Trang chủ » Chúng ta đang tìm kiếm điều gì?

Chúng ta đang tìm kiếm điều gì?

by Hậu Học Văn
153 views

Điều quan trọng là mỗi người nên nhận hiểu chín chắn đối tượng của công cuộc tìm kiếm nội tâm mình. “Tìm kiếm”, đối với nhiều người, thường mang một giá trị phi thường. Ngoài cái nghĩa lý tự điển của danh từ này, hành động “tìm kiếm” ngụ ý về một sự vận hành từ vòng ngoài vào trung tâm. Bản chất của cuộc thâm nhập vào bên trong ấy tùy thuộc ở các tính khí, ở những cưỡng chế cùng những áp lực xã hội, ở những tai ương cùng những khổ nạn của đời sống, ở vô số những cố gắng kéo theo kinh nghiệm về chính sách. Tất cả những động lực, yếu tố đó bắt buộc phải “tìm kiếm”. Nếu không có những áp lực, những tai ương cùng những khổ nạn, tôi tự hỏi không biết trong chúng ta có mấy người chịu nghĩ đến việc thực hiện công cuộc tìm kiếm nội tâm.

“Tìm kiếm”, phải thế không, là dò dẫm với hy vọng khám phá một cái gì. Sáng này, tôi đọc thấy trong tự điển, nghĩa lý của danh từ ấy. Nó có nghĩa là đi quanh và tôi tự hỏi không biết người ta đi quanh cái gì, người ta tra hỏi, tìm kiếm với hy vọng gì và không biết có bao giờ người ta tìm thấy được điều gì không. Hay chẳng qua, đó chỉ là một ước vọng mơ hồ, thoáng qua, thay đổi tùy theo hoàn cảnh, tính khí cùng những nỗi vui sướng và khổ đau của từng người.

Chúng ta có nói mãi về những công cuộc tìm kiếm nội tâm của ta. Thế nghĩa là gì? Nghĩa là từ vòng ngoài ta dần dần thâm nhập vào trung tâm tùy theo tính nết, sở thích của ta và những áp lực của hoàn cảnh, tựa như ta đi từ cửa hàng này sang cửa hàng khác, cố chọn lựa quần áo, để rồi cuối cùng chọn lấy bộ đồ vừa vặn và đẹp ý ta hơn hết. Khi các ngài bảo là mình “tìm kiếm” ý các ngài muốn nói thực ra, là thí nghiệm những ý niệm, những công thức, những khái niệm khác biệt, đi từ tôn giáo này sang tôn giáo nọ, từ vị đạo sư này sang vị đạo sư kia, cho đến khi nào ngài tìm gặp được một điều gì vừa ý, thích hợp với tính khí và những sắc thái riêng biệt của Tây phương. Nếu các ngài không thích những gì tìm gặp ở Tây phương, thì các ngài liền quay sang Đông phương với nền triết học cổ xưa và phức tạp, với vô số đức thầy và đạo sư cần phải chọn lựa ở đó, rồi các ngài sa lầy vào một ao tù tư tưởng hạn hẹp, ngỡ rằng mình đã chứng đạt một thực tại vĩnh cửu gì rồi. Hoặc nếu không làm thế, các ngài trở thành tín đồ Công giáo thực là nhiệt nồng hơn hay tín đồ của thuyết Hiện sinh… Có biết bao nhiêu là chủ thuyết trong thế gian này!

Theo tôi, không có Đông phương, Tây phương gì hết. Tâm trí nhân loại không đông tây gì cả. Dù uyên nguyên của chúng thế nào đi nữa, cả thảy mọi thần thuyết cũng như triết thuyết đều thiếu sự già dặn trưởng thành. Toàn là những sự bày đặt. Con người vì bị tù hãm trong những ngục thất tự tạo, liền đâm ra tin tưởng vài điều nào đó, rồi họ tạo dựng chung quanh những tin tưởng này, những thần thuyết và phóng hiện ra những triết thuyết kỳ dị. Các nhà thần học hay các triết gia càng khéo léo thì càng được đại chúng, độc giả, đệ tử dễ dàng chấp nhận.

Nhưng nơi đây chúng ta có làm như vậy không? Các ngài đến nghe tôi trong đôi ba tuần lễ, và nếu những gì tôi nói không thoả mãn các ngài, không đáp ứng những gì các ngài mong muốn, thì các ngài liền tìm đến giáo chủ khác hay các ngài chấp nhận một triết thuyết khiến các ngài thoả mãn hơn. Thế thì bao lâu các ngài chưa cắm đầu bị cuốn hút vào một dòng sông tư tưởng nhỏ mọn nào đó, thì các ngài sẽ cứ tiếp tục loanh quanh mãi, để rồi một ngày nào đó, có lẽ các ngài sẽ trở lại để tái diễn cái vòng luẩn quẩn.

Thiết tưởng các ngài cần phải thấu hiểu hiện tượng lạ lùng này ở Đông như ở Tây: sự việc hết bắt cái này sang cái khác, cứ lựa chọn mãi. Ý tôi muốn nói là chúng ta phải nhận thức thật rõ, thấy thật rõ ngay trong tâm chúng ta, xem chúng ta tìm kiếm gì, lý do của sự tìm kiếm và xem có cần thiết phải tìm kiếm không. Mọi vận dụng như vậy đều ngụ ý sự di động từ vòng ngoài vào trung tâm, từ những hoàn cảnh vào đến nguyên nhân phát sinh chúng, từ ở bề mặt vào tận căn nguyên cuộc sống. Chúng ta di động từ ngoại cảnh lần vào nội tâm, hy vọng khám phá được một cái gì chân thực, sâu mầu, cốt yếu, tối trọng. Trong sự tìm kiếm đó, chúng ta phấn đấu để thực hành những phương pháp và cách thức khác nhau, chúng ta tự hành hạ đày ải mình bằng những giới luật, thành thử suốt đời ta luôn luôn bị thống khổ thảm thương, tâm thức hầu như bị tê liệt, bại xuội.

Tôi e rằng đó là trường hợp của phần đông chúng ta. Ta di động từ vòng ngoài vào trung tâm, bởi vì, muốn biết làm thế nào để được hạnh phúc, muốn biết chân lý là gì, muốn biết Thượng đế và cái vĩnh cửu có hay không, nên ta cứ tranh đấu không ngừng để rập khuôn, để bắt chước, để tuân hành, để hành hạ đày ải tâm và trí ta bằng những giới luật, đến một lúc nào đó trong ta không còn gì là độc đáo, là chân, là thực nữa. Cuộc sống chúng ta như vậy đó. Hễ sự khổ não, cái áp lực cùng cái hằng sống ở vòng ngoài càng mãnh liệt thì ta lại càng muốn hướng vào trung tâm.

 

Nhưng có cách nào ngự ngay vào trung tâm tức thời và để rồi từ đó triển nở ra mà không cần phải tranh đấu để đạt đến đó không? Các ngài hiểu câu hỏi của tôi chứ? Trong bao triệu năm rồi, chúng ta đã tranh đấu để đi từ ngoài vào trong nhằm mục đích khám phá thực tại. Ta vừa thấy những gì bao hàm trong tiến trình ấy và tôi tự cho tiến trình ấy là phi lý. Tại sao tôi phải hành hạ đày ải tôi chứ? Tại sao tôi phải sao y, bắt chước, vâng lời? Không thể nào khám phá cái trung tâm ngự ngay trong đó và từ đó khởi đi triển nở thay vì hành trình ngược lại sao? Theo tôi làm cuộc hành trình đảo nghịch lại là tuyệt đối vô ích. Tôi hoàn toàn bác bỏ cuộc hành trình đó. Tôi từ chối sự đày ải hành hạ và từ chối làm đệ tử cho bất cứ ai. Tôi từ chối, không đọc một cuốn sách triết nào cả và không thèm mài giũa tâm trí bằng những lý luận tế nhị: tâm trí đã đủ sắc bén bởi tham vọng, bởi những âu lo, thất vọng và những tàn bạo của cuộc sống. Tôi từ chối mọi phương pháp, mọi pháp môn tu luyện, hay theo hầu một vị đạo sư, một đức thầy, một đấng cứu thế, từ chối bỏ tất cả những gì thuộc lãnh vực đó.

Tôi đang tư tưởng to lên bằng lời, không những cho chính tôi mà cũng để làm sáng tỏ vấn đề, hầu các ngài và tôi có thể cùng đồng cảm cảm thông với thực tại, thay vì cứ tiếp tục vùng vẫy mãi mãi trong những phản ứng có khuynh hướng đem ta từ ngoài vào trong. Tôi đang thể hiện thành ngôn từ những điều mà có thể các ngài cảm nhận trong những lúc hiếm hoi, khi mà các ngài đã mệt mỏi chán ngấy tất cả: chán ngấy những giáo hội, những chính khách, những ngân hàng, những ti tiện nhỏ mọn trong các mối tương giao về gia đình của các ngài, chán ngấy cái tẻ nhạt trong những bận rộn của công ăn việc làm, chán ngấy những cái xuẩn động ngu muội của đời sống làm nhơ nhớp phẩm giá con người. Đã kéo lê cuộc sống hai mươi năm hoặc dai dẳng hơn nữa để ngày lại ngày đến sở làm hay lo bếp núc, hay để hết sinh đứa con này lại sinh đứa khác, đã sống những niềm vui cùng nỗi buồn và thất vọng vì sa lầy trong sự tục tằn bần tiện ấy, hẳn đôi khi các ngài cũng đã tự hỏi có thể nào bỗng chốc, một cách bất ngờ, tìm thấy được cái cội nguồn uyên nguyên, tìm thấy chính ngay cái yếu tính của sự vật, mà nảy nở, không bao giờ cần phải đọc một quyển sách nào cả, nghiên cứu một triết thuyết nào cả, không cần phải sùng thượng một hình ảnh, một đấng cứu rỗi nào cả, bởi vì bất kỳ các ngài nhìn đâu, cái trung tâm ấy vẫn hiện diện ở đó, để rồi từ đó mọi hành động, mọi tình thương, tất cả những gì là hiện thực, đều phát hiện.

Sự kiện hiển nhiên là với lòng tham lam với tính ganh ghét, với ý hướng chiếm hữu, với những nỗi sợ hãi, với mối xúc động, với những niềm vui thoáng qua cùng những nỗi thoả mãn mê mờ của ta, ta vẫn còn là những con vật: những con vật tiến hoá cao độ. Khi ta quan sát thú vật, ta thấy rằng chúng cũng có cùng những mối xung động như ta. Những loài khỉ vượn giả nhân cũng biết ghen tuông và cũng có những khó khăn trong đời sống vợ chồng. Chúng tập hợp thành đoàn – ban đầu là đơn vị gia đình, kế đó thành bộ lạc y như chúng ta và có người bảo là rồi ngày nào đấy loài khỉ vượn này có thể ngồi vào Liên Hiệp Quốc như nhân loại vậy! Một sự kiện hiển nhiên là tính nết, sự sủng ái, lòng can đảm, nỗi sợ hãi, những cuộc chiến tranh những cái gọi là hoà bình cũng những cuộc tranh đấu của ta đều trỗi dậy từ cái hậu trường thú vật đó. Xin các ngài đừng cãi lẫy với tôi về vấn đề này: đấy là ý kiến của các nhà sinh vật học và các nhà nhân loại học, nếu các ngài cần kể ra những người có uy tín.

Có thể nào thoát ly tất cả những điều đó, không phải thoát ly trong một tương lai gần gũi, không phải thoát ly dần dần, nhưng là ta có thể nào chặt đứt ngay bằng một nhát, cái hậu trường thú vật ấy, dứt tuyệt nó, để rồi tạo dựng một nền luân lý đạo đức, một năng khiếu thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt hẳn không? Điều hiển nhiên là muốn sống chung với nhau, chúng ta cần phải có một nền đạo đức và một cách thế cư xử trong xã hội, nhưng nền đạo đức hiện nay của ta, phẩm hạnh của ta, các khái niệm tạo thành những công thức của đời sống thường nhật của ta, vốn mang đầy tính cách thú vật, dù rằng chúng ta không muốn nhìn nhận điều đó. Chúng ta thích nghĩ rằng bởi vì chúng ta có chút ít khả năng hơn, có hiệu năng hơn, có nhiều sáng kiến phát minh hơn loài khỉ, nên ta “người” hơn. Nhưng chính loài khỉ cũng biết dùng dụng cụ để cầm lấy đồ vật và vẫn có óc phát minh. Giữa chúng và chúng ta khác nhau rất ít.

Chúng ta nhận thấy sự tác động phi thường của thú vật và sự tác động không kém phi thường của tâm trí nhân loại khi nhân loại khao khát thèm muốn được an toàn, không những trong thế giới vật chất mà cả thế giới tâm lý nữa và ta thấy rằng khát vọng ấy do bản năng thú vật mà ra. Nhưng đồng thời con người muốn tìm thấy một cái gì chân thật, độc đáo, một trạng thái vô cấu, bất nhiễm. Có thể nào tìm gặp tâm thái ấy một cách độc đáo, một trạng thái vô cấu, bất nhiễm. Có thể nào tìm gặp tâm thái ấy một cách đột nhiên, không cần phải chuẩn bị, tìm kiếm không? Bởi vì cái đẹp không thể vun trồng đào luyện được: tình thương cũng thế, ta phải “rơi vào” nếu có thể nói như thế, như ta tình cờ “rơi vào” một phong cảnh mà ta chưa hề bao giờ thấy: nó ở đó, một cách đột nhiên, trước mắt ngài, phong phú và sống động tràn đầy, rồi ta hoà đồng và từ đó, ta sống, ta hành động, ta [1] “ngộ”. Không làm một cố gắng nào cả, không khắc kỷ, không tìm kiểm soát, không cưỡng chế câu thúc bản thể bên ngoài của các ngài để rập khuôn, để bắt chước thì bỗng dưng các ngài thấy mình đối diện ngay với mạch sống, với cái nguồn cội uyên nguyên của mọi cuộc sống, và vì đã uống nên nguồn mạch đó, nên bản thể thâm sâu thấy rằng mình đã luôn luôn sống trong đó và đang sống trong đó tự bao giờ. Sự thể đó có thể có được không?

Tôi sẽ vạch cho các ngài thấy cái tầm mức quan trọng, cần thiết phải thực hiện cho được hành động đó. Nếu các ngài chấp nhận thời gian – hôm qua, hôm nay, ngày mai – tất nhiên các ngài phải bị vướng mắc trong cái tiến trình bại hoại, bởi vì các ngài luôn luôn phóng mình về ngày mai thành thử luôn luôn có cái hôm qua qui định hôm nay. Vậy thì cái quan năng tư tưởng, nguyên là kết quả của bao nhiêu thế kỷ dài dằng dặc, phải quên bặt thời gian. Các ngài theo dõi tôi chứ? Quan năng ấy phải gạt yếu tố thời gian sang một bên, bằng không nó bị tù hãm trong màn lưới của thời gian, của những cuộc tranh đấu để thành đạt, để trở nên, để đến đích mà thế chỉ tổ đưa nó đến đau khổ, khốn cùng, tan vỡ.

Thế thì ta có thể làm gì? Tôi muốn khám phá tức thời cái chân thật, tôi không muốn chờ đợi ngày mai ngày mốt, không chờ đợi một giây phút nào cả, tôi muốn ngự ngay “ở đó”. Tôi nóng nẩy không chờ đợi được. Tôi không màng thiết đến thời gian, đến ý niệm rằng tôi sẽ thực hiện ở cuối mức kiếp sống này hay vạn kiếp sống nữa, theo tôi, ý niệm ấy thật là trẻ con, một sáng chế của những tâm trí lười biếng, rối loạn do thất vọng. Tôi muốn thật tỉnh thức sao cho hễ mở mắt, mở tâm, mở trí ra là chân lý có “ở đấy” rồi, và từ “đấy”, tôi hành động, tôi sống, tôi vui hưởng những vẻ đẹp trần thế.

Bây giờ chúng ta nói đến cái vật mà tuyệt đối không thể sao chép được. Vật ấy, tôi muốn khám phá nó và tôi hy vọng các ngài cũng khám phá nó cùng với tôi. Nhưng nếu các ngài chỉ biết bằng lòng theo dấu tôi thôi, là các ngài lạc mất hướng.

 

Dù các tính khí có khác biệt, song tất cả mọi chuyển động từ vòng ngoài vào trung tâm đều là tích cực. Đó là sự tìm kiếm cố ý, một phản ứng phát sinh do lòng ham muốn tìm thấy, tất nhiên bao hàm có giới luật, có bắt chước, có vâng lời, có thực hành một phương pháp. Tất cả điều đó tạo thành cái tiến trình tích cực, hay ít ra cái mà các ngài gọi là tích cực.

Các ngài hãy lắng nghe với một tâm trạng thật giản dị, trong tâm các ngài đừng biện luận chi cả, rồi các ngài sẽ thấy điều trình bày là chân thật khi chúng ta tiến tới trong câu chuyện. Tôi không tìm cách mê hoặc các ngài hoặc tuyên truyền đâu: việc ấy ngu muội lắm.

Ta có thể nhận thấy sự vận dụng tích cực ấy và tất cả ý nghĩa của nó, nhận thấy nó ngay trong hiện tại, tức thời, miễn là ta đừng thấy bằng cái thấy lơ đễnh, miễn là đừng có ý nghĩ rằng để rồi sau này ta sẽ thấy nó rõ hơn, sẽ nghĩ về nó trong ngày mai ngày mốt. Nhìn thấy sự vận dụng tích cực này là nhìn thấy nó ngay tức thời, trong hiện tiền, thế là nó liền ngưng dứt trọn vẹn, ta không cần phải làm gì cả để ngưng dứt nó, không cần phải có một hành vi hữu ý, không cần phải có lý do hay cố ý tìm kiếm nhằm thu đạt một kết quả. Ta nhận thấy tính cách trẻ con của sự vận dụng tích cực này, thấy cái tính cách vô hiệu hoàn toàn của nó cùng với những đạo sư, những giáo hội, những thần thuyết, những nhà phát minh ra lý tưởng của nó, thế là tất cả đều rơi đi bởi vì ta nhận thấy sự thật này: không một vận dụng tích cực nào từ vòng ngoài hướng vào trung tâm mà đạt tới trung tâm được. Sự vận dụng ở bề mặt nỗ lực nhằm trở nên thâm sâu, bao giờ cũng vẫn là ở bề mặt. Nhìn thấy sự kiện này với một cái nhìn sắc bén và cực kỳ sáng suốt lúc bấy giờ ta đã bắt đầu thấu hiểu cái vẻ đẹp của sự vận dụng tiêu cực của tâm trí, không phải là tiêu cực phản nghịch lại tích cực mà là thứ tiêu cực hiện sinh khi ta đã thấu hiểu ý nghĩa đích thực của tất cả sự vận dụng tích cực. Bấy giờ ta không còn bị tù ngục trong sự vận dụng tích cực nữa, ta nằm trong một trạng thái tiêu cực vô niệm, nghĩa là vì đã thấu hiểu chân lý của những công cuộc chạy đuổi đó, tâm trí ngừng lại, không nhúc nhích, xao động nữa, do đó ta có thể nói là tâm trí nằm trong một trạng thái tiêu cực, các ngài hiểu không?

Tôi xin trình bày cách khác: Riêng cá nhân tôi, tôi chưa bao giờ đọc một cuốn sách nào đề cập các vấn đề này và tôi cũng không muốn đọc, các vấn đề đó không làm tôi quan tâm vì tôi đã thấy ngay trong tôi toàn thể cả nhân loại, không phải thấy một cách huyền bí, văn hoa bay bướm hay có tính cách biểu tượng mà thấy bằng sự kiện thật. Tôi là các ngài và là thế giới. Trong là tất cả kho tàng của thế giới và muốn khám phá kho tàng đó, tôi chỉ cầu thấu hiểu chính tôi và vượt qua chính tôi. Nếu tôi không tự giác, tôi không có lẽ sống, không có thực chất, tôi chỉ là một thực thể rối loạn, và càng tìm kiếm, càng nghiên cứu và càng rập khuôn bắt chước, tôi càng sống trong hỗn loạn, càng nô lệ vào các nhà lãnh đạo tinh thần, vào tính khí cùng những dục vọng của tôi và cái trạng thái hỗn loạn trong tôi càng gia tăng.

Do đó tôi thấy cái hành động tự giác trọn vẹn, không cố gắng, nghĩa là không đặt hành động đó thành vấn đề, thật là quan trọng biết bao. Muốn tự giác, muốn thấu hiểu chính tôi, tâm trí tôi không cần phải làm một vận dụng tích cực để sửa sai hay không sửa sai những gì nó thấy chi cả. Như tôi đã nói hôm trước, cái tâm hữu thức cũng như cái tâm vô thức không có giá trị bao nhiêu và tôi phải thấu hiểu cái tính cách vô giá trị này. Tôi phải thấu hiểu tức khắc để cái tâm vô thức không còn lừa đảo, không còn phóng hiện ảo giác, dục vọng bí mật, lợi dụng lúc tôi lơ đễnh nữa mà sự lơ đễnh này rồi lại trở thành vấn đề.

Các ngài theo dõi những điều đó chứ? Tôi thấy rằng muốn thấu hiểu chính tôi, tôi cần phải có cái tâm thức không bị nhiễm bởi bất cứ ảnh hưởng nào, không có bất cứ dụng và cử động nào, một tâm thức trống rỗng mọi hành vi tích cực. Với cái tâm thức sáng suốt đó, tôi nhìn vào nội tâm tôi, chính cái nhìn này giải trừ chỗ hư ngụy của cái “tôi”.

Không phải tôi đang sáng chế một triết thuyết và, xin lạy trời, các ngài chớ bảo đây là một quan điểm Đông phương. Các ngài hãy tránh tất cả những sự nông nỗi ấy. Tôi không thể hiện cái tính khí của một người trót sinh trong một xứ sở nắng cháy thiêu đốt làm nạm xám màu da. Vì cái nóng cháy ấy, vì sự lười biếng uể oải do sự nóng bức và vì nỗi bần hàn, nên nhiều người đã thâm nhập vào nội tâm họ để rồi do đó viết thành những triết thuyết, sáng chế những tôn giáo, những thần thánh cùng nhiều thứ rắc rối vô ích khác. Hãy dành những cái đó cho họ. Tôi không đề cập đến chúng. Điều tôi trình bày không phải thuộc Đông Tây, không phải có tính cách cá nhân hay phổ biến chi cả, tôi nó về chân lý của một tâm thái mà đột nhiên ta có thể ngự ngay trong đó, khi tâm thức không còn bị thôi thúc bởi ước vọng được thoả mãn, khi tâm thức không còn tìm kiếm kinh nghiệm nữa. Không ai dạy cho ta tâm thái đó, chính ta phải bắt gặp nó, hành động này đòi hỏi nhiều năng lực. Mà nói đến năng lực là tôi cố ý nói đến sự vận dụng tất cả sức chú tâm của chúng ta không một chút lơ đễnh xen tạp vào. Kỳ thực thì sự lơ đễnh không có. Cái ta gọi là lơ đễnh chỉ là sự không chú ý. Không phải thế sao?… Tôi thích có người không đồng ý về điểm này.

Cái gọi là lơ đễnh thật sự có không? Khi ban ngày, tôi nhìn quanh tôi, tư tưởng rải rác đây đó, nhảy nhót trên nhiều vấn đề khác nhau, nếu các vấn đề ấy di chuyển lôi kéo tôi ra khỏi con đường đi của mình, lôi kéo tôi ra khỏi cái trung tâm mà cái tôi ngự trị trong đó, tôi gọi như thế là lơ đễnh, nhưng nếu không có một trung tâm nào cả, không có một đường hướng qui ngã nào cả thì cũng không có sự lơ đễnh.

Sự kiện đó thật là quan trọng mà ta phải thấu hiểu. Nếu các ngài thấu hiểu một cách sáng suốt nội một sự kiện ấy, các ngài sẽ thấy rằng tất cả mọi nỗ lực của các ngài nhằm để tập trung, và do đó khiến phát sinh xung đột, đều tan biến trọn vẹn, và bấy giờ không còn có sự lơ đễnh nữa. Nhìn trời mây, ngắm khuôn mặt khả ái của một đứa trẻ, nghe tiếng thác đổ nhanh và tiếng động xé không gian của một phản lực cơ đang lướt nhanh trên đầu các ngài, quan sát người đời, quan sát các chính khách, các vị cố đạo, lắng nghe chính tâm và trí mình, nhận thức được những đòi hỏi thúc bách cùng những thất vọng của các ngài tất cả những cái đó từ cái nhìn trời mây cho đến cái nhìn vào nội tâm các ngài, tất cả đều không có gì là lơ đễnh cả, vì mỗi mỗi yếu tố đó đều dự phần tạo thành cái toàn thể. Chỉ có thể nhận thấy được cái toàn thể này nếu sự chú tâm được vận dụng trọn vẹn và sự chú tâm trọn vẹn bị chối bỏ nếu ta chấp nhận quan niệm về lơ đễnh. Ồ! Các ngài hãy nhận thức điều đó!

Khi sự chú tâm được trọn vẹn thì không có gì được coi là lơ đễnh cả. Những đòi hỏi về xác thịt, tình tự ganh ghét, những nỗi âu lo, sợ hãi, tình thương cùng những đam mê của các ngài, không có điều gì các ngài sống lơ đễnh cả. Mọi sự đều bao gồm trong ngọn lửa chú tâm, do đó không có gì là manh mún rời rạc cả. Nhà chính khách, vị cố đạo, nghi thức lễ bái đều dự phần tạo thành cái toàn thể. Chính trong sự vận dụng tích cực của tâm trí mới có lơ đễnh, chia ly manh mún, còn khi tâm trí không xao động, do đó “tiêu cực”, nếu tôi có thể dùng danh từ này, thì đời sống không còn bị chia cắt phân đoạn nữa. Lúc bấy giờ, áng mây trời kia, hạt bụi, đóa hoa bên vệ đường nọ cùng những tiếng thì thầm của tâm tư các ngài, đều hoà hợp trong toàn thể. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu được cái toàn thể này khi sự vận dụng tích cực của tư tưởng hoàn toàn ngừng dứt.

Chắc các ngài cũng thấy rằng để ngự ngay, để thể nhập vào trung tâm, cội nguồn bản nguyên của mọi sự vật đó, cùng đích thị là cái tối thượng, thì mọi vận dụng của tư tưởng phải chấm dứt. Nhưng ta không thể nào khởi phát sự chấm dứt này bằng cách đày ải hành hạ tâm trí qua những giới luật, hay bằng cách đặt thành những vấn đề nan giải và quái dị – như người ta thường làm trong nhiều môn phái tôn giáo – khiến cho tâm thức câm lặng đi vì bị mệt nhoài nhừ tử. Tất cả mọi điều đó là việc trẻ con. Vậy trước hết các ngài phải nhận thấy cái sự thật về mỗi cử động của tư tưởng và cảm xúc của các ngài và các ngài chỉ có thể thực hiện hành động đó khi tâm thức các ngài hoàn toàn “tiêu cực”, tịch lặng, an bình và hành động đó có thể được khởi phát lập tức, y như ta bước ra khỏi một con đường: con đường của hành vi tích cực mà con người đã theo đuổi hàng nghìn vạn năm rồi. Ta có thể bước ra khỏi con đường ấy liền, không có gì phải chờ đợi, hỏi han, tìm kiếm. Nhưng ta chỉ có thể bước được khi ta đã thấy toàn bộ hành vi của con người, chứ chẳng phải chỉ thấy sự vận dụng nội tâm của chỉ một người, nghĩa là khi ta đã thấy ngay trong nội tâm mình sự vận dụng của cái toàn thể. Khi ta nhận thấy tất cả những điều ấy chỉ nguyên với một cái nhìn – và sự việc nhìn này là sự việc duy nhất phải thực hiện, không còn việc chi khác nữa – ta mới thực sự tự do, để rồi từ đó xuất sinh hành động không gây tổn hại cho tâm thức.

Các ngài có muốn hỏi gì về các điều vừa được trình bày không? Hay chẳng còn gì để hỏi nữa?

H: Trưởng thành là gì?

K:. Phải về sự trưởng thành mà chúng ta đề cập không? Nhưng được, thưa ngài, trưởng thành là gì? Trưởng thành có liên quan gì với tuổi tác không? Với kinh nghiệm, với kiến thức, với khả năng không? Với sự tranh đua và tích trữ tiền bạc không? Nếu không phải là tất cả những điều đó thì trưởng thành là gì? Có liên quan gì với thời gian không? Ngài đừng vội bảo không một cách dễ dàng như thế. Nếu quả thực ngài đã thoát khỏi thời gian, nếu thời gian không còn hệ trọng gì với ngài cả, thì tâm thái của ngài thế nào? Tôi không đề cập thứ thời gian tính bằng đồng hồ, thời gian loại này hiển nhiên không có gì quan trọng cả. Nhưng nếu thời gian quả không mang một ý nghĩa tâm lý nào cả đối với ngài: thứ thời gian cần thiết để thành công, để hoàn thành, để vượt thắng, để chinh phục, để thấu hiểu, để so sánh, thứ thời gian cần thiết để trở nên lanh lợi, thì ngài sẽ không trưởng thành sao? Vậy chỉ có cái tâm thức vô tri, vô nhiễm mới trưởng thành, chứ chẳng phải thứ tâm thức đã tích trữ kiến thức, tri thức trong hàng nghìn vạn năm. Kiến thức, tri thức cũng cần thiết và vẫn có vai trò của chúng ở vài mức độ nào đó, nhưng chúng không phát sinh được ánh sáng cùng sự vô tư vô nhiễm. Sự vô tư chỉ hiện sinh khi mọi xung đột đều ngưng dứt. Khi tâm thức không còn vận chuyển trong bất kỳ một chiều hướng nào nữa cả, bởi vì tất cả chiều hướng đều đã được thấu hiểu, thì tâm thức liền ngự ngay trong một trạng thái bản nguyên [2] , tức là tâm thái vô tư vô nhiễm, và để rồi từ đó, tâm thức có thể tiến sâu vào cõi vô lượng mà có lẽ cái tối thượng vẫn hằng ngự trị. Chỉ với tâm thức ấy mới đích thị là trưởng thành.

❁ ❁ ❁
Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian – Krishnamurti
Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x