Trang chủ » Thực nghiệm trong quan sát – Osho

Thực nghiệm trong quan sát – Osho

by Hậu Học Văn
455 views

Thực nghiệm trong quan sát

Mọi người chỉ quan sát người khác; họ chưa bao giờ bận tâm quan sát bản thân mình. Mọi người đều quan sát – đó là quan sát hời hợt nhất – điều người khác đang làm, điều người khác đang mặc, cách người đó nhìn… Mọi người đều quan sát; quan sát không phải là cái gì đó mới được đưa vào trong cuộc sống của bạn. Nó chỉ phải được làm sâu sắc thêm, không nhắm vào người khác, và hướng mũi tên vào cảm giác, ý nghĩ, tâm trạng bên trong riêng của bạn – và chung cuộc, vào bản thân người quan sát.

Một người Do Thái ngồi trên tầu hoả đối diện với một tu sĩ. “Thưa tôn ông,” người Do Thái hỏi, “sao ông lại mặc cổ cồn đen ra phía trước?”

“Bởi vì ta là cha,” tu sĩ trả lời.

“Tôi cũng là cha, và tôi không mặc cổ cồn như thế.”

“Ồ,” tu sĩ nói, “nhưng ta là cha cho hàng nghìn người.”

“Thế thì có thể,” người Do Thái đáp, “chính quần của ông, ông nên mặc mầu đen ra phía trước.”

Mọi người đều rất quan sát về mọi người khác.

Hai anh chàng đi dạo; bỗng nhiên trời bắt đầu mưa.

“Nhanh lên,” một người nói, “mở ô của anh ra đi.”

“Chẳng ích gì đâu,” anh bạn anh ta nói, “ô của tôi đầy lỗ thủng.”

“Thế sao anh lại mang nó đi ngay chỗ đầu tiên?”

“Tôi đâu có nghĩ trời sẽ mưa.”

Bạn có thể cười dễ dàng về hành động lố bịch của người khác, nhưng bạn đã bao giờ cười về bản thân mình chưa? Bạn đã bao giờ bắt được bản thân mình đang làm điều gì đó lố bịch không? Không, bạn giữ cho bản thân mình hoàn toàn không bị quan sát. Toàn thể quan sát của bạn là về người khác, và điều đó chẳng có ích gì cả.

Điều chỉnh bản thân bạn vào vô thời gian

Nếu bạn đặt chiếc đồng hồ có kim giây trước mình và giữ cho mắt bạn nhìn vào kim giây, bạn sẽ ngạc nhiên – bạn không thể liên tục nhớ được ngay cả trong một phút trọn vẹn. Có lẽ mười lăm giây, hai mươi giây, nhiều nhất ba mươi giây, và bạn sẽ quên. Bạn sẽ lạc vào trong ý tưởng khác nào đó – và thế rồi bỗng nhiên bạn sẽ nhớ rằng bạn đã cố gắng nhớ. Ngay cả để giữ nhận biết liên tục trong một phút cũng là khó, cho nên người ta phải nhận biết rằng đó không phải là trò trẻ con. Khi bạn đang cố gắng để nhận biết về những điều nhỏ bé của cuộc sống, bạn phải nhớ rằng nhiều lần bạn sẽ quên. Bạn sẽ đi xa vào cái gì đó khác. Khoảnh khắc bạn nhớ ra, đừng cảm thấy mặc cảm – đó là một trong những cái bẫy.

Nếu bạn bắt đầu cảm thấy mặc cảm, thế thì bạn không thể quay lại với nhận biết rằng bạn đang thực hành. Không có nhu cầu để cảm thấy mặc cảm, điều đó là tự nhiên. Đừng cảm thấy ăn năn – điều đó là tự nhiên, và nó xảy ra cho mọi người tìm kiếm. Chấp nhận nó là tự nhiên; bằng không bạn sẽ bị mắc vào trong ăn năn, trong cảm giác mặc cảm rằng bạn không thể nhớ được ngay cả trong vài khoảnh khắc và bạn cứ quên hoài.

Bậc thầy Jaina Mahavira là người đầu tiên trong lịch sử đã thực tế vạch ra rằng nếu con người có thể nhớ được, có thể nhận biết, trong bốn mươi tám phút liên tục, vậy là đủ – người đó sẽ trở nên chứng ngộ, không ai có thể ngăn cản được người đó. Chỉ bốn mươi tám phút – nhưng điều đó là khó ngay cả cho bốn mươi tám giây! Nhiều phân tán thế…

Không mặc cảm, không ăn năn – khoảnh khắc bạn nhớ rằng bạn đã quên mất mình đang làm gì, đơn giản quay lại. Đơn giản quay lại và bắt đầu làm việc lại. Đừng khóc lóc than vãn vì vì sữa đổ tràn, điều đó là ngu xuẩn.

Sẽ mất thời gian, nhưng dần dần bạn sẽ trở nên nhận biết rằng bạn đang duy trì tỉnh táo ngày một nhiều hơn, có lẽ trong cả một phút, có lẽ trong hai phút. Và đó là niềm vui tới mức bạn đã nhận biết được trong hai phút – nhưng đừng bị mắc vào niềm vui này, đừng nghĩ rằng bạn đã đạt được cái gì đó. Điều đó sẽ trở thành rào chắn. Đây là những hình mẫu mà người ta bị lạc – chỉ thu được chút ít và người ta nghĩ người ta đã về nhà rồi.

Cứ làm việc dần dần, kiên nhẫn. Không vội gì – bạn có vĩnh hằng để sử dụng. Đừng cố gắng tăng tốc. Việc thiếu kiên nhẫn đó sẽ không ích gì. Nhận biết không giống như hoa theo mùa vụ mà phát triển trong thời gian sáu tháng và thế rồi qua đi. Nhận biết giống như cây tuyết tùng Li Băng, phải mất hàng trăm năm để trưởng thành nhưng chúng vẫn còn lại cả nghìn năm và vươn cao tới năm mươi, sáu mươi mét trên trời.

Nhận biết phát triển dần, nhưng nó phát triển. Người ta chỉ phải kiên nhẫn.

Khi nó phát triển, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy nhiều điều mà bạn chưa bao giờ cảm thấy trước đây. Chẳng hạn, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng bạn đang mang nhiều căng thẳng trong thân thể mình, điều bạn chưa bao giờ nhận biết tới bởi vì chúng là những căng thẳng tinh vi. Bây giờ nhận biết của bạn có đó, bạn có thể cảm thấy những căng thẳng tinh tế, tinh vi này. Cho nên bất kì khi nào bạn cảm thấy bất kì căng thẳng nào trong thân thể, thảnh thơi phần đó. Nếu toàn thể thân thể bạn được thảnh thơi, nhận biết của bạn sẽ phát triển nhanh hơn bởi vì những căng thẳng đó là cản trở.

Khi nhận biết của bạn phát triển thêm nữa, bạn sẽ ngạc nhiên mà biết rằng bạn không mơ chỉ trong giấc ngủ: có luồng chảy ngầm của mơ ngay cả khi bạn đang thức. Nó chảy bên dưới việc thức của bạn – nhắm mắt lại bất kì khoảnh khắc nào và bạn có thể thấy mơ nào đó trôi qua như mây trên bầu trời. Nhưng chỉ khi bạn trở nên nhận biết thêm chút ít mới có khả năng thấy rằng việc thức của bạn không thực là thức tỉnh. Mơ đang trôi nổi ở đó – mọi người gọi nó là mơ ngày. Nếu họ thảnh thơi trong ghế ngồi một khoảnh khắc và nhắm mắt lại, lập tức mơ chiếm lĩnh. Họ bắt đầu nghĩ rằng họ đã trở thành tổng thống của đất nước, hay họ đang làm những điều lớn lao – hay bất kì cái gì, điều họ biết vào chính khoảnh khắc họ đang mơ là tất cả đều vô nghĩa. Bạn không phải là tổng thống của đất nước nhưng dầu vậy giấc mơ vẫn có cái gì đó trong nó tới mức nó tiếp diễn mặc bạn. Nhận biết sẽ làm cho bạn nhận biết về các tầng của mơ trong trạng thái thức của bạn. Và chúng sẽ bắt đầu tản mác đi, cũng như bạn đem ánh sáng vào phòng tối và bóng tối bắt đầu tản mác đi.

Cái chạm vô hình

Bất kì điều gì bạn đang làm – bước đi, ngồi, ăn, hay nếu bạn không làm gì cả, chỉ thở, nghỉ ngơi, thảnh thơi trên bãi cỏ – đừng bao giờ quên rằng bạn là người quan sát.

Bạn sẽ quên điều đó lặp đi lặp lại. Bạn sẽ tham dự vào ý nghĩ nào đó, cảm giác nào đó, xúc động nào đó, tình cảm nào đó – bất kì cái gì cũng sẽ làm bạn sao lãng khỏi người quan sát. Nhớ lấy, và chạy lại trung tâm quan sát của mình.

Làm nó thành quá trình bên trong, liên tục… Bạn sẽ ngạc nhiên về cách cuộc sống thay đổi toàn bộ phẩm chất của nó. Tôi có thể đưa tay lên mà không có tính quan sát nào, và tôi cũng có thể đưa tay lên với quan sát tuyệt đối từ bên trong về toàn thể chuyển động này. Những chuyển động này là khác toàn bộ. Chuyển động thứ nhất là chuyển động rô bốt, máy móc. Chuyển động thứ hai là chuyển động có ý thức. Và khi bạn có ý thức, bạn cảm thấy cánh tay đó ở bên trong; khi bạn không có ý thức, bạn chỉ biết cánh tay từ bên ngoài.

Bạn đã biết khuôn mặt mình chỉ trong tấm gương, từ bên ngoài, bởi vì bạn không là người quan sát. Nếu bạn bắt đầu quan sát, bạn sẽ cảm thấy khuôn mặt mình từ bên trong – và điều đó là kinh nghiệm lớn, quan sát bản thân mình từ bên trong. Thế rồi dần dần, những điều kì lạ bắt đầu xảy ra. Ý nghĩ biến mất, cảm giác biến mất, xúc động biến mất, và có im lặng bao quanh bạn. Bạn giống như hòn đảo ở giữa đại dương im lặng… chỉ là người quan sát, dường như ngọn lửa của ánh sáng ở tại trung tâm của bản thể bạn, đang làm rạng lên toàn thể bản thể bạn.

Lúc ban đầu điều đó sẽ chỉ là kinh nghiệm bên trong. Dần dần bạn sẽ thấy rằng việc rạng ngời đó lan ra thân thể bạn, những tia sáng đó đạt tới những người khác. Bạn sẽ ngạc nhiên và bị choáng rằng những người khác, nếu họ có chút ít nhạy cảm, sẽ lập tức trở nên nhận biết rằng cái gì đó đã chạm tới họ, mà không phải là hữu hình. Chẳng hạn, nếu bạn quan sát bản thân mình, chỉ bước đi đằng sau ai đó, quan sát bản thân bạn, và gần như chắc chắn người đó sẽ quay lại và đột nhiên nhìn lại sau, chẳng có lí do gì cả. Khi bạn đang quan sát bản thân mình, tính quan sát của bạn bắt đầu toả sáng, và nó nhất định chạm tới người đi trước bạn. Và nếu người đó bị chạm bởi cái gì đó vô hình, người đó sẽ quay lại: “Có chuyện gì thế nhỉ?” Và bạn ở xa tới mức bạn không thể chạm vào người đó bằng tay được.

Bạn có thể thử một thực nghiệm: ai đó đang ngủ và bạn có thể ngồi bên cạnh họ, rồi quan sát bản thân mình, và người đó bỗng nhiên thức dậy, mở mắt ra, và nhìn quanh cứ dường như ai đó đã chạm vào người đó.

Dần dần bạn cũng sẽ trở nên có khả năng cảm thấy cái chạm qua tia sáng. Đó là điều được gọi là rung cảm. Nó không phải là thứ không tồn tại đâu. Người khác cảm thấy nó; bạn cũng sẽ cảm thấy rằng bạn đã chạm vào người khác.

Thuật ngữ tiếng Anh, bị chạm, được dùng rất có ý nghĩa. Bạn có thể dùng nó mà không hiểu nó ngụ ý gì khi bạn nói, “tôi bị chạm” bởi người này. Người đó có thể đã không nói một lời nào với bạn., Người đó có thể chỉ đi qua. Người đó có thể chỉ nhìn mỗi một lần vào mắt bạn, và bạn cảm thấy “bị chạm” bởi người này. Nó không chỉ là từ ngữ – nó thực tế xảy ra. Và thế thì những tia sáng đó cứ toả ra tới mọi người, tới con vật, tới cây cối, tới tảng đá… và một ngày nào đó bạn sẽ thấy, bạn đang chạm tới toàn thể vũ trụ từ bên trong.

Vipassana

Cách thức của Phật là vipassana – vipassana nghĩa là chứng kiến. Và ông ấy đã tìm ra một trong những phương cách vĩ đại nhất, phương cách quan sát hơi thở của bạn – chỉ quan sát hơi thở của bạn. Việc thở là hiện tượng đơn giản và tự nhiên thế, và nó có đó hai mươi bốn tiếng một ngày. Bạn không cần làm nỗ lực nào cả. Nếu bạn nhẩm mật chú, thế thì bạn sẽ phải làm nỗ lực, bạn sẽ phải ép buộc bản thân mình. Nếu bạn nói, “Ram, Ram, Ram,” bạn sẽ phải liên tục làm căng bản thân mình. Và bạn nhất định quên đi nhiều lần. Hơn nữa, từ Ram lại là cái gì đó của tâm trí, và bất kì cái gì của tâm trí cũng không bao giờ có thể đưa bạn ra ngoài tâm trí.

Phật đã khám phá ra một góc độ hoàn toàn khác. Chỉ quan sát hơi thở của bạn thôi – hơi thở đi vào, hơi thở đi ra.

Có bốn điểm cần được quan sát. Ngồi im lặng, bắt đầu thấy hơi thở, cảm thấy hơi thở. Hơi thở đi vào là điểm thứ nhất. Thế rồi một khoảnh khắc khi hơi thở ở trong, nó dừng lại – nó là một khoảnh khắc nhỏ, trong một phần giây nó dừng lại; đó là điểm thứ hai để quan sát. Thế rồi hơi thở quay chiều và đi ra; đây là điểm thứ ba để quan sát. Thế rồi lần nữa, khi hơi thở hoàn toàn đi ra, trong một phần giây nó dừng lại. Đó là điểm thứ tư để quan sát. Thế rồi hơi thở bắt đầu lại đi vào… đây là chu kì thở. Nếu bạn có thể quan sát tất cả bốn điểm này, bạn sẽ ngạc nhiên, kinh ngạc, vào phép mầu của quá trình đơn giản thế – bởi vì tâm trí không tham gia vào.

Quan sát không phải là tính chất của tâm trí; quan sát là tính chất của linh hồn, của tâm thức. Quan sát không phải là quá trình tâm trí chút nào. Khi bạn quan sát, tâm trí dừng lại, dừng hiện hữu. Vâng, lúc ban đầu nhiều lần bạn sẽ quên và tâm trí sẽ tới và bắt đầu chơi trò chơi cũ của nó. Nhưng bất kì khi nào bạn nhớ rằng bạn đã quên mất, không cần cảm thấy ăn năn, mặc cảm – quay lại quan sát, quay đi quay lại việc quan sát hơi thở của mình. Dần dần, tâm trí ngày càng ít can thiệp hơn.

Và khi bạn có thể quan sát hơi thở của mình trong bốn mươi tám phút, liên tục, bạn sẽ trở nên chứng ngộ. Bạn sẽ ngạc nhiên – chỉ bốn mươi tám phút thôi sao? Bởi vì bạn sẽ nghĩ rằng điều đó chẳng khó gì mấy… chỉ bốn mươi tám phút thôi! Nó là rất khó đấy. Bốn mươi tám giây và bạn sẽ rơi thành nạn nhân của tâm trí nhiều lần! Thử nó với chiếc đồng hồ ở trước bạn mà xem; lúc ban đầu bạn không thể có tính quan sát trong sáu mươi giây. Trong chỉ sáu mươi giây thôi, đó là một phút, bạn sẽ rơi vào giấc ngủ nhiều lần. Bạn sẽ quên hết về quan sát – đồng hồ và việc quan sát cả hai sẽ bị quên đi. Ý tưởng nào đó sẽ đem bạn đi xa, xa xôi; thế rồi bỗng nhiên bạn sẽ nhận ra… bạn sẽ nhìn vào đồng hồ và mười giây đã trôi qua rồi. Trong mười giây bạn đã không quan sát.

Nhưng dần dần, dần dần – đó là cái mẹo; nó không phải là việc thực hành, nó là mẹo – dần dần, dần dần bạn tiêm nhiễm nó. Bởi vì vài khoảnh khắc đó khi bạn mang tính quan sát có sự đẹp đẽ trang nhã thế, có niềm vui vô cùng tới mức một khi bạn đã nếm trải vài khoảnh khắc đó, bạn sẽ muốn quay lại nữa lặp đi lặp lại – không vì động cơ nào khác, chỉ vì niềm vui cực kì, của việc hiện hữu ở đó, hiện diện với hơi thở.

Nhớ lấy, đó không phải là cùng quá trình như được thực hiện trong Yoga. Trong Yoga quá trình này được gọi là pranayam; nó là quá trình hoàn toàn khác, thực tế chính là cái đối lập với điều Phật gọi là vipassana. Trong pranayam bạn lấy hơi thở sâu, bạn chất đầy ngực mình với ngày một nhiều không khí, ngày một nhiều ô xi; thế rồi bạn làm trống rỗng ngực mình với các bô níc, toàn bộ nhất có thể được. Đó là bài tập thể chất – tốt cho thân thể, nhưng nó chẳng liên quan gì tới vipassana cả.

Trong vipassana bạn không thay đổi nhịp độ hơi thở tự nhiên của mình. Bạn không lấy hơi thở sâu, dài, bạn không thở ra theo bất kì cách nào khác hơn bạn vẫn thường thở. Để nó là tuyệt đối thông thường và tự nhiên. Toàn thể tâm thức của bạn phải ở vào một điểm, quan sát.

Và nếu bạn có thể quan sát hơi thở của mình, thế thì bạn có thể bắt đầu quan sát những điều khác nữa. Bước đi, bạn có thể quan sát rằng bạn đang bước, ăn bạn có thể quan sát rằng bạn đang ăn. Và chung cuộc, cuối cùng, bạn có thể quan sát rằng bạn đang ngủ. Cái ngày bạn có thể quan sát rằng bạn đang ngủ, bạn được chuyển vào một thế giới khác. Thân thể cứ ngủ, và bên trong ngọn đèn cứ cháy sáng. Việc quan sát của bạn vẫn còn không bị xáo động. Thế thì hai mươi bốn giờ một ngày đều có dòng chảy ngầm của việc quan sát. Bạn cứ làm mọi thứ… với thế giới bên ngoài chẳng cái gì đã thay đổi, nhưng với bạn mọi thứ đã thay đổi rồi.

Một Thiền sư đang đi gánh nước giếng, và một người thành tâm, đã nghe nói về ông ấy và đã du hành từ xa tới thăm ông ấy, hỏi, “Tôi có thể gặp ông vậy-và-vậy ở đâu, thầy của tu viện này?” Ông ta nghĩ người này phải là người phục vụ, gánh nước giếng – bạn không thể tìm được vị phật gánh nước giếng, bạn không thể tìm vị phật đang lau sàn.

Thầy cười và nói, “Ta là người ông tìm đây.”

Người thành tâm không thể nào tin được vào điều đó. “Tôi đã nghe nhiều về thầy, nhưng tôi không thể quan niệm nổi thầy đang gánh nước giếng.”

Thầy nói, “Nhưng đó là điều ta thường làm trước khi ta trở nên chứng ngộ. Gánh nước giếng, chẻ củi – đó là điều ta thường làm trước đây, và đó là điều ta tiếp tục làm. Ta rất thiện nghệ trong hai việc này: gánh nước giếng và chẻ củi. Lại đây với ta – việc tiếp của ta sẽ là chẻ củi, quan sát ta đi!”

“Nhưng thế thì khác biệt là gì? Trước khi chứng ngộ thầy vẫn làm hai việc này, sau chứng ngộ thầy đang làm cùng hai việc này – thế thì sự khác biệt là gì?”

Thầy cười ngất. “Sự khác biệt là ở bên trong. Trước đây, ta đã làm mọi thứ trong ngủ; bây giờ ta làm mọi thứ một cách có ý thức, đó là sự khác biệt. Hoạt động thì vẫn như cũ, nhưng ta không còn như cũ nữa. Thế giới vẫn như cũ, nhưng ta không còn như cũ. Và bởi vì ta không còn như cũ, với ta thế giới cũng không còn như cũ.”

Biến đổi phải là cái bên trong. Đây mới là từ bỏ thực: thế giới cũ mất rồi bởi vì con người cũ mất rồi.

Dịch chuyển đêm

Hiện tượng mơ và tính quan sát và những điều khác nhau toàn bộ. Thử một điều này: mọi đêm, khi đi ngủ, trong khi bạn đang nửa thức nửa ngủ, dần dần đi sâu hơn vào giấc ngủ, lặp lại với bản thân mình, “Mình sẽ có khả năng nhớ rằng nó là giấc mơ.”

Cứ lặp lại điều đó cho tới khi bạn rơi vào giấc ngủ. Sẽ phải mất vài ngày, nhưng một ngày nào đó bạn sẽ ngạc nhiên: một khi ý tưởng này chìm sâu vào trong vô thức, bạn có thể quan sát giấc mơ như giấc mơ. Thế thì nó không nắm giữ bạn. Thế thì dần dần, khi tính quan sát của bạn trở nên sắc bén, mơ sẽ biến mất. Chúng rất nhát; chúng không muốn bị quan sát. Chúng tồn tại chỉ trong bóng tối của vô thức. Khi tính quan sát đem ánh sáng vào, chúng bắt đầu biến mất.

Cho nên cứ làm cùng việc luyện tập này, và bạn có thể gạt bỏ giấc mơ. Và bạn sẽ ngạc nhiên: việc gạt bỏ giấc mơ có nhiều ngụ ý. Nếu giấc mơ biến mất, thế thì vào thời gian ban ngày việc huyên thuyên của tâm trí bạn sẽ không nhiều như nó thường thế. Thứ hai, bạn sẽ ở trong khoảnh khắc này nhiều hơn – không trong tương lai, không trong quá khứ. Thứ ba, sự mãnh liệt của bạn, tính toàn bộ trong hành động của bạn, sẽ tăng lên.

Mơ là bệnh tật. Nó được cần tới bởi vì con người ốm. Nhưng nếu mơ có thể bị vứt bỏ hoàn toàn, bạn sẽ đạt tới một loại mạnh khoẻ mới, một tầm nhìn mới. Và phần tâm trí vô thức của bạn sẽ trở nên có ý thức, cho nên bạn sẽ có tính cá nhân mạnh hơn. Bất kì điều gì bạn làm, bạn sẽ không bao giờ ăn năn, bởi vì bạn đã làm nó với ý thức tới mức việc ăn năn chẳng còn liên quan.

Tính quan sát là phép màu lớn lao nhất mà người ta có thể học, bởi vì nó có thể bắt đầu biến đổi toàn thể con người ta.

Khi bạn bắt đầu quan sát giấc mơ của mình, bạn sẽ thấy năm kiểu mơ xảy ra. Kiểu mơ thứ nhất chỉ là rác rưởi – và nhiều nghìn nhà phân tâm hiện đang làm việc trên mớ rác rưởi đó. Nó đơn giản là vô dụng. Nó xảy ra bởi vì trong cả ngày, làm việc cả ngày, bạn thu thập nhiều rác rưởi. Cũng như thân thể thu thập bụi và bạn cần tắm, bạn cần lau rửa sạch, theo cùng cách đó tâm trí thu thập bụi. Và không có cách nào để tắm cho tâm trí, cho nên tâm trí có cơ chế tự động để tống đi tất cả bụi bặm và rác rưởi. Mơ không là gì ngoài việc tung lên bụi mà tâm trí đang ném ra – kiểu mơ thứ nhất – và đây là phần mơ lớn nhất, gần 90 phần trăm. Gần 90 phần trăm mơ đơn giản là bụi bị ném tung lên. Đừng chú ý nhiều tới chúng. Và dần dần, khi nhận biết của bạn phát triển, bạn sẽ có khả năng thấy bụi là gì.

Kiểu mơ thứ hai là loại hoàn thành ước muốn. Có nhiều nhu cầu, nhu cầu tự nhiên, nhưng các tu sĩ và cái gọi là thầy tôn giáo đã đầu độc tâm trí bạn. Họ thậm chí sẽ không cho phép bạn thoả mãn các nhu cầu cơ bản của mình. Họ đã kết án chúng hoàn toàn, và việc kết án này đã đi vào bạn. Cho nên bạn bỏ đói nhiều nhu cầu của mình – những nhu cầu đói đó đòi hỏi được thoả mãn, và kiểu mơ thứ hai không là gì ngoài ước muốn thoả mãn. Bất kì cái gì bạn đã phủ nhận cho con người mình bởi vì các tu sĩ và kẻ đầu độc, tâm trí đều cố gắng hoàn thành nó trong mơ, theo cách này cách khác.

Nhưng người ta phải nhìn vào nhu cầu, không vào nghĩa. Nghĩa là của tâm trí có ý thức, nhu cầu là của vô thức – và đó là cách kiểu mơ thứ hai đi vào sự tồn tại. Bạn cứ cắt bỏ nhu cầu của mình, thế thì tâm trí hoàn thành chúng trong mơ. Bạn đã đọc những cuốn sách vĩ đại, và bạn bị các nhà tư tưởng đầu độc, và họ đã tạo khuôn tâm trí bạn theo những hình mẫu nào đó. Bạn không còn mở với bản thân sự tồn tại; các triết lí đã làm bạn mù – thế thì bạn sẽ bắt đầu cắt bỏ nhu cầu của mình. Thế rồi những nhu cầu đó sẽ bùng ra, trồi lên trong giấc mơ, bởi vì vô thức không biết tới triết lí. Vô thức không biết tới nghĩa, tới mục đích. Vô thức chỉ biết một điều: cái gì được cần cho con người bạn thì phải được đáp ứng. Thế thì vô thức áp đặt việc mơ riêng của nó. Đây là kiểu mơ thứ hai; rất có nghĩa để hiểu nó và thiền về nó. Bởi vì vô thức đang cố gắng trao đổi với bạn, “Đừng có là kẻ ngu! Mình sẽ khổ sở vì nó. Và đừng có bỏ đói con người mình. Đừng tự tử, và đừng cứ phạm tự tử dần bằng việc giết chết các nhu cầu của mình.”

Nhớ lấy: ham muốn là của tâm trí có ý thức, nhu cầu là của vô thức. Và sự phân biệt là rất, rất có nghĩa, rất có ý nghĩa để được hiểu.

Ham muốn là của tâm trí có ý thức – vô thức không biết gì tới ham muốn, vô thức không lo gì tới ham muốn. Ham muốn là gì? Ham muốn bắt nguồn từ suy nghĩ, huấn luyện, ước định của bạn. Bạn muốn là tổng thống của đất nước – vô thức không bận tâm về điều đó. Vô thức không quan tâm tới việc là tổng thống của đất nước, vô thức chỉ quan tâm tới làm sao là một đơn vị hữu cơ, được hoàn thành. Nhưng tâm trí có ý thức nói, “Trở thành tổng thống đi, và nếu trong việc trở thành tổng thống mà mình có phải hi sinh tình yêu của mình, thì hi sinh đi. Nếu mình phải hi sinh thân thể mình – hi sinh đi. Nếu mình phải hi sinh nghỉ ngơi – hi sinh đi. Trước hết trở thành tổng thống của đất nước đã.” Hay thu thập quá nhiều của cải – đó là của tâm trí có ý thức. Vô thức không biết tới của cải, vô thức chỉ biết tới tự nhiên. Nó không bị xã hội động tới; nó giống như con vật hay chim chóc, hay giống như cây cối. Vô thức đã không bị ước định bởi xã hội, bởi chính khách. Nó vẫn còn thuần khiết.

Nghe kiểu mơ thứ hai và thiền về nó, và nó sẽ trao đổi với bạn cái là nhu cầu của bạn. Hoàn thành các nhu cầu này và đừng bận tâm về ham muốn. Nếu bạn thực sự muốn được phúc lạc, hoàn thành các nhu cầu và đừng bận tâm về ham muốn. Nếu bạn muốn khổ sở, cắt bỏ nhu cầu và đi theo ham muốn.

Đó là cách bạn đã trở nên khổ sở. Nó là hiện tượng đơn giản, dù bạn khổ sở hay phúc lạc – hiện tượng này rất đơn giản. Người nghe nhu cầu của mình và tuân theo chúng, cũng giống như dòng sông chảy ra đại dương vậy. Dòng sông không nói liệu nó chảy sang đông hay sang tây, nó đơn giản tìm đường. Đông hay tây cũng chẳng tạo ra khác biệt gì. Dòng sông chảy ra đại dương không biết tới ham muốn; nó chỉ biết nhu cầu của nó. Đó là lí do tại sao con vật trông hạnh phúc – chẳng có gì, và hạnh phúc thế? Còn bạn có bao nhiêu thứ và khổ sở thế? Ngay cả con vật cũng vượt qua bạn trong cái đẹp của chúng, trong phúc lạc của chúng. Điều gì xảy ra? Con vật không có tâm trí có ý thức để kiểm soát và thao túng vô thức; chúng vẫn còn không bị phân chia.

Kiểu mơ thứ hai có nhiều điều để lộ ra cho bạn. Với kiểu thứ hai bạn bắt đầu thay đổi tâm thức mình, bạn bắt đầu thay đổi hành vi của mình, bạn bắt đầu thay đổi hình mẫu sống của mình. Nghe nhu cầu của bạn, bất kì cái gì vô thức nói.

Bao giờ cũng nhớ lấy: vô thức là đúng, bởi vì nó có trí huệ của thời đại. Hàng triệu kiếp bạn đã tồn tại; ý thức thuộc vào kiếp này. Nó đã được huấn luyện trong trường phổ thông và đại học, và bởi gia đình và xã hội mà bạn được sinh ra trong đó – ngẫu nhiên được sinh ra. Nhưng vô thức mang tất cả những kinh nghiệm của mọi kiếp của bạn. Nó mang kinh nghiệm khi bạn còn là tảng đá, nó mang kinh nghiệm khi bạn còn là cây, nó mang kinh nghiệm khi bạn là con vật – nó mang tất cả, toàn thể quá khứ. Vô thức cực kì trí huệ, còn ý thức cực kì ngu xuẩn – phải như vậy, bởi vì ý thức chỉ là của cuộc đời này, rất nhỏ, không có kinh nghiệm nào. Nó mang tính trẻ con. Vô thức là trí huệ vĩnh hằng. Nghe nó đi.

Bây giờ toàn thể phân tâm ở phương Tây đang chỉ làm điều này chứ không cái gì khác: nghe kiểu mơ thứ hai và thay đổi hình mẫu sống của bạn tương ứng. Và phân tâm đã giúp cho nhiều người. Nó có những giới hạn riêng của nó, nhưng nó đã giúp đỡ bởi vì ít nhất phần này, việc nghe kiểu mơ thứ hai, làm cho cuộc sống của bạn thảnh thơi hơn, bớt căng thẳng hơn.

Thế rồi có kiểu mơ thứ ba. Kiểu mơ thứ ba này là việc trao đổi từ siêu thức. Kiểu mơ thứ hai là trao đổi từ vô thức. Kiểu mơ thứ ba là hiếm, bởi vì chúng ta đã mất mọi tiếp xúc với siêu thức. Nhưng nó vẫn tới, bởi vì siêu thức là của bạn. Có thể nó đã trở thành mây và đi vào trong bầu trời, đã bay hơi, có thể khoảng cách là rất xa, nhưng nó vẫn được bỏ neo trong bạn.

Trao đổi từ siêu thức là hiếm hoi. Khi bạn trở nên rất, rất tỉnh táo, chỉ thế thì bạn mới bắt đầu cảm thấy nó. Bằng không, nó sẽ bị mất hút trong bụi mà tâm trí ném vào mơ, và việc hoàn thành ước muốn mà tâm trí cứ mơ tới – mọi thứ chưa được trọn vẹn, bị kìm nén. Nó sẽ bị mất hút. Nhưng khi bạn trở nên nhận biết, nó cũng giống như viên kim cương chói sáng – tuyệt đối khác với tất cả những hòn đá xung quanh.

Khi bạn có thể cảm thấy và tìm thấy một giấc mơ đang tới từ siêu thức, quan sát nó. Thiền về nó, bởi vì điều đó sẽ trở thành hướng dẫn của bạn, điều đó sẽ dẫn tới thầy của bạn. Điều đó sẽ dẫn bạn tới con đường của cuộc sống mà có thể phù hợp với bạn, điều đó sẽ dẫn bạn tới kỉ luật đúng. Giấc mơ đó sẽ trở thành hướng dẫn sâu sắc bên trong. Với ý thức bạn có thể tìm thấy thầy, nhưng thầy sẽ không gì nhiều hơn thầy giáo. Với vô thức bạn có thể tìm thấy thầy, nhưng thầy sẽ không nhiều hơn người yêu – bạn sẽ rơi vào tình yêu với cá tính nào đó, với kiểu người nào đó. Nhưng chỉ siêu thức mới có thể đưa bạn tới thầy đúng. Thế thì thầy không phải là thầy giáo; bạn không bị mê đắm bởi điều thầy nói, bạn không bị mê đắm bởi điều thầy là. Thay vì thế, ngược lại, bạn được hướng dẫn bởi siêu thức của mình rằng người này sẽ phù hợp với bạn, rằng người này sẽ tạo ra khả năng đúng cho bạn trưởng thành, rằng người này có thể trở thành mảnh đất của bạn.

Thế rồi có kiểu mơ thứ tư, cái bắt nguồn từ các kiếp quá khứ. Không hiếm – nhiều lần nó tới rồi. Nhưng mọi thứ đều lộn xộn bên trong bạn; bạn không thể phân biệt được. Bạn không có đó để làm việc phân biệt.

Ở phương Đông chúng ta đã làm việc vất vả trên kiểu mơ thứ tư này. Bởi vì kiểu mơ này chúng ta loạng choạng trên hiện tượng hoá thân, từ kiểu mơ này bạn trở nên, dần dần, nhận biết về các kiếp sống quá khứ của mình – bạn đi ngược lại, ngược lại theo thời gian. Thế thì nhiều điều bắt đầu thay đổi trong bạn – bởi vì nếu bạn có thể nhớ được, cho dù trong mơ, bạn là ai trong kiếp sống quá khứ của mình, nhiều điều sẽ trở thành vô nghĩa và nhiều điều mới sẽ trở thành có nghĩa. Toàn thể hình mẫu sẽ thay đổi, động thái của bạn sẽ thay đổi.

Bởi vì bạn đã tích luỹ quá nhiều của cải trong kiếp quá khứ, bạn chết đi là người giầu nhất nước và sâu bên dưới là kẻ ăn xin – và bạn lại làm cùng điều đó trong cuộc sống này. Bỗng nhiên động thái sẽ thay đổi. Nếu bạn có thể nhớ được điều bạn đã làm và cách nó tất cả đi tới cái không – nếu bạn có thể nhớ nhiều kiếp sống, nhiều lần bạn đã từng làm cùng việc lặp đi lặp lại; bạn giống như chiếc máy hát kẹt lại một rãnh, cái vòng luẩn quẩn, bạn lại bắt đầu cùng điều và bạn kết thúc cùng điều – nếu bạn có thể nhớ vài kiếp sống của mình, bạn bỗng nhiên sẽ ngạc nhiên là bạn chưa bao giờ làm một việc gì mới. Lặp đi lặp lại bạn cứ tích luỹ của cải; lặp đi lặp lại bạn đã cố gắng có quyền lực chính trị; lặp đi lặp lại cùng khổ sở mà tình yêu đem tới… khi bạn thấy sự lặp lại này, làm sao bạn có thể vẫn còn như cũ được? Thế thì cuộc sống này bỗng nhiên được biến hoá đi. Bạn không thể vẫn còn trong cùng con đường mòn thêm nữa.

Đó là lí do tại sao ở phương Đông, mọi người đã từng hỏi từ hàng nghìn năm, “Làm sao thoát ra khỏi bánh xe này của sống và chết?” Điều đó dường như là cùng cái bánh xe, điều đó dường như là cùng câu chuyện cứ lặp đi lặp lại mãi – sự lặp lại. Nếu bạn không biết nó, thế thì bạn nghĩ bạn đang làm những điều mới, và bạn kích động thế. Và tôi có thể thấy bạn đã từng làm cùng những điều này lặp đi lặp lại.

Chẳng cái gì mới trong cuộc sống; nó là cái bánh xe. Nó chuyển động trên cùng một đường. Bởi vì bạn cứ quên về quá khứ, đó là lí do tại sao bạn cảm thấy nhiều kích động thế. Một khi bạn nhớ ra, toàn thể sự kích động bị vứt bỏ. Trong việc nhớ lại đó tính chất sannyas xảy ra.

Sannyas là nỗ lực để thoát ra khỏi lối mòn, nó là nỗ lực để nhảy ra khỏi bánh xe. Nó là việc tự nói với bản thân bạn, “Thế là đủ rồi! Bây giờ mình không tham gia thêm nữa vào cùng thứ vô nghĩa cũ. Mình thoát ra khỏi nó.” Sannyas là việc vứt bỏ hoàn toàn cái bánh xe – không phải là vứt bỏ xã hội, mà vứt bỏ bánh xe sinh và tử bên trong riêng của bạn.

Đây là kiểu mơ thứ tư.

Và thế rồi có kiểu mơ thứ năm, và là kiểu cuối cùng – kiểu thứ tư là đi ngược vào trong quá khứ của bạn, kiểu thứ năm là đi tới vào tương lai. Hiếm, rất hiếm – nó chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra; khi bạn rất, rất mong manh, cởi mở, linh động. Quá khứ cho cái bóng và tương lai cho cái bóng, nó phản xạ trong bạn. Nếu bạn có thể trở nên nhận biết về giấc mơ của mình, một ngày nào đó bạn sẽ trở nên nhận biết về khả năng này nữa – rằng tương lai nhìn vào trong bạn. Bỗng nhiên cánh cửa mở ra và tương lai có trao đổi với bạn.

Đây là năm kiểu mơ. Tâm lí học hiện đại chỉ hiểu kiểu thứ hai và thường lẫn lộn nó với kiểu thứ nhất. Ba kiểu kia gần như không được biết tới.

Nếu bạn thiền và trở nên nhận biết về bản thể bên trong của mình trong giấc mơ, nhiều điều hơn sẽ xảy ra. Điều thứ nhất – dần dần, bạn càng trở nên nhận biết hơn về giấc mơ của mình, bạn sẽ càng ít bị thuyết phục về thực tại của những giờ thức của mình. Do đó, người Hindu nói rằng thế giới là giống như giấc mơ.

Ngay bây giờ cái đối lập lại mới là hoàn cảnh. Bởi vì bạn bị thuyết phục thế về thực tại của thế giới trong những giờ thức của mình, bạn nghĩ trong khi bạn mơ rằng những giấc mơ đó cũng là thực. Không ai cảm thấy trong khi mơ rằng giấc mơ là không thực – trong khi mơ, nó có vẻ hoàn hảo, nó có vẻ tuyệt đối thực. Đến sáng tất nhiên bạn có thể nói nó chỉ là giấc mơ thôi – nhưng điều đó không phải là vấn đề, bởi vì bây giờ tâm trí khác đang vận hành. Tâm trí này không phải là nhân chứng chút nào; tâm trí này chỉ nghe tin đồn. Tâm trí có ý thức này mà thức vào buổi sáng và nói đó tất cả đều là mơ – tâm trí này đã không phải là nhân chứng chút nào, cho nên làm sao tâm trí này nói gì được? Người đó đơn giản nghe tin đồn.

Cứ dường như là bạn ngủ và hai người đang nói chuyện, và bạn – trong giấc ngủ của mình, bởi vì họ nói to quá – chỉ nghe vài lời đây đó, và dấu ấn láo nháo còn lại. Điều này đang xảy ra – trong khi vô thức tạo ra giấc mơ, và hoạt động vô cùng diễn ra, ý thức đang ngủ và chỉ nghe lơ mơ tin đồn và đến sáng nó nói, “Điều đó là giả. Nó chỉ là giấc mơ.”

Ngay bây giờ, bất kì khi nào bạn mơ, bạn đều cảm thấy nó tuyệt đối thực. Ngay cả những điều ngớ ngẩn cũng có vẻ thực, điều phi logic có vẻ thực, bởi vì vô thức không biết tới logic. Bạn đang bước đi trên đường trong mơ, bạn thấy con ngựa tới, và bỗng nhiên con ngựa không còn là ngựa, ngựa đã trở thành vợ bạn. Và chẳng cái gì xảy ra cho tâm trí bạn, để hỏi “Làm sao điều đó là có thể được? Ngựa bỗng nhiên đã biến thành vợ mình?” Không vấn đề nào nảy sinh, không hoài nghi nào nảy sinh. Vô thức không biết tới hoài nghi. Cho dù một hiện tượng vô lí cũng tin được; bạn bị thuyết phục về thực tại.

Chính điều đối lập xảy ra khi bạn trở nên nhận biết về giấc mơ và bạn cảm thấy chúng thực sự là mơ – chẳng cái gì là thực, chỉ vở kịch tâm trí, vở kịch tâm lí. Bạn ở trên sân khấu, và bạn là diễn viên, và bạn là kịch gia. Bạn là đạo diễn, và bạn là nhà sản xuất, và bạn là khán giả – không ai khác ở đó, đó chỉ là sáng tạo tâm trí. Khi bạn trở nên nhận biết về điều này, thế thì toàn thể thế giới đang tồn tại trong khi bạn thức sẽ thay đổi tính chất của nó. Thế thì bạn sẽ thấy rằng ở đây nữa, cùng điều đó là trường hợp – trên sân khấu rộng hơn, nhưng giấc mơ là một.

Người Hindu cũng gọi thế giới là maya – ảo tưởng, tựa giấc mơ, chất liệu tâm trí. Họ ngụ ý gì? Họ có ngụ ý rằng nó là không thật không? Không, nó không phải là không thật – nhưng khi tâm trí bạn bị trộn lẫn vào trong nó, bạn tạo ra thế giới không thật của riêng mình. Chúng ta không sống trong cùng thế giới; mọi người đều sống trong thế giới riêng của mình. Có nhiều thế giới như có chừng ấy tâm trí. Khi người Hindu nói rằng các thế giới này là maya, họ ngụ ý thực tại cộng với tâm trí là maya. Thực tại, cái đang đó, chúng ta không biết. Thực tại cộng với tâm trí là ảo tưởng, maya.

Khi ai đó trở nên thức tỉnh toàn bộ, vị phật, thế thì người đó biết thực tại trừ đi tâm trí. Thế thì đó là chân lí, brahman, điều tối thượng. Cộng với tâm trí, và mọi thứ trở thành mơ, bởi vì tâm trí là chất liệu tạo nên mơ. Trừ đi tâm trí, chẳng cái gì có thể là mơ; chỉ thực tại còn lại, trong sự thuần khiết kết tinh của nó.

Tâm trí giống như tấm gương. Trong tấm gương, thế giới được phản xạ. Sự phản xạ đó không thể là thực, sự phản xạ đó chỉ là phản xạ. Khi tấm gương không có đó, sự phản xạ biến mất – bây giờ bạn có thể thấy cái thực. Đêm trăng tròn, và chiếc hồ im lặng và trăng được phản xạ trong hồ và bạn cố gắng bắt lấy trăng. Đây là tất cả mọi điều mọi người đã từng làm trong nhiều kiếp – cố gắng bắt trăng trong tấm gương của hồ. Và tất nhiên bạn không bao giờ thành công – bạn không thể thành công được, điều đó là không thể được. Người ta phải quên cái hồ và nhìn đích xác vào hướng đối lập. Có trăng. Tâm trí là cái hồ mà trong đó thế giới trở thành ảo tưởng. Dù bạn mơ với mắt nhắm hay bạn mơ với mắt mở thì cũng chẳng tạo ra khác biệt – nếu tâm trí có đó, tất cả mọi sự xảy ra đều là mơ.

Đây sẽ là việc nhận ra đầu tiên nếu bạn thiền về mơ.

Và việc nhận ra thứ hai sẽ là ở chỗ bạn là nhân chứng: mơ có đó nhưng bạn không phải là một phần của nó. Bạn không phải là một phần của tâm trí mình, bạn là điều siêu việt. Bạn ở trong tâm trí nhưng bạn không phải là tâm trí. Bạn nhìn qua tâm trí nhưng bạn không là tâm trí. Bạn dùng tâm trí nhưng bạn không là tâm trí. Bỗng nhiên bạn là nhân chứng – không còn là tâm trí.

Và việc chứng kiến này là điều chung kết, là điều tối thượng, là việc nhận ra. Thế thì, dù mơ xảy ra trong khi ngủ hay mơ xảy ra trong khi thức cũng chẳng tạo ra khác biệt gì – bạn vẫn còn là nhân chứng. Bạn vẫn còn trong thế giới, nhưng thế giới không thể đi vào trong bạn thêm nữa. Mọi sự vật có đó nhưng tâm trí không ở trong các sự vật, và các sự vật không ở trong tâm trí. Bỗng nhiên nhân chứng bước vào và mọi thứ thay đổi.

Điều đó là đơn giản nếu bạn biết mẹo về nó. Bằng không, nó có vẻ khó, gần như không thể được – làm sao thức tỉnh trong khi mơ? Điều đó có vẻ không thể được nhưng nó không phải vậy. Sẽ phải mất ba tới chín tháng, nếu mọi đêm khi bạn đi ngủ, khi rơi vào giấc ngủ, bạn cố gắng tỉnh táo và quan sát nó.

Nhưng nhớ, đừng cố gắng tỉnh táo trong cảm giác tích cực; bằng không bạn sẽ không có khả năng rơi vào giấc ngủ. Tỉnh táo thụ động – chùng lỏng, tự nhiên, thảnh thơi, chỉ nhìn vào khoé mắt của mình. Không quá tích cực về nó – chỉ nhận biết thụ động, không quá quan tâm. Ngồi bên bờ, và dòng sông chảy qua và bạn chỉ quan sát. Điều này mất ba tới chín tháng. Thế rồi một ngày nào đó, bỗng nhiên giấc ngủ đang rơi xuống bạn như tấm màn tối, như cái mành tối – cứ dường như mặt trời đã lặn và đêm buông xuống. Nó trùm lên khắp xung quanh bạn, nhưng sâu bên trong ngọn lửa cứ cháy. Bạn đang quan sát – im lặng, thụ động. Thế rồi thế giới của mơ bắt đầu. Thế rồi nhiều vở kịch xảy ra, nhiều vở kịch tâm lí, và bạn cứ quan sát. Dần dần, sự phân biệt đi vào sự tồn tại – bây giờ bạn có thể thấy nó là kiểu giấc mơ gì. Thế rồi bỗng nhiên, một ngày nào đó bạn nhận ra rằng đây là cùng một điều như khi thức. Không có khác biệt về chất. Toàn thế giới đã trở thành ảo tưởng. Và khi thế giới là ảo tưởng, chỉ nhân chứng là thực.

❁ ❁ ❁
Nguồn: Oshovietnam

Ảnh: Lê Tân on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x