Trang chủ » Ta là cái đó [60 – 64] – Trong cái Tối thượng, nhân chứng xuất hiện

Ta là cái đó [60 – 64] – Trong cái Tối thượng, nhân chứng xuất hiện

by Hậu Học Văn
350 views

60. Hãy sống với những sự kiện thực tế, đừng sống với những điều hoang tưởng

Hỏi: Ông bảo rằng bất cứ gì ông thấy đều là chính ông. Ông cũng công nhận rằng ông thấy thế giới như chúng tôi thấy. Đây là tờ báo ra ngày hôm nay với tất cả những tin kinh hoàng đang diễn ra. Vì thế giới là chính ông, ông giải thích thế nào về cách hành sử sai lầm này?

Maharaj: Thế giới nào mà ông đang có trong tâm?

H: Thế giới chung của chúng ta, trong đó ông và tôi đang sống.

M: Ông có chắc chắn là ông và Ta đang sống trong cùng một thế giới? Ta không muốn nói đến thiên nhiên, biển cả và đất liền, thực vật và động vật. Những thứ đó không phải là vấn đề – không gian vô biên, thời gian vô hạn, và năng lượng vô tận cũng thế. Đừng nhìn Ta một cách sai lầm qua việc Ta ăn uống, hút thuốc, đọc sách và trò chuyện. Tâm Ta không ở đây, cuộc sống của Ta không ở đây. Thế giới của ông – thế giới của sự tham ái và sự thỏa mãn tham ái, thế giới của lo sợ cùng với sự trốn tránh lo sợ – chắc chắn không phải là thế giới của Ta. Thậm chí Ta cũng không cảm nhận cái thế giới đó ngoại trừ những gì ông nói với Ta về nó. Đó là thế giới chiêm bao của riêng ông, và thái độ của Ta đối với thế giới đó là bảo ông chấm dứt chiêm bao.

H: Chắc chắn là những cuộc chiến tranh và các cuộc cách mạng không phải là chiêm bao. Các bà mẹ đau ốm và những đứa trẻ đói khát không phải là những giấc chiêm bao. Những sự làm giàu phi nghĩa và lợi dụng thì không phải là chiêm bao.

M: Còn gì khác?

H: Một giấc mơ thì không thể chia sẻ được.

M: Trạng thái thức cũng không chia sẻ được. Cả ba trạng thái – thức, chiêm bao, và ngủ – đều chủ quan, cá nhân và riêng tư. Chúng xảy ra và được dung chứa trong nội vi hạt bong bóng li ti trong ý thức, gọi là “Ta.” Thế giới thật ở ngoài cái Ta.

H: Ta hay không phải Ta, các sự kiện thực tế mới là thật.

M: Dĩ nhiên các sự kiện thực tế là thật! Ta sống cùng với cái thật. Ông sống với những điều hoang tưởng, chứ không phải với các sự kiện thực tế. Các sự kiện thực tế thì không va chạm, còn cuộc đời và thế giới của ông đầy những mâu thuẫn. Mâu thuẫn là nhãn hiệu của sự hư giả; cái thật không bao giờ mâu thuẫn với chính nó.

Để ví dụ, ông kêu ca rằng có những kẻ nghèo khó khốn khổ, nhưng không chịu chia sẻ sự giàu có của ông với họ. Ông bận tâm đến chiến tranh ở nước láng giềng, nhưng sẽ chẳng bao giờ để ý nếu nó xảy ra ở xứ sở xa xôi nào đó. Sự thay đổi về cơ nghiệp của cái Ta quyết định các giá trị của ông. “Ta nghĩ,” “Ta muốn,” “Ta phải” được biến thành cái tuyệt đối.

H: Tuy nhiên, sự xấu xa vẫn có thật.

M: Nó không thật hơn ông. Xấu xa là phương cách sai lầm để giải quyết những vấn đề, gây nên bởi sự hiểu biết sai lầm và sử dụng sai lầm. Đây là một cái vòng luẩn quẩn.

H: Có thể nào phá vỡ cái vòng đó?

M: Một cái vòng hư giả thì không cần phải được phá vỡ. Chỉ thấy nó như nó là – không tồn tại – là đủ.

H: Nhưng nó đủ thật để buộc chúng ta khuất phục và cam chịu những điều sỉ nhục và bạo tàn.

M: Điên loạn thì nhiều, tỉnh thức thì ít. Nhưng vẫn còn hy vọng, vì ngay khi nhận ra mình điên loạn thì chúng ta đang trên đường đến với sự tỉnh thức. Nhiệm vụ của Đạo sư là làm cho chúng ta thấy được sự điên rồ trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống làm cho ông có ý thức, còn Đạo sư làm cho ông thấy biết.

H: Dạ thưa, ông không phải người đầu tiên hay người cuối cùng. Từ ngàn xưa đã có nhiều người thâm nhập thực tại, nhưng cuộc sống của nhân loại chẳng có thay đổi bao nhiêu! Các Đấng RamaKrishna, Đức Phật và Đấng Christ đã đến và đi, còn con người vẫn là con người như trước, đắm chìm trong mồ hôi và nước mắt. Các bậc vĩ nhân – mà cuộc đời của họ chúng ta chứng kiến – đã làm được những gì? Ông đã làm được gì, thưa ông, để nhẹ gánh trần lao của nhân thế?

M: Chỉ ông mới có thể tẩy rửa sự độc ác mà chính ông đã tạo ra. Lòng ích kỷ chai đá của chính ông là gốc rễ của sự độc ác. Hãy chỉnh đốn ngôi nhà của ông, rồi ông sẽ thấy việc làm của ông là hoàn tất.

H: Những con người của trí tuệ và tình yêu, xuất hiện trước chúng ta, tu sửa mình để trở thành đạo hạnh, thường với một cái giá rất đắt. Mà kết quả là gì? Một ánh sao băng, dù ngời sáng đến đâu, cũng không làm cho màn đêm bớt tăm tối.

M: Muốn phán xét họ và những gì họ làm thì ông phải trở thành một người trong số họ. Một con ếch trong giếng nước không thể biết đàn chim trên trời.

H: Ông muốn nói rằng giữa tốt và xấu không hề có một bức tường nào?

M: Chẳng có bức tường nào vì không có tốt mà cũng chẳng có xấu. Trong bất cứ tình huống cụ thể nào chỉ có sự cần thiết và không cần thiết. Cái cần đến thì đúng, cái không cần là sai.

H: Ai là kẻ quyết định?

M: Tình thế quyết định. Mỗi tình huống đều là một thách thức, đòi hỏi một phản ứng đúng. Khi phản ứng là đúng, thách thức được đáp ứng và vấn đề được giải quyết. Nếu phản ứng sai, thách thức không được đáp ứng và vấn đề chưa được giải quyết. Chính những vấn đề chưa được giải quyết tạo ra nghiệp của ông. Giải quyết đúng các vấn đề thì ông giải thoát.

H: Ông luôn luôn lái tôi trở về với chính tôi. Liệu không có một giải pháp khách quan nào cho các vấn đề của thế giới?

M: Vấn đề của thế giới được gây ra bởi vô số con người như ông, mà mỗi con người đều chất chứa đầy những tham ái và lo sợ của chính mình. Ai có thể giải thoát ông khỏi quá khứ của ông – dù quá khứ đó có tính cách cá nhân hay xã hội – nếu không phải chính ông? Làm sao ông thực hiện được điều đó, trừ khi ông thấy được sự cần thiết cấp bách: trước tiên là sự hiện hữu của ông phải không còn những tham ái phát sinh từ ảo tưởng? Làm sao ông có thể thực sự giúp người khác, khi chính ông còn cần được giúp?

H: Các bậc cổ đức đã cứu giúp bằng cách nào? Ông giúp bằng cách nào? Không có gì nghi hoặc là một số ít người được hưởng lợi lạc; sự chỉ giáo và gương đạo hạnh của ông có ý nghĩa rất lớn đối với họ, nhưng bằng cách nào ông ảnh hưởng đến nhân loại, tổng thể của sự sống và ý thức? Ông bảo rằng ông là thế giới, thế giới là ông; vậy ông đã tác động được gì vào thế giới?

M: Ông mong đợi tác động gì?

H: Con người thì ngu si, ích kỷ và tàn  ác.

M: Con người cũng có trí tuệ, nhân ái và tử tế.

H: Thế tại sao cái tốt không thắng thế?

M: Có chứ – trong thế giới thật của Ta. Trong thế giới của Ta, ngay cả cái ông gọi là xấu chỉ phục vụ cho cái tốt, và do đó trở nên cần thiết. Cũng giống như mụn nhọt và những cơn sốt thanh lọc các chất bất tịnh trong cơ thể. Bệnh hoạn luôn luôn gây đau đớn, thậm chí còn nguy hiểm, nhưng khi được trị liệu đúng thì sẽ lành.

H: Hay đem lại cái chết?

M: Trong một số trường hợp, cái chết là cách trị liệu tốt nhất. Có khi một cuộc sống còn tệ hơn cái chết, vì cái chết không gì khác hơn một kinh nghiệm khó chịu, dù hình thức có thế nào đi nữa. Vì thế, những người sống mới đáng thương, chứ không phải những người chết. Vấn đề tốt và xấu không tồn tại trong thế giới của Ta. Cái cần thì tốt, cái không cần thì xấu. Trong thế giới của ông, cái đem lại thích thú thì tốt, và cái gây ra đau đớn thì xấu.

H: Thế cái gì là cần thiết?

M: Trưởng thành là cần thiết. Trưởng thành nhanh chóng là cần thiết. Bỏ lại phía sau cái tốt để được cái tốt hơn là cần thiết.

H: Cho sự kết thúc nào?

M: Sự kết thúc ở ngay trong sự bắt đầu. Ông kết thúc ở nơi ông bắt đầu – trong cái Tuyệt đối.

H: Tại sao trở về chỗ tôi đã bắt đầu lại gây ra lắm phiền trược?

M: Phiền trược của ai? Phiền trược nào? Ông có xót thương cho một hạt giống, mà hạt giống đó sẽ mọc lên và phát triển thành một khu rừng hùng vĩ? Liệu ông có phải giết một đứa bé để cứu nó khỏi những hệ lụy của cuộc sống? Có gì sai lầm với cuộc sống, ngày càng nhiều cuộc sống? Hãy tháo gỡ các trở ngại đối với sự phát triển thì tất cả các vấn đề của ông – cá nhân và xã hội, kinh tế và chính trị – sẽ biến mất. Vũ trụ thì toàn hảo như là một tổng thể, và sự phấn đấu của thành phần để đạt đến sự toàn hảo là một phương cách của sự vui sướng. Sẵn sàng hy sinh cái không toàn hảo thì sẽ không còn gì để nói về tốt và xấu.

H: Nhưng chúng ta sợ cái tốt hơn và bám chặt lấy cái xấu hơn.

M: Đó là sự ngu ngốc, gần như điên rồ của chúng ta.

❁ ❁ ❁

61. Tự thân ý thức là vật

Hỏi: Tôi có may mắn suốt đời được thân cận các bậc thánh nhân – Satsang, như vậy đã đủ cho sự giác ngộ chính mình hay chưa?

Maharaj: Điều đó còn tùy sự vận dụng của ông.

H: Tôi được biết công năng giải thoát của Satsang có tính cách tự động. Cũng như giòng sông chuyên chở một người ra cửa biển thì những ảnh hưởng vi tế và thầm lặng của các bậc thánh nhân sẽ đưa tôi đến với thực tại.

M: Những ảnh hưởng đó sẽ đưa ông đến giòng sông, nhưng hành động vượt sông phải là của chính ông. Không thể đạt được hay nắm bắt tự do mà không có ý muốn đạt đến tự do. Ông phải phấn đấu cho sự giải thoát; điều tối thiểu mà ông có thể làm là phát hiện và kiên trì tháo gỡ các chướng ngại. Nếu muốn an lạc ông phải phấn đấu cho sự an lạc. Ông không thể đạt được an lạc bằng cách giữ im lặng suông.

H: Một đứa trẻ chỉ lớn lên. Nó không cần phải lập ra kế hoạch để tăng trưởng, mà nó cũng không có một mô thức nào để theo. Nó cũng không thể tăng trưởng một cách rời rạc, một cái tay ở đây, một cái chân ở kia. Nó tăng trưởng một cách đồng nhất và vô thức.

M: Vì nó không còn tưởng tượng. Ông cũng có thể trưởng thành như thế, nhưng không được say mê với những dự tính và kế hoạch, được tạo ra bởi ký ức và mong cầu. Một trong những tính cách khác thường của một Gnani là người đó không còn bận tâm đến tương lai. Ông bận tâm đến tương lai là do lo sợ đau khổ, và mong cầu lạc thú; đối với Gnani, tất cả đều là phúc lạc – người ấy vui vẻ với bất cứ gì xảy đến.

H: Chắc chắn là có rất nhiều thứ có thể làm cho ngay cả một Gnani cũng cảm thấy khổ sở.

M: Một Gnani có thể gặp nhiều khó khăn nhưng khó khăn không làm cho người ấy đau khổ. Nuôi dưỡng một đứa trẻ từ khi lọt lòng cho đến lúc trưởng thành có vẻ như là một công trình khó nhọc, nhưng đối với bà mẹ thì ký ức về sự khó nhọc là một niềm vui. Chẳng có gì là không đúng với thế giới. Điều không đúng là trong cách ông nhìn nó. Chính sự tưởng tượng của chính ông đã lừa dối ông. Nếu không có tưởng tượng thì không có thế giới. Sự tin tưởng của ông – rằng ông ý thức về một thế giới – chính là thế giới. Thế giới mà ông nhận thức được tạo ra bởi ý thức; cái mà ông gọi là vật chính là tự thân ý thức. Ông là không gian trong đó ý thức di chuyển, là thời gian trong đó ý thức tồn tại, là tình yêu ban phát sự sống cho ý thức. Cắt đứt tưởng tượng và ràng buộc, cái gì còn lại?

H: Thế giới còn lại, tôi còn lại.

M: Đúng, nhưng thế giới sẽ khác đi rất nhiều khi ông thấy nó như nó là, mà không qua tấm màn tham ái và lo sợ.

H: Tất cả những phân biệt – như thực tại và ảo tưởng, trí tuệ và vô minh, thánh nhân và tội nhân – để làm gì? Mọi người đều tìm cầu hạnh phúc, mọi người đều phấn đấu tận tình; mọi người đều là một Yogi, và cuộc đời của người đó là một trường trí tuệ. Mỗi người học những bài học mình cần theo cách riêng của mình. Xã hội chấp nhận một số phương cách này, không chấp nhận những phương cách khác. Không có luật lệ nào áp dụng chung cho mọi nơi và mọi thời.

M: Trong thế giới của Ta, tình yêu là luật duy nhất. Ta không mong cầu tình yêu, Ta ban phát tình yêu. Bản tánh của Ta là thế.

H: Tôi thấy ông sống theo một khuôn mẫu. Buổi sáng ông hướng dẫn một lớp thiền, thuyết giảng và pháp thoại đều đặn; ngày hai lần lễ bái – Puja – và hát đạo ca – Bhajan – vào buổi tối. Ông có vẻ như sinh hoạt theo thời khóa một cách rất tỉ mỉ.

M: Việc lễ bái và hát đạo ca do Ta đặt ra và thấy không có gì trở ngại. Sinh hoạt thường nhật này là do ý muốn của những người tình cờ chung sống với Ta, hoặc đến nghe Ta thuyết giảng. Họ là dân lao động và bị ràng buộc bởi nhiều nghĩa vụ khác nhau, vì thế thời gian được sắp xếp thuận tiện cho họ. Một số các sinh hoạt lập đi lập lại là điều bất khả tránh. Ngay cả thú vật và cây cỏ cũng có thời khóa của chúng.

H: Vâng, chúng ta có thể thấy một sự phối hợp có quy củ trong mọi cuộc sống. Thế ai là người duy trì trật tự? Liệu có một người cai quản ở bên trong, đặt ra các luật lệ và cưỡng chế sự thi hành trật tự?

M: Mọi thứ vận hành theo bản chất của nó. Việc gì phải cần đến một nhân viên cảnh sát? Mỗi một hành động đều tạo ra một phản động, cân bằng và hóa giải hành động. Mọi chuyện xảy ra, nhưng có một sự vô hiệu hóa liên tục, và rốt cục thì như thể là chẳng có gì đã xảy ra.

H: Xin đừng an ủi tôi bằng sự hòa hợp chung cuộc. Các tài khoản bù trừ lẫn nhau, nhưng phần thiệt thòi vẫn thuộc về tôi.

M: Cứ chờ xem. Biết đâu cuối cùng ông lại thu được một lợi nhuận khấm khá đủ để biện minh cho các chi phí đã bỏ ra.

H: Đằng sau tôi là một quãng đường dài, và tôi vẫn thường thắc mắc không biết những sự kiện xảy ra trong đó là tình cờ, hay đã có sẵn một kế hoạch nào đó. Liệu đã có một phương án sắp đặt sẵn trước khi tôi sinh ra để theo đó tôi sống cuộc đời của tôi? Nếu có, ai đã là người thiết kế và ai đã thực hiện phương án đó? Liệu có thể nào có những sai lệch hay lầm lẫn trong khi thực hiện phương án? Nhiều người cho rằng không thể cải sửa được định mệnh, và từng giây phút của cuộc sống là tiền định; nhưng cũng có nhiều người bảo rằng quy luật ngẫu nhiên quyết định tất cả.

M: Ông muốn nghĩ thế nào cũng được. Ông có thể nhận ra một phương án trong cuộc đời ông, hoặc ông chỉ thấy một loạt những ngẫu nhiên. Mọi diễn giải chỉ nhằm thỏa mãn tâm, không nhất thiết phải đúng thật. Thực tại thì không thể định nghĩa được, không thể mô tả được.

H: Này ông, ông lẩn tránh câu hỏi của tôi! Tôi muốn biết ông nhìn vấn đề như thế nào. Nhìn bất cứ đâu chúng ta cũng thấy cơ cấu kỳ diệu của trí tuệ và cái đẹp. Làm sao tôi có thể tin được vũ trụ là vô hình tướng và hỗn loạn? Thế giới của ông, thế giới mà ông sống trong đó, có thể là không có hình tướng, nhưng không nhất thiết phải hỗn loạn.

M: Vũ trụ khách quan có cơ cấu, ổn định và đẹp đẽ. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng cơ cấu và mô thức hàm ý câu thúc và ép buộc. Thế giới của Ta hoàn toàn tự do, mọi thứ trong đó đều tự quyết định, vì thế Ta vẫn thường nói rằng tất cả mọi thứ đều tự xảy ra. Thế giới của Ta cũng ổn định, nhưng sự ổn định đó không được áp đặt từ bên ngoài. Nó đến tự nhiên và lập tức vì tính cách phi thời của nó. Sự toàn hảo không có trong tương lai. Nó có ngay bây giờ.

H: Thế giới của ông có tác động đến thế giới của tôi?

M: Có, chỉ tại một điểm mà thôi – bây giờ. Nó cho thế giới của ông sự hiện hữu nhất thời của nó, một ý thức thoáng qua về thực tại. Giao tiếp được thực hiện trong sự tỉnh thức hoàn toàn. Nó cần một sự chú ý hữu thức nhưng vô ngã, và không có sự cố gắng.

H: Thế không phải chú ý là một thuộc tính của tâm?

M: Đúng, khi tâm tha thiết với thực tại thì nó gây ra sự chú ý. Chẳng có gì sai lầm với thế giới của ông – cho rằng ông tách biệt với thế giới – mới tạo ra bất ổn. Vị kỷ là nguồn gốc của mọi xấu xa.

H: Tôi trở lại với câu hỏi lúc nãy. Trước khi tôi sinh ra, mọi chi tiết cuộc đời tôi được quyết định bởi cái Ta nội tại, hay hoàn toàn là do ngẫu nhiên và tùy thuộc tính di truyền và hoàn cảnh?

M: Kẻ nào tự nhận đã lựa chọn cha mẹ cho chính mình, và quyết định sẽ sống ra sao trong kiếp sau thì kẻ ấy tự biết. Ta biết chính Ta, Ta chưa bao giờ được sinh ra.

H: Tôi thấy ông ngồi trước mặt tôi và đang trả lời các câu hỏi của tôi.

M: Ông chỉ thấy một thân xác, thân xác ấy dĩ nhiên đã được sinh ra và sẽ chết đi.

H: Chính chuyện đời của thân-tâm này là điều tôi muốn biết. Cuộc đời ông được chính ông sắp đặt, hay do một ai khác, hoặc xảy ra một cách ngẫu nhiên?

M: Trong câu hỏi của ông có một cái bẫy. Ta không phân biệt giữa thân xác và vũ trụ. Cái này là nguyên nhân của cái kia, cái này tức cái kia, thật thế. Nhưng Ta hoàn toàn ở ngoài. Ta đã bảo ông là Ta chưa bao giờ được sinh ra, vì sao ông vẫn cứ hỏi Ta đã chuẩn bị gì cho kiếp sau? Ngay khi ông để cho trí tưởng tượng thêu dệt thì ngay lập tức nó dệt ra cả một vũ trụ. Những gì ông tưởng tượng đều không phải, Ta không hề bị ràng buộc bởi những tưởng tượng của ông.

H: Cần phải có trí tuệ và năng lượng để tạo ra và duy trì một thân xác có sự sống. Trí tuệ và năng lượng đó ở đâu mà có?

M: Chỉ có tưởng tượng. Trí tuệ và năng lượng đó đều bị tiêu hao trong trí tưởng tượng của ông. Nó đã thu hút ông trọn vẹn đến nỗi ông không biết chính mình đã lang thang xa rời thực tại đến chừng nào. Rõ ràng là trí tưởng tượng sáng tạo rất phong phú. Vũ trụ này trong một vũ trụ khác được xây dựng trên chính nó. Nhưng tất cả đều ở trong không gian và thời gian, quá khứ và tương lai, tức là những gì không tồn tại.

H: Gần đây tôi có đọc một tường trình về một đứa bé gái đã bị đối xử tàn tệ lúc còn thơ ấu. Nó đã bị hành hạ đến tàn tật và biến dạng. Nó lớn lên trong một viện mồ côi, hoàn toàn cách biệt với môi trường xung quanh. Đứa bé gái này rất thầm lặng, dễ sai bảo, nhưng hoàn toàn lãnh đạm. Một trong những bà xơ trông nom trẻ trong cô nhi viện biết chắc là nó không hề bị chứng chậm phát triển tinh thần, mà chỉ thụ động, vô phản ứng. Một bác sĩ phân tâm học được yêu cầu nghiên cứu trường hợp này. Tuần nào cũng vậy, suốt hai năm trời, vị bác sĩ đến tìm hiểu đứa trẻ, và tìm cách phá vỡ bức tường cô lập. Đứa trẻ rất nhu mì và ngoan ngoãn, nhưng không chú ý đến vị bác sĩ. Ông ta mang đến cho nó một ngôi nhà đồ chơi với đủ các phòng, bàn ghế và đồ đạc; có cả một gia đình bằng búp bê gồm cha mẹ và con cái.

Kết quả là có phản ứng – đứa trẻ bắt đầu để ý. Một hôm những vết thương tâm lý cũ hồi sinh và nổi lên bề mặt. Dần dần nó được chữa khỏi, được giải phẫu để có được khuôn mặt và thân thể bình thường. Sau đó đứa trẻ lớn lên thành một thiếu nữ có năng lực và duyên dáng. Vị bác sĩ đã trải qua năm năm nhưng đã gặt hái kết quả. Vị bác sĩ quả là một Đạo sư! Ông ta không đặt ra các điều kiện mà cũng chẳng nói về sự sẵn sàng hay sự hội đủ các tiêu chuẩn thích hợp. Không một niềm tin, không một hy vọng, mà chỉ có tình yêu, vị bác sĩ đó đã tìm hết cách này đến cách khác, và cuối cùng đã cứu được đứa trẻ.

M: Đúng, đó là một bản tính của một Đạo sư. Đạo sư không bao giờ bỏ cuộc. Nhưng để thành công thì ông ấy không thể gặp quá nhiều đề kháng. Hoài nghi và sự bất tuân phục chắc chắn sẽ gây trì hoãn. Có được sự tin tưởng và tuân phục, vị đạo sư có thể đem lại sự thay đổi tận gốc rễ trong người môn đồ một cách nhanh chóng. Sự hiểu biết sâu sắc của Đạo sư và lòng thành khẩn của môn đồ đều cần thiết. Dù trong tình huống nào đi nữa, cô gái trong câu chuyện của ông đau khổ là vì không có lòng thành khẩn với người khác. Khó nhất vẫn là những kẻ trí thức. Họ nói rất nhiều, nhưng không thực sự nghiêm túc.

Điều ông gọi là giác ngộ chỉ là một cái gì tự nhiên. Khi ông sẵn sàng, Đạo sư của ông sẽ chờ đợi. Sadhana chẳng cần đến dụng công. Khi quan hệ với Đạo sư của ông là đúng mức thì ông tăng tiến. Trên tất cả, hãy tin tưởng Đạo sư. Đạo sư không thể chỉ dẫn ông sai lầm.

H: Ngay cả khi Đạo sư bảo tôi làm một cái gì đó rõ ràng là sai?

M: Cứ làm. Một khất sĩ nọ được Đạo sư bảo phải lấy vợ. Người đó làm theo và cay đắng chịu đựng. Nhưng bốn người con của vị ấy đều là thánh nhân và bậc giác ngộ, những con người vĩ đại nhất ở Maharashtra. Hãy vui vẻ với bất cứ gì đến từ Đạo sư và ông sẽ thăng tiến đến sự toàn hảo mà không cần cố gắng.

H: Thưa ông, ông có cần cầu, mong muốn gì không? Tôi có thể làm bất cứ gì cho ông.

M: Liệu ông có thể cho Ta cái mà Ta không có? Của cải vật chất chỉ cần thiết cho sự thỏa mãn. Nhưng Ta thỏa mãn với chính Ta. Còn cái gì khác mà Ta cần?

H: Chắc chắn khi đói ông cần thức ăn và khi đau ốm ông cần thuốc.

M: Cái đói đem đến thức ăn và sự đau ốm mang đến thuốc uống. Tất cả đều là công việc của tự nhiên.

H: Nếu tôi đem đến một cái mà tôi tin ông cần, liệu ông có nhận không?

M: Tình yêu làm cho ông ngỏ ý, tình yêu đó sẽ khiến Ta chấp nhận.

H: Nếu một người ngỏ ý xây dựng cho ông một tịnh xá thật đẹp thì sao?

M: Bằng mọi cách, cứ để người ấy xây dựng. Cứ để người ấy tiêu pha cả một gia tài, thuê mướn hàng trăm người, và nuôi ăn hàng ngàn người.

H: Đó không phải là một ước muốn?

M: Hoàn toàn không? Ta chỉ yêu cầu người ấy thực hiện một cách đúng mức, không keo kiệt, nửa chừng. Người ấy hoàn thành ước muốn của chính người đó, chứ không phải của Ta. Cứ để người ấy làm cho thật đẹp, và trở nên nổi tiếng trong cõi nhân, thiên.

H: Nhưng ông có muốn tịnh xá đó không?

M: Ta không muốn.

H: Ông sẽ nhận nó chứ?

M: Nếu Ta bị bắt buộc.

H: Cái gì có thể bắt buộc được ông?

M: Tình yêu của những ai đi tìm ánh sáng.

H: Vâng, tôi hiểu được điều ông muốn nói. Bây giờ, làm sao tôi có thể nhập Samadhi – chánh định?

M: Nếu ông ở trong trạng thái đúng, bất cứ gì ông thấy đều đưa ông nhập Samadhi. Xét cho cùng, Samadhi chẳng có gì là khác thường. Khi tâm chuyên chú mãnh liệt, nó trở thành một với đối tượng của sự chuyên chú – người thấy và cái bị thấy trở thành một trong sự thấy, người nghe và cái bị nghe trở thành một trong sự nghe, người yêu và người hay vật được yêu trở thành một trong sự yêu. Mọi kinh nghiệm đều có thể là nền tảng cho Samadhi.

H: Ông có luôn luôn ở trong trạng thái Samadhi?

M: Dĩ nhiên là không. Xét cho cùng, Samadhi là một trạng thái của tâm. Ta ở ngoài mọi kinh nghiệm, ngay cả Samadhi. Ta là kẻ tiêu hao và hủy diệt vĩ đại: Bất cứ gì Ta chạm đến đều tan biến thành không – Akash.

H: Tôi cần nhiều Samadhi để giác ngộ chính mình.

M: Ông có tất cả sự giác ngộ chính mình mà ông cần, nhưng ông không tin điều đó. Hãy can đảm, tin tưởng chính ông, đi tới, nói, hành động; hãy cho sự giác ngộ chính mình một cơ hội để tự chứng tỏ chính nó. Đối với một số người, sự giác ngộ xảy ra một cách không hay biết, nhưng dù sao thì họ vẫn cần đến tính cách thuyết phục. Họ thay đổi nhưng không nhận ra. Các trường hợp không gây chú ý như thế thường là rất khả tín.

H: Liệu một người tin mình giác ngộ, và sai lầm?

M: Dĩ nhiên. Chính cái ý nghĩ “Ta giác ngộ” là một sai lầm. Không hề có “Ta thế này,” “Ta thế nọ” trong Trạng thái Tự nhiên.

❁ ❁ ❁

62. Trong cái tối thượng nhân chứng xuất hiện

Hỏi: Khoảng bốn mươi năm trước Jiddu Krishnamurti có nói rằng chỉ có sự sống, và tất cả mọi bàn luận về tính cách con người và tính cách cá nhân đều không có cơ sở trong thực tế. Ông ấy đã không tìm cách mô tả sự sống, mà chỉ bảo rằng mặc dù sự sống không cần được mô tả, và cũng không thể mô tả nhưng vẫn có thể hoàn toàn kinh nghiệm được, nếu tất cả những chướng ngại đối với sự kinh nghiệm được loại bỏ. Chướng ngại chính nằm trong ý nghĩ của chúng ta về thời gian, và sự lệ thuộc của chúng ta vào thời gian – trong thói quen dự tính một tương lai dựa trên cơ sở của quá khứ. Toàn thể những gì thuộc quá khứ trở thành cái “Ta đã là”, cái được hy vọng cho tương lai trở thành cái “Ta sẽ là” và cuộc sống là một sự nỗ lực không ngừng của sự quá độ từ cái “Ta đã là” sang cái “Ta sẽ là”.

Còn khoảnh khắc hiện tại, cái “bây giờ” thì không được nhìn thấy. Maharaj, ông nói về cái “Ta là”. Liệu nó có phải là một ảo tưởng, giống như “Ta đã là”, và “Ta sẽ là”, hay có một cái gì hiện thực về nó? Và nếu cái “Ta là” cũng là một ảo tưởng thì một người tự thoát khỏi nó bằng cách nào? Chính cái ý tưởng “Ta không còn là “Ta là”” là một điều ngớ ngẩn. Liệu có cái gì thật, vĩnh cửu về cái “Ta là” khác biệt hẳn với cái “Ta đã là”, hay “Ta sẽ là”, là những cái biến đổi theo thời gian, như những ký ức được thêm vào tạo thành những dự tính mới?

Maharaj: Cái “Ta là” hiện tại cũng hư giả như cái “Ta đã là” và cái “Ta sẽ là”. Nó đơn thuần chỉ là một ý nghĩ trong tâm, một ấn tượng được ký ức để lại, và cái tính cách cá biệt mà nó tạo ra là hư giả. Cần phải từ bỏ thói quen dựa giẫm vào cái trung tâm hư giả này. Cái ý tưởng “Ta thấy”, “Ta nghĩ”, “Ta làm” phải biến mất khỏi phạm trù ý thức. Cái còn lại sau khi cái hư giả biến mất, là thật.

H: Thế thì làm to chuyện hủy diệt cái Ta để làm gì? Làm sao cái Ta hủy diệt chính nó? Những trò nhào lộn siêu hình nào có thể làm cho người nghệ sĩ nhào lộn biến mất? Cuối cùng, người nhào lộn sẽ tái xuất hiện, vô cùng hãnh diện về sự biến mất của chính mình.

M: Ông không cần truy lùng cái “Ta là” để giết nó. Ông không thể làm chuyện đó. Tất cả những gì ông cần là lòng thành khẩn mong cầu thực tại. Chúng ta gọi nó là Atma-Bhakti – tình yêu cái Tối thượng, hay Moksha-Sankalpa – sự quyết tâm thoát ra khỏi cái hư giả. Nếu không có tình yêu, và ý chí được cảm hứng bởi tình yêu, thì chẳng làm được gì. Bàn luận suông về thực tại mà chẳng làm gì là rước lấy thất bại cho chính mình. Phải có tình yêu trong mối liên hệ giữa người nói: “Ta là” và người quan sát cái “Ta là” đó. Chừng nào mà người quan sát – tức cái Ta nội tại, cái Ta “cao hơn” còn cho rằng chính mình tách biệt với cái được quan sát, tức cái Ta “thấp hơn” – khinh rẻ nó, lên án nó thì tình thế còn vô vọng. Chỉ khi nào người quan sát – Vyakta – chấp nhận con người – Vyakti – là phóng ảnh hay sự thị hiện của chính nó, và, có thể nói là đem cái Ta vào cái Ta, thì tính nhị nguyên của “Ta” và “cái này” ra đi, và trong sự đồng nhất của bên ngoài với bên trong, Thực tại Tối thượng thị hiện tự thân.

Sự hợp nhất giữa người thấy và cái bị thấy xảy ra khi người thấy ý thức chính mình là người thấy; người thấy không những chú ý đến cái bị thấy – dù sao cũng là chính người thấy – mà còn quan tâm đến hành vi quan tâm, chú ý đến sự chú ý, biết hành vi biết. Biết một cách trìu mến là yếu tố chủ yếu đưa Thực tại vào tiêu điểm.

H: Theo các nhà thông thiên học và huyền học, con người gồm có ba tính cách: tính cách con người, tính cách cá nhân, và tính cách tâm linh. Bên ngoài tính cách tâm linh là thần linh. Tính cách con người thì nhất thời và chỉ có giá trị trong một kiếp. Nó bắt đầu với sự ra đời của thân này và chấm dứt với sự khai sinh của thân sau. Một khi đã chấm dứt thì nó chấm dứt vĩnh viễn; không gì còn lại ngoại trừ một vài bài học cay đắng hay ngọt ngào.

Tính cách cá nhân bắt đầu với con người động vật và chấm dứt với con người toàn vẹn. Sự phân chia giữa tính cách con người và tính cách cá nhân là đặc điểm của nhân tính ngày nay của chúng ta. Một mặt của tính cách cá nhân là sự mong muốn cái chân, thiện, mỹ; mặt kia của nó là cuộc giằng co gay gắt giữa thói quen và tham vọng, lo sợ và tham ái, thụ động và bạo động.

Tính cách tâm linh vẫn còn là một sự trống vắng. Nó không thể thị hiện tự thân trong một môi trường nhị nguyên. Chỉ khi nào tính cách con người tái hợp nhất với tính cách cá nhân và trở nên hữu hạn, nhưng là sự thể hiện đích thực của nó, thì lúc đó ánh sáng, tình yêu, và cái đẹp của tâm linh xuất hiện trong chính chúng.

Ông thuyết giảng về người quan sát, cái được quan sát và nền tảng của sự quan sát – Vyakti, Vyakta, Avyakta. Liệu lý thuyết của ông có phù hợp với quan điểm này không?

M: Có, khi người quan sát – Vyakti – nhận ra sự không tồn tại của mình khi tách ra khỏi cái bị quan sát – Vyakta, Vyakta thấy Vyakti là sự thể hiện của chính nó thì lúc đó sự an lạc và tĩnh lặng của trạng thái Avyakta xuất hiện. Trong thực tế, ba cái là một: Vyakta Avyakta là bất khả phân, còn Vyakti là tiến trình xúc-thọ-tưởng, dựa trên thân xác được tạo thành và nuôi dưỡng bởi ngũ đại.

H: Quan hệ giữa VyakTaAvyakta như thế nào?

M: Làm sao có thể có quan hệ khi hai cái là một? Tất cả những lập luận về tách biệt và quan hệ là do ảnh hưởng xuyên tạc và xấu xa của cái ý tưởng “Ta là thân xác”. Cái Ta bên ngoài – Vyakti – chỉ là phóng ảnh của cái Ta bên trong – Vyakta – lên thân tâm, mà cái Ta bên trong lại là sự thể hiện của Thực tại Tối thượngAvyakta – cái là tất cả mà không là gì cả.

H: Có những Đạo sư không bao giờ nói về cái Ta cao hơn và cái Ta thấp hơn. Họ xem con người như thể chỉ có cái Ta thấp hơn tồn tại. Đức Phật hay Đấng Christ chẳng bao giờ đề cập đến cái Ta cao hơn, cả Jiddu Krishnamurti cũng tránh đề cập đến cái Ta cao hơn. Tại sao thế?

M: Làm sao có thể có đến hai cái Ta trong một thân xác? Cái “Ta hiện hữu” là một. Không hề có cái “Ta hiện hữu cao hơn” và “Ta hiện hữu thấp hơn”. Tất cả mọi trạng thái của tâm đều xảy ra trong tánh biết và có sự đồng hóa cái Ta với những trạng thái đó. Các đối tượng của sự quan sát không phải là những gì chúng xuất hiện, và cái vẻ bề ngoài mà chúng được tiếp xúc với thì không nhất thiết phải là chúng. Nếu ông nghĩ rằng Đức Phật, Đấng Christ hay Krishnamurti nói về con người thì chắc là ông lầm. Các vị ấy biết rất rõ rằng Vyakti, cái Ta bên ngoài, chỉ là cái bóng của Vyakta, cái Ta bên trong; các vị ấy chỉ nói với và nhắc nhở cái Ta bên trong mà thôi. Các vị ấy bảo cái Ta bên trong chú ý đến cái Ta bên ngoài, hướng dẫn nó, giúp nó, và cảm thấy có trách nhiệm với nó; nói tóm lại, là hoàn toàn biết rõ nó. Tánh biết đến từ cái Tối thượng và thẩm nhập cái Ta bên trong; cái gọi là cái Ta bên ngoài chỉ là một phần của hiện hữu mà một người không biết đến. Một người có thể ý thức – vì mọi sinh vật đều ý thức – nhưng không biết. Cái được bao gồm trong tánh biết trở thành cái bên trong và là thành phần của cái bên trong. Ông có thể nói một cách khác: Thân xác là cái Ta bên ngoài, ý thức là cái bên trong, còn cái Tối thượng chỉ được giao tiếp trong tánh biết thuần túy.

H: Ông bảo thân xác là cái Ta bên ngoài. Ông có thân, vậy ông cũng có một cái Ta bên ngoài?

M: Có thể, nếu Ta ràng buộc với thân và cho nó là chính Ta.

H: Nhưng ông biết rõ thân và ông chăm lo những nhu cầu của nó.

M: Ngược lại thì đúng hơn – thân biết Ta và biết các nhu cầu của Ta. Nhưng thật ra cả hai đều không phải. Thân này xuất hiện trong tâm ông; trong tâm Ta không có gì cả.

H: Ông muốn nói ông hoàn toàn không biết rằng ông có một thân xác?

M: Ngược lại, Ta biết rằng Ta không có một thân xác.

H: Tôi thấy ông đang hút thuốc lá.

M: Đúng thế. Ông thấy Ta đang hút thuốc. Hãy tìm ra cho chính ông bằng cách nào ông thấy Ta hút thuốc, và ông sẽ nhận ra một cách dễ dàng rằng chính cái trạng thái tâm “Ta là thân xác” của ông chịu trách nhiệm cho cái ý nghĩ “Tôi thấy ông hút thuốc.”

H: Có thân xác và có chính tôi. Tôi biết thân xác. Ngoài thân xác ra, tôi là cái gì?

M: Không có “Ta” nào ngoài thân xác, mà cũng chẳng có thế giới. Cả ba cùng xuất hiện và biến mất. Nguồn gốc của chúng là ý thức “Ta hiện hữu”. Hãy vượt ra khỏi nó. Ý nghĩ “Ta không là thân xác” đơn thuần chỉ là cái đối trị của ý nghĩ “Ta là thân xác” mà ý nghĩ này thì sai lầm. Cái gì là cái “Ta là”? Nếu ông không biết chính ông, còn cái gì khác mà ông có thể biết?

H: Từ những điều ông nói tôi có thể kết luận rằng nếu không có thân xác thì không thể có giải thoát. Nếu ý nghĩ “Ta không là thân xác” đưa đến giải thoát thì sự có mặt của thân xác là thiết yếu.

M: Rất đúng. Nếu không có thân xác thì làm sao ý nghĩ “Ta không là thân xác” có thể sinh khởi? Ý nghĩ “Ta tự do” cũng sai lầm như ý nghĩ “Ta bị ràng buộc.” Tìm ra cái “Ta ” chung cho cả hai, và vượt ra ngoài.

H: Tất cả chỉ là một giấc chiêm bao.

M: Tất cả chỉ là ngôn từ, chúng có ích lợi gì cho ông? Chính ông vướng mắc trong mạng lưới của định nghĩa ngôn từ và công thức. Hãy vượt ra khỏi các khái niệm và ý tưởng của ông; chân lý được tìm ra trong sự im lặng không còn tham ái và niệm tưởng.

H: Một người phải nhớ là không được nhớ. Thật là một công việc oái oăm!

M: Dĩ nhiên là không thể làm được. Nhưng điều đó phải xảy ra. Nó sẽ xảy ra khi ông thực sự thấy được sự cần thiết của nó. Một lần nữa, lòng thành khẩn là chiếc chìa khóa vàng.

H: Hậu cảnh của tâm tôi lúc nào cũng có tiếng xầm xì. Vô số các ý nghĩ yếu ớt tụ họp thành bầy nhóm và xì xào không ngớt; đám mây bất định hình này luôn luôn lởn vởn với tôi. Ông có như thế không? Trong tâm ông có những gì?

M: Chỗ không có tâm thì không có hậu cảnh của tâm. Ta hoàn toàn ở mặt tiền, không có hậu cảnh. Cái “không” nói, cái “không” còn lại.

H: Không còn ký ức?

M: Không còn ký ức nào của lạc thú hay đau khổ đã qua. Mỗi khoảnh khắc là hoàn toàn mới sinh khởi.

H: Nếu không có ký ức thì ông không có ý thức.

M: Dĩ nhiên Ta có ý thức, và hoàn toàn biết rõ nó. Ta không phải là một khúc gỗ! Giả sử như ý thức và nội dung của nó là một đám mây. Ông ở trong đám mây, còn Ta nhìn đám mây đó. Ông bị mất hút trong đó, không thấy được các đầu ngón tay của ông, còn Ta thấy đám mây và vô số đám mây khác, và cả bầu trời xanh, mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Thực tại là một duy nhất cho cả ông và Ta, nhưng với ông nó là nhà tù còn với Ta nó là nhà.

H: Ông nói về con người – Vyakti, nhân chứng – Vyakta, và cái Tối thượng – Avyakta. Cái nào có trước?

M: Trong cái Tối thượng nhân chứng xuất hiện. Nhân chứng tạo ra con người và nghĩ chính nó tách biệt với con người. Nhân chứng thấy con người xuất hiện trong ý thức, mà ý thức lại xuất hiện trong nhân chứng. Thực hiện việc hợp nhất căn bản này là việc làm của cái Tối thượng. Nó chính là năng lượng đằng sau nhân chứng, cội nguồn mà tất cả từ đó chảy ra. Nó không thể giao tiếp được, trừ khi có sự hợp nhất, tình yêu, và sự tương trợ giữa con người và nhân chứng, trừ khi hành động trong sự hài hòa với hiện hữu và biết. Cái Tối thượng vừa là nhân vừa là quả của sự hài hòa đó. Trong khi nói chuyện với ông, Ta ở trong trạng thái của tính biết vô tư nhưng trìu mến – Turiya. Khi tính biết này quay trở lại với chính nó, ông có thể gọi đó là Trạng thái Tối thượng – TuriyatiTa. Nhưng thực tại căn bản thì ở ngoài tánh biết, ở ngoài ba trạng thái trở thành, hiện hữu và phi hiện hữu.

H: Không hiểu tại sao khi ở đây tâm tôi tranh luận về những đề tài cao siêu và có thể chú tâm đến chúng một cách dễ dàng và thích thú, nhưng khi về nhà tôi nhận thấy mình quên hết những gì đã học được ở đây, tôi băn khoăn, bứt rứt, không tài nào nhớ được bản tánh chơn thật của chính mình dù chỉ một khoảnh khắc. Cái gì có thể là nguyên nhân?

M: Ông trở lại với chính tính trẻ con của ông. Ông chưa thật sự trưởng thành; có những bình diện còn chưa được phát triển vì không được để ý đến. Chỉ cần dành tất cả chú ý vào những gì trong ông còn thô lậu, man khai, bất hợp lý, bất thiện, và những gì còn có tính cách trẻ con, rồi ông sẽ trưởng thành. Chính sự trưởng thành của trái tim và tâm mới là chính yếu. Nó đến một cách dễ dàng khi chướng ngại chính – sự không chú ý, sự mất tỉnh thức – được loại trừ. Trong sự tỉnh thức ông trưởng thành.

❁ ❁ ❁

63. Quan niệm về người hành động là ràng buộc

Hỏi: Chúng tôi ở tịnh xá Satya Sai Baba một thời gian. Chúng tôi cũng ở Sri Ramanashram, Tiruvanamalai hai tháng. Bây giờ chúng tôi trên đường trở về Mỹ.

Maharaj: Ấn Độ có đem lại thay đổi nào trong các ông?

H: Chúng tôi có cảm tưởng là đã trút được gánh nặng. Sri Satya Sai Baba thường bảo chúng tôi để lại tất cả mọi thứ cho ngài, và chỉ cần sống một cách chính trực từ ngày này sang ngày khác. “Hãy tốt lành còn để lại tất cả cho Ta,” Ngài thường bảo chúng tôi như thế.

M: Các ông đã sinh hoạt ra sao ở Sri Ramanashram?

H: Chúng tôi niệm chú – Mantra – của Đạo sư cho. Chúng tôi cũng thực hành thiền quán. Chúng tôi không suy nghĩ hay học gì nhiều, mà chỉ tìm cách giữ im lặng. Chúng tôi theo con đường tín tâm – Bhakti – và khá thô thiển về triết lý. Chúng tôi không có gì nhiều để suy nghĩ, mà chỉ đặt tín tâm vào Đạo sư rồi sống cuộc sống của chúng tôi.

M: Hầu hết các hành giả Bhakta tin tưởng Đạo sư của mình khi nào mọi chuyện xảy ra tốt lành với họ. Khi phiền não xảy đến, họ cảm thấy thất vọng và đi tìm Đạo sư khác.

H: Vâng, chúng tôi đã được cảnh báo về mối nguy hiểm này. Chúng tôi tìm cách chấp nhận cả cái khó khăn cùng với cái dễ dàng. Nhận thức: “Tất cả đều là Phước báu” phải rất mãnh liệt. Một hành giả đang đi về hướng đông bất chợt gió bắt đầu thổi mạnh. Người hành giả chỉ việc quay lại và đi về hướng tây. Chúng tôi hy vọng sống như thế – tìm cách thích ứng với các hoàn cảnh do Đạo sư gởi đến cho chúng tôi.

M: Chỉ có sự sống. Không có người nào sống cuộc sống.

H: Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng chúng tôi luôn luôn tìm cách sống cuộc sống của chúng tôi, thay vì chỉ sống. Dự tính cho tương lai có vẻ như là một thói quen thâm căn cố đế đối với chúng tôi.

M: Dù các ông có dự tính hay không thì cuộc sống vẫn diễn ra. Nhưng một vòng xoắn ốc hình thành trong tâm, ngay trong sự sống, tự cho phép thỏa mãn với những điều hoang tưởng, và tưởng tượng chính nó cai quản và chế ngự cuộc sống.

Tự thân cuộc sống thì vô tham ái. Nhưng cái Ta hư giả muốn tiếp tục – một cách thỏa thích. Vì thế nó luôn luôn tìm sự chắc chắn tiếp tục của một người. Cuộc sống thì vô úy và tự do. Bao giờ ông còn ý định tác động đến các sự kiện thì sự giải thoát không dành cho ông. Ngay chính quan niệm về người làm, về một nguyên nhân, là ràng buộc.

H: Làm sao chúng tôi có thể vượt ra khỏi tính cách nhị nguyên – người làm và cái được làm?

M: Hãy quán sát sự sống là vô biên, nguyên vẹn, luôn luôn hiện tại, luôn luôn năng động cho đến khi ông nhận ra chính mình là một với nó. Điều này không quá khó khăn vì ông chỉ trở về với điều kiện tự nhiên của chính ông.

Một khi ông nhận ra rằng tất cả đều sinh khởi từ bên trong và thế giới mà trong đó ông sống không phóng chiếu lên ông mà chính ông phóng chiếu ra nó thì mọi sợ hãi của ông chấm dứt. Nếu không có được sự giác ngộ này, ông đồng hóa chính mình với những cái bên ngoài như thân, tâm, xã hội, quốc gia, nhân loại, ngay cả Thượng đế hay cái Tuyệt Đối. Nhưng tất cả đều là những sự trốn tránh sợ hãi. Chỉ khi nào ông chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm của ông đối với cái thế giới bé nhỏ mà trong đó ông sống, và quan sát tiến trình sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt của nó thì lúc đó ông mới thoát ra khỏi những ràng buộc tưởng tượng của chính ông.

H: Tại sao tôi lại tưởng tượng mình khốn khổ đến thế?

M: Ông tưởng tượng như thế là vì thói quen. Hãy thay đổi cách cảm nhận và tư duy, hãy chú ý và tìm hiểu chúng một cách sâu xa. Vì không chú ý nên ông bị ràng buộc. Sự chú ý sẽ giải thoát ông. Ông cho nhiều cái là đương nhiên. Hãy bắt đầu tra vấn. Cái hiển nhiên nhất là cái đáng nghi hoặc nhất. Hãy hỏi ông các câu hỏi như: “Có thật Ta đã được sinh ra?” “Có thật Ta là thế này thế nọ?”, “Làm sao Ta biết Ta tồn tại?”, “Ai là cha mẹ Ta?”, “Cha mẹ tạo ra Ta, hay, Ta đã tạo ra cha mẹ?”, “Ta có buộc phải tin những gì người khác nói về Ta?”, “Bằng mọi cách, Ta là ai?”. Ông đã tốn rất nhiều công sức để dựng lên một nhà tù cho chính ông; bây giờ ông hãy bỏ ra cũng nhiêu công sức như thế để phá hủy nó.

Thật ra, phá hủy thì rất dễ vì cái hư giả sẽ biến mất ngay khi được phát hiện. Tất cả đều đeo bám vào ý tưởng “Ta hiện hữu”. Hãy tìm hiểu nó thật rốt ráo. Nó nằm ngay gốc rễ của mọi phiền trược. Nó cũng như lớp da phân cách ông với thực tại. Cái thật ở bên trong lẫn bên ngoài lớp da, nhưng tự thân lớp da thì không thật. Ý tưởng “Ta hiện hữu” này đã không được sinh ra cùng với ông. Lẽ ra ông đã có thể sống một cách tốt lành nếu không có nó.  Mãi sau này nó mới đến vì ông đồng hóa chính mình với thân xác. Nó tạo ra một ảo tưởng về sự phân cách mà thật ra là không có. Nó biến ông thành khách lạ trong thế giới của chính ông, và làm cho thế giới trở nên xa lạ và thù địch. Nếu không có ý thức “Ta hiện hữu” thì cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra. Có rất nhiều lúc chúng ta an nhiên và hạnh phúc mà không có ý thức “Ta hiện hữu”. Khi cái “Ta hiện hữu” trở lại thì phiền não khởi sinh.

H: Làm sao một người thoát ra khỏi ý thức “Ta”?

M: Ông phải giải quyết ý thức “Ta” nếu ông muốn thoát khỏi nó. Hãy quan sát nó trong lúc động cũng như trong lúc tịnh, nó sinh khởi như thế nào và khi nào nó chấm dứt, nó muốn cái gì và làm sao nó đạt được cái đó, cho đến khi ông thấy nó rõ ràng và hiểu nó trọn vẹn. Xét cho cùng, tất cả pháp môn Yoga, dù nguồn gốc và phương cách có khác nhau thì cũng chỉ có một mục đích duy nhất: cứu ông ra khỏi tai họa của sự tồn tại phân cách, khỏi là một cái đốm vô nghĩa trong một bức tranh tuyệt mỹ vĩ đại.

Ông đau khổ vì ông tự cách ly chính mình với thực tại và bây giờ ông tìm cách thoát khỏi sự cách ly này. Ông không thể thoát khỏi những ám ảnh của chính ông. Ông chỉ có thể chấm dứt nuôi dưỡng chúng.

Vì cái “Ta hiện hữu” là hư giả nên nó muốn tiếp tục. Thực tại không cần tiếp tục – vì biết chính nó bất hoại nên thực tại không bận tâm đến sự hủy hoại của mọi hình tướng và thể hiện. Để củng cố và làm cho cái “Ta hiện hữu” an ổn chúng ta làm đủ mọi chuyện, một cách vô ích, vì cái “Ta hiện hữu” không ngừng được tái lập từ lúc này đến lúc khác. Đây là một công việc bất tận, và giải pháp rốt ráo duy nhất là dứt khoát từ bỏ ý thức tách biệt “Ta là một con người như thế.” Hiện hữu còn lại, nhưng không phải sự hiện hữu của cái ta.

H: Tôi có những tham vọng tâm linh nhất định. Tôi không được thực hiện những tham vọng đó?

M: Chẳng có tham vọng nào là tâm linh. Tất cả tham vọng đều vì cái “Ta hiện hữu.” Nếu muốn tiến bộ thực sự, ông phải từ bỏ mọi ý tưởng về chứng đắc cá nhân. Tự nhận là Yogi mà còn tham vọng là nghịch lý. Lòng ham muốn phụ nữ của một người đàn ông bình thường thì vô tội khi so với dục vọng về một cảnh giới cực lạc miên viễn có tính cách cá nhân. Tâm chỉ là tên lừa đảo. Càng tỏ vẻ thiện ý thì nó càng phản bội một cách tệ hại.

H: Người ta thường đến tìm ông với những phiền trược thế gian và xin được cứu giúp. Làm sao ông biết phải nói gì với họ?

M: Ta chỉ nói với họ những gì xuất hiện trong tâm Ta vào lúc đó. Ta không có một thủ tục được tiêu chuẩn hóa trong giao tiếp với mọi người.

H: Ông biết rất rõ về chính ông. Còn tôi, khi có ai đến gặp để tham vấn, làm sao tôi biết chắc sự chỉ dẫn của tôi là đúng?

M: Hãy quan sát xem ông ở trạng thái nào, và ông nói ra từ bình diện nào. Nếu ông nói từ bình diện của tâm thì ông có thể sai lầm. Nếu ông nói từ sự thấy biết toàn diện về tình huống không theo những thói quen của tâm thì sự chỉ dẫn của ông là một đáp án đúng. Điểm chính yếu là hoàn toàn biết rõ rằng không phải ông hay người đối diện ông chỉ là những thân xác; nếu sự thấy biết của ông trong sáng và rốt ráo thì nhầm lẫn khó có thể xảy ra.

❁ ❁ ❁

64. Bất cứ gì làm cho ông mãn nguyện đều giữ ông lại

Hỏi: Tôi là một kế toán viên công chức về hưu, vợ tôi tham gia một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ nghèo. Chúng tôi ghé đây trên đường tiễn con trai tôi sắp đi Mỹ. Nguyên quán chúng tôi ở Punjab nhưng chúng tôi sống ở Delhi. Đạo sư của chúng tôi thuộc tín phái Radha-Soami và chúng tôi rất tôn quí sự thân cận các bậc thánh nhân. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn được người thân đưa đến đây. Chúng tôi đã gặp nhiều bậc thánh nhân và rất hoan hỉ được gặp thêm một vị nữa.

Maharaj: Các ẩn sĩ và những người tu khổ hạnh thì nhiều, nhưng gặp một bậc toàn giác biết rõ bản tánh của chính mình thì thật hi hữu. Các bậc thánh nhân và các Yogi, bằng những cố gắng và hy sinh lớn lao, đạt được những quyền năng phi thường và có thể làm lợi lạc rất nhiều trong việc cứu giúp tha nhân và phát khởi tín tâm, nhưng điều đó vẫn không làm cho họ trở nên hoàn hảo. Đó không phải là con đường đến với thực tại, mà chỉ làm tăng trưởng cái hư giả. Tất cả cố gắng đều đưa đến thêm cố gắng; bất cứ gì được tạo dựng đều được duy trì, bất cứ gì thụ đắc đều được bảo tồn để không bị hư hao và mất mát. Cái gì có thể bị mất đi thì không phải là của chính mình, và cái không phải là của chính ông thì có ích lợi gì cho ông? Trong thế giới của Ta, không có gì là thúc bách, tất cả đều tự xảy ra. Tất cả mọi tồn tại đều ở trong không gian và thời gian, hữu hạn và vô thường. Người kinh nghiệm sự tồn tại cũng thế, hữu hạn và vô thường. Ta không quan tâm đến “cái tồn tại” hay “người tồn tại”. Chỗ đứng của Ta là ở bên ngoài, nơi đó Ta là cả hai mà không phải cả hai.

Nhiều người, sau nhiều cố gắng và khổ hạnh, sau khi thực hiện tham vọng của họ và đạt đến các bình diện cao hơn trong kinh nghiệm và hành động, đều biết rất rõ vị trí của họ, họ xếp hạng con người theo đẳng cấp, từ kẻ không chứng đắc ở hàng thấp nhất cho đến người chứng đắc ở hàng cao nhất. Đối với Ta tất cả đều bình đẳng. Dĩ nhiên là có những khác biệt về bề ngoài và sự thể hiện, nhưng không quan trọng. Cũng như hình dáng của một món trang sức bằng vàng không hề ảnh hưởng đến vàng thì bản tánh của một con người không hề bị ảnh hưởng bởi tướng mạo bên ngoài. Chừng nào ý thức bình đẳng này vắng thiếu thì có nghĩa là chưa tiếp cận với thực tại.

Hiểu biết suông vẫn chưa đủ, mà phải biết người biết. Các học giả và các hành giả Yogi có thể biết rất nhiều điều nhưng kiến thức suông thì ích lợi gì khi cái Ta vẫn không được biết? Chắc chắn kiến thức sẽ bị sử dụng sai lầm. Nếu không biết được người biết thì không thể có an lạc.

H: Làm thế nào để biết người biết?

M: Ta chỉ có thể nói với ông từ kinh nghiệm của chính Ta. Khi Ta gặp Tôn sư, ngài bảo: “Ông không phải cái mà ông cho rằng ông là. Hãy tìm ra cái mà ông là. Quan sát ý thức “Ta hiện hữu”, tìm ra cái Ta thật của ông.” Ta làm theo lời Tôn sư vì Ta tin tưởng ngài. Ta đã làm đúng như lời ngài bảo ta. Ta dùng tất cả thời gian rảnh rỗi của Ta để quan sát chính Ta trong im lặng. Và thật lạ lùng, và chóng vánh! Chỉ trong vòng ba năm Ta giác ngộ bản tính chơn thật của Ta. Tôn sư qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi Ta gặp ngài, nhưng điều đó chẳng có gì khác biệt. Ta nhớ những gì ngài bảo Ta và kiên trì hành theo. Quả của nó hiện ở đây, với Ta.

H: Nó là cái gì?

M: Ta biết chính Ta như Ta trong thực tại. Ta không phải thân, không phải tâm, mà cũng không phải là những khả năng trí tuệ. Ta ở ngoài tất cả những thứ đó.

H: Ông không là gì cả?

M: Hãy vận dụng lý luận đi chứ. Dĩ nhiên, Ta hiện hữu, một cách hiển nhiên nhất. Chỉ có điều Ta không phải cái mà ông nghĩ Ta là. Điều này nói rõ tất cả với ông.

H: Nó chẳng nói với tôi cái gì cả.

M: Vì nó là cái không thể nói. Ông phải thân chứng kinh nghiệm của chính ông. Ông quá quen giao tiếp với sự vật, cả vật lý lẫn tâm lý. Ta không là một cái gì cả, và ông cũng thế. Ông và Ta đều không phải là vật chất hay năng lượng, không phải thân mà cũng chẳng phải tâm. Một khi ông thoáng thấy sự hiện hữu của chính ông thì ông sẽ nhận ra Ta không hề khó hiểu.

Chúng ta tin vào rất nhiều thứ chỉ qua nghe nói suông. Chúng ta tin vào những cõi giới xa xăm và con người xa lạ, chúng ta tin có thiên đường và địa ngục, có thần linh chỉ vì chúng ta được nghe nói. Tương tự như thế, chúng ta được nghe nói về chính chúng ta, về cha mẹ, tên tuổi, địa vị, nhiệm vụ của chúng ta, vân vân, nhưng chẳng bao giờ kiểm chứng. Con đường đến với sự thật đi qua sự phá hủy cái hư giả. Để phá hủy cái hư giả, ông phải đặt câu hỏi về những sự tin tưởng thâm căn cố đế của ông, trong đó sự tin tưởng ông là một thân xác là điều tệ hại nhất. Cùng đến với căn thân là thế giới, cùng đến với thế giới là Thượng đế, người được cho là tạo ra thế giới, và thế là khởi sinh sợ hãi, tôn giáo, cầu nguyện, hy sinh, đủ mọi loại nguyên tắc – tất cả chỉ để bảo vệ và duy trì con người trẻ con (child-man) sợ hãi đến mất cả trí khôn chỉ vì những con ngáo ộp do chính mình tạo ra. Hãy nhận ra cái ông là – bất sinh bất diệt – và khi không còn sợ hãi thì mọi đau khổ chấm dứt.

Những gì tâm nghĩ tưởng ra thì tâm hủy diệt. Cái thật thì không thể nghĩ tưởng ra nên không thể bị hủy diệt. Hãy bám chặt cái không hề bị khống chế bởi tâm. Cái mà Ta đang nói với ông không ở trong quá khứ hay tương lai. Nó cũng không ở trong cuộc sống thường ngày vì nó trôi chảy trong cái bây giờ. Nó vô thời, và tính hoàn toàn vô thời của nó ở ngoài tâm. Tôn sư và lời của ngài: “Ông là chính Ta” ở với Ta bất kể thời gian. Lúc đầu Ta phải chú tâm đến Tôn sư và lời ngài nói, nhưng bây giờ thì điều này đã trở nên tự nhiên và dễ dàng. Thời điểm – khi tâm chấp nhận lời dạy của Tôn sư là chơn thật, và tâm sống theo lời ngài một cách tự sinh khởi trong từng sinh hoạt nhỏ nhặt của đời sống hàng ngày – là ngưỡng cửa của sự giác ngộ. Về một phương diện thì đó là sự cứu độ bằng tín tâm, nhưng tín tâm phải mãnh liệt và lâu bền.

Tuy nhiên, ông chớ nghĩ rằng chỉ tín tâm là đủ. Tín tâm được thể hiện bằng hành động là phương tiện chắc chắn đưa đến giác ngộ. Trong tất cả các phương tiện, đó là phương tiện hữu hiệu nhất. Có nhiều đạo sư phủ nhận tín tâm mà chỉ tin vào lý luận. Thật ra họ không phủ nhận tín tâm, mà bài bác sự tin tưởng mù quáng. Tín tâm thì không mù quáng. Tín tâm là sự sẵn sàng trắc nghiệm một điều gì đó.

H: Chúng tôi nghe nói rằng trong số các phương thức tu tập tâm linh thì sự thực hành thái độ nhân chứng thuần túy là hữu hiệu nhất. So sánh thái độ nhân chứng với tín tâm thì thế nào?

M: Thái độ nhân chứng cũng là tín tâm; đó là tín tâm với chính mình. Ông tin rằng ông không phải những gì ông kinh nghiệm và ông nhìn mọi vật như từ một khoảng cách. Trong hành vi nhân chứng không có cố gắng. Ông hiểu rằng ông chỉ là nhân chứng, và cái hiểu hành động. Ông không cần gì thêm nữa, chỉ cần nhớ rằng ông là nhân chứng. Trong trạng thái nhân chứng, ông hỏi chính mình: “Ta là ai?” câu trả lời xảy ra ngay lập tức, mặc dù là vô ngôn và im lặng. Chấm dứt là đối tượng và trở thành chủ thể của tất cả những gì xảy ra; một khi đã quay vào trong, ông sẽ nhận ra chính mình ở ngoài chủ thể. Khi ông đã tìm ra chính ông, ông sẽ nhận ra ông cũng ở ngoài cả đối tượng; cả chủ thể và đối tượng đều tồn tại trong ông, nhưng ông không phải cả hai.

H: Ông nói về tâm, về ý thức nhân chứng siêu vượt tâm và thuộc về cái Tối thượng, tức là cái bên ngoài tánh biết. Ý ông muốn nói ngay cả tánh biết cũng không thật?

M: Chừng nào ông còn hành sử theo luật, và không thật thì tánh biết có thể là thực tại duy nhất. Cái Tối thượng ở ngoài tất cả mọi phân biệt nên từ ngữ “thật” không áp dụng được, vì trong nó tất cả đều thật, do đó, không cần thiết phải được dán cho cái nhãn hiệu như thế. Cái Tối thượng chính là nguồn gốc của thực tại, cái Tối thượng truyền thực tại vào bất cứ gì nó chạm đến. Chỉ có điều là Nó không thể được hiểu qua ngôn từ. Thậm chí một kinh nghiệm trực tiếp, dù siêu phàm đến đâu, cũng chỉ là bằng chứng, không gì khác hơn.

H: Nhưng ai đã tạo ra thế giới?

M: Tâm Vũ trụ – Chidakash – tạo ra và hủy diệt mọi vật. Cái Tối thượng – Paramakash – truyền thực tại cho bất cứ gì trở thành hiện hữu. Có thể nói tình yêu vũ trụ là những gì gần đúng nhất khi chúng ta phải dùng đến ngôn từ. Cũng như tình yêu, nó làm cho mọi thứ thành chơn thật, tốt đẹp và đáng mong ước.

H: Vì sao lại đáng mong ước?

M: Tại sao không? Nguồn gốc của tất cả những sức hút mãnh liệt nhất cho tất cả tạo vật phản ứng lẫn nhau, và đem con người lại với nhau – là gì khác nếu không phải Cái Tối thượng? Đừng xa lánh sự mong ước, mà chỉ cần để ý sự mong ước có chảy đúng vào kênh luồng hay không. Nếu không có mong ước ông chỉ là một xác chết. Nhưng nếu chỉ có những mong ước thấp hèn thì ông là một hồn ma.

H: Kinh nghiệm kề cận với cái Tối thượng thì như thế nào?

M: An lạc vô biên và yêu thương vô hạn. Hãy nhận ra rằng bất cứ gì chơn thật, cao thượng và đẹp đẽ trong vũ trụ đều từ ông mà ra, chính ông ở tại cội nguồn của tất cả. Tất cả các thần linh cai quản thế giới có thể là những thực thể phi thường và rực rỡ nhất, nhưng chỉ là những kẻ tôi tớ được ăn mặc lộng lẫy để phô trương uy quyền và sự giầu có của chủ nhân.

H: Làm sao đạt đến Trạng thái Tối thượng?

M: Bằng cách từ bỏ những mong ước thấp kém. Bao giờ còn mãn nguyện với cái thấp kém thì ông không thể có được cái cao nhất. Bất cứ gì làm ông mãn nguyện sẽ giữ ông lại. Cho đến khi nào ông nhận ra không gì có thể thỏa mãn được ông vì tính vô thường và giới hạn của nó; nhưng nếu chưa dồn hết công sức cho sự mong ước vĩ đại duy nhất thì ông vẫn chưa bước bước đầu tiên. Mặt khác, chính sự chánh trực của lòng mong ước cái Tối thượng là tiếng gọi từ cái Tối thượng. Không gì, vật lý hay tâm lý, có thể cho ông tự do. Ngay khi hiểu rằng sự ràng buộc là do chính ông tạo ra thì ông tự do, và lúc đó ông chấm dứt tạo ra xiềng xích để ràng buộc chính ông.

H: Làm sao một người tìm được tín tâm với Đạo sư?

M: Tìm được một Đạo sư để tin thì thật hy hữu. Điều này hiếm khi xảy ra.

H: Thế không phải định mệnh an bài?

M: Gọi đó là định mệnh thì chẳng giải thích gì nhiều. Khi điều đó xảy ra ông không thể nói tại sao nó xảy ra; quy tất cả cho nghiệp hay phước đức, hay Ý Chúa chỉ là một cách che giấu sự vô minh của chính mình.

H: Krishnamurti bảo rằng không cần đến Đạo sư.

M: Phải có ai đó nói cho ông về Thực tại Tối thượng, và con đường đi đến đó. Krishnamurti không làm gì khác. Về một phương diện ông ấy đúng – hầu hết những người được gọi là môn đồ không tin Đạo sư của họ; họ không làm theo những gì Đạo sư chỉ dẫn và cuối cùng bỏ đi. Đối với những môn đồ như thế thì tốt hơn là đừng bao giờ có một Đạo sư, mà phải tìm sự hướng dẫn bên trong. Tìm được một Đạo sư còn sống là một cơ hội vừa hiếm hoi vừa là một trách nhiệm vĩ đại. Một người không nên xem thường những chuyện như thế. Thường thì người ta tìm mua cho mình một thiên đường, và tưởng tượng vị Đạo sư sẽ trao cho họ với một cái giá nào đó. Các ông mong tìm được của hời bằng cách chìa ra thật ít nhưng đòi hỏi thật nhiều. Các ông chẳng lừa gạt được ai ngoài chính mình.

H: Tôn sư của ông bảo ông là cái Tối thượng, ông tin tưởng và làm theo. Cái gì cho ông tín tâm đó?

M: Cứ cho rằng Ta là một người biết lý lẽ, thì chỉ có ngu ngốc mới không tin Tôn sư. Ngài được lợi gì để lừa dối Ta?

H: Ông vừa bảo một người rằng chúng ta như nhau, chúng ta bình đẳng. Tôi không thể tin điều đó. Vì tôi không tin thì câu nói của ông có ích lợi gì cho tôi?

M: Chuyện ông không tin chẳng có gì quan trọng. Lời nói của Ta là chơn thật và sẽ có tác động. Đây chính là cái đẹp của thân cận thiện tri thức.

H: Có thể nào xem việc ngồi gần ông là một cách tu tập tâm linh?

M: Dĩ nhiên. Giòng sông của sự sống luôn tuôn chảy. Một số nước của giòng sông ở đây, nhưng hầu hết đã đến đích. Ông chỉ biết hiện tại. Ta thấy rất xa hơn vào quá khứ và tương lai, vào trong cái ông và cái ông có thể . Ta thấy ông không gì khác hơn chính Ta. Chỉ ở trong bản chất của tình yêu thì mới thấy không có sự khác biệt.

H: Làm sao tôi có thể thấy tôi như ông thấy tôi?

M: Chỉ cần ông không tưởng tượng chính ông là thân xác, là đủ. Chính cái ý tưởng “Ta là thân xác” mới là tai họa. Nó hoàn toàn che kín mắt ông nên ông không thấy được bản tánh chơn thật của ông. Thử ngưng nghỉ rằng ông là thân xác trong một lúc, đừng cho ông một danh xưng, một hình tướng. Trong bóng tối và im lặng thực tại được tìm ra.

H: Để nghĩ rằng tôi không phải là thân xác thì ý nghĩ này phải đi cùng với một sự tin tưởng nào đó. Tôi tìm sự tin tưởng như thế ở đâu?

M: Cứ hành xử như ông hoàn toàn tin tưởng và lòng tin sẽ đến. Ngôn từ suông thì có ích lợi gì? Một công thức, một mô thức của tâm chẳng giúp gì được ông. Nhưng hành động vô vị kỷ – hoàn toàn không quan tâm đến thân xác và những lợi ích của nó – sẽ chuyên chở ông đến ngay tâm của Thực tại.

H: Tôi tìm sự can đảm ở đâu để hành động mà không cần tin tưởng?

M: Tình yêu sẽ cho ông can đảm. Khi ông gặp một người hoàn toàn khả kính, đáng yêu, cao cả thì tình yêu và sự kính ngưỡng sẽ thôi thúc ông hành động một cách cao thượng.

H: Không phải ai cũng biết kính ngưỡng những bậc tôn đức. Hầu hết mọi người hoàn toàn vô cảm.

M: Cuộc đời sẽ làm cho họ biết cách nhận thức. Chính ảnh hưởng của những kinh nghiệm đã được huân tập sẽ cho họ mắt nhìn. Khi gặp một người xứng đáng, ông sẽ yêu quý, tin tưởng và làm theo sự chỉ dạy của người đó. Đây chính là vai trò của những người giác ngộ – nêu gương toàn hảo cho người khác kính ngưỡng và yêu quý. Cái đẹp của cuộc sống và tính cách đặc sắc của cuộc sống là một cống hiến lớn lao cho sự tốt lành chung.

H: Thế không phải chúng ta phải đau khổ để trưởng thành?

M: Biết rằng có đau khổ, thế giới đau khổ là đủ. Tự thân lạc thú hay đau khổ không đem lại giác ngộ. Hiểu biết mới đưa đến giác ngộ. Một khi ông đã hiểu được sự thật là thế gian đầy đau khổ, được sinh ra là một tai họa thì ông sẽ tìm thấy sự thôi thúc và nguồn năng lượng để vượt ra ngoài. Lạc thú làm cho ông ngủ mê và đau khổ đánh thức ông dậy. Nếu không muốn đau khổ thì đừng ngủ. Ông không thể biết chính ông chỉ qua sự an lạc, vì sự an lạc là bản chất của chính ông. Ông phải đối diện cái đối nghịch, cái không phải là ông, để tìm ra sự giác ngộ.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Người dịch: Vũ Toàn

Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x