Trang chủ » Ta là Cái Đó [90 – 94] – Lạc thú và Hạnh phúc

Ta là Cái Đó [90 – 94] – Lạc thú và Hạnh phúc

by Hậu Học Văn
407 views

90. Quy thuận cái Ta của chính mình

Hỏi: Tôi sinh trưởng ở Mỹ. Mười bốn tháng nay tôi ở tịnh xá Sri Ramanashram và hiện đang trên đường trở về Mỹ nơi mẹ tôi đang chờ.

Maharaj: Dự tính của cô là gì?

H: Tôi có thể trở thành một y tá, hoặc lấy chồng và có con.

M: Điều gì khiến cô muốn lập gia đình?

H: Tạo dựng một gia đình tâm linh là một hình thức phục vụ xã hội cao nhất mà tôi có thể nghĩ đến. Nhưng, dĩ nhiên là cuộc đời có thể xảy ra theo một cách khác. Tôi sẵn sàng tiếp đón bất cứ gì xảy đến.

M: Trong suốt thời gian mười bốn tháng ở tịnh xá Sri Ramanashram, người ta đã chỉ dẫn cô những gì? So với lúc mới đến tịnh xá thì hiện nay cô thay đổi thế nào?

H: Tôi không còn lo sợ nữa. Tôi đã tìm được đôi chút an lạc.

M: Đó là sự an lạc gì? Sự an lạc sau khi cô có cái cô muốn, hay sự an lạc do cô không muốn cái không có?

H: Mỗi thứ một ít, tôi tin là như thế. Thật ra thì không dễ chút nào. Mặc dù ẩn xá là một nơi an tĩnh nhưng bên trong tôi vẫn cảm thấy đau khổ.

M: Khi nhận ra sự khác biệt giữa bên trong và bên ngoài chỉ có trong tâm thì cô không còn sợ nữa.

H: Nhận thức như thế có đến với tôi rồi đi. Tôi chưa đạt được tính bất biến của sự toàn vẹn tuyệt đối.

M: Thế à, bao giờ còn tin như thế thì cô còn cần tiếp tục tu tập – Sadhana – để loại bỏ ý nghĩ sai lầm về sự bất toàn vẹn. Sadhana loại bỏ mọi sự áp đặt ngoại lai. Khi nhận ra cô còn nhỏ hơn một điểm trong không gian và thời gian, một cái gì đó rất nhỏ nên không thể bị chia cắt, và quá ngắn ngủi nên không thể bị sát hại, thì lúc đó, và chỉ lúc đó mọi lo sợ mới ra đi. Khi cô nhỏ hơn mũi kim, mũi kim không thể xuyên thủng cô, mà cô xuyên thủng mũi kim!

H: Đúng thế, một đôi khi tôi cảm thấy mình bất khả khuất phục. Tôi nhận thấy mình còn hơn cả trạng thái vô úy, tôi chính là sự vô úy.

M: Vì sao cô lại tìm đến tịnh xá?

H: Tôi đã trải qua một cuộc tình bất hạnh và vô cùng đau khổ. Rượu và ma túy chẳng giúp gì được tôi. Tôi mò mẫm và tình cờ đọc một vài quyển sách về Yoga. Từ quyển này sang quyển khác, từ gợi ý này đến gợi ý khác, và cuối cùng tôi đã tìm đến tịnh xá Ramanashram.

M: Với trạng thái hiện nay của tâm, nếu thảm kịch cũ tái diễn, liệu cô cũng vẫn đau khổ như thế?

H: Ồ không, tôi sẽ không để cho mình đau khổ nữa. Tôi sẽ tự tử.

M: Như thế là cô không sợ chết!

H: Tôi sợ chết, nhưng không phải chính cái chết. Tôi có thể hình dung được chết là một tiến trình đau đớn và khó chịu.

M: Làm sao cô biết? Không nhất thiết chết phải là như thế. Nó có thể rất đẹp và an lạc. Một khi hiểu được cái chết chỉ xảy ra với thân xác, mà không phải với cô thì cô sẽ nhìn thân xác rũ xuống như một lớp áo bị cởi bỏ.

H: Tôi hoàn toàn biết rõ rằng nỗi sợ chết của tôi là do sợ hãi và vô minh.

M: Giây phút nào cũng có người chết; nỗi sợ chết và sự đau đớn của cái chết treo lơ lửng trên thế gian như một đám mây. Cô có sợ hãi thì cũng chẳng phải là điều ngạc nhiên. Một khi hiểu được rằng chỉ thân xác chết đi – chứ không phải sự tiếp diễn của ký ức và ý thức “Ta hiện hữu” được phản chiếu trong thân xác – thì cô không còn sợ nữa.

H: Hừ, chúng ta phải chết thì mới biết được.

M: Nếu để ý cô sẽ nhận thấy rằng sinh và tử chỉ là một, mạch sống đập nhịp giữa hiện hữu và phi hiện hữu – cái này cần đến cái kia cho sự trọn vẹn. Cô được sinh ra để chết đi và chết đi để được tái sinh.

H: Thế không phải sự xa lìa làm cho tiến trình chấm dứt?

M: Sự xa lìa chấm dứt sự sợ hãi, nhưng không làm cho thực tế chấm dứt.

H: Liệu tôi có bị bắt buộc phải tái sinh? Khủng khiếp quá!

M: Chẳng có gì bắt buộc. Cô có cái cô muốn. Cô lập ra các dự án của chính cô, và cô là người thực hiện các dự án đó.

H: Chúng ta có tự trừng phạt mình phải chịu đau khổ?

M: Chúng ta trưởng thành qua sự tìm hiểu, và để tìm hiểu chúng ta cần kinh nghiệm. Chúng ta có khuynh hướng lập lại những gì chưa hiểu. Nếu bén nhạy và có trí tuệ thì chúng ta không cần phải đau khổ. Đau khổ là tiếng la kêu gọi sự chú ý, và cũng là hình phạt của sự bất cẩn. Hành vi của trí tuệ và từ bi là phương cách trị liệu hay nhất.

H: Tôi không cho phép mình tiếp tục đau khổ vì tôi đã trưởng thành trong trí tuệ. Thế tự tử có gì là không đúng?

M: Chẳng có gì là không đúng, nếu nó giải quyết vấn đề. Nhưng nếu nó không giải quyết được vấn đề thì sao? Đau khổ được tạo ra bởi các yếu tố bên ngoài – một chứng bệnh đau đớn và không thể chữa trị, hoặc một tai họa ngoài sức chịu đựng thì may ra còn biện minh được – nhưng nếu vắng thiếu trí tuệ và từ bi thì tự tử chẳng giải quyết được gì. Một cái chết ngu ngốc có nghĩa là một sự ngu ngốc sẽ được tái sinh. Ngoài ra, còn phải kể đến vấn đề nghiệp. Kham nhẫn thường là con đường khôn ngoan nhất.

H: Một người có bắt buộc kham nhẫn với đau khổ, dù tê tái và tuyệt vọng đến đâu?

M: Kham nhẫn là một chuyện, còn đau đớn tuyệt vọng lại là chuyện khác. Kham nhẫn thì có ý nghĩa và có kết quả, còn đau khổ thì vô ích.

H: Tại sao lại bận tâm về nghiệp? Dù sao thì nghiệp vẫn tự giải quyết chính nó.

M: Hầu hết nghiệp của chúng ta mang tính tập thể. Chúng ta đau khổ vì tội lỗi của người khác gây ra, cũng như người khác đau khổ vì tội lỗi của chúng ta. Nhân loại là một duy nhất. Không biết thực tế này không có nghĩa là thay đổi được chính thực tế. Nếu không thờ ơ với đau khổ của tha nhân, thì lẽ ra chúng ta còn hạnh phúc hơn nhiều.

H: Tôi nhận thấy mình đã trở nên thông cảm hơn nhiều.

M: Tốt. Khi nói như vậy, cô nghĩ gì trong tâm? Chính cô – một người thông cảm trong thân xác của một phụ nữ?

H: Có thân xác, lòng từ bi, ký ức, một vài những thứ khác và thái độ – tập hợp chúng lại thì có thể được gọi là con người.

M: Kể cả ý tưởng “Ta hiện hữu”?

H: Cái “Ta hiện hữu” như một cái rổ, nó chứa đựng nhiều thứ làm thành một con người.

M: Hay đúng ra, nó là cái máy tước sợi mà từ đó cái rổ được đan ra. Khi cô nghĩ cô là một phụ nữ, cô muốn nói cô là một phụ nữ, hay thân xác được mô tả là phụ nữ?

H: Còn tùy tâm trạng. Có khi tôi cảm thấy mình chỉ là một trung tâm của tánh biết.

M: Hay, một đại dương của tánh biết. Nhưng có lúc nào cô không phải nam hay nữ, không phải ngẫu nhiên được sinh ra bởi hoàn cảnh và điều kiện?

H: Vâng, có những lúc như thế, nhưng tôi dè dặt nói về điều này.

M: Chỉ một gợi ý là những gì một người có thể mong đợi. Cô không cần phải nói nhiều.

H: Tôi có thể hút thuốc trước mặt ông. Tôi biết theo tập quán thì không được phép hút thuốc trước một bậc hiền triết, và lại tối kỵ khi người hút thuốc là một phụ nữ.

M: Cứ tự nhiên, cô cứ hút, chẳng phiền ai cả. Chúng tôi hiểu.

H: Tôi cảm thấy cần trấn tĩnh lại.

M: Điều này thường xảy ra với người Âu, Mỹ. Có được sự thư giãn sau khi thực hành Sadhana, họ cảm thấy tích lũy thêm sức lực và nôn nao tìm một chỗ xả. Họ thành lập các hội đoàn, trở thành người dạy Yoga, lập gia đình, viết sách – họ làm đủ mọi chuyện ngoại trừ giữ im lặng và hướng sức lực của họ vào bên trong, tìm ra nguồn năng lượng vô tận và học cách kiểm soát nó.

H: Thú thật, bây giờ tôi muốn trở về Mỹ sống một cuộc sống thật năng động vì tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng.

M: Cô có thể làm bất cứ gì cô thích, miễn là đừng nghĩ mình là thân và tâm. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là cô từ bỏ thân xác và tất cả những gì liên quan với nó, mà là một sự hiểu biết rõ ràng rằng cô không phải thân xác – đó là ý thức xa lìa, của một thái độ bất can thiệp có tính cảm xúc.

H: Tôi hiểu điều ông muốn nói. Khoảng bốn năm về trước tôi đã trải qua một thời kỳ chối bỏ thân xác. Tôi chẳng thèm mua sắm quần áo, ăn uống đạm bạc và ngủ trên sàn nhà. Chính thái độ chấp nhận sự thiếu thốn mới quan trọng chứ không phải thực tế của sự thiếu tiện nghi. Bây giờ tôi nhận ra rằng tiếp nhận cuộc đời như nó đến, và yêu quý tất cả những gì nó dâng hiến là cách sống tốt nhất. Tôi sẽ bằng lòng với một trái tim vui vẻ bất cứ gì đến với tôi và hưởng dụng nó một cách tốt nhất. Nếu chỉ có thể sinh ra vài đứa con và cho chúng một sự giáo dục đích thực đối với tôi là quá tốt, vì cho dù rất yêu thương trẻ con, nhưng trái tim tôi không thể vươn tới từng đứa trẻ.

M: Cô chỉ có gia đình và là mẹ khi cô có ý thức về nam nữ. Khi cô không cho mình là thân xác thì cuộc sống gia đình của thân xác – dù thắm thiết và thú vị đến đâu – cũng chỉ là một vở kịch diễn ra trên màn ảnh tâm mà trong đó ánh sáng của tánh biết là duy nhất thật.

H: Tại sao ông nhấn mạnh đến tánh biết là cái duy nhất thật? Thế không phải đối tượng của tánh biết – trong lúc tồn tại – là thật?

M: Nhưng nó không lâu dài! Cái thật nhất thời thì thứ yếu, nó tùy thuộc vào cái vô thời.

H: Ông muốn nói là tiếp tục, hay thường hằng?

M: Không thể có sự tiếp tục trong tồn tại. Tiếp tục bao hàm sự đồng nhất của quá khứ, hiện tại và tương lai. Không thể có sự đồng nhất nào như thế, vì ngay chính các phương tiện để nhận diện nó cũng thất thường và thay đổi. Tiếp tục, thường hằng đều là những ảo tưởng được ký ức tạo ra, chúng chỉ là những phóng ảnh của tâm về một mô thức khi một mô thức không thể có. Buông bỏ tất cả ý tưởng về vô thường hay thường hằng, thân hay tâm, nam hay nữ, thì cái gì còn lại? Trạng thái của tâm cô như thế nào khi tất cả mọi phân biệt được xóa bỏ? Ta không nói xóa bỏ những nét đặc thù, vì nếu không có chúng thì không thể có sự thị hiện.

H: Khi không còn phân biệt, tôi an lạc trong hạnh phúc. Nhưng không hiểu vì sao tôi thường xuyên mất phương hướng, và bắt đầu tìm kiếm hạnh phúc trong thế giới ngoại quan. Tôi không hiểu được vì sao sự an lạc bên trong của tôi không bền chắc.

M: An lạc, xét cho cùng, cũng là một điều kiện của tâm.

H: Bên ngoài tâm là im lặng. Chẳng có gì để nói về nó cả.

M: Đúng, tất cả những gì nói về im lặng chỉ là tiếng ồn.

H: Tại sao chúng tôi tìm kiếm hạnh phúc trần tục, mặc dù sau khi đã trải qua hạnh phúc tự nhiên và tự sinh khởi của chính mình?

M: Khi tâm bận rộn phục vụ thân xác thì hạnh phúc biến mất. Để tìm lại hạnh phúc, tâm tìm kiếm lạc thú. Sự thôi thúc đi tìm hạnh phúc thì đúng, nhưng các phương tiện để đạt hạnh phúc thì thường lầm lẫn, không đáng tin cậy và phá hoại hạnh phúc chơn thật.

H: Có phải lạc thú luôn luôn sai lầm?

M: Trạng thái đúng của thân và tâm cũng như sử dụng đúng thân và tâm thì vô cùng thích thú. Chính sự tìm kiếm lạc thú mới sai lầm. Đừng cố tìm cách làm cho cô hạnh phúc, mà đúng hơn là tìm hiểu sự tìm kiếm hạnh phúc của cô. Cô tìm kiếm hạnh phúc vì cô không cảm thấy hạnh phúc và cô muốn được hạnh phúc. Tìm hiểu tại sao cô không hạnh phúc. Vì không hạnh phúc nên cô tìm kiếm hạnh phúc trong lạc thú, mà lạc thú thì đem lại đau khổ nên cô gọi nó là trần tục; thế là cô mong cầu một thứ lạc thú khác, không có đau khổ, và gọi đó là thiêng liêng. Trong thực tế, lạc thú chỉ là sự tạm ngưng của đau khổ. Hạnh phúc thì vừa trần tục vừa không phải trần tục, nó ở bên trong và bên ngoài tất cả những gì xảy ra. Đừng tạo ra phân biệt, đừng phân chia cái bất khả phân chia, và cũng đừng biến mình thành kẻ xa lạ với cuộc sống.

H: Bây giờ tôi hiểu ông rất rõ! Trước kia khi còn ở tịnh xá Ramanashram tôi vẫn bị lương tâm dằn vặt, luôn luôn ngồi phê phán chính mình. Bây giờ tôi hoàn toàn thanh thản, chấp nhận chính tôi như tôi là. Khi trở về Mỹ, tối sẽ tiếp nhận cuộc đời khi nó đến – như ân đức của Đạo sư Bhagavan – và hưởng dụng cả cái cay đắng lẫn cái ngọt ngào. Đây là một trong những điều tôi đã học được ở ẩn xá: Tin tưởng Bhagavan. Lúc đó tôi không như bây giờ. Tôi đã không có tín tâm.

M: Tin tưởng Bhagavan là tin tưởng chính cô. Nên biết rằng bất cứ gì xảy ra, xảy ra đối với cô, do cô, thông qua cô. Cô là người sáng tạo, người thọ dụng và người hủy diệt của tất cả những gì cô nhận thức, và cô sẽ vô úy. Một khi vô úy, cô không còn bất hạnh, và cô sẽ không đi tìm hạnh phúc.

Trong tấm gương tâm đủ mọi loại hình ảnh xuất hiện và biến mất. Biết được chúng hoàn toàn chỉ là những tạo vật của cô, lặng lẽ quan sát chúng đến và đi; tỉnh thức nhưng đừng xao xuyến. Thái độ quan sát trong tĩnh lặng này chính là nền tảng của Yoga. Cô thấy bức tranh, nhưng cô không phải là bức tranh.

H: Tôi cảm thấy ý nghĩ về cái chết làm cho tôi sợ hãi vì tôi không muốn được tái sinh. Tôi biết rằng chẳng có gì bắt buộc, nhưng áp lực của những tham ái chưa được thỏa mãn quá mãnh liệt mà tôi thì không đủ sức cưỡng lại.

M: Vấn đề cưỡng lại không được đặt ra. Cái được sinh ra và tái sinh không phải là cô. Cứ để nó xảy ra, và quan sát nó xảy ra.

H: Thế thì lo lắng để làm gì?

M: Nhưng cô lo lắng! Và cô sẽ còn lo lắng khi nào bức tranh mâu thuẫn với sự cảm nhận của riêng cô về chân lý, tình yêu và cái đẹp. Lòng ham muốn sự hòa hợp và an lạc thì không thể nào dứt bỏ được, nhưng một khi được thỏa mãn thì sự lo lắng không còn nữa và cuộc sống vật lý trở nên nhẹ nhàng, và ở dưới tầm chú ý. Lúc đó, cho dù có ở trong thân xác, cô vẫn không được sinh ra. Hữu thân hay vô thân đối với cô thì cũng thế. Cô đạt đến một điểm mà không có gì có thể xảy ra cho cô. Vì vô thân – cô không thể bị sát hại, vì vô sản – cô không bị tước đoạt, vì vô tâm – cô không thể bị lừa dối. Không có một điểm nào để tham ái hay lo sợ có thể bám víu. Khi không có sự thay đổi nào xảy ra cho cô, còn cái gì là quan trọng?

H: Nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn không thích ý nghĩ về cái chết.

M: Vì cô còn quá trẻ. Càng biết rõ về chính mình cô càng bớt sợ. Dĩ nhiên, nhìn sự đau đớn của cái chết thì không thích thú chút nào, nhưng người đang chết thì hầu như không ý thức.

H: Người đó có trở lại với ý thức?

M: Trạng thái lúc đó rất giống với lúc ngủ. Con người ra khỏi tiêu điểm của ý thức một thời gian, rồi trở lại.

H: Vẫn cùng là một con người?

M: Con người là tạo vật của hoàn cảnh thì nhất thiết phải thay đổi theo hoàn cảnh, cũng như ngọn lửa thay đổi theo nhiên liệu. Chỉ có diễn tiến không ngừng xảy ra, tạo nên thời gian và không gian.

H: Tốt, Thượng đế sẽ lo lắng cho tôi. Tôi có thể phó mặc tất cả cho ngài.

M: Ngay cả sự tin tưởng vào Thượng đế cũng chỉ là một giai đoạn trên đường đi. Tối hậu, cô từ bỏ tất cả, vì cô sẽ đến với một cái đơn giản đến nỗi không ngôn từ nào có thể diễn tả được nó.

H: Tôi chỉ mới bắt đầu. Vào lúc khởi sự tôi không có chút tín tâm, hoàn toàn không tin tưởng; tôi rất sợ để mọi chuyện tự xảy ra. Thế giới có vẻ như một nơi nguy hiểm và thù nghịch. Bây giờ, ít ra tôi có thể nói về sự tin tưởng vào Đạo sư hay Thượng đế. Hãy để tôi trưởng thành. Đừng lôi kéo tôi. Cứ để tôi đi tới theo nhịp bước của tôi.

M: Bằng mọi cách hãy tiến bước. Nhưng cô có tiến đâu. Cô đang vướng mắc với những ý nghĩ nam nữ, già trẻ, và sống chết. Tiếp tục đi tới, và vượt ra ngoài. Một điều được nhận ra là một điều đã vượt qua.

H: Này ông, đi đến đâu tôi cũng gặp người ta xem như có bổn phận tìm kiếm lỗi lầm nơi tôi và thúc giục tôi tiến tới. Tôi chán ngấy chuyện xây dựng sự nghiệp tâm linh như thế. Hiện tại của tôi có gì không đúng để tôi phải hy sinh nó cho tương lai, dù huy hoàng đến đâu? Ông nói thực tại ở ngay trong cái bây giờ. Tôi yêu quý cái bây giờ của tôi. Tôi muốn nó. Tôi không muốn lúc nào cũng ưu tư về sự tiến bộ của tôi và tương lai. Tôi không muốn chạy theo cái “thêm nữa” và cái “tốt hơn”. Cứ để cho tôi yêu cái tôi có.

M: Cô nói đúng đấy; làm đi. Chỉ cần thành thật – yêu cái cô yêu – đừng đấu tranh và cũng đừng căng thẳng.

H: Đó là điều mà tôi gọi là quy thuận Đạo sư.

M: Tại sao lại vọng ngoại? Quy thuận cái Ta của chính cô, cái mà tất cả chỉ là sự thể hiện của nó.

❁ ❁ ❁

91. Lạc thú và Hạnh phúc

Hỏi: Tôi có một người bạn còn trẻ, năm nay chừng hai mươi lăm, bị một chứng bệnh nan y về tim. Anh ta viết thư cho tôi biết có ý định tự tử, thay vì chết lần chết mòn. Tôi trả lời rằng một căn bệnh không thể chữa bằng thuốc Tây vẫn có thể trị liệu bằng một phương pháp khác. Có những năng lực Yoga tạo ra sự thay đổi tức thời trong cơ thể con người. Nhịn ăn nhiều lần cũng có hiệu nghiệm như phép lạ. Tôi khuyên anh ta chớ vội tìm cái chết, mà nên thử một vài phương cách khác.

Gần Bombay có một tôn giả Yogi đạt được những quyền năng kiểm soát các luồng sinh lực điều khiển cơ thể con người. Tôi đã gặp một số môn đồ của vị tôn giả và nhờ họ chuyển bức thư và tấm ảnh của người bạn tôi đến tôn sư của họ. Chúng tôi hiện đang chờ xem chuyện gì xảy ra.

Maharaj: Đúng, phép lạ thường xảy ra. Nhưng còn phải có ý chí muốn sống. Nếu không có ý chí sinh tồn thì phép lạ không thể xảy ra.

H: Liệu một ước muốn như thế có thể được truyền dẫn?

M: Ước muốn trên bề mặt thì có, nhưng không lâu bền. Một cách căn bản không ai buộc người khác phải sống. Ngoài ra, có những nền văn hóa công nhận và tôn trọng hành vi tự sát.

H: Thế không phải sống hết tuổi thọ tự nhiên là điều bắt buộc hay sao?

M: Tự nhiên – tự sinh khởi – dễ dàng – thì đúng. Nhưng bệnh tật và đau khổ thì không phải tự nhiên. Lòng kham nhẫn bất khả lay chuyển đối với bất cứ gì xảy ra là một đức tính cao thượng, nhưng từ chối chấp nhận cực hình và sỉ nhục vô nghĩa là tự trọng.

H: Tôi được người ta cho một quyển sách do một bậc giác ngộ viết ra. Trong đó tác giả đã mô tả những kinh nghiệm lạ lùng, và thậm chí có thể nói là kinh ngạc mà vị ấy đã trải qua. Theo tác giả con đường của một hành giả chân chính chấm dứt khi gặp được Đạo sư và trao phó tất cả thân, tâm và trái tim cho ngài. Sau khi tiếp nhận, vị Đạo sư chịu trách nhiệm từng sự kiện về sinh mệnh của người môn đồ – kể cả những sự kiện nhỏ nhặt nhất – cho đến khi hai người trở nên một. Có thể gọi đó là giác ngộ bằng sự đồng nhất hóa. Người môn đồ được tiếp quản bởi một quyền năng mà người đó không thể kiềm chế hoặc cưỡng lại được, và cảm thấy bất lực như một chiếc lá trong trận cuồng phong. Yếu tố duy nhất giữ cho người môn đồ an toàn, không bị điên hay chết là tín tâm đối với tình yêu và quyền năng của Đạo sư.

M: Mỗi Đạo sư chỉ giáo theo kinh nghiệm của riêng mình. Kinh nghiệm được định hình bởi sự tin tưởng, và sự tin tưởng được định hình bởi kinh nghiệm. Ngay cả vị Đạo sư cũng được định hình theo hình ảnh riêng của người môn đồ. Chính người môn đồ làm cho Đạo sư trở thành vĩ đại. Khi vị Đạo sư được xem như tác nhân của khả năng giải thoát – hữu hiệu cả bên trong lẫn bên ngoài – thì sự dốc lòng quy thuận mới trở nên tự nhiên và dễ dàng. Như một người khổ sở vì đau đớn hoàn toàn giao phó sinh mệnh vào tay nhà phẫu thuật, thì người môn đồ cũng hoàn toàn quy mệnh với Đạo sư như thế. Tìm kiếm sự cứu giúp khi hết sức cần thiết là điều tự nhiên. Nhưng dù có quyền năng đến đâu, vị Đạo sư vẫn không được áp đặt ý chí của mình lên người môn đồ. Ngược lại, nếu không tin tưởng Đạo sư và do dự thì người môn đồ không thể toại nguyện, vì lỗi không thuộc về Đạo sư.

H: Lúc đó chuyện gì xảy ra?

M: Khi mọi phương cách đều thất bại thì cuộc đời sẽ dạy. Nhưng những bài học của cuộc đời phải còn lâu mới đến. Tin tưởng và vâng lời sẽ giảm được rất nhiều trễ nải và rắc rối. Nhưng một sự tin tưởng như thế chỉ đến sau khi thái độ thờ ơ và bất an nhường chỗ cho sự trong sáng và an ổn. Một người thiếu tự trọng không thể tin chính mình, hoặc bất cứ ai. Vì thế ngay từ đầu vị Đạo sư bằng mọi cách cam đoan về nguồn gốc cao cả, bản chất cao thượng và vận mệnh huy hoàng của người môn đồ. Vị Đạo sư còn cho người môn đồ biết về kinh nghiệm của các bậc thánh nhân cũng như của chính vị Đạo sư, để người môn đồ tin tưởng chính mình, và những khả năng vô biên của mình. Khi sự tin tưởng sinh khởi cùng với lòng tin tưởng vào Đạo sư thì những thay đổi nhanh chóng và sâu xa trong cá tính và cuộc đời của người môn đồ sẽ xảy ra.

H: Có lẽ tôi không muốn thay đổi. Cuộc đời tôi như hiện nay thật tốt đẹp.

M: Ông nói thế vì ông chưa thấy cuộc đời ông đang sống đau khổ như thế nào. Ông như một đứa trẻ đang ngủ với cái kẹo que trong miệng. Có thể ông cảm thấy hạnh phúc trong nhất thời vì ông hoàn toàn hướng ngã, chỉ cần nhìn kỹ nét mặt của nhân loại ông có thể nhận ra tính cách chung nhất của đau khổ. Ngay cả hạnh phúc của ông cũng mong manh và ngắn ngủi, chỉ một sự khánh tận tài sản hay chứng loét bao tử cũng làm cho nó tan biến. Hạnh phúc chơn thật thì không hề giao động, vì nó không tùy thuộc vào hoàn cảnh.

H: Những gì ông nói phát xuất từ kinh nghiệm của ông? Vậy ông cũng không hạnh phúc hay sao?

M: Ta chẳng có phiền nhiễu riêng tư nào. Nhưng thế gian đầy những chúng sinh mà cuộc đời của họ bị bóp nghẹt giữa lo sợ và tham ái. Họ như bầy thú bị lùa vào lò sát sinh, nhẩy nhót, nhởn nhơ vui vẻ nhưng chỉ một giờ sau dẫy chết và bị lột da.

Ông nói ông hạnh phúc. Ông thật sự hạnh phúc hay chỉ cố tìm cách thuyết phục chính ông như thế. Hãy nhìn ông, nhưng không được sợ hãi, ông sẽ nhận ra ngay hạnh phúc của ông tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh, nên vô thường và không thật. Hạnh phúc chơn thật tuôn chảy từ bên trong.

H: Hạnh phúc của ông có lợi lạc gì cho tôi? Nó chẳng làm cho tôi hạnh phúc.

M: Ông có thể có tất cả hạnh phúc mà Ta có, và còn hơn thế nữa chỉ cần ông hỏi. Nhưng ông không hỏi, ông có vẻ như không muốn.

H: Tại sao lại thế? Tôi rất muốn được hạnh phúc.

M: Ông hoàn toàn thỏa mãn với lạc thú nên chẳng còn chỗ cho hạnh phúc. Hãy đổ cốc nước của ông và rửa sạch nó đi đã, nếu không thì nó không thể chứa được gì. Người khác chỉ có thể cho ông lạc thú, nhưng không bao giờ có thể cho ông hạnh phúc.

H: Một chuỗi dài những điều thích thú là quá đủ.

M: Chẳng bao lâu nó sẽ chấm dứt trong đau khổ, nếu không phải là tai họa. Xét cho cùng, Yoga là gì nếu không phải là đi tìm hạnh phúc vĩnh cửu bên trong?

H: Ông chỉ có thể phát biểu cho Đông phương. Ở Tây phương hoàn cảnh khác hẳn, những gì ông nói không có chỗ áp dụng.

M: Trong tham ái và lo sợ thì chẳng có Đông hay Tây. Vấn đề – đau khổ và đoạn trừ đau khổ – là chung nhất. Nguyên nhân của đau khổ là tùy thuộc, phương cách trị liệu là bất tùy thuộc. Yoga là khoa học và nghệ thuật giải thoát chính mình thông qua sự hiểu biết chính mình.

H: Tôi không nghĩ mình thích hợp với Yoga.

M: Thế ông thích hợp với cái gì? Tất cả những hành động đi, đến, tìm cầu hạnh phúc, yêu, ghét cho thấy rằng ông tìm cách chống lại những hạn chế áp đặt lên chính ông hoặc được ông chấp nhận. Vì vô minh ông phạm sai lầm, gây đau khổ cho chính ông và người khác, nhưng sự thôi thúc vẫn còn đó và không thể bị phủ nhận. Sự thôi thúc tìm kiếm sinh, tử và hạnh phúc cũng là sự thôi thúc tìm kiếm sự hiểu biết và giải thoát. Nó cũng giống như một tia lửa trong toa tầu chở đầy bông gòn. Có thể ông không biết điều đó nhưng không sớm thì muộn cả toa tầu sẽ bốc cháy. Giải thoát là một tiến trình tự nhiên và về lâu về dài là tất yếu. Nhưng với khả năng của ông, ông có thể đem nó vào ngay cái bây giờ.

H: Thế thì tại sao thế gian này chẳng có mấy ai giác ngộ?

M: Trong cả một khu rừng chỉ có một vài cây ra hoa vào một thời điểm nào đó, nhưng mỗi cây sẽ lần lượt ra hoa.

Không sớm thì muộn nguồn lực vật lý và tâm lý của ông sẽ đi đến chỗ cạn kiệt. Lúc đó ông làm gì? Tuyệt vọng ư? Được, tuyệt vọng. Rồi ông sẽ chán với tuyệt vọng và bắt đầu đặt câu hỏi. Lúc đó ông sẽ thích hợp với Yoga ý thức.

H: Tôi nhận thấy tất cả sự tìm kiếm và tư duy này không hợp tự nhiên chút nào.

M: Trường hợp của ông mới là tính cách tự nhiên của một sự què quặt bẩm sinh. Có thể ông không biết, nhưng ông không biết không làm cho ông bình thường. Thế nào là tự nhiên hay bình thường thì ông không biết, mà ông cũng không biết rằng ông không biết.

Ông hiện nay đang lang thang và do đó nguy hiểm, vì đối với một kẻ lang thang thì chuyện gì cũng có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Tốt hơn là hãy tỉnh thức và thấy được tình cảnh của ông. Ông – thì ông biết. Ông là cái gì – thì ông không biết. Hãy tìm ra ông là cái gì?

H: Tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế gian này?

M: Lòng vị kỷ là nguyên nhân của đau khổ. Không còn nguyên nhân nào khác.

H: Theo chỗ tôi hiểu đau khổ có sẵn trong sự hữu hạn.

M: Sự khác nhau và tính cách riêng biệt không phải là nguyên nhân của đau khổ. Hợp nhất trong sự đa dạng là tự nhiên và tốt lành. Chỉ vì phân biệt và tự tư tự lợi nên đau khổ thực sự mới xuất hiện trên thế gian này.

❁ ❁ ❁

92. Vượt ra ngoài ý tưởng Ta là thân xác

Hỏi: Chúng tôi như bầy thú đuổi theo những mưu cầu một cách vô vọng, và hình như không có sự chấm dứt. Liệu có lối thoát nào không?

Maharaj: Có rất nhiều cách chỉ cho ông nhưng đều vòng vo và đưa ông về lại điểm khởi đầu. Trước tiên hãy nhận ra rằng mọi phiền não của ông chỉ có trong trạng thái thức, và dù có đau khổ đến đâu thì ông cũng quên tất cả trong khi ngủ. Trong khi thức ông có ý thức, nhưng lúc ngủ ông chỉ sống. Ý thức và sự sống – ông có thể gọi cả hai là Thượng đế; nhưng ông ở ngoài cả hai, ở ngoài Thượng đế, ở ngoài hiện hữu và phi hiện hữu. Cái ngăn che không cho ông biết ông là tất cả và ở ngoài tất cả là tâm – được dựng lập trên ký ức. Khi nào còn tin tưởng vào tâm thì ông còn bị tâm khống chế; ông không cần phải đấu tranh với nó mà chỉ đừng để ý đến nó. Bị mất đi sự chú ý, tâm sẽ chảy chậm lại và để lộ cơ cấu hoạt động của nó. Một khi biết được bản chất và mục đích của tâm, ông không còn để nó tạo ra những vấn đề tưởng tượng.

H: Chắc chắn không phải tất cả vấn đề đều là tưởng tượng. Có những vấn đề là thật.

M: Nếu tâm không tạo ra thì làm gì có vấn đề? Sống và chết không tạo ra vấn đề; đau khổ và lạc thú đến rồi đi, được trải qua và trôi vào quên lãng. Chính vì ký ức và dự tính – được tô mầu bởi ưa thích hay không ưa thích – nên mới khởi sinh ý muốn đạt được hay tránh né, đó mới là vấn đề. Chân lý và tình yêu là bản tánh chơn thật của con người, còn tâm trí và trái tim là những phương tiện mà con người thể hiện.

H: Làm thế nào điều ngự được tâm? Và trái tim, nó không biết cái nó muốn?

M: Tâm và trái tim không thể hoạt động trong sự tăm tối. Chúng cần ánh sáng của tánh biết thuần túy để hoạt động một cách đúng đắn. Tất cả mọi nỗ lực nhằm kiểm soát tâm và trái tim chỉ làm cho cả hai khuất phục trước sự sai sử của ký ức. Ký ức là tô tớ tốt nhưng lại là chủ nhân xấu. Nó ngăn trở một cách hữu hiệu mọi sự khám phá. Trong thực tại không có chỗ cho cố gắng, nỗ lực. Chính sự ích kỷ – do tự đồng hóa mình với thân xác – mới là vấn đề chính, và là nguyên nhân của tất cả mọi vấn đề. Ích kỷ không thể được loại trừ bằng nỗ lực, mà chỉ bằng thấy biết rõ ràng mọi nguyên nhân và hậu quả của nó. Nỗ lực chỉ là một dấu hiệu của xung đột giữa những ham muốn bất tương hợp. Những ham muốn đó phải được thấy biết như thị – lúc đó chúng mới tan biến.

H: Thế cái gì còn lại?

M: Cái bất biến còn lại. Sự an lạc vô biên, sự im lặng sâu thẳm, cái đẹp tàng ẩn của thực tại còn lại. Nó không thể được bày tỏ bằng ngôn từ, nhưng luôn luôn chờ đợi ông chứng nghiệm.

H: Vậy không phải một người phải thích hợp và đủ tư cách mới có thể giác ngộ hay sao? Bản chất của chúng ta là thú vật. Nếu không khuất phục được nó, làm sao chúng ta có thể hy vọng thực tại ló rạng?

M: Cứ mặc kệ con thú. Đừng động đến nó. Chỉ cần nhớ cái mà ông là. Vận dụng từng sự kiện xảy ra trong ngày để nhắc nhở chính ông rằng nếu không có ông là nhân chứng thì không thể có thú vật hay Thượng đế. Phải hiểu được rằng ông là cả hai – tánh thể và bản chất của tất cả những gì hiện hữu – và kiên định với sự hiểu biết của ông.

H: Chỉ hiểu thôi là đủ? Tôi không cần bằng chứng hiển nhiên nào khác sao?

M: Chính cái hiểu của ông quyết định giá trị của bằng chứng. Nhưng ông còn cần bằng chứng nào hiển nhiên hơn sự hiện hữu của chính ông? Đi đến bất cứ đâu ông đều tìm thấy chính ông. Dù có vươn đến bao xa trong thời gian, ông vẫn luôn có đó.

H: Rõ ràng là tôi không thể bao trùm tất cả và vĩnh cửu. Tôi chỉ ở đây và bây giờ.

M: Thế là đủ tốt rồi. Cái “ở đây” thì ở bất cứ đâu, và cái “bây giờ” thì lúc nào cũng thế. Vượt ra ngoài ý tưởng “Ta là thân xác” ông sẽ nhận ra không gian và thời gian ở trong ông, mà không phải ông ở trong không gian và thời gian. Một khi đã hiểu được điều này thì trở ngại chính đối với sự giác ngộ đã được tháo gỡ.

H: Giác ngộ ở ngoài sự hiểu biết nghĩa là thế nào?

M: Thử tưởng tượng một khu rừng đầy cọp dữ và ông ở trong một cũi sắt rất kiên cố. Biết mình được cái cũi bảo vệ, ông nhìn bầy cọp mà không hề sợ hãi. Tiếp đến ông thấy bầy cọp ở trong cũi còn ông nhởn nhơ đi lại trong rừng. Cuối cùng cái cũi biến mất và ông cưỡi cọp!

H: Mới đây tôi có tham dự một khóa thiền tập thể được tổ chức ở Bombay, và chứng kiến những cảnh cuồng loạn và sự từ bỏ chính mình của những người tham dự. Tại sao người ta có thể theo đuổi những chuyện như thế?

M: Tất cả chỉ là những sáng tác của một cái tâm vọng động chiều theo sở thích của những người đi tìm cảm giác lạ. Có một số xảo thuật kích thích những ký ức và ước muốn bị ức chế tuôn ra từ vô thức, và trong chừng mực nào đó thì chúng giảm bớt căng thẳng. Nhưng tối hậu thì những xảo thuật như thế chẳng đưa người hành giả đi xa hơn, mà còn tệ hại nữa.

H: Mới đây tôi có đọc một cuốn sách của một hành giả Yogi thuật lại những kinh nghiệm của mình trong thiền định. Cảnh giới vị đó trải qua đầy những hình ảnh và âm thanh, mầu sắc và âm điệu du dương như một cuộc trình diễn ngoạn mục và giải trí vô cùng đặc sắc! Cuối cùng tất cả mờ nhạt dần và chỉ còn lại cảm giác hoàn toàn vô úy. Một người đã trải qua những kinh nghiệm như thế mà không sao cả thì hiển nhiên không còn biết sợ là gì! Nhưng tôi tự hỏi một cuốn sách như thế ích lợi gì cho tôi?

M: Có lẽ là chẳng ích lợi gì, vì nó không hấp dẫn đối với ông. Người khác có thể thán phục. Người ta khác nhau là thường. Nhưng tất cả đều phải đối diện với thực tế tồn tại của chính mình. “Ta hiện hữu” là thực tế tối hậu. “Ta là ai?” là câu hỏi tối hậu mà mỗi người phải tìm ra câu trả lời.

H: Cùng một câu trả lời giống nhau?

M: Giống nhau về tánh thể, nhưng khác biệt trong hình thức thể hiện.

Mỗi hành giả chấp nhận, hoặc sáng chế ra một phương pháp thích hợp với mình, áp dụng cho chính mình với lòng thành khẩn và cố gắng nào đó. Sau khi đạt được một số kết quả tùy theo tính khí và sự mong đợi của mình, người đó đổ chúng vào khuôn sáo của ngôn từ, lập ra một pháp môn, một truyền thống, rồi bắt đầu thu nhận môn đồ và trường phái Yoga của mình. Tất cả đều được xây dựng trên ký ức và tưởng tượng. Chẳng có trường phái nào như thế là giá trị và thiết yếu; trong mỗi trường phái người ta có thể tiến bộ đến một điểm mà tại đó tất cả ước muốn tiến bộ phải được buông bỏ để cho tiến bộ khác xảy ra. Rồi tất cả các trường phái phải được từ bỏ, và mọi cố gắng chấm dứt. Trong sự cô tịch và bóng tối, bước cuối cùng được thực hiện: Vĩnh viễn chấm dứt vô minh và sợ hãi.

Tuy nhiên, một Đạo sư chân chính không bao giờ kềm kẹp môn đồ của mình trong một hệ thống cưỡng chế các ý tưởng, cảm giác và hành động; trái lại, vị Đạo sư kiên nhẫn chỉ cho người môn đồ thấy được sự cần thiết phải thoát ra khỏi tất cả mọi ý tưởng và khuôn sáo về cách hành sử, phải tỉnh thức và thành khẩn, cùng đi với cuộc sống đến bất cứ đâu – không phải để hưởng thụ hay chịu đau khổ, mà để hiểu và biết.

Dưới sự hướng dẫn của một chân sư, người môn đồ học cách biết, chứ không phải cách nhớ và vâng lời. Satsang – sự thân cận thánh nhân – không đúc khuôn, mà giải thoát. Biết rõ tất cả những gì khiến ông trở thành tùy thuộc. Hầu hết những người được gọi là “giao phó thân mệnh cho Đạo sư” cuối cùng đều ôm lấy thất vọng, nếu không phải là thảm kịch. Nếu may mắn, một người có thể tháo gỡ chính mình kịp lúc, và từ kinh nghiệm đó trở nên khôn ngoan hơn.

H: Chắc chắn là sự giao phó chính mình cho Đạo sư phải có giá trị của nó.

M: Giao phó chính mình là giao phó tất cả những lo lắng về chính mình. Đó là điều không thể được; ông sẽ không còn lo lắng về chính mình khi ông giác ngộ bản tánh chơn thật của chính mình. Giao phó chính mình chỉ bằng lời nói – dù có cả cảm xúc – thì chẳng có bao nhiêu giá trị và sẽ gãy đổ dưới những căng thẳng. Nếu tốt nhất nó chỉ chứng tỏ một nguyện vọng, chứ không phải là một thực tế.

H: Trong kinh Rigveda có đề cập đến Adhi Yoga, tức Yoga nguyên thủy, bao gồm sự kết hợp giữa PragnaPrana, mà theo chỗ tôi hiểu là sự liên kết trí tuệ với cuộc sống. Theo ông nó còn có nghĩa là sự hợp nhất của DharmaKarma, tức là lẽ phải và hành động hay không?

M: Đúng, nhưng theo nghĩa: Lẽ phải là sự hòa hợp với bản tánh chơn thật của mình, và hành động là hành động vô vị kỷ và vô tham ái.

Trong Adhi Yoga tự thân cuộc sống là Đạo sư, còn tâm là môn đồ. Tâm chăm lo cho cuộc sống chứ không định đoạt cuộc sống. Cuộc sống trôi chảy một cách tự nhiên và êm ả, còn tâm dời đi những chướng ngại trên dòng chảy êm đềm của cuộc sống.

H: Thế không phải cuộc sống, theo bản chất của nó, là lập lại? Không phải trôi theo cuộc sống là đi đến tình trạng tù hãm?

M: Tự thân cuộc sống thì vô cùng sáng tạo. Một hạt giống, theo giòng thời gian trở thành cả một khu rừng. Tâm như người giữ rừng – bảo vệ và điều hòa nguồn sinh lực mãnh liệt của sự tồn tại.

H: Được xem như sự phục vụ của tâm đối với cuộc sống, Adhi Yoga là một nền dân chủ hoàn hảo. Mỗi người sống một cuộc sống theo khả năng và sự hiểu biết tốt nhất của mình, mọi người đều là môn đồ của cùng một Đạo sư.

M: Ông có thể cho là như thế. Tiềm năng thì có thể là như thế. Nhưng nếu không yêu quý và tin tưởng cuộc sống, cùng với lòng thành khẩn và nhiệt tình, thì nói về Yoga chỉ là hoang tưởng, vì Yoga là một chuyển động trong ý thức, là sự tỉnh thức trong hành động.

H: Có lần tôi quan sát một giòng suối chảy giữa những tảng đá. Tùy theo hình dáng và kích thước của mỗi tảng đá mà sự náo động của nước khác nhau. Thế không phải mỗi con người chỉ là một sự náo động trong một thân xác, còn sự sống chỉ có một và vĩnh cửu?

M: Sự náo động và nước không tách rời nhau. Chính nhờ sự náo động nên ông biết có nước. Ý thức luôn luôn chuyển động, và thay đổi. Không thể nào có cái như là ý thức bất biến. Tính bất biến xóa sạch ý thức ngay lập tức. Nếu mất đi cảm giác ở ngoài thân hay trong thân thì một người trở nên vô ký, hoặc vượt ra ngoài cả ý thức lẫn vô thức và nhập vào trạng thái bất sinh bất diệt. Chỉ khi nào tinh thần và vật chất giao tiếp thì ý thức mới sinh khởi.

H: Tinh thần và vật chất là một, hay hai?

M: Điều đó còn tùy thuộc ngôn từ ông sử dụng: Chúng là một, là hai, hoặc là ba. Khi được hiểu rõ thì ba trở thành hai, và hai trở thành một. Tương tự như: Mặt – gương – và ảnh. Một sự kết hợp nào của bất cứ hai cái đều bao hàm cái thứ ba – là cái hợp nhất của cả hai. Trong Sadhana ông thấy ba là hai, cho đến khi hai chỉ là một.

Bao giờ còn bị thế giới thu hút thì ông không thể biết chính ông. Muốn biết chính ông, ông phải quay đi với thế giới và hướng sự chú ý của ông vào bên trong.

H: Tôi không thể hủy diệt thế giới.

M: Không cần thiết phải hủy diệt thế giới. Chỉ cần hiểu rằng cái ông thấy không phải cái đang là. Hiện tướng sẽ biến mất ngay khi được hiểu rõ và thực tại ở bên dưới sẽ nổi lên trên bề mặt. Ông không cần phải đốt nhà để đi ra. Ông chỉ cần đi ra. Chỉ khi nào ông không thể tự do ra vào ngôi nhà thì nó mới trở thành nhà tù. Ta ra vào ý thức dễ dàng và tự nhiên do đó thế giới là nhà của Ta, chứ không phải nhà tù.

H: Nhưng tối hậu, có thế giới hay không có thế giới?

M: Cái ông thấy không gì khác hơn là cái Ta của ông. Gọi nó là bất cứ gì mà ông thích, điều đó không thay đổi được thực tế. Qua cuốn phim của định mệnh, ánh sáng của chính ông phóng chiếu định mệnh lên màn ảnh. Ông là người xem phim, là ánh sáng, là hình ảnh và màn ảnh. Ngay cả cuốn phim của định mệnh – Prarabdha – cũng là tự chọn và tự áp đặt. Người có nghị lực là kẻ có dũng khí thích vượt qua các chướng ngại. Công việc càng khó khăn thì sự giác ngộ chính mình càng sâu và rộng.

❁ ❁ ❁

93. Người làm không phải là con người

Hỏi: Ngay từ khi rất sớm trong đời, tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cảm giác không mãn nguyện. Từ trung học lên đến đại học, đi làm, hôn nhân, rồi giầu có, tôi luôn luôn tưởng rằng cái gì kế tiếp chắc chắn sẽ đem đến cho tôi an lạc, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy an lạc. Cái cảm giác không được thỏa mãn này cứ gia tăng cùng với năm tháng trôi qua.

Maharaj: Bao giờ còn có thân xác, và ý thức đồng hóa chính mình với thân xác thì thất vọng là điều tất nhiên. Chỉ khi nào biết chính mình hoàn toàn xa lạ với thân xác, và khác biệt với thân xác thì ông mới tạm thoát ra khỏi cái phức cảm sợ hãi và tham ái đi cùng với ý tưởng “Ta là thân xác”. Chỉ đơn thuần trấn an những lo sợ và thỏa mãn các tham ái thì không thể loại bỏ được cái cảm giác rỗng tuếch mà ông đang tìm cách trốn thoát; chỉ có sự biết chính mình mới có thể giúp được ông. Biết chính mình có nghĩa là hoàn toàn biết rõ những gì không phải là ông. Một sự hiểu biết như thế thì có thể đạt được, và là chung cuộc; nhưng tìm cách khám phá cái ông thì không có sự chung cuộc. Càng khám phá, càng có thêm nhiều cái để khám phá.

H: Vì thế, chúng ta khác cha mẹ, khác trường học, và sống trong những xã hội khác nhau.

M: Ông không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng ông có thể thay đổi thái độ của ông. Ông không cần phải ràng buộc với những cái tầm thường. Chỉ cái cần thiết mới đáng kể. Chỉ trong cái thiết yếu mới có an lạc.

H: Tôi đi tìm chân lý, chứ không phải an lạc.

M: Ông không thể thấy chân lý nếu ông không an lạc. Một cái tâm tĩnh lặng là thiết yếu cho sự nhận thức đúng, mà nhận thức đúng lại cần thiết cho sự giác ngộ chính mình.

H: Tôi có rất nhiều việc phải làm. Tôi không thể giữ tâm tĩnh lặng.

M: Chính vì ảo tưởng nên ông cho rằng ông là người làm. Trong thực tế mọi việc được làm đối với ông, chứ không phải do ông.

H: Nếu cứ để mọi chuyện tự xảy ra, làm sao tôi biết chắc là chúng sẽ xảy ra theo cách tôi muốn? Chắc chắn là tôi muốn chúng xảy ra theo ý muốn của tôi.

M: Ước muốn của ông cũng chỉ xảy ra đối với ông cùng với sự thỏa mãn, hay không thỏa mãn. Ông không thể thay đổi được cả hai. Ông có thể tin rằng ông đã bỏ ra công sức, phấn đấu và tranh giành. Một lẫn nữa, tất cả đều tự xảy ra, kể cả thành quả của việc làm. Chẳng cái gì là bởi ông và cho ông. Tất cả đều ở trong hình ảnh được chiếu lên màn ảnh, trong ánh sáng thì không có gì, kể cả cái mà ông cho chính ông là: Con người. Ông chỉ là ánh sáng.

H: Nếu chính tôi là ánh sáng, làm sao tôi đã quên mất mình là ánh sáng?

M: Ông không quên. Ông chỉ quên khi ông ở trong hình ảnh trên màn ảnh, nhưng rồi ông lại nhớ. Ông không thể chấm dứt là người chỉ vì ông chiêm bao thấy mình là cọp. Tương tự như thế, ông là ánh sáng thuần túy xuất hiện như một hình ảnh trên màn ảnh, và đồng thời trở thành một với màn ảnh.

H: Nếu mọi chuyện tự xảy ra thì lo lắng để làm gì?

M: Đúng thế. Tự do là tự do thoát khỏi mọi lo lắng. Khi đã nhận ra rằng ông không thể thay đổi được kết quả thì đừng chú ý đến tham ái và lo sợ. Cứ để chúng đến và đi. Đừng nuôi dưỡng chúng bằng sự quan tâm và chú ý.

H: Nếu không chú ý đến những gì xảy ra, thế thì tôi sống như thế nào?

M: Một lần nữa câu hỏi của ông cũng giống như: “Nếu không còn chiêm bao thì tôi sẽ làm gì?” Chỉ cần dừng lại và quan sát. Ông chẳng cần phải lo: “Chuyện gì xảy ra kế tiếp?” Cái kế tiếp luôn luôn có sẵn. Cuộc sống không bắt đầu, cũng chẳng chấm dứt mà bất di bất dịch. Cuộc sống chuyển động – trong nhất thời – nhưng vĩnh cửu. Dù phóng chiếu ra vô số hình ảnh nhưng ánh sáng không thể cạn kiệt. Tương tự như thế, sự sống đổ đầy mọi hình tướng, và trở về với nguồn gốc của nó khi hình tướng hư hoại.

H: Nếu sự sống kỳ diệu như thế, làm sao vô minh sinh khởi?

M: Ông muốn chữa bệnh mà không cần biết bệnh nhân! Trước khi đặt câu hỏi về vô minh, tại sao trước tiên ông không tìm hiểu ai là kẻ vô minh? Khi ông nói ông vô minh, ông không biết rằng ông vừa áp đặt khái niệm vô minh lên trạng thái tư duy và cảm thọ thực sự của ông. Quan sát ý nghĩ và cảm thọ của ông như chúng xảy ra, dành hết sự chú ý của ông cho chúng thì ông sẽ nhận ra rằng không hề có cái như vô minh, mà chỉ có sự không chú ý. Hãy chú ý đến những gì làm cho ông lo lắng, chỉ thế thôi. Xét cho cùng, lo lắng chỉ là sự đau đớn tâm lý và rõ ràng là đau đớn kêu gọi sự chú ý. Ngay khi ông chú ý, tiếng kêu cứu ngưng bặt và câu hỏi về vô minh biến mất. Thay vì chờ câu trả lời, hãy tìm ra ai là người đặt câu hỏi, và cái gì khiến người đó hỏi như thế. Ông sẽ sớm nhận ra rằng chính tâm – bị dằn vặt bởi sợ hãi và đau đớn – là người đặt câu hỏi. Và, trong sợ hãi có ký ức và mong đợi, quá khứ và tương lai. Chú ý đem ông trở về với hiện tại – cái bây giờ. Hiện diện trong cái bây giờ là một trạng thái rất cận kề, nhưng hầu như không được biết đến.

H: Ông giản lược Sadhana xuống mức chỉ còn là sự đơn thuần chú ý. Vì sao các Đạo sư khác thuyết giảng những pháp môn phức tạp, khó khăn và đòi hỏi thời gian?

M: Thường thì các Đạo sư thuyết giảng những pháp môn mà nhờ đó họ đã đạt đến cứu cánh, dù cứu cánh đó là gì. Vì là pháp môn của họ nên đương nhiên họ thân thuộc. Ta được Tôn sư chỉ dạy dành hết chú ý và ý thức “Ta hiện hữu”, và nhận thấy đó là phương cách hữu hiệu tối thượng, do đó Ta có thể nói về nó với tất cả sự tin tưởng. Nhưng thường thì những người đến xin được giúp đỡ đều mang theo thân xác, bộ óc, và tâm trí hư hoại, bị sử dụng sai lầm và nhu nhược đến nỗi một sự chú ý vô hình tướng như thế hoàn toàn ở ngoài khả năng của họ. Đối với họ, những hình thức đơn giản của lòng thành khẩn thích hợp hơn. Trì chú hay chăm chú nhìn một hình ảnh nào đó là một hình thức chuẩn bị thân, tâm cho sự tìm kiếm sâu xa hơn và trực tiếp. Xét cho cùng, lòng thành khẩn là yếu tố quyết định và không thể thiếu được. Sadhana chỉ là một con thuyền, và nó phải được chứa đầy lòng thành khẩn, mà lòng thành khẩn chính là tình yêu trong hành động. Vì không gì có thể được thực hiện nếu không có tình yêu.

H: Chúng ta chỉ yêu quý chính mình.

M: Nếu đúng như thế thì tốt quá! Hãy yêu quý chính ông một cách khôn ngoan, và ông sẽ đạt đến tột đỉnh của sự toàn hảo. Ai cũng yêu quý thân xác, nhưng chẳng có mấy người yêu quý sự hiện hữu chơn thật của chính mình.

H: Sự hiện hữu chơn thật của tôi cần đến tình yêu của tôi?

M: Sự hiện hữu chơn thật của ông chính là tình yêu, và vô số tình yêu của ông là ảnh phản chiếu của nó, tùy theo tình huống vào mỗi lúc.

H: Chúng ta thật ích kỷ, và chỉ biết yêu quý mình.

M: Vừa đủ để bắt đầu. Bằng mọi cách hãy mong ước chính ông tốt lành. Suy nghĩ kỹ, cảm nhận sâu sắc xem cái gì là tốt lành cho ông và thành khẩn phấn đấu để được nó. Ông sẽ sớm nhật ra rằng cái thật là cái tốt lành duy nhất mà ông có.

H: Nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao nhiều Đạo sư cứ bày vẽ ra những phương pháp tu tập thật phức tạp và khó khăn. Họ không biết cách nào khác hay hơn sao?

M: Điều quan trọng không phải là làm, mà là thôi – không làm nữa. Những người mới tu tập đều nôn nóng và bất an, họ cần phải được đặt trong tình trạng thường xuyên bận rộn để giữ mình đi đúng đường. Một sinh hoạt lập đi lập lại nhằm thu hút sự tập trung của họ là cần thiết. Sau một thời gian, họ trở nên an định và không còn cần đến cố gắng. Trong sự an định và im lặng, lớp da của cái “Ta” biến mất, bên trong và bên ngoài trở nên một. Sự tu tập đích thực thì không cần dụng công.

H: Một đôi khi tôi có cảm tưởng không gian ở trong thân tôi.

M: Khi bị ràng buộc với ảo tưởng “Ta là thân xác này” ông chỉ là một điểm trong không gian và một khoảnh khắc trong thời gian. Khi sự đồng hóa chính mình với thân xác không còn nữa, toàn thể không gian và thời gian đều ở trong tâm ông, mà tâm chỉ là một gợn sóng trong ý thức, và ý thức là sự phản chiếu của tánh biết trong tự nhiên. Tánh biết và vật là những phương diện năng động và thụ động của hiện hữu thuần túy – là cái ở trong cả hai và ở ngoài cả hai. Không gian và thời gian là thân xác, còn tâm là sự tồn tại mang tính vũ trụ. Cảm nhận của Ta là tất cả những gì xảy ra trong không gian và thời gian – xảy ra đối với Ta; mọi kinh nghiệm là kinh nghiệm của Ta, và mọi hình tướng là hình tướng của Ta. Cái mà Ta cho là Ta – trở thành thân Ta, và, tất cả những gì xảy ra đối với thân đó – trở thành tâm Ta. Nhưng ở cội nguồn của vũ trụ chỉ là tánh biết thuần túy, siêu vượt không gian và thời gian, nó ở đây và bây giờ. Phải biết được đó là hiện hữu chơn thật của ông và hành động một cách tương xứng.

H: Có cho tôi gì thì điều đó tạo ra sự khác biệt nào trong hành động? Hành động chỉ xảy ra tùy theo hoàn cảnh.

M: Hoàn cảnh và điều kiện chỉ khống chế được những kẻ vô minh. Người biết thực tại không hề bị ảnh hưởng. Quy luật duy nhất người đó tuân theo là quy luật của tình yêu.

❁ ❁ ❁

94. Ông ở ngoài không gian và thời gian

Hỏi: Ông luôn luôn nói rằng tôi chưa bao giờ được sinh ra và tôi sẽ không bao giờ chết. Nếu quả thật như thế thì tại sao tôi thấy thế giới như một cái gì đó đã được sinh ra và chắc chắn sẽ chết đi?

Maharaj: Ông tin như thế vì chưa bao giờ ông đặt câu hỏi về sự tin tưởng của ông là một thân xác, thân xác đó được sinh ra và hiển nhiên phải chết đi. Khi còn sống thân xác đó thu hút sự chú ý của ông, và ông hoàn toàn bị nó mê hoặc nên không thể nhận ra bản tánh chơn thật của ông. Cũng giống như ông chỉ thấy bề mặt của đại dương mà hoàn toàn quên mất sự bao la ở bên dưới. Thế giới chỉ là bề mặt của tâm, còn tâm thì vô biên. Những gì mà chúng ta gọi là ý nghĩ chỉ là những gợn sóng trong tâm. Khi tĩnh lặng, tâm phản chiếu thực tại. Khi tâm hoàn toàn tịnh, nó tan biến và chỉ còn thực tại. Thực tại còn cụ thể, hiện thực và hiển nhiên hơn cả tâm và vật gấp bội lần; nếu so sánh với thực tại thì ngay cả kim cương cũng mềm như bơ. Tính cách hiện thực mãnh liệt này làm cho thế giới trở thành mộng huyễn, mơ hồ, và vô can.

H: Thế giới này đầy những đau khổ, làm sao ông có thể cho là vô can. Thật là chai đá!

M: Chính ông mới chai đá, chứ không phải Ta. Nếu thế giới của ông đầy đau khổ như thế thì hãy làm một điều gì đó đi, đừng chất thêm đau khổ lên nó bằng lòng tham và sự lười biếng. Thế giới mộng huyễn của ông không thể ràng buộc Ta. Trong thế giới của Ta những hạt giống đau khổ, tham ái và sợ hãi không được gieo nên đau khổ không mọc. Thế giới của Ta không còn những cái đối nghịch, không còn những khác biệt hủy diệt lẫn nhau, mà chỉ có sự hài hòa bao trùm lên tất cả. Sự an lạc trong thế giới của Ta kiên cố như đá. Sự an lạc và im lặng đó chính là thân của Ta.

H: Những gì ông nói làm tôi liên tưởng đến pháp thân – Dharmakaya – của Đức Phật.

M: Có thể là như thế. Chúng ta không cần sao chép ngôn từ. Hãy quan sát con người mà ông tưởng tượng là ông – như một phần của thế giới ông nhận thức trong tâm và ông quan sát tâm từ bên ngoài, vì ông không phải là tâm. Xét cho cùng, vấn đề duy nhất của ông là ông sẵn sàng đồng hóa chính ông với bất cứ gì ông nhận thức. Hãy từ bỏ thói quen này, và nhớ rằng ông không phải những gì ông nhận thức; hãy sử dụng khả năng xa lìa trong sự tỉnh thức của ông. Thấy chính ông trong tất cả chúng sinh và thái độ của ông sẽ thể hiện cái nhìn của ông. Khi nhận ra rằng không gì trong thế giới này ông có thể cho là của riêng ông thì ông có thể nhìn nó từ bên ngoài như thể đang xem một vở kịch trình diễn trên sân khấu, hay một hình ảnh trên màn ảnh. Ông có thể khen ngợi và thích thú nhưng hoàn toàn thản nhiên. Bao giờ ông còn tưởng tượng mình là một cái gì đó hữu hình và rắn đặc, một vật trong số các sự vật, thực sự tồn tại trong không gian và thời gian, ngắn ngủi và có nhiều nhược điểm thì tự nhiên ông lo lắng để sinh tồn và tăng trưởng. Nhưng khi ông biết chính ông ở ngoài không gian và thời gian, ông chỉ giao tiếp với không gian và thời gian tại điểm ở đây và bây giờ, ngoài ra ông bao trùm tất cả và dung chứa tất cả, bất khả tiếp cận, bất di bất dịch và bất khả hư hoại – thì ông không còn lo sợ. Biết chính ông như ông phương cách đối trị sợ hãi duy nhất, không còn phương cách nào khác.

Ông phải học cách tư duy và cảm thọ như thế, bằng không ông chỉ mãi mãi ở trên bình diện con người với những tham ái và lo sợ, được và mất, tăng trưởng và thoái hóa. Một vấn đề của con người không thể được giải quyết trên cùng bình diện của chính nó. Chính ước muốn sinh tồn là sứ giả của thần chết, cũng như lòng mong cầu hạnh phúc chỉ là bóng dáng của đau khổ. Thế giới là một đại dương bao la của đau khổ và sợ hãi, của lo âu và tuyệt vọng. Lạc thú cũng như cá, chẳng có bao nhiêu nhưng rất nhanh, chúng họa hoằn mới đến nhưng bỏ đi rất nhanh. Chỉ người không có trí tuệ mới tin tưởng – bất kể bằng chứng – rằng mình là một ngoại lệ, và thế giới này mắc mình món nợ hạnh phúc. Thế giới không thể cho cái mà nó không có. Hư giả tận cốt tủy, thế giới không thể nào đem lại hạnh phúc chơn thật. Thế giới không thể là gì khác hơn được. Chúng ta tìm kiếm cái chơn thật vì chúng ta không cảm thấy hạnh phúc với cái hư giả. Hạnh phúc là bản tánh chơn thật của chúng ta, và chúng ta không bao giờ ngưng nghỉ cho đến khi nào tìm được nó. Nhưng hầu như chúng ta không biết tìm nó ở đâu. Một khi nhận ra rằng thế giới chỉ là một hình ảnh sai lầm về thực tại, và hoàn toàn không phải như cái vẻ bề ngoài của nó thì ông không còn bị nó ám ảnh. Chỉ cái gì tương hợp với sự hiện hữu chơn thật của ông mới làm cho ông hạnh phúc, và thế giới – như ông nhận thức – là sự khước từ dứt khoát của hiện hữu chơn thật.

Giữ im lặng và quan sát những gì nổi lên trên bề mặt của tâm. Quăng bỏ cái đã biết, tiếp đón cái gì cho đến nay chưa biết, và rồi quăng bỏ nó khi đến lượt. Như thế ông sẽ đạt đến một trạng thái trong đó không có cái bị biết, mà chỉ hiện hữu, trong đó chính hiện hữu là biết. Biết bằng hiện hữu là biết trực tiếp, căn cứ trên sự đồng nhất giữa người thấy và cái bị thấy. Biết gián tiếp là cái biết dựa trên cảm giác và ký ức, trên sự giao tiếp giữa người nhận thức và đối tượng của tri thức, giới hạn trong sự tương phản giữa người nhận thức và đối tượng tri thức. Hạnh phúc cũng như thế. Thường thì ông phải buồn để biết vui, và vui để biết buồn. Hạnh phúc chơn thật thì phi nhân duyên, và do đó không thể mất đi khi vắng thiếu tác nhân. Chơn hạnh phúc không phải là đối nghịch của phiền não, nó dung nhiếp tất cả phiền não và đau khổ.

H: Làm sao một người có thể hạnh phúc giữa vô số những đau khổ như thế?

M: Không thể nào khác hơn được; hạnh phúc bên trong thì vô cùng thật. Như mặt trời giữa không gian không bao giờ vắng bóng, dù cho những thể hiện có bị mây che lấp.

H: Khi gặp bất an, chúng ta thường cảm thấy khổ sở.

M: Sợ hãi là bất an duy nhất. Biết được rằng ông bất tùy thuộc thì sẽ thoát khỏi sợ hãi và cái bóng của nó.

H: Sự khác biệt giữa hạnh phúc và lạc thú là gì?

M: Lạc thú thì tùy thuộc, hạnh phúc thì không.

H: Nếu hạnh phúc là bất tùy thuộc, tại sao chúng ta không luôn luôn cảm thấy hạnh phúc?

M: Chừng nào ông còn tin rằng cần phải có cái gì đó để làm cho mình hạnh phúc, thì chúng ta còn tin rằng chúng ta sẽ khốn khổ khi vắng nó. Tâm luôn luôn định hình chính nó theo những gì mà nó tin tưởng. Như thế điều quan trọng là chính mình tin rằng không cần phải bị thôi thúc để có hạnh phúc; còn lạc thú, trái lại, chỉ là sự đánh lạc hướng và là một phiền nhiễu, vì nó chỉ làm tăng thêm sự tin tưởng sai lầm rằng một người cần phải có hạnh phúc và làm đủ mọi chuyện để được hạnh phúc, trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại.

Nhưng tại sao lại bàn về hạnh phúc? Ông chỉ nghĩ đến hạnh phúc khi nào ông bất hạnh. Người nào nói: “Bây giờ Ta cảm thấy hạnh phúc” thì người đó đang ở giữa hai sự đau khổ – quá khứ và tương lai. Thứ hạnh phúc này chỉ là sự hưng phấn, xuất hiện khi đau khổ nguôi ngoai. Hạnh phúc chơn thật thì hoàn toàn không ý thức về chính mình. Cách diễn tả đúng nhất là bằng sự phủ định như: “Không có gì bất thường với tôi. Tôi không có gì để lo âu.” Xét cho cùng, mục đích tối hậu của tất cả các phương pháp tu tập là đạt đến một điểm, khi sự tin tưởng này được căn cứ trên kinh nghiệm hiện thực và thường tại, chứ không phải là ngôn từ suông.

H: Kinh nghiệm đó là gì?

M: Kinh nghiệm không, hoàn toàn không còn ký ức và chờ mong; nó cũng giống như hạnh phúc của những khoảng không gian rộng mở, của sự trẻ trung, của sự sung mãn năng lượng và tràn đầy thời gian để làm đủ mọi chuyện, để khám phá, để phiêu lưu.

H: Còn gì để khám phá?

M: Vũ trụ bên ngoài và sự bao la bên trong như cả hai vẫn như thế trong thực tại, trong tâm thức và trái tim vĩ đại của Thượng đế. Ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại, bí mật của đau khổ, và sự cứu độ cuộc sống đau khổ ra khỏi vô minh.

H: Nếu cảm thấy hạnh phúc cũng giống như cảm thấy không còn lo âu và sợ hãi, thì liệu có thể cho rằng sự vắng thiếu của phiền não là nguyên nhân của hạnh phúc?

M: Một trạng thái vắng thiếu, không tồn tại thì không thể là một nguyên nhân; quan niệm này hàm ý về sự tồn tại từ trước (pre-existence) của một nguyên nhân. Trạng thái tự nhiên của ông – trong đó không có gì tồn tại – không thể là nguyên nhân của sự trở thành; tất cả nguyên nhân đều tàng ẩn trong quyền năng vĩ đại và bí hiểm của ký ức. Nhưng ngôi nhà đích thực của ông ở trong cái không, trong sự trống rỗng hoàn toàn không có nội dung.

H: Cái không, trống rỗng – khủng khiếp quá!

M: Ông vẫn đối diện nó một cách vui mừng khi đi ngủ! Hãy đích thân xâm nhập trạng thái ngủ tỉnh thức, và ông sẽ nhận ra nó rất tương hợp với bản tánh chơn thật của ông. Ngôn từ chỉ cho ông ý tưởng và ý tưởng thì không phải là kinh nghiệm. Ta chỉ có thể nói là: Hạnh phúc chơn thật thì không có nguyên nhân, và cái không có nguyên nhân thì bất di bất dịch. Điều này không có nghĩa là nó có thể nhận thức được, như lạc thú. Trạng thái không còn đau khổ chỉ có thể được mô tả bằng cách phủ định.

Để trực tiếp chứng nghiệm nó, ông phải thoát ra khỏi cái tâm đã bị mê hoặc bởi lý thuyết nhân quả, và sự chuyên chế của thời gian.

H: Nếu hạnh phúc không phải là ý thức và ý thức không phải là hạnh phúc, vậy cái gì nối kết cả hai?

M: Ý thức là sản phẩm của điều kiện và hoàn cảnh thì tùy thuộc và thay đổi cùng với điều kiện và hoàn cảnh. Cái bất tùy thuộc, không được tạo ra, vô thời và bất biến, nhưng luôn luôn tươi mới thì ở ngoài tâm. Khi tâm nghĩ về nó, tâm tan biến và chỉ hạnh phúc còn lại.

H: Khi tất cả ra đi, cái không có gì còn lại.

M: Nếu không có cái có, làm sao có thể có cái không? Cái không chỉ là một ý tưởng, nó tùy thuộc vào ký ức về một cái có. Hiện hữu thuần túy thì bất tùy thuộc vào sự tồn tại – là cái có thể xác định và mô tả được.

H: Xin vui lòng cho chúng tôi biết: ở ngoài tâm liệu ý thức có tiếp tục, hay nó chấm dứt cùng với tâm?

M: Ý thức đến rồi đi, tánh biết thường xuyên chiếu sáng.

H: Ai là người biết trong tánh biết?

M: Khi có con người thì cũng có ý thức. “Ta hiện hữu”, tâm, ý thức – hàm ý cùng một trạng thái. Nếu ông nói “Ta biết” thì điều đó chỉ có nghĩa: “Ta ý thức hành vi tư duy về biết”. Trong tánh biết không có cái “Ta hiện hữu”.

H: Thế còn hành vi nhân chứng?

M: Hành vi nhân chứng thuộc về tâm. Nhân chứng đi cùng với cái được chứng kiến. Trong trạng thái bất nhị (non-duality) mọi phân chia không còn nữa.

H: Thế còn ông? Ông vẫn tiếp tục trong tánh biết?

M: Con người, tức cái “Ta là thân này, tâm này, chuỗi ký ức này, mớ tham ái và lo sợ này” biến mất, nhưng một cái gì đó ông có thể gọi là ý thức về chính mình còn lại. Trạng thái đó làm cho Ta có thể trở thành con người khi cần. Tình yêu tạo ra những gì nó cần thiết, ngay cả sự trở thành một con người.

H: Theo như tôi hiểu Thực tại thể hiện tự thân thành tồn tại – ý thức – và cực lạc. Chúng là tuyệt đối hay tương đối?

M: Chúng tương quan và tương thuộc lẫn nhau. Thực tại bất tùy thuộc vào những thể hiện của nó.

H: Quan hệ giữa thực tại và những thể hiện của nó là gì?

M: Không có quan hệ. Trong thực tại tất cả đều thật và giống như nhau. Như chúng ta biết, SagunaNirguna là một trong Parabrahman. Chỉ có cái Tối thượng duy nhất. Khi động là Saguna. Khi tịnh là Nirguna. Nhưng chỉ có tâm là động hay không động. Cái thật ở bên ngoài, ông ở bên ngoài. Một khi hiểu được rằng không gì nhận thức được, hay hiểu được lại có thể là ông, thì ông hoàn toàn tự do đối với tất cả những tưởng tượng của ông. Thấy được tất cả là tưởng tượng, khởi sinh từ tham ái – là sự cần thiết trong sự giác ngộ chính mình. Chúng ta không thấy cái thật vì thiếu chú ý, và tạo ra cái không thật vì thừa tưởng tượng.

 Ông phải dành hết trái tim và tâm trí cho những điều này và thường xuyên tư duy về chúng. Cũng như nấu thức ăn, ông phải để trên lửa một thời gian rồi mới có thể ăn được.

H: Thế không phải tôi bị khống chế bởi định mệnh, bởi nghiệp mà tôi tạo ra? Tôi có thể làm gì để cưỡng lại? Tôi có là gì, và làm gì cũng đều là tiền định. Ngay cả cái được gọi là sự chọn lựa tự do của tôi cũng đã được định trước, chỉ có điều là tôi không biết và tưởng tượng rằng tôi tự do.

M: Một lần nữa, còn tùy vào cách nhìn của ông. Vô minh như một cơn sốt, nó làm cho ông thấy những cái mà thật ra không có. Nghiệp là một phương thức trị liệu vi diệu. Hãy chấp nhận nó và làm theo những gì nó chỉ dẫn một cách thành khẩn thì ông sẽ sớm bình phục. Một bệnh nhân sẽ xuất viện khi bình phục. Còn khăng khăng đòi có ngay tự do lựa chọn, tự do hành động thì chỉ trì hoãn sự bình phục. Hãy chấp nhận định mệnh và hoàn tất nó – đó là phương cách nhanh nhất thoát ra khỏi định mệnh, nhưng không ngoài tình yêu và những mệnh lệnh của nó. Hành động do tham ái lo sợ là ràng buộc, hành động do tình yêu là tự do.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Người dịch: Vũ Toàn

Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

2 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Trần Trung Kiên

Tôi rất yêu thích trang web. Tôi cũng không biết nói sao nữa. Xin cảm ơn !

2
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x