Trang chủ » Không có diện mạo thân xác thì Tâm ở đâu?

Không có diện mạo thân xác thì Tâm ở đâu?

by Hậu Học Văn
375 views

7. Để nhận ra cái Tuyệt Đối, phải vượt ra khỏi chính sự hiện hữu

Maharaj: Nhìn từ trái đất, mặt trời mọc và lặn. Nhưng từ vị thế của mình thì mặt trời không ngừng chiếu sáng và không hề biết đến các hiện tượng mọc và lặn. Hiện hữu và sự thị hiện của nó – bao gồm cả các hành hoạt trong đó – thì nhất thời và bị hạn cuộc bởi thời gian, còn cái có trước sự hiện hữu thì vĩnh cửu. Ông là môn đồ của trường phái “Bhagavad-Gita”, những gì Ta nói có phù hợp với thánh thư Gita?

Khách: Sau khi nghe các pháp thoại của ông, tôi hiểu rõ chương mười lăm của thánh thư Gita, về “Purushotama”.

M: “Purushotama” là cái Tuyệt Đối, cái Vĩnh Cửu. Cái Tuyệt Đối không cần đến bất cứ sự hỗ trợ bên ngoài nào và hoàn toàn tự viên mãn, nhưng chính nó lại là sự hỗ trợ cho bất cứ gì thị hiện.

K: Krishna đã bảo: “Chỉ những ai hiểu được rằng Ta – cái Tuyệt Đối – ở bên ngoài các trạng thái hiện hữu và phi hiện hữu thì nhận ra bản tánh đích thực của Ta, những kẻ còn lại đều vô minh”.

M: Kẻ nào được tạo ra từ hành động ngu dốt thì cũng ngu dốt.

K: Bất cứ gì một bậc giác ngộ nói ra đều là cái biết tâm linh và ngay cả thái độ của vị ấy cũng bộc lộ cái biết.

M: Thật ra tất cả thái độ của chúng ta đều thuộc về tính chất “sattva-guna” vắt ép từ tinh chất thực phẩm, nó không phải của ông mà cũng chẳng phải của Ta. “Sattva-guna” có ba trạng thái: Thức, ngủ sâu và hiện hữu. Khi cái biết được hiểu đúng, một người chính là Brahman mặc dù còn mang hình tướng thân xác. Người đó không còn những biến thái của tâm. Đây là điều Krishna nói.

Thân xác là sản phẩm của tinh chất thực phẩm. Tất cả các loài thảo mộc, lùm bụi và động vật, vân vân đều được tạo ra từ các hạt giống, và một hạt giống (bija) có nghĩa là sự tái tạo từ hình thái trước đó. Hạt giống còn là sản phẩm của “sattva-guna”. Từ hạt giống mọc ra một cây con rồi thành cây lớn, nhưng nguồn gốc chỉ là một hạt giống.

Cũng thế, từ hạt giống con người – sản phẩm của ba tính cách “gunas” và tinh chất thực phẩm – xuất hiện thân xác, sự hiện hữu và sự thị hiện. Điều này chỉ con người mới có thể nhận ra.

Sau khi hiểu được điều này, Ta đã giác ngộ “Brahman” thanh tịnh mặc dù còn mang hình tướng thân xác. Thật hy hữu nếu có ai tiếp thu được trí tuệ này. Nhiều người thu thập cái gọi là kiến thức, nhưng bất cứ gì được thu thập đều không phải cái biết đích thực.

K: Liệu sự hiện hữu, hay cái biết “Ta hiện hữu” có phải là cái biết tối thượng, cái biết đích thực?

M: Cái biết đích thực này, cái biết “Ta hiện hữu”, cũng trở về tình trạng “không biết” trong trạng thái Tuyệt Đối tối hậu. Khi một người an vị trong trạng thái tự do chung cuộc, cái biết “Ta hiện hữu” trở thành “không biết”.

Khi nhìn một cái cây xum xuê ông chỉ thấy tán lá mà không nghĩ đến gốc rễ và hạt giống mà từ đó nó đã mọc ra. Chỉ khi nào ông hiểu cả hạt giống thì đó mới là cái hiểu trọn vẹn.

Hiện thời ông hiểu ông là một thân xác, nhưng cái hiểu của ông không bao gồm nguồn gốc và hạt giống mà từ đó thân xác này thị hiện.

Một ngòi bút ướt mực viết ra hết quyển sách này đến quyển sách khác. Ngòi bút là nguồn gốc của tất cả mọi tác phẩm. Tương tự như thế, sự hiện hữu của ông là nguồn gốc và cũng là sự khởi đầu toàn thể thế giới của ông.

Tác phẩm viết ra thì có thể được xem và đọc một cách dễ dàng, nhưng nguồn gốc của nó – tức ngòi bút, hầu như không có chiều kích – thì không thể được nhận biết dễ dàng. Giống như thế, mầm mống của sự hiện hữu thì vô hình tướng và rất khó nắm bắt.

Ông không nhận diện với sự hiện hữu, nhưng lại vội vàng nhận diện với hình tướng thân xác hữu hình. Ông bám víu vào hình tướng, thay vì sự hiện hữu, và cho đó là “Ta”. Dĩ nhiên để duy trì sự hiện hữu thì một hình tướng thân xác là cần thiết. Ngay cả nếu Đấng Krishna có quyết định hiện thân lần nữa thì ngài cũng chỉ có thể làm như thế qua phương tiện hạt giống hiện hữu, và phương tiện này là một thân xác được nuôi dưỡng bằng tinh chất thực phẩm. Không những Krishna mà ngay cả Đấng Christ và Đức Phật cũng đều thị hiện qua sự hiện hữu được nuôi dưỡng bằng tinh chất thực phẩm. Nhưng liệu ông có biết ý nghĩa của chữ “Buddha”, và “bodhisattva”?

K: “Buddha” có nghĩa là bổn tánh sẵn có của tất cả chúng ta.

M: Khi ông được khai tâm, hình thức của sự khai tâm là gì và ông được kết nạp vào cái gì?

K: Tôi được kết nạp vào tăng thân như một vị tăng, người luôn luôn hành động cho hạnh phúc của toàn thể…

M: Đừng nói với Ta những chuyện đó. Diksha (khai tâm) có nghĩa “chỉ là” một cách tỉnh thức. “Là cái ông ”. Vào lúc khai tâm ông đã được bảo phải làm những gì?

K: Quan sát thân-tâm tôi.

M: Ông đã quan sát từ vị thế hay diện mạo nào?

K: Tôi không quan sát thân từ bất cứ vị thế nào. Mà chỉ quan sát.

M: Khi ông không biết chính ông, ai là người quan sát? Và sự quan sát diễn ra như thế nào?

K: Đối tượng của sự chứng kiến xuất hiện trong người quan sát. Thông qua đối tượng – bao gồm ý nghĩ, cảm xúc và thân – thì có cảm giác về cái ta. Tôi có thể quan sát cảm giác về cái ta này. Tôi thấy khá rõ rằng chẳng có gì có thực thể trong nội vi diễn tiến thân-tâm này.

M: Ông đã được yêu cầu tỉnh thức như thế nào vào lúc khai tâm?

K: Trong mọi lúc.

M: Nhưng ông phải tỉnh thức với diện mạo nào?

K: Các vị đó không nói với tôi về diện mạo nào cả. Họ bảo tôi chỉ tỉnh thức.

M: Họ đã bảo ai? Thế họ không chỉ cho ông biết người chứng kiến phải như thế nào?

K: Không.

M: Đây là hình thức khai tâm sơ đẳng. Trước tiên, phải nhận ra nguyên lý cư trú trong ông, cái biết “Ta hiện hữu” hay “lòng yêu quý cái ta” tức là cái đang thực hiện hành vi chứng kiến. Hành vi chứng kiến chỉ xảy ra với nó. Khi có sự đau đớn thì tự động Ta chứng kiến sự đau đớn mà Ta đang kinh nghiệm.

K: Hình như có một cảm giác phân cách tôi và đối tượng của sự chứng kiến. Vì vậy khi tôi chứng kiến…

M: Nhưng ông chứng kiến khi nào?

K: Khi chứng kiến thân-tâm, tôi cảm thấy xa lìa thân-tâm.

M: Sự chứng kiến xảy ra đối với ai?

K: Cái đó thì tôi không biết.

M: Thế ông đang hành pháp môn tâm linh gì?

K: Tuy khoác y nhưng tôi không theo một con đường tâm linh nhất định và cũng không thuộc một môn phái nào. Tôi chỉ tìm cách biết tôi là ai.

M: Đối với tất cả chúng sinh kinh nghiệm này là đồng nhất: Ngay khi thức giấc vào lúc sáng sớm, cảm giác “Ta hiện hữu” được cảm nhận bên trong, có nghĩa là sự hiện hữu đang diễn ra, rồi sau đó sự chứng kiến tất cả những cái khác mới xảy ra. Sự chứng kiến đầu tiên là chứng kiến cái “Ta hiện hữu”. Sự chứng kiến tiên khởi này là điều kiện tiên quyết cho tất cả mọi sự chứng kiến kế tiếp. Nhưng sự chứng kiến xảy ra đối với ai? Đối với kẻ luôn luôn hiện hữu, dù [kẻ đó] không thức dậy; hành vi chứng kiến tình trạng thức dậy xảy ra đối với hậu cảnh luôn luôn hiện tại. Điều kỳ bí của sự kinh nghiệm thế giới là ở điểm này. Biết được bí mật về hạt giống hiện hữu cũng là ở đây.

Lúc này ông đã thức, và hành vi chứng kiến trạng thái thức xảy ra. Sự chứng kiến tiên khởi là sự chứng kiến sự hiện diện của chính mình, sự tồn tại của chính mình. Trạng thái thức này, hay cảm giác về sự tồn tại, chỉ là trạng thái nhất thời, thuộc một trong ba trạng thái “ngủ sâu, thức và biết” mà sự phối hợp của chúng tạo thành sự hiện hữu. Sự hiện hữu này cũng giống như đặc tính của ngòi bút ẩm ướt. Sự kết hợp của ba trạng thái này là năng lượng vi tế được biểu thị bởi các nguyên lý nam và nữ, gọi là “purushaprakriti”. Trong sự hiện hữu này, “sattva-guna” là “visvasutra, brahma-sutra, atma-sutra”. Sự thị hiện vũ trụ cư trú trong sự hiện hữu đó. “Sattva-guna” là sợi chỉ cuốn quanh “Brahman” và vũ trụ hữu hình.

K: Một câu mà tôi muốn hỏi…

M: Liệu ông còn có thể có câu hỏi nào về chủ đề này? Chính tiêu điểm của ngòi bút ướt kia đã khoác lấy những hình tướng khác nhau. Sự hiện hữu đó được gọi là “sattva-shakti” và “prakriti-purushashakti”. “Sattva-guna” – cái đã làm cho sự hiện hữu sinh khởi – là sản phẩm tinh túy của cha mẹ, những người thuộc chủng loại “vachaspati”.

Chính chất tinh túy này khoác lấy một hình thể và vũ trụ hiển hiện bên trong và bên ngoài hình tướng này. Hãy hiểu rõ nguồn gốc. Cũng giống như hạt giống nhỏ bé của cây “banyan” mọc thành một đại thụ hùng vĩ và chiếm một khoảng không gian rộng lớn; nhưng cái gì đã chiếm khoảng không gian đó? Chính là sức mạnh của hạt giống nhỏ bé kia. Tương tự như thế, hãy hiểu sự xuất tiết chất tinh túy của cha mẹ đã đưa đến sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu” và cái biết này thị hiện chính nó thành một vũ trụ. Vì thế, hãy tìm đến nguồn gốc này và hiểu nó một cách tường tận. Cũng như hạt giống mang sẵn hình dạng tiềm ẩn của một cái cây, thì hạt giống của cha mẹ mang sẵn một hình tướng tiềm ẩn nam hay nữ với hình ảnh của cha mẹ.

Cha mẹ cũng là sự thể hiện của “sattva-guna”, nguyên lý của chất tinh túy. Do cọ xát, sự xuất tinh xảy ra. Sự xuất tinh này, sau khi đã sao chép những hình ảnh của cha mẹ, gieo cấy tính chất của cha mẹ vào đứa trẻ. Trước khi ông được sinh ra, sự hiện hữu của ông đã cư trú ở đâu một cách tiềm ẩn? Không phải nó ở trong chất tinh túy của cha mẹ hay sao? Không phải đây là vở trường kịch bất tận tái tạo các chủng loại chúng sinh qua nguyên lý “sattva” và nguồn năng lượng được biểu thị bởi “puru-shaprakriti” hay sao?

K: Tự thân sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu” không có tính cách cá nhân; nó chỉ có tính cách cá nhân khi được liên kết với thân tâm.

M: Sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu” này chỉ là sự thị hiện và không có tính cách cá nhân.

K: Ông nói về trạng thái “Yêu cái Ta”. Nếu tôi nói rằng tôi yêu ai đó, điều này có nghĩa là cái biết “Ta hiện hữu” ở chỗ này nhận ra cái biết “Ta hiện hữu” ở chỗ kia.

M: Không hề có người khác hay cái khác để yêu. Chỉ có “sự yêu thích được hiện hữu” sinh khởi. Để duy trì trạng thái “yêu thích được hiện hữu” này ông phải trải qua rất nhiều khó khăn và nghịch cảnh. Chỉ để làm cho trạng thái này hài lòng và thỏa mãn, ông tự lôi cuốn mình vào không biết bao nhiêu hành hoạt.

K: Đau khổ có nghĩa là hướng sự chú ý về một cái gì đó không phải trạng thái  “yêu quý cái Ta” , nhưng nếu tất cả mọi hành hoạt là để làm cho cái biết “Ta hiện hữu” trường tồn thì không phải đó là một ước muốn hay sao?

M: Đó không phải là một ước muốn, đó chính là bản chất của cái biết “Ta hiện hữu” để hiện hữu. Sự hiện hữu muốn hiện hữu và làm cho nó trường tồn. Đây chính là bản chất của sự hiện hữu chứ không phải bản chất của cá nhân.

K: Cho dù khi nó được liên kết với thân-tâm?

M: Một số thân tâm được tạo ra từ nguyên lý đó. Nó là nguồn gốc của sự tạo tác.

Hàng triệu chủng loại được tạo ra từ nguyên lý căn bản này. Nó là “moolamaya”, mầm mống của ảo ảnh.

K: Cái “Ta hiện hữu” tạo ra ông?

M: Từ sự hiện hữu của Ta, ba thế giới được tạo thành. Trong thế giới chiêm bao của Ta hàng triệu sinh trùng, và con người, vân vân được tạo ra. Thế giới chiêm bao này xuất hiện từ đâu và khi nào? Nó xuất hiện từ trạng thái thức biểu kiến trong trạng thái chiêm bao.

K: Nếu tôi nhắm mắt lại, thì liệu điều này có nghĩa là ông không tồn tại nữa?

M: Ai bảo cho ông biết là mắt ông nhắm?

K: Cái biết “Ta hiện hữu” của tôi.

M: Khi ông nhắm mắt, ý thức của ông có nhắm theo không?

K: Không.

M: Do sự hợp nhất tình yêu của hai khách thể hữu thân được gọi là cha mẹ nên có ông, và ông chính là sự nhắc nhở rằng ông đã được tạo ra từ khoảnh khắc cực lạc của cha mẹ. Ký ức, “Ta hiện hữu”, là sự nhắc nhở về khoảnh khắc cực lạc đó. Hình tướng này, một con người hữu thân, là một sự nhắc nhở về cực lạc. Ông đã thu thập được rất nhiều cái biết, ông nghĩ mình đủ tư cách là một đạo sư và ông sẽ diễn giải cái biết của ông – tức cái biết thu thập được chứ không phải cái biết được tiết lộ của chính ông. Cái biết chưa được tiết lộ cho ông một cách trọn vẹn, ông chưa nhận ra chính ông, và như thế ông sẽ chỉ là một đạo sư giả mạo. Sự tồn tại của ông đã ở trong điều kiện tiềm ẩn trong cha mẹ ông. Bây giờ, từ đây ông muốn đi đến một nơi nào khác. Ông đã sinh ra từ đâu? Hãy đến nguồn gốc nơi mà từ đó ông đã xuất hiện. Hãy đến đó trước. Ai đó đã vui hưởng cực lạc, còn Ta đau khổ và than khóc cả trăm năm.

K: So sánh cái biết “Ta hiện hữu” với một căn phòng có hai cửa thì có đúng không? Ở cửa này ông thấy thế giới, và ở cửa kia ông cảm nhận “Parabrahman”.

M: Chẳng có cánh cửa nào đưa đến “Parabrahman”, ông ạ. Hãy nhìn cánh cửa mà từ đó ông xuất hiện. Trước khi từ cánh cửa đó bước ra ông đã như thế nào và ông ở đâu? Ông có thể đặt câu hỏi liên quan đến chủ đề này.

K: Trong cái “Ta hiện hữu” này có cả tình yêu lẫn đau khổ.

M: Nhân là hạnh phúc, và quả là cái biết “Ta hiện hữu”. Nhân là cực lạc nhưng quả phải chịu đau khổ từ đầu đến cuối.

K: Trong khoảnh khắc thoáng qua đó liệu có cái biết về tình yêu và đau khổ cùng một lúc?

M: Bất cứ gì hiện hành trong vũ trụ vào thời điểm của sự ân ái đều được ghi nhận trong kết quả, và ngẫu nhiên kết quả nhận lấy một hình tướng, và là bản sao của cha mẹ. Sự sinh ra của ông có nghĩa là một tấm phim của vũ trụ vào lúc đó. Sự kiện này không đơn thuần là sinh ra, nó được tích nạp toàn thể vũ trụ cả bên trong lẫn bên ngoài.

K: Khi được sinh ra ý thức là một giòng liên tục, nhưng trong những lúc tôi thiền quán thì ý thức đến và đi.

M: Sự hiện hữu thì liên tục và nó chỉ biết chính nó với sự trợ giúp của một hình tướng thân xác, nếu không thì hiện hữu không biết chính nó (có nghĩa là nó ở trong trạng thái Tuyệt Đối). Ai là người chứng kiến ý thức đến và đi?

K: Chỉ tánh biết.

M: Điều ông nói chỉ đúng theo một cách, nhưng thật ra không phải thế.

Cũng giống như Ta hứa cho ông mười ngàn “rupees”, nhưng… Tánh biết là trạng thái “Parabrahman”, tuy nhiên đây chỉ là một từ ngữ; ông phải an trú trong trạng thái đó. Hiện thời, “Ta hiện hữu” ở trong trạng thái hiện hữu. Nhưng khi Ta không có cái biết về ảo tưởng “Ta hiện hữu” thì trạng thái “Poornabrahman” hay “Parabrahman” hiện hành.

Không có sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu”, Ta hoàn toàn là trạng thái “Poornabrahman”, trạng thái thường hằng. Ranh giới giữa hiện hữu và phi hiện hữu là sự ngần ngại của trí năng, vì đây chính là chỗ trí năng chìm xuống. Ranh giới này là “maha-yoga”.

Trong câu “ông và Ta”, khi liên từ “và” được bỏ đi thì nhị nguyên không còn nữa – có nghĩa là, không có sự phân chia giữa “ông” và “Ta”. Tương tự như thế, sự hiện hữu này cũng giống như một liên từ: Khi nó bị loại trừ thì nhị nguyên không còn nữa. Ông phải ở tại rang giới này, tức trạng thái “maha-yoga”. Nhưng ông lại tìm xuống kho chứa của trạng thái đó, chỗ có tên gọi là “sinh”.

K: Giận dữ, lo sợ và sự thù hận ở chỗ nào trong kho chứa đó? Trong sự hiện hữu, trong nguyên lý sinh ra, hay sự xúc chạm của cái “Ta hiện hữu”?

M: Trong hạt giống của hai hình tướng đó [cha mẹ], tiềm ẩn hằng hà sa số vũ trụ.

K: Điều ông nói rất tương đồng với giáo pháp của Jiddu Krishnamurti.

M: Người nào hiểu được cái đốm vô minh này – tức sự hiện hữu – thì có thể nói bất cứ gì mình muốn. Trong không gian của cái đốm hiện hữu đó là vô số vũ trụ. Nếu ông muốn hiểu rõ điều này hơn nữa thì hãy lấy ví dụ về thế giới chiêm bao. Thế giới chiêm bao không gì khác hơn trạng thái thức biểu kiến trong giấc ngủ sâu trong một thời gian rất ngắn – chẳng có gì là chắc chắn. Trong giấc chiêm bao, vô số vũ trụ chiêm bao được tạo thành.

Ngày 28 tháng 1 năm 1980

❁ ❁ ❁

8. Không có diện mạo thân xác thì tâm ở đâu?

Maharaj: Không có người làm, cũng chẳng có người tạo ra thế giới và vũ trụ hữu hình này. Không có người thọ hưởng; tất cả đều tự xảy ra.

Khách: Trong khi trì chú, chúng tôi có cần chú ý vào ý nghĩa của ngôn từ không?

M: Ông không nên tìm cách hiểu nghĩa của câu chú. Ý nghĩa của câu chú tự trải ra trong ông, và sẽ ứng nghiệm vào đúng lúc tùy theo tính chất của ông. Sự thị hiện của “shakti” năng động – hay năng lượng – thể hiện qua con người và thay đổi tùy theo từng cá nhân. Bằng mọi cách, hãy thực hiện những công việc gia đình của ông, làm tròn các trách nhiệm thế gian và xã hội của ông một cách nhiệt tình, nhưng ít ra phải hiểu và biết cái “Ta” của chính ông, cái mà “ông là”. Rồi dần dần ông sẽ nhận ra rằng: Ông là người biết và ông không có diện mạo nào liên quan đến một nơi chốn hay hình tướng.

Tất cả mọi chuyển động hữu hình và có thể nhận thức được trong vũ trụ và thế giới đều tự xảy ra mà không có một lý do đặc biệt nào; điều này có nghĩa là có sự vận hành, sự quay tròn, sự rung chuyển, sự rầm rì mà không có một mục đích. Tuy nhiên, ông luôn luôn hiện hành mà không hề có diện mạo của hình tướng thân xác, danh xưng hay bất cứ dữ kiện hư giả nào. Dù bất cứ nguyên lý nào được xác định và nhận diện với hình tướng, ảo tưởng, danh xưng và thân xác thì nguyên lý đó tự tạo ra chính nó, nuôi dưỡng và duy trì chính nó. Sau đó nó sẽ phải biến mất. Hiểu được tất cả vở kịch hành động này chính là biết. Đấng Krishna chỉ nói về “Paramatman” – tức là cái Ta Tối Thượng – là chính ngài.

Nhiều người khác cũng đã diễn giải, nhưng vướng mắc trong những khái niệm của họ. Nếu như Ta tư duy, thì suy nghĩ của Ta chỉ liên quan đến sự thị hiện và sự vận hành tự nhiên của nó. Ta không nghĩ đến việc thay đổi diễn tiến của sự thị hiện. Tuy nhiên, khi ông tư duy thì suy nghĩ của ông chỉ ở bình diện con người hay tính cách cá nhân, và về những vấn đề riêng tư của ông. Chẳng có gì để làm cả, chỉ cần tìm ra sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu” đã xảy ra như thế nào trong ông.

K: Khi tôi nói thì không có cảm giác là tôi đang nói.

M: Ông đang nói từ bất cứ diện mạo nào ông có. Cái gì chống đỡ diện mạo đó?

K: Ngôn từ chỉ tuôn ra.

M: Khi ông nói, ông có tùy thuộc vào sự tồn tại của ông hay của một người nào khác?

K: Vào diện mạo của chính tôi.

M: Sự hiện hữu của cái ta là một khoảng thời gian ngắn; nó chỉ được kinh nghiệm trong chốc lát. Nhưng người kinh nghiệm sự hiện hữu thì luôn luôn tồn tại. Ông phải nhận ra rằng Người Kinh Nghiệm – tức là “Ông” – là nguyên lý luôn luôn tồn tại và thường hằng. Ông sẽ nói từ diện mạo nào?

K: Vì tôi hoàn toàn không muốn nói, nên hành vi nói không xuất phát từ diện mạo của cái ta nhất thời.

M: Ta muốn một câu trả lời chính xác cho câu hỏi của Ta. Tại sao ông lại trả lời vu vơ. Ta lặp lại câu hỏi: “Ông đang nói từ vị thế của sự hiện hữu nhất thời hay từ cái Vĩnh Cửu?”

K: Không có cái “ta” cá nhân nào đang nói cả.

M: Đừng nói với Ta như thế! Ta cáo buộc ông rằng chỉ có mình ông đang nói. Ông đang nói từ vị thế nhất thời, hay vị thế thường hằng?

K: Không phải từ vị thế nhất thời.

M: Ông không nói thật.

K: Như tôi đang kinh nghiệm thì không có cái “ta” nào đang nói. Khi ông bảo rằng “ta”, tức con người, đang nói thì điều này không đúng.

M: Ông nói một cách ngớ ngẩn vì cái biết đích thực chưa hiển lộ với ông. Liệu ông sẽ cho Ta biết từ vị thế của phương diện nhất thời hay của phương diện kia? Hình như ông không hiểu câu Ta hỏi.

K: Tôi thấy một cách rõ ràng cái gì có vẻ nhất thời thì thực sự thuộc về thời gian.

M: Thế ông có thể nói gì với người khác về trạng thái thường hằng?

K: Tôi sẽ nói thẳng rằng anh ta phải đi gặp một chân sư.

M: Thế thì đâu là giá trị của người chỉ đường?

K: Hắn ta sẽ là kẻ chỉ đường cho một vài người đến hỏi.

M: Ta sẽ mời ông ra khỏi đây. Ta không cho ông bất cứ cái biết nào. Liệu Ta có cần phải dạy ông tất cả những điều này từ ABC? Trước tiên, hãy đọc cuốn I AM THAT (TA LÀ CÁI ĐÓ) và suy gẫm về những gì trong đó. Cứ mỗi lần có người đến đây thì liệu Ta có phải dạy lại từ đầu? Cái “Ta” đã như thế nào trước khi sự hiện hữu xuất hiện? Tại sao sự hiện hữu xuất hiện, và đã xuất hiện như thế nào? Chúng ta chỉ cần tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này mà thôi.

K: Tôi hành theo phương pháp đạo sư tôi chỉ dạy. Bất cứ gì đạt được đều không thật và bị ràng buộc bởi thời gian.

M: Ai cũng có thể nói được điều đó. Thân xác và sự hiện hữu này đã sinh khởi như thế nào? Đó là điều Ta muốn biết.

K: Tôi vẫn chưa quyết định nên nói về cái gì. Những gì được tôi tiếp thu sẽ tự nói ra.

M: Không ai có thể quyết định mình sẽ nói về cái gì. Cứ cho rằng ông chuẩn bị để nói rất nhiều ở đây nhưng không thể nhớ những gì ông chuẩn bị, thì sao? Bất cứ gì ông quyết định không phải lúc nào cũng xảy ra. Cảm giác “Ta hiện hữu” là điều quan trọng.

Điều quan trọng nhất là ông nhớ ý thức hiện hữu của ông. Rồi sau đó mọi cái khác sẽ xuất hiện. Trước kia, ký ức “Ta hiện hữu” này không có, rồi bất chợt nó đã xuất hiện. Bây giờ, Ta sẽ diễn giải pháp thoại tâm linh gọi là “niroopona”. Trong tiếng Marathi, từ ngữ này bắt nguồn từ chữ “niroopa”, có nghĩa là “thông điệp”. Do đó, thuyết giảng về tâm linh gọi là “niroopona”; thông điệp mở đầu “Ta hiện hữu” phải có trước tất cả, rồi bất cứ gì theo sau thông điệp mở đầu này sẽ là thuyết giảng tâm linh. Thông điệp tâm linh, khi được giao phát, sẽ cho biết ai là người nghe nó. Để giao phát thông điệp này, cái “Ta” Tuyệt Đối khoác lấy sự hiện hữu. Hãy lấy trường hợp của một người giao phát thư cho chính quyền; người giao phát thư chỉ giao phát một thông điệp của chính quyền, nhưng anh ta không phải là chính quyền. Anh ta chỉ thi hành nhiệm vụ của một công nhân viên.

Nhưng ở đây, tự thân cái biết “Ta hiện hữu” là chính quyền và cũng là người phát thư. Nhiều nhà tiên tri tuyên bố rằng họ là người mang thông điệp của Thượng Đế. Nhưng Đấng Krishna không nói vậy, mà tuyên bố dứt khoát rằng: “Tất cả mọi sự tạo tác này đều từ Ta mà có, nhưng Ta – cái Tuyệt Đối – lìa xa sự tạo tác. Và bất cứ gì được tạo tác từ Ta đều rực sáng như hoa pháo bông trong một lễ hội rồi vụt tắt, nhưng Ta – cái Tuyệt Đối – vẫn luôn luôn hiện hành”. Có nhiều cách diễn giải tâm linh khác nhau. Ta không học thuộc lòng như vẹt các tuyên bố tâm linh của người khác. Điểm chính yếu cần được hiểu là: Cảm giác về sự hiện hữu của Ta đã xuất hiện như thế nào? Tại sao nó xuất hiện, cùng với danh nghĩa “sinh ra”; và trước khi có cảm giác về sự hiện hữu, Ta đã như thế nào?

Chỉ có người hy hữu mới hiểu được điều này. Đã từng có rất nhiều vị hiện thân nhập thế, nhưng chỉ có Đấng Krishna tuyên bố: “Ta là người tạo tác ra các đấng cứu thế và cũng là người biết họ”. Cả Đạo sư Shankaracharya và Ramana Maharshi cũng đã giải thích phương diện tâm linh này một cách rõ ràng: Ta – cái “Ta” vĩnh cửu – thì như thế nào và “Ta” – kẻ bị hạn định bởi ý thức hiện hữu và thời gian – thì như thế nào? Điều này phải được hiểu. Và tất cả chỉ có thế.

Nhưng ảo tưởng vĩ đại “moolamaya” lừa dối ông bằng cách làm cho ông tin rằng ông đã trải qua hàng triệu lần sinh ra. Nhưng ông, kẻ vô minh, lại không suy gẫm về điều này một cách đúng đắn. Trước khi có sự sinh ra ông, ông không hề biết “đã có mình” và đã trải qua hàng triệu lần được sinh ra. Liệu một câu chuyện như thế có thể tin được hay không? Ông tin rằng ông đã được sinh ra và trải qua rất nhiều lần tái sinh, có phải thế không? Ông là cái gì và ông như thế nào? Chỉ khi nào chú tâm vào những điều này và hiểu chúng một cách rốt ráo thì ông mới thoát ra khỏi sự thống trị của những khái niệm như thế. Những khái niệm này cũng được bốn bộ kinh Vệ-đà (Veda) chuyên chở và được rất nhiều người phụ họa. Khi Ta tập trung chú ý vào điểm tỉnh thức, các bộ kinh Vệ-đà đều khoanh tay quy thuận và đi vào im lặng.

Để hiểu rõ tiến trình này, trước tiên phải suy gẫm về “prakriti” và “purusha” – hai nguyên lý vĩnh cửu. Do những tác động qua lại của hai nguyên lý này mà ngũ đại và ba tính cách “gunas” xuất hiện. Không gian, không khí, lửa, nước, cùng với “sattva”, “rajas” tạo ra trái đất này, và làm cho trái đất sẵn sàng phát triển thêm. Trên mặt đất, loài thực vật mọc ra, và khi tinh chất của thực vật khoác lấy hình tướng thì nguyên lý tiềm ẩn của sự hiện hữu cũng xuất hiện trong đó. Ngũ đại hoàn toàn không hề có một ý niệm dù chỉ mơ hồ về ý thức hiện hữu của chúng. Sự hiện hữu được thị hiện trong hình tướng thân xác trong suốt tiến trình của ngũ đại. Rồi sau đó, luật lệ, nguyên tắc, nghi thức, vân vân được đặt ra. Nguyên lý vĩnh cửu đó, đã không biết sự hiện hữu của nó, bây giờ thị hiện qua hàng triệu hình tướng.

Trước khi có sự sinh ra, cả nguyên lý đó lẫn cha mẹ không hề biết nhau. Nguyên lý được gieo cấy dưới thể lỏng trong dạ con của người mẹ. Trong tiến trình chín tháng, nguyên lý đó phát triển thành hình thể của một hài nhi, tức là hạt giống của tất cả kinh nghiệm tương lai. Hạt giống hiện hữu này là “sattva” thuần túy và tinh chất của thân xác thực phẩm; nó hoàn toàn vô minh. Hạt giống của các kinh nghiệm tương lai quyết định “prarabdha”, tức là những gì đứa trẻ phải nhận chịu và trải qua. Đứa trẻ bất hạnh này – đã không ở trong trạng thái “biết” của nó trước khi sinh ra – bây giờ nhận lãnh không biết bao nhiêu đau khổ lúc sinh ra.

Vào lúc thụ thai, đứa trẻ nhận lấy một tấm ảnh nhiếp thu chính xác toàn thể tình huống trong vũ trụ, bao gồm cả chất liệu mà từ đó nó được tạo ra (cha mẹ), vị trí của các hành tinh, và các vì sao trong bầu trời, vân vân. Nguyên lý chụp tấm ảnh này là gì? Nguyên lý tối thượng đó được biết với các danh hiệu như “brahmasutra”, “moolamaya”, “maha-tattva”, “hiranya-garbha”, “atma-prem”, vân vân.

Nó được gọi là “Maha-Tattva” – Chân Lý Vĩ Đại – vì sự quan trọng tối thượng của nó trong thế giới. “Maha-Tattva” còn được biết đến với những danh hiệu thiêng liêng như Christ, Krishna, Shiva, và Vishnu. Nó cũng còn được gọi là “parabdhi” – có nghĩa là đại dương của sự sống sôi sục với hàng triệu hình tướng. Đấng Krishna bảo rằng thông qua “yogamaya” này – Nguyên Lý Tối Thượng – Ta hành xử tất cả các chức năng vũ trụ trong thế giới, trong khi Ta, cái Tuyệt Đối, thì vẫn lìa xa. Toàn thể vũ trụ thị hiện được nối kết và tích nạp năng lượng này thông qua “yogamaya”, năng lượng vũ trụ. Sự hiện hữu này lúc đó chưa thị hiện đầy đủ trong dạ con. Vì thế ông nhớ rằng cái biết “Ta hiện hữu” của ông, định mệnh của ông đã tự xuất hiện, không hề được cầu xin. Sự hiện hữu này được thị hiện, nhưng tồn tại được bao lâu?

Sự hiện hữu này đã mang theo với nó một ngày kết thúc nhất định, và vì thế bị giới hạn bởi thời gian. Trong dạ con của người mẹ, sự hiện hữu không hay biết chính nó.

Một người giác ngộ được gọi như thế vì người ấy hiểu rõ gốc rễ của sự hiện hữu, và nó chỉ là thuần vô minh. Người giác ngộ không bị lôi cuốn vào vở kịch này của hiện hữu và do đó siêu vượt ra ngoài. Người giác ngộ quán sát sự sinh khởi, sự nuôi dưỡng và sự biến mất của nguyên lý này, và biết mình không phải là nguyên lý đó. Người giác ngộ là chứng nhân và cũng là người biết sự hiện hữu đó, hay còn gọi là “prarabdha” – định mệnh.

Khi ở trong dạ con của người mẹ, sự hiện hữu còn ở giai đoạn phôi thai, nhưng một thời gian ngắn sau khi xuất hiện trong thế giới thì cảm nhận sự hiện hữu của nó và nhận diện với thân xác là chính nó. Nhờ được nuôi dưỡng, hình hài này bắt đầu phát triển theo hình ảnh của cha mẹ đã ghi khắc lên nó vào lúc thụ thai. Sự hiện hữu, tức cái “Ta hiện hữu”, bú cái túi nhỏ chứa tinh chất thực phẩm này suốt ngày đêm. Cái nguyên lý bú cái túi chứa tinh chất thực phẩm không phải là thân xác, nó khác với thân xác. Nguyên lý hiện hữu này cư trú trong chính thân xác thực phẩm. Cũng như đứa trẻ bú vú của mẹ nó thì sự hiện hữu tiêu thụ thân xác.

Ông muốn biết cái Ta, có phải thế không? Đó hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Nếu muốn trở thành một người giác ngộ thì ông phải hiểu ông là cái gì; tức là phải biết cái “Ta hiện hữu” là gì và nó đã xuất hiện như thế nào. Trạng thái đích thực của ông trước khi có cái biết “Ta hiện hữu” là gì? Chỉ có Đấng Krishna mới giải thích điều này một cách rõ ràng. Ngài nói: Vì cái biết “Ta hiện hữu” xuất hiện và biến mất, nên Ta, cái Tuyệt Đối không thể là cái đó. Ta luôn luôn hiện hành.

Tôn sư đã bảo Ta: “Bất kể những hành hoạt trần tục của ông, ông vẫn bất sinh, ông xa lìa tất cả”. Như thế bất cứ ai cũng có thể trở thành người giác ngộ nếu người đó hiểu được điều này: Hiện hữu xuất hiện do thân xác tinh chất thực phẩm, tự nó hoạt động, và biến mất khi phẩm chất của thân xác thực phẩm không còn duy trì nó. Trong tiến trình hiểu này, người đó nhận ra mình không phải sự hiện hữu và vì thế an trụ trong trạng thái “jnani”.

Có rất nhiều vị hiện thân nhập thế tự cho mình thuộc đẳng cấp tâm linh tối thượng, nhưng vẫn vướng mắc với những khái niệm mà họ thu thập được từ bên ngoài chính họ – qua lắng nghe hay đọc sách. Để thực hiện các sinh hoạt trần tục hay tâm linh thì ngôn từ là cần thiết. Vì một “jnani” – người giác ngộ – vượt ra ngoài mọi khái niệm nên hoàn toàn vô ngôn. Trong trạng thái tĩnh lặng của một người giác ngộ ngôn từ đi vào im lặng, vì các bộ kinh Vệ-đà (Veda) mặc dù nói “Ta không phải cái này, Ta không phải cái kia”, đã rũ sạch mọi ngôn từ và trở thành “Vedanta” – có nghĩa là, kết thúc các bộ kinh Vệ-đà, chấm dứt mọi ngôn từ.

Ta đã cho ông biết đầy đủ về “prarabdha” và những kinh nghiệm của nó, cũng như nó đã được tạo ra như thế nào và tại sao. Bây giờ, ông ở đâu trong toàn thể vở kịch này?

Đâu là vị trí của ông? Cái gì là diện mạo của ông mà ông muốn giữ gìn? Diện mạo nào vẫn chung thủy với ông từ thời thơ ấu cho đến bây giờ? Ông đã từng có diện mạo của một đứa trẻ, rồi của một thanh niên, của một người trung niên, và cuối cùng của một lão niên. Trong số các diện mạo đó, cái nào là diện mạo đích thực của ông? Thật ra, không hề có chứng cớ nào là ông đã được sinh ra.

K: Tôi không nghĩ về một diện mạo nào như thế. Trong tất cả các kinh nghiệm mà tôi có, nhiều khi tôi cảm thấy ý thức về cái “Ta” rất ít. Chỉ có sự chú ý và đối tượng của sự chú ý. Nhưng khi sự chú ý đặt vào “Ta hiện hữu” thì “Ta hiện hữu” trở nên giảm đi.

M: Khi đặt sự chú ý vào “Ta hiện hữu”, ông có nhận thấy cảm giác vật lý nào không?

K: Khi sự chú ý của tôi không đặt vào “Ta hiện hữu” thì nó biến mất. Nhưng khi sự chú ý của tôi trở nên mãnh liệt thì các khách thể được cảm nhận.

M: Thế sự chú ý của ông có ổn định và thường xuyên?

K: Có.

M: Thế thì tại sao ông đến đây?

K: Kinh nghiệm đó không liên tục.

M: Nếu được an định kiên cố thì nó phải liên tục và thường hằng.

K: Nó chỉ an định trong một lúc.

M: Ai chứng kiến hai trạng thái: Chú ý thuần túy và chú ý không thuần túy.

K: Có lẽ là người biết, là sự chú ý. Có lẽ ai đó nhận xét về sự chú ý, nhưng tôi không nói.

M: Ai chú ý đến tất cả những điều này, ông hay người nào khác?

K: Sự thật biết.

M: Ông phải tìm hiểu nó đến nơi đến chốn. Hành thiền quán thường xuyên. Hãy nhập định trong nhiều giờ vào mỗi thời thiền như thế.

K: Tâm tôi tĩnh lặng nhưng chú ý. Tôi nhìn cái “Ta hiện hữu” này.

M: Ông đã ở vào giai đoạn biết, nhưng vẫn phải đạt đến đích của ông. Điều này chỉ có thể xảy ra khi sự chú ý nhập vào sự chú ý. Nếu sự chú ý đã tiêu hóa hết chính nó thì ông đã không đến đây.

K: Ồ, tôi hiểu. Lẽ ra tôi đã phải suy gẫm về sự chú ý của tôi.

M: Phải. Hiện thời ông đang đình trệ trong giai đoạn chú ý. Giai đoạn này cần phải được tiêu hóa. Ông hiện đang nói từ giai đoạn của cái biết “Ta hiện hữu”, giai đoạn này bị giới hạn bởi thời gian và nhất thời.

Người khách thứ hai: Chú ý phi đối tượng, có thể là như thế không?

M: Liệu có thể có sự chú ý mà không có đối tượng? Nếu có sự chú ý thì cũng phải có đối tượng.

K: Khi sự chú ý và đối tượng của sự chú ý mờ nhạt dần, thì có thể nào một người đã đạt đến trạng thái “Samadhi”?

M: Ai là người biết trạng thái đó?

K: Có phải ông đang gài bẫy tôi?

M: Đừng suy diễn Ta từ ông.

Người khách thứ hai: Tâm tôi rất tĩnh, nó không di chuyển về bất cứ đối tượng nào; có thể đó là sự tĩnh lặng của tâm, một sự tĩnh lặng. Đây là kết quả của những kinh nghiệm của tôi ở đây.

M: Ông ấy nói gì?

K: Khi có cảm nhận về sự chú ý đó thì sự tĩnh lặng của tôi tan vỡ và cảm giác “Ta hiện hữu” xuất hiện. Lúc đó tâm tôi nhìn ra về phía đối tượng, như thế đối tượng và cảm giác “Ta hiện hữu” xuất hiện cùng một lúc.

M: Có vẻ như ông đang nói từ trạng thái thân-tâm. Ta đang nói từ trạng thái vô-tâm. Tâm luôn luôn có đó khi còn diện mạo thân xác. Khi diện mạo thân xác không còn nữa thì tâm ở đâu? Các trạng thái thức, ngủ sâu và hiện hữu được cho là “sinh” và đó chỉ là một giai đoạn nhất thời.

K: Thế không phải tôi phải tìm hiểu thân tâm từ trạng thái thân tâm để biết nó hay sao?

M: Có phải Ta là một thầy giáo vỡ lòng, và phải bắt đầu từ A, B, C – có nghĩa là từ trạng thái thân tâm – hay không? Thuyết giảng của Ta bắt đầu từ “prarabdha” và nguồn gốc của hiện hữu. Ta không nói chuyện thân-tâm.

Ngày 31 tháng 1 năm 1980.

❁ ❁ ❁

9. Qua sự xúc chạm của hiện hữu, toàn thể vũ trụ sinh khởi

Maharaj: Bất cứ gì được thấy và cảm nhận trong cái tổng thể, giống như không gian, đều là sự thị hiện có tính cách vũ trụ – tức “Brahman”. Nhưng các “hình tướng” xuất hiện, và chúng được cảm nhận như tách biệt và cách ly nhau.

Đối với người giác ngộ mọi thứ đều là “Brahman” – chỉ là sự thể hiện của “Brahman”. Mỗi sinh vật đều có ý thức về sự hiện diện. Ý thức này tự nhận diện nó với hình tướng thân xác và hành hoạt như vậy trong thế giới. Ý thức về sự hiện diện của hiện hữu có tiềm năng vô cùng to lớn, đặc biệt là trong thân xác con người vì các giác quan của con người đã được phát triển đến trình độ cao nhất.

Cảm giác hiện hữu này, tức là ý thức, có khả năng nhận ra bản chất đích thực của nó và an trú trong trạng thái “Ishwara” – tức trạng thái siêu phàm. Các cổ thư như bốn bộ kinh Vệ-đà đều khẳng định ý thức hiện hữu chỉ là “Brahman” thanh tịnh và điều này đã được xác minh bởi nhiều nhà hiền triết và các bậc thánh nhân.

Trong bụi nước biển có vô số vi hạt. Khi chưa bị tách ra khỏi biển những vi hạt này đều là biển. Nhưng ngay khi có sự tách biệt chúng trở thành những vi hạt cá nhân. Tuy nhiên vị mặn của nước, dù là nước biển hay nước của các vi hạt kia thì như nhau.

Cũng như vị mặn có trong toàn thể nước biển, thì sự hiện hữu hay cảm giác “Ta hiện hữu” trong hình tướng con người có khả năng bao trùm tất cả và khả năng này vốn có sẵn. Nhưng khi đã tự điều kiện hóa nó với hình tướng thân xác – và do đó trở nên hữu hạn – thì sự hiện hữu chỉ quan tâm đến việc bảo vệ và giữ gìn thân xác.

Do sự xuất hiện của nhiều hình tướng thân xác nên ý thức thị hiện có vẻ như bị phân chia thành manh múm. Nhưng sự phân chia này chỉ nên được xem như liên quan đến các hình tướng thân xác, vì trong hiện thực ý thức luôn hiện hành cả bên trong lẫn bên ngoài thân xác.

Tâm là sự tuôn trào của năm nguồn sinh lực trong thân xác, được gọi là “pancha-pranas”. Tâm ca tụng và khao khát các ấn tượng – samskaras – tiếp nhận được từ bên ngoài thông qua các giác quan của thân xác. Nhưng tâm có thể tự thanh tẩy bằng sự thân cận với các bậc hiền triết và thánh nhân – các vị này vì mục đích thanh tẩy tâm – đều tán dương việc trì tụng các danh hiệu thiêng liêng của Thượng đế, và sám hối, vân vân.

Là một hiện tượng tự nhiên, “Brahman” thanh tịnh và năng động vô tình khoác lấy vô số thân như đủ loại y phục, rồi hành hoạt qua các thân này. Do đó thế giới được nhận thức thông qua các giác quan của thân xác. Không những thế, nguyên lý nội trú trong thân xác – tức ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” – ôm chặt lấy thân xác như là chính nó và hành động theo sự sai xử của thân xác. Mặc dù chịu những biến thái và thay đổi này, ý thức về cái biết “Ta hiện hữu” vẫn bất biến trong bản chất cố hữu của nó. Ngay khi nguyên lý thanh tịnh “Brahman” năng động này – tức lực vận hành đằng sau các chức năng của thân xác – chấm dứt sự vận hành của nó thì thân xác trở nên xáo trộn, thường được gọi là “chết”.

Như vậy ý thức chẳng đi đâu cả, chỉ chức năng của nó – thông qua thân xác – tàn lụi vào lúc thân xác “chết”, còn nguyên lý thanh tịnh “Brahman” năng động vẫn không hề bị ảnh hưởng.

Chừng nào ý thức về sự hiện hữu hay ý thức nội trú trong thân xác chưa nhận ra bản chất đích thực của nó thì chắc chắn nó còn nhận diện với thân xác và những hành động của thân xác bằng cách tự nhận là người hành động. Hậu quả của sự nhận diện này là ý thức sẽ vô cùng đau đớn khi thân xác đi vào giai đoạn phân hủy và cận kề cái chết.

Trong một thân thể khỏe mạnh, hơi thở của sự sống vận hành rất rõ rệt. Nhưng khi cái chết xảy ra, hơi thở của sự sống từ bỏ thân xác và sự vận hành chấm dứt ngay lập tức.

Tuy nhiên, trong trường hợp của “Brahman”, không hề có vấn đề vận hành và “Brahman” vẫn tiếp tục hiện diện khắp nơi. Cần hiểu rõ một điều là khi thân xác chết thì nguyên lý căn bản này – tức nguyên lý “Brahman” thanh tịnh – không xa lìa và cũng chẳng đi đâu như một thực thể cá nhân, vì đơn giản là “Brahman” bao trùm tất cả và ở khắp nơi. Vào lúc thân xác “chết” thì sự thể hiện của “Brahman” qua thân xác chỉ lắng xuống vào lúc đó và ở đó mà thôi.

Khi một nhạc cụ được sử dụng, âm thanh nó phát ra tràn ngập khoảng không gian xung quanh. Khi nhạc cụ không được sử dụng nữa thì âm thanh chẳng đi đâu cả, nó chỉ yếu dần rồi tắt.

Hiện thời, hình tướng thân xác này là sản phẩm của ngũ đại, các đại được tạo ra từ “atman”. Nhưng làm sao một người nhận ra “atman”? Một người nhận ra “atman” bằng sự hiểu rõ cái biết “Ta hiện hữu” – tức “atma-jnana”. Cũng như không gian bao trùm tất cả thì cái biết “Ta hiện hữu” bao trùm tất cả, vô hạn và vô biên. Thật là lạ lùng, một nguyên lý tối thượng như thế là được đối xử như thể nó là một thân xác! Mọi đau khổ là do sự nhận lầm diện mạo này. Nếu ông dành vinh dự tối cao cho nguyên lý “Brahman” thì sẽ không bao giờ ông trải qua đau khổ hay cái chết.

Sinh và tử chỉ là những điều nghe nói. Sinh có nghĩa là sự sinh ra của một thân xác, mà thân xác là tinh chất của thực phẩm. Không có vấn đề “atman” cần phải nhập vào một thân xác vì “atman” đã hiện diện khắp nơi như bầu trời. Nếu một thân xác khỏe mạnh thì nó bắt đầu hoạt động một cách tự nhiên vì sự hiện hành của nguyên lý “atman”.

Nguyên lý “atman” thì bất tử và bất khả hủy diệt. Nếu ông muốn nếm hương vị của nó thì hãy hiểu rõ rằng nó không gì khác hơn là cái biết “có mình”, hay sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu”. Đừng bao giờ quên nguyên lý căn bản này.

Nguyên lý căn bản vĩ đại này – “atman” – không hề bị ảnh hưởng bởi bất cứ hành động nào do ông làm từ diện mạo thân xác của ông. Tuy nhiên sự xúc chạm của cái biết “Ta hiện hữu” chỉ xuất hiện khi có một thân xác thực phẩm. Khi ông nói “Tôi rất khỏe mạnh” thì có nghĩa là ông đã tiêu hóa và hấp thụ rất nhiều thực phẩm bổ dưỡng nên thân xác ông khỏe mạnh. Nhưng thân xác thì không phải ý thức hiện hữu của ông. Tuy thân xác khỏe mạnh nhưng nó cần phải được tái nuôi dưỡng hằng ngày bằng thực phẩm và nước uống. Hơi thở của sự sống – không có môi và lưỡi – nhai và bú tinh chất thực phẩm từ thân xác, trong khi tâm cất tiếng hát ca tụng những ấn tượng thu thập được từ bên ngoài qua các giác quan. Rồi đến lượt ông cảm thấy như thể chính mình đang làm tất cả những hành động này và nhận chúng là “của ông”.

Chúng ta hãy gọi ý thức về sự hiện hữu là “guna” – có nghĩa là tính chất – hay “jnana” có nghĩa là cái biết “Ta hiện hữu”. “Guna” hay “Jnana” này luôn luôn tồn tại một cách tiềm ẩn trong mỗi phân tử thực phẩm. Như vậy, bất cứ khi nào có một hình thể thực phẩm thì tính chất tiềm ẩn này tự thị hiện – lúc đầu bằng sự chuyển động và nhịp đập, sau đó là tâm.

Nguyên lý tối thượng bao trùm và xuyên suốt mà sự thể hiện của nó thông qua một thân xác gọi là “guna” có tên là “sagunabrahman” trong các bộ kinh Vệ-đà. Tên gọi này có nhiều nghĩa như: “Yêu thích được hiện hữu”, ý thức về cái biết “Ta hiện hữu”, sự hiện hữu, vân vân. Trạng thái này không có hình tướng hay hình dạng, và ngay cả tâm cũng không có hình dạng. Chỉ thân xác thực phẩm mới có hình tướng.

Chính nguyên lý này tự thể hiện thành dòi bọ và vi trùng từ thân xác thối rữa của con người. Bất cứ khi nào thức ăn thừa thãi đổ đi và bị phân hủy, các ông sẽ thấy những hình thức của sự sống lúc nhúc ra vào trong đó. Nguyên lý năng động “sagunabrahman” tạo ra sự sống đem lại sinh khí cho các hình tướng sinh ra từ thực phẩm vào bất cứ khi nào có điều kiện thuận tiện; nhưng sự thể hiện của nó thay đổi tùy theo hình tướng. Do đó, chúng ta có thể nhận ra những thể hiện này bằng hình dạng khác nhau như sâu bọ, côn trùng, chim muông và thú vật, vân vân.

Khi thị hiện qua hình tướng thân xác con người, nguyên lý “sagunabrahman” có tiềm năng hướng dẫn một hành giả đến với chân lý Tối Thượng, với điều kiện nó phải được hiểu rõ và nhận ra một cách đúng đắn. Nguyên lý “sagunabrahman” chính là ý thức hiện hữu của ông và nội trú trong thân xác của mỗi người. Bằng cách an trú trong trạng thái này, ông vượt ra khỏi cả sinh lẫn tử. Chính vì vậy ông không cần thiết phải thực hành các nghi thức hay kỷ luật tâm linh nào. Chỉ cần có trước tâm, chỉ .

Có rất nhiều người nhân danh tâm linh cần cù sám hối, trì tụng các danh hiệu thiêng liêng, thường xuyên hành hương và thực hành những kỷ luật hành xác để được cứu độ. Cứ để họ làm bất cứ gì họ muốn. Có lẽ họ được yêu cầu phải thanh tẩy mọi tội lỗi của những tiền kiếp tùy theo sở nghiệp.

Nếu gặp được một bậc thánh nhân đã giác ngộ bản tánh chơn thật, thì vị đó sẽ chẳng bao giờ yêu cầu ông chấp hành một hình thức kỷ luật tâm linh nào. Vì vị ấy, qua thuyết giáo, sẽ cho ông thấy bản tánh đích thực bằng cách đặt một tấm gương trước mặt ông.

Rất nhiều người được gọi là giác ngộ đi hết nơi này đến nơi khác truyền bá cái biết tâm linh của họ. Nhưng tại sao Ta lại phải lang thang đây đó? Trong trạng thái đích thực của Ta, Ta ở khắp mọi nơi. Ông cũng có thể nhận ra điều này khi an trụ trong cái biết “Ta hiện hữu”.

Ông đi gặp chú bác hay bà con của mình vì có liên hệ với họ qua thân xác của ông.

Nhưng nếu ông ở khắp nơi, thì việc gì ông phải đi đây đi đó? Nếu tiếp thu thấu đáo những gì Ta vừa diễn giảng thì ông chẳng cần thêm bất cứ hình thức kỷ luật tâm linh nào nữa.

Với cái hiểu này, các ông sẽ nhận ra và kết luận rằng mọi sinh hoạt tâm linh và trần tục đều diễn ra thông qua ông, chúng chỉ là những trò giải trí để tiêu khiển, và là chức năng của nguyên lý năng động thị hiện – tức “maya”.

An trụ trong cái biết “Ta hiện hữu” là tôn giáo đích thực của một người, còn được gọi là “svadharma”. Nhưng thay vì hành theo “svadharma”, ông lại muốn trở thành kẻ ngoại đạo bằng cách cam chịu sự sai xử của các khái niệm làm cho ông tin mình là một thân xác. Tà kiến này tất yếu đưa đến nỗi sợ chết.

Nếu không được cung cấp thực phẩm, thân xác ông suy yếu dần và cho đến một ngày hơi thở của sự sống sẽ ra đi. Người ta sẽ tuyên bố là ông chết, nhưng ông không nhận được tin đó. Có thể ông là kẻ có tội, nhưng tội lỗi của ông là do ông tự nhận diện với một thân xác; như vậy cái chết của ông cũng còn quy cho diện mạo thân xác.

Hãy hiểu một cách rõ ràng rằng: Ông – cái Tuyệt Đối không hề có bất cứ diện mạo thân xác nào – thì viên mãn, toàn hảo và Bất sinh. Nhưng ông bị tố cáo là đã hàng triệu lần sinh ra trong các tiền kiếp. Về điều này, liệu ông có thể cho Ta biết ít nhất một trong các tiền kiếp của ông, nếu ông nhớ? Đừng tin theo những gì người khác nói mà hãy nói một cách trung thực từ kinh nghiệm trực tiếp của chính ông. Thật ra, ông không hề có sự sinh ra nào. Vô số các hình tướng xuất hiện và biến mất chỉ là kết quả của vở kịch ngũ đại.

Trong vở kịch này, ông ở đâu và ông là cái gì? Và đâu là câu hỏi ông đến và đi? Tín ngưỡng và sự tôn sùng là gì? Không phải chúng chỉ là sự tuyên truyền những ý tưởng được ưa chuộng của các bậc thánh nhân và các đấng tiên tri về những khái niệm tâm linh nào đó đã xảy ra với các vị ấy. Điều này có thể xảy ra vì các vị đó đã nhận ra ý thức về sự hiện hữu trước tiên. Họ thiền quán, an trụ trong đó rồi cuối cùng vượt ra khỏi sự hiện hữu và đạt đến sự giác ngộ tối hậu. Sau đó, bất cứ cái biết nào tự sinh khởi từ các vị ấy đều trở thành tín ngưỡng và được các môn đồ tôn sùng vì quan hệ tình cảm sâu xa của họ.

Sự kiện quan trọng nhất cần được hiểu chỉ là: Có sự xúc chạm của hiện hữu thì mới có tất cả. Nếu không có sự hiện hữu thì không có thế giới, không có vũ trụ và cũng chẳng có bất cứ gì.

Bây giờ, có ai muốn hỏi gì không?

Khách: Ông nói về sự hiện hữu được duy trì bởi thân xác thực phẩm, và về ý thức năng động thị hiện. Có phải chúng là một?

M: Cả hai có nghĩa như nhau. Nguyên lý này không có hình tướng, cũng như hơi thở của sự sống không có hình tướng mặc dù rất năng động và rộn ràng. Chỉ hơi thở của sự sống là đem lại sinh khí cho thân xác và hơi thở sẽ tiếp tục hoạt động chừng nào thân xác còn khỏe mạnh.

Bất cứ gì được thấy và được nhận thức thì luôn luôn ở trong trạng thái tạo thành và hủy diệt, nhưng Ông trong bản tánh đích thực thì bất sinh và bất khả hủy diệt. Chỉ khi nào giác ngộ bản tánh đích thực của chính mình thì ông mới an lạc.

Dù ông có hao công tổn sức đến đâu để sở đắc của cải thế gian thì tất yếu chúng sẽ ra đi; cả các khái niệm và vô số diện mạo của ông cũng thế. Dù cho ông có theo một tôn giáo với hy vọng đạt được một cái gì thường hằng từ bên ngoài thì chắc chắn ông sẽ thất vọng. Mục đích chủ yếu của tâm linh đích thực là hoàn toàn giải thoát bản thân ra khỏi mọi khái niệm và sự điều kiện hóa của chính mình.

Khi theo một tôn giáo, một giáo phái hay một tín ngưỡng nào đó một người không thể không bị điều kiện hóa vì bị buộc phải tuân thủ và chấp hành những kỷ luật nhất định, cả về vật lý lẫn tâm lý. Thỉnh thoảng người đó cảm thấy đôi chút an tâm nhưng một sự an tâm như thế sẽ chẳng kéo dài bao lâu. Trong bản tánh đích thực của ông, ông là người biết tất cả khái niệm, do đó ông có trước mọi khái niệm.

K: Một xác chết nằm trên đất. Nguyên lý thị hiện “Brahman” ở khắp nơi, do đó không thể xa lìa thân xác. Vậy nguyên lý nào đã xa lìa thân xác, để cho nó chết?

M: Vì mục đích của cuộc đàm luận này, hãy tạm xem “Brahman” như không gian.

Có thể nào không gian bị giam hãm trong nội vi thân xác? Tiếp đến hãy cho Ta biết, cái chết (của thân xác đó) bắt đầu ở chỗ nào trong không gian bam trùm tất cả các pháp giới?

Liệu có thể được không?

Ông hỏi kiểu gì thế? Tốt hơn ông nên sửa lại câu hỏi để nó có ý nghĩa?

K: Trong một cơ thể sống phải có một cái gì đó khác với không gian!

M: Khác với không gian?

K: Không gian có đó.

M: Trong không gian có một mẩu thức ăn và từ mẩu thức ăn này một thân xác được hình thành. Nguyên lý thị hiện “Brahman”, mà chúng ta vừa tạm gọi là không gian, thể hiện tự thân thông qua thân xác khỏe mạnh. Ông có vẻ như muốn gọi đó là “atman”.

Nhưng “atman” không được tạo ra như thân xác; “atman” là nguyên lý bất sinh, là “Brahman”.

K: Ồ, điều này có nghĩa “atman” không bao giờ được tạo ra!

M: Đúng thế, “atman” không có sự sinh ra. Chính vì do nguyên lý “Brahman” bao trùm tất cả, cùng với hơi thở của sự sống mà thân xác hoạt động. Rồi ông diễn dịch tiến trình này là sự sinh ra của “atman”.

Tất cả thuyết giảng này là chỉ dành cho những người có ước muốn chân thành tìm hiểu tâm linh. Còn đối với những người ưu tư tìm cách làm cho cuộc sống thế tục của mình tốt đẹp hơn thì Ta khuyên họ nên thờ cúng các thần linh.

Khi một thân xác khỏe mạnh và hơi thở của sự sống (prana) cùng hoạt động thì ý thức về sự hiện hữu thể hiện tự thân bằng cách làm cho tứ chi và các giác quan hoạt động. Sự thể hiện này là một biểu hiện cho thấy sự tồn tại vĩnh cửu của nguyên lý tối hậu – cái Tuyệt Đối – hay “Parabrahman”. Khi thân xác chết đi, ý thức về sự hiện hữu biến mất và như vậy không còn biểu hiện của cái Tuyệt Đối thể hiện qua một xác chết; tuy nhiên, cái Tuyệt Đối vẫn tiếp tục hiện hành như bao giờ.

K: Đó là điều tôi muốn biết.

M: Một người đi tìm chân lý được đạo sư chỉ dạy “Quay lại nhìn”. Người đi tìm chân lý chất phác – tiếp nhận sự chỉ giáo theo nghĩa đen – quay lại nhìn, vì thế Đạo sư bảo người đó một lần nữa: “Hãy hiểu ý nghĩa ẩn dưới ngôn từ. Hãy hiểu trạng thái của ông trước trạng thái hiện nay. Đến tận nguồn gốc. Quay lại. Lùi lại”.

Ông chấp nhận một khái niệm và dừng lại tại đó. Như thế, bước tiến tâm linh của ông đình trệ ở bình diện khái niệm.

Ông cho biết về diện mạo của ông ở các giai đoạn khác nhau trong đời bằng những khái niệm như “một hài nhi”, “một thiếu niên”, “một thanh niên”, “một người trung niên” vân vân. Nhưng diện mạo khái niệm nào của ông vẫn còn trung thành với ông? Tất cả diện mạo, theo giòng thời gian, đều chứng tỏ là hư giả. Ngay cả cái nguyên lý ở đằng sau các diện mạo – tức ý thức về sự hiện hữu của ông – cũng sẽ chứng tỏ là nó hư giả. Nó đã xuất hiện thì sẽ phải biến mất; do đó, nó vô thường và hạn cuộc bởi thời gian. Còn người biết sự hiện hữu [thì người đó] là cái Tuyệt Đối thường hằng.

Mọi kinh mà ông trải qua đều không hoàn hảo. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục hành trì một pháp môn tâm linh nào đó vì tâm không để cho ông tĩnh lặng.

Với mục đích đạt được cái biết và muốn biết “Brahman”, ông thiền quán về một cái gì đó. Nhưng cái gì là diện mạo của ông khi ông là một thiền giả? Ông không phải sự thiền quán và cũng không phải đối tượng của sự thiền quán. Dù là bất cứ gì – Ông vẫn không phải sự thiền quán và đối tượng của sự thiền quán – Ông là cái Toàn Hảo, cái Tổng Thể, cái Tuyệt Đối Thường Hằng.

Ngày 2 tháng 2 năm 1980

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Nước Thiêng của sự Bất Tử

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x