Trang chủ » Tư tưởng Đạo Gia – Tự nhiên

Tư tưởng Đạo Gia – Tự nhiên

by Hậu Học Văn
336 views

Đạo thì chân thực và đáng tin cậy. Nó vô vi (chẳng cố ý làm gì) và vô hình. Người ta chỉ có thể lấy tâm truyền tâm chứ không thể dạy bằng lời

VŨ TRỤ 宇 宙 – THIÊN ĐỊA 天 地

01. Khoảng trời đất giống như ống bễ thợ rèn. Trống không mà không hao kiệt; càng động, hơi càng ra. [Đạo Đức Kinh, chương 5]

02. Cốc thần bất tử, đó là Huyền tẫn. Cửa Huyền tẫn chính là gốc rễ trời đất. Miên man trường tồn, dùng không bao giờ hết. [Đạo Đức Kinh, chương 6]

03. Đạo mà có thể giảng giải được thì không phải là cái đạo thường hằng. Tên mà có thể gọi được thì không phải là cái tên thường hằng. Không tên là khởi đầu của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật. Cho nên thường không để nhìn thấy cái có vi diệu trong cái không. Thường có để nhìn thấy cái không vi diệu trong cái có. Hai cái đó cùng một nguồn gốc, nhưng tên khác nhau, đều gọi là huyền. (Cái) huyền ấy thâm sâu hơn cả những gì thâm sâu; chính là cửa phát sinh ra mọi điều huyền diệu. [Đạo Đức Kinh, chương 1]

04. Có một vật hỗn độn, sinh thành trước trời đất; yên lặng, trống không; đứng một mình mà chẳng thay; đi khắp nơi không dừng; có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên của nó, nên đặt tên nó là Đạo. Gượng gọi tên đó là Lớn. Lớn là đi, đi là xa; xa là trở lại. Cho nên Đạo lớn, Trời lớn, Đất lớn, Người cũng lớn. [Đạo Đức Kinh, chương 25]

05. Nhìn mà không thấy, gọi là Di (thuần tuý, tố phác). Nghe mà không thấy, gọi là Hi (âm thanh ít). Nắm mà không được, gọi là Vi (nhỏ bé). Ba điều ấy [ta chỉ có thể lấy tâm mà lĩnh hội chứ] không thể suy cứu đến cùng. Cho nên cả ba hợp lại làm Một (tức là Đạo). Trên nó không sáng. Dưới nó không mờ. Miên man dằng dặc mà không thể đặt tên. Rồi lại trở về chỗ không có gì. Đó là trạng thái của cái không trạng thái. Hình tượng của cái không có vật chất. Nó tinh tế mơ hồ; [ta] đón trước thì không thấy đầu, [ta] theo sau thì không thấy đuôi. [Đạo Đức Kinh, chương 14]

06. Đạo có đủ đặc tính của vật chất; trạng thái mơ hồ của Đạo là trạng thái duy nhất. Chính trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có hình tượng có thể nghe và thấy được. Cũng chính trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có vật thể mà ta có thể nắm bắt được. Trong trạng thái mơ hồ ấy vẫn có một thứ tinh tế. Thứ tinh tế ấy rất chân thực, mà trong sự chân thực đó lại có sự tồn tại vật chất. [Đạo Đức Kinh, chương 21]

07. Đạo rỗng không mà dùng không hết. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông của vạn vật. Đạo làm nhụt đi sự bén nhọn, tháo gỡ rối rắm, pha trộn ánh sáng, hòa mình cùng bụi bặm. Đạo chìm lắng [trong vạn vật], mà tựa như hiện hữu. Ta không biết Đạo là con của ai; hình như có trước Trời. [Đạo Đức Kinh, chương 4]

08. Đạo thì chân thực và đáng tin cậy. Nó vô vi (= chẳng cố ý làm gì) và vô hình. Người ta chỉ có thể lấy tâm truyền tâm chứ không thể dạy bằng lời (= chỉ có thể tâm truyền 心傳 chứ không thể khẩu thụ 口授). Người ta có thể đạt được Đạo chứ không tận mắt thấy được nó. Đạo là gốc (bản căn) của chính nó. Nó đã hiện hữu trước khi có trời đất. Nó đã tồn tại tự thuở xa xưa cho đến nay. Nó sinh ra quỷ, thần, thượng đế, trời, đất. Nó ở trên Thái Cực mà không cho là cao. Nó ở dưới Lục Cực mà không cho là sâu. Nó sinh trước trời đất mà không cho là lâu dài. Nó sinh trưởng trước thời thượng cổ mà không cho là già. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

09. [Họ] xem quan niệm «mọi vật bình đẳng với nhau» là nguyên tắc đầu tiên, và nói: «Trời có thể che phủ vạn vật nhưng không chở được chúng. Đất có thể chở vạn vật nhưng không che phủ được chúng. Đại Đạo có thể bao hàm vạn vật nhưng không thể phân biện rõ chúng.» [Họ] biết vạn vật đều có chỗ sở năng và chỗ bất sở năng, nên nói: «Hễ tuyển chọn cái gì, tức là không đạt được toàn thể [tức là có sự thiên vị]; hễ truyền dạy cái gì, tức là không đạt tới tất cả. [Nhưng] hễ noi theo Đạo, tức là không bỏ sót cái gì cả [vì Đạo bao hàm tất cả].» [Trang Tử, Thiên hạ]

10. Cho nên, cái sinh ra vạn vật thì không bị vật khác sinh ra; cái khiến cho vạn vật biến hoá thì không bị vật khác làm cho biến hoá. Vạn vật đều tự nhiên sinh ra, tự nhiên biến hoá, tự nhiên xuất hiện hình thể và chủng loại, tự nhiên phát huy trí tuệ và năng lực, tự nhiên suy diệt và sinh trưởng. [Liệt Tử, Thiên thụy]

11. Xét về phương diện lớn thì Đạo không có chỗ tận cùng; xét về phương diện nhỏ thì Đạo không bỏ sót vật nào. Cho nên tất cả vạn vật cả lớn lẫn nhỏ đều có đầy đủ Đạo. Đạo rộng lớn thay! Không có thứ gì mà Đạo không dung chứa. Đạo sâu thẳm thay! Không ai có thể đo lường được Đạo. [Trang Tử, Thiên Đạo]

12. Đạo có thể che trời chở đất, mở rộng bốn phương tám hướng; cao thì không có chỗ ranh giới, sâu thì không có chỗ tận cùng; bao bọc lấy trời đất, sinh thành vạn vật mà không để lại dấu tích. Đạo như thể nguồn nước phún ra, chảy qua chỗ trống rỗng rồi từ từ làm đầy tràn; thế nước chảy cuồn cuộn, nước đục rồi từ từ trong trẻo lại. Cho nên, để thẳng đứng thì Đạo làm đầy trời đất; để nằm ngang thì lấp đầy bốn biển; vận dụng Đạo thì vô tận, không kể ngày đêm; mở rộng ra thì Đạo bao phủ lục hợp (trên, dưới, bốn phương), cuộn tròn lại thì Đạo [chưa] đầy một nắm tay;

 Đạo ước thúc nhưng cũng có thể triển khai; Đạo thâm u mà sáng rỡ; Đạo nhu nhược mà cương cường; Đạo là mối giềng giữ lấy trời đất mà bao hàm âm dương; Đạo là mối giềng giữ lấy vũ trụ mà làm sáng tam quang (nhật, nguyệt, tinh); Đạo dày đặc mà uyển chuyển, rất nhỏ mà tế vi; núi nhờ đó mà cao, vực nhờ đó mà sâu, thú nhờ đó mà chạy, chim nhờ đó mà bay, mặt trời mặt trăng nhờ đó mà sáng; các tinh tú nhờ đó mà vận hành; lân nhờ đó mà rong chơi, phượng nhờ đó mà lượn múa. [Hoài Nam Tử, Nguyên Đạo]

13. Trời dài, đất lâu. Trời đất sở dĩ dài lâu chính vì không tư dục, không mong cầu sự sống riêng tư, vì thế nên trường sinh. [Đạo Đức Kinh, ch.7]

14. Ngày xưa thánh nhân dùng hai khí âm dương để thuyết minh sự sinh hoá của vũ trụ vạn vật. Nếu cái hữu hình sinh ra từ cái vô hình, thì trời đất từ nơi nào mà sinh ra? Cho nên nói: «[Thiên địa vạn vật trước khi sinh thành thì phải trải qua bốn giai đoạn, đó là] Thái Dịch, Thái Sơ, Thái Thủy, Thái Tố.» [Liệt Tử, Thiên Thụy]

15. Thái Dịch là [giai đoạn] khí chưa được thấy (tức là trạng thái hỗn độn trước khi trời đất sinh thành); Thái Sơ là [giai đoạn] nguyên khí vừa xuất hiện [nhưng chưa định hình]; Thái Thủy là [giai đoạn] khí bắt đầu có hình trạng; Thái Tố là [giai đoạn mà] hình trạng và tính chất của nguyên khí cơ bản được hình thành. [Liệt Tử, Thiên Thụy]

16. Một là khởi đầu của biến dịch. Cái trong và nhẹ thì đi lên làm trời. Cái đục và nặng thì đi xuống làm đất. Khí xung hòa thì biến thành người. Cho nên, trời đất hàm chứa tinh khí; vạn vật nhờ đó mới biến hoá và sinh thành. [Liệt Tử, Thiên thụy]

17. Không gian thì vô hạn; sự vật thì vô tận. […] Ngoài cái vô hạn của không gian thì không có cái vô hạn nữa; ngoài cái vô tận của sự vật thì không có cái vô tận nữa. [Liệt Tử, Thang vấn]

18. Thầy Liệt Tử nói: «Trời đất không có công năng tuyệt đối, thánh nhân không có khả năng toàn diện, vạn vật không có công dụng trên mọi phương diện. Cho nên, chức năng của trời là che phủ sinh linh; chức năng của đất là chở chuyên vạn vật; chức năng của thánh nhân là giáo hóa thế nhân; mỗi sự vật đều có chức năng tương ứng vốn có của nó. Thế nhưng trời có sở đoản (chỗ vụng), đất có sở trường (chỗ hay), thánh nhân có khi bế tắc, sự vật có lúc hanh thông. Tại sao thế? Bởi vì trời che phủ vạn vật nhưng không chở chuyên được chúng, đất chuyên chở chúng nhưng không giáo hóa được chúng, thánh nhân giáo hóa chúng nhưng không vi phạm được cái tính năng vốn có của chúng. Sư vật gì đã bị ấn định tính năng như vậy rồi thì không thể vượt ra khỏi địa vị của nó. Cho nên, đạo của trời đất nếu không âm thì dương, sự giáo hóa của thánh nhân nếu không nhân thì nghĩa, tính năng vốn có của sự vật nếu không nhu thì cương: Tất cả đều noi theo tính năng vốn có mà không vượt ra địa vị của mình.

Cho nên, hễ có sự sống tất có cái đã tạo ra sự sống; hễ có hình thể tất có cái đã tạo ra hình thể; hễ có âm thanh tất có cái đã tạo ra âm thanh; hễ có màu sắc tất có cái đã tạo ra màu sắc; hễ có mùi vị tất có cái đã tạo ra mùi vị.Cái do sự sống tạo ra sẽ chết, nhưng cái tạo ra sự sống (tức Đạo) thì chưa hề cùng tận; cái do hình thể tạo ra thì có thực, nhưng cái tạo ra hình thể thì chưa hề có thực; cái do âm thanh tạo ra thì nghe thấy, nhưng cái tạo ra âm thanh thì chưa hề phát thanh; cái do màu sắc tạo ra thì phô bày, nhưng cái tạo ra màu sắc thì chưa hề hiển lộ; cái do mùi vị tạo ra thì thưởng thức được, nhưng cái tạo ra mùi vị thì chưa hề hiển lộ: Tất cả đều có chức năng vô vi. Cái vô vi này có thể âm, có thể dương, có thể nhu, có thể cương, có thể dài, có thể ngắn, có thể tròn, có thể vuông, có thể sinh, có thể tử, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể trầm (như nốt fa: cung), có thể bổng (như nốt sol: thương), có thể có thể hiện, có thể có thể mất, có thể đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể hôi, có thể thơm. Cái vô vi thì vô tri (không biết) và vô năng (không thể), nhưng không gì là không biết, không gì là không thể làm được. [Liệt Tử, Thiên Thụy]

19. Lớn và nhỏ bao hàm lẫn nhau, nên vô cùng vô tận. Bao hàm vạn vật cũng như bao hàm trời đất. Bao hàm vạn vật nên không có chỗ cùng tận. Bao hàm trời đất nên không có chỗ giới hạn. [Liệt Tử, Thang vấn]

20. Cái có thực mà không xác định được nơi chốn thì gọi là vũ (không gian). Cái lâu dài mà không truy được gốc ngọn thì gọi là trụ (thời gian). [Trang Tử, Canh Tang Sở]

21. Cái cực đại thì không có gì bên ngoài nó nữa và nó được gọi là Đại Nhất (Một Lớn). Cái cực tiểu thì không có gì bên trong nó nữa và nó được gọi là Tiểu Nhất (Một Nhỏ). Cái không có độ dày thì không thể bị cái khác chồng chất lên, nhưng nó rộng lớn tới ngàn dặm. [Nếu so sánh với cái tuyệt đối hay cái vô hạn thì] trời cũng thấp như đất và núi non cũng ngang bằng với ao đầm. [Trang Tử, Thiên Hạ]

TỒN TẠI   – QUY LUẬT  

22. Người noi theo phép tắc của Đất, Đất noi theo phép tắc của Trời, Trời noi theo phép tắc của Đạo, còn Đạo thì noi theo phép tắc tự nhiên. [Đạo Đức Kinh, chương 25]

23. Về sự sinh tồn của trời và người, thì hình thể thuận theo nguyên khí, nguyên khí thuận theo sự hài hòa, sự hài hòa thuận theo thần minh, thần minh thuận theo đạo đức, đạo đức thuận theo tự nhiên; vạn vật [theo nguyên tắc đó mà] tồn tại. [Nghiêm Quân Bình, Đạo Đức Chỉ Quy, quyển 8]

24. Đạo của trời đất và lẽ sinh tử tồn vong thì không bỏ đi cũng không giữ lấy, không giật mất cũng không cho tặng; cứ theo lẽ vô vi mà vận hành, chỉ theo lẽ tự nhiên mà thôi. [Quân Bình, Đạo Đức Chỉ Quy, quyển 12]

25. Ai muốn nắm lấy thiên hạ để cai trị và cố thực hiện điều đó thì ta thấy họ sẽ không đạt được ý đồ ấy [Đạo Đức Kinh, chương 29]

26. Vật ở yên thì dễ cầm; vật chưa hiện điềm báo hiệu thì dễ lo liệu; vật giòn thì dễ vỡ; vật nhỏ thì dễ phân tán. Hành động trước khi sự việc xảy ra; trị an trước khi loạn lạc nổi lên. Cây to một ôm sinh tưởng từ mầm nhỏ bé; đài cao chín tầng khởi từ mô đất; cuộc viễn hành nghìn dặm bắt đầu tư nơi ta đang đứng. Làm thì hỏng, giữ thì mất. Cho nên thánh nhân không làm nên không hỏng, không giữ nên không mất. Người dân làm việc, khi sắp thành tựu thì thất bại. Cho nên, thánh nhân muốn điều [thiên hạ] không muốn; không chuộng những thứ khó tìm; học điều [thiên hạ] không học; phản phục cái gốc mà chúng dân bỏ qua để giúp vạn vật phát triển tự nhiên, nhưng ngài không dám tự ý tạo tác. [Đạo Đức Kinh, chương 64]

27. Đạo ẩn, không tên. Chỉ có Đạo là giỏi phú bẩm cho vạn vật và giúp chúng thành tựu.[Đạo Đức Kinh, chương 41]

28. Không [cố ý] làm [vì tư dục] nhưng không gì mà không làm; muốn trị thiên hạ phải dùng vô vi; dùng hữu vi không đủ để trị thiên hạ. [Đạo Đức Kinh, chương 48]

29. Khoan từ nên hùng dũng. Tiết kiệm nên rộng rãi. Khiêm hư (không dám ở trên trước người khác) nên [được xem là] người xuất chúng. [Đạo Đức Kinh, chương 67]

30. Mạnh mà dám làm [ngang ngược] thì chết, mạnh nhưng chẳng dám làm [vì khiêm hư, vô vi] thì sống. [Đạo Đức Kinh, chương 73]

31. Đạo Trời không tranh mà thành, không nói mà người hưởng ứng, không mời mà người tự tới, khoan thai mà mưu sự vẫn hay. Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt. [Đạo Đức Kinh, chương 73]

32. Người hay sự vật chí phải thì không bao giờ đánh mất bản tính tự nhiên mà mình được phú bẩm. [Ngón chân] hợp lại đừng xem là ngón dính; mọc nhánh ra thì đừng xem là ngón thừa. Cái dài thì đừng xem là dư; cái ngắn thì đừng xem là thiếu. Cho nên, chân vịt tuy ngắn nhưng nếu ta nối dài thêm thì nó khổ; chân hạc tuy dài nhưng nếu ta chặt ngắn đi thì nó sầu. Vậy, bản tính dài thì chớ làm ngắn lại; bản tính ngắn thì chớ nối dài thêm. Bản tính như vậy, có gì đáng ưu phiền đâu mà phải khử bỏ đi. [Trang Tử, Biền Mẫu]

33. Khi cần dùng đến cái móc, dây nhợ, compa, ê ke để sửa cho đúng tiêu chuẩn nào đó, chính là làm tổn hại bản tính tự nhiên của sự vật. Khi cần dùng đến dây và keo sơn để làm cho kiên cố, chính là xâm phạm tới đức (phẩm chất) của sự vật. Uốn nắn con người bằng lễ nhạc, an ủi người bằng nhân nghĩa, tức là làm mất bản tính thường nhiên của sự vật. Ai ai cũng có tính thường nhiên. Thường nhiên tức là khi cong thì không cần móc, khi thẳng thì không cần dây, khi tròn thì không cần compa, khi vuông thì không cần ê ke, khi dính chắc thì không cần keo sơn, khi cột chặt thì không cần dây nhợ. Cho nên thiên hạ tự nhiên sinh ra nhưng không biết tại sao mà sinh trưởng; cùng đạt được mục tiêu khác nhau của mình nhưng không hiểu tại sao mà đạt được. Nguyên lý xưa nay vẫn vậy, không thể bị tổn hại. [Trang Tử, Biền Mẫu]

34. Quên sự vật, quên thiên nhiên, đó gọi là quên bản ngã của mình (vong ngã). Người vong ngã mới có thể tiến nhập vào cảnh giới phù hợp với Đạo Trời. [Trang Tử, Thiên Địa]

35. Hiểu rõ đức tính của trời đất chính là nắm được cái tông chỉ căn bản nhất và sẽ hòa hợp với cõi tự nhiên. Cho nên quân bình và điều hòa được thiên hạ cũng như con người. Hòa với người thì gọi là niềm vui với người, hòa với cõi tự nhiên thì gọi là niềm vui với cõi tự nhiên. [Trang Tử, Thiên Đạo]

36. Con thiên nga đâu tắm mỗi ngày vậy mà nó vẫn trắng; con quạ đâu nhuộm mỗi ngày mà nó vẫn đen. Trắng đen là bản sắc tự nhiên của chúng, đâu cần phải biến đổi. Sự quán tưởng đến danh dự đâu có làm cho mình lớn hơn. Khi suối cạn, cá chen chúc với nhau trong bùn. Ở đó phun nhớt dãi làm ướt nhau, sao bằng ở sông hồ mà quên nhau. [Trang Tử, Thiên Vận]

37. Như trường hợp kẻ say rượu và té xe: tuy bị thương chứ không chết. Xương và đốt xương của hắn cũng như người khác, nhưng sự tổn hại thì khác họ vì thần của hắn toàn vẹn. Ngồi trên xe cũng không biết, mà té xe cũng chẳng hay. Sống chết hay sợ hãi không xâm nhập vào lòng hắn. Cho nên gặp phải sự vật mà chẳng sợ. Kẻ giữ được thần do ảnh hưởng của rượu mà còn như vậy, nói gì đến người chịu ảnh hưởng của Trời. Thánh nhân giữ lòng hợp với đạo Trời, nên không vật gì làm hại nổi. [Trang Tử, Đạt Sinh]

38. Cá ở trong nước thì sống, người ở trong nước thì chết. Người với cá khác nhau, vì cái ưa và ghét khác nhau. Cho nên thánh nhân thuở xưa không đòi hỏi vạn vật phải có năng lực như nhau, không đòi hỏi công việc của chúng phải giống nhau. Danh phải phù hợp thực tế, nghĩa là phải đặt chỗ thích hợp. Như vậy mới gọi thông tình đạt lý, trong lòng vui sướng, mà giữ được hạnh phúc. [Trang Tử, Chí Lạc]

39. Không khai mở cái trí xảo của người, nhưng khai mở cái thiên tính tự nhiên. Bởi vì khai mở cái thiên tính tự nhiên thì đức sinh ra. Không ghét thiên tính, thì cũng không lơ là [cái trí xảo của người], như vậy dân chúng sẽ gần với bản chân của họ. [Trang Tử, Đạt Sinh]

40. [Thử xem] nước chỗ phún vọt lên kêu ra tiếng, nó đâu có làm gì, mà tự nhiên thế thôi. Bậc chân nhân đối với đức của mình cũng vậy: ngài chẳng cần tu sửa đức của ngài mà vạn vật vẫn không thể lìa xa ngài. Như thể cái cao vốn có của trời, cái dày vốn có của đất, cái sáng vốn có của mặt trời mặt trăng. Có cần tu sửa gì đâu? [Trang Tử, Điền Tử Phương]

41. Biết được hành vi của trời, biết được hành vi của người, thế là đạt đến chỗ tối cao của tri thức. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

42. Hình thể lao nhọc mà không chịu nghỉ ngơi, ắt sẽ sinh điều tệ hại. Tinh lực sử dụng không biết dừng, ắt sẽ lao tổn, hễ lao tổn thì tinh lực sẽ cạn kiệt. [Trang Tử, Khắc Ý]

43. Thuần túy mà không pha tạp, hư tĩnh chuyên nhất mà không biến đổi, điềm đạm mà vô vi, hành động thì noi theo quy luật vận hành của trời (quy luật của tự nhiên), đó mới là cái đạo nuôi dưỡng tinh thần. [Trang Tử, Khắc Ý].

44. Vui tột cùng không phải là cái vui theo thói đời, vinh dự tột bậc không phải là cái vinh dự theo thói đời. [Trang Tử, Chí Lạc]

45. Gò và núi nhờ tích lũy các thứ thấp thỏi nên mới cao; sống ngòi nhờ tích hợp các dòng nước nhỏ nên mới rộng lớn; bậc đại nhân nhờ dung hợp được chúng nhân nên mới công chính. [Trang Tử, Tắc Dương]

46. Bốn mùa có khí hậu khác nhau, trời chẳng thiên vị mùa nào, thế mới thành năm. Năm chức quan có chức trách khác nhau, vua chẳng thiên vị ai, nên quốc gia thịnh trị. Tài năng của quan văn và quan võ khác nhau, bậc đại nhân không thiên vị ai, nên đức của ngài được đầy đủ. Vạn vật có tính chất khác nhau, Đạo không thiên vị ai, nên gọi là Vô danh. [Trang Tử, Tắc Dương]

NHÂN VẬT   – THẦN TIÊN  

47. Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong thiên hạ có bốn thứ lớn, mà người là một. [Đạo Đức Kinh, chương 25]

48. Ta chưa hề khoe khoang; ta gởi gấm hình hài của mình trong trời đất, và nhận lãnh khí âm dương. Giữa nơi trời đất, ta như hòn đá nhỏ hay cái cây cỏn con trên núi lớn. Vì hiểu phận nhỏ nhoi, có gì đâu mà khoe khoang tự đắc? Xét xem bốn biển đối với trời đất, khác gì những lỗ nhỏ trong đống đá đối với ao đầm lớn? Xét xem Trung Quốc đối với bốn biển, khác gì hạt gạo nhỏ trong kho lẫm lớn? Vạn vật muôn loài, con người chỉ là một chủng loại trong đó. Chúng dân trong Cửu Châu (tức Trung Quốc), sống bằng lúa gạo, đi lại bằng thuyền xe, mỗi cá nhân thuộc số đó. So với vạn vật, khác gì sợi lông trên mình ngựa đâu? [Trang Tử, Thu Thủy]

49. «Thân tôi chẳng phải là của tôi, vậy là của ai?» [Ông Thừa] đáp: «Nó là cái hình hài mà trời đất cho anh. Sự sống không phải của anh, nó là sự hài hòa âm dương mà trời đất cho anh. Tính mệnh không phải của anh, nó cũng là sự hài hòa âm dương mà trời đất cho anh. Con cháu không phải của anh, chúng là sự lột xác mà trời đất cho anh.» [Trang Tử, Trí Bắc Du]

50. Trời đất [tuy lớn cũng chỉ] bằng một ngón tay; vạn vật [dù nhỏ cũng] bằng một con ngựa. [Trang Tử, Tề Vật Luận]

51. Vạn vật có phân ly, ắt có thành tựu. Có thành tựu, ắt có hủy diệt. Vạn vật [thực chất] không có thành tựu và không có hủy diệt, bởi vì tất cả đều trở về với Một (tức là Đạo). [Trang Tử, Tề Vật Luận]

52. Ngày xưa có người hiểu biết tới chỗ tột cùng. Chỗ tột cùng ấy ở đâu? Có kẻ cho rằng: lúc vũ trụ ban sơ chưa hình thành sự vật mới là chỗ tột cùng, tận cùng, không thể thêm gì được nữa. [Trang Tử, Tề Vật Luận]

53. Thiên hạ không có gì lớn bằng cái đầu chiếc lông của chim và thú vào mùa thu; còn núi Thái thì nhỏ. Không có gì sống lâu bằng đứa trẻ chết non; còn ông Bành Tổ thì chết yểu. Trời đất với ta cùng sinh ra; vạn vật với ta là một. [Trang Tử, Tề Vật Luận]

54. Có lần Trang Chu tôi mộng thấy mình biến thành bướm, bay lượn khoái chí, tôi chẳng biết nó là Chu. Đột nhiên tôi tỉnh dậy, biết mình đích thực là Chu. [Tôi không biết trước đó] Chu mộng thấy biến thành bướm, hay bướm mộng thấy biến thành Chu? Nhưng giữa Chu và bướm ắt phải có sự phân biệt. Đó gọi là sự chuyển hoá qua lại giữa sự vật. [Trang Tử, Tề Vật Luận]

55. Trong thiên hạ, vạn vật đồng nhất nhau. [Trang Tử, Điền Tử Phương]

56. Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: «Bầy cá nhỏ bơi lội tung tăng nhởn nhơ, đó là niềm vui của cá.» Huệ Tử vặn: «Ông không phải là cá, sao lại biết cá đang vui?» Trang Tử vặn lại: «Ông không phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá? [Trang Tử, Thu Thủy]

57. Trời đất vận hành theo qui cách tuyệt vời nhưng trời đất có nói gì đâu, bốn mùa có phép tắc rõ ràng nhưng chúng có nghị luận gì đâu, vạn vật đều có lý lẽ sinh thành riêng nhưng chúng có nói gì đâu. [Trang Tử, Tri Bắc Du]

58. Vạn vật chỉ là một. Cái mà thiên hạ khen ngợi là sự thần kỳ. Cái mà thiên hạ chán ghét là sự thối nát. [Nhưng] thối nát biến hóa trở lại thành thần kỳ; thần kỳ biến hóa trở lại thành thối nát. [Trang Tử, Tri Bắc Du]

59. Bậc chân nhân ngày xưa không bị kẻ trí thuyết phục, không bị người đẹp làm cho dâm loạn, không bị kẻ xấu trộm cướp, không kết giao với Phục Hi và Hoàng Đế. [Trang Tử, Điền Tử Phương]

60. Bậc chí nhân thì quên mình để thuận ứng theo sự vật, thần nhân thì không mong cầu công lao, thánh nhân thì không mong cầu danh tiếng. [Trang Tử, Tiêu Dao Du]

61. Bậc chân nhân ngày xưa không chê ít, không cậy thành công, không mưu tính. Được như vậy, dù có lỗi lầm cũng không hối hận, dù làm điều chính đáng cũng không tự đắc. Được như vậy, dù leo cao cũng không run sợ, dù vào nước cũng không ướt, dù vào lửa cũng không nóng. Chỉ có người đạt đạo mới như thế. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

62. Bậc chân nhân ngày xưa lúc ngủ không mộng mị, lúc thức không ưu tư, lúc ăn không cầu món ngon, lúc thở thì thở sâu. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

63. Bậc chân nhân thuở xưa không ham sống ghét chết; sinh ra không cảm thấy vui, lúc chết thì không kháng cự nó; ung dung tự tại lúc chết cũng như lúc sinh; không quên gốc gác của mình, không mong cầu cái chết; được cái gì thì vui [nhưng] mất nó [thì chẳng buồn] vì biết nó trở về với thiên đạo. Thế gọi là không lấy tư tâm để làm hại đạo, không lấy [sự tạo tác] của người để giúp trời. Đó gọi là chân nhân. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

64. Sự sống của thánh nhân cũng theo sự vận hành của thiên đạo, cái chết của ngài cũng như sự biến hoá của vạn vật. Khi ngài tĩnh lặng thì cùng tĩnh với âm; khi động thì cùng động với dương. Ngài không xem việc tạo phúc hay gây họa là vấn đề trước tiên. Khi bị tác động mới phản ứng, khi bị bức bách mới ra tay, bất đắc dĩ mới khởi sự. Bỏ trí tuệ và tập quán mà thuận theo thiên lý (lẽ trời). Vì thế, ngài không bị trời giáng tai họa, không bị vật chất làm hệ lụy, không bị tiếng đời thị phi, không bị quỷ thần trách phạt. Cuộc sống của ngài phiêu bồng khinh khoát, cái chết của ngài như sự nghỉ ngơi. [Trang Tử, Khắc Ý]

65. Người xưa tu đạo thì lấy sự điềm đạm để nuôi dưỡng trí tuệ. Trí tuệ sinh ra nhưng không lấy nó để thi hành hay tạo tác gì cả. Đó gọi là lấy trí tuệ để nuôi dưỡng điềm đạm. [Trang Tử, Thiện Tính]

66. [Cho nên ngài] sống không cần tước vị; chết không màng tên thụy; không gom góp tích trữ của nả; không cầu danh tiếng. Đó gọi là bậc đại nhân. [Trang Tử, Từ Vô Quỷ]

67. Bậc đắc đạo ngày xưa khi khốn cùng vẫn vui, khi hanh thông vẫn vui. Niềm vui ấy chẳng phải tuỳ thuộc vào khốn cùng hay hanh thông. Đạo và đức đạt tới mức ấy thì cùng khốn hanh thông cũng như lạnh nóng hay mưa gió nối tiếp nhau thôi. [Trang Tử, Nhượng Vương]

68. Người đời không thể yên tâm nghỉ ngơi; có bốn nguyên do: một là muốn sống lâu, hai là muốn danh tiếng, ba là muốn có địa vị, bốn là muốn có nhiều tài sản của nả. [Liệt Tử, Dương Chu]

69. Lời xưa có nói: «Sống thì thương xót nhau, chết thì làm tổn hại nhau.» Lời ấy chí phải. [Liệt Tử, Dương Chu]

70. Đất vì tính chất bất đồng nên sản sinh vật loại bất đồng. Cho nên, khí núi nhiều thì sinh con trai, khí ao đầm nhiều thì sinh con gái, chướng khí nhiều thì sinh con câm, phong khí nhiều thì sinh con điếc. […] Đá nam châm bay lên, đá vân mẫu dự tri nước mưa xuống, rồng đất dẫn mưa đến, chim én chim nhạn thay người truyền đi tin tức. […] Chỗ đất cứng thì cư dân cương cường, chỗ đất yếu thì cư dân béo phì, chỗ đất đen cứng thì cư dân cao lớn, chỗ đất cát thì cư dân tinh tế, chỗ đất màu mỡ thì cư dân xinh đẹp, chỗ đất cằn thì cư dân xấu xí. Loài uống nước thì bơi giỏi và chịu lạnh giỏi, loài ăn đất thì vô tâm mà thông tuệ, loài ăn gỗ thì mạnh mà lớn, loài ăn cỏ thì chạy giỏi mà ngu, loài ăn lá thì nhả tơ và hóa bướm, loài ăn thịt thì dũng cảm mà dữ tợn, loài ăn không khí thì có thần mà sống lâu, loài ăn ngũ cốc có trí huệ và xinh đẹp, còn kẻ không ăn gì cả thì bất tử và trở thành thần tiên. [Hoài Nam Tử, Trụy Hình Huấn]

71. Ba thứ khí (của tam tài) hợp lại thì ra thái hòa. Thái hòa là khí sinh ra thái bình. Nếu tuyệt dứt ba khí này, hoặc chỉ cần một khí không thông đạt, thì thái bình không xuất hiện. Về âm dương thì cũng phải trung hòa. Nếu khí âm dương trung hòa thì vạn vật sinh sôi, dân chúng điều hòa, vua cai trị thái bình. [Thái Bình Kinh]

72. Sự vật và đạo lý giữa cõi trời đất thực là không có giới hạn nhất định. Lấy bụng dạ mà suy tìm, ở giữa hai cõi u hiển gồm có ba bộ phận mà thứ loại có liên quan với nhau: lớp trên là tiên, lớp giữa là người, lớp dưới là quỷ. Người làm việc thiện thì thành tiên, tiên phạm lỗi thì bị đọa xuống trần gian làm người, người làm ác thì thành quỷ, quỷ tạo phúc cho thế gian thì thành người. Quỷ bắt chước theo người, người bắt chước theo tiên. Tuần hoàn qua lại như vậy. Chủng loại tiếp xúc thì thông với nhau, cái ranh giới giữa hai cõi u hiển thật rất nhỏ nhặt vậy. [Đào Hoằng Cảnh, Chân Cáo].

73. Vạn vật xem được làm người là tôn quý, người xem sự sống là quý báu. Chỗ nương cậy của sự sống, chỉ là thần và khí. [Lục Tu Tĩnh, Thuyết quang chúc giới phạt đăng chúc nguyện nghi]

74. Nói chung, sự kết hợp giữa bản chất và hình tượng chẳng qua là ở hình và thần. Khi hình và thần hợp lại thì thành người hay vật. Nếu hình và thần rời nhau, ắt thành thần linh hay ma quỷ. [Đào Hoằng Cảnh, Đáp triều sĩ phỏng tiên phật lưỡng pháp thể tướng thư]

75. Nói chung, thần nhân tức là bậc mà nay chúng ta gọi là thánh nhân. Thánh nhân tuy ngồi trong cung điện mà lòng tự tại có khác chi ở chốn núi rừng. Người đời sao lại chẳng biết điều ấy vậy? Họ chỉ thấy thánh nhân ngồi xe lọng vàng, mang ấn ngọc, bèn nói rằng bấy nhiêu đủ để ràng buộc cái tâm của ngài. Thấy ngài kinh lịch chốn núi non sông nước, lại bảo bấy nhiêu cũng đủ làm cái thần của ngài tiều tụy. Sao họ chẳng biết sự không hao tổn của người đạt đạo vậy? [Quách Tượng, Trang Tử-Tiêu Dao Du chú]

❁❁❁
Hàn Sinh tuyển
Lê Anh Minh dịch 

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] II. Tư tưởng Đạo Gia 1. Tự Nhiên […]

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x