Trang chủ » Siêu vượt Áo Nghĩa Thư – Upanishads

Siêu vượt Áo Nghĩa Thư – Upanishads

by Hậu Học Văn
442 views

4. Không hề có bất cứ gì xen vào sự vận hành của ngũ đại

Khách: Cái “tôi” là gì? Tại sao cái “tôi” lúc nào cũng nghĩ về nó?

Maharaj: Trước tiên, ông có cái gọi là “aham-bhava” có nghĩa là ý thức “Ta hiện hữu”. Sau đó, ý thức này nhận diện nó với hình tướng của một thân xác, lúc đó nó được gọi là “aham-akar” – hình tướng “Ta hiện hữu”. Đó là cái “tôi”.

K: Tại sao cái “tôi” không biến mất trong con người? Người ta nghĩ mình là người hành động và muốn được yêu quý.

M: Đó là kết quả tự nhiên của ba đặc tính “gunas”. Dù thân xác là sản phẩm của tinh chất thực phẩm, nó vẫn là phương tiện mà qua đó cả ba đặc tính “gunas” hoạt động.

Cái “tôi” chính là bản chất của các “gunas” này. Một người nghĩ mình là người làm, thật ra người đó chẳng làm gì cả; trong hiện thực các hoạt động xảy ra đều do ba đặc tính “gunas”; chỉ có người giác ngộ nhận ra điều này và thoát ra khỏi cái “tôi”. Cái “tôi” không bao giờ là một tước vị hay một cái tên, mà chỉ là cảm giác “Ta hiện hữu” trước khi có ngôn từ. Trạng thái thức, trạng thái ngủ và cái biết “Ta hiện hữu” tạo thành cái “tôi”. Nếu không có ba trạng thái này, ông nghĩ ông là gì? Cái gì là bằng chứng về sự tồn tại của ông?

K: Thế không phải cái “tôi” là do ý nghĩ sinh ra hay sao?

M: Ba trạng thái này là kết quả tự nhiên của sự hiện hữu hay cái biết “Ta Hiện Hữu”. Người nào nhận ra sự hiện hữu thì vượt ra ngoài ba đặc tính “gunas” – cụ thể là sattva (ý thức), rajas (tính cách năng động), và tamas (nhận là người làm, người hành động). Thân xác thực phẩm vô cùng cần thiết cho sự thị hiện của ý thức. Nếu không có thân xác thì không thể có ý thức, không có ba đặc tính “gunas”, và thậm chí cũng không thể có ba trạng thái thức, ngủ và biết.

K: Ông muốn nói ý thức có nghĩa là ý thức của “tâm”.

M: Tâm từ đâu xuất hiện khi chúng ta nói về ba trạng thái này? Nếu không có thức, ngủ và biết thì tâm ở đâu? Nếu không có ý thức ông không biết “ông hiện hữu”.

K: Như thế thì liệu có phải ý nghĩ xuất hiện trong ý thức?

M: [Chỉ vào cây nhang đang cháy] Đúng thế, khi cây nhang cháy thì có mùi thơm. Ông hiểu thế nào là sinh? Sinh có nghĩa: Sự sinh ra các trạng thái thức, ngủ sâu và biết.

Nhưng chất liệu của sự sinh này là tinh chất của thân xác thực phẩm. Nếu có câu hỏi nào thì cứ hỏi. Nhưng ai chú ý đến các câu hỏi của ông nếu không có ông? Nếu không có ông thì các câu hỏi của ông ở đâu, ngay cả các câu hỏi về sự sinh ra và chết đi của ông?

K: Sinh chỉ xảy ra với thân xác.

M: Khi nói đến thân xác, không phải nó là tinh chất của thực phẩm hay sao?

K: Cái gì làm cho cái “tôi” tăng trưởng cùng với tuổi tác và sự thoái hóa của thân xác như trong trường hợp của những người bị bệnh hoang tưởng – Cái “tôi” có vẻ như tăng trưởng cùng với tuổi tác.

M: Nhưng cái “tôi” là sản phẩm của cái gì? Bất cứ kinh nghiệm nào ông trải qua đều là sản phẩm của hiện hữu, và hiện hữu là kết quả của thực phẩm. Thân xác bắt nguồn từ thực phẩm và sự “sinh ra” (birth) bắt nguồn từ phân tinh túy của thân xác. Ông còn muốn gì nữa? Với sự xuất hiện của hiện hữu, danh nghĩa “sinh ra” được gán cho ông; có nghĩa là ông bị buộc tội đã được sinh ra. Với những câu trả lời này, các câu hỏi và sự luận bàn của ông mất đi tất cả ý nghĩa. Nào, cho Ta biết ai là người đang nói? Ông đang nói hay đặc tính của sự hiện hữu đang nói?

K: Chẳng bao giờ có một cái “Ta” đang nói.

M: Ông vẫn chưa nắm bắt điều Ta nói. Mầm mống của thế giới kinh nghiệm là sự hiện hữu. Cái “Ta” ở đâu trong tất cả những thứ này? Hành vi nói được thực hiện bởi sự hiện hữu. Nhưng sự hiện hữu lại tùy thuộc vào phần tinh túy của thân xác, tức là sản phẩm của thực phẩm. Khi tinh chất thực phẩm trong thân xác mất đi tính chất của nó thì sự hiện hữu trở nên và sợ hãi cái chết. Ông muốn dùng ngôn từ nào tùy ý nhưng cho Ta biết: Ông đã từng viết sách nhưng ông đã viết những gì trong đó? “Ta hiện hữu” hay “Ta không hiện hữu” liên quan đến sự hiện hữu. Tất cả ngôn từ đều được nói ra bởi sự hiện hữu. Nếu không có ý thức “Ta hiện hữu” – có nghĩa là nếu không có sự hiện hữu, thì có ai để nói “Ta hiện hữu”?

K: Tôi chưa hề có ý nghĩ viết sách.

M: Đàm luận với ông có ích lợi gì? Ông có phủ nhận những gì Ta nói thì cũng chả sao. Ông là cái gì, và liệu ông có thể là cái gì nếu không có ba trạng thái thức, ngủ sâu và biết “Ta hiện hữu”?

K: Vì thế tôi phủ nhận mình làm bất cứ gì.

M: Nhưng có vẻ như có sự khẳng định nào đó trong những gì ông nói. Đừng tìm cách nói chỉ để mà nói. Nếu ông lắng nghe trong tĩnh lặng thì tất cả sẽ được tiết lộ. Khi có người đến gặp Ta, Ta biết người đó chẳng biết gì cả. Người ta thường mang tặng vật đến biếu Ta. Nhưng đó là một căn bệnh, và “Ta” chẳng quan tâm đến những thứ đó.

Tương tự như thế, trong cuộc sống của chúng ta có nhiều thứ kỷ luật và nghi thức về thân xác và tâm linh được đặt ra nhưng Ta luôn luôn ở ngoài những sự điều kiện hóa này. Điều này hoàn toàn rõ ràng đối với Ta.

Có người biếu Ta tấm thảm Trung Hoa này trị giá trên bốn ngàn rupees (tiền Ấn Độ). Nhưng Ta hoàn toàn vô cảm với món quà tặng này. Tương tự như thế, Ta chẳng hề bận tâm với cái được gọi là “sinh” áp đặt lên Ta. “Sinh” liên quan đến ba đặc tính “gunas”, ba trạng thái và sự hiện hữu, còn Ta hoàn toàn không phải những thứ đó.

Ta dùng tấm thảm nhưng Ta không phải tấm thảm. Cũng như thế, Ta sử dụng sự hiện hữu. Những người đến đây sụp xuống dưới chân Ta vì lòng kính ngưỡng; nhưng sự kính ngưỡng được bầy tỏ đối với đặc tính của sự hiện hữu, còn Ta thì bất khả tiếp cận. Tất cả những cái biết tâm linh này thuộc về cõi giới của sự hiện hữu, và chắc chắn sẽ ra đi như một người khách. Câu hỏi là: ở đâu, khi nào và làm sao ông có cái biết tối thượng?

K: Ai có cái biết tối thượng này?

M: Chẳng ai có cái biết về cái Ta. Cái biết “Ta hiện hữu” không phải trạng thái Tuyệt Đối. Sự hiện hữu, bao gồm ba “gunas”, được gán cho những danh hiệu thiêng liêng như Brahma, Vishnu và Mahesh. Brahma là đấng sáng tạo, Vishnu là đấng bảo tồn, còn Mahesh là đấng hủy diệt, và sự kết hợp của ba vị thần linh này được chúng ta thờ kính và ca ngợi khi hát các thánh ca “bhajans”. Nhưng tất cả các vị thần này biến mất và an nghỉ trong một bậc thánh nhân đã giác ngộ cái Ta, được gọi là “jnani”. Trạng thái của “jnani” siêu vượt ý thức về thời gian và ngay cả những xúc cảm tuyệt vời. Trạng thái tối thượng đó được gán cho danh hiệu “Parabrahman” hay “Paramatman”, vân vân.

Sau khi đọc các kinh sách tâm linh, người ta tranh luận với nhau về những kiến giải của họ. Nhưng những tranh cãi như thế có ích lợi gì? Tất cả những hý luận đó diễn ra trong cõi giới của sự hiện hữu, còn Ông – cái Tối Thượng – thì không phải sự hiện hữu.

K: Hôm qua Maharaj bảo tôi thiền quán sự hiện hữu đã xuất hiện vào lúc nào. Như thế, cũng có thể hỏi về trạng thái sau khi sự hiện hữu xuất hiện – chẳng hạn như tại sao, khi nào, và làm sao, vân vân.

M: Đúng, những câu hỏi như thế chỉ có thể được đặt ra sau khi hiện hữu xuất hiện, và sự hiện hữu tiếp tục tồn tại cho đến khi còn tinh chất thực phẩm. Tại sao và khi nào một người chết đi? Khi tinh chất thực phẩm không còn được cung cấp, các chức năng của thân xác ngừng hoạt động và sự hiện hữu cư trú trong nội thân biến mất. Sự kiện này được gọi là “chết”. Nhưng ai đã chết.

K: Một khách thể đã chết.

M: Nhưng ai nói điều này? Liệu có thể nào người chết nói? Nếu không phải người chết nói thì ai nói?

K: Ông có thể thấy sự hiện hữu này xuất hiện và biến mất từ ngày này sang người khác. Phải có một cái gì khác.

M: Người thấy sau cùng không thể thấy bằng hành vi thấy; người thấy [sau cùng] thấy không bằng hành vi thấy. Nhưng người thấy sau cùng đó không thuộc về cõi giới của sự hiện hữu.

K: Theo tôi thì hình như chính hành vi thấy bị thấy.

M: Nhưng cái gì là nguyên nhân của điều này? Chỉ là sự hiện hữu – “sattva-guna” với ba phương diện. Nếu ông không hiểu thì hãy giữ im lặng. Cái Tuyệt đối không thể được hiểu. Bất cứ gì ông hiểu thì không phải là ông. Trong sự không hiểu, ông hiểu chính ông.

K: Thế ba “gunas” tạo ra hành vi chứng kiến bằng cách nào?

M: [Hỏi một người khác để râu] Ông để râu như một thánh nhân. Thế nào, ông hỏi đi chứ.

K: Ông vừa nói về “jnani”. Một “jnani” có tư duy hay không? Có thể nào một “jnani” không có cảm thọ? 

M: Để truyền đạt và giao tiếp, người đó phải dùng những từ ngữ như “jnani đang tư duy” hay “jnani đang thuyết giáo”, vân vân.

K: Nhưng thật ra thì không thể có chuyện đó. Điều ông giải thích chỉ tái khẳng định rằng “jnani” đang nói về sự suy nghĩ và “jnani” đang cảm thọ.

M: “Jnani” siêu vượt các thuộc tính của ba “gunas” và ở ngoài các cảm xúc. Làm sao một “jnani” có thể can dự vào sự tư duy và các cảm xúc?

K: Tôi thấy có sự khác biệt giữa tư duy và cảm xúc. Cảm xúc, theo tôi, như một giòng sông. Chúng đến và đi.

M: Đúng, sự xuất hiện và biến mất của các cảm thọ và cảm xúc này chính là bản chất của ba “gunas”, nhưng không phải của ông.

K: Tôi hiểu đó là sự tuôn trào tự nhiên của các “gunas” và không thuộc về cái Tuyệt Đối.

M: Ông tin vào cái “không”, nhưng của ai? Ông tin một “jnani” là KHÔNG hay cái biết “Ta Hiện Hữu” là không? Cái biết “Ta Hiện Hữu” là không. Cái biết đó như một người khách; nó đến và đi. Ông đến đây; ông rất thông thái. Bây giờ, chuyện gì đã xảy ra? Tất cả cái biết ông đã thu thập ở những chỗ khác và đem đến đây được xem như vô dụng và dư thừa. [Maharaj chỉ hai người khách] Cái biết của hai người này sẽ trở thành vô dụng. Ngay lúc này, họ chính là đại dương của kiến thức. Nhưng khi ba “gunas” và sự hiện hữu của họ biến mất thì tất cả cái biết của họ cũng biến mất theo. Bao giờ còn sự hiện hữu thì các sinh hoạt thế gian còn tiếp diễn. Nhưng bây giờ ông nhận ra rằng “Ông” không phải là các sinh hoạt xảy ra trong sự hiện hữu mà cũng không phải sự hiện hữu. “Ông – cái Tuyệt Đối – không phải những thứ đó.

K: Thiền quán về những gì sinh khởi theo sau sự hiện hữu… Phương cách duy nhất mà tôi thấy là quan sát cái gì còn ở lại khi tất cả đã ra đi. Khi thời gian, không gian và tất cả mọi thứ biến mất, cái gì còn lại?

M: Khi thế giới hữu hình của ba “gunas” biến mất, bất cứ gì còn lại biểu thị cái “ông là” một trăm năm trước, và trước khi ông sinh ra. Trong trạng thái đó, “ông” mất đi ba trạng thái thức, ngủ sâu và biết. Ông phải an trụ trong trạng thái đó suốt thời thiền.

K: Làm sao để tránh nhập định (samadhi) trong khi thiền?

M: Nhập và xuất định không phải là các đặc tính của ông. Ông ở ngoài mọi đặc tính.

K: Câu tôi hỏi là làm sao tránh “samadhi”.

M: Nhập định, và xuất định đều là những đặc tính, cũng như các đặc tính khác của ba “gunas”. Đừng tìm cách tránh né “samadhi”. Đó là sự vận hành tự nhiên của ba “gunas”. “Samadhi” sẽ có đó nhưng “Ông” – cái Tuyệt Đối – không ở trong “samadhi”.

K: Trước kia tôi vẫn thường có khuynh hướng này, vì thế đạo sư của tôi cấm tôi thiền và quán.

M: Liệu ông có thể cho Ta biết, “Ông” đã được đưa vào cái biết “Ta hiện hữu” như thế nào và ở đâu? Đạo sư của ông có nói với ông điều đó không? Sự hợp nhất của hiện hữu với cái Tuyệt Đối đã xảy ra ở đâu và như thế nào?

K: Câu hỏi này chưa bao giờ sinh khởi.

M: Một người vô minh này có thể nói với một người vô minh khác bất cứ gì. Còn người nhận ra vô minh là gì thì phải được cho là người biết, hay là “jnani”. Nhiều người cho mình là “jnani” nhưng họ chỉ là những kẻ vô minh. Một người bảo “Ta biết rất nhiều”, và người kia nói “Tôi biết”, nhưng cả hai đều vô minh. Trạng thái thức được theo sau bởi trạng thái ngủ sâu, trạng thái ngủ sâu được theo sau bởi trạng thái thức, và chu trình này tiếp diễn mãi. Chu trình này tạo ra sự hiện hữu.

Ông phải rất tỉnh thức như thể có người đang chĩa sung nhắm vào ông và ông tìm cách tránh né viên đạn. Có được cái thấy xuyên suốt vô minh không phải là chuyện dễ dàng.

K: Tôi sẽ cố gắng.

M: Vậy ông sẽ đặt câu hỏi từ vị thế bên ngoài ba trạng thái hay bên trong ba trạng thái?

K: Bằng cách sử dụng ba trạng thái.

M: Thế thì có ích lợi gì? Lúc nãy ông có ý định ở lại đây ba tuần lễ. Ông còn muốn lưu lại đến hết thời gian này không? Liệu có cần thiết không?

K: Lúc nãy Maharaj hỏi tôi một câu và tôi đã trả lời. Khi đạt được mục đích tôi sẽ rời nơi đây.

M: Liệu có còn gì nữa mà ông chưa đạt được? Ông muốn nói “mục đích” nghĩa là gì?

K: Tôi có thể biết cách đạt được mục đích một cách trọn vẹn và hữu thức không?

M: Tiến trình đạt được mục đích ở trong nội vi của ba “gunas”, còn mục đích thì ở ngoài ba “gunas”.

K: Tiến trình đạt đến mục đích lúc đó biến mất?

M: Người thiền quán bị thu hút vào tiến trình đó thì không thật, nhưng mục đích thì thật.

K: [Chỉ một cuốn sách] Đây là trở ngại sau cùng.

Người khách thứ hai: Giá trị của một cuốn sách là gì?

M: Cuốn sách chỉ có giá trị đối với người đọc với điều kiện người đọc vô minh hơn người viết cuốn sách. Người viết đã viết về sự vô minh một cách tài tình trong cuốn sách và chúng ta bị thu hút đến nỗi đi vào giấc ngủ.

K: Nhưng sau khi đọc cuốn sách đó [ý muốn nói I AM THAT – TA LÀ CÁI ĐÓ] nhiều người đã tìm đến gặp ông.

M: Tại sao họ lại đến?

K: Để được chỉ giáo về thiền quán.

M: Khi vượt ra khỏi cái biết “Ta Hiện Hữu”, thì cái Tuyệt Đối hiện hành. Trạng thái này được gọi là “Parabrahman”, còn cái biết “Ta Hiện Hữu” được gọi là “Brahman”. Cái biết “Ta Hiện Hữu” này hay sự hiện hữu chỉ là một ảo giác. Vì thế, khi vượt ra ngoài “Brahman thì chỉ còn “Parabrahman” trong đó không hề có dấu vết của cái biết “Ta Hiện Hữu”.

Khi ba trạng thái thức, ngủ sâu và biết không có, liệu có thể có sự hiện hữu? Tại sao? Liệu sự hiện hữu của ông đã sinh khởi trong trạng thái đó? Trong trạng thái “Parabrahman” có cần thiết phải có sự hiện hữu? Không có hiện hữu, liệu “Ông” có thể thấy mặt trời, mặt trăng và các vì sao trên bầu trời? Trong trạng thái đó, liệu có lợi lạc nào từ mặt trời, mặt trăng và các vì sao?

Hiện hữu chỉ là một sự đặt chồng lên trên, một lớp ảo ảnh khoác lên cái Tuyệt Đối. Nói cách khác, sự hiện hữu – tức là khái niệm đầu tiên và tiên khởi “Ta Hiện Hữu” – tự thân nó là một ảo ảnh có tính cách khái niệm.

Thế giới thị hiện này là vở kịch đầy tính năng động của ngũ đại. Trong đó không hề có cơ hội cho một cá nhân. Một viên kim cương tỏa sáng ra xung quanh; chính nó là ánh sáng rực rỡ. Trong thiền quán thâm sâu ông sẽ nhận ra điều đó; như hào quang từ một viên kim cương phát ra khắp hướng, thế giới thị hiện này phát xuất từ ông; nó chỉ là sự tỏa sáng của ông.

K: Giống như các tấm gương trên tường trong một quán cà-phê cổ điển phản chiếu vô số hình ảnh của ông.

M: Toàn thể vũ trụ hiện hình trong nguyên lý đó, được gọi là sự hiện hữu hay sinh ra. Sự hiện hữu này chiếu sáng tất cả những gì tồn tại, có nghĩa là toàn thể vũ trụ thị hiện thành thân của sự hiện hữu.

Trên màn ảnh truyền hình ông thấy các hình tướng, hình ảnh và phong cảnh khác nhau, nhưng tất cả chỉ là sự thể hiện hay vận hành của những chùm điện quang của đèn chiếu. Tương tự như thế, toàn thể thế giới thị hiện trong tầm thấy của ông chỉ là sản phẩm thuộc về sự hiện hữu của ông.

Sau khi đã quán triệt những gì Ta nói và đi sâu vào sự tĩnh lặng, ông sẽ thấy vô số vũ trụ tồn tại tiềm tàng trong cái biết “Ta Hiện Hữu”. [Maharaj chỉ những người khách nước ngoài, bảo] Họ là những người đi tìm cái biết đích thực còn những người bản địa đến đây chỉ biết thờ kính thần linh để nhận được ân huệ cho những cần cầu trần tục của họ. Ta dành sự quan tâm cao nhất cho những người khách nước ngoài vì bất cứ gì muốn làm thì họ đều thực hiện đến cùng. Ta khâm phục sự kiên quyết của họ.

K: Khi tìm đến đây, nhiều người trong chúng tôi đã hoàn toàn đoạn tuyệt với các đạo sư tâm linh cao siêu.

M: Những nhân vật tâm linh như thế không thuộc về một đất nước nào. Họ là sản phẩm của vở kịch ngũ đại. Người ta sinh ra và chết đi trong vở kịch của ý thức. Trong một trăm năm nữa, tất cả những người này sẽ chết hết và một lớp những người mới lại xuất hiện trên thế gian, trong một diễn tiến liên tục. Cả diễn tiến này cũng là vở kịch của ngũ đại. Nhiều đạo sư tâm linh từng xuất hiện và biến mất, nhưng chẳng ai đã đem lại thay đổi nào, dù chỉ nhỏ nhoi trong tiến trình tạo thành, bảo tồn và hủy diệt – hay còn gọi là vở kịch của ngũ đại. Chẳng những các đạo sư tâm linh mà ngay cả những đấng hiện thân vĩ đại như Rama, Krishna và nhiều vị khác cũng đã chẳng làm được gì. Ngay cả các “rishis”, các thánh nhân, và các “siddha-purushas” là những đấng đã tiến hóa rất cao về tâm linh cũng vậy.

Vở bi kịch vĩ đại tiếp diễn một cách tàn nhẫn, dù được điều hành bằng một nguyên lý ghê tởm: “Chủng loại này sống bằng sinh mạng của chủng loại khác”. Có những tổ chức ngăn cấm sự tàn ác đối với thú vật, nhưng họ chỉ kéo dài sự sống và nỗi đau khổ của chúng. Liệu họ có thể đưa đến sự chấm dứt tạo ra các thú vật?

Kết quả của sự tạo thành là cả người lẫn thú đều đau khổ trong thế giới này. “Kế hoạch hóa gia đình” có đem lại tiến bộ nào cho toàn thể loài người hay loài thú?

Một người có thẩm quyền gì về chính mình? Con người chẳng có một thẩm quyền nào để can thiệp vào vở bi kịch vĩ đại này của ngũ đại để có thể tác động đến bất cứ sự thay đổi nào, vì chính bản chất nguyên thủy của họ bao giờ cũng như thế.

Ngày 15 tháng 1 năm 1980

❁ ❁ ❁

5. Siêu vượt Áo Nghĩa Thư – Upanishads

Maharaj: Ta chẳng hề bận tâm đến các phép lạ đang xảy ra bên ngoài mà chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra trong Ta. Trong trạng thái “không biết” nguyên thủy của Ta, Ta đã không biết ý thức về sự hiện hữu của Ta. Nhưng đột nhiên sự hiện hữu được cảm nhận một cách tự nhiên; đây là phép lạ đầu tiên. Rồi chỉ trong nhấp nháy Ta thấy thế giới hữu hình đồ sộ này và cả thân xác của Ta. Sau đó Ta nhận thức rằng toàn thể vũ trụ đã thị hiện chỉ trong cái đốm hiện hữu của Ta.

Tại sao chẳng cần để ý đến những phép lạ này? Vô số phép lạ xảy ra, cái này kỳ diệu hơn cái khác. Nhưng còn các phép lạ này, Ta lập lại: Trước tiên, không có thông điệp “Ta hiện hữu” và cũng không có thế giới. Đột nhiên, thông điệp “Ta hiện hữu” và thế giới nguy nga này hình thành từ “không”! Thật kỳ lạ làm sao!

Thông điệp “Ta hiện hữu” này không gì khác hơn là sự thông báo của Chân Lý Vĩnh Cửu. Tương tự như thế, danh xưng, tước hiệu và hình tướng của các thánh nhân, các bậc giác ngộ và các Mahatmas chỉ là những thông báo của cùng nguyên lý. Chẳng hạn như ông chế biến một số món ăn từ bột mì, các món này có đủ thứ tên gọi nhưng bột mì vẫn là căn bản của tất cả các món ăn.

Để an trụ Ta trong Nguyên Lý Vĩnh Cửu này, Tôn sư đã khai tâm cho Ta bằng sự tuyên đọc các linh tự “Tat Tvam Asi”, có nghĩa “Ta Là Cái Đó”. Từ đó về sau Ta không còn màng đến chuyện trần tục.

Những linh tự này được gọi là “maha-vakya” có nghĩa là một chân ngôn được truyền cho ý nghĩa thiêng liêng.

Khách: “Ta Là Cái Đó” nghĩa là gì?

M: Chữ “Đó” trong chân ngôn là nói đến mọi vật trong cái tổng thể.

K: Dù một người có thể có được một ý niệm dù chỉ mơ hồ về trạng thái vĩnh cửu từ những kinh nghiệm thu thập được qua thân xác và thế giới?

M: Chắc chắn là không. Đó là một trạng thái phi kinh nghiệm. Trước khi có kinh nghiệm, trạng thái của Ta là gì? Ai là người có mặt lúc đó để trả lời câu hỏi này? Phải hiểu rõ điều này.

Trong trạng thái tiên nguyên đó, Ta không có một dữ kiện nào về chính Ta. Bây giờ một hình tướng cùng với dữ kiện “Ta hiện hữu” được áp đặt lên Ta. Ông muốn biết trạng thái này và ông muốn một cái tên cho nó. Nếu thế thì ông gọi nó bằng các danh hiệu “Parabrahman” hay “Paramatman”. Nhưng các danh hiệu đó được gán cho ai? Cho cái “Ta” đó, kẻ vô hình tướng và không có cả cái biết “Ta hiện hữu” về chính mình.

Ông nghĩ mình là người thông thái, là bậc giác ngộ, và ông hãnh diện về điều đó. Nhưng có bao giờ ông suy nghĩ: Vì sao và bằng cách nào ông lại ở trong trạng thái có kinh nghiệm này?

Hãy tư duy về điều này. Một con kiến nhỏ bé sắp chết nằm trên mặt đất, gần như vô hình. Khi Ta nhìn nó, nó thể hiện những dấu hiệu của sự sống và rồi đột nhiên từ con kiến sắp chết đó một con sư tử hung dữ xuất hiện. Làm sao Ta có thể xem con sư tử đó là thật? Tương tự như thế, làm sao Ta có thể xem thế giới là thật?

Tất cả sự tạo dựng và cái được gọi là Thượng Đế này được tôn thờ, nhưng từ bao giờ? Thượng Đế đó sinh ra từ dịch năng lượng (liqiuid energy) và khoác lấy một hình tướng. Dù được kính trọng và tôn thờ, Thượng Đế chỉ là sản phẩm của tinh dịch (spit). Có phải thế không?

Trước khi khoác lấy một hình tướng, Ta không hề có dữ kiện nào về các yếu tố như Ta đã là ai hoặc từ đâu mà có, và có từ khi nào. Nhưng từ khi Tôn sư đánh thức Ta bằng một tiếng gọi, tất cả mọi thứ đã được tiết lộ.

Sự hiện hữu này của Ta – tức là trạng thái có kinh nghiệm – thì hèn hạ, thấp kém và đáng khinh. Con kiến nhỏ mà Ta nói lúc nãy sắp chết. Nó đã từng có một hình thể dung dịch, kết quả của một sự xuất tinh. Từ tính ướt (wetness) của nó và dịch năng lượng hiện ra một con sư tử. Dịch này là một chất giống như nước dãi.

Từ cùng dịch năng lượng này, một hình thể thân xác khoác lấy một hình dạng và trở thành nơi trú ngụ cho sự hiện hữu; đó là trạng thái của “sự yêu thích được hiện hữu”.

Như vậy, bất cứ gì được tạo ra đều có tính ướt và lòng yêu quý cái ta, “sự yêu thích được hiện hữu” là nền tảng của nó. Chính tính ướt này cũng có thể tự hiện hình thành toàn thể thế giới chuyển động và bất động. Trong thân xác có dịch năng lượng và trong dịch năng lượng tiềm ẩn một thân xác. Dịch năng lượng này thì siêu phàm, vi tế và mãnh liệt nhất. Nếu ai có thắc mắc về đề tài này, xin cứ hỏi.

K: Làm sao tôi có thể vượt ra khỏi trạng thái nhân chứng?

M: Câu hỏi của ông lạc đề. Ta đã nói gì với ông? Từ chất dịch như nước dãi đó, “lòng yêu quí cái ta” đã khoác lấy một hình tướng. Trong không gian của “lòng yêu quí cái ta” toàn thể vũ trụ hiện hình, nở ra và co lại theo cùng một nguyên lý.

Ta đã giải thích chủ đề đầy đủ như thế mà ông còn hỏi một câu lạc đề. Ta còn đang giải thích cho ông về cái “ông là” thì ông đã nhảy sang hành vi nhân chứng! Ông có hiểu rằng nguồn gốc của sự hiện hữu này là một bãi nước dãi, và rất đáng ghê tởm không?

K: Hiểu.

M: Ông có biết rằng sự hiện hữu của ông là không thật, vô giá trị, tầm thường và là một sự lừa dối không? Sự hiện hữu này xúi ông nghĩ “Ta như thế này, Ta như thế kia” chỉ là ảo giác và hư giả.

K: Khi là nhân chứng, thế không phải điều đó có nghĩa một người là thế này hay thế kia hay sao?

M: Ngay bây giờ, ông không phải là nhân chứng. Câu hỏi là, tình trạng hiện nay của ông là gì, ông là gì? Ông muốn làm ra vẻ ta đây bằng cách khoe khoang mình là một nhân chứng.

Ta đã như thế nào khi không có thông điệp “Ta hiện hữu” – có nghĩa là trước khi có sự hiện hữu? Ta đã cho ông một số danh hiệu để gắn cho trạng thái đó. Các danh hiệu đó là “Parabrahman”, “Paramatman” vân vân; những danh hiệu này chỉ là những gợi ý để chỉ trạng thái đó nhưng không phải là chính trạng thái. Trong cái tối thượng, mọi danh hiệu đều dư thừa, ngoại lai và hư dối.

K: Sự hiện hữu là nhân chứng và tôi biết có một cái gì đó ở bên ngoài nó. Vì thế, tôi xin hỏi một câu: Làm thế nào để siêu vượt ra ngoài?

M: Ta đang nói về sự hiện hữu và nguồn gốc của nó, cũng như về nguồn gốc của thân xác và thế giới, còn ông lại nói về thế giới và sự chứng kiến nó từ trạng thái hiện hữu.

Chủ đề của cuộc nói chuyện là người ta tin vào các phép lạ. Những gì Ta đang nói là không có phép lạ nào kỳ diệu hơn “Ta” đang kinh nghiệm thế giới. Phép lạ đầu tiên là Ta kinh nghiệm “Ta hiện hữu” và thế giới. Trước khi có kinh nghiệm này, Ta đã an trú trong chính Ta, trong trạng thái Tuyệt Đối vĩnh cửu của Ta. Những danh hiệu lúc nãy là để chỉ trạng thái này.

K: Tôi đã hiểu, nhưng ông có thể giải thích thêm chút nữa thì tốt quá.

M: Vẫn còn giải thích thêm! Thế thì không biết Ta có lý do chính đáng để nói rằng đầu ông chứa đầy mạt cưa? [Maharaj bảo một môn đồ giải thích đề tài một lần nữa cho người khách, nhưng không được lạc đề]. Sau khi gặp Tôn sư, Ta chấm dứt theo chân các bậc thánh nhân và đạo sư khác, và hướng sự chú ý hoàn toàn vào chính Ta.

Chỉ khi nào có sự hiện hữu của Ta thì sự tồn tại của các thánh nhân và đạo sư mới sinh khởi. Họ tồn tại và tăng trưởng trong sự hiện hữu của Ta chừng nào sự hiện hữu còn đó. Nếu không có sự hiện hữu của Ta – có nghĩa là nếu không có thông điệp “Ta hiện hữu” – thì chỉ có cái Tuyệt Đối vĩnh cửu hiện hành.

K: Đó chính là điều tôi muốn hỏi, khi tôi nói “ở ngoài trạng thái nhân chứng”.

M: Ta đang nói với ông một cách nhìn chính xác về trạng thái của Ta. Ta chẳng nói với ông bất cứ gì khác. Có thể ông muốn thu thập kiến thức để phô trương hoặc để làm một đạo sư giả mạo.

Ba trạng thái thuộc sự hiện hữu của Ta (thức, ngủ sâu và biết) sinh khởi từ sự hiện hữu cùng với sự hoạt động và lắng xuống của nó. Khi Ta đề cập đến “Ta” trong khi nói thì ông phải áp dụng cho sự hiện hữu của chính ông và hiểu nó một cách trọn vẹn, vì tất cả những gì Ta nói về Ta thì đều giống với ông. Những đứa trẻ non nớt này đến đây để học tâm linh. Ta có thể nói gì với chúng?

Nếu chúng cứ khăng khăng muốn được Ta truyền cho cái biết, thì Ta bảo chúng đến gặp người giúp việc trong nhà Ta để họ truyền đạt những yếu tố của cái biết trong lúc chúng phụ làm một số việc vặt như quét dọn và lau chùi.

Trong thứ bậc của các thần thánh, nhiều vị vẫn còn là á thần (demigod), họ hoan hỉ nhận các món cúng dường bằng thịt và rượu. Những thần thánh hạ đẳng này hưởng được một vài quyền năng tâm linh sau khi phục dịch như tôi tớ cho các thần thánh cao cấp hơn.

Giả sử như một nữ thần loại này nổi giận và muốn trả thù Ta. Vị này làm gì được Ta? Cùng lắm, bà ta chỉ nghiền nát Ta dưới chân và xóa sạch cái biểu tượng này của ba “gunas”, tức là sự hiện hữu của Ta. Nhưng ai cần? Vì, Ta, cái Tuyệt Đối, vẫn bất khả xâm phạm. [Chỉ người khách] Ông đến đây để thu thập kiến thức hay học cách trở thành đạo sư?

K: Tôi không điên.

M: Thế tại sao ông lại đề cập đến “hành vi nhân chứng”?

K: Trước khi đến đây tôi đã được hướng dẫn đạt đến trạng thái chỉ là nhân chứng.

M: Chứng kiến cái gì?

K: Bất cứ gì xuất hiện và biến mất.

M: Để có sự chứng kiến, thì chất lỏng kia – tức sự hiện hữu – phải có đó.

K: Đúng.

M: Thế thì đâu là câu hỏi về hành vi nhân chứng? Và chứng kiến cái gì? Ta đã chỉ cho ông thấy mọi sự hiện thân và sinh ra vẫn tiếp tục hình thành từ chất dãi đó – tức dịch năng lượng. Tách ra khỏi nó, ông là cái gì?

K: Không là gì cả.

M: Vì thế, làm sao Ta có thể phán xét bất cứ ai là xấu hay tốt? Ta chỉ giành sự phán xét của Ta cho nguồn gốc của tất cả – tức sự hiện hữu.

Cách tiếp cận của Ta rất đơn giản và trực chỉ. Từ trạng thái Tuyệt Đối phi hiện hữu, sự hiện hữu cùng với thế giới hữu hình xuất hiện trước Ta. Điều này đã xảy ra như thế nào? Trong khi Ta thiền quán thâm sâu Đạo sư đã tiết lộ cho Ta biết cái gì đã tạo ra thế giới thị hiện của các hình tướng, và thế giới đó được tạo thành như thế nào?

K: Những gì được tiết lộ cho ông trong khi thiền quán, và bất cứ gì Đạo sư của ông bảo ông, liệu có thật sự quan trọng?

M: Chắc chắn cả hai đều quan trọng. Nhưng trạng thái Tuyệt Đối vĩnh cửu của Ta trước khi có sự hiện hữu, khi không có thông điệp “Ta hiện hữu” thì tối quan trọng. Ai là người chứng kiến thông điệp “Ta hiện hữu” nếu trạng thái “phi hiện hữu” tiên nguyên của Ta không có đó?

K: Ai đã tạo tác ra các trạng thái hiện hữu và phi hiện hữu?

M: Sự tạo tác thì tự chiếu sáng và tự sinh khởi. Không có người tạo tác. Một cây đại thụ mọc ra từ một hạt giống nhỏ bé. [Maharaj hỏi người nghe xem có ai đặt câu hỏi nhưng không ai lên tiếng, vì vậy ông nhận xét:] Vì Ta đã đặt cây rìu tại chính gốc rễ của sự tạo tác, làm sao còn câu hỏi nào sinh khởi?

Trong ngôn ngữ Marathi, chữ “moola” có nghĩa là gốc rễ của một cái cây, và nếu chỉ đổi cách phát âm một chút thì nó có nghĩa là “đứa trẻ”. Cũng như một cây đại thụ hùng vĩ mọc ra từ một hạt giống nhỏ bé, một người trưởng thành bắt nguồn một cách tiềm tàng trong một đứa trẻ và sự hiện hữu của nó.

Còn Ta, cái Tuyệt Đối, có trước gốc rễ, đứa trẻ và sự hiện hữu. Ông ăn đủ loại thực phẩm để duy trì chính ông, tức “nguyên lý đứa trẻ” hay sự hiện hữu của ông. Khi nguyên lý này biến mất, ông được cho là “chết”. Thật ra, ông bảo vệ cái gì cho khỏi “chết”? Đó là căn bản “sự hiện hữu đứa trẻ” – hay gốc rễ. Ngày đầu tiên của sự kinh nghiệm bắt đầu cùng với sự xuất hiện của đứa trẻ.

K: Maharaj đã kinh nghiệm một cách hữu thức trạng thái trước khi có sự hiện hữu?

M: Trong trạng thái đó, chỉ có “Ta” hiện hành mà không có ngay cả thông điệp “Ta hiện hữu”. Hoàn toàn không có một kinh nghiệm nào. Đó là trạng thái vĩnh cửu phi kinh nghiệm.

K: Làm sao tôi biết được ông biết điều đó từ chứng nghiệm trực tiếp mà không qua sách vở?

M: Ta lập lại. Chỉ có mình Ta hiện hành trong trạng thái đó; vì thế, không có kẻ khác hay cái khác. Để có kinh nghiệm thì kẻ khác hay cái khác là cần thiết.

K: Nhưng điều đó đúng với tất cả mọi người. Có người biết và có người không.

M: Tại sao Ta lại bận tâm đến người khác? Liệu có còn ai nữa không? Trong trạng thái của “Sự Đơn Độc” chỉ có “Ta” tồn tại.

K: Làm thế nào để biết trạng thái đó?

M: Khi trạng thái hiện hữu hoàn toàn bị nuốt trọn, cái gì còn lại chính là cái “Ta” vĩnh cửu.

K: Vì trạng thái “Ta” Tuyệt Đối đó cảm thấy đơn độc, nên nó tự xảy ra ý nghĩ “Ta đơn độc, hãy để Ta hóa ra nhiều” như được đề cập trong Áo Nghĩa Thư Chandogya Upanishad.

M: Điều đó có thể xảy ra tại ngưỡng cửa của hiện hữu. Nhưng vì trạng thái tối thượng của Ta ở ngoài tầm hiểu biết của Áo Nghĩa Thư Upanishads, nên Ta bác bỏ điều đó. Áo Nghĩa Thư Upanishads là cái kho chứa kiến thức, dù các kiến thức ấy là thế nào đi nữa thì vẫn bắt nguồn từ trạng thái vô minh. Chất liệu được dùng để trình bày giáo pháp chỉ là vô minh.

Cả ba tính cách “gunas” bị ràng buộc bởi các cảm xúc và tích nạp các cảm xúc nhưng không phải là chân lý. Vì sự cấu thành thế giới hư giả này là từ chất “nước dãi” nên người ta cảm thấy xấu hổ. Cho nên họ không muốn tiết lộ kẻ phạm tội đã khạc ra chất “nước dãi” kia. Hãy tư duy về điều này, làm sao ông lại có cái “tôi”? Ông từ đâu xuất hiện và ông đang đi đâu?

K: Từ vô xứ đến vô xứ.

M: Khi các cuộc đàm luận thâm sâu như thế diễn ra thì chỉ những người có phước báu mới hiện diện. [Maharaj hướng về người đặt câu hỏi:] Ở đây sự kính trọng chính ông đã được phô bày trọn vẹn. Ông có thích điều đó chăng?

K: Tôi chẳng có gì để giấu giếm. Ông bảo tôi đứng lên và chiến đấu.

[ Maharaj ngâm nga hai câu hát dân gian thường được các vũ nữ hát trong những cuộc biểu diễn ở miền quê. Bài hát với ý nghĩa thâm sâu đã được một thánh nhân nổi tiếng viết ra vài thế kỷ trước]

“Có quá nhiều người yêu,

Ta bắt họ nhảy múa và họ mòn mỏi trông ngóng ta.

Nhưng trong đạo sư của ta, ta gặp người xứng đôi vừa lứa.

Người đó làm cho ta nhảy múa theo điệu nhạc người ấy chơi.

Này các bạn ơi, hãy lắng nghe:

Hãy coi chừng một đạo sư toàn hảo.

Một khi gặp ngài thì còn đâu là các bạn

vì ý thức về cái tôi đã hoàn toàn bị gột sạch”.

Kabir, vị thi sĩ thánh nhân, nói trong một bài thơ:

“Ta tụng niệm các danh hiệu thiêng liêng cả triệu lần; Thực hành khổ hạnh và sám hối. Nhưng ta vẫn không nhận ra chính ta.

Khi ta gặp Đạo sư toàn hảo, Niranjan – Đấng Vô Cấu Nhiễm Ngay lập tức ta nhận ra cái Tối Thượng Và an trú trong trạng thái Phi-Chú-Ý – alak (Trạng thái trước khi nhập thai)”.

Ngày 16 tháng 1 năm 1980

❁ ❁ ❁

6. Nước thiêng của chân Đạo sư

Maharaj: Nếu ai hưởng được nước thiêng – “charan amrita” – của chân của Đạo sư (Nghĩa thông thường, “Charan-amrita” là nước tẩm hương liệu dùng để rửa chân một vị thần và được cho là linh thiêng đặc biệt) thì tâm người đó có thể được điều ngự. Có nghĩa là tâm không còn sai sử được chúng ta; quyền năng của nó áp đặt lên chúng ta từ khi còn là một đứa trẻ sẽ không còn khống chế được chúng ta. Sự kiện này được gọi là “manojaya” chiến thắng tâm, nhưng nó chỉ có thể xảy ra khi có Ân đức của Đạo sư. Nếu không có ân đức này chúng ta không thể hưởng được nước thiêng kia.

Tuy nhiên, chỉ người sùng kính chân chính, một hành giả “bhakta”, một vị trời mới có thể hưởng được “charan amrita”. Nhưng người sùng kính chân chính này là ai và là cái gì? Đó chính là ý thức, cảm giác hiện hữu, cái biết “có mình” đã tự xuất hiện trong chúng ta mà chúng ta không hề hay biết. Chính ý thức là “charan amrita” hay nước thiêng của chân của Đạo sư.

Toàn thể vũ trụ trong sự chuyển động sôi nổi được tiêu biểu bởi ý thức, hay chân của Đạo sư, và toàn thể vũ trụ là thân của ý thức. Nhưng sự liên quan của ý thức với tất cả chúng sinh là gì? Ý thức ở trong cốt tủy của tất cả chúng sinh là cái biết “Ta hiện hữu”, lòng yêu thích “được hiện hữu”, “charan-amrita”.

Người uống nước thiêng của chân Đạo sư là người sùng tín đích thực. Người đó an trú trong cái biết “Ta hiện hữu”. Người đó là kẻ mộ đạo. Như vậy, người nào không ngừng nhấm nháp nước thiêng này, tức là thường xuyên chứng kiến ý thức hay cảm giác hiện hữu, thì tâm của người đó – tức cái tâm đánh giá và phân biệt những ai bị nó quan sát là nam, nữ – sẽ dần dần di dời nó khỏi tiêu điểm của sự chú ý, và để lại ý thức trong sự huy hoàng cố hữu của nó.

Nhưng làm sao đạt được trạng thái như thế? Trạng thái này chỉ có thể đạt được nếu một người hoàn toàn chấp nhận cái biết “Ta hiện hữu” là chính mình với tất cả tín tâm và tin tưởng kiên cố vào chân ngôn: “Ta là cái mà nhờ nó Ta biết ‘Ta hiện hữu’”. Cái biết “Ta hiện hữu” này là “charan-amrita”. Tại sao nó được gọi là “amrita” – nước thiêng? Vì người ta tin rằng ai uống “amrita” sẽ trở nên bất tử. Như thế một người sùng kính đích thực, bằng cách an trú trong ý thức sẽ vượt ra khỏi kinh nghiệm về cái chết và đạt được sự bất tử. Nhưng chừng nào tâm chưa được điều ngự thì kinh nghiệm cái chết vẫn là điều bất khả tránh.

Dù Ta liên tiếp thuyết giảng cho vô số người đến nghe nhưng vị thế của Ta vẫn không thay đổi. Vì sao thế? Vì vị thế của Ta đã ổn định trong “charan-amrita”. Nó an trụ trong ý thức, tức nguồn gốc của mọi khái niệm và ngôn ngữ. Từ ý thức ngôn ngữ được hình thành, từ hình thái vi tế nhất đến thô thiển nhất tức là sự thể hiện thành âm tiếng, qua các giai đoạn “para, pashyanti, madhyama và vaikhary”.

Ông chỉ cần từ bỏ mọi cố gắng tâm linh và các pháp môn khác, rồi chuyên chú trong sự tận hưởng nước thiêng “charan-amrita” bằng cách an trú trong ý thức thì tâm sẽ buông ông khỏi sự kiềm tỏa của nó. Hiện nay, ông ngoan ngoãn chấp nhận bất cứ gì tâm ra lệnh như đó là của chính ông. Nếu tâm đi vào sự im lặng thì ông ở đâu và ông là cái gì?

Một khi ông lắng chìm vào ý thức, trạng thái đích thực của Thực Tại sẽ được tiết lộ cho ông qua cái biết sinh khởi từ chính ông bằng trực giác, giống như mạch nước nguồn. Điều này sẽ khiến ông có thể phân biệt cái gì thật và cái gì không thật, và điều quan trọng hơn cả là ông nhận ra cái “Ta hiện hữu” là gì?

Ta là cái gì đối với chính mình? Cuộc đời này là gì? Một khi các câu hỏi này được giải đáp bằng trực giác, và Thực Tại hiện ra thì tâm không thể nào tiếp tục thống trị. Tuy nhiên, chức năng của tâm vẫn tiếp tục, nhưng phẩm chất chức năng của tâm sẽ hoàn toàn khác hẳn. Người nào đạt đến trạng thái đó sẽ không còn bị tác động bởi những gì xảy ra vì những trò ba hoa của tâm không còn tác dụng. Nhưng ai có thể là người đó? Chắc chắn không phải là một cá nhân bị giam hãm trong lớp vỏ tâm. Người đó chính là cái biết “Ta hiện hữu” – là ý thức.

Người ta cho rằng phải phá vỡ các xiềng xích trói buộc chúng ta vào thân xác và thế giới. Điều này có nghĩa gì? Bất cứ gì được nhìn thấy và cảm nhận đều ở bình diện thân xác hay thế gian. Sự ràng buộc được hình thành và gia tăng với các khách thể được nhận thức, rồi chúng ta nhận diện mình với thân xác và nhận các khách thể kia là của chúng ta. Ràng buộc là bản chất của tâm, và nó kiên trì bám víu vào những ràng buộc này. Nhưng nếu ông uống nước thiêng “charan-amrita” bằng cách an trú trong ý thức thì mọi chuyện sẽ được giải quyết và ông sẽ giác ngộ. Ông chẳng cần phải đến gặp ai để làm sáng tỏ những nghi hoặc của ông.

Mặc dù Ta vẫn làm những chuyện bình thường và ca hát “bhajans” ngợi khen Thượng Đế, vân vân. Trong mắt ông Ta có vẻ như bị cuốn hút sâu xa vào những sinh hoạt này. Nhưng thật ra Ta vẫn xa lìa chính ta, không còn cảm giác về thân tâm, và như thế chỉ đơn thuần chứng kiến các hành hoạt xảy ra đối với Ta. Không biết ông có để ý điều này không! Rất nhiều người có quan hệ với Ta bằng cách này hay cách khác. Và mặc dù Ta có vẻ như thân thiết với họ nhưng thật ra Ta vẫn xa cách họ. Đối với chính Ta, Ta đã hoàn toàn nhận rõ cái “Ta hiện hữu”, và giờ đây cái “Ta hiện hữu” là gì và nó sinh khởi như thế nào hoàn toàn sáng tỏ đối với Ta. Nhưng những người này nghĩ “họ là” gì thì chỉ họ biết. Họ cho rằng mình đã có được cái biết, và đạt đến trình độ tâm linh cao hơn người khác, vân vân. Điều này hẳn nhiên xảy ra vì họ vẫn còn là nô lệ của tâm.

Trong trường hợp Ta thì chuyện đó không thể xảy ra. Ta đã uống trọn nước thiêng của chân Đạo sư, hay ý thức. Hiện nay, tất cả mọi giao tiếp và chức năng xảy ra thông qua phương tiện của nước thiêng này – tức ý thức. Và phương tiện này là gì? Đó là cái biết “Ta hiện hữu”, được biểu thị bằng Thần Vishnu, vị thần tối cao nằm trên con rắn thần “sheshashayi” đang cuộn mình, và do đó được biết với danh hiệu “sheshashayi-Bhagavan”.

Những cuộc luận đàm như thế này rất lý thú nhưng có tiếp thu được và nhận ra điều cốt yếu thì thật khó khăn. Vì sao? Vì ông tin tưởng mãnh liệt rằng mình là thân xác và sống theo sự tin tưởng này trong khi vẫn ấp ủ những mong ước ngây thơ rằng ông sẽ đạt được một cái gì đó tốt lành trên thế gian này, và sau này sẽ còn tốt lành hơn nữa.

Những mong ước này chủ yếu dựa trên quan điểm được nhận thức sai lầm rằng ông là thân xác. Tuy nhiên sự nhận diện sai lầm này sẽ tan biến trong nước thiêng của chân Đạo sư khi ông hoàn toàn chìm lắng trong ý thức và mất đi tính cách cá nhân của ông.

Sự biến mất tính cách cá nhân không thể nào xảy ra nếu không có sự sùng kính Đạo sư – “guru-bhakti” – hay nói một cách khác là sùng kính ý thức, “guru-charan-amrita”. Sự an trụ trong ý thức sẽ hóa giải tất cả mọi phiền trược thuộc quá khứ hay vị lai, và an định mọt người trong hiện tại – Tại đây và Bây giờ.

Ý thức là sự nhận thức về cái biết “Ta hiện hữu” một cách vô ngôn, nó xuất hiện hoàn toàn không hay biết và không hề được mời gọi. Nó là nguồn sinh lực của vũ trụ hữu hình, và do đó không thể nào thuộc về tính cách cá nhân. Nó khai triển cả bên trong lẫn bên ngoài như sự tỏa sáng của viên kim cương. Khi ý thức hiện hành, ông thấy một thế giới chiêm bao trong ông và một thế giới có thể cảm nhận được bên ngoài ông. Từ bình diện của thân, ông có thể nói bên trong và bên ngoài thân xác, nhưng từ vị thế của ý thức thì cái gì ở bên ngoài và bên trong, và ở đâu? Chỉ trong cõi giới của cái biết “Ta hiện hữu” – hay ý thức – mới có thể có thế giới, và cũng mới có thể có kinh nghiệm.

Hãy bám chặt cái biết “Ta hiện hữu” này và nguồn mạch của cái biết sẽ tuôn trào trong ông, tiết lộ về sự kỳ bí của Vũ trụ, về thân và tâm ông, về vở kịch của ngũ đại, về ba tính cách “gunas” và “prakriti-purush”, và về mọi điều khác. Trong tiến trình tiết lộ này tính cách cá nhân bị giam hãm trong thân xác sẽ trải rộng khắp vũ trụ thị hiện; ông sẽ nhận ra ông tràn ngập và ôm trọn toàn thể vũ trụ như “thân” của ông. Sự kiện này được gọi là “shuddhavijnana” hay “Cái Biết Tối Thượng Thuần Tịnh”.

Tuy nhiên, dù ở trong trạng thái “shuddhavijnana” siêu phàm, tâm vẫn không chịu tin rằng nó là một phi-thực-thể. Nhưng khi lắng chìm vào ý thức, một người sẽ bắt đầu tin tưởng kiên cố rằng cái biết “có mình” – hay cảm giác về sự hiện hữu của mình – chính là nguồn gốc thế giới của mình. Chỉ cái biết này mới khiến ông cảm thấy “Ta hiện hữu” và thế giới hiện hữu. Thật ra, cái biết thị hiện này, sau khi xâm chiếm và tràn ngập vũ trụ, cư trú trong ông thành cái biết “có mình”. Hãy bám chặt cái biết này. Đừng gán cho nó một danh xưng hay một tước vị.

Bây giờ đến một tình huống vô cùng vi tế: Cái gì trong ông hiểu cái biết “có mình” này – ở vị thế của ông là “Ta hiện hữu” – vô danh xưng, vô tước vị và vô ngôn? Hãy nhập vào trung tâm sâu kín này, chứng kiến cái biết “Ta hiện hữu” và chỉ là. Đây chính là “cực lạc của hiện hữu” – “svarupananda”.

Ông thọ hưởng lạc thú và hạnh phúc qua các phương tiện và diễn tiến bên ngoài. Có người thích ăn ngon, có người thích xem phim, có người say mê âm nhạc… vân vân.

Đối với những loại thọ hưởng này thì một số yếu tố bên ngoài là cần thiết. Nhưng an trú trong “cực lạc của hiện hữu” thì chẳng cần đến phương tiện bên ngoài nào. Để hiểu điều Ta nói, hãy lấy ví dụ về giấc ngủ sâu. Một khi đã đi vào giấc ngủ sâu, ông chẳng cần đến phương tiện hay đối xử nào nhưng vẫn thọ hưởng hạnh phúc tĩnh lặng. Vì sao thế? Vì trong trạng thái đó sự nhận diện với một thân xác nam hay nữ hoàn toàn bị quên mất.

Một vài người đến đây hỏi Ta: “Làm ơn chỉ cho chúng tôi con đường đưa đến Thực Tại”. Làm sao Ta có thể chỉ cho họ? Tất cả mọi con đường đều đưa đến cái hư giả. Mọi con đường đều là sự tạo tác trong phạm trù của cái biết. Vì thế, mọi con đường và sự di chuyển đều không thể đưa ông vào Thực Tại, vì chức năng của chúng là ràng buộc ông trong phạm trù của cái biết, còn Thực tại vẫn hiện hành trước đó. Để có thể hiểu được điều này, ông phải an định ngay tại nguồn gốc mọi sự tạo tác của ông, ngay tại sự khởi đầu của cái biết “Ta hiện hữu”. Chừng nào mà điều này chưa thực hiện được thì ông còn vướng mắc trong những xiềng xích do tâm ông tạo ra, cũng như những ràng buộc của người khác.

Vì thế, Ta lập lại, ông phải an định ngay tại nguồn gốc hiện hữu của ông, lúc đó mọi xiềng xích ràng buộc sẽ bung ra và ông được giải thoát. Ông sẽ siêu vượt thời gian, ở ngoài tầm nắm bắt của nó, và hiện hành trong Vĩnh Cửu. Trạng thái siêu phàm này chỉ có thể đạt được bằng cách không ngừng uống nước thiêng của chân Đạo sư – “guru-charan-amrita”. Đây là trạng thái cực lạc siêu phàm – cái tôi chìm đắm một cách an lạc vào cái Ta. Sự hỉ lạc này siêu vượt ngôn từ, và đó cũng là cái biết trong sự tĩnh lặng hoàn toàn.

Yếu chỉ của pháp thoại rất rõ ràng. Tài sản quan trọng nhất của ông là “cái biết có mình” trước sự sinh khởi của tâm. Bám chặt “cái biết” này và thiền quán. Không có gì cao siêu hơn pháp quán này, dù là lòng thành kính đạo sư – “guru-bhakti” – hay lòng sùng kính Thượng Đế – “Ishwara-bhakti”.

Ngày 25 tháng 1 năm 1980

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Nước Thiêng của sự Bất Tử

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x