Trang chủ » Ta là Cái Đó [95 – 101] – Tâm và Thế giới không tách biệt

Ta là Cái Đó [95 – 101] – Tâm và Thế giới không tách biệt

by Hậu Học Văn
364 views

95. Chấp nhận cuộc đời như nó đến

Hỏi: Năm ngoái tôi đã đến đây. Bây giờ tôi lại ngồi trước mặt ông. Tôi thật sự không biết điều gì đã khiến tôi đến, nhưng tôi không thể quên ông.

Maharaj: Có người quên, có người không – tùy theo định mệnh của họ – nhưng ông có thể cho đó là tình cờ, nếu ông muốn.

H: Có một sự khác biệt căn bản giữa tình cờ và định mệnh.

M: Chỉ ở trong tâm ông. Thật ra, ông không thể biết cái gì là nguyên nhân của cái gì. Định mệnh chỉ là một từ ngữ có tính cách khỏa lấp để che đậy sự vô minh của ông. Tình cờ – là một từ khác.

H: Nếu không biết được nguyên nhân và hậu quả thì liệu có thể có tự do?

M: Nhân và quả thì vô cùng về số lượng và muôn hình vạn trạng. Mỗi cái tác động lên mọi cái. Khi một cái thay đổi thì tất cả thay đổi trong vũ trụ. Do đó quyền năng vĩ đại của con người trong việc thay đổi thế giới là bằng cách thay đổi chính mình.

H: Theo lời ông, nhờ ân đức của Tôn sư nên ông đã thay đổi tận căn bản so với bốn mươi năm trước. Nhưng thế giới này thì vẫn vậy.

M: Thế giới của Ta đã thay đổi hoàn toàn. Thế giới của ông vẫn vậy vì ông không hề thay đổi.

H: Vì sao sự thay đổi của ông không ảnh hưởng đến tôi?

M: Vì không có sự cảm thông giữa ông và Ta. Đừng cho ông tách biệt với Ta thì ngay lập tức ông và Ta cùng ở trong trạng thái chung nhất.

H: Tôi có một số tài sản ở Mỹ, và định bán đi để mua một khu đất trong vùng Hy-mã-lạp-sơn. Tôi sẽ dựng lên ở đó một ngôi nhà, làm một cái vươn, nuôi vài con bò và sống thật thầm lặng. Người ta bảo tôi rằng vùng đất đó không thích hợp cho một cuộc sống êm ả, tôi sẽ gặp rắc rối với giới chức địa phương, hàng xóm, và kẻ trộm. Liệu có chắc như thế không?

M: Điều tối thiểu mà ông mong đợi có thể xảy ra là một hàng dài bất tận người đến viếng ông và biến nơi ông ở thành một nhà khách miễn phí. Cuộc đời ông thế nào thì tốt hơn hãy chấp nhận nó như thế, trở về với gia đình, sống với bà vợ bằng tất cả lòng yêu thương và sự chăm sóc của ông. Chẳng có ai khác cần đến ông. Giấc mơ tiên cảnh sẽ cho ông hạ cánh xuống nơi còn phiền nhiễu hơn nhiều.

H: Tôi không tìm tiên cảnh. Tôi đi tìm Thực tại.

M: Muốn thế ông cần một cuộc sống ngăn nắp và tĩnh lặng, một cái tâm an ổn và lòng thành khẩn vô biên. Bất cứ gì đến với ông không mời gọi – vào bất cứ lúc nào – đều từ Thượng đế đến và chắc chắn sẽ giúp ông nếu ông biết tận dụng nó. Chỉ cái gì ông tranh giành, phát sinh từ tưởng tượng và tham ái của ông, mới đem lại cho ông phiền não.

H: Định mệnh có đồng với ân đức?

M: Chắc chắn là như thế. Chấp nhận cuộc sống như nó đến, rồi ông sẽ nhận ra phước báu.

H: Tôi có thể chấp nhận cuộc sống của chính tôi. Nhưng làm sao tôi có thể chấp nhận cuộc sống mà những người khác bị bắt buộc phải sống?

M: Dù sao thì ông vẫn chấp nhận nó. Đau khổ của người khác không xen vào lạc thú của ông. Nếu thật sự có từ tâm thì lẽ ra ông đã bỏ được sự lo lắng thái quá về chính mình từ lâu, và nhập vào trạng thái mà chỉ từ đó ông mới có thể cứu giúp.

H: Nếu có một ngôi nhà lớn và một khu đất rộng, tôi có thể lập một tịnh xá gồm những phòng riêng, một thiền đường, nhà ăn, thư viện, vân vân.

M: Các tịnh xá không được dựng lên, chỉ do ngẫu nhiên mà có. Ông không thể bắt đầu hay ngăn trở nó cũng như ông không thể bắt đầu hay làm cho một giòng sông ngừng chảy. Có vô số yếu tố liên hệ trong sự tạo dựng một tịnh xá thành công, mà sự trưởng thành nội tâm của ông chỉ là một trong những yếu tố đó. Dĩ nhiên, nếu không biết được sự hiện hữu chơn thật của ông thì có làm bất cứ gì cũng trở thành tro bụi. Ông không thể giả mạo một Đạo sư rồi thoát tội. Mọi hành vi đạo đức giả đều kết thúc trong tai họa.

H: Hành sử như thánh nhân trước khi là một thánh nhân thì có hại gì?

M: Tu tập tính cách thánh thiện là Sadhana. Điều này hoàn toàn đúng, miễn là không cho đó là giá trị đáng được ca ngợi.

H: Nếu không thử thì làm sao tôi biết mình có thể hay không thể dựng lập một ẩn xá?

M: Bao giờ ông còn cho mình là một con người, một cái thân và một cái tâm, tách biệt với dòng đời, có ý chí của riêng nó, theo đuổi mục đích của chính nó thì ông chỉ sống phù sinh trên bề mặt, và bất cứ gì ông làm đều ngắn ngủi và chẳng có bao nhiêu giá trị, chỉ là rơm rạ làm mồi cho những ngọn lửa của hư danh. Ông phải bỏ ra một cái gì thật sự xứng đáng trước khi có thể mong đợi một cái gì đó chơn thật. Cái gì là giá trị của ông?

H: Tôi đo lường nó bằng cách nào?

M: Nhìn vào nội dung của tâm ông. Ông là cái ông suy nghĩ. Không phải hầu hết thời gian của ông đều bận rộn với con người bé nhỏ của ông và những nhu cầu thường nhật của nó hay sao?

Giá trị của sự hành thiền thường xuyên là đưa ông ra khỏi sự nhàm chán của sinh hoạt thường nhật, và nhắc nhở ông rằng ông không phải là cái mà ông tin là ông. Nhưng chỉ nhớ suông thì vẫn chưa đủ – hành động phải đi theo sự tin tưởng. Đừng giống như một người giầu có lập ra một di chúc thật chi tiết, nhưng nhất định không chịu chết.

H: Thế không phải từ từ là quy luật của cuộc sống?

M: Ồ, không. Chỉ có sự chuẩn bị là từ từ, tự thân sự thay đổi thì đột biến và trọn vẹn. Thay đổi từ từ không thể đưa ông đến một bình diện mới của sự hiện hữu hữu thức. Ông cần can đảm để buông bỏ.

H: Phải thành thật nhìn nhận là tôi thiếu can đảm.

M: Đó là vì ông chưa hoàn toàn tin tưởng. Sự tin tưởng hoàn toàn tạo ra ước muốn và can đảm. Và thiền là nghệ thuật đạt được sự tin tưởng thông qua hiểu biết. Trong thiền, ông nghiền ngẫm tất cả mọi phương diện của những gì được chỉ giáo cho đến khi tin tưởng khởi sinh từ sự sáng tỏ, và cùng với tin tưởng là hành động. Tin tưởng và hành động không thể tách rời nhau. Nếu hành động không đi kèm theo tin tưởng thì xét lại sự tin tưởng của ông, đừng viện cớ ông thiếu can đảm. Tự hạ mình chẳng đưa ông đến đâu. Nếu không có sự sáng tỏ và đồng cảm thì ý chí có ích lợi gì?

H: Đồng cảm nghĩa là gì? Tôi không được hành động trái với ước muốn của tôi?

M: Ông sẽ không hành động trái với ước muốn của ông. Sáng tỏ thì chưa đủ. Còn phải có năng lượng xuất phát từ tình yêu – ông phải yêu để hành động – dù hình tướng và đối tượng tình yêu của ông là gì. Nếu không có sự sáng tỏ và tình yêu thì lòng can đảm chỉ đem lại hủy diệt. Người ta trở nên dũng cảm lạ thường trong chiến tranh, nhưng để làm gì?

H: Tôi chỉ muốn có một ngôi nhà với một khu vườn để sống một cách an tịnh. Tại sao tôi lại không hành động theo ước muốn của tôi?

M: Bằng mọi cách, hãy hành động. Nhưng đừng quên cái bất khả tránh, cái bất ngờ. Nếu không có mưa thì khu vườn của ông sẽ không tươi tốt. Ông cần lòng dũng cảm để phiêu lưu.

H: Tôi cần thời gian để gom góp can đảm, đừng hối thúc tôi. Cứ để tôi chín mùi cho hành động.

M: Toàn thể giải pháp của ông đều sai lầm. Hành động trì hoãn là hành động bỏ lỡ. Có thể có những cơ hội khác cho những hành động khác, nhưng khoảng khắc hiện tại bị bỏ lỡ, không lấy lại được. Mọi chuẩn bị là cho tương lai – ông không thể chuẩn bị cho hiện tại.

H: Chuẩn bị cho tương lai có gì là không đúng?

M: Mọi chuẩn bị của ông chẳng giúp gì cho hành động trong hiện tại. Sự sáng tỏ là bây giờ, hành động là bây giờ. Nghĩ về sự sẵn sàng chỉ ngăn cản hành động. Và hành động là tiêu chuẩn của thực tại.

H: Ngay cả khi chúng ta hành động mà không có sự tin tưởng?

M: Ông không thể sống mà không hành động, và đằng sau mỗi hành động là lo sợ hay tham ái. Xét cho cùng, tất cả những gì ông làm đều dựa trên sự tin tưởng thế giới là thật có, và không tùy thuộc vào ông. Nếu tin ngược lại, thái độ của ông có lẽ đã hoàn toàn khác.

H: Những gì tôi tin tưởng thì chẳng có gì sai lầm. Hành động của tôi được định hình bởi hoàn cảnh.

M: Nói một cách khác, ông tin vào tính cách có thật của hoàn cảnh, của thế giới trong đó ông sống. Truy tìm thế giới đến tận cùng nguồn gốc của nó, ông sẽ nhận ra rằng trước khi có thế giới thì đã có ông, và ông vẫn còn – ngay cả khi thế giới không còn nữa. Hãy tìm ra sự hiện hữu phi thời của ông và hành động của ông xác minh điều đó. Ông đã tìm ra chưa?

H: Chưa, tôi chưa tìm thấy.

M: Thế thì còn chuyện gì khác mà ông cần làm? Hiển nhiên đó là việc làm cấp bách nhất. Chỉ khi nào ông buông bỏ tất cả, không cần được chống đỡ hay xác định thì lúc đó ông mới thấy ông bất tùy thuộc. Một khi đã biết rõ chính ông thì ông có làm bất cứ gì cũng chẳng quan trọng, nhưng để nhận ra tính bất tùy thuộc của ông, ông phải trắc nghiệm nó bằng cách buông bỏ tất cả những gì ông vẫn tùy thuộc. Người giác ngộ sống ở bình diện của những cái tuyệt đối – trí tuệ, tình yêu và lòng dũng cảm của người đó đều toàn vẹn – không có gì là tương đối về người giác ngộ. Do đó, người giác ngộ phải chứng tỏ chính mình bằng những trắc nghiệm nghiêm ngặt hơn, và trải qua những thử thách khắt khe hơn. Người trắc nghiệm, cái được trắc nghiệm và điều kiện trắc nghiệm đều ở bên trong. Đây là một vở kịch nội tâm, trong đó không có người đồng diễn.

H: Bị đóng đinh trên thập giá, cái chết và sự phục sinh – chúng ta có những cơ sở tương tự! Tôi đã đọc, nghe và nói về điều đó không biết bao nhiêu lần, nhưng để thực hành nó thì tôi thấy mình không có khả năng.

M: Giữ im lặng, và đừng bị giao động thì trí tuệ và năng lượng sẽ tự đến. Ông chẳng cần phải mong cầu. Chờ đợi trong sự im lặng của trái tim và tâm trí. Giữ im lặng thì dễ, nhưng sẵn sàng giữ im lặng thì hiếm hoi. Các ông muốn trở thành siêu nhân trong chớp nhoáng. Hãy ở với trạng thái không còn tham vọng, không còn tham ái, phơi bầy, dễ bị công kích, không được bảo vệ, bất định, đơn độc và hoàn toàn rộng mở, chào đón cuộc đời như nó đến, mà không hề tin tưởng một cách vị kỷ rằng mọi cái trong đời phải đem lại lạc thú hay lợi lạc gì cho ông, dù là vật chất hay cái được gọi là tinh thần.

H: Tôi hiểu được điều ông nói nhưng không thấy được là phải thực hiện như thế nào?

M: Nếu không biết cách ông sẽ không làm. Từ bỏ tất cả mọi cố gắng, chỉ hiện hữu; đừng phấn đấu, đừng tranh giành, buông bỏ mọi dựa giẫm, bám chặt ý thức hiện hữu, gạt bỏ tất cả những cái khác. Thế là đủ.

H: Làm sao gạt bỏ? Tôi càng gạt bỏ chúng càng nổi lên bề mặt.

M: Đừng chú ý, cứ để mọi thứ đến và đi. Tham ái và vọng niệm cũng là sự vật. Đừng bận tâm đến chúng. Từ vô thủy lớp bụi của các sự kiện bao phủ mặt gương trong sáng của tâm ông, vì thế ông chỉ thấy ký ức. Quét sạch lớp bụi trước khi chúng có thời gian đóng cáu, phơi bày những lớp trước đó, và tiếp tục cho đến khi bản tánh chơn thật của tâm ông hiển lộ. Tất cả rất đơn giản và tương đối dễ dàng; chỉ cần thành khẩn và kiên nhẫn là đủ. Thản nhiên, vô tư, và thoát ra ngoài mọi tham ái, lo sợ, và ưu tư thái quá về chính mình, mà đơn thuần tỉnh thức – có nghĩa là thoát ra khỏi ký ức và chờ mong – đây là trạng thái của tâm mà với nó sự khám phá mới có thể xảy ra. Xét cho cùng, giải thoát có nghĩa là tự do để khám phá.

❁ ❁ ❁

96. Từ bỏ tất cả ký ức và mong chờ

Hỏi: Tôi là người Mỹ; từ năm ngoái; từ năm ngoái đến nay tôi sống tại một tịnh xá ở Madhya Pradesh và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực của Yoga. Đạo sư của chúng tôi là môn đồ của ngài Sivananda SaraswatiMonghyr. Tôi cũng sinh hoạt ở tịnh xá Ramanasshram. Khi ở Bombay tôi có tham dự một khóa thiền định chuyên sâu thuộc một thiền phái Miến điện do một thiền sư chỉ dẫn. Tuy nhiên, cho đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy an lạc. Có đôi chút tiến bộ trong tự chế và kỷ luật hàng ngày, nhưng tất cả chỉ có thế. Tôi không thể nói một cách chính xác nguyên nhân của những tiến bộ đó là gì. Tôi cũng thăm viếng nhiều linh địa, và những cuộc thăm viếng đó tác động đến tôi như thế nào thì tôi không biết được.

Maharaj: Những kết quả tốt đẹp sẽ đến, không sớm thì muộn. Ở tịnh xá Sri Ramanashram ông có được chỉ dạy gì không?

H: Một vài người Anh chỉ dẫn tôi, và một người Ấn thuộc môn phái Gnana Yoga, thường xuyên sống ở đó, cũng chỉ tôi một số bài thực hành.

M: Dự tính của ông là gì?

H: Tôi phải trở về Mỹ vì gặp khó khăn trong việc xin gia hạn visa. Tôi dự định sẽ hoàn tất bằng cử nhân, chuyên khoa Trị liệu Tự nhiên, và sẽ sinh sống bằng nghề này.

M: Rõ ràng là một nghề nghiệp lương hảo.

H: Khi theo đuổi con đường Yoga bằng mọi giá thì có gì nguy hiểm?

M: Một que diêm thì có gì nguy hiểm trong lúc ngôi nhà đang cháy? Tìm kiếm thực tại là một việc làm nguy hiểm nhất vì nó sẽ hủy diệt cái thế giới mà trong đó ông sống. Nhưng nếu động cơ thúc đẩy ông là lòng yêu chuộng chân lý và sự sống thì chẳng có gì phải lo sợ.

H: Tôi rất sợ tâm tôi. Nó thật bất an!

M: Trong tấm gương tâm của ông hình ảnh xuất hiện và biến mất. Tấm gương còn lại. Học cách phân biệt cái bất biến trong cái biến dịch, cái không thay đổi trong cái thay đổi, cho đến khi ông nhận ra rằng tất cả những khác biệt chỉ là bề ngoài, còn tính một là thực tế. Sự nhận dạng căn bản này – ông có thể gọi là Thượng đế, hay Brahman, hay khuôn đúc – Prakriti. Từ ngữ không quan trọng, chỉ sự nhận thức tất cả là một mới quan trọng. Khi ông có thể nói một cách tin tưởng, xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp, rằng: “Ta là thế giới, thế giới là chính Ta” thì một mặt ông không còn tham ái lo sợ, và một mặt ông trở nên hoàn toàn có trách nhiệm với thế giới. Nỗi đau khổ vô nghĩa của nhân loại trở thành mối quan tâm duy nhất của ông.

H: Như thế ngay cả bậc giác ngộ cũng có những phiền não của riêng mình!

M: Phải, nhưng chúng không còn do chính người giác ngộ tạo ra. Sự đau khổ của người giác ngộ hoàn toàn không hề bị đầu độc bởi ý thức tội lỗi. Chẳng có gì là không đúng với đau khổ vì tội lỗi của người khác. Thiên chúa giáo của các ông đặt nền tảng trên quan niệm này.

H: Thế không phải mọi đau khổ đều do chính mình gây ra?

M: Đúng thế, chừng nào còn có một cái Ta tách biệt tạo ra nó. Cuối cùng ông sẽ biết rằng không hề có tội lỗi, hay trừng phạt, mà chỉ có sự sống với những biến đổi vô cùng của nó. Cùng với sự biến mất của cái “ta” có tính cách con người, mọi đau khổ của con người cũng tan biến. Còn lại chỉ là nỗi buồn vĩ đại của tâm bi, nỗi kinh hoàng về sự đau khổ không cần thiết.

H: Có gì là không cần thiết trong các sự kiện đang diễn ra?

M: Chẳng có gì là cần thiết, không có gì là chắc chắn. Thói quen và si mê thì mù quáng và hướng dẫn sai lầm; còn sự tỉnh thức từ bi thì hàn gắn và cứu vớt. Chúng ta không thể làm được gì, mà chỉ có thể để cho mọi chuyện xảy ra theo bản chất của nó.

H: Ông chủ trương hoàn toàn thụ động?

M: Sự trong sáng và lòng từ ái là hành động. Tình yêu thì không lười biếng, còn sự trong sáng soi đường chỉ lối. Ông chẳng cần bận tâm đến hành động, mà hãy quan tâm đến tâm thức và trái tim của ông. Ngu dốt và lòng vị kỷ là xấu xa duy nhất.

H: Cách nào tốt hơn? Tụng niệm danh hiệu Thượng đế, hay thiền quán?

M: Tụng niệm làm cho hơi thở của ông ổn định. Sự thở sâu và tĩnh lặng sẽ tăng cường sinh lực, ảnh hưởng đến não bộ, và giúp cho tâm trở nên an, tịnh và thích hợp cho thiền quán. Nếu không có sinh lực thì chẳng làm được gì nhiều, vì thế bảo vệ và tăng cường sinh lực là thiết yếu. Tư thế và cách thở là một phần của Yoga, vì thân cần phải khỏe mạnh và được điều ngự tốt; tuy nhiên quá chú trọng đến thân thì sẽ làm hỏng mục đích của nó, vì tâm là chính yếu ngay từ đầu. Khi tâm được an định và không còn quấy nhiễu không gian nội tại – Chidakash – thì thân có một ý nghĩa mới, và sự chuyển hóa nó trở nên cần thiết và khả hữu.

H: Tôi lang thang khắp Ấn Độ, gặp khá nhiều Đạo sư và học được đôi chút từ một số các trường phái Yoga. Thử qua mỗi thứ một ít như thế có đúng không?

M: Không, đó mới chỉ là nhập môn. Ông sẽ gặp người giúp ông tìm ra con đường của ông.

H: Tôi có cảm tưởng vị Đạo sư do tôi lựa chọn không thể là Đạo sư đích thực. Để là vị Đạo sư đích thực thì người đó phải đến với tôi một cách bất ngờ và rất thu hút đối với tôi.

M: Đừng mong đợi thì tốt nhất. Cách ông đáp ứng mới là quyết định.

H: Tôi có phải là chủ nhân các phản ứng của tôi?

M: Nếu bây giờ ông thực hành sự sáng suốt và thái độ thản nhiên thì sẽ đạt được kết quả vào đúng thời điểm. Nếu gốc rễ khỏe mạnh và được tưới nước tốt thì quả chắc chắn sẽ ngon ngọt. Hãy thanh tịnh, tỉnh thức và sẵn sàng.

H: Khổ hạnh và sám hối có ích lợi gì không?

M: Trải qua những nỗi thăng trầm của cuộc đời đã là đủ sám hối! Ông không cần bầy vẽ thêm rắc rối. Tiếp nhận một cách vui vẻ bất cứ gì cuộc đời đem đến là tất cả khổ hạnh mà ông cần.

H: Thế còn hy sinh là gì?

M: Sẵn lòng và vui vẻ chia sẻ tất cả những gì ông có với bất cứ ai cần. Không cần phải nghĩ ra những cách tàn nhẫn để tự trừng phạt mình.

H: Buông bỏ chính mình là gì?

M: Chấp nhận bất cứ gì đến.

H: Tôi cảm thấy yếu đuối không thể tự đứng vững. Tôi cần sự thân cận thiêng liêng với một Đạo sư và các thiện tri thức. Tôi không có được sự thanh thản, nên chấp nhận bất cứ gì xảy đến làm cho tôi sợ hãi. Ý nghĩ trở về Mỹ làm cho tôi kinh hoàng.

M: Hãy trở về và tận dụng mọi cơ hội của ông. Lấy bằng cử nhân của ông trước. Ông luôn luôn có thể trở lại Ấn Độ để nghiên cứu khoa Trị liệu Tự nhiên.

H: Tôi biết rất rõ những cơ hội của tôi ở Mỹ, nhưng điều làm tôi sợ hãi chính là sự cô đơn.

M: Ông luôn luôn có sự thân cận của chính cái Ta – ông không cần phải cảm thấy cô đơn. Xa lìa cái Ta thì dù có ở Ấn Độ ông cũng vẫn cảm thấy cô đơn. Tất cả hạnh phúc đến từ sự làm vui lòng cái Ta. Sau khi trở về Mỹ, hãy làm vui lòng cái Ta, đừng làm bất cứ gì không xứng đáng với thực tại huy hoàng trong trái tim ông thì ông sẽ hạnh phúc và tiếp tục hạnh phúc. Nhưng ông phải tìm cái Ta, và sau khi tìm ra cái Ta thì hãy ở với cái Ta.

H: Sống trong hoàn toàn cô tịch có lợi lạc gì không?

M: Còn tùy tính khí của ông. Ông vẫn có thể làm việc với người khác và cho người khác trong sự tỉnh thức và thân thiện, nhưng vẫn tiến bộ nhiều hơn là trong sinh hoạt cô tịch, vì sự cô tịch có thể gây buồn nản, hoặc thói quen lải nhải bất tận của tâm sẽ khống chế ông. Đừng tưởng tượng rằng ông có thể thay đổi bằng sự cố gắng. Dùng bạo lực với chính ông – như khổ hạnh và sám hối – sẽ chẳng đem lại kết quả gì.

H: Có cách nào biết được ai là người giác ngộ và ai không giác ngộ?

M: Bằng chính duy nhất ở trong chính ông. Nếu ông thấy mình hóa vàng thì chắc chắn đó là dấu hiệu chứng tỏ ông vừa chạm vào một hòn đá tạo ra vàng của một bậc thánh nhân. Hãy ở với người đó và theo dõi những gì xảy ra đối với ông. Đừng hỏi người khác. Đạo sư của họ có thể không phải là Đạo sư của ông. Một Đạo sư, về thể tánh, có thể là chung cho tất cả, nhưng lại rất khác biệt trong cách thể hiện. Đạo sư có thể làm ra vẻ giận dữ, tham lam, hoặc quá quan tâm đến ẩn xá, hay gia đình của ông ta – ông có thể ngộ nhận bởi những hình tướng bề ngoài đó, còn những người khác thì không.

H: Tôi không có quyền mong muốn sự toàn hảo toàn diện, cả trong lẫn ngoài?

M: Bên trong – được. Nhưng sự toàn hảo bên ngoài còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, tình trạng của thân xác, cá nhân và xã hội, và vô số những yếu tố khác.

H: Tôi được bảo là tìm một bậc giác ngộ để học nghệ thuật đi đến giác ngộ, nhưng ông lại cho rằng toàn thể cách khởi sự của tôi là sai lầm, tôi không thể nhận ra ai là bậc giác ngộ, và cũng không thể đạt được giác ngộ bằng những phương tiện thích hợp. Quả thật là rối rắm!

M:  Đó là do hiểu biết hoàn toàn sai lầm của ông về thực tại. Tâm ông chìm đắm trong những thói quen đánh giá và thụ đắc, mà không nhận ra cái bất khả so sánh, cái bất khả đắc luôn luôn chờ sẵn trong tim ông để được nhận ra. Tất cả những gì ông cần làm là buông bỏ mọi ký ức và chờ mong. Chỉ cần đặt ông trong tình trạng sẵn sàng, không che đậy và không là gì cả.

H: Ai là người sẽ thực hiện sự buông bỏ?

M: Thượng đế sẽ làm chuyện đó. Hãy thấy được sự cần thiết phải buông bỏ. Đừng cưỡng lại, đừng bám víu lấy con người mà ông cho là ông. Vì tưởng tượng mình là con người, nên ông nghĩ người giác ngộ cũng là một con người, chỉ khác biệt đôi chút, như hiểu biết hơn và có quyền năng hơn. Ông có thể cho rằng người giác ngộ luôn luôn biết và hạnh phúc, nhưng những điều đó còn quá xa với sự thật. Đừng tin các định nghĩa và mô tả, chúng vô cùng sai lạc.

H: Nếu không được bảo cho biết phải làm gì và làm như thế nào thì tôi cảm thấy tuyệt vọng.

M: Bằng mọi cách hãy tuyệt vọng! Bao giờ ông còn cảm thấy có khả năng và tin tưởng thì thực tại còn ở ngoài tầm với. Nếu không chấp nhận phiêu lưu nội tâm là một lối sống, thì sự khám phá sẽ không bao giờ đến với ông.

H: Khám phá cái gì?

M: Trung tâm hiện hữu của chính ông – hoàn toàn vô phương hướng, ngoài mọi phương tiện và cứu cánh.

H: Là tất cả, biết tất cả, có tất cả?

M: Không là gì cả, không biết gì cả và không có gì cả. Đó là cuộc sống duy nhất đáng sống, hạnh phúc duy nhất đáng có.

H: Phải nhìn nhận là mục đích ở ngoài sự hiểu biết của tôi. Ít ra hãy cho tôi biết con đường.

M: Ông phải tìm ra con đường của chính ông. Nếu ông không tự tìm ra nó thì nó không phải là con đường của chính ông, và chẳng đưa ông đến đâu. Hãy thành khẩn sống cái chân lý của ông như ông đã tìm ra nó – hành động theo cái ít mà ông đã hiểu. Chính lòng thành khẩn sẽ đưa ông vượt qua, chứ không phải sự khôn khéo của ông, hay của người khác.

H: Tôi sợ phạm sai lầm. Tôi đã thử rất nhiều nhưng chẳng thấy kết quả nào.

M: Ông cống hiến cho chính mình quá ít, ông chỉ tò mò chứ không thành khẩn.

H: Tôi không biết gì hơn nữa.

M: Ít ra là ông biết như thế. Biết những kinh nghiệm của ông là nông cạn, đừng gán cho chúng một giá trị nào, mà hãy quên ngay khi kinh nghiệm qua đi. Sống một cuộc sống trong sạch và vô vị kỷ, chỉ thế thôi.

H: Đạo đức quan trọng đến thế sao?

M: Đừng lừa dối, đừng gây đau khổ – là không quan trọng hay sao? Trên tất cả, ông cần sự an lạc nội tâm, muốn thế thì phải có sự hòa hợp giữa bên trong và bên ngoài. Làm những gì mà ông tin tưởng, và tin tưởng những gì mà ông làm. Ngoài ra chỉ uổng phí công sức và thời gian.

❁ ❁ ❁

97. Tâm và thế giới không tách biệt

Hỏi: Tôi thấy trong căn phòng này của ông có nhiều hình ảnh của các bậc thánh nhân, và được biết họ là các tổ sư của ông. Các bậc ấy là những ai, và tất cả đã bắt đầu như thế nào?

Maharaj: Chúng ta được gọi chung là Navnath – “Chín Vị Chân Sư”. Theo truyền thuyết, sơ tổ là Rishi Dattatreya, tức hiện thân vĩ đại của Ba Vị Brahma, VishnuShiva. “Chín Vị Chân Sư” đều là thần thoại.

H: Tính cách đặc thù về giáo pháp của họ là gì?

M: Sự đơn giản, về lý thuyết lẫn thực hành.

H: Làm sao một người trở thành Chân sư – Navnath? Bằng sự khai tâm hay kế thừa?

M: Không phải vậy. Truyền thống “Chín Vị Chân Sư” – Navnath Parampara – như một giòng sông chảy vào đại dương của thực tại, bất cứ ai nhập lưu đều được cuốn theo.

H: Điều đó hàm ý là phải được sự chấp thuận của một Đạo sư còn sống, cùng truyền thống?

M: Những ai thực hành pháp Sadhana đặt tâm vào cái “Ta hiện hữu” thường cảm thấy có liên hệ với những người đã hành theo pháp này và thành công. Họ có thể quyết định ngôn từ hóa mối quan hệ đồng môn bằng cách gọi nhau là Navnath. Điều này làm cho họ cảm thấy hoan hỉ thuộc về cùng một truyền thống.

H: Họ có được lợi lạc gì trong sự lập môn như thế không?

M: Cùng với thời gian, Satsang, hay còn gọi là “chư hiền thánh” ngày càng đông.

H: Có phải bằng cách đó họ mới nắm giữ được một nguồn năng lực và ân đức, nếu không thì họ bị ngăn lại?

M: Năng lực và ân đức dành cho tất cả, và cho những ai cầu xin. Cho mình một cái tên riêng biệt nào đó chẳng giúp được gì. Có gọi ông bằng bất cứ danh xưng nào thì cũng thế; nhưng nếu ông biết chính ông một cách mãnh liệt thì mọi chướng ngại chồng chất ngăn che sự hiểu biết chính mình chắc chắn sẽ bị quét sạch.

H: Nếu tôi thích những gì ông chỉ giáo, và chấp nhận sự hướng dẫn của ông, liệu tôi có thể tự nhận là một Navnath?

M: Cứ làm vừa ý cái tâm lệ thuộc vào ngôn từ của ông! Một danh xưng chẳng thay đổi được ông. Tốt lắm thì nó nhắc nhở ông phải hành xử cho tương xứng. Có sự truyền thừa từ Đạo sư xuống môn đồ, rồi đến lượt môn đồ chỉ giáo các môn đồ khác, như thế môn phái được lưu truyền. Tuy nhiên sự tiếp tục của truyền thống thì không theo nghi thức và hoàn toàn tự ý. Cũng giống như tên họ (family name) của một người, nhưng ở đây là họ tâm linh.

H: Có cần phải giác ngộ để gia nhập Sampradaya?

M: Navnath Sampradaya là một truyền thống, một cách chỉ giáo và tu tập. Nó không hàm ý một giai tầng của ý thức. Nếu ông chấp nhận một Navnath Sampradaya làm Đạo sư của ông thì có nghĩa ông đã gia nhập Sampradaya của vị đó. Thường thì ông nhận được một biểu hiện ân đức của vị Đạo sư như một cái nhìn, một sự đụng chạm, hoặc một tiếng nào đó. Có khi là một giấc mơ rất sống động, hay một sự tưởng nhớ rất mãnh liệt. Có khi dấu hiệu của ân đức chỉ là sự thay đổi quan trọng và nhanh chóng về cá tính và thái độ.

H: Tôi biết ông vài năm nay và tôi vẫn gặp ông đều đặn. Ý nghĩ về ông không bao giờ xa rời tâm tôi. Điều đó có khiến tôi thuộc về Sampradaya của ông không?

M: Sự tùy thuộc của ông là vấn đề thuộc cảm nhận và tin tưởng của riêng ông. Xét cho cùng tất cả chỉ là ngôn từ và hình thức. Trong thực tại không có Đạo sư hay môn đồ, không có thuyết giáo hay thực hành, không có vô minh hay giác ngộ. Tất cả đều tùy thuộc cái mà ông cho ông là. Hãy biết ông một cách đúng thật. Không gì có thể thay thế sự biết rõ chính mình.

H: Căn cứ vào bằng chứng nào mà tôi biết chính tôi một cách đúng thật?

M: Ông chẳng cần đến bằng chứng. Kinh nghiệm về giác ngộ chính mình là có một không hai, và không thể lầm lẫn được. Nó hốt nhiên bừng nở trong ông khi các chướng ngại được loại bỏ đến một mức độ nào đó. Nó cũng giống như tiếng kêu của một sợi dây thừng bị sờn và sắp đứt. Những gì ông làm chỉ là gia cố các tao thừng. Sợi thừng chắc chắn sẽ đứt – dù có thể bị trì hoãn nhưng không thể ngăn chặn.

H: Tôi cảm thấy bối rối về thái độ phủ nhận tương quan nhân quả của ông. Điều đó có nghĩa là không ai chịu trách nhiệm về hiện tình của thế giới?

M: Ý tưởng về trách nhiệm chỉ ở trong tâm ông. Ông cho rằng phải có một cái gì đó hoặc một ai đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra. Có một sự mâu thuẫn giữa một vũ trụ phức tạp và một nguyên nhân duy nhất. Hoặc cái này, hoặc cái kia chắc chắn là không đúng. Hoặc cả hai. Theo như Ta thấy thì tất cả đều là chiêm bao giữa ban ngày. Không hề có thực thể trong các ý tưởng. Thực tế là nếu không có ông thì cả vũ trụ lẫn nguyên nhân của nó đã không thể hình thành.

H: Tôi vẫn không thể phân biệt rằng tôi là tạo vật của vũ trụ hay vũ trụ là tạo vật của tôi.

M: “Ta hiện hữu” là một thực tế thường tại, còn “Ta được tạo ra” chỉ là một ý tưởng. Không có Thượng đế nào hay vũ trụ nào đến bảo ông rằng họ đã tạo ra ông. Cái tâm bị ám ảnh với ý tưởng nhân quả nên tưởng tượng ra sự tạo dựng, rồi thắc mắc “Ai là người tạo dựng?” Chính tâm là người tạo dựng. Thậm chí điều đó cũng không đúng, vì cái được tạo dựng và người tạo ra nó là một. Tâm và thế giới không hề tách biệt. Nên hiểu rằng những gì ông cho là thế giới lại chính là tâm ông.

H: Có một thế giới nào siêu vượt tâm, hoặc ở ngoài tâm?

M: Tất cả không gian và thời gian đều ở trong tâm. Ông tìm kiếm một thế giới siêu vượt tâm ở đâu? Tâm có nhiều giai tầng và mỗi giai tầng phóng chiếu ra phiên bản của riêng nó, nhưng tất cả đều ở trong tâm và được tâm tạo ra.

H: Thái độ của ông về tội lỗi như thế nào? Ông nhìn một kẻ có tội, kẻ đã phạm pháp, bên trong hoặc bên ngoài như thế nào? Ông muốn kẻ đó thay đổi hay ông chỉ thương hại? Hay, ông không đếm xỉa đến kẻ đó vì những tội lỗi của hắn gây ra?

M: Ta không hề biết đến tội hay kẻ có tội. Sự phân biệt và quy định giá trị của ông không ràng buộc được Ta. Mỗi người hành sử theo bản chất riêng của mình. Không thể giúp gì được, mà cũng chẳng cần phải ân hận.

H: Nhưng người khác chịu đau khổ.

M: Sự sống này sống bằng sự sống khác. Trong thiên nhiên tiến trình này là bắt buộc, nhưng trong xã hội thì nó phải là tự nguyện. Không thể có sự sống mà không có sự hy sinh. Kẻ có tội từ chối hy sinh và mời gọi cái chết. Điều này như thế vì nó là như thế, và không có lý do để lên án hay thương hại.

H: Ít ra thì ông cũng động từ tâm khi thấy một kẻ đắm chìm trong tội lỗi.

M: Có. Ta cảm thấy Ta là người đó và tội lỗi của người đó là tội lỗi của Ta.

H: Vâng, và tiếp đến là gì?

M: Vì Ta trở nên một với người đó nên người đó trở nên một với Ta. Đây không phải là một tiến trình hữu thức, nó hoàn toàn tự xảy ra. Không ai có thể ngăn cản được. Cái cần thay đổi thì bằng cách này hay cách khác sẽ thay đổi; biết rõ chính mình như mình là – ở đây và bây giờ – là đủ. Tìm hiểu tâm mình một cách mãnh liệt và có phương pháp chính là Yoga.

H: Thế còn những xiềng xích của định mệnh do tội lỗi gây ra?

M: Khi vô minh – mẹ của định mệnh – tan biến, thì định mệnh – sự cưỡng bách tái phạm tội – chấm dứt.

H: Phải có sự đền tội.

M: Cùng với sự chấm dứt vô minh, tất cả đều chấm dứt. Mọi thứ sẽ được thấy như chính chúng là, và chúng là tốt lành.

H: Nếu một kẻ có tội, một kẻ phạm pháp, đến gặp ông và cầu xin ân đức, phản ứng của ông thế nào?

M: Người đó sẽ nhận được cái mà người đó cầu xin.

H: Dù người đó là một kẻ xấu?

M: Ta không biết người xấu, Ta chỉ biết chính Ta. Ta không thấy thánh nhân hay tội nhân mà chỉ có chúng sinh. Ta không hề ban phát ân đức. Bất cứ gì Ta có thể cho hay từ chối thì ông đều có cùng như thế. Hãy biết rõ sự giầu có của ông và tận dụng nó. Bao giờ còn tưởng tượng phải cần đến ân đức của Ta thì ông còn đến cửa nhà Ta để cầu xin ân đức.

Nếu Ta cầu xin ân đức của ông thì có vẻ vô lý. Nhưng thật ra chúng ta không tách biệt, cái thật thì chung.

H: Một bà mẹ có chuyện đau khổ đến gặp ông. Đứa con trai duy nhất của bà ta nghiện ngập ma túy và sa đà trong tình dục, từ xấu xa trở nên tệ hại. Bà Ta cầu xin ân đức của ông. Ông sẽ phản ứng như thế nào?

M: Có lẽ Ta sẽ nghe Ta bảo bà ấy là mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.

H: Chỉ thế thôi?

M: Thế thôi. Ông còn mong gì hơn nữa?

H: Nhưng liệu đứa con của bà Ta có thay đổi?

M: Có thể có mà cũng có thể không?

H: Những người thân cận với ông, và những người biết ông nhiều năm đều bảo rằng khi ông nói “mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp” thì chắc chắn mọi chuyện sẽ xảy ra đúng như ông nói.

M: Ông cũng có thể cho rằng tấm lòng của bà mẹ đã cứu đứa con. Sự việc nào cũng có vô số nguyên nhân.

H: Tôi nghe nói rằng người không muốn gì cho riêng mình thì có vô số quyền năng. Cả vũ trụ thuộc quyền sử dụng của người ấy.

M: Nếu tin như thế thì ông hãy thử xem. Từ bỏ tất cả tham ái và vận dụng tất cả năng lực có được từ sự gạt bỏ đó để thay đổi thế giới!

H: Ngay cả chư Phật và các Rishi cũng chưa hề thành công trong việc thay đổi thế giới.

M: Thế giới không chịu khuất phục trước thay đổi. Bản chất của thế giới thì đầy đau khổ và vô thường. Thấy được thế giới như chính nó là thì ông sẽ thoát khỏi mọi tham ái và lo sợ. Khi không câu thúc và ràng buộc được ông thì thế giới trở thành cõi giới của sự vui sướng và cái đẹp. Ông chỉ có thể hạnh phúc trong thế giới khi nào ông không còn bị thế giới ràng buộc.

H: Cái gì là đúng và cái gì là sai?

M: Nói chung, cái gì gây đau khổ là sai, và cái gì loại trừ được đau khổ là đúng. Thân và tâm đều hữu hạn, do đó thường xuyên bị đe dọa; vì thân và tâm cần được bảo vệ nên lo sợ khởi sinh. Bao giờ còn đồng hóa ông với thân tâm thì chắc chắn ông còn đau khổ; nhận ra sự bất tùy thuộc của ông đối với thân, tâm thì ông luôn luôn hạnh phúc. Ta cho ông biết, đây là bí quyết của hạnh phúc: Tin rằng ông tùy thuộc vào vật hay người khác để có hạnh phúc là do vô minh về bản tánh chơn thật của ông; biết được ông không cần gì để hạnh phúc, ngoại trừ sự biết rõ chính mình – là trí tuệ.

H: Cái gì có trước, hiện hữu hay tham ái?

M: Cùng với hiện hữu sinh khởi trong ý thức, những ý tưởng về cái ông là, cũng như cái ông phải là – sinh khởi trong tâm ông. Điều này đưa đến tham ái và hành động, và tiến trình trở thành bắt đầu. Như thế, rõ ràng là tiến trình trở thành không có sự bắt đầu hay kết thúc, vì nó có thể bắt đầu trở lại vào bất cứ lúc nào. Với sự chấm dứt của tưởng tượng và tham ái, tiến trình trở thành dừng lại, và hiện hữu như thế này hay hiện hữu như thế kia hội nhập vào hiện hữu thuần túy là trạng thái không thể diễn tả, mà chỉ có thể chứng nghiệm.

Đối với ông thế giới vô cùng thật, vì ông luôn luôn suy nghĩ về nó; chấm dứt suy nghĩ về nó thì nó sẽ tan biến như một màn sương mỏng. Ông không cần phải quên; khi tham ái và lo sợ chấm dứt thì ràng buộc cũng không còn. Chính sự xen vào của cảm xúc – tức là những tình huống của ưa thích và không thích mà chúng ta gọi là cá tính và tính tình – tạo ra ràng buộc.

H: Nếu không còn tham ái và lo sợ thì cái gì là động cơ của hành động?

M: Chẳng có gì là động cơ của hành động, trừ khi ông cho rằng tình yêu cuộc sống, tình yêu lẽ công bằng, tình yêu cái đẹp đủ là động cơ của hành động.

Đừng sợ tự do thoát ra khỏi tham ái và lo sợ. Chính nhờ sự tự do đó ông mới có thể sống một cuộc đời khác hẳn với tất cả những gì ông biết, ông sẽ sống một cuộc sống thật sung mãn và đầy lý thú, và, đúng thế: Bằng cách mất đi tất cả ông có tất cả.

H: Vì ông bảo Đạo tổ của ông là Đấng Rishi Dattatreya, nếu chúng tôi tin rằng ông và các tiên sư đều là tái hiện thân của Đấng Rishi thì có đúng không?

M: Ông có thể tin bất cứ gì ông thích, và nếu hành động theo sự tin tưởng của ông thì ông sẽ nhận được kết quả của nó, nhưng đối với Ta điều đó không quan trọng. Ta là cái Ta là và đối với Ta điều này đã quá đủ. Ta không hề mong muốn đồng hóa chính Ta với bất cứ ai, dù có vinh quang đến đâu. Mà Ta cũng không cảm thấy cần thiết cho thần thoại là thực tại. Ta chỉ quan tâm đến vô minh và thoát khỏi vô minh. Vai trò đúng đắn của một Đạo sư là xóa tan vô minh trong trái tim và tâm thức của môn đồ. Một khi đã hiểu, thì hành động để xác minh thuộc về chính người môn đồ. Không ai có thể hành động cho người khác. Nếu người môn đồ không hành động đúng, thì điều đó có nghĩa là người môn đồ chưa hiểu, và công việc của Đạo sư chưa hoàn tất.

H: Chắc chắn phải có những trường hợp vô vọng.

M: Chẳng có trường hợp nào là vô vọng. Chướng ngại đều có thể vượt qua. Những gì mà cuộc đời không thể cải sửa thì cái chết sẽ kết thúc, nhưng Đạo sư thì không thể thất bại.

H: Cái gì khiến ông quả quyết như thế?

M: Đạo sư và thực tại bên trong người môn đồ thật ra chỉ là một và cùng hành động cho một mục đích – cứu độ và cứu vớt tâm. Họ không thể thất bại. Từ chính những tảng đá gây chướng ngại, họ xây các cây cầu. Ý thức không phải là toàn thể của hiện hữu – có những bình diện khác mà ở đó con người hợp tác hơn rất nhiều. Vị Đạo sư quen thuộc với đủ mọi bình diện; năng lượng và kiên nhẫn của Đạo sư thì vô tận.

H: Ông luôn luôn bảo rằng tôi đang chiêm bao và đã đến lúc tôi phải tỉnh thức. Làm sao điều đó có thể xảy ra khi ông đã nhiều lần đến với tôi trong các giấc chiêm bao của tôi, nhưng không thành công trong việc làm cho tôi tỉnh thức? Ông không ngừng thúc giục và nhắc nhở, nhưng giấc chiêm bao vẫn tiếp tục.

M: Đó là vì ông chưa thật sự hiểu được ông đang chiêm bao. Lẫn lộn giữa cái thật và cái không thật là gốc rễ của ràng buộc. Trong trạng thái hiện nay của ông chỉ ý thức “Ta hiện hữu” liên quan đến thực tại, còn “Ta là gì” và “Ta là thế nào” đều là những ảo tưởng được áp đặt bởi định mệnh, hay tình cờ.

H: Giấc chiêm bao đã bắt đầu vào lúc nào?

M: Nó có vẻ như không có sự bắt đầu, nhưng thật ra nó chỉ là bây giờ. Ông làm cho giấc chiêm bao đổi mới từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Một khi thấy được mình đang chiêm bao thì ông tỉnh thức. Nhưng ông không thấy, vì ông muốn giấc chiêm bao tiếp tục. Rồi sẽ đến một ngày ông ao ước sự kết thúc của giấc chiêm bao – với tất cả trái tim và tâm thức của ông, và ông sẵn sàng trả bằng mọi giá. Cái giá mà ông sẽ trả là: Thản nhiên và xa lìa, không còn quan tâm đến chính giấc chiêm bao.

H: Tôi thật không biết xoay sở ra sao. Chừng nào giấc chiêm bao của sự tồn tại còn kéo dài thì tôi còn muốn nó tiếp tục. Và chừng nào tôi còn muốn nó tiếp tục thì nó còn kéo dài.

M: Không muốn nó tiếp tục không phải là không được. Chỉ cần thấy biết rõ ràng sự điều kiện hóa của ông, chính sự thấy biết rõ ràng sẽ giải thoát ông.

H: Khi ở gần ông, tất cả những gì ông nói đều rất rõ ràng, nhưng ngay khi xa rời ông thì tôi lại bất an và lo lắng.

M: Ông không cần phải xa lìa Ta, ít ra là trong tâm ông. Nhưng tâm ông còn mải mê với sự an nguy của thế giới!

H: Thế giới đầy những rắc rối, chẳng trách được vì sao tâm tôi đầy phiền não.

M: Liệu thế giới có bao giờ không rắc rối? Sự hiện hữu của ông trong tương trạng một con người tùy thuộc vào bạo lực đối với người khác. Ngay chính thân ông cũng là một chiến trường, đầy những chết chóc và hấp hối. Tồn tại bao hàm bạo lực.

H: Là một thân xác thì đúng. Là một con người thì chắc chắn là không. Đối với nhân loại, bất bạo lực là quy luật của sự sống và bạo lực là quy luật của cái chết.

M: Ông có nhận thấy rằng bao giờ còn có cái Ta để bảo vệ thì ông còn phải dùng đến bạo lực?

H: Tôi biết. Để thật sự là con người, tôi phải mất đi cái Ta. Chừng nào còn vị kỷ tôi mới chỉ gần là người (sub-man), một sinh vật có nhân dạng.

M: Như thế, tất cả chúng ta mới gần là người, và chỉ rất ít là người. Ít hay nhiều, một lần nữa, chỉ có “sự thấy biết rõ ràng và lòng từ ái” mới làm cho chúng ta là con người. Những sinh vật gần như người – những sinh vật có nhân dạng – bị khống chế bởi TamasRajas, còn con người thì bởi Sattva. Sự thấy biết rõ ràng và lòng từ ái là Sattva vì nó ảnh hưởng đến tâm thức và hành động. Nhưng cái thật thì ở ngoài Sattva. Từ khi biết ông, ông có vẻ như luôn luôn tìm cách cứu giúp thế giới. Tính đến nay ông đã giúp được bao nhiêu?

H: Chẳng được gì. Không những thế giới đã không thay đổi, mà cả tôi cũng không. Thế giới vẫn đau khổ và tôi cũng đau khổ với thế giới. Cưỡng chống lại đau khổ là phản ứng tự nhiên. Văn minh, văn hóa, triết học và tôn giáo là gì, nếu không phải là sự nổi loạn chống lại đau khổ? Thế xấu xa và chấm dứt sự xấu xa không phải là mối ưu tư cứu cánh của ông hay sao? Nếu ông gọi đó là vô minh – thì cũng thế.

M: Hừ, ngôn từ thì chẳng quan trọng, mà ông mang hình tướng gì bây giờ cũng chẳng quan trọng. Danh xưng và hình tướng thay đổi không ngừng. Biết được chính ông là nhân chứng bất biến của một cái tâm luôn thay đổi. Thế là đủ.

❁ ❁ ❁

98. Thoát khỏi sự đồng hóa chính mình

Maharaj: Ông ngồi trên nền nhà được chứ? Ông cần gối lót không? Ông có điều gì muốn hỏi. Nếu không hỏi, ông có thể giữ im lặng. Hiện hữu, chỉ hiện hữu là quan trọng. Ông không cần hỏi, hay làm gì. Tiêu dao thời gian một cách lười biếng hiển nhiên như kiểu này rất được coi trọng ở Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là ông hiện không bị ám ảnh bởi “cái gì kế tiếp”. Khi ông không vội vã, và tâm không còn lo lắng thì nó trở nên an tịnh, và trong sự im lặng một cái gì đó có thể được nghe, mà thường thì quá tinh vi và vi tế để có thể nhận thức được. Tâm phải rộng mở và tĩnh lặng để nghe. Điều chúng ta đang tìm cách làm ở đây là đặt tâm vào trạng thái đúng để hiểu cái gì là thật.

H: Chúng tôi buông bỏ mọi lo lắng bằng cách nào?

M: Ông chẳng cần bận tâm đến những lo lắng của ông. Chỉ hiện hữu. Đừng cố tìm cách tĩnh lặng; đừng biến “giữ im lặng” thành một công việc để thực hiện. Đừng nôn nóng để “giữ im lặng”, và cũng đừng khổ sở để “được hạnh phúc”. Chỉ biết rõ là ông hiện hữu và duy trì trạng thái đó. Đừng bảo: “Được rồi, Ta hiện hữu, kế tiếp là gì?” Trong cái “Ta hiện hữu” không có gì kế tiếp. Đó là một trạng thái phi thời.

H: Nếu nó là một trạng thái phi thời thì bằng cách này hay cách khác nó sẽ tự khẳng định.

M: Ông là cái ông là, bất kể thời gian, nhưng liệu có ích gì cho ông nếu ông không biết điều đó và không theo đó để hành động? Bình bát của ông có thể là bằng vàng ròng, nhưng nếu không biết điều đó, ông vẫn là kẻ xin ăn. Ông phải biết giá trị nội tại của ông, tin tưởng giá trị đó, và thể hiện nó trong sự buông bỏ tham ái và lo sợ hàng ngày.

H: Nếu tôi biết chính tôi, liệu tôi sẽ không còn tham ái và lo sợ?

M: Dù cho ông đã có cái nhìn mới nhưng những thói quen của tâm sẽ còn lảng vảng một thời gian, thói quen mong chờ cái biết quá khứ, lo sợ cái không biết tương lai. Bao giờ ông còn có đủ mọi ý tưởng về chính ông thì ông chỉ biết ông qua lớp màn mỏng đan dệt bằng những ý tưởng đó. Để biết chính ông như ông là, ông phải buông bỏ tất cả mọi ý tưởng. Ông không thể nghĩ tưởng ra mùi vị của nước nguyên chất mà chỉ có thể biết được nước nguyên chất bằng cách loại bỏ tất cả mùi vị ra khỏi nước.

Bao giờ còn mải mê với lối sống hiện tại của ông thì ông không thể buông bỏ nó. Sự phát hiện không thể xảy ra chừng nào ông còn bám víu vào cái quen thuộc. Chỉ khi nào nhận ra trọn vẹn nỗi đau khổ vô biên của cuộc đời và nổi loạn chống lại nó thì lúc đó lối thoát mới được tìm ra.

H: Bây giờ tôi có thể thấy được bí mật của cuộc sống vĩnh cửu là ở trong bao chiều này của sự tồn tại, mà Ấn Độ luôn luôn là người canh giữ.

M: Đó là sự bí mật công khai và luôn luôn có người sẵn lòng và sẵn sàng chia sẻ. Đạo sư thì rất nhiều, nhưng môn đồ gan dạ thì chẳng có bao nhiêu.

H: Tôi rất sẵn sàng học hỏi.

M: Học từ chương thì chưa đủ. Ông có thể biết lý thuyết, nhưng nếu không đích thân chứng nghiệm chính ông như một trung tâm của sự hiện hữu phi nhân cách và tuyệt đối, của tình yêu và cực lạc, thì kiến thức từ chương chỉ là vô ích.

H: Vậy tôi phải làm gì?

M: Tìm cách hiện hữu, chỉ hiện hữu. Từ ngữ quan trọng hơn cả là “tìm cách”. Mỗi ngày dành thời gian tĩnh tọa, và tìm cách, chỉ tìm cách, vượt ra ngoài tính cách con người với những tập nhiễm và ám ảnh của nó. Đừng hỏi bằng cách nào vì không thể giải thích được. Ông chỉ tiếp tục tìm cách cho đến khi thành công. Nếu kiên trì thì không thể thất bại. Điều quan trọng tối hậu là sự chân thành và lòng thành khẩn. Chắc chắn ông đã chán ngấy làm con người mà ông là, bây giờ đã đến lúc ông thấy được sự cần thiết cấp bách phải thoát khỏi sự đồng hóa chính mình với một mớ ký ức và thói quen. Thái độ kiên quyết chống lại những cái không cần thiết đó là bí quyết để thành công.

Xét cho cùng, ông là cái ông hiện hữu trong từng khoảnh khắc của đời ông, nhưng ông không bao giờ biết điều đó, ngoại trừ, có lẽ, chỉ vào lúc ông vừa mới ngủ dậy. Tất cả những gì ông cần là biết rõ sự hiện hữu, không phải như một phát biểu bằng ngôn từ, mà là một thực tế thường tại. Biết được ông hiện hữu sẽ cho ông thấy cái ông . Tất cả rất đơn giản. Trước tiên, tạo ra một sự tiếp xúc thường xuyên với chính ông, luôn luôn ở với chính ông. Tất cả phước báu đều tuôn chảy vào sự biết rõ chính mình. Bắt đầu bằng cách là một trung tâm quan sát, nhận thức chủ định, rồi triển khai thành một trung tâm của tình yêu trong hành động. “Ta hiện hữu” là một hạt giống nhỏ bé nhưng sẽ phát triển thành một đại thụ là điều rất tự nhiên mà không có dấu vết nào của sự cố gắng.

H: Tôi thấy trong tôi có nhiều xấu xa. Tôi không cần phải thay đổi hay sao?

M: Xấu xa chỉ là cái bóng của sự mất tỉnh thức. Trong ánh sáng của sự tỉnh thức, nó sẽ héo tàn và rơi rụng.

Mọi tùy thuộc vào người khác đều vô ích, vì cái gì người khác có thể cho thì người khác có thể lấy đi. Chỉ cái gì là của ông vào lúc đầu mới là của ông vào lúc cuối. Không chấp nhận bất cứ hướng dẫn nào, ngoại trừ từ bên trong, và, đến lúc đó ông còn phải từ bỏ tất cả ký ức vì chính ký ức sẽ lừa dối ông. Dù cho ông không biết gì về cách thức và phương tiện thì cứ vẫn giữ im lặng và nhìn vào trong; sự chỉ dẫn chắc chắn sẽ đến. Ông không bao giờ bị bỏ rơi và không biết bước kế tiếp sẽ là gì. Vấn đề là ông có thể trốn tránh bước kế tiếp. Đạo sư luôn luôn có đó để cho ông can đảm qua kinh nghiệm và thành công của chính Đạo sư. Nhưng chỉ những gì ông tìm ra bằng chính sự tỉnh thức của ông, bằng nỗ lực của chính ông thì mới vĩnh viễn thuộc quyền sử dụng của ông.

Nên nhớ rằng, không gì ông có thể nhận thức được lại là của chính ông. Không có gì đến với ông từ bên ngoài là giá trị; chỉ có sự nhận thức và hiểu biết của chính ông mới quan trọng và mang tính khám phá. Ngôn từ, dù nghe hay đọc, chỉ tạo ra những hình ảnh trong tâm, nhưng ông không phải là một hình ảnh của tâm. Ông là khả năng nhận thức và hành động ở đằng sau và bên ngoài hình ảnh.

H: Có vẻ như ông khuyên tôi hướng ngã đến độ vị kỷ. Thậm chí tôi không được quan tâm đến người khác hay sao?

M: Sự quan tâm đến người khác của ông mới là vị kỷ, tự tư tự lợi và hướng ngã. Ông chẳng hề quan tâm đến người khác vì họ là những con người mà chỉ vì họ làm cho hình ảnh ông có về chính ông thêm phong phú và cao thượng. Và điều chủ yếu trong sự vị kỷ là chỉ quan tâm đến sự bảo vệ, bảo tồn thân tướng của mình và làm cho thân tướng đó ngày càng sinh sôi nảy nở. Ta muốn nói thân tướng là tất cả những gì liên quan đến danh xưng và hình tướng của ông – gia đình, bộ tộc, đất nước và chủng tộc của ông. Ràng buộc với danh xưng và hình tướng của riêng mình là vị kỷ. Người nào biết mình không phải là thân hay tâm thì không thể nào vị kỷ, vì người đó không có gì để vị kỷ. Hoặc, ông có thể cho rằng người đó “vị kỷ” nhân danh bất cứ ai người đó gặp, vì sự an sinh của mọi người là chính sự an sinh của người đó. Nhận thức “Ta là thế giới, thế giới là chính Ta” trở nên rất tự nhiên, và, một khi nhận thức được như thế thì không thể nào vị kỷ. Vị kỷ có nghĩa là thèm muốn, chiếm hữu, tích lũy, nhân danh một phần đối với toàn thể.

H: Một người có thể có rất nhiều của cải do thừa kế, hay hôn nhân, hoặc do may mắn.

M: Nhưng nếu không giữ thật chắc thì người khác sẽ chiếm đoạt của ông.

H: Trong trạng thái hiện nay của ông, ông có thể yêu thương người khác như một con người?

M: Ta là tha nhân, tha nhân là chính Ta; tha nhân và Ta khác nhau về danh xưng và hình tướng, nhưng không có sự tách biệt. Ở tại cội nguồn của hiện hữu, chúng ta là một.

H: Thế không phải đó là như thế khi có tình yêu giữa con người?

M: Đó là như thế, nhưng con người không biết điều đó. Họ cảm nhận được sự thu hút, nhưng không biết được lý do.

H: Vì sao tình yêu lại có tính cách chọn lựa như thế?

M: Tình yêu không lựa chọn, tham ái mới lựa chọn. Trong tình yêu không có người lạ. Khi tâm điểm của lòng vị kỷ không còn nữa, mọi ham muốn lạc thú và sợ hãi đau khổ chấm dứt thì một người không còn bận tâm đến hạnh phúc; bên ngoài hạnh phúc là sự xúc cảm mãnh liệt thuần túy, là năng lượng vô tận, là trạng thái tuyệt vời chảy ra từ một cội nguồn vĩnh cửu.

H: Thế không phải tôi bắt đầu bằng cách giải quyết vấn đề về cái đúng và cái sai cho chính tôi?

M: Cái gì vui thích thì người ta cho là tốt, và cái gì đem lại đau khổ thì được cho là xấu.

H: Đúng, với những người bình thường như chúng tôi thì như thế. Còn với ông – trong cảnh giới bất nhị – thì thế nào? Theo ông, cái gì là tốt và cái gì là xấu?

M: Cái gia tăng đau khổ là xấu và cái giải trừ đau khổ là tốt.

H: Như vậy ông phủ nhận đau khổ là tốt lành. Có nhiều tôn giáo cho đau khổ là tốt lành và cao thượng.

M: Nghiệp, hay định mệnh, chỉ là sự thể hiện của một quy luật đem lại lợi ích: Xu hướng của vũ trụ thiên về sự quân bình, hài hòa và hợp nhất. Bất cứ lúc nào, bất cứ gì xảy ra bây giờ, là đều cho sự tốt lành nhất. Sự việc xảy ra có vẻ như đầy đau đớn và xấu xa như một nỗi khốn khổ đầy cay đắng và vô nghĩa, nhưng nếu xét đến cả quá khứ lẫn tương lai thì đó vẫn là cho sự tốt lành nhất – như con đường duy nhất thoát ra khỏi một tình huống đầy tai họa.

H: Có phải một người chỉ chịu đau khổ vì những tội lỗi của mình gây ra?

M: Một người đau khổ cùng với cái mà người đó nghĩ mình là. Nếu ông cảm thấy mình là một với nhân loại thì ông đau khổ cùng với nhân loại.

H: Ông tự nhận mình là một với vũ trụ, như thế sự đau khổ của ông không có giới hạn nào trong thời gian và không gian!

M: Hiện hữu là đau khổ. Phạm vi nhận dạng chính mình của Ta càng hẹp, thì sự đau khổ do tham ái và lo sợ gây ra càng sâu sắc.

H: Giáo lý Cơ đốc chấp nhận đau khổ như là sự thanh tẩy và làm cho con người trở nên cao thượng, trong khi Ấn giáo nhìn đau khổ bằng con mắt ghê tởm.

M: Cơ đốc giáo là một cách sắp xếp ngôn từ, và Ấn giáo lại là một cách khác. Cái chơn thật ở đằng sau và bên ngoài ngôn từ, không thể truyền đạt được, chỉ có thể chứng nghiệm trực tiếp, và hệ quả của nó bùng nổ trên tâm. Nếu không còn vọng cầu bất cứ gì khác thì có thể có nó một cách dễ dàng. Cái không thật do tưởng tượng tạo ra và được duy trì bởi tham ái.

H: Không thể có đau khổ nào là cần thiết và tốt lành?

M: Đau khổ tình cờ hay ngẫu nhiên thì bất khả tránh và nhất thời; còn đau khổ do cố ý, cam chịu – cho dù với chủ đích tốt lành nhất – thì vô nghĩa và tàn ác.

H: Ông không trừng phạt tội ác?

M: Trừng phạt chỉ là một tội ác khác được hợp pháp hóa. Nếu xã hội được xây dựng trên sự ngăn ngừa, thay vì trừng phạt thì có ít tội ác hơn; ngoại trừ một vài trường hợp cần được trị liệu bằng y khoa, như rối loạn thân tâm.

H: Ông có vẻ như không cần đến tôn giáo?

M: Tôn giáo là gì? Một đám mây trên trời. Ta sống trên trời, Ta không sống trong mây – tức là vô số ngôn từ được ghép lại với nhau. Bỏ đi những cái dài giòng thì cái gì còn lại? Chân lý còn lại. Ngôi nhà của Ta ở trong cái bất biến – nó có vẻ như trạng thái thương xuyên hòa hợp và hợp nhất của những cái đối nghịch. Người ta đến đây để học về cách sống đích thực trong trạng thái như thế, về những trở ngại đối với sự thể hiện của trạng thái đó, và, một khi đã nhận thức được, người ta biết cách an định nó trong ý thức, như thế sẽ không có sự va chạm giữa hiểu và sống. Tự thân trạng thái đó ở ngoài tâm và không cần phải được học. Tâm chỉ có thể chú ý đến các chướng ngại; thấy chướng ngại là chướng ngại – là đủ, vì tâm hành sử dựa vào tâm. Khởi sự bằng cách bắt đầu: Chú ý đên thực tế ông hiện hữu. Không lúc nào ông có thể nói “Ta không hiện hữu”, mà ông chỉ có thể nói “Ta không nhớ”. Ông biết rõ trí nhớ thì không đáng tin cậy. Phải nhìn nhận rằng vì mải mê với những vấn đề nhỏ nhen của con người nên ông quên mất cái mà ông là; cố lấy lại ký ức đã mất bằng cách loại bỏ tất cả những gì đã biết. Trong khi làm như thế ông không được biết trước cái gì sẽ xảy ra, hay cái xảy ra có đáng mong cầu hay không; mọi ước đoán chỉ tạo ra ảo tưởng. Trong sự tìm kiếm nội tại, sự bất ngờ là tất yếu; cái được phát hiện chắc chắn ở ngoài mọi tưởng tượng. Cũng như một đứa bé còn trong bụng mẹ không thể biết cuộc đời sau khi được sinh ra, vì nó không có bất cứ gì trong tâm để hình thành một bức tranh có giá trị, thì tâm cũng không thể dựa trên cái hư giả để nghĩ ra cái thật, ngoại trừ bằng cách phủ định: “Không phải cái này, không phải cái kia”. Nhận cái không thật là thật chính là chướng ngại, thấy cái giả là giả và loại bỏ cái giả là đem thực tại vào hiện hữu. Những trạng thái như vô cùng trong sáng, tình yêu bao la, hoàn toàn vô úy – lúc này chỉ là ngôn từ được tô thêm mầu sắc – và chỉ có thể được xem như là những gợi ý. Ông cũng giống như một người mù hy vọng được nhìn thấy sau cuộc giải phẫu mắt – với điều kiện là ông không được trốn tránh cuộc giải phẫu! Trạng thái của Ta qua ngôn từ thì hoàn toàn không quan trọng, và cả sự lệ thuộc vào ngôn từ cũng thế. Chỉ thực tế mới quan trọng.

H: Không thể có tôn giáo nếu không có ngôn từ.

M: Tất cả tôn giáo văn tự chỉ là một đống chữ nghĩa dông dài. Tôn giáo thể hiện bộ mặt thật trong hành động, trong hành động thầm lặng. Muốn biết đức tin của một người thì chỉ cần nhìn vào hành động của người đó. Đối với hầu hết mọi người, phục vụ cho thân, tâm là tôn giáo của họ. Có thể họ có những ý tưởng về tôn giáo, nhưng họ không hành động theo những ý tưởng đó mà chỉ đùa giỡn với chúng. Người ta thường rất yêu thích những ý tưởng về tôn giáo, nhưng hành động tôn giáo thì không.

H: Ngôn từ rất cần thiết cho sự truyền đạt.

M: Trao đổi thông tin – đúng. Nhưng truyền đạt thật sự giữa con người thì vô ngôn. Để thành lập và duy trì quan hệ thì phải có sự thấy biết một cách trìu mến thể hiện trong hành động trực tiếp. Không phải những gì ông nói mà những gì ông làm mới quan trọng. Ngôn từ được tâm đặt ra và chỉ có ý nghĩa trên bình diện của tâm. Từ ngữ “bánh mì” ông không thể ăn mà cũng không thể sống bằng nó; nó chỉ chuyên chở một ý tưởng.

“Bánh mì” chỉ có ý nghĩa khi nào có hành động ăn thực sự. Cũng như thế, Trạng thái Bình Thường (Normal State) mà Ta nói với ông không phải là ngôn từ, những gì mà các từ ngữ này chuyên chở thì rất ít; chỉ khi nào thân chứng, ông mới thấy được sự viên mãn và cái đẹp của nó.

Sự hữu ích của ngôn từ thì giới hạn, nhưng chúng ta không đặt ra giới hạn nào cho ngôn từ, và, vì thế chúng ta đưa chính mình đến bờ tai họa. Những ý tưởng cao cả của chúng ta phải được quân bình tương xứng bằng những hành động cao cả. Chúng ta nói về Thượng đế, Chân lý và Tình yêu, nhưng thay vì thân chứng chúng ta chỉ có các định nghĩa. Thay vì đào sâu, khơi rộng hành động thì chúng ta chỉ ghi khắc các định nghĩa, và tưởng tượng rằng chúng ta biết được cái chúng ta có thể định nghĩa!

H: Nếu không dùng ngôn từ, làm sao một người có thể truyền đạt kinh nghiệm?

M: Ngôn từ không thể truyền đạt được kinh nghiệm. Kinh nghiệm đi cùng với hành động. Một người xúc cảm mãnh liệt trong kinh nghiệm sẽ phát sinh tin tưởng và can đảm. Người khác cũng có thể hành động và đạt được kinh nghiệm từ hành động. Ngôn giáo có sự hữu ích riêng, nó chuẩn bị cho tâm xả bỏ những huân tập khỏi chính nó.

Một người đạt đến sự trưởng thành về tâm khi nhận thức được rằng tất cả những gì ở bên ngoài đều không có giá trị, và trái tim sẵn sàng buông bỏ tất cả. Lúc đó cái thật mới có cơ hội và nắm lấy. Mọi trì hoãn, nếu có, là do tâm không sẵn sàng muốn thấy, hay buông bỏ.

H: Chúng ta hoàn toàn cô độc đến thế sao?

M: Ồ không, chúng ta không cô độc đâu. Những ai có đều có thể cho. Và không thiếu người cho như thế. Tự thân thế giới là một vật cho tối thượng, được duy trì bởi sự hy sinh đầy yêu thương. Nhưng người nhận xứng đáng, trí tuệ và khiêm tốn, thì chẳng có bao nhiêu. “Hãy xin và ông sẽ được” là quy luật muôn đời.

Ông học được vô số chữ nghĩa, ông nói ra không biết bao ngôn từ. Ông biết đủ mọi thứ, nhưng ông không biết chính ông. Cái Ta không thể được biết qua ngôn từ – chỉ sự thấy biết rõ ràng qua thân chứng mới phát hiện được cái Ta. Nhìn vào trong và tìm kiếm bên trong.

H: Loại bỏ ngôn từ là điều vô cùng khó khăn. Đời sống tâm thức của con người là một giòng liên tục những ngôn từ.

M: Vấn đề không phải là dễ hay khó. Ông không có giải pháp thay thế nào khác. Hoặc là ông thử, hoặc là không. Tùy ông.

H: Tôi đã thử rất nhiều lần nhưng đều thất bại.

M: Thử nữa. Nếu ông tiếp tục thử, một cái gì đó sẽ xảy ra. Nếu không tìm cách thì ông chịu bế tắc. Hoặc là ông biết tất cả những ngôn từ đúng, viện dẫn kinh điển, xuất sắc trong tranh luận, nhưng vẫn chỉ là một cái túi đựng xương. Hoặc là ông chỉ là một người rất tầm thường, kín đáo và khiêm tốn, nhưng sáng rực với hảo tâm từ ái và trí tuệ thâm sâu.

❁ ❁ ❁

99. Cái được nhận thức không thể là người nhận thức

Hỏi: Tôi hiện đi khắp nơi, tìm hiểu nhiều môn phái Yoga khác nhau để thực hành, nhưng đến nay vẫn không thể quyết định môn phái nào thích hợp nhất cho tôi. Tôi rất biết ơn nếu được ông chỉ bảo một lời khuyên đúng đắn. Kết quả của sự tìm kiếm này làm tôi ngao ngán ý tưởng đi tìm chân lý, vì theo tôi nó vừa không cần thiết vừa rắc rối. Cuộc sống thú vị như nó là, và tôi thấy không có lý do gì để làm cho nó tốt đẹp hơn.

Maharaj: Cứ tự nhiên ở trong trạng thái hài lòng của ông, nhưng liệu được bao lâu. Tuổi trẻ, sinh lực, tiền của đều trôi qua nhanh hơn ông tưởng. Đau khổ – cho đến nay vẫn được tránh né – sẽ đuổi theo ông. Nếu muốn vượt lên khỏi đau khổ ông phải đón tiếp nó và ôm ấp nó. Từ bỏ mọi thói quen và sự lệ thuộc, sống một cuộc sống bình dị và điều độ, đừng gây đau khổ cho một sinh vật nào – đó là nền tảng của Yoga. Muốn tìm thấy thực tại ông phải thành thật trong từng hành vi nhỏ nhặt nhất của đời sống thường ngày. Không thể nào có dối trá trong việc đi tìm chân lý. Ông nói cuộc đời ông thật thú vị. Có thể là thế – như lúc này. Nhưng ai là người thọ dụng nó?

H: Thú thật là tôi không biết người thọ dụng lẫn cái được thọ dụng. Tôi chỉ biết sự thọ dụng.

M: Rất đúng. Nhưng thọ dụng là một trạng thái của tâm – nó đến rồi đi. Chính tính cách vô thường của nó làm cho nó có thể nhận thức được. Ông không thể ý thức về cái không thay đổi. Tất cả ý thức là ý thức về sự thay đổi. Nhưng chính nhận thức về sự thay đổi – không phải nó cần phải có một hậu cảnh bất biến?

H: Hoàn toàn không. Ký ức về trạng thái trước đó – được so sánh với hiện thực của trạng thái hiện tại tạo ra kinh nghiệm về sự thay đổi.

M: Giữa cái được nhớ và hiện thực có một khác biệt căn bản, có thể quan sát được từ lúc này sang lúc khác. Không vào bất cứ thời điểm nào, hiện thực lại là cái được nhớ. Giữa hiện thực và cái được nhớ có sự khác biệt về tính chất, không phải chỉ đơn thuần về cường độ. Hiện thực thì hiển nhiên là như thế. Ông không thể hoán chuyển hiện thực với cái được ghi nhớ bằng bất cứ cố gắng nào của ý chí hay tưởng tượng. Thế nào, cái gì ban cho hiện thực đặc tính độc nhất vô nhị này?

H: Hiện thực thì thật, trong khi có rất nhiều bất định về cái được nhớ.

M: Đúng thế, nhưng tại sao? Mới khoảnh khắc trước đây cái được nhớ là hiện thực, và chỉ trong khoảnh khắc hiện thực sẽ là cái được nhớ. Cái gì làm cho hiện thực là độc nhất vô nhị? Chính ý thức về sự có mặt của ông. Trong ký ức và mong đợi có một nhận thức rất rõ rằng đó là một trạng thái của tâm đang được quan sát, còn trong hiện thực nhận thức trước tiên là: Có mặt và biết.

H: Vâng, tôi thấy điều đó. Chính sự biết tạo ra khác biệt giữa hiện thực và cái được ghi nhớ. Một người nghĩ về quá khứ hay nghĩ đến tương lai, nhưng có mặt trong cái bây giờ.

M: Dù đi đến bất cứ đâu, ông luôn luôn đem theo ý thức ở đây và bây giờ. Điều này có nghĩa là ông không tùy thuộc vào không gian và thời gian, hay nói cách khác thời gian và không gian ở trong ông – ông không ở trong thời gian và không gian. Chính sự đồng hóa cái Ta của ông với thân xác – dĩ nhiên, là cái giới hạn trong không gian và thời gian – tạo cho ông cái cảm giác hữu hạn. Trong thực tế, ông là vô hạn và vĩnh cửu.

H: Làm sao tôi biết được cái Ta vô hạn và vĩnh cửu này của tôi?

M: Cái Ta mà ông muốn biết đó, có phải là một cái Ta thứ hai nào đó chăng? Ông được tạo thành bởi nhiều cái Ta? Rõ ràng, chỉ có một cái Ta, và ông là cái Ta đó. Cái Ta mà ông là cái Ta duy nhất có. Tháo gỡ và từ bỏ tất cả những ý tưởng sai lầm ông có về chính ông thì cái Ta hiển hiện, với tất cả vẻ huy hoàng của nó. Chính tâm ông ngăn che sự thấy biết chính ông.

H: Làm sao đoạn trừ tâm? Liệu có thể có cuộc sống không tâm trên bình diện con người?

M: Không hề có cái như tâm. Chỉ có các ý nghĩ mà một số là sai lầm. Từ bỏ những ý nghĩ sai lầm, vì chúng là hư giả và ngăn che cái nhìn của ông về chính ông.

H: Ý nghĩ nào là đúng và ý nghĩ nào là sai?

M: Khẳng định thì thường sai lầm, còn phủ định thì đúng.

H: Một người không thể sống bằng cách phủ định tất cả!

M: Chỉ bằng cách phủ định một người mới có thể sống. Khẳng định là ràng buộc. Nghi vấn và phủ định là cần thiết. Nó chính là điều kiện quan yếu của sự nổi loạn, và nếu không nổi loạn thì không có tự do.

Không hề có cái Ta thứ hai, hay cái Ta siêu việt nào để tìm kiếm. Ông là cái Ta siêu việt, chỉ cần từ bỏ tất cả những ý nghĩ sai lầm ông có về chính ông. Cả sự tin tưởng lẫn lý trí đều cho ông thấy rằng ông không phải là thân, hay những tham ái và lo sợ của thân. Mà ông cũng chẳng phải là tâm với những ý tưởng hoang đường của tâm, hay ông là cái vai trò mà xã hội bắt ông phải đóng, con người ông bị đòi hỏi phải là. Loại trừ cái hư giả, cái chơn thật sẽ tự đến.

Ông nói ông muốn biết cái Ta của ông. Ông là cái Ta của ông – ông không thể là bất cứ gì khác ngoại trừ cái mà ông là. Liệu biết có tách biệt với hiện hữu? Bất cứ gì ông có thể biết bằng tâm của ông đều thuộc về tâm, mà không thuộc về ông. Ông chỉ có thể nói về ông như: “Ta hiện hữu, Ta biết, Ta thích điều đó”.

H: Tôi nhận thấy sống là một trạng thái đầy đau khổ.

M: Ông không thể sống vì ông là chính sự sống. Chính con người mà ông tưởng tượng là ông đau khổ, chứ không phải ông. Hãy làm cho con người đó biến mất trong sự tỉnh thức. Con người chỉ là một mớ ký ức và thói quen. Giữa sự thấy biết về cái không thật và sự thấy biết về bản tánh chơn thật của ông là một hố thẳm, nhưng một khi quán triệt diệu thuật của sự thấy biết thuần túy ông vẫn có thể vượt qua dễ dàng.

H: Tôi chỉ biết là tôi không biết chính tôi.

M: Làm sao ông biết là ông không biết chính cái Ta của ông? Sự sáng suốt trực tiếp của ông cho ông biết rằng ông biết chính ông trước tiên, vì không có gì tồn tại đối với ông nếu không có ông ở đó để kinh nghiệm sự tồn tại của nó. Ông tưởng tượng ông không biết cái Ta của ông, vì ông không thể mô tả cái Ta của ông. Ông luôn luôn có thể nói: “Ta biết Ta hiện hữu”, và bác bỏ phát biểu “Ta không hiện hữu” vì không đúng. Tuy nhiên, bất cứ gì có thể mô tả được đều không phải là cái Ta của ông, và cái mà ông là thì không thể mô tả được. Ông chỉ có thể biết cái Ta của ông bằng cách chính ông mà không có bất cứ cố gắng nào nhằm định nghĩa chính mình và mô tả chính mình. Một khi hiểu được ông không là gì có thể nhận thức được hay có thể tưởng tượng được, bất cứ gì xuất hiện trong phạm trù ý thức đều không thể là cái Ta của ông – thì ông sẽ dùng chính ông để loại trừ mọi sự đồng hóa chính mình như là một phương cách duy nhất khả dĩ đưa ông đến sự nhận thức sâu sắc hơn về cái Ta của ông. Ông tiến tới một cách đơn giản bằng sự tống ra – như một hỏa tiễn. Biết được ông không ở trong thân hay trong tâm, mặc dù ông biết rõ cả hai, đã là biết rõ chính mình.

H: Nếu tôi không phải là thân hay tâm, làm sao tôi biết cả hai? Làm sao tôi có thể nhận thức một cái gì đó hoàn toàn xa lạ với chính tôi?

M: “Không có gì là ta” là bước đầu tiên. “Mọi thứ đều là ta” là bước kế tiếp. Cả hai đều treo trên ý tưởng: “Có một thế giới”. Khi cả ý tưởng này cũng bị loại bỏ thì còn lại cái mà ông là: cái Ta phi đối đãi. Ông là ngay đây và bây giờ, nhưng sự thấy biết của ông bị ngăn che bởi những ý tưởng sai lầm về chính cái Ta của ông.

H: Đúng. Tôi nhìn nhận rằng tôi hiện hữu, tôi đã hiện hữu, và tôi sẽ hiện hữu – ít ra là từ lúc sinh ra cho đến khi chết. Tôi không hoài nghi về sự hiện hữu của tôi, ngay đây và bây giờ. Nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ. Cuộc đời tôi vắng thiếu an vui phát sinh từ sự hài hòa giữa bên trong và bên ngoài. Nếu chỉ có tôi hiện hữu, còn thế giới đơn thuần là phóng ảnh của tôi thì tại sao lại có sự bất tương hợp?

M: Chính ông tạo ra sự bất tương hợp rồi kêu ca! Khi ông tham ái, lo sợ, và đồng hóa chính ông với cảm thọ của ông tức là ông tạo ra đau khổ và ràng buộc. Khi ông sáng tạo – với tình yêu và trí tuệ – và vẫn không bị trói buộc vào những gì ông tạo ra thì kết quả là hài hòa và an lạc. Nhưng dù điều kiện của tâm có thế nào, thì làm sao nó có thể tác động được ông? Chỉ có sự đồng hóa chính ông với tâm ông mới làm cho ông vui mừng hay đau khổ. Nổi loạn chống lại sự lệ thuộc của ông vào tâm, thấy được những ràng buộc của ông là do ông tạo ra, rồi bẽ gẫy những mắt xích của sự ràng buộc và giải thoát. Luôn giữ trong tâm cứu cánh tự do cho đến khi nó bừng nở trong ông thì lúc đó ông đã hoàn toàn tự do. Tự do đó không phải một cái gì trong tương lai xa xôi khiến ông phải trần lao tìm kiếm, mà nó lúc nào cũng là của ông để ông sử dụng! Giải thoát không phải là một sự thụ đắc mà là một thái độ can đảm, can đảm tin rằng ông đã tự do, và hãy hành động dựa trên sự tin tưởng đó.

H: Nếu cứ hành động theo ý tôi thì tôi sẽ đau khổ.

M: Ấy thế mà ông tự do. Hậu quả của các hành động ông làm tùy thuộc vào xã hội mà trong đó ông sống, cùng với những quy ước của nó.

H: Tôi có thể hành động thiếu thận trọng.

M: Cùng với lòng can đảm sẽ xuất hiện trí tuệ và từ bi, cùng kỹ năng trong hành động. Ông sẽ biết phải làm gì, và bất cứ gì ông làm đều lợi lạc cho tất cả.

H: Tôi nhận thấy nhiều phương diện của chính tôi xung đột lẫn nhau và trong tôi không hề có an lạc. Tự do và can đảm, trí tuệ và từ bi ở chỗ nào? Mọi hành động của tôi chỉ đào sâu thêm cái hố thẳm mà trong đó tôi tồn tại.

M: Ông cảm thấy như thế vì ông cho mình là một ai đó, hay một cái gì đó. Dừng lại, quan sát, tìm hiểu, và đặt những câu hỏi đúng, đi đến những kết luận đúng và can đảm hành động theo những kết luận đó rồi xem chuyện gì xảy ra. Những bước đầu tiên có thể làm cho ông hụt hẫng, nhưng rồi sự rối loạn sẽ qua đi và an lạc xuất hiện. Ông biết rất nhiều về chính ông, còn người biết thì ông không biết. Tìm ra ông là ai – người biết của cái bị biết. Kiên trì quan sát bên trong, luôn luôn nhớ rằng những gì được nhận thức đều không phải là người nhận thức. Bất cứ gì ông thấy, nghe, hay nghĩ tưởng đến, thì nên nhớ rằng ông không phải cái đang xảy ra, mà ông là người biết nó xảy ra. Lặn sâu vào trong ý thức “Ta hiện hữu” và chắc chắn ông sẽ khám phá ra trung tâm nhận thức mang tính vũ trụ, tính vũ trụ ấy cũng như ánh sáng soi sáng thế giới. Tất cả những gì xảy ra trong vũ trụ đều xảy ra đối với ông – nhân chứng thầm lặng. Ngược lại, bất cứ gì được thực hiện đều được thực hiện bởi chính ông, nguồn năng lượng vũ trụ và vô tận.

H: Khi nghe nói mình là nhân chứng thầm lặng, là năng lượng vũ trụ thì hiển nhiên ai cũng phấn khởi. Nhưng làm sao từ một phát biểu mang tính ngôn từ một người có thể đạt được cái biết trực tiếp? Nghe suông không có nghĩa là biết.

M: Trước khi có thể biết một cái gì đó trực tiếp, không có sự can thiệp của ngôn từ thì ông phải biết người biết. Cho đến bây giờ ông vẫn xem tâm là người biết, nhưng thật ra không phải thế. Tâm làm cho ông u mê bằng những hình ảnh và ý nghĩ, để lại những vết hằn trong ký ức. Ông cho những gì được ghi nhớ là cái biết. Cái biết thực sự thì luôn luôn tươi, mới, và bất ngờ. Nó dâng trào từ bên trong. Khi ông biết cái ông thì ông cũng cái ông biết. Giữa biết và hiện hữu không hề có khoảng trống.

H: Tôi chỉ có thể biết tâm bằng tâm.

M: Bằng mọi cách, hãy dùng tâm ông để biết tâm ông. Điều đó hoàn toàn hợp lý và cũng là sự chuẩn bị tốt nhất để ra khỏi tâm. Hiện hữu, biết và hưởng dụng đều là của ông. Điều này rất dễ vì ý thức “Ta hiện hữu” luôn luôn ở với ông. Rồi gặp chính ông là người biết, tách biệt với cái bị biết. Một khi biết được chính ông là sự hiện hữu thuần túy thì niềm vui sướng tự do là của chính ông.

H: Đây là pháp môn Yoga gì?

M: Việc gì phải bận tâm? Lý do khiến ông đến đây là ông không bằng lòng với cuộc sống mà ông biết nó, cuộc sống của thân ông và tâm ông. Ông có thể tìm cách làm cho tâm và thân ông tốt đẹp hơn bằng cách điều ngự và uốn nắn chúng theo một lý tưởng nào đó, hoặc là ông cắt bỏ hoàn toàn cái gút mắc của sự đồng hóa chính mình, và quan sát thân và tâm ông như là một cái gì đó đang xảy ra nhưng không có cách nào ràng buộc được ông.

H: Tôi có thể gọi con đường điều ngự và tu tập là Raja Yoga, con đường của sự thoát ly là Gnana Yoga, và sự tôn thờ một lý tưởng là Bhakti Yoga?

M: Ông muốn gọi cách gì thì túy ý. Ngôn từ chỉ là biểu thị nhưng không giải thích. Điều Ta chỉ giáo là phương cách giải thoát cổ đại và đơn giản nhất – thông qua sự hiểu biết. Hiểu rõ tâm ông thì sự bám víu của nó vào ông sẽ tuột ra. Tâm hiểu biết sai lầm, hiểu biết sai lầm chính là bản chất của tâm. Hiểu biết đúng là cách trị liệu duy nhất, dù ông gọi nó bằng bất cứ danh xưng gì. Đó là phương cách cổ điển nhất và cũng là hiện đại nhất, vì nó giải quyết tâm như chính tâm là.

Không gì ông làm sẽ thay đổi được ông, vì ông chẳng cần thay đổi. Ông có thể thay đổi thân, tâm ông, nhưng luôn luôn vẫn là cái gì đó bên ngoài ông thay đổi, chứ không phải ông. Việc gì phải bận tâm thay đổi? Chỉ cần nhận ra một lần và vĩnh viễn rằng không phải thân, hay tâm ông, mà thậm chí cũng không phải ý thức của ông là chính ông thì ông sẽ đứng riêng một mình trong bản tánh chơn thật của ông bên ngoài cả ý thức lẫn vô thức. Không một cố gắng nào – mà chỉ có sự hiểu biết rõ ràng – mới có thể đưa ông đến đó. Truy nguyên những hiểu biết sai lầm của ông và loại bỏ chúng, tất cả chỉ có thế. Chẳng có gì để kiếm và phát hiện, vì không có gì bị mất. Hãy an nhiên và quan sát cái “Ta hiện hữu”. Giữ an tịnh, tĩnh lặng; thực tại sẽ nổi lên, hay đúng hơn là nó sẽ đem ông vào.

H: Thế không phải trước tiên tôi phải loại bỏ thân và tâm?

M: Ông không thể, vì ngay chính ý tưởng đó ràng buộc ông với thân và tâm. Chỉ cần hiểu và đừng chú ý đến chúng nữa.

H: Tôi không thể không chú ý vì tôi đã hợp nhất được đâu?

M: Cứ tưởng tượng ông đã hợp nhất trọn vẹn, ý nghĩ và hành động của ông hoàn toàn phối hợp. Điều đó sẽ giúp gì cho ông? Nó không giải thoát được ông ra khỏi sự nhận lầm chính ông là thân hay tâm. Mà nó giúp ông thấy một cách chính xác rằng tâm và thân “không phải ông”. Chỉ thế thôi.

H: Ông muốn tôi nhớ để quên?

M: Phải, có vẻ là như thế. Nhưng không phải là không thể. Ông có thể làm được. Hãy bắt đầu một cách thành khẩn. Sự mò mẫm chập choạng của ông đầy hứa hẹn. Chính sự tìm kiếm của ông là sự khám phá. Ông không thể thất bại.

H: Vì chúng ta phân hóa nên mới đau khổ.

M: Chúng ta còn đau khổ khi nào ý nghĩ và hành động của chúng ta còn bị thôi thúc bởi tham ái và lo sợ. Thấy được sự vô ích của tham ái và lo sợ thì nguy hiểm và hỗn loạn mà chúng tạo ra sẽ lắng xuống. Đừng tìm cách thay đổi chính ông, chỉ cần thấy được sự vô ích của mọi thay đổi. Cái thay đổi vẫn tiếp tục thay đổi trong khi cái không thay đổi lúc nào cũng đợi chờ. Đừng mong đợi cái luôn luôn biến dịch đưa ông đến với cái bất biến – điều này không bao giờ xảy ra. Chỉ khi nào thấy được chính ý nghĩ về sự thay đổi là sai lầm và từ bỏ nó thì cái không thay đổi mới có thể xuất hiện ở đúng chỗ của nó.

H: Đi đến đâu ai cũng bảo tôi rằng tôi cần phải thay đổi thật sâu sắc trước khi có thể thấy cái chơn thật. Tiến trình thay đổi có chủ đích và áp đặt cho chính mình được gọi là Yoga.

M: Mọi thay đổi chỉ tác động được tâm. Muốn là cái ông là – ông phải vượt ra ngoài tâm để vào sự hiện hữu của chính ông. Cái tâm mà ông để lại phía sau là gì thì chẳng quan trọng, điều quan trọng là ông để lại nó phía sau vĩnh viễn. Điều này, một lần nữa, là bất khả nếu không có sự giác ngộ chính mình.

H: Cái gì xảy ra trước? Từ bỏ tâm, hay, giác ngộ chính mình?

M: Giác ngộ chính mình chắc chắn phải xảy ra trước. Tâm không thể tự vượt ra khỏi chính nó. Nó phải bùng nổ.

H: Không có sự khám phá trước khi có sự bùng nổ?

M: Năng lượng gây nổ phát ra từ cái chơn thật, nhưng ông phải chuẩn bị tâm sẵn sàng cho vụ nổ. Lo sợ luôn luôn trì hoãn nó cho đến khi một cơ hội khác xuất hiện.

H: Tôi cứ tưởng cơ hội luôn luôn có sẵn.

M: Trong lý thuyết thì đúng. Trong thực tế một tình huống phải xảy ra khi hội đủ tất cả các yếu tố cần thiết cho sự giác ngộ chính mình. Tuy nhiên, đừng nản chí. Sự an trú trong thực tế “Ta hiện hữu” sẽ tạo cho ông cơ hội khác. Vì, thái độ thu hút cơ hội. Tất cả những gì ông biết đều là gián tiếp. Chỉ “Ta hiện hữu” là trực tiếp và chẳng cần đến bằng chứng. Hãy ở với cái “Ta hiện hữu”.

❁ ❁ ❁

100. Hiểu đưa đến Tự do

Hỏi: Chuyên viên thẩm vấn ở nhiều nước trên thế giới đều có những thủ thuật buộc nạn nhân của họ thú tội, và nếu cần, họ có thể biến đổi cả nhân cách của người đó. Bằng những hành hạ thể xác cũng như tinh thần có tính toán và chọn lựa, hoặc bằng sự thuyết phục họ có thể tiêu diệt nhân cách cũ của nạn nhân và thay thế bằng một nhân cách mới. Người bị thẩm vấn nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần rằng hắn là kẻ thù của nhà nước, là tên phản bội tổ quốc, rồi đến một ngày nào đó trong hắn có sự thay đổi, rồi hắn bắt đầu cảm thấy – với tất cả sự tin tưởng – rằng mình là tên phản bội, là kẻ nổi loạn hoàn toàn đáng khinh, và đáng bị trừng trị thật khắt khe. Tiến trình này được gọi là tẩy não.

Tôi bàng hoàng khi nhận thấy nhiều phương pháp thực hành của các tôn giáo và Yoga rất giống với tiến trình tẩy não này. Cũng hành hạ thể xác và tinh thần, biệt cư trong cô độc, mặc cảm tội lỗi mãnh liệt, tuyệt vọng, và một ý muốn đào thoát bằng sự chuộc tội và hoán cải, chấp nhận một hình ảnh mới về chính mình và biến mình thành hình ảnh đó. Cũng sự lập lại một số công thức: “Thượng đế là đấng trọn lành; Đạo sư là người biết; Đức tin sẽ cứu rỗi ta”. Trong cái gọi là tu tập Yoga hay tôn giáo, cùng một bộ máy tẩy não đó hoạt động. Tâm được làm cho tập trung vào một ý tưởng nhất định để loại trừ những ý tưởng khác, và sự tập trung được củng cố mãnh liệt bằng những kỷ luật nghiêm khắc và sự hành xác thật đau đớn. Người thực hành một phương pháp tu tập nào đó đã trả một cái giá rất cao bằng chính cuộc sống và hạnh phúc của mình, và để bù lại những gì người đó nhận được phải vô cùng quan trọng. Sự hoán cải được sắp đặt trước này – dù nói ra hay không nói ra, tôn giáo hay chính trị, đạo đức hay xã hội – có vẻ như thật và lâu bền, nhưng vẫn có một cái gì giả tạo trong đó.

Maharaj: Ông nói rất đúng. Trải qua những đối xử tàn nhẫn, tâm trở nên lệch lạc và bị tê liệt. Tình trạng của tâm trở nên rất nguy kịch, và dù tâm có cam kết một cái gì đi nữa thì kết quả cũng chỉ thêm ràng buộc.

H: Vậy các phương pháp tu tập – Sadhana – được đặt ra để làm gì?

M: Nếu không thực hiện những cố gắng phi thường thì không thể cho rằng cố gắng sẽ không đưa ông đến đâu. Cái Ta quá tin vào chính nó; nếu không làm cho nó hoàn toàn thối chí thì nó sẽ không bỏ cuộc. Tin tưởng suông bằng lời lẽ chưa đủ. Chỉ thực tế cụ thể mới cho thấy hình ảnh của chính mình là cái không tuyệt đối (absolute nothingness).

H: Tẩy não làm cho tôi điên loạn, còn Đạo sư làm cho tôi sáng ý. Hành vi thì tương tự nhưng động cơ và mục đích thì hoàn toàn khác. Những điểm tương đồng có lẽ chỉ là ngôn từ.

M: Khuyến khích, hay cưỡng bức phải chịu đau khổ hàm chứa bạo lực, và quả của bạo lực thì không thể nào ngọt.

Trong đời có những hoàn cảnh đau khổ hiển nhiên, nhưng ông vẫn phải chấp nhận một cách bình thản. Cũng có những tình huống do ông tạo ra, vì cố tình hay vô ý. Và ông học từ tình huống đó để sự tái diễn không xảy ra.

H: Hình như con người phải đau khổ, như thế chúng ta phải học cách khắc phục đau khổ.

M: Đau khổ cần phải được chịu đựng. Không hề có cái như là khắc phục đau khổ, và cũng chẳng cần phải luyện tập. Luyện tập là cho tương lai, rèn luyện thái độ là dấu hiệu của sợ hãi.

H: Khi biết cách đối diện đau khổ, tôi không còn đau khổ, không sợ đau khổ, và do đó tôi hạnh phúc. Điều này cũng xảy ra tương tự với một tù nhân. Tên tù chấp nhận hình phạt là công bằng và thích đáng, do đó hắn không chống lại bọn cai tù và Nhà nước. Tất cả các tôn giáo chẳng làm gì khác hơn ngoài việc rao giảng sự chấp nhận và quy thuận. Chúng tôi được khuyến khích nhận tội, chịu trách nhiệm về tất cả những xấu xa trên thế giới, và nhận chính mình là nguyên nhân duy nhất của những xấu xa đó. Vấn đề của tôi là: Tôi không thấy có gì khác biệt giữa tẩy não và tu tập – Sadhana, ngoại trừ một điều là trong Sadhana người ta không bị bức chế về thể xác. Tuy nhiên, yếu tố ám thị cưỡng bức vẫn có mặt trong cả hai.

M: Như ông đã nói, sự tương đồng chỉ là ở bề ngoài, thế thì cần gì phải nói đi nói lại về điều này?

H: Thưa ông, sự tương đồng không phải chỉ là ở bề ngoài. Con người là một sự hiện hữu phức tạp, cùng một lúc hắn vừa là người buộc tội, vừa là kẻ bị buộc tội, vừa là quan tòa, vừa là cai tù, và vừa là kẻ xử tội. Hầu như không có gì là tự nguyện trong pháp môn tự nguyện – Sadhana. Một người bị sai sử bởi những động lực ngoài sự hiểu biết và kiểm soát của chính mình. Bằng những cố gắng gian khổ và kéo dài, tôi có thể chuyển hóa đôi chút tâm lý và vật lý – và đó là Yoga. Tôi muốn biết ông có đồng ý với tôi rằng Yoga hàm ý bạo lực?

M: Ta đồng ý rằng Yoga – theo sự trình bày của ông – có nghĩa là bạo lực, và Ta không hề biện hộ cho bất cứ hình thức bạo lực nào. Con đường của Ta hoàn toàn bất bạo lực. Ta hàm ý chính xác điều Ta nói: Bất bạo lực. Hãy tìm ra cho chính ông xem đó là cái gì. Ta chỉ nói: Nó là bất bạo lực.

H: Tôi không dùng sai ngôn từ đâu. Khi một Đạo sư bảo tôi thiền quán mười sáu tiếng đồng hồ một ngày và suốt đời, thì tôi không thể làm như thế mà không cực kỳ thô bạo với chính tôi. Như thế Đạo sư đúng hay sai?

M: Không gì có thể buộc ông thiền quán mười sáu tiếng một ngày, trừ khi ông cảm thấy muốn làm như thế. Đó chỉ là một cách nói cho ông biết: “Hãy an trú với chính ông, đừng đánh mất ông trong những cái khác”. Vị Đạo sư sẵn sàng chờ đợi, nhưng tâm thì không đủ kiên nhẫn.

Không phải vị Đạo sư, mà chính tâm thô bạo và sợ hãi sự thô bạo của chính nó. Cái gì thuộc về tâm thì tương đối; tìm cách biến nó thành cái tuyệt đối là một sai lầm.

H: Nếu tôi cứ thụ động thì chẳng có gì thay đổi. Nếu tôi năng động thì không thể tránh khỏi thô bạo. Liệu tôi có thể làm cái gì mà không vô ích mà cũng không thô bạo?

M: Dĩ nhiên, có một cách không vô ích mà cũng không thô bạo nhưng vô cùng hữu hiệu. Chỉ quan sát chính ông như ông là, thấy chính ông như ông là, chấp nhận chính ông như ông là, và đi sâu hơn vào cái ông là. Bạo lực hay bất bạo lực chỉ mô tả thái độ của ông với người khác; cái Ta trong tương quan với chính nó thì không bạo lực mà cũng chẳng bất bạo lực – hoặc là nó biết chính nó, hoặc là nó không biết chính nó. Nếu nó biết chính nó thì tất cả những gì nó làm đều đúng; nếu nó không biết chính nó thì tất cả những gì nó làm đều sai.

H: Ông bảo tôi biết chính tôi như tôi là, nghĩa là thế nào?

M: Trước khi có tâm thì đã có “Ta hiện hữu”. “Ta hiện hữu” không phải là một ý nghĩ trong tâm. Tâm xảy ra đối với Ta, Ta không xảy ra đối với tâm. Thời gian và không gian ở trong tâm, còn Ta ở ngoài thời gian và không gian, thường hằng và hiện diện khắp nơi.

H: Ông nghiêm túc đấy chứ? Ông thật sự muốn nói rằng ông tồn tại khắp nơi và trong mọi lúc?

M: Phải, đúng thế. Đối với Ta điều đó hiển nhiên cũng như sự tự do di chuyển đối với ông. Thử tưởng tượng cái cây hỏi con khỉ: “Ông thật sự nghiêm túc khi nói rằng ông có thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác?” Và con khỉ trả lời: “Phải, đúng thế”.

H: Và ông cũng ở ngoài mọi tương quan nhân quả? Ông có thể làm được phép lạ?

M: Tự thân thế giới là một phép lạ. Ta ở ngoài mọi phép lạ – Ta tuyệt đối bình thường. Đối với Ta mọi thứ xảy ra như chúng phải xảy ra. Ta không can thiệp bằng sự tạo tác. Những phép lạ cỏn con có ích lợi gì đối với Ta trong khi phép lạ vĩ đại nhất lúc nào cũng đang xảy ra? Đi sâu hơn nữa vào trong chính ông, tìm kiếm bên trong, không hề có bạo lực hay bất bạo lực trong sự khám phá chính mình. Hủy diệt cái hư giả thì không phải bạo lực.

H: Khi thực hành sự tìm hiểu chính mình, hay đi vào bên trong, với ý nghĩ tôi sẽ được lợi lạc không bằng cách này thì cũng cách khác, như thế tôi vẫn chạy trốn cái tôi là.

M: Rất đúng. Sự tìm hiểu chơn thật bao giờ cũng vào trong một cái gì đó, chứ không phải ra khỏi một cái gì đó. Khi tìm hiểu làm sao để được, hay tránh một cái gì đó thì Ta không thật sự tìm hiểu. Muốn biết bất cứ gì, Ta phải chấp nhận nó – hoàn toàn.

H: Vâng, muốn biết Thượng đế tôi phải chấp nhận Thượng đế – khủng khiếp quá!

M: Trước khi chấp nhận Thượng đế, ông phải chấp nhận chính ông, điều đó còn khủng khiếp hơn nữa. Những bước đầu tiên trong sự chấp nhận chính mình thì chẳng thích thú chút nào, vì những gì ông thấy không phải là cảnh hạnh phúc. Ông cần tất cả can đảm để đi xa hơn. Giúp ông là sự im lặng. Hãy quan sát chính ông trong sự im lặng hoàn toàn, đừng tìm cách mô tả ông. Nhìn vào sự hiện hữu mà ông tin vào ông, và nhớ rằng những gì ông thấy đều không phải là ông. “Ta không là cái này – Ta là gì?” là hành vi tìm hiểu chính mình. Không có phương tiện nào khác để giải thoát, mọi phương tiện đều trì hoãn. Kiên quyết bác bỏ cái không phải là ông cho đến khi cái Ta thật hiện ra trong sự trống không tuyệt vời của nó, cái “vô nhất vật” – not-a-thing – của nó.

H: Thế giới trải qua những thay đổi nhanh chóng và quan trọng. Mặc dù thay đổi cũng xảy ra ở các nước khác nhưng có thể thấy rõ hơn ở Mỹ. Một mặt là sự gia tăng của tội ác, và một mặt là những sự thiêng liêng thật sự. Nhiều cộng đồng đang được thành lập, và một số có trình độ rất cao về hạnh liêm chính và khắc khổ. Có vẻ như cái ác đang tự hủy diệt bằng chính những thành tựu của nó, giống như ngọn lửa tiêu thụ nhiên liệu của nó, trong khi cái thiện – giống như sự sống – làm cho chính nó trường tồn.

M: Bao giờ còn phân chia sự kiện thành thiện và các thì có thể là ông đúng. Thật ra, cái thiện trở thành ác, và cái ác trở thành thiện bằng chính sự thỏa mãn nó.

H: Thế còn tình yêu?

M: Khi trở thành dục vọng thì tình yêu hủy diệt.

H: Dục vọng là gì?

M: Nhớ – tưởng tượng – mong chờ. Nó thuộc về cảm giác và ngôn từ. Một hình thức của sự mê đắm.

H: Có phải Brahmacharya – diệt dục – là tất yếu trong Yoga?

M: Sống trong kiềm chế và trấn áp thì không phải Yoga. Tâm phải hoàn toàn không còn tham ái và thanh thản. Điều đó đến với sự hiểu rõ, chứ không phải bằng sự quyết tâm, tức là một hình thức khác của ký ức. Một cái tâm hiểu thì không còn tham ái và lo sợ.

H: Tôi có thể làm cho tôi hiểu bằng cách nào?

M: Bằng cách thiền quán, có nghĩa là chú ý. Hoàn toàn biết rõ vấn đề của chính ông, quan sát từ mọi khía cạnh, xem nó tác động đến cuộc sống của ông như thế nào. Rồi mặc kệ nó. Ông không thể làm gì hơn được.

H: Liệu điều đó có giải thoát tôi?

M: Ông thoát khỏi những gì ông đã hiểu. Những thể hiện bề ngoài của tự do có thể cần đến thời gian để xuất hiện, nhưng chúng luôn luôn có đó. Đừng mong đợi sự toàn hảo. Không hề có toàn hảo trong sự thị hiện. Các chi tiết chắc chắn phải va chạm. Không một vấn đề nào có thể được giải quyết rốt ráo, nhưng ông có thể thoát ra khỏi nó, đến một bình diện mà ở đó nó không hoạt động.

❁ ❁ ❁

101. Người giác ngộ không nắm bắt mà cũng không chấp thủ

Hỏi: Bậc giác ngộ – Gnani – hành động như thế nào khi cần thực hiện một điều gì đó? Gnani có lập kế hoạch, quyết định các chi tiết và cách thực hiện không?

Maharaj: Gnani hoàn toàn hiểu rõ một tình huống và biết ngay những gì cần phải làm. Tất cả chỉ có thế. Những gì còn lại tự xảy ra, mà hầu hết là vô thức. Sự đồng nhất của Gnani với tất cả những gì hiện hữu trọn vẹn đến độ Gnani đáp ứng với vũ trụ thế nào thì vũ trụ cũng đáp ứng với Gnani như thế. Gnani tin tưởng tuyệt đối rằng khi một tình huống được nhận thức thì các sự kiện sẽ đem lại sự đáp ứng tương xứng. Người thường chỉ quan tâm đến chuyện riêng tư, tính toán những rủi ro và cơ hội của mình, còn Gnani vẫn vô tư, và chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ xảy ra như chúng phải xảy ra; và cái gì xảy ra chẳng quan trọng, vì tối hậu thì sự tái lập quân bình và hòa hợp là tất yếu. Trung tâm của vạn vật luôn luôn ổn định.

H: Tôi hiểu được tính cách con người là ảo tưởng, và sự xa lìa trong tỉnh thức nhưng không mất đi ý thức về chính mình là điểm chúng ta giao tiếp với thực tại. Ông có thể cho biết ngay lúc này ông là một con người hay là một ý thức biết chính mình?

M: Ta là cả hai. Nhưng nếu không bằng ngôn từ được con người tạo ra, và bằng những gì không phải là Ta thì cái Ta thật không thể được mô tả. Tất cả những gì ông có thể nói về con người thì không phải cái Ta, và ông không thể nói gì về cái Ta mà lại không nói về con người như nó là, như nó có thể là, hoặc nó phải là. Tất cả các thuộc tính đều thuộc về con người. Cái thật ở ngoài mọi thuộc tính.

H: Có những lúc ông là cái Ta, và có những lúc ông là con người?

M: Làm sao có thể như thế? Con người là cái mà Ta xuất hiện đối với người khác. Đối với chính Ta, Ta là sự trải rộng vô biên của ý thức, trong đó vô số con người xuất hiện và biến mất trong chuỗi diễn tiến vô tận.

H: Vì sao con người, đối với ông là hư ảo, lại có vẻ là thật đối với chúng tôi?

M: Ông, tức cái Ta – cội nguồn của tất cả hiện hữu, ý thức và hỷ lạc – truyền thực tại cho bất cứ gì ông nhận thức. Sự trao truyền thực tại này luôn luôn xảy ra trong cái bây giờ, mà không vào bất cứ lúc nào khác, vì quá khứ và tương lai chỉ ở trong tâm. “Hiện hữu” chỉ áp dụng cho cái bây giờ.

H: Thế không phải vĩnh cửu cũng bất tận?

M: Mặc dù hữu hạn nhưng thời gian thì bất tận, vĩnh cửu ở trong khoảnh khắc của cái bây giờ. Chúng ta không thấy được nó vì tâm luôn luôn di chuyển như con thoi giữa quá khứ và tương lai. Tâm không chịu dừng lại để chú ý đến cái bây giờ. Nhưng nếu có một sự chú ý nào được gợi lên thì tâm có thể dừng lại tương đối dễ dàng.

H: Cái gì gợi sự chú ý?

M: Lòng thành khẩn, dấu hiệu của sự trưởng thành.

H: Và làm sao có sự trưởng thành?

M: Bằng cách giữ tâm minh mẫn và trong sạch, bằng cách sống cuộc sống của ông trong sự thấy biết trọn vẹn từng khoảnh khắc như nó xảy ra, bằng cách tìm hiểu và loại trừ tham ái và lo sợ ngay khi chúng sinh khởi.

H: Một sự tập trung như thế có thể được chăng?

M: Cứ thử xem. Từng bước một thì dễ dàng. Năng lực tuôn chảy từ sự thành khẩn.

H: Tôi nhận thấy mình chưa đủ thành khẩn.

M: Phản bội chính mình là một vấn đề nghiêm trọng. Nó làm tâm chết lần chết mòn như căn bệnh ung thư. Phương thức trị liệu là tư duy trong sáng và ngay thẳng. Phải hiểu rằng ông đang sống trong một thế giới của những cái hư giả, hãy tìm hiểu những cái hư giả đó và phát hiện ra gốc rễ của chúng. Chính sự cố gắng làm như thế sẽ khiến ông thành khẩn, vì trong sự cố gắng chơn thật là an lạc.

H: Nó sẽ đưa tôi đến đâu?

M: Nó sẽ đưa ông đến đâu nếu không phải là sự toàn hảo của chính nó? Một khi đã an định trong cái bây giờ, ông chẳng còn chỗ nào khác để đi. Cái ông là thì phi thời, và ông thể hiện nó một cách vĩnh cửu.

H: Ông là một hay nhiều?

M: Ta là một nhưng xuất hiện như là nhiều.

H: Tại sao cái một lại xuất hiện?

M: Hiện hữu, và biết thì tốt lành.

H: Nhưng cuộc đời thì buồn thảm.

M: Vô minh gây ra đau khổ. Hạnh phúc theo liền sau hiểu.

H: Vì sao vô minh lại gây ra đau khổ?

M: Nó là căn nguyên của tham ái và lo sợ, là những trạng thái đau khổ và nguồn gốc của những sai lầm bất tận.

H: Tôi chứng kiến nhiều người được cho là đã giác ngộ nhưng vẫn cười, khóc. Không phải điều đó cho thấy họ vẫn chưa thoát ra khỏi tham ái và lo sợ?

M: Họ có thể cười, khóc tùy theo cảnh ngộ nhưng bên trong họ thản nhiên và trong sáng, vô tư quan sát những phản ứng tự sinh khởi của họ. Những biểu hiện bề ngoài thường gây ngộ nhận, và trường hợp của một người giác ngộ thì còn hơn thế.

H: Tôi không hiểu được ông.

M: Tâm không thể hiểu, vì tâm được huấn luyện để nắm bắt và chấp thủ, còn người giác ngộ thì không nắm bắt mà cũng không chấp thủ.

H: Cái gì là cái tôi giữ lại, còn ông thì không?

M: Ông là sản phẩm của ký ức; ít ra thì ông tưởng tượng chính ông là như thế. Ta hoàn toàn không do tưởng tượng mà có. Ta là cái Ta là, không thể đồng hóa Ta với bất cứ trạng thái vật lý hay tâm lý nào.

H: Một tai nạn có thể làm mất đi tính tự tại của ông.

M: Sự thật lạ lùng là nó không thể mất đi. Trước sự ngạc nhiên của Ta, Ta vẫn là như Ta là – thấy biết thuần túy và tỉnh thức đối với tất cả những gì xảy ra.

H: Ngay cả vào lúc lâm tử?

M: Thân xác chết đi có là gì đối với Ta?

H: Thế ông không cần nó để giao tiếp với thế giới?

M: Ta không cần đến thế giới, mà Ta cũng không ở trong thế giới. Thế giới mà ông nghĩ tưởng đến – ở trong tâm ông. Ta có thể thấy nó qua mắt ông và tâm ông, nhưng Ta hoàn toàn biết rõ rằng đó chỉ là một phóng ảnh của ký ức; nó chỉ được thực tại giao tiếp tại điểm thấy biết – chỉ có thể là ngay bây giờ.

H: Có vẻ như sự khác biệt duy nhất giữa ông và tôi là trong lúc tôi cho rằng tôi không biết cái Ta thật của tôi, thì ông lại quả quyết rằng ông biết cái Ta của ông rất rõ. Liệu còn có sự khác biệt nào nữa giữa ông và tôi?

M: Không hề có sự khác biệt nào giữa ông và Ta; mà Ta cũng không thể nói rằng Ta biết chính Ta. Ta biết rằng không thể nào mô tả được Ta hay định nghĩa được Ta. Bên ngoài mọi tầm với xa nhất của tâm có một cảnh giới bao la, và cảnh giới đó là nhà Ta, là chính Ta. Và cảnh giới bao la đó cũng còn là tình yêu.

H: Ông thấy tình yêu ở khắp nơi còn tôi chỉ thấy hận thù và đau khổ. Lịch sử của nhân loại là lịch sử của tàn sát, cá nhân lẫn tập thể. Không sinh vật nào khác lại thích thú chém giết hơn con người.

M: Nếu truy tìm các nguyên do, ông sẽ tìm thấy tình yêu, tình yêu chính mình và của riêng mình. Con người gây chiến với nhau vì cái mà họ tưởng tượng là họ yêu quý.

H: Chắc chắn tình yêu của họ phải đủ chơn thật thì họ mới sẵn sàng chết cho tình yêu đó.

M: Tình yêu thì vô giới hạn. Cái gì chỉ giới hạn cho một số ít thì không thể được gọi là tình yêu.

H: Ông biết tình yêu vô giới hạn đó?

M: Có, Ta biết.

H: Nó cảm thấy như thế nào?

M: Tất cả đều được yêu và đáng yêu. Không loại trừ bất cứ gì.

H: Ngay cả đối với những kẻ xấu xa và tội phạm?

M: Tất cả đều ở trong ý thức của Ta; tất cả là của Ta. Phân chia chính mình thành thích và không thích là hành động điên rồ. Ta ở ngoài cả hai. Nhưng Ta không hề xa lạ.

H: Ở ngoài thích và không thích là trạng thái thờ ơ.

M: Thoạt tiên thì có vẻ là như thế. Kiên trì ở trong trạng thái thờ ơ đó, rồi nó sẽ bừng nở thành tình yêu thâm nhập tất cả và trùm khắp tất cả.

H: Có những lúc tôi cảm thấy như thế khi tâm trở thành một đóa hoa và một ngọn lửa, nhưng chúng không tồn tại lâu và cuộc đời lại trở về với sự xám ngắt thường ngày.

M: Vô thường là quy luật trong thế giới của cái cụ thể. Không thể kinh nghiệm được cái thường hằng vì nó vô giới hạn. Ý thức bao hàm những sự luân phiên, thay đổi tiếp nối thay đổi; khi một sự kiện hay một trạng thái chấm dứt thì một cái khác bắt đầu. Cái không có giới hạn thì không thể được kinh nghiệm theo ý nghĩa thông thường của từ ngữ. Một người chỉ có thể nó, dù không hề hay biết, và một người có thể biết nhưng cái đó lại không phải là nó. Chắc chắn không phải toàn thể nội dung của ý thức luôn luôn động.

H: Nếu cái tịnh không thể biết được, thế thì nhận ra nó có mục đích gì, và ý nghĩa gì?

M: Nhận ra cái tịnh có nghĩa là trở thành cái tịnh. Và mục đích là sự tốt đẹp cho tất cả chúng sinh.

H: Sống là chuyển động. Bất động là chết. Chết có ích lợi gì cho sống?

M: Ta nói về cái tịnh, không phải cái bất động. Ông trở nên tịnh trong sự ngay thẳng. Ông trở thành một quyền năng làm cho tất cả ổn định. Điều đó có thể hàm ý hoặc không hàm ý một hoạt động mãnh liệt bên ngoài, nhưng tâm vẫn ở trong một trạng thái sâu lắng và tĩnh lặng.

H: Khi quan sát tâm, tôi thấy nó luôn luôn thay đổi; trạng thái này tiếp nối trạng thái khác, muôn mầu muôn vẻ, còn ông thì hầu như miên viễn ở trong cùng một trạng thái an lạc.

M: Các trạng thái đều xảy ra trong tâm và không quan trọng. Đi vào trong, vượt ra ngoài. Đừng tiếp tục để nội dung của ý thức mê hoặc. Khi đạt đến những tầng lớp sâu kín của sự hiện hữu chơn thật, ông sẽ nhận ra vở tuồng trên bề mặt của tâm chẳng ảnh hưởng đến ông bao nhiêu.

H: Nhưng là vở tuồng thì vẫn thế!

M: Một cái tâm tĩnh lặng không phải là một cái tâm chết.

H: Ý thức luôn luôn chuyển động – nó là một thực tế có thể quan sát được. Ý thức tịnh là một mâu thuẫn. Khi ông nói về một cái tâm tĩnh lặng, đó là cái tâm gì? Thế không phải tâm cũng là ý thức?

M: Chúng ta nên nhớ rằng ngôn từ được sử dụng theo nhiều cách, và tùy theo ngữ cảnh. Thực tế là chỉ có rất ít khác biệt giữa ý thức và vô thức – về căn bản chúng đồng như nhau. Trạng thái thức khác với trạng thái ngủ vì sự có mặt của nhân chứng. Một tia sáng của tánh biết soi sáng một phần của tâm, và phần đó trở thành giấc chiêm bao của chúng ta – hay ý thức khi thức – còn tánh biết xuất hiện như nhân chứng. Thường thì nhân chứng chỉ biết ý thức. Sadhana tìm cách xoay nhân chứng trở lại trước tiên với sự ý thức của nó, rồi với chính nhân chứng trong sự thấy biết chính mình. Thấy biết chính mình là Yoga.

H: Nếu tánh biết là trùm khắp, vậy liệu một người mù sau khi giác ngộ có thể thấy?

M: Ông nhầm lẫn nhận thức thuộc giác quan với tánh biết. Người giác ngộ biết chính mình như mình là. Người giác ngộ cũng biết rõ thân mình bị khuyết tật, và tâm bị mất đi một khả năng nhận thức do giác quan đem lại. Nhưng người giác ngộ không hề bị ảnh hưởng bởi sự khiếm khuyết hay không khiếm khuyết thị giác.

H: Một cách cụ thể hơn: Khi một người mù trở thành người giác ngộ, thị giác của người đó có được phục hồi không?

M: Trừ khi mắt và não bộ của người đó trải qua một sự thay mới, còn không thì làm sao có thể thấy?

H: Liệu mắt và não bộ của người có trải qua một sự thay mới không?

M: Có thể có mà cũng có thể không. Tất cả còn tùy vào định mệnh và ân đức. Nhưng người giác ngộc chủ động một phương cách nhận thức tự sinh khởi, phi giác quan khiến người giác ngộ có thể biết sự vật trực tiếp mà không qua sự trung gian của các giác quan. Người giác ngộ ở ngoài tất cả những gì có thể nhận thức được và khái niệm hóa được, ở ngoài phạm trù của không gian và thời gian, danh xưng và hình tướng. Người giác ngộ không phải là cái được nhận thức hay người nhận thức, mà là yếu tố đơn giản và mang tính vũ trụ làm cho nhận thức khả hữu. Thực tại ở ngay trong nội vi ý thức, nhưng thực tại không phải ý thức hay bất cứ gì thuộc nội dung của ý thức.

H: Cái gì là hư giả – thế giới, hay cái biết của tôi về thế giới?

M: Có thế giới nào ở bên ngoài cái biết của ông? Liệu ông có thể vượt ra ngoài cái ông biết? Ông có thể mặc nhiên công nhận một thế giới ở bên ngoài tâm, nhưng đó vẫn chỉ là một ý niệm không được chứng minh, và không thể chứng minh được. Kinh nghiệm của ông là bằng chứng của ông, và nó chỉ có giá trị với ông. Còn ai có thể có kinh nghiệm của ông, khi người đó chỉ thật vào lúc xuất hiện trong kinh nghiệm của ông?

H: Tôi cô đơn một cách tuyệt vọng đến thế sao?

M: Đúng thế, khi ông là một con người. Trong sự hiện hữu chơn thật của chính ông, ông là cái toàn thể.

H: Ông là một phần của thế giới tôi có trong ý thức, hay ông độc lập?

M: Những gì ông thấy là của ông, những gì Ta thấy là của Ta. Hầu như không có gì chung cho cả hai.

H: Phải có một yếu tố chung nhất nào đó để hợp nhất ông và tôi.

M: Muốn tìm ra yếu tố chung nhất ông phải loại bỏ tất cả mọi khác biệt. Chỉ vũ trụ là chung nhất.

H: Điều làm cho tôi ngạc nhiên là trong khi ông bảo rằng tôi chỉ là sản phẩm của ký ức và vô cùng giới hạn, nhưng tôi tạo ra một thế giới bao la và phong phú dung chứa tất cả mọi thứ, kể cả ông và những gì ông chỉ giáo. Làm sao sự bao la này được tạo ra và dung chứa trong sự nhỏ bé của tôi là điều tôi cảm thấy khó hiểu. Có thể ông nói với tôi tất cả sự thật, nhưng tôi chỉ nắm bắt được một phần rất nhỏ của sự thật đó.

M: Nhưng đó là một thực tế – cái nhỏ phóng chiếu ra cái toàn thể tuy nó không thể dung chứa cái toàn thể. Dù thế giới của ông có vĩ đại và trọn vẹn đến đâu thì nó vẫn mâu thuẫn với chính nó, vô thường, và hoàn toàn là ảo ảnh.

H: Nó có thể là ảo ảnh nhưng vô cùng kỳ diệu. Khi nhìn, nghe, sờ mó, ngửi, nếm, tư duy và cảm thọ, ghi nhớ và tưởng tượng, tôi không thể nào không sửng sốt về tính sáng tạo mầu nhiệm của tôi. Tôi nhìn qua kính hiển vi hay kính viễn vọng và thấy đủ loại kỳ quan. Tôi truy theo dấu vết của một nguyên tử và nghe tiếng thì thầm của các vì sao. Nếu tôi là người sáng tạo duy nhất của tất cả những điều kỳ diệu đó, thì chắc chắn tôi phải là Thượng đế! Nhưng nếu là Thượng đế, tại sao tôi có vẻ nhỏ bé và vô tư lực ngay cả với chính tôi?

M: Ông là Thượng đế, tại ông không biết đó thôi.

H: Nếu tôi là Thượng đế thì thế giới tôi tạo ra phải thật.

M: Nó thật trong tánh thể, nhưng không thật ở biểu hiện bên ngoài. Khi không còn tham ái và lo sợ thì ngay lập tức cái nhìn của ông trong sáng và ông sẽ thấy mọi vật như nó là. Hoặc, ông có thể cho rằng Satoguna tạo ra thế giới, Tamoguna ngăn che nó, và Rajoguna làm cho nó biến dạng.

H: Điều đó chẳng giúp tôi được bao nhiêu, vì nếu tôi hỏi Gunas là gì, thì câu trả lời là: Cái sáng tạo, cái ngăn che, cái làm cho biến dạng. Thực tế vẫn là – một cái gì đó không thể tin được đã xảy ra đối với tôi, và tôi không hiểu cái gì đã xảy ra, như thế nào, và tại sao.

M: Hừ, tìm hiểu là sự khởi đầu của trí tuệ. Thường xuyên và kiên định tìm hiểu là Sadhana.

H: Tôi ở trong một thế giới mà tôi không hiểu, do đó tôi sợ nó. Đây cũng là kinh nghiệm của mọi người.

M: Ông vừa tách ông ra khỏi thế giới, do đó thế giới làm cho ông đau đớn và sợ hãi. Tìm ra sai lầm của ông thì ông không còn sợ hãi.

H: Ông bảo tôi từ bỏ thế giới trong khi tôi muốn hạnh phúc trong thế giới.

M: Nếu ông đòi hỏi cái bất khả, ai có thể giúp ông? Trong cái hữu hạn thì chắc chắn đau khổ và lạc thú thay phiên nhau. Nếu muốn tìm hạnh phúc chơn thật, bền chắc và bất biến, ông phải bỏ lại phía sau thế giới với những đau khổ và lạc thú của nó.

H: Làm sao thực hiện?

M: Chỉ từ bỏ vật lý mới là dấu hiệu của sự thành khẩn, nhưng sự thành khẩn không giải thoát. Phải có sự hiểu biết đi cùng với khả năng nhận thức tỉnh thức, khao khát tìm hiểu và truy cứu thật sâu xa. Ông phải kiên quyết trong sự cứu độ chính ông khỏi tội lỗi và đau khổ.

H: Cái gì là tội lỗi?

M: Tất cả những gì ràng buộc ông.

❁ ❁ ❁

Chân thành chia sẻ với những ai có đầy đủ phước báu tiếp thu trọn vẹn tuyệt tác hiện đại này của nền Đạo học cổ điển Đông phương.

Người dịch Vũ Toàn                                                                          Tháng 1 năm 2008

Vutoan49@hotmail.com

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
Trần Trung Kiên

cảm ơn vì tất cả.

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x