Trang chủ » Ta là cái đó [13-17] – Cái Tối thượng, Tâm và Thân

Ta là cái đó [13-17] – Cái Tối thượng, Tâm và Thân

by Hậu Học Văn
629 views

13. Cái Tối Thượng, Tâm và Thân

Hỏi: Theo những gì ông nói thì hình như ông không ý thức rõ những gì xảy ra quanh ông. Nhưng theo chúng tôi thấy, ông có vẻ cực kỳ tỉnh thức và năng động. Chúng tôi không thể tin ông ở trong một tình trạng bị thôi miên, mất hết ký ức. Trái lại, trí nhớ của ông có vẻ còn xuất sắc. Chúng tôi phải hiểu thế nào về câu ông nói rằng thế giới và tất cả những gì nó dung chứa đều không tồn tại đối với ông.

Maharaj: Tất cả chỉ là tiêu điểm của sự chú ý. Tâm ông chú ý vào thế giới, tâm Ta chú ý vào thực tại. Cũng giống như mặt trăng giữa ban ngày – khi mặt trời chiếu sáng thì không thấy được mặt trăng. Hoặc, quan sát sự tiêu hóa thức ăn của ông. Bao giờ thức ăn còn trong miệng, ông còn biết; nhưng khi đã nuốt, ông đâu còn bận tâm đến nó. Nếu cứ luôn luôn nghĩ đến thức ăn cho đến khi nó được tiêu hóa hoàn toàn thì thật là phiền toái. Bình thường thì tâm phải ở trong tình trạng yên nghỉ – hoạt động không ngừng là một trạng thái bệnh hoạn của tâm. Vũ trụ hoạt động bởi chính nó – đó là điều Ta biết. Có gì khác mà Ta cần biết?

H: Như vậy chỉ khi nào chú tâm thì người giác ngộ biết mình đang làm gì, còn không thì người ấy chỉ hành động mà chẳng quan tâm.

M: Một người bình thường không ý thức về thân mình cũng như thế. Người giác ngộ ý thức về các cảm giác, cảm xúc và ý nghĩ của mình. Nhưng một khi người ấy xa lìa, thì chúng rời khỏi tâm điểm của ý thức một cách tự nhiên và dễ dàng.

H: Vậy lúc đó cái gì ở tâm điểm của ý thức?

M: Cái không thể đặt tên hay có hình tướng, vì nó không có một đặc tính nào và ở ngoài ý thức. Ông có thể gọi nó là một điểm trong ý thức, nhưng lại ở ngoài ý thức. Cũng như cái lỗ trên mặt một tờ giấy, nó vừa ở trong tờ giấy nhưng lại không thuộc về tờ giấy; trạng thái tối thượng ở ngay chính tâm điểm của ý thức nhưng lại ở ngoài ý thức. Cũng giống như có một khoảng trống trong tâm mà qua đó ánh sáng tràn ngập tâm. Khoảng trống không phải là ánh sáng. Nó chỉ là một khoảng trống.

H: Một khoảng trống thì chẳng có gì, và trống vắng.

M: Gần như thế. Theo cái nhìn của tâm, nó không gì khác hơn là một khoảng trống để ánh sáng của tánh biết tràn vào không gian của tâm. Tự thân ánh sáng có thể ví như một khối rắn chắc, đậm đặc, cứng như đá, thuần nhất và bất biến của tánh biết thuần túy, hoàn toàn không có những mô hình của tâm về danh xưng và hình tướng.

H: Có sự dung thông nào giữa không gian của tâm và cảnh giới Tối thượng?

M: Cái Tối thượng làm cho tâm tồn tại. Tâm làm cho thân tồn tại.

H: Thế cái gì ở bên ngoài?

M: Để ví dụ. Có một tôn giả Yogi, một bậc thầy về thuật trường sinh, đích thân đã sống trên một nghìn năm, đến truyền cho Ta thuật sống lâu. Dù rất tôn kính và thật tình khâm phục những chứng đắc của tôn giả, nhưng Ta chỉ có thể nói với vị đó rằng: sự trường thọ có ích lợi gì đối với Ta? Ta ở ngoài thời gian. Cuộc đời, dù trường thọ đến đâu, cũng chỉ là một khoảnh khắc, một giấc chiêm bao. Cũng như thế, Ta vượt ra ngoài mọi thuộc tính. Chúng xuất hiện và biến mất trong ánh sáng của Ta, nhưng chúng không thể mô tả Ta. Vũ trụ đầy những danh xưng và hình tướng dựa trên những đặc tính và sự khác biệt, còn Ta ở ngoài. Thế giới có đó vì có Ta, nhưng Ta không phải thế giới.

H: Nhưng ông đang sống trong thế giới!

M: Đó là ông nói! Ta biết có thế giới, thế giới đó bao gồm thân này và tâm này, nhưng Ta không xem chúng là “của Ta” và khác với những cái tâm và thân khác. Thân và tâm có đó, trong thời gian và không gian, còn Ta thì phi thời, phi xứ.

H: Vì tất cả đều tồn tại trong ánh sáng của ông, vậy không phải ông là đấng sáng tạo thế giới?

M: Ta không phải tiềm năng hay sự hiện thực hóa, mà cũng chẳng phải hiện thực của vạn vật. Trong ánh sáng của Ta mọi thứ đến và đi như những hạt bụi nhảy múa trong tia nắng. Ánh nắng chiếu sáng những hạt bụi, nhưng không tùy thuộc vào chúng. Không thể nói ánh nắng tạo ra chúng. Và cũng không thể nói là ánh nắng biết chúng.

H: Tôi hỏi ông một câu và ông đang trả lời. Ông có ý thức cả câu hỏi và câu trả lời?

M: Trong thực tế, Ta không nghe và cũng chẳng trả lời. Trong thế giới của các sự kiện, câu hỏi xảy ra và câu trả lời xảy ra. Không có gì xảy ra với Ta. Tất cả tự xảy ra.

H: Thế ông là nhân chứng?

M: Nhân chứng nghĩa là gì? Sự biết thuần túy. Lúc nãy trời mưa và bây giờ hết mưa. Ta không bị ướt. Ta biết trời đã mưa nhưng Ta không bị ảnh hưởng. Ta chỉ chứng kiến cơn mưa.

H: Một người hoàn toàn giác ngộ, tùy nghi hành xử trong trạng thái tối thượng, nhưng có vẻ ăn, uống và sinh hoạt như bình thường. Người giác ngộ có biết những chuyện đó hay không?

M: Cái mà trong đó ý thức diễn ra, dù là ý thức vũ trụ hay tâm, chúng ta gọi đó là cõi ý thức. Toàn thể các đối tượng của ý thức tạo ra vũ trụ. Cái siêu vượt cả hai, nhưng vẫn dung dưỡng cả hai, là trạng thái tối thượng, một trạng thái hoàn toàn tĩnh và lặng. Bất cứ ai vào đó cũng đều biến mất. Nó là cái không thể đạt đến bằng ngôn từ hay tâm. Ông có thể gọi cái đó là Thượng đế, là Parabrahman, hay Thực tại Tối thượng, nhưng tất cả chỉ là danh xưng cho tâm đặt ra. Nó là trạng thái không có tên gọi, không có nội dung, không cần cố gắng và tùy nghi, vượt ra khỏi hiện hữu và phi hiện hữu.

H: Thế một người ở trong đó vẫn ý thức?

M: Cũng như vũ trụ là thân của tâm, ý thức là thân của cái Tối thượng. Cái Tối thượng không ý thức nhưng ý thức từ đó khởi sinh.

H: Hầu hết các hành hoạt hàng ngày của tôi đều là thói quen và tự động. Tôi biết rõ mục đích tổng quát, nhưng không thể biết từng hành động một cách chi tiết. Khi ý thức của tôi trở nên rộng lên và sâu thêm, các chi tiết giảm đi, để tôi tự do với những khuynh hướng chung. Điều này cũng xảy ra với một người giác ngộ, hay còn hơn thế?

 

M: Trên bình diện ý thức  – có. Trong trạng thái Tối thượng – không. Trạng thái này hoàn toàn là một duy nhất, không thể phân chia, nó là một khối kiên cố duy nhất của thực tại. Cách duy nhất để biết nó là… là nó. Tâm không thể đạt đến nó. Để nhận thức được nó – không cần đến các giác quan. Để biết nó – không cần đến tâm.

H: Đó là cách Thượng đế vận hành thế giới.

M: Thượng đế chẳng hề vận hành thế giới.

H: Vậy ai làm chuyện đó?

M: Chẳng có ai cả. Tất cả đều tự diễn ra. Ông đặt câu hỏi và cũng chính ông đưa ra câu trả lời. Ông biết câu trả lời khi ông đặt câu hỏi. Tất cả chỉ là một vở kịch diễn ra trong ý thức. Mọi phân chia đều là hư giả. Ông chỉ có thể biết cái hư giả. Còn cái chơn thật thì chính ông phải là.

H: Có ý thức được chứng kiến và có ý thức chứng kiến. Ý thức chứng kiến có phải là cái tối thượng?

M: Có hai – con người và nhân chứng, hay người quan sát. Khi ông thấy hai là một, và vượt ra ngoài, thì lúc đó ông ở trong trạng thái tối thượng. Trạng thái đó không thể nhận thức được vì nó là cái làm cho nhận thức khả hữu. Nó ở ngoài hiện hữu và phi hiện hữu. Nó không phải là gương mà cũng chẳng phải là ảnh trong gương. Nó là cái đang là – thực tại vô thời, vô cùng rắn chắc và kiên cố.

H: Người giác ngộ là nhân chứng, hay là cái Tối thượng?

M: Dĩ nhiên là cái Tối thượng, nhưng còn có thể được xem như nhân chứng vũ trụ.

H: Nhưng người giác ngộ vẫn còn là một con người?

M: Khi ông tin rằng chính ông là một con người thì ông thấy con người ở bất cứ đâu. Trong thực tế, không hề có con người, mà chỉ có những xâu chuỗi của ký ức và thói quen. Ngay vào lúc giác ngộ, con người biến mất. Ý thức về cái Ta thì còn, nhưng ý thức về cái Ta thì không phải con người, nó sẵn có trong chính thực tại. Con người không có sự hiện hữu nào trong chính nó, con người chỉ là ảnh phản chiếu của nhân chứng trong tâm, tức cái “Ta hiện hữu” mà cái “Ta hiện hữu” lại là một cách hiện hữu.

H: Cái Tối thượng có ý thức không?

M: Chẳng hữu thức mà cũng chẳng vô thức. Ta nói với ông điều này từ kinh nghiệm.

H: Praganam Brahma. Cái Pragna này là gì?

M: Nó là cái biết vô ngã thức về chính cuộc sống.

H: Có phải nó là sức sống, năng lượng của cuộc sống, và sự sống?

M: Năng lượng có trước. Vì tất cả mọi vật đều là một hình thức của năng lượng. Ý thức được phân biệt rõ nhất trong trạng thái thức. Ít hơn trong khi chiêm bao. Rất ít trong khi ngủ. Thuần nhất – trong trạng thái thứ tư. Ra khỏi bốn trạng thái này là thực tại duy nhất bất khả phân và không thể diễn tả được, đây là trú xứ của người giác ngộ.

H: Tôi vừa bị đứt tay. Bây giờ đã lành. Năng lực nào đã làm cho tay tôi lành lại?

M: Năng lực của sự sống.

H: Cái gì là nguồn gốc của ý thức?

M: Tự thân ý thức là nguồn gốc của tất cả mọi thứ.

H: Liệu có thể có sự sống mà không có ý thức?

M: Không, cũng như không thể có ý thức mà không có sự sống. Cả hai là một. Nhưng trong thực tế chỉ có cái Tối Hậu hiện hữu. Những cái còn lại chỉ là danh xưng và hình tướng. Chừng nào ông còn bám víu vào ý tưởng cho rằng chỉ những gì có danh xưng và hình tướng tồn tại thì cái Tối thượng đối với ông không tồn tại. Khi ông hiểu ra rằng mọi danh xưng và hình tướng chỉ là những cái vỏ rỗng tuếch không có bất cứ gì bên trong, còn cái gì là thật thì không có danh xưng và cũng chẳng có hình tướng, là năng lượng thuần túy của sự sống, là ánh sáng của ý thức, thì lúc đó ông an lạc và chìm đắm trong sự im lặng sâu thẳm của thực tại.

H: Nếu thời gian và không gian đơn thuần chỉ là ảo ảnh, còn ông siêu vượt ra ngoài, xin vui lòng cho tôi biết thời tiết ở New York bây giờ ra sao. Bên đó trời đang nóng hay mưa?

M: Làm sao Ta có thể nói cho ông biết? Những chuyện như thế cần một sự luyện tập chuyên biệt. Hay là, chỉ việc bay sang New York. Ta biết chắc Ta ở ngoài không gian và thời gian, nhưng không thể xác định chính Ta như ý muốn vào một thời điểm nào đó của thời gian và không gian. Ta không mấy quan tâm đến những chuyện như thế, và cũng chẳng có ý định theo học một khóa luyện tập Yoga chuyên biệt nào cả. Ta chỉ mới nghe đến New York. Đối với Ta, đó chỉ là một từ ngữ. Việc gì Ta phải biết nhiều hơn những gì mà từ ngữ đó chuyên chở. Mỗi một nguyên tử có thể là một vũ trụ, và cũng phức tạp như vũ trụ của chúng ta. Ta có cần phải biết hết mọi nguyên tử không? Nếu luyện tập thì Ta có thể.

H: Khi đặt câu hỏi về thời tiết ở New York, tôi đã phạm sai lầm ở chỗ nào?

M: Thế giới và tâm đều là những trạng thái hiện hữu. Cái Tối thượng không phải là một trạng thái. Nó bao trùm tất cả các trạng thái, nhưng lại không phải là một trạng thái của một cái gì khác. Nó hoàn toàn phi nhân duyên, bất tùy thuộc, và tự viên mãn trong chính nó, nó siêu vượt thời gian và không gian, ở ngoài tâm và vật.

H: Ông nhận ra nó qua chỉ dấu nào?

M: Nó là một điểm không để lại dấu vết. Không có gì để qua đó nhận ra nó. Nó phải được thấy một cách trực tiếp, bằng cách từ bỏ mọi sự truy tìm dấu vết và lối vào. Khi tất cả danh xưng và hình tướng mất đi thì cái thật còn lại với ông. Ông chẳng cần phải tìm kiếm nó. Đa nguyên và đa dạng chỉ là vở kịch của tâm. Thực tại là Một duy nhất.

H: Nếu thực tại không để lại bằng chứng, thì không thể nói gì về nó được.

M: Thực tại hiện hữu mà không thể bị bác bỏ. Thực tại thì sâu thẳm và đen tối, bí ẩn ngoài mọi bí ẩn, nhưng thực tại hiện hữu trong khi tất cả những cái khác chỉ xảy ra.

H: Có phải thực tại là cái Không Biết?

M: Nó ở ngoài cả hai, cái biết và cái không biết. Nhưng Ta có thể gọi nó là cái biết, hơn là cái không biết. Vì bất cứ khi nào một cái gì đó được biết, thì chỉ cái thật mới được biết.

H: Sự im lặng có phải là một thuộc tính của cái thật?

M: Cả nó cũng thuộc về tâm. Tất cả mọi trạng thái và điều kiện đều thuộc về tâm.

H: Cõi giới của Samadhi – định – là gì?

M: Không dùng đến ý thức là Samadhi. Ông chỉ cần mặc kệ tâm. Không mong cầu chi, chẳng phải nơi thân mà cũng chẳng phải nơi tâm.

14. Biểu hiện và Thực tại

Hỏi: Ông vẫn nói đi nói lại rằng các sự kiện đều không do nhân duyên sinh ra, một vật chỉ đơn thuần xảy ra và không thể gán cho nó một nguyên nhân nào. Theo tôi, chắc chắc mọi thứ đều do một, hay nhiều nhân duyên mà có. Làm sao tôi hiểu được tính phi nhân duyên của vạn vật?

Maharaj: Từ cái nhìn cao nhất, thế giới không do nhân duyên tạo ra.

H: Nhưng kinh nghiệm của riêng ông là gì?

M: Mọi thứ đều tự có. Thế giới không có nguyên nhân.

H: Tôi không hỏi về những nguyên nhân đã đưa đến sự hình thành thế giới. Ai là kẻ đã chứng kiến sự hình thành thế giới? Thậm chí nó có thể không có một sự khởi đầu mà luôn luôn tồn tại. Nhưng tôi không nói về thế giới. Tôi xem thế giới tồn tại – một cách nào đó. Nó dung chứa rất nhiều thứ. Chắc chắn mỗi thứ phải do một, hay nhiều nhân duyên nào đó

. M: Một khi tạo ra cho chính ông một thế giới trong không gian và thời gian, được điều hành bởi những tương quan nhân quả, thì ông buộc phải truy tìm và phát hiện nguyên nhân cho mọi thứ. Ông nêu câu hỏi và áp đặt câu trả lời.

H: Câu hỏi của tôi thật đơn giản: Tôi thấy đủ mọi thứ và tôi hiểu rằng mỗi thứ phải do một, hay nhiều nhân duyên tạo ra. Ông bảo chúng không do nhân duyên nào tạo ra – theo cái nhìn của ông. Đối với ông không gì có thực thể, và, do đó, câu hỏi về nhân duyên không được đặt ra. Ông có vẻ như thừa nhận sự tồn tại của vạn vật, nhưng phủ nhận nhân duyên tạo ra chúng. Đó là điều tôi không nắm bắt được. Một khi đã chấp nhận sự tồn tại của vạn vật, tại sao lại bác bỏ nguyên nhân tạo ra chúng?

M: Ta chỉ thấy có ý thức, và biết mọi thứ chỉ là ý thức, cũng như ông biết hình ảnh trên màn ảnh xinê không gì khác hơn là ánh sáng.

H: Tuy nhiên, những chuyển động của ánh sáng đều có nguyên nhân.

M: Ánh sáng không hề chuyển động. Ông biết rất rõ sự chuyển động chỉ là ảo giác, được tạo ra bởi một chuỗi liên tiếp những sự ngăn che ánh sáng và màu sắc trong phim. Cái chuyển động là phim – tức là tâm.

H: Điều này cũng không làm cho hình ảnh trở thành phi nhân duyên. Bộ phim có đó, cùng với các diễn viên, các chuyên viên kỹ thuật, đạo diễn, nhà sản xuất, và các xưởng chế tạo. Thế giới được điều hành bởi quy luật nhân quả. Tất cả mọi thứ đều tương quan liên kết.

M: Dĩ nhiên, mọi thứ đều tương quan liên kết. Và, do đó, mọi vật đều có vô số nguyên nhân. Toàn thể vũ trụ góp phần cho cái nhỏ nhặt nhất. Một vật hiện hữu như nó là, vì thế giới hiện hữu như nó là. Ông thấy không, ông chỉ quan tâm đến những món trang sức bằng vàng, còn Ta quan tâm đến vàng. Giữa những món trang sức khác nhau không hề có liên hệ nhân quả. Khi ông nấu chảy một món trang sức để làm thành món khác, không hề có liên hệ nhân quả giữa hai món. Yếu tố chung là vàng. Nhưng ông không thể nói vàng là nguyên nhân. Vàng không thể được gọi là nguyên nhân, vì tự thân vàng chẳng chẳng tạo ra món trang sức nào. Nó được phản chiếu trong tâm thành cái “Ta hiện hữu” như tên gọi và hình dáng riêng của món trang sức. Nhưng tất cả đều là vàng. Cũng cách đó, thực tại làm cho mọi vật khả hữu, nhưng không có gì làm cho một vật như nó là, danh xưng và hình tướng của nó từ thực tại mà ra.

Nhưng tại sao lại quá câu nệ nguyên nhân? Nguyên nhân có gì là quan trọng khi tự thân vạn vật là vô thường? Hãy để cái gì đến cứ đến, và cái gì đi cứ đi, tại sao nắm giữ chúng lại để truy tìm nguyên nhân?

H: Theo cái nhìn tương đối, mọi thứ phải có một nguyên nhân.

M: Cái nhìn tương đối có ích lợi gì cho ông? Ông có thể nhìn từ cái nhìn tuyệt đối – tại sao lại trở về với cái tương đối? Ông sợ cái tuyệt đối?

H: Tôi sợ. Tôi sợ ngủ quên với những cái gọi là tất định tuyệt đối. Để sống một cuộc sống chừng mực, những cái tuyệt đối chẳng giúp ích gì. Khi cần một cái áo, ông mua vải rồi thuê một người may, vân vân.

M: Tất cả những gì nói ra chứng tỏ là vô minh.

H: Vậy quan điểm của bậc giác ngộ là gì?

M: Chỉ có ánh sáng và ánh sáng là tất cả. Tất cả những gì khác chỉ là một bức tranh được tạo ra bằng ánh sáng. Bức tranh ở trong ánh sáng và ánh sáng ở trong bức tranh. Sống và chết, ngã và phi ngã – hãy buông bỏ tất cả những ý tưởng này. Chúng chẳng ích lợi gì cho ông.

H: Từ quan điểm nào mà ông bác bỏ quy luật tương quan nhân quả? Từ cái nhìn tương đối  – vũ trụ là nguyên nhân của mọi vật. Từ cái nhìn tuyệt đối – hoàn toàn không có vật.

M: Ông hỏi từ trạng thái nào?

H: Từ trạng thái thức hàng ngày, chỉ trong trạng thái đó những cuộc thảo luận như thế này mới xảy ra.

M: Trong trạng thái thức tất cả mọi vấn đề nảy sinh, vì bản chất của nó là như thế. Nhưng không phải lúc nào ông cũng ở trong trạng thái đó. Ông làm được cái gì tốt đẹp trong một trạng thái mà ông rơi vào và từ đó ông trồi lên một cách vô vọng. Biết được vạn vật có tương quan nhân quả – như chúng xuất hiện trong trạng thái thức của ông – giúp ích gì cho ông?

H: Thế giới nổi lên và chìm xuống cùng với trạng thái thức.

M: Khi tâm tịnh và tuyệt đối im lặng, trạng thái thức không còn nữa.

H: Những từ ngữ như Thượng đế, vũ trụ, cái toàn thể, cái tuyệt đối, cái Tối thượng chỉ là những tiếng ồn trong không khí, vì chẳng có thể làm gì được chúng.

M: Ông đưa ra những câu hỏi mà chỉ ông mới có thể trả lời.

H: Đừng gạt phắt tôi đi như thế! Ông thật nhạy miệng biện hộ cho cái toàn thể, cho vũ trụ và những thứ tưởng tượng! Những thứ đó không thể đến đây ngăn cấm ông nhân danh chúng thuyết giảng. Tôi ghét những luận điệu chung chung vô trách nhiệm đó! Và ông có khuynh hướng nhận chúng là của ông. Nếu không có tương quan nhân quả thì không thể có sự ổn định, không thể có những hành động có mục đích nào.

M: Ông muốn biết tất cả nguyên nhân của mỗi một sự kiện. Điều ấy có thể được chăng?

H: Tôi biết là không thể được! Tôi chỉ muốn biết là liệu có nguyên nhân cho mọi vật không và liệu có thể nào tác động vào nguyên nhân, do đó thay đổi được sự kiện?

M: Để thay đổi sự kiện, việc gì ông phải cần biết đến nguyên nhân. Thật là một cách giải quyết vòng vo! Thế không phải ông là nguồn gốc và cũng là sự kết thúc của mọi sự kiện? Tác động vào sự kiện ngay tại nguồn gốc của nó.

H: Sáng nào cầm báo lên đọc tôi cũng đều bàng hoàng về những nỗi thống khổ của thế giới – nghèo đói, hận thù và chiến tranh – tiếp tục không ngớt. Câu hỏi của tôi liên quan đến thực tế đau khổ, nguyên nhân và phương cách chữa trị. Đừng gạt phắt tôi đi, bảo rằng đó là chuyện Phật giáo! Đừng gắn cho tôi một nhãn hiệu nào. Sự khăng khăng của ông về tính cách phi nhân duyên làm mất đi tất cả hy vọng của một thế giới luôn luôn thay đổi.

M: Ông bối rối, vì ông tin rằng ông ở trong thế giới, chứ không phải thế giới ở trong ông. Ai sinh ra trước – ông hay cha mẹ ông? Ông tưởng tượng rằng ông được sinh ra vào một thời điểm nào đó và ở một nơi chốn nào đó, rằng ông có một ông bố và có một người mẹ, một cái thân và một cái tên. Đó là lỗi lầm và cũng là tai họa của ông! Chắc chắn ông có thể thay đổi thế giới của ông nếu ông hành động. Bằng mọi cách, hành động. Ai ngăn cản ông? Ta chưa bao giờ ngăn cản ông. Có nguyên nhân hay không có nguyên nhân, ông đã tạo ra thế giới này thì ông có thể thay đổi nó.

H: Một thế giới không do nhân duyên tạo ra thì hoàn toàn ngoài sự kiểm soát của tôi.

M: Trái lại, một thế giới mà ông là nguồn gốc và cũng là nền tảng của nó thì hoàn toàn ở trong quyền năng thay đổi của ông. Cái gì được tạo ra đều luôn luôn có thể bị hủy diệt và được tái tạo. Tất cả sẽ đều xảy ra như ông muốn, với điều kiện là ông thật sự muốn nó xảy ra.

H: Tất cả những gì tôi muốn biết là làm thế nào để giải quyết những đau khổ của thế giới?

M: Ông đã tạo ra chúng từ những tham ái và lo sợ của chính ông, thì ông giải quyết chúng. Tất cả chỉ vì ông đã quên mất sự hiện hữu của chính ông. Cho chuyện phim trên màn ảnh là thực tại, rồi ông yêu những người trong phim, ông đau khổ cho họ và tìm cách cứu họ. Không phải như thế. Ông phải bắt đầu với chính ông. Không có cách nào khác. Dĩ nhiên là hành động. Chẳng có hại gì khi hành động.

H: Vũ trụ của ông hình như dung chứa mọi kinh nghiệm có thể xảy ra. Một người tìm đường đi xuyên qua nó và kinh nghiệm những trạng thái thích thú cũng như khó chịu. Điều này gây nên những thắc mắc và tìm hiểu, làm mở rộng tầm nhìn và giúp cho người đó vượt ra ngoài cái thế giới nhỏ hẹp và tự tạo, hữu hạn và hướng ngã của hắn. Cái thế giới riêng tư này có thể thay đổi theo thời gian. Còn vũ trụ thì vô thời và toàn hảo.

M: Nhận biểu hiện là thực tại là một lỗi lầm nghiêm trọng và là nguồn gốc của mọi tai họa. Ông là tánh biết trùm khắp, vĩnh cửu và sáng tạo vô biên – là ý thức. Tất cả những cái khác chỉ là cục bộ và nhất thời. Đừng quên cái mà ông là. Trước mắt, hành động theo những gì chất chứa trong tim ông. Hành động phải đi cùng với hiểu biết.

H: Tôi có cảm tưởng rằng sự phát triển tâm linh của tôi không do tôi định đoạt. Vạch ra những dự tính của chính mình rồi thực hiện chúng chẳng đưa đi đến đâu. Tôi chỉ chạy quanh chính mình. Khi Thượng đế xét rằng một trái cây đã chín, Ngài hái nó và ăn. Bất cứ trái nào Ngài thấy còn xanh thì vẫn tiếp tục ở trên cành cây của thế giới thêm một ngày nữa.

M: Ngay cả thế giới Thượng đế còn không biết. Ông nghĩ là Thượng đế biết đến ông?

H: Thượng đế của ông khác. Thượng đế của tôi khác. Thượng đế của tôi nhân từ hơn, Ngài đau khổ cùng với chúng tôi.

M: Ông cầu nguyện để cứu một người trong khi cả ngàn người chết. Nếu tất cả mọi người không chết thì sẽ chẳng còn chỗ trên thế gian này.

H: Tôi không sợ chết. Mối quan tâm của tôi là phiền não và đau khổ. Thượng đế của tôi chỉ là một thần linh chất phác và chẳng giúp ích được gì. Ngài chẳng có quyền phép bắt chúng tôi khôn ngoan mà chỉ biết đứng chờ.

M: Nếu cả ông lẫn Thượng đế của ông đều vô phương, thế không phải điều đó hàm ý là thế giới này ngẫu nhiên mà có? Và nếu đúng như thế, điều duy nhất ông có thể làm là vượt ra khỏi nó.

15. Grani – Bậc giác ngộ

Hỏi: Nếu không có quyền năng của Thượng đế thì không gì có thể được thực hiện. Ngay cả ông cũng không thể ngồi đây nói chuyện với chúng tôi mà không có Ngài.

Maharaj: Tất cả đều do Ngài làm ra, chẳng có gì nghi hoặc. Nhưng Ta chẳng mong cầu chi thì điều đó có nghĩa gì đối với Ta? Thượng đế có thể ban phát, hay tước đoạt của Ta cái gì? Cái của Ta là của Ta và đã là của Ta ngay từ khi không có Thượng đế. Dĩ nhiên, nó chỉ là một cái gì vô cùng nhỏ bé, một đốm nhỏ – ý thức “Ta hiện hữu”, thực tế của sự hiện hữu. Đây là nơi chỗ của chính Ta, mà không phải do ai ban phát. Trái đất này là của Ta, cái gì mọc trên đó là của Thượng đế.

H: Thế Thượng đế thuê lại của ông trái đất này?

M: Thượng đế là người sùng kính Ta và đã làm tất cả những điều đó cho Ta.

H: Lìa ông ra thì không có Thượng đế?

M: Làm sao có thể có Thượng đế mà không có Ta? “Ta hiện hữu” là gốc, Thượng đế là cây. Việc gì Ta phải sùng kính ai, và để làm gì?

H: Ông là người sùng kính hay là đối tượng của sự sùng kính?

M: Ta không phải cả hai. Ta chính là sự sùng kính.

H: Không có đủ sự sùng kính trên thế gian này.

M: Ông luôn luôn theo đuổi ý định làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Ông thực sự tin tưởng rằng thế giới đang chờ để được ông cứu vớt?

H: Tôi không biết tôi có thể làm được bao nhiêu cho thế giới. Tất cả tôi có thể làm là cố gắng. Ông còn muốn tôi làm điều gì khác?

M: Không có ông, liệu có thế giới? Ông biết tất cả về thế giới, nhưng còn chính ông thì ông chẳng biết gì. Ông chính là dụng cụ cho việc làm của ông, ông chẳng có dụng cụ nào khác. Tại sao ông không quan tâm đến dụng cụ trước khi nghĩ đến việc làm của ông?

H: Tôi có thể chờ, còn thế giới thì không thể chờ đợi.

M: Vì không tìm hiểu, ông để thế giới chờ đợi.

H: Chờ đợi cái gì?

M: Một ai đó có thể cứu vớt nó.

H: Thượng đế điều khiển thế giới, Thượng đế sẽ cứu vớt thế giới.

M: Đó là ông nói! Thế Thượng đế có đến bảo ông rằng thế giới do Ngài sáng tạo nên là mối quan tâm của Ngài, chứ không phải của ông?

H: Tại sao đó lại là sự quan tâm của riêng tôi?

M: Thử nghĩ xem. Thế giới mà trong đó ông sống, có ai khác biết về nó?

H: Ông biết, mọi người biết.

M: Có ai từ bên ngoài thế giới của ông đến nói với ông điều đó không? Ta và mọi người khác xuất hiện và biến mất trong thế giới của ông. Ta và họ đều trong quyền định đoạt của ông.

H: Làm gì đến nỗi như thế! Tôi tồn tại trong thế giới của ông cũng như ông tồn tại trong thế giới của tôi.

M: Ông chẳng có bằng chứng nào về thế giới của Ta. Ông hoàn toàn bị giấu kín trong cái thế giới của chính ông tạo ra.

H: Tôi biết. Hoàn toàn, nhưng có vô vọng không?

M: Trong cái thế giới nhà tù của ông xuất hiện một người, người đó bảo ông rằng cái thế giới của những mâu thuẫn đầy đau đớn mà ông đã tạo ra – không tiếp tục và cũng chẳng thường hằng – cái thế giới đó dựa trên những thấy biết sai lầm. Người đó khẩn thiết bảo ông thoát ra – cũng bằng cách mà ông đã đi vào thế giới ấy. Vì quên mất cái ông là nên ông đã đi vào thế giới ấy, và ông chỉ có thể thoát ra bằng cách biết chính ông như ông là.

H: Làm như thế sẽ tác động gì đến thế giới?

M: Khi thoát ra khỏi thế giới thì ông mới có thể làm một cái gì đó cho thế giới. Chừng nào còn là tù nhân của nó thì không có cách gì ông thay đổi nó. Trái lại, bất cứ gì ông hành động chỉ làm cho tình thế tồi tệ hơn.

H: Hành động đúng sẽ giải thoát tôi.

M: Hành động đúng chắc chắn sẽ làm cho ông và thế giới của ông là một nơi dễ chịu, và thậm chí còn hạnh phúc. Nhưng có ích lợi gì? Thế giới đó không có thực thể. Nó không thể tồn tại lâu dài.

H: Thượng đế sẽ cứu giúp.

M: Muốn cứu giúp ông Thượng đế phải biết sự tồn tại của ông. Nhưng cả ông lẫn thế giới của ông đều là những trạng thái chiêm bao. Trong chiêm bao có thể ông đau khổ. Nhưng không ai biết sự đau khổ của ông, vì thế chẳng ai có thể cứu giúp ông.

H: Như vậy tất cả những thắc mắc, tìm tòi và nghiên cứu của tôi chẳng ích lợi gì?

M: Đó chỉ là những cọ quậy của một người đã chán không muốn ngủ nữa. Chúng không phải là những nguyên nhân của sự tỉnh thức, mà chỉ là những dấu hiệu ban đầu. Tuy nhiên, ông đừng hỏi những câu vu vơ mà ông đã biết trước câu trả lời.

H: Làm sao tôi tìm được một câu trả lời đích thực?

M: Bằng cách đặt câu hỏi đích thực – không bằng lời lẽ suông, mà bằng sự can đảm dám sống theo sự hiểu biết của ông. Một người sẵn sàng chết cho chân lý sẽ đạt được chân lý.

H: Một câu hỏi khác. Có con người. Có người biết con người. Có nhân chứng. Người biết và nhân chứng là một, hay là hai trạng thái khác biệt?

M: Người biết và nhân chứng là hai hay một? Khi người biết được xem như tách biệt với cái bị biết, thì nhân chứng đứng một mình. Khi cái bị biết và người biết được xem là một, nhân chứng trở thành một với người biết và cái bị biết.

H: Ai là bậc giác ngộ – Gnani? Nhân chứng hay cái Tối thượng?

M: Gnani là cái Tối thượng và cũng là nhân chứng. Gnani vừa là hiện hữu vừa là tánh biết. Trong tương quan với ý thức Gnani là tánh biết. Trong tương quan với vũ trụ Gnani là sự hiện hữu thuần túy.

H: Thế còn con người? Ai có trước, con người hay người biết?

M: Con người chỉ là một vật rất nhỏ bé. Thực ra con người là một sự cấu thành, không thể nói con người tự tồn tại. Nếu không được nhận thức, con người không có đó. Con người chỉ là cái bóng của tâm, tổng hợp của vô số ký ức. Hiện hữu thuần túy – được phản ánh trong tấm gương của tâm – là trạng thái biết. Cái bị biết hình thành con người, dựa trên ký ức và thói quen. Con người chỉ là một cái bóng, hay một phóng ảnh của người biết lên màn ảnh của tâm.

H: Tấm gương có đó, ảnh phản chiếu có đó. Nhưng mặt trời ở đâu?

M: Cái Tối thượng là mặt trời.

H: Cái Tối thượng phải ý thức.

M: Cái Tối thượng không ý thức mà cũng chẳng vô thức. Đừng nghĩ về nó theo quan điểm ý thức hay vô thức. Nó là sự sống, dung chứa cả hai và siêu vượt cả hai.

H: Sự sống vô cùng trí tuệ. Làm sao nó có thể vô thức?

M: Ông chỉ nói đến vô thức khi nào có sự gián đoạn trong ký ức. Trong thực tế chỉ có ý thức. Toàn thể sự sống là ý thức, toàn thể ý thức – là sống.

H: Ngay cả đá?

M: Ngay cả đá cũng ý thức và sống.

H: Mối lo ngại của tôi là tôi có khuynh hướng phủ nhận sự tồn tại của những gì tôi không tưởng tượng ra được.

M: Nếu khôn ngoan hơn thì ông nên phủ nhận sự tồn tại của những gì ông tưởng tượng. Chính cái được tưởng tượng là cái không thật.

H: Liệu tất cả những gì có thể tưởng tượng được đều không thật?

M: Tưởng tượng dựa trên ký ức thì không thật. Tương lai không phải hoàn toàn là không thật.

H: Phần nào của tương lai là thật, phần nào không?

M: Cái không được mong đợi và cái không thể đoán trước là thật.

16. Vô tham ái là cực lạc

Hỏi: Tôi đã gặp rất nhiều người giác ngộ, nhưng chưa bao giờ gặp một người giải thoát. Ông đã gặp người nào giải thoát chưa, hay giải thoát có nghĩa – trong những phương cách của nó – là từ bỏ thân xác

Maharaj: Ông hiểu thế nào là giác ngộ và giải thoát?

H: Giác ngộ có nghĩa là một kinh nghiệm tuyệt vời của an lạc, thiện và mỹ, khi thế giới có ý nghĩa, và có một sự hợp nhất bao trùm tất cả bản chất lẫn tánh thể. Một kinh nghiệm như thế dù không dài lâu, nhưng không thể quên được. Nó chiếu sáng trong tâm, vừa như ký ức vừa như mong đợi. Tôi biết điều tôi đang nói vì tôi đã từng trải qua những kinh nghiệm như thế.

Còn giải thoát theo tôi có nghĩa là thường xuyên ở trong trạng thái tuyệt vời đó. Điều tôi muốn hỏi là liệu giải thoát có tương hợp với sự sống lâu của thân xác?

M: Có gì không ổn với thân xác?

H: Thân xác thì quá yếu đuối và ngắn ngủi. Nó tạo ra những đòi hỏi và thèm khát. Nó giới hạn con người một cách trầm trọng.

M: Thì đã sao? Cứ mặc kệ những thể hiện vật lý hữu hạn. Còn giải thoát là đem cái Ta khỏi những ý nghĩ sai lầm và tự áp đặt; giải thoát không phải là nội dung của một kinh nghiệm riêng biệt nào đó, dù huy hoàng đến đâu.

H: Giải thoát có tồn tại mãi?

M: Tất cả kinh nghiệm đều bị rang buộc bởi thời gian. Bất cứ gì có một khởi đầu đều phải có một kết thúc.

H: Như vậy giải thoát, theo ý nghĩa từ ngữ của tôi, không tồn tại?

M: Trái lại, một người luôn luôn tự do. Ông vừa ý thức vừa tự do ý thức. Không ai có thể tước đoạt của ông. Có bao giờ ông biết chính ông không tồn tại, hoặc vô thức?

H: Tôi không thể nhớ, những điều đó không bác bỏ thực tế là có những lúc tôi vô thức.

M: Tại sao ông không từ bỏ kinh nghiệm để quay sang người kinh nghiệm, và nhận ra tất cả ý nghĩa của chân ngôn duy nhất: “Ta hiện hữu”?

H: Làm sao thực hiện được điều đó?

M: Không có “làm sao” ở đây. Chỉ cần giữ trong tâm cảm giác “Ta hiện hữu”, nhập vào nó, cho đến khi tâm ông và cảm giác trở nên một. Bằng những cố gắng lập đi lập lại ông sẽ ngẫu nhiên đạt được sự quân bình đúng mức giữa chú ý và cảm xúc, và tâm ông sẽ được dựng lập một cách kiên cố trong cái ý-nghĩ-và-cảm-giác “Ta hiện hữu”. Dù ông nghĩ gì, nói gì hay làm gì thì ý thức về sự hiện hữu bất di bất dịch và thân thiết này luôn luôn hiện diện như hậu cảnh của tâm.

H: Và ông gọi đó là giải thoát?

M: Ta gọi đó là bình thường. Có gì không đúng khi hiện hữu, biết và hành động một cách vui sướng mà chẳng cần phải cố gắng? Tại sao lại cho đó là điều bất thường để muốn hủy diệt thân xác ngay lập tức. Có gì không phải với cái thân xác mà cuối cùng nó sẽ chết đi? Hãy sửa lại thái độ của ông đối với thân xác của ông, và cứ để kệ nó. Đừng nuông chiều và cũng đừng hành hạ thân xác. Cứ để nó hành hoạt trong hầu hết mọi lúc dưới ngưỡng của sự chú ý hữu thức.

H: Ký ức của những kinh nghiệm tuyệt vời cứ ám ảnh tôi. Tôi muốn chúng trở lại.

M: Vì muốn chúng trở lại nên ông không thể có chúng. Trạng thái khao khát sẽ ngăn chặn những kinh nghiệm sâu sắc hơn. Không gì có giá trị lại xảy ra với một cái tâm biết chính xác cái nó mong cầu. Vì không gì mà tâm có thể hình dung được và mong cầu lại có giá trị.

H: Thế thì có gì đáng mong cầu?

M: Mong cầu cái Tối thượng. Hạnh phúc tối thượng, tự do vô biên. Vô tham ái là cực lạc.

H: Tự do vô tham ái không phải thứ tự do mà tôi muốn. Tôi muốn tự do thỏa mãn mọi mong cầu của tôi.

M: Ông hoàn toàn tự do thỏa mãn mọi mong cầu của ông. Thật ra, ông chẳng làm gì khác.

H: Tôi thử rồi, nhưng có những chướng ngại làm cho tôi nản lòng.

M: Khắc phục chúng.

H: Không được, tôi quá nhu nhược.

M: Cái gì làm cho ông nhu nhược? Cái gì là sự yếu đuối? Nhiều người thực hiện được những mong muốn của họ, tại sao ông lại không?

H: Chắc là tôi thiếu năng lực.

M: Chuyện gì xảy ra với năng lực của ông? Nó tiêu tán đi đâu? Thế không phải ông đã phung phí nó cho quá nhiều ham muốn và theo đuổi đầy mâu thuẫn. Ông không thể có một nguồn năng lượng vô tận.

H: Tại sao lại không?

M: Mục đích của ông thì nhỏ bé và thấp kém. Chúng không đòi hỏi nhiều. Chỉ có năng lực của Thượng đế là vô tận vì Thượng đế không ham muốn gì cho chính Ngài. Hãy giống như Ngài rồi tất cả những mong muốn của ông sẽ được thực hiện. Mục đích của ông càng cao, mong muốn của ông càng lớn thì ông càng có nhiều năng lực để thực hiện chúng. Mong muốn những điều tốt lành cho mọi người thì vũ trụ sẽ hành động với ông. Nhưng nếu chỉ mong cầu lạc thú riêng tư thì ông phải kiếm nó một cách nhọc nhằn. Trước khi mong muốn, hãy tỏ ra xứng đáng.

H: Tôi đang học triết học, xã hội học và giáo dục. Tôi nghĩ rằng cần phải phát triển thêm tâm thức trước khi mơ tưởng đến sự giác ngộ chính mình. Tôi có đi đúng đường không?

M: Để kiếm sống thì cần phải có một kiến thức chuyên biệt nào đó. Hiển nhiên kiến thức tổng quát phát triển tâm thức. Nhưng nếu suốt đời gom góp kiến thức thì ông chỉ dựng lên một bức tường quanh ông. Để vượt ra khỏi tâm, không cần phải có một cái tâm được trang bị tốt.

H: Vậy cái gì là cần thiết?

M: Đừng tin vào tâm, và ra khỏi tâm.

H: Tôi sẽ tìm thấy gì bên ngoài tâm?

M: Kinh nghiệm trực tiếp về hiện hữu, biết và tình yêu.

H: Làm sao một người vượt ra khỏi tâm?

M: Có nhiều điểm khởi đầu – chúng đều dẫn đến cùng một đích. Ông có thể bắt đầu với những việc làm vô vị kỷ, không màng đến kết quả của hành động; rồi ông có thể buông bỏ mọi ý nghĩ và kết thúc bằng buông bỏ mọi tham ái. Ở đây, buông bỏ là yếu tố chủ động. Hoặc ông chẳng cần bận tâm đến bất cứ gì ông mong cầu, suy nghĩ, hay hành động, mà chỉ an trú trong ý-nghĩ-và-cảm-giác “Ta hiện hữu”, tâm kiên trì chú ý cái “Ta hiện hữu”. Đủ mọi loại kinh nghiệm sẽ xảy đến với ông, nhưng hãy tuyệt nhiên bất động trong sự hiểu biết rằng tất cả những gì có thể nhận thức được đều biến dịch, chỉ cái “Ta hiện hữu” mới bất biến.

H: Tôi không thể dành trọn đời cho những tu tập như thế. Tôi còn có những nhiệm vụ khác phải làm.

M: Bằng mọi cách cứ làm các nhiệm vụ của ông. Hành động – mà ông không can dự vì cảm xúc, đem lại lợi lạc và không gây đau khổ – sẽ không trói buộc được ông. Ông có thể tham dự vào những phương hướng khác nhau, hành động vô cùng hăng say, nhưng bên trong vẫn tự do và tĩnh lặng, với một cái tâm trong như mặt gương, phản chiếu tất cả mà không hề bị tác động.

H: Liệu một trạng thái như thế có thể thực hiện được không?

M: Nếu không được thì Ta đã không nói. Việc gì Ta lại can dự vào những điều hoang tưởng?

H: Mọi người đều viện dẫn kinh điển.

M: Những người chỉ biết kinh điển thì chẳng biết gì. Biết là hiện hữu. Ta biết Ta đang nói gì, cái Ta nói không qua đọc sách hay nghe nói mà biết.

H: Tôi đang học Phạn ngữ dưới sự chỉ dẫn của một giáo sư, nhưng thật ra tôi chỉ đọc kinh sách. Tôi đi tìm sự giác ngộ chính mình, và đến đây để mong được chỉ giáo. Làm ơn cho tôi biết tôi phải làm gì?

M: Ông đã từng đọc kinh sách, vậy hỏi Ta làm gì?

H: Kinh sách chỉ cho biết những đường hướng tổng quát, một người cần những chỉ giáo riêng.

M: Cái Ta của ông là đạo sư tối hậu của ông – Sadguru. Đạo sư bên ngoài – Guru – chỉ là phương tiện chỉ đường. Chỉ có đạo sư bên trong của ông mới đi cùng với ông đến đích, vì ông ta là đích đến.

H: Tìm đến với đạo sư bên trong không phải là chuyện dễ dàng.

M: Vì Đạo sư ở trong ông và ở cùng với ông, nên sự khó khăn không phải là nghiêm trọng. Hãy nhìn vào bên trong và ông sẽ tìm thấy vị Đạo sư.

H: Khi nhìn vào trong tôi chỉ thấy các cảm giác và nhận thức, ý nghĩ và cảm thọ, tham ái và lo sợ, ký ức và chờ mong. Tôi bị chìm đắm trong đám mây đó và chẳng thấy gì khác.

M: Cái thấy được những cái ông nói, và thấy được cả cái không – chính là vị đạo sư bên trong của ông. Chỉ có vị đạo sư hiện hữu, tất cả những cái khác chỉ có vẻ như hiện hữu. Đạo sư là cái Ta của chính ông – Swarupa – là niềm hy vọng và cũng là sự bảo đảm đem lại tự do của chính ông. Hãy tìm ra vị Đạo sư và bám chặt lấy ông ta, ông sẽ được cứu độ và an toàn.

H: Tôi hoàn toàn tin ông, nhưng khi thực sự đi tìm cái Ta bên trong, tôi thấy nó lẩn trốn tôi.

M: Cái ý nghĩ “nó lẩn trốn tôi” sinh khởi từ đâu?

H: Trong tâm.

M: Ai là kẻ biết tâm?

H: Nhân chứng của tâm biết tâm.

M: Có kẻ nào đến bảo ông rằng: “Ta là nhân chứng của tâm ông” không?

H: Dĩ nhiên là không. Nếu có thì kẻ đó chỉ là một ý nghĩ khác trong tâm.

M: Vậy ai là nhân chứng?

H: Tôi.

M: Như thế, ông biết nhân chứng vì chính ông là nhân chứng. Ông chẳng cần nhìn thấy nhân chứng trước mặt ông. Một lần nữa, nên nhớ rằng: hiện hữu là biết.

H: Vâng, tôi thấy rằng tôi là nhân chứng, là tự thân tánh biết. Nhưng điều đó có lợi lạc gì cho tôi?

M: Thật là một câu hỏi ngớ ngẩn! Ông chờ mong lợi lạc gì? Biết được cái ông là chưa đủ lợi lạc hay sao?

H: Những công năng của sự biết chính mình là gì?

M: Nó giúp ông hiểu được cái mà ông không là, và đoạn trừ mọi tà kiến, tham ái và hành động sai lầm của ông.

H: Nếu tôi chỉ là nhân chứng thì đúng và sai có gì quan trong?

M: Cái gì giúp cho ông biết chính ông là cái đúng. Cái gì ngăn trở là sai. Biết được cái Ta thật của chính mình là hỷ lạc, quên mất nó là đau khổ.

H: Có phải ý thức nhân chứng là cái Ta thật?

M: Nó là ảnh phản chiếu của cái thật trong tâm – Buddhi. Cái thật ở ngoài. Nhân chứng là cánh cửa mà qua đó ông đi ra ngoài.

H: Mục đích của thiền là gì?

M: Thấy cái giả là giả, đó là thiền. Điều này phải xảy ra trong mọi lúc.

H: Chúng tôi được chỉ dạy phải thường xuyên hành thiền.

M: Chủ định hằng ngày thực tập phân biệt giữa cái thật và cái giả, là hành thiền. Khởi sự thì có nhiều loại thiền, nhưng cuối cùng tất cả sẽ hội nhập làm một.

H: Vui lòng cho tôi biết con đường nào ngắn nhất đưa đến sự giác ngộ chính mình?

M: Chẳng có con đường nào dài và cũng chẳng có con đường nào ngắn, chỉ có người nhiều nhiệt tâm hay ít nhiệt tâm. Để Ta cho ông biết về trường hợp của Ta. Ta chỉ là một người chân phương, và tuyệt đối tin tưởng Tôn sư. Điều Tôn sư bảo Ta làm, Ta đã làm theo. Tôn sư bảo Ta tập trung vào cái “Ta hiện hữu”, Ta đã làm như thế. Tôn sư bảo Ta ở ngoài tất cả những gì có thể nhận thức được và nghĩ tưởng được, Ta tin theo. Ta trao trọn cho Tôn sư trái tim và tâm hồn, tất cả sự chú ý và thời gian rãnh rỗi (Ta còn phải làm việc để nuôi sống gia đình). Kết quả của tín tâm và sự thành khẩn thực hành, trong vòng ba năm Ta đã giác ngộ cái Ta – swarupa – của Ta.

Ông có thể chọn bất cứ cách nào thích hợp với ông; lòng thành khẩn sẽ quyết định tiến độ của ông.

H: Không có một gợi ý riêng nào cho tôi?

M: Kiên cố an định chính ông trong cái biết “Ta hiện hữu”. Đây là sự khởi đầu và cũng là sự kết thúc của tất cả mọi tinh tấn.

17. Hiện tại thường hằng

Hỏi: Những năng lực cao nhất của tâm là hiểu, trí tuệ và sự sáng suốt. Con người có ba thân – thân vật lý, thân tâm lý và thân nhân quả – Prana, Mana, Karana. Thân vật lý phản ảnh sự hiện hữu của con người; thân tâm lý phản ảnh sự hiểu biết, và thân nhân quả phản ánh tính sáng tạo vui tươi. Dĩ nhiên tất cả đều là những hình tướng trong ý thức. Nhưng chúng có vẻ tách rời nhau, với những tính chất riêng. Trí tuệ – Buddhi – là sự phản chiếu của khả năng biết – Chit – lên tâm. Nó chính là cái làm cho tâm hiểu biết. Trí tuệ càng sáng suốt thì sự hiểu biết càng rộng, càng sâu, và càng đúng thật Biết vạn vật, biết con người và biết chính mình đều là các chức năng của trí tuệ – biết chính mình là quan trọng nhất và bao gồm hai cái kia. Hiểu sai chính mình và hiểu sai thế giới sẽ đưa đến tà kiến và tham ái – là những thứ đưa đến ràng buộc. Hiểu biết đúng đắn về chính mình là cần thiết để thoát khỏi ràng buộc của những cái hư giả. Về lý thuyết, tôi hiểu tất cả những điều đó, nhưng khi thực hành tôi thấy mình thất bại một cách vô vọng trong các ứng xử với tình huống và con người, rồi tôi cộng thêm những phản ứng không đúng đó vào sự ràng buộc. Cuộc sống thì quá nhanh chóng đối với cái tâm u mê và trì trệ của tôi. Tôi hiểu nhưng quá trễ, khi những lỗi lầm cũ cứ tiếp tục lập lại.

Maharaj: Vậy cái gì là vấn đề của ông?

H: Tôi cần một phản ứng với cuộc sống, không những thông minh mà còn nhanh nhạy. Một phản ứng không thể nhanh nhạy nếu nó không hoàn toàn tùy nghi.Làm sao tôi có thể đạt đến một sự tùy nghi như thế?

M: Tấm gương không thể làm gì để thu hút mặt trời. Chỉ có cách duy nhất là giữ nó trong sáng. Ngay khi tâm sẵn sàng thì mặt trời sẽ chiếu sáng trong nó.

H: Ánh sáng thuộc về cái Ta, hay thuộc về tâm?

M: Cả hai. Nó không do nhân duyên sinh ra và tự thân không thay đổi, nhưng khi được tâm tô mầu thì nó có vẻ như chuyển động và thay đổi. Nó rất giống với một phim xinê. Ánh sáng không ở trong phim, nhưng phim tô mầu ánh sáng và làm cho ánh sáng có vẻ như chuyển động bằng những ngăn che liên tiếp.

H: Hiện ông đang trong trạng thái toàn hảo?

M: Toàn hảo là một trạng thái của tâm khi tâm thanh tịnh. Ta ở ngoài tâm, dù tâm ở trong bất cứ trạng thái nào, tịnh hay bất tịnh. Biết là bản tánh của Ta; Ta siêu vượt hiện hữu và phi hiện hữu.

H: Liệu thiền có giúp tôi đạt đến trạng thái của ông?

M: Thiền sẽ giúp ông nhận ra những gì ràng buộc ông, tháo gỡ và vất bỏ chúng. Khi không còn bị ràng buộc với bất cứ gì, ông đã làm xong phần việc của ông. Phần còn lại sẽ được hoàn tất cho ông!

H: Bởi ai?

M: Bởi cùng cái năng lực đã thúc đẩy ông cho đến nay, cái năng lực thôi thúc trái tim ông khao khát chân lý, và tâm ông đi tìm chân lý. Nó cũng là cái năng lực duy trì sự sống của ông. Ông có thể gọi nó là sự sống hay cái Tối thượng.

H: Và cũng năng lực đó sau này sẽ giết tôi vào đúng lúc.

M: Có thật ông đã vắng mặt vào lúc ông được sinh ra? Liệu có thật là ông sẽ vắng mặt vào lúc ông chết đi? Tìm ra kẻ luôn luôn có mặt, rồi vấn đề phản ứng tùy nghi và toàn hảo của ông sẽ được giải quyết.

H: Nhận ra cái vĩnh cửu, và, một phản ứng thích nghi dễ dàng đối với một sự kiện nhất thời và luôn luôn thay đổi, là hai vấn đề riêng biệt và khác biệt nhau. Ông có vẻ như cuốn chúng lại làm một. Điều gì khiến ông làm như thế?

M: Nhận ra cái Vĩnh cửu là trở thành cái Vĩnh cửu, tức cái toàn thể, hay vũ trụ, cùng với tất cả những gì được dung chứa trong đó. Mỗi một sự kiện là kết quả và cũng là sự thể hiện của cái toàn thể, và cùng ở trong sự hài hòa căn bản với cái toàn thể. Tất cả phản ứng từ cái toàn thể nhất định là đúng, dễ dàng và ngay lập tức.

Nếu đúng thì nó không thể là cái gì khác. Một phản ứng bị trì hoãn là một phản ứng sai. Ý nghĩ, cảm thọ và hành động phải là một và đồng thời với tình huống đòi hỏi.

H: Nó đến bằng cách nào?

M: Ta đã bảo ông rồi. Tìm ra kẻ có mặt lúc ông sinh ra và chứng kiến lúc ông chết đi.

H: Cha và mẹ của tôi?

M: Phải, cái cha mẹ của ông, nguồn gốc mà từ đó ông sinh ra. Để giải quyết một vấn đề ông phải truy nó đến tận nguyên thủy. Chỉ bằng cách hòa tan một vấn đề trong dung môi vũ trụ của sự tìm hiểu vô tư, thì một giải pháp đúng cho nó mới được tìm ra.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x