Trang chủ » Không Tâm Trí – Wu Hsin

Không Tâm Trí – Wu Hsin

by Hậu Học Văn
282 views

Wu Hsin (có nghĩa Không Tâm Trí) là tên của một bậc thầy, một nhân vật trong những cuốn sách của tác giả Roy Melvyn. Wu Hsin liệu có phải là một người có thực trong lịch sử không hay chỉ là hư cấu của tác giả thì còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên những lời dạy của Wu Hsin về Chân Lý, Thực Tại, Tánh Bất Nhị được trích lại trong những cuốn sách của Roy Melvyn vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ. Tôi xin trích và dịch lại một số lời văn của Wu Hsin để các bạn có thể nghiền ngẫm:

” – Dù bạn đồng tình hay không đồng tình với những gì tôi nói đều không liên quan. Chân Lý không đòi hỏi sự đồng tình của bạn, nó chỉ cần bạn nhận thức mà thôi.

– Tất cả những câu hỏi từng được gửi tới Wu Hsin đều là câu hỏi sai. Chưa ai từng gửi câu hỏi đúng đắn. Câu hỏi đúng đắn phải là câu hỏi cuối cùng, nó dẫn đến cái kết của mọi câu hỏi. Câu hỏi sai thì chỉ sản sinh thêm nhiều câu hỏi hơn nữa.

– Bạn chứng ngộ ra cái vĩnh hằng, bất tận đang hiện hữu ngay tại đây. Nó có vẻ giống như bạn đắc được thứ đó nhưng thực không phải vậy. Bạn không đắc được gì cả, mà chỉ là mất đi mọi thứ vốn không phải là của bạn ngay từ ban đầu. Trải nghiệm về sự bất động không phải là nó. Trải nghiệm về sự tĩnh lặng không phải là nó. Trải nghiệm về sự an bình trọn vẹn không phải là nó. Cái Tánh Trải Nghiệm mới là nó.

– Để có được trí huệ sáng suốt không đòi hỏi một người phải từ bỏ mọi tài sản sở hữu. Bạn chỉ cần từ bỏ mọi niềm tin sai lệch. Những gì Wu Hsin nói tới ở đây là quá trình quên đi những gì đã học. Là sự loại bỏ những quan niệm, niềm tin, mọi hình thức suy nghĩ cứng nhắc, những cảm giác, những thứ mà tâm trí tổ chức những hoạt động của nó giống như theo từng ngăn vách có trật tự. Những giáo lý và hệ thống triết học này chỉ là những ý tưởng về thực tại. Cũng giống ngôn từ không phải là sự thực, nó là những ý tưởng về sự thực.

– Cái Wu Hsin muốn chỉ ra ở đây là sự tiếp xúc trực tiếp với thực tại, chứ không để có một hệ thống niềm tin, tín ngưỡng nào can thiệp vào ở đây cả.

– Chúng ta bắt đầu (cuộc sống) là một đứa trẻ, và cũng thường kết thúc cũng giống như một đứa trẻ. Những thành tựu chúng ta đạt được lúc ở giai đoạn giữa cũng sẽ mất đi tại một thời điểm nhất định. Vì vậy, hãy thử xem xét tình huống của chúng ta theo một cách khác, và quyết định cái gì mới thực sự là quan trọng. Sự nghi hoặc và không dám chắc chắn thường dẫn tới một quan điểm mới. Ở đây chúng ta sẽ chấp nhận sự khác biệt giữa cái thực tồn tại và cái có vẻ như đang tồn tại. Chúng ta sẽ ngừng việc chấp nhận rằng cái tưởng tượng là thực tại. Bây giờ nếu chúng ta muốn kiểm nghiệm bất cứ một thứ gì đó một cách kỹ lưỡng, chúng ta phải ở bên ngoài thứ đó. Vậy từ ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu đứng ra bên ngoài bản thân mình và dụng ít thời gian để quan sát xem đang có gì ở đây.”

– Tại sao ngài không đưa ra hướng dẫn cụ thể để chúng tôi biết mình cần phải làm gì?

Hãy thoát ra khỏi nỗi ám ảnh, cái suy nghĩ về ‘cái gì tiếp theo?’ là tất cả những chỉ dẫn cần thiết. Bạn đang chờ đợi sự xuất hiện của một thứ mà nó vốn vẫn đang hiện hữu.

– Các giác quan là những cánh cổng mở ra với thế giới khi bạn đang tỉnh thức. Khi chúng đóng lại, cái vẫn sẽ tiếp diễn là suy nghĩ và trí tưởng tượng. Thế giới tinh tế nội tâm được hiển lộ trong những giấc mơ. Trong trạng thái thức tỉnh, suy nghĩ và trí tưởng tượng vẫn hiện hữu. Nhưng trong giấc mơ thì giờ đây chúng chiếm lấy sân khấu. Và khi cả hai thứ đó cũng đóng lại, cái còn lại là cái nhận thức, nhưng không còn nội dung gì để nhận thức cả. Ở trạng thái này, các chức năng của cơ thể trở về mặc định, chỉ đủ để duy trì cho cơ thể vẫn sống và không bị suy tàn đi.

– Cơ thể vật lý hiện hữu trong trạng thái tỉnh thức nhưng biến mất khi ta trong trạng thái ngủ mơ. Nhưng cái quan sát, cái nhận thức thuần khiết đó hiện hữu trong cả hai trạng thái, vì thế nó là nhân tố bất biến. Cùng một cách thức như vậy, trong trạng thái ngủ sâu không mơ, cái quan sát vẫn quan sát trạng thái đó, trạng thái mà không có hiện tượng nào hiện hữu. Vì vậy, cái quan sát là cái luôn luôn hiện hữu, bất động, giống như một ngọn nến trong một căn phòng kín không gió.

– Giác ngộ là trở về quan điểm, trạng thái chức năng siêu việt trước khi mà cái ý thức về bản ngã này xuất hiện ra. Bản tánh của nó chính là sự hợp nhất.

– Không có mục tiêu nào mà không phải do tâm trí tạo ra. Những gì bạn đấu tranh để giành được là những gì bạn tưởng tượng ra mình phải đấu tranh để giành được. Khi bạn ngưng đấu tranh, thứ gì cần đến sẽ đến. Tìm kiếm là sự chuyển động, vì thế bạn không thể tìm thấy cái tĩnh tại, cái nguồn của mọi chuyển động. Duy chỉ cái tĩnh tại yên lặng này mới nói lên được cái ‘bất khả biết’.

– Cái năng lượng sống ý thức hóa này hoạt động trong muôn vàn hình thái sống tùy theo tánh tự nhiên và khả năng của chúng. Chẳng có thực thể nào là độc nhất. Chẳng có bạn, chẳng có tôi. Chỉ là những dòng ý nghĩ đến với bạn, thế gian này đến với bạn. Chúng đến tới địa chỉ của bạn. Hãy thông suốt xem cái địa chỉ này của bạn là gì. Hãy suy ngẫm về những gì Wu Hsin nói, không cần gì hơn.

– Trải nghiệm thế gian này, trải nghiệm cơ thể này, trải nghiệm tâm trí này, và trải nghiệm dòng chảy cuộc sống này. Ở một cấp độ tinh tế hơn, sự trống vắng của những thứ trên cũng là một trải nghiệm. Nhưng cái đang trải nghiệm là gì? Bạn là cái sự trải nghiệm này, thứ mà không thể được biết qua các cảm quan truyền thống. Cái sự trải nghiệm là thứ không thể nghĩ bàn. Wu Hsin không thể truyền tải trải nghiệm của mình về một trái táo, hay trải nghiệm về hoàng hôn, đến bất cứ ai. Thế nhưng, nó lại chính là cái tinh hoa của cuộc sống.”

❁ ❁ ❁
Tác giả: Roy Melvyn
Nguồn: Batnhi.net
(Là website có nhiều nội dung chất lượng về Nhận Thức Bất Nhị)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x