và các chi vì tiến trình lão hóa, thì “guna” – tức ý thức – cũng thoái hóa (có nghĩa là sự thị hiện của ý thức cũng yếu dần). Trong tất cả các chức năng của thân xác, giác quan, các chi và ý thức, cái “ông” được đặt một cách thích hợp vào chỗ nào? Và ông sẽ đi đâu?

Các diễn tiến và sự kiện xảy ra là do thân xác thực phẩm và “prana”; vị trí của ông ở chỗ nào trong đó?

Khách: Ý thức có độc lập với thân xác? Nghĩa là ý thức không bị ảnh hưởng bởi thân xác?

M: Làm sao có thể như thế được? Ý thức là kết quả của thân xác tinh chất thực phẩm và được gọi là “sattva-guna”. Cũng như đứa trẻ là tinh chất của thân xác cha mẹ nó.

Nếu đứa trẻ bị khuyết tật thì đó là do sự bất tương xứng trong tính chất của thân xác thực phẩm vật chất.

Các sinh hoạt trần tục cũng như tâm linh được thực hiện bằng tâm chỉ là những trò tiêu khiển trong trạng thái vô minh. Chúng bắt đầu khi ý thức hiện hữu khởi sự hoạt động theo chu trình thức và ngủ.

Nếu ai nghĩ rằng mình sẽ đạt được một cái gì đó bằng sự tu tập tâm linh, thì hãy cho Ta biết phương cách cũng như diện mạo của người đó. Những người tìm kiếm tâm linh, thay vì tìm hiểu chính bản tánh của mình – tức ý thức – thì lại miệt mài với kinh sách về tâm linh để tìm cầu kiến thức.

K: Chúng tôi có nên từ bỏ tất cả các khái niệm và ý tưởng thu thập được từ trước đến nay?

M: Chẳng cần phải làm những chuyện như thế. Chỉ cần bám chặt lấy ý thức hiện hữu trong suốt thời gian ông biết “có mình”, và chỉ ở trong trạng thái đó. Đừng sợ nó đi mất.

K: Chúng tôi có phải thường xuyên nhớ ý thức hiện hữu? Như thế tức là có sự cố gắng.

M: Đâu là vấn đề ông phải cố gắng? Ý thức tự xuất hiện. Tự thân ý thức là thuộc về sự chú ý. Cứ ở đó, đừng tìm cách thay đổi hay cải sửa bất cứ gì. Bất cứ gì “có” thì có đó và đó là lòng yêu quý cái Ta – “atma-prem”. Nếu cảm thấy thỏa mãn với việc đọc kinh sách và theo đuổi các truyền thống được gọi là con đường tâm linh và những phép hành xác thì ông cứ việc làm.

K: Nhưng Maharaj bảo chúng tôi phải đạt đến đích.

M: Đâu là vấn đề đi đến đích và “ai” là kẻ đi đến đó? [Maharaj gõ một miếng kim loại] Thử xem âm thanh này đi đâu? Bậc giác ngộ hoàn toàn xa lìa tất cả mọi khái niệm. Lúc đó không có gì cả.

K: Hôm qua ông nói về “guru” và “sat-gurucharan” – tức chân của “sat-guru”.

M: Đúng, Ta có nói. “Sat-gurucharan” có nghĩa là ý thức tự xuất hiện khi ông biết “mình hiện hữu”. Tất cả mọi thứ đều ở trong cái biết “mình hiện hữu” này, nó là vô hạn và bao trùm tất cả. Trạng thái này tiêu biểu cho bàn chân thiêng liêng của vị đạo sư bên trong.

K: Tôi hoàn toàn không có ý xúc phạm khi hỏi một câu ngớ ngẩn. Vì sao trên tường nhà ông treo quá nhiều hình ảnh? Tôi cảm thấy điều này trái với những gì ông thuyết giáo.

M: Đó là những di vật của thời kỳ vô minh. Để xua đuổi vô minh thì những trợ duyên như thế là cần thiết. Khi mục đích đã đạt được thì chúng không còn cần thiết nữa.

Thân xác này Ta sử dụng cũng là kết quả của một thời kỳ vô minh, nhưng nó vẫn còn được dùng mặc dù Ta đã thoát ra khỏi vô minh. Vậy cứ để các tấm ảnh làm vật trang trí trên tường, chúng hoàn toàn vô hại. Thay vì tìm cách thay đổi những cái bên ngoài, tại sao không đem lại sự thay đổi bên trong bằng cách cởi bỏ những diện mạo sai lầm của ông?

Ông nói như một người thông thái, nhưng thật ra cái biết mà ông có là gì? Vốn liếng hiện nay của ông là chu trình “thức, ngủ sâu và biết “Ta hiện hữu”. Ngoài ra ông còn có gì khác? Chu trình này tự xuất hiện mà không hề có sự yêu cầu của ông; tất cả những cái khác mà ông biết và có được chỉ xảy ra sau đó. Ai đến đây cũng như một đứa trẻ vô minh, bất kể những cái gọi là “biết” mà họ thu thập được từ bên ngoài.

Ngày 13 tháng 11 năm 1980

❁ ❁ ❁

21. Trở về với trạng thái trước khi sinh ra

Maharaj: Ta đã từng cảm nhận ý thức tính cách cá nhân nhưng bây giờ Ta không còn tính cách cá nhân đó nữa. Ý thức tính cách cá nhân đã tự chuyển hóa thành trạng thái thị hiện có tính cách vũ trụ.

Khách: Sự việc chỉ xảy ra như thế?

M: Ngay khi tên gọi của căn bệnh được biết thì cảm thọ là một cá nhân sinh khởi. Bây giờ ý thức về tính cách cá nhân không còn nữa mà chỉ còn cảm thọ về ý thức vũ trụ.

Tính cách cá nhân đã biến mất cùng với diện mạo của hình tướng thân xác. Thân xác không phải là kiểu cách của Ta, Ta không phải nam hay nữ. Mọi thứ đều tự xảy ra.

Ai thấy một ngày ló dạng và mặt trời chiếu sáng? Có thể nào cái biết về một ngày là của một cá nhân? Ngay khi một người thức giấc thì cái biết “Ta hiện hữu” – tức ý thức đơn thuần về hiện hữu – liền sinh khởi, rồi sau đó mới có ý thức về thân xác. Ý thức về sự hiện hữu này bao trùm tất cả, nó không có danh xưng hay hình tướng – nó chính là sự tồn tại.

K: Khi thân xác đau đớn thì thực sự chuyện gì xảy ra? Cái gì là sự liên quan giữa cái Bất Thị Hiện và thân xác, hay giữa hiện thực và những hiện tướng hư huyễn trong thế giới?

M: Chúng liên quan mật thiết với nhau. Văn hóa và tình cảm của mỗi nguyên tử đều khác biệt, thì mỗi cá nhân cũng khác biệt trong thế giới. Có vô số cách thể hiện khác nhau trong các nguyên tử (atom) và hạ nguyên tử (sub-atom).

K: Chân lý là thị hiện hay bất thị hiện? Nếu chân lý thị hiện qua thân xác thì tất cả bệnh tật của thân xác là ở trong cái Bất Thị Hiện.

M: Khi cái Bất Thị Hiện thị hiện thì gọi là “saguna-brahman”. Nguyên lý “brahman” này rất dồi giào, phong phú và hiển nhiên, nó bao gồm ngũ đại, ba “gunas” và “prakriti-purush”; chính nguyên lý này nhận biết mặt trời, không gian, nó thẩm nhập khắp nơi và thậm chí còn vi tế hơn cả không gian.

K: Tất cả vở kịch này là về cái gì? Trong vũ trụ thị hiện này, tức kết quả của cái Bất Thị Hiện, một thân xác bị đau đớn vì bệnh tật – thân xác của Maharaj. Kết quả là chúng tôi cũng đau đớn sau khi chứng kiến căn bệnh. Tại sao lại có những phiền trược này?

M: Nếu không có cái biết “Ta hiện hữu” thì ai là kẻ quan sát mặt trời mọc?

K: Ông đã giải thích điều này cả ngàn lần nhưng tôi vẫn không hiểu.

M: Ở bình diện tối thượng “ai” và “cái gì” là Không; bất cứ gì là thì rất rõ ràng và hiển nhiên. Nhưng một sự kiện đơn giản như thế lại trở thành điều khó hiểu chỉ vì nguyên lý đó đã nhận lầm chính nó với một hình tướng và rồi cảm thấy hãnh diện về sự nhận diện đó. Nguyên lý đó đã chấp nhận thân xác là diện mạo của nó.

K: Nhưng tại sao điều này lại xảy ra với ông, mặc dù cái Bất Thị Hiện thị hiện chính nó qua thân xác ông?

M: Để có được sự trả lời cho câu hỏi này, ông phải an trú trong chính ông.

Từ sự xúc chạm của nguyên tử này, cái đốm ý thức này mà cả vũ trụ nguy nga đã hình thành. Ông phải trả lời gì và như thế nào về câu hỏi này: Có phải chính ý thức đã tạo ra hay nó đã tạo cơ hội cho sự hình thành? Mọi câu trả lời của ông đều là suy luận và phỏng đoán. Bằng chứng nào mà ông có về những lần ông được sinh ra và chết đi? Bằng chứng nào mà ông có về sự tái sinh?

K: Ông muốn nói rằng chúng tôi phải an trụ ở điểm xuất hiện của ý thức? Lúc đó chúng tôi mới hiểu được điều này?

M: Phải, Ta vẫn nói với những người đến nghe chính xác là như thế.

K: Như vậy ông muốn nói rằng nếu không dừng lại ở lúc ý thức sinh khởi thì tôi không thể nào hiểu được vở kịch này của cái Bất Thị Hiện, thị hiện, sự đau đớn của thân xác, vân vân, và những gì tôi nói ra chỉ là ba hoa và do đó là một sự phiền toái.

M: Đúng thế, đó chỉ là trò giải trí cho qua thời gian.

K: Điều này có nghĩa khi chúng tôi đến gặp và ngồi gần ông làm cho ông bị phiền trược?

M: Ngay cả đến ngũ đại, là những tạo vật của Ta cũng chẳng làm cho Ta phiền trược. Thế thì làm sao các ông có thể là một phiền trược đối với Ta? Nếu Ta nhận diện Ta với thân xác thì chắc chắn Ta sẽ phải trải qua tất cả những phiền trược và đau đớn đi kèm với nó.

K: Tôi hỏi ông một câu hỏi có được không? Ý thức của ông đã đạt đến một trình độ cao siêu nào đó. Liệu sự hiện diện đơn thuần và vô ngôn của ông có đem lại lợi lạc ch chúng tôi?

M: Không những đối với các ông mà ngay cả các loài vi trùng, kiến và sâu bọ cũng đều hưởng được lợi lạc.

K: Có nghĩa là ảnh hưởng của ông không ngừng tác động lên chúng tôi, và ngay cả các chúng sinh nhỏ bé nhất?

M: Để diễn đạt bằng ngôn từ thì như thế, nhưng trong hiện thực thì chẳng có ai tác động đến ai. Liệu nguyên lý sinh ra Ta – vào lúc sinh khởi của nó – có sự thông minh không? Nguyên lý sinh ra này, tức nguyên lý đứa trẻ, tự phát triển, cả về tâm và trí, đến khi hội đủ nhân duyên trở thành một Mahatma – một thánh nhân vĩ đại – nhưng nguồn gốc của vị thánh nhân đó chỉ là sự sinh khởi của nguyên lý đứa trẻ. Không phải thế sao? Ông đã thu thập rất nhiều kiến thức dưới danh nghĩa tâm linh, nhưng tất cả những thứ đó chỉ là trò giải trí.

K: Làm sao nguyên lý đứa trẻ có thể đạt đến địa vị của một “jnani” hay một thánh nhân?

M: Để hiểu điều này – hãy trụ ở điểm sinh khởi (ankura) – ông phải là “ankura” (omkara). [“Om” là sự khởi đầu của ngôn từ và Maharaj hướng dẫn người hỏi an trụ trong trạng thái trước khi có sự hình thành của ngôn từ trong tâm].

K: Được, và tôi quyết định sẽ an trụ trong trạng thái “omkara” đó. Thế còn bạo lực đang xảy ra ngoài kia – ở Iran, ở Mỹ, Liên xô, vân vân? Những bạo lực đó chẳng có liên hệ gì, hay tôi vẫn phải ngồi vô phản ứng trong trạng thái “omkara”?

M: Cả hai đều liên hệ mật thiết với nhau.

K: Nhưng để thoát khỏi bạo lực, đau khổ, sự bóc lột…

M: Tất cả những gì ông nói chỉ để bào chữa cho tính cách cá nhân của ông. Thật ra, ông phải bị buộc tội có trách nhiệm về những gì đang xảy ra. Ngoài ông ra, còn ai có thể là bị cáo? Xét cho cùng, còn ai khác ngoài ông, ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” của ông? Để nói “có bất cứ gì” thì trước tiên phải có ai đó.

Hàng triệu tội lỗi được phạm trong sự hiện hữu của ông và bây giờ ông muốn trốn tránh trách nhiệm bằng cách bám víu và trốn tránh trong một cá nhân. Tất cả những gì đang xảy ra đều là tác phẩm của ông.

K: Nhưng ông cũng là tất cả những cái đó trong sự hiện hữu của ông.

M: Một cách tổng thể, tất cả đều ở trong sự hiện hữu của Ta, kể cả chính ông. Nhưng chẳng có quyền lực nào được trao cho Ta hay ông để giải quyết mọi chuyện.

K: Để giải quyết các vấn đề, “omkara” có công dụng gì không?

M: “Omkara” hữu dụng cho mọi thứ; tất cả đều là “omkara”, kể cả đau khổ. Làm sao có thể có lạc thú và đau khổ mà không có cõi giới của “omkara”? Bất cứ gì sinh khởi đều được cho là sinh ra, và với sự sinh ra hiện hữu nhận lầm chính nó như một tính cách con người – do đó đưa đến lạc thú và đau khổ.

K: Với “omkara”, làm sao có thể chấm dứt “ankura” (sự sinh khởi)?

M: Theo cùng một cách mà nó đã sinh khởi.

K: “Omkara” có thể cầm giữ sự sinh khởi (ankura) hay sinh khởi là một vận hành của “omkara”?

M: “Omkara” và “ankura” đều là những trạng thái thuộc kinh nghiệm. Liệu chúng có thể tách rời? Nếu không có “omkara” thì liệu có thể có gì?

K: Tôi muốn biết liệu có một tiến trình cầm giữ được sự sinh khởi (ankura)? Chẳng hạn như trì chú “omkara”; hay là chúng tôi chỉ cần quan sát những gì đang xảy ra mà không có phản ứng?

M: Mỗi câu chú đều có mục đích riêng; không thể nào có một câu chú mà không có một mục đích nào đó.

K: Như vậy, bằng cách niệm một câu chú mọi thứ sẽ được tái tạo?

M: Phải.

K: Thế thì tại sao chúng tôi lại phải niệm chú?

M: Nhưng câu chú này là vô ngôn ngữ, vô ngôn từ. Đi đến tận cội nguồn, thấy được hiện thực trước khi ông chết, an trú trong bản tánh đích thực của ông. Nhưng thay vì làm như thế, ông lại mải mê nuông chiều thân xác mà ông cho là diện mạo của ông. Người ta chỉ sùng bái Thượng đế để mong có được những của cải thế gian.

K: Có nghĩa là sự sùng bái Thượng đế của chúng tôi cũng giống như việc đi chợ để mua bán.

M: Đó là cách mà đời sống con người diễn ra. Động lực thông thường là những hành động của mình phải đạt được một cái gì đó.

K: Chừng nào một người còn tôn thờ Thượng đế với mục đích vị lợi thì sự thờ

kính không có công năng, có phải thế không?

M: Để duy trì sinh mệnh của chính mình thì “lòng yêu quý được hiện hữu” là động cơ chủ yếu.

K: Khi “lòng yêu quý được hiện hữu” mất đi thì chuyện gì xảy ra?

M: Có ai ở đó để trả lời? Khi “lòng yêu quý được hiện hữu” đã chìm lắng thì còn ai ở đó để nói nó đã chìm lắng? Liệu lúc đó có thể còn kinh nghiệm “shakti” (năng lực tiềm ẩn), “ananda” (hỉ lạc) và “sat-chit-ananda” (hiện hữu ý thức và hỉ lạc)? Hay không hề có cái gì như thế?

K: Chúng tôi nghe nói nhiều về “sat-chit và ananda”. Nếu chúng là thật thì liệu chúng tôi chẳng cần phải theo đuổi? Và nếu chúng không tồn tại như thế thì việc gì chúng tôi lại phải tinh tấn để đạt được?

M: Nguồn cội, gốc rễ của chúng ta là ý thức về sự hiện hữu của chúng ta, hay nguyên lý đứa trẻ. Nguyên lý này có tiến hành bất cứ hành động nào một cách hữu thức không? Vào lúc đó nó có sự thông minh nào không? Ngoài nguyên lý đứa trẻ tiên nguyên này, còn có gì vào lúc đó?

K: Bây giờ hãy để cho người khác đặt câu hỏi.

M: Làm sao họ có thể đặt những câu hỏi đích thực? Họ đều đặt câu hỏi sau khi chấp lấy một diện mạo nào đó, và những diện mạo này hình thành sau khi họ đã đọc kinh sách hay nghe người khác thuyết giảng. Tất cả những gì họ biết qua kinh sách hay nghe nói đều là cái biết có tính cách dữ kiện thu thập từ bên ngoài mà không phải là cái biết tự sinh khởi, cái biết đích thực. Ai có cái biết “mình hiện hữu” và cái “mình hiện hữu” đó là gì? Nguyên lý “Shiva” là gì? Trong tiếng Marathi, “Shiv” có nghĩa là “sự xúc chạm”.

Hãy chỉ cho Ta sự xúc chạm của hiện hữu. Hãy quan sát xuyên suốt và tìm hiểu: Nguyên lý này – sự xúc chạm của hiện hữu – đã tình cờ xảy ra như thế nào. Toàn thể vũ trụ hiển hiện là sự sinh sôi nảy nở từ sự xúc chạm của hiện hữu. Nguyên lý này bao gồm ngũ đại, ba “gunas” và “prakriti-purush”.

K: Tất cả công trình kiến tạo nguy nga này đều từ “omkara”, sự xúc chạm của hiện hữu. Nó là một năng lượng, một quyền năng hay đơn thuần là một ý niệm?

M: Bất cứ từ ngữ, danh hiệu hay ý tưởng nào mà ông nghĩ ra đều đúng cho mục đích này.

K: Các danh hiệu như “Jagadamba” – mẹ của vũ trụ – Mahishasura Mardini –

người tiêu diệt con quỷ Mahisha – đã được gán cho nguyên lý này.

M: Theo ông “Jagadamba” nghĩa là gì? Cái nguyên lý nhận ra sự bắt đầu của một ngày, trạng thái thức, có phải đó là “Jagadamba”?

K: Thế nguyên lý này là một năng lượng hay chỉ là một khái niệm, một ảo ảnh?

M: Nó có trí thông minh không?

K: Có phải nó là một loại trí thông minh?

M: Ông có thể cho nó là như thế.

K: Điều tôi muốn biết là: Sự thị hiện này đã từ tôi mà ra, vậy tôi là một phần của nó hay tôi tách rời nó?

M: Ông không tách rời nó. Nó là ánh sáng của ông.

K: Nhiều tôn giáo khác nhau đã nhiều lần gọi nó là “tantras”, “puranas”, vân vân có nghĩa là một năng lượng tiềm tàng, nó là “ananda”, là “shakti”, nó được tích nạp tình yêu, vân vân. Đó là những ấn tượng thâm căn cố đế mà chúng tôi đã có, một khi từ bỏ chúng thì chúng tôi sẽ phải làm gì?

M: Đâu là sự cần thiết phải từ bỏ chúng?

K: Ông vừa cho tôi hai trình độ: Ở một trình độ tôi thấy được sự liên hệ giữa sự thị hiện của tôi và Ta, và trình độ kia là sự sinh khởi hay xuất hiện của ý thức về cái biết “Ta hiện hữu”. Tôi phải làm gì?

M: Nếu ông quan tâm đến trình độ thì có cả triệu trình độ và ông có thể bắt đầu đếm. Còn nguyên lý đó không thể bị khách thể hóa thành một cái gì đó để đếm. Ông là cái gì? Ông nghĩ ông là cái gì? Ông là cái giống gì? Ông bôn ba đôn đáo làm công tác xã hội, vân vân để làm gì?

Trong thế giới khách thể này liệu có gì là thường hằng? Ông tìm cách làm đủ mọi thứ như công tác xã hội để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Hôm nay ông cạo râu và ngày mai ông lại cạo râu vì râu ông mọc, và cứ như thế.

Tương tự, hôm nay ông làm cho mọi người hạnh phúc, rồi ngày mai họ không còn hạnh phúc nữa, thế là ông lại tìm cách làm cho họ hạnh phúc; chu trình này cứ tiếp diễn và ông vướng mắc trong đó. Lúc đầu, khi muốn theo đuổi tâm linh, Ta từ bỏ “prapancha” – cuộc sống thế tục. Sau đó, Ta hiểu được ý nghĩa của tâm linh và đi đến kết luận rằng nó có thể bị loại bỏ như nước rửa chén đã dùng qua. Vì thế hiện nay Ta chẳng hề bận tâm đến tâm linh vì Ta đã vượt ra ngoài tâm linh. Ta không thể thuyết giảng về tâm linh theo kiểu này ở chốn công cộng. Người ta sẽ ném đá Ta. Ông là cái gì? Diện mạo của ông là gì? Ông đã thấy một cách chính xác chưa? Liệu ông có thể chụp hình được diện mạo đích thực – vô thân tâm – của ông? Với kiểu thuyết giảng như thế này, liệu ông còn muốn đến gặp Ta?

K: Maharaj, sau những lần có ân huệ lớn lao đến gặp và thân cận một nhân vật được biết đến với danh xưng Nisargadatta Maharaj, tôi có cảm giác đã nhận được sự thúc đẩy trong cuộc tìm kiếm tâm linh. Có thể cảm giác này – kéo dài đến ba, bốn tháng sau những lần đến gặp ông – là một trạng thái hưng phấn đầy hoang mang. Nó bảo đảm rằng một người có thể dừng lại ở điểm “ankura” – tức sự sinh khởi của cái biết “Ta hiện hữu”.

Tự thân cảm giác này là một biểu hiện của trí tuệ và cái hiểu trực giác. Ba, bốn năm nay tôi đến gặp ông và ra về với những ấn tượng này, tôi vẫn thường hưởng được một sự an lạc nào đó – một sự tĩnh lặng.

M: Đúng, nhưng đó chỉ là sự chìm lắng của những náo loạn trong tâm ông. Ngoài ra, nó không là gì cả.

K: Nhưng Maharaj, điều ấy có gì là tồi tệ? Chúng tôi cảm nhận sự tĩnh lặng và an lạc sau những lần đến gặp ông. Vì sao ông lại bài bác?

M: Đó chỉ là một trạng thái nhất thời; sau một thời gian nó sẽ biến mất. Cùng với sự sinh ra, ba trạng thái – ngủ sâu, thức và biết – hoạt động. Những gì ông kinh nghiệm đều ở trong cõi giới của cái biết, một trạng thái bị giới hạn bởi thời gian. Trước khi sinh ra, liệu có sự cần cầu nào không?

Ngày 20 tháng 11 năm 1980

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Nước Thiêng của sự Bất Tử

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x