Trang chủ » Ta là cái đó [35-40] – Chỉ cái Ta là thật

Ta là cái đó [35-40] – Chỉ cái Ta là thật

by Hậu Học Văn
405 views

35. Đạo sư vĩ đại nhất là cái Ta trong chính ông

Hỏi: Đi đến đâu tôi cũng nghe rằng điều kiện đầu tiên của sự giác ngộ chính mình là thoát ra khỏi mọi tham ái và ưa thích. Theo tôi điều kiện đó không thể thực hiện được. Vô minh về chính mình nên khởi sinh tham ái, và tham ái làm cho vô minh tồn tại. Quả thật là một cái vòng lẩn quẩn!

M: Chẳng có điều kiện nào để thỏa mãn. Chẳng có gì để làm, chẳng có gì để buông bỏ. Chỉ quan sát và ghi nhớ. Bất cứ gì ông nhận thức đều không phải là ông, mà cũng chẳng phải của ông. Nó ở đó trong phạm trù ý thức, nhưng ông không phải là phạm trù và nội dung của nó, mà thậm chí cũng chẳng phải là người biết phạm trù. Chính ý nghĩ cho rằng ông phải làm đủ mọi chuyện đã ràng buộc ông với hậu quả những cố gắng của ông – sự thôi thúc, ước muốn, sự bất thành, cảm giác thất vọng – tất cả những thứ đó níu kéo ông. Chỉ quan sát bất cứ gì xảy ra, và biết rõ rằng ông ở ngoài nó.

H: Điều này có nghĩa là tôi không được làm gì cả?

M: Làm sao được! Cái gì tiếp tục thì cứ tiếp tục. Nếu dừng lại đột ngột ông sẽ gây đổ vỡ.

H: Vậy vấn đề có phải là cái bị biết và người biết trở nên một?

M: Cả hai đều là những ý tưởng trong tâm, và ngôn từ diễn tả chúng. Không hề có cái Ta trong chúng. Cái Ta không phải cả hai, không ở giữa mà cũng không ở bên ngoài. Tìm cái Ta trên bình diện của tâm là điều vô ích. Ngưng tìm kiếm, và nhìn – nó ở ngay đây và bây giờ – nó chính là cái “Ta hiện hữu” mà ông biết rất rõ. Tất cả những gì ông cần làm là chấm dứt cho rằng ông ở trong phạm trù của ý thức. Nếu ông chưa bao giờ suy gẫm sâu xa những điều đó, mà chỉ nghe Ta nói có một lần thôi thì chưa đủ. Hãy quên đi những kinh nghiệm và chứng đắc của ông trước kia, hãy đứng trần truồng, phơi mình giữa mưa gió của cuộc đời, thế nào ông cũng có một cơ hội.

H: Tín tâm – Bhakti – có một vị trí nào trong sự chỉ giáo của ông?

M: Khi ông không khỏe, ông đi gặp một thầy thuốc. Người đó sẽ cho ông biết vì sao ông không khỏe và ông cần uống thuốc gì. Nếu ông tin người thầy thuốc thì mọi chuyện rất đơn giản: ông uống thuốc, tuân theo những kiêng khem về ăn uống, và ông bình phục. Nhưng nếu không tin người đó, thì hoặc là ông phó mặc cho số phận, hoặc chính ông học nghề thuốc để tự chữa lấy! Trong tất cả các trường hợp, chính ước muốn bình phục thúc giục ông, chứ không phải người thầy thuốc.

Nếu không có lòng tin thì không an tâm. Ông luôn luôn tin tưởng một người nào đó – có thể là mẹ ông, hay vợ ông. Trong tất cả mọi người, chỉ có người biết cái Ta, người đã giải thoát, là người đáng tin cậy nhất. Nhưng chỉ có tín tâm thôi thì vẫn chưa đủ, ông còn phải ước muốn. Nếu không có ước muốn tự do, thì tín tâm có ích lợi gì để ông có thể đạt được tự do? Ước muốn và tín tâm phải đi cùng với nhau. Ước muốn càng mãnh liệt thì sự trợ giúp càng đến dễ dàng. Đạo sư vĩ đại nhất cũng phải bó tay nếu người môn đồ không thành tâm muốn học. Nhiệt tình và lòng thành thật là tất cả những gì quan trọng. Sự tin tưởng sẽ đến cùng với kinh nghiệm về những gì trải qua. Hãy hiến thân cho mục đích của ông – rồi sự thành tâm với người chỉ giáo ông sẽ đến sau. Nếu ước muốn và tín tâm của ông mãnh liệt, chúng sẽ vận hành và mau chóng đưa ông đến đích, vì không bị trì hoãn bởi thái độ chần chờ, do dự của ông.

Vị đạo sư vĩ đại nhất là cái Ta bên trong chính ông. Thật thế, cái Ta bên trong ông là Đạo sư vô thượng. Chỉ vị Đạo sư đó mới có thể đưa ông đến đích, và sẽ gặp ông ở cuối đường. Hãy đặt tín tâm vào Đạo sư bên trong ông, và chẳng cần đến bất cứ Đạo sư bên ngoài nào. Nhưng một lần nữa, ông phải ước muốn mãnh liệt để tìm vị Đạo sư đó, đừng tạo bất cứ chướng ngại và chậm trễ nào. Đừng phí sức lực và thời gian cho sự nuối tiếc. Học từ những sai lầm của chính ông và đừng bao giờ tái phạm.

H: Ông cho phép tôi hỏi một câu có tính cách riêng tư được không?

M: Được, ông cứ hỏi.

H: Tôi thấy ông ngồi trên một miếng da linh dương. Làm sao điều này có thể phủ hợp với ý tưởng bất bạo lực?

M: Suốt cuộc đời lao động của Ta, Ta quấn thuốc lá để bán, giúp tay cho người khác làm hại sức khỏe của họ. Trước cửa nhà Ta chính quyền địa phương đặt một nhà vệ sinh công cộng, làm hại sức khỏe của Ta. Trong thế giới đầy bạo lực này làm sao một người có thể tránh khỏi một hình thức bạo lực này hay hình thức bạo lực khác?

H: Chắc chắn là những bạo lực có thể tránh được thì cần phải tránh. Ở Ấn Độ, bậc thánh nhân nào cũng có một miếng da hổ, da sư tử, da beo hay da linh dương để ngồi.

M: Có thể là vào thời cổ chưa có vải nhựa, da là thứ chống ẩm tốt nhất. Chứng phong thấp thì chẳng hấp dẫn chút nào, ngay cả đổi với một thánh nhân! Vì thế theo truyền thống người ta cần có một miếng da để ngồi thiền lâu. Cũng như da trống trong đền thờ, hành giả Yogi cần có một miếng da để ngồi. Chẳng ai bận tâm đến chuyện đó.

H: Nhưng phải có sự sát hại thú vật.

M: Ta chưa hề nghe một Yogi nào giết cọp để lấy da ngồi. Người giết không phải Yogi, và Yogi không phải người giết.

H: Thế ông không bày tỏ sự phản đối bằng cách từ chối không ngồi lên một miếng da?

M: Thật là một ý tưởng lạ lùng! Toàn thể vũ trụ này Ta còn không chấp nhận, thì xá gì một miếng da?

H: Vũ trụ có gì sai trái?

M: Quên mất chính cái Ta của ông là một mất mát lớn; tất cả mọi tai họa đều từ đó mà ra. Hãy quan tâm đến cái tối quan trọng, những cái ít quan trọng hơn sẽ tự lo liệu lấy. Ông không cần phải sắp xếp một căn phòng tăm tối cho ngăn nắp. Trước tiên là mở các cửa sổ. Để ánh sáng vào thì mọi chuyện sẽ dễ dàng. Vì vậy, hãy chờ cho đến khi chúng ta thấy được mình như chính mình là, và đã thay đổi, thì lúc đó hãy nghĩ đến chuyện cải sửa người khác. Vòng vo với những câu hỏi bất tận thì không cần thiết; hãy tìm ra chính ông trước rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó.

H: Sự thôi thúc quay về với cội nguồn thì thật hy hữu. Điều đó có tự nhiên không?

M: Theo tự nhiên thì đi ra vào lúc đầu, và quay về vào lúc cuối. Nhưng thật ra tuy hai mà một, cũng như thở ra và hít vào là một.

H: Tương tự như thế, không phải thân xác và người ở trong thân xác là một?

M: Những sự kiện xảy ra trong thời gian và không gian – sinh và tử, nhân và quả – có thể được xem là một; nhưng thân xác và cái được hiện thân thì không cùng một trình tự của thực tại. Thân xác tồn tại trong thời gian và không gian, vô thường và hữu hạn, còn cái ở trong thân xác thì phi thời và phi xứ, thường hằng và bao trùm lên tất cả. Đồng hóa hai cái là một lỗi lầm nghiêm trọng và là nguyên nhân của đau khổ triền miên. Ông có thể nói thân và tâm là một, nhưng thân-tâm thì không phải là thực tế căn bản.

H: Dù là ai đi nữa thì người ở trong thân điều khiển thân, và, do đó, có trách nhiệm với thân.

M: Có một quyền năng vũ trụ, quyền năng đó điều hành và chịu trách nhiệm.

H: Nếu vậy thì tôi làm bất cứ gì tôi thích và đổ lỗi cho một quyền năng vũ trụ nào đó. Thật dễ dàng!

M: Đúng, thật dễ dàng. Chỉ cần nhận ra Người Tác Động Duy Nhất (the One Mover) ở đằng sau tất cả mọi chuyển động và phó mặc cho Người đó. Nếu ông không do dự, hay gian dối, thì đó là con đường ngắn nhất đưa đến thực tại. Hãy đứng thẳng, không tham ái hay sợ hãi, từ bỏ mọi uy quyền và trách nhiệm.

H: Thật là một sự điên rồ!

M: Phải, một sự điên rồ thần thánh. Có gì là không đúng khi buông bỏ cái ảo tưởng về uy quyền cá nhân và trách nhiệm cá nhân? Cả hai chỉ ở trong tâm. Dĩ nhiên, chừng nào còn tưởng tượng rằng mình là người có uy quyền thì ông còn nghĩ rằng mình có trách nhiệm. Cái này hàm chứa cái kia.

H: Làm sao vũ trụ có thể chịu trách nhiệm cho cái cá biệt?

M: Tất cả sự sống trên trái đất này đều tùy thuộc vào mặt trời. Nhưng ông không thể quy trách cho mặt trời về tất cả những gì xảy ra, dù cho đó là nguyên nhân tối hậu. Ánh sáng tạo nên màu sắc của hoa, nhưng nó không điều khiển mà cũng chẳng có trách nhiệm trực tiếp về màu sắc của hoa. Nó làm cho màu sắc thể hiện, chỉ thế thôi.

H: Điều tôi không thích trong những gì ông nói là sự núp bóng một quyền năng vũ trụ nào đó.

M: Ông không thể tranh biện với những sự kiện thực tế.

H: Những sự kiện thực tế nào? Của ông hay của tôi?

M: Của ông. Ông không thể bác bỏ những thực tế của Ta, vì ông không biết chúng. Nếu biết được chúng thì ông đã không bác bỏ. Điều rắc rối ở chỗ ông cho sự tưởng tượng của ông là thực tế, và thực tế của Ta là tưởng tượng. Ta biết chắc chắn rằng tất cả là một. Sự khác biệt không có nghĩa là tách biệt. Hoặc là ông vô trách nhiệm với tất cả, hoặc là ông có trách nhiệm với tất cả. Tưởng tượng rằng ông làm chủ một thân xác, và chỉ có trách nhiệm với nó là sự sai lầm của quan niệm thân-tâm.

H: Nhưng, ông vẫn bị giới hạn bởi thân xác ông.

M: Chỉ trong những gì liên quan đến thân xác. Điều đó chẳng làm Ta bận tâm. Nó cũng giống như trải qua các mùa trong năm. Chúng đến, chúng đi nhưng chẳng tác động gì đến Ta. Cũng như thế các thân-tâm đến rồi đi – cuộc sống luôn luôn tìm kiếm những sự thể hiện mới.

H: Nếu ông không trút hết gánh nặng của sự xấu xa lên Thượng đế thì tôi thỏa mãn với lập luận của ông. Có thể có một Thượng đế cho tất cả, nhưng đối với tôi Thượng đế chỉ là một ý niệm được tâm con người phóng chiếu ra. Thượng đế có thể là một thực tế đối với ông, còn với tôi thì xã hội còn thật hơn cả Thượng đế, vì tôi vừa là sản phẩm vừa là tù nhân của nó. Những giá trị của ông là trí và bi, còn giá trị của xã hội là sự ích kỷ ranh mãnh. Tôi sống trong một thế giới rất khác biệt với thế giới của ông.

M: Chẳng có gì có thể bắt buộc được.

H: Chẳng có gì bắt buộc được ông, nhưng tôi thì bị bắt buộc. Thế giới của tôi là một thế giới xấu xa, đầy nước mắt, trần lao và đau khổ. Lý giải nó bằng những lập luận trí thức, bằng cách đưa ra những triết thuyết như tiến hóa, và nghiệp quả thì chỉ làm cho vết thương thêm đau đớn. Thượng đế của một thế giới xấu xa là Thượng đế độc ác.

M: Ông là Thượng đế của thế giới của ông, và ông vừa ngu vừa độc ác. Cứ cho Thượng đế là một ý niệm – do chính ông tạo ra. Hãy tìm biết ông là ai, ông đã vào đời, tìm kiếm chân lý, cái thiện mỹ trong một thế giới xấu xa như thế nào. Biện hộ hay công kích Thượng đế thì có ích gì khi ông chẳng biết Thượng đế là ai, và ông đang nói về cái gì. Thượng đế được khai sinh từ đau khổ và hy vọng, được tạo ra bởi tham ái và tưởng tượng thì không thể là cái Quyền Năng Đó Là (the Power That Is), tức là Tâm thức và Trái tim của vũ trụ.

H: Đồng ý rằng thế giới mà trong đó tôi sống, và Thượng đế mà tôi tin đều là sản phẩm của tưởng tượng. Nhưng cả hai đã được tạo ra từ tham ái bằng cách nào? Việc gì tôi lại tưởng tượng ra một thế giới đau khổ, và một vị Thượng đế nhẫn tâm đến như thế? Việc gì tôi lại tự hành hạ mình một cách tàn tệ như vậy? Một bậc giác ngộ đến bảo tôi rằng: “Đó chỉ là một giấc chiêm bao, cần phải chấm dứt”, thế không phải chính vị ấy cũng là một phần của giấc chiêm bao? Tôi cảm thấy mình bị cùng đường và không thấy lối ra. Ông nói là ông tự do. Ông tự do đối với cái gì? Hãy vì sự thánh thiện, đừng cho tôi ăn lời lẽ suông, mà hãy giác ngộ tôi, giúp tôi tỉnh thức, vì chính ông là người thấy tôi đang trăn trở trong giấc ngủ của tôi.

M: Khi Ta nói Ta tự do, Ta chỉ nói lên một thực tế. Khi là người lớn thì ông đã thoát ra khỏi thời niên thiếu. Ta thoát ra khỏi mọi mô tả và nhận dạng. Bất cứ gì ông có thể nghe, thấy, hay nghĩ tưởng ra được, đều không phải là Ta. Ta hoàn toàn không phải là một đối tượng của tri thức, hay là một khái niệm.

H: Nhưng ông vẫn còn một thân xác, và ông tùy thuộc vào nó.

M: Ông vẫn cho quan điểm của ông là duy nhất đúng. Ta lập lại: Ta đã không phải, hiện không phải, và sẽ không phải là một thân xác. Đối với Ta đó là một thực tế. Trước kia Ta cũng có ảo tưởng đã được sinh ra, nhưng Tôn sư đã cho Ta thấy sinh và tử chỉ là những ý tưởng – sinh chỉ là ý tưởng: “Ta có một thân xác.” Và tử: “Ta đã mất đi thân xác.” Giờ đây, khi biết Ta không phải là một thân xác, nên thân xác có đó hay không thì có gì khác biệt? Thân-tâm cũng như một căn phòng. Nó có đó, nhưng không nhất thiết lúc nào Ta cũng phải sống trong đó.

H: Nhưng có một thân xác và ông phải lo cho nó.

M: Cái quyền năng tạo ra nó, lo cho nó.

H: Chúng ta luôn luôn nhảy từ bình diện này sang bình diện khác.

M: Chỉ có hai bình diện để lưu ý đến: Vật lý – của các sự kiện, và tâm – của ý nghĩ. Ta siêu vượt cả hai. Sự kiện và ý nghĩ của ông đều không phải là của Ta. Cái Ta thấy thì siêu vượt cả hai. Hãy qua bên này và cùng thấy với Ta.

H: Điều tôi muốn nói rất đơn giản. Chừng nào còn tin rằng: “Ta là thân xác” thì tôi không được nói: “Thượng đế sẽ lo cho thân ta.” Thượng đế sẽ không làm như thế. Thượng đế sẽ để kệ cho nó đói khát, đau ốm và chết đi.

M: Ông còn mong đợi gì khác ở một cái chỉ là thân xác? Tại sao ông lại bận tâm với nó đến thế?

Vì ông nghĩ rằng ông là thân xác nên ông muốn nó bất hoại. Ông có thể kéo dài sinh mạng của nó bằng những sự tu tập đúng cách, nhưng cho lợi ích tối hậu nào?

H: Sống lâu và khỏe mạnh vẫn tốt hơn chứ. Nó cho chúng ta cơ hội tránh được những sai lầm của thời niên thiếu và thanh xuân, những thất vọng của tuổi trưởng thành, những khốn khổ và lão suy của tuổi già.

M: Hãy sống trường thọ bằng mọi cách. Nhưng ông không phải là chủ nhân của thân xác. Liệu ông có thể định đoạt ngày sinh và ngày chết của ông? Chúng ta không nói cùng ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ông là của thế giới tưởng tượng, mọi thứ đều treo trên những giả thuyết và phỏng định. Ông nói một cách rất quả quyết về những gì ông không biết chắc.

H: Vì thế tôi đến đây.

M: Ông chưa đến đây. Ta mới ở đây. Mời vào! Nhưng ông không vào. Ông muốn Ta sống cuộc sống của ông, cảm nhận theo cách của ông, sử dụng ngôn ngữ của ông. Ta không thể, và điều đó cũng chẳng giúp gì ông. Ông phải đến với Ta. Ngôn từ là của tâm và tâm thì ngăn che và vo tròn bóp méo. Do đó, điều cần thiết tất yếu là phải vượt ra khỏi ngôn từ, và qua bên này với Ta.

H: Hãy đưa tôi qua.

M: Ta đang làm chuyện đó, nhưng ông cứ cưỡng lại. Ông biến thực tại thành khái niệm, trong khi khái niệm chỉ là những hình ảnh méo mó về thực tại. Hãy từ bỏ mọi cố gắng khái niệm hóa, an trú với sự im lặng và chú ý. Hãy thành khẩn với điều đó, rồi mọi chuyện sẽ tốt lành với ông.

36. Sự giết hại gây đau khổ cho kẻ giết, chứ không phải người bị giết

Hỏi: Một ngàn năm về trước có một người đã sống và chết đi. Tính cách cá biệt tức thân vi tế của người đó – Antahkarana – tái xuất hiện trong một thân xác mới. Vì sao người đó không nhớ được kiếp trước của mình? Và nếu người đó nhớ được thì liệu có thể đưa ký ức về tiền kiếp đó vào ý thức?

Maharaj: Làm sao ông biết được cùng một con người tái xuất hiện vào thân xác mới? Một thân xác mới có thể là một con người hoàn toàn mới.

H: Hãy tưởng tượng một hũ ghee. Khi cái hũ bể, ghee còn lại và được chuyển sang một hũ khác. Cái hũ cũ có mùi riêng của nó, và cái hũ mới cũng vậy. Ghee sẽ mang mùi của hũ này sang hũ khác. Tương tự như thế, thân thức của một người được di chuyển từ thân này sang thân khác.

M: Tốt. Khi có thân, những đặc điểm riêng biệt của thân tạo ra những biểu hiện của một con người. Khi không có thân, thân thức thuần túy của chúng ta ở trong ý thức “Ta hiện hữu”. Khi ông tái sinh vào một thân mới, cái thế giới đã kinh nghiệm trước kia ở đâu?

H: Mỗi thân kinh nghiệm thế giới riêng của nó.

M: Trong cái thân hiện tại thì cái thân cũ chỉ là một ý tưởng, hay là một ký ức?

H: Dĩ nhiên là một ý tưởng. Làm sao bộ óc có thể nhớ được cái mà nó chưa kinh nghiệm?

M: Ông vừa trả lời câu hỏi của chính ông. Việc gì phải đùa giỡn với những ý tưởng? Hãy bằng lòng với những gì ông biết chắc. Cái duy nhất mà ông biết chắc là cái “Ta hiện hữu”. Hãy ở với nó, buông bỏ tất cả mọi thứ khác. Đó là Yoga.

H: Tôi chỉ có thể buông bỏ bằng ngôn từ. Giỏi lắm là tôi có thể nhớ và lặp lại: “Cái này không phải là Ta, cái này không phải là của Ta. Ta ở ngoài tất cả những cái này.”

M: Thế là tốt rồi. Trước tiên là bằng ngôn từ, rồi bằng tâm và cảm thọ, rồi trong hành động. Hãy chú ý vào thực tại trong ông và nó sẽ hiển lộ. Cũng như đánh sữa làm bơ. Hãy làm đúng cách và chuyên cần thì chắc chắn kết quả sẽ đến.

H: Làm sao cái tuyệt đối có thể là kết quả của một tiến trình?

M: Ông nói đúng, cái tương đối không thể đem lại cái tuyệt đối. Nhưng cái tương đối có thể ngăn trở cái tuyệt đối, cũng như nếu không đánh sữa thì không thể làm bơ tách ra khỏi sữa. Chính cái thật tạo nên sự thúc giục; cái bên trong thúc giục và cái bên ngoài đáp ứng bằng sự quan tâm và tinh tấn. Nhưng tối hậu thì chẳng có bên trong mà cũng chẳng có bên ngoài; ánh sáng của ý thức vừa là người sáng tạo vừa là vật được sáng tạo, vừa là người kinh nghiệm vừa là kinh nghiệm, vừa là thân xác vừa là cái thị hiện qua thân xác. Hãy để tâm đến nguồn năng lực phóng chiếu ra tất cả những cái đó, rồi mọi vấn đề của ông sẽ chấm dứt.

H: Năng lực phóng chiếu đó là gì?

M: Đó là trí tưởng tượng được thôi thúc bởi lòng ham muốn.

H: Tôi biết tất cả những điều đó, nhưng tôi chẳng có một quyền năng gì đối với chúng.

M: Lại thêm một ảo tưởng nữa của ông, do sự vọng cầu kết quả.

H: Có gì là không đúng với một hành vi có chủ đích?

M: Hành vi có chủ đích không dùng được ở đây. Trong những vấn đề như thế này không hề có mục đích, mà cũng chẳng có hành động. Tất cả những gì ông cần là lắng nghe, ghi nhớ, và tư duy. Cũng giống như ăn. Tất cả những gì ông có thể làm là cắn, nhai và nuốt, sau đó là hoàn toàn vô thức và tự động. Lắng nghe, ghi nhớ và hiểu – tâm vừa là diễn viên vừa là sân khấu. Tất cả đều thuộc về tâm, mà ông thì không phải là tâm. Tâm được sinh ra và tái sinh, chứ không phải ông. Tâm tạo ra thế giới và tính đa dạng tuyệt vời của nó. Trong một vở tuồng, ông cần đủ loại nhân vật và tình huống khác nhau, tương tự như thế ông cần mỗi thứ một ít để tạo ra thế giới.

H: Trong một vở tuồng thì chẳng có ai đau khổ.

M: Trừ khi một người tự đồng hóa mình với nó. Đừng đồng hóa ông với thế giới thì ông sẽ không đau khổ.

H: Nhưng người khác sẽ đau khổ.

M: Vậy thì hãy bằng mọi cách làm cho thế giới của ông hoàn hảo. Nếu tin vào Thượng đế, hãy cùng tạo dựng với Ngài. Nếu không tin vào Thượng đế, thì hãy trở thành Thượng đế. Hoặc là thấy thế giới như một vở tuồng, hoặc là xây dựng nó bằng tất cả sức lực của mình. Hoặc cả hai.

H: Thế còn nội thân hay tính cách cá biệt của người chết? Chuyện gì sẽ xảy ra với nó khi người đó chết đi? Ông có đồng ý là nó sẽ tiếp tục trong một thân xác khác?

M: Nó tiếp tục và nó cũng không tiếp tục. Tất cả còn tùy thuộc vào cách ông nhìn nó. Xét cho cùng thì cái gì là tính cách cá biệt? Một sự tiếp tục trong ký ức? Liệu ông có thể nói đến tính cách cá biệt mà không có ký ức?

H: Có chứ, tôi có thể. Một đứa bé có thể không biết cha mẹ là ai, nhưng các đặc tính di truyền trong nó vẫn có đó.

M: Ai nhận ra những đặc tính di truyền đó? Phải có một người với một ký ức để ghi nhận và so sánh. Ông có thấy rằng ký ức cũng giống như cái khung dệt của đời sống tâm lý, và tính cách cá biệt chỉ là một kiểu mẫu của các sự kiện xảy ra trong thời gian và không gian. Thay đổi kiểu mẫu là ông thay đổi con người.

H: Kiểu mẫu rất cần thiết và quan trọng. Nó có giá trị riêng của nó. Nếu nói rằng một mẫu dệt đơn thuần chỉ là những sợi chỉ đã được nhuộm mầu thì ông bỏ qua điều quan trọng nhất – cái đẹp của nó. Hoặc, nếu ông bảo rằng quyển sách chỉ là một xấp giấy với những dấu mực in thì ông bỏ qua ý nghĩa trong đó. Tính cách cá biệt rất quý giá vì nó là nền tảng của một cá nhân, nó làm cho mỗi người trong chúng ta là độc nhất và bất khả thay thế. “Ta hiện hữu” là trực giác của tính một duy nhất.

M: Đúng và sai. Tính cách cá biệt, tính cách cá nhân, tính độc nhất – chúng là những phương diện quý giá nhất của tâm, nhưng chỉ của tâm mà thôi. “Ta là tất cả những gì hiện hữu” cũng là một kinh nghiệm có giá trị tương đương. Cái riêng biệt và cái chung nhất thì bất khả phân. Chúng là hai phương diện của cái vô danh xưng, được nhìn từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Điều đáng tiếc là ngôn từ chỉ có thể đề cập về nó, nhưng không chuyên chở được nó. Hãy tìm cách siêu vượt ngôn từ.

H: Cái gì chết theo với cái chết?

M: Cái ý nghĩ “Ta là thân xác này” chết; nhân chứng thì không.

H: Những người theo giáo phái Jana tin vào tính cách đa nhân chứng, luôn luôn tách biệt nhau.

M: Đó là truyền thống của họ, dựa trên kinh nghiệm của những vĩ nhân nào đó. Nhân chứng duy nhất phản chiếu tự thân thành cái “Ta hiện hữu” trong vô số thân xác. Chừng nào các thân xác đó, dù vi tế đến đâu, còn tồn tại thì cái “Ta hiện hữu” xuất hiện như là nhiều. Bên ngoài thân xác chỉ có Một duy nhất.

H: Thượng đế?

M: Đấng sáng tạo là một người, thân người đó là thế giới. Cái Một vô danh xưng thì siêu vượt thánh thần.

H: Đạo sư Ramana Maharsi đã mất. Cái chết đã tạo ra sự khác biệt nào đối với ông ấy?

M: Chẳng có gì khác biệt. Ông ấy là cái mà ông ấy đã là – Thực tại Tuyệt đối.

H: Nhưng đối với người thường thì cái chết tạo ra một sự khác biệt.

M: Trước khi chết người đó nghĩ mình là cái gì thì sẽ tiếp tục là cái đó sau khi chết. Hình ảnh về chính mình (self-image) của người đó vẫn còn.

H: Hôm trước ông có giải thích về điều các bậc giác ngộ dùng da thú để ngồi thiền, vân vân. Tôi vẫn không cảm thấy thuyết phục. Biện minh bằng cách nêu lên phong tục và truyền thống thì quá dễ. Phong tục có thể tàn ác và truyền thống có thể đồi bại. Phong tục và truyền thống là cách giải thích nhưng không thể biện minh.

M: Ta chưa bao giờ có ý nói rằng vô luật lệ sẽ theo sau sự giác ngộ chính mình. Một người đã giải thoát là một người vô cùng tuân thủ luật pháp nhưng là luật của cái Ta chơn thật, không phải luật pháp của xã hội. Người đã giải thoát có thể tuân thủ hay vi phạm luật pháp của xã hội tùy theo tình huống và sự cần thiết, nhưng chẳng bao giờ làm chuyện kỳ cục hay mất trật tự.

H: Tôi không thể chấp nhận sự biện minh bằng phong tục và thói quen.

M: Khó khăn là ở trong quan điểm khác biệt của chúng ta. Ông nói từ quan điểm thân-tâm. Quan điểm của Ta thuộc về nhân chứng. Sự khác biệt đó là căn bản.

H: Nhưng, tàn ác vẫn là tàn ác.

M: Chẳng có gì bắt buộc ông phải tàn ác.

H: Lợi dụng sự tàn ác của người khác là tàn ác dấu tay.

M: Nếu nhìn kỹ vào tiến trình sống, ông sẽ thấy sự tàn ác ở khắp nơi, sự sống này sống bằng sự sống khác. Đó là một thực tế, nhưng điều đó không làm ông cảm thấy tội lỗi vì sống. Ông bắt đầu một cuộc sống tàn ác bằng cách gây cho mẹ ông không biết bao nhiêu phiền nhiễu. Suốt đời ông cho đến khi chết ông tranh giành ăn, mặc, chỗ ở, bám víu vào thân xác, giành giật cho các nhu cầu của nó, muốn nó được an ổn trong một thế giới của sự bất trắc và cái chết. Nhìn từ quan điểm thú tính, bị giết hại không phải là hình thức rùng rợn nhất của cái chết; dĩ nhiên người ta vẫn muốn chết vì bệnh hoạn, và lão suy hơn. Sự tàn ác nằm ở động cơ giết, chứ không phải sự giết. Giết hại gây đau khổ cho kẻ giết, chứ không phải người bị giết.

H: Đồng ý, vậy thì một người không nên nhận gì của những tay thợ săn và bọn đồ tể.

M: Ai bảo ông nhận?

H: Ông nhận.

M: Đó là cách ông nhìn Ta! Ông tố cáo, buộc tội, lên án và thi hành án nhanh quá! Nhưng tại sao lại bắt đầu với Ta mà không phải với chính ông?

H: Một người như ông phải làm gương.

M: Ông sẵn sàng theo gương Ta chứ? Ta đã chết đi đối với thế giới. Ta chẳng muốn gì cả, ngay cả sống. Hãy là như Ta là, làm như Ta làm. Ông phán xét Ta bằng quần áo và thức ăn của Ta, trong khi Ta chỉ nhìn động cơ thúc giục ông. Nếu ông tin rằng ông chỉ là thân, tâm và hành động theo sự tin tưởng đó, thì ông phạm một tội ghê tởm nhất: tàn ác với sự hiện hữu chơn thật của chính ông. So với sự tàn ác đó thì mọi sự tàn ác khác chẳng là gì.

H: Ông nại cớ rằng ông không phải là thân xác để trốn tránh. Nhưng ông điều khiển thân xác của ông và chịu trách nhiệm về tất cả những gì nó làm. Để thân xác hoàn toàn tùy tiện là ngu ngốc và điên rồ.

M: Hãy bình tĩnh. Ta chống lại mọi sự sát hại thú vật để lấy thịt và lông, nhưng đó không phải ưu tiên hàng đầu. Ăn chay là một lý do chính đáng, nhưng không phải là điều cấp bách nhất; tất cả mọi lý do đều được thỏa mãn tốt đẹp nhất bởi một người đã trở về với cội nguồn.

H: Khi còn ở Sri Ramanashram, tôi cảm thấy Bhagavan[5] ở khắp mọi nơi, bao trùm tất cả, thấy biết tất cả.

M: Ông đã có được tín tâm cần thiết. Những ai thực sự có tín tâm với Bhagwan thì luôn luôn thấy Bhagwan ở khắp nơi. Tất cả đều xảy ra theo tín tâm của ông, và tín tâm của ông là hình tướng của lòng ham muốn của ông.

H: Thế không phải tín tâm mà ông có đối với chính ông cũng là hình tướng của một sự ham muốn?

M: Khi nói: “Ta hiện hữu”, Ta không hàm ý một thực thể tách biệt có một thân xác là trung tâm của nó. Ta muốn nói sự toàn thể của hiện hữu, đại dương của ý thức, toàn thể vũ trụ của tất cả hiện hữu và biết. Ta chẳng có gì để ham muốn, vì Ta luôn luôn toàn hảo.

H: Ông có thể giao tiếp với đời sống nội tâm của người khác?

M: Ta là mọi người.

H: Tôi không muốn nói sự giống nhau của tánh thể hay thực chất, mà cũng không phải sự tương tự về hình tướng. Tôi muốn nói sự nhập vào tâm thức và trái tim của người khác một cách thực sự, và tham dự vào những kinh nghiệm cá nhân của họ. Ông có thể cùng vui sướng và đau khổ với tôi, hay ông chỉ phỏng đoán những cảm xúc của tôi bằng sự quan sát và phép loại suy?

M: Tất cả mọi hiện hữu đều ở trong Ta. Nhưng đem vào não bộ nội dung của một bộ óc khác đòi hỏi một sự tập luyện đặc biệt. Nếu tập luyện thì chẳng có gì là không làm được.

H: Tôi không phải là phóng ảnh của ông, và ông cũng không phải là phóng ảnh của tôi. Tôi có tư cách cá nhân của tôi, mà không phải là tạo vật của ông. Cái triết lý thô thiển về sự tưởng tượng và phóng chiếu chẳng hấp dẫn đối với tôi. Ông tước đoạt tất cả thực tại của tôi. Ai là hình ảnh của ai? Ông là hình ảnh của tôi, hay tôi là hình ảnh của ông? Hay tôi là một hình ảnh trong hình ảnh của chính tôi! Không, có cái gì không ổn ở đâu đó.

M: Ngôn từ tự tố cáo sự rỗng tuếch của nó. Cái thật thì không thể mô tả, mà phải được chứng nghiệm. Ta không thể tìm ra ngôn từ nào chính xác hơn cho những gì Ta biết. Những gì Ta nói nghe có vẻ khôi hài, nhưng điều mà ngôn từ tìm cách chuyển tải là chân lý tối thượng. Dù chúng ta có ngụy biện đến đâu thì tất cả vẫn là một. Tất cả được thực hiện để làm vừa lòng cái nguồn gốc và mục đích duy nhất của mọi tham ái, cái mà tất cả chúng ta đều biết: cái “Ta hiện hữu.”

H: Chính đau khổ ở tại nguồn gốc của tham ái. Sự thôi thúc căn bản là trốn tránh đau khổ.

M: Cái gì là nguồn gốc của đau khổ? Vô minh về chính ông. Cái gì là nguồn gốc của tham ái? Sự thôi thúc tìm kiếm chính ông. Mọi sinh vật đều vất vả tìm kiếm cái Ta của nó, và chỉ khi nào trở về với cái Ta thì nó mới an nghỉ.

H: Bao giờ nó trở về?

M: Nó có thể trở về bất cứ khi nào ông muốn.

H: Còn thế giới?

M: Ông có thể đem nó theo.

H: Liệu tôi có cần hoãn lại việc cứu giúp thế gian cho đến khi tôi đạt được sự toàn hảo?

M: Hãy giúp thế gian bằng mọi cách. Ông sẽ chẳng giúp được bao nhiêu, nhưng sự cố gắng sẽ làm ông trưởng thành. Tìm cách cứu giúp thế gian thì chẳng có gì sai.

H: Chắc chắn đã có nhiều người – những con người bình thường – đã giúp ích rất nhiều cho thế gian này.

M: Khi đến lúc thế gian cần được cứu giúp, một số người nào đó sẽ được ban cho ý chí, trí tuệ và quyền năng để tạo ra những thay đổi vĩ đại.

37. Bên ngoài đau khổ và lạc thú là an lạc

Maharaj: Trước tiên ông phải nhận ra rằng ông là bằng chứng của mọi thứ, kể cả chính ông. Không người nào có thể chứng minh được sự tồn tại của ông, vì chính sự tồn tại của người đó phải được ông xác nhận trước. Sự hiện hữu và tánh biết của ông không nhờ ai mà có. Nên nhớ rằng ông không tùy thuộc ai. Ông chẳng ở đâu đến, và ông cũng chẳng đi đâu. Ông là tánh biết và sự hiện hữu phi thời.

Hỏi: Có một sự khác biệt căn bản giữa ông và tôi. Ông biết cái thật, còn tôi chỉ biết những hành hoạt của tâm tôi. Vì thế ông nói một đàng, tôi nghe một nẻo. Cùng ngôn từ, nhưng những gì ông nói là đúng, còn tôi hiểu thì sai. Giữa ông và tôi có một khoảng cách. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách đó?

M: Hãy từ bỏ cái ý tưởng cho rằng ông là cái mà ông nghĩ thì sẽ không còn khoảng cách. Vì tưởng tượng ông tách biệt nên chính ông đã tạo ra khoảng cách. Ông chẳng cần phải vượt qua nó mà chỉ cần đừng tạo ra nó. Tất cả là ông và của ông. Chẳng có ai khác. Đây là một thực tế.

H: Lạ nhỉ! Cùng một lời lẽ – đối với ông thì đúng, còn đối với tôi thì sai. “Chẳng có ai khác.” Rõ ràng là không thể nào đúng được!

M: Đúng hay không đúng thì cứ để đó. Ngôn từ chẳng quan trọng. Điều quan trọng là cái ý tưởng ông có về chính ông vì nó ngăn che ông. Hãy buông bỏ nó.

H: Ngay từ khi còn nhỏ tôi được dạy để suy nghĩ rằng tôi được giới hạn trong danh xưng và hình thể của tôi. Một lời nói suông mang ý nghĩa trái ngược không thể xóa được vết hằn trong tâm thức. Cần phải có một cuộc tẩy não, nếu điều đó có thể thực hiện được.

M: Ông gọi là tẩy não, Ta gọi là Yoga – san bằng tất cả những vết mòn trong tâm thức. Ông không bị bắt buộc phải tư duy lập đi lập lại cùng những ý nghĩ. Hãy đi tới!

H: Nói thì dễ hơn làm.

M: Đừng trẻ con! Thay đổi thì vẫn dễ hơn là chịu đựng. Hãy từ bỏ thái độ trẻ con của ông để trưởng thành, chỉ có thế thôi.

H: Những chuyện như thế thì chẳng cần phải làm. Chúng xảy ra.

M: Tất cả mọi thứ luôn luôn xảy ra, nhưng ông phải sẵn sàng tiếp nhận. Sẵn sàng là sự chín mùi. Ông không thấy được cái thật vì tâm ông chưa sẵn sàng tiếp nhận nó.

H: Nếu thực tại là bản chất chơn thật của tôi thì tại sao tôi không luôn luôn sẵn sàng?

M: Không sẵn sàng có nghĩa là sợ. Ông sợ cái ông là. Nơi đến của ông là cái toàn thể. Nhưng ông lại sợ sẽ mất cái tính cách cá biệt của ông. Bám chặt lấy tham ái và lo sợ, ý kiến và ý tưởng là hành động của trẻ con bám chặt lấy đồ chơi. Hãy từ bỏ tất cả những cái đó và sẵn sàng để cho cái thật tự khẳng định. Sự tự khẳng định này được thể hiện bằng ngôn từ đúng nhất: “Ta hiện hữu.” Không gì khác có thực thể. Ông hoàn toàn chắc chắn về điều này.

H: Dĩ nhiên “Tôi hiện hữu”, và “Tôi biết” nữa. Tôi biết tôi là thế này thế nọ, là chủ nhân của thân xác, trong vô số quan hệ với các chủ nhân của các thân xác khác.

M: Đó chỉ là tất cả ký ức được đem vào cái bây giờ.

H: Tôi chỉ có thể chắc chắn với cái bây giờ. Quá khứ và tương lai, ký ức và tưởng tượng, tất cả đều là những trạng thái của tâm, nhưng chúng là những gì tôi biết và chúng đang là bây giờ. Ông bảo tôi từ bỏ chúng. Làm sao một người có thể từ bỏ cái bây giờ?

M: Dù muốn hay không thì ông vẫn luôn luôn di chuyển vào tương lai.

H: Tôi di chuyển từ hiện tại này sang hiện tại khác – tôi không hề di chuyển. Tất cả mọi cái khác di chuyển – tôi thì không.

M: Cứ cho là như thế. Nhưng tâm ông di chuyển. Trong hiện tại ông vừa là cái di chuyển, vừa là cái bất khả di chuyển. Cho đến nay ông vẫn cho ông là cái di chuyển và không thấy được cái bất khả di chuyển. Hãy lật ngược tâm ông: đừng chú ý đến cái di chuyển, ông sẽ thấy chính ông là thực tại bất biến và thường tại, không thể diễn tả được, nhưng kiên cố như một khối đá.

H: Nếu nó là hiện tại, vì sao tôi không biết?

M: Bởi vì ông cứ khư khư với cái ý nghĩ ông không biết nó. Hãy bỏ ý nghĩ đó đi.

H: Bỏ nó thì cũng chẳng làm cho tôi biết.

M: Khoan đã. Ông muốn ở hai bên bức tường cùng một lúc. Ông chỉ có thể làm được điều đó nếu ông phá bỏ bức tường. Hoặc ông nhận ra rằng bức tường và hai bên của nó là một không gian duy nhất, đối với khoảng không gian đó ý tưởng “bên này” hay “bên kia” đều không áp dụng.

H: So sánh chẳng chứng minh được gì. Điều đáng trách duy nhất của tôi là: Vì sao tôi không thấy cái ông thấy, vì sao lời lẽ của ông nghe không đúng trong tâm tôi. Hãy cho tôi biết thật rõ về điều này, những điều khác thì cứ để đó. Ông có trí tuệ còn tôi u mê; ông thấy, còn tôi thì không. Tôi phải làm thế nào để tìm được trí tuệ của tôi, và ở đâu?

M: Nếu biết được ông u mê thì ông đâu có u mê!

H: Biết được tôi bệnh không làm tôi khỏe, biết được tôi u mê không thể làm tôi có trí tuệ.

M: Biết được ông bệnh thì không phải lúc đầu ông phải khỏe đã chứ?

H: Ồ, không. Tôi biết bằng cách đối chiếu. Giả sử rằng tôi bị mù bẩm sinh, phải sờ mó mới biết; nghe ông bảo ông biết được mọi thứ mà không cần phải sờ mó thì tôi biết là tôi mù, nhưng tôi vẫn không hiểu được nhìn thấy là thế nào. Tương tự như thế, tôi biết tôi thiếu một cái gì đó nên khi ông khẳng định sự việc thì tôi không thể nào nắm bắt được. Ông cho tôi biết những điều tuyệt vời về chính tôi; theo ông thì tôi vĩnh cửu, tôi hiện hữu khắp nơi, thông suốt mọi sự, là hạnh phúc tối thượng, là người sáng tạo, người bảo vệ và cũng là kẻ phá hủy tất cả những gì hiện hữu, tôi là suối nguồn của sự sống, là trái tim của hiện hữu, là chủ tể và là người được yêu quí của mọi loài chúng sinh. Ông xếp tôi ngang hàng với Thực tại Tối hậu, nguồn gốc và mục đích của tất cả sự sống. Tôi chỉ biết chớp mắt, vì tôi biết chính tôi chỉ là một mớ cỏn con của lòng tham ái và lo sợ, một bọt bong bóng đau khổ, một thoáng lóe lên của ý thức trong đại dương tăm tối.

M: Trước khi có đau khổ thì đã có ông. Đau khổ qua đi, ông vẫn còn đó. Đau khổ là nhất thời, còn ông thì không.

H: Rất tiếc là tôi không thấy được cái ông thấy. Từ ngày sinh ra cho đến khi chết đi, mô hình của đời tôi được đan dệt bằng đau khổ và lạc thú. Tôi hoàn toàn không biết gì về sự hiện hữu trước khi sinh ra và sau khi chết đi. Tôi không chấp nhận và cũng không phủ nhận những gì ông nói. Tôi nghe cái ông nói nhưng tôi không biết cái đó.

M: Hiện bây giờ ông biết, phải thế không?

H: Xin đừng hỏi tôi về trước và sau. Tôi chỉ biết cái gì ngay bây giờ.

M: Tốt. Như vậy là ông biết. Cứ giữ trạng thái ấy. Khi ông không biết thì vẫn có những trạng thái. Gọi đó là hiện hữu vô thức.

H: Là vô thức?

M: Ý thức và vô thức không áp dụng ở đây. Sự tồn tại thì ở trong ý thức, còn tánh thể thì không tùy thuộc vào ý thức.

H: Nó là sự trống rỗng? Nó là sự im lặng?

M: Việc gì phải chi tiết tỉ mỉ? Hiện hữu thì trùm khắp và siêu vượt ý thức. Ý thức khách quan là một phần của ý thức thuần túy, chứ không ở ngoài.

H: Làm sao ông biết được trạng thái hiện hữu thuần túy, không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức? Tất cả mọi sự hiểu biết đều chỉ ở trong ý thức. Có thể có một trạng thái như là sự trống vắng của tâm. Liệu lúc đó ý thức xuất hiện như nhân chứng?

M: Nhân chứng chỉ ghi lại các sự kiện. Trong sự trống vắng của tâm ngay cả cái ý thức “Ta hiện hữu” cũng biến mất. Không hề có “Ta hiện hữu” mà không có tâm.

H: Không có tâm có nghĩa là không có ý nghĩ. “Ta hiện hữu” như một ý nghĩ thì chìm xuống. “Ta hiện hữu” như một ý thức về sự hiện hữu thì vẫn còn.

M: Tất cả mọi kinh nghiệm đều chìm xuống cùng với tâm. Nếu không có tâm thì không thể có người kinh nghiệm và cũng chẳng có kinh nghiệm.

H: Thế không phải nhân chứng vẫn còn?

M: Nhân chứng chỉ làm công việc ghi lại sự có mặt và vắng mặt của kinh nghiệm. Tự thân nhân chứng không phải là một kinh nghiệm, nhưng ngay khi ý nghĩ “Ta là nhân chứng” khởi sinh thì nó trở thành một kinh nghiệm.

H: Tất cả những gì tôi biết là tâm có lúc hoạt động và có lúc ngừng. Tôi gọi kinh nghiệm im lặng của tâm là sự trống vắng của tâm.

M: Có gọi nó là sự im lặng, trống rỗng, hay trống vắng, thì thực tế là cả ba – người kinh nghiệm, hành vi kinh nghiệm, và kinh nghiệm – đều không có. Trong hành vi nhân chứng, trong tánh biết, trong ý thức về chính mình thì không có ý thức là cái này, là cái kia. Sự hiện hữu vô danh sắc (unidentified being) vẫn còn.

H: Như một trạng thái vô thức?

M: Khi liên hệ nó với bất cứ gì thì nó ngược lại. Không những thế nó còn ở giữa, và ở ngoài mọi sự đối nghịch. Nó không phải ý thức mà cũng chẳng phải vô thức, không phải ở giữa và cũng chẳng phải ở ngoài cả hai. Nó là chính nó, không hề liên hệ với bất cứ gì gọi là kinh nghiệm, hay sự trống vắng kinh nghiệm.

H: Lạ quá nhỉ! Ông nói về nó như thể nó là một kinh nghiệm.

M: Ngay khi Ta nghĩ đến nó thì nó trở thành một kinh nghiệm.

H: Cũng như ánh sáng thì vô sắc, nhưng khi bị một bông hoa ngăn lại thì trở thành màu sắc?

M: Đúng, ông có thể cho là như thế. Nó ở trong màu sắc những không phải là màu sắc.

H: Cũng giống như luận pháp bốn lần phủ định của Long Thọ Bồ Tát (Nagarjuna): “không phải cái này mà cũng không phải cái kia, không phải cả hai, không phải không phải cả hai.” Tâm tôi quay mòng mòng!

M: Sự khó hiểu đối với ông phát sinh từ ý tưởng cho rằng thực tại là một trạng thái của ý thức, trong vô số các trạng thái khác. Ông có khuynh hướng cho rằng: “Cái này thật. Cái kia không thật. Và cái này nửa thật, nửa không thật” như thể thực tại là một thuộc tính hay phẩm chất có trong nhiều cách đo lường khác nhau.

H: Để tôi diễn tả theo một cách khác. Xét cho cùng, ý thức trở nên một vấn đề khi nào nó gây đau khổ. Một trạng thái thường an lạc thì không gây nên vấn đề gì. Chúng tôi nhận thấy tất cả ý thức chỉ là sự pha trộn giữa lạc thú và đau khổ. Tại sao vậy?

M: Tất cả ý thức đều hữu hạn và do đó gây đau khổ. Tại nguồn gốc của ý thức là tham ái, là sự thôi thúc mong muốn kinh nghiệm.

H: Ông muốn nói rằng nếu không có tham ái thì không thể có ý thức? Thế thì lợi ích của trạng thái vô thức là gì? Nếu phải từ bỏ lạc thú để thoát khỏi đau khổ, thì tốt hơn là tôi giữ cả hai.

M: Bên ngoài đau khổ và lạc thú là hỷ lạc.

H: Hỷ lạc vô thức, liệu có lợi lạc gì?

M: Không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức. Chơn thật.

H: Vì sao ông bác bỏ ý thức?

M: Nó là một gánh nặng. Thân xác có nghĩa là gánh nặng. Cảm thọ, tham ái, ý nghĩ – tất cả đều là gánh nặng. Tất cả ý thức đều thuộc về xung đột.

H: Thực tại được mô tả là hiện hữu chơn thật, ý thức thuần túy, hỷ lạc vô biên. Vậy đau khổ có liên quan gì với thực tại?

M: Đau khổ và lạc thú xảy ra; đau khổ là cái giá của lạc thú, và lạc thú là phần thưởng của đau khổ. Trong cuộc sống ông vẫn thường thích thú bằng cách gây đau khổ, và gây đau khổ bằng cách tạo ra thích thú. Biết được đau khổ và lạc thú là một thì an lạc.

H: Tất cả những gì ông nói rất hấp dẫn, không có gì là nghi hoặc, nhưng mục đích của tôi đơn giản hơn thế. Tôi chỉ muốn nhiều lạc thú và ít đau khổ hơn trong đời sống. Tôi phải làm gì?

M: Bao giờ còn có ý thức thì chắc chắn còn có lạc thú và đau khổ. Bản chất của cái “Ta hiện hữu,” bản chất của ý thức là tự đồng hóa chính nó với những cái đối nghịch.

H: Vậy tất cả những cái đó có lợi ích gì đối với tôi? Nó không làm tôi thỏa mãn.

M: Ông là ai, ai không thỏa mãn?

H: Tôi, con người đau-khổ-lạc-thú.

M: Đau khổ và lạc thú đều là hỷ lạc. Ngay tại đây, Ta đang ngồi trước mặt ông và nói với ông – từ sự chứng nghiệm trực tiếp và bất biến – đau khổ và lạc thú là chóp và chân của những con sóng trong biển an lạc. Sự viên mãn ở tận dưới sâu kia.

H: Kinh nghiệm của ông có thường hằng?

M: Nó phi thời và bất biến.

H: Tất cả những gì tôi biết là lòng ham muốn lạc thú và nỗi sợ hãi đau khổ.

M: Đó là điều ông nghĩ về chính ông. Hãy chấm dứt. Nếu không thể từ bỏ ngay một thói quen thì hãy suy nghĩ về một lối tư duy quen thuộc và thấy được sự sai lầm của nó. Tìm hiểu thói quen là nhiệm vụ của tâm. Cái gì được tâm tạo ra thì tâm phải phá hủy. Hoặc, ông nhận ra rằng tham ái chỉ có ở trong tâm, và hãy ở ngoài tâm.

H: Nói thật ra, tôi không tin cách giải thích cho rằng tất cả đều do tâm tạo. Tâm chỉ là một công cụ, cũng như mắt là một công cụ. Ông có thể cho rằng nhận thức là sáng tạo? Tôi thấy thế giới qua khung cửa sổ, chứ không phải trong khung cửa sổ. Những gì ông nói đều ăn khớp với nhau vì chúng có cùng một cơ sở chung, nhưng tôi không biết cơ sở đó ở trong thực tại, hay chỉ ở trong tâm. Tôi chỉ có một hình ảnh của tâm về nó mà thôi. Nó có ý nghĩa gì đối với ông thì tôi không biết được.

M: Chừng nào ông còn đứng trong tâm thì ông còn thấy Ta ở trong tâm.

H: Để hiểu thì ngôn từ không thỏa đáng chút nào!

M: Không có ngôn từ thì có gì để hiểu? Vì hiểu sai nên mới cần hiểu. Những gì Ta nói là chân lý, nhưng đối với ông nó chỉ là một triết thuyết. Làm sao ông có thể hiểu được đó là sự thật? Hãy lắng nghe, ghi nhớ, tư duy, hình dung, kinh nghiệm. Không những thế, còn phải ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Hãy kiên nhẫn với Ta, và trên tất cả hãy kiên nhẫn với chính ông, vì ông là chướng ngại duy nhất của chính ông. Con đường xuyên suốt qua ông siêu vượt chính ông. Chừng nào ông còn tin chỉ cái cá biệt là thật, là biết được và hạnh phúc, và bác bỏ thực tại bất nhị, cho nó là một cái gì được tưởng tượng ra, một khái niệm trừu tượng thì ông còn nhận thấy Ta chỉ đưa ra những khái niệm và lý thuyết mơ hồ. Nhưng một khi đã chạm được vào cái chơn thật bên trong sự hiện hữu của chính ông thì ông sẽ nhận ra rằng Ta chỉ mô tả cho ông cái mà ông gần gũi nhất và quý giá nhất.

38. Tu tập tâm linh là ý chí được khẳng định và tái khẳng định

Hỏi: Những người Tây phương thỉnh thoảng vẫn đến gặp ông đều đối diện với một sự khó khăn có tính cách đặc thù. Họ hoàn toàn không có ý niệm về người giải thoát, người giác ngộ, người tự giác, người biết được Thượng đế, người siêu vượt thế gian. Tất cả những gì họ có trong nền văn hóa Thiên Chúa giáo là ý tưởng về một vị thánh: Một người ngoan đạo, tuân thủ luật pháp, kính sợ Thượng đế, yêu thương tín hữu, siêng năng cầu nguyện, thỉnh thoảng nhập vào trạng thái xuất thần và được xác nhận bằng một vài phép lạ. Ý tưởng về một bậc giác ngộ – Gnani – hoàn toàn xa lạ trong nền văn hóa Tây phương, nó có vẻ lạ lùng và khó tin. Cho dù người Tây phương có chấp nhận sự tồn tại của một Gnani thì họ vẫn nhìn người đó với sự ngờ vực, và do đó là một trường hợp hưng phấn tự cảm ứng, kết quả của những tư thế kỳ quái của thân xác và những thái độ tâm lý. Ý tưởng về một cảnh giới mới trong ý thức đối với họ hình như huyễn hoặc và có vẻ viễn vông.

Cách giúp họ tốt nhất là tạo cơ hội để họ được nghe một Gnani thuật lại chính kinh nghiệm giác ngộ, các nguyên nhân và những bước đầu, sự tiến bộ và những chứng đắc, cùng với phép tu tập thực tế trong cuộc sống thường ngày. Hầu hết những gì vị Gnani nói ra có vẻ  rất xa lạ, thậm chí còn vô nghĩa, nhưng vẫn để lại một cảm nhận về thực tại, một không khí của sự chứng nghiệm thực sự, không thể diễn tả được, nhưng rất thật, một trung điểm mà từ đó người ta có thể sống một cuộc đời mẫu mực.

Maharaj: Kinh nghiệm đó có lẽ là không thể truyền đạt được. Liệu một người có thể truyền đạt được một kinh nghiệm?

H: Được chứ, nếu người đó là một nghệ sĩ. Tinh hoa của nghệ thuật là truyền đạt cảm xúc, và kinh nghiệm.

M: Để tiếp nhận sự truyền đạt, ông phải sẵn sàng tiếp thu.

H: Dĩ nhiên. Phải có một cái máy thu. Nhưng máy phát không phát thì máy thu dùng để làm gì?

M: Gnani thuộc về tất cả. Gnani bố thí chính mình một cách không mệt mỏi và trọn vẹn cho bất cứ ai tìm đến. Nếu không bố thí thì người đó không phải một Gnani. Gnani chia sẻ bất cứ gì mình có.

H: Nhưng liệu Gnani có thể chia sẻ cái mà người ấy ?

M: Ông muốn nói rằng liệu một Gnani có thể biến người khác thành Gnani? Có và không. Không, vì các Gnani không được tạo ra, họ nhận ra chính mình là như thế khi họ trở về với cội nguồn, với bản tánh chơn thật của họ. Ta không thể biến ông thành cái mà ông đã là như thế. Tất cả những gì Ta chỉ có thể nói với ông là con đường mà Ta đã đi qua, và Ta mời ông đi con đường đó.

H: Điều đó không trả lời câu hỏi của tôi. Tôi có trong tâm một con người Tây phương hay phê phán và hoài nghi, con người đó phủ nhận sự khả hữu của bất cứ trạng thái ý thức siêu việt nào. Gần đây, ma túy đã phá vỡ sự hoài nghi cố hữu, nhưng không ảnh hưởng đến quan niệm duy vật của người đó. Ma túy hay không phải ma túy, thân xác vẫn là yếu tố căn bản, còn tâm chỉ là thứ yếu. Ra khỏi tâm, người ta không thấy gì cả. Từ Đức Phật trở về sau, các trạng thái giác ngộ chính mình đều được mô tả bằng những từ ngữ phủ định, như  “không phải cái này, không phải cái kia.” Có phải phủ định là tất yếu? Nếu không thể mô tả thì người ta không thể minh họa nó hay sao? Tôi công nhận rằng không sự mô tả nào bằng ngôn từ lại có thể chính xác, khi trạng thái được mô tả vượt ra khỏi ngôn từ. Nhưng nó vẫn ở trong vòng ngôn từ chứ. Thơ là một nghệ thuật diễn tả bằng ngôn từ cái không thể diễn tả được.

M: Chẳng thiếu gì các nhà thơ tôn giáo. Hãy đến gặp họ để tìm cái ông muốn. Với Ta, sự chỉ giáo rất đơn giản: Cứ tin Ta một thời gian và làm những gì Ta bảo. Nếu kiên nhẫn, ông sẽ nhận ra sự tin tưởng của ông là chính đáng.

H: Nhưng đối với những người hoàn toàn không tin mà chỉ quan tâm thì sao?

M: Nếu ở gần Ta họ có thể tin Ta. Khi đã tin họ sẽ làm theo những gì Ta chỉ dẫn, và tự tìm ra cho chính họ.

H: Tôi không hỏi về sự tu tập mà tôi hỏi về kết quả. Ông có cả hai. Ông sẵn sàng chỉ cho chúng tôi cách tu tập, nhưng khi hỏi về kết quả thì ông không chịu chia sẻ. Hoặc là ông nói trạng thái của ông siêu vượt ngôn từ, hoặc là ông nói chẳng có gì khác biệt, và những gì chúng tôi thấy có sự khác biệt thì ông thấy không. Trong cả hai trường hợp chúng tôi đều bị hụt hẫng, không biết rõ được trạng thái của ông.

M: Làm sao ông có thể biết rõ được trạng thái của Ta khi ông không biết rõ trạng thái của chính ông? Khi chính công cụ để hiểu không có thì điều quan trọng không phải là tìm nó trước hay sao? Điều ông nói chẳng khác nào một người mù muốn học vẽ tranh trước khi lấy lại được thị giác. Ông muốn biết trạng thái của Ta – thế ông có biết trạng thái của vợ ông, hay của người giúp việc cho ông?

H: Tôi chỉ muốn hỏi một vài gợi ý.

M: Được, Ta cho ông một gợi ý vô cùng quan trọng – ở đâu ông thấy sự khác biệt thì Ta không thấy. Đối với Ta thế là đủ. Nếu ông nghĩ nó vẫn chưa đủ thì Ta chỉ có thể lập lại: Thế là đủ. Hãy suy gẫm điều đó thật sâu xa, và ông sẽ thấy chỗ Ta thấy.

Ông muốn có một sự sáng suốt tức thời mà quên rằng cái tức thời bao giờ cũng theo sau một tiến trình chuẩn bị lâu dài. Quả rụng tức thời nhưng tiến trình chín mùi đòi hỏi phải có thời gian.

Xét cho cùng, khi Ta bảo hãy tin Ta thì sự tin tưởng chỉ là một thời gian ngắn, vừa đủ để ông bắt đầu. Sự thành khẩn càng nhiều thì sự tin tưởng ông cần càng ít, vì chẳng bao lâu ông sẽ thấy niềm tin ông đặt nơi Ta là chính đáng. Ông muốn Ta chứng tỏ với ông rằng Ta là một người khả tín! Làm sao Ta làm được điều đó, và việc gì Ta phải làm như thế? Xét cho cùng, những gì Ta nói với ông chỉ là phương cách tiếp cận có thể sử dụng được, rất hiện hành trong khoa học Tây phương. Sau khi nghe một khoa học gia mô tả một thử nghiệm và những kết quả của nó, thông thường ông chấp nhận những phát biểu của nhà khoa học dựa trên sự tin tưởng, rồi ông làm lại cuộc thử nghiệm theo sự mô tả. Một khi đã đạt được cùng kết quả hay kết quả tương tự, ông chẳng cần tin nhà khoa học kia nữa mà ông tin kinh nghiệm của chính ông. Được khuyến khích, ông tiến hành và cuối cùng đạt được những kết quả rất tương tự.

H: Cái tâm của người Ấn đã được chuẩn bị bởi sự giáo dục và nền văn hóa Ấn Độ để sẵn sàng cảm nhận các kinh nghiệm siêu hình. Đối với người Ấn những từ ngữ như “trực nhận Thực tại Tối thượng” là có ý nghĩa và đem lại những phản ứng từ tận cùng sâu thẳm của hiện hữu. Đối với người phương Tây thì chúng chẳng có ý nghĩa gì mấy; mặc dù được giáo dục với một giáo lý đa dạng như Thiên Chúa giáo, nhưng người phương Tây không dám tư duy vượt ra ngoài sự tuân thủ những điều răn của Chúa, và các lời dạy của Đấng Christ. Đối với họ sự hiểu biết trực tiếp về thực tại không những vượt quá tham vọng, mà còn ở ngoài nhận thức. Có mấy người Ấn đã bảo tôi: “Vô vọng. Người phương Tây sẽ không thể, vì họ không thể. Đừng nói với họ một điều gì về sự giác ngộ chính mình; cứ để họ sống một cuộc sống hữu ích rồi nhờ đó được tái sinh ở Ấn Độ. Lúc đó thì may ra.” Lại có người nói: “Thực tại dành cho tất cả một cách đồng đều, nhưng không phải tất cả được hưởng một cách đồng đều cái khả năng nắm bắt nó. Khả năng đi cùng với ước muốn sẽ trở thành lòng sùng tín, và tối hậu sẽ là dâng hiến trọn vẹn chính mình. Với lòng chính trực và nhiệt thành, cũng như ý chí sắt đá để vượt qua mọi trở ngại, người phương Tây có cùng một cơ hội như người phương Đông. Tất cả những gì người phương Tây cần là phát khởi sự quan tâm.” Để phát khởi sự quan tâm hiểu biết chính mình, người phương Tây cần phải được thuyết phục về những lợi ích của nó.

M: Ông tin rằng một kinh nghiệm cá nhân có thể trao truyền được?

H: Tôi không rõ. Ông nói về sự hợp nhất, tính đồng nhất giữa người thấy và cái bị thấy. Khi tất cả là một thì sự truyền đạt là khả thi.

M: Muốn có kinh nghiệm trực tiếp về một đất nước nào đó ông phải đến đó sinh sống. Đừng đòi hỏi cái bất khả. Thắng lợi tâm linh của một người chắc chắn đem lại lợi lạc cho nhân loại, nhưng chỉ để lợi lạc cho một cá nhân khác thì cần phải có một quan hệ thân cận giữa hai người. Một quan hệ như thế không phải tình cờ, và không phải ai cũng có thể có được. Mặt khác, để đem lại lợi lạc cho mọi người thì còn có phương pháp rất khoa học: “Tin – Thử – Trải qua” (Trust – Test – Taste) ông còn cần gì hơn nữa? Việc gì phải cố nhồi nhét Chân lý xuống những cuống họng không muốn nuốt? Dù có bằng cách nào đi nữa thì điều đó cũng không thể thực hiện được. Nếu không có người nhận, người cho có thể làm được gì?

H: Tinh hoa của nghệ thuật là vận dụng hình thức bên ngoài để chuyển tải một kinh nghiệm nội tại. Dĩ nhiên, một người phải bén nhạy với cái bên trong thì cái bên ngoài mới có thể có ý nghĩa. Một người phát triển tính bén nhạy bằng cách nào?

M: Dù ông có nói kiểu gì thì rốt cục cũng thế. Người cho thì nhiều, người nhận ở đâu?

H: Ông không thể chia sẻ sự bén nhạy của ông?

M: Được chứ, nhưng chia sẻ là một con đường hai chiều. Trong chia sẻ phải có hai. Ai là kẻ sẵn sàng nhận cái Ta sẵn sàng cho?

H: Ông bảo chúng ta là một. Như thế chưa đủ sao?

M: Ta là một với ông. Nhưng ông có là một với Ta không? Nếu là một với Ta thì ông đâu có hỏi. Nếu ông không là một với Ta, nếu ông không thấy như Ta thấy, thì ngoài cách chỉ ông nhìn rõ hơn, liệu Ta còn làm được gì khác?

H: Cái ông không thể cho được thì không phải là của chính ông.

M: Ta chẳng nhận cái gì là của riêng Ta. Khi cái “Ta” không có thì “cái của Ta” ở đâu? Hai người cùng nhìn một cái cây. Một người thấy quả ẩn giấu sau lá, còn người kia thì không. Ngoài ra chẳng có gì khác biệt giữa hai người. Người thấy biết rằng chỉ cần một chút chú ý thì người kia cũng có thể thấy, vấn đề chia sẻ chẳng cần phải đặt ra. Cứ tin Ta đi, Ta không phải là kẻ keo kiệt giữ lại phần chia thực tại của ông. Trái lại, Ta hoàn toàn là của ông, cứ ăn Ta và uống Ta đi. Ông không ngừng lập đi lập lại “cho, cho” nhưng chẳng làm gì để nhận cái cho. Ta chỉ cho ông một con đường ngắn và dễ dàng để ông có thể thấy như Ta thấy, thì ông cứ khư khư với những thói quen tư duy, cảm thọ và hành động cũ, rồi trút mọi trách móc lên Ta. Ta chẳng có gì mà ông không có. Hiểu biết chính mình không phải là một món tài sản để có thể cho và nhận. Nó hoàn toàn là một cảnh giới mới, trong đó không có gì để cho và nhận.

H: Ít ra ông có thể cho chúng tôi một sự hiểu biết nào đó về nội dung của tâm ông trong lúc ông sống cuộc sống thường ngày. Ăn, uống, trò chuyện và ngủ – ông cảm thấy thế nào?

M: Đối với những sinh hoạt thường ngày của đời sống: Ta kinh nghiệm cũng như ông. Sự khác biệt là những gì Ta không kinh nghiệm: Ta không sợ hãi, tham lam, sân hận. Ta không van xin, không từ chối, và không giữ lại bất cứ gì. Ta không lừng khừng trong những cái như thế. Có lúc đó là sự khác biệt nổi bật giữa ông và Ta. Ta không lừng khừng, Ta rất thật với chính Ta, trong khi ông sợ hãi thực tại.

H: Theo quan điểm của người phương Tây, có một cái gì đó bất ổn trong cách của ông. Ngồi một mình trong một góc nào đó, và lải nhải: “Ta là Thượng đế, Thượng đế là Ta” thì rõ ràng là điên. Làm sao có thể thuyết phục một người phương Tây rằng những cách tu tập như thế sẽ đưa đến sự sáng suốt tối thượng?

M: Cả người tự xưng là Thượng đế, lẫn kẻ hoài nghi Thượng đế đều bị đánh lừa. Họ nói trong chiêm bao.

H: Nếu tất cả đều là chiêm bao thì cái gì tỉnh thức?

M: Làm sao có thể mô tả trạng thái tỉnh thức bằng ngôn ngữ của xứ chiêm bao. Ngôn từ không thể diễn tả, chúng chỉ là những biểu tượng.

H: Một lần nữa ông lại viện cớ rằng ngôn từ không thể chuyên chở thực tại.

M: Nếu ông muốn ngôn từ, Ta sẽ cho ông một số cổ tự đầy công năng. Ông cứ tụng những cổ tự đó và chúng sẽ đem lại sự màu nhiệm.

H: Ông nghiêm túc đấy chứ? Ông bảo một người phương Tây lập đi lập lại những tiếng “Om”, “Ram”, “Hare Krishna” bất kể người đó không có chút tín tâm, và sự tin tưởng phát sinh từ một nền văn hóa và tôn giáo đúng đắn. Nếu không có sự tin tưởng và lòng nhiệt thành, mà chỉ lập đi lập lại một cách máy móc một số tiếng nào đó, thì liệu một người có đạt được gì không?

M: Tại sao không? Chính sự thúc giục, động cơ tiềm ẩn mới quan trọng, chứ không phải hình thức của nó. Nếu chỉ vì mục đích tìm kiếm cái Ta chơn thật, một người dù có làm gì đi nữa thì cũng sẽ đến được với chính mình.

H: Mà không cần tin vào tính hiệu quả của phương tiện?

M: Không cần tin, tức không mong cầu kết quả. Ở đây chỉ hành động mới đáng kể. Bất cứ gì ông làm vì chân lý sẽ đưa ông đến chân lý. Chỉ cần thành khẩn và chân thật. Hình thức thể hiện chẳng quan trọng.

H: Thế thì sự biểu lộ ước muốn của mình cần thiết ở chỗ nào?

M: Không cần. Chẳng làm gì cũng tốt. Chỉ cần ước muốn, mà ước muốn đó không bị sao lãng bởi ý nghĩ và hành động; ước muốn thuần túy và tập trung sẽ đưa ông đến đích mau chóng. Chính động cơ chơn thật mới quan trọng, chứ không phải phương cách.

H: Khó tin quá! Làm sao một sự lập đi lập lại tẻ nhạt trong buồn chán, gần như tuyệt vọng, lại có kết quả?

M: Ngay chính thực tế của sự lập đi lập lại, của sự phấn đấu liên tục, tính nhẫn nại và lòng kiên trì, bất kể sự nhàm chán, tuyệt vọng, và hoàn toàn không có sự tin tưởng là vô cùng thiết yếu. Tự thân những yếu tố đó không quan trọng, nhưng sự thành khẩn đằng sau chúng mới là tất cả những gì quan trọng. Phải có một lực đẩy bên trong và một lực kéo bên ngoài.

H: Những câu hỏi của tôi là điển hình của phương Tây. Bên đó người ta suy nghĩ theo tương quan nhân quả, phương tiện và cứu cánh. Người phương Tây không thấy khả dĩ có liên quan nhân quả giữa một từ ngữ nào đó với Thực tại Tuyệt đối.

M: Chẳng có liên quan nào cả. Nhưng có sự liên quan giữa từ ngữ và ý nghĩa của nó, giữa hành động và nguyên do. Tu tập tâm linh là ý chí được khẳng định và tái khẳng định. Người không táo bạo thì khi được cho cái thật cũng không dám nhận. Sự ngần ngại phát sinh từ sợ hãi là chướng ngại duy nhất.

H: Có cái gì để sợ?

M: Cái không thể biết. Cái không hiện hữu, không biết, không làm. Cái bên ngoài.

H: Ý ông muốn nói là ông có thể chia sẻ phương cách đã đưa ông đến chứng đắc, nhưng ông không thể chia sẻ được kết quả?

M: Dĩ nhiên là Ta có thể chia sẻ được kết quả, và Ta luôn luôn làm như thế. Nhưng ngôn ngữ của Ta là ngôn ngữ im lặng. Hãy học cách lắng nghe và hiểu.

H: Tôi không cho rằng một người có thể bắt đầu mà không có sự tin tưởng.

M: Hãy ở với Ta một thời gian, hoặc dành hết tâm trí cho những gì Ta nói, và làm theo, rồi sự tin tưởng sẽ khởi sinh.

H: Không phải ai cũng có dịp gặp ông.

M: Hãy gặp cái Ta của chính ông. Hãy ở với cái Ta của chính ông, lắng nghe nó, tuân theo nó, yêu quí nó, lúc nào cũng để nó trong tâm. Ông chẳng cần sự hướng dẫn nào khác. Chừng nào sự thôi thúc đi tìm chân lý của ông tác động đến đời sống thường ngày của ông thì tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp đối với ông. Hãy sống cuộc sống của ông và đừng gây đau khổ cho ai. Không hại người là một hình thức Yoga mãnh liệt nhất, nó sẽ đưa ông đến đích của ông một cách nhanh chóng. Ta gọi đó là Nisarga YogaYoga Tự Nhiên. Đó là nghệ thuật sống trong sự an lạc và hài hòa, trong sự thân thiện và tình yêu. Quả của nó là hạnh phúc, sẵn có và vô tận.

H: Tuy nhiên, tất cả những điều này vẫn hàm ý một sự tin tưởng nào đó.

M: Hãy quay vào trong và ông sẽ tin tưởng chính ông. Còn mọi chuyện khác, sự tin tưởng sẽ đến cùng với kinh nghiệm.

H: Khi một người bảo tôi rằng người đó biết một cái gì đó mà tôi không biết, thì tôi có quyền hỏi lại: “Cái gì là cái ông biết mà tôi không biết?”

M: Nếu người đó bảo ông cái đó không thể diễn tả được bằng ngôn từ?

H: Thế thì tôi quan sát kỹ người đó và cố tìm ra.

M: Đó chính là điều mà Ta muốn ông làm! Hãy quan tâm, chú ý, cho đến khi một sự hiểu biết lẫn nhau được dựng lập. Lúc đó sự chia sẻ sẽ dễ dàng. Thật ra mà nói, tất cả sự giác ngộ chỉ là chia sẻ. Ông nhập vào một ý thức rộng lớn hơn và chia sẻ trong đó. Ngần ngại đi vào và chia sẻ là chướng ngại duy nhất. Ta không bao giờ nói về sự khác biệt, vì đối với Ta sự khác biệt không hề có. Ông cho là có, vậy hãy chỉ những khác biệt đó cho Ta xem. Bằng mọi cách, hãy chỉ cho Ta thấy những khác biệt. Để hiểu vì sao đối với Ta không có sự khác biệt thì ông phải hiểu Ta, và lúc đó ông sẽ không còn nói đến những khác biệt. Hiểu thấu đáo một điều, và như thế là ông đã đến. Sự ngăn trở không cho ông biết không phải là vắng thiếu cơ hội, mà là vắng thiếu khả năng tập trung trong tâm ông cái ông muốn hiểu. Nếu ông giữ được trong tâm cái ông không biết thì nó sẽ phơi bày những bí mật của nó với ông. Nhưng nếu ông hời hợt và thiếu kiên nhẫn, không đủ nhiệt tình để quan sát và chờ đợi, thì ông chỉ là một đứa trẻ khóc lóc đòi trăng.

39. Không có gì tự tồn tại

Hỏi: Khi nghe ông nói, tôi nhận thấy có hỏi ông cũng vô ích. Dù tôi đặt câu hỏi theo cách nào thì cũng bị ông bẻ ngược trở lại, và đưa tôi đến một thực tế căn bản là tôi sống với ảo tưởng của chính tôi tạo ra, và thực tại thì không thể diễn tả bằng ngôn từ. Ngôn từ chỉ gây thêm rắc rối, và cách không ngoan nhất là im lặng tìm kiếm bên trong.

Maharaj: Xét cho cùng, chính tâm tạo ra ảo tưởng và cũng chính tâm hóa giải nó. Ngôn từ có thể làm cho ảo tưởng thêm kiên cố, nhưng ngôn từ cũng có thể làm cho ảo tưởng tan biến. Chẳng có gì là không đúng trong sự lập đi lập lại cùng một sự thật cho đến khi nó trở thành thực tại. Việc làm mẹ đâu phải đã xong sau khi sinh con ra. Bà còn phải nuôi nấng cho đến khi nó không còn cần đến bà nữa. Người ta cần nghe ngôn từ, cho đến khi các sự kiện thực tế nói với họ còn to hơn cả ngôn từ.

H: Như thế chúng tôi là trẻ con được nuôi sống bằng ngôn từ?

M: Bao giờ còn cho ngôn từ là quan trọng thì ông còn là trẻ con.

H: Được, vậy hãy làm mẹ chúng tôi.

M: Đứa trẻ ở đâu trước khi nó được sinh ra? Thế không phải nó đã có sẵn trong bà mẹ? Vì đã có sẵn trong bà mẹ nên nó mới được sinh ra.

H: Chắc chắn bà mẹ đã không mang đứa con khi chính bà ấy còn là một đứa trẻ.

M: Tiềm năng thì bà ấy đã là mẹ. Hãy vượt ra khỏi ảo tưởng về thời gian.

H: Câu trả lời của ông lúc nào cũng giống nhau. Một cái đồng hồ điểm giờ lập đi lập lại.

M: Còn cách nào khác. Giống như một mặt trời được phản chiếu trong hàng triệu giọt sương, cái phi thời cũng được lập lại một cách vô tận như thế. Khi lập đi lập lại: “Ta hiện hữu, Ta hiện hữu” thì Ta chỉ khẳng định và tái khẳng định một thực tế thường tại (ever-present). Ông nhàm chán ngôn từ của Ta vì ông không thấy được chân lý sống động đằng sau chúng. Tiếp xúc với cái chân lý sống động đó thì ông sẽ nhận ra đầy đủ ý nghĩa của cả ngôn từ và của sự im lặng.

H: Ông bảo rằng đứa bé gái đã là mẹ của đứa trẻ tương lai. Tiềm năng thì đúng. Hiện thực thì không.

M: Tiềm năng trở thành hiện thực bởi tư duy. Thân xác và những hệ lụy của nó chỉ tồn tại trong tâm.

H: Và tâm là ý thức khi động, và ý thức là một phương diện đã bị điều kiện hóa – Saguna – của cái Ta. Cái không bị điều kiện hóa – Nirguna – là một phương diện khác. Bên ngoài là sự bao la của cái tuyệt đối – Paramartha.

M: Đúng thế – ông diễn tả một cách tuyệt vời.

H: Nhưng với tôi đó chỉ là ngôn từ suông. Nghe và lập lại suông chưa đủ, cần phải chứng nghiệm chúng.

M: Chẳng có gì ngăn cản được ông, nhưng vì mải mê với bên ngoài nên ông mất đi sự chú ý với bên trong. Không có cách nào khác, ông không thể bỏ qua sự tu tập. Ông phải quay lưng lại với thế giới và đi vào trong, cho đến khi bên ngoài và bên trong nhập làm một; lúc đó ông có thể vượt ra khỏi cái bị điều kiện hóa, dù bên trong hay bên ngoài.

H: Chắc chắn cái không bị điều kiện hóa cũng chỉ là một ý nghĩ trong cái tâm bị điều kiện hóa. Tự thân cái không bị điều kiện hóa không tồn tại.

M: Không có gì tự tồn tại. Mọi cái đều cần cái chính nó không có. Hiện hữu, có nghĩa là hiện hữu một cách minh thị, hiện hữu ở đây chứ không phải ở kia, hiện hữu ngay bây giờ chứ không phải vào lúc đó, hiện hữu như thế chứ không thể nào khác. Cũng như nước có hình thể của vật chứa nó, thì mọi cái đều được quyết định bởi nhiều điều kiện khác nhau. Cũng như nước vẫn là nước dù vật chứa nó có hình dáng ra sao, ánh sáng vẫn là ánh sáng dù cho màu sắc được nó làm cho hiển lộ là màu gì, thì cái thật vẫn là thật bất kể những điều kiện mà qua đó nó được phản ảnh. Tại sao chỉ giữ ảnh phản chiếu trong tiêu điểm của ý thức? Mà không phải chính cái thật?

H: Tự thân ý thức là ảnh phản chiếu. Làm sao nó giữ được cái thật?

M: Biết được ý thức và nội dung của nó chỉ là những ảnh phản chiếu, biến dịch và vô thường – là thấy rõ cài thật. Không thấy con rắn trong sợi dây thừng là điều kiện ắt có để thấy sợi dây thừng.

H: Chỉ ắt có, hay còn và đủ?

M: Một người cần phải thấy sợi dây thừng và sợi dây thừng đó trông giống một con rắn. Tương tự như thế, một người phải biết rằng cái thật tồn tại và cái thật đó thuộc về bản thể của ý thức nhân chứng. Dĩ nhiên là nó ở bên ngoài nhân chứng, nhưng muốn thể nhập nó thì trước tiên cần phải nhận ra trạng thái nhân chứng thuần túy. Khi biết rõ các điều kiện, người ta biết được cái không bị điều kiện hóa.

H: Liệu cái không bị điều kiện hóa có thể được chứng nghiệm?

M: Biết cái bị điều kiện hóa là bị điều kiện hóa – là tất cả những gì có thể nói về cái không bị điều kiện hóa. Một ngôn từ khẳng định chỉ là những gợi ý và gây ngộ nhận.

H: Liệu chúng ta có thể nói về nhân chứng cái thật?

M: Làm sao được? Chúng ta chỉ có thể nói về cái không thật, cái hư giả, cái vô thường, cái bị điều kiện hóa. Muốn vượt ra ngoài, chúng ta phải trải qua một tiến trình phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại độc lập của mọi vật. Tất cả mọi thứ đều tùy thuộc.

H: Chúng tùy thuộc vào cái gì?

M: Vào ý thức. Và ý thức lại tùy thuộc vào nhân chứng.

H: Và nhân chứng tùy thuộc vào cái thật?

M: Nhân chứng là sự phản chiếu của cái thật trong trạng thái thuần nhất của nó. Nhân chứng còn tùy thuộc vào điều kiện của tâm. Khi nào sự trong sáng và tính vô tư chiếm ưu thế thì ý thức nhân chứng xuất hiện. Cũng như khi nói chỗ nào nước trong và lặng thì hình ảnh của mặt trăng xuất hiện. Hay, cũng như ánh sáng lấp lánh trong kim cương.

H: Liệu có thể có ý thức mà không có nhân chứng?

M: Không có nhân chứng thì ý thức trở thành vô thức, chỉ có sự sống. Nhân chứng tàng ẩn trong mọi trạng thái của ý thức, cũng như ánh sáng tàng ẩn trong mọi màu sắc. Không thể nào có sự biết mà không có người biết, và không có người biết nếu không có nhân chứng. Không những ông biết, mà ông còn biết ông biết.

H: Nếu cái không bị điều kiện hóa không thể kinh nghiệm được, vì tất cả kinh nghiệm đều bị điều kiện hóa, vậy thì nói về nó để làm gì?

M: Làm sao ông có thể biết được cái bị điều kiện hóa nếu không có cái không bị điều kiện hóa? Phải có một cội nguồn mà từ đó tất cả mọi thứ chảy ra, một nền tảng mà tất cả đều đứng trên đó. Nhận ra chính mình là trước tiên biết rõ sự điều kiện hóa của chính mình, và biết rõ rằng vô số trạng thái khác nhau của các điều kiện đều tùy thuộc vào khả năng vô biên của chúng ta để được điều kiện hóa và tạo ra những trạng thái khác nhau. Đối với cái tâm bị điều kiện hóa thì cái không bị điều kiện hóa xuất hiện như là cái tất cả, và cũng là cái không gì cả. Cả hai đều không thể được kinh nghiệm trực tiếp, nhưng không có nghĩa là không tồn tại.

H: Không phải nó là một cảm thọ?

M: Cảm thọ cũng là một trạng thái của tâm. Giống như một thân thể khỏe mạnh không kêu gọi sự chú ý thì cái không bị điều kiện hóa không có trong kinh nghiệm. Lấy kinh nghiệm cái chết làm ví dụ. Người thường rất sợ chết, vì họ sợ sự thay đổi. Người giác ngộ không sợ chết vì tâm của người giác ngộ đã chết. Người giác ngộ không nghĩ: “Ta sống.” Người giác ngộ biết: “Có sự sống.” Trong đó không có sự thay đổi và không có sự chết. Cái chết xuất hiện như một sự thay đổi trong thời gian và không gian. Nếu không có thời gian và không gian, làm sao có cái chết? Người giác ngộ đã chết đi đối với tất cả danh xưng và hình tướng. Vậy sự mất đi của hình tướng và danh xưng làm sao có thể ảnh hưởng đến người giác ngộ? Người ở trên tàu di chuyển từ nơi này đến nơi khác, người ở ngoài con tàu thì chẳng đi đâu, vì người đó không bị ràng buộc bởi một nơi đến. Người đó không có chỗ nào để đi đến, không có gì để làm, và không có gì để trở thành. Những ai đặt ra kế hoạch, dự tính thì được sinh ra để thực hiện kế hoạch, dự tính. Những ai không đặt ra kế hoạch, dự tính thì không cần thiết phải được sinh ra.

H: Mục đích của đau khổ và lạc thú là gì?

M: Thế chúng tự tồn tại, hay chỉ ở trong tâm.

H: Nhưng chúng vẫn tồn tại. Đừng bận tâm đến tâm.

M: Đau khổ và lạc thú chỉ là những hiện tướng, là kết quả của hiểu biết sai lầm và cảm thọ sai lầm. Một kết quả thì không thể có mục đích của chính nó.

H: Trong sự cai quản của Thượng đế, mọi thứ đều có một mục đích riêng.

M: Ông có biết Thượng đế không mà sao ông lại nói về Thượng đế một cách tùy tiện như thế? Theo ông Thượng đế là gì? Một âm thanh, một chữ viết trên giấy, hay là một ý tưởng trong tâm?

H: Chính nhờ quyền năng của Thượng đế, tôi mới được sinh ra và được duy trì sự sống.

M: Và đau khổ, và chết đi. Ông vui chứ?

H: Tôi đã được tạo ra cho cuộc sống vĩnh cửu. Có thể là do lỗi lầm của tôi mà tôi đau khổ và chết đi.

M: Tại sao vĩnh cửu lại ở trong tương lai, mà không phải trong quá khứ. Cái gì có sự bắt đầu thì phải có sự chấm dứt. Chỉ cái vô thủy mới vô chung.

H: Có thể Thượng đế đơn thuần chỉ là một quan niệm, một lý thuyết có thể chấp nhận được. Một quan niệm rất hữu ích thì cũng tốt vậy!

M: Muốn vậy thì quan niệm đó phải hoàn toàn không còn những mâu thuẫn nội tại, nhưng nó không phải là trường hợp ở đây. Tại sao không thử tư duy lý thuyết: Ông vừa là người sáng tạo vừa là vật được sáng tạo. Theo đó thì ít ra là chẳng có Thượng đế nào ở bên ngoài để ông đấu tranh với.

H: Thế giới thì quá phong phú và phức tạp – làm sao tôi có thể tạo ra nó?

M: Ông có thật sự biết rõ chính ông, để biết ông có thể và không thể làm được những gì? Ông không hay biết gì về những quyền năng của chính ông. Ông chẳng bao giờ tìm hiểu điều đó. Hãy bắt đầu với chính ông ngay bây giờ.

H: Mọi người đều tin vào Thượng đế.

M: Theo Ta ông là Thượng đế của chính ông. Nhưng nếu ông nghĩ khác thì hãy nghĩ cho đến cùng. Nếu có Thượng đế, thì tất cả đều là của Thượng đế và tất cả đều vì mục đích tốt lành nhất. Hãy đón nhận tất cả những gì đến với ông bằng một tấm lòng vui vẻ và biết ơn. Hãy yêu thương tất cả mọi loài. Bằng cách này ông cũng có thể đến được với cái Ta của chính ông.

40. Chỉ cái Ta là thật

Maharaj: Thế giới chỉ là một vở tuồng, trông hào nhoáng nhưng rỗng tuếch. Nó vừa có mà vừa không. Chừng nào Ta muốn thấy và tham dự trong đó thì nó có. Khi Ta không còn để ý thì nó biến mất. Nó không có nguyên nhân và cũng chẳng phục vụ cho một mục đích nào. Nó chỉ xảy ra khi chúng ta đãng trí. Nó xuất hiện một cách chính xác như cái vẻ bề ngoài của nó, nhưng bên trong nó không có chiều sâu mà cũng chẳng có ý nghĩa. Chỉ có người chứng kiến là thật, gọi người đó là Ta hay Tiểu Ngã – Atma. Đối với cái Ta thế giới chỉ là một vở tuồng đầy mầu sắc, cái Ta thưởng thức vở tuồng chừng nào nó còn đó, và quên mất vở tuồng khi nó kết thúc. Bất cứ gì diễn ra trên sân khấu đều làm cái Ta rùng mình sợ hãi, hay ôm bụng cười, nhưng cái Ta luôn luôn biết đó là một vở tuồng. Cái Ta thưởng thức vở tuồng như đang diễn ra, mà không hề tham ái hay lo sợ.

Hỏi: Con người dù đắm chìm trong thế giới nhưng vẫn có một cuộc đời đầy hương vị. Con người khóc, cười, yêu và ghét, ước muốn và lo sợ, đau khổ và vui sướng. Còn cuộc đời của một Gnani – người không còn tham ái và lo sợ – thì thế nào? Gnani có xa rời thực tế trong thái độ xa cách của mình?

M: Cảnh giới của Gnani không hoang liêu đến thế đâu. Nó có hương vị của sự an lạc thuần túy, sẵn có và không thể tan loãng. Người giác ngộ thì hạnh phúc và hoàn toàn biết rõ hạnh phúc là bản tánh của mình, người giác ngộ không cần phải làm gì, mà cũng chẳng cần phấn đấu để được nó. Hạnh phúc theo liền với người giác ngộ; nó thật hơn cả thân xác, và gần hơn cả tâm. Ông tưởng rằng không có nguyên nhân thì không thể có hạnh phúc. Tùy thuộc vào bất cứ gì để có hạnh phúc, đối với Ta, là vô cùng khốn khổ. Lạc thú và đau khổ có nguyên nhân, còn trạng thái của Ta là của chính Ta, hoàn toàn phi nhân duyên, bất tùy thuộc và bất khả xâm phạm.

H: Cũng giống như một vở kịch trên sân khấu?

M: Vở kịch được viết ra, được dàn dựng, và được diễn tập. Còn thế giới đột nhiên xuất hiện từ cái không, rồi trở về với cái không.

H: Không có người tạo ra nó? Vậy không phải thế giới ở trong tâm của Đại Ngã – Brahma – trước khi nó được tạo ra?

M: Chừng nào còn ở bên ngoài trạng thái của Ta thì ông còn có các Đấng Tạo Hóa, Đấng Giữ Gìn, Đấng Hủy Diệt, nhưng một khi đã thể nhập với Ta thì ông chỉ còn biết cái Ta, và thấy chính ông trong tất cả.

H: Dù sao thì ông vẫn hành động.

M: Khi bị chóng mặt ông thấy thế giới quay cuồng. Bị ám ảnh với ý nghĩ cứu cánh và phương tiện, việc làm và mục đích, nên ông thấy Ta có vẻ đang hành động. Thật ra, Ta chỉ quan sát. Bất cứ gì được thực hiện, chỉ ở trên sân khấu. Vui sướng và đau khổ, sống và chết chỉ thật đối với những ai còn bị ràng buộc; còn đối với Ta tất cả những cái đó chỉ diễn ra trong vở kịch, và cũng hư cấu như chính vở kịch.

Có thể Ta cảm nhận thế giới cũng như ông, nhưng ông tin là ông ở trong đó, còn Ta thấy nó như một giọt óng ánh trong đại dương bao la của ý thức.

H: Chúng ta đều trở nên già nua. Tuổi già thì chẳng vui thú gì – đau đớn và bệnh hoạn, suy yếu và cái chết đến gần. Là một người cao niên, bậc giác ngộ cảm thấy thế nào? Cái Ta bên trong của bậc giác ngộ nhìn sự lãi suy của chính mình ra sao?

M: Càng về già người giác ngộ càng an lạc. Xét cho cùng thì người ấy đang về nhà. Cũng như một lữ khách sắp sửa đến đích, gom góp hành lý và rời con tầu không chút lưu luyến.

H: Rõ ràng là có một sự mâu thuẫn. Chúng tôi được biết Gnani ở ngoài mọi thay đổi. Hạnh phúc của bậc giác ngộ bất tăng bất giảm. Làm sao Gnani lại vui mừng vì già đi, chưa kể đến sự lão suy của thân xác, và những phiền trược khác.

M: Chẳng có gì mâu thuẫn. Vòng quay của định mệnh sắp ngừng – tâm mừng vui. Tấm màn của sự tồn tại thân xác được kéo lên – gánh nặng thân xác ngày một trở nên nhẹ dần.

H: Giả sử như Gnani bị ốm. Vị ấy bị cúm và các khớp xương đau nhức. Trạng thái trong tâm của Gnani lúc đó như thế nào?

M: Mọi cảm thọ đều được quan sát trong sự thanh thản tuyệt đối. Không có sự mong cầu và cũng không có sự từ khước một cảm thọ nào. Nó như thế là nó như thế, và người giác ngộ nhìn nó với một nụ cười vô tư trìu mến.

H: Gnani có thể tách ra khỏi sự đau đớn của chính mình, nhưng sự đau đớn vẫn còn đó.

M: Sự đau đớn có đó nhưng chẳng có gì quan trọng. Dù ở trong bất cứ trạng thái nào, Ta cũng đều thấy đó là một trạng thái của tâm và chấp nhận như chính nó .

H: Đau đớn là đau đớn. Ông vẫn phải kinh nghiệm nó thôi.

M: Người nào kinh nghiệm thân xác thì kinh nghiệm đau khổ và lạc thú của thân xác. Ta không phải thân xác mà cũng chẳng phải người kinh nghiệm thân xác.

H: Giả sử bây giờ ông hai mươi lăm tuổi. Việc lập gia đình đã được sắp xếp và hoàn tất, trách nhiệm gia đình đè nặng lên ông. Ông cảm thấy thế nào?

M: Cũng giống như Ta đang cảm thấy bây giờ. Ông cứ khăng khăng cho rằng trạng thái nội tâm của Ta được đúc nặn từ các sự kiện bên ngoài. Không phải vậy. Bất cứ gì xảy ra thì Ta vẫn như thế. Ở ngay gốc rễ sự hiện hữu của Ta là tánh biết thuần túy, một điểm sáng chói lọi. Điểm sáng này, do bản thể của nó, chiếu sáng và tạo ra những hình ảnh trong không gian và diễn tiến trong thời gian – một cách dễ dàng và tùy nghi. Chừng nào nó chỉ biết thuần túy thì chẳng có gì xảy ra. Nhưng khi tâm phân biệt xuất hiện và tạo ra những tính cách khác biệt thì lạc thú và đau khổ khởi sinh. Trong khi ngủ, tâm ở trong trạng thái trống vắng, đau khổ và lạc thú cũng vậy. Tiến trình sáng tạo vẫn tiếp tục nhưng không có sự chú ý. Tâm là một hình thức của ý thức, và ý thức là một phương diện của sự sống. Sự sống tạo ra tất cả, còn cái Tối Thượng ở bên ngoài tất cả.

H: Cái Tối Thượng là chủ nhân và ý thức là tôi tớ?

M: Vị chủ nhân ở trong ý thức, chứ không ở ngoài ý thức. Trong tương quan với ý thức – cái Tối thượng vừa là sự sáng tạo vừa là sự xóa bỏ, vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa là tâm điểm vừa là vũ trụ. Mà nó cũng không phải những cái nói trên. Ngôn từ không thể đạt đến nó, mà tâm cũng thế.

H: Gnani có vẻ là một sự hiện hữu rất cô độc, hoàn toàn chỉ có một mình.

M: Người giác ngộ thì đơn độc, nhưng cũng là tất cả. Thậm chí người giác ngộ cũng không phải là một sự hiện hữu. Người giác ngộ là sự hiện hữu của tất cả mọi hiện hữu. Mà cũng không phải thế. Không ngôn từ nào có thể áp dụng. Người giác ngộ là cái mà người ấy , người giác ngộ là đất mà từ đó tất cả mọc ra.

H: Ông không sợ chết sao?

M: Để Ta kể cho ông nghe Tôn sư của Ta đã chết như thế nào. Sau khi thông báo là sự kết thúc cận kề, ngài không ăn gì nữa, nhưng vẫn giữ nguyên sinh hoạt thường nhật. Đến ngày thứ mười một, vào giờ cầu nguyện ngài hát và vỗ tay thật to rồi hốt nhiên thị tịch! Đúng như thế, giữa hai khoảnh khắc, như một ngọn nến bị thổi tắt. Người ta sống thế nào thì chết thế ấy. Ta không sợ chết vì Ta không sợ sống. Ta sống một cuộc sống hạnh phúc và Ta sẽ chết một cái chết hạnh phúc. Sinh ra thì khổ nhưng chết thì không. Tất cả đều tùy thuộc vào cách ông nhìn nó.

H: Không thể có bằng chứng nào về trạng thái của ông. Tất cả những gì tôi biết là do ông nói lại. Tất cả những gì tôi thấy là một ông già độc đáo.

M: Ông là một ông già độc đáo, chứ không phải Ta! Chưa bao giờ Ta được sinh ra. Làm sao Ta già? Ta xuất hiện như thế nào đối với ông thì chỉ tồn tại trong tâm ông. Ta chẳng quan tâm đến nó.

H: Dù là một giấc chiêm bao, ông vẫn là một giấc chiêm bao lạ thường nhất.

M: Ta là giấc chiêm bao có thể làm ông tỉnh giấc. Ông sẽ có bằng chứng về nó ngay khi ông chợt tỉnh.

H: Giả sử, ông được tin tôi chết. Có người đến báo với ông: “Ông biết ông đó chứ? Ông ấy chết rồi.” Phản ứng của ông sẽ như thế nào?

M: Ta sẽ vui mừng vì có ông về nhà. Thật sự vui mừng khi thấy ông thoát khỏi sự ngu xuẩn.

H: Sự ngu xuẩn nào?

M: Sự ngu xuẩn của ý nghĩ cho rằng ông đã được sinh ra và chết đi, ông là một thân xác tiêu biểu cho một cái tâm, và tất cả những thứ vớ vẩn như thế. Trong thế giới của Ta không có ai được sinh ra và cũng chẳng có ai chết đi. Có người đi xa rồi trở về, có người chẳng bao giờ đi đâu. Mà thật ra thì chẳng có gì khác biệt vì họ chỉ đi chơi xứ chiêm bao, mỗi người được gói trọn trong giấc chiêm bao của riêng mình. Chỉ sự thức tỉnh mới quan trọng. Biết được cái “Ta hiện hữu” là thực tại và cũng là tình yêu – là đủ.

H: Cách tiếp cận của tôi không được rốt ráo như thế nên mới khởi sinh câu hỏi. Ở khắp phương Tây người ta đi tìm một cái gì đó chơn thật. Họ trông cậy vào khoa học, mà khoa học cho họ biết rất nhiều về vật, rất ít về tâm, và không có gì về bản thể và mục đích của ý thức. Đối với người phương Tây, thực tại thì khách quan, và ở bên ngoài những gì có thể quan sát được, có thể mô tả được một cách trực tiếp hay bằng suy luận; còn phương diện chủ quan của thực tại thì họ không biết gì cả. Thật vô cùng quan trọng để cho họ biết rằng có thực tại, và thực tại chỉ có thể tìm ra trong sự giải thoát ý thức khỏi vật, cùng những hữu hạn và xuyên tạc của nó. Hầu hết mọi người trên thế gian này không biết được rằng có thực tại, mà thực tại chỉ có thể được tìm thấy và chứng nghiệm trong ý thức. Nếu chính họ nghe được tin lành đó từ một người đã thân chứng thực tại thì quả là một điều vô cùng quan trọng. Những nhân chứng như thế luôn luôn tồn tại, và các chứng ngôn của họ thật vô cùng quý giá.

M: Hiển nhiên là như thế. Chân lý về sự giác ngộ chính mình, một khi đã được nghe thì không bao giờ có thể quên được. Cũng như một hạt giống đã gieo xuống đất, khi thời tiết thuận tiện sẽ đâm chồi và lớn thành một đại thụ.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x