Trang chủ » Đại sư Vivekananda

Đại sư Vivekananda

by Trung Kiên Lê
163 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

CHRISTOPHER ISHERWOOD

Vào một buổi sáng sớm tháng 9 năm 1893, một phụ nữ tên

George W. Hale nhìn qua cánh cửa sổ từ căn nhà xinh đẹp của mình trên đại lộ Dearborn ở Chicago, và thấy một người đàn ông dáng vẻ phương Đông ngồi bên kia đường, đầu quấn khăn xếp và khoác áo choàng màu hoàng thổ của tu sĩ Ấn Độ.

May mắn một điều là bà Hale không phải là loại người bảo thủ. Bà không gọi cảnh sát đến đuổi người kia đi, bà cũng gọi người giúp việc đến hỏi ông ta cần gì. Bà để ý thấy người kia tuy râu tóc không cạo, áo quần nhăn nhúm bẩn thỉu, nhưng lại toát ra vẻ vương giả đường bệ.

Ông ta ngồi đó trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, an nhiên, và trầm tư mặc tưởng. Ông ta cũng không tìm hiểu xem liệu mình có bị lạc đường hay không. (Mà thực ra thì tâm trạng ông ta lúc này hoàn toàn trái ngược với kẻ lạc đường, vì ông ta đã phó thác hết cho Thượng Đế).

Bà Hale đột nhiên có một ức đoán vô cùng minh mẫn, bà đi ra khỏi nhà và băng qua đường, rồi lịch sự hỏi ông ta: “Thưa ông, có phải ông là một đại biểu đến dự Đại Hội Tôn Giáo không?”.

Bà được trả lời với vẻ lịch sự không kém bằng một loại tiếng Anh lưu loát của người có học thức. Người lạ tự giới thiệu mình là Swami Vivekananda, và bảo rằng đúng là ông đến đây để dự

Đại Hội Tôn Giáo, mặc dù không phải là một đại biểu chính thức. Thực ra, ông từ Ấn Độ đến Chicago lần đầu tiên vào trung tuần tháng bảy, chỉ để biết rằng lễ khai mạc Đại Hội đã bị dời sang tận tháng chín.

Tiền bạc đã cạn, và có người khuyên ông có thể đến Boston vì ở đó giá sinh hoạt rẻ hơn, nên ông đáp tàu hỏa đến đó. Trên tàu, ông gặp một phụ nữ, người này mời ông về lại nhà, nơi có tên gọi là “Đồng cỏ gió mát” (Breezy Meadows).

Từ lúc đó, ông đi diễn thuyết tại nhiều giáo đường và những đoàn thể xã hội, người ta đặt những câu hỏi ngớ ngẩn về đất nước ông, bọn trẻ thì cười nhạo y phục ngộ nghĩnh của ông. Ngày hôm kia, giáo sư dạy tiếng Hy Lạp tại đại học Harvard là J.H. Wright đã mua cho ông một vé tàu quay về lại Chicago, cam đoan là ông sẽ được chào đón tại Đại Hội, dù không được mời.

“Hỏi đại sư về giấy ủy nhiệm thư cũng giống như hỏi mặt trời có được quyền tỏa sáng hay không vậy”. Vị giáo sư đó cũng cho ông địa chỉ của ủy ban tiếp đón đại biểu đến dự Đại Hội, nhưng Vivekananda lại lơ đễnh đánh mất nó trên đường đến Chicago.

Ông đã cố gắng hỏi những khách qua đường. nhưng thật không may là nhà ga lại ở tại một khu vực mà đa số dân cư đều nói tiếng Đức, và vị Swami không biết làm sao để họ hiểu mình. Lúc đó, trời đã sắp tối. Vị Swami hoàn toàn lạc lõng, không biết kiếm đâu ra một cuốn danh bạ để đi tìm một khách sạn thích hợp.

Ông thấy cách đơn giản nhất là ngủ qua đêm trong một toa tàu rỗng trên đường ray. Sáng hôm sau, khi ông thức dậy thì bụng đói, quần áo bèo nhèo và, theo như cách ông diễn tả, “ngửi thấy mùi nước mát”, rồi bắt đầu đi bộ theo hướng dẫn đến bờ hồ Michigan, ông biết chắc điều đó.

Những chủ nhà giàu có ở Lake Shore Drive tỏ ra không hiếu khách, ông gõ cửa một vài nhà, và bị xua đuổi một cách thô lỗ.

Cuối cùng, sau khi đã lang thang khá xa, ông thấy mình tới nơi đây, và quyết định không đi nữa, mà ngồi xuống và chờ đợi bất kỳ biến cố nào mà Thượng Đế đưa đến. Giờ đây, Vivekananda kết luận: “Một cuộc giải thoát thực lãng mạn! Cách thức của Thượng Đế thật quá đỗi lạ lùng!”

Có lẽ bà Hale đã không nhịn được cười khi nghe chuyện này, vì Vivekananda luôn kể lại câu chuyện phiêu lưu trắc trở của mình với vẻ hài hước, và nụ cười tủm tỉm đầy ý nhị của ông rất dễ lan lây. Họ cùng đi vào trong nhà, bà mời vị đại sư đi tắm rửa, cạo râu, và ăn sáng.

Sau đó bà Hale đưa ông đến trụ sở của ủy ban lễ tân, ủy ban này lo sắp xếp chỗ ăn ở cho ông cùng những đại biểu phương Đông khác đến dự Đại Hội.

Ý tưởng tổ chức một Đại Hội Tôn Giáo tại Chicago đã được thai nghén cách đây ít nhất năm năm, liên quan với dự án chính của Hội Chợ Triển Lãm Columbus (World Columbian Exposition) được tổ chức để kỷ niệm 400 năm ngày Columbus khám phá ra châu Mỹ[1].

Ý đồ của Hội Chợ Triển Lãm là để phô trương sự tiến bộ của người phương Tây, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.

Tuy nhiên, ban tổ chức cũng thỏa thuận sẽ triển lãm tất cả những hình thức biểu hiện sự tiến bộ, và người ta đã tổ chức những hội nghị chuyên trách những chủ đề khác nhau như sự tiến bộ của phụ nữ, báo chí đại chúng, y học, phẫu thuật, sự tiết chế, thương mãi và tài chính, âm nhạc, chính thể và sự cải tổ hợp pháp, khoa học kinh tế, và cả một điều kỳ lạ đối với chúng ta ngày nay: nghỉ làm việc ngày chủ nhật.

Và vì, trích dẫn theo ngôn ngữ chính thức của ủy ban, “đức tin vào Quyền năng của Thượng Đế đã, như mặt trời, là tiềm năng ban phát sự sống và giúp Con Người mở mang tri thức và nâng cao đạo đức”, nên cần phải tổ chức một Đại Hội Tôn Giáo.

Người ta có thể mỉm cười trước sự phô trương này, nhưng phải thừa nhận rằng việc triệu tập một đại hội như thế là hành vi mang tính lịch sử của tinh thần tự do. Đây có lẽ là lần đầu tiên trên thế giới khi đại biểu của tất cả những tôn giáo lớn tập trung lại một nơi và được tự do phát biểu về tín ngưỡng của mình.

Một điểm nghịch lý là những người thực sự có tinh thần tự do nhất trong ban tổ chức lại là những người theo thuyết bất khả tri, vì họ chỉ quan tâm đến việc đề xướng sự khoan dung giữa các tôn giáo. Những tín đồ Cơ Đốc giáo nhiệt thành thì có quan điểm ít vô tư hơn, và cũng không thể mong đợi hơn thế được.

Theo lời của một linh mục Thiên Chúa giáo thì: “Cho rằng tất cả các tôn giáo đều tốt như nhau là điều không đúng, mà nếu cho rằng tất cả các tôn giáo đều không tốt, trừ một tôn giáo duy nhất, thì điều đó cũng chẳng đúng chút nào.

Cơ Đốc giáo trong tương lai – cần phải công bình hơn thời quá khứ – sẽ chỉ định cho mỗi tôn giáo vai trò chuẩn bị đón nhận Phúc Âm, mà những vị có chức sắc trong Giáo Hội đã nhận ra ngay trong tà giáo, và sự chuẩn bị này cũng chưa hoàn tất”. Nói một cách khác thì tà giáo cũng hữu ích trong việc chuẩn bị cho Cơ Đốc giáo.

Nhưng điều thực sự có ý nghĩa là việc đức Hồng y Gibbons – lãnh đạo Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ – chấp thuận lời mời chủ trì Đại Hội. Điều đó càng có giá trị hơn, vì đức Tổng giám mục Canterbury đã từ chối tham dự, với lý do phản bác là việc tổ chức một đại hội như thế có nghĩa là chấp nhận tất cả tôn giáo đều ngang nhau[2].

Ngoài các tín đồ Cơ Đốc giáo còn có các vị đại diện của Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Khổng giáo, Thần đạo Nhật Bản, Bái Hỏa giáo và một số giáo phái nhỏ khác.

Vivekananda dĩ nhiên có thể được xem là một đại biểu trong phái đoàn Ấn giáo; nhưng thực ra, như ta sẽ thấy sau này, ông đại diện cho một thứ vĩ đại hơn bất kỳ tông phái nào: đó là giáo lý của Ấn Độ cổ đại về tính phổ quát của chân lý tâm linh.

Khi đại hội khai mạc, vào sáng ngày 11 tháng 9, Vivekananda lập tức hấp dẫn sự chú ý như là một nhân vật nổi bật nhất ngồi trên diễn đàn, với tấm áo choàng rực rỡ, khăn xếp màu vàng, và gương mặt rắn rỏi xinh đẹp.

Nhìn những tấm ảnh của ông, người ta thấy sửng sốt trước vẻ mặt phóng khoáng – có chút gì đó giống như sư tử, với lỗ mũi rộng và rắn rỏi, đôi môi dày biểu cảm, cặp mặt to đen, rực sáng.

Những người được tận mắt thấy ông cũng bị ấn tượng bởi dáng vẻ oai vệ của ông. Dầu vạm vỡ, và không cao hơn một người vóc dáng trung bình, nhưng ông luôn tạo ra cảm giác to lớn nơi người khác.

Người ta nói rằng dù thân thể to lớn nhưng ông di chuyển với dáng vẻ duyên dáng tự nhiên đầy nam tính, “trông tựa con mèo lớn”, theo cách diễn tả của một phụ nữ nọ. Tại Mỹ, người ta thường nhầm ông là ông hoàng hoặc một nhà quý tộc Ấn Độ bởi dáng vẻ lãnh đạo điềm tĩnh và tự tin của ông.

Những người khác bình luận cái nhìn của ông là “an lạc trong tâm”; dường như bất cứ lúc nào, ông cũng có thể rút được những sức mạnh dự trữ bên trong; và ánh mắt lấp lánh, chăm chú và khôi hài của ông luôn gợi lên tinh thần thoát tục trầm lặng đầy an lạc.

Người nào cũng chịu cảm ứng vì vẻ đẹp trong giọng nói sâu trầm phi thường và ngân như chuông của ông; những dao động của nó chắc chắn gây nên trạng thái kích thích tâm lý huyền bí nơi người nghe. Và không còn hồ nghi gì nữa, điều này có liên quan đến phản ứng sửng sốt của cử tọa đối với bài diễn văn đầu tiên của Vivekananda.

Trong suốt phiên họp của buổi sáng đầu tiên, khi đến lượt Vivekananda phát biểu thì ông cáo lỗi và xin được thêm thời gian.

Về sau, trong một lá thư gởi người bạn tại Ấn Độ, ông thú nhận mình bị khiếp hãi trước thính giả. Trong khi tất cả những đại biểu khác đều chuẩn bị diễn văn, còn ông thì chẳng có gì cả. Tuy nhiên, sự do dự này lại làm gia tăng thêm sự chú ý nơi ông.

Cuối cùng, đến chiều thì tới lượt Vivekananda đứng trên diễn đàn. Bằng giọng nói sâu trầm, khi ông vừa mở đầu “Thưa các chị và các anh ở nước Mỹ”[3] thì toàn bộ cử tọa hàng mấy trăm người đồng loạt vỗ tay và hoan hô cuồng nhiệt cả hai phút.

Từ lúc khai mạc đại hội đến giờ, cử tọa đều tỏ ra thân thiện, một số diễn giả được chào đón nồng nhiệt, và tất cả diễn giả đều được chào đón bằng phép lịch sự đầy đủ.

Nhưng trường hợp giống như cách biểu hiện này thì chưa hề xảy ra. Hiển nhiên phần lớn những cử tọa hôm đó cũng không hiểu vì sao mình lại xúc động mãnh liệt như thế.

Tướng mạo, thậm chí cả giọng nói của Vivekananda, cũng không thể giải thích trọn vẹn điều này. Nhóm đông người này có một loại thần giao cách cảm kỳ lạ nằm trong vô thức, và bằng cách nào đó, nhóm người này hẳn phải biết được họ đang đứng trước một người hiếm có nhất trong loài người, một người mà ngôn ngữ diễn đạt được chính xác tư tưởng của mình.

Khi Vivekananda nói “Thưa các chị và các anh “ có nghĩa là ông thực sự xem phụ nữ và đàn ông nước Mỹ đều là những anh chị em của mình: câu diễn thuyết sáo mòn đã biến thành chân lý đơn giản.

Ngay khi cử tọa ngớt hoan hô, Vivekananda liền tiếp tục diễn thuyết. Đó là một bài diễn văn rất ngắn, kêu gọi sự khoan dung lẫn nhau, và nhấn mạnh đến nền tảng chung cho mọi tôn giáo. Khi ông nói xong thì cử tọa càng hoan hô nhiều hơn nữa, tiếng vỗ tay vang như sấm dậy. Một phụ nữ có mặt hôm đó sau này nhớ lại:

“Tôi thấy hàng chục phụ nữ băng qua những dãy ghế dài để đến gần ông, và tôi tự nhủ: ‘Này chàng trai kia ơi, nếu cậu kháng cự nổi cuộc tấn công ào ạt này thì cậu thật sự là Thượng Đế rồi đấy’”. Những cuộc tấn công như thế trở thành một phần giới luật trong đời sống hàng ngày của Vivekananda tại Mỹ.

Những ngày sau đó, ông còn diễn thuyết nhiều lần nữa, bao gồm lời phát biểu quan trọng về bản chất và lý tưởng của Ấn giáo. Đến khi Đại Hội bế mạc, ông là diễn giả được yêu mến nhất, không một ai sánh nổi. Ông nhận được nhiều lời mời mọc xã giao.

Một tổ chức diễn thuyết đề nghị sắp xếp cho ông đi diễn thuyết nhiều nơi, và ông chấp nhận.

Vào thời đó, khi khái niệm Biên Giới[4] vẫn còn sống trong ký ức, người ta không cần phải đi xa khỏi những thành phố lớn là đã thấy mình ở trong “khu triển lãm lều trại” của những kẻ đi khai phá.

Những nhà chính trị, triết gia, nhà văn và bản thân Sarah Bernhardt[5] vĩ đại, tất cả đều được đối xử ít nhiều giống như những màn trình diễn hấp dẫn của một gánh xiếc.

Ngay cả ngày nay, danh hiệu Swami (đại sư) vẫn được gắn liền với những trò lừa bịp trên sân khấu, và phần lớn người Mỹ đều hoàn toàn không hiểu rằng những người tự xưng bằng danh hiệu đó đều đã phát thệ chính thức; trên thực tế, danh hiệu đó cũng tôn quý như danh hiệu “Cha” trong giáo hội Thiên Chúa giáo.

Vivekananda tự xưng là Swami, nên trong mắt mọi người, ông bị xem như là một kẻ giúp vui, ông có thể mong đợi những tràng pháo tay, nhưng không thể hy vọng cuộc sống riêng tư được tôn trọng.

Ông phải đối mặt với trò quảng cáo thô lỗ nhất, với tính hiếu kỳ trơ tráo nhất, với lòng hiếu khách xa hoa nhưng vô cảm và làm cho sức khỏe hoàn toàn suy kiệt. Những điều này làm ông mệt lả và cuối cùng thì kiệt sức, nhưng trong thời gian đó, ông vẫn đủ sức chịu đựng, thậm chí còn vui thích nữa là khác.

Ông thẳng tính đến mức cộc cằn, không bao giờ bế tắc trong đối đáp, không bao giờ đánh mất vẻ điềm tĩnh, ngay cả khi phải gầm lên trong cơn phẫn nộ thoáng qua vì câu hỏi ngu ngốc về “kẻ ngoại đạo” ở quê hương mình.

Không ai có thể cười nhạo ông cho bằng chính ông tự cười nhạo mình, bởi vì ngoài ông ra, không ai có thể đánh giá được trò đùa phong phú và tinh tế về sự hiện diện của ông trong môi trường chung quanh – một tu sĩ đang giảng đạo trong rạp xiếc.

Vivekananda đến Mỹ để nói về quê hương mình. Ông muốn nói cho họ biết sự nghèo khổ của đất nước Ấn Độ và kêu gọi trợ giúp. Nhưng ông cũng gởi một thông điệp đến phương Tây. Ông kêu gọi thính giả hãy từ bỏ thuyết duy vật và học hỏi yếu tố tâm linh của Ấn giáo cổ đại. Điều mà ông đang làm là trao đổi giá trị.

Ông nhận ra những đức tính vĩ đại của phương Tây – nghị lực, óc sáng tạo và lòng can đảm – mà ông thấy người Ấn còn thiếu; nhưng ông cũng không đến nước Mỹ với đầu óc phê phán tiêu cực. Trong những ngày đầu tiên, ông thấy xúc động khi tham quan nhà tù gần Boston, ông thấy điều đó thật đầy ý nghĩa và phản ứng như sau:

Những người tù được đối xử nhân đạo biết mấy, họ được cải tạo và trả về làm một thành viên có ích cho xã hội như thế nào, thật vĩ đại, thật đẹp đẽ biết bao – các bạn phải nhìn tận mắt mới tin được! Ôi, lòng tôi quặn thắt xiết bao khi nghĩ tới cách chúng ta suy nghĩ về những người nghèo khổ, những người thấp hèn ở Ấn Độ. Họ không có cơ hội, không có lối thoát, không có con đường nào để vươn lên. Từng ngày, họ ngày càng chìm đắm sâu hơn nữa”.

Vì trực tính mà ông xúc phạm nhiều người. Ông thường mỉm cười bảo: “Tại New York, tôi đã làm cho các thính phòng hoàn toàn trống rỗng, không còn một người “. Cũng chẳng có gì là lạ!

Đối với những đôi tai cổ hủ của tín đồ chính thống giáo thì những lời giảng của ông về yếu tính thần linh của Con Người có vẻ như là một điều báng bổ Thượng Đế, nhất là khi nó được ông trình bày trong một đoạn văn giàu hình ảnh, nửa nghiêm túc, nửa khôi hài như sau:

Hãy nhìn đại dương chứ đừng nhìn con sóng, hãy thấy giữa một con kiến và một thiên thần chẳng có chi khác biệt. Mỗi con sâu bọ đều là anh em với người sinh ra ở Nazareth[6]… Hãy tin vào kinh điển cho đến khi các bạn đủ mạnh mẽ để không cần đến chúng nữa… Mỗi tín đồ tại các quốc gia Cơ Đốc giáo đều có một đại thánh đường trong đầu, và trên chóp thánh đường đó là một cuốn sách… Phạm vi của những hình tượng đó bao gồm từ gỗ, đá cho đến Chúa Jesus, Đức Phật…

Vivekananda dạy rằng Thượng Đế ở trong tâm mỗi người chúng ta, và mỗi người chúng ta sinh ra là để tìm lại Thượng Đế tính bản lai của mình. Ông thích kể câu chuyện về một con sư tử cứ ngỡ mình là một con cừu, cho đến khi một con sư tử khác xuất hiện và chỉ cho nó thấy bóng của nó trong ao nước.

Ông thường nói với thính giả: Các bạn là những con sư tử, là những linh hồn hoàn hảo, vô biên và thuần tịnh. Đấng mà các bạn đang kêu khóc, than van và cầu nguyện trong những đền thờ, thánh đường… chính là Chân Ngã của các bạn.

Ông là nhà tiên tri của đức tự tin, về nỗ lực tìm cầu của mỗi cá nhân. Ông rất ít nói về sự sùng bái của Ấn giáo, về lòng chí thành lạ thường của tín đồ đối với các vị thần Rama, Kāli, Vishnu hay Krishna trong những giáo phái khác nhau.

Chỉ thỉnh thoảng Vivekananda mới nói đến sự sùng bái của cá nhân ông, và tiết lộ rằng ông cũng có một Đạo Sư mà ông xem là hóa thân của Thượng Đế – vị Đạo Sư đó tên là Śri Ramakrishna đã viên tịch trước đó gần mười năm, mà bản thân ông hiểu biết rất rõ. (Xin xem phần sau của cuốn sách này).

Vivekananda là một người rất sùng đạo, nhưng lại không công bố lòng sùng đạo đó cho bất kỳ ai. Ông khước từ điều đó là một quyết định có cân nhắc. Sau khi quay về Ấn Độ, ông nói về công việc của mình tại Mỹ:

Nếu tôi thuyết giảng về nhân cách của tiên sư Ramakrishna thì tôi có thể cải hóa giữa một nửa thế giới. Thay vào đó, tôi giảng những nguyên lý của người. Nếu mọi người chấp nhận được những nguyên lý đó, thì họ cuối cùng họ sẽ chấp nhận nhân cách.

Lúc xuất hiện tại Đại Hội Tôn Giáo, Vivekananda mới có ba mươi tuổi; ông sinh ngày 12 tháng 2 năm 1863 tại Calcutta. Dòng tộc ông là Datta, và cha mẹ đặt tên ông là Narendranath, gọi tắt là Naren.

Khi làm tu sĩ, ông vân du khắp Ấn Độ dưới nhiều pháp danh khác nhau; ông chỉ lấy pháp danh Vivekananda ngay trước khi đáp tàu sang Mỹ, theo lời đề nghị của tiểu vương xứ Khetri, là người cùng với tiểu vương xứ Mysore đã tài trợ cho chuyến đi của ông.

Viveka trong tiếng Phạn có nghĩa là phân biệt, theo nghĩa đặc thù của triết học là phân biệt được chân (Thượng Đế) và giả (hiện tượng giới do giác quan cảm thụ). Ananda có nghĩa là trạng thái “hỷ lạc”, “lạc phúc” thiêng liêng hay sự yên bình mà ta đạt được khi chứng ngộ; nó thường được dùng như tiếp vĩ ngữ đặt sau bất kỳ pháp danh nào của các tu sĩ.

Khi Naren khoảng mười bảy, mười tám tuổi, ông bắt đầu theo học đại học Calcutta. Thuở đó, ông là một chàng trai xinh đẹp, cường tráng và cực kỳ thông minh. Ông cũng là một ca sĩ có giọng hát tốt và có thể chơi được một vài nhạc cụ.

Ngay từ lúc đó, ông đã chứng tỏ được năng lực lãnh đạo xuất sắc trong đám bạn học cùng trang lứa. Các vị thầy tin chắc số phận của ông là ghi lại dấu ấn trong cuộc đời.

Thuở đó, Calcutta là cửa ngõ chính để tiếp nhận tư tưởng và văn hóa châu Âu, và không một thanh niên Ấn Độ nào thoát khỏi ảnh hưởng đó. Để đương đầu với sự thách thức của các giáo sĩ truyền giáo Cơ Đốc giáo, một phong trào được thành lập để hiện đại hóa Ấn Độ – chủ trương gạt bỏ mọi nghi thức cổ xưa cùng giới tăng lữ, giải phóng phụ nữ, và bãi bỏ tục tảo hôn. Phong trào này được gọi là Brāhmo Samāj.

Naren tham gia phong trào này, nhưng chẳng mấy chốc, ông nhận thấy mục tiêu của nó quá hời hợt, không đáp ứng được những đòi hỏi tâm linh của mình. Ông đọc Hume, Herbert Spancer và John Stuart Mill và bắt đầu tự xưng là kẻ theo thuyết bất khả tri. Cha mẹ ông giục ông lập gia đình, nhưng ông từ chối vì cảm thấy cần phải giữ cho bản thân thanh tịnh và vô chấp thì mới có thể tận hiến thân tâm cho sự nghiệp lớn.

Sự nghiệp gì? Ông cũng không biết chính xác. Ông vẫn còn mãi đi tìm một người nào đó và một điều gì đó, mà ông có thể đặt trọn niềm tin. Trong khi đó thì tinh thần dũng cảm và háo hức của ông đang nôn nóng hành động.

Lúc đó, tình cờ có một người bà con của Narendranath là một tín đồ của Ramakrishna và giáo sư Hastie – thầy của Naren – là một trong ít những người Anh đã từng gặp vị đạo sư này. Những gì mà cả hai người nói về Ramakrishna đã gợi tính hiếu kỳ của Naren.

Rồi vào tháng 11 năm 1881, Naren được mời đến hát tại tại ngôi nhà mà Ramakrishna đang làm khách. Họ trao đổi một đôi câu, và Ramakrishna mời chàng trai trẻ đến thăm mình tại ngôi đền Dakshineswar bên bờ sông Ganges, cách Calcutta vài dặm, là nơi vị đạo sư đang sống.

Ngay từ lần gặp đầu tiên, Naren đã rất tò mò và ngạc nhiên về tính cách của Ramakrishna. Ông chưa bao giờ gặp một ai giống như người đàn ông khoảng tuổi bốn mươi lăm, dáng mảnh dẻ, đầy râu mà lại có bản chất ngay thẳng hồn nhiên như trẻ thơ này.

Vị đạo sư toát lên một niềm hỷ lạc vô biên, ông không ngừng kêu khóc hoặc bật lên tiếng hát để diễn tả niềm vui nơi Thượng Đế – tức Thánh Mẫu Kāli; hiển nhiên đối với ông thì vị Thánh Mẫu này tồn tại như một hiện hữu sinh động. Lời nói của Ramakrishna pha trộn giữa triết học tinh tế với chuyện ngụ ngôn giản dị.

Vị đạo sư nói hơi lắp bắp, bằng phương ngữ làng quê ở Bengal, và đôi khi lại sử dụng những từ ngữ thô lỗ nơi đồng ruộng bằng sự chân chất bình dị của một nông dân. Lúc đó thì danh tiếng vị đạo sư đã lan rộng khắp nơi, và nhiều nhân vật ưu tú của Bengal thường xuyên đến thăm ông, trong số đó có Keshab Sen, người lãnh đạo phong trào Brāhmo Samāj.

Dù theo nguyên tắc cải cách riêng, song Keshab Sen lại rất yêu quý và ngưỡng mộ Ramakrishna; bởi vì Ramakrishna là người tuân thủ nghi thức và là một người Ấn chính thống, nên đối với ông thì sự quan tâm của Keshab Sen trước những vấn đề xã hội chỉ là một trò chơi vui nhộn và hoàn toàn vô ích.

Thế giới này, theo một ngạn ngữ Ấn Độ, giống như cái đuôi cong của con chó – các bạn làm sao có thể vuốt cho nó thẳng ra?

Bởi vậy, Naren đi đến Dakshineswar với tâm trạng phân vân lưỡng lự – một nửa thì hăng hái hiến dâng và tin tưởng; một nửa thì, do chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây, hoài nghi và không chấp nhận được sự mê tín. Khi Naren cùng một vài người bạn bước vô phòng của Ramakrishna thì vị đạo sư yêu cầu Naren hát. Và Naren liền làm theo. Cảnh tượng kỳ diệu tiếp theo được Naren mô tả như sau:

Tôi hát bài hát đó, rồi sau đó chẳng bao lâu, người đột nhiên đứng dậy nắm lấy tay tôi, kéo tôi đến cổng vòm phía bắc của căn phòng người, rồi đóng cửa lại. Căn phòng bị khóa bên ngoài, và chỉ có hai chúng tôi. Tôi nghĩ người sắp giáo huấn điều gì riêng tư; nhưng tôi sửng sốt khi thấy người òa lên khóc, lệ tuôn như suối, người cầm lấy tay tôi và nói thật dịu dàng, như nói với người bạn thân:

“Ôi! Anh đến sao mà trễ vậy! Sao anh tàn nhẫn bắt ta phải chờ đợi lâu đến thế? Đôi tai ta đã gần như đã cháy khô vì mãi nghe những lời nói của đám người thế tục. Ôi chao! ta đã khát khao mong chờ biết mấy ngày ta được trút bỏ gánh nặng khỏi tâm trí ta sang cho người hiểu được vạn sự – kinh nghiệm thâm huyền của ta!”. Người cứ tiếp tục như thế trong tiếng sụt sùi.

Rồi người chắp hai tay lại mà trịnh trọng nói với tôi: “Hỡi Thượng Đế, tôi biết ngài! Ngài là Nara, vị hiền triết thời cổ, hóa thân của Nārāyana. Ngài giáng trần để giải thoát loài người khỏi cảnh khốn cùng”. Rồi cứ tiếp tục như thế. Tôi chết lặng trước cử chỉ của người.

Tôi tự nhủ: “Người đàn ông mà mình đến thăm đây là ai? Chắc ông ta là một kẻ loạn trí. Sao? Mình là ai chứ? Con trai của Vishwanath Datta, mà ông ta dám gọi mình là Nara”. Nhưng tôi vẫn yên lặng, để mặc người muốn làm thì làm. Ngay sau đó, người quay về phòng và mang đến cho tôi một ít kẹo và bơ; rồi người lại tự tay đút cho tôi ăn. Tôi liên tục bảo người:

“Xin ông cứ đưa cho tôi – tôi muốn chia cho bè bạn nữa”, nhưng chẳng có tác dụng gì. Người không ngừng đút cho tôi ăn, cho đến khi tôi ăn sạch nhẵn. Rồi người nắm lấy tay tôi và bảo: “Hãy hứa với ta là anh sẽ trở lại sớm một mình”. Người khẩn thiết đến mức tôi đành phải chấp nhận. Rồi tôi cùng người quay về phòng để gặp lại bạn bè tôi.

Chắc chắn đó là cuộc trắc nghiệm tâm lý mang tính thăm dò đối với một chàng sinh viên trí thức mới mười tám tuổi! Nhưng trực giác của Naren lại mạnh hơn óc ngụy biện của ông. Ông không thể nào loại bỏ Ramakrishna khỏi đầu như một kẻ lập dị vớ vẩn.

Nếu người đàn ông này điên thì cơn điên của ông ta có chút gì thiêng liêng; Naren cảm thấy mình đang đứng trước một đại thánh nhân, và bắt đầu thấy thương yêu vị đạo sư.

Trong cuộc gặp gỡ lần thứ hai, Ramakrishna tự hiển lộ trong một hình trạng hoàn toàn khác hẳn, giống như người có quyền năng siêu nhiên và khủng khiếp. Lần này, Naren thấy vị đạo sư ở một mình trong phòng. Ông niềm nở chào hỏi Naren, và yêu cầu chàng trai đến ngồi bên cạnh mình.

Sau này, Naren mô tả lại cuộc gặp gỡ đó như sau: … miệng lâm râm đọc điều gì đó, đôi mắt thì nhìn chằm chặp vào tôi, người từ từ xích lại gần tôi… và trong nháy mắt, người đặt bàn chân phải lên người tôi. Người vừa chạm vào, tôi liền có một sự trải nghiệm hoàn toàn mới lạ.

Với đôi mắt mở to thao láo, tôi thấy các bức tường và mọi thứ khác trong phòng cuốn tròn theo cơn lốc xoáy, rồi tan biến vào hư không; toàn thể vũ trụ cùng với cá nhân tôi như mất hút trong cõi Hư Vô bàng bạc diệu kỳ!

Tôi kinh hoảng, ngỡ mình đang đối diện với cái chết – bởi vì đánh mất ý thức về bản thân cũng không có ý nghĩa gì so với cảm giác đó đối với tôi! Tôi không tự chủ được nữa và la lên: “Ông đang làm gì tôi vậy! Tôi còn cha mẹ ở nhà nữa mà!”. Nghe thấy thế, người liền phá lên cười.

Người vỗ ngực tôi mà nói: “Tốt lắm, bây giờ thế là đủ rồi. Sớm muộn gì mọi thứ cũng sẽ đến”. Kỳ diệu thay, khi người vừa nói xong câu đó thì sự trải nghiệm kia biến mất. Tôi trở lại chính tôi. Mọi thứ bên trong và bên ngoài căn phòng vẫn y nguyên như cũ.

Bằng cách chạm vào người chàng trai, đạo sư Ramakrishna đã đưa Naren chạm vào kinh nghiệm siêu thức mà người Ấn Độ gọi là samādhi hay trạng thái nhập định. Trong samādhi, mọi ý thức về tự thể [ personal identity] đều biến mất, chỉ còn lại Chân Ngã – hay Thượng Đế tính bản lai – là được biết đến.

Thượng Đế tính – hay sự hợp nhất – được thể nghiệm như một loại Tánh Không, đối lập với sự sai biệt đa thù của vạn hữu – vốn là cái cấu tạo nên ý thức thông thường của chúng ta. Trong Tánh Không đó không còn tự thể nữa, và đối với người chưa chuẩn bị cho trạng thái đó thì đánh mất tự thể cũng giống như là chết.

Đối với Ramakrishna, trong trạng thái siêu thức tâm linh hầu như không sao tưởng tượng nổi, thì samādhi là một sự trải nghiệm hàng ngày, và lúc nào ông cũng nhận thức được sự hiện hữu của Thượng Đế. Vivekananda thuật lại rằng:

Tôi rón rén lại gần người, và hỏi một câu mà tôi đã hỏi bao người khác:

– Thưa ông, ông có tin Thượng Đế không?

Người đáp:

– Có.

– Vậy thì ông có thể chứng minh được điều đó không?

– Được.

– Bằng cách nào?

– Bởi vì tôi thấy Ngài cũng như tôi đang thấy anh đây, chỉ có điều là mãnh liệt hơn rất nhiều.

Câu trả lời đó làm tôi xúc động. Lần đầu tiên tôi gặp một người dám nói rằng đã thấy được Thượng Đế, rằng tôn giáo là một thực thể có thể được cảm nhận và nhận thức theo cách thức vô cùng mãnh liệt hơn cách ta có thể nhận thức thế giới này.

Sau sự kiện đó, Vivekananda thường xuyên đến thăm đền Dakshineswar. Ông thấy mình bị cuốn dần vào nhóm những môn đồ trẻ tuổi, phần lớn đều cùng tuổi với mình, mà Ramakrishna đang huấn luyện theo nếp sống tu viện. Nhưng Naren không dễ gì chịu khuất phục theo ảnh hưởng này.

Ông luôn tự hỏi liệu quyền năng của Ramakrishna có thể được giải thích như là sự thôi miên hay không. Ban đầu, ông không chịu sùng bái nữ thần Kāli, bảo rằng đó chỉ là trò mê tín. Và Ramakrishna có vẻ như hài lòng trước sự đắn đo đó. Ông thường bảo:

– Hãy thử thách ta như những kẻ đổi tiền thử tiền xu. Anh không nên tin tưởng ta cho đến khi nào đã thử thách ta trọn vẹn.

Và đến lượt mình, ông thử thách lại Naren, ông giả bộ làm ngơ không đoái hoài Naren trong nhiều tuần để xem điều đó có khiến chàng thanh niên thôi đến đền Dakshineswar hay không.

Khi điều đó không xảy ra, Ramakrishna rất đỗi hài lòng và ngợi khen sức sức mạnh nội tâm của Naren. Ông bảo:

– Nếu là kẻ khác thì đã bỏ tôi lâu rồi.

Thực ra, tính khí hoài nghi của Naren là một trong những đức tính gây nhiều cảm hứng nhất của ông. Ai trong chúng ta cũng đã trải qua sự hoài nghi này, và chúng ta càng thêm vững tâm khi thấy vị môn đồ dự thính sâu sắc này không chịu chấp nhận điều gì là đương nhiên cả.

Naren đã hoài nghi quá nhiều và quá lâu. Nhưng ta phải nhớ rằng để Naren tin tưởng không phải là điều dễ dàng. Ông hoài nghi nhiều vì có khả năng tin tưởng nhiều. Đối với phần lớn chúng ta, tin theo một tín ngưỡng nào đó cũng không đem lại hậu quả gì quá cao xa.

Còn đối với Naren, tin có nghĩa là tận hiến trọn vẹn bản thân cho niềm tin đó. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Naren phải do dự! Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi nội tâm Naren diễn ra cuộc đấu tranh dữ dội đến vậy!

Năm 1885, căn bệnh ung thư cổ của Ramakrishna trở nên trầm trọng. Vì ngày càng thấy rõ vị Đạo Sư tôn kính sẽ không còn ở với mình lâu được nữa, nên các môn đồ càng gắn bó khắng khít với nhau hơn. Naren trở thành người lãnh đạo bọn họ, cùng một thiếu niên tên Rakhal, người về sau này là Đại sư Brahmanda.

Một ngày kia, khi căn bệnh của đạo sư Ramakrishna bước vào giai đoạn nguy kịch, Naren đang ngồi thiền trong căn phòng tầng dưới. Đột nhiên ông mất ý thức về ngoại cảnh và đi vào trạng thái samādhi. Ông kinh hoảng la lên:

“Thân xác tôi đâu rồi?”. Những môn đồ khác nghĩ rằng ông sắp chết, liền chạy lên lầu báo với vị Đạo Sư. Ramakrishna mỉm cười, bảo:

– Cứ để nó trong trạng thái đó thêm chút nữa. Nó đã khiêu khích ta ban cho nó kinh nghiệm đó từ lâu rồi.

Một hồi lâu sau, Naren đi vào phòng Ramakrishna, lòng tràn ngập niềm hân hoan và yên tĩnh. Ramakrishna bảo:

– Giờ đây, Thánh Mẫu đã chỉ cho con thấy hết mọi sự rồi.

Nhưng ta sẽ giữ chìa khóa. Khi nào con làm xong công việc Thánh Mẫu giao, con sẽ tìm thấy lại kho tàng đó.

Đó là một trong những cơ hội mà Ramakrishna muốn công khai biểu hiện là ông muốn giao phó cho Naren sứ mạng thuyết giảng cho nhân loại.

Vào ngày 16 tháng 8 năm 1886, Ramakrishna gọi tên Thánh Mẫu Kāli bằng giọng trong trẻo ngân vang như chuông, rồi đi vào trạng thái nhập định cuối cùng. Trưa hôm sau, bác sĩ tuyên bố ông đã viên tịch.

Những môn đồ trẻ tuổi cảm thấy họ cần phải gắn bó nhau, và một đệ tử tục gia của Ramakrishna đã tìm cho họ một ngôi nhà ở Baranagore, nằm giữa con đường từ Calcutta đến Dakshineswar, mà họ có thể dùng làm tu viện. Đó là một ngôi nhà cũ đã đổ nát, trên nền nhà thì rắn bò; ngôi nhà được thuê với giá rẻ vì mang tiếng là có ma.

Ở tại đây, họ đặt tro thiêu của Ramakrishna trong một điện thờ, và cúng tế hàng ngày. Được Naren khích lệ, họ quyết tâm từ bỏ thế gian; về sau, họ phát thệ xuất gia theo nghi thức quy định.

Cả nhóm chỉ có vỏn vẹn mười lăm người. Họ hầu như không có tiền bạc và rất ít bạn bè. Lúc thì họ phải cùng nhau nhịn đói, lúc thì chỉ sống bằng cơm trắng, muối và rau đắng. Mỗi người chỉ có hai mảnh vải che thân, ngoài ra chẳng còn gì hết.

Tuy nhiên, họ có một bộ quần áo chung, ai có việc xuống phố thì mặc bộ đó. Họ ngủ với chiếu rơm trải trên nền nhà. Mặc dù vậy nhưng lúc nào họ cũng vui đùa, cười nói, hát những bài thánh ca và sôi nổi tranh luận về triết học; họ chỉ yên lặng khi ngồi thiền.

Lúc nào các môn đồ trẻ cũng cảm thấy Ramakrishna đang hiện diện giữa họ. Thay vì sợ hãi và muộn phiền, họ thậm chí còn trêu chọc cả vị sư phụ quá cố nữa. Một người khách đến thăm ngôi nhà đã tả lại cách Naren nhái điệu bộ của Ramakrishna lúc nhập định, trong khi cả bọn cười ầm cả lên.

Nhưng dần dần, những tu sĩ trẻ tuổi đó thấy khát khao cuộc sống của một du tăng. Với cây gậy và cái bình bát, họ đã lang thang khắp đất nước Ấn Độ, tham quan những đền thờ và những nơi hành hương, khất thực, ngồi thiền hàng tháng trong những thảo am tịch mịch.

Đôi khi họ được các ông hoàng hay những kẻ giàu có tiếp đãi, nhưng thường thì họ chia sẻ bữa ăn với những người cùng khổ. Những sự trải nghiệm đó có giá trị đặc biệt đối với Naren.

Trong những năm 1890 – 1893, ông trực tiếp nhận thức được cảnh nghèo đói, bần cùng cũng như sự cao quý và minh triết tâm linh của đất nước Ấn Độ, mà ông cố mang theo mình trong chuyến du hành sang phương Tây. Sau khi đã vân du khắp đất nước, ông đến mũi đất Comorin, và tại đây ông đã thấy một ảnh tượng.

Ông thấy trong thế giới hiện đại, Ấn Độ có sứ mạng làm nguồn lực chấn hưng tâm linh, nhưng ông cũng thấy rằng nguồn lực đó không thể phát huy được tác dụng, chừng nào những điều kiện xã hội Ấn Độ vẫn chưa được cải thiện triệt để.

Cần có thêm ngân sách cho trường học và bệnh viện; cần phải tuyển dụng và tổ chức cho hàng ngàn giáo viên cùng thợ thuyền. Chính vì vậy mà ông quyết tâm đi Mỹ xin tài trợ. Và ông càng củng cố quyết tâm khi tiểu vương xứ Ramnad đề nghị ông nên tham dự Đại Hội Tôn Giáo tại Chicago.

Như thế, cơ hội đặc biệt này liên quan với dự định chung của Naren. Cuối tháng 5, ông đáp thuyền từ Bombay, đi qua Hong Kong và Nhật Bản, đến Vancouver; rồi từ đó, ông đáp tàu hỏa đi Chicago.

Sau khi Đại Hội Tôn Giáo bế mạc, Vivekananda mất gần hai năm trời để đi diễn thuyết tại nhiều nơi ở miền đông và miền trung nước Mỹ, chủ yếu là xuất hiện tại Chicago, Detroit, Boston và New York. Vào mùa xuân năm 1985, ông mỏi mệt tột cùng và sức khỏe thì tồi tệ, nhưng do bản tính, ông xem nhẹ điều đó.

Có lần, một người hỏi ông với vẻ hơi trách móc: “Có bao giờ Đại sư tỏ ra nghiêm túc chưa?”. Ông đáp: “Ồ, có chứ, đó là khi tôi đau bụng”. Thậm chí ông còn thấy cả khía cạnh khôi hài của đám người lập dị và đám thầy lang, những kẻ quấy nhiễu ông không thương tiếc vì hy vọng trộm hưởng được chút danh vọng của ông.

Trong những lá thư của mình, ông chế giễu khi nhắc đến “giáo phái của Bà Whirlpool” và gã thầy lang chữa bệnh thần kinh nào đó bằng phương pháp “siêu hình học – hóa học – tâm lý học – tôn giáo, đủ thứ linh tinh”.

Đồng thời, ông gặp gỡ và gây ấn tượng với những hạng người nghiêm túc hơn – như Robert Ingersoll, người theo thuyết bất khả tri, Nikola Tesla, nhà phát minh, bà Calvé, ca sĩ.

Và điều quan trọng hơn cả là ông đã lôi cuốn được một số ít học giả mà sự quan tâm và lòng nhiệt tình của họ không chỉ mang tính nhất thời; những người này sẵn sàng hiến dâng trọn quãng đời còn lại để thực hành lời giáo huấn của ông.

Tháng 6 năm 1895, ông được mời đưa mười hai người trong nhóm người đó đến một ngôi nhà ở Thousand Island Park (Thiên Đảo công viên) trên sông St. Lawrence. Tại nơi đây, trong gần hai tháng, ông đã giảng dạy cho họ một cách gần gũi thân tình, giống như cách Śri Ramakrishna đã dạy cho ông cùng những huynh đệ đồng tu.

Không một ai có mặt ở đây lại có thể quên được thời gian đó, và chắc chắn đó là thời kỳ hạnh phúc nhất trong chuyến viếng thăm nước Mỹ lần đầu tiên của Vivekananda.

Đến tháng 8, ông đáp tàu sang Pháp và Anh, rồi đến tháng 12 lại quay về New York. Chính vì các môn đồ khẩn thiết thỉnh cầu mà ông sáng lập chi hội thứ nhất của Hiệp hội Vedanta tại Mỹ: Chi hội Vedanta New York (Vedanta có nghĩa là triết học phi nhị nguyên được giảng giải trong các kinh Veda, là kinh thư tối cổ của Ấn Độ; và dĩ nhiên chính vì nó phù hợp với tín ngưỡng đại đồng của Vivekananda nên ông không gọi hội do ông sáng lập là “Hội Ramakrishna”) Đúng vào thời điểm đó, ông nhận hai lời mời giữ chức giáo sư môn Triết học Đông phương tại đại học Harvard, và một chức vụ tương tự tại đại học Columbia.

Ông từ chối cả hai, bảo rằng mình là một du tăng phiêu bạt nay đây mai đó, không thể định cư một chỗ để đảm nhận công việc kiểu đó. Dù sao đi nữa, ông vẫn mong muốn quay về lại Ấn Độ. Đến tháng 4, ông đáp tàu đi Anh, bước đầu cho việc hồi hương.

Từ nước Anh, ông đã dẫn theo hai môn đồ trong số những môn đồ nhiều nghị lực nhất và trung thành nhất, đó là đại úy Sevier và phu nhân – ông cũng dẫn theo J.J. Goodwin, một người Anh mà ông gặp lần đầu tại Mỹ và trở thành người ghi chép những bài diễn thuyết cùng những lời giáo huấn của ông.

Về sau còn có thêm một phụ nữ người Ireland tên Margaret Noble theo ông về Ấn Độ, bà trở thành “Chị Nivedita” và hiến dâng cả đời mình cho việc giáo dục phụ nữ Ấn Độ và sự nghiệp đấu tranh vì nền độc lập của đất nước Ấn Độ. Tất cả những môn đồ này đều qua đời tại Ấn Độ.

Vivekananda đáp lên bờ tại Ceylon, vào trung tuần tháng giêng năm 1897. Từ đó về sau, cuộc hành trình của ông đến Calcutta là một ca khúc khải hoàn. Đồng bào ông theo dõi các bài diễn thuyết của ông tại Mỹ qua báo chí. Có lẽ sự thành công của ông đôi khi được phóng đại.

Nhưng họ hoàn toàn đúng khi cho rằng chuyến viếng thăm phương Tây của ông là một chiến thắng mang tính biểu tượng, so ra thì nó vượt xa số tiền ông quyên góp được cho sự nghiệp của mình, hoặc số đệ tử mà ông đã thâu nhận được.

Thực ta, người ta có thể khẳng định rằng trước Vivekananda, không một người Ấn Độ nào có thể khiến thế giới Âu Mỹ tiếp đón trọng thị như thế – không phải là như một kẻ chư hầu, cũng không phải là một đối thủ công khai, mà như một người bạn chân tình chúc điều tốt lành cho họ, sẵn sàng vừa dạy, vừa học, vừa cầu xin, vừa giúp đỡ.

Có ai làm được như ông, trụ vững một cách vô tư giữa Đông và Tây để ngợi khen những đức tính, đồng thời phê phán những điểm thiếu sót của cả hai nền văn hóa? Có ai khác có thể tự mình đứng ra đại diện cho một Ấn Độ trẻ trung của thế kỷ 19, lại vừa hòa hợp được với một Ấn Độ cổ xưa của kinh điển Veda?

Có ai khác có thể đứng ra đấu tranh chống lại tình trạng nghèo khổ và áp bức ở Ấn Độ, mà đồng thời lại có thể ca ngợi chủ nghĩa lý tưởng của người Mỹ và sự chuyên tâm của người Anh? Đó mới chính là sự vĩ đại của Vivekananda.

Giữa những lời ngợi khen ca tụng, Vivekananda vẫn không quên mình là môn đồ của Śri Ramakrishna và là huynh đệ đồng tu của một số tu sĩ khác. Ngày 1 tháng 5 năm 1897, ông triệu tập một cuộc họp gồm những tu sĩ cùng những đệ tử tục gia của Ramakrishna để sắp đặt lại hoạt động của họ trên cơ sở có tổ chức.

Vivekananda đề nghị tích hợp các hoạt động giáo dục, từ thiện và tôn giáo, và thế là Giáo đoàn Ramakrishna và Tu viện Ramakrishna ra đời. Ngay lập tức giáo đoàn bắt tay vào công việc, tham gia cứu đói và cứu trợ nạn dịch, xây dựng những bệnh viện và trường học đầu tiên.

Brahmananda được bầu làm chủ tịch, và Vivekananda giao lại cho ông ta tất cả những gì mình quyên góp được tại châu Mỹ và châu Âu. Sau khi bàn giao xong, ông phải xin lại mấy xu để đi đò sang sông Ganges. Từ đó về sau, ông kiên quyết chia sẻ cuộc sống thanh bần cùng huynh đệ đồng tu.

Ít lâu sau, tu viện được xây dựng tại Belur, cách đền thờ Dakshineswar không xa, xuôi theo dòng sông, ở bờ bên kia của sông Ganges. Tu viện Belur, cho đến nay, vẫn là tu viện chính của Giáo đoàn Ramakrishna. Hiện nay giáo đoàn này đã có gần cả trăm cơ sở khác ở khắp Ấn Độ, và những nước khác ở châu Á, chuyên về thiền quán hoặc phụng sự xã hội, hoặc kết hợp cả hai.

Giáo đoàn Ramakrishna có bệnh viện và trạm phát thuốc, có trường đại học và trung học, có trường kỹ thuật và nông lâm, có thư viện và nhà xuất bản riêng, do các tu sĩ của giáo đoàn đảm trách.

Tháng 6 năm 1899, Vivekananda đáp tàu sang thế giới phương Tây lần thứ hai, dẫn theo Nivedeta và một huynh đệ đồng tu là đại sư Turiyananda. Lần này, ông đi theo ngõ châu Âu và nước Anh, nhưng ở trọn cả năm sau tại Mỹ.

Ông đi California, và để Turiyananda ở lại dạy tại San Francisco. Nguyện vọng của Vivekananda là thành lập một vài trung tâm Vedanta tại các nước phương Tây. Hiện nay có khoảng mười trung tâm tại Mỹ, một tại Argentine, một tại Anh và một tại Pháp.

Lúc quay về Ấn Độ thì Vivekananda đã mang trọng bệnh; ông tự nhủ mình chẳng còn sống bao lâu nữa. Tuy nhiên, ông thấy hạnh phúc và thanh thản – tựa hồ như vui mừng vì sắp được giải thoát khỏi nguồn năng lực đầy lo âu khắc khoải đã dìu dắt trọn vẹn cuộc đời ông từ thời thơ ấu.

Bây giờ ông chỉ mong được tĩnh tâm để thiền quán. Trước khi rời Mỹ, ông viết cho người bạn một lá thư để thổ lộ nỗi lòng bằng những lời lẽ đẹp đẽ như sau: Tôi vui mừng vì đã sinh ra đời, vui mừng vì đã chịu khổ đau, vui mừng vì đã phạm những lỗi lầm thật lớn, vui mừng vì đi vào cõi thanh bình tĩnh lặng.

Thể xác này sẽ hư hoại và có giải thoát cho tôi hay không; hoặc tôi có nhập được vào cảnh giới tự do với thể xác này hay không, thì một người già vẫn sẽ ra đi, ra đi mãi mãi và không bao giờ quay lại! Đằng sau công việc của tôi là tham vọng, đằng sau tình yêu thương của tôi là tính cách, đằng sau sự thanh tịnh của tôi là sợ hãi. Giờ đây, tất cả đều đang tan biến và tôi phó mặc tất cả.

Có người bảo rằng việc Vivekananda từ giã thế gian vào ngày 4 tháng 7 năm 1902 có vẻ như đã được ông dự tính trước. Vài tháng trước đó, ông gỡ bỏ hết mọi trọng trách, và huấn luyện những người thừa kế. Sức khỏe ông tốt hơn. Ồng dùng bữa cơm trưa một cách hứng thú, nói về triết học và đi bộ hai dặm đường.

Đến chiều, ông chìm sâu trong thiền định, và trái tim ngừng đập. Mọi người cố làm ông hồi tỉnh trong nhiều giờ liền. Nhưng sứ mạng của ông có vẻ như đã hoàn tất, và Ramakrishna đã trao lại cho ông chìa khóa của kho tàng.

Tuy nhiên, cách dẫn nhập hay nhất vào tư tưởng Vivekananda không phải là đọc những lời bàn về ông mà đọc trực tiếp tác phẩm của ông. Nhân cách của đại sư, với tất cả vẻ duyên dáng và sức mạnh, với tất cả sự can đảm và thẩm quyền tâm linh, với tất cả vẻ cuồng nộ và khôi hài của nó sẽ truyền sang các bạn vô cùng mạnh mẽ qua những trang viết và những lời diễn thuyết được ghi lại của ông.

Khi đọc ông, phải luôn nhớ rằng “sự nhất trí ngu ngốc là điều quái dị của những đầu óc nhỏ bé”. Khi Emerson[7] viết câu này trong bài tiểu luận “Tự tin” của mình, ông muốn dùng từ “đầu óc nhỏ bé” để nói lên sự tương phản với những đầu óc vĩ đại của Jesus, Socrates cùng những vĩ nhân khác.

Chắc hẳn Emerson sẽ đưa thêm tên của Vivekananda vào danh sách những người vĩ đại, nếu như họ được gặp nhau và biết nhau. Nhưng Emerson đã mất năm 1882.

Vivekananda là người không quan tâm đến sự nhất trí mang tính hình thức. Ông hầu như ứng khẩu khi diễn thuyết, do nhiệt tình đối với hoàn cảnh lúc đó, do tự thích nghi với điều kiện của một nhóm thính giả đặc biệt, hoặc để phản ứng lại ý định của một câu hỏi nào đó.

Bản chất ông là vậy, và ông dửng dưng đến tột độ nếu những lời của ông hôm nay mâu thuẫn với những lời hôm qua. Là người đã chứng ngộ, ông hiểu rằng chân lý không nằm trong việc sắp xếp những câu văn.

Mà nó nằm trong chính diễn giả. Nếu con người thực sự của ông là chân thì ngôn từ không còn quan trọng nữa. Hiểu theo nghĩa này, thì Vivekananda không tự mâu thuẫn với mình.

Vivekananda không chỉ là một vị đạo sư vĩ đại với thông điệp gởi cho toàn thế giới, mà ông còn là một người Ấn Độ vô cùng vĩ đại, một người yêu nước và là người truyền nguồn cảm hứng cho đồng bào ông cho đến thế hệ ngày nay.

Nhưng thật sai lầm nếu xem ông là một nhân vật chính trị, dù hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của danh từ này. Từ đầu đến cuối, ông vẫn luôn là chàng trai tận hiến đời mình cho Ramakrishna. Phân tích đến chỗ rốt ráo thì sứ mệnh của ông là sứ mệnh tâm linh chứ không mang tính chính trị, thậm chí cũng không mang tính xã hội.

Chính sách của Giáo đoàn Ramakrishna luôn trung thành với ý định của Vivekananda. Đầu thế kỷ 20, khi cuộc đấu tranh của Ấn Độ với nước Anh trở nên khốc liệt, Giáo đoàn đã bị chỉ trích thậm tệ vì đã không cho các thành viên của mình tham gia Phong Trào Bất Hợp Tác của Gandhi.

Nhưng bản thân Gandhi thì không bao giờ tham gia vào việc chỉ trích này. Ông thấu hiểu rằng một tổ chức tôn giáo mà đi ủng hộ một sự nghiệp chính trị – cho dù sự nghiệp đó có cao cả và công chính đến mấy – thì chỉ có thể tự làm tổn thương nó về phương diện tâm linh, và do đó, đánh mất đi chính cái thẩm quyền mà nó dùng để biện minh sự tồn tại của mình giữa xã hội loài người.

Năm1921, Gandhi đến Tu viện Belur dự lễ kỷ niệm ngày sinh của Vivekananda và bày tỏ lòng tôn kính đầy cảm động. Gandhi nói những tác phẩm của Vivekananda đã dạy ông yêu đất nước Ấn Độ nhiều hơn. Ông kính cẩn đến thăm căn phòng nhìn ra sông Ganges, nơi Vivekananda sống những tháng cuối đời.

Ngày nay các bạn có thể đến thăm căn phòng này, nó được giữ nguyên trạng như Vivekananda đã để lại. Nhưng nó không phải là nhà bảo tàng hay một căn phòng không người ở. Sát bên phải là văn phòng của vị Chủ tịch Giáo đoàn Ramakrishna.

Cùng ở đó, sống bên cạnh nhau là một thẩm quyền hữu hình của con người và một sự hiện diện vô hình luôn gợi cảm hứng. Trong đời sống của Tu viện Belur, Vivekananda vẫn còn sống và vẫn tham gia vào sinh hoạt hằng ngày như mọi tu sĩ.

Tháng 6 năm 1960

[1] Người phương Tây vẫn luôn có sự ngạo mạn lố bịch như vậy. Vùng đất của thổ dân da đỏ đang sống, họ kéo đến xâm lược, cướp bóc và gọi đó là “khám phá”. Làm như không có Columbus thì châu Mỹ không tồn tại trên bản đồ thế giới!

[2] Quan niệm tôn giáo độc tôn – cho rằng chỉ tôn giáo của mình là đúng, ngoài ra đều là dị giáo, tà giáo – là một quan niệm thiển cận và ấu trĩ thường thấy nơi những tín đồ cuồng tín hoặc trí tuệ chưa được khai mở để thấu hiểu chân lý “đồng quy nhi thù đồ” của phương Đông.

[3] Điều này lạ với truyền thống ở Mỹ, vì diễn văn thường được mở đầu với câu “Thưa quý bà, quý ông” (Ladies and Gentlemen)

[4] Danh từ Biên giới (Frontier) bao gồm các khía cạnh địa lý, văn hóa, lịch sử và cả nền văn học dân gian trong làn sóng bành trướng về miền Tây của người Mỹ. Nó mở đầu bằng cuộc xâm lược của thực dân Anh vào đầu thế kỷ 17 và kết thúc bằng việc chấp nhận phần lãnh thổ được xem như là các tiểu bang vào năm 1912.

[5] Sarah Bernhardt (1844 – 1923) người Pháp, được xem là nữ diên viên nổi tiếng nhất mà thế giới từng biết đến.

[6] Tức Chúa Jesus.

[7] Ralph Waldo Emerson (1803 –1882) là nhà viết tiểu luận, diễn giả, và nhà thơ lỗi lạc của nước Mỹ.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x