Trang chủ » Sống với Cái Chết – Krishnamurti

Sống với Cái Chết – Krishnamurti

by Hậu Học Văn
295 views

Chúng ta có thể tiếp tục chỗ mà chúng ta bỏ dở ngày hôm qua hay không? Chúng ta nói về nỗi sợ hãi và sự chấm dứt sợ hãi. Và chúng ta cũng nói về trách nhiệm của mỗi cá nhân chúng ta đang đối diện với những gì đang xảy ra trong thế giới này, tình trạng hỗn loạn, đáng sợ mà chúng ta đang sống. Chúng ta tất cả đều phải gánh chịu trách nhiệm, mỗi một cá nhân, tập thể, quốc gia, tôn giáo, tất cả chúng ta đã tạo ra thế giới này. Sau hằng triệu triệu năm, chúng ta vẫn dã man, tổn thương nhau, giết hại lẫn nhau, hủy diệt nhau. Chúng ta sở hữu nền tự do để làm chính xác những gì mà chúng ta thích và điều đó đã tạo ra sự tàn phá cho thế giới này. Tự do không phải là muốn làm gì chúng ta thích, nhưng thay vì vậy, tự do khỏi mọi khó nhọc cuộc đời, từ mọi nỗi phiền não của chúng ta, bao nỗi lo âu của chúng ta, từ nỗi sợ hãi của chúng ta, từ các vết thương tâm lý của chúng ta, từ tất cả mọi sự xung đột mà chúng ta phải chịu đựng qua hằng muôn triệu năm.

Và cũng thế, chúng ta đã nói rằng cuộc họp mặt này không phải là buổi diễn thuyết trên bất kỳ chủ đề cá biệt nào, để thông tri, để hướng dẫn. Thay vì vậy, nó là về trách nhiệm của chúng ta, cùng nhau thẩm xét và truy cứu vào tất cả mọi vấn đề trong đời sống hàng ngày của chúng ta mà không phải trên những khái niệm lý thuyết có tính chất ước đoán, hoặc triết lý, nhưng để thấu hiểu nỗi đau thường ngày, sự buồn chán, sự cô đơn, sự tuyệt vọng, nỗi chán nản, và sự xung đột vô tận mà con người phải sống.

Sáng hôm nay, chúng ta phải chia sẻ rất nhiều vấn đề. Chúng ta đã nói rõ vào ngày hôm qua là đây không phải là một cuộc họp mặt để người diễn giả kích thích phương diện tinh thần hoặc cảm xúc của bạn, hoặc bất kỳ cách nào khác. Chúng ta lệ thuộc rất nhiều trên sự kích thích; Nó là một hình thức thương mại: Thuốc men, rượu chè, về đủ loại cảm xúc mạnh khác nhau. Và chúng ta không chỉ muốn những cảm xúc mạnh nhưng kể cả sự sôi nổi. Nhưng đây không phải là cuộc hội họp loại đó.

Chúng ta có mặt ở đây để cùng nhau khảo xét cuộc đời của chúng ta, cuộc đời hàng ngày của chúng ta; Đúng thế, để thấu hiểu chính mình, ta thật sự là ai, không dựa trên lý thuyết, không tùy thuộc trên các bậc triết gia hoặc bác sĩ tâm lý. Nếu chúng ta có thể gạt qua một bên tất cả những điều đó và quán sát, trực diện chính chúng ta, thật sự chúng ta là ai, và không cảm thấy thất vọng hoặc tự hào, chúng ta sẽ hiểu được toàn bộ cấu trúc tâm lý của bản thể chúng ta, của sự sống của chúng ta.

Ngày hôm qua chúng ta có nói là một trong những vấn đề mà con người phải vượt qua suốt cả cuộc đời của họ là hình thức của sự sợ hãi. Chúng ta đi vào nó một cách cực kỳ cẩn thận: rằng thời gian và tư duy là nguồn gốc của nỗi sợ hãi. Và khi chúng ta thể nhập vào cái gọi là thời gian và tư duy, thời gian không chỉ là quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng bây giờ và ở đây. Ngay nơi hiện tại, tất cả mọi thời gian đang được dung chứa bởi vì nếu chúng ta là ai thì chúng ta sẽ là con người như vậy vào tương lai trừ phi có một sự chuyển hoá nền tảng, lớn lao trong chính tâm lý của nó, trong chính các tế bào não của chúng.

Nếu tôi chỉ ra rằng, bạn và người nói đang cùng nhau đồng hành, một cuộc du hành dài đăng đẳng và phức tạp. Để du hành trên chuyến hành trình đó, ta chắc chắn không dính mắc vào tất cả mọi hình thức đức tin nào, nếu không thì cuộc hành trình đó khó có thể, hoặc dính mắc với bất kỳ niềm tin nào, hoặc bám víu vào một kết luận, lý tưởng hoặc khái niệm nào. Nó giống như leo lên đỉnh Everest hoặc ngọn núi cao hùng vĩ nào đó của thế giới; ta phải giũ bỏ tất cả mọi thứ sau lưng, không mang gánh nặng của họ trên các đỉnh đồi cheo leo. Vì thế, khi cùng nhau đồng hành, và người nói có ý là hãy cùng nhau đồng hành, không phải ông ta nói và bạn đang đồng ý hoặc không đồng ý nếu chúng ta có thể gạt hai từ này hoàn toàn qua một bên, sau đó thì chúng ta có thể cùng nhau đồng hành. Có một vài người có lẽ muốn đi thật nhanh và có lẽ có người bị bỏ lại sau lưng, nhưng đây là một cuộc đồng hành.

Chúng ta cũng hãy cùng nhau chia sẻ là tại sao con người luôn chạy đuổi theo khoái lạc. Chúng ta chưa bao giờ khảo sát khoái lạc là gì, tại sao chúng ta muốn nhiều kiểu khoái lạc vĩnh cửu: tính dục, cảm quan, tinh thần, khoái lạc của sự chiếm hữu, khoái lạc sở hữu được một kỹ xảo nào đó, khoái lạc ta gặt hái được từ nhiều thông tri, kiến thức, và sự thỏa nguyện tối hậu của cái mà chúng ta gọi là Thượng Đế. Làm ơn xin đừng nhăn nhó hoặc khó chịu hoặc muốn ném cái gì đó đến người nói. Đây là một thế giới bạo hành. Nếu bạn không đồng ý họ sẽ giết bạn. Đây là hiện tượng đang xảy ra. Và ở đây chúng ta không nỗ lực giết hại lẫn nhau. Chúng ta không tuyên truyền hoặc cố gắng thuyết phục bạn điều gì cả.

Nhưng chúng ta sẽ đối diện với sự thật của mọi vấn đề, không sống trong ảo tưởng. Với ảo tưởng thì thật khó mà quán sát. Nếu bạn đang tự lường gạt chính mình và không đối diện thực tại, thì khó có thể trực diện bạn như bạn đang là. Nhưng chúng ta thích ảo tưởng, ảo giác, mọi hình thức dối gạt, bởi vì chúng ta sợ phải trực nhận chính con người chúng ta. Hãy trực nhận chúng ta thật tỏ tường, chuẩn xác, chính đáng, trong chiếc gương soi của mối quan hệ; Đó là chiếc gương soi duy nhất mà chúng ta sở hữu. Khi bạn quán sát chính mình, bao gồm tóc của bạn, hoặc cạo râu, hoặc bạn đang làm bất cứ điều gì với khuôn mặt bạn, bạn ra sao thì chiếc gương đó phản chiếu chính xác như vậy.

Ở phương diện tâm lý thì với một chiếc gương mà bạn có thể thấy một cách chuẩn xác, chính đáng, con người thực tại của bạn đang là hay không? Như chúng ta đã nói qua, có một chiếc gương như vậy trong mối quan hệ của ta, mặc dù mật thiết đến đâu, dù là nam hoặc nữ, trong mối quan hệ này bạn thấy bạn là, nếu bạn cho phép chính mình thấy được bạn đang là. Bạn thấy bạn sân hận như thế nào, tính chiếm hữu của bạn như thế nào, vân vân và vân vân.

Con người đã chạy đuổi theo khoái lạc không ngừng nghỉ, trên danh nghĩa Thượng Đế, trên danh nghĩa hoà bình, trên danh nghĩa lý tưởng, và rồi có một loại khoái lạc quyền lực sở hữu quyền lực trên kẻ khác, quyền lực chính trị. Bạn có để ý thấy rằng quyền lực đó là một thứ xấu xa hay không, khi một người khống chế một người khác trong bất kỳ hình thức nào? Quyền lực là một trong những hiện tượng độc ác nhất trong cuộc đời này. Và khoái lạc là mặt bên kia của đồng tiền của sự sợ hãi. Khi ta hiểu điều này thật sâu, thật thâm thúy, thật nghiêm chỉnh thì bản chất sợ hãi mà chúng ta trao đổi vào ngày hôm qua, chúng ta sẽ không bàn thảo về vấn đề này nữa. Nếu thế thì khoái lạc là một khoái cảm; Đang thấy biết một vẻ đẹp tròn vẹn, thấy được mặt trời lặn hoặc ánh nắng buổi sáng, bình minh, những mầu sắc huy hoàng rực rỡ, sự phản chiếu của mặt trời trên nước; đó là khoái cảm. Nhưng chúng ta bồi dưỡng ký ức đó như là một sự khoái lạc.

Và cũng vậy, tôi không biết nếu bạn xem xét vấn đề của hoạt động. Hoạt động là gì? Chúng ta tất cả đều hoạt động từ sáng từ chiều, không chỉ trên cơ thể vật lý nhưng trên mặt tâm lý, bộ não huyên náo không ngừng, nhảy từ vấn đề này đến vấn đề khác không ngừng nghỉ. Ngày và đêm, trong cơn chiêm bao bộ não không bao giờ yên nghỉ, nó luôn hoạt động không ngừng. Hoạt động là gì, tác ý? Chính từ “tác ý” là nằm trong hiện tại, chưa thành tựu hoặc là “Tôi sẽ làm”. Hoạt động có nghĩa là đang làm ngay bây giờ, chính xác, hoàn toàn, theo phong cách chính thể luận nếu chúng ta sử dụng từ hoạt động đó trọn vẹn, hoàn toàn, không nửa vời. Khi hoạt động đó dựa trên một vài lý tưởng, thì nó không phải hoạt động, có phải không? Nó tuân thủ theo một khuôn mẫu nào đó mà bạn đã thiết lập và do đó nó là một hoạt động vẫn chưa xong theo ký ức hoặc kết luận nào đó.

Nếu bạn hành động tùy thuộc vào lý tưởng nào đó, khuôn mẫu hoặc kết luận nào đó, nó vẫn chưa xong; Nó dung chứa sự mâu thuẫn trong nó. Vì vậy, ta phải truy cứu vào vấn đề cực kỳ phức tạp này của sự hoạt động.

Hoạt động có liên quan đến sự thiếu trật tự hoặc trật tự hay không? Bạn hiểu không? Chúng ta đang sống một cuộc đời thiếu trật tự. Đời sống của ta thiếu hài hoà, rối loạn, mâu thuẫn: Nói một đàng làm một nẽo; Nghĩ một đàng làm một nẽo. Nếu thế thì trật tự và mất trật tự là gì? Có lẽ bạn không tư duy về tất cả các vấn đề này nên chúng ta hãy cùng nhau tư duy về nó, và hãy làm ơn đừng để một mình tôi độc thoại. Vẫn còn quá sớm vào buổi sáng và bạn có nguyên cả một ngày trước mặt bạn. Nếu thế thì chúng ta hãy cùng ý thức về câu hỏi này: Trật tự là gì và thiếu trật tự là gì, và mối quan hệ gì của hoạt động đối với trật tự và sự mất trật tự.

Thiếu trật tự là gì? Hãy nhìn thế giới này nếu bạn có thể; Thế giới này đang hỗn loạn. Nhiều chuyện kinh khủng đang xảy ra. Một vài người chúng ta biết thật sự chuyện gì đang xảy ra trong thế giới khoa học, trong thế giới nghệ thuật chiến tranh, tất cả mọi thứ kinh khủng đang xảy ra trên những quốc gia khác; và nạn đói trên tất cả các quốc gia phú cường và sự nghèo đói khủng khiếp, luôn đe dọa bởi chiến tranh, nhóm chính trị này chống đối với một chính trị khác. Vì vậy mà có sự hỗn loạn vô cùng. Đó là một thuật Chiêm Tinh, không phải là do phát minh hoặc ảo giác. Chúng ta đã gây nên sự hỗn loạn đó bởi vì chính đời sống của chúng ta đã hỗn loạn rồi. Và chúng ta nỗ lực mang lại trật tự thông qua tất cả mọi cải tổ xã hội, vân vân và vân vân.

Thiếu sự hiểu biết và mang đến sự chấm dứt hỗn loạn, chúng ta phải nỗ lực mang lại trật tự thông qua tất cả mọi cải cách xã hội, vân vân và vân vân. Thiếu sự hiểu biết và đem đến sự chấm dứt của sự thiếu trật tự, chúng ta nỗ lực tìm kiếm trật tự. Giống như một tâm trí rối loạn đang nỗ lực tìm sự sáng suốt. Một tâm trí rối loạn là một tâm trí rối loạn, nó không bao giờ có thể sáng suốt được.

Vì vậy có thể có một sự chấm dứt sự thiếu trật tự này trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống thường nhật của chúng ta hay không? Không phải là sự trật tự trên Thiên Đàng hoặc ở một nơi chốn nào khác, nhưng trong cuộc sống thường nhật của chúng ta có thể trật tự hay không? Có thể có một sự chấm dứt thiếu trật tự này hay không? Khi có sự chấm dứt thiếu trật tự thì tự nhiên sẽ có trật tự. Sự trật tự đó là sự sống, không phải tùy thuộc vào khuôn mẫu hoặc khuôn đúc nào đó.

Vì vậy chúng ta hãy thẩm xét, trực nhận chúng ta và học hỏi về chúng ta. Học hỏi khác với tích lũy kiến thức. Xin làm ơn, nếu bạn vui lòng đặt tâm chú ý vào vấn đề này một chút thì học hỏi là tiến trình vô tận, tiến trình vô giới hạn, trong khi kiến thức thì luôn giới hạn. Và học hỏi không chỉ ngụ ý quán sát bằng nhãn quan, với tính cách quang học, nhưng cũng quan sát mà không có sự bóp méo nào, thấy sự vật chính xác như chúng đang là.

Điều đó đòi hỏi kỷ luật của người đang học hỏi, không phải là kỷ luật khủng khiếp của tính chất chính thống, truyền thống, hoặc tuân thủ giới luật, mệnh lệnh hoặc sai khiến, vân vân và vân vân.

Đây là một tiến trình học hỏi. Học hỏi thông qua sự quan sát tỏ tường. Lắng nghe chính xác người khác đang nói gì mà không có bất kỳ sự bóp méo nào. Tiến trình học hỏi không tích lũy bởi vì bạn đang chuyển động. Bạn hiểu tất cả điều này hay không? Vì thế, trong tiến trình học hỏi, sự mất trật tự là trong chúng ta. Trật tự đến rất là tự nhiên, dễ dàng, không mong đợi. Và khi có trật tự thì trật tự là đức hạnh. Không có đức hạnh nào khác ngoại trừ sự trật tự toàn triệt, hoàn toàn đạo đức, không phải bởi sự áp chế hoặc đạo đức bị áp chế.

Chúng ta hãy nên cùng nhau chia sẻ về toàn bộ vấn đề của phiền não. Bạn không phiền chứ? Bởi vì đàn ông, phụ nữ và trẻ con cùng khắp thế giới, dù là họ sống sau Bức Màn Sắt, thật là bất hạnh cho họ, dù là họ sống tại Á Châu, Âu Châu hoặc là ở đây, mỗi một con người, dù nghèo khó hoặc giầu có, thông minh hoặc chỉ là những người cư sĩ bình thường như chúng ta, phải thông qua mọi hình thức đau khổ. Bạn có bao giờ nhìn thấy mọi người đang khóc than qua hằng muôn thế kỷ hay không? Thông qua hàng nghìn cuộc chiến tranh hay không? Bao nỗi đau khổ vô tận trên thế giới này. Không phải là không có sự khoái lạc, niềm vui, vân vân và vân vân, nhưng trong sự hiểu biết và có lẽ chấm dứt khổ đau, chúng ta sẽ tìm thấy một cái gì vĩ đại khôn cùng.

Do vậy, chúng ta nhất định phải đi vào vấn đề phức tạp của sự đau khổ dù nó có thể chấm dứt hoặc dù là con người phải chịu đựng sự đau khổ này mãi mãi – Đau khổ không chỉ trên thân thể vật lý nhưng kể cả trên phương diện tinh thần. Bên trong, chúng ta đau khổ vô cùng mà có lẽ không thể thốt lên một lời nào về nó, hoặc khóc đến vỡ tim. Trong tất cả mọi sự tiến hoá dài đăng đẳng của con người từ khởi thủy cho đến bây giờ, mỗi một con người trên trái đất này phải chịu đau khổ. Đau khổ không chỉ đơn thuần mất mát một người nào mà bạn yêu thích hoặc yêu thương, nhưng cũng sự đau khổ của sự nghèo đói, mù chữ.

Nếu bạn đến Ấn Độ hoặc những nơi nào khác trên thế giới, bạn sẽ thấy có người đi bộ hằng dặm đường để được đến trường học, những học trò nhỏ nam và nữ. Chúng sẽ không bao giờ giầu có. Chúng sẽ không bao giờ được ngồi trên xe, có lẽ chúng chưa bao giờ được tắm nước nóng. Chúng chỉ sở hữu một chiếc áo sari hoặc một chiếc áo đầm mà chúng mặc và chỉ có vậy. Và đó là sự đau khổ. Và người lái xe thấy được cảnh này, đau khổ nếu ông ta mẫn cảm, ý thức. Và cũng có sự đau khổ về vô minh; Không vô minh về văn học hoặc viết lách, nhưng sự đau khổ của người không tự biết chính mình. Có nhiều loại đau khổ khác nhau.

Chúng ta hãy tự hỏi rằng, đau khổ có thể chấm dứt ở mỗi người hay không? Có sự đau khổ trong chính chúng ta và đau khổ của thế gian. Hàng nghìn cuộc chiến tranh, thương tật, tàn bạo khủng khiếp. Mỗi một quốc gia trên quả địa cầu này đã phạm vô số tội ác. Thật là kinh khủng và chúng ta vẫn kéo dài sự ác độc đó. Sự ác độc mang đến nỗi đau khổ vô cùng tận. Thấy được tất cả điều này không phải từ sách vở, không phải từ người du lịch ngoại quốc để tận hưởng nhưng du lịch như một con người, chỉ quan sát, chỉ ý thức một cách mẫn cảm về tất cả điều này. Đau khổ là một điều kinh khủng. Và đau khổ đó có thể chấm dứt hay không?

Hãy àm ơn, hãy tự hỏi chính mình câu hỏi đó. Người nói không kích thích bạn để bạn cảm giác đau khổ. Người nói không chia sẻ với bạn đau khổ là gì; Nó nằm ngay trước mặt chúng ta, ngay bên trong bạn. Không ai cần để chỉ nó ra nếu bạn mở to đôi mắt của mình, nếu bạn đủ nhậy cảm ý thức được những gì đang xảy ra trên thế giới dã man này. Vì vậy, hãy tự hỏi chính mình câu hỏi này: Đau khổ có thể chấm dứt hay không? Bởi vì giống như hận thù, khi có sự đau khổ thì sẽ không có tình thương. Khi bạn đau khổ, quan tâm chỉ với nỗi đau khổ của riêng mình thì làm sao có thể có tình thương ? Vì vậy ta nhất định phải đặt câu hỏi này mặc dù khó khăn biết chừng nào, không phải là để tìm ra câu giải đáp nhưng là để chấm dứt đau khổ.

Đau khổ là gì? Không chỉ đau khổ trên thân thể vật lý, và nỗi đau khổ vô cùng, một người bị tê liệt, thương tật hoặc bệnh hoạn, nhưng kể cả sự đau khổ vì mất mát một người nào: Sự chết.

Chúng ta sẽ nói về sự chết ngay bây giờ. Đau khổ có phải là sự tự thương xót chính mình, hay là đó là một trong các yếu tố? Đau khổ mang lại sự cô đơn, cảm thấy cô đơn một cách tuyệt vọng?

Không chỉ cô đơn theo từ “cô đơn” có nghĩa là “Tất cả ta”, nhưng cảm thấy biệt lập, trong sự biệt lập mà không có mối quan hệ nào với ai.

Có phải đau khổ đơn thuần là một hiện tượng tinh thần để lý luận hóa, để lý giải? Hoặc là ta có thể sống với nó mà không ham muốn sự dễ chịu? Bạn hiểu không? Sống với đau khổ, không trốn chạy nó, không bào chữa nó, không mơ mộng sự dễ chịu hão huyền hoặc chuyên nhất từ tôn giáo hoặc trốn chạy qua cuộc tình ảo tưởng, nhưng sống với một cái gì mang một ý nghĩ trọng đại. Đau khổ không chỉ là sự chấn động trên mặt thể xác, khi ta mất chồng, mất con, hoặc vợ, bất kể là gì. Đó là sự chấn động lớn ở mặt sinh học; Ta gần như tê liệt với nó. Bạn biết tất cả điều này phải không?

Ngoài ra, cũng có cảm giác cô đơn đến tuyệt vọng. Chúng ta có thể trực diện đau khổ như nó thật sự bên trong chúng ta, và duy trì nó, nắm giữ, và không cách ly nó hay không? Đau khổ không khác với người đau khổ, người đau khổ muốn cách ly, trốn chạy, làm tất cả mọi thứ. Nhưng hãy trực nhận nó như bạn đang nhìn một đứa trẻ, một đứa trẻ dễ thương đẹp đẽ, ôm ấp nó, không bao giờ trốn chạy nó thì bạn sẽ thấy biết chính mình, nếu bạn thật sự nhìn thật sâu, rằng đó là sự chấm dứt đau khổ. Và khi có sự chấm dứt đau khổ thì có sự đam mê; không phải là sự thèm khát, sự kích thích cảm quan, nhưng đam mê.

Rất ít người sở hữu sự đam mê này, bởi vì chúng ta quá hao mòn với bao nỗi đau khổ của chúng ta, với bao đau đớn của chúng ta, với sự tự thương xót chính chúng ta và với bao phù hoa hư ảo.

Chúng ta sở hữu một nguồn năng lượng mãnh liệt để xem xét mọi hiện tượng đang diễn ra trên thế giới này, và sử dụng năng lượng mãnh liệt đó để phát minh vô số máy móc, và những phương cách mới để sát hại lẫn nhau. Để đến được mặt trăng cũng phải cần một năng lượng mãnh liệt và sự chú tâm, kể cả trên mặt tinh thần và thực tại. Chúng ta sở hữu năng lượng mãnh liệt này, nhưng chúng ta đã hao mòn nó qua sự xung đột, qua sự sợ hãi, qua sự huyên náo vô tận về những chuyện vô ích. Và đam mê cũng sở hữu năng lượng mãnh liệt này. Đam mê đó không được kích thích. Nó không tìm kiếm sự kích thích. Nó có ở đó như ngọn lửa đang hừng hực cháy. Nó chỉ đến khi đau khổ chấm dứt.

Khi bạn chấm dứt đau khổ, nó không mang tính cách cá nhân, bởi vì bạn là một phần của nhân loại, như chúng ta đã đề cập vào trưa hôm qua. Tất cả chúng ta đều đau khổ; Tất cả chúng ta đều phải thông qua sự cô đơn; Mỗi một con người trên trái đất này, dù giầu có hoặc nghèo khổ, dù trí thức hoặc vô minh, đều phải chịu đựng sự lo âu khủng khiếp này, hữu ý hoặc vô tình. Tâm thức của bạn không là của bạn, nó là tâm thức con người. Trong nội dung của tâm thức đó là tất cả mọi đức tin của bạn, bao nhiêu nỗi phiền não của bạn, bao nhiêu nỗi trắc ẩn của bạn, bao nhiêu sự phù hoa hư ảo của bạn, sự cao ngạo của bạn, sự tầm cầu quyền lực, địa vị. Tất cả điều đó là tâm thức của bạn, vốn được chia sẻ bởi tất cả mọi con người.

Do đó, nó không phải là tâm thức cá biệt của bạn. Và khi bạn thật sự nhận thức được điều đó, không trên ngôn ngữ hoặc trên phương diện tinh thần hoặc trên lý thuyết hoặc như là một khái niệm, nhưng như là một thực tại, thì bạn sẽ không giết hại lẫn nhau, tổn thương lẫn nhau, nhưng bạn sẽ sỡ hữu một cái gì hoàn toàn khác, hoàn toàn ở một bình diện khác.

Chúng ta hãy nên cùng nhau thảo luận một vấn đề lớn lao của cái gọi là tình thương . Chúng ta sử dụng từ “tình thương” một cách vô cùng lỏng lẻo. Nó trở nên đơn thuần là cảm quan, dục tính; Tình thương được đồng hóa với khoái lạc. Và để tìm kiếm hương thơm đó, ta chắc chắn phải đi vào vấn đề của cái không là tình thương. Thông qua sự phủ định này, bạn tìm đến sự khẳng định, nhưng không ngược lại. Tôi có rõ ràng hay không? Thông qua sự phủ định của cái không là tình thương, bạn đạt đến sự thật tối hậu, vốn được gọi là tình thương.

Như vậy tình thương không phải là hận thù: Điều đó hiển nhiên. Tình thương không phù hoa hư ảo, ngạo mạn. Tình thương không nằm trong tay quyền lực. Người nắm quyền lực, ham muốn quyền lực thì không thành vấn đề (hoặc có vấn đề) trên một đứa trẻ, trên toàn bộ nhóm người hoặc trên một quốc gia nào đó thì chắc chắn đó không phải là tình thương. Tình thương không phải là sự khoái lạc. Tình thương không phải là sự ham muốn. Tình thương chắc chắn không phải là tư duy.

Vì thế, bạn có thể gạt hết qua một bên tất cả điều đó: Sự phù hoa hư ảo của bạn, cảm giác quyền lực dù nó nhỏ nhoi như thế nào, như một con sâu? Và bạn càng sở hữu nhiều quyền lực thì lại càng xấu xa hơn và do vậy mà thiếu tình thương. Khi bạn tham vọng, năng nổ, khi bạn được nuôi dưỡng lớn lên để được thành đạt, để được nổi danh, để được biết đến, thì tất cả điều đó hoàn toàn trẻ con, qua quan điểm của người nói, thì làm sao có thể sở hữu được tình thương?

Cho nên, tình thương là một cái gì không thể mời mọc hoặc bồi dưỡng. Nó phát xuất tự nhiên, dễ dàng, khi những thứ khác không tồn tại. Và trong tiến trình học hỏi về chính mình ta thấu đạt được điều này: Nơi nào có tình thương thì nơi đó có lòng từ bi; và từ bi sở hữu trí tuệ riêng của nó. Đó là hình thức tột bực của thông minh, không phải sự thông minh của tư duy, sự thông minh khôn khéo, giả dối, vân vân và vân vân.

Chỉ khi nào sở hữu được tình thương, lòng từ bi toàn triệt thì sẽ có sự thông minh xuất chúng vốn không mang tính máy móc. Như vậy, chúng ta nên đề cập đến sự chết. Chúng ta nên không?

Bạn có hứng thú tìm hiểu chết là gì hay không? Ý nghĩa của từ chết, sự đang chết, tiến trình chấm dứt là gì hay không? Không chỉ là tiến trình chấm dứt nhưng chuyện gì xảy ra sau khi chết? Ta có chuyên chở ký ức về cuộc đời của ta hay không? Toàn bộ thế giới Á Châu đều tin ở sự tái sinh. Đó là nếu tôi chết, tôi sẽ sống một cuộc đời đau khổ, cho nên phải cần làm một điều tốt này hoặc một ít điều tốt kia, và kiếp tới tôi sẽ tốt hơn. Tôi sẽ làm việc thiện nhiều hơn. Nó dựa trên sự ban thưởng và trừng phạt, như tất cả mọi sự kiện khác trong cuộc đời. Và với Công giáo thì có sự phục sinh, vân vân và vân vân.

Do đó, nếu chúng ta có thể gạt qua một bên một chút với tất cả điều đó, thật sự gạt hết qua một bên, không bám víu điều này hoặc điều kia, nếu thế thì chết là gì? Chết có nghĩa gì? Không chỉ trên phương diện sinh học, thân vật lý, nhưng cũng trên phương diện tâm lý: Tất cả mọi ký ức tích lũy, mọi khuynh hướng của ta, mọi kỹ xão, mọi khí chất, mọi thứ mà ta đã tích tập, dù là của cải, tiền bạc, kiến thức, tình bạn, bất kỳ là gì bạn sẽ; tất cả những gì mà bạn đã tích tập. Và tử thần đến nói, “Xin lỗi, bạn không thể mang bất kỳ cái gì với bạn.”

Như vậy, chết có nghĩa là gì? Chúng ta có thể đi vào vấn đề này không? Hoặc là bạn kinh sợ?

Chết là gì? Chúng ta phải truy cứu nó như thế nào? Bạn có hiểu câu hỏi của tôi không? Tôi đang sống. Tôi sống mỗi ngày. Nó là lề thói hàng ngày, máy móc, đau khổ, hạnh phúc, phiền não, bạn biết toàn bộ sự kiện đó. Và tử thần đến, qua tai nạn, qua bệnh tật, qua tuổi già, lão suy, lão suy là gì? Chỉ dành cho tuổi già thôi sao? Nó không lão suy khi chúng ta chỉ đang lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại khi chúng ta hành động một cách máy móc, thất niệm? Đó có phải cũng là một hình thức lão suy hay không?

Bởi vì chúng ta sợ chết, chúng ta không bao giờ thấy được tính chất vĩ đại của hiện tượng phi thường này. Một hài nhi chào đời, một con người mới trở thành một thực thể. Đó là một sự kiện phi thường, và hài nhi đó lớn lên và trở thành bất kỳ là gì mà tất cả các bạn đã trở thành, rồi cuối cùng chết đi. Trở thành cũng là một hiện tượng phi thường như thế; Nó phải như thế. Và bạn không thấy được chiều sâu và tính chất vĩ đại của nó nếu bạn sợ hãi.

Nếu thế chết là gì? Tôi muốn tìm hiểu sự chết là gì khi tôi đang sống. Tôi không lão suy. Tôi sỡ hữu tất cả mọi sự hóm hỉnh về tôi. Tôi đủ khả năng để suy nghĩ rất rõ ràng. Có lẽ thỉnh thoảng tôi sẽ lạc đường nhưng tôi năng động, sáng suốt. Vì vậy, tôi luôn tự hỏi mình. Tôi không hỏi bạn nhưng tôi chỉ đang quán sát; và bạn có tự quán sát về sự chết hay không? Chết chắc chắn có nghĩa là tiến trình chấm dứt tất cả: Tiến trình chấm dứt tất cả mọi mối quan hệ, tiến trình chấm dứt tất cả mọi thứ mà tôi đã tích tập trong cuộc đời này của tôi, tất cả mọi kiến thức, tất cả mọi kinh nghiệm, một cuộc đời đần độn mà tôi đã sống, một cuộc đời vô nghĩa, hoặc đang nỗ lực tìm kiếm trên phương diện tinh thần ý nghĩa cuộc đời.

Cuối cùng, tử thần đến và nói rằng, “Đó là phút cuối.” Nhưng tôi hoảng sợ. Không thể là phút cuối được. Tôi sở hữu quá nhiều. Tôi đã tích tập quá nhiều, không chỉ bàn ghế hoặc hình ảnh. Khi tôi đồng hóa chính mình với bàn ghế hoặc với các hình ảnh hoặc trương mục ngân hàng, tôi là trương mục ngân hàng, tôi là hình ảnh, tôi là bàn ghế, đúng không? Có lẽ bạn không thích tất cả điều này, nhưng hãy làm ơn, hãy vui lòng lắng nghe. Cho nên, tôi đã thiết lập nguồn gốc. Tôi thiết lập nhiều điều lớn lao quanh tôi, và tử thần đến và quét sạch đi tất cả.

Vì thế tôi tự hỏi mình, có thể sống với cái chết trong tất cả mọi thời hay không? Không phải là phút cuối của chín mươi hoặc một trăm năm. Người nói đã chín mươi tuổi, xin lỗi. Không phải là phút cuối của cuộc đời tôi nhưng với tất cả mọi nguồn năng lượng của tôi, sức sống và với tất cả hiện tượng đang tiếp diễn, tôi có thể sống với sự chết ở mọi thời hay không? Không tự sát. Tôi không có ý như vậy. Điều đó quá ngu xuẩn, nhưng sống với cái chết, có nghĩa là chấm dứt mỗi ngày tất cả mọi thứ mà tôi đã tích tập, một tiến trình chấm dứt.

Tôi không biết là bạn có đi vào vấn đề của sự tiếp nối và tiến trình chấm dứt. Những gì tiếp nối không bao giờ có thể làm mới chính nó, được tái sinh. Nó có thể tự hồi sinh. Từ “hồi sinh” có nghĩa là một cái gì đã rơi rụng, đang chết và bạn đang hồi sinh nó. Có sự hồi sinh tôn giáo mà họ đang la hét về nó. Tôi không biết là bạn có để ý hay không, nhưng các tôn giáo tổ chức và những đạo sư, vân vân và vân vân đều là những tài phú sở hữu chủ của những bất động sản lớn. Có một đền thờ ở miền nam Ấn: Mỗi một ngày họ thu nhập chừng một triệu đô la. Bạn hiểu không?

Thượng Đế rất lợi lộc. Đây không phải là sự chua chát mà là một sự thật. Chúng ta đang đối diện thực tại, và bạn không thể chua chát hoặc khinh bỉ. Nó là như vậy; không tích cực hoặc tiêu cực. Bạn phải xem xét tất cả mọi vấn đề này.

Vì thế, tôi có thể sống với cái chết, vốn có nghĩa là tất cả những gì mà tôi đã thành tựu và tích tập kết thúc? Tiến trình chấm dứt quan trọng hơn sự tiếp nối. Tiến trình chấm dứt có nghĩa là sự khởi đầu của một cái gì mới lạ. Nếu bạn đơn thuần tiếp tục, vẫn cùng là một khuôn mẫu được lặp đi lặp lại trong những cái khuôn khác nhau. Bạn có thể để ý thấy một hiện tượng lạ lùng khác hay không? Chúng ta đã khiến thế giới này hỗn độn vô cùng, và chúng ta tổ chức để dọn dẹp sự hỗn loạn đó, chính trị, tôn giáo, xã hội và kinh tế. Và khi tổ chức đó hoặc thiết lập đó không thành công, chúng ta lại phát minh ra những tổ chức mới, những thiết lập mới và gọi đó là tiến trình.

Tôi không biết bạn có thấy được tất cả vấn đề này không. Những gì mà chúng ta đang làm là xây dựng hàng nghìn thiết lập.

Mới ngày hôm kia, chúng tôi có trao đổi ở Liên Hiệp Quốc. Chiến tranh đang xảy ra. Chúng không bao giờ chấm dứt cả, nhưng họ đang tái tổ chức nó. Bạn đang làm chính xác cùng một sự việc như vậy ở quốc gia này. Chúng ta chưa bao giờ dọn dẹp được mớ hỗn loạn đó. Chúng ta dựa trên các tổ chức để dọn dẹp nó hoặc những nhà lãnh đạo mới, các đạo sư mới, các linh mục mới, những đức tin mới, và tất cả mọi thứ rác rưởi đó. Nếu vậy, tôi có thể sống với sự chết hay không? Điều đó có nghĩa là là tự do lớn lao, hoàn toàn, toàn triệt, một sự tự do thánh thiện. Từ trong sự tự do đó là tình thương bao la và từ bi, và trí tuệ đó sẽ không bao giờ kết thúc. Nó là vô hạn.

Và chúng ta cũng nên cùng nhau trao đổi tôn giáo là gì? Chúng ta có thể tiếp tục hay không? Bạn không mệt mỏi lắm phải không? Người diễn giả không đang nỗ lực để thuyết phục bạn điều gì cả. Xin hãy tin tôi: Không gì cả! Ông ta không nỗ lực cưỡng ép bạn, thông qua sự kích thích, thông qua các phương tiện khác. Chúng ta cả hai cùng đang trực diện thế giới này, thế giới tư hữu của bạn và thế giới về bạn. Bạn là thế giới. Thế giới không khác với bạn. Bạn đã tạo tác ra thế giới này và bạn phải có trách nhiệm với nó, hoàn toàn, đầy đủ, dù bạn là một chính khách hoặc một con người bình thường trên đường phố.

Vậy hãy cùng nhau chia sẻ tôn giáo là gì. Con người luôn luôn tìm kiếm một cái gì vượt trên sự đau khổ, lo âu và đau đớn. Có một cái gì thiêng liêng, vĩnh cửu, siêu vượt trên tất cả tư duy hay không? Câu hỏi đã được đặt ra từ thời cổ đại xa xưa nhất. Sự thiêng liêng là gì? Một cái gì phi thời gian, vô nhiễm, vô danh, vô phẩm chất, vô giới hạn, vĩnh cửu? Có một hiện tượng như vậy hay không? Con người đã đặt câu hỏi này hàng nghìn năm và hàng nghìn năm qua. Họ đã thờ phụng mặt trời, trái đất, thiên nhiên, cây cối, chim chóc; Tất cả mọi thứ đang sống trên quả địa cầu này, con người đã thờ phụng từ thời cổ đại. Kinh Vệ Đà và Chí tôn ca không bao giờ nhắc đến Thượng Đế tối thượng, họ nói, vốn không biến hiện.

Bạn có đang đặt câu hỏi như vậy hay không? Bạn có tự hỏi chính mình là có một cái gì thiêng liêng hay không? Có một cái gì không đặt để bởi tư duy như tất cả mọi tổ chức tôn giáo, dù là Công giáo, Ấn giáo, Phật Giáo, hoặc bất kỳ tôn giáo nào? Trong Phật Giáo không có Thượng Đế. Giữa Ấn giáo, như tôi đã chia sẻ qua, có chừng ba trăm vị thánh. Thật là nhộn nhịp khi có vô số bậc thánh như vậy. Bạn có thể vui chơi với tất cả các bậc thánh đó. Và có những vị thánh, theo sách vở, một bậc thánh theo Thánh Kinh, một vị thánh theo kinh Koran. Tôi không biết là bạn có để ý thấy rằng các tôn giáo đều dựa trên tiền bạc, thành công, quyền lực và người đang chạy đuổi theo cái gọi là tâm linh hay không.

Còn có cái là thiền định vốn không được xác định, thực tập? Có đó, nhưng điều đó đòi hỏi sự chú ý mãnh liệt. Sự chú ý đó là ngọn lửa và sự chú ý đó không phải là một cái gì mà bạn có thể đạt đến sau này; Nó là sự chú ý ngay bây giờ với tất cả, mỗi một lời nói, mỗi một cử chỉ, mỗi một tư duy: Hoàn toàn chú ý, không phải nửa vời. Nếu bạn đang lắng nghe một cách nửa vời bây giờ, bạn không hoàn toàn chú ý. Khi bạn chú ý một cách toàn triệt thì đó là vô ngã, vô giới hạn.

Trí não bây giờ dầy đặt thông tin chồng chất, không còn không gian nào trong nó cả, và ta nhất định phải có không gian. Không gian có nghĩa là năng lượng; Khi không có không gian, năng lượng của bạn rất là rất là giới hạn. Trí não bây giờ đang quá nặng chĩu với kiến thức, với học thuyết, với quyền lực, địa vị, mãi mãi trong sự xung đột và chồng chất mãi lên. Nó không còn không gian. Và sự tự do, hoàn toàn tự do là sở hữu không gian vô hạn đó. Trí não sở hữu tiềm năng phi thường, tiềm năng vô hạn, nhưng chúng ta khiến nó vô cùng nhỏ nhoi và tầm thường.

Cho nên, khi có không gian đó và hư không đó, và do đó, nguồn năng lượng vô biên – Năng lượng tức là sự đam mê, tình thương, từ bi và trí tuệ – Rồi thì Chân lý ở đó vốn thánh thiện nhất, thiêng liêng nhất; Cái đó con người đã tìm kiếm từ thời thượng cổ. Chân lý đó không nằm trong bất kỳ đền thờ nào, trong bất kỳ đạo tràng nào, trong bất kỳ giáo đường nào. Và không có con đường đi đến nó ngoại trừ thông qua sự tự biết mình, tiến trình truy cứu, tiến trình nghiên cứu, tiến trình học hỏi. Rồi thì đó là sự vĩnh cửu…

❁ ❁ ❁

(trích) Các Bài Giảng Tại Washington D.C.
Buổi Diễn thuyết Công Cộng Lần Thứ Nhất
20th Tháng Tư, 1985

Nhất Như chuyển ngữ – 03/07/2013

Video buổi diễn thuyết (có vietsub) Nói chuyện ở Washington2

Ảnh: Abed Ismail on Unsplash

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x