Trang chủ » Tư tưởng Đạo Gia – Xử Thế

Tư tưởng Đạo Gia – Xử Thế

by Hậu Học Văn
522 views

THẾ THÁI  世 態 – NHÂN TÌNH  人 情

01. Khi đại đạo bị phế thì mới có nhân và nghĩa; khi trí huệ xuất hiện thì mới có đại giả trá ngụy biện; khi lục thân bất hòa thì mới có hiếu kính và từ ái; khi quốc gia hôn ám rối loạn thì mới có trung thần. [Đạo Đức Kinh, chương 18]

02. Đại đạo giản dị, thế mà con người lại thích bàng môn tả đạo. Triều đình lộng lẫy, ruộng nương hoang vu, kho lẫm trống hoác. Ăn mặc xênh xang, mang kiếm bén, ăn uống chán chê, đó gọi là đạo tặc khoe khoang, không phải là [noi theo] đại đạo. [Đạo Đức Kinh, chương 53]

03. Cây thẳng bị đốn trước, giếng ngọt bị cạn trước. [Trang Tử, Sơn Mộc]

04. Trong thời chí đức, loài người sống lẫn với cầm thú, đồng đẳng với vạn vật [như một nhà], nào có phân biệt quân tử với tiểu nhân? Vạn vật vô tri như nhau, không rời bỏ đức tính tự nhiên của mình; họ cùng vô dục như nhau, nên gọi là chất phác. Chất phác tức là bản tính của dân chúng còn giữ được. Đến khi thánh nhân xuất hiện, tận tâm gắng sức làm điều nhân và nghĩa, thế là dân chúng bắt đầu rối tâm loạn trí. Thánh nhân cũng phóng túng âm nhạc và câu nệ nghi lễ, thế là dân chúng bắt đầu chia rẽ nhau.

Nếu sự thuần phác không bị đẽo gọt thì sao có tửu khí để cúng? Nếu không hủy phá ngọc trắng thì sao có ngọc khuê ngọc chương [làm quai các cốc rượu để cúng]? Nếu đạo đức không bị phế thì sao có nhân nghĩa? Nếu tính và tình không phân ly thì sao dùng được lễ nhạc? Nếu năm màu không loạn thì sao có kiểu trang sức này nọ? Nếu năm thanh không rối thì sao có luật tắc âm nhạc? Tạc đẽo gỗ để làm vật dụng là tội ác của thợ khéo tay. Hủy bỏ đạo đức để thi hành nhân nghĩa đó là lỗi lầm của thánh nhân.  [Trang Tử, Mã Đề]

05. Thời vua Hách Tư, dân chúng ở trong chỗ trú ẩn mà không biết mình làm gì; đi ra khỏi chỗ ở mà không biết mình đi đâu; vui thích với thức ăn trong miệng; ăn no thì vỗ bụng đi chơi. Khả năng họ chỉ thế thôi. Đến khi thánh nhân xuất hiện, uốn nắn lễ nhạc để khuôn định hành vi và cử chỉ của con người, đề xướng nhân nghĩa để xoa dịu tâm họ. Từ đó dân chúng mới gắng sức ham trí xảo, tranh giành nhau chỉ vì tư lợi, không ai ngăn họ được nữa. Đây cũng là lỗi lầm của thánh nhân vậy. [Trang Tử, Mã Đề]

06. Khi suối cạn, thung lũng trống; khi gò bị san bằng, ao sâu cạnh nó sẽ bị lấp đầy. Khi thánh nhân chết, bọn trộm lớn sẽ không nổi dậy; thiên hạ yên bình và không còn rối loạn nữa. Khi thánh nhân chưa chết thì bọn trộm lớn còn hoài. Thánh nhân càng trị thiên hạ thì bọn trộm như Đạo Chích càng thêm lợi. Nếu chế tạo cho thiên hạ cái đấu cái hộc để đo lường, thì thậm chí bằng thứ đấu hộc ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Nếu chế tạo cho thiên hạ cái cân và quả cân, thì thậm chí bằng thứ cân và quả cân ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Nếu chế tạo cho thiên hạ các tín vật như lệnh phù và ấn triện, thì thậm chí bằng thứ lệnh phù và ấn triện ấy ta đã dạy họ trộm cắp. Nếu qui định nhân nghĩa cho thiên hạ để uốn nắn họ, thì thậm chí bằng thứ nhân nghĩa ấy ta đã dạy họ trộm cắp.

Làm sao ta biết được nó như thế? Kẻ trộm cắp một cái móc gắn đai lưng thì bị giết; kẻ trộm cắp một nước thì thành chư hầu. Ở môn hộ của chư hầu ta thấy tồn chứa nhân nghĩa, đó chẳng phải là trộm cắp nhân và nghĩa, thánh và trí hay sao? Cho nên họ vội trở thành bọn trộm lớn, làm chư hầu, trộm cắp nhân nghĩa với mọi lợi lộc từ việc sử dụng đấu hộc, cái cân, lệnh phù ấn triện. Thậm chí các tước lộc (xe, mũ) của quan cũng không ảnh hưởng đến họ [để họ đi sang nẻo khác]; và uy lực của các thứ hình cụ như rìu búa cũng không làm họ sợ mà chùn tay. Cái lợi này thật lớn đối với kẻ trộm như Đạo Chích, cho nên không ai cấm chỉ được chúng. Đây là lầm lỗi của thánh nhân. [Trang Tử, Khư Khiếp]

07. Kẻ dùng trí xảo để thắng đối phương trong cuộc đấu sức, ban đầu thì đấu công khai đàng hoàng, nhưng kết cục thì thường dùng mưu mẹo, khi trận đấu lên đến cao trào thì họ dùng quỷ kế. Kẻ lấy lễ để uống rượu, ban đầu thì uống nghiêm chỉnh, nhưng kết cục thì thường hỗn loạn. Khi tiệc rượu lên đến cao trào thì họ cũng vui sướng cực điểm [và tung hê tất cả]. Sự đời cũng đúng như thế. Khởi đầu là thành tín, kết thúc là dối lừa; khởi đầu là nhỏ nhặt, kết thúc là lớn chuyện. [Trang Tử, Nhân Gian Thế]

08. Khen ngợi phát sinh thì phỉ báng nối tiếp theo sau. điều thiện xuất hiện thì oán hận nối tiếp theo sau. [Hoài Nam Tử, Thuyên Ngôn Huấn]

09. Ngựa giỏi bị hỏng vì tay xa phu kém; kẻ sĩ tài trí bị khốn đốn vì thời thế hôn ám. [Bão Phác Tử Ngoại Thiên, Quan Lý]

10. Kiếm mới nhờ chữ khắc giả mạo trên nó mà tăng thêm giá trị; thang thuốc dở nhờ ghi giả mạo tên họ danh y lên nó mà trở thành thuốc quý. [Bão Phác Tử Ngoại Thiên, Quân Thế]

11. Nếu hai bên đều vui vẻ hả hê, tất họ tha hồ tâng bốc nhau; còn như giận nhau, tất họ tha hồ khuếch đại điều xấu của nhau. Hễ quá mức ắt là sai lệch; lời sai lệch ắt không đáng tin; như thế kẻ truyền đạt lại lời nói ấy sẽ bị tai họa. [Trang Tử, Nhân Gian Thế]

12. Đề phòng bọn trộm chuyên cạy tráp, moi đãy, mở tủ, tất ta dùng dây cột chặt, dùng khoá móc và then cài. Như thế người đời gọi là khôn. Nhưng khi một tên trộm lớn đến, hắn vác tủ, khuân tráp, đeo đãy chạy mất; hắn chỉ sợ dây nhợ và móc khoá không được chắc thôi. Vậy thì cái ban đầu được xem là khôn bây giờ chẳng phải là giúp cho kẻ trộm khuân đi trọn hay sao? [Trang Tử, Khư Khiếp]

13. Lòng người ghét bỏ địa vị thấp mà mong tiến lên địa vị cao. Vì địa vị cao thấp mà người ta tận dụng tâm cơ, vất vả khác nào bị giam cầm bức bách. Mềm yếu phục tòng cứng mạnh; góc cạnh nhọn bén bị đẽo gọt mất. Lòng người hễ nồng nhiệt thì như lửa cháy hừng hực, hễ nguội lạnh thì như giá băng. Sự nhanh lẹ của tâm là trong thời gian cúi và ngẩng đầu, nó phóng vượt ra ngoài bốn bể rồi quay về. Khi ở yên, tâm tĩnh như vực sâu [khó dò]; khi động, tâm [lung linh huyền diệu khôn lường] như treo trên trời. Sự hưng phấn và kiêu ngạo của tâm thì không thể nào kiềm chế được. Nhân tâm chỉ vậy thôi!  [Trang Tử, Tại Hựu]

14. Người thế tục đều thích kẻ đồng ý với mình mà ghét kẻ khác ý với mình. Việc thích và ghét này là do lòng họ muốn vượt trội hơn kẻ khác. Nhưng kẻ có tâm địa như vậy đã từng vượt trội được người khác hay sao?  [Trang Tử, Tại Hựu]

15. Kẻ trí sĩ nếu không thấy các thay đổi của sự tư lự của mình thì không vui; kẻ biện sĩ nếu lời đàm thuyết của mình không sắp xếp có lớp lang thì không vui; kẻ giám sát nếu không bới ra vụ việc gì để thị uy khiển trách thì không vui: Bọn họ đều bị ngoại vật vây khổn. Kẻ muốn đời chú ý thì tự làm nổi bật ở triều đình; kẻ muốn dân trọng thì xem quan tước là vinh hiển; kẻ đại lực sĩ khoe khoang mình làm được việc khó; kẻ dũng cảm phấn đấu trong hoạn nạn; kẻ mang binh giáp thích chiến đấu; kẻ sức tàn gối mỏi bấu víu vào cái danh tiếng đã từng có; kẻ giỏi luật pháp mong quảng bá pháp trị; kẻ chuyên lễ nhạc chú trọng đức hạnh; kẻ nhân nếu không có việc đồng áng [trừ cỏ dại] thì không xứng hợp với công việc; thương nhân nếu không có việc chợ búa thì không xứng hợp với công việc; thường dân nếu có công việc hôm sớm thì mới động viên nhau siêng năng; thợ thuyền nếu sử dụng thành thạo đồ nghề thì cảm thấy mạnh mẽ.

Tiền tài không gia tăng, kẻ tham ắt buồn; quyền thế không tăng, kẻ bon chen sẽ rầu. Gặp thời thì có chỗ dùng, không thể vô vi được. Họ đều thuận theo cách riêng của mình như các mùa trong năm, và không thay đổi như sự vật. Họ rong ruổi xác thân và bản tính, chìm đắm dưới sức ép của sự vật, suốt đời không thể phục hồi chân ngã. Như thế chẳng đáng buồn sao? [Trang Tử, Từ Vô Quỷ]

16. Sự vật bên ngoài ta thì ta không thể cố mong cầu cho bằng được. Thế nên Quan Long Phùng bị giết, Tỷ Can bị hại, Cơ Tử hoá cuồng, Ác Lai chết, Kiệt và Trụ bị diệt. Không kẻ lãnh đạo nào mà không muốn có bầy tôi trung thành, nhưng lòngï trung thành đó chắc gì được tin? Cho nên thi thể Ngũ Tử Tư bị thả trôi theo giòng Dương Tử và Trường Hoằng phải chết ở đất Thục. Máu của Trường Hoằng sau ba năm tàng trữ đã hoá thành ngọc bích. Không cha mẹ nào mà không muốn có hiếu tử, nhưng có hiếu tâm chắc gì được cha mẹ yêu thương? Thế nên Hiếu Kỷ phải đau khổ mà chết, còn Tăng Sâm phải sầu tủi [vì bị cha ghét bỏ]. [Trang Tử, Ngoại Vật]

17. Làm cha [phải nhờ người ngoài, và] đừng đích thân mai mối cho con. Hễ cha khen con ắt sẽ không công bằng như người ngoài khen con mình. Đó không phải lỗi của người cha, mà là lỗi của người đời. Hễ giống như mình thì mình tán đồng; hễ khác với mình thì mình phản đối. Hễ giống mình tất phải đúng; hễ khác mình tất phải sai.  [Trang Tử, Ngụ Ngôn]

18. Thói đời, hễ ai kiến thức ít ỏi thì sẽ thấy lắm thứ đáng ngạc nhiên. [Bão Phác Tử, Luận Tiên]

19. Hiểu đạo trời, thấu triệt mọi hoàn cảnh xã hội, thông đạt tình người, lòng quảng đại đủ để bao dung mọi người, đức hạnh đủ để vỗ về quy phục kẻ viễn phương, sự thành tín đủ để thống nhất những kẻ có lòng khác, trí tuệ đủ để biết quyền biến. Ai như vậy chính là bậc anh tài trong thiên hạ.  [Hoài Nam Tử, Thái Tộc]

CHÍNH TRỊ  政 治 – CHIẾN TRANH  戰 爭

20. Thiên hạ có Đạo thì tuấn mã bị đưa vào canh tác. Thiên hạ không Đạo thì ngựa chiến sinh sống ở biên cương. [Đạo Đức Kinh, chương 46]

21. Dân đói. Bởi vì người trên thu thuế nhiều, nên dân mới đói.  [Đạo Đức Kinh, chương 75]

22. Lấy ngay thẳng để trị nước; lấy mưu trí để dùng binh; lấy vô sự để được thiên hạ. [Đạo Đức Kinh, chương 57]

23. Một quốc gia rộng lớn giống như vùng hạ lưu của một con sông; mang tính chất âm nhu (nữ tính) của thiên hạ; và là nơi thiên hạ giao hội. Nhờ bản chất tĩnh mà nữ thường thắng nam.  [Đạo Đức Kinh, chương 61]

24. Lấy khoan từ để tranh đấu ắt sẽ thắng, để cố thủ ắt sẽ vững. [Đạo Đức Kinh, chương 61]

25. Dụng binh có câu: «Làm khách chớ không làm chủ. Lui một thước chớ không dám tiến một tấc.» Cho nên thánh nhân đi mà chẳng đi, xắn tay áo mà không dùng tay, bắt địch mà không đối địch, cầm binh khí mà không có binh khí. Không tai họa nào cho bằng khinh địch, khinh địch là gần mất mạng. Cho nên khi hai phe giao chiến, ai thương xót binh sĩ thì sẽ thắng.  [Đạo Đức Kinh, chương 69]

26. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm. Thánh nhân không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm. [Đạo Đức Kinh, chương 5]

27. Khi dân không sợ chết, sao lấy cái chết làm cho họ sợ được? Nếu ta khiến dân thường sợ chết, hễ ai phạm pháp thì ta có quyền bắt kẻ ấy giết đi. Như vậy, không ai dám phạm pháp nữa. [Trên trời] thường có vị Tư sát, được quyền giết người [phạm lỗi]. Nay ta lại thay ngài mà giết, thì có khác nào [thợ rởm] muốn đẽo gỗ thay thợ giỏi đâu? Muốn thay thợ giỏi mà đẽo gỗ, ắt khó tránh thương tật. [Đạo Đức Kinh, chương 74]

28. Kẻ trị thiên hạ nào khác gì kẻ chăn ngựa! Chỉ cần trừ khử cái làm hại ngựa mà thôi.  [Trang Tử, Từ Vô Quỷ]

29. Ngài tham chính thì chớ lỗ mãng, cai trị dân thì chớ khinh suất. [Trang Tử, Tắc Dương]

30. Tôi nguyện khử bỏ mối vướng bận của ngài, trừ đi cái ưu tư của ngài, để ngài một mình tiêu dao với Đạo trong cõi mênh mông tịch mịch. [Trang Tử, Sơn Mộc]

31. Thời xưa, người nuôi dưỡng thiên hạ vô dục mà thiên hạ đầy đủ; vô vi mà thiên hạ biến hoá; yên lặng như vực sâu mà bách tính ổn định. [Trang Tử, Thiên Địa]

32. Con hiếu không a dua cha mẹ, tôi trung không siểm nịnh vua, đó là điều tốt nhất của phận làm tôi và làm con. [Trang Tử, Thiên Địa]

33. Trời đất tuy lớn nhưng trời đất chuyển hoá vạn vật một cách quân bình; vạn vật tuy nhiều nhưng chúng đều bị thống trị một cách thống nhất; dân chúng tuy đông nhưng chủ của họ là vua. Ông vua này đặt nền tảng nơi Đức và được hoàn thiện nơi Trời. [Trang Tử, Thiên Địa]

34. Dân có bản tính bất biến. Họ tự dệt vải để mặc, tự cày cấy để ăn. Đức của họ giống nhau. Họ thống nhất, mà không kéo bè kết đảng. Đó gọi là tuân theo tự nhiên. [Trang Tử, Mã Đề]

35. Minh vương cai trị thiên hạ, công trạng bao trùm thiên hạ mà tựa như không nhận là công lao của mình; giáo hoá vạn vật nhưng dân chúng không cảm nhận sự nương tựa đó; tuy công trạng nhiều nhưng minh vương không kể công, khiến vạn vật ai cũng có niềm vui. [Trang Tử, Ứng Đế Vương]

36. Ngươi hãy để tâm an vui tự tại trong cõi hư vô tịch mịch; hãy giữ cho khí bình hoà yên tĩnh; hãy thuận theo sự tư nhiên của vạn vật và chớ có thành kiến riêng. Như vậy thiên hạ sẽ thịnh trị. [Trang Tử, Ứng Đế Vương]

37. Kỳ vọng chi ở đời sau, cứu vãn chi ở đời trước? Thiên hạ có đạo, thánh nhân thành tựu sự nghiệp; thiên hạ vô đạo, thánh nhân chỉ mong giữ được thân. Đời nay chỉ mong tránh được hình phạt. Phúc nhẹ như lông hồng mà không ai biết mang; hoạ nặng như đất mà không ai biết tránh. Thôi đi! Thôi đừng đem đạo đức đến với người đời! Nguy rồi! Nguy vì tự vẽ một vòng tròn trên mặt đất và chạy lẩn quẩn trong đó. Gai góc, gai góc! Ta đi, đừng làm ta đau. Đường ta đi khúc khuỷu, đừng làm chân ta đau! [Trang Tử, Nhân Gian Thế]

38. Thời chí đức người hiền không được quý trọng, tài năng họ không được dùng. Kẻ cai trị được xem như nhánh cây trên cao. Dân chúng như bầy nai hoang dã. Họ đoan chính mà không hề biết đó là nghĩa; họ thương yêu lẫn nhau mà không hề biết đó là nhân; họ thành thực mà không hề biết đó là trung; họ đảm đương việc mà không hề biết đó là tín; họ hành động chất phác và sử dụng lẫn nhau mà không hề biết đó là ban tặng. [Trang Tử, Thiên Địa]

39. Người thiện xạ không quý sự bắn trúng mà quý lý do tại sao lại bắn trúng; người trị nước và tu thân cũng không quý sự tồn vong mà quý cái lý lẽ tại sao lại tồn vong.  [Liệt Tử, Thuyết Phù]

40. Người giỏi giữ gìn thắng lợi thì biết xem cái mạnh là cái yếu. [Liệt Tử, Thuyết Phù]

41. Cái khó trong việc cai trị nước là ở chỗ nhận ra ai là người hiền trong dân chúng, chứ không phải ở chỗ người cai trị tự xem mình là người hiền. [Liệt Tử, Thuyết Phù]

42. Hạ thần chưa từng nghe nói bản thân [vua] có tu dưỡng mà quốc gia lại loạn lạc, và cũng chưa từng nghe nói bản thân [vua] thác loạn mà quốc gia lại thịnh trị bao giờ. [Liệt Tử, Thuyết Phù]

43. Nếu có lợi cho dân, thì không cần noi theo phép xưa; nếu sự việc phù hợp, thì không cần tuân theo lệ cũ. [Hoài Nam Tử, Phạm Luận Huấn]

44. Vua mong muốn gỗ thì thần dân tàn phá cây; vua mong muốn cá thì thần dân tát cạn sơn cốc. [Hoài Nam Tử, Thuyết Sơn Huấn]

45. Đừng lập úp tổ chim và đừng giết các thứ cầm thú sơ sinh. [Hoài Nam Tử, Thời Tắc Huấn]

46. Nước đục, cá ắt ngoi lên mặt nước để thở; lệnh vua hà khắc, dân ắt nổi loạn; thành quách cao chót vót ắt đổ lở; bờ sông cao ắt sụp lở. [Hoài Nam Tử, Mậu Xưng Huấn]

47. Khí loạn thì trí tuệ hôn ám, trí tuệ hôn ám thì không thể xử lý việc chính trị được. [Hoài Nam Tử, Tề Tục Huấn]

48. Bệnh tình nguy khốn mới quý trọng thầy thuốc giỏi; đời loạn mới quý trọng bầy tôi trung trinh. [Bão Phác Tử, Quảng Thí]

49. Rái cá nhiều, loài cá ắt hỗn loạn; chim ưng nhiều, loài chim ắt hỗn loạn. [Bão Phác Tử, Cật Bào]

50. Minh vương dùng binh là để trừ tai hoạ cho thiên hạ, và chung hưởng lợi ích với muôn dân. Do đó, khi vua sử dụng dân, dân giống như con phục vụ cho cha, em phục vụ cho anh. Uy lực quân đội gia tăng đến mức này có thể làm cho đổ lở núi, sụp bờ đê; địch quân có ai dám ra tay! [Bão Phác Tử, Binh Lược]

51. Gây chiến tranh ắt phải có sự hung tàn nguy hiểm, [nhưng khi đang tiến hành chiến tranh] kẻ nào không đánh ắt sẽ không thành tựu sự nghiệp. [Thập Lục Kinh, Ngũ Chính]

 TƯ KHẢO  思 考 – TRỊ THẾ  治 世

52. Không ham muốn dễ được yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ ổn định. [Đạo Đức Kinh, chương 37]

53. Cai trị một nước lớn giống như nấu con cá nhỏ. [Đạo Đức Kinh, chương 60]

54. Vật ở yên thì dễ cầm; vật chưa hiện điềm báo hiệu thì dễ lo liệu; vật giòn thì dễ vỡ; vật nhỏ thì dễ phân tán. Hành động trước khi sự việc xảy ra; trị an trước khi loạn lạc nổi lên. [Đạo Đức Kinh, chương 64]

55. Dân khó trị, là do người trên thích chuyện hữu vi, cho nên dân khó trị. [Đạo Đức Kinh, chương 75]

56. Thiên đạo không thiên ái, mà thường ban ân cho người lành. [Đạo Đức Kinh, chương 79]

57. Nước nhỏ, dân ít. Dù có khí giới đủ cho 10 hay 100 người thì cũng không dùng đến. Dạy dân coi trọng cái chết để họ khỏi đi xa. Tuy có xe thuyền, mà chẳng khi dùng. Tuy có giáp binh, mà chẳng phô trương. Khiến dân trở lại việc thắt nút mà dùng. Ăn thấy ngon, mặc thấy đẹp, ở thấy yên, sống thấy sướng. Tuy các nước cận kề, nhìn thấy nhau, gà kêu chó sủa ở nước này thì nước kia đều nghe, nhưng người dân cho đến lúc già chết cũng chẳng qua lại thăm nhau.  [Đạo Đức Kinh, chương 80]

58. Dân khó trị là vì họ lắm mưu trí. Cho nên dùng mưu trí trị nước tức là hại nước; không dùng mưu trí trị nước tức là ích nước.  [Đạo Đức Kinh, chương 65]

59. Ai quý bản thân hơn việc thống trị thiên hạ thì người ta có thể gởi gấm thiên hạ cho. Ai yêu bản thân hơn việc thống trị thiên hạ thì người ta có thể gởi gấm thiên hạ cho. [Đạo Đức Kinh, chương 13]

60. Bậc đại thánh cai trị dân thì cổ vũ tâm trí của họ, khiến họ thi hành các giáo huấn của ngài mà thay đổi thói xưa, diệt bỏ lòng hung ác của họ và giúp họ tiến bước theo ý chí riêng của họ. Họ tự làm như thể phát xuất từ bản tính mình nhưng họ không hiểu nguyên do tại sao. Nếu vậy, đâu cần gì cách dạy dân của Nghiêu Thuấn hay các sự xếp đặt hỗn độn? Chỉ mong hoà đồng với đức và tâm an tĩnh trong đó mà thôi. [Trang Tử, Thiên Địa]

61. Ngày nay dễ dàng tụ tập dân chúng. Yêu dân, thì họ sẽ yêu lại ngươi; làm lợi cho họ thì họ sẽ đến với ngươi; khen ngợi họ thì họ sẽ phấn khởi và làm vui lòng ngươi; hễ khiến họ làm cái mà họ ghét thì họ sẽ phân tán.  [Trang Tử, Từ Vô Quỷ]

62. Cái bằng phẳng là sự yên tĩnh của mặt nước. Nó có thể là phép tắc cho ta noi theo. Bên trong thì nó bảo toàn yên ổn, bên ngoài thì không gì làm nó xao động. Đức là sự tu dưỡng để hoà thuận tự nhiên. Đức vô hình mà không vật nào lìa khỏi nó được. [Trang Tử, Đức Sung Phù]

63. Lễ nghĩa và phép tắc phải tuỳ thời mà thay đổi. [Trang Tử, Thiên Vận]

64. Đã lao nhọc vô ích mà còn hại thân nữa. [Trang Tử, Thiên Vận]

65. Hãy vất thánh bỏ trí, thiên hạ sẽ thịnh trị. [Trang Tử, Tại Hựu]

66. Vất thánh nhân bỏ trí tuệ, sẽ dứt bọn trộm lớn; ném ngọc đập châu, bọn trộm vặt sẽ không xuất hiện; đốt hổ phù đập ngọc tỷ, dân sẽ chất phác; phá cái đấu bẻ gãy cái cân, dân sẽ không tranh chấp; phế bỏ các phép tắc của thánh nhân áp đặt lên thiên hạ, mới có thể luận bàn với dân chúng.  [Trang Tử, Khư Khiếp]

67. Cho nên khi đức của ai mà lớn, ngoại hình khiếm khuyết của hắn sẽ được người ta quên đi. Khi người ta không quên cái đáng quên (= ngoại hình) và quên cái không đáng quên (= đức), đó gọi là quên hết thật sự. [Trang Tử, Đức Sung Phù]

68. Không vui và không biết mới là vui thật và biết thật; cho nên không gì mà không cảm thấy vui, không gì mà không biết, không gì mà không buồn, không gì mà không làm. [Liệt Tử, Trọng Ni]

69. [Đối với việc cai trị quốc gia] cần coi trọng cách cai trị của thánh nhân, không coi trọng cách cai trị của bản thân nhà vua, phải coi trọng cách cai trị trên cơ sở là sự hợp tác giữa cá nhân nhà vua với dân chúng. [Doãn Văn Tử, quyển thượng]

70. Điều có lý nhưng không có ích cho việc trị nước thì bậc quân tử không nói ra; điều có thể làm nhưng chẳng ích lợi vào việc gì thì bậc quân tử không làm.  [Doãn Văn Tử, quyển thượng]

71. Quân bình là điều rất đúng đắn của thiên hạ, đối với sự vật hữu hình cũng đúng như thế.  [Liệt Tử, Thang Vấn]

72. Việc trị nước giống như việc trừ cỏ dại ở ruộng, chỉ cần trừ các thứ làm hại mạ và lúa non là được. [Hoài Nam Tử, Thuyết Sơn Huấn]

73. Kẻ cai trị nếu sinh sự lắm điều, nhân dân có thái độ giả dối; kẻ cai trị nếu quấy nhiễu nhân dân, nhân dân không yên; kẻ cai trị nếu tham cầu, nhân dân cạnh tranh nhau. [Hoài Nam Tử, Chủ Thuật Huấn]

74. Trị nước giống như lên dây đàn; dây lớn căng quá thì dây nhỏ đứt. [Hoài Nam Tử, Mậu Xứng Huấn]

75. [Trị nước thì] trên phải dựa theo thiên thời, dưới phải lợi dụng tài vật của đất, giữa phải sử dụng nhân tài. [Hoài Nam Tử, Chủ Thuật Huấn]

DANH LỢI  名 利 – ĐẮC THẤT  得 失

76. Danh với thân, cái nào quý hơn? Thân với của, cái nào trọng hơn? Được với mất, cái nào khổ hơn? Cho nên, yêu lắm ắt hao phí nhiều. Chứa lắm ắt mất nhiều. Biết đủ sẽ không nhục. Biết dừng sẽ không nguy. Có thể trường cửu.  [Đạo Đức Kinh, chương 44]

77. Có vua nọ mời Trang Chu [ra làm quan], Trang Chu trả lời sứ giả: «Ông có từng thấy con bò để tế không? Người ta mặc vải thêu hoa cho nó, cho nó ăn cỏ và đậu lớn. Rồi ngày kia nó bị dắt đến nhà Thái Miếu [để cúng tế]. Bấy giờ dù nó có muốn trở lại làm con bê cô đơn, liệu có thể được chăng?»  [Trang Tử, Liệt Ngự Khấu]

78. Dù cả thế gian khen ngợi, ông cũng không nỗ lực thêm; dù cả thế gian chê bai ông cũng không thối chí nản lòng; ông đã phân biệt được giữa trong và ngoài, đã xác định được ranh giới giữa vinh và nhục. Ông ta đã như thế rồi.  [Trang Tử, Tiêu Dao Du]

79. Tử Trương hỏi Mãn Cẩu Đắc: «Sao anh không tu dưỡng phẩm hạnh? Không có phẩm hạnh thì anh không được ai tin; không được ai tin, thì anh không được giao việc; không được giao việc thì anh đâu có lợi lộc gì. Cho nên, xét về danh và lợi, thì nghĩa mới là điều đúng. Nếu vất bỏ danh lợi, chỉ phản tỉnh nơi tâm, sẽ thấy kẻ sĩ tu dưỡng phẩm hạnh đâu chỉ có một ngày.» Mãn Cẩu Đắc đáp: «Kẻ vô sỉ thì giàu, kẻ lắm người tin tưởng thì nổi danh. Do đó cái lớn lao của danh lợi gần như phát xuất từ vô sỉ và được tin tưởng. Cho nên xét  theo danh và lợi thì được tin tưởng mới là điều đúng. Nếu vất bỏ danh lợi, chỉ phản tỉnh nơi tâm, sẽ thấy kẻ sĩ tu dưỡng phẩm hạnh chỉ ôm giữ được thiên tính mà thôi.»  [Trang Tử, Đạo Chích]

80. Tri Hoà nói: «Quân bình là phúc, có dư là họa, vật nào cũng thế, nhất là đối với tài sản. Ngày nay lỗ tai bọn nhà giàu ù tiếng đàn sáo chuông trống, miệng sặc mùi vị thịt thà  và rượu ngọt nồng; chúng làm hại ý chí, khiến công việc bỏ bê. Đó gọi là loạn! Ăn nhiều nghẹn họng, đầy hơi, đi đứng vất vả như vác nặng mà leo dốc núi. Đó gọi là khổ! Tham tiền tài tới mức lâm bệnh; tham quyền tới mức hao kiệt tinh thần; ở yên thì chìm đắm; thân thể béo ú phải vịn nương. Đó gọi là bệnh! Muốn làm giàu thì phải kiếm lợi, nên có đầy đủ mà bít tai [không nghe lời đàm tiếu] và không biết tránh né; cứ bám vào đó mà không buông xả. Đó gọi là nhục! Tiền tài tích chứa cho đầy mà không dùng hết, canh cánh trong lòng không buông xả; lòng đầy phiền não; mong ích lợi mãi không thôi. Đó gọi là ưu phiền! Lại lo trong nhà có trộm đạo và bọn cướp bên ngoài đánh vào; nên trong nhà thì làm cửa nẻo có lưới bao bọc; còn ra ngoài thì không dám đi một mình. Đó gọi là sợ hãi!

Sáu điều đó [loạn, khổ, bệnh, nhục, ưu phiền, sợ hãi] là hết sức nguy hại trong thiên hạ, nhưng họ đều quên mà không biết xem xét; cho đến lúc hoạn nạn lại mong đánh đổi hết tất cả để mong một ngày yên ổn cũng không được. Cho nên xét về danh thì không thấy, xét về lợi thì không được. Tâm thần mê loạn, gắng sức để tranh giành đến nỗi như vậy, chẳng phải là lầm lẫn hay sao?»  [Trang Tử, Đạo Chích] 

81. Trang Tử trả lời: «Khi vua Tần bị bệnh, thái y được vua triệu đến phá một cái ung hay nặn một cái mụn thì được một cỗ xe; ai liếm trĩ của vua thì được năm cỗ xe. Cách trị càng hèn hạ thì càng có nhiều xe.» [Trang Tử, Liệt Ngự Khấu]

82. Ngày xưa gọi là ‘đắc chí’ chẳng phải là việc có chức tước và bổng lộc; mà là không làm tăng niềm vui cho mình nữa. Ngày nay gọi là ‘đắc chí’ chính là việc có chức tước và bổng lộc. Nhưng chức tước và bổng lộc thuộc về thân xác; chẳng liên quan gì đến tính mệnh ta. Ngoại vật ngẫu nhiên đến, chỉ là tạm thời; vì tạm thời nên khi chúng đến ta không chế ngự chúng được và khi chúng đi ta không ngăn chận chúng được. Do đó, chúng ta không nên vì chức tước bổng lộc mà khoái chí, cũng đừng vì cùng khốn mà buông theo thói đời.[Trang Tử, Thiện Tính]

83. Dương Chu nói: «Làm việc thiện không phải vì danh, mà danh sẽ đi theo nó; danh không mong lợi, nhưng lợi sẽ quy tụ về; lợi không mong tranh chấp, nhưng tranh chấp sẽ đến; do đó bậc quân tử phải thận trọng khi làm việc thiện.» [Liệt Tử, Thuyết Phù]

HỌA PHÚC  禍 福 – SINH TỬ  生 死

84. Họa là chỗ dựa của phúc; phúc là chỗ dựa của họa. Nào ai biết đâu là điểm cực hạn? Không có sự công chính sao? Công chính rồi lại thành gian tà; thiện rồi trở thành ác. Con người u mê đã quá lâu rồi! Cho nên thánh nhân tuy vuông vức mà không hại ai, tuy góc cạnh mà không tổn thương ai, tuy ngay thẳng nhưng không khắc nghiệt với ai, tuy sáng rỡ nhưng không chói lòa mắt ai. [Đạo Đức Kinh, chương 58]

85. Không có họa nào lớn bằng không biết đủ. Không có rủi nào lớn bằng tham cầu. Cho nên hễ biết đủ thì người ta sẽ luôn đầy đủ vậy. [Đạo Đức Kinh, chương 46]

86. An và nguy biến đổi qua lại; phúc và họa nối tiếp nhau.  [Trang Tử, Tắc Dương]

87. [Thánh nhân] không là nguyên do tạo phúc hay gây họa.  [Trang Tử, Khắc Ý]

88. Phúc nhẹ như lông hồng mà không ai biết mang; hoạ nặng như đất mà không ai biết tránh. [Trang Tử, Nhân Gian Thế]

89. Họa và phúc [ra vào] cùng một cửa; lợi và hại là láng giềng của nhau.  [Hoài Nam Tử, Thuyên Ngôn Huấn]

90. Chỉ ai không cầu lợi mới không bị hại; chỉ ai không cầu phúc mới không bị họa. [Hoài Nam Tử, Thuyên Ngôn Huấn]

91. Hoạn nạn phát sinh do dục vọng nhiều; tai hại phát sinh do không phòng bị.  [Hoài Nam Tử, Mậu Xưng Huấn]

92. Săm soi cá ở vực sâu sẽ không tốt lành; biết rõ chuyện kín của thiên hạ sẽ gặp tai họa.  [Liệt Tử, Thuyết Phù]

93. Không cái hoạ nào bằng cái chết; không cái phúc nào bằng sự sống. Cho nên, danh tiếng là cái túi chôn ta; vô danh là chỗ nuôi ta; tài hoá là cái hại thân ta; không có tài hoá là cái phúc để nuôi thân ta. [Vân Cấp Thất Thiêm, Thất Bộ Danh Giáo Số Yếu Ký]

94. Hễ sinh ra là bắt đầu chết. Có 13 nguyên do sống và chết. Con người sinh ra liền bị 13 nguyên do khiến phải chết. Tại sao thế? Vì con người muốn sống cho hết mức. [Đạo Đức Kinh, chương 50]

95. Phúc chuyển thành họa, họa chuyển thành phúc, chúng chuyển hoá khôn cùng. [Hoài Nam Tử, Nhân Gian Huấn]

96. Giữ của cải phi nghĩa [để làm giàu] cũng giống như dùng thịt độc rượu độc để đỡ đói đỡ khát, nhưng chẳng tạm no lòng mà khiến cái chết xảy đến cho mình.  [Bão Phác Tử Nội Thiên, Vi Chỉ]

97. Khi sống [thể chất] người ta mềm yếu; lúc chết thì [thi thể] cứng đơ. Vạn vật và thảo mộc khi sống thì mềm yếu; lúc chết thì khô héo. Cho nên cứng mạnh cùng một bọn với chết; mềm yếu cùng một bọn với sống. [Đạo Đức Kinh, chương 76]

98. Sống và chết là số mệnh; sự kế tục mãi mãi giữa ngày và đêm là do trời. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

99. Hễ ta có được hình hài rồi thì đến khi chết ta mới mất nó. Khi thân ta và ngoại vật va nhau hay cọ xát nhau, nó vận động hết mức như ngựa phi mà không gì cản nổi. Không buồn sao được! Suốt đời mãi vất vả mà chẳng thấy thành công, lại còn khốn đốn mỏi mệt, không biết về đâu. Đáng thương quá! Người ta cho rằng họ không chết, [nhưng sống mà như thế] liệu có ích gì? Khi hình hài lão hoá, tinh thần cũng suy theo. Không phải là quá buồn hay sao? Một kiếp người khó nói là có ngu muội hay không. Hay chỉ riêng tôi ngu muội, còn kẻ khác thì không? [Trang Tử, Tề Vật Luận]

100. Tâm con người lúc gần chết thì không có gì khiến nó hồi dương được nữa. [Trang Tử, Tề Vật Luận]

101. Trời đất cho ta hình hài, cho ta sống để lao nhọc, cho ta già để an nhàn, cho ta chết để an nghỉ. Cho nên sự sống của ta là tốt thì cái chết của ta cũng tốt. […] yểu hay thọ, sinh hay tử đều tốt. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

102. Đời người giữa cõi trời đất khác nào bóng câu qua khe cửa, thoắt hiện thoắt mất. Vạn vật đột nhiên xuất hiện rồi đột nhiên quay vào. Do chuyển hoá mà sinh ra, rồi lại do chuyển hoá mà chết. Sinh vật lấy đó mà buồn rầu; con người lấy đó mà đau khổ. Cái chết chẳng qua là sự giải thoát khỏi sự bó buộc (như lấy cái cung ra khỏi bao cung hay lấy đồ vật ra khỏi cái túi trời). Khi chết, người ta phân vân hoảng loạn; hồn phách xuất đi và thân xác cũng chết theo. Chết là chuyến trở về quê cũ rất vĩ đại đấy thôi! [Trang Tử, Tri Bắc Du]

103. Làm sao tôi biết ham sống chẳng phải là mê lầm? Làm sao tôi biết ghét chết chẳng phải là tâm trạng của đứa trẻ đang trở về nhà mà cứ tưởng mình bị lạc đường? Nàng Lệ Cơ – con gái quan trấn biên cương đất Ngải (của nước Lệ Nhung) mà vua Tấn Hiến Công cướp về làm thiếp – đã khóc ướt đẫm vạt áo. Đến khi về cung vua, cùng vua vui hưởng giường chiếu êm ấm và các món thịt thà ngon béo, bấy giờ nàng mới tiếc cho những giọt lệ ngày trước. Làm sao tôi biết kẻ chết không hối tiếc trước kia đã từng ham sống? [Trang Tử, Tề Vật Luận]

104. Họ coi sự sống [nặng nề] như cái bướu dính vào thân lâu ngày, và xem cái chết [thoải mái] như cái ung nhọt bị vỡ. Nếu quả đúng như vậy, làm sao họ biết được giữa sống và chết cái nào có trước cái nào có sau? [Trang Tử, Đại Tông Sư]

105. Sự sống tiếp nối cái chết và cái chết khởi đầu sự sống, nhưng nào ai biết qui luật của chúng? Đời người chỉ là sự tích tụ của khí. Khí tụ lại thì ta sống, khí phân tán thì ta chết. Đã biết sống và chết tiếp nối nhau, ta còn lo lắng chi? Do đó vạn vật cùng một thể. [Trang Tử, Tri Bắc Du]

106. Ai có thể xem hư vô là đầu, sự sống là xương sống, cái chết là mông đít? Ai mà biết được sống-chết và còn-mất chỉ là một thì người đó là bạn của ta. [Trang Tử, Đại Tông Sư]

107. Ai hiểu được con đường bằng phẳng rồi thì khi sống không cảm thấy vui mà lúc chết cũng không cho là tai họa. Họ biết rằng kết thúc (tử) và khởi đầu (sinh) nào có cố định đâu. [Trang Tử, Thu Thủy]

108. Chết và sống cũng là vấn đề lớn.  [Trang Tử, Đức Sung Phù]

109. Con người khi sinh ra là sinh cùng với ưu sầu.  [Trang Tử, Chí Lạc]

110. Người đời đều biết sống là vui mà chưa biết sống là khổ; đều biết già là suy nhược mà chưa biết già là an vui; đều biết cái người ta ghét là chết mà chưa biết chết là nghỉ ngơi. Án Tử nói: «Tốt thay, từ xưa [đến nay] đã có cái chết, để người nhân đức được nghỉ ngơi và khiến kẻ bất nhân phải chịu báo ứng.» Cái chết là cái đạt được sau cùng. Người xưa gọi kẻ chết là «qui nhân» (người trở về). Đã gọi kẻ chết là «qui nhân» ắt kẻ đang sống là «hành nhân» (kẻ lữ hành). Bôn ba tha phương không biết quay về, tức là kẻ mất nhà. Nếu chỉ có một người mất nhà, người đời sẽ chê hắn là sai; nhưng nếu cả thiên hạ đều mất nhà, nào ai biết là sai?  [Liệt Tử, Thiên Thụy]

111. Con người từ khi sinh ra đến lúc chết phải trải qua bốn sự chuyển hoá lớn: ấu thơ, trưởng thành, tuổi già, chết. Người ta khi ấu thơ, tâm chí chuyên nhất, khí huyết thông sướng, đạt tới sự hài hoà cao nhất, nên ngoại vật không làm hại được, đức không phải thêm. Người ta khi trưởng thành, khí huyết rất mạnh, ham muốn và tư lự nhiều, nên bị ngoại vật tác động, đức vì thế mà suy. Người ta khi già, ham muốn và tư lự bớt đi, thân thể suy nhược, ngoại vật không tranh hơn, tuy chưa thuần chân hoàn toàn như hồi ấu thơ nhưng cũng ngang với giai đoạn ấu thơ và trưởng thành. Người ta khi chết, tức là nghỉ ngơi, trở về nơi cuối cùng.  [Liệt Tử, Thiên Thụy]

112. Phải sống mà sống hoặc phải chết mà chết, đó đều là phúc trời. Dở sống dở chết, đó là sự trừng phạt của trời. Có thể sống, có thể chết, được sống, được chết, điều đó có xảy ra. Không thể sống, không thể chết, hoặc sống, hoặc chết, điều đó có xảy ra. Sống hay chết, không phải là do ngoại vật khiến vậy hay do bản thân muốn vậy, mà đều là do số mệnh. Biết thế mà chẳng làm gì được. Cho nên nói: mịt mờ không ranh giới, qui luật tự nhiên tự tụ hội, tĩnh lặng không phân biệt, qui luật tự nhiên tự vận chuyển. Trời đất không thể mạo phạm nó, trí tuệ thánh nhân không thể can thiệp nó, quỷ quái không thể khinh thường nó. Qui luật tự nhiên thanh tĩnh mà tạo thành vạn vật; an bình, yên ổn mà không gì không làm; thuận ứng vạn vật không chút sơ sót. [Liệt Tử, Lực Mệnh]

113. Không phải vì ta quý sự sống mà ta sống; không phải vì ta yêu cái thân này mà nó mạnh. Không phải vì ta tởm cuộc sống mà ta chết non; không phải vì ta khinh cái thân này mà nó yếu. Cho nên có khi ta quý sự sống mà không sống, có khi ta tởm nó mà không chết; có khi ta yêu cái thân mà nó không mạnh, có khi ta khinh nó mà nó không yếu. Điều này tưởng nghịch lý nhưng lại không. Nó tự sống tự chết, tự mạnh tự yếu. Có khi quý sự sống mà sống, tởm nó mà chết; yêu thân mà mạnh, khinh nó mà yếu. Điều này tưởng thuận lý nhưng lại không. Nó cũng tự sống tự chết, tự mạnh tự yếu. Chúc Hùng bảo Văn Vương: «Muốn dài vị tất đã dài, muốn ngắn vị tất đã ngắn, tính toán mà có làm được gì đâu.» Lão Tử bảo Quan lệnh Doãn Hỉ: «Cái mà trời ghét, nào ai biết duyên cớ?» Ý nói ta phải đón trước thiên ý, suy xét lợi hại mà không theo cách thức chúng đã xảy ra. [Liệt Tử, Lực Mệnh]

114. Con người khi sống thì thương xót nhau, khi chết thì làm đau lòng nhau. [Liệt Tử, Dương Chu]

❁❁❁
Hàn Sinh tuyển
Lê Anh Minh dịch 

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x