Trang chủ » Ta là Cái Đó [70 – 74] – Chân lý ở đây và bây giờ

Ta là Cái Đó [70 – 74] – Chân lý ở đây và bây giờ

by Hậu Học Văn
381 views

70. Thượng đế là sự chấm dứt mọi tham ái và tri kiến

Maharaj: Ông từ đâu đến? Ông đến có mục đích gì?

Hỏi: Tôi từ Mỹ đến, bạn tôi từ Cộng hòa Ireland. Tôi ở đây được sáu tháng và đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác. Người bạn của tôi tự đến đây.

M: Ông đã thấy những gì?

H: Tôi đã ở tịnh xá Sri Ramanashram và cũng có viếng Rishikesh. Ông có thể cho biết ý kiến về Sri Ramana Maharshi?

M: Ông ấy và Ta cùng thuộc về một đất nước cổ kính. Nhưng ông biết gì về Maharshi? Ông cho chính ông là một danh xưng và một thân xác, nên tất cả những gì ông nhận thức đều là danh xưng và thân xác.

H: Nếu như ông gặp Maharshi, chuyện gì xảy ra?

M: Có thể ông ấy và Ta sẽ cảm thấy vui mừng. Có thể ông ấy và Ta sẽ trao đổi vài lời.

H: Liệu ông ấy có nhận ra ông là người giác ngộ?

M: Dĩ nhiên. Như một người nhận ra một người, thì một Gnani nhận ra một Gnani. Ông không thể đánh giá những gì ông chưa trải qua. Ông là cái ông nghĩ ông là, nhưng ông không thể nghĩ ông là cái mà ông chưa hề trải qua

H: Để trở thành một kỹ sư, tôi phải học ngành cơ khí. Để trở thành Thượng đế, tôi phải học cái gì?

M: Ông phải từ bỏ những gì ông đã học. Thượng đế là sự chấm dứt mọi tham ái và tri kiến.

H: Ông muốn nói rằng tôi chỉ trở thành Thượng đế bằng cách từ bỏ sự mong muốn trở thành Thượng đế?

M: Phải từ bỏ tất cả tham ái, vì có tham ái nên ông mang tướng trạng của tham ái. Khi tham ái không còn, ông trở về trạng thái tự nhiên của ông.

H: Làm sao tôi biết mình đã đạt đến cái toàn hảo?

M: Ông không thể biết cái toàn hảo, ông chỉ có thể biết cái toàn hảo. Để có cái biết, tất yếu phải có phân chia và xung đột. Ông chỉ có thể biết cái không phải là ông, nhưng ông không thể biết sự hiện hữu chơn thật của ông. Ông chỉ có thể là cái ông là. Toàn thể sự tiếp cận thông qua hiểu, tức là thấy cái hư giả là hư giả. Nhưng muốn hiểu, ông phải quan sát từ bên ngoài.

H: Quan niệm của trường phái Vedanta về ảo ảnh – Maya – áp dụng cho cái thị hiện. Như thế cái biết của chúng ta về cái thị hiện thì không khả tín. Nhưng chúng ta lại tin cái biết của mình về cái bất thị hiện.

M: Không thể có cái biết về cái bất thị hiện. Tiềm năng thì bất khả tri. Chỉ cái hiện thực mới có thể biết.

H: Vì sao không thể biết người biết?

M: Người biết biết cái biết. Ông có biết người biết? Ai là kẻ biết người biết? Ông muốn biết cái bất thị hiện. Liệu ông có thể nói ông biết cái thị hiện?

H: Tôi biết các sự kiện và ý tưởng cùng những liên hệ của chúng. Đó là tổng thể của tất cả những kinh nghiệm của tôi.

M: Tất cả?

H: Vâng, tất cả những kinh nghiệm thực tế của tôi. Tôi công nhận rằng tôi không thể biết cái gì đã không xảy ra.

M: Nếu cái thị hiện là tổng thể của tất cả các kinh nghiệm thực tế, bao gồm những người kinh nghiệm của các kinh nghiệm đó, ông biết được bao nhiêu của cái tổng thể? Thật ra chỉ là một phần rất nhỏ. Và cái phần nhỏ bé ông biết đó là gì?

H: Những kinh nghiệm thuộc giác quan liên quan đến chính tôi.

M: Thậm chí cũng không phải. Ông chỉ biết ông phản ứng. Ai phản ứng và phản ứng đối với cái gì thì ông không biết. Qua giao tiếp ông biết ông tồn tại: “Ta là.” Còn “Ta là cái này”, “Ta là cái kia” đều là tưởng tượng.

H: Tôi biết cái thị hiện vì tôi tham dự trong đó. Phải công nhận rằng phần tham dự của tôi trong đó rất nhỏ bé, nhưng nó vẫn thật như cái tổng thể của nó. Và quan trọng hơn nữa, tôi làm cho nó có ý nghĩa. Nếu không có tôi thế giới tối tăm và câm nín.

M: Một con đom đóm chiếu sáng cả thế giới! Ông không làm cho thế giới có ý nghĩa, ông tìm nó. Lặn sâu vào trong chính ông và tìm ra nguồn gốc mà từ đó tất cả ý nghĩa tuôn chảy. Chắc chắn là cái tâm nông cạn không thể đem lại ý nghĩa cho bất cứ gì.

H: Cái gì làm cho tôi hữu hạn và nông cạn?

M: Cái tổng thể luôn luôn rộng mở và sẵn có, nhưng ông không nhận lấy. Ông bị ràng buộc với con người nhỏ bé mà ông nghĩ ông là. Ham muốn của ông thì nông cạn, tham vọng của ông thì tầm thường. Xét cho cùng, nếu không có một trung điểm nhận thức thì cái thị hiện ở đâu? Nếu không được nhận thức thì cái thị hiện cũng như cái bất thị hiện. Và ông là điểm nhận thức, nguồn gốc vô phương vị của tất cả các phương vị. Hãy biết chính ông là cái tổng thể.

H: Làm sao một điểm có thể dung nhiếp cả vũ trụ?

M: Có đủ chỗ trong một điểm để dung nhiếp vô cùng tận các vũ trụ. Không hề thiếu khả năng. Tự giới hạn là vấn đề duy nhất. Nhưng ông không thể chạy khỏi chính ông. Dù có đi xa đến đâu ông vẫn trở về với chính ông, trở về với sự cần thiết phải hiểu được cái điểm này, cái điểm không là gì cả nhưng lại là nguồn gốc của tất cả.

H: Tôi đến Ấn Độ để tìm một vị thầy Yoga. Tôi vẫn đi tìm.

M: Ông muốn hành loại Yoga nào? Yoga đạt thành hay Yoga buông bỏ?

H: Thế không phải cuối cùng chúng đều đến cùng một chỗ?

M: Làm sao có thể như thế? Một cái trói buộc, một cái giải thoát. Động cơ thúc đẩy là tối quan trọng. Tự do chỉ có bằng sự buông bỏ. Mọi chiếm hữu đều ràng buộc.

H: Cái cho tôi nghị lực và lòng can đảm, tại sao tôi lại buông bỏ? Nếu không có nghị lực làm sao tôi buông bỏ? Tôi không hiểu được sự cần thiết phải buông bỏ này. Khi muốn một cái gì đó, tại sao tôi không theo đuổi nó? Buông bỏ chỉ dành cho những kẻ yếu đuối.

M: Nếu không có trí tuệ và nghị lực để buông bỏ thì chỉ cần quan sát những gì ông sở hữu. Sự quan sát thuần túy của ông cũng đủ hủy diệt chúng. Nếu đứng được ở ngoài tâm, ông sẽ nhận ra rằng từ bỏ hoàn toàn những gì ông sở hữu và tham ái là việc làm hiển nhiên hợp lý nhất.

Ông tạo ra thế giới rồi ưu tư về nó. Trở thành ích kỷ làm cho ông yếu đuối. Ông nghĩ rằng ông có nghị lực và can đảm để ham muốn là bởi vì ông còn trẻ và không có kinh nghiệm. Đối tượng của sự ham muốn chắc chắn sẽ hủy diệt phương tiện đạt được nó, và rồi chính nó sẽ tàn lụi dần. Rốt cuộc thì cũng tốt, vì nó dạy ông xa lánh ham muốn như xa lánh chất độc.

H: Tôi thực hành vô tham ái như thế nào?

M: Chẳng cần phải thực hành. Cũng chẳng cần bất cứ hành động từ bỏ nào. Chỉ quay tâm đi, thế là đủ. Tham ái là đặt tâm vào một ý nghĩ. Đem tham ái ra khỏi lề thói của nó bằng cách đừng chú ý đến nó.

H: Chỉ thế thôi?

M: Phải, chỉ thế thôi. Dù tham ái hay lo sợ bất cứ gì, đừng chăm chú vào nó. Cứ thử xem. Đôi lúc ông cũng có thể xao lãng nhưng không quan trọng. Tiếp tục tinh tấn cho đến khi việc quét sạch từng tham ái, từng lo sợ và từng hành động trở thành tự động.

H: Làm sao một người có thể sống vô cảm?

M: Ông có thể có bất cứ cảm xúc nào ông muốn, nhưng luôn biết rõ phản ứng, biết rõ cảm xúc được gây nên. Hãy hoàn toàn tự quyết định, và chủ định từ bên trong, đừng để bị điều động từ bên ngoài.

Từ bỏ một cái để có một cái tốt hơn thì không phải là từ bỏ suông. Ông từ bỏ cái gì đó vì nhận ra sự vô giá trị của nó. Tiếp tục từ bỏ, ông sẽ nhận ra rằng ông trưởng thành một cách tự nhiên trong sáng suốt và sức mạnh, trong tình yêu và an vui bất tận.

H: Tại sao lại phải khăng khăng từ bỏ tất cả tất cả tham ái và lo sợ? Tham ái và lo sợ là không tự nhiên hay sao?

M: Không. Tham ái và lo sợ hoàn toàn do tâm tạo ra. Ông phải cho đi tất cả để biết ông không cần gì cả, ngay cả thân xác của ông. Những cái ông cần đều không thật và những cố gắng của ông đều vô nghĩa. Ông tưởng rằng những gì ông sở hữu sẽ bảo vệ ông. Trong thực tế chúng làm cho ông bất an. Hãy nhận ra chính ông bằng cách xa lìa tất cả những gì có thể được chỉ vào như “cái này” hay “cái kia.” Không một kinh nghiệm thuộc giác quan, hay giải thích bằng ngôn từ nào có thể đúng về ông. Đừng chú ý đến chúng. Đừng để bị nhân cách hóa.

H: Sau khi nghe ông, tôi phải làm gì?

M: Chỉ nghe suông thì chẳng giúp gì nhiều. Ông phải giữ nó trong tâm và thường xuyên suy gẫm, tìm cách hiểu cái trạng thái của tâm đã khiến cho Ta nói ra những gì Ta nói. Ta nói ra từ sự thật, hãy dang rộng tay để tiếp nhận nó. Ông không phải cái mà ông nghĩ ông là, Ta cam đoan với ông là như thế. Hình ảnh ông có về chính ông được tạo nên bởi ký ức và hoàn toàn phụ thuộc.

H: Cái tôi là – là kết quả của nghiệp do tôi tạo ra.

M: Cái mà ông có vẻ như là – thì không phải là ông. Nghiệp chỉ là một từ ngữ mà ông đã học để lập lại. Ông chưa bao giờ là, và sẽ không bao giờ là một con người. Đừng nghĩ ông là một người nào đó. Nếu chính ông không đặt nghi vấn có thật ông là một người hay không, thì chẳng có mấy hy vọng. Nếu ông không chịu mở mắt, thì chỉ cho ông được cái gì?

H: Tôi tưởng nghiệp là một quyền năng bí ẩn thúc giục tôi hướng về cái toàn hảo?

M: Đó là người ta nói với ông. Chính ông đã toàn hảo, ở đây và ngay bây giờ. Cái có thể làm cho toàn hảo thì không phải là ông. Ông tưởng tượng ông là cái mà ông không phải – Hãy dừng lại. Chính sự dừng lại mới quan trọng, chứ không phải ông sẽ dừng lại cái gì.

H: Thế không phải nghiệp đã bắt buộc tôi trở thành cái tôi là?

M: Chẳng có gì bắt buộc. Ông là cái mà ông tin ông là. Đừng tin nữa.

H: Ông đang ngồi đây nói chuyện với tôi. Chính là nghiệp của ông bắt buộc ông làm như thế.

M: Chẳng có gì bắt buộc Ta. Ta chỉ làm điều cần làm. Còn ông, ông làm quá nhiều điều không cần thiết. Chính sự khăng khăng không chịu tìm hiểu của ông tạo nên nghiệp. Chính sự thờ ơ của ông đối với đau khổ làm cho đau khổ mãi mãi tồn tại.

H: Vâng, đúng thế. Cái gì có thể chấm dứt sự thờ ơ này?

M: Sự thôi thúc phải khởi động từ bên trong như một con sóng thoát ly, hay tâm từ ái.

H: Tôi có thể đáp ứng sự thôi thúc này nửa chừng?

M: Dĩ nhiên. Cứ nhìn cảnh ngộ của chính ông, cứ nhìn tình hình của thế giới.

H: Chúng tôi được thuyết giảng về nghiệp và luân hồi, tiến hóa và Yoga, đạo sư và đệ tử. Chúng tôi phải làm gì với tất cả hiểu biết này?

M: Hãy để nó lại phía sau. Quên nó đi. Tiến bước, quẳng đi tất cả ý tưởng và niềm tin. Từ bỏ mọi cơ nghiệp được xây dựng bằng ngôn từ, cùng những sự thật tương đối, và những mục đích hiển nhiên. Cái Tuyệt đối chỉ có thể đạt đến bằng sự cống hiến tuyệt đối. Đừng thiếu kiên quyết.

H: Tôi phải bắt đầu với một sự thật tuyệt đối nào đó. Liệu có không?

M: Có chứ, cái cảm giác: “Ta hiện hữu.” Hãy bắt đầu với nó.

H: Không có gì khác là thật?

M: Tất cả những cái khác không phải thật mà cũng chẳng phải không thật. Nó có vẻ như thật khi xuất hiện, và biến mất khi bị khước từ. Cái sinh diệt vô thường thì bí ẩn.

H: Tôi cứ nghĩ cái thật mới bí ẩn.

M: Làm sao có thể được? Cái thật thì đơn giản, rộng mở, trong sáng và tử tế, đẹp đẽ và vui vẻ. Nó hoàn toàn không có mâu thuẫn. Nó luôn luôn tươi, mới và sáng tạo bất tận. Hiện hữu và phi hiện hữu, sinh và tử, tất cả mọi khác biệt đều hội nhập trong nó.

H: Tôi có thể chấp nhận tất cả là hư giả. Liệu điều này có làm cho tâm tôi không tồn tại?

M: Tâm là cái tâm nghĩ. Muốn làm cho tâm thật, hãy nghĩ thật.

H: Nếu hình tướng của sự vật chỉ là vẻ bề ngoài, vậy chúng là gì trong thực tại?

M: Trong thực tại chỉ có sự nhận thức. Người nhận thức và cái được nhận thức đều là khái niệm; thực tế nhận thức là hiện thực.

H: Cái Tuyệt đối quy về đâu?

M: Cái Tuyệt đối là nơi sinh ra nhận thức. Nó làm cho nhận thức khả hữu. Nhưng phân tích cho nhiều cũng chẳng đi đến đâu. Cốt lõi của hiện hữu – ở ngoài mọi phân tích, siêu vượt tâm – ở ngay trong chính ông. Ông chỉ có thể biết nó trong hành động. Thể hiện nó trong cuộc sống hàng ngày và ánh sáng của nó sẽ trở nên rực rỡ hơn.

Chức năng hợp lý của tâm là cho ông biết cái không thật. Nếu muốn cái biết đích thực, ông phải ra ngoài tâm.

H: Trong toàn thể vũ trụ, có cái gì duy nhất giá trị?

M: Có, sức mạnh của tình yêu.

❁ ❁ ❁

71. Trong sự tỉnh thức về chính mình, ông học về chính ông

Hỏi: Kinh nghiệm nhiều lần cho chúng tôi thấy rằng môn đồ thường gây ra nhiều tai họa cho Đạo sư. Họ tự lập ra kế hoạch rồi thực hiện mà không cân nhắc đến ý muốn của Đạo sư. Cuối cùng họ chỉ chuốc lấy đắng cay và đem đến cho Đạo sư vô vàn ưu tư.

Maharaj: Đúng, chuyện như thế có xảy ra.

H: Cái gì bắt buộc Đạo sư chịu những sỉ nhục này?

M: Một cách căn bản thì Đạo sư không còn tham ái. Ông ta thấy sự việc xảy ra nhưng cảm thấy không bị thúc bách phải can thiệp. Đạo sư không lựa chọn và cũng không quyết định. Là nhân chứng thuần túy, Đạo sư chỉ quan sát những gì đang xảy ra mà không hề bị tác động.

H: Nhưng sự nghiệp của vị ấy bị ảnh hưởng.

M: Chiến thắng luôn luôn thuộc về Đạo sư vào lúc cuối. Vị ấy biết rằng nếu môn đồ không học được từ những gì mình chỉ giáo, thì họ sẽ học bằng chính những sai lầm của họ. Bên trong vị ấy vẫn tĩnh lặng. Vị ấy không cảm nhận mình là một con người riêng biệt. Toàn thể vũ trụ thuộc về vị ấy, kể cả các môn đồ và các kế hoạch tầm thường của họ. Không gì tác động đến vị ấy một cách riêng biệt, hoặc, toàn thể vũ trụ có tác động đến vị ấy thì cũng như thế – chỉ cùng một mức độ.

H: Không có gì như là ân đức của Đạo sư?

M: Ân đức của Đạo sư thì bất biến và chung cho tất cả. Không dành riêng cho một ai và từ chối một ai.

H: Làm sao ân đức của Đạo sư ảnh hưởng đến tôi một cách cá nhân?

M: Chính nhờ ân đức của Đạo sư mà tâm ông tham dự vào sự tìm kiếm chân lý, và cũng chính nhờ ân đức đó ông sẽ tìm thấy chân lý. Ân đức của Đạo sư tác động một cách chắc chắn đến lợi ích tối hậu của ông. Và cũng cho tất cả. 

H: Có những môn đồ đã sẵn sàng, chín chắn, và cũng có những người chưa. Thế Đạo sư không thực hiện sự lựa chọn và đưa ra quyết định?

M: Đạo sư biết cái tối hậu và kiên quyết thúc đẩy môn đồ về hướng đó. Người môn đồ gặp đủ mọi chướng ngại mà chính người đó phải vượt qua. Đạo sư không mấy quan tâm đến những hiện tượng bề ngoài trong đời sống của môn đồ. Cũng như sức hút của quả đất, trái phải rụng khi không còn gì giữ lại.

H: Nếu không biết được mục đích, làm sao người môn đồ nhận ra được chướng ngại?

M: Mục đích được Đạo sư chỉ ra, chướng ngại do môn đồ phát hiện. Đạo sư không ưu đãi riêng ai, những ai gặp chướng ngại phải vượt qua thường tụt lại phía sau.

Trong thực tế, người môn đồ không khác biệt với Đạo sư. Người môn đồ là cùng trung tâm nhận thức vô phương vị, và tình yêu trong hành động. Chính sự tưởng tượng của người môn đồ và sự tự đồng hóa với cái được tưởng tượng – đã đóng khung và biến người đó thành một con người. Đạo sư không mấy quan tâm đến con người. Sự chú ý của Đạo sư nhắm vào người quan sát bên trong. Công việc chủ yếu của người quan sát là hiểu, và, do đó, loại trừ con người. Ân đức là một chuyện, phải tận tình cống hiến cho công việc lại là chuyện khác.

H: Nhưng con người không muốn bị loại trừ.

M: Con người chỉ là kết quả của một sự hiểu sai. Trong thực tế, không hề có cái như là con người. Cảm thọ, ý nghĩ và hành động rượt đuổi nhau trong một diễn tiến bất tận trước mắt người quan sát, để lại những dấu vết trong não bộ, và tạo ra ảo ảnh về sự liên tục. Ảnh phản chiếu của người quan sát trong tâm tạo nên ý thức về “ta”, và con người dành được một sự tồn tại có vẻ như độc lập. Trong thực tế, không có con người, chỉ có người quan sát đồng hóa mình với cái “ta”, và cái “của ta”. Đạo sư bảo người quan sát: Ông không phải là cái này, chẳng có gì thuộc về ông ở trong cái này, ngoại trừ cái điểm nhỏ “Ta là”, nó chính là cây cầu giữa người quan sát và giấc chiêm bao của người đó. “Ta là cái này”, “Ta là cái kia” là chiêm bao, còn cái “Ta là” thuần túy đóng dấu ấn của thực tại lên giấc chiêm bao đó. Ông đã trải qua rất nhiều thứ – và tất cả đều trở thành không. Chỉ ý thức “Ta là” vẫn còn – bất biến. Hãy ở với cái bất biến giữa những cái biến dịch, cho đến khi ông có thể vượt ra ngoài.

H: Khi nào thì điều đó xảy ra?

M: Điều đó xảy ra ngay khi ông dẹp xong các chướng ngại.

H: Chướng ngại nào?

M: Ham muốn cái hư giả và sợ hãi cái chơn thật. Ông – một con người tưởng tượng Đạo sư quan tâm đến ông như một con người. Hoàn toàn không phải thế. Đối với Đạo sư ông là một phiền nhiễu, một chướng ngại cần loại trừ. Đạo như nhắm vào sự loại trừ ông như một yếu tố trong ý thức.

H: Nếu tôi bị loại trừ, cái gì còn lại?

M: Chẳng có gì còn lại, tất cả còn lại. Ý thức về chính mình vẫn còn nhưng không tự đồng hóa với một thân xác riêng biệt nào nữa. Hiện hữu – tánh biết – tình yêu sẽ chiếu sáng trong sự rực rỡ viên mãn. Giải thoát không bao giờ là giải thoát con người, giải thoát luôn luôn là giải thoát khỏi con người.

H: Và không còn vết tích nào của con người?

M: Một ký ức mơ hồ còn lại, như ký ức về một giấc mơ, hay về thời thơ ấu. Xét cho cùng, có gì để mà nhớ? Một giòng các sự kiện, hầu hết là ngẫu nhiên và vô nghĩa. Một chuỗi tiếp nối của những tham ái, lo sợ và sai lầm ngớ ngẩn. Liệu có gì đáng nhớ? Con người chỉ là cái vỏ giam hãm ông. Hãy đập vỡ cái vỏ.

H: Ông bảo ai đập vỡ cái vỏ? Ai là kẻ đập vỡ cái vỏ?

M: Cứ đập tan những ràng buộc của ký ức và sự nhận diện chính mình thì cái vỏ sẽ tự vỡ. Có một trung điểm, và trung điểm đó truyền thực tại cho bất cứ gì nó nhận thức. Tất cả những gì ông cần là hiểu rằng ông là nguồn gốc của thực tại; ông trao truyền, thay vì tiếp nhận thực tại, ông chẳng cần đến sự chống đỡ hay xác nhận nào. Mọi vật như chúng là, vì ông chấp nhận chúng như chúng là. Ông ngừng chấp nhận thì chúng biến mất. Bất cứ gì ông nghĩ đến – với tham ái và lo sợ – thì cái đó sẽ xuất hiện trước ông như thật. Nếu ông nhìn nó mà không tham ái hay lo sợ thì nó sẽ mất đi tính chất thật. Lạc thú và đau khổ đều vô thường. Đừng quan tâm đến chúng thì đơn giản hơn và dễ dàng hơn là làm theo chúng.

H: Nếu tất cả đều đi đến chỗ kết thúc, vậy tại sao chúng xuất hiện?

M: Sáng tạo ở ngay trong bản chất của ý thức. Ý thức tạo nên hình tướng bề ngoài. Thực tại ở ngoài ý thức.

H: Dù biết các hình tướng bề ngoài, nhưng tại sao chúng ta không biết đó chỉ là hình tướng bề ngoài?

M: Tâm che lấp thực tại mà không biết. Để biết bản chất của tâm, ông cần đến trí tuệ, khả năng quan sát tâm trong tĩnh lặng và sự tỉnh thức vô tư.

H: Nếu tôi là bản chất của ý thức trùm khắp, làm sao vô minh và ảo tưởng có thể xảy ra đối với tôi?

M: Chẳng có vô minh hay ảo tưởng nào đã từng xảy ra với ông. Tìm ra cái Ta mà ông gán cho là vô minh và ảo tưởng thì câu hỏi sẽ được trả lời. Ông nói như thể ông biết cái Ta và thấy nó trong vòng ảnh hưởng của vô minh và ảo tưởng. Nhưng thật ra ông không biết cái Ta, mà ông cũng chẳng biết vô minh. Bằng mọi cách hãy tỉnh thức – điều này sẽ đem ông đến với cái Ta, và ông sẽ nhận ra rằng trong nó không hề có vô minh hay ảo tưởng. Giống như bảo rằng: Nếu có mặt trời thì làm sao có bóng tối?

Dù ánh sáng mặt trời có chói lọi đến đâu thì bên dưới tảng đá vẫn là bóng tối. Tương tự như thế, trong cái bóng của ý thức “Ta là thân xác” chắc chắn có vô minh và ảo tưởng.

H: Tại sao ý thức thân xác lại xuất hiện?

M: Đừng hỏi “tại sao” mà hỏi “làm sao”. Chính bản chất của sự tưởng tượng sáng tạo là tự đồng hóa với những gì nó tạo ra. Ông có thể chấm dứt tưởng tượng bất cứ lúc nào bằng cách ngừng chú ý, hay qua sự tra vấn.

H: Liệu sáng tạo có trước sự tra vấn?

M: Trước tiên ông tạo ra một thế giới, rồi cái “Ta hiện hữu” trở thành một con người, con người đó không hạnh phúc vì rất nhiều lý do. Trên đường dấn thân đi tìm hạnh phúc, con người đó gặp một Đạo sư, và Đạo sư bảo: “Ông không phải là một con người, hãy tìm ra ông là ai.” Hắn làm theo và vượt ra ngoài.

H: Tại sao con người không làm như thế ngay từ đầu?

M: Con người không nghĩ ra. Hắn cần một ai đó bảo hắn.

H: Vậy là đủ?

M: Vậy là đủ.

H: Tại sao lại không đúng với trường hợp của tôi.

M: Ông không tin tưởng Ta.

H: Tại sao niềm tin của tôi yếu?

M: Tham ái và lo sợ làm cho tâm ông u tối. Tâm ông cần được làm cho trong sáng.

H: Tôi làm cho tâm trong sáng bằng cách nào?

M: Bằng cách quan sát nó thường xuyên. Không chú ý thì mê mờ, chú ý thì sáng tỏ.

H: Tại sao các Đạo sư Ấn Độ chủ trương vô hành động?

M: Hầu hết hành động của con người là vô giá trị, nếu không nói là hoàn toàn phá hoại. Bị khống chế bởi tham ái và lo sợ, con người chẳng làm được điều gì tốt lành. Ngưng làm các điều ác trước khi bắt đầu các điều lành. Do đó cần ngưng tất cả hành động trong một thời gian, để tìm hiểu những thôi thúc của chính mình và động cơ của sự thôi thúc; thấy rõ tất cả những gì hư giả trong cuộc sống của chính mình, thanh tẩy tất cả những điều ác trong tâm, rồi mới khởi sự công việc trở lại, bắt đầu với những nhiệm vụ hiển nhiên nhất của mình. Dĩ nhiên, nếu có dịp giúp ai đó thì hãy giúp bằng mọi cách và giúp ngay; đừng bắt họ chờ cho đến khi mình toàn hảo. Nhưng đừng trở thành một người chỉ biết làm việc thiện.

H: Tôi nhận thấy chẳng có mấy người làm điều thiện trong giới hành giả. Hầu hết những người tôi gặp quá mải mê với những xung đột nhỏ nhen của họ. Họ không còn tình cảm cho người khác.

M: Thái độ hướng ngã như thế chỉ là nhất thời. Hãy kiên nhẫn với những người như thế. Suốt nhiều năm họ chú ý đến đủ mọi thứ ngoại trừ chính họ. Hãy để họ quay lại với chính họ cho một sự thay đổi.

H: Kết quả của sự tỉnh thức chính mình là gì?

M: Ông trở nên sáng suốt hơn. Ông học trong sự tỉnh thức. Trong sự tỉnh thức chính mình, ông học về chính ông. Dĩ nhiên ông chỉ có thể học cái không phải là ông. Muốn biết cái mà ông là thì ông phải ra ngoài tâm.

H: Thế không phải sự tỉnh thức ở ngoài tâm?

M: Tỉnh thức là điểm từ đó tâm vượt ra khỏi chính nó vào thực tại. Trong sự tỉnh thức ông không tìm sự vừa ý, ông tìm sự thật.

H: Tôi nhận thấy tỉnh thức đem lại một trạng thái nội tâm tĩnh lặng, một trạng thái không còn tâm.

M: Đúng là như thế, nhưng chưa đủ. Đã bao giờ ông cảm nhận một sự rỗng rang trùm khắp trong đó vũ trụ bồng bềnh như một đám mây giữa bầu trời?

H: Thưa ông, trước tiên hãy để tôi biết rõ khoảng không gian bên trong của chính tôi.

M: Phá xập bức tường phân chia cái ý tưởng “Ta là thân xác” thì bên ngoài và bên trong sẽ là một.

H: Liệu tôi sẽ chết?

M: Sự hư hoại vật lý thì vô nghĩa. Chính sự bám víu vào cuộc sống tri giác ràng buộc ông. Nếu ông có thể chứng nghiệm sự trống rỗng nội tâm một cách rốt ráo thì sự bùng nổ vào cái toàn thể không còn bao xa.

H: Kinh nghiệm tâm linh của tôi thăng trầm tùy lúc. Có khi tôi cảm thấy rất tuyệt vời, có khi tôi cảm thấy thất vọng trở lại. Tôi như thằng bé điều khiển thang máy – lên rồi xuống, xuống rồi lên.

M: Tất cả những thay đổi trong ý thức là do ý tưởng “Ta là thân xác”. Loại bỏ được ý tưởng này thì tâm trở nên an định. Lúc đó chỉ có sự hiện hữu thuần túy, hoàn toàn không kinh nghiệm bất cứ gì riêng biệt. Nhưng muốn nhận ra cái đó ông phải làm theo những gì Đạo sư chỉ dạy. Chỉ nghe suông, thậm chí ghi nhớ, vẫn chưa đủ. Nếu ông không thường xuyên tinh tấn ứng dụng từng lời dạy của Đạo sư trong cuộc sống thường nhật thì đừng than vãn là mình không tiến bộ. Tất cả những tiến bộ thực sự đều không thể đảo ngược. Những thăng trầm chỉ cho thấy sự chỉ dạy của Đạo sư chưa nhập tâm, và chưa được thể hiện thành hành động một cách trọn vẹn.

H: Hôm trước ông có nói với chúng tôi rằng không hề có cái gì là nghiệp. Nhưng chúng tôi thấy mọi vật đều có một nguyên nhân và tổng thể các nguyên nhân đó có thể gọi là Karma.

M: Bao giờ ông còn tin mình là một thân xác thì ông còn gán ghép nguyên nhân cho tất cả mọi thứ. Ta không nói sự vật là không có nguyên nhân. Mỗi một sự vật có vô số nguyên nhân. Nó là như nó là, vì thế giới là như thế giới là. Khi phân thành chi nhánh, mỗi nguyên nhân bao trùm cả vũ trụ.

Khi nhận ra ông hoàn toàn tự do là cái mà ông bằng lòng là, và [khi nhận ra] ông là cái mà ông có vẻ là – vì do vô minh hoặc thờ ơ – thì ông tự do nổi loạn và thay đổi. Ông để cho ông là cái mà ông không phải. Rồi ông đi tìm nguyên nhân của cái không phải là ông! Đó chỉ là sự tìm kiếm vô ích. Không hề có nguyên nhân, nhưng ông lại không biết sự hiện hữu chơn thật của chính ông là toàn hảo và ở ngoài mọi nguyên nhân. Toàn thể vũ trụ có trách nhiệm về bất cứ gì xảy ra, và ông là nguồn gốc của vũ trụ.

H: Tôi hoàn toàn không biết mình là nguyên nhân của vũ trụ.

M: Vì ông không tìm hiểu. Tìm hiểu, tìm kiếm bên trong và ông sẽ biết.

H: Làm sao một hạt bụi như tôi có thể tạo nên vũ trụ bao la?

M: Khi ông bị lây nhiễm con vi khuẩn “Ta là thân xác” thì toàn thể vũ trụ đột nhiên xuất hiện. Nhưng khi nhàm chán nó, ông ấp ủ một số ý tưởng hoang đường về giải thoát, và theo đuổi những nguyên tắc hành động hoàn toàn vô ích. Ông tập trung, ông thiền quán, ông hành hạ tâm, thân – ông làm đủ mọi chuyện không cần thiết, nhưng ông không thấy được điều cốt lõi: loại bỏ con người.

H: Thoạt tiên chúng tôi có thể cầu nguyện và thiền quán một thời gian, trước khi sẵn sàng tìm hiểu chính mình.

M: Nếu tin như thế thì ông cứ làm. Đối với Ta, mọi trì hoãn chỉ phí phạm thời gian. Ông có thể bỏ qua tất cả những bước chuẩn bị, và đi thẳng vào sự tìm kiếm tối hậu bên trong. Trong tất cả các pháp Yoga, đó là pháp đơn giản nhất và đốn nhất.

❁ ❁ ❁

72. Cái thuần khiết, không pha tạp, không bị ràng buộc là cái thật

Maharaj: Ông trở lại Ấn Độ! Thời gian vừa qua ông ở đâu, và đã thấy được những gì?

Hỏi: Tôi vừa ở Thụy Sĩ sang. Tôi ở đó với một người rất khác thường, tự nhận là đã giác ngộ. Người này trước kia đã hành rất nhiều pháp môn Yoga, và đã trải qua đủ loại kinh nghiệm. Hiện nay ông ta tự nhận là không có khả năng hay kiến thức nào đặc biệt, nhưng điều khác thường đối với ông ta liên quan đến các cảm giác: ông ta không thể nào tách người thấy ra khỏi cái bị thấy. Chẳng hạn như khi thấy chiếc xe hơi lao về phía mình, ông ta không biết là chiếc xa hơi lao vào ông ta, hay ông ta lao vào chiếc xe hơi. Cùng một lúc, ông ta như cả hai – người thấy và cái bị thấy. Hai cái trở thành một. Bất cứ gì ông ta thấy, ông ta thấy chính mình. Khi tôi hỏi một số câu hỏi về pháp môn Vedanta, ông ta bảo: “Tôi không thể trả lời. Tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là sự đồng hóa kỳ lạ này với bất cứ gì tôi nhận thức. Ông biết không, tôi không hề mong đợi một điều như thế này.”

Nhìn chung ông ta là một người khiêm tốn, không thu nhận môn đồ và không hề có ý định tự đặt mình lên bệ thờ. Ông ta sẵn sàng nói về tình trạng kỳ lạ của mình, nhưng chỉ thế thôi.

M: Bây giờ ông ta biết cái mình biết. Tất cả những cái khác đã qua. Ít ra là ông ta còn nói. Chẳng bao lâu nữa ông ta sẽ tịnh khẩu.

H: Lúc đó ông ta sẽ làm gì?

M: Bất động và im lặng không có nghĩa là không hành động. Bông hoa tỏa hương thơm trong không gian, và ngọn nến tỏa ra ánh sáng. Chúng chẳng làm gì cả nhưng thay đổi tất cả chỉ bằng sự hiện diện của chúng. Ông có thể chụp ảnh ngọn nến, nhưng ông không thể chụp ảnh được ánh sáng của nó. Ông có thể biết con người, danh xưng và hình tướng, nhưng ông không biết được ảnh hưởng của người đó. Sự có mặt của người đó chính là hành động.

H: Thế không phải hành động là tự nhiên hay sao?

M: Mọi người đều muốn hành động, nhưng hành động sinh khởi từ đâu? Không hề có một trung điểm, mỗi hành động tạo ra một hành động khác, hoàn toàn vô nghĩa và đầy đau đớn trong một chuỗi diễn tiến bất tận. Không có sự xen kẽ giữa hành động và dừng lại. Trước tiên hãy tìm ra cái trung tâm bất biến mà từ đó mọi chuyển động khởi sinh. Như một bánh xe xoay quanh trục của nó, ông luôn luôn phải ở ngay trục của trung tâm, chứ không phải xoay vòng ở ngoại vi.

H: Tôi thực hành như thế nào?

M: Bất cứ khi nào một ý nghĩ hay cảm xúc tham ái hoặc lo sợ xuất hiện trong tâm, ông chỉ việc quay đi.

H: Bằng cách ức chế ý nghĩ và cảm thọ, tôi sẽ kích động một phản ứng.

M: Ta không bảo phải ức chế. Chỉ đừng chú ý.

H: Tôi không thể cố gắng dừng lại các chuyển động của tâm hay sao?

M: Nó chẳng liên quan gì đến cố gắng. Chỉ quay đi, nhìn vào giữa hai ý nghĩ, thay vì vào ý nghĩ. Khi tình cờ đi giữa một đám đông, ông không đánh nhau với từng người ông gặp – ông chỉ tìm cách len qua giữa những người ông gặp.

H: Nếu dùng ý chí để khống chế tâm thì chỉ làm cho cái tôi thêm kiên cố.

M: Dĩ nhiên. Khi cưỡng lại, ông khiêu khích một cuộc đánh nhau. Nhưng nếu không đề kháng, ông không gặp sự đề kháng. Nếu không nhập cuộc chơi, ông là người ngoại cuộc.

H: Phải mất bao lâu tôi mới loại bỏ được tâm?

M: Có thể đến cả ngàn năm, nhưng thật ra không cần đến thời gian. Tất cả những gì ông cần là sự thành khẩn. Ở đây ý chí là hành động. Nếu thành khẩn thì ông sẽ có nó. Xét cho cùng, chính thái độ mới quan trọng. Không gì có thể ngăn cản ông làm một người giác ngộ ở đây và ngay bây giờ, ngoại trừ sự sợ hãi. Ông sợ thành cái phi nhân cách, ông sợ thành sự hiện hữu phi nhân cách. Mọi chuyện rất đơn giản. Chỉ việc quay đi đối với tham ái và lo sợ, cũng như mọi ý nghĩ do chúng tạo ra, thì ngay lập tức ông ở trong trạng thái tự nhiên của ông.

H: Không cần tái điều kiện hóa, thay đổi, hay loại bỏ tâm?

M: Hoàn toàn không cần. Cứ mặc kệ tâm, chỉ thế thôi. Đừng đi theo tâm. Xét cho cùng, không hề có cái như là tâm tách lìa khỏi ý nghĩ, ý nghĩ đến và đi theo luật riêng của chúng, mà không phải của ông. Chúng khống chế ông chỉ vì ông quan tâm đến chúng. Đúng như Đấng Chirst đã nói: “Đừng cưỡng lại điều ác.” Cưỡng lại điều ác chỉ làm cho điều ác thêm kiên cố.

H: Bây giờ thì tôi hiểu. Tất cả những gì tôi phải làm là phủ nhận sự tồn tại của điều ác, rồi nó sẽ tan biến dần. Nhưng liệu một sự phủ nhận như vậy có thu hẹp lại thành một hình thức tự kỷ ám thị nào đó (auto-suggestion)?

M: Khi ông nghĩ chính ông là một con người, bị câu thúc giữa thiện và ác thì tự ám thị bây giờ ở vào trạng thái sôi nổi nhất. Điều Ta bảo ông làm là chấm dứt tình trạng đó, tỉnh thức và thấy sự vật như chúng là.

Về thời gian lưu lại Thụy Sĩ với người bạn khác thường của ông, ông được lợi lạc gì trong khi thân cận với người này?

H: Hoàn toàn không. Kinh nghiệm của ông ta chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi đã hiểu ra một điều: chẳng có gì để tìm kiếm. Dù đi bất cứ đâu, tôi sẽ chẳng gặp gì ở cuối đường. Sự khám phá không phải là kết quả của bôn ba đây đó.

M: Đúng thế, ông không phải là bất cứ gì có thể đạt được hay mất đi.

H: Ông gọi đó là Vairagya – từ bỏ, buông bỏ?

M: Chẳng có gì để từ bỏ. Chỉ ngưng thu nhận là đủ. Muốn cho ông phải có, muốn có ông phải nhận. Tốt hơn hết là đừng nhận. Đừng nhận thì dễ thực hành hơn là từ bỏ, vì từ bỏ đưa đến một hình thức nguy hiểm của “ngã mạn tâm linh.”

Tất cả những cân nhắc, chọn lọc, lựa chọn, và trao đổi – đều là hành vi mua sắm ở chợ “tâm linh”. Ông có gì buôn bán ở đó? Ông tìm cái gì ở đó? Khi ông không theo đuổi chuyện làm ăn buôn bán thì những ưu tư bất tận về lựa chọn có ích lợi gì? Bồn chồn, nôn nóng chẳng đưa ông đến đâu. Có cái gì đó ngăn che không cho ông thấy được rằng ông chẳng cần bất cứ gì. Hãy tìm ra nó và nhận ra tính hư giả của nó. Cũng như nuốt nhầm chất độc và vô cùng khát nước. Thay vì uống thật nhiều nước, tại sao không loại trừ chất độc, và thoát khỏi cơn khát khủng khiếp đó?

H: Tôi phải loại trừ cái ta!

M: Ý thức “Ta là một con người trong thời gian và không gian” là chất độc. Về một phương diện, chính thời gian là chất độc. Trong thời gian, tất cả đều đi đến sự chấm dứt, cái mới được sinh ra và rồi sẽ bị hủy diệt khi đến lượt. Đừng đồng hóa chính mình với thời gian, đừng nôn nóng hỏi “cái gì tiếp theo, cái gì kế tiếp?” Hãy bước ra khỏi thời gian và quan sát nó hủy diệt thế giới. Hãy nói: “À, chính bản chất của thời gian là kết liễu tất cả. Cứ mặc kệ thời gian. Nó chẳng hề làm cho Ta bận tâm. Ta không thể bị hủy diệt, và Ta cũng chẳng cần tích lũy nhiên liệu.”

H: Liệu có thể có nhân chứng mà không có gì để chứng kiến?

M: Luôn luôn có một cái gì đó để chứng kiến. Nếu không phải là vật, thì cũng là sự vắng thiếu của vật. Hành vi nhân chứng thì tự nhiên và chẳng có gì là không đúng. Điều không đúng là quan tâm thái quá, đưa đến sự đồng hóa chính mình. Bất cứ gì thu hút ông, ông đều cho là thật.

H: Thế cái “Ta hiện hữu” thật hay không thật? Cái “Ta hiện hữu” có phải là nhân chứng? Nhân chứng là thật hay không thật?

M: Cái gì thuần khiết, không pha tạp, không bị ràng buộc, là thật. Cái gì cấu nhiễm, pha tạp, tùy thuộc và vô thường, là không thật. Đừng để bị ngôn từ lừa dối – một chữ có thể mang nhiều ý nghĩa và các ý nghĩa thậm chí mâu thuẫn với nhau. Cái “Ta hiện hữu” theo đuổi lạc thú và tránh né đau khổ là giả; cái “Ta hiện hữu” thấy lạc thú và đau khổ không tách rời nhau, là thấy đúng. Người thấy bị vướng mắc với những gì mình nhận thức là con người. Người thấy đứng xa lìa, bất động và không bị tác động, là người thấy cái thật, là điểm mà tại đó tánh biết – sẵn có trong cái bất thị hiện – giao tiếp với cái thị hiện. Không thể có vũ trụ nếu không có nhân chứng, không thể có nhân chứng nếu không có vũ trụ.

H: Thời gian hủy diệt vũ trụ. Ai là người chứng kiến thời gian?

M: Người ở ngoài thời gian – Kẻ không thể đặt tên. Một đốm lửa, xoay nhanh theo vòng tròn, tạo ra hình ảnh một vòng sáng. Khi chuyển động ngừng thì đốm sáng còn lại. Tương tự như thế, cái “Ta hiện hữu” lúc động tạo nên thế giới. Cái “Ta hiện hữu” lúc tịnh trở thành Cái Tuyệt đối. Ông như một kẻ đi trong đường hầm với cái đèn pin. Ông chỉ có thể thấy những gì trong tầm sáng của đèn. Những gì còn lại đều ở trong bóng tối.

H: Nếu tôi phóng chiếu ra thế giới thì tôi có thể thay đổi thế giới.

M: Dĩ nhiên, ông có thể thay đổi thế giới. Nhưng ông phải chấm dứt nhận dạng ông với nó và vượt ra ngoài. Lúc đó ông có đầy quyền năng hủy diệt và tái tạo thế giới.

H: Tôi chỉ muốn giải thoát.

M: Có hai điều ông phải biết: Ông muốn giải thoát khỏi cái gì và cái gì trói buộc ông?

H: Vì sao ông muốn hủy diệt vũ trụ?

M: Ta chẳng quan tâm đến vũ trụ. Mặc kệ nó hiện hữu hay không hiện hữu. Ta chỉ cần biết Ta là đủ.

H: Nếu ở ngoài thế giới, ông có lợi lạc gì cho thế giới?

M: Nếu trắc ẩn thì trắc ẩn cái Ta, chứ đừng trắc ẩn cho thế giới! Bị phủ kín trong chiêm bao ông quên mất cái Ta chơn thật của chính ông.

H: Không có thế giới thì không có chỗ cho tình yêu.

M: Đúng thế. Tất cả các thuộc tính: hiện hữu, ý thức, tình yêu và cái đẹp đều là ảnh phản chiếu của thực tại lên thế giới. Không có cái thật thì không có ảnh phản chiếu.

H: Thế giới đầy những điều đáng ham muốn và con người. Làm sao tôi tưởng tượng nó không hiện hữu?

M: Cứ để những điều đáng ham muốn cho những ai ham muốn. Hãy đổi chiều ham muốn của ông từ nhận sang cho. Lòng tha thiết bố thí, và chia sẻ, tự nhiên sẽ gột sạch ý nghĩ về một thế giới bên ngoài tâm, cũng như ý tưởng bố thí. Chỉ còn lại sự chói lọi thuần khiết của tình yêu, ở ngoài cho và nhận.

H: Trong tình yêu phải có hai, người yêu và kẻ được yêu.

M: Trong tình yêu một còn không có, làm sao có hai? Tình yêu là sự phủ nhận mọi phân chia và phân biệt. Trước khi có thể nghĩ về cái duy nhất thì trước tiên ông phải tạo ra nhị nguyên. Khi thực sự yêu, ông không nói: “Tôi yêu em.” Còn tiến trình tâm lý thì còn nhị nguyên.

H: Điều gì đã đem tôi trở lại Ấn Độ nhiều lần? Chắc chắn không phải giá sinh hoạt ở đây tương đối rẻ. Mà cũng không phải tính đa dạng và màu sắc của các ấn tượng. Chắc chắn phải là một yếu tố nào đó quan trọng hơn.

M: Còn phải kể đến khía cạnh tâm linh. Ở Ấn Độ sự phân biệt giữa bên ngoài và bên trong ít hơn; việc bầy tỏ cái bên trong ra bên ngoài dễ hơn; sự hợp nhất dễ hơn và xã hội không quá áp bức.

H: Đúng, ở phương Tây chỉ có TamasRajas. Ở Ấn Độ có nhiều Sattva hơn, hài hòa và cân đối hơn.

M: Ông không thể vượt ra ngoài Gunas? Tại sao lại chọn Sattva? Hãy là cái ông là dù ở bất cứ đâu, và đừng quan tâm đến Gunas.

H: Tôi không có sức mạnh.

M: Điều này cho thấy ông chẳng thu hoạch gì nhiều ở Ấn Độ. Cái mà ông thật sự có thì ông không thể mất. Nếu ông thực sự an trú trong chính ông thì mọi thay đổi nơi chỗ không hề có ảnh hưởng.

H: Ở Ấn Độ đời sống tâm linh thật đơn giản. Ở phương Tây thì không thế. Con người phải thích ứng với môi trường trong một mức độ lớn hơn.

M: Tại sao ông không tạo ra môi trường của chính ông? Thế giới chỉ có thể khống chế được ông trong chừng mực mà ông cho phép. Hãy nổi loạn. Hãy vượt ra khỏi nhị nguyên, đừng phân biệt Đông và Tây.

H: Một người có thể làm gì khi biết mình ở trong một môi trường phi tâm linh?

M: Chẳng làm gì cả. Cứ là chính ông. Đứng ngoài. Nhìn xa ra.

H: Có thể có những va chạm trong gia đình. Cha mẹ không chịu hiểu.

M: Khi biết được sự hiện hữu chơn thật của ông thì chẳng có gì là vấn đề đối với ông. Ông có thể làm vui lòng cha mẹ hay không, lập gia đình hay không, làm ra nhiều tiền hay không – thì chẳng có gì khác biệt đối với ông. Cứ hành động thuận theo hoàn cảnh, nhưng luôn luôn kề cận với sự thật, với thực tại trong mọi tình huống.

H: Thế đó không phải là một trạng thái thật cao siêu?

M: Ồ, không. Đó chỉ là trạng thái bình thường. Ông gọi nó là cao siêu vì ông sợ nó. Khi di chuyển trên một con đường đông người, ông chỉ vượt qua người khác. Có người ông nhìn, có người ông chỉ liếc qua, nhưng ông không dừng lại. Chính khi dừng lại ông tạo ra sự tắc nghẽn. Cứ di chuyển! Đừng để tâm đến danh xưng và hình tướng, đừng vướng mắc vào chúng; sự vướng mắc chính là sự ràng buộc ông.

H: Tôi phải làm gì nếu bị ai đó tát vào mặt?

M: Ông sẽ phản ứng theo cá tính của ông, bẩm sinh hay thụ đắc.

H: Liệu tôi, và thế giới có bị bắt buộc phải như hiện nay? Có phải đó là tất yếu?

M: Một người thợ kim hoàn muốn làm lại một món đồ trang sức thì trước tiên phải nấu chảy món trang sức đó thành vàng không còn hình dáng riêng biệt. Tương tự như thế, một người phải trở về trạng thái bổn lai trước khi một danh xưng mới và một hình tướng mới xuất hiện. Chết là cần thiết cho sự tân tạo.

H: Ông luôn luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vượt ra ngoài, phải xa lìa, phải độc cư. Hầu như ông không dùng đến các từ ngữ như “đúng” và “sai”. Vì sao vậy?

M: Là chính mình thì đúng, không là chính mình thì sai. Tất cả những cái khác chỉ là điều kiện. Ông muốn phân biệt đúng và sai, vì ông cần một cơ sở nào đó cho hành động. Ông luôn luôn theo đuổi phải làm cái này hay cái khác. Nhưng hành động – được thúc giục bởi động cơ có tính cách cá nhân, dựa trên một nấc thang giá trị nào đó, nhắm vào một kết quả nào đó – thì tồi tệ hơn là đừng làm gì cả, vì quả của nó luôn luôn cay đắng.

H: Tánh biết và tình yêu là một và như nhau?

M: Dĩ nhiên. Tánh biết thì năng động, tình yêu là hiện hữu. Tánh biết là tình yêu trong hành động. Tâm tự nó có thể hiện thực hóa bất cứ số lượng nào về khả năng, nhưng nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu thì những khả năng đó vô giá trị. Tình yêu đi trước sáng tạo. Nếu không có tình yêu thì chỉ có hỗn loạn.

H: Hành động ở đâu trong tánh biết?

M: Ông hành hoạt thật sai lầm làm sao! Nếu không có chuyển động, động đậy, náo loạn thì ông không thấy hành động. Hỗn loạn chỉ là chuyển động vì chuyển động. Hành động thật sự thì không thay đổi vị trí và chỉ chuyển hóa. Thay đổi vị trí chỉ là chuyển dịch; thay đổi tâm trí là hành động. Phải nhớ rằng không gì có thể nhận thức được là thật. Hoạt động thì không phải hành động. Hành động thì tàng ẩn, không biết và không thể biết. Ông chỉ có thể biết được kết quả.

H: Thế không phải Thượng đế là người làm ra tất cả?

M: Tại sao ông lại đem một tạo hóa ở bên ngoài vào? Thế giới tái tạo chính nó từ chính nó. Đây là một tiến trình bất tận, cái vô thường tạo ra cái vô thường. Chính cái Ta của ông làm cho ông tưởng rằng phải có một tạo hóa. Ông tạo ra một Thượng đế cho hình ảnh của chính ông, dù hình ảnh đó có ảm đạm đến đâu. Dùng cuốn phim của chính tâm ông, ông phóng chiếu ra một thế giới và một Thượng đế để cho thế giới đó nguyên nhân và mục đích. Tất cả đều là tưởng tượng. Hãy bước ra ngoài nó.

H: Thật khó để thấy được rằng thế giới thuần túy chỉ là các trạng thái của tâm! Thực tế hữu hình của thế giới vô cùng thuyết phục.

M: Đó chính là điều bí ẩn của tưởng tượng, vì nó có vẻ như rất thật. Dù ông sống độc thân hay lấy vợ, là tu sĩ hay người có gia đình thì đó không phải là vấn đề. Vấn đề là ông có phải, hay là tên nô lệ của tưởng tượng? Bất cứ quyết định nào ông lựa chọn, bất cứ công việc nào ông làm đều luôn luôn dựa trên tưởng tượng, trên những giả định được phô diễn như thật.

H: Tôi đang ngồi đây trước mặt ông, phần nào của sự kiện là tưởng tượng?

M: Toàn thể sự kiện là tưởng tượng. Ngay cả không gian và thời gian cũng được tưởng tượng ra.

H: Điều đó có nghĩa là tôi không tồn tại?

M: Cả Ta cũng không tồn tại. Tất cả tồn tại đều là tưởng tượng.

H: Thế hiện hữu cũng là tưởng tượng?

M: Hiện hữu thuần túy – bao trùm tất cả và ở ngoài tất cả – thì không phải là tồn tại, vì tồn tại tức là hữu hạn. Tất cả mọi hữu hạn đều là tưởng tượng, chỉ cái vô hạn mới là chơn thật.

H: Khi nhìn tôi, ông thấy gì?

M: Ta thấy ông tưởng tượng ông là.

H: Có rất nhiều người như tôi. Nhưng mọi người đều khác nhau.

M: Tổng thể của tất cả các phóng chiếu là cái gọi là Maha-Maya – ảo ảnh vĩ đại.

H: Khi ông nhìn chính ông, ông thấy gì?

M: Còn tùy cách nhìn. Khi nhìn qua tâm Ta thấy vô số chúng sinh. Khi nhìn vượt ra tâm, Ta thấy nhân chứng. Bên ngoài nhân chứng là cường độ vô biên của sự rỗng rang và im lặng.

H: Hành xử đối với con người nên như thế nào?

M: Tại sao lại đặt ra kế hoạch, và để làm gì? Những câu hỏi như thế chứng tỏ sự ưu tư lo lắng. Quan hệ là một cái gì đó sống động. An lạc với chính cái Ta bên trong của ông, ông sẽ an lạc với mọi người.

Hãy nhận ra rằng ông không phải là chủ nhân của những gì xảy ra, ông không thể kiểm soát tương lai, ngoại trừ những vấn đề thuần túy kỹ thuật. Không thể nào hoạch định được quan hệ nhân sinh, vì nó quá phong phú và biến dịch. Chỉ cần thông cảm, từ bi, và vô cầu lợi ích riêng tư.

H: Hiển nhiên tôi không phải là chủ nhân – mà đúng ra là tên nô lệ – của những gì xảy ra.

M: Đừng làm chủ, mà cũng đừng làm nô lệ. Đứng tách ra.

H: Điều này hàm ý trốn tránh hành động?

M: Ông không thể trốn tránh hành động. Hành động xảy ra, như mọi thứ khác.

H: Hành động của tôi, dĩ nhiên là tôi có thể kiểm soát.

M: Cứ thử đi. Ông sẽ sớm nhận ra rằng ông làm điều ông phải làm.

H: Tôi có thể hành động theo ý chí của tôi.

M: Ông chỉ biết được ý chí của ông sau khi đã hành động.

H: Tôi nhớ đến các ham muốn của tôi, những sự lựa chọn của tôi, những quyết định của tôi và theo đó tôi hành động.

M: Thế thì ký ức của ông quyết định, không phải ông.

H: Vậy “tôi” từ đâu xuất hiện?

M: Ông làm cho tôi xuất hiện bằng cách chú ý đến nó.

H: Không có gì như là ý chí tự do? Tôi không tự do để ước muốn sao?

M: Không đâu, ông bị bắt buộc phải ước muốn. Trong Ấn giáo ý tưởng về ý chí tự do không tồn tại, nên không có từ ngữ cho nó. Ý chí là cam kết, là cố định, là ràng buộc.

H: Tôi hoàn toàn tự do lựa chọn những gì hữu hạn của tôi.

M: Ông phải tự do trước. Muốn tự do trong thế giới, ông phải tự do đối với thế giới. Nếu không quá khứ sẽ quyết định cho ông và tương lai của ông. Ông bị câu thúc giữa cái đã xảy ra và cái phải xảy ra. Gọi đó là định mệnh hay Karma, nhưng không bao giờ là tự do. Trước tiên hãy trở về với sự hiện hữu chơn thật của ông rồi hành động từ trái tim của tình yêu.

H: Trong nội vi cái thị hiện, cái gì là dấu ấn của cái bất thị hiện?

M: Không hề có. Ngay khi ông khởi sự tìm kiếm dấu ấn của cái bất thị hiện thì cái thị hiện biến mất. Nếu tìm cách hiểu cái bất thị hiện bằng tâm, ngay lập tức ông ra khỏi tâm; cũng như khi khơi lửa bằng một que củi, ông đốt cây củi. Hãy dùng tâm để tìm hiểu cái thị hiện. Như một con gà con mổ vỏ trứng. Suy diễn về cuộc sống ở bên ngoài lớp vỏ chẳng ích lợi gì, nhưng hành động mổ vào vỏ trứng, và phá vỡ vỏ trứng từ bên trong sẽ giải thoát con gà con. Tương tự như thế, phá vỡ tâm từ bên trong bằng sự tìm hiểu và vạch trần những mâu thuẫn và vô lý của nó.

H: Ước muốn phá vỡ vỏ trừng từ đâu mà có?

M: Từ cái bất thị hiện.

***

73. Cái chết của tâm là sự khai sinh của trí tuệ

Hỏi: Trước khi giác ngộ bản tánh chơn thật của mình, có cần phải là một con người không? Cái Ta không có giá trị của nó hay sao?

Maharaj: Con người chẳng ích lợi gì nhiều. Con người mê đắm trong các vấn đề riêng tư, và hoàn toàn không biết đến sự hiện hữu chơn thật của nó. Chỉ khi nào ý thức nhân chứng bắt đầu tác động đến con người, và ý thức nhân chứng trở thành đối tượng – thay vì chủ thể – của sự quan sát thì mới có thể nói đến giác ngộ. Chính nhân chứng làm cho sự giác ngộ được khao khát và có thể đạt đến.

H: Có thời điểm nào trong đời, con người trở thành nhân chứng?

M: Ồ, không. Con người sẽ không thể tự trở thành nhân chứng. Cũng giống như mong đợi một cây nến lạnh tự cháy sáng trên giòng thời gian. Con người có thể mãi mãi ở trong bóng tối của vô minh, cho đến khi nào ngọn lửa của sự tỉnh thức chạm vào nó.

H: Ai thắp sáng ngọn nến?

M: Đạo sư. Lời dạy của Đạo sư, sự hiện diện của Đạo sư. Ở Ấn Độ thường là thần chú – Mantra. Một khi cây nến được thắp lên, ngọn lửa sẽ tiêu thụ cây nến.

H: Vì sao thần chú lại linh nghiệm như vậy?

M: Thường xuyên niệm chú là một điều mà người niệm không làm cho chính mình. Người được hưởng không phải là con người. Cũng như cây nến không dài ra bằng sự cháy sáng.

H: Liệu con người có thể tự biết chính mình?

M: Có. Đôi khi điều này xảy ra sau không biết bao nhiêu đau khổ. Đạo sư muốn giảm bớt những đau khổ vô tận của ông. Ân đức của Đạo sư là như thế. Thậm chí khi không tìm được Đạo sư bên ngoài, luôn luôn vẫn có Sadguru – Đạo sư bên trong – là người chỉ dẫn và cứu giúp từ bên trong. Các từ ngữ như “bên ngoài” và “bên trong” chỉ liên quan đến thân xác; trong thực tế tất cả là một, cái bên ngoài chỉ là sự phóng chiếu của cái bên trong. Tánh biết xuất hiện như thể từ một phương vị cao hơn.

H: Trước và sau khi tia sáng được thắp lên, cái gì là sự khác biệt?

M: Trước khi tia sáng được thắp lên không có nhân chứng để nhận thức sự khác biệt. Con người có thể có ý thức, nhưng không biết mình có ý thức. Con người hoàn toàn đồng hóa chính mình với những gì nó nghĩ, cảm thọ và kinh nghiệm. Con người ở trong bóng tối do chính mình tạo ra. Khi bóng tối bị chất vấn nó liền biến mất. Ý muốn chất vấn được Đạo sư truyền thụ. Nói một cách khác, sự khác biệt giữa con người và nhân chứng là ở chỗ biết chính mình và không biết chính mình. Khi có sự hòa hợp, thế giới được thấy trong ý thức là thuộc về bản chất của ý thức; nhưng khi hoạt động và quán tính, tức Rajas và Tamas xuất hiện, chúng ngăn che và vo tròn bóp méo khiến ông thấy cái giả như thật.

H: Con người có thể làm gì để chuẩn bị chính mình tiếp đón Đạo sư?

M: Ngay chính ước muốn sẵn sàng có nghĩa là Đạo sư đã đến và ngọn lửa đã được thắp sáng. Đó có thể là một tiếng bâng quơ hay một trang kinh; ân đức của Đạo sư tác động rất bí ẩn.

H: Như thế không có chuyện như là chuẩn bị chính mình? Chúng tôi nghe nói rất nhiều về tu tập Yoga.

M: Không phải con người thực hành pháp tu. Con người luôn luôn bất an và chống lại cho đến cùng. Chính nhân chứng tác động đến con người, đến toàn thể các ảo tưởng của con người – quá khứ, hiện tại và tương lai.

H: Làm sao chúng tôi biết những gì ông nói là đúng thật? Mặc dù những điều ông nói là tự đầy đủ và hoàn toàn không có những mâu thuẫn nội tại, nhưng làm sao chúng tôi biết được rằng chúng không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng dồi giào, được bồi dưỡng và làm cho phong phú bằng cách thường xuyên lập đi lập lại?

M: Bằng chứng của sự thật ở trong ảnh hưởng của nó đối với người nghe.

H: Ngôn từ có thể có những hiệu năng rất mãnh liệt. Bằng cách nghe, hay tụng niệm một số tiếng nào đó một người có thể trải qua những trạng thái xuất thần khác nhau. Kinh nghiệm của người nghe có thể được tạo nên, nhưng không thể được xem là bằng chứng.

M: Công năng không nhất thiết phải là một sự chứng nghiệm. Nó có thể là một sự thay đổi trong cá tính, trong nguyên do hành động, trong quan hệ với tha nhân, và trong chính cái Ta của mình. Những trạng thái xuất thần, những linh ảnh hiển hiện nhờ ngôn ngữ hay ma túy, hoặc bất cứ phương tiện giác quan hay tâm lý đều giả tạm và không đem lại kết quả tối hậu. Sự thật của những gì được nói ra ở đây là bất biến và trường cửu. Bằng chứng của nó là ở trong người nghe, qua những thay đổi sâu xa và vĩnh viễn trong toàn thể sự hiện hữu của người đó. Bằng chứng đó không thể là điều người đó có thể nghi hoặc, trừ khi người đó hoài nghi về sự tồn tại của chính mình, mà đó lại là điều không thể có. Khi kinh nghiệm của Ta trở thành kinh nghiệm cũng của chính ông, ông còn muốn bằng chứng nào hiển nhiên hơn thế?

H: Người kinh nghiệm là bằng chứng kinh nghiệm của người đó.

M: Khá đúng, nhưng người kinh nghiệm không cần đến bằng chứng. “Ta biết và Ta biết Ta biết.” Ông không thể đòi hỏi thêm bằng chứng nào nữa.

H: Có thể có cái biết chơn thật về vạn hữu?

M: Tương đối thì có. Tuyệt đối thì chẳng có vật gì. Biết được không có gì hiện hữu là cái biết chân thật.

H: Cái gì liên kết cái tương đối và cái tuyệt đối?

M: Chúng đồng với nhau.

H: Theo cách nhìn nào thì chúng đồng với nhau?

M: Khi ngôn từ được nói ra, sự im lặng vẫn có đó. Khi cái tương đối chấm dứt, cái tuyệt đối còn lại. Sự im lặng trước khi ngôn từ được nói ra có khác với sự im lặng sau đó? Sự im lặng chỉ là một, và nếu không có nó thì ngôn từ không thể được nghe. Sự im lặng luôn luôn có đó – ở phía sau ngôn từ. Chuyển sự chú ý của ông từ ngôn từ sang im lặng, ông sẽ nghe thấy nó. Tâm khao khát kinh nghiệm, và ký ức về kinh nghiệm được tâm cho là cái biết. Người giác ngộ ở ngoài mọi kinh nghiệm và ký ức của người đó hoàn toàn rỗng rang không có quá khứ. Người giác ngộ hoàn toàn không liên quan đến bất cứ gì riêng biệt. Vì khao khát công thức và định nghĩa, tâm luôn luôn tìm cách nhào nặn thực tại thành hình tướng hữu ngôn. Tâm luôn luôn muốn có một ý tưởng về bất cứ gì, vì nếu không có ý tưởng thì không có tâm. Thực tại – về bản chất – thì đơn độc, nhưng tâm không để cho thực tại đơn độc; và thay vì giao tiếp với thực tại tâm chỉ giao tiếp với cái không thật. Tất cả những gì tâm có thể làm: phát hiện cái không thật là không thật.

H: Và thấy cái thật là thật?

M: Không hề có trạng thái như là thấy cái thật. Ai thấy cái gì? Ông chỉ có thể là cái thật – là cái mà ông là, dù thế nào đi nữa. Vấn đề chỉ là tâm. Từ bỏ những ý nghĩ không đúng, có thế thôi. Không cần thiết phải có ý nghĩ đúng. Không có ý nghĩ đúng.

H: Thế tại sao chúng tôi được khuyến khích tìm kiếm cái thật?

M: Tâm phải có một mục đích. Khuyến khích tâm giải thoát chính nó ra khỏi cái không thật có nghĩa là tâm được hứa hẹn một cái gì đó để bù lại. Trong thực tế, không cần phải có mục đích. Tự thân sự thoát ra khỏi cái hư giả là điều tốt, chẳng cần đến phần thưởng. Cũng giống như sạch sẽ – chính nó là phần thường của nó.

H: Thế hiểu biết chính mình có phải là phần thưởng?

M: Phần thưởng của hiểu biết chính mình là thoát ra khỏi cái Ta cá nhân. Ông không thể biết người biết, vì ông là người biết. Thực tế của hành vi biết chứng minh người biết. Ông chẳng cần bằng chứng nào khác. Không thể biết được người biết của cái biết. Cũng như ánh sáng chỉ được biết ở trong mầu sắc, thì người biết được biết trong sự biết.

H: Như thế người biết chỉ là một sự suy diễn?

M: Ông biết thân, tâm và cảm thọ của ông. Liệu có phải ông chỉ là một sự suy diễn?

H: Tôi là một sự suy diễn đối với người khác, nhưng không phải với chính tôi.

M: Ta cũng thế, là một sự suy diễn đối với ông, nhưng không đối với chính Ta. Ta biết chính Ta bằng cách là chính Ta. Cũng như ông biết chính ông là một con người bằng cách là một con người. Ông không thường xuyên nhắc nhở chính ông là một con người. Chỉ khi nào tính người của ông bị chất vấn thì ông mới khẳng định ông là một con người. Tương tự như thế, Ta biết Ta là tất cả. Ta không cần tiếp tục lải nhải: “Ta là tất cả, Ta là tất cả.” Chỉ khi nào ông cho Ta là một cái gì đó riêng biệt, một con người, thì Ta mới phản đối. Cũng như ông luôn luôn là một con người, thì Ta là cái Ta là – luôn luôn là như thế. Bất cứ gì ông là và là một cách bất biến, thì ông là cái đó – không còn gì nghi hoặc.

H: Khi tôi hỏi ông làm sao biết ông là một người giác ngộ, ông bảo: “Ta không còn tìm thấy tham ái trong Ta.” Đó không phải là một bằng chứng?

M: Dù nếu Ta đầy tham ái, Ta cũng vẫn là cái Ta là.

H: Tôi, đầy những tham ái, và ông, cũng đầy những tham ái. Cái gì có thể là sự khác biệt?

M: Ông đồng hóa chính mình với những tham ái của ông và trở thành nô lệ của chúng. Đối với Ta tham ái chỉ là vật trong số những vật khác; chúng chỉ là những đám mây trên bầu trời tâm, Ta không cảm thấy bị bắt buộc làm theo chúng.

H: Người biết và cái biết của người đó, là hai hay một?

M: Là cả hai. Người biết là cái bất thị hiện, cái bị biết là cái thị hiện. Cái bị biết luôn luôn động, thay đổi, không có hình tướng của riêng nó, không có trú xứ. Người biết là nơi nương tựa bất biến của tất cả cái biết. Cái này cần đến cái kia, nhưng thực tại ở bên ngoài. Người giác ngộ không thể được biết, vì không có ai để biết. Khi có một người, ông có thể nói một cái gì về người đó, nhưng khi không có sự nhận dạng cái Ta với bất cứ gì riêng biệt, thì liệu có gì để nói? Ông có thể nói người giác ngộ là bất cứ gì thì câu hỏi của người đó luôn luôn là: “Ông đang nói về ai? Không hề có người nào như thế.” Cũng như ông không thể nói bất cứ gì về vũ trụ vì nó bao gồm tất cả, thì không gì có thể nói về người giác ngộ, vì người giác ngộ là tất cả nhưng không có gì riêng biệt. Ông cần cái móc để treo một bức tranh; nếu không có cái móc, bức tranh treo vào cái gì? Để xác định vị trí của một vật ông cần không gian; để sắp xếp một diễn tiến ông cần thời gian, nhưng cái phi thời gian phi không gian thách thức tất cả mọi cách xử lý. Nó làm cho mọi cái có thể nhận thức được, nhưng tự thân nó thì ở ngoài sự nhận thức. Tâm không thể biết cái ở ngoài tâm, nhưng cái ở ngoài tâm biết tâm. Người giác ngộ không biết đến sinh hay tử; đối với người đó hiện hữu cũng như phi hiện hữu đồng như nhau.

H: Khi thân xác chết đi, liệu ông vẫn tồn tại?

M: Chẳng có gì chết đi. Thân xác chỉ được tưởng tượng ra. Không hề có cái gì như thân xác.

H: Trước khi một thế kỷ nữa trôi qua, ông sẽ chết đối với tất cả những gì quanh ông. Thân xác ông sẽ được phủ hoa, rồi được hỏa tang và tro tàn rải rác đó đây. Kinh nghiệm của chúng tôi sẽ là như thế, còn kinh nghiệm của ông ra sao?

M: Thời gian sẽ chấm dứt. Sự kiện này được gọi là Cái Chết Lớn – Mahamrityu – The Great Death, tức là cái chết của thời gian.

H: Điều này có nghĩa là vũ trụ cùng với nội dung của nó sẽ chấm dứt.

M: Vũ trụ là kinh nghiệm cá nhân của ông. Làm sao nó bị ảnh hưởng? Giả sử như ông thuyết giảng hai tiếng đồng hồ, cuộc thuyết giảng đã đi đâu sau khi nó chấm dứt? Nó đã nhập vào sự im lặng, trong đó tất cả khúc đầu, khúc giữa và khúc cuối của bài thuyết giảng được dung chứa. Thời gian đã đi đến một sự chấm dứt, cuộc thuyết giảng đã xảy ra, nhưng không còn nữa. Sự im lặng sau một cuộc đời thuyết giảng, và sự im lặng sau một cuộc đời im lặng chỉ là cùng một sự im lặng. Bất tử là sự tự do thoát ra khỏi cảm giác “Ta hiện hữu.” Nhưng không phải là đoạn diệt. Trái lại, đó là một trạng thái vô cùng thật, vô cùng tỉnh thức và vô cùng hạnh phúc so với những gì ông có thể nghĩ ra. Chỉ ý thức về chính mình không còn nữa.

H: Vì sao Cái Chết Lớn của tâm lại trùng hợp với “cái chết nhỏ” của thân?

M: Sự trùng hợp không xảy ra! Ông có thể chết hàng trăm cái chết mà không hề thay đổi cái tâm nhiễu loạn. Hoặc, ông có thể giữ lại thân xác và chỉ chết đi cái tâm. Cái chết của tâm là sự khai sinh của trí tuệ.

H: Con người gia đi và chỉ có nhân chứng ở lại.

M:  Ai ở lại để nói: “Ta là nhân chứng.” Khi không còn cái “Ta hiện hữu”  nhân chứng ở đâu? Trong trạng thái vô thời, không hề có cái Ta nào để nương tựa.

Một kẻ mang theo một cái gói lúc nào cũng lo sợ mất cái gói – hắn ý thức về cái gói. Người yêu quí cảm giác “Ta hiện hữu” luôn luôn ý thức về chính mình. Người giác ngộ không bám víu vào bất cứ gì nên không thể được cho là hữu thức, nhưng người đó cũng chẳng phải vô thức. Người ấy chính là trái tim của tánh biết. Chúng ta gọi người đó là Digambara – kẻ khoác áo không gian, Kẻ Trần Truồng – ở ngoài mọi hình tướng. Không một danh xưng hay hình tướng nào mà qua đó người giác ngộ được cho là tồn tại, nhưng người giác ngộ là người duy nhất thực sự hiện hữu.

H: Tôi không nắm bắt được cái ông nói.

M: Ai có thể nắm bắt nó? Tâm thì hữu hạn. Đưa ông đến tận biên cương cuối cùng của cái biết để ông đối diện với sự vô biên của cái không biết – thế là đủ. Có lao vào cái vô biên hay không thì tùy ông.

H: Thế còn nhân chứng? Nhân chứng là thật hay không thật?

M: Nhân chứng là cả hai. Nhân chứng là tàn dư cuối cùng của cái hư giả và là sự va chạm đầu tiên của cái thật. Nếu nói: “Ta là nhân chứng mà thôi” thì vừa sai và vừa đúng. Sai: vì “Ta là.” Đúng: vì là nhân chứng. Đúng ra phải nói là: “Có hành vi nhân chứng.” Ngay khi ông nói: “Ta là” thì toàn thể vũ trụ xuất hiện cùng với người tạo ra nó.

H: Một câu hỏi khác: Liệu chúng tôi có thể hình dung con người và cái Ta như hai anh em. Đứa em thì tinh nghịch và ích kỷ, thô lỗ và hiếu động; còn người anh thì thông minh và tốt bụng, biết suy nghĩ và biết điều, không còn ý thức về thân xác cùng với những tham ái và lo sợ của nó. Người anh biết đứa em, nhưng đứa em không biết người anh và cho rằng nó chỉ có một mình. Vị Đạo sư xuất hiện và bảo đứa em: “Cậu không phải chỉ có một mình, cậu xuất thân từ một gia đình rất lương hảo, anh của cậu là một người rất khả kính, rất thông thái và rất tử tế, anh của cậu rất yêu thương cậu. Hãy nhớ anh của cậu, nghĩ đến anh của cậu, tìm anh của cậu, phục vụ anh của cậu, rồi cậu sẽ trở nên là một với anh của cậu.” Bây giờ, câu hỏi là: Liệu có hai trong chúng tôi – con người và cá nhân, cái Ta hư giả và cái Ta chơn thật, hay, đó chỉ là một cách ví von?

M: Cả hai. Chúng có vẻ như là hai, nhưng khi được tìm hiểu thì chỉ là một. Nhị nguyên chỉ tồn tại khi nào không được tìm hiểu. Bộ ba: tâm, cái Ta và tinh thần (Vyakti-Vyakta-Avyakta) khi được tìm hiểu, trở thành duy nhất. Chúng chỉ là các tướng trạng của kinh nghiệm về sự ràng buộc, sự buông bỏ, và sự siêu thoát.

H: Ông luôn luôn cho rằng chúng tôi ở trong trạng thái chiêm bao, và điều này làm cho luận điểm của ông bất khả công kích. Bất cứ phản bác nào chúng tôi nêu lên đều bị ông phủ nhận tính xác thực của nó. Không ai có thể bàn luận với ông!

M: Ước muốn bàn luận cũng chỉ là một ước muốn suông. Ước muốn để biết, để có uy quyền, ngay cả ước muốn tồn tại cũng chỉ là ước muốn. Mọi người đều ước muốn hiện hữu, sinh tồn, và tiếp tục mãi mãi, vì không ai biết rõ về chính mình. Thật ra mọi người đều bất tử. Ông biến ông thành hữu tử vì ông cho ông là thân xác.

H: Ông đã tìm thấy tự do của ông, ông không thể chia sẻ với tôi đôi chút hay sao?

M: Tại sao lại đôi chút? Hãy lấy tất cả. Lấy đi, tự do luôn luôn có đó để ông lấy. Nhưng ông sợ tự do!

H: Đạo sư Ramdas có lần cũng được yêu cầu như thế. Một hôm các đệ tử quay quần bên Đạo sư và xin được giải thoát. Ramdas mỉm cười lắng nghe, rồi bất chợt trở nên nghiêm túc và bảo: “Các ông có thể có nó, ngay đây và bây giờ, tự do tuyệt đối và thường hằng. Ai muốn nó, tiến lên.” Chẳng có ai động đậy. Ramdas lập lại ba lần. Không ai giám nhận. Sau đó vị Đạo sư bảo: “Sự ban phát được thu hồi.”

M: Ràng buộc giết chết can đảm. Người cho luôn luôn sẵn sàng cho. Người nhận thì không có. Tự do có nghĩa là buông bỏ. Người ta không giám buông bỏ bất cứ gì. Họ không biết được rằng hữu hạn là cái giá của vô hạn, chết là cái giá của bất tử. Trưởng thành tâm linh ở trong sự sẵn sàng buông bỏ tất cả. Buông bỏ là bước đầu tiên. Nhưng buông bỏ thật sự thì ở trong sự giác ngộ rằng chẳng có gì để buông bỏ, vì chẳng có gì là của ông. Cũng giống như trong khi ngủ say ông không cho đi cái giường, ông chỉ quên nó đi.

❁ ❁ ❁

74. Chân lý ở đây và bây giờ

Hỏi: Câu hỏi của tôi là: Cái gì là bằng chứng của chân lý? Tín đồ mỗi tôn giáo – về mặt siêu hình hay chính trị, triết học hay đạo đức – đều tin rằng chân lý của mình là duy nhất đúng, tất cả những cái khác là sai lầm, và cho sự tin tưởng không thể lay chuyển được của họ là bằng chứng của chân lý. Họ bảo: “Vì tôi tin, nên điều tôi tin phải là chân lý.” Theo tôi thì hình như không triết lý hay tôn giáo nào, không học thuyết hay ý thức hệ nào – dù hoàn chỉnh đến đâu, dù không có mâu thuẫn nội tại, và tạo cảm xúc mãnh liệt đến đâu – vẫn không thể là bằng chứng chân lý của chính nó. Chúng cũng như quần áo được con người khoác lên, thay đổi theo thời đại và hoàn cảnh, và chạy theo khuynh hướng thời trang.

Liệu có thể nào có một tôn giáo, hay triết lý, là đúng thật, không phụ thuộc vào sự tin tưởng của bất cứ ai? Mà cũng không tùy thuộc vào kinh điển, vì một lần nữa kinh điển lại tùy thuộc vào lòng tin của một ai đó đối với chúng? Liệu có thể có một chân lý không tùy thuộc vào sự tin tưởng, có nghĩa là không chủ quan?

Maharaj: Thế còn khoa học?

H: Khoa học là một vòng tròn, nó chấm dứt ở chỗ nó bắt đầu, với các giác quan. Khoa học liên quan với cái kinh nghiệm mà kinh nghiệm thì chủ quan. Không thể nào hai người có cùng một kinh nghiệm, dù cho họ diễn tả kinh nghiệm đó với cùng ngôn từ.

M: Ông phải tìm chân lý ở ngoài tâm.

H: Thưa ông, tôi đã chán ngấy những cơn xuất thần. Bất cứ loại ma túy nào cũng có thể gây nên những trạng thái như thế, vừa rẻ và vừa nhanh. Ngay cả các trạng thái định Samadhi theo kinh điển – được gây nên bằng các phép luyện thở và tâm – cũng chẳng khác biệt gì nhiều. Nào là dưỡng khí Samadhi, thán khí Samadhi, và tự cảm Samadhi được tạo nên bằng sự lập đi lập lại một công thức hay một loạt các ý nghĩ. Tình trạng đơn điệu gây nên buồn ngủ. Tôi không thể chấp nhận Samadhi – dù tuyệt vời đến đâu – là bằng chứng của chân lý.

M: Samadhi ở ngoài kinh nghiệm. Đó là một trạng thái phi tính cách.

H: Không có kinh nghiệm là vì không có sự chú ý. Kinh nghiệm tái xuất hiện cùng với sự chú ý. Nhắm mắt lại không thể phủ nhận ánh sáng. Quy kết thực tại cho những trạng thái phủ định chẳng đưa chúng tôi đến đâu xa. Ngay trong sự phủ định hàm chứa một sự khẳng định.

M: Về một phương diện thì ông đúng. Thế ông không thấy được rằng: ông đang hỏi về bằng chứng của chân lý, nhưng lại không giải thích về chân lý mà ông có trong tâm là gì, và bằng chứng nào về chân lý có thể thỏa mãn được ông? Ông có thể chứng minh bất cứ gì, miễn là ông tin vào bằng chứng của ông. Nhưng cái gì sẽ chứng minh được bằng chứng của ông là đúng thật? Ta có thể dễ dàng đưa ông đến sự công nhận rằng chỉ ông biết ông tồn tại – ông là bằng chứng duy nhất mà ông có về bất cứ gì. Nhưng Ta không đồng hóa sự tồn tại suông với thực tại. Tồn tại thì nhất thời, luôn luôn ở trong thời gian và không gian, còn thực tại thì bất biến và trùm khắp.

H: Thưa ông, tôi không biết chân lý là gì, và cái gì có thể chứng minh được chân lý. Đừng phó mặc tôi tự xoay sở lấy. Tôi chẳng có phương cách nào. Ở đây ông là người biết chân lý, không phải tôi.

M: Ông bác bỏ chứng ngôn là bằng chứng của sự thật, kinh nghiệm của người khác chẳng ích lợi gì cho ông, ông bác bỏ tất cả những kết luận rút ra từ các lời khai được kết hợp lại của vô số nhân chứng độc lập. Vậy ông cho Ta biết cái gì là bằng chứng có thể thỏa mãn ông, cái gì là tiêu chuẩn của một bằng chứng có giá trị đối với ông?

H: Thực tình mà nói, tôi không biết cái gì có thể tạo nên một bằng chứng.

M: Ngay cả kinh nghiệm của chính ông?

H: Không phải kinh nghiệm của tôi mà cũng chẳng phải chính sự tồn tại của tôi. Chúng tùy thuộc vào hành vi ý thức của tôi.

M: Và hành vi ý thức của ông tùy thuộc vào cái gì?

H: Tôi không biết. Trước kia tôi đã cho rằng nó tùy thuộc vào thân xác của tôi, nhưng bây giờ tôi thấy được thân xác chỉ là thứ yếu, chứ không phải chính yếu, và không thể được xem là bằng chứng của sự tồn tại.

M: Ta mừng vì ông đã bỏ được ý tưởng “Ta là thân xác” – nguồn gốc chính của mê lầm và đau khổ.

H: Tôi chỉ từ bỏ nó bằng tri thức, nhưng ý thức là một cái gì đó riêng biệt, một con người, vẫn còn với tôi. Tôi có thể nói: “Ta hiện hữu,” nhưng không thể nói tôi là cái gì. Tôi biết tôi tồn tại, nhưng không biết cái gì tồn tại. Dù có nói thế nào tôi chỉ đối diện cái không biết.

M: Chính sự hiện hữu của ông là thật.

H: Rõ ràng là chúng ta không cùng nói về một vấn đề. Tôi không phải là một sự hiện hữu trừu tượng nào đó. Tôi là một con người, hữu hạn và biết rõ những hạn chế của nó. Tôi là một thực tế, nhưng là một thực tế không chắc thực nhất. Không gì tôi có thể dựng lập trên sự tồn tại nhất thời của tôi dưới hình thức một con người.

M: Lời lẽ của ông thông thái hơn cả chính ông! Là một con người, sự tồn tại của ông chỉ nhất thời. Nhưng liệu ông chỉ là một con người thôi sao? Có thật ông chỉ là một con người?

H: Tôi phải biết trả lời thế nào? Ý thức hiện hữu của tôi chỉ chứng mình tôi , nó không chứng minh được bất cứ gì độc lập đối với tôi. Tôi thì tương đối, là cả vật được tạo ra lẫn người tạo ra cái tương đối. Bằng chứng tuyệt đối của chân lý tuyệt đối là gì, và nó ở đâu? Chỉ cảm giác “Ta hiện hữu” là bằng chứng của thực tại thôi sao?

M: Dĩ nhiên là không. “Ta hiện hữu” và “Thế giới hiện hữu” tương quan với nhau và có tính cách điều kiện. Chúng hiện hữu là do khuynh hướng của tâm phóng chiếu ra danh xưng và hình tướng.

H: Danh xưng và hình tướng chỉ là ý nghĩ và sự tin tưởng, mà không phải chân lý. Nếu không có ông thì có lẽ tôi đã chấp nhận tính tương đối của mọi vật – kể cả chân lý – và học cách sống bằng những giả định. Nhưng rồi tôi gặp ông và nghe ông nói về Cái Tuyệt Đối như thể trong tầm tay của tôi, và cũng là điều đáng mong ước cao thượng nhất. Những từ ngữ như an lạc, cực lạc, vĩnh cửu, bất tử thu hút sự chú ý của tôi, cũng như đem lại sự hứa hẹn tự do, thoát ra khỏi đau khổ và lo sợ. Bản năng bẩm sinh của tôi là tìm kiếm lạc thú, thế là sự tò mò được khơi dậy, và tôi bắt đầu khám phá cái cảnh giới mà ông đã mở ra. Tất cả đều có vẻ rất hấp dẫn và lẽ tự nhiên là tôi hỏi: Liệu có thể đạt được cảnh giới đó? Nó có thật không?

M: Ông như đứa trẻ bảo: Hãy chứng minh được rằng đường là ngọt thì lúc đó tôi mới chịu nếm. Bằng chứng của vị ngọt ở trong miệng chứ không ở trong đường. Muốn biết đường ngọt thì ông phải nếm, chẳng có cách nào khác. Dĩ nhiên, ông có thể bắt đầu bằng cách hỏi: Có phải đó là đường? Nó có ngọt không? Rồi ông chấp nhận sự cam đoan của Ta và nếm nó. Chỉ lúc đó mọi nghi hoặc của ông mới tan biến và cái biết của ông là trực tiếp và không thể lay chuyển được. Ta không yêu cầu ông hoàn toàn tin Ta. Chỉ cần khởi tín tâm và bắt đầu. Mỗi bước sẽ chứng minh hay bác bỏ chính nó. Ông có vẻ như muốn bằng chứng của sự thật trước khi có sự thật. Thế cái gì là bằng chứng của bằng chứng? Ông thấy không, ông đang rơi vào một sự thụt lùi. Muốn chấm dứt sự thụt lùi ông phải ngừng đòi hỏi bằng chứng; ông phải chấp nhận cái gì đó là sự thật, chỉ trong giây lát thôi. Không cần thiết nó phải là cái gì. Nó có thể là Thượng đế, hay Ta, hay chính cái Ta của ông.

Trong mỗi trường hợp, ông chấp nhận một cái gì đó, hay một ai đó mà ông không biết – là sự thật. Bây giờ, nếu ông hành động theo sự thật mà ông đã chấp nhận, dù chỉ trong giây lát, thì chẳng bao lâu ông sẽ chuyển sang bước kế tiếp. Cũng giống như leo cây trong bóng tối – ông chỉ có thể nắm lấy cành kế tiếp sau khi đã ngồi được trên cành trước đó. Trong khoa học, nó được gọi là giải pháp trắc nghiệm. Muốn chứng minh một lý thuyết ông phải tiến hành trắc nghiệm nó theo những chỉ dẫn được người đã trắc nghiệm trước ông để lại. Trong sự tìm kiếm tâm linh, chuỗi trắc nghiệm mà một người phải tiến hành được gọi là Yoga.

H: Có rất nhiều môn phái Yoga, biết chọn môn phái nào?

M: Dĩ nhiên, mỗi người giác ngộ sẽ chỉ con đường đưa đến sự chứng đắc của mình vì họ biết nó một cách thân thuộc nhất. Nhưng hầu hết rất linh động và điều chỉnh cho thích nghi với yêu cầu của người hỏi. Tất cả các con đường đều đưa ông đến với sự thanh tẩy tâm. Một cái tâm cấu nhiễm thì ngăn che chân lý, một cái tâm thanh tịnh thì trong suốt; chân lý có thể được nhìn thấy qua nó một cách dễ dàng vào rõ ràng.

H: Xin lỗi ông, hình như tôi không thể diễn tả sự khó khăn của tôi. Tôi hỏi về bằng chứng của chân lý, nhưng lại được chỉ dẫn các phương pháp để đạt đến chân lý. Giả sử như tôi theo các phương pháp đó và đạt được một trạng thái thật tuyệt vời và đáng mong ước nào đó, làm sao tôi biết được trạng thái của tôi là thật? Tôn giáo nào cũng bắt đầu với tín tâm và hứa hẹn một trạng thái cực lạc nào đó. Trạng thái cực lạc là thuộc về cái thật, hay chỉ là sản phẩm của đức tin? Vì nếu đó là một trạng thái được gây nên, thì tôi chẳng cần đến nó. Lấy trường hợp những người Thiên Chúa giáo, họ thường nói: Chúa Jesus là Đấng cứu thế của chúng ta, hãy tin tưởng và sẽ được cứu rỗi khỏi mọi tội lỗi. Khi tôi hỏi một tín đồ Thiên Chúa giáo tội lỗi vì sao anh ta không được cứu rỗi mặc dù hết lòng tin Đấng Christ, người này trả lời: “Đức tin của tôi chưa trọn vẹn.” Một lần nữa chúng tôi lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn – không có đức tin trọn vẹn – không có sự cứu rỗi; nếu không được cứu rỗi – không có đức tin trọn vẹn, do đó không có sự cứu rỗi. Các điều kiện đặt ra một cách bất khả thực hiện, và chúng tôi bị chê trách là đã không thực hiện chúng.

M: Ông không nhận ra rằng trạng thái thức hiện nay của ông là một bằng chứng của vô minh. Câu hỏi của ông về bằng chứng của chân lý khởi sinh từ sự vô minh về thực tại. Ông tiếp xúc với các trạng thái thuộc cảm giác và tâm trong ý thức tại điểm “Ta hiện hữu” còn thực tại thì không được biết đến, không được tiếp xúc, và không được chứng nghiệm. Ông xem tính nhị nguyên là đương nhiên đến nỗi ông không nhận ra nó; còn đối với Ta tính nhiều và đa dạng không tạo ra sự phân biệt. Ông tưởng tượng thực tại đứng tách biệt khỏi danh xưng và hình tướng, trong khi đối với Ta danh xưng và hình tướng là những thể hiện thường xuyên thay đổi của thực tại, và không tách rời khỏi thực tại. Ông hỏi về bằng chứng của chân lý còn đối với Ta tất cả tồn tại đều là bằng chứng. Ông tách rời tồn tại ra khỏi hiện hữu, và hiện hữu ra khỏi thực tại, trong khi đối với Ta tất cả là một. Dù có tin tưởng trạng thái thức của ông là thật đến đâu, ông vẫn không thể cho nó là thường hằng và bất biến như Ta khi Ta nói về trạng thái của Ta. Nhưng Ta không thấy khác biệt nào giữa ông và Ta, chỉ có một điều là ông tưởng tượng ra sự vật, còn Ta thì không.

H: Trước tiên ông gạt tôi ra khỏi câu hỏi về chân lý, tiếp đến ông buộc tội tôi tưởng tượng! Cái tưởng tượng đối với ông lại là thật đối với tôi.

M: Ta chẳng buộc ông bất cứ tội gì cho đến khi nào ông tìm ra sự thật. Ta chỉ bảo ông đặt câu hỏi một cách khôn ngoan. Thay vì tìm kiếm bằng chứng của chân lý – cái mà ông không biết – thì hãy duyệt qua các bằng chứng ông có về những gì ông tin là ông biết. Ông sẽ nhận ra rằng ông chẳng biết gì một cách xác thực – mà chỉ tin vào những điều nghe nói. Muốn biết sự thật, ông phải trải qua bằng chính kinh nghiệm của ông.

H: Tôi cực kỳ ghê sợ Samadhi và những trạng thái xuất thần khác, dù nguyên nhân gây ra những trạng thái đó là gì. Một ly rượu, một hơi thuốc, một cơn sốt, một chút ma túy, hít thở, ca hát, lắc lư, nhảy múa, quay cuồng, cầu nguyện, tình dục hay nhịn ăn, trì chú hoặc những hình ảnh trừu tượng làm hoa mắt có thể đưa tôi ra khỏi trạng thái thức, và cho tôi một kinh nghiệm nào đó, rất phi thường bởi vì khác lạ. Nhưng khi nguyên nhân chấm dứt, hậu quả tan biến thì chỉ có ký ức còn lại, ám ảnh nhưng phai nhạt dần.

Hãy bỏ qua tất cả các phương tiện và kết quả của chúng, vì kết quả tùy thuộc vào phương tiện; hãy đặt câu hỏi theo một cách mới: liệu có thể tìm ra chân lý?

M: Nơi chỗ của chân lý ở đâu để ông đến đó tìm kiếm? Và làm sao ông biết là ông đã tìm ra chân lý? Ông đem theo cái gì làm tiêu chuẩn để xác quyết chân lý? Ông trở lại câu hỏi đầu tiên của ông: “Cái gì là bằng chứng của chân lý?” Chắc chắn là có cái gì không ổn với câu hỏi của ông, vì ông có khuynh hướng lập lại nó nhiều lần. Tại sao ông hỏi về các bằng chứng của chân lý? Thế không phải vì ông không trực tiếp biết chân lý và ông sợ là ông có thể bị lừa gạt? Ông tưởng tượng chân lý là một vật, có cái tên là “chân lý” và nếu vật đó là đích thực thì sở đắc nó là một lợi thế. Do đó ông sợ bị lừa gạt. Ông đi khảo giá chân lý nhưng lại không tin người bán hàng. Ông sợ đồ mạo hóa và bắt chước.

H: Tôi không sợ bị người khác lừa gạt. Tôi sợ tôi lừa gạt chính tôi.

M: Nhưng ông đang tự lừa gạt chính ông bằng sự vô minh về những động cơ thực sự của ông. Ông đòi hỏi chân lý, nhưng thực ra ông chỉ tìm kiếm tiện nghi mà ông muốn kéo dài đến bất tận. Này ông, không có gì, không có trạng thái nào của tâm có thể kéo dài mãi mãi. Luôn luôn có một giới hạn trong thời gian và không gian, vì chính thời gian và không gian là hữu hạn. Còn trong cái vô thời thì từ ngữ “mãi mãi” hoàn toàn vô nghĩa. Tương tự với “bằng chứng của chân lý.” Trong cảnh giới bất nhị, mọi thứ đều trọn vẹn, là bằng chứng của chính nó, là ý nghĩa và mục đích của chính nó. Khi tất cả là một thì chẳng có sự nương tựa nào là cần thiết. Ông tưởng tượng sự thường hằng là bằng chứng của chân lý, rằng cái gì tồn tại lâu hơn thì một cách nào đó thật hơn. Thời gian trở thành thước đo chân lý. Và, vì thời gian ở trong tâm, nên tâm trở thành người phán xét, và cũng là người tìm kiếm trong chính nó bằng chứng của chân lý – một công việc bất khả thi và vô hy vọng!

H: Thưa ông, nếu ông nói rằng: Không có gì là đúng thật, tất cả đều là tương đối thì tôi đồng ý với ông. Nhưng ông xác nhận rằng có chân lý, thực tại, cái biết toàn hảo, nên tôi mới hỏi: “Nó là cái gì, và làm sao ông biết?” Cái gì có thể khiến tôi nói rằng: “Đúng, Maharaj đã nói đúng?”

M: Ông vẫn khăng khăng đòi hỏi một bằng chứng, một sự xác nhận, một căn cứ. Ông vẫn tưởng tượng rằng chân lý cần phải được chỉ vào và bảo với ông: “Hãy nhìn, đây là chân lý.” Hoàn toàn không phải thế. Chân lý không phải là một kết quả của một cố gắng, là chỗ chấm dứt của một con đường. Chân lý ở đây và ngay bây giờ, ngay trong sự khao khát và tìm kiếm nó. Nó gần gũi hơn cả tâm và thân, cận kề hơn cả ý thức “Ta hiện hữu.” Ông không thấy được nó vì ông nhìn ra khỏi ông quá xa, ra ngoài sự hiện hữu tận cùng bên trong chính ông. Ông đã biến chân lý thành một cái gì đó bên ngoài, và khăng khăng đòi hỏi những tiêu chuẩn về bằng chứng và xét nghiệm, là những thứ chỉ áp dụng cho đồ vật và ý nghĩ.

H: Từ những gì ông nói tôi nhận ra rằng chân lý siêu vượt tôi và tôi không đủ tư cách để luận bàn về nó.

M: Không những ông đủ tư cách mà chính ông còn là chân lý. Chỉ có điều ông nhận lầm cái giả thành thật.

H: Ông có vẻ như nói rằng: Đừng đòi hỏi bằng chứng về chân lý. Chỉ cần quan tâm đến cái hư giả mà thôi.

M: Sự phát hiện ra chân lý ở ngay trong nhận thức rõ cái hư giả. Ông chỉ có thể biết cái không là. Còn cái là – thì ông chỉ có thể . Sự biết liên quan đến cái được biết. Về một phương diện nó là đối ứng của vô minh. Nếu không có vô minh, thì cần gì phải có sự biết? Tự thân vô minh hay sự biết không có thực thể. Chúng chỉ là những trạng thái của tâm, mà tâm lại là sự xuất hiện của một sự động đậy trong ý thức, mà thể tánh của ý thức thì bất động.

H: Chân lý ở trong phạm trù của tâm hay ở ngoài?

M: Không phải cả hai mà là cả hai. Chân lý không thể được diễn tả bằng ngôn từ.

H: Đó là điều tôi luôn luôn nghe nói – bất khả diễn tả – Anirvachaniya. Nó chẳng làm tôi thông thái hơn.

M: Đúng là tâm thường che đậy sự vô minh hoàn toàn. Tâm chỉ có thể hoạt động với những điều kiện do chính nó tạo ra mà không thể vượt ra ngoài chính nó. Cái không phải là cảm giác hay tâm – nhưng nếu không có nó thì không thể có tâm hay cảm giác – thì không thể được bao gồm trong các điều kiện của tâm. Phải hiểu rằng tâm có những giới hạn của nó; muốn vượt ra ngoài tâm, ông phải bằng lòng với sự im lặng.

H: Liệu có thể cho rằng hành động là bằng chứng của chân lý? Dù không thể ngôn từ hóa được nhưng chân lý có thể được làm cho hiển hiện.

M: Chẳng phải hành động hay không hành động. Nó siêu vượt cả hai.

H: Liệu một người có thể nói: “Đúng, đây là sự thật”? Hay người đó hoàn toàn bị giới hạn trong sự phủ nhận cái hư giả? Nói một cách khác, liệu chân lý có phải là thuần phủ định? Hay, có một lúc nào đó nó có thể trở thành một khẳng định?

M: Chân lý không thể được mô tả, nhưng có thể được kinh nghiệm.

H: Kinh nghiệm thì chủ quan, và không thể được chia sẻ. Kinh nghiệm của ông chẳng đưa tôi đến đâu.

M: Chân lý có thể được kinh nghiệm, nhưng không phải là kinh nghiệm suông. Ta biết nó và Ta có thể truyền đạt nó, nhưng với điều kiện là ông phải sẵn sàng tiếp nhận. Sẵn sàng tiếp nhận có nghĩa là không mong cầu gì khác.

H: Trong tôi đầy những tham ái và lo sợ. Điều này có nghĩa tôi không đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận chân lý?

M: Chân lý không phải là một phần thưởng cho hạnh kiểm tốt, mà cũng không phải là một giải thưởng sau khi vượt qua một số những thử nghiệm. Chân lý không được tạo nên. Nó là nguyên thủy, là bất sinh, là nguồn gốc cổ đại của tất cả những gì hiện hữu. Ông có đầy đủ tiêu chuẩn vì ông hiện hữu. Ông không cần phải xứng đáng để được hưởng chân lý. Nó là của chính ông. Hãy chấm dứt bỏ chạy ra xa bằng sự chạy theo cái ông tìm kiếm. Đứng yên, và im lặng.

H: Thưa ông, nếu muốn thân bất động và tâm im lặng, xin chỉ cho tôi cách làm thế nào. Trong sự thấy biết chính mình tôi thấy thân và tâm chuyển động bởi những nguyên nhân ngoài sự kiểm soát của tôi. Tính di truyền và môi trường khống chế tôi hoàn toàn. Cái “Ta hiện hữu” quyền năng, kẻ sáng tạo vũ trụ, có thể bị loại trừ chỉ bằng một liều ma túy – trong nhất thời, hay một giọt thuốc độc – một cách vĩnh viễn.

M: Một lần nữa, ông lại tự đồng hóa với thân xác.

H: Cho dù tôi có phủ nhận thân xác bằng xương, thịt và máu huyết là tôi thì vẫn còn một cái thân vi tế của tư duy và cảm thọ, của ký ức và tưởng tượng. Nếu cũng phủ nhận cái thân vi tế này là tôi, thì tôi vẫn còn ý thức, cũng là một loại thân khác.

M: Ông nói rất đúng, nhưng đừng dừng lại ở đó. Hãy đi xa hơn nữa. Cả ý thức lẫn cái “Ta hiện hữu” ở trung tâm của ý thức đều không phải là ông. Sự hiện hữu chơn thật của ông là ý thức hoàn toàn vô ngã, hoàn toàn tự do không còn tất cả những đồng hóa chính nó với bất cứ gì có thể là thô, tế, hay siêu việt.

H: Tôi có thể tưởng tượng tôi vượt ra ngoài tất cả. Nhưng cái gì là bằng chứng mà tôi có thể có được? Để , tôi phải là một ai đó.

M: Ngược lại thì mới đúng. Để , ông không phải là ai cả. Nghĩ rằng ông là một cái gì đó, một ai đó là cái chết và địa ngục.

H: Tôi đọc sách và được biết ở Ai Cập cổ, người ta được kết nạp vào một số tổ chức huyền bí nào đó: Dưới ảnh hưởng của ma túy hoặc bùa phép, họ được đưa ra khỏi thân xác và trải qua tình trạng đứng ở ngoài nhìn thấy thân xác phủ phục của họ. Nghi thức này nhằm thuyết phục họ về tính cách có thật của sự tồn tại sau cái chết, và làm cho họ chỉ quan tâm sâu sắc với định mệnh tối hậu của chính mình, như thế sẽ có lợi cho nhà nước và giáo hội. Sự đồng hóa chính mình với con người là chủ của thân xác – vẫn còn đó.

M: Thân xác được tạo ra bởi thực phẩm, cũng như tâm do ý nghĩ tạo nên. Hãy thấy chúng như chúng là. Không đồng hóa – một cách tự nhiên và tự sinh khởi – là giải thoát. Ông không cần biết cái ông là. Chỉ cần biết cái không phải là, là đủ. Ông không bao giờ biết được cái ông là, vì mỗi một khám phá lại hé mở ra những cảnh giới mới để chinh phục. Cái không biết thì vô biên.

H: Điều này có nghĩa vô minh là vĩnh viễn?

M: Nó có nghĩa là vô minh không hề có. Chân lý ở trong sự khám phá, chứ không ở trong cái được khám phá. Và để khám phá thì không có sự bắt đầu và cũng không có sự chấm dứt. Hãy đặt câu hỏi về những cái hữu hạn, vượt ra ngoài; hãy giao cho mình những công việc rõ ràng là bất khả thực hiện – đó là Đạo.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Người dịch: Vũ Toàn

Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x