Trang chủ » Ta là cái đó [41-46] – Biết rõ hiện hữu an lạc

Ta là cái đó [41-46] – Biết rõ hiện hữu an lạc

by Hậu Học Văn
321 views

41. Phát huy thái độ nhân chứng

Hỏi: Trạng thái tâm của người giác ngộ hàng ngày, hàng giờ ra sao? Người giác ngộ thấy, nghe, ăn, uống, thức, ngủ, làm việc và nghỉ ngơi như thế nào? Có gì là bằng chứng về sự khác biệt giữa các trạng thái của người giác ngộ và của chúng tôi? Ngoài những xác nhận bằng ngôn từ của những người được gọi là giác ngộ thì không còn cách nào để kiểm chứng các trạng thái của họ một cách khách quan. Liệu không có những khác biệt nào có thể quan sát được qua những phản ứng sinh lý và thần kinh, trong tiến trình chuyển hóa thức ăn, qua điện não đồ, hay trong cơ cấu tương quan giữa tinh thần và thể xác của họ?

Maharaj: Ông có thể tìm ra những khác biệt, mà cũng có thể không. Tất cả đều tùy thuộc vào khả năng quan sát của ông. Tuy nhiên, những khác biệt khách quan thì ít quan trọng hơn cả. Sự quan trọng là cách nhìn, thái độ của người giác ngộ – hoàn toàn vô tư, thản nhiên và bất can thiệp.

H: Khi con của Gnani chết, Gnani có cảm thấy đau khổ không, bậc giác ngộ không còn đau khổ hay sao?

M: Người giác ngộ đau khổ với những ai đau khổ. Tự thân sự kiện đau khổ không quan trọng lắm, nhưng người giác ngộ đầy lòng từ bi đối với người đau khổ, dù còn sống hay đã chết, dù còn trong thân hay đã ra khỏi thân. Xét cho cùng, tình yêu và lòng từ bi chính là bản tánh của người giác ngộ. Người giác ngộ là Một với tất cả chúng sinh, và tình yêu là tính Một đó trong hành động.

H: Mọi người đều rất sợ chết.

M: Gnani chẳng sợ gì cả. Nhưng người giác ngộ thương xót cho kẻ sợ hãi. Xét cho cùng thì được sinh ra, sống và chết là lẽ tự nhiên. Nhưng sợ hãi thì không tự nhiên. Muốn biết như thế, dĩ nhiên, cần phải chú ý.

H: Giả sử ông đau ốm – sốt cao, đau nhức và run rẩy. Bác sĩ cho ông biết tình trạng của ông rất nguy kịch, ông chỉ còn sống vài ba ngày nữa. Phản ứng đầu tiên của ông sẽ thế nào?

M: Chẳng có phản ứng nào cả. Một cây nhang cháy hết thì cũng tự nhiên như một thân xác chết đi. Thật ra, cái chết chẳng quan trọng gì lắm. Điều quan trọng là Ta không phải thân mà cũng không phải tâm. Ta hiện hữu.

H: Chắc chắn gia đình ông sẽ tuyệt vọng. Ông sẽ nói với họ thế nào?

M: Những gì mà người ta vẫn thường nói: chẳng việc gì phải sợ, cuộc sống tiếp tục, Thượng đế sẽ che chở các người và chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau, và vân vân. Nhưng đối với Ta tất cả những chuyện rùm beng như thế chẳng có nghĩa gì cả, vì Ta không phải là cái thực thể tưởng tượng chính nó sống và chết. Ta không được sinh ra và Ta cũng không thể chết đi. Ta chẳng có gì để nhớ, hay để quên.

H: Thế còn những lời cầu nguyện cho người chết?

M: Bằng mọi cách cứ cầu nguyện cho người chết. Họ sẽ hả dạ vô cùng. Họ cảm thấy được tôn vinh. Gnani chẳng cần đến những lời cầu nguyện. Gnani chính là câu trả lời cho những sự cầu nguyện của ông.

H: Gnani hành hoạt như thế nào sau khi chết?

M: Gnani đã chết. Ông muốn Gnani chết thêm lần nữa?

H: Chắc chắn là sự hư hoại của thân xác là một biến cố quan trọng, ngay cả đối với một Gnani.

M: Chẳng có biến cố nào là quan trọng đối với Gnani, trừ khi có ai đó đạt đến mục đích tối thượng. Lúc đó chỉ có trái tim của Gnani vui mừng, mọi cái khác đều không đáng kể. Toàn thể vũ trụ là thân của người giác ngộ, tất cả sự sống là sự sống của người giác ngộ. Cũng như trong một thành phố đầy ánh sáng, một bóng đèn có tắt đi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến toàn hệ thống; cái chết của một thân xác không ảnh hưởng gì đến cái toàn thể.

H: Cái cá thể có thể chẳng quan trọng đối với cái toàn thể, nhưng nó quan trọng với cái cá thể. Cái toàn thể chỉ là trừu tượng, còn cái cá thể, cái cụ thể mới thật có.

M: Đó là ông nói. Đối với Ta thì ngược lại – cái toàn thể mới là thật, cái thành phần đến rồi đi. Cái cá thể được sinh ra và tái sinh, thay tên đổi dạng, Gnani là Thực tại Bất biến, và cái bất biến đó làm cho cái thay đổi khả hữu. Nhưng Gnani không thể ban cho ông sự tin tưởng. Sự tin tưởng chỉ đến với sự thân chứng của ông. Đối với Ta tất cả là một, tất cả đều bình đẳng.

H: Vậy tội lỗi và đức hạnh là một, và như nhau?

M: Những cái đó chỉ là giá trị của con người đặt ra! Chúng là gì đối với Ta? Cái gì chấm dứt trong hạnh phúc là đức hạnh, cái gì kết thúc trong đau khổ là tội lỗi. Cả hai đều là những trạng thái của tâm. Công đức của Ta không phải là trạng thái của tâm.

H: Chúng tôi như những người mù, hoàn toàn không hiểu thấy là gif.

M: Ông có thể diễn tả theo cách nào thì tùy ý.

H: Thực hành sự im lặng như một phép tu, có hiệu nghiệm không?

M: Bất cứ gì ông làm vì sự giác ngộ đều đưa ông đến gần đích hơn. Bất cứ gì ông làm mà không nhớ nghĩ đến sự giác ngộ đều làm ông chậm lại. Nhưng việc gì phải rắc rối? Chỉ cần biết ông ở trên và ở ngoài mọi sự vật và ý nghĩ. Cái mà ông muốn là, thì ông đã là cái đó. Hãy nhớ điều đó trong tâm.

H: Tôi nghe điều ông nói, nhưng không thể tin được.

M: Trước kia Ta cũng vậy. Nhưng Ta tin tưởng tôn sư và ngài đã chứng tỏ là đúng thật. Nếu có thể thì hãy tin Ta. Giữ trong tâm điều Ta nói với ông: Đừng mong cầu chi vì ông không thiếu gì cả. Chính sự tìm kiếm ngăn trở sự phát hiện của ông.

H: Ông có vẻ thờ ơ với tất cả mọi thứ!

M: Không phải Ta thờ ơ, mà Ta không thiên vị. Ta không dành sự ưa thích cho cái Ta và cái của Ta. Một rổ đất hay một rổ châu báu đối với Ta đều không cần thiết. Sống và chết đối với Ta cũng như nhau.

H: Chính sự không thiên vị làm cho ông thờ ơ.

M: Trái lại, từ bi và tình yêu là cốt tủy của Ta. Vì không có gì là riêng tư, nên Ta tự do yêu thương.

H: Đức Phật dạy rằng ý tưởng giác ngộ vô cùng quan trọng. Nhiều người suốt đời không hề biết đến chuyện như là giác ngộ, huống hồ là tinh tấn để giác ngộ. Một khi người ta được nghe nói về sự giác ngộ, tức là một hạt giống đã được gieo và không thể nào mất đi được. Vì vậy, Đức Phật thường phái các tỳ kheo đi khắp nơi thuyết pháp ròng rã suốt tám tháng mỗi năm.

M: Tôn sư vẫn thường bảo “Một người có thể bố thí thực phẩm, quần áo, chỗ ở, kiến thức, tình cảm, nhưng sự bố thí cao thượng nhất vẫn là chân lý về sự giác ngộ.” Ông nói đúng, giác ngộ là sự tốt lành cao thượng nhất. Một khi đã có được nó thì không ai có thể tước đoạt của ông.

H: Nói như ông thế này ở phương Tây người ta sẽ cho là ông điên.

M: Dĩ nhiên là họ có thể nghĩ như thế. Đối với những kẻ vô minh, bất cứ gì không hiểu họ đều cho là điên rồ. Có sao đâu? Cứ để kệ họ như họ là. Ta là như Ta là, không phải vì công đức của Ta – và họ là như họ là, không phải vì lỗi lầm của họ. Thực tại Tối thượng thể hiện tự thân bằng nhiều cách. Danh xưng và hình tướng của Thực tại thì vô số. Tất cả dấy khởi, tất cả hội nhập vào cùng một đại dương, nguồn gốc của tất cả chỉ có một. Tìm kiếm nhân quả chỉ là trò giải trí của tâm. Cái đang là thì đáng yêu. Tình yêu không phải là một kết quả, mà chính là nền tảng của hiện hữu. Dù đi bất cứ đâu, ông cũng đều tìm thấy hiện hữu, ý thức và tình yêu. Tại sao và việc gì phải đặt ra những lựa chọn?

H: Khi tiên tai như lũ lụt, động đất làm cho hàng ngàn người, hàng triệu người thiệt mạng tôi không đau lòng. Nhưng nếu có ai chết vì tay của một người khác thì tôi vô cùng đau xót. Cái bất khả tránh có vẻ uy nghi riêng của nó, nhưng sự sát hại là điều khả tránh, và, do đó xấu xa và đáng kinh tởm.

M: Tất cả xảy ra như nó xảy ra. Tai họa – dù do thiên nhiên hay con người tạo ra – xảy ra, và không cần thiết phải cảm thấy kinh tởm.

H: Làm sao mọi chuyện lại không có nguyên nhân?

M: Toàn thể vũ trụ được phản ảnh trong từng biến cố. Nguyên nhân tối hậu thì không thể truy tìm. Ngay chính cái ý tưởng tương quan nhân quả cũng chỉ là một cách suy nghĩ, một cách nói. Một sự xuất hiện phi nhân duyên là điều chúng ta không thể tưởng tượng được. Tuy nhiên, điều không thể tưởng tượng không phải là bằng chứng cho sự tồn tại của tương quan nhân quả.

H: Thiên nhiên thì vô tâm, nên vô trách. Con người có tâm nhưng tại sao lại tàn ác?

M: Nguyên nhân của tính tàn ác cũng rất tự nhiên – tính di truyền, môi trường, và vân vân. Ông kết án vội vàng quá. Đừng bận tâm với tha nhân. Hãy để ý đến tâm ông trước. Khi nhận ra rằng cả tâm của ông cũng là một phần của thiên nhiên thì tính nhị nguyên không còn nữa.

H: Có một cái gì đó bí hiểm trong điều ông nói mà tôi không thể thăm dò. Làm sao tâm có thể là một phần của thiên nhiên?

M: Vì thiên nhiên ở trong tâm; nếu không có tâm thì thiên nhiên ở đâu?

H: Nếu thiên nhiên ở trong tâm và tâm là của chính tôi thì tôi phải chế ngự được thiên nhiên, nhưng không phải thế. Những động lực ngoài sự kiểm soát của tôi quyết định thái độ của tôi.

M: Hãy phát huy thái độ nhân chứng, và ông sẽ nhận thấy ngay trong kinh nghiệm của chính ông rằng tính vô tư đem đến sự chuyển động. Trạng thái nhân chứng thì đầy sức mạnh, nó không hề thụ động.

42. Thực tại thì bất khả diễn tả

Hỏi: Tôi nhận thấy có một cái Ta mới xuất hiện trong tôi, độc lập với cái Ta cũ. Một cách nào đó cả hai cùng tồn tại. Cái Ta cũ vẫn tiếp tục theo những cách quen thuộc; cái Ta mới cứ để mặc cái Ta cũ, nhưng không đồng hóa nó với cái Ta cũ.

Maharaj: Sự khác biệt chính giữa cái Ta cũ và cái Ta mới là gì?

H: Cái Ta cũ muốn tất cả phải được minh định và giải thích. Nó muốn mọi thứ phù hợp với nhau về mặt ngôn từ. Cái Ta mới không cần đến những giải thích bằng ngôn từ – nó chấp nhận sự vật như chúng là, và không tìm cách liên hệ sự vật với những gì đã được ghi nhớ trước đó.

M: Ông có thể biết một cách đầy đủ và thường xuyên về sự khác biệt giữa những gì thuộc thói quen và những gì thuộc tâm linh? Thái độ của cái Ta mới và cái Ta cũ như thế nào?

H: Cái Ta mới chỉ nhìn cái Ta cũ. Nó không thân thiện và cũng chẳng thù nghịch. Nó chỉ chấp nhận cái Ta cũ cùng với những thứ khác. Nó không phủ nhận sự hiện hữu của cái Ta cũ, nhưng không chấp nhận giá trị và tính cách hợp lý của cái Ta cũ.

M: Cái mới là sự phủ nhận hoàn toàn cái cũ. Cái mới được cho phép thì không phải cái mới thực sự. Nó chỉ là thái độ mới của cái cũ. Cái mới thực sự thì xóa sạch hoàn toàn cái cũ. Hai cái không thể đi đôi với nhau. Có một tiến trình từ bỏ cái Ta, một sự liên tục từ chối chấp nhận những ý tưởng và giá trị cũ, hay chỉ có một sự dung thứ lẫn nhau? Quan hệ giữa cái cũ và cái mới như thế nào?

H: Không có một sự liên hệ đặc thù nào cả. Chúng cùng tồn tại.

M: Khi nói về cái Ta cũ và cái Ta mới, ông có trong tâm cái Ta nào? Vì có sự liên tục trong ký ức giữa hai cái, cái này nhớ cái kia, làm sao ông có thể nói về hai cái Ta?

H: Một cái là nô lệ của thói quen, còn cái kia thì không. Một cái thì khái niệm hóa, còn cái kia thì hoàn toàn không còn ý niệm.

M: Làm sao lại có hai cái Ta? Giữa cái bị ràng buộc và cái tự do thì không thể có một quan hệ nào. Ngay chính thực tế của sự cùng tồn tại chứng tỏ tính duy nhất căn bản giữa chúng. Chỉ có một cái Ta – nó luôn luôn là bây giờ. Cái mà ông gọi là cái Ta kia – dù cũ hay mới – chỉ là một hình thái, một phương diện khác của cái Ta. Cái Ta chỉ có một. Ông là cái Ta đó và ông có những ý tưởng về những gì ông đã và đang là, hoặc sẽ là. Nhưng một ý tưởng thì không phải cái Ta. Ngay bây giờ đây, trong lúc ông đang ngồi trước mặt Ta thì cái Ta nào là ông? Cái cũ hay cái mới?

H: Hai cái xung đột lẫn nhau?

M: Làm sao có thể có xung đột giữa cái là và cái không phải là? Xung đột là bản chất của cái cũ. Khi cái mới xuất hiện thì cái cũ biến mất. Ông không thể nói về cái mới và cái xung đột trong cùng một hơi thở. Ngay cả nỗ lực phấn đấu để đạt đến cái Ta mới cũng thuộc về cái cũ. Ở đâu có xung đột, cố gắng, đấu tranh, phấn đấu, mong cầu một sự thay đổi, thì ở đó không thể có cái mới. Ông thoát khỏi khuynh hướng có tính cách thói quen tạo ra xung đột, và làm cho xung đột luôn luôn xảy ra – đến chừng mực nào?

H: Tôi không thể nói rằng bây giờ tôi là một con người khác. Nhưng tôi đã phát hiện những điều mới về chính tôi, những trạng thái rất khác với những gì tôi đã biết trước kia, nên tôi nhận thấy gọi chúng là mới thì rất chính đáng.

M: Cái Ta cũ là cái Ta của chính ông. Trạng thái đột nhiên xuất hiện, phi nhân duyên, không mang một vết tích nào của cái Ta – ông có thể gọi nó là Thượng đế. Cái không mầm mống, không gốc rễ, cái không đâm chồi, mọc lên, ra hoa và kết quả, cái đột nhiên xuất hiện với tất cả sự huy hoàng một cách kỳ bí và lạ thường, ông có thể gọi cái đó là Thượng đế. Nó hoàn toàn bất ngờ nhưng chắc chắn xảy ra, vô cùng quen thuộc nhưng rất ngạc nhiên, ngoài mọi hy vọng nhưng tuyệt đối chắc chắn. Vì nó vô nhân duyên, nên nó vô chướng ngại. Nó chỉ tuân theo một quy luật duy nhất: quy luật tự do. Bất cứ gì hàm ý một sự liên tục, tiếp nối, một sự trải qua từ giai đoạn này đến giai đoạn khác thì không thể là cái chơn thật. Trong thực tại không hề có một tiến trình nào. Thực tại là chung cuộc, toàn hảo, và phi quan hệ.

H: Làm sao tôi có thể làm cho nó xảy ra?

M: Ông không thể làm gì cho nó xảy ra, nhưng ông có thể tránh tạo ra những chướng ngại. Hãy quan sát tâm ông xem nó xuất hiện như thế nào. Khi quan sát tâm ông, ông phát hiện chính cái Ta của ông là người quan sát. Khi ông đứng bất động, chỉ quan sát, ông sẽ phát hiện chính cái Ta của ông là ánh sáng phía sau người quan sát. Nguồn gốc của ánh sáng thì tối, không biết là nguồn gốc của biết. Chỉ có duy nhất nguồn gốc đó. Quay về với nguồn gốc đó và an trú ở đó. Nó không ở trên trời mà cũng không ở trong hư không trùm khắp. Thượng đế là tất cả những gì vĩ đại và tuyệt vời; còn Ta không là gì cả, không có gì cả, không làm gì cả nhưng tất cả đều từ Ta mà ra – cội nguồn là Ta; gốc rễ, nguyên thủy là Ta.

Khi thực tại bùng nổ trong ông, ông có thể gọi đó là sự chứng nghiệm Thượng đế. Hay, đúng hơn, là Thượng đế chứng nghiệm ông. Thượng đế biết ông khi ông biết chính ông. Thực tại không phải là kết quả của một tiến trình, nó là một vụ nổ. Thực tại chắc chắn ở ngoài tâm, và tất cả những gì ông có thể làm là biết rõ tâm ông. Không phải tâm sẽ giúp ông, nhưng nhờ biết rõ tâm mà ông có thể tránh không để tâm phá hoại ông. Ông phải vô cùng tỉnh táo, nếu không thì tâm ông sẽ lừa ông. Cũng như theo dõi một tên trộm – không phải ông mong cầu tên trộm cho ông cái gì, mà ông không muốn nó lấy gì của ông. Cũng cách đó, ông phải hết sức chú ý đến tâm ông mà không mong cầu ở nó điều chi.

Hoặc, lấy một ví dụ khác. Chúng ta thức và ngủ. Sau một ngày làm việc cơn buồn ngủ kéo đến. Vậy Ta đi ngủ hay sự mất chú ý – đặc tính của trạng thái ngủ – đến với Ta? Hay nói một cách khác – chúng ta thức vì chúng ta đang ngủ. Chúng ta không tỉnh giấc để vào một trạng thái tỉnh thức thật sự. Trong trạng thái thức, thế giới xuất hiện từ vô minh và đưa một người vào trạng thái chiêm bao thức. Cả ngủ và thức đều là những từ ngữ được dùng sai. Chúng ta chỉ chiêm bao. Chỉ người giác ngộ mới biết thức thật và ngủ thật. Chúng ta chiêm bao thấy mình thức, và chúng ta chiêm bao thấy mình ngủ. Cả ba trạng thái chỉ là những tướng trạng khác nhau của trạng thái chiêm bao. Xem tất cả như một giấc chiêm bao tức là giải thoát. Chừng nào còn cho chiêm bao là thực tại thì ông còn là nô lệ của chiêm bao. Bằng sự tưởng tượng rằng ông được sinh ra là người này người kia thì ông trở thành nô lệ cho người này người kia. Bản chất của nô lệ là sự tưởng tượng chính ông như một tiến trình, có quá khứ và tương lai, có lịch sử. Thật ra, chúng ta không có lịch sử, chúng ta không phải là một tiến trình, chúng ta không phát triển, mà cũng không thoái hóa. Xem tất cả như một giấc chiêm bao, và ở ngoài giấc chiêm bao đó.

H: Nghe lời ông thì có lợi lạc gì cho tôi?

M: Ta đang gọi ông trở về với chính ông. Tất cả những gì Ta yêu cầu ông là hãy nhìn chính ông, về hướng chính ông, vào trong chính ông.

H: Để làm gì?

M: Ông sống, ông cảm thọ, và ông tư duy. Bằng cách chú ý đến sự sống của ông, cảm thọ và ý nghĩ của ông, ông sẽ giải thoát ông khỏi chúng. Tính cách con người của ông biến mất và chỉ còn lại nhân chứng. Rồi ông vượt ra khỏi nhân chứng. Đừng hỏi điều đó xảy ra bằng cách nào. Hãy tìm kiếm trong chính ông.

H: Cái gì tạo ra sự khác biệt giữa con người và nhân chứng?

M: Cả hai đều là tướng trạng của ý thức. Trong tướng trạng con người ông tham ái và lo sợ, trong tướng trạng nhân chứng ông không hề bị tác động bởi lạc thú và đau khổ, và không hề bị tác động bởi các sự kiện, ông để chúng đến và đi.

H: Làm sao một người có thể nhập vào trạng thái cao hơn, tức trạng thái nhân chứng thuần túy?

M: Ý thức tự nó không chiếu sáng. Ý thức chiếu sáng nhờ một ánh sáng bên ngoài nó. Sau khi thấy được tính chất chiêm bao của ý thức, hãy tìm cái ánh sáng mà trong đó ý thức xuất hiện, cái ánh sáng cho nó sự hiện hữu. Có nội dung của ý thức và cũng có cái biết nội dung đó.

H: Tôi biết, và tôi biết rằng tôi biết.

M: Quả thế, miễn là cái biết thứ hai hoàn toàn vô điều kiện và không bị tác động bởi thời gian. Quên cái được biết, nhưng nhớ ông là người biết. Đừng luôn luôn chìm đắm trong những kinh nghiệm của ông. Thường xuyên nhớ rằng ông ở bên ngoài người kinh nghiệm, ông bất sinh và bất tử. Khi nhớ như vậy, tính chất của sự biết thuần túy sẽ nổi lên, đó là ánh sáng của tánh biết vô điều kiện.

H: Một người kinh nghiệm thực tại ở điểm nào?

M: Kinh nghiệm thuộc về thay đổi, đến rồi đi. Thực tại không phải là một sự kiện, thực tại không thể được kinh nghiệm. Thực tại không thể được nhận thức theo cùng một phương cách mà sự kiện được cảm nhận. Nếu ông chờ thực tại đến như chờ một sự kiện xảy ra thì ông sẽ chờ đến muôn đời vì thực tại không đến mà cũng không đi. Thực tại được nhận thức chứ không phải được mong đợi. Thực tại cũng không phải là một cái gì đó xảy ra vì có sự chuẩn bị, và dự kiến. Nhưng chính sự mong muốn và tìm kiếm thực tại là động thái, là sự vận hành, và hành vi của thực tại. Tất cả ông có thể làm là nắm vững điều then chốt: Thực tại không phải là một sự kiện nên không bao giờ xảy ra. Bất cứ gì xảy ra, bất cứ gì đến và đi đều không phải là thực tại.

H: Theo ông thực tại thể hiện tự thân trong hành động hơn là trong sự hiểu biết? Hay nó là một loại cảm nhận nào đó?

M: Không phải hành động, cũng chẳng phải cảm nhận, hoặc ý nghĩ thể hiện thực tại. Không hề có cái như là một sự thể hiện của thực tại. Ông đem nhị nguyên vào chỗ hoàn toàn không có. Thực tại chỉ , không còn gì khác. Cả ba trạng thái thức, chiêm bao và ngủ đều không phải Ta, và Ta không ở trong chúng. Khi Ta chết đi, thế giới sẽ nói: “Ôi, Maharaj chết!” nhưng đối với Ta đó chỉ là ngôn từ mà không có nội dung; chúng hoàn toàn vô nghĩa. Thường thì sự sùng bái được thực hiện trước hình ảnh của đạo sư, tất cả diễn ra như thể vị đạo sư thức dậy, đi tắm, ăn, nghỉ, đi dạo rồi trở về, ban phát công đức cho tất cả môn đồ rồi đi ngủ. Dù cho các nghi thức được chú trọng thật tỉ mỉ và chi tiết, nhưng vẫn có một cái gì hư huyễn về chúng. Trường hợp của Ta cũng thế. Tất cả xảy ra như cần thiết, nhưng không có gì xảy ra. Ta làm những gì có vẻ như cần thiết, nhưng cùng lúc đó Ta biết chẳng có gì là cần thiết, và tự thân cuộc đời chỉ là một trò hư giả.

H: Vậy tại sao lại sống? Tại sao thức, ngủ, ăn uống và tiêu hóa – tất cả những sự không cần thiết này – đến và đi?

M: Ta chẳng làm gì cả, tất cả chỉ xảy ra, Ta không mong đợi, không trù tính, Ta chỉ quan sát các sự kiện xảy ra, và biết chúng là hư giả.

H: Ông luôn luôn như thế từ khoảnh khắc đầu tiên của sự giác ngộ?

M: Ba trạng thái vẫn thay phiên như thường lệ – thức, ngủ và thức trở lại, nhưng chúng không xảy ra đối với Ta. Chúng chỉ xảy ra. Đối với Ta chưa bao giờ có gì xảy ra. Có một cái gì đó bất biến, bất di bất dịch, bất khả di chuyển, rắn chắc như đá, bất khả xâm phạm; một khối kiên cố hiện-hữu-ý-thức-an-lạc thuần túy. Ta chưa bao giờ rời khỏi nó, dù đó là cực hình hay tai họa.

H: Nhưng ông ý thức!

M: Có và không. Có sự an lạc – sâu thẳm, bao la, và bất khả lay chuyển. Tất cả các sự kiện vẫn được ghi nhận vào ký ức nhưng chẳng có gì quan trọng. Ta hầu như không biết đến chúng.

H: Nếu tôi hiểu ông đúng thì trạng thái này không đến do sự tu tập.

M: Nó không đến. Nó luôn luôn như thế. Chỉ có sự phát hiện và sự phát hiện rất hốt nhiên. Lúc được sinh ra ông hốt nhiên phát hiện thế giới như thế nào thì Ta hốt nhiên phát hiện sự hiện hữu đích thực của Ta cũng như thế.

H: Có phải nó bị mây mù che lấp và công phu tinh tấn của ông làm cho mây mù tan biến? Khi trạng thái chơn thật trở nên rõ ràng với ông, nó vẫn luôn luôn rõ ràng, hay lại bị che khuất? Trạng thái đó thường hằng hay lúc có lúc không?

M: Hoàn toàn không thay đổi. Dù Ta có làm bất cứ gì, thì nó vẫn có đó như một khối đá – bất động. Một khi đã tỉnh thức thực tại thì ông luôn luôn ở trong thực tại. Một đứa trẻ không trở về dạ con của mẹ nó! Nó là một trạng thái chân phương, nhỏ hơn cái nhỏ nhất và lớn hơn cái lớn nhất. Nó là sự tự chứng nhưng ở ngoài mọi diễn tả.

H: Có cách nào đạt đến nó?

M: Mọi cái đều có thể là phương tiện, với điều kiện là ông chú tâm. Hãy nghiền ngẫm những gì Ta nói và tìm cách hiểu ý nghĩa rốt ráo trong đó là một cách tu tập, đủ phá sập bức tường vô minh. Không có gì làm cho Ta phiền não. Ta không đối kháng với phiền não nên phiền não không ở lại với Ta. Bên bờ của ông có quá nhiều phiền não. Bên bờ của Ta không còn phiền não. Hãy sang bên bờ của Ta. Ông dễ bị phiền não quấy nhiễu, còn Ta thì miễn nhiễm. Dù gì đi nữa, điều cần thiết vẫn là sự quan tâm chân thành. Sự thành khẩn sẽ làm được.

H: Liệu tôi có thể làm được?

M: Dĩ nhiên. Ông có thể sang được bên này. Chỉ cần thành khẩn.

43. Có thể nhận ra vô minh nhưng không thể nhận ra giác ngộ

Hỏi: Thuyết giáo của ông chẳng có gì thay đổi, năm nào cũng thế. Hình như không có tiến triển nào trong những gì ông nói với chúng tôi.

Maharaj: Người đau ốm trong bệnh viện được chữa trị và bình phục. Chữa trị là công việc lập đi lập lại một cách đều đặn, hầu như chẳng có gì thay đổi, nhưng sức khỏe thì không như thế. Thuyết giảng của Ta có thể lập đi lập lại một cách đều đặn, nhưng kết quả của nó lúc nào cũng mới đối với từng người.

H: Giác ngộ là gì? Ai là người giác ngộ? Bằng chỉ dấu nào để nhận ra một Gnani?

M: Giác ngộ không hề có một chỉ dấu khác biệt nào. Chỉ có thể nhận ra vô minh, nhưng không thể nhận ra giác ngộ. Người giác ngộ cũng không tự nhận là một cái gì đặc biệt. Tất cả những ai tuyên bố về sự vĩ đại và tính độc nhất của mình đều không phải là Gnani. Họ nhầm lẫn một sự phát triển khác thường nào đó với giác ngộ. Gnani không có khuynh hướng tự nhận mình là một người giác ngộ. Người giác ngộ xem mình hoàn toàn bình thường, đúng với bản tánh chơn thật của chính mình. Tự xưng mình là một thần linh có quyền năng vô hạn, thông suốt mọi sự và hiện hữu khắp nơi là một biểu hiện rõ ràng của vô minh.

H: Liệu Gnani có thể truyền đạt kinh nghiệm của mình cho một kẻ vô minh? Liệu sự giác ngộ có thể được trao truyền từ người này sang người khác?

M: Có thể chứ. Lời dạy của Gnani có công năng xóa bỏ vô minh và sự tăm tối trong tâm. Lời dạy không quan trọng, nhưng công năng đằng sau lời dạy mới quan trọng.

H: Công năng đó là gì?

M: Công năng của sự tin tưởng, dựa trên sự giác ngộ cá nhân, và chứng nghiệm trực tiếp của chính mình.

H: Một số vị giác ngộ nói rằng phải đạt được, chứ không thể cho. Một người chỉ có thể dạy, nhưng học lại thuộc về riêng mỗi người.

M: Thì cũng thế thôi.

H: Có rất nhiều người tập luyện Yoga trong nhiều năm nhưng không có kết quả. Điều gì có thể là nguyên nhân thất bại của họ?

M: Một số người quá say mê với những trạng thái xuất thần, với ý thức trong tình trạng trống vắng. Nếu không ý thức trọn vẹn thì làm sao có thể có tiến bộ?

H: Rất nhiều người tu tập pháp định Samadhi. Trong Samadhi ý thức rất mãnh liệt, nhưng họ vẫn không đạt kết quả gì.

M: Họ mong đợi những kết quả gì? Vì sao giác ngộ lại là kết quả của một cái gì đó? Cái này đưa đến cái kia, nhưng sự giác ngộ không phải là một cái gì đó bị ràng buộc bởi các tương quan nhân quả. Giác ngộ hoàn toàn ở mọi tương quan nhân quả. Nó ở ngay trong cái Ta. Hành giả Yogi biết rất nhiều điều kỳ diệu, nhưng không biết gì về cái Ta. Người giác ngộ trông rất bình thường và cảm thấy rất bình thường, nhưng biết rất rõ cái Ta.

H: Có rất nhiều người cố gắng một cách tha thiết để hiểu rõ chính mình, nhưng kết quả rất hiếm. Cái gì có thể là nguyên nhân?

M: Họ chưa truy tìm nguồn gốc của sự hiểu biết một cách đúng mức, họ chưa thực sự biết rõ cảm thọ, cảm xúc và ý nghĩ của chính mình. Điều này có thể là một nguyên nhân của sự trì trệ. Nguyên nhân khác: một số tham ái vẫn còn.

H: Tiến bộ hay thoái bộ trong tu tập là điều tất nhiên. Người tìm đạo nhiệt thành vẫn gắng sức đi tới bất chấp mọi chướng ngại. Bậc giác ngộ có thể giúp gì cho một người tìm đạo như thế?

M: Nếu tha thiết, người đi tìm có thể nhận được ánh sáng. Ánh sáng dành cho tất cả và luôn luôn có đó, nhưng người đi tìm thì chẳng có bao nhiêu, và trong số ít người đó những người sẵn sàng lại càng hiếm hoi. Sự chín mùi của trái tim và tâm thức là vô cùng cần thiết.

H: Sự giác ngộ của ông do tinh tấn mà có, hay do công đức của Tôn sư?

M: Giáo pháp là của Tôn sư, tín tâm là của Ta. Tín tâm của Ta đối với Tôn sư làm cho Ta tin lời ngài là đúng thật, Ta đi sâu vào lời ngài nói, sống lời ngài nói, và bằng cách đó Ta đã nhận ra cái Ta là. Con người và lời lẽ của Tôn sư làm cho Ta tin tưởng, và tín tâm của Ta đem lại kết quả.

H: Liệu một Đạo sư có thể trao truyền sự giác ngộ mà không cần đến ngôn từ, tín tâm; như ngay bây giờ, không có một sự chuẩn bị nào?

M: Được chứ, nhưng người nhận đâu? Ông biết đó, Ta rất tương cảm với Tôn sư, Ta tin tưởng ngài đến độ chỉ còn lại rất ít đề kháng trong Ta, nên tất cả đã diễn ra thật dễ dàng và chóng vánh. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Sự lười biếng và bất an thường gây chướng ngại cho đến khi được phát hiện và loại trừ, sự tiến bộ diễn ra rất chậm chạp. Tất cả những người chứng ngộ ngay tại chỗ, chỉ bằng một cái chạm nhẹ, một cái nhìn hay một ý nghĩ, đều là những người đã chín mùi. Những trường hợp như thế thật hi hữu. Đa số cần thời gian để chín mùi. Sadhana làm cho sự chín mùi nhanh hơn.

H: Điều gì làm cho một người chín mùi? Yếu tố gây chín mùi là gì?

M: Dĩ nhiên là sự thành khẩn, một người phải thực sự khao khát. Xét cho cùng, người giác ngộ là người thành khẩn nhất. Dù làm bất cứ gì người giác ngộ đều làm một cách trọn vẹn, không hạn chế mà cũng không dè dặt. Lòng trung thực sẽ đưa ông đến thực tại.

H: Ông có yêu thương thế gian này không?

M: Khi bị đau đớn, ông khóc. Vì sao thế? Vì ông yêu thương chính ông. Đừng giam hãm tình yêu của ông bằng cách giới hạn nó với thân xác; hãy để nó rộng mở. Lúc đó nó sẽ trở thành tình yêu thương tất cả. Khi tất cả mọi sự nhận dạng hư giả về cái Ta bị quẳng đi, cái gì còn lại là tình yêu bao trùm tất cả. Hãy loại bỏ mọi ý tưởng về chính ông, ngay cả ý tưởng ông là Thượng đế. Không một định nghĩa nào về cái Ta là có giá trị.

H: Tôi chán ngấy những hứa hẹn. Tôi ngao ngán chuyện tu tập vì chỉ làm tôi mất thì giờ và công sức mà chẳng được gì. Tôi muốn thực tại ngay đây và bây giờ. Có thể được chăng?

M: Dĩ nhiên là được, miễn là ông thực sự nhàm chán tất cả mọi thứ, kể cả những pháp môn tu tập của ông. Khi ông chẳng mong cầu gì ở thế giới, ở Thượng đế, khi ông không muốn gì, không tìm kiếm gì, không mong đợi gì thì Thực tại Tối thượng sẽ đến với ông mà chẳng cần mời mọc, và thật bất ngờ!

H: Nếu một người bận rộn với đời sống gia đình, và những chuyện thế gian, nhưng tu tập nghiêm túc như được chỉ dạy trong kinh sách, liệu người đó có đạt được kết quả không?

M: Sẽ đạt được kết quả, nhưng người đó sẽ bị kết quả trói buộc như một tổ kén.

H: Nhiều bậc thánh nhân bảo rằng khi một người đã chín mùi và sẵn sàng thì sẽ giác ngộ. Những gì các vị đó nói có thể là sự thật, nhưng chẳng ích lợi gì nhiều. Phải có một con đường thoát ra, không tùy thuộc vào sự chín mùi, tức là cần đến thời gian; cũng không tùy thuộc vào sự tu tập, tức là cần đến tinh tấn.

M: Không thể gọi đó là một con đường, nó gần như là một diệu thuật thì đúng hơn. Mà thậm chí cũng không phải thế. Hãy ở trong trạng thái rộng mở và yên lặng, chỉ thế thôi. Cái mà ông tìm kiếm kề cận với ông đến nỗi không thể có chỗ cho một con đường.

H: Có rất nhiều người vô minh trên thế gian này, còn những bậc giác ngộ chẳng có bao nhiêu. Vì sao vậy?

M: Đừng bận tâm đến tha nhân, mà hãy quan tâm đến chính ông. Chỉ cần biết ông hiện hữu. Đừng bận tâm đến danh xưng, chỉ hiện hữu. Bất cứ danh xưng hay hình tướng nào mà ông gán cho chính mình đều ngăn che bản tánh chơn thật của ông.

H: Tại sao lại ngưng tìm kiếm trước khi giác ngộ?

M: Mong cầu chân lý là mong cầu cao thượng nhất trong các mong cầu, nhưng nó vẫn là một sự mong cầu. Tất cả mọi mong cầu phải được buông bỏ để cho cái thật hiện hữu. Hãy nhớ rằng ông hiện hữu. Đó là vốn luân chuyển của ông. Hãy xoay cái vốn đó, rất nhiều lãi sẽ sinh ra.

H: Vì sao lại có sự tìm kiếm?

M: Đời là một sự tìm kiếm, người ta không thể không tìm kiếm. Khi tất cả mọi sự tìm kiếm chấm dứt, đó là Trạng thái Tối thượng.

H: Vì sao Trạng thái Tối thượng đến và đi?

M: Trạng thái Tối thượng không đến, không đi. Nó hiện hữu.

H: Ông nói từ chứng nghiệm của chính ông?

M: Dĩ nhiên. Đó là một trạng thái phi thời, thường tại.

H: Với tôi nó đến và đi, với ông thì không. Vì sao có sự khác biệt này?

M: Có thể là Ta không còn ham muốn. Hoặc là sự ham muốn cái Tối Thượng của ông chưa đủ mãnh liệt. Chắc hẳn là ông sẽ cảm thấy tuyệt vọng khi tâm ở ngoài tầm với.

H: Tôi phấn đấu suốt đời nhưng chẳng đạt được bao nhiêu. Tôi đọc. Tôi nghe. Tất cả đều vô ích.

M: Nghe và đọc đã trở thành một thói quen với ông.

H: Tôi cũng bỏ rồi. Bây giờ tôi không đọc nữa.

M: Cái mà ông đã bỏ thì bây giờ không còn quan trọng. Cái gì mà ông chưa bỏ? Tìm ra cái đó và bỏ nó đi. Tu tập – Sadhana – là tìm cái để buông bỏ. Hãy buông bỏ cho đến khi ông hoàn toàn rỗng rang.

H: Làm sao một kẻ vô minh lại có thể mong cầu trí tuệ? Một người cần biết đối tượng của sự mong cầu để mong cầu. Khi cái Tối thượng là cái không thể biết thì làm sao nó có thể được mong cầu?

M: Con người chín mùi một cách tự nhiên và trở nên sẵn sàng cho sự giác ngộ.

H: Nhưng yếu tố làm cho chín mùi là gì?

M: Nhớ rõ chính mình, sự biết rõ cái “Ta hiện hữu” làm cho người ta chín mùi rất mãnh liệt và nhanh chóng. Hãy từ bỏ tất cả những ý tưởng về chính ông, chỉ đơn thuần hiện hữu.

H: Tôi chán ngán tất cả những pháp môn và phương tiện, những diệu thuật, kỹ xảo, và tất cả những trò nhào lộn của tâm. Có cách nào cảm nhận thực tại một cách trực tiếp và tức thời?

M: Ngưng dùng đến tâm của ông rồi xem chuyện gì xảy ra. Làm điều duy nhất này một cách rốt ráo. Tất cả chỉ có thế.

H: Lúc còn trẻ, tôi đã từng có những kinh nghiệm lạ lùng – thoáng qua nhưng có thể nhớ được – về không, chỉ không, nhưng hoàn toàn ý thức. Nhưng điều nguy hiểm là sự mong muốn tái tạo lại từ ký ức những khoảng khắc đã qua đi.

M: Tất cả chỉ là tưởng tượng. Trong ánh sáng của ý thức đủ mọi chuyện xảy ra, một người không cần phải cho chuyện gì đó là quan trọng đặc biệt. Cảnh trí của một đóa hoa cũng kỳ diệu như linh ảnh của Thượng đế. Cứ để kệ mọi chuyện như chúng là. Việc gì phải ghi nhớ rồi biến ký ức thành phiền não? Đừng để ý đến chúng, đừng phân chia thành cao, thấp, trong, ngoài, thường và vô thường. Vượt ra khỏi chúng, trở về với nguồn gốc, đến với cái Ta không bao giờ thay đổi, dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Chỗ yếu của ông là ông tin rằng ông đã được sinh ra vào thế giới. Trong thực tế thế giới luôn luôn được tái tạo trong ông và bởi ông. Hãy thấy được tất cả mọi thứ đều xuất phát từ ánh sáng, tức cội nguồn hiện hữu của chính ông. Trong ánh sáng đó ông sẽ tìm thấy tình yêu và năng lượng vô tận.

H: Nếu tôi là ánh sáng đó, tại sao tôi không biết?

M: Muốn biết, ông cần một cái tâm biết, một cái tâm có khả năng biết. Nhưng tâm ông lúc nào cũng chạy, không bao giờ tĩnh lặng, không bao giờ phản chiếu đầy đủ. Làm sao ông thấy được mặt trăng với tất cả vẻ đẹp lộng lẫy khi mắt ông bị bệnh tật ngăn che?

H: Liệu chúng ta có thể bảo rằng mặt trời tạo ra cái bóng, nhưng một người không thể nhìn thấy mặt trời trong cái bóng. Người ấy phải quay lại.

M: Một lần nữa, ông lại đề cập đến bộ ba: mặt trời, thân và bóng. Trong thực tế không hề có một sự phân chia như thế. Những gì Ta đang nói chẳng liên quan gì đến nhị nguyên hay tam nguyên. Đừng hình dung và ngôn từ hóa. Chỉ thấy và hiện hữu.

H: Tôi có phải thấy, để ?

M: Thấy cái ông là. Đừng hỏi ai khác, đừng để người khác bảo ông về chính ông. Hãy nhìn vào trong và thấy. Tất cả các đạo sư chỉ có thể nói với ông là như thế. Chẳng cần phải tìm cầu hết đạo sư này đến đạo sư khác. Tất cả các giếng đều có cùng một thứ nước. Ông chỉ cần lấy nước từ giếng nào gần nhất. Trường hợp Ta, nước ở trong Ta, và Ta là nước.

44. “Ta là” thì thật, tất cả những cái khác chỉ là suy luận

Maharaj: Người nhận thức thế giới có trước thế giới, hay xuất hiện cùng với thế giới?

Hỏi: Thật là một câu hỏi lạ lùng! Vì sao ông lại đặt những câu hỏi như thế?

M: Nếu không biết câu trả lời đúng ông sẽ không tìm được sự an lạc.

H: Khi tôi thức dậy sáng nay, thế giới đã có sẵn, chờ đợi tôi. Chắc chắn là thế giới phải xuất hiện trước. Tôi cũng xuất hiện nhưng sau thế giới rất nhiều, có sớm lắm thì chỉ vào lúc tôi sinh ra. Thân xác là phương tiện trung gian giữa tôi và thế giới. Nếu không có thân xác thì không có tôi mà cũng chẳng có thế giới.

M: Thân ông xuất hiện trong tâm ông, tâm ông là nội dung ý thức của ông. Ông là nhân chứng bất động của giòng tâm thức, giòng tâm thức đó thay đổi không ngừng nhưng nó không thể nào thay đổi được ông. Tính bất biến của chính ông hiển nhiên đến độ ông không để ý đến nó. Hãy quan sát kỹ chính ông thì tất cả những hiểu lầm và ngộ nhận sẽ tan biến. Cũng như tất cả thủy vi sinh vật đều ở trong nước, chúng không thể có nếu không có nước, thì toàn thể vũ trụ đều ở trong ông và không thể hiện hữu nếu không có ông.

H: Chúng ta gọi cái đó là Thượng đế.

M: Thượng đế chỉ là một ý tưởng trong tâm ông. Cái thật là ông. Điều duy nhất mà ông biết chắc chắn: “Ta hiện hữu ở đây và bây giờ.” Lấy đi cái “ở đây và bây giờ” cái “Ta hiện hữu” vẫn còn, bất khả xâm phạm. Thế giới tồn tại trong ký ức, ký ức xuất hiện trong ý thức, ý thức tồn tại trong tánh biết, và tánh biết là sự phản chiếu của ánh sáng trên mặt nước của sự tồn tại.

H: Tôi vẫn không thể hiểu được vì sao thế giới có thể ở trong tôi, trong khi điều ngược lại – “Tôi ở trong thế giới” thì quá hiển nhiên.

M: Thậm chí nói rằng “Ta là thế giới, thế giới là ta” cũng là một biểu hiện của vô minh. Nhưng khi nhớ rõ tính đồng nhất của Ta với thế giới và xác định nó trong cuộc sống thì một sức mạnh sinh khởi trong Ta, sức mạnh đó tiêu diệt vô minh, thiêu hủy vô minh một cách rốt ráo.

H: Nhân chứng của vô minh có tách biệt với vô minh? Không phải khi nói rằng: “Ta vô minh” cũng là một phần của vô minh?

M: Dĩ nhiên. Ta có thể nói một cách đúng thật là: “Ta hiện hữu,” tất cả những gì còn lại đều là suy luận. Nhưng suy luận đã trở thành một thói quen. Hãy từ bỏ mọi thói quen trong suy nghĩ và thấy. Ý thức “Ta hiện hữu” là biểu hiện của một nguyên nhân sâu kín, ông có thể gọi nguyên nhân đó là Ta, là Thượng đế, là Thực tại hay bất cứ danh xưng nào. Cái “Ta hiện hữu” ở trong thế giới, nhưng nó là chìa khóa để mở cánh cửa ra ngoài thế giới. Mặt trăng nhảy múa trên nước trông như ở trong nước, nhưng được tạo ra bởi mặt trăng trên trời, chứ không phải bởi nước.

H: Tôi vẫn không nắm bắt được ý chính. Đành rằng thế giới trong đó tôi sống, đi lại và có sự hiện hữu của tôi là do chính tôi tạo ra; nó là một phóng ảnh, là sự tưởng tượng của chính tôi chiếu lên cái thế giới không biết, thế giới như nó là, thế giới của “cái tuyệt đối”, dù cái đó là bất cứ gì. Thế giới do chính tôi tạo ra có thể rất khác với cái tối thượng, hay thế giới thật, cũng như màn ảnh xi nê thì không phải là phim ảnh phóng chiếu lên nó. Tuy nhiên cái thế giới tuyệt đối đó tồn tại, hầu như không tùy thuộc vào chính tôi.

M: Gần như thế, thế giới của Thực tại Tuyệt đối – mà trong đó tâm ông phóng chiếu cái thế giới hư giả và tương đối này – không tùy thuộc vào chính ông, vì lý do rất đơn giản: nó là chính ông.

H: Thế không phải có sự mâu thuẫn trong ngôn từ? Làm sao sự không tùy thuộc lại có thể chứng minh được tính đồng nhất?

M: Hãy tìm hiểu động thái của sự thay đổi thì ông sẽ thấy. Cái có thể thay đổi – trong khi ông không thay đổi – thì được cho là không tùy thuộc vào ông. Còn cái không thay đổi thì phải là một với bất cứ cái gì khác cũng không thay đổi. Vì, nhị nguyên hàm ý tương quan qua lại, mà tương quan qua lại có nghĩa là thay đổi. Nói một cách khác, cái tuyệt đối vật chất và cái tuyệt đối tinh thần, cái hoàn toàn khách quan và cái hoàn toàn chủ quan là đồng nhất, cả về bản chất lẫn tánh thể.

H: Cũng giống như trong một cuốn phim ba chiều, ánh sáng tạo nên màn ảnh của chính nó.

M: So sánh cách nào cũng được. Nhưng điểm chính yếu cần nắm bắt là: Ông đã phóng chiếu lên chính ông một thế giới do ông tưởng tượng, dựa vào ký ức, tham ái và lo sợ, và ông đã tự giam hãm mình trong đó. Hãy đập tan sự u mê và giải thoát.

H: Làm thế nào để đập tan sự u mê?

M: Hãy khẳng định tính bất tùy thuộc của ông trong ý nghĩ và hành động. Xét cho cùng, tất cả đều bám víu vào lòng tin trong chính ông, vào sự tin tưởng rằng những gì ông thấy và nghe, tư duy và cảm thọ đều là thật. Tại sao không đặt câu hỏi về lòng tin của ông? Chẳng có gì nghi hoặc rằng thế giới này được chính ông tô vẽ lên màn ảnh của ý thức, và nó hoàn toàn là thế giới riêng tư của ông. Chỉ có ý thức “Ta hiện hữu” tuy ở trong thế giới nhưng lại không thuộc về thế giới. Không thể nào bằng cố gắng của lý luận, hay trí tưởng tượng mà ông có thể biến cái “Ta hiện hữu” thành “Ta không hiện hữu.” Trong khi phủ nhận sự hiện hữu của chính ông thì ông đã tự khẳng định nó. Một khi nhận ra rằng thế giới chỉ là phóng ảnh của chính ông thì ông thoát ra khỏi thế giới. Ông chẳng cần phải giải thoát ông ra khỏi một thế giới mà tự thân nó không tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của ông! Dù bức tranh đẹp xấu thế nào, ông vẫn là người vẽ ra nó chứ không phải ông tùy thuộc vào nó. Nên nhớ rằng chẳng có ai áp đặt nó lên ông, mà do thói quen của ông cho tưởng tượng là có thật. Thấy tưởng tượng là tưởng tượng thì không còn sợ hãi.

Cũng như mầu sắc của tấm thảm này hiển hiện nhờ ánh sáng, nhưng ánh sáng thì không phải mầu sắc; thế giới này được ông tạo ra nhưng ông không phải là thế giới.

Ông có thể gọi cái tạo ra và duy trì thế giới là Chúa, là Thượng đế, nhưng tối hậu ông vẫn là bằng chứng xác minh Thượng đế tồn tại, thay vì ngược lại. Vì, trước khi bất cứ câu hỏi nào về Thượng đế được đặt ra thì phải có ông để đặt câu hỏi.

H: Thượng đế là một kinh nghiệm trong thời gian, còn người kinh nghiệm thì vô thời.

M: Ngay cả người kinh nghiệm cũng là thứ yếu. Chính yếu vẫn là sự mênh mông vô hạn của ý thức, cái khả năng vô tận, cái tiềm năng vô biên của tất cả những gì đã là, đang là, và sẽ là. Khi nhìn bất cứ gì, ông đều thấy cái tối hậu, nhưng ông lại tưởng tượng rằng ông thấy một đám mây, hay một cái cây.

H: Hãy học cách nhìn mà không tưởng tượng, nghe mà không xuyên tạc, chỉ thế thôi. Hãy chấm dứt gán ghép danh xưng, hình tướng cho cái hoàn toàn vô danh xưng, vô hình tướng; hãy nhận ra rằng mọi trạng thái nhận thức đều chủ quan, có nghĩa là bất cứ gì được thấy, nghe, sờ mó, nếm ngửi, cảm thọ, hay tư duy – được mong đợi hay tưởng tượng – đều ở trong tâm chứ không phải ở trong thực tại, lúc đó ông sẽ chứng nghiệm sự an lạc và vô úy.

Ngay cả ý thức “Ta hiện hữu” gồm có ánh sáng thuần túy và ý thức hiện hữu. Cái “Ta” vẫn có đó dù cho không có “hiện hữu.” Ánh sáng thuần túy cũng thế, nó vẫn có đó dù ông có nói “Ta” hay không. Biết được ánh sáng thuần túy đó thì không bao giờ ông có thể mất nó. Tính hiện hữu trong hiện hữu, tánh biết trong ý thức, sự hiểu biết trong mỗi kinh nghiệm thì không thể mô tả được, nhưng hoàn toàn có thể tiếp cận được, vì không còn cái gì khác.

H: Ông nói về thực tại một cách trực tiếp – như là nguyên nhân đầu tiên, trùm khắp, thường tại, bất diệt, biết rõ tất cả, là nguồn năng lực của tất cả. Nhiều đạo sư khác không bao giờ bàn về thực tại. Họ bảo rằng thực tại ở ngoài tâm, trong khi mọi bàn luận đều ở trong phạm trù của tâm, tức là ngôi nhà của sự hư giả. Phương cách của họ là phủ định, họ chỉ ra cái hư giả và thoát ra khỏi cái hư giả để vào cái thật.

M: Sự khác biệt chỉ ở trong ngôn từ. Khi nói về cái thật, Ta nói nó là cái bất hư giả, vô xứ, vô thời, vô nhân duyên, vô thủy và vô chung. Rốt cuộc thì cũng thế. Ngôn từ chẳng quan trọng, miễn là nó đưa đến sự giác ngộ. Đẩy hay kéo một cái xe thì có gì quan trọng, miễn là ông làm nó chuyển động. Có khi ông bị thu hút bởi thực tại, và có khi ông cảm thấy bị xô đẩy ra khỏi cái hư giả; chúng là những trạng thái thay đổi nhau,cả hai đều cần thiết cho sự giải thoát hoàn toàn. Ông có thể đi con đường này hay con đường khác – nhưng mỗi lần ông đi nó đều là con đường đúng vào lúc đó; hãy đi một cách nhiệt tình, đừng phí thời gian nghi ngờ hay chần chờ do dự. Có nhiều loại thức ăn để nuôi lớn một đứa trẻ, nhưng hành động ăn thì như nhau. Về mặt lý thuyết – tất cả mọi phương cách đều tốt. Trong thực hành, và vào một lúc nhất định nào đó, ông chỉ có thể đi theo một con đường. Không sớm thì muộn chắc chắn ông sẽ nhận ra rằng nếu thực sự muốn tìm, ông phải đào một nơi duy nhất: bên trong.

Cái mà ông tìm kiếm – sự hiện hữu – biết được cái Ta của ông, và sự an lạc vĩ đại đi cùng với nó thì cả thân lẫn tâm đều không thể cho ông.

H: Chắc chắn mỗi phương cách đều có giá trị và hiệu nghiệm riêng.

M: Trong mỗi trường hợp giá trị là ở chỗ đưa ông đến với sự cần thiết phải tìm kiếm bên trong. Đùa giỡn với nhiều phương cách khác nhau có thể là do ngần ngại đi vào bên trong, lo sợ phải từ bỏ ảo tưởng mình là một cái gì đó hay một ai đó riêng biệt. Muốn tìm nước ông không cần phải đào nhiều hố cạn khắp nơi, mà chỉ cần đào thật sâu ở một chỗ. Tương tự như thế, muốn tìm ra cái Ta của ông thì ông phải khám phá chính ông. Khi nhận ra rằng ông là ánh sáng của thế giới thì ông cũng nhận ra ông là tình yêu thế giới, vì biết là yêu và yêu là biết.

Trong tất cả các tình cảm, lòng yêu thương chính mình đến trước tiên. Tình yêu của ông đối với thế giới chỉ là phản ảnh tình yêu của ông đối với chính ông, vì thế giới của ông là sự sáng tạo của chính ông. Ánh sáng và tình yêu thì không của riêng ai, nhưng cả hai được phản chiếu trong tâm ông thành sự biết chính mình và ước muốn chính mình tốt lành. Chúng ta luôn luôn thân mật với chính mình, nhưng không thường xuyên hiểu biết. Yogi là người kết hợp thiện ý với trí tuệ.

45. Cái gì đến và đi thì không có thực thể

Hỏi: Tôi đến để được thân cận ông, hơn là nghe ông nói. Những gì nói ra được bằng lời lẽ thì rất ít, còn truyền đạt trong im lặng thì rất nhiều.

Maharaj: Trước tiên là lời lẽ, rồi đến im lặng. Một người cần phải chín mùi mới cảm nhận được sự im lặng.

H: Liệu tôi có thể sống trong im lặng?

M: Việc làm vô vị kỷ đưa đến sự im lặng, vì khi hành động vô vị kỷ ông chẳng cần nhờ đến ai. Vì không màng đến kết quả, ông sẵn sàng hành động với phương tiện thiếu thốn nhất. Ông chẳng cần phải có nhiều năng khiếu và được trang bị đầy đủ. Mà ông cũng chẳng cần được công nhận hay trợ giúp. Ông chỉ làm những gì cần làm, phó mặc thành công và thất bại cho cái không biết, vì mọi chuyện đều được tạo nên bởi vô số yếu tố, mà nỗ lực của ông chỉ là một. Nhưng tâm thức và trái tim con người kỳ diệu đến nỗi cái bất khả vẫn có thể xảy ra một khi ý chí của con người và tình yêu kết hợp với nhau.

H: Khi việc mình làm là xứng đáng thì kêu gọi giúp đỡ có gì là không đúng?

M: Sự cần thiết phải kêu gọi giúp đỡ ở đâu? Nó chỉ chứng tỏ sự yếu đuối và lo âu. Cứ tiếp tục hành động, và cả vũ trụ sẽ cùng hành động với ông. Xét cho cùng thì ý nghĩ làm điều đúng đến với ông từ cái không biết. Cứ phó mặc kết quả cho cái không biết, chỉ cần làm những động tác cần thiết. Ông chỉ là một mắt xích trong chuỗi dài của những tương quan nhân quả. Về cơ bản, tất cả chỉ xảy ra trong tâm. Khi ông hết lòng và kiên quyết làm một cái gì đó thì nó sẽ xảy ra, vì chức năng của tâm là làm cho mọi chuyện xảy ra. Trong thực tại không có gì là vắng thiếu, và không có gì được cần đến; tất cả mọi việc làm chỉ xảy ra trên bề mặt. Tận đáy sâu là sự an lạc hoàn toàn. Tất cả những vấn đề của ông sinh khởi là vì ông đã xác định chính ông và do đó giới hạn chính ông. Khi ông không còn nghĩ rằng ông là thế này, thế nọ thì tất cả mọi xung đột chấm dứt. Mọi cố gắng làm một cái gì đó về những phiền não của ông chắc chắn sẽ thất bại, vì cái gì được tạo ra bởi tham ái chỉ có thể được hóa giải bằng sự thoát ra khỏi tham ái. Ông tự đóng khung trong thời gian và không gian, dồn ép chính ông vào một kiếp sống và thể tích của một thân xác, vì thế ông đã tạo ra không biết bao nhiêu xung đột về sống và chết, lạc thú và đau khổ, hy vọng và sợ hãi. Ông không thể đoạn trừ phiền não mà không từ bỏ mọi ảo tưởng.

H: Con người thì tự nhiên là hữu hạn.

M: Không hề có cái gì là một con người. Chỉ có những hạn chế và hữu hạn. Tổng hợp tất cả những hạn chế và hữu hạn là định nghĩa về con người. Ông cho rằng ông biết được ông khi ông biết được cái mà ông là. Nhưng ông không bao giờ biết được ông là ai. Con người chỉ có vẻ như là, cũng như khoảng không bên trong cái hũ thì có vẻ có hình dáng, thể tích và mùi của cái hũ. Hãy thấy được rằng ông không phải cái mà ông tin ông là. Hãy dùng tất cả sức lực của ông để chống lại ý tưởng ông là một cái gì có thể đặt tên và mô tả được. Ông không phải cái đó. Từ bỏ lối suy nghĩ cho rằng ông là thế này hay thế nọ. Chẳng có con đường nào khác đưa ông ra khỏi sự khốn khổ mà ông đã tạo ra cho chính ông bằng sự chấp nhận mù quáng, không tra vấn. Đau khổ là một sự kêu gọi để được hiểu, tất cả mọi đau khổ cần phải được tìm hiểu. Đừng lười suy nghĩ.

H: Hành động là cốt lõi của thực tại. Vô hành thì vô hạnh. Cùng với tư duy thì phải làm một cái gì đó.

M: Làm một cái gì đó trong thế gian này thì thật là khó, đừng làm cái gì đó không cần thiết thì lại càng khó hơn.

H: Đối với con người, quan niệm Ta là tất cả có vẻ như bất khả.

M: Ông biết được những gì về chính ông? Ông chỉ có thể là cái mà ông là trong thực tế; ông chỉ có vẻ là cái mà ông không là. Ông chưa bao giờ lìa xa sự toàn hảo. Mọi ý tưởng về sự cải thiện chính mình chỉ mang tính quy ước và ngôn từ. Cũng như mặt trời không biết đến bóng tối, thì cái Ta không hề biết cái không phải cái Ta. Chính tâm, vì biết cái khác, nên trở thành cái khác. Mà tâm không gì khác hơn là cái Ta. Chính cái Ta trở thành cái khác – cái không phải cái Ta – nhưng vẫn là cái Ta. Tất cả những cái khác chỉ là giả. Cũng như một đám mây che khuất mặt trời nhưng không hề ảnh hưởng đến mặt trời thì cái giả có thể ngăn che thực tại nhưng không thể hủy diệt thực tại. Ngay chính cái ý tưởng hủy diệt thực tại tự nó là điều khôi hài; người hủy diệt bao giờ cũng thật hơn là cái bị hủy diệt. Thực tại là người hủy diệt tối hậu. Mọi phân biệt, mọi chia ly và ngăn cách đều sai lầm. Tất cả là một – đây chính là giải pháp tối hậu cho mọi xung đột.

H: Vì sao chúng tôi không tiến bộ mặc dù được rất nhiều trợ lực và chỉ giáo?

M: Chừng nào chúng ta còn tưởng tượng rằng mình là những tính cách cá nhân riêng biệt, khác biệt nhau, thì chúng ta không thể nắm bắt được thực tại, tức là cái thiết yếu phi nhân cách. Trước tiên chúng ta phải biết mình chỉ là nhân chứng, là trung điểm quan sát vô xứ vô thời, tiếp đến là nhận ra được đại dương mênh mông của tánh biết thuần túy, vừa là tâm vừa là vật, và ở ngoài cả hai.

H: Dù cho có ở trong thực tại, tôi vẫn cảm thấy mình là một con người nhỏ bé và riêng biệt, là cái một trong cái nhiều.

M: Ông – một con người – là do ảo tưởng về không gian và thời gian; ông tưởng tượng mình ở vào một điểm nào đó choán một thể tích nào đó; tính cách cá nhân của ông là do ông tự đồng hóa mình với thân xác. Ý nghĩ và cảm thọ của ông tồn tại trong một chuỗi các diễn tiến, kéo dài trong thời gian, làm cho ông tưởng tượng là chính ông, vì có ký ức nên có một khoảng thời gian. Trong thực tế thời gian và không gian tồn tại trong ông; ông không tồn tại trong chúng. Chúng chỉ là những tướng trạng của nhận thức, nhưng chúng không phải là duy nhất. Thời gian và không gian cũng như chữ viết trên giấy; giấy thì thật, chữ viết chỉ là quy ước. Ông bao nhiêu tuổi?

H: Bốn mươi tám!

M: Cái gì khiến ông nói bốn mươi tám? Cái gì khiến ông nói: Tôi ở đây? Những thói quen có tính cách ngôn từ hình thành từ những giả định. Tâm tạo ra thời gian và không gian, rồi cho những gì nó tạo ra là thực tại. Tất cả đều ở đây và bây giờ, nhưng chúng ta không thấy được điều đó. Sự thật là tất cả đều ở trong Ta và bởi Ta. Không còn gì khác. Chính ý nghĩ về “khác” là một thảm họa và bất hạnh.

H: Cái gì là nguyên nhân của sự nhân cách hóa, của sự tự giới hạn trong thời gian và không gian?

M: Cái không tồn tại thì không thể có nguyên nhân. Không hề có cái như một con người riêng biệt. Dù cho theo quan điểm của kinh nghiệm chủ nghĩa, rõ ràng là mỗi một cái đều là nguyên nhân của mỗi một cái, mỗi một cái là như nó là, vì toàn thể vũ trụ là như nó là.

H: Nhưng tính cách con người phải có một nguyên nhân.

M: Tính cách con người hình thành như thế nào? Bởi ký ức. Bởi đồng hóa hiện tại với quá khứ rồi phóng chiếu vào tương lai. Thử nghĩ về chính ông như là cái gì đó thoáng qua, không có quá khứ và tương lai thì tính cách con người của ông biến mất.

H: Thế không phải cái “Ta hiện hữu” còn lại?

M: Từ ngữ “còn lại” không áp dụng được ở đây. “Ta hiện hữu” thì luôn luôn tươi mới. Ông không cần phải nhớ để hiện hữu. Thật vậy, trước khi kinh nghiệm bất cứ gì thì luôn luôn phải có ý thức về sự hiện hữu. Trong hiện tại, hiện hữu của ông bị lẫn lộn với kinh nghiệm. Tất cả những gì ông cần là tháo gỡ hiện hữu ra khỏi mớ bòng bong kinh nghiệm. Một khi đã nhận ra được sự hiện hữu thuần túy của ông, không phải là thế này hay thế nọ thì ông sẽ phân biệt ra nó trong mớ kinh nghiệm, và sẽ không còn bị mê lầm bởi hình tướng và danh xưng.

Tự giới hạn là cốt lõi của tính cách con người.

H: Làm sao tôi trở thành vũ trụ?

M: Ông vũ trụ. Ông không cần và không thể trở thành cái mà ông đã là. Chỉ cần chấm dứt tưởng tượng chính ông là cái cá biệt. Cái gì đến và đi thì không có thực thể. Nó xuất hiện là nhờ có thực tại. Ông biết có thế giới nhưng liệu thế giới có biết ông? Tất cả sự hiểu biết, cũng như tất cả mọi hiện hữu và hỷ lạc, đều từ ông mà ra. Hãy nhận ra rằng ông là cội nguồn vĩnh cửu, và chấp nhận tất cả là của chính ông. Một sự chấp nhận như thế là tình yêu chân thật.

H: Tất cả những gì ông nói nghe rất tốt đẹp nhưng làm sao có thể biến nó thành một lối sống?

M: Chưa bao giờ ra khỏi nhà nhưng ông đã hỏi đường về nhà. Hãy từ bỏ những ý nghĩ sai lầm, tất cả chỉ có thế. Huân tập những ý nghĩ đúng cũng chẳng đưa ông đi đến đâu. Chỉ cần chấm dứt tưởng tượng.

H: Vấn đề không phải là sự chứng đắc, mà là hiểu.

M: Đừng tìm cách hiểu! Chỉ không hiểu sai là đủ. Đừng trông cậy vào tâm để giải thoát. Chính tâm đã đưa ông vào trói buộc. Hãy rốt ráo vượt ra khỏi tâm.

Cái gì không có sự khởi đầu thì không có nguyên nhân. Vấn đề không phải là ông đã biết cái ông là, rồi ông quên nó đi. Một khi biết, ông không thể quên. Vô minh không có sự khởi đầu, nhưng có thể có sự chấm dứt. Chỉ cần hỏi: ai vô minh thì vô minh sẽ tan biến như một giấc chiêm bao. Thế giới đầy những mâu thuẫn, vậy mà ông tìm sự hòa hợp trong thế giới, vì thế giới là sản phẩm của hỗn loạn. Muốn tìm sự an ổn ông phải tìm bên trong. Thế giới chỉ xuất hiện khi nào ông được sinh vào một thân xác. Không có thân – không có thế giới. Trước tiên hãy tìm hiểu xem ông có phải là thân xác hay không. Hiểu về thế giới sẽ đến sau.

H: Những điều ông nói nghe rất thuyết phục, nhưng có ích gì cho một con người riêng biệt, con người đó chỉ biết mình ở trong thế giới và của thế giới?

M: Hàng triệu người ăn bánh mì, nhưng chẳng mấy ai biết về lúa mì. Chỉ những người biết mới có thể làm cho bánh mì ngon hơn. Tương tự như thế, chỉ những ai biết cái Ta, những ai đã nhìn siêu việt thế giới mới có thể làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Côn đức của họ đối với những con người cá thể thật vô lượng, vì họ là nguồn hy vọng cứu vớt duy nhất của các cá nhân. Cái gì ở trong thế giới thì không thể cứu thế giới. Nếu ông thật tình quan tâm cứu giúp thế giới thì ông phải bước ra khỏi nó.

H: Liệu tôi có thể bước ra khỏi thế giới?

M: Ai được sinh ra trước, ông hay thế giới? Chừng nào còn cho rằng thế giới có trước thì ông còn bị ràng buộc bởi thế giới, chừng nào ông nhận ra, không chút nghi hoặc nào, rằng thế giới ở trong ông chứ không phải ông ở trong thế giới thì ông ra khỏi nó. Dĩ nhiên thân xác ông còn ở trong thế giới và của thế giới, nhưng ông không còn bị nó lừa dối. Tất cả mọi kinh điển đều nói rằng trước khi có thế giới thì đã có Tạo hóa. Ai biết Tạo hóa? Người có trước Tạo hóa không ai khác hơn là sự hiện hữu là sự hiện hữu chơn thật của chính ông, nguồn gốc của tất cả thế giới cùng với người tạo ra chúng.

H: Tất cả lý lẽ của ông được gắn bỏ bởi giả thuyết cho rằng thế giới là phóng ảnh của chính ông. Ông công nhận rằng thế giới cá nhân và chủ quan của ông là cái thế giới do các giác quan và tâm đem lại cho ông. Trong ý nghĩa đó, mỗi người chúng ta sống trong một thế giới được hình thành bởi sự phóng chiếu của chính mình. Những thế giới riêng tư này không thể giao tiếp với nhau, chúng nổi lên và biến mất vào cái “Ta hiện hữu” ở tâm điểm của chúng. Nhưng chắc chắn đằng sau những thế giới riêng tư này, phải có một thế giới khách quan chung nhất, mà các thế giới riêng tư chỉ là cái bóng của nó. Ông có phủ nhận sự tồn tại của một thế giới khách quan và chung nhất như thế?

M: Thực tại không phải chủ quan hay khách quan, không phải tâm hay vật, không phải thời gian hay không gian. Những phân chia như thế cần phải có một ai đó – như một trung tâm ý thức tách biệt – để chúng xảy ra với người đó. Nhưng thực tại là tất cả và cũng không là gì cả, nó vừa là cái toàn thể vừa là cái loại trừ, vừa là cái viên mãn vừa là cái trống không, nó hoàn toàn nhất quán, nhưng tuyệt đối nghịch lý. Ông không thể nói về thực tại, ông chỉ có thể mất đi cái Ta của ông trong đó. Khi ông phủ nhận tất cả mọi cái là thực tại thì ông sẽ đến với cái còn lại không thể phủ nhận.

Tất cả mọi luận bàn về giác ngộ chỉ là một biểu hiện của vô minh. Chính tâm tưởng tượng nó không biết rồi mới biết. Thực tại không hay biết gì đến những lập luận quanh co này. Ngay cả cái ý nghĩ cho rằng Thượng đế là Đấng sáng tạo cũng lầm lẫn. Liệu sự hiện hữu của Ta có vì sự hiện hữu khác mà có? Vì Ta hiện hữu, nên tất cả hiện hữu.

H: Làm sao có thể như thế được? Một đứa trẻ được sinh ra vào thế giới, thế giới không thể sinh vào đứa trẻ. Thế giới thì cũ còn đứa trẻ thì mới.

M: Đứa trẻ được sinh vào thế giới của ông. Thế nào, ông được sinh ra vào thế giới, hay thế giới xuất hiện đối với ông? Được sinh ra có nghĩa là tạo nên một thế giới quanh chính ông như một trung tâm. Nhưng có bao giờ ông tạo ra chính ông? Hay có ai đã tạo ra ông? Mỗi người tạo ra một thế giới cho chính mình và sống trong thế giới đó, bị giam cầm trong đó vì sự vô minh của chính mình. Tất cả những gì chúng ta phải làm là phủ nhận nhà tù của chúng ta là thực tại.

H: Cũng như trạng thái thức tồn tại dưới hình thức chủng tử trong lúc ngủ, thì thế giới mà đứa trẻ tạo ra vào lúc chào đời tồn tại trước khi nó được sinh ra. Vậy thì chủng tử thuộc về ai?

M: Nó thuộc về người chứng kiến sinh và tử, nhưng không được sinh ra hay chết đi. Chỉ người đó là chủng tử của sự sáng tạo và cũng là di sản của nó. Đừng bảo tâm xác nhận cái gì siêu vượt nó. Trực tiếp chứng nghiệm là xác nhận duy nhất có giá trị,

46. Biết rõ hiện hữu là an lạc

Hỏi: Nghề nghiệp của tôi là y sĩ. Tôi bắt đầu với khoa phẫu thuật, tiếp tục với khoa bệnh lý tâm thần; tôi cũng viết một vài cuốn sách về y học tâm thần và trị liệu bằng đức tin. Tôi đến gặp ông để học những quy luật của y lý tâm linh.

Maharaj: Khi tìm cách chữa bệnh cho một người, một cách chính xác ông tìm cách chữa cái gì? Sự chữa trị là gì? Khi nào thì ông có thể nói bệnh nhân đã được chữa khỏi?

H: Tôi tìm cách chữa trị thân xác cũng như cải thiện sự liên kết giữa thân và tâm. Tôi cũng tìm cách chữa trị tâm.

M: Ông đã tìm hiểu sự liên kết giữa tâm và thân? Chúng liên kết với nhau ở điểm nào?

H: Tâm ở giữa thân và ý thức bên trong.

M: Thế không phải thân được làm bằng thực phẩm? Liệu có thể có tâm mà không có thực phẩm?

H: Thân được tạo ra và duy trì bởi thực phẩm. Nếu không có thực phẩm tâm trở nên suy yếu. Nhưng tâm không phải thuần thực phẩm. Có một yếu tố chuyển hóa và yếu  tố đó tạo ra tâm trong thân. Yếu tố chuyển hóa đó là gì?

M: Cũng như gỗ tạo ra lửa là thứ không phải gỗ, thân tạo ra tâm là cái không phải thân. Nhưng tâm xuất hiện đối với ai? Ai là người nhận thức những tư duy và cảm thọ – những thứ mà ông gọi là tâm? Có gỗ, có lửa và có cả người thọ dụng lửa. Ai là kẻ thọ dụng tâm? Người thọ dụng cũng do thực phẩm tạo ra, hay không phụ thuộc vào thực phẩm?

H: Người thọ dụng thì không tùy thuộc.

M: Làm sao ông biết? Nói từ kinh nghiệm của ông? Ông không phải thân hay tâm. Vậy làm sao ông biết?

H: Tôi thật sự không biết. Tôi cho là như thế.

M: Chân lý thì thường hằng. Cái thật thì bất biến. Cái gì thì không thật, cái gì thật thì không thay đổi. Thế nào, cái gì ở trong ông không thay đổi? Bao giờ còn có thực phẩm thì còn có thân và tâm. Khi hết thực phẩm, thân xác chết, tâm tan biến. Liệu người quan sát có diệt vong?

H: Tôi đoán là không. Nhưng tôi không có bằng chứng.

M: Ông, chính ông là bằng chứng. Ông không có và không thể có bất cứ bằng chứng nào khác. Ông là chính ông, ông biết chính ông, ông yêu quý chính ông. Bất cứ gì tâm làm, tâm đều làm vì lòng yêu quí cái Ta của chính nó. Chính bản chất của cái Ta là tình yêu. Nó được yêu quý, nó yêu quý và rất đáng yêu quý. Chính cái Ta làm cho thân và tâm trở nên thú vị đến như thế, thân quý đến như thế. Ngay chính sự ân cần chu đáo dành cho tâm và thân cũng từ cái Ta mà ra.

H: Nếu cái Ta không phải thân hay tâm, liệu nó có thể tồn tại mà không có tâm hay thân?

M: Có, nó có thể. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cái Ta hiện hữu không tùy thuộc vào thân và tâm. Nó là sự hiện hữu – tánh biết – an lạc. Biết rõ hiện hữu là an lạc.

H: Có thể với ông đó là kinh nghiệm thực tế, nhưng với tôi thì không. Làm sao tôi có thể đạt đến kinh nghiệm đó? Tôi phải theo phương pháp nào, tôi phải tu tập những gì?

M: Để biết ông không phải là thân hay tâm, ông phải thường xuyên quan sát chính ông; sống nhưng đừng để thân tâm tác động, hoàn toàn lìa xa thân tâm như thể ông đã chết. Điều này có nghĩa ông chẳng mong cầu gì nơi tâm hay thân.

H: Nguy hiểm quá!

M: Ta không bảo ông tự sát. Mà ông cũng không thể tự sát. Ông chỉ có thể giết chết thân xác, nhưng ông không thể chấm dứt diễn tiến của tâm, mà ông cũng không thể khai tử con người mà ông nghĩ ông là con người đó. Chỉ cần thản nhiên. Trạng thái hoàn toàn xa lìa, thản nhiên đối với tâm và thân là bằng chứng rõ ràng nhất cho ông thấy rằng ở tận cùng cốt tủy hiện hữu của ông, ông không phải tâm hay thân. Những gì xảy ra đối với tâm và thân có thể là ở ngoài khả năng thay đổi của ông, nhưng ông có thể hoàn toàn chấm dứt tưởng tượng chính ông là thân và tâm. Dù bất cứ gì xảy ra, hãy nhắc nhở ông rằng chỉ có thân và tâm của ông – chứ không phải chính ông – chịu ảnh hưởng. Càng thành khẩn ghi nhớ những gì cần được ghi nhớ, thì ông càng sớm nhận ra chính ông như ông là, vì ký ức sẽ trở thành kinh nghiệm. Chính thành khẩn làm cho hiện hữu hiển lộ. Cái gì được tưởng tượng và ước muốn mãnh liệt đều trở thành hiện thực – sự nguy hiểm là ở đây và đây cũng là lối thoát.

H: Tôi là con người của y khoa, tôi đã từng nghiên cứu rất nhiều. Tôi áp đặt cho chính mình một kỷ luật nghiêm khắc trong sự tập luyện, và nhịn ăn định kỳ; tôi là người ăn chay.

M: Ông sẵn sàng trả giá nào để tìm ra thực tại? Bằng mọi giá?

H: Về lý thuyết thì tôi sẵn sàng trả bằng mọi giá, nhưng trong đời sống thực tế tôi vẫn thường bị thôi thúc hành xử theo những cách xen vào giữa tôi và thực tại. Tôi bị lòng ham muốn cuốn đi.

M: Hãy gia tăng và mở rộng những ham muốn của ông cho đến khi thực tại mới thỏa mãn được chúng. Sự sai lầm không phải là lòng ham muốn, mà là sự nông cạn và hẹp hòi của nó. Ham muốn là tận tình dâng hiến. Bằng mọi cách hãy tận tình dâng hiến cho trái tim chơn thật, vô biên và vĩnh cửu của hiện hữu. Hãy chuyển hóa lòng ham muốn thành tình yêu. Tất cả những gì ông mong muốn là hạnh phúc. Tất cả những ham muốn của ông, dù là gì đi nữa, đều là những thể hiện sự mong cầu hạnh phúc của ông. Một cách căn bản nhất, ông ước muốn chính ông được tốt lành.

H: Tôi biết rằng tôi không nên…

M: Hãy khoan! Ai bảo ông rằng ông không nên? Tại sao mong muốn hạnh phúc là điều sai trái?

H: Cái Ta phải ra đi, tôi biết.

M: Nhưng cái Ta vẫn có đó. Những ham muốn của ông vẫn có đó. Lòng mong cầu hạnh phúc của ông có đó. Vì sao thế? Vì ông yêu quý chính ông. Bằng mọi cách hãy yêu quý chính ông – một cách sáng suốt. Chỉ có yêu quý chính mình một cách mù quáng mới sai lầm, vì như thế sẽ làm ông đau khổ. Hãy yêu chính ông một cách sáng suốt. Hưởng lạc lẫn khổ hạnh đều có cùng một mục đích: làm cho ông hạnh phúc. Hưởng lạc là con đường mù quáng, khổ hạnh là con đường sáng suốt.

H: Thế nào là khổ hạnh?

M: Không lập lại một kinh nghiệm đã trải qua là khổ hạnh. Tránh làm những gì không cần thiết là khổ hạnh. Không mong chờ lạc thú hay đau khổ là khổ hạnh. Duy trì mọi thứ thường xuyên ổn định là khổ hạnh. Tự thân ham muốn thì chẳng có gì là sai lầm. Chính cuộc đời là sự thôi thúc trưởng thành trong kiến thức và kinh nghiệm.

Chính những sự lựa chọn của ông là sai lầm. Tưởng tượng rằng một vài thứ cỏn con – ăn uống, tình dục, quyền thế, danh vọng – sẽ làm ông hạnh phúc là tự lừa dối chính ông. Chỉ có cái vô biên và sâu thẳm như cái Ta thật của ông mới đem lại cho ông hạnh phúc thật sự và lâu bền.

H: Một cách căn bản, không có gì sai khi ham muốn là sự thể hiện lòng yêu quí cái Ta, nhưng làm thế nào để chế ngự ham muốn?

M: Hãy sống cuộc sống của ông một cách trí tuệ, với tất cả chú ý về cái Ta sâu kín nhất của ông luôn luôn ở trong tâm. Xét cho cùng, ông thật sự muốn gì? Không phải sự toàn hảo, vì chính ông đã toàn hảo. Cái ông tìm kiếm, thể hiện trong hành động, là cái mà ông là. Vì mục đích đó nên ông có thân và tâm. Hãy tiếp nhận chúng và bắt chúng phục vụ ông.

H: Ai là người điều khiển ở đây? Ai là người nhận thân-tâm?

M: Cái tâm đã được thanh tẩy là tôi tớ trung thành của cái Ta. Nó đảm nhận các công cụ, trong cũng như ngoài, và dùng các công cụ đó để phục vụ mục đích của chúng.

H: Mục đích của chúng là gì?

M: Cái Ta có tính cách vũ trụ và mục đích của nó cũng có tính cách vũ trụ. Không hề có gì là cá nhân về cái Ta. Sống một cuộc sống ngăn nắp, nhưng đừng biến nó thành cứu cánh. Nó phải là điểm khởi đầu cho một sự dấn thân cao cả.

H: Theo ông tôi có nên đến Ấn Độ thường xuyên?

M: Nếu thành tâm thì ông chẳng cần bôn ba đây đó. Ông là chính ông ở bất cứ đâu có ông, và ông tạo ra thời tiết của chính ông. Đi lại và vận chuyển không cho ông sự giải thoát. Ông không phải là thân xác, kéo lê thân xác từ nơi này đến nơi khác chẳng đưa ông đến đâu. Tâm ông hoàn toàn tự do ngao du ba cõi – hãy tận dụng tâm ông.

H: Nếu tôi tự do, vì sao tôi lại ở trong thân xác?

M: Ông không ở trong thân xác, thân xác ở trong ông! Tâm ở trong ông. Chúng xảy ra với ông. Chúng có đó vì ông thấy chúng thích thú. Bản tánh của chính ông có khả năng vô biên để thọ dụng. Nó đầy những sự thích thú và cảm xúc. Nó soi sáng tất cả những gì xuất hiện trong tiêu điểm của tánh biết, không loại trừ bất cứ gì. Nó không hề biết đến sự độc ác hay xấu xa; nó hy vọng, tin tưởng, và yêu thương. Những người như ông rằng vì không nhận ra cái Ta thật của chính mình, ông không thấy được biết bao nhiêu điều khác. Ông không phải là thân hay tâm, không phải là nhiên liệu hay lửa. Chúng xuất hiện và biến mất theo quy luật của riêng chúng.

Cái ông là – cái Ta thật của ông – hãy yêu quý nó, và bất cứ gì ông làm, hãy làm cho hạnh phúc của chính ông. Tìm ra nó, biết nó, và yêu quý nó là sự thôi thúc căn bản của ông. Từ vô thủy, ông đã yêu quý ông, nhưng ông chưa bao giờ yêu quý ông một cách sáng suốt. Hãy dùng thân và tâm ông một cách sáng suốt để phục vụ cái Ta, tất cả chỉ có thế. Hãy thành thật với cái Ta của chính ông, yêu quý cái Ta của ông một cách tuyệt đối. Đừng giả vờ yêu thương người khác như yêu quý chính ông. Chỉ khi nào ông đã nhận ra rằng họ là một với chính ông thì lúc đó ông mới yêu quý họ. Đừng giả vờ là cái mà ông không phải, đừng từ chối cái mà ông . Tình yêu tha nhân của ông là kết quả – chứ không phải nguyên nhân – của sự biết chính mình.

Nếu không giác ngộ chính mình thì chẳng có công hạnh nào là công chính. Bao giờ ông biết – không còn một nghi hoặc – rằng chỉ có một dòng sống chảy xuyên suốt tất cả, và ông chính là dòng sống đó thì ông sẽ yêu thương tất cả một cách tự nhiên và tự sinh khởi. Khi nhận ra được chiều sâu và lòng viên mãn của sự yêu quý chính ông thì ông hiểu rằng mỗi một sinh vật và toàn thể vũ trụ đều được dung nhiếp trong cảm xúc của ông. Nhưng khi ông thấy bất cứ gì cũng tách biệt với ông thì ông không thể yêu quý nó, vì ông sợ nó. Sự xa lạ gây nên sợ hãi, và sợ hãi đào sâu thêm sự xa lạ. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Chỉ có sự giác ngộ chính mình mới có thể phá vỡ nó. Hãy thực hiện điều này một cách kiên quyết.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Người dịch: Vũ Toàn

Ảnh: Zac Durant on Unsplash

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x