Trang chủ » Chương 1: Thiên Tâm

Chương 1: Thiên Tâm

by Trung Kiên Lê
382 views

Tổ Sư (1) nói : Thiên Tâm là tâm chung của “Tam tài” (Thiên ,Ðịa ,Nhân) là Huyền khiếu (2) mà trong các kinh sách dưỡng sinh vẫn thường nói đến, là nhịp Vũ trụ phổ quát cho muôn vật trong Trời Ðất . 

Con người ta sinh ra ai cũng có Thiên Tâm, chỉ có điều ở những nhà Hiền triết, trải qua một quá trình tu luyện nhất định, thì Thiên tâm khai mở, còn ở những người bình thường thì cả đời không hề hay biết rằng có nó. 

Thiên Tâm khai mở có thể trường sinh, còn đóng kín thì đoản mệnh.

Người đời thường nghĩ, con người ta sống chết đều có số, đó là ý nghĩ tầm thường, không đáng để ta lưu ý. Ai mà chẳng mong sống lâu, nhưng thực tế lại đi dần vào cõi chết. Ðó có phải là do người ta có những gan ruột khác nhau không ?

Không ! ấy là do “lục căn” mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý , lôi cuốn con người, do “lục trần” sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp , làm cho con người tham dục, tâm không lúc nào thanh tịnh. Chính vì vậy mà nhiều người tuổi còn trẻ chớp mắt đã già nua, chết yểu.

Cho nên, các Ðạo sĩ nói chúng đều đồng tình với nhận xét trên đây, thường chủ động truyền dạy Ðại Ðạo cho người đời. Tiếc thay, người truyền dạy thường hay “nói thật mất lòng”, còn người nghe thì không biết nắm lấy những điều mấu chốt.

Vì sao vậy ? Bởi vì mọi người không hiểu “Bản thể” và “Công dụng” của Ðại Ðạo, chỉ biết làm cho cái nọ phương hại đến cái kia. Dưỡng sinh theo cách đó, chẳng khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, vĩnh viển không bao giờ đi tới đích !

Mọi người đâu có hiểu , Ðại Ðạo lại lấy hư vô làm “bản thể”, lấy hiển hóa làm “công dụng” vì thế trong quá trình học đạo không thể dừng ở những “vật hữu hình”, mà cũng chẳng thể rơi vào “hư không” được. Ðiều quan trọng nhất là làm cho sự vận động của chân khí thông suốt khắp trong cơ thể.

Công pháp tu luyện của học phái chúng tôi chỉ lấy “Khí tiên thiên” (3) làm bản thể, “Kim đan” (4) làm công dụng, khiến cho bản thể và công dụng phối hợp, ăn khớp với nhau, để đạt đích trường sinh bất lão. 
Phương pháp này các bậc thánh nhân và hiền triết thường dùng lối “tâm truyền tâm” , từ thế hệ nọ truyền tới thế hệ kia, bắt đầu từ Lão Tử cho mãi tới Ðông Hoa đế quân, rồi về sau chia thành hai tông Nam Bắc (6).

Ðại Ðạo vốn không thần bí, nhưng tâm truyền cực kỳ bí hiểm, đó không phải là do cố làm cho huyền bí, mà là vì công pháp này không thể nào tiếp thu được nếu như không dùng lối tâm truyền tâm. 
Ngoài cách đó ra cũng không thể nào truyền bá và tu học được.

Cố nhiên, dùng ngôn ngữ truyền thụ mặt đối mặt cũng có thể được, nhưng vẫn còn rất nhiều người nghe Ðạo có trình độ lĩnh hội khác nhau, huống chi viết ra thành lời để phổ biến thì lại còn kém xa một bậc . 

Chính vì vậy mà nói. Ðại Ðạo do Lão Tử truyền thừa đặc biệt chú trọng tâm truyền. Dạy và học công pháp này đều được lĩnh hội, trở nên sáng rõ qua bước “Tâm lĩnh thần hội”. Ở đây sư phụ không thể đảm bảo truyền thụ toàn bộ Ðại Ðạo cho đệ tử, còn đệ tử cũng không thể đảm bảo đã học được tất cả ở sư phụ .

Chỉ có dựa vào niềm tin chân thành trong sáng mà một ngày nào đó có được thời cơ thích hợp, Tâm Thần hòa quyện, ý nghĩa của sư phụ bộc bạch rõ ràng, đệ tử lĩnh hội rạch ròi từng lời từng chữ. Thầy trò hoặc đối diện nhìn nhau mỉm cười tâm ý cùng thông , hoặc cảm động đến rơi nước mắt. 

Phàm những người nhập Ðạo và ngộ Ðạo đều có cùng trải nghiệm chung này. Ở đây các đệ tử thường ngộ Ðạo trước rồi sau nhập Ðạo, cũng có người nhập Ðạo trước rồi sau ngộ Ðạo, nhưng quyết không có ai tâm tư không tập trung, niềm tin không kiên định mà nhập Ðạo và ngộ Ðạo cả.

Bởi lẽ, tâm tư không tập trung tất nhiên sẽ tán loạn; niềm tin không kiên định tất nhiên sẽ hời hợt, chàng màng. Mà đã tán loạn thì không thể nào làm cho ánh sáng tụ hợp, hời hợt thì không thể nào làm cho ánh sáng ngưng kết .

Mà đã vậy thì ngay tâm của mình cũng không cách nào hiểu nổi, nói chi đến chuyện hòa đồng với Tâm mà Lão Tử giải truyền.

Chính vì thế mà Nho gia chủ trương nội tỉnh , Ðạo gia chủ trương nội thị. Trong “Kinh bốn mươi hai chương (9) của Phật gia cũng nói : định Tâm vào một nơi thì còn có việc gì mà chẳng làm được ?”.

Ở đây ý muốn nói, Ðại Ðạo tối thượng chẳng qua chỉ là làm cho tấc Tâm ấy cùng chỉnh thể của nó hoàn thiện mà thôi. Vậy chỉnh thể ấy là gì ? Ðó là cảnh giới trong sáng không vẩn đục – “Tông chỉ” mà ta truyền thụ, nội dung huyền diệu nhất chính là ở điểm này.

Khéo bận dụng “Tông chỉ”, then chốt là ở năm chữ “Ðịnh tâm vào một nơi”. Quyết pháp của “Ðịnh tâm vào một nơi” là nội quan, đó chính là bí chỉ của tâm truyền đã nói ở trên. Công pháp này chẳng những có thể dạy bằng lời, mà còn có thể viết trên giấy trắng mực đen.

Có điều khi công phu tu luyện đến chổ cao thâm, đạt tới giai đoạn tâm không vắng lặng, cuối cùng lặng lẽ xem ngắm ý cảnh diệu huyền nhất thì lúc này bút không sao tả nổi, mà cũng chẳng thể truyền dạy bằng lời. Lúc này quả đúng là hư vô, đúng là tĩnh lặng, đúng là sáng láng, đúng là tịch mịch, hệt như một hạt huyền châu (10) tâm tâm tương ấn. Ðây thật quả là vô cùng huyền diệu ! 

Sau khi đã tới giai đoạn đắc Ðạo, ngộ Ðạo, hết thảy mọi điều đều sáng rõ . 

Ở đây không còn có Ðạo lý nào khác, đó chẳng qua chỉ là vì Thiên Tâm đã khai mở.

Những người cầu Ðạo ngày nay cũng giống như đi qua một con sông. Nước sông mênh mang chẳng biết làm thế nào qua được. Cho tới lúc đã sang tới bờ bên kia an toàn, thì ngay đến cả chiếc bè qua sông kia ta cũng chẳng cần; chuyện này cũng hệt như sau khi đã đắc Ðạo, phương pháp tu Ðạo cũng có thể xếp lại chẳng cần đến làm gì.

Thế nhưng, khi chưa biết xử trí ra sao, thì hãy cho họ một chiếc bè là đắc sách . Tôi giờ đây may mắn được đảm nhận sứ mạng người thầy dẫn dắt, tốt nhất trước tiên nên giao chiếc bè đó cho mọi người.

Thiên Tâm là một khiếu. Nhưng khiếu này không ở trên thân mình, mà cũng không ở ngoài thân. Không thể sờ nắn để nó khai mở, chỉ có yên lặng tập trung bền bỉ đợi chờ .

Nếu muốn nhận thức sự tồn tại của Thiên Tâm thì không ngoài cách lần tìm “Sắc (11) tức Không (12) Không tức Sắc nói trong “Tâm Kinh” (13) của nhà Phật “là cái này, lại vừa không phải là cái này; không phải là cái này lại vừa là cái này” nói đến trong các Ðan thư (14) của Ðạo gia.

Một khi tới được cảnh giới đó sẽ ung dung tự tại, tự nhiên nhi nhiên, Thiên Tâm khai mở. Và, Thiên Tâm hễ đã khai mở sẽ khai mở vĩnh viễn.

Công pháp tu luyện ở đây gói ghém trong hai chữ “Tồn thành” (15). 

Khi các vị dùng phương pháp Tồn thành để luyện công, cần biết cách vận dụng khéo léo phương pháp này, đó chính là khẩu quyết tu luyện.

Trong khẩu quyết tu luyện còn có khẩu quyết đưa lại hiệu quả nhanh hơn : khi gạt bỏ tạp niệm để nhập tĩnh, cần tham khảo hình dáng của chữ “Y” trong tiếng Phạn , đem điểm ở giữa đặt vào giữa hai lông mày, còn hai điểm dưới thì điểm bên trái đặt vào mắt trái, điểm bên phải đặt vào mắt phải, thế là thần quang của hai mắt tự nhiên sẽ hội tụ ở tâm hai lông mày.

Tâm hai lông mày chính là thiên mục, là cửa ngõ tam quang hội tụ, vào ra (17).

Người ta nếu biết sử dụng ba con Mắt giống như chữ Y tiếng Phạn ấy, nhất là lại biết nhẹ nhàng dùng ý nghĩ làm cho chúng chuyển động, hệt như khe khẽ mài sáng gương vậy, tức thì tam quang sẽ hội tụ ở tâm hai lông mày, lóe sáng tựa hồ như Mặt Trời hiển hiện ở ngay trước mắt. Giờ đây, ta lại tiếp tục dùng ý nghĩ dẫn ánh sáng tới sau tâm, trước song quan (18)

tức là tới bộ vị mà ta vẫn quen gọi là “Cửa Huyền Tẫn” (19).

Chỉ cần ta khéo biết dùng ý nghĩ dắt dẫn, ánh sáng kia sẽ đến được cửa này. Lúc này ta chớ nên quên hàm ý diệu huyền của hai chữ “tựa hồ” nói đến ở trên. Và, dĩ nhiên, Thiên Tâm sẽ tự động khai mở.

Còn công pháp tiếp tục ra sao sau này sẽ trình bày rõ . Ðiều cần nhắc nhở ở đây là khi luyện công, trước sau không được để Tâm bị những cảnh tượng hiển hiện do nguyên khí được phát động làm cho mê hoặc, nếu bị mê hoặc rất có thể Tẩu hỏa Nhập ma (20). 

Các vị hãy tu luyện theo công pháp mà tôi truyền đạt, ngoài ra không có phương pháp nào khác hay hơn. Nói đi nói lại, chỉ có thuần nghĩ đến Thiên Tâm. “Kinh Lăng Nghiêm” (21)

của nhà Phật cũng từng nói : thuần nghĩ sẽ bay bổng, ắt sinh Thiên thượng” .

Thiên nói đến ở đây không phải là Trời xanh, mà là chỉ Pháp thân (22)

sinh thành ở cung Càn (23)

(tức ở đỉnh đầu) . Càn tức là Thiên. Tự nhiên lâu ngày sẽ thân ngoại hữu thân, Thiên ngoại hữu Thiên. 
Bởi lẽ, thể xác con người có thể so sánh với một quốc gia. “Thái nhất” tập trung lại chính là vua của quốc gia ấy, còn ánh sáng chính là ý chí hoặc mệnh lệnh của đức vua đó.

Vì vậy, hễ có ánh sáng rọi tới thì khí trong khẩu cơ thể đều quay hướng về, đỉnh đầu, tựa như thể đức vua định đô lập quốc tất cả các chư hầu đều về triều cống lễ tung hô, cũng giống như vua tôi trên dưới một lòng, quân dân đồng tâm hiệp lực, tất cả mọi người đều lo làm tròn bổn phận của mình. 

Trở về, các vị chỉ cần chuyên tâm tập luyện hồi quang, đó chính là diệu đế tối thượng. Tập luyện hồi quang lâu ngày, ánh sáng sẽ ngưng kết lại, tự nhiên hình thành pháp thân, ngày một mở rộng, vươn dài. Ðó chính là cái mà Ðạo gia chúng ta vẫn gọi là “ngân ngạc”, Phật pháp Tây phương gọi là “Pháp vương thành”.

Ðức vua được các hiền thần phò tá, thế là tinh khí ngày một sinh sôi, nguyên thần ngày một vượng thịnh, rồi một ngày Thân Tâm hòa hợp, biến hóa đó chẳng phải là vấn đề Thiên ngoại hữu Thiên, Thân ngoại hữu Thân đó sao ? 

Còn cần nói thêm một câu nữa : Kim Hoa, đó chính là Kim Ðan. Sự biến hóa khôn lường của nó chính. là do Tâm người luyện công quyết định .

Diệu quyết ở đây , tuy không có chút gì là xa lạ, nhưng vô cùng linh hoạt. Tất cả đều dựa vào trí thông minh và tính” trầm tĩnh bởi vì, .nếu không phải người thông minh nhất thì không thể thực hành được, cũng như nếu không phải người trầm tĩnh nhất thì cũng không thể theo đuổi đến cùng !

Thiên Tâm (dịch từ Phụ bản Bắc Kinh)

Lã Tổ nói rằng : 

Thiên Nhiên tức là Ðạo. Ðạo không có tên, không có hình tướng, chỉ là một Tính, một Nguyên Thần mà thôi. Tính mệnh không nhìn thấy, không sờ thấy được, chỉ gửi gắm ở Thiên Quang. Thiên Quang cũng không nhìn thấy được không sờ thấy được, chỉ gửi gắm ở hai mắt mà thôi. 

Từ xưa tới nay, các chư Tiên truyền đạo thường chỉ dạy truyền khẩu, dạy thế hệ nào thành công thế hệ ấy. Kể từ khi Thái Thượng hiện hóa ở Ðông Hoa, rồi truyền thừa mãi cho tới Lã tôi, rồi tới các tín đồ hai tông Nam Bắc, có thể nói Ðạo giáo Toàn Chân đạt tới điểm cực thịnh.

Có điều, nói là thịnh, thịnh là ở chổ đông người, nhưng thật ra là đang suy, suy ở chỗ dứt bỏ tâm truyền. Cho tới lúc này thì phù phiếm đến tột cùng, ngao ngán đến cực điểm ! Mà “Vật đã đến bước tột cùng ắt sẽ đi ngược lại”.

Thế là Hứa Tổ phái Tịnh Minh đứng ra từ bi phổ độ, đề xuất nguyên tắc “Giáo ngoại biệt truyền” để thu nạp những người có căn khí khác thường.

Những người nghe Ðạo thì họa hoằn mới gặp , những người học Ðạo lại càng hiếm thấy, mọi người đều thể hội nổi khổ tâm giúp người của Hứa Tổ, đều phải vững vàng trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong cách đối nhân xử thế, rồi sau mới bàn đến chuyện tu chân ngộ tính. Tôi giờ đây rất vinh hạnh được làm thầy dạy, trước tiên hãy trình bày rõ về: “Thái ất Kim Hoa Tông Chỉ”, rồi sau mới giới thiệu tỷ mỉ từng chương.

Cái gọi là “Thái ất” tức là một đại từ thượng thừa . Hết thảy những pháp quyết luyện công nói chung đều phải dùng thuật hữu vi để đạt tới cảnh giới vô vi, vì vậy không phải là công pháp một tấc đến Trời. “Tông chỉ” truyền thụ ở đây có khác, mới đầu sẽ trực tiếp đề xuất tính công, không hề thua pháp môn thứ hai, vì vậy lại càng huyền diệu.

Cái gọi là “Kim Hoa” – đó là ánh sáng. Ánh sáng đó có màu gì ? Y hệt như bông hoa bằng vàng, trong đó có bao hàm chữ “ánh sáng” vậy. Ðó chính là chân khí Thái ất tiên thiên. Cái gọi là “Thủy hương diên , chỉ nhất vị” nói đến trong “Nhập dược kính” chính là muốn chỉ chân khí ấy. 

Công phu hồi quang toàn dùng nghịch pháp – tập trung ý nghĩ vào Thiên Tâm. 

Thiên Tâm ở vào giữa Mặt Trời và Mặt Trăng (mắt phải và mắt trái). “Hoàng Ðình Kinh” có câu : “Thôn điền xích trạch khả trị sinh”, xích trạch nói đây là chỉ phần mặt của con người, ở phần mặt có một khoảnh điền vuông vức, đó chẳng phải chỉ Thiên Tâm, thì còn là cái gì ?

Trong tấc vuông này có danh lam thắng cảnh có vạn cổ kỳ quan là nơi thần tối hư tối linh cư ngụ . Nho gia gọi nó là “Hư Trung”, Phật gia gọi là “Linh Ðài”, Ðạo gia gọi nó nào là “Tổ Thổ”, “Hoàng Ðình”, nào là “Huyền Quan”; Tiên Thiên Khiếu v.v… Thì ra Thiên Tâm kia giống như một tòa nhà, còn ánh sáng là người , chủ của ngôi nhà đó.

Vì vậy hễ hồi quang thì khí khắp trong cơ thể sẽ hướng về đỉnh đầu, tựa như thánh vương định đô kiến triều, vạn quốc dâng biểu qui thuận, hoặc như người chủ anh minh, nô tỳ tự nhiên phụng mệnh, người nào việc nấy. 
Các vị chỉ cần thực hành hồi quang, đó là diệu đế tối thượng.

Có điều cần chú ý, loại ánh sáng này dễ động nhưng lại khó định. Hồi quang lâu ngày, loại ánh sáng này dần dần ngưng kết thành pháp thân tự nhiên, cuối cùng có thể ngưng thần ở trên Cửu Tiêu vậy. Mặc triều và “bay bổng” nói đến trong “Tâm ấn Kinh” chính là chuyện đó vậy.

Thực hành “Tông chỉ” không còn công pháp nào hơn, chỉ ở chỗ thuần nghĩ về Thiên Tâm. “Kinh Lăng Nghiêm” nói : “Thuần nghĩ sẽ bay bổng, ắt sinh Thiên thượng”. Thiên nói đây không phải là Trời xanh, mà là ám chỉ Pháp thân sinh ra ở cung Càn (ở đầu) vậy. Càn được xem là Trời. Lâu ngày sẽ “thân ngoại hữu thân”. 

Kim Hoa chính là Kim Ðan. Sự biến hóa thần minh của nó khác nhau tùy tâm của mỗi người. Diệu quyết ở đây tuy không có gì khác lạ, nhưng vô cùng linh hoạt. Tất cả dựa vào trí thông minh cũng như dựa vào tính trầm tĩnh. Nếu không phải là người trầm tĩnh nhất thì không thể kiên trì .

Chú Thích
1 Tổ Sư : Trong bản Bắc Kinh viết Lã Tổ chỉ Lã Ðồng Tân .

2. Huyền khiếu : Huyền chỉ Trời, tức Tự Nhiên. Huyền khiếu, đôi khi còn gọi là Diệu khiếu, tức là khiếu tiên thiên, phân biệt với thất khiếu hậu thiên như: tai, mắt, miệng, mũi v.v .. Những người tu luyện công phu thâm hậu, đạt tới giai đoạn cực tĩnh, Huyền khiếu tự nhiên xuất hiện. .

Lúc này Khí tiên thiên vào ra qua huyền khiếu. Huyền khiếu là then chốt tất cả các khiếu trong cơ thể, nó nằm ở chính giữa hai lông mày . Huyền khiếu khai mở cho hay giai đoạn tu luyện Tiên thuật Nội Ðan đã thành vậy.

3. Khí tiên thiên : Còn gọi là Thái Nhất. Trong Ðạo học, Thái Nhất là một tên khác của Ðạo. Vì thế mới nói : Khí tiên thiên là Bản thể, là gốc . 

4. Kim đan : Hay còn gọi là Kim Hoa, Ðan quang, Tính quang. Sau khi tụ tập tĩnh công tới cảnh giới nhất định thì Kim đan tự nhiên xuất hiện, người tu luyện đạt Ðạo, tâm thanh tịnh.

5. Ðông Hoa đế quân :Tức Vương Huyền Phủ, một Ðạo sĩ đời Ðông Tấn, thường được người đời mệnh danh là “Trung Nhạc Chân nhân”.

6. Hai Tông Nam Bắc : Hai Tông Nam Bắc hình thành vào đời Tống. 
Giáo chủ Nam tông là Trương Bá Ðoạn, thường gọi là Tử Dương Chân nhân , còn giáo chủ Bắc Tông là Vương Trùng Dương, thường gọi là Trùng Dương Chân nhân. 

Sự khác biệt giữa hai Tông này là : Nam Tông lấy cách thức tu luyện “trước tu mệnh, sau tu tính”, còn Bắc Tông thì ngược lại : “trước tu tính, sau tu mệnh”. Cả hai Tông đều tôn hai vị Tiên. Chung Ly Quyền và Lã Ðồng Tân làm tổ sư .

7. Nội tỉnh : Phương pháp tu dưỡng của Nho gia, soi xét xem hành vi của mình có chỗ nào không hợp Ðạo . Tăng Sâm nói : “Ngô nhật tam tỉnh ngộ thân” (Ta một ngày, soi lại mình ba lần) .

8. Nội thị : Còn gọi là nội quan, phương pháp tu dưỡng của Ðạo gia. Tập theo phương pháp này có thể tập trung nhìn dõi vào bên trong, ý nghĩ tới đâu thì khí tới đó, khí thông suốt khắp cơ thể, không có gì ngăn trở. 

9. Kinh bốn mươi hai chương : Bộ kinh Phật giáo được phiên dịch sớm nhất ở Trung Hoa. Vào khoảng năm Vĩnh Bình Minh Ðế đời Ðông Hán tức khoảng năm 58 – 75, bộ Kinh này do Kasyapamatanga, người Ấn Ðộ dịch lần đầu tiên sang tiếng Hán, rồi dùng ngựa trắng chở đến chùa Bạch Mã ở Lạc Dương.

10 Huyền châu.tức Huyền đan.chỉ cái thần của tâm

11 Sắc : Thuật ngữ Phật học, chỉ thế giới những hiện tượng nhìn thấy, hiện tượng vật chất. 

12. Không : Thuật ngữ phật học, chỉ pháp giới hư vô, cảnh giới chân không diệu hữu. Phật giáo cho thế giới hiện tượng do duyên sinh ra, sinh hủy trong thoáng chớp, giả mà không thật, vì vậy cho là không. 

13. Tâm kinh : Viết tắt của “Bát Nhã Ba La Mật Ða Tâm Kinh”, đôi khi còn gọi là “Bát Nhã tâm Kinh”, một bộ Kinh chủ yếu của Phật giáo, trình bày rõ quan niệm về “Không”, quan niệm về “Không phân biệt”, phương pháp tư duy phủ định hình thái , tư tưởng “Trung đạo” v.v… Kinh này do Huyền Trang vâng chiếu chỉ vua Ðường dịch từ tiếng Phạn ra tiếng Hán.

14. Ðan thư : Hay còn gọi là “Ðan kinh”, chỉ các Kinh sánh ghi chép về thuật luyện đan như Nội đan, Ngoại đan, Âm đan, Cửu đỉnh thần đan v.v… 

15. Tồn thành : Tập trung, một lòng một dạ, tin tưởng, không do dự, không phân tán. 

16. Tam quang : Chỉ Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao.

17. Tam quang hội tụ, vào ra : Trong các Ðan thư gọi là “Nhật Nguyệt hợp bích”.

18. Song quan : Chỉ đốt sóng thứ hai mươi bốn, kẹp giữa hai thận.

19. Cửa Huyền Tẫn : Thuật ngữ luyện nội công, chỉ một bí khiếu lớn nằm giữa hai thận. 

20. Tẩu hỏa Nhập ma : Thuật ngữ luyện nội công, gồm hai quá trình tách biệt là Tẩu hỏa và Nhập ma. 
Trong luyện nội công ta cũng phải dùng tới lửa. Lửa ở đây chính là ý, là Thần.

Nếu ý và Thần huy động quá mức, nội khí sẽ tán loạn, chệch khỏi quỹ đạo kinh mạch, nhẹ thì khó điều khiển, mà nặng thì không thể điều khiển nổi, mất tự chủ, hành động hỗn loạn, không kìm hãm được, tổn hại đến sức khỏe cả tâm thần lẫn thể chất , đó là Tẩu hỏa . 

Còn như trong lúc luyện nội công, ở giai đoạn “cực động” dẫn đưa tới “tĩnh”, tùy tâm trạng của mỗi người, có thể xuất hiện những ảo giác dị thường, ví như một cảnh đẹp mê hồn, một đàn mãnh thú hung dữ, một cảnh chém giết rùng rợn, một thế giới thần thánh, ma quỷ quái đản…

Ðó chính là phản ứng do nội khí kích động những tế bào thuộc hệ thống trí nhớ trong não bộ và xảy ra hiện tượng trong khoa học gọi là “sự tái hiện tiềm thức”. Lúc này, nếu người tập lại tin những ảo giác đó là thật, tâm trí sẽ rối loạn, hãi hùng, mất tự chủ có thể dẫn tới điên loạn, mất trí. Ðó chính là hiện tượng “Nhập ma”.

21. Kinh Lăng Nghiêm : Bộ kinh Phật giáo, gồm mười cuốn, do Pramiti, một cao tăng người Trung Ấn, dịch ra tiếng Hán tại Quảng Châu, vào đời Ðường, trình bày về bản chất của Tâm và Tính.

22. Pháp thân : Tiếng Phạn Dharnlakaya , chỉ thể tích thực tướng của chư pháp mà đức Phật đã chứng ngộ, ở đây chỉ “Phép quán Phật thân” của Phật giáo Ðại thừa.

23. Cung Càn : Chỉ Thượng Ðan Ðiền, ở vào huyệt Nê hoàn. Trong “Kinh dịch. Thuyết quái truyện” nói : “Càn là đầu”, lại nói “Càn là Trời vậy”. Ở đây “Càn” là tượng trưng cho Trời .

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x