Trang chủ » “Ta hiện hữu”

“Ta hiện hữu”

by Hậu Học Văn
541 views

Ngày 8 tháng 2 năm 1981

Người hỏi: Thỉnh thoảng tôi cảm thọ trạng thái vô tâm, tôi cảm thấy mình chỉ tồn tại. Chỉ có một vật trong thế giới. Tôi không phải làm gì cả. Tôi chỉ đơn thuần tồn tại.

Maharaj: Trạng thái hiện hữu đó thì chung nhất cho tất cả, đó là thông điệp “Ta Hiện Hữu” vô ngôn.

H: Liệu có thể nào duy trì trạng thái an định?

M: Thay đổi chỉ xảy ra trong giòng tâm. Tất cả những nghiên cứu mà ông đang thực hiện đều ở trong cõi giới của giòng tâm. Ý thức “Ta Hiện Hữu” hiện diện vì sự sinh ra của ông, qua nó ông giao tiếp với không biết bao nhiêu ý nghĩ và khái niệm, thường xuyên thay đổi. Hiện thời thì thông điệp “Ta Hiện Hữu” bất biến.

H: Làm sao một người có thể ở trong trạng thái vô tâm đó?

M: Trước khi ông sinh ra và tiếp nhận cái thông điệp “Ta Hiện Hữu”, ông là cái gì?

H: Đó là một bí ẩn.

M: Nó rất công khai và rất sáng tỏ, nhưng nó vẫn là một bí ẩn. Tiếp theo cái “Ta Hiện Hữu” và thân tâm đó, và trong cõi giới của tâm, xảy ra cái ông gọi là sự tìm kiếm tâm linh, hoặc sự hiểu biết tâm linh. Đó là điều vô nghĩa. Vào đúng lúc, cái thông điệp

“Ta Hiện Hữu” này sẽ biến mất.

H: Làm sao ông có thể nói thế? Còn tái sinh thì sao?

M: Không hề có tái sinh. Trong trường hợp của người giác ngộ, sự biến mất của cái “Ta Hiện Hữu” được gọi là Niruta, có nghĩa là thoát khỏi cái “Ta Hiện Hữu”. Trong trường hợp của người thường, còn bị cuốn hút trong tâm, thì sự biến mất của thông điệp

“Ta Hiện Hữu” được giải thích là “con người đã chết và nhận một sự sinh ra khác”. Ông không bao giờ có thể nghiên cứu trạng thái vô thông điệp đó; ông đang thực hiện những nghiên cứu trong phạm trù của tâm.

H: Như thế hành vi nhân chứng chỉ có thể xảy ra khi có những biến thái của tâm?

M: Hành vi nhân chứng xảy ra. Hãy nhớ một điều những gì Ta đang nói là nhắm vào thông điệp “Ta Hiện Hữu”.

H: Làm sao tôi có thể giao tiếp với cái “Ta Hiện Hữu”, làm sao tôi có thể nghe?

M: Nghe sẽ đến một cách tự nhiên – cũng như ông thức dậy một cách tự nhiên và ngủ cũng tự nhiên. Đừng dụng công.

Ta đã không lấy sự hiện hữu của Ta từ “đó” và đem bỏ vào “đây”. Hiện hữu đang tự xảy ra, và vì thế Ta đang chứng nghiệm nó. Trong các cuộc đối thoại này ông đã tỏ ra rất sân hận; trạng thái này thuộc phạm trù các biến thái của tâm – nó không phải là một phản ảnh ý thức của ông. Kẻ hiểu sự sân hận đó là cái thông điệp “Ta Hiện Hữu”. Tất cả những nghiên cứu tâm linh của ông đều được thực hiện với sự nhận diện của ông với thân tâm.

H: Vâng, tôi nghĩ là như vậy.

M: Nếu ông không nhận diện đúng ông là ai, thì làm sao ông có thể nhận diện đúng người khác? Hãy nhận ra cái Ta thật của ông.

H: Tôi bắt đầu như thế nào?

M: Đặt tín tâm vào Thượng đế là một trong các pháp tu. Đặt tín tâm kiên cố vào cái Ta thì không phải là một pháp tu, mà là sự an trú.

H: Tôi tin tưởng Thượng đế, hay tôi không tin tưởng Thượng đế – hai sự tin tưởng này như nhau?

M: Ai đang nói thế? Những gì ông nói chỉ đúng khi nào ông tin rằng ông và Thượng đế là một, lúc đó ông sẽ nhận ra rằng không thể nào có một Thượng đế mà không có ông. Biết chính ông là cái biết đích thực, nhưng ông không thể NHÌN chính ông, ông chỉ có thể Ở trong cái Ta của ông. Hãy từ bỏ những ràng buộc của ông với các biến thái của tâm.

H: Thỉnh thoảng điều đó xảy ra. Làm sao tôi có thể vượt ra ngoài tâm?

M: Hãy hiểu rằng ông không hề có liên quan đến giòng tâm này; ông tách biệt khỏi nó. Phải quan sát, phải tỉnh thức. Một thế kỷ trước đây, liệu ông có bị sai xử bởi những biến thái của tâm như thế này không?

H: Không.

M: Tiếp tục một cách chính xác như thế.

H: Làm sao tôi có thể tiếp tục trong cái “Ta Hiện Hữu”?

M: Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn. Ông ĐÃ là nó rồi. Không phải ông là cái biết “Ta Hiện Hữu” rồi sao?

H: Tôi không thể thoát ra khỏi nó sao?

M: Người giác ngộ đã vượt ra ngoài cái biết “Ta Hiện Hữu” và chỉ còn chứng kiến nó.

H: Một người nên chọn quy luật nào để hành xử trong cuộc sống?

M: Câu hỏi này phát sinh từ khái niệm của ông. Hãy quăng bỏ các khái niệm của ông. Trong tiến trình tu học tâm linh, ông đã thu thập vô số khái niệm và ông gọi đó là biết. Ông muốn lôi kéo Ta vào các khái niệm của ông?

Giòng tư duy luôn luôn có đó, ngoại trừ trong giấc ngủ sâu. Ngay cả đối với người giác ngộ, giòng tư duy có đó nhưng ý nghĩ đã thay đổi.

Hầu hết mọi người bị giòng tư duy cuốn đi, nhưng chỉ người hy hữu mới quay lại, trở về với cội nguồn, thoát ra khỏi luồng chảy của giòng tư duy nguyên thủy đó, và nói:

“Nó không phải của Ta, không phải chuyện của Ta. Cái biết “Ta Hiện Hữu” này là sản phẩm của cõi vật chất khách quan, nó không phải Ta. Ta ở ngoài nó”.

Những gì được nói ra ở đây sẽ dính lấy ông, và với cái dính đó, công việc tâm linh của ông sẽ hoàn tất. Khi ông làm bất cứ gì thì việc làm đó là cho “Ta”, nhưng nó chỉ có thể đi đến một giới hạn, phải thế không?

H: Cần cầu thì vô hạn.

M: Ta gặp rất nhiều người, trong khi theo đuổi hạnh phúc, luôn luôn khốn khổ.

Hiếm khi Ta gặp một ai nói rằng: “Tôi mãn nguyện”.

❁ ❁ ❁

Ngày 9 tháng 2 năm 1981

Maharaj: Trạng thái hiện nay của Ta là: ý thức này cùng với những đau đớn thể xác đang ở mức độ không thể chịu được. Ta sẵn sàng giải quyết tình trạng này ngay bây giờ, đây chỉ là vấn đề tình huống. Tuy nhiên, người ta vẫn đến đây và thuyết giảng vẫn phát ra từ ý thức. Ta đang nói với ông như ông là ý thức, ông là ý thức mộ đạo. Ta không quan tâm đến chuyện thân xác của ông. Nhưng ông lại nghe từ quan điểm thân tâm; điều này cũng rất tự nhiên.

Ta đang nói với ông về ý thức. Trong trạng thái chơn thật của Ta, nếu Ta đã biết ý thức vào lúc sự hình thành của thân xác diễn ra, thì Ta đã khước từ nó. Nhưng ở trạng thái tối thượng đó không có cái biết như thế, còn sự hình thành thân xác này và ý thức đều tự sinh khởi.

Người hỏi: Maharaj, xin vui lòng giải thích làm sao chúng tôi có thể lặn sâu hơn vào ý thức đó?

M: Ông theo con đường tâm linh bao lâu rồi?

H: Mười năm nay.

M: Người hướng dẫn hay Đạo sư của ông là ai?

H: Hầu hết là tôi đọc sách. Tôi có một Đạo sư ở Delhi.

M: Ai là người sử dụng thân xác và cái tên đặt cho nó?

H: Đó là điều mà tôi muốn khám phá.

M: Ông không cần phải đi tìm nó. Nó sẽ tự sinh khởi nhưng ông phải chờ. Ta đã phải chờ một thời gian khá lâu để gặp ông.

H: Tôi sẽ chờ.

M: Bây giờ, hãy hiểu sự khác biệt vi tế, ông là cái gì và cái gì mà ông hiểu là ông?

Thân xác không phải là ông, tên gọi không phải là ông. Thân xác là thực phẩm ông đã ăn, vị của nó là cái biết “Ta Hiện Hữu”. Đó là cái Ta, cảm giác “Ta Hiện Hữu”, đó là lòng yêu quí sự hiện hữu.

Thật lạ lùng, thật khó tin, nó không có danh xưng, nhưng ông gán cho nó vô số tên gọi. Nó là cái Ta, lòng yêu quí sự hiện hữu. Lòng yêu quí sự hiện hữu đó bao trùm tất cả.

Thiên đường, địa ngục, xứ sở, nhà cửa, tất cả đều là khái niệm. Có đá và đất, một khái niệm được vận dụng và các tòa nhà được dựng lên. Trước khi ông khái niệm hóa bất cứ gì thì vẫn có ông, ngay cả trước khi có cái biết thì vẫn có ông. Ông phải quán triệt được cái biết này, lòng yêu quí sự hiện hữu, và cái Ta.

Ai lắng nghe những đối thoại như thế này? Chỉ có cái Ta trong thân xác cần cầu muốn hiểu. Người ta từ những xứ sở xa xôi tất bật đến nơi này, xa lìa cả người thân, vì cái Ta muốn biết chính nó.

❁ ❁ ❁

Ngày 11 tháng 2 năm 1981

Maharaj: Ta đã nghiên cứu món trang sức nạm ngũ bảo (five-jeweled ornament) và Ta đã hiểu. Nó là một viên ngọc rất quý, và sản phẩm tối hậu là cái vương miện kia.

Ta đã hiểu giá trị của nó, nhưng Ta không phải nó.

Năm viên ngọc quý là thân xác ngũ đại và ý thức, cái mà Ta cho là chính Ta. Nó vô cùng quý giá vì nó có giá trị của vũ trụ. Ta nhận ra nó, và trong tiến trình nhận ra nó, Ta biết Ta không phải là nó.

Bây giờ Ta ít khi nói, và khi Ta nói thì hầu như chẳng có ai hiểu. Ông có thể gom góp hàng đống chữ nghĩa, nhưng liệu chúng sẽ ở lại với ông? Nếu lấy đi của ông ngôn từ và ý nghĩa của ngôn từ, thì ông không phải là tính cách con người. Cái nguyên lý sinh ra đó – làm cho ý thức sinh khởi – nhưng nó thì không bị điều kiện hóa; nó đã tự xuất hiện và thị hiện thành ý thức.

Ông bị cuốn hút vào thế giới này thật mài miệt! Mãi cho đến hôm qua ông mới có cái biết về sự tồn tại của chính ông, vậy mà hôm nay ông nói huyên thuyên; ông lớn tiếng, và ông tự nhận là Brahman.

Người hỏi: Tôi biết rằng tôi phải hiểu tất cả vở kịch này của ý thức và kết luận rằng nó cũng như đứa con của một phụ nữ vô sinh sản.

M: Làm sao ông có thể bắt được đứa con của phụ nữ vô sinh sản đó? Chỉ cần an trú trong hiện hữu của ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 12 tháng 2 năm 1981

Maharaj: Chẳng có gì trong thế giới là hữu ích đối với Ta. Chính cái diện mạo – mà ông dùng nó để tìm cách hiểu mọi chuyện – là không thật. Hàng ngày ông phải thuyết phục ông về chính ông. Ông phải thực hiện cuộc sống của ông, trước tiên ông phải cam đoan với chính ông rằng ông hiện hữu. Chẳng có gì đã xảy ra ngoại trừ cái biết, chỉ một chút phiền toái của cái biết trước hậu cảnh của bổn tánh vốn không biết của ông, và điều đó cũng chẳng giúp ích gì.

Ta không có bất cứ diện mạo nào hình thành từ ý thức.

Thân xác này hiện đang trải qua rất nhiều đau đớn: chóng mặt, đau nhức; tất cả những đau đớn đang xảy ra ở bình diện vật lý. Bất kể trạng thái đau đớn này, lời lẽ vẫn tuôn ra theo cảm hứng. Cái gì cho phép như thế? Chính là guna, sự hiện hữu. Sự hiện hữu đó không những kinh nghiệm những lần ông đến đây, mà còn kinh nghiệm vô số thay đổi và biến hóa trong thân xác này cũng như trong thế giới.

Có khi Ta kinh nghiệm trạng thái đang nằm trong một đống rác nào đó, và có khi Ta kinh nghiệm người ta đang thờ phượng Ta. Nhưng tất cả những trạng thái đó đều ở trong cõi giới của ý thức. Ta nhận ra đó là kết quả của cái nguyên lý sinh ra, nguyên lý “Ta Hiện Hữu” đó.

Liệu không gian và các vì tinh tú có cảm thấy khó chịu vì bụi bặm trong thế gian? Đó là một phần của trò chơi trong không gian vũ trụ. Ý thức thì vi tế hơn không gian.

Ông có khuynh hướng muốn có cái biết ở bình diện trần tục nhất, nhưng bất cứ cái biết nào ông thu thập được chắc chắn sẽ biến mất.

Chỉ có một điều duy nhất đúng trong thế giới và đó là: tất cả đều không thật. Ta là cái Bất Thị Hiện nói qua cái Thị Hiện. Khi thân xác, tâm, và hơi thở của sự sống ra đi thì chẳng có gì xảy ra; riêng Ta, cái Tuyệt Đối, luôn luôn ở khắp nơi. Không cái biết nào được cần đến để hiểu chân lý này, vì cái biết đó là bẩm sinh.

Những gì ông học được ở đây sẽ là người hướng dẫn của ông. Sự đâm chồi sẽ xảy ra.

❁ ❁ ❁

Ngày 13 tháng 2 năm 1981

Người hỏi: Tôi có quá nhiều câu để hỏi nên trở thành lẫn lộn.

Maharaj: Các câu hỏi của ông liên quan đến khái niệm về người khác. Hãy hỏi những gì chỉ liên quan về chính ông.

H: Tôi không biết cái Ta của tôi, làm sao tôi có thể đạt đến điểm đó, làm sao tôi có thể đến được đó?

M: Ông không biết cái Ta của ông thì cũng phải thôi; ông không phải thân xác, cũng không phải cái tên của thân xác, vì thế làm sao ông có thể biết được cái Ta của ông?

H: Làm sao tôi có thể kinh nghiệm cái Ta của tôi?

M: Có phải vì thân xác nên ông không thấy cái Ta của ông?

H: Có lẽ vì “Tôi Hiện Hữu”.

M: Ta đang hướng dẫn ông theo hướng đó. Ông hiện hữu; bởi vì ông hiện hữu nên thế giới của ông hiện hữu. Ông bị mất hút trong vô số danh xưng và tước vị gán lên thế giới đó. Hãy bỏ cái thói quen gán cho ông bất cứ danh hiệu nào. Hãy là chính ông trước khi có danh xưng hay tước vị, hãy là như thế.

H: Có phải nó thuộc về trực giác, mà không thuộc về tâm?

M: Đừng dùng đến tâm, đừng làm gì cả.

H: Thế ông không được biết?

M: Cái biết đó sẽ có miễn là ông hiện hữu. Ông phải từ bỏ tất cả những gì ông đã đọc được, nghe được, và chỉ hiện hữu. Đừng để các khái niệm lôi cuốn. Chân lý thì vĩnh cửu; bất cứ gì ông có thể nắm bắt đều không thật. Ngay cả cái kinh nghiệm mà ông hiện hữu cũng không phải bổn tánh đích thực của ông. Ông, cái Tuyệt Đối, không phải cái biết “Ta Hiện Hữu” này, nhưng hiện thời ông phải an trú trong cái biết “Ta Hiện Hữu” của ông.

H: Tôi sợ.

M: Vì ông khoác lên một cái gì đó như “Ta Hiện Hữu”, mà thật ra thì ông không phải, đó là lý do vì sao ông sợ. Giả sử ông nhặt được một chiếc nhẫn kim cương ngoài đường và bỏ túi. Vì nó không phải là của ông nên ông lo sợ. Khi ông khoác lên một diện mạo không phải của ông thì ông sợ. Khi ông chỉ là cái biết “Ta Hiện Hữu” thuần túy, thì lo sợ không có. Hiện nay ông là cái “Ta Hiện Hữu” này, nhưng cái “Ta Hiện Hữu” này không phải là chân lý. Bất cứ gì ông là, trước khi có sự xuất hiện của cái “Ta Hiện Hữu” thì cái đó là bổn tánh chơn thật của ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 25 tháng 2 năm 1981

Maharaj: Mỗi người sống trong một thế giới theo những khái niệm đã được nhận thức từ trước. Dù một người có thể nghĩ mình đã đạt được hiểu biết tâm linh, nhưng người đó vẫn sống theo những khái niệm của mình.

Người hỏi: Sống mà không có khái niệm là thế nào?

M: Bất cứ câu trả lời nào cho ông cũng sẽ là một khái niệm.

H: Làm sao một người biết được mình ở ngoài mọi khái niệm?

M: Chỉ đơn thuần hiểu, không một thoáng nghi hoặc, với sự tin tưởng mãnh liệt rằng có một trạng thái trước khi ý thức này sinh khởi. Cái hiểu đó, tự thân nó là đủ.

H: Làm sao một người phân biệt giữa: chỉ có ý nghĩ về trạng thái đó và sống trạng thái đó?

M: Làm sao ông hiểu được? Bất cứ cái biết nào mà ông nghĩ ông có đều ở trong ý thức. Làm sao ý thức – cái đến sau – có thể cho ông biết về trạng thái tồn tại trước khi nó xuất hiện?

Bất cứ ý nghĩ nào mà ông cho là ông đã đạt đến hoặc sẽ đạt đến trạng thái đó đều là sai lầm. Bất cứ gì xảy ra trong ý thức đều là thuần tưởng tượng, là ảo giác; vì thế, hãy giữ trong tâm cái biết rằng tất cả đều xảy ra trong ý thức. Với cái biết đó, hãy tĩnh lặng, đừng theo đuổi bất cứ ý nghĩ nào khác sinh khởi trong ý thức. Điều cần thiết là hiểu với sự tin tưởng chắc chắn rằng tất cả đều vô thường, không phản ảnh trạng thái đích thực của ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 27 tháng 2 năm 1981

Người hỏi: Xin Maharaj nói về mối quan hệ giữa thể xác và tinh thần.

Maharaj: Ông phải biết cái Ta của ông. Thân xác này không phải là bổn tánh chơn thật của ông. Cái nguyên lý mà nhờ nó ông biết “Ta Hiện Hữu” là bổn tánh chơn thật của ông.

H: Tôi có trách nhiệm gì đối với tha nhân?

M: Ông tạo ra trách nhiệm cho ông theo sự dạy bảo mà ông nhận được từ thế giới, nhưng cái “Ta” đảm nhận các trách nhiệm đó là gì? Ông phải hiểu cái đó trước. Ông nhận diện ông như một thân xác, và đó không phải là biết cái Ta.

H: Tôi không luôn luôn cảm nhận mình là thân xác; khi tĩnh lặng và tập trung, tôi nhận ra còn một cái gì đó khác hơn là chỉ có máu và thịt. Đó là một nhận thức mới đối với tôi.

M: Thế ông đã đi đến kết luận rằng không hề có sự khác biệt nào giữa nhiều nhóm người khác nhau?

H: Ngoại trừ một điều là có những người tham lam và nhiều tham vọng hơn. Tôi rất thích tham quan các đất nước xa lạ, tiếp xúc đủ mọi hạng người thuộc nhiều phong tục khác nhau.

M: Đừng bôn ba đây đó, và cũng chẳng cần đến đây. Hãy an trú trong tĩnh lặng, an lạc và ổn định. Ở đây chúng ta không dính dáng với chuyện mua bán. Cái biết “Ta Hiện Hữu” vô khái niệm đó được khơi dậy hoặc bị kích động bởi ý thức và sự an lạc [mà ý thức và sự an lạc đó] bắt nguồn từ nơi này.

H: Đó là lý do vì sao được thân cận Maharaj là điều quý báu.

M: Ta không thể nói gì nhiều. Đừng đặt câu hỏi. Nếu muốn, ông có thể đi nơi khác.

H: Tôi từng thân cận Maharaj trước đây và đã cảm nhận một ảnh hưởng sâu sắc từ lần thăm viếng đó. Tôi đã hiểu nhiều hơn.

M: Bất cứ gì được người kinh nghiệm cảm thọ hay suy nghĩ đều ở trong ý thức, và không thật.

H: Tôi thấy rất khó diễn tả.

M: Không hề có cá nhân này đang nhìn một cá nhân khác; ý thức về sự hiện diện đang nhận thức. Ngoài ra, chẳng có gì cả. Trạng thái ý thức biết những gì xuất hiện trong ý thức này đang được chứng kiến như một trạng thái nhất thời. Các trạng thái thay phiên nhau: thức, ngủ và ý thức về sự hiện diện đều là những trạng thái nhất thời xảy đến với Ta. Ta không phải là các trạng thái. Chúng đều tự đến và sẽ tự ra đi. Chẳng có ai kiểm soát chúng. Có trạng thái nào trong những trạng thái này là bổn tánh chơn thật của ông không?

H: Ý thức về sự hiện diện khiến tôi cảm thấy mình hiện hữu.

M: Liệu ý thức hiện diện đó có tồn tại mãi không? Ông phải hiểu rằng cái thật thì bất biến. Cái thật thì thường hằng và vĩnh cửu, trong khi sự liên hợp của ba trạng thái đó bất chợt xảy ra với ông mà trước đó chúng không có. Bất cứ gì nhất thời và bị ràng buộc bởi thời gian thì không thể là cái thật.

Ông đồng hóa mình với ý thức về sự hiện diện này, trong một chừng mực nào đó, thì tốt nhưng hãy hiểu rằng kể cả sự hiện diện đó cũng nhất thời và không phải bổn tánh chơn thật của ông.

Quan trọng nhất đối với ông là cái “Ta Hiện Hữu”. Hãy là cái đó rồi mọi chỉ dẫn cần thiết sẽ đến.

❁ ❁ ❁

Ngày 2 tháng 3 năm 1981

Người hỏi: Maharaj có lần nói rằng ông vẫn thường nghĩ về chính mình như một cá nhân, nhưng bây giờ ông không còn nghĩ như vậy, vì đó là đồng hóa với thân xác.

Thực tế thì thân xác vẫn tiếp tục sau đó, tôi muốn nói là: thân xác mãnh liệt đến nỗi nó vẫn có thể tiếp tục trong một khoảng thời gian cho dù sau khi một người nhận ra rằng mình không phải là nó. Maharaj có nói khi căn bệnh này phát sinh thì những vết tích cuối cùng của tính cách cá nhân biến mất.

Maharaj: Câu hỏi của ông là gì?

H: Liệu sự đồng hóa với thân xác mạnh đến nỗi, tôi muốn nói: có phải một người vẫn còn thói quen đồng hóa mình với thân xác ngay cả sau khi người đó biết được cái gì ở phía bên kia?

M: Đó không phải là sự nhận diện như một con người, theo ông nghĩ. Thân xác là một trợ giúp cho sự thị hiện của ý thức để kinh nghiệm. Chừng nào ý thức này còn tồn tại thì nó còn cần đến một công cụ; không có thân xác thì ý thức không thể tồn tại trong hình tướng đó. Cái [mà Ta] mất đi là sự cảm nhận như một thực thể riêng biệt.

Người giác ngộ cũng như một đứa trẻ chưa được sinh ra, ý thức là đứa trẻ khi nó được sinh ra, và đứa trẻ đang bị bệnh. Thân xác vật chất bên ngoài này bị bệnh. Người giác ngộ không thể bị bệnh. Công cụ thân xác này [chỉ vào chính Maharaj] bị xáo trộn và có một sự mất quân bình; vì thế, Ta không thể nói một cách bình thường hay đi lại một cách bình thường.

Chừng nào ông còn có một thân xác thì ông còn biết ông hiện hữu. Điều này cũng áp dụng cho tất cả các loài sinh vật khác. Khi có thân xác thì cái biết “Ta Hiện Hữu” cũng có đó.

H: Khi là cái Tối Thượng, tôi không còn biết sự hiện hữu của tôi?

M: Cái Tuyệt đối chứng kiến cái “Ta Hiện Hữu” này.

❁ ❁ ❁

Ngày 4 tháng 3 năm 1981

Maharaj: Ông đã có cái biết “Ta Hiện Hữu” này bằng cách nào? Nó tự đến, hay ông tìm cách để có nó? Là cái Tuyệt đối, ông thoát ra khỏi mọi khái niệm, kể cả khái niệm tiên khởi “Ta Hiện Hữu”; đột nhiên ông lại vướng mắc vào cái biết “Ta Hiện Hữu” này. Ai đã làm điều đó? Thế không phải nó đã tự sinh khởi hay sao?

Người hỏi: Vâng, đúng thế.

M: Ông không hề có khái niệm “Ta Hiện Hữu” này suốt chín tháng trong bụng mẹ. Hãy hiểu được tình huống này: khái niệm “Ta Hiện Hữu” tự đến và cũng tự ra đi.

Điều lạ lùng là: khi nó xuất hiện thì nó được chấp nhận như thật. Tất cả những khái niệm sai lầm tiếp theo đều sinh khởi từ cảm tưởng cái biết “Ta Hiện Hữu” có thật. Hãy tìm cách an định trong khái niệm tiên khởi “Ta Hiện Hữu” để làm mất đi chính khái niệm này cùng tất cả những khái niệm khác theo sau nó. Vì sao Ta hoàn toàn tự do? Vì Ta đã hiểu tính cách hư huyễn của cái “Ta Hiện Hữu” đó. Ta gửi lời chào đến tất cả các đấng tiên tri, các tín ngưỡng, và tôn giáo, vân vân.

Ta biết tất cả những cái đó đều không thật, mà chỉ là trò chơi của ý thức này. Chân lý, cái Vĩnh Cửu không thể được chứng kiến. [Mặc dù] Nó luôn luôn hiện hành.

Trong trạng thái chơn thật của ông không hề có ngôn từ, nhưng ông cho mình là quan trọng nên ông ôm đồm không biết bao nhiêu ngôn từ. Nhân loại đáng thương bị câu thúc giữa cuộc sống trần tục và cuộc sống tâm linh. Trong cả triệu người thì chỉ có một hiểu được tất cả trò chơi này của ý thức và thoát ra khỏi nó.

H: Chết là gì?

M: Chết cũng là một cái gì được nghe nói. Ông đã trải qua cái chết chưa? Đi theo con đường tu tập tâm linh, ông đã đi đến sự kết thúc của tính cách con người và không còn con người. Chỉ có ý thức phi nhân cách. Trong cõi giới của ý thức này tất cả những gì đang xảy ra đều là trò chơi sôi nổi, một tiến trình hoạt động. Không hề có sự phân biệt nào trong tiến trình này về một con người, một thực thể, một tập thể, một tín ngưỡng, một tôn giáo.

Trong ánh lóe lên của ý thức, toàn thể vở kịch này diễn ra. Vở kịch rồi sẽ kết thúc.

❁ ❁ ❁

Ngày 7 tháng 3 năm 1981

Người hỏi: Theo đuổi những gì Maharaj nói thì kết quả có thể là một thái độ được cho là lập dị trong thế gian này.

Maharaj: Thái độ của ai? Và được ai cho là lập dị? Tất cả những gì HIỆN HỮU đều là tính chất của ngũ đại. Theo cách nhận thức này, bản chất của ngũ đại sẽ không thay đổi. Tính chất của ngũ đại là ý thức về sự hiện diện có tính cách nhất thời này, khi so với cái vĩnh cửu.

Ông đến đây với một ý thức về tình yêu và lòng quý mến Ta, và ông sẽ được lợi lạc tùy theo mức độ ông cảm nhận Ta. Nếu ông vẫn thấy Ta như một cá nhân, thì đó là mức độ lợi lạc mà ông được hưởng. Nếu ông thấy Ta như Ta thấy chính Ta, và cũng như

Ta thấy ông thì mức độ lợi lạc ông được hưởng còn gấp bội lần. Trạng thái chơn thật là trạng thái có trước khi ý thức xuất hiện. Rất ít người sẽ đạt đến trạng thái đó. Hầu hết các ông không muốn vượt xa hơn sự nhận diện mình với một thực thể hay một thân xác.

Sự nhận diện này – thường xuyên thay đổi kể từ thời thơ ấu cho đến trạng thái hiện nay, và sẽ tiếp tục thay đổi theo giòng thời gian – là hoàn toàn có tính cách thời vụ.

Sự nhận diện của ông với thân xác là căn cứ vào những gì được nghe nói. Cha mẹ ông nói với ông rằng ông đã được sinh ra vào một ngày nào đó, và thân xác này là ông.

Vì thế, căn cứ vào những gì được nghe nói, ông hình thành diện mạo của mình theo một hình ảnh nào đó. Ông có thể nghĩ rằng bây giờ mình đã trở thành người giác ngộ, và ông biết rất rõ diện mạo của ông, nhưng thường thì đây chỉ là một sự lừa dối của cảm giác.

Cho dù hình ảnh ông có về ông là gì thì nó vẫn chỉ là một khái niệm.

Chỉ cần hiểu ông là cái gì, và tiến hành cuộc sống thường nhật bằng những khả năng tốt nhất của ông.

H: Nhà ông vẫn còn thờ cúng (puja) hàng ngày?

M: Phải. Ở đây người thờ cúng là ý thức và đối tượng của sự thờ cúng cũng là ý thức.

❁ ❁ ❁

Ngày 12 tháng 3 năm 1981

Người hỏi: Cái nào sinh khởi trước? Cái biết “Ta Hiện Hữu” hay tham ái?

Maharaj: Nếu không có cái biết “Ta Hiện Hữu” thì liệu có thể có gì khác? Ý thức này ở trong trạng thái thường xuyên dao động, mà không tĩnh lặng. Nếu cái quyền năng thị hiện chính nó và cái biết kia (Cái biết “Ta Hiện Hữu”) không xuất hiện, thì không sự nhận diện nào có thể xảy ra. Khi cái biết “Ta Hiện Hữu” xuất hiện và được chấp nhận là thật thì nó liền bị điều kiện hóa, hoặc bị đóng khung trong một diện mạo nào đó.

H: Tôi đã buông bỏ diện mạo của tôi.

M: Ai đã buông bỏ diện mạo?

H: Chẳng có ai đã buông bỏ nó. Nó tự buông bỏ. Khi khả năng của não bộ không ghi nhận bất cứ sự kiện nào thì vẫn có thể quan sát được.

M: Nếu trạng thái vô phản ứng là khả hữu thì ý thức không sinh khởi.

H: Nếu ý thức chỉ là nội dung của ý thức thì cái biết đó được buông bỏ.

M: Sự buông bỏ cái biết đó có gì là cần thiết? Cái đã không có thì sẽ không có. Cái biết đó trước kia đã không có và nó sẽ biến mất.

Giáo pháp của các thánh nhân đã từng xuất hiện và ra đi thì rất nhiều. Trong các pháp thoại ở đây, có sự viện dẫn nào từ các giáo pháp của Christ, Rama, Krishna, hay của ai khác? Liệu có cần viện dẫn giáo pháp của họ trong các đối thoại của chúng ta?

Có không biết bao nhiêu các bậc thánh nhân, các nhà hiền triết, và những người giác ngộ, và mỗi người được tôn sùng bởi một quan niệm đặc thù mà vị đó muốn thế gian này biết đến. Tối hậu, sự khác biệt của các tôn giáo chỉ là những quan niệm cá nhân thu hút ý thức trong một cá nhân riêng biệt vào một thời điểm riêng biệt.

H: Đó là lý do vì sao chúng tôi đến đây.

M: Khi ông đến, không phải đó là vì thân tâm của ông? Không những thân tâm này không thật, mà ngay cả ý thức thị hiện này, vũ trụ này cũng không thật. Cái biết “Ta Hiện Hữu” cũng giống như chiêm bao, không bền chắc.

Ngay cả cái cảm tưởng đã hiểu cũng có thể đưa một người đến với ảo tưởng, vì người đó nghĩ mình đã tìm ra một cái gì đó để truyền đạt cho người khác, mà thật ra không hề có cá nhân.

Người ta rất dễ bị mê hoặc trong khi tung hứng ngôn từ bằng cách gán cho chúng tính chất quan trọng. Hãy nhớ rằng toàn thể sự vận hành của cái thị hiện xảy ra qua sự bất đồng của ngũ đại, và sự thuyết giảng đang diễn ra cũng là một phần của toàn thể sự vận hành đó. Không hề có chuyện một người tìm kiếm lợi lạc riêng biệt nào đó cho mình trong địa vị cá nhân một người chỉ giáo.

Con người đồng hóa mình với hình tướng thô thiển, chẳng những họ không nhận ra mà cũng không nhận diện mình với ý thức thị hiện. Mọi hành hoạt xảy ra là do ý thức, nhưng chẳng có ai thực sự hiểu được điều này.

Khi đến đây người ta có rất nhiều câu hỏi và họ nghĩ rằng sau một lúc họ biết được một điều gì đó, nhưng cuối cùng khi họ hiểu thì chẳng có câu hỏi nào để hỏi.

❁ ❁ ❁

Ngày 13 tháng 3 năm 1981

Maharaj: Tất cả đều xảy ra từ cái Ta của chúng ta. Ý thức này chỉ được cảm nhận một cách tự động trong cái Ta mà thôi. Cái “Ta” này không phải là một cá nhân. Cái đang là, là cái Tuyệt Đối bất thị hiện. Cái xuất hiện – như thể trong chiêm bao – là thế giới thị hiện và tương đối; và kinh nghiệm về trạng thái như chiêm bao này là như nhau – một trạng thái đồng nhất – cho mọi người.

Trong tiến trình của sự vận hành trở thành thị hiện, nếu ông chấp nhận một cái gì đó như là một sự kiện cá nhân thì nó tác động đến ông như một cá nhân. Nếu ông không tiếp nhận sự thể hiện như một cá nhân, mà là tổng thể sự vận hành, thì ông hoàn toàn vô ngại với bất cứ gì đang xảy ra. Cái biết về cái Ta là sự cảm nhận về cái biết “Ta Hiện Hữu” như chiêm bao này. Bằng cách khoác lên một diện mạo riêng biệt, một người làm nhiễm ô cái vô nhiễm; đó là tội lỗi nguyên thủy.

Đi đến tận cội nguồn: ông là ai, ông là cái gì? Ông là sản phẩm của ngũ đại, ông đã nhận được sự nuôi dưỡng của ngũ đại. Cảm thọ về cái biết “Ta Hiện Hữu” của ông cũng sinh khởi từ ngũ đại. Đặt trọng tâm sự chú ý của ông vào điểm này. Sự thay đổi nào cần phải xảy ra trong ông để ông nhận ra cái Ta của ông? Sự thay đổi nào có thể xảy ra với ông? Khi đến đây, chắc chắn ông đã chờ mong một điều gì đó xảy ra. Sự thay đổi nào mà ông mong đợi sẽ xảy ra trong ông để ông có thể nói: “Bây giờ Ta đã đạt được cái Ta đã tìm kiếm. Ta không cần đến gặp Maharaj nữa”. Ông đang nói về trạng thái nào? Trạng thái đó là gì? Trong trạng thái như chiêm bao đó, Ta không hề ghi nhận một ai đã đến đây, và cũng chẳng có cuộc đối thoại nào giữa chúng ta.

❁ ❁ ❁

Ngày 21 tháng 3 năm 1981

Người hỏi: Nếu ai đó thông đạt chân lý thì có ảnh hưởng gì đối với thế giới nói chung?

Maharaj: Điều xảy ra trước tiên là tính cách cá nhân biến mất và bất cứ gì xảy ra lúc đó được thấy là sự vận hành tổng thể; cái hiểu về sự vận hành tổng thể thì không thể phân chia được. Không có vấn đề “Ta” hay “người” hiểu một cái gì đó. Đó LÀ hiểu.

Cái biết này không thể tìm ra trong kinh điển. Nó không phải cái biết thuộc tri kiến. Mặc dù ý thức hành hoạt qua hàng triệu hình tướng, nhưng nó vẫn chỉ cùng là một ý thức.

Chúng ta tin rằng Ta hiện hữu, Ta tồn tại, Ta đang sống. Sự tin tưởng đó là do ý thức và ý thức không biết được chính nó nếu không có thân xác, vậy thì sự tương quan là gì? Ý thức là mùi vị của hình tướng vật chất. Nếu không có hình tướng thì không có mùi vị. Thân xác chỉ là tinh chất của thực phẩm và ý thức là tinh túy của hình tướng vật chất.

Nếu điều này được quán triệt thì liệu còn tính cách cá nhân không? Tính cách cá nhân này chỉ là một tiến trình của sự thị hiện.

H: Vì sao ý thức muốn duy trì chính nó trong một hình tướng riêng biệt nào đó?

M: Khi ý thức đồng hóa nó với một hình tướng, thì đặc tính của sự đồng hóa này là muốn tiếp tục càng lâu càng tốt. Ý thức rất yêu thích sự đồng hóa đó nên nó muốn tiếp tục.

H: Nếu tính cách cá nhân mất đi, liệu ý thức có còn muốn tiếp tục?

M: Một khi ý thức đã mất đi tính cách cá nhân và trở thành một với vũ trụ thì nó không cần tiếp tục nữa.

❁ ❁ ❁

Ngày 24 tháng 3 năm 1981

Maharaj: Nếu tĩnh tọa ở đây, trở thành một với cái biết “Ta Hiện Hữu” thì ông không còn bận tâm với thế giới và những gì xảy ra trong thế giới. Chỉ khi nào ý thức bắt đầu hành hoạt, và trong ý thức có những động thái khác nhau thì thái độ trong thế giới xảy ra. Khi Ta không ý thức về sự tồn tại của thân xác thì kinh nghiệm không được ghi nhận.

Cũng như vũ trụ được dung chứa trong ý thức, thân xác vật lý chỉ là một hiện tượng trong ý thức, được nhận thức và được biết bởi ý thức. Chẳng cần cố gắng nào để ông hiểu được điều này; chỉ sự quán triệt rốt ráo điều này trong ý thức sẽ khiến cho kinh nghiệm đó tự xảy ra.

Người nào ở trong trạng thái này thì ý thức vẫn có mặt nhưng không có sự ghi nhận về sự tồn tại của thân xác, mặc dù trong trạng thái đó những điều kiện trong thân xác không ngừng thay đổi. Tất cả những trạng thái đó đều là sự xuất hiện trong ý thức; vì thế, ý thức phải chịu đựng tất cả những điều kiện thay đổi.

Trong trạng thái đó, bất kể sự kiện nào xảy ra thì những gì đang thực sự diễn ra chỉ là sự vận hành tổng thể trước hậu cảnh của cái “trống không”, mà trong thực tế, cái “trống không” đó chính là ý thức. Không hề có diện mạo riêng biệt, cái HIỆN HỮU chính là ý thức này, nếu không có nó thì không ai có thể tồn tại.

Khi ở trong sự tĩnh lặng, ông đã đạt đến nền tảng của mọi vật. Đó là trạng thái sâu thẳm và xanh thẫm, trong đó là hàng triệu các vì sao và vô số hành tinh. Khi ở trong trạng thái đó, ông không hề có cái biết về sự tồn tại của ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 29 tháng 3 năm 1981

Người hỏi: Nếu ý thức là đồng nhất trong tất cả các hình tướng khác biệt, vậy tại sao ý nghĩ và hành động giữa người này với người khác lại khác nhau?

Maharaj: Ý thức và hành động thuộc về thân tâm, và thân tâm là tinh túy của ngũ đại. Tinh chất của hình tướng tùy thuộc vào các mức độ khác nhau của ngũ đại và ba thuộc tính của vũ trụ. Ý nghĩ và hành động tùy thuộc vào điều kiện được tiếp nhận ngay vào lúc có ý thức. Nếu không có ý thức thì chỉ có những hình tướng chết.

Ý thức và thân xác được duy trì trong điều kiện hoạt động bởi thực phẩm và thuốc mà chúng ta uống. Trong mỗi hình tướng, ý nghĩ và hành động không những tùy thuộc vào điều kiện mà hình tướng đã tiếp nhận sau khi được tạo nên, mà thậm chí còn cả những điều kiện trước lúc nhập thai. Ý thức ở trong trạng thái tiềm tàng trong hóa chất chứa sự sinh ra đó (birth chemical). Thật là lạ lùng khi một người nhận dạng mình với thân xác. Ông tu tập tâm linh bao lâu rồi?

H: Bốn mươi năm nay. Tôi đã theo phép quán “Ta là ai?” của Đạo sư Ramana Maharshi, tôi cũng có đọc tuyển tập các thuyết giáo của Maharaj.

M: Tốt. Ông hiểu gì về cái Ta của ông? Ông là cái gì?

H: Ý thức.

M: Cái Tuyệt đối có trước mọi kinh nghiệm. Cái biết “Ta Hiện Hữu” là sự khởi đầu của kinh nghiệm. Từ cái Tuyệt đối cái biết này xuất hiện, và câu hỏi phát sinh: “Ta là ai hay Ta là cái gì?” Cảm thọ về hiện hữu đó chưa bị tô mầu bởi hình tướng. Nó chỉ là một cảm thọ về hiện hữu, về cái biết “Ta Hiện Hữu”. Đó là kinh nghiệm tiên khởi.

H: Đó là Maya – ảo giác.

M: Vì không tìm được đáp án cho cái “Ta là ai”, ông đưa ra câu trả lời đó là Maya. Ông không thể nắm bắt nó bằng một sự đối đáp. Ông nhận diện mình với cái gì?

H: Tôi là Brahman.

M: Đó không phải là kinh nghiệm trực tiếp của ông. Ông chỉ đơn thuần lập lại những gì ông đã đọc hay nghe. Ông nghĩ ông là cái gì?

H: Tôi đã kinh nghiệm…

M: Kinh nghiệm chỉ có thể có khi nào có cái biết “Ta Hiện Hữu”, nhưng trước khi có cái kinh nghiệm “Ta Hiện Hữu” này, trạng thái đó là gì?

H: Tôi không biết.

M: Ta nói với ông vì ông có trí tuệ để hiểu.

H: Liệu tôi có thể chấm dứt cái biết “Ta Hiện Hữu” này và ở vào trạng thái trước cái biết “Ta Hiện Hữu”?

M: Diễn tiến tự nhiên nào mà ông có thể chấm dứt? Tất cả mọi thứ đều tự sinh khởi. Ông hiện đang ở trong ý thức mà ý thức đó đang náo loạn, rung động. Đừng nghĩ ông là một cái gì đó tách biệt với ý thức náo loạn và rung động này. Ông là một phần thuộc vở kịch của ý thức này. Ông, ý thức, là sản phẩm của thực phẩm được tiêu hóa.

Ở bình diện của ý thức động, tức là cái Ta, cái đang hoạt động, không thể có diện mạo của một thân xác.

H: Làm sao tôi có thể tin được điều này?

M: Khi tiếp tục tĩnh lặng trong cái Ta của ông, lúc đó ông sẽ nhận được sự tin tưởng. Hãy an trú trong tĩnh lặng.

❁ ❁ ❁

Ý thức và cái Tuyêt đối – Sri Nisargadatta Maharaj
Ảnh: Jongsun Lee on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x