Trang chủ » Ta là Cái Đó [85 – 89] – Tiến bộ trong đời sống tâm linh

Ta là Cái Đó [85 – 89] – Tiến bộ trong đời sống tâm linh

by Hậu Học Văn
355 views

85. “Ta hiện hữu” – nền tảng của mọi kinh nghiệm

Hỏi: Có lần tôi nghe ông phát biểu về chính ông như: “Ta là vô thời, bất biến bên ngoài mọi thuộc tính”, vân vân. Làm sao ông biết được? Điều gì khiến ông nói ra như thế?

Maharaj: Ta chỉ tìm cách mô tả trạng thái trước khi “Ta hiện hữu” sinh khởi, nhưng tự thân trạng thái đó – ở ngoài tâm và không có trong ngôn ngữ của tâm – thì không thể mô tả được.

H: Cái “Ta hiện hữu” là nền tảng của mọi kinh nghiệm. Cái ông đang tìm cách mô tả chắc chắn cũng phải là một kinh nghiệm, hữu hạn và vô thường. Ông bảo ông bất biến. Tôi nghe từ ngữ này, nhớ ý nghĩa của nó trong từ điển, nhưng chưa hề trải qua kinh nghiệm bất biến. Làm sao tôi có thể xuyên phá sự ngăn trở này và chứng nghiệm một cách thân quen bất biến là như thế nào?

M: Tự thân từ ngữ là cây cầu. Hãy ghi nhớ nó, tư duy về nó, khám phá nó, đi vòng quanh nó, nhìn nó từ đủ mọi góc độ, lặn sâu vào nó với tất cả sự kiên nhẫn nhiệt thành: Chịu đựng mọi trì hoãn và thất vọng cho đến khi tâm hốt nhiên quay trở lạikhông chú ý đến từ ngữ này nữa – mà hướng về thực tại bên ngoài từ ngữ. Cũng giống như tìm kiếm một người mà chỉ biết tên người đó. Sẽ đến một ngày sự dò hỏi của ông đưa ông đến với người đó, và cái tên trở thành hiện thực. Ngôn từ rất quý giá, vì giữa ngôn từ và ý nghĩa của nó có một sự liên kết, và nếu tra vấn nó một cách kiên trì thì một người có thể vượt ra khỏi khái niệm và đi vào kinh nghiệm ở tại căn nguyên của từ ngữ. Thật thế, những cố gắng lập đi lập lại để vượt ra khỏi ngôn từ là cái được gọi là thiền quán. Sadhana chính là một cố gắng kiên trì để vượt từ hữu ngôn sang vô ngôn. Công việc này có vẻ vô vọng cho đến khi đột nhiên tất cả trở nên sáng tỏ, đơn giản, và thật dễ dàng làm sao. Nhưng nếu còn vui thích lối sống hiện nay thì ông sẽ ngại thực hiện bước phóng cuối cùng vào cái không biết.

H: Tại sao cái không biết lại làm cho tôi quan tâm? Nó có lợi ích gì?

M: Chẳng có bất cứ lợi ích nào? Nhưng rất xứng đáng để biết cái gì giam hãm ông trong nội vi chật hẹp của cái biết. Chính sự hiểu biết đúng và trọn vẹn về cái biết đưa ông đến cái không biết. Ông không thể nghĩ về nó theo sự hữu ích và lợi thế. Tĩnh lặng và xa lìa, ở ngoài mọi sự vươn tới của tất cả những lo toan cá nhân và tư duy vị kỷ – là điều kiện tất yếu của giải thoát. Ông có thể gọi đó là chết; nhưng đối với Ta đó là sống với tất cả ý nghĩa và cường độ mãnh liệt nhất của nó, vì khi là một với sự sống trong tổng thể và viên mãn của nó – mãnh liệt, đầy ý nghĩa và hài hòa – thì Ta còn mong muốn gì hơn?

H: Dĩ nhiên là chẳng cần gì hơn nữa. Nhưng ông đang nói về cái có thể biết được.

M: Chỉ sự im lặng mới có thể nói về cái không thể biết. Tâm chỉ có thể nói về những gì nó biết. Nếu ông kiên trì tra vấn cái có thể biết thì nó sẽ tan biến và chỉ cái không thể biết còn lại. Nhưng ngay thoáng tưởng tượng và ưa thích đầu tiên thì cái không thể biết bị ngăn che và cái biết trở nên nổi bật. Cái biết, cái biến dịch là những gì ông sống với – cái bất biến thì chẳng ích lợi gì đối với ông. Chỉ khi nào nhàm chán cái biến dịch và mong cầu cái bất biến thì ông mới sẵn sàng quay trở lại và bước vào trong cái – mà khi được thấy từ bình diện của tâm – được mô tả là trống không và tăm tối. Vì tâm khao khát nội dung và sự đa dạng, trong khi thực tại – đối với tâm – thì không có nội dung và không thay đổi.

H: Đối với tôi nó giống như cái chết.

M: Nó là cái chết. Nó còn bao trùm tất cả, chế ngự tất cả, và mãnh liệt ngoài ngôn từ. Không bộ óc bình thường nào có thể chịu được nó mà không nổ tung; vì thế Sadhana là tuyệt đối cần thiết. Sự trong sạch của thân, trong sáng của tâm, bất bạo hành và vô vị kỷ trong cuộc sống là thiết yếu để tồn tại như một thực thể trí tuệ và tâm linh.

H: Có thực thể nào trong Thực tại không?

M: Đồng nhất là Thực tại, Thực tại là đồng nhất. Thực tại không phải là một khối bất nên hình dạng, một tình trạng hỗn mang vô ngôn. Thực tại thì mãnh liệt, biết, vô cùng an lạc; khi so với Thực tại thì cuộc đời ông chỉ là một ngọn nến đối với mặt trời.

H: Nhờ ân đức của Thượng đế và của Tôn sư, ông đã đoạn trừ được tất cả tham ái và lo sợ, và đạt đến trạng thái bất động. Câu hỏi của tôi rất đơn giản: Làm sao ông biết được trạng thái của ông là bất động?

M: Chỉ cái biến dịch mới có thể nghĩ đến được và nói về được. Cái bất biến chỉ có thể được nhận ra trong im lặng. Một khi đã được nhận ra, nó tác động sâu sắc đến cái biến dịch, còn tự thân nó vẫn không bị tác động.

H: Làm sao ông biết được ông là nhân chứng?

M: Ta không biết, Ta là. Ta hiện hữu, vì tất cả phải được chứng kiến để hiện hữu.

H: Tồn tại cũng có thể được chấp nhận qua sự nghe nói.

M: Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn phải cần đến một sự chứng kiến trực tiếp. Hành vi nhân chứng – nếu không phải là có tính cách cá nhân và hiện thực – ít ra cũng khả hữu và khả thi. Kinh nghiệm trực tiếp là bằng chứng cuối cùng.

H: Kinh nghiệm có thể không chính xác và lừa dối.

M: Đúng, nhưng không phải thực tế kinh nghiệm. Dù kinh nghiệm là gì, thực hay hư, thực tế kinh nghiệm đã xảy ra thì không thể phủ nhận. Nó là bằng chứng của chính nó. Hãy quan sát kỹ chính ông, ông sẽ nhận thấy dù nội dung của ý thức là gì, thì hành vi chứng kiến ý thức không phụ thuộc vào nội dung. Tánh biết là chính nó và không thay đổi theo sự kiện. Sự kiện có thể là thích thú hay khó chịu, tầm thường hay quan trọng nhưng tánh biết thì vẫn thế. Hãy ghi nhận nét đặc thù của tánh biết thuần túy – sự nhận biết chính mình một cách tự nhiên của nó, mà không hề có dấu vết nào của ý thức về chính mình – rồi tìm đến tận căn nguyên của nó, ông sẽ sớm nhận ra rằng tánh biết là bản tánh chơn thật của ông, và không gì ông biết lại có thể được gọi là của ông.

H: Thế không phải ý thức và nội dung của nó là một và như nhau?

M: Ý thức cũng như một đám mây trên trời, và các giọt hơi nước là nội dung của nó. Đám mây cần có mặt trời để hiển hiện thì ý thức cần được đặt vào tiêu điểm của tánh biết.

H: Thế không phải tánh biết là một hình thức của ý thức?

M: Khi nội dung được thấy mà không có cái thích hay không thích, thì ý thức về nội dung đó là tánh biết. Nhưng vẫn có một sự khác biệt giữa tánh biết được phản chiếu trong ý thức và tánh biết thuần túy ở bên ngoài ý thức. Tánh biết được phản chiếu – ý thức “Ta biết” – là nhân chứng, còn ý thức thuần túy là bản thể của thực tại. Ảnh phản chiếu của mặt trời trong giọt nước là một ảnh phản chiếu của mặt trời, rõ ràng là như thế, nhưng không phải chính là mặt trời. Giữa tánh biết được phản chiếu trong ý thức như là nhân chứng và tánh biết thuần túy là một khoảng trống mà tâm không thể vượt qua.

H: Thế không phải là còn tùy vào cách nhìn? Tâm nói có sự khác biệt. Trái tim bảo không có sự khác biệt nào.

M: Dĩ nhiên là không có sự khác biệt. Cái thật thấy cái thật trong cái không thật. Chính tâm tạo ra cái không thật, và chính tâm thấy cái hư giả là hư giả.

H: Tôi hiểu được rằng kinh nghiệm về cái thật theo sau hành vi thấy cái hư giả là hư giả.

M: Không hề có cái như là kinh nghiệm về cái thật. Cái thật ở ngoài mọi kinh nghiệm. Tất cả kinh nghiệm đều ở trong tâm. Ông biết cái thật bằng cách cái thật.

H: Nếu cái thật ở ngoài ngôn từ và tâm, tại sao chúng ta nói quá nhiều về nó?

M: Dĩ nhiên là vì sự vui sướng của nó. Cái thật là cực lạc. Thậm chí chỉ nói về nó đã là hạnh phúc.

H: Tôi nghe ông nói về cái bất di bất dịch và cực lạc. Cái gì ở trong tâm ông khi ông dùng những từ ngữ này?

M: Chẳng có gì trong tâm Ta. Ông nghe những từ ngữ đó như thế nào thì Ta nghe cũng như thế. Cái quyền năng làm cho mọi thứ xảy ra – làm cho chúng xảy ra.

H: Nhưng ông nói, không phải tôi.

M: Đó là cách sự kiện xuất hiện đối với ông. Còn Ta thấy thì hai thân-tâm trao đổi những âm tiếng có tính cách biểu tượng. Trong thực tại, không có gì xảy ra.

H: Xin ông hãy lắng nghe. Tôi đến gặp ông vì tôi băn khoăn lo lắng. Tôi là một kẻ đáng thương lạc vào một thế giới mà tôi không hiểu. Tôi rất sợ Bà mẹ Thiên nhiên, người muốn tôi trưởng thành, sinh con đẻ cái, rồi chết đi. Khi tôi hỏi về ý nghĩa và mục đích của tất cả những chuyện như thế thì bà không trả lời. Tôi đến gặp ông vì nghe nói ông rất nhân từ và thông thái. Ông nói cái biến dịch là hư giả và vô thường thì tôi hiểu được. Nhưng khi ông nói về cái bất biến thì tôi không hiểu gì cả. “Không phải cái này, không phải cái kia, bên ngoài cái biết, chẳng có lợi ích gì” – tại sao lại nói về những điều như thế? Liệu cái bất biến có tồn tại, hay chỉ là khái niệm, một sự trái ngược về ngôn từ đối với cái biến dịch?

M: Cái bất biến là, và chỉ một mình nó . Nhưng trong tình trạng hiện nay của ông thì nó chẳng có ích lợi gì cho ông. Cũng giống như một ly nước ở bên giường chẳng có ích lợi gì với ông trong khi ông chiêm bao thấy mình đang chết khát trong sa mạc. Ta đang tìm cách đánh thức ông, dù giấc chiêm bao của ông là gì đi nữa.

H: Xin đừng nói với tôi rằng tôi đang chiêm bao và chẳng bao lâu nữa tôi sẽ tỉnh giấc. Tôi ước ao là như thế. Thật ra tôi đang tỉnh thức trong đau khổ. Ông nói về một trạng thái không còn đau khổ nhưng lại thêm vào là tôi không thể có được trạng thái đó trong điều kiện hiện nay của tôi. Tôi cảm thấy bối rối.

M: Đừng bối rối. Ta chỉ nói rằng muốn tìm cái bất biến và cực lạc ông phải buông bỏ sự bám víu của ông vào cái biến dịch và đau khổ. Ông quan tâm với hạnh phúc của riêng ông, và Ta bảo ông rằng không hề có cái như thế. Hạnh phúc không bao giờ là của riêng ông, hạnh phúc ở nơi không có cái “Ta”. Ta không bảo nó ở ngoài tầm với của ông; chỉ cần vươn ra ngoài chính ông thì ông tìm thấy nó.

H: Tôi phải vượt ra ngoài chính tôi, nhưng tại sao tôi lại có cái ý tưởng “Ta hiện hữu” trước tiên?

M: Tâm cần một tâm điểm để vẽ vòng tròn. Cái vòng sẽ lớn dần, và cùng với sự lớn dần của nó là sự thay đổi trong ý thức “Ta hiện hữu”. Một Yogi, người có thể tự hành sử, thì vẽ một cái vòng xoắn ốc, nhưng tâm điểm vẫn còn đó, dù cái vòng xoắn ốc ấy có lớn đến đâu. Rồi sẽ đến một ngày khi toàn thể sự nghiệp được thấy là hư giả thì nó sẽ được buông bỏ. Cái tâm điểm kia không còn nữa, và vũ trụ trở thành trung tâm.

H: Đúng, có thể là như thế. Nhưng bây giờ tôi phải làm gì?

M: Kiên trì quan sát cuộc đời vô thường của ông, tìm hiểu sâu xa những động cơ bên ngoài các hành động của ông, và chẳng bao lâu ông sẽ chọc thủng cái bong bóng mà ông đang ở bên trong. Con gà con cần lớp vỏ trứng để tăng trưởng, nhưng sẽ đến ngày lớp vỏ phải bị phá vỡ. Bằng không thì chỉ có đau khổ và cái chết.

H: Ông muốn nói rằng nếu không tu tập Yoga thì chắc chắn tôi sẽ diệt vong?

M: Sẽ có Đạo sư đến giải cứu ông. Còn hiện nay cứ thỏa mãn với sự quan sát giòng chảy của đời ông; nếu sự quan sát của ông sâu sắc và kiên định, luôn luôn quay ngược về nguồn, thì sự quan sát đó sẽ dần dần di chuyển ngược giòng cho đến lúc đột nhiên nó trở thành chính cội nguồn. Hãy đặt sự tỉnh thức của ông – thay vì tâm ông – trong tình trạng hoạt động. Tâm không phải công cụ thích hợp cho loại công việc như thế này. Cái vô thời chỉ có thể đạt đến bằng cái vô thời. Cả thân lẫn tâm ông đều bị chi phối bởi thời gian; chỉ tánh biết mới vô thời, ngay cả trong cái bây giờ. Trong tánh biết ông chỉ đối diện các sự kiện, và thực tại thì rất thích các sự kiện.

H: Ông bảo tôi hoàn toàn tùy thuộc vào tánh biết của tôi để đưa tôi đến nơi, chứ không phải tùy thuộc vào Đạo sư hay Thượng đế?

M: Thượng đế cho ông thân và tâm, Đạo sư chỉ cách sử dụng thân tâm. Nhưng trở về với cội nguồn là công việc của chính ông.

H: Thượng đế đã tạo ra tôi, ngài sẽ săn sóc tôi.

M: Có vô số Thượng đế, mỗi Thượng đế ở trong vũ trụ riêng của họ. Họ sáng tạo và tái tạo bất tận. Ông định đợi họ đến cứu ông? Những gì ông cần để cứu ông đều sẵn có trong tầm với của ông. Hãy dùng nó! Hãy tra vấn cái ông biết cho đến chỗ tận cùng của nó, ông sẽ đạt đến những giai tầng không biết thuộc hiện hữu của ông. Hãy đi xa hơn, cái bất ngờ sẽ bùng nổ trong ông và phá tan tất cả.

H: Điều đó có nghĩa là chết?

M: Tối hậu, nó có nghĩa là sống.

❁ ❁ ❁

86. Cái không biết là ngôi nhà của cái thật

Hỏi: Ai là Đạo sư, và ai là Đạo sư tối thượng?

Maharaj: Tất cả những gì xảy ra trong ý thức của ông là Đạo sư của ông. Tánh biết thuần túy ở ngoài ý thức là Đạo sư tối thượng.

H: Đạo sư của tôi là Sri Babaji. Ông nghĩ gì về ông ấy?

M: Thật là một câu hỏi lạ lùng! Khoảng không ở Bombay được hỏi có ý kiến gì về khoảng không ở Poona. Danh xưng thì khác, nhưng khoảng không thì không khác. Từ ngữ “Babaji” chỉ là một địa chỉ. Ai sống ở địa chỉ đó? Ông chỉ hỏi khi ông gặp vấn đề. Hãy hỏi ai gây ra vấn đề và cho ai?

H: Tôi hiểu rằng mỗi người có bổn phận phải giác ngộ. Liệu đó là nhiệm vụ hay định mệnh?

M: Giác ngộ là nhận ra thực tế ông không phải là một con người. Vì thế, giác ngộ không thể là nhiệm vụ của một con người mà định mệnh của con người đó là: Biến mất. Định mệnh của con người là nhiệm vụ của người tưởng tượng chính mình là con người. Tìm ra con người là ai thì con người được tưởng tượng sẽ biến mất. Tự do là thoát ra khỏi một cái gì đó. Ông sẽ thoát khỏi cái gì? Rõ ràng là ông phải thoát khỏi con người mà ông cho chính ông là, vì ý tưởng ông có về chính ông câu thúc ông trong ràng buộc.

H: Con người được loại trừ như thế nào?

M: Bằng sự quyết tâm. Hãy hiểu rằng con người phải ra đi và cầu mong nó ra đi – con người sẽ ra đi nếu ông thành khẩn về điều đó. Một ai đó, bất cứ ai sẽ cho ông biết: ông là ý thức thuần túy, ông không phải là một thân-tâm. Hãy chấp nhận điều đó như một khả năng có thể xảy ra, và tìm hiểu một cách thành khẩn. Có thể những gì ông khám phá không giống như ông nghĩ – ông không phải là một con người bị ràng buộc trong không gian và thời gian. Thử nghĩ về sự khác biệt mà điều này đem lại!

H: Nếu không phải là một con người, thế tôi là ai?

M: Vải khi ướt thì trông có vẻ, sờ có cảm tưởng và ngửi có mùi khác. Lúc khô nó lại là vải bình thường. Khi nước đã thoát ra khỏi vải, ai có thể phân biệt được là vải đã ướt? Bản tánh chơn thật của ông không giống với cái mà ông có vẻ như là. Hãy từ bỏ ý tưởng là một con người, chỉ thế thôi. Ông chẳng cần phải bằng mọi cách để trở thành chính ông. ý thức tự biết về chính ông, và có một con người chồng lên trên ý thức đó. Tất cả những gì ông biết là con người, còn ý thức tự biết – không phải là một con người – thì ông không biết vì ông không bao giờ nghi vấn, không bao giờ ông tự hỏi câu hỏi cốt lõi “Ta là ai”. Ý thức tự biết về chính mình là nhân chứng chứng kiến con người, và Sadhana là tìm cách chuyển sự chú ý từ con người nông cạn và thay đổi sang nhân chứng bất biến và thường tại.

H: Vì sao câu hỏi “Ta là ai” không mấy hấp dẫn đối với tôi? Tôi thích dành thời gian thân cận với các bậc thánh nhân hơn.

M: An trú trong sự hiện hữu của chính ông cũng là thân cận với thánh nhân. Nếu không gặp đau khổ và thoát khỏi đau khổ, ông sẽ không thể tìm ra cái năng lượng và sự kiên trì cần thiết cho sự tìm hiểu chính mình. Ông không thể tạo ra một cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng phải có thật.

H: Một cuộc khủng hoảng thật xảy ra như thế nào?

M: Nó xảy ra trong từng khoảnh khắc nhưng ông không đủ tỉnh thức để nhận ra. Một vết quầng trên mặt của người hàng xóm, nỗi đau khổ vô biên vào bao trùm cuộc sống là một yếu tố bất biến trong đời ông nhưng ông có để ý đâu. Ông đau khổ và ông thấy người khác đau khổ, nhưng ông không phản ứng.

H: Những gì ông nói là đúng thật, nhưng liệu tôi có thể làm được gì? Tình cảnh quả thật là như thế, nhưng tính cách vô tư lực và sự u mê của tôi lại là một phần trong đó.

M: Tốt. Hãy thường xuyên quan sát ông – thế là đủ. Cánh cửa khóa ông lại cũng là cánh cửa mở ông ra. Cái “Ta hiện hữu” là cánh cửa. Hãy ở ngay cánh cửa đó cho đến khi nó bật mở. Mà thật ra thì nó mở, còn ông không ở đó. Ông đang chờ ở những cánh cửa được vẽ ra nhưng không có – những cánh cửa không bao giờ mở.

H: Rất nhiều người trong số chúng tôi có một thời gian dùng ma túy trong một chừng mực nào đó. Người ta bảo chúng tôi dùng ma túy để đột phá vào những giai tầng cao hơn của ý thức. Cũng có người khuyên chúng tôi làm chuyện tình dục thật nhiều cũng vì mục đích như thế. Ý kiến ông thế nào?

M: Chắc chắn là ma túy có thể tác động lên bộ óc của ông, mà cũng có thể tác động vào tâm ông, và cho ông tất cả những kinh nghiệm kỳ lạ như được hứa hẹn. Nhưng tất cả những loại ma túy đó chẳng là gì khi so với loại ma túy đã tạo cho ông cái kinh nghiệm khác thường nhất: được sinh ra, sống trong đau khổ và sợ hãi, tìm kiếm hạnh phúc nhưng hạnh phúc không bao giờ đến hay không bao giờ lâu dài. Ông nên tìm hiểu bản chất của loại ma túy này và tìm ra thuốc giải cho nó.

Sinh ra, sống và chết – chỉ là một. Tìm ra cái gì là nguyên nhân của chúng. Trước khi được sinh ra, ông đã bị đánh thuốc. Đó là loại thuốc gì? Ông có thể tự trị liệu các căn bệnh của ông, nhưng nếu ông vẫn chịu ảnh hưởng của loại thuốc nguyên thủy thì những phương thức trị liệu hời hợt kia liệu có ích gì?

H: Thế không phải nghiệp tạo ra sự tái sinh?

M: Ông có thể thay đổi tên gọi nhưng thực tế thì vẫn thế. Loại thuốc mà ông gọi là nghiệp hay định mệnh là gì? Nó làm cho ông tin ông là cái mà ông không phải. Nó là cái gì vậy, và liệu ông có thể thoát khỏi nó? Trước khi có thể đi xa hơn, ông phải chấp nhận – ít ra như một lý thuyết khả tín rằng: Ông không phải cái mà ông có vẻ là, ông đang chịu ảnh hưởng của một loại thuốc. Lúc đó ông mới có sự thôi thúc và kiên nhẫn để xem xét triệu chứng và tìm kiếm nguyên nhân chung nhất. Tất cả những gì một Đạo sư chỉ có thể nói với ông là: “Này ông, ông hoàn toàn lầm lẫn về chính ông. Ông không phải con người mà ông nghĩ ông là.” Đừng tin bất cứ ai, và ngay cả ông. Tìm kiếm, phát hiện, loại trừ và bác bỏ mọi giả thuyết cho đến khi ông đến được với giòng nước của sự sống và tảng đá của chân lý. Chừng nào còn chịu ảnh hưởng của loại thuốc đó thì tất cả tôn giáo và khoa học của ông, sự cầu nguyện và thực hành các pháp môn Yoga đều vô ích đối với ông, vì được dựng lập trên sự sai lầm nên chúng chỉ làm cho sai lầm thêm kiên cố. Nhưng nếu ông thường xuyên với ý tưởng: Ông không phải thân mà cũng chẳng phải tâm, thậm chí cũng không phải là nhân chứng của thân tâm, mà hoàn toàn ở bên ngoài – thì tâm ông sẽ trở nên trong sáng, tham ái của ông trở nên thanh tịnh, và hành động của ông trở nên khoan dung. Sự thanh tẩy nội tâm đó sẽ đưa ông vào một thế giới khác, một thế giới của chân lý và tình yêu vô úy. Hãy cưỡng lại những thói quen cũ của cảm thọ và suy nghĩ, hãy thường xuyên tự nhủ: “Không, không phải thế; điều đó không phải như thế; Ta không phải thế này, Ta không cần nó, Ta không muốn nó”, rồi chắc chắn một ngày sẽ đến khi toàn thể cái cơ nghiệp của sai lầm và tuyệt vọng sẽ sụp đổ, và nền tảng sẽ trở nên trống trải cho một cuộc sống mới. Xét cho cùng, nên nhớ rằng tất cả những ưu tư với chính ông chỉ xảy ra vào những lúc thức và một phần trong các giấc mơ của ông; trong giấc ngủ sâu tất cả đều chìm vào quên lãng. Điều này cho thấy cuộc sống vào những lúc thức của ông chẳng quan trọng bao nhiêu, mà thậm chí cả với chính ông, vì chỉ cần nằm xuống và nhắm mắt là có thể chấm dứt nó. Mỗi lần đi ngủ ông đều làm như thế mà không có gì chắc chắn rằng ông sẽ thức dậy, nhưng ông vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

H: Trong khi ngủ, ông có ý thức hay vô thức?

M: Ta vẫn ý thức, nhưng không phải ý thức là một con người riêng biệt nào đó.

H: Ông có thể cho chúng tôi mùi vị của kinh nghiệm giác ngộ chính mình?

M: Cứ việc lấy hết đi! Nó có sẵn đây để ông xin. Nhưng ông không xin. Thậm chí khi ông xin, ông vẫn không lấy. Thử tìm ra cái gì ngăn không cho ông lấy?

H: Tôi biết cái gì ngăn trở – cái Ta của tôi.

M: Thế thì hãy bận rộn cái Ta của ông, và mặc kệ Ta. Bao giờ ông còn bị giam hãm trong nội vi tâm thức thì ông không thể hiểu được trạng thái của Ta.

H: Tôi thấy không còn câu hỏi nào nữa.

M: Nếu ông thực sự chống lại cái Ta của ông thì lẽ ra ông phải đặt nhiều câu hỏi nữa. Ông thiếu câu hỏi vì ông không thật sự quan tâm. Ông hiện đang bị điều khiển bởi nguyên lý lạc thú và đau khổ, tức là cái Ta. Ông thuận theo cái Ta mà không chống lại nó. Thậm chí ông cũng không biết rằng ông hoàn toàn bị thống trị bởi những ưu tư thuộc về con người. Một người phải thường xuyên nổi loạn với chính mình, vì cái Ta – giống như một tấm gương lồi lõm – làm cho hình ảnh hẹp lại và méo mó. Cái Ta là tên bạo chúa hung ác nhất và thống trị ông tuyệt đối.

H: Nếu không còn cái “ta” thì ai được giải thoát?

M: Thế giới được giải thoát khỏi nỗi phiền vĩ đại. Thế là đủ tốt rồi.

H: Tốt cho ai?

M: Tốt cho mọi người. Cái Ta cũng giống như một sợi dây thừng giăng ngang đường, gây cản trở lưu thông. Cuộn nó lại thì nó vẫn có đó – như một ý thức tự biết mình thuần túy – hữu ích khi cần đến. Thoát khỏi cái Ta của chính mình là kết quả của sự tìm hiểu chính mình.

H: Có một dạo tôi rất bất mãn với chính tôi, nhưn sau khi gặp được Đạo sư và hoàn toàn giao phó tôi cho ngài thì hiện nay tôi rất an lạc.

M: Nếu quan sát cuộc sống thường nhật của ông thì ông sẽ thấy ông đã chẳng bao giờ giao phó bất cứ gì cho Đạo sư của ông. Ông chỉ đơn thuần thêm từ ngữ “giao phó” vào kho chữ nghĩa của ông, và biến Đạo sư của ông thành cái chốt để treo những phiền trược của ông. Thực sự giao phó thân mạng có nghĩa là không làm gì cả, chỉ khi nào được Đạo sư gợi ý. Có thể nói là ông bước sang một bên để Đạo sư sống cuộc sống của ông. Ông chỉ đơn thuần quan sát và tự hỏi làm sao Đạo sư đã giải quyết các phiền trược dễ dàng như thế, còn đối với ông chúng có vẻ như không thể nào giải quyết được.

H: Khi ngồi đây tôi thấy căn phòng, tôi thấy người khác và tôi thấy cả ông. Quang cảnh này thế nào đối với ông? Ông thấy gì?

M: Chẳng có gì. Ta nhìn nhưng không thấytheo nghĩa tạo ra hình ảnh và khoác lên chúng những phán xét. Ta không miêu tả hay đánh giá.

Ta nhìn và thấy ông, nhưng không có thái độ hay ý kiến nào ngăn che cái thấy của Ta. Khi Ta hướng mắt đi nơi khác, tâm Ta không để cho ký ức lởn vởn; nó tự do ngay lập tức và hoàn toàn tươi mới cho ấn tượng kế tiếp.

H: Khi ngồi đây nhìn ông, tôi không thể xác định sự kiện trong không gian và thời gian. Có cái gì vĩnh cửu và mang tính vũ trụ về một sự trao truyền trí tuệ đang xảy ra. Mười ngàn năm về trước, hay về sau, cũng chẳng có gì khác biệt vì sự kiện chính nó là phi thời.

M: Con người chẳng thay đổi bao nhiêu qua các thời đại. Những vấn đề nhân sinh vẫn thế và chờ mong cùng những câu trả lời. Việc ông ý thức về cái mà ông cho là trao truyền trí tuệ chứng tỏ rằng trí tuệ chưa hề được trao truyền. Khi có trí tuệ ông không còn ý thức về nó nữa. Cái gì thực sự là của ông thì ông không ý thức về nó. Bất cứ gì ông có thể ý thức được đều không phải là ông hay của ông. Của ông là khả năng nhận thức, chứ không phải những gì được ông nhận thức. Xem ý thức là toàn thể con người là một lầm lẫn. Con người là vô thức, hữu thức và siêu thức, nhưng ông không phải con người. Màn ảnh xinê, ánh sáng cũng như khả năng thấy là của ông, nhưng hình ảnh thì không phải là ông.

H: Tôi phải tìm một Đạo sư khác, hay tiếp tục ở lại với bất cứ ai mà tôi gặp?

M: Câu hỏi của ông chứng tỏ ông chưa gặp được Đạo sư. Bao giờ chưa giác ngộ thì ông còn tìm kiếm Đạo sư này đến Đạo sư khác, nhưng khi ông tìm ra chính ông thì sự tìm kiếm chấm dứt. Đạo sư chỉ là một cột mốc chỉ đường. Trên đường đi, ông qua không biết bao nhiêu cột mốc. Khi đã đến đích thì chỉ cột mốc cuối cùng mới quan trọng. Thật ra, mọi cột mốc đều quan trọng vào thời điểm của nó, còn trong hiện tại thì chẳng cột mốc nào quan trọng.

H: Ông có vẻ cho Đạo sư không là quan trọng. Theo ông Đạo sư chỉ là một trong số các sự kiện.

M: Tất cả các sự kiện đều góp phần, nhưng không sự kiện nào là chủ yếu. Trên đường đi mỗi bước đều đưa ông đến đích, và mỗi bước đều quan trọng như nhau, vì mỗi bước phải được bước, ông không thể bỏ bước nào. Nếu không chịu bước thì ông kẹt lại!

H: Mọi người đều ca tụng Đạo sư còn ông so sánh Đạo sư với cột mốc chỉ đường. Thế chúng ta không cần có Đạo sư?

M: Chúng ta có cần cột mốc chỉ đường. Có và không. Có – nếu chúng ta không biết chắc. Không – nếu chúng ta biết đường đi. Một khi chúng ta chắc chắn với chính mình thì Đạo sư không cần thiết nữa, ngoại trừ theo nghĩa chuyên môn. Xét cho cùng tâm ông là một công cụ, và ông phải biết cách sử dụng nó. Nếu ông học cách sử dụng thân xác thì ông cũng cần phải biết cách sử dụng tâm.

H: Tôi được gì khi học cách sử dụng tâm?

M: Ông được sự tự do thoát khỏi tham ái và lo sợ, hoàn toàn do dụng tâm sai lầm. Chỉ hiểu biết bằng tri thức không thì chưa đủ. Cái biết chỉ là phụ thuộc, cái không biết mới là nhà của cái chơn thật. Sống trong cái biết là ràng buộc, sống trong cái không biết là giải thoát.

H: Theo chỗ tôi hiểu thì tất cả mọi tu tập tâm linh đều nhắm đến sự loại trừ cái Ta có tính cách con người. Một sự tu tập như thế đòi hỏi một quyết tâm sắt đá và sự ứng dụng không lơi lỏng. Tìm đâu ra trực tâm và năng lượng cho một công việc như thế?

M: Ông tìm trong sự thân cận thiện tri thức.

H: Làm sao tôi phân biệt được ai là thiện tri thức và ai chỉ là người khôn ngoan?

M: Nếu động cơ thúc giục ông là trong sạch, và nếu ông chỉ tìm kiếm chân lý, mà không là gì khác – ông sẽ gặp đúng người. Tìm ra thiện tri thức thì rất dễ, nhưng cái khó là tín tâm và sự vận dụng được sự chỉ giáo và hướng dẫn của các vị ấy.

H: Trạng thái thức quan trọng cho sự tu tập tâm linh hơn là trạng thái ngủ?

M: Một cách tổng quát chúng ta quá coi trọng trạng thái thức. Nếu không ngủ thì không thể có trạng thái thức, nếu không ngủ một người sẽ điên hay chết. Tại sao quá quan trọng hóa trạng thái thức – là trạng thái hiển nhiên tùy thuộc vào vô thức? Không chỉ ý thức mà vô thức cũng cần phải được chú trọng trong sự tu tập tâm linh của chúng ta.

H: Một người phải quan tâm đến vô thức như thế nào?

M: Duy trì cái “Ta hiện hữu” trong tiêu điểm của tánh biết, hãy nhớ rằng ông hiện hữu, quan sát ông không ngưng nghỉ rồi cái vô thức sẽ tuôn trào vào ý thức mà không có sự cố gắng đặc biệt nào của ông. Những tham ái và lo sợ sai lầm, ý nghĩ sai lầm, những ức chế của xã hội phong tỏa và ngăn trở vô thức tự do tương tác với ý thức. Một khi được tự do hội nhập, cả hai trở nên một, và một trở thành tất cả. Con người hội nhập vào nhân chứng, nhân chứng hội nhập vào tánh biết, tánh biết hội nhập vào hiện hữu thuần túy, nhưng tính cách cá biệt thì không mất, mà chỉ những hữu hạn của nó mất đi. Nó biến thể và trở thành cái Ta chơn thật, tức là vị Đạo sư bên trong, luôn luôn là người bạn và người chỉ đường. Ông không thể tiếp cận cái Ta chơn thật bằng sự thờ kính. Không một sinh hoạt bên ngoài nào có thể tiếp cận cái Ta bên trong; thờ kính và cầu nguyện vẫn chỉ là bề ngoài. Để thâm nhập sâu xa thì hành thiền là cần thiết – tức là phấn đấu vượt ra ngoài các trạng thái ngủ, chiêm bao, và thức. Thoạt tiên những tinh tấn rất thất thường, nhưng khi được lập lại nhiều lần thì sẽ trở nên đều đặn, rồi liên tiếp và mãnh liệt cho đến khi tất cả mọi chướng ngại được chinh phục.

H: Chướng ngại đối với cái gì?

M: Đối với sự quên đi cái Ta.

H: Nếu thờ kính và cầu nguyện không có ảnh hưởng thì tại sao ông thờ kính bằng sự hát xướng trước hình ảnh Tôn sư của ông hàng ngày?

M: Những ai muốn làm như vậy thì làm như vậy. Ta thấy không cần thiết phải can thiệp.

H: Nhưng ông tham dự trong đó.

M: Đúng, bề ngoài là như thế. Nhưng tại sao lại chú trọng với Ta đến thế? Dành tất cả chú ý của ông cho câu hỏi: “Cái gì là cái làm cho Ta có ý thức?” cho đến khi tâm ông trở thành chính câu hỏi và không thể nghĩ về bất cứ gì khác.

H: Tất cả mọi người đều thúc giục tôi hành thiền. Tôi không cảm thấy hăng hái trong việc hành thiền, nhưng lại rất quan tâm đến nhiều thứ khác; có một số điều tôi rất muốn và tâm tôi dồn hết cho những điều đó. Những cố gắng hành thiền của tôi chỉ nửa vời, tôi phải làm gì?

M: Hãy hỏi chính ông: “Tất cả xảy ra với ai?” Vận dụng mọi thứ như một cơ hội để đi vào bên trong. Thắp sáng con đường ông đi bằng cách đốt cháy tất cả mọi chướng ngại trong cường độ của tánh biết. Khi ông tình cờ tham ái hay lo sợ thì không phải tham ái hay lo sợ là không đúng và phải ra đi, mà chính con người tham ái và lo sợ phải ra đi. Vấn đề không phải là đấu tranh với tham ái và lo sợ – là những gì có thể hoàn toàn tự nhiên và chính đáng – mà chính là con người bị chúng thống trị, đó mới chính là nguyên nhân của sai lầm trong quá khứ và tương lai. Con người này cần phải được tìm hiểu cẩn thận, và tính cách hư giả của nó cần phải được thấy rõ thì lúc đó quyền năng của nó đối với ông mới chấm dứt. Xét cho cùng, con người đó chìm xuống mỗi khi ông đi ngủ. Trong giấc ngủ sâu, ông không phải là một con người có ý thức về chính mình, nhưng ông vẫn sống. Khi ông sống và có ý thức – nhưng không ý thức về chính mình – thì ông không còn là một con người. Trong suốt thời gian thức có vẻ như ông đóng tuồng trên sân khấu, nhưng ông là gì khi vở tuồng kết thúc? Ông là cái ông là – trước khi vở tuồng bắt đầu ông là cái gì thì sau khi vở tuồng kết thúc ông vẫn là cái đó. Hãy nhìn chính ông như ông đang trình diễn trên sân khấu của cuộc đời. Sự diễn xuất có thể là xuất sắc hay vụng về, nhưng ông không ở trong vở tuồng mà chỉ đơn thuần quan sát nó, dĩ nhiên với sự chăm chú và đồng tình, nhưng luôn luôn nhớ rõ trong tâm là ông chỉ quan sát vở tuồng – cuộc đời – đang diễn ra.

H: Ông luôn luôn nhấn mạnh đến khía cạnh nhận thức về thực tại. Hầu như ông không đề cập đến tình cảm, còn ý chí thì không bao giờ?

M: Ý chí, tình cảm, cực lạc, phấn đấu và hưởng thụ đều bị cấu nhiễm sâu đậm bởi tính cách con người đến độ chúng không thể tin cậy được. Sự trong sáng và trong sạch cần thiết vào lúc bắt đầu cuộc hành trình thì chỉ tánh biết mới có thể cho ông. Rồi lần lượt sẽ đến tình yêu và ý chí, nhưng nền tảng phải được chuẩn bị. Mặt trời của tánh biết phải xuất hiện trước – tất cả những cái khác sẽ theo sau.

❁ ❁ ❁

87. Giữ tâm im lặng và ông sẽ tìm ra

Hỏi: Đã có lần tôi trải qua một kinh nghiệm lạ lùng: Không còn tôi, cũng không còn thế giới, chỉ có ánh sáng – bên trong lẫn bên ngoài – và một sự an lạc vô biên. Kinh nghiệm này kéo dài suốt bốn ngày rồi sau đó tôi trở lại ý thức thường nhật.

Hiện nay tôi có cảm tưởng tất cả những gì tôi biết chỉ là lớp giàn giáo bao che một tòa nhà đang được xây dựng. Tôi hoàn toàn không biết người kiến trúc, kiểu mẫu, họa đồ và mục đích của tòa nhà. Tất cả những gì tôi có thể nói là một hoạt động nào đó đang tiến hành, và sự việc đang xảy ra. Tôi là lớp giàn giáo đó, một cái gì rất mong manh và ngắn ngủi; khi tòa nhà sẵn sàng để sử dụng thì giàn giáo được tháo dỡ và rời đi. Cái “Ta là” và “Ta là cái gì” không còn quan trọng nữa, vì ngay khi tòa nhà hoàn tất thì dĩ nhiên cái “Ta” phải ra đi, chẳng để lại một câu hỏi nào về chính nó để trả lời.

Maharaj: Ông hoàn toàn không biết gì về điều này sao? Không phải thực tế tánh biết là một yếu tố thường hằng?

H: Ý thức của tôi về sự thường hằng và sự tự biết mình là do ký ức, mà ký ức thì chóng phai và không đáng tin cậy. Tôi chỉ nhớ rất ít, ngay cả về những gì mới xảy ra! Tôi đã sống gần hết đời người và bây gì cái gì còn lại với tôi? Một mớ sự kiện, nhiều lắm thì cũng chỉ đủ cho một câu chuyện ngắn?

M: Tất cả những điều đó xảy ra trong ý thức của ông?

H: Cả trong lẫn ngoài. Ban ngày thì bên trong, và ban đêm thì bên ngoài. Ý thức không phải là tất cả. Có rất nhiều điều xảy ra ngoài tầm của nó. Bảo rằng những gì tôi không ý thức được thì không tồn tại là hoàn toàn sai.

M: Những gì ông nói rất hợp lý, nhưng thật ra ông chỉ biết những gì trong ý thức của ông. Những gì ông cho là tồn tại bên ngoài kinh nghiệm hữu thức thì chỉ là phỏng đoán.

H: Có thể là phỏng đoán, nhưng nó còn thật hơn cả cảm giác.

M: Hãy cẩn thận. Ngay khi nói ra, ông tạo ra một vũ trụ bằng ngôn từ, một vũ trụ của chữ nghĩa, ý tưởng, khái niệm và suy luận – đan kết với nhau và tương thuộc lẫn nhau – và điều kỳ lạ nhất là mặc dù chúng tạo nên, hỗ trợ và giải thích lẫn nhau, nhưng tất cả đều không có tánh thể và thực chất – hoàn toàn là sản phẩm của tâm. Ngôn từ đẻ ra ngôn từ, còn thực tại thì im lặng.

H: Khi ông nói, tôi nghe ông nói. Đó không phải là một sự kiện hay sao?

M: Ông nghe là một sự kiện. Cái ông nghe thì không phải. Sự kiện thì có thể được kinh nghiệm, và theo nghĩa này, âm thanh của những từ ngữ và những gợn sóng trong tâm mà các âm thanh đó gây nên được kinh nghiệm. Không có một thực thể nào khác đằng sau nó. Ý nghĩa mà âm thanh đó chuyên chở chỉ là quy ước được ghi nhớ; một ngôn ngữ nếu không thường xuyên thực hành thì có thể bị quên đi dễ dàng.

H: Nếu ngôn từ không có thực thể thì nói để làm gì?

M: Ngôn từ phục vụ cho mục đích hạn chế của nó trong sự truyền thông giữa con người. Ngôn từ không chuyên chở sự kiện, mà chỉ truyền đạt sự kiện bằng tín hiệu. Khi đã thoát ra khỏi con người, ông không cần đến ngôn từ nữa.

H: Cái gì có thể đem tôi ra khỏi con người? Làm sao có thể ra ngoài ý thức?

M: Chữ nghĩa và câu hỏi sinh khởi từ tâm, và câu thúc ông trong tâm. Để ra khỏi tâm, ông phải im lặng và yên tịnh. An lạc và im lặng, im lặng và an lạc – đây là con đường vượt ra ngoài. Ngưng đặt câu hỏi.

H: Khi ngưng đặt câu hỏi, tôi phải làm gì nữa?

M: Ông có thể làm gì ngoài chờ đợi và quan sát?

H: Tôi chờ cái gì?

M: Chờ cho tâm điểm hiện hữu của ông nổi lên trên ý thức. Ba trạng thái: Ngủ – chiêm bao – thức đều ở trong ý thức, tức là cái được thị hiện; cái mà ông gọi là vô thức cũng sẽ được thị hiện trong thời gian; hoàn toàn bên ngoài ý thức là cái bất thị hiện. Ở ngoài tất cả, và bao trùm tất cả là trái tim của hiện hữu đập đều đặn: Thị hiện bất thị hiện; thị hiện – bất thị hiện; Saguna – Nirguna.

H: Trên bình diện ngôn từ những gì ông nói nghe rất đúng. Tôi có thể hình dung chính mình là chủng tử của hiện hữu, một điểm trong ý thức, với ý thức “Ta hiện hữu” không ngưng đập, xuất hiện và biến mất thay phiên nhau xảy ra. Nhưng tôi phải làm gì để nhận thức nó như một thực tế, để vượt ra ngoài và nhập vào Thực tại bất biến, vô ngôn?

M: Ông không thể làm được gì. Cái gì thời gian đưa đến thì thời gian sẽ đem đi.

H: Nếu thế thì hô hào tu tập Yoga và tìm kiếm thực tại để làm gì? Chúng làm cho tôi có cảm tưởng được trao cho khả năng và trách nhiệm, nhưng thật ra thời gian làm tất cả.

M: Đó chính là cứu cánh của Yoga – nhận ra tính độc lập. Tất cả những gì xảy ra chỉ xảy ra trong tâm và đối với tâm, chứ không xảy ra đối với nguồn gốc của cái “Ta hiện hữu”. Một khi nhận ra tất cả đều tự xảy ra, (gọi đó là định mệnh, hay ý chí của Thượng đế, hay thuần ngẫu nhiên) thì ông chỉ là nhân chứng, hiểu và thọ dụng, nhưng không hề giao động.

H: Nếu hoàn toàn chấm dứt tin tưởng vào ngôn từ thì tình trạng của tôi sẽ ra sao?

M: Có giai đoạn tin tưởng và cũng có giai đoạn hoài nghi. Cứ để các giai đoạn hoạt động, việc gì phải bận tâm?

H: Dù sao tôi vẫn cảm thấy có trách nhiệm đối với những gì xảy ra quanh tôi.

M: Ông chỉ có trách nhiệm với những gì ông có thể thay đổi. Điều duy nhất ông có thể thay đổi là thái độ của ông. Đó là trách nhiệm của ông.

H: Ông bảo tôi cứ việc thờ ơ trước đau khổ của tha nhân!

M: Cho dù ông có thờ ơ hay không thì nỗi đau khổ của nhân loại vẫn không ngăn ông thưởng thức bữa ăn sắp đến. Nhân chứng không thờ ơ, nhân chứng hoàn toàn biết rõ và rất từ bi. Chỉ khi nào là nhân chứng ông mới có thể giúp người khác.

H: Suốt đời tôi chỉ sống bằng ngôn từ. Số từ ngữ tôi đã nghe qua và đọc qua lên đến hàng tỉ. Chúng có lợi lạc gì cho tôi không? Hoàn toàn không!

M: Tâm hình thành ngôn ngữ và ngôn ngữ định hình tâm. Cả hai đều là công cụ, hãy sử dụng chúng nhưng đừng sử dụng sai lầm. Ngôn từ có thể đưa ông xa lắm là đến biên giới của nó; muốn đi xa hơn ông phải từ bỏ ngôn từ. Chỉ làm nhân chứng thầm lặng.

H: Làm sao tôi có thể làm nhân chứng thầm lặng? Thế giới gây cho tôi không biết bao nhiêu phiền nhiễu.

M: Ông nghĩ rằng ông to lớn nên bị thế giới tác động. Thật ra không phải thế. Ông nhỏ đến nỗi không gì có thể ghìm được ông. Tâm bị vướng mắc, chứ không phải ông. Hãy biết chính ông như ông một điểm trong ý thức, vô phương vị và vô thời. Ông cũng như mũi cây bút chì – chỉ qua giao tiếp với ông mà tâm vẽ ra bức tranh của nó về thế giới. Ông rất đơn giản và chân phương, còn bức tranh thì phức tạp và bao la. Đừng để bị bức tranh mê hoặc mà hãy biết rõ cái điểm vô cùng nhỏ bé – nó ở khắp nơi trong bức tranh.

Cái gì hiện hữu có thể chấm dứt hiện hữu, cái gì không hiện hữu có thể trở thành hiện hữu, còn cái không phải hiện hữu mà cũng chẳng phải phi hiện hữu – nhưng hiện hữu và phi hiện hữu đều tùy thuộc nó – thì bất di bất dịch. Biết được chính ông là nguyên nhân của tham ái và đau khổ – chính cái biết đó thoát ra khỏi cả hai.

H: Vì sao tôi lại là nguyên nhân của lo sợ?

M: Tất cả đều tùy thuộc vào ông. Thế giới tồn tại chỉ vì sự chấp nhận của ông. Nếu ông không tin vào thực thể của nó thì thế giới sẽ tan biến như một cơn mộng huyễn. Thế giới có thể làm cho non mòn núi lở, nhưng làm sao có thể ví với ông – nguồn gốc vô thời của thời gian. Vì, nếu không có ký ức và mong đợi thì không còn thời gian.

H: “Ta hiện hữu” có phải là cái tối hậu?

M: Trước khi ông có thể nói: “Ta hiện hữu” thì phải có ông để nói điều đó. Hiện hữu không cần phải ý thức về chính mình. Ông không cần biết để hiện hữu, nhưng ông phải hiện hữu để biết.

H: Thưa ông, tôi đang chết đuối trong biển ngôn từ! Tôi có thể thấy tất cả đều tùy thuộc vào cách ngôn từ được sắp xếp với nhau, nhưng phải có người để sắp xếp chúng một cách có ý nghĩa. Nếu cứ sắp xếp chữ nghĩa bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên thì các thánh thư Ramayana, MahabharataBhagavata đã không bao giờ được viết ra. Lập thuyết về sự xuất hiện ngẫu nhiên không có cơ sở. Nguồn gốc của cái gì có ý nghĩa phải ở ngoài nó. Cái gì là quyền năng tạo ra ổn định từ hỗn loạn? Sống không phải chỉ là hiện hữu, và ý thức không phải chỉ là sống. Ai là kẻ hiện hữu sống có ý thức?

M: Câu trả lời có sẵn trong câu hỏi của ông: Một hiện hữu sống có ý thức là một hiện hữu sống có ý thức. Những từ ngữ thật thích đáng nhưng ý nghĩa của nó thì ông không quán triệt. Đi sâu vào ý nghĩa của các từ ngữ: Hiện hữu, sống, và ý thức thì ông sẽ không còn chạy lòng vòng đặt câu hỏi mà không nhận ra câu trả lời. Nên hiểu rằng ông không thể đặt một câu hỏi có giá trị về chính ông, vì ông không biết ông hỏi về ai. Trong câu hỏi: “Ta là ai?” “Ta” – là cái không được biết, và câu hỏi có thể được sắp xếp lại thành: “Ta không biết Ta muốn nói ‘Ta’ nghĩa là gì? Ông là cái gì thì ông phải tìm ra. Ta chỉ có thể nói cho ông biết cái mà ông không là. Ông không thuộc về thế giới, thậm chí ông cũng không ở trong thế giới. Thế giới không hiện hữu, chỉ mình ông hiện hữu. Ông tạo ra thế giới trong sự tưởng tượng của ông như một giấc chiêm bao. Vì không thể tách rời giấc chiêm bao với chính ông, nên ông không thể có một thế giới bên ngoài, độc lập với ông. Ông bất tùy thuộc, chứ không phải thế giới. Đừng sợ hãi một thế giới mà chính ông đã tạo ra. Chấm dứt tìm kiếm hạnh phúc và thực tại trong một giấc chiêm bao thì ông sẽ tỉnh thức. Ông chẳng cần biết tất cả những cái “tại sao” và “làm sao”, vì câu hỏi thì vô tận. Buông bỏ tất cả tham ái, giữ tâm im lặng thì ông sẽ tìm ra.

❁ ❁ ❁

88. Cái biết do tâm không phải là cái biết thật

Hỏi: Ông có trải qua ba trạng thái thức, chiêm bao và ngủ như chúng tôi, hay là khác?

Maharaj: Cả ba trạng thái là ngủ đối với Ta. Trạng thái thức của Ta ở ngoài tất cả. Khi Ta nhìn các ông thì các ông như đang ngủ, mơ tưởng ra ngôn từ của các ông. Ta biết rõ vì Ta không tưởng tượng. Trạng thái của Ta không phải Samadhi – cũng là một hình thức ngủ khác. Trạng thái của Ta không hề bị tâm tác động, hoàn toàn không có quá khứ và tương lai. Đối với các ông, đó là trạng thái bị hành hạ bởi tham ái và lo sợ, ký ức và hy vọng; còn với Ta nó là như chính nó là – bình thường. Là một con người tức là đang ngủ.

H: Ở giữa thân xác và tánh biết thuần túy là nội thân – Antahkarana – thân vi tế, “thân tâm lý” hay bất cứ danh xưng nào. Giống như một tấm gương quay tròn làm cho ánh sáng mặt trời biến thành vô số những hình ảnh gồm nhiều vệt sáng và mầu sắc, thì cái thân vi tế biến ánh sáng đơn sắc của cái Ta chói lọi thành một thế giới đa dạng. Tôi hiểu sự chỉ giáo của ông là như thế. Nhưng tôi không hiểu vì sao thân vi tế này đầu tiên sinh khởi từ đâu?

M: Nó được tạo ra cùng với sự xuất hiện của ý tưởng “Ta hiện hữu”. Hai cái là một.

H: Cái “Ta hiện hữu” đã xuất hiện như thế nào?

M: Trong thế giới của ông tất cả đều phải có khởi đầu và kết thúc; nếu không có thì ông gọi là vĩnh cửu. Trong cái nhìn của Ta, không hề có cái như là bắt đầu hay chấm dứt – bắt đầu và chấm dứt đều liên quan đến thời gian. Hiện hữu vô thời hoàn toàn ở trong cái bây giờ.

H: Thân vi tế – Antahkarana – là thật hay không thật?

M: Nó chỉ là nhất thời. Thật vào lúc hiện thời, không thật khi qua đi.

H: Thực tại là gì? Thực tại có nhất thời hay không?

M: Gọi nó là có thể kinh nghiệm được, hoặc là hiện thực, hay thực tế. Nó là sự có thật của một kinh nghiệm tức thời, tại đây và bây giờ, và không thể phủ nhận. Ông có thể hoài nghi sự miêu tả và ý nghĩa của nó, nhưng không thể nghi ngờ tự thân sự kiện. Hiện hữu và phi hiện hữu liên tục thay phiên nhau và tính chất thật của chúng chỉ nhất thời. Thực tại Bất biến ở ngoài không gian và thời gian. Nhận ra tính cách vô thường của hiện hữu và phi hiện hữu thì thoát ra khỏi cả hai.

H: Sự vật có thể biến dịch, nhưng chúng rất gần gũi với chúng ta trong sự tái diễn vô tận.

M: Sức mạnh của tham ái rất mãnh liệt. Chính tham ái tạo ra sự tái diễn. Nếu không có tham ái thì không có sự tái diễn.

H: Thế còn sợ hãi?

M: Tham ái thuộc về quá khứ, sợ hãi thuộc về tương lai. Ký ức về đau khổ đã qua và sợ hãi sự tái diễn của nó làm cho con người ưu tư về tương lai.

H: Nhưng còn có cả sự sợ hãi cái không biết.

M: Người nào chưa từng đau khổ thì không sợ hãi.

H: Chúng ta có phải bị trừng phạt phải sợ hãi?

M: Bao giờ chúng ta còn nhìn sợ hãi và chấp nhận nó như cái bóng của sự tồn tại có tính cách con người. Là con người, chúng ta không tránh khỏi sợ hãi. Triệt tiêu tất cả các phương trình có tính cách con người thì ông hoàn toàn vô úy. Điều này không khó khăn. Vô tham ái tự xuất hiện ngay khi tham ái được nhận ra là hư giả. Ông không cần phải đấu tranh với tham ái. Xét cho cùng, tham ái chính là động cơ tìm cầu hạnh phúc, mà đó là điều tự nhiên khi nào còn có đau khổ. Chỉ cần thấy được rằng không hề có hạnh phúc trong những gì ông tham ái.

H: Chúng ta chấp nhận lạc thú.

M: Mọi lạc thú đều được gói ghém trong đau khổ. Ông sẽ sớm nhận ra rằng ông không thể có cái này mà không có cái kia.

H: Có người kinh nghiệm và có kinh nghiệm của người kinh nghiệm. Cái gì tạo ra sự liên kết cả hai?

M: Chẳng có gì tạo ra. Nó là như thế. Hai cái là một.

H: Tôi cảm thấy có một sự lắt léo trong đó, nhưng không biết ở đâu.

M: Sự lắt léo ở trong tâm ông, nó cố tìm cách thấy tính nhị nguyên ở những nơi không có.

H: Khi lắng nghe ông nói tâm tôi hoàn toàn ở trong cái bây giờ, và tôi ngạc nhiên thấy chính tôi không có nghi vấn nào.

M: Ông chỉ biết được thực tại khi nào ông ngạc nhiên.

H: Tôi có thể nhận thấy nguyên nhân của đau khổ và sợ hãi là ký ức. Thế phương tiện để đoạn trừ ký ức là gì?

M: Đừng nói đến phương tiện. Không hề có phương tiện. Cái gì được ông thấy là hư giả thì tự nó tan biến. Bản chất của ảo tưởng là tự nó biến mất khi được tìm hiểu. Tìm hiểu – chỉ thế thôi. Ông không thể tận diệt cái hư giả vì ông luôn luôn tạo ra nó. Rút ra khỏi nó, đừng để ý đến nó, và thoát ra ngoài thì nó sẽ không còn nữa.

H: Đấng Chirst cũng nói về sự bỏ qua những điều dữ, và hãy hồn nhiên như con trẻ.

M: Thực tại thì chung nhất cho tất cả. Chỉ cái hư giả mới có tính cách cá nhân.

H: Khi quan sát các hành giả – Sadhakas – và tìm hiểu triết lý sống của họ, tôi nhận thấy họ chỉ thay thế những ham muốn vật chất bằng các tham vọng “tâm linh”. Qua những gì ông nói với chúng tôi thì hình như từ ngữ “tâm linh” và “tham vọng” không tương hợp. Nếu “tâm linh” hàm ý thoát ra khỏi tham vọng, thì cái gì thúc đẩy người tìm kiếm tiếp tục? Các môn phái Yoga đều nói lòng mong cầu giải thoát là thiết yếu. Đó không phải là hình thức cao nhất của tham vọng hay sao?

M: Tham vọng thuộc về con người, giải thoát là thoát khỏi những gì thuộc con người. Trong giải thoát chủ thể lẫn đối tượng của tham vọng không còn. Lòng thành khẩn không phải là một mong muốn thành quả của công sức đã bỏ ra. Nó chỉ thể hiện sự chuyển hướng chú ý bên trong ra khỏi cái hư giả, tầm thường, và những gì có tính cách con người.

H: Hôm trước ông có bảo chúng tôi đừng mơ tưởng sự toàn hảo trước khi giác ngộ, vì cái Ta – chứ không phải tâm – là nguồn gốc của tất cả sự toàn hảo. Nếu tính ưu việt của công đức không phải là thiết yếu cho sự giải thoát, vậy thì cái gì?

M: Giải thoát không phải là thành quả của một phương tiện nào đó được ứng dụng một cách khéo léo, mà cũng không thuộc về hoàn cảnh. Giải thoát ở ngoài tiến trình nhân quả. Không gì có thể thúc ép, và không gì có thể ngăn trở sự giải thoát.

H: Thế tại sao chúng tôi không tự do tại đây và ngay bây giờ?

M: Chúng ta tự do “tại đây và ngay bây giờ”. Chỉ có tâm tưởng tượng ra ràng buộc.

H: Cái gì sẽ làm cho tưởng tượng chấm dứt?

M: Tại sao ông lại muốn chấm dứt tưởng tượng? Một khi biết được tâm ông cùng những quyền năng mầu nhiệm của nó, và loại bỏ cái làm cho nó bị cấu nhiễm – tức là ý tưởng về một con người riêng biệt và cô lập – thì ông chỉ để mặc kệ tâm làm công việc của nó trong số những gì mà nó thích hợp với. Giữ tâm trong vị trí đúng của nó, cho công việc của chính nó là giải thoát tâm.

H: Công việc của tâm là gì?

M: Tâm là người vợ của trái tim, và thế giới là ngôi nhà của cả hai; cần phải giữ ngôi nhà luôn vui vẻ và hạnh phúc.

H: Tôi vẫn không hiểu. Nếu con đường dẫn đến giải thoát không có chướng ngại thì tại sao giải thoát không xảy ra tại đây và ngay bây giờ?

M: Không hề có chướng ngại trên con đường giải thoát của ông, và sự giải thoát có thể xảy ra tại đây và ngay bây giờ, nếu ông không quan tâm đến bất cứ gì khác. Ông không thể chống lại những gì ông quan tâm. Ông phải thuận theo chúng, thấy xuyên suốt chúng và quan sát chúng tự phơi bày là những sai lầm của phán xét và đánh giá.

H: Nếu tôi sống thân cận một bậc thánh nhân thì có lợi lạc gì không?

M: Thánh cân và vĩ nhân luôn luôn thân cận ông nhưng ông không nhận ra họ. Làm sao ông biết được ai là vĩ nhân và thánh nhân? Qua nghe nói? Liệu ông có thể tin người khác, thậm chí là chính ông, trong những vấn đề như thế này? Để thuyết phục chính mình hoàn toàn không còn nghi hoặc, ông cần nhiều hơn một sự ca tụng, một kinh nghiệm tuyệt vời thoáng qua. Ông có thể tình cờ gặp một thánh nhân vĩ đại nhưng sau một thời gian rất lâu ông mới biết đó là phước báu. Đứa con sơ sinh của một bậc vĩ nhân phải trải qua rất nhiều năm mới biết được tính cách vĩ đại của cha nó. Ông phải trưởng thành thì mới nhận ra tính cách vĩ đại, ông phải làm cho trái tim trong sạch thì mới nhận ra sự thánh thiện. Bằng không, ông chỉ mất thời gian và tiền bạc một cách vô ích, và bỏ lỡ những gì mà cuộc đời cống hiến cho ông. Có nhiều bậc thiện nhân trong số bằng hữu của ông mà ông có thể học ở họ rất nhiều. Chạy theo các thánh nhân cũng chỉ là một trò tiêu khiển. Thay vì làm như thế thì hãy nhớ nghĩ đến chính ông và quan sát cuộc sống thường nhật của ông không lơi lỏng. Hãy thành khẩn vì chắc chắn ông sẽ phá vỡ những ràng buộc của sự vô ý và tưởng tượng.

H: Ông muốn tôi phấn đấu một mình?

M: Ông không bao giờ một mình. Có những quyền năng và các đấng linh thiêng sẽ luôn luôn trung thành phục vụ ông. Ông có thể hoặc không thể nhận ra họ, nhưng họ có thật và hoạt động. Khi nhận ra tất cả đều ở trong tâm ông, ông ở ngoài tâm. Ông thật sự chỉ là một mình thì lúc đó tất cả là ông.

H: Thông suốt mọi sự (omniscience) nghĩa là gì? Thượng đế có thông suốt mọi sự? Ông có thông suốt mọi sự? Chúng tôi nghe nói về nhân chứng vũ trụ. Nhân chứng vũ trụ là gì? Giác ngộ chính mình có hàm ý thông suốt mọi sự? Hay giác ngộ chỉ là vấn đề tu tập đặc biệt?

M: Hoàn toàn không còn bận tâm với cái biết sẽ đưa đến trạng thái thông suốt mọi sự. Nó chỉ là khả năng biết cái cần biết vào đúng lúc để hành động không còn sai lầm. Xét cho cùng, cái biết chỉ cần thiết cho hành động, và nếu ông hành động đúng, một cách tự phát mà không đem ý thức vào – thì còn tốt hơn nữa.

H: Một người có thể biết được tâm của người khác?

M: Biết tâm ông trước. Nó dung chứa toàn thể vũ trụ mà còn dư chỗ!

H: Theo lý thuyết của ông thì có vẻ như trạng thái thức, về cơ bản, không khác biệt với trạng thái chiêm bao và trạng thái ngủ say không chiêm bao. Cả ba trạng thái chủ yếu là trường hợp của sự nhận lầm chính mình với thân xác. Có thể lý thuyết của ông đúng, nhưng tôi cảm thấy nó không hoàn toàn là chân lý.

M: Đừng cố tìm cách biết chân lý, vì cái biết của tâm không phải là cái biết chân thật. Ông có thể biết cái không thật, và điều này đủ để giải thoát ông khỏi cái hư giả. Ý nghĩ cho rằng những gì ông biết là thật thì rất nguy hiểm, vì nó giam hãm ông trong tâm. Chỉ khi nào không biết thì ông mới tự do để tìm hiểu. Không thể nào có giải thoát mà không có sự tìm hiểu, vì không tìm hiểu là nguyên nhân chủ yếu của ràng buộc.

H: Ông nói rằng ảo tưởng về thế giới hình thành với ý thức “Ta hiện hữu”, nhưng khi tôi hỏi về nguồn gốc của ý thức “Ta hiện hữu” thì ông bảo nó không có nguồn gốc vì ngay khi được tìm hiểu thì nó biến mất. Cái gì bền chắc mà trên đó thế giới được xây dựng thì không thể là ảo tưởng. Cái “Ta hiện hữu” duy nhất là một yếu tố bất biến mà tôi ý thức được, làm sao nó có thể là hư giả?

M: Không phải cái “Ta hiện hữu” là hư giả, nhưng cái mà ông cho ông là – là hư giả. Ta có thể thấy – không chút nghi hoặc – rằng ông không phải cái mà ông tin ông là. Hợp lý hay không hợp lý thì ông vẫn không thể phủ nhận cái hiển nhiên. Ông không là bất cứ gì mà ông có thể nhận thức được. Hãy chuyên tâm vào việc phá sập cái cơ cấu mà ông đã dựng lập trong tâm. Tâm đã tạo ra cái gì thì chính tâm phải phá hủy cái đó.

H: Ông không thể phủ nhận khoảnh khắc hiện tại, dù hữu tâm hay vô tâm. Cái gì bây giờ – . Ông có thể hoài nghi biểu hiện, nhưng không thể hoài nghi sự kiện. Cái gì ở tại nguồn gốc của sự kiện?

M: Cái “Ta hiện hữu” ở tại nguồn gốc mọi biểu hiện, và là yếu tố nối kết cố định trong chuỗi diễn tiến của vô số các sự kiện mà chúng ta gọi là cuộc đời; nhưng Ta ở ngoài cái “Ta hiện hữu”.

H: Tôi nhận thấy những người giác ngộ thường miêu tả trạng thái của họ theo ngôn ngữ vay mượn từ tôn giáo mà họ theo. Ông ngẫu nhiên là một người theo Ấn giáo, nên ông nói về Brahma, VishnuShiva, và dùng cách tiếp cận và hình tượng của Ấn giáo. Vui lòng cho chúng tôi biết, cái gì là kinh nghiệm đằng sau ngôn từ của ông? Chúng nói về thực tại nào?

M: Đó là cách nói của Ta, một ngôn ngữ Ta đã được dạy để sử dụng.

H: Nhưng cái gì ở phía sau ngôn ngữ?

M: Làm sao Ta có thể đem nó vào ngôn từ, nếu không phải bằng cách phủ định? Do đó, Ta dùng những từ ngữ như phi thời, phi xứ, phi nhân duyên. Những từ ngữ này cũng là ngôn từ, nhưng ý nghĩa của chúng thì trống rỗng nên thích hợp cho mục đích của Ta.

H: Nếu chúng không có ý nghĩa, tại sao ông lại dùng?

M: Bởi vì ông muốn ngôn từ ở chỗ ngôn từ không thể áp dụng.

H: Tôi thấy được điều ông muốn nói. Một lần nữa, ông lại tước mất câu hỏi của tôi!

❁ ❁ ❁

89. Tiến bộ trong đời sống tâm linh

Hỏi: Chúng tôi là hai thiếu nữ Anh sang thăm Ấn Độ. Chúng tôi biết rất ít về Yoga, chúng tôi đến đây vì nghe nói các Đạo sư tâm linh có một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Ấn.

Maharaj: Chào mừng hai cô đến Ấn. Các cô sẽ chẳng tìm được cái gì mới ở đây. Công việc của chúng tôi thì phi thời. Mười ngàn năm trước nó đã như thế và mười ngàn năm sau thì nó cũng vẫn vậy. Nhiều thế kỷ trôi qua, nhưng vấn đề nan giải của con người không hề thay đổi: Đau khổ và chấm dứt đau khổ.

H: Hôm trước có bảy thanh niên ngoại quốc ghé chỗ chúng tôi ở xin tá túc vài đêm. Họ đến Ấn để nghe Đạo sư của họ thuyết giảng ở Bombay. Tôi có gặp Đạo sư đó – một thanh niên trông rất vui vẻ – rõ ràng là một người thực tế và có khả năng, nhưng vẫn toát ra một cái vẻ an lạc và tĩnh lặng. Giáo pháp của ông ta mang tính truyền thống, thiên về Karma Yoga, khuyến khích sự làm việc vô vị kỷ, phục vụ Đạo sư, và vân vân. Cũng giống như trong thánh kinh Gita, vị Đạo sư nói rằng việc làm vô vị kỷ sẽ đưa đến giải thoát. Ông ta có những kế hoạch đầy tham vọng như đào tạo nhiều môn đồ và cử họ đi thành lập các trung tâm tâm linh ở nhiều nước. Vị Đạo sư không những trao quyền cho họ mà còn truyền cả năng lực để thực hiện công việc nhân danh ông ta.

M: Có, có những chuyện như trao truyền năng lực.

H: Khi sinh hoạt với họ tôi có một cảm giác lạ lùng như trở thành vô hình. Những môn đồ sùng tín đó khi quy mệnh với Đạo sư của họ, cũng đã gồm luôn cả tôi vào. Bất cứ gì tôi làm cho họ đều là hành vi của Đạo sư, còn tôi thì không hề được biết đến – ngoại trừ như một công cụ. Tôi chỉ là cái nút để bật qua trái hay phải. Không hề có bất cứ quan hệ nào có tính cách cá nhân. Họ tìm cách thuyết phục tôi theo tín ngưỡng của họ, nhưng thấy tôi có vẻ miễn cưỡng thì sau đó họ không còn để ý đến tôi nữa. Thậm chí giữa họ với nhau cũng chẳng có vẻ gì mật thiết; họ ràng buộc họ với nhau chỉ vì sự quan tâm chung đến Đạo sư của họ. Tôi cảm thấy một cái gì đó thật lạ lùng, hầu như phi nhân tính. Xem mình là một công cụ trong tay của Thượng đế là một chuyện, nhưng tước đoạt mọi sự chú ý và quan tâm đến con người chỉ vì “Tất cả là Thượng đế” thì chỉ đưa đến thái độ lạnh lùng, và tàn nhẫn. Xét cho cùng, mọi cuộc chiến tranh đều “nhân danh Thượng đế”. Toàn thể lịch sử nhân loại là một chuỗi dài những cuộc “thánh chiến”. Không lúc nào con người trở nên phi nhân cách như trong chiến tranh!

M: Khăng khăng, đề kháng đều có trong ý chí hiện hữu. Bỏ đi ý chí hiện hữu thì cái gì còn lại? Tồn tại và phi tồn tại đều liên quan với một cái gì đó trong không gian thời gian; ở đây và bây giờ, ở đó và khi đó, một lần nữa lại ở trong tâm. Tâm luôn luôn chơi trò phỏng đoán; tâm luôn luôn bất định, bị ưu tư dằn vặt và bất an. Cô không muốn bị xem như công cụ của một thần linh hay một Đạo sư nào đó, và khăng khăng đòi hỏi phải được đối xử như một con người, vì cô không biết chắc sự tồn tại của chính cô, và không muốn từ bỏ sự dễ chịu và chắc chắn của tính cách con người. Có thể cô không phải là cái mà cô tin là cô, nhưng nó cho cô sự tiếp tục – tương lai của cô chảy vào hiện tại và trở thành quá khứ một cách êm ái. Bị phủ nhận sự tồn tại có tính cách con người quả thật là kinh hoàng, nhưng cô phải đối diện sự phủ nhận đó, và tìm ra tính cách đồng nhất của cô với tổng thể cuộc sống. Lúc đó vấn đề ai bị lợi dụng bởi ai không còn nữa.

H: Tất cả những sự chú ý họ dành cho tôi là cố gắng hoán cải tôi theo đức tin của họ. Khi tôi cưỡng lại thì sau đó họ không thèm đếm xỉa đến tôi nữa.

M: Người ta không thể trở thành môn đồ bằng sự cải đạo, hay ngẫu nhiên. Thường thì vẫn có một mối liên hệ từ lâu đời, được duy trì qua nhiều kiếp và nở hoa thành lòng yêu mến và tin tưởng; thiếu hai yếu tố này thì không thể có quan hệ môn đồ.

H: Điều gì khiến ông quyết định trở thành Đạo sư?

M: Ta trở thành Đạo sư vì được người ta gọi như thế. Mà Ta dạy ai và ai là người học? Cái Ta là thì cô là, và cái cô là thì Ta là. Cái “Ta hiện hữu” là sự bao la của ánh sáng và tình yêu. Chúng ta không thấy được vì chúng ta nhìn đi chỗ khác. Ta chỉ có thể chỉ lên bầu trời, còn thấy được các vì sao là việc của cô. Có người mất nhiều thời gian, và có người mất ít thời gian trước khi thấy được sao, vì còn tùy ở tính trong sáng của thị giác và lòng thành khẩn tìm kiếm của mỗi người. Hai yếu tố đó là của chính họ, Ta chỉ có thể khuyến khích.

H: Tôi được mong đợi phải làm gì khi trở thành môn đồ?

M: Mỗi Đạo sư có phương pháp riêng, thường là dựa theo những chỉ giáo của tiên sư, và phương cách mà chính Đạo sư đã giác ngộ, cùng ngôn ngữ riêng của ông ta. Từ khuôn khổ đó, vị Đạo sư điều chỉnh cho phù hợp với cá tính của từng người. Người môn đồ được hoàn toàn tự do tư duy và tìm hiểu, cũng như được khuyến khích thắc mắc về những gì chất chứa trong tim mình. Người môn đồ phải tuyệt đối chắc chắn về thân thế và khả năng của Đạo sư, nếu không thì tín tâm không hoàn toàn và hành động không trọn vẹn. Chính cái tuyệt đối trong cô đưa cô đến với cái tuyệt đối bên ngoài cô – chân lý tuyệt đối, tình yêu, và thái độ vô vị kỷ là những yếu tố quyết định trong sự giác ngộ chính mình. Với lòng thành khẩn thì tất cả những yếu tố đó đều có thể đạt được.

H: Theo như tôi hiểu một người phải thoát ly gia đình và từ bỏ của cải để trở thành môn đồ.

M: Còn tùy mỗi Đạo sư. Có Đạo sư yêu cầu các môn đồ chín mùi của họ sống khổ hạnh và ẩn tu; có Đạo sư khuyến khích tiếp tục đời sống và nhiệm vụ tại gia. Hầu hết môn đồ cho rằng mô hình của đời sống gia đình khó hơn là thoát ly, và chỉ thích hợp cho một cá tính chắc chắn và quân bình. Những người còn trong thời kỳ son trẻ thường được khuyến khích lối sống kỷ luật của tu viện. Vì thế, văn hóa Ấn giáo khuyến khích học sinh cho đến tuổi 25 sống như các tu sĩ trong sự đạm bạc, giản dị và vâng lời để cho họ cơ hội rèn luyện một cá tính có thể đối phó với những khó khăn và cám dỗ của đời sống gia đình.

 H: Những người trong phòng này là ai? Họ là môn đồ của ông?

M: Cứ hỏi họ. Người ta trở thành môn đồ không phải trên bình diện ngôn từ, mà trong những độ sâu im lặng của hiện hữu. Cô không thể trở thành môn đồ bằng sự lựa chọn, đây là một vấn đề thuộc định mệnh hơn là ý muốn của chính mình. Ai là Đạo sư thì không quan trọng vì Đạo sư luôn luôn mong muốn cô tốt lành. Chính môn đồ mới quan trọng, chính sự thành thật và lòng thành khẩn của người đó. Một môn đồ xứng đáng luôn luôn tìm được một Đạo sư đích thực.

H: Tôi có thể thấy được cái đẹp và sự sung sướng của một cuộc sống cống hiến cho chân lý dưới sự dìu dắt của một Đạo sư có thẩm quyền và đầy lòng từ bi. Nhưng thật đáng tiếc, chúng tôi phải trở về Anh.

M: Sự xa cách không quan trọng. Nếu mong muốn của cô mãnh liệt và thành thật, cuộc đời cô sẽ được định hình cho sự hoàn thành những mong muốn đó. Cứ gieo hạt và phó mặc cho thời vụ.

H: Những dấu hiệu của tiến bộ trong tâm linh là gì?

M: Hoàn toàn vô tư lự, thảnh thơi và hân hoan. Bên trong an lạc sâu sắc, bên ngoài năng lực sung mãn.

H: Làm sao ông có được những thứ đó?

M: Ta tìm được tất cả trong sự hiện diện linh thiêng của Tôn sư. Ta chẳng làm gì cả. Tôn sư bảo Ta tĩnh lặng, Ta làm theo với tất cả khả năng của Ta.

H: Sự hiện diện của ông có mãnh liệt bằng sự hiện diện của Tôn sư ông?

M: Làm sao Ta biết được? Đối với Ta – sự hiện diện của Tôn sư là duy nhất. Nếu cô ở cùng với Ta thì cô cũng ở cùng với Tôn sư.

H: Đạo sư nào cũng đề cập đến tiên sư của mình. Vậy đâu là điểm khởi đầu?

M: Có một quyền năng trong vũ trụ hoạt động cho sự giác ngộ và giải thoát. Chúng ta gọi đó là Sadashiva, đấng luôn luôn hiện diện trong trái tim của mỗi người. Đó là yếu tố hợp nhất. Hợp nhất thì giải thoát. Tự do thì hợp nhất. Tối hậu, không có gì của cô hay của Ta, tất cả đều thuộc về chúng ta. Hãy là một với chính cô rồi cô sẽ là một với tất cả, toàn thể vũ trụ là nhà.

H: Ông muốn nói rằng tất cả những phúc lạc này sẽ đến với sự an trú trong nhận thức “Ta hiện hữu”?

M: Cái đơn giản – chứ không phải cái phức tạp – thì chắc chắn. Vì lý do nào đó, con người không tin vào cái đơn giản, cái dễ dàng, cái luôn luôn có sẵn. Tại sao không thực tâm thử nghiệm những gì Ta nói? Nó có vẻ nhỏ bé và tầm thường, nhưng cũng như một hạt giống nó sẽ mọc thành một đại thụ. Hãy cho cô một cơ hội.

H: Tôi thấy nhiều người ngồi trong phòng này một cách tĩnh lặng. Họ đến đây để làm gì?

M: Để gặp chính họ. Ở nhà họ bị nhiều quấy nhiễu. Ở đây chẳng có gì làm phiền họ; họ có cơ hội xa lìa những ưu tư thường nhật và giao tiếp với cái thiết yếu trong chính họ.

H: Trình tự tu tập sự thấy biết chính mình là gì?

M: Chẳng cần phải tu tập. Tánh biết luôn luôn ở với cô. Cũng sự chú ý mà cô dành cho bên ngoài thì xoay nó vào trong. Chẳng cần sự thấy biết nào mới hay đặc biệt.

H: Ông có giúp người đến gặp ông một cách riêng tư?

M: Người ta đến để nói về những vấn đề của họ. Rõ ràng là họ cần giúp, nếu không thì họ đã không đến.

H: Ông nói chuyện với người đến xin gặp ở chỗ đông người, hay còn trong chỗ riêng tư với họ?

M: Tùy theo ý muốn của họ. Ta không phân biệt chỗ đông người hay riêng tư.

H: Ông luôn luôn rảnh rang, hay còn có việc khác để làm?

M: Ta luôn luôn rảnh rang, nhưng thời gian và buổi sáng và chiều thì thuận tiện nhất.

H: Tôi hiểu được rằng không có việc làm nào cao thượng hơn việc làm của một Đạo sư.

M: Chính động cơ mới quan trọng tối thượng.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Người dịch: Vũ Toàn

Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x