Trang chủ » Chương 1: Sự hiện hữu và giác ngộ

Chương 1: Sự hiện hữu và giác ngộ

by Trung Kiên Lê
163 views

Có một Đời Sống Duy Nhất, vĩnh hằng và hiện tiền vượt lên trên hằng hà sa số hình thái của cuộc sống với sinh tử đời thường. Đời Sống Duy Nhất đó được nhiều người gọi là Thượng Đế, còn tôi thường gọi đó là Bản Thể Đích Thực. Từ “Bản Thể Đích Thực” không nói lên ý nghĩa gì cụ thể, cũng không mô tả về Thượng Đế.

Tuy nhiên, từ “Bản Thể Đích Thực” có lợi thế nhất định vì nó là một khái niệm mở. Khái niệm này không gán những thứ vô hạn, vô hình thành những thực thể hữu hạn. Không một hình thái nào được tưởng tượng ra giống với khái niệm này. Không ai có thể độc quyền sở hữu Bản Thể Đích Thực.

Nó là sự hiện diện của chính bạn, và bạn có thể chạm tới nó ngay tức thì khi bạn cảm nhận được sự hiện diện của chính mình. Do đó, chỉ có một khoảng cách rất nhỏ giữa khái niệm Bản Thể Đích Thực và trải nghiệm mình là Bản Thể Đích Thực.

BẢN THỂ ĐÍCH THỰC KHÔNG CHỈ VƯỢT THOÁT MÀ CÒN THẤM SÂU vào bên trong từng hình thái như là bản thể vô hình bên trong và không thể phá bỏ. Điều này có nghĩa là bạn có thể tiếp cận được với nó ngay lúc này vì nó là bản chất thực sự của bạn và là bản thể sâu thẳm bên trong bạn. Nhưng bạn đừng cố gắng tập trung tâm trí tìm kiếm để phát hiện ra nó. Cũng đừng cố để hiểu nó.

Bạn có thể biết được nó chỉ khi tâm trí bạn trở nên tĩnh tại. Khi bạn biết mình đang hiện diện, khi bạn chỉ tập trung vào Hiện Tại, bạn sẽ cảm nhận được Bản Thể Đích Thực, nhưng tâm trí của bạn sẽ không bao giờ hiểu được nó.

Giác ngộ chính là khả năng nhận thức được Bản Thể Đích Thực và kéo dài trạng thái nhận biết đó.

Từ “giác ngộ” có thể khiến ta liên tưởng đến những khả năng siêu phàm, và bản ngã trong ta thường sẽ muốn đạt được như vậy, nhưng thực chất nó chỉ là một trạng thái tự nhiên của chính ta – cảm thấy hợp nhất với Bản Thể Đích Thực.

Đó là trạng thái kết nối với một cái gì đó vô lượng vô diệt, một cái gì đó gần như là bạn nhưng nghịch lý thay nó lớn hơn nhiều so với bạn. Đó là một sự tìm kiếm bản chất thật trong ta, những thứ vượt lên trên cả tên gọi và hình tướng.

Khi không thể cảm nhận được sự kết nối này, một ảo giác bên trong về sự tách rời khỏi bản thân và khỏi thế giới xung quanh được sinh ra. Từ đó, dù vô thức hay có ý thức, bạn sẽ cảm nhận bản thân mình như là một mảnh ghép bị tách rời khỏi tổng thể và bị cô lập. Nỗi sợ hãi trỗi dậy trong bạn, và tạo ra những mâu thuẫn từ bên trong lẫn bên ngoài.

Trở ngại lớn nhất để cảm nhận được sự tồn tại của sự kết nối bên trong chính là việc đánh đồng bản thân với tâm trí, khiến cho suy nghĩ trở nên miên man, liên tục.

Không có khả năng ngừng lại các suy nghĩ chính là một sự phiền não tột cùng, nhưng chúng ta không thể nhận ra vì hầu hết mọi người đều đang trải qua sự đau khổ này, và đều xem điều đó là bình thường.

Chính sự khuấy động ồn ào không ngừng trong tâm trí ngăn cản bạn chạm đến cảnh giới của sự tĩnh lặng bên trong, một điều không thể tách rời khỏi Bản Thể Đích Thực. Điều này cũng tạo ra một cái tôi giả tạo bị ám ảnh bởi những sợ hãi và khổ đau.

Sự đánh đồng bản thân với tâm trí sẽ tự động tạo ra một lăng kính phản ánh các khái niệm, nhãn mác, hình ảnh, từ ngữ, sự phán xét và định nghĩa, chính lăng kính này sẽ ngăn cản hay khóa lại mọi mối quan hệ thực sự.

Nó sẽ đứng ở giữa bạn và bản thân bạn, giữa bạn với những người bạn của bạn, giữa bạn với tự nhiên, và giữa bạn với Thượng Đế.

Đấy chính là một bức màn của những ý tưởng tạo nên ảo giác về sự phân tách, ở đó có bạn và một thế giới khác không phải bạn. Sau đó, bạn quên mất một thực tế rất quan trọng ẩn bên dưới bề nổi của ngoại hình, bạn với tất cả chỉ là một.

Tâm trí là một công cụ tuyệt vời nếu như nó được sử dụng một cách đúng đắn. Ngược lại, khi sử dụng sai mục đích, nó sẽ trở thành một mối nguy hại. Nói đúng hơn, đây không có nghĩa là bạn dùng tâm trí không đúng cách, mà bạn hoàn toàn không sử dụng nó chút nào.

Ngược lại, nó sử dụng bạn. Đây là một căn bệnh. Bạn nhầm tưởng chính mình là tâm trí. Đó chỉ là suy nghĩ ảo tưởng. Chính công cụ này đã giành được quyền kiểm soát bạn.

Bạn gần như bị chiếm hữu mà không hề hay biết, do đó bạn xem cái thực thể đang chiếm hữu bạn là chính bạn.

ĐIỂM KHỞI ĐẦU CỦA SỰ TỰ DO là việc bắt đầu giác ngộ, nhận ra rằng bạn không phải là thực thể đang chiếm hữu bạn – những suy tư, cảm xúc không chủ đích.

Khi nhận biết được điều này, bạn sẽ quan sát được những suy nghĩ hay cảm xúc vô định đó. Giây phút bạn bắt đầu nhận biết được suy nghĩ hay cảm xúc của mình, tầm nhận thức cao hơn trong bạn bắt đầu được kích hoạt.

Từ đó, bạn bắt đầu nhận ra rằng có một chiều không gian rộng lớn của tri thức cao hơn so với những suy nghĩ mông lung hay những cảm xúc tức thời, những suy tưởng đó chỉ là phần rất nhỏ bé của tầm tri thức kia. Bạn cũng nhận thức ra những gì thực sự quan trọng đối với bạn – từ vẻ đẹp, tình yêu, tính sáng tạo, niềm hân hoan, đến sự bình yên ở bên trong – đều đến từ tầm tâm thức cao này, thay vì đến từ tâm trí hay những suy tưởng miên man trong đầu.

Lúc này, bạn đã bắt đầu thức tỉnh.

Giải thoát bản thân khỏi tâm trí

Một tin tốt là ta có thể giải thoát bản thân ra khỏi tâm trí. Đây mới chính là tự do thực sự và duy nhất. Ngay lúc này, bạn có thể thực hiện những bước đầu tiên để đạt được sự giải thoát.

BẮT ĐẦU LẮNG NGHE NHỮNG ÂM THANH PHÁT RA TỪ TRONG ĐẦU. Đặc biệt lưu ý bất kỳ lối tư duy lặp đi lặp lại nào, những lối mòn suy nghĩ hay những đoạn băng cũ kỹ được lặp lại liên tục trong đầu, có thể là trong nhiều năm.

Tôi gọi cách làm ấy là “quan sát những suy tư, suy nghĩ hay cảm xúc xảy ra trong đầu”, hay nói cách khác, hãy lắng nghe những âm thanh vang vọng trong đầu, hãy ở đó như thể bạn là người ở hiện tại, một nhân chứng để chứng kiến những cảnh tượng đang xảy ra trong đầu.

Khi bạn lắng nghe âm thanh đó, hãy nghe nó một cách tỉnh táo và sáng suốt, có nghĩa là không nên phán xét hoặc nhận định. Đừng đánh giá hoặc lên án những gì bạn đã nghe thấy, vì khi làm vậy, chính âm thanh đó đã vang vọng trở lại từ cánh cửa sau.

Bạn sẽ sớm nhận ra rằng ở đây có âm thanh, và mình đang lắng nghe nó, quan sát nó. Sự giác ngộ Tôi là này, cảm nhận về sự hiện hữu của chính bạn ở hiện tại, không phải là một trong những suy nghĩ, cảm xúc mông lung trong đầu kia. Nó bắt nguồn từ chiều cao hơn của tâm trí.

Vì vậy, khi bạn lắng nghe một ý nghĩ trong đầu, bạn sẽ nhận ra rằng không chỉ có những suy nghĩ, cảm xúc mông lung kia mà còn có cả chính bạn như một nhân chứng nhìn thấy những suy tư đó. Một chiều tâm thức mới đã được mở ra.

KHI BẠN LẮNG NGHE SUY TƯ CỦA MÌNH, bạn nhận biết được sự hiện hữu đầy ý thức của mình – hay chính là bạn nhưng ở một chiều sâu hơn – ở phía sau hoặc bên dưới những suy nghĩ hay cảm xúc kia, như thể nó đã ở đấy.

Những suy tư đó lúc này sẽ mất đi sức mạnh để kiểm soát bạn và dần dần đi ra khỏi tâm trí, bởi vì bạn không còn tiếp năng lượng cho tâm trí. Đây chính là khởi đầu cho sự kết thúc của những suy tư, cảm xúc miên man và mông lung.

Khi một suy nghĩ hay cảm xúc dần lắng xuống, bạn sẽ thấy có sự gián đoạn trong dòng tâm thức – đấy là một khoảng trống khi “không có tâm trí hoạt động”. Trong giai đoạn ban đầu, những khoảng trống này có thể ngắn, có thể là vài giây, nhưng dần dần chúng sẽ kéo dài hơn.

Khi những khoảng trống này xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy có một sự tĩnh lặng nhất định và sự yên bình từ bên trong. Đây chính là khởi đầu cho một trạng thái rất tự nhiên, cảm giác là một với Bản Thể Đích Thực – một trạng thái mà bình thường nó rất lu mờ và hoàn toàn không rõ ràng đối với bạn.

Qua thời gian tập luyện, cảm giác tĩnh lặng và yên bình từ bên trong sẽ dần sâu thêm. Trên thực tế, chiều sâu của sự tĩnh lặng này không hề có đáy, như vô thẳm. Bạn cũng cảm nhận được một niềm hân hoan tự dấy lên nhẹ nhàng từ sâu bên trong: niềm hân hoan của Bản Thể Đích Thực, của việc được sống với thực tại.

Khi bên trong có sự kết nối, bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã thức tỉnh và minh mẫn hơn nhiều so với trạng thái khi bạn đánh đồng mình với những suy tư, cảm xúc mông lung kia. Bạn lúc này hoàn toàn ở hiện tại, hoàn toàn hiện hữu. Trạng thái này cũng sẽ nâng cao tần số hay độ rung của trường năng lượng sống, năng lượng này tạo thêm sức sống cho cơ thể.

Khi bạn đi sâu hơn vào cảnh giới Vô Niệm này, một trạng thái theo cách gọi thông thường ở phương Đông, bạn sẽ nhận ra mình đang ở trong trạng thái với đầy tâm thức thuần túy.

Trong trạng thái đó, bạn sẽ cảm nhận được sự hiện hữu của chính mình với một cường độ cao và sự hân hoan, ở đó mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc, cơ thể của bạn, cũng như toàn bộ thế giới bên ngoài trở nên không còn quan trọng với bạn nữa, chúng chỉ là thứ yếu so với Bản Thể Đích Thực hay sự Thức Tỉnh mà bạn đang có.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn trở nên ích kỷ, thay vào đó bạn đã bỏ đi được cái tôi của mình, hay còn gọi là vô ngã.

Trạng thái này sẽ đưa bạn lên cao hơn tất cả những ý nghĩ mông lung, ưu tư mà trước đây bạn đã từng xem nó là chính mình. Hiện Hữu vừa chính là một phần thiết yếu của bạn, lại vừa lớn hơn bạn rất nhiều.

THAY VÌ “QUAN SÁT NHỮNG SUY NGHĨ, ƯU TƯ MÔNG LUNG”, bạn có thể tạo ra khoảng trống bên trong tâm trí bằng cách rất đơn giản là hướng sự chú ý của bạn vào Hiện Tại. Chỉ cần chú tâm hoàn toàn vào từng giây phút ở hiện tại.

Đây chính là việc làm khiến bạn thoải mái tận sâu bên trong tâm hồn. Theo cách này, bạn đã đưa ý thức của mình ra khỏi các hoạt động của tâm trí – khỏi những suy tư, cảm xúc đời thường, và bạn cũng tạo ra khoảng không của vô niệm, một trạng thái mà bạn rất tỉnh thức và sáng suốt, không hề bị xâm chiếm bởi những suy tư. Đây chính là cốt lõi của thiền định.

BẠN CÓ THỂ LUYỆN TẬP BÀI TẬP NÀY cùng với những hoạt động quen thuộc mỗi ngày, hoàn toàn tập trung vào chính công việc đó. Ví dụ, mỗi khi bạn đi lên đi xuống cầu thang trong nhà hoặc ở nơi làm việc, hãy để ý từng bước chân, từng chuyển động, kể cả hơi thở của bạn. Hoàn toàn trở lại với hiện tại.

Hoặc khi bạn rửa tay, hãy nhận thức bằng tất cả các giác quan: âm thanh của nước và cảm nhận khi chạm tay vào nước, sự chuyển động của tay, mùi thơm của xà phòng, và nhiều trải nghiệm khác.

Hoặc khi bạn mở cửa đi vào ô tô, sau khi đóng cửa lại, hãy ngừng lại vài giây và quan sát hơi thở của bạn. Hãy để ý đến sự tĩnh lặng, đó là một cảm nhận rất rõ ràng về sự hiện hữu của bạn và giây phút hiện tại bạn đang có.

Bạn có thể ước lượng được mức độ thành công từ những cố gắng của mình trong việc sống ở hiện tại thông qua tiêu chí sau: Mức độ bình an bên trong bạn đạt tới đâu.

Bước đi quan trọng nhất trong hành trình hướng đến sự Giác Ngộ là: Hãy học cách để không đồng hóa tâm trí, những suy nghĩ hay cảm xúc của bạn với chính bạn. Mỗi lần bạn tự tạo ra khoảng trống trong dòng chảy suy tư trong đầu, ánh sáng của tâm thức sẽ tỏa sáng ngày một rộng hơn.

Một ngày nào đó, có thể bạn thấy mình đang mỉm cười với những âm thanh trong đầu, giống như bạn đang cười với sự hài hước của một đứa bé. Điều này có nghĩa là bạn đã không còn coi trọng những suy nghĩ, cảm xúc tức thời trong tâm trí, vì cảm nhận của bạn về bản thân không hề phụ thuộc vào nó nữa.

Giác ngộ: trạng thái vượt thoát khỏi những cảm xúc hay suy nghĩ trong tâm trí

Khi bạn lớn lên, bạn đã tự tạo ra hình ảnh trong đầu về việc bạn là ai. Hình ảnh đó được hình thành dựa trên điều kiện sống của bạn và văn hóa nơi bạn sống.

Chúng ta có thể gọi nó là ảo tưởng tự ngã hay cái tôi giả tạo. Tự ngã này bao gồm các hoạt động suy nghĩ của tâm trí – từ suy nghĩ hay cảm xúc – và nó chỉ tiếp tục sống khi trong đầu chúng ta có những suy nghĩ miên man kéo dài.

Cụm từ “tự ngã” có ý nghĩa khác nhau với mỗi người, nhưng trong ngữ cảnh này, nó có nghĩa là cái tôi giả tạo, được tạo ra từ sự đồng hóa bản thân với suy nghĩ và cảm xúc trong tâm trí một cách hoàn toàn vô thức.

Đối với tự ngã, giây phút hiện tại hầu như không hề tồn tại. Trong đó, chỉ có quá khứ và tương lai được coi trọng. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với sự thật, giải thích cho hiện tượng rằng tâm trí khi có tự ngã sẽ vận hành sai chức năng và không hoàn thiện.

Tâm trí lúc này sẽ quan tâm đến việc làm thế nào để giữ cho quá khứ sống lại, để nó tồn tại. Chính quá khứ được giữ lại sẽ tự phóng chính nó vào tương lai, nhằm đảm bảo sự tiếp tục tồn tại của quá khứ và sẽ tìm kiếm một cách nào đó để biến thành tương lai.

Tự ngã sẽ nói rằng: “Một ngày nào đó, khi điều này, điều kia hoặc một điều gì khác xảy ra, tôi sẽ tốt hơn, vui vẻ và bình an”.

Kể cả khi tự ngã có vẻ như có quan tâm đến những gì diễn ra trong hiện tại, đấy không phải là hiện tại thực sự mà nó nhìn thấy. Tự ngã sẽ nhận thức hiện tại một cách méo mó và sai hoàn toàn bởi vì nó nhìn thực tại thông qua lăng kính của quá khứ.

Hoặc có thể nó đã giảm bớt mức độ của hiện tại. Hãy quan sát tâm trí bạn và bạn sẽ thấy rõ tâm trí của tự ngã vận hành như thế nào.

Giây phút hiện tại nắm giữ chìa khóa cho sự giải thoát. Nhưng bạn không thể tìm thấy giây phút hiện tại khi bạn đồng hóa bản thân với tâm trí của mình.

Giác Ngộ có nghĩa là vượt lên trên suy nghĩ hay cảm xúc. Trong trạng thái Giác Ngộ, bạn vẫn sử dụng tâm trí khi cần, nhưng theo cách tập trung hơn và hiệu quả hơn so với trước kia.

Bạn sử dụng nó chủ yếu với mục đích thực tế, nhưng bạn đã thoát khỏi những bài hội thoại với chính mình trong tâm trí đầy mông lung, và chỉ còn lại sự tĩnh lặng bên trong.

Khi bạn sử dụng tâm trí để giải quyết vấn đề, đặc biệt khi bạn cần một giải pháp sáng tạo, cứ trong vòng vài phút, bạn sẽ di chuyển, dao động từ trạng thái này đến trạng thái kia, giữa suy nghĩ và sự tĩnh lặng, giữa tâm trí và vô niệm.

Vô niệm là trạng thái ý thức mà không hề có suy nghĩ nào đi cùng. Chỉ với cách đó, bạn có thể suy nghĩ một cách sáng tạo, bởi vì chỉ với cách này suy nghĩ mới có sức mạnh thực sự. Chỉ suy nghĩ không, khi nó không còn được kết nối với thế giới rộng lớn hơn nhiều của ý thức, sẽ nhanh chóng trở nên cằn cỗi, điên đảo, và có hại.

Cảm xúc: phản ứng của cơ thể đối với tâm trí

Tâm trí, trong ngữ cảnh được sử dụng ở đây, không chỉ là suy nghĩ. Từ này còn bao hàm cả cảm xúc, cũng như tất cả những cách phản ứng vô thức diễn ra trong đầu chúng ta. Cảm xúc trỗi dậy ở nơi mà cả tâm trí và cơ thể gặp nhau. Đó là phản ứng của cơ thể đối với tâm trí, hoặc bạn có thể nói rằng đó là sự phản ánh của tâm trí trong cơ thể bạn.

Khi ta càng đồng hóa mình với suy nghĩ trong đầu, với những gì ta thích và không thích, sự phán xét và cách nhìn sự việc, thì ta càng ít ở hiện tại hơn – trong vai trò là một nhân chứng quan sát những cảm xúc của mình và mức tiêu hao năng lượng cho cảm xúc của ta sẽ nhiều hơn, dù ta có nhận biết được điều này hay không.

Nếu ta không thể cảm nhận được cảm xúc của mình, nếu ta tách rời hoàn toàn khỏi chúng, cuối cùng ta sẽ trải qua những cảm xúc đó trên cơ thể, như một bệnh lý hay một triệu chứng về mặt thể chất.

NẾU BẠN THẤY KHÓ KHĂN TRONG VIỆC NHẬN BIẾT ĐƯỢC CẢM XÚC CỦA MÌNH, hãy bắt đầu bằng việc tập trung vào nguồn sinh lực bên trong cơ thể. Hãy cảm nhận cơ thể bạn từ bên trong. Điều này sẽ giúp bạn chạm đến những cảm xúc của mình.

Nếu bạn thực sự muốn biết rõ về tâm trí, cơ thể bạn sẽ luôn đưa cho bạn một phản chiếu rất thật về cảm xúc, do vậy hãy chú tâm vào cảm xúc đang có trong bạn hoặc thay vào đó bạn cũng có thể nhận biết được nó thông qua những gì cảm xúc biểu hiện trên cơ thể.

Nếu có mâu thuẫn hay xung đột giữa cảm xúc và cơ thể, suy nghĩ của bạn sẽ chỉ là sự giả dối, cảm xúc của bạn mới thực sự “chân thật”. Sự chân thật ở đây không phải là sự thật tuyệt đối rằng bạn là ai, mà ở đây là sự thật tương đối về trạng thái cảm xúc hay suy nghĩ của bạn ở ngay lúc đó.

Có thể bạn vẫn chưa có khả năng nhận biết được những hoạt động vô thức của tâm trí (như suy nghĩ), nhưng những hoạt động tâm trí này luôn được phản ánh trên cơ thể rất rõ ràng dưới dạng cảm xúc, và trong đó bạn có thể nhận biết được.

Quan sát cảm xúc theo cách này về cơ bản cũng giống với phương pháp lắng nghe hay quan sát suy nghĩ, phương pháp mà tôi đã mô tả và đề cập trước đó. Một điểm khác biệt duy nhất là, trong khi suy nghĩ ở trong đầu bạn, cảm xúc có một phần cấu thành rất lớn từ cơ thể và do đó chủ yếu được cảm nhận trong cơ thể.

Từ đó, bạn có thể để cho cảm xúc xuất hiện mà không cần kiểm soát nó. Bạn sẽ không còn là cảm xúc nữa, bạn chỉ là nhân chứng quan sát nó, bạn là sự hiện hữu để quan sát những cảm xúc này.

Nếu bạn luyện tập được điều này, tất cả những gì ẩn chứa trong vô thức sẽ được soi sáng với ánh sáng của tiềm thức.

HÃY TẠO THÓI QUEN TỰ HỎI BẢN THÂN: Có những gì đang diễn ra bên trong bạn trong giờ phút này? Câu hỏi đó luôn chỉ dẫn cho bạn đi đúng hướng. Nhưng đừng phân tích hay phán xét nó, chỉ quan sát nó thôi. Hãy chú tâm đến những gì bên trong bạn. Hãy cảm nhận năng lượng của cảm xúc.

Nếu bên trong không có cảm xúc xuất hiện, hãy để tâm vào sâu bên trong nữa, vào nguồn sinh lực hay trường năng lượng của chính cơ thể bạn. Đây chính là cánh cửa để tiến vào Bản Thể Đích Thực.

Tác giả: Eckhart Tolle
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

3.7 3 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x