Trang chủ » Tư tưởng Đạo Gia – Tu Dưỡng

Tư tưởng Đạo Gia – Tu Dưỡng

by Hậu Học Văn
354 views

TU LUYỆN  修 煉  – DƯỠNG THÂN  養 身

01. Tâm là chủ của thân, thống lãnh thần. Tĩnh thì sinh trí huệ, động thì sinh hôn ám. Người bắt đầu học đạo, cần buông xả tâm, lìa ngoại cảnh, thì mới nhập vào hư vô, tức là hợp với đạo. [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

02. Bàn về tâm, có thể lấy mắt làm thí dụ. Hễ một vật tế vi lọt vào mắt là ta cảm thấy rất khó chịu. Trâu và ngựa là gia súc. Hễ thả lỏng chúng, không chăn giữ, ắt chúng sẽ hung hãn lung tung, khó cỡi. Chim ưng, chim dao là loài hoang dã. Nếu cột trói chúng, lâu ngày ta sẽ khiến chúng thuần thục. Tâm ta cũng như thế thôi. [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

03. Bước đầu học đạo, cần phải ngồi yên, thu tâm, lìa ngoại cảnh, trụ vào chỗ không có, tâm không nghĩ đến một vật gì, như vậy tự nhiên sẽ nhập cõi hư vô, tâm sẽ hợp đạo. […] Những toan tính và tạp niệm là do vọng tâm sinh ra. Nếu thân như cây khô, lòng như tro lạnh, thì muôn bệnh ắt sẽ hết sạch. [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

04. Ai làm cho tâm thuần chính mới là bậc dũng sĩ. Vận dụng trí huệ để quan sát, đó là binh khí sắc bén. Lòng thanh tĩnh thường lạc, đó là vinh hoa phúc lộc. Nếu ta không dùng trí huệ để quan sát, khác gì gặp quân địch thì ném binh khí mà chạy trốn; kết cục thay vì tốt thì lại xấu. Cho nên, an định tức là cơ sở của sự đạt đạo, là sự thành công của việc luyện tập thanh tĩnh. Giữ được an định, việc gì cũng xong. [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

05. Người tu đạo để thành chân nhân, trước hết phải dứt bỏ các hành vi tà vạy, việc đời chớ bận lòng, phải ngồi ngay ngắn, quán xét nội tâm, hễ một ý niệm nào phát khởi thì diệt nó ngay. [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

06. Khống chế tâm nhưng đừng chấp trước, buông xả tâm nhưng đừng vọng động, đó là sự an định chân chính.

07. Khi nhập định mà mong cầu huệ, ắt sẽ làm hại định, định đó sẽ không phát sinh huệ. Khi nhập định mà chẳng mong cầu huệ, thì huệ sẽ phát sinh. [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

08. Trong thời kỳ tĩnh tọa cầu chân, mọi điều kỳ diệu sẽ cảm ứng mà hội tụ; ta nội quán hình ảnh chư thần trong thân thể thì khí của các thần sẽ trường tồn; hình thể ta sẽ dung hợp đạo đức, như vậy mọi thần linh sẽ quy phục ta; ta sẽ không bị tai hoạ nơi cõi âm ti, mà hưởng phúc lạc nơi nơi. [Tam Động Châu Nang, Tọa Vong Tinh Tư Phẩm]

09. Khống chế nẻo ra vào của hồn và phách, gọi là «nắm chặt» (ác cố), kỳ thực là giữ cho hồn phách yên chỗ cửa nẻo đó. Đó là cách làm cho hồn trở về để giữ chắc tinh khí, làm cho mắt sáng, và trường thọ. Nếu suốt ngày thi hành phép «nắm chặt» (ác cố) thì tà khí và trăm thứ độc hại không xâm nhập được ta. [Vân Cấp Thất Thiêm, Đạo Dẫn Án Ma]

10. Tồn tưởng là gì? Tồn là bảo tồn thần của ta, tưởng là tưởng nghĩ đến thân của ta. Làm sao đạt được điều đó? Nhắm mắt lại thì thấy được mục quang của mình, thu tâm lại thì thấy được tâm cảnh của mình. Tâm cảnh và mục quang đều không lìa thân, thì không làm hại thần, việc này dần dần sẽ đạt được. Kẻ phàm suốt ngày chỉ nhìn người khác, tâm họ ắt bôn tẩu ra ngoài; suốt ngày chỉ tiếp đãi sự vật bên ngoài, mắt họ cũng chỉ nhìn ra ngoài. Cái ánh sáng rực rỡ [của Đạo] chưa từng chiếu ngược vào trong thì làm sao mà họ tránh được bệnh tật và chết yểu? [Đạo Xu, Tọa Vong thiên thượng]

11. Phế trừ [sự liên hệ với] thân mình và tứ chi, truất bỏ thông minh, lìa hình thể vật chất, bỏ tri thức, để đồng nhất với đại đạo. Đó gọi là phép tọa vong. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

12. Muốn lập chân ngã cần phải vô ngã. Cái chân ngã của ta bị sự mông muội trần thế làm cho giả dối, bị ngoại vật làm cho tỳ vết, bị giả ngã làm cho chấp trước, tức là những thứ làm hại đạo vậy. Do đó, ta và vật phải quên hết để hợp thành một. Rồi phải tiêu diệt cái một ấy để nhập cảnh giới hư vô, bấy giờ sẽ hoát nhiên giác ngộ, trí huệ thông đạt, thân thể vô hình tướng, tâm không tư lự, tính của ta sẽ đạt đạo. Bám vào nó mà ngoại vật không đoạt được, giữ lấy nó mà thế lực bên ngoài không cướp được. [Đạo Xu, Huyền Trục thiên]

13. Hít thở dài sâu; nhả hơi cũ, hít vào hơi mới; đu treo mình lên như gấu; duỗi mình như chim để sống lâu. Đó chỉ là cách thức mà kẻ sĩ đạo dẫn và bọn luyện dưỡng thân thể ưa thích để được sống lâu như ông Bành Tổ. [Trang Tử, Khắc Ý]

14. Nói chung, hành khí là lấy mũi nạp khí vào, lấy miệng nhả khí ra. Việc này tiến hành nhẹ nhàng, gọi là hơi thở dài (trường tức). Nạp khí có một cách, còn nhả khí có 6 cách. Một cách nạp khí là hít hơi vào. Sáu cách nhả khí là: xuy, hô, hi, ha, hư, hứ; đều là cho hơi ra. Thở ra một, hít vô một y như cách thở xưa nay, nhưng thời gian phải lâu. Cách nhả khí thì: trời lạnh ta dùng xuy, trời ấm ta dùng hô. Khi bệnh, ta dùng xuy để khử nhiệt, dùng hô để khử gió, dùng hi để giải phiền, dùng ha để hạ khí, dùng hư để trừ mệt nhọc. [Vân Cấp Thất Thiêm, Phục Khí Liệu Bệnh]

15. Lục khí là [thở 6 chữ] hư, ha, hứ, xuy, hô, hi. Mỗi khí [trong 5 khí] thuộc một tạng, còn khí thứ 6 thì thuộc tam tiêu. Hứ thuộc phổi, phổi là chủ của mũi. Nếu lạnh nóng không điều hòa và quá lao nhọc thì hãy theo cách thở chữ hứ, cũng đồng trị mụn nhọt ghẻ lở ngoài da, nếu có bệnh này thì cứ theo bệnh trạng mà trị thì khỏi ngay. Ha thuộc tim, tim là chủ của lưỡi. Nếu miệng khô lưỡi nhám, khí không thông và nói chuyện có mùi hôi, thì lấy ha để trừ bệnh.

Nóng nhiều thì mở miệng lớn, nóng ít thì mở miệng nhỏ. […] Hô thuộc tỳ, tỳ là chủ của trung cung. Xuy thuộc thận, thận là chủ của tai. Nếu thắt lưng và bụng lạnh, Dương đạo suy, thì lấy cách thở chữ xuy để trị. Hi thuộc tam tiêu, tam tiêu không điều hòa,thì ấy cách thở chữ hi để trị. Khí tuy mỗi thứ có cách trị riêng nhưng ngũ tạng và tam tiêu bị lạnh nóng hay lao nhọc quá hay bị gió độc không điều hòa đều thuộc về tim. Tim có cách thở chủ yếu là ha. Ha chủ trị hết các bệnh tật, không nhất thiết phải thở hết 6 chữ. Hư thuộc gan, gan là chủ của mắt. Đỏ phù [thân thể] mờ mịt [tinh thần] v.v. đều lấy cách thở chữ hư để trị. [Vân Cấp Thất Thiêm]

16. Cái gọi là nhả hơi cũ nạp hơi mới chính là lấy cái khí bên ngoài để tăng trưởng cái khí bên trong. Nếu nguyên khí của ta mà suy, sinh mệnh ta khó mà kéo dài được. Dùng thảo dược là dùng chất bổ dưỡng từ cây cỏ rễ lá để bồi bổ máu huyết. Nếu máu huyết của ta suy kiệt thì cũng khó mà bồi bổ được. [Cát Hồng, Bão Phác Tử]

17. Trị gan thì thở ra theo hư, mắt trợn trừng. Trị phổi thì thở ra theo hứ, hai tay nâng lên cao. Trị tim thì thở ra theo ha, hai bàn tay đan các ngón đặt tên đỉnh đầu. Trị thận thì thở ra theo xuy, lòng bàn tay ôm đầu gối và hai đầu gối nằm ngang. Trị tỳ thì thở ra theo hô, mà ngậm miệng. Trừ nóng bên ngoài xâm nhập tam tiêu thì nằm thở ra theo hi để yên ổn.  [Lãnh Khiêm, Tu Linh Yếu Chỉ]

18. Hoặc co và duỗi, hoặc cúi và ngẩng, hoặc đi và nằm, hoặc dựa và đứng thẳng, hoặc đi đứng dùng dằng, hoặc đi từ từ, hoặc ngâm nga và lặng thinh, tất cả đều là phép đạo dẫn. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Biệt Chỉ]

19. Phép đạo dẫn rất có ích cho ta sống lâu. Nó và phép điều khí bổ túc nhau, khiến cho huyết mạch thông suốt, trừ được trăm thứ bệnh. [Vân Cấp Thất Thiêm, Đạo Dẫn Tạp Thuyết]

20. Sở dĩ con người chết là do các dục vọng làm hại, do lão hoá, do trăm bệnh làm hại, do trúng chất độc, do tà khí làm hại, do gió lạnh xâm nhập. Ngày nay người ta luyện đạo dẫn hành khí, hoàn tinh bổ não, ẩm thực điều độ, làm việc và nghỉ ngơi chừng mực, dùng thuốc bổ dưỡng, tồn thần thủ nhất, giữ gìn giới cấm, mang đeo phù ấn, xa lánh bọn xấu làm hại sinh mệnh ta, nếu thông suốt được các điều ấy thì mới tránh được sáu nguyên do gây hại đã nói trên. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Chí Lý]

21. Phục dược (dùng thuốc) tuy là cơ sở của thuật trường sinh, nhưng nếu có thể cùng luyện thêm hành khí, thì ích lợi của nó càng thêm nhanh chóng. Nếu không kiếm được thuốc mà chỉ luyện hành khí thôi, nhưng ta luyện hành khí đúng theo lý thuyết, thì cũng có thể sống vài trăm tuổi. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Chí Lý]

22. Lúc ta mới học hành khí, hít khí bằng mũi rồi bế khí. Im lặng đếm 120 nhịp tim đập thì nhả nó ra chút ít bằng miệng. Khi hít thở, chớ để tai nghe thấy âm thanh của hơi thở mình ra vào. Thường phải luôn hít vào nhiều, thở ra ít. Lấy chiếc lông hồng đặt trước mũi và miệng, hơi thở ra không làm nó động đậy. Luyện tập dần, rồi tăng thời gian bế khí lâu đến một ngàn nhịp tim. Một khi bế khí đạt được một ngàn nhịp tim, thì ta cải lão hoàn đồng từng ngày một.  [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Thích Trệ]

23. Ta phải hành khí vào mỗi giờ khi khí sống, đừng hành khí khi khí chết. Cho nên mới nói tiên nhân phục lục khí. Trọn mỗi ngày lẫn đêm có 12 giờ [đôi]. 6 giờ từ nửa đêm đến giữa trưa là lúc khí sống; từ giữa trưa đến nửa đêm là lúc khí chết. Khi khí chết, hành khí vô ích. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Thích Trệ]

24. Người ta cũng phải biết thuật phòng trung để đạt được số năm sống lâu thêm đó. Nếu không biết thuật âm dương nam nữ, mà cứ lũ lượt làm hao tổn tinh khí, tất sẽ khó có đủ sức lực để vận hành khí. Người ở trong khí, khí ở trong người. Từ trời đất cho đến vạn vật, chẳng có thứ nào không có khí mà sống cả. Kẻ giỏi hành khí, bên trong là dưỡng thân, bên ngoài là trừ khử tà ác tấn công mình. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Chí Lý]

25. Khi hành khí phải đóng cửa để người khác không thấy, mắt nhắm, nằm im, gối cao 3 thốn, không nghe, không thấy, không nghĩ ngợi, không xúc động vui giận lo buồn, bế khí (nín hơi) và đếm hơi thở. Ban đầu bế khí lâu 3 nhịp tim, rồi tới 5, tới 9, v.v… Bế khí lâu tới 1000 nhịp tim là gần thành tiên. [Vân Cấp Thất Thiêm, quyển 33]

26. Sách Phục Khí Kinh nói: «Đạo là khí, bảo tồn được khí là đắc đạo, đắc đạo thì trường tồn.» [Vân Cấp Thất Thiêm, quyển 32]

27. Nói chung, muốn thông qua hành khí để trừ bách bệnh, thì phải dùng ý niệm mà nghĩ đến chỗ bị bệnh. Đau ở đầu thì nghĩ đến đầu, đau ở chân thì nghĩ đến chân. Rồi vận khí tấn công chỗ đó. Trị liệu như vậy một thời gian thì bệnh sẽ hết. [Vân Cấp Thất Thiêm, Phục Khí Liệu Bệnh]

28. Muốn thành thần tiên, chỉ cần có bí quyết luyện tập cơ bản nhất, đó là phải trân quý tinh khí, hành khí, và dùng đại dược (kim đan). Vậy là đủ, không cần dùng nhiều. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Thích Trệ]

29. Hành khí giúp ta trị được bách bệnh, không cần trốn tránh ôn dịch, làm mê được hổ và rắn độc, cầm được vết thương không chảy máu, có thể ở trong nước và đi trên mặt nước, không bị đói khát, và kéo dài tuổi thọ. Nhưng điều quan trọng nhất của hành khí chỉ là thực hiện được thai tức. Ai đạt được thai tức, nghĩa là không dùng mũi và miệng mà vẫn thở được giống như bào thai trong tử cung, thì sẽ đắc đạo. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Thích Trệ]

30. Chỗ đáng sợ của con người là chuyện chăn gối và ẩm thực vô độ mà không biết răn mình, thực là lầm lỗi vậy. [Trang Tử, Đạt Sinh]

31. Tĩnh tâm có thể điều dưỡng bệnh tật, xoa đuôi mắt để phòng ngừa lão suy, trấn tĩnh để chận đứng sự bồn chồn sợ hãi. [Trang Tử, Ngoại Vật]

32. Không thể ngồi trong căn nhà hư nát; không thể đứng cạnh tường vách nghiêng xiêu.  [Hoài Nam Tử, Thuyết Sơn Huấn]

TU KỶ  修 己 – ĐÃI NHÂN  待 人

33. Nhón chân lên, không đứng được. Xoạc chân ra không đi được. Tự coi là sáng nên không sáng. Tự xem là phải nên không hiển dương. Tự kể công nên không có công. Tự khoe mình nên không trường tồn. Về phương diện Đạo mà nói, đó là các thứ thừa thải. Có người ghét chúng. Nên người có Đạo không màng. [Đạo Đức Kinh, chương 24]

34. Biết người là trí. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có vũ lực; tự thắng mình là mạnh. Biết đủ thì giàu; Kiên trì là có ý chí. Không đánh mất điểm tựa sẽ vững bền. Chết mà không mất là trường thọ. [Đạo Đức Kinh, chương 33]

35.Theo đuổi việc học thì ngày một biết thêm; đi theo Đạo thì ngày một bớt đi [nhân dục]. Bớt rồi lại bớt cho đến mức [điềm đạm] vô vi. Vô vi nhưng không có gì là không được làm. [Đạo Đức Kinh, chương 48]

 36. Hãy hoạt động vô vi; hãy theo sự việc không lăng xăng; hãy thưởng thức thứ vô vị; hãy làm cái bé thành lớn và cái ít thành nhiều; hãy lấy ân đức mà báo oán; hãy ấn định các kế hoạch cho sự hoàn thành của việc khó trước khi nó trở nên khó; hãy làm việc lớn từ lúc nó còn nhỏ. Các việc khó khăn trong thiên hạ, đều bắt đầu từ việc dễ. Các việc lớn trong thiên hạ, đều bắt đầu từ việc nhỏ. Cho nên, thánh nhân vì chưa hề cố gắng tỏ ra vĩ đại mà trở thành vĩ đại. Những kẻ hứa bừa bãi, sẽ khó giữ được lời. Coi cái gì cũng dễ, sẽ gặp nhiều cái khó. Do đó, thánh nhân thậm chí xem gì cũng là khó. Vì lẽ ấy mà cuối cùng không gặp khó. [Đạo Đức Kinh, chương 63]

37. Biết mà làm như không biết, thế là hay. Không biết mà làm như biết, thế là dở. Hễ biết cái điều dở ấy là dở tức là không dở. Thánh nhân không dở vì biết điều dở là dở, do đó mà không dở. [Đạo Đức Kinh, chương 71]

38. Gương sáng là do bụi không bám. Hễ bụi bám thì gương không sáng nữa. Thân cận với người hiền lâu ngày thì ta sẽ không còn lỗi lầm gì.  [Trang Tử, Đức Sung Phù]

39. Vô vi làm chủ danh tiếng, chứa mưu lược, tuỳ thuận công việc, và làm chủ trí tuệ. Sự thể hiện của vô vi thì vô cùng nhưng không để lại dấu vết. Người vô vi hoàn thành thiên mệnh với tâm hư vô. Bậc chí nhân dụng tâm như chiếc gương soi, chẳng mong chờ cũng chẳng nghinh đón ai hay vật gì. Phản chiếu người hay vật trước nó, nhưng nó không lưu giữ các hình ảnh đó. Vì thế ngài siêu vượt trên mọi sự vật và không gây hại cho ai.  [Trang Tử, Ứng Đế Vương]

40. Bậc đại nhân dù không có hành vi hại người nhưng cũng không khoe nhân và ân; hoạt động dù không vụ lợi nhưng cũng không xem bọn gia nô là hạ tiện; dù không tranh giành hoá tài nhưng cũng không từ nhượng; dù không nhờ người giúp để xong việc nhưng cũng không khoe sự nỗ lực của bản thân và cũng không khinh miệt bọn tham ô; dù đức hạnh khác tục nhưng cũng không khoe mình khác đời; dù lẫn trong đám đông nhưng cũng không khinh miệt bọn dua nịnh. Tước lộc thế gian không làm ông xiêu lòng; hình phạt và sỉ nhục của đời không làm nhục được ông. Ông biết rằng điều đúng với điều sai không phân biệt được; điều tế vi với điều vĩ đại không có tiêu chuẩn gì. Nghe nói rằng: bậc có đạo thì vô danh, bậc chí đức thì bất đắc, bậc đại nhân thì vô kỷ. [Trang Tử, Thu Thủy]

41. Chí lễ thì không kính trọng riêng ai; chí nghĩa thì không phân biệt sự vật; chí trí thì không mưu tính gì; chí nhân thì không tỏ ra thân thiết; chí tín thì không dùng kim tiền thế chấp. Triệt bỏ sự xung động của chí, giải trừ sự sai lầm của tâm, khử bỏ sự hệ lụy của đức, làm thông sự bế tắc của đạo. 6 thứ làm xung động chí là: quý (quý), phú (giàu), hiển (phân biệt rõ), nghiêm (trang nghiêm), danh (danh tiếng), lợi (lợi nhuận). 6 thứ làm tâm sai lầm là: dung (dung mạo), động (động thái), sắc (háo sắc), lý (luận lý), khí (khí), ý (ý). 6 thứ làm lụy đức là: ố (ghét), dục (muốn), hỉ (mừng), nộ (giận), ai (bi ai), lạc (vui sướng). 6 thứ làm bế tắc đạo là: khứ (từ khước), tựu (chấp nhận), thủ (nhận lãnh), dữ (tặng cho), tri (tri kiến), năng (năng lực). Bốn nhóm sáu này nếu không náo động ta thì tâm ta sẽ chính, chính thì tĩnh, tĩnh thì sáng, sáng thì hư không, hư không thì vô vi. Vô vi nhưng không gì mà không được làm. [Trang Tử, Canh Tang Sở]

42. Gặp việc rắc rối nan giải mà phán đoán được, nắm phép tắc mà không có lòng riêng tư, thế là người tài cán.  [Cát Hồng, Bão Phác Tử, Phẩm Hạnh]

43. Không đạm bạc thì không thể làm sáng đức, không ninh tĩnh thì không thể tiến xa, không quảng đại thì không thể rải khắp ân trạch, không hiền từ đôn hậu thì không thể an ủi vỗ về chúng dân, không công bình chính trực thì không thể quyết đoán. [Hoài Nam Tử, Chủ Thuật Huấn]

44. Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không sống cho mình, vì thế nên trường tồn. Cho nên thánh nhân để thân ở sau [thiên hạ] mà thân ở phía trước [họ]; để thân ra ngoài [phép tắc] mà thân còn. Phải chăng vì vô tư, nên vẫn thành tựu được cái riêng tư? [Đạo Đức Kinh, chương 7]

45. Thánh nhân không tích trữ. Càng vì người, mình càng có. Càng cho người mình càng thêm nhiều. [Đạo đức Kinh, chương 81]

46. Có hai chiếc thuyền cùng đi qua sông, một chiếc là thuyền không người và va vào chiếc kia. Người chủ thuyền kia dù hẹp hòi mấy cũng không nổi giận. Nhưng nếu thuyền nọ có một người, thì chủ thuyền kia sẽ la lên để thuyền nọ dạt ra. Nếu la một tiếng mà người nọ không nghe, thì chủ thuyền la thêm lần nữa, và tiếng la lần thứ ba ắt toàn là lời thoá mạ. Lần trước không giận mà lần này lại giận là vì lần trước thuyền không, lần này thuyền có người. Ai có thể lấy hư tâm mà trải đời, thì không ai hại mình được.  [Trang Tử, Sơn Mộc]

47. Vì lợi mà hội tụ, đến khi nghèo túng, hoạn nạn, tai họa, thì sẽ bỏ nhau. Vì thiên tính mà hội tụ, đến khi nghèo túng, hoạn nạn, tai họa, thì sẽ giúp nhau. Giữa đoạn tuyệt và tương trợ khác biệt rất lớn. Sự giao du của người quân tử thì nhạt như nước lã; sự giao du của kẻ tiểu nhân thì ngọt nồng [vồ vập] như rượu ngọt mới cất. Nhưng cái nhạt của người quân tử sẽ dẫn đến thân tình, còn cái ngọt nồng vồ vập của kẻ tiểu nhân sẽ dẫn đến tuyệt giao. Hội tụ vô cớ thì sẽ ly tan vô cớ. [Trang Tử, Sơn Mộc]

48. Thánh nhân đã tiêu dao, nên thấy trí huệ là nghiệt căn, giao ước với người là ràng buộc, đức là thuật giao tiếp, kỹ năng là hàng hoá đổi chác. Thánh nhân chẳng toan tính gì nên đâu cần trí; chẳng trau chuốt gì nên đâu cần gò bó; chẳng mất nên đâu cần được; chẳng có hàng hoá nên đâu cần mua bán. Bốn điều đó là do trời nuôi (phú bẩm). Trời nuôi tức là lương thực trời cho. Đã được trời phú bẩm, còn thiết gì đến người nữa? Thánh nhân tuy có hình thể như thế nhân, nhưng tâm tình khác thế nhân. Vì có hình thể như thế nhân nên phải chung đụng với họ. Vì tâm tình khác thế nhân, nên không màng chuyện thị phi ở đời. Thánh nhân nhỏ bé vì chung đụng với người nhưng vĩ đại vì đồng thể với trời. [Trang Tử, Đức Sung Phù]

49. Chia sẻ đức cho kẻ khác là bậc thánh; chia sẻ tài sản cho người khác là bậc hiền. Lấy cái hiền mà hạ cố xuống kẻ khác thì không được lòng người. Lấy cái hiền mà khiêm hạ trước người khác thì sẽ luôn được lòng người. [Trang Tử, Từ Vô Quỷ]

50. Hễ thấu suốt tận tường sự vật thì chúng quy về ta. Hễ cách trở với sự vật và bản thân ta không dung thứ chúng, thì làm sao ta dung thứ được người? Không thể dung thứ được người thì không ai thân cận. Không ai thân cận là ta bị họ từ tuyệt. Chẳng có binh khí thứ nào tàn khốc bằng ý chí; so với ý chí thì bảo kiếm Mạc Da chỉ là thuộc hạng chót. Chẳng có kẻ trộm cắp nào lớn bằng âm dương; trong cõi trời đất chẳng có nơi nào cho ta chạy thoát khỏi chúng. Chẳng phải âm dương trộm cắp, mà chính tâm ta sai chúng trộm cắp.  [Trang Tử, Canh Tang Sở]

51. Lòng người nói chung là sâu hiểm hơn sông núi, khó biết hơn trời, vì trời còn có hạn kỳ: xuân, hạ, thu, đông, sớm mai, chiều tối, nhưng người thì bề ngoài kín đáo mà tình cảm sâu thẳm khó dò. Thế nên có nhiều kẻ bề ngoài đôn hậu mà ngầm kiêu căng tự mãn; bề ngoài giỏi giang nhưng bản chất bất tài; bề ngoài thận trọng cố chấp mà thấu tình đạt lý; bề ngoài kiên cường nhưng bản chất nhu nhược; bề ngoài hoà hoãn nhưng bản chất hung hãn. Do đó, nhiều kẻ truy cầu điều nghĩa như khát khao mà rồi vất nó như bị bỏng.

Cho nên bậc quân tử sai khiến họ đi xa để xem họ có trung thành không; giao việc ở gần để xem họ có kính cẩn không; bắt họ nhọc nhằn để xem họ có năng lực không; chất vấn họ bất ngờ để xem họ có thông minh không; cho họ một kỳ hạn gấp rút để xem họ có giữ tín không; giao phó tiền bạc cho họ để xem họ có đức nhân không; báo trước nguy cơ cận kề để xem họ có giữ tiết tháo không; chuốc rượu cho say để xem họ có giữ được phép tắc không; cho họ chung chạ nam nữ để xem họ có háo sắc không. Thử thách 9 điều đó mới có thể xác định được kẻ nào bất tài vô hạnh. [Trang Tử, Liệt Ngự Khấu]

52. Quân tử không đòi hỏi khe khắt nơi người khác và không để bản thân bị ngoại vật ràng buộc. [Trang Tử, Thiên Hạ]

53. Bản thân ta tỏ ra lễ độ và lấy đó để xét kẻ khác. Ai yêu ta, ta yêu họ. Ai ghét ta, ta ghét họ. [Liệt Tử, Thuyết Phù]

54. Khuyên can người khác, mình bị vạ lây. [Hoài Nam Tử, Thuyết Lâm]

55. Nói chung, hễ giàu nên phát chẩn cho người nghèo; hễ sang nên thương xót kẻ hạ tiện. [Lão Tử, Hà Thương Công chú chương 9]

56. Không bới móc lỗi lầm của người mà chỉ tuyên dương điều hay tốt của họ. Đó là điều mà người quân tử coi trọng.  [Tây Thăng Kinh, Đạo Sinh]

57. Tự nguyện nhận lãnh cái cũ nát mỏng manh và đứng sau kẻ khác; như thế thì ai ai cũng kính trọng mình. [Lão Tử, Hà Thượng Công chú chương 22]

KHIÊM CẨN  謙 謹 – BẤT TRANH  不 爭

58. Không phô trương, nên sáng; không tự cho mình đúng, nên hiển dương ở đời; không kể công, nên có công; không kiêu căng, nên [không bị ai hại, nhờ đó mà] trường tồn. Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình.  [Đạo Đức Kinh, chương  22]

59. Thánh nhân tự biết mình mà không tự phô trương, yêu mình mà không xem mình là tôn quý.  [Đạo Đức Kinh, chương 72]

60. Biết lúc phải dừng mới không gặp nguy hại. [Đạo Đức Kinh, chương 32]

61. Công trạng đã hoàn thành nhưng không ở lại an hưởng. Vì không ở lại an hưởng nên không bị vong thân. [Đạo Đức Kinh, chương 2]

62. Cái khiếm khuyết sẽ được toàn vẹn. Cái cong sẽ được ngay. Cái trũng sẽ được làm đầy. Cái cũ nát sẽ được làm mới. Ít sẽ được nhiều. Nhiều sẽ u mê. [Đạo Đức Kinh, chương 22]

63. Giữ và đổ đầy mãi, không bằng dừng lại. Mài cho nhọn sắc, không giữ được lâu. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự chuốc họa. Công đã thành, danh đã toại, thì hãy rút lui; đó là đạo Trời. [Đạo Đức Kinh, chương 9]

64. Biển Đông có loài chim tên là ý đãi. Loài chim này bay chậm và thấp, tựa như bay dở. Khi bay thì theo bầy để tiếp kéo nhau. Khi đậu thì đâu sát bên nhau. Khi tiến tới nó không dám xông ra trước; khi thoái lui nó không dám lùi ra sau. Khi ăn thì không dám ăn trước con khác, chỉ ăn đồ thừa của chúng. Cho nên trong bầy đoàn nó không bị xua đuổi, và cuối cùng người ngoài cũng không hại được nó, do đó mà tránh được tai họa.  [Trang Tử, Sơn Mộc]

65. Trời đất có những điều rất tốt đẹp nhưng trời đất chẳng nói gì. Bốn mùa có phép tắc rõ ràng nhưng chúng đâu nghị luận gì. Vạn vật có lý do cấu thành nhưng chúng đâu thuyết giảng gì. Thánh nhân trở về cái đẹp của trời đất và thông đạt lý lẽ của vạn vật. Cho nên bậch chí nhân thì vô vi, bậc đại thánh thì không làm. Họ quan sát toàn cõi trời đất. [Trang Tử, Tri Bắc Du]

66. Công khai làm ác sẽ bị người đời trừng phạt; lén lút làm ác sẽ bị quỷ thần trừng phạt. Ai hiểu sự liên quan giữa mình với cả con người lẫn quỷ thần thì dù ở một mình cũng không làm điều ác. [Trang Tử, Canh Tang Sở]

67. Sự trọn lành giống như nước. Nước khéo làm lợi vạn vật mà không tranh với ai, ở chỗ chẳng ai ưa, nên gần Đạo. Ở thì lựa nơi chốn; tâm hồn thì thâm trầm sâu sắc; giao tiếp với người thì nhân ái; nói năng thì thành tín; lâm chính thì cai trị an bình; làm việc thì có năng lực; hoạt động thì hợp thời. Chính vì không tranh, nên không lỗi lầm. [Đạo Đức Kinh, chương 8]

68. Sông biển sở dĩ làm vua trăm thung lũng chính vì khéo ở chỗ thấp, vì thế nên làm vua trăm thung lũng. Do đó, muốn ngồi trên dân, ắt phải lấy lời mà hạ mình; muốn đứng trước dân, ắt phải để thân mình ra sau. Cho nên, thánh nhân ở trên dân mà dân không thấy nặng, ở trước dân mà dân không thấy hại. Cho nên thiên hạ hân hoan ủng hộ ngài mà không chán. Vì không tranh với ai, nên không ai tranh với mình.  [Đạo Đức Kinh, chương 66]

69. Tướng giỏi không dùng vũ lực. Người chiến đấu giỏi không giận dữ. Người thắng giỏi không giao tranh với địch.  Khéo dùng người là hạ mình dưới họ. Đó là cái đức của không tranh. Đó là dùng sức người. Đó là phối hợp với Trời, vốn là điều rất quan trọng của người xưa. [Đạo Đức Kinh, chương 68]

70. Dụng binh có câu: «Làm khách chớ không làm chủ. Lui một thước chớ không dám tiến một tấc.» Cho nên thánh nhân đi mà chẳng đi, xắn tay áo mà không dùng tay, bắt địch mà không đối địch, cầm binh khí mà không có binh khí. Không tai họa nào cho bằng khinh địch, khinh địch là gần mất mạng. Cho nên khi hai phe giao chiến, ai thương xót binh sĩ thì sẽ thắng.  [Đạo Đức Kinh, chương 69]

71. Đạo Trời không tranh mà vẫn giỏi khuất phục thiên hạ. [Đạo Đức Kinh, chương 81]

72. Mọi người đều trọng thế lực, không trọng đức, nên luôn mong cầu vượt hơn người khác. Cho nên họ đều muốn giữ phần trên trước. Thánh nhân không dám ở trên trước thiên hạ, nên mới nói là để thân ra sau. Vì thế mà một mình ở phía sau. Một mình ở phía sau tức là biết trắng nên giữ lấy đen, biết vinh nên giữ lấy nhục; xem vinh nhục chỉ là một, không lấy cái sở thích của mình để làm hệ lụy tâm; đó gọi là nhận lấy sự sỉ nhục của thiên hạ. Nếu đúng vậy, tức là bên ngoài thể hiện sự nhu thuận, mềm yếu, khiêm hạ; xem sự trống rỗng và không hủy hoại vạn vật là điều thực tế; sống ở chỗ không tranh chấp; tích chứa cái nhỏ nhặt và không hơn người để làm cái thắng lớn. Thường sống ở chỗ không tranh chấp, nên không ai tranh với ngài! [Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa, chương 22]

73. Tranh chấp là nghịch với đức. Người trí thì lấy điềm đạm và hoà ái mà tu dưỡng nhau; tình lý của họ phát xuất từ thiên tính, việc gì mà phải tranh chấp? Phóng túng đức mà tranh danh thì kẻ khác cũng lấy danh mà thắng ta; dùng trí mà tranh chấp thì kẻ khác cũng lấy trí để tranh với ta. Chỉ có người tài cán toàn diện và không phóng túng đức mới yên tâm trong cõi thái hòa của đức, xem vạn vật như một, không quan tâm sự mất mát của chúng, như thế sẽ không khổ lụy vì tranh danh. Tài cán toàn diện là gì? Tức là không làm rối loạn sự an tĩnh nội tâm và cùng thư thái với vạn vật. Không phóng túng đức là gì? Tức là đừng đánh mất chân tính và hãy giữ cho đức vẫn nguyên vẹn như ban sơ. Tự mình ở vị thế không tranh chấp, không hề đứng trên trước ai, mà tuỳ theo họ. Đối với sự bình hoà của người khác nếu thấy xúc động thì cũng không nói ra. Người như thế nhất định là tài cán toàn diện và không phúng túng đức. [Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa, chương 68]

74. Người nhân ái sẽ không có đối thủ, tuy không tranh với ai mà không ai có cách nào thắng được. Thơ xưa chép: «Bấy giờ không tranh chấp; chỉ khi ta không tranh chấp thì người khác cũng không tranh với ta.»  [Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa, chương 69]

75. Thuận theo mà không nghịch lại, tức là hành động giống như nước; đáp ứng mà không ẩn tàng, tức là tĩnh lặng như gương soi; phụ họa mà không ca hát, tức là sự phản ứng như tiếng dội. Tuy hành động, nhưng hành động phát xuất từ vô vi, chỉ là thể hiện thiên đạo thôi, nào có tương tranh với ai? Cái đức đó đồng nhất với đạo. [Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa, chương  81]

76. Đạo trời làm lợi vạn vật chứ không gây hại; đạo người là hành động nhưng không tranh. Cho nên hễ cạnh tranh với thời gian thì tốt, còn cạnh tranh với người thì bị vong mạng. Do đó, kẻ tuy có vũ khí cũng không đem ra uy hiếp ai, là do không ai tranh với hắn. [Vân Cấp Thất Thiêm, Thất Bộ Danh Số Yếu Ký]

77. Làm là đầu mối của tranh chấp, có làm (hữu vi) ắt sẽ có tranh chấp. Đạo thánh nhân tuy có làm nhưng không tranh chấp; lấy cái ‘không làm’ để làm, nên không tranh ai. [Đạo Tạng, Đạo Đức Kinh chú]

78. Nói chung, thiên hạ xem sự bất tranh là không tốt; xem sự bất dục là sỉ nhục. Ai nhận được cái mà thiên hạ không ham thì sẽ có đầy đủ; ai có được cái mà thiên hạ không tranh giành thì sẽ yên ổn.  [Vân Cấp Thất Thiêm, Thất Bộ Danh Số Yếu Ký]

QUẢ DỤC  寡 欲 – NHU NHƯỢC  柔 弱

79. Không tội nào lớn bằng có dục vọng; không họa nào lớn bằng không biết đủ; không hại nào lớn bằng mong có. Cho nên biết mình có đủ, thì luôn đủ. [Đạo Đức Kinh, chương 46]

80. Hãy thể hiện sự trinh nguyên và ôm giữ sự chất phác; hãy bớt sự tư lợi và giảm ham muốn; hãy dứt tuyệt học vấn và chớ lo âu.  [Đạo Đức Kinh, chương 19]

81. Do cầu danh mà người ta chèn ép nhau; mưu trí trở thành vũ khí để tương tranh; danh và mưu trí đều là khí cụ không tốt vì làm hại phẩm hạnh. [Trang Tử, Nhân Gian Thế]

82. Ai thị dục sâu đậm thì bản chất tự nhiên của hắn nông nổi. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

83. Thị dục càng tràn đầy, yêu ghét càng gia tăng, thì tính mệnh sẽ lâm nguy. [Trang Tử, Từ Vô Quỷ]

84. Dục vọng nhiều làm hại nghĩa, âu lo nhiều làm hại trí, sợ hãi nhiều làm hại dũng khí. [Hoài Nam Tử, Mậu Xưng Huấn]

85. Căn bản của sự xem xét sự vật là ở việc hạn chế dục vọng. [Hoài Nam Tử, Thuyên Ngôn Huấn]

86. Gương sáng, bụi bặm không làm dơ bẩn được; thần thanh trong, thị dục không làm cho rối loạn được. [Hoài Nam Tử, Xúc Chân Huấn]

87. Mắt thấy điều quấy ắt dâm, tai nghe điều quấy ắt nghi hoặc, miệng nói điều quấy ắt loạn. [Hoài Nam Tử, Chủ Thuật Huấn]

88. Mặt trời và mặt trăng muốn sáng nhưng bị mây che khuất; sông ngòi muốn trong vắt nhưng bị cát đá làm ô uế; nhân tính muốn an bình nhưng bị thị dục làm hại. [Hoài Nam Tử, Tề Tục Huấn]

89. Giảm bớt tư lự thì sẽ không bị lỗi lầm và nghi hoặc mà chấp trước ngoại vật; giảm bớt dục vọng thì sẽ không phóng túng và trộm cắp để bị vong mạng; hai thứ đó (tức tư lự và dục vọng) nếu không trừ khử, thì cái gốc của sự rối loạn chân tính làm sao hết?  [Đạo Tạng, Đạo Đức Chân Kinh giải]

90. Mưu cầu cho mình vì tư lợi; nhưng dưỡng tâm thì không gì tốt bằng bớt dục vọng. Giảm suy tư và bớt dục vọng tức là xác định sự phân cách giữa nội tâm với ngoại giới, là phân biệt được chỗ quay về của thật với giả; đức sẽ toàn vẹn và phục hồi. Che đậy bản ngã tức là đánh mất sự đại đồng, tức là mưu cầu cho mình vì tư lợi. Bị cái lợi và dục vọng lôi kéo thì làm rối loạn sự thanh tĩnh, nên dưỡng tâm không gì tốt bằng bớt dục vọng. Hễ tư lợi thì ham muốn, đều là hướng ra ngoại giới chứ không phải là nhìn vào bên trong; đều là cái giả dối và bẩn đục của con người chứ không phải là sự chân thật của thiên tính. Chỉ có thiểu tư quả dục mới xác định sự phân cách giữa nội tâm với ngoại giới, và biết nặng với nhẹ; chỉ có phân biệt được chỗ quay về của thật với giả, và hiểu rõ gốc với ngọn. Không dời chuyển đức của mình thì đức toàn vẹn; không sử dụng quá mức thiên tính của mình thì thiên tính phục hồi. [Đạo Tạng, Đạo Đức Chân Kinh giải]

91. Mọi người chỉ thấy vật chất chứ không thấy đạo, nên cái thấy đó có dục vọng; thánh nhân chỉ thấy đạo chứ không thấy vật chất, nên cái thấy đó vô dục. Cái thấy mà vô dục thì tri kiến vượt trội cái được thấy, do đó linh đài (tâm linh) được gìn giữ và các sự nhiễu loạn bị tiêu trừ. Cái thấy mà có dục vọng thì cái được thấy vượt trội tri kiến, nên người ta chỉ truy đuổi ngoại vật mà quên mất đường trở về, đánh mất cái chân thực mà ham mê cái giả dối. Mắt người vụ sắc đẹp, tai người vụ âm thanh, miệng người vụ vị ngon, mũi người vụ mùi thơm, đó là ham muốn. Người tầm thường và mê lầm thì không biết rằng 5 sắc loạn mắt, 5 thanh loạn tai, 5 vị làm dơ miệng, 5 mùi làm ngạt mũi; nên họ bất chấp tính mệnh mà trành giành các thứ đó, lừa dối nhau, không chỗ nào không tới.

Kẻ lụy vì lợi dày sẽ đem thân chết vì lợi; kẻ lụy vì danh cao sẽ đem thân chết vì danh; giống như Bá Di và Đạo Chích – người chết vì danh, kẻ chết vì lợi – tức đều là vì danh và lợi mà nảy sinh dục vọng. Danh lợi như cái nóng sinh ra lửa, được chúng thì vui; danh lợi như cái lạnh làm đóng băng, mất chúng thì lo buồn; họ không thể làm chủ được tâm, đến nỗi rối tâm loạn trí, kiêu căng phóng túng, không kiềm chế được; giống như lấy viên ngọc châu cực quý làm đạn bắn con chim sẻ bay cao mấy ngàn thước. Đó chẳng phải là sai lầm sao!

Thánh nhân thì khác. Ngài không vụ lợi, không tránh hại, biết lợi và hại cùng nguồn gốc; không lấy sự thông đạt làm vinh, không lấy sự khốn cùng làm nhục, xem khốn cùng và thông đạt như nhau. Ngài không khởi tâm vì dục vọng và tư lự, một tí xíu cũng không bị rối loạn; nội tâm luôn thanh tĩnh sáng láng, không dao động vì ngoại vật; cảm ứng mà thông đạt. Tâm ngài an định và đáp ứng được, tĩnh mà không có chỗ trở ngại, không kết dính vào tĩnh; động mà không có chỗ truy đuổi, không trôi theo động. Vạn vật trước mắt thánh nhân dù biến hoá muôn phương cũng không thể xâm nhập vào nội tâm (linh đài) của ngài, như vậy chẳng có gì nhiễu loạn ngài được. [Đạo Tạng, Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa]

92. Cái từ trong tâm manh động phát ra thì gọi là tạo nghiệp, cái chi phối sự tạo nghiệp gọi là thiện ác. Cho nên phóng túng dục vọng là ác, đình chỉ tham lam là thiện. Điều thiện là ích lợi cứu giúp người đời và siêu thoát thế tục. Điều ác là tạo tác bại hoại đức hạnh và tiêm nhiễm cái xấu. Cho nên thánh nhân hiểu rõ một thứ tuy vô hình nhưng công dụng rất lớn, đó là tâm; và cũng hiểu rõ một thứ hữu hình nhưng không tự vận động được, đó là thân. Tất nhiên nếu tâm không gởi vào thân thì không thể hiện mọi công dụng; và thân nếu không nương nhờ tâm thì sẽ diệt vong, không khởi động được. Cho nên tâm và thân tuy thể khác nhau nhưng lý thì phù hợp, có thể tận dụng mọi điều tốt để hướng đến một mục tiêu.

Do đó ngoài và trong hỗ tương tác dụng, động và tĩnh cùng phối hợp nhau. Thân không thể độc lập tồn tại, mà nó do tâm sai khiến. Tâm không an tĩnh là do dục vọng gây ra. Sức chịu đựng của thân thì vô hạn mà hành vi tạo tác thì không ngưng. Cho nên tâm là căn bản của phàm và thánh. Thân là chỗ hội tụ của khổ và sướng. Thánh nhân hiểu hoạ hoạn do tâm mà phát sinh, lỗi lầm là do bản thân tạo tác. Do đó thanh trừng tâm thì trừ được họa hoạn; làm thuần khiết ý chí thì hết lỗi lầm. Bọn người tầm thường thì không thế; họ phóng túng tình dục, không biết dục vọng phát sinh do tâm; họ kiêu căng ngạo mạn, không biết sự ngạo mạn là do bản thân tạo tác. [Vân Cấp Thất Thiêm, Chúng Chân Ngữ Lục]

93. Muốn nó co lại, tất phải giương nó thẳng. Muốn nó yếu, tất phải làm nó mạnh lên. Muốn phế bỏ nó đi, tất phải làm cho hưng vượng. Muốn đoạt nó cái gì, tất phải cho nó cái khác. Thế gọi là «làm cho cái sáng trở nên tế vi». [Đạo Đức Kinh, chương 36]

94. Trở lại là cái động của đạo. Yếu đuối là cái dụng của đạo. [Đạo Đức Kinh, chương 40]

95. Khi sống [thể chất] người ta mềm yếu; lúc chết thì [thi thể] cứng đơ. Vạn vật và thảo mộc khi sống thì mềm yếu; lúc chết thì khô héo. Cho nên cứng mạnh cùng một bọn với chết; mềm yếu cùng một bọn với sống. Thế nên, quân đội mạnh thì không thể thủ thắng; cây khoẻ thì phải bị búa rìu đốn; cái cứng mạnh chiếm địa vị thấp hơn; cái nhu nhược chiếm địa vị cao hơn.  [Đạo Đức Kinh, chương 76]

96. Trên đời chẳng có gì mềm yếu bằng nước. Để công phá cái cứng mạnh thì chẳng gì hơn nước. Đó là vì không có cái gì thay thế nó được. Ai cũng biết yếu thắng mạnh, mềm thắng cứng; nhưng chẳng ai biết thi hành điều đó. [Đạo Đức Kinh, chương 78]

97. Luyện khí một cách chuyên nhất thân hình sẽ mềm mại. Ngươi có thể [tập luyện để thân xác và tinh thần] giống như trẻ thơ không?  [Đạo Đức Kinh, chương 10]

98. Thiên hạ có cách thức luôn chiến thắng và cách thức luôn chiến bại. Hai cách thức này rất dễ biết thế mà người ta không hề biết. Cho nên lời xưa có nói: mạnh là kẻ chiến thắng người không bằng mình; yếu là kẻ tự thắng mình. Kẻ chiến thắng người không bằng mình, đến khi gặp đối thủ hơn mình, ắt sẽ bị nguy hiểm. Kẻ tự thắng mình, không bị nguy hiểm gì; lấy lý lẽ đó để tự thắng bản thân và ứng phó với thiên hạ. Thế gọi là không cố ý thắng mà tự nhiên thắng; không cố ý ứng phó mà tự nhiên ứng phó được.  [Liệt Tử, Hoàng Đế]

99. Thiên hạ có cách thức luôn chiến thắng và cách thức luôn chiến bại. Cách thức luôn chiến thắng nằm ở sự mềm mại; cách thức luôn chiến bại nằm ở sự mạnh mẽ. Chính vì cách thức luôn chiến thắng nằm ở sự mềm mại, cho nên các bậc chân nhân minh triết thuở xưa luôn tỏ ra dáng vẻ mềm yếu và khiêm hạ. Tỏ ra dáng vẻ mềm yếu và khiêm hạ là lấy sự thâm sâu làm gốc, tức là sự việc không nên kiên cường vì kiên cường dẫn đến hủy diệt. [Đạo Tạng, Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa]

100. Về phương diện sự việc, cứng mạnh thắng mềm yếu; về phương diện đạo, mềm yếu thắng cứng mạnh. Mềm được chất chứa lâu ngày sẽ thành cứng; yếu được chất chứa lâu ngày sẽ thành mạnh. Muốn cứng, tất phải giữ lấy mềm; muốn mạnh tất phải bảo hộ yếu. Mềm thắng cứng và yếu thắng mạnh, đó là cái đạo để luôn đắc thắng vậy. [Đạo Tạng, Đạo Đức Chân Kinh Sớ Nghĩa]

101. Sự không hư của bản tính có thể dung chứa được mọi biến hoá kịch liệt của thiên hạ. Cái vô hình đó có thể đương đầu với cái cực đại của thiên hạ; nó làm cho vạn vật sung túc nhưng không xem là mình có được; lấp đầy bốn biển nhưng không xem là mình đã làm đầy. Bản chất tuy nhỏ nhưng nó không lệ thuộc thiên hạ; vạn vật quy tụ về nó nhưng nó không xem mình là chủ. Đó là sự mềm yếu của đạo. Ai có thể thắng được nào?

Kẻ học đạo thà lấy cái không thấp thỏi để tự xử mình, nhưng đối với người thì tỏ ra hoà ái nhu nhược; lấy cái tràn đầy để tự đòi hỏi nơi mình, nhưng đối đãi kẻ khác thì tỏ ra khiêm hạ; có công lao nhưng không tự cho là có; có tài năng nhưng không ỷ mình tài; không tranh với ai nên được thiên hạ tôn kính là bậc trên; không kiêu căng nên được thiên hạ xem trọng là nhân tài. Cái nhu nhược của kẻ học đạo không ai có thể thắng được. Trái lại, ai ỷ lớn hiếp nhỏ, cậy cao khinh thấp, mong cầu cứng mạnh để thắng người, đều là những kẻ không hiểu đạo. [Đạo Tạng, Đạo Đức Chân Kinh Giải]

102. Thánh nhân co lại là mong duỗi ra; gấp cong lại là mong thẳng ra. Cho nên tuy ở chỗ ngược ngạo không chính đáng và đi trên đường tối tăm mà lòng vẫn hằng mong chấn hưng đại đạo và hoàn thành đại công. [Hoài Nam Tử, Thái Tộc]

❁❁❁
Hàn Sinh tuyển
Lê Anh Minh dịch 

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x