Trang chủ » Thời gian, đau khổ và sự chết

Thời gian, đau khổ và sự chết

by Hậu Học Văn
180 views

Có lẽ sáng nay chúng ta nên dẹp hết sang một bên tất cả mọi vấn đề của ta: vấn đề kinh tế, vấn đề giao tiếp với tha nhân, vấn đề sức khỏe và cả những vấn đề rộng lớn hơn vây phủ chúng ta: về quốc nội và quốc tế, về chiến tranh, về đói kém, về bạo động loạn lạc, vân vân. Không phải chúng ta lẩn tránh các vấn đề ấy, nhưng nếu chúng ta có thể dẹp chúng sang một bên, dù chỉ trong buổi sáng này thôi, thì với một tâm thức tươi nhuận, một nhận thức sâu sắc hơn chúng ta mới có thể xem xét chúng một cách khác hẳn, một cách mới mẻ, đầy cương quyết và sáng suốt hơn.

 

Tôi thiết tưởng chỉ có tình thương mới có thể làm phát sinh một cuộc cách mạng đích thực, chứ tất cả mọi cuộc cách mạng khác, những cuộc cách mạng căn cứ trên những lý thuyết về kinh tế, hay trên những chủ nghĩa xã hội hay trên các chủ thuyết nào khác, đều chỉ có thể tạo thêm nhiều rối loạn mới khác, càng sinh thêm đảo điên và khốn khổ. Ta không thể nào hy vọng giải quyết được vấn đề căn bản của nhân loại bằng cách cải thiện rồi kết hợp lại vô số những thành phần riêng biệt của nó. Chỉ duy một tình thương rộng lớn mới có thể cho ta một cái nhìn toàn vẹn về vấn đề ấy, do đó mới vận dụng được một hành động toàn diện, thay vì cứ được một hành động toàn diện, thay vì cứ loay hoay với cái hành vi phiến diện manh mún được gọi là những cuộc cách mạng mà kỳ thực không đưa tới đâu cả.

Sáng nay, tôi muốn nói về một điều bao gồm toàn bộ cuộc sống, không chia ly manh mún đó là cách thể nhìn ngó toàn bộ cuộc sống con người, và để thâm nhập vào đó thiết tưởng chúng ta phải ngừng dấn thân vào những lý thuyết, những tin tưởng, những tín điều. Phần đông chúng ta không chịu ngưng đào bới cái bản chất của tư tưởng mình, nhưng hình như chúng ta không bao giờ chịu gieo giống, chúng ta phân tích, chúng ta thảo luận, chúng ta phanh phui sự vật ra thành từng mảnh, nhưng chúng ta không nắm được sự vận động toàn bộ của cuộc sống.

Tôi nghĩ là có ba điều cần phải được thấu hiểu một cách thâm sâu nếu chúng ta muốn lĩnh hội toàn bộ cuộc vận động của đời sống. Đó là: Thời gian, đau khổ và sự chết. Để thấu hiểu thời gian, để lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa của đau khổ và để sống cùng sự chết – tất cả hành động đó đòi hỏi phải có ánh sáng của tình thương. Tình thương không phải là một lý thuyết cũng không phải là một lý tưởng. Ta thương hoặc ta không thương, thế thôi. Điều đó không thể giảng dạy được. Ta không thể thâu nhập những bài học để biết phải thương yêu như thế nào và cũng không có một phương pháp nào với những công phu luyện tập hằng ngày, khiến có thể khởi sinh nơi ta một nhận thức về thế nào là thương yêu. Nhưng tôi nghĩ có thể thương yêu một cách tự nhiên, một cách dễ dàng, một cách tự phát, khi ta thật sự nhận thức được ý nghĩa của thời gian, nhận thức được chỗ sâu xa phi thường của đau khổ cùng cái trạng thái thuần khiết do sự chết phát sinh. Ý tôi muốn nói là ta phải xem xét bằng sự kiện thực, chứ không phải xem xét trên lý thuyết hay trong trừu tượng, bản chất của thời gian, tính chất – hay cơ cấu – của đau khổ và cái vật kỳ lạ mà người đời gọi là sự chết. Ba vật ấy không chia cách nhau được. Nếu ta thấu hiểu thời gian, ta mới thấu hiểu được sự chết cùng đau khổ là gì. Nhưng nếu xem thời gian như một vật gì khác biệt với đau khổ và sự chết, và nếu cố nhìn xét nó một cách biệt lập, thì quan điểm của ta sẽ phiến diện, chia lìa và ta không bao giờ lãnh hội được vẻ đẹp cùng mãnh lực của thương yêu.

Vậy sáng nay, chúng ta sẽ nói về thời gian, không phải nói trong trừu tượng mà trong hiện thực: thời gian như là một sự tương tục của cuộc sống. Có thứ thời gian của đồng hồ, giờ và ngày trải dài thành triệu triệu năm, và chính thời gian ấy đã phát sinh tư tưởng mà ta đang vận dụng để sống còn. Khả năng tư tưởng của ta là một thành quả của thứ thời gian ấy, nó đích thị là sự tương tục của đời sống và ta gọi sự cải thiện hay “đánh bóng” cái khả năng tư tưởng đó qua tương tục, là sự tiến bộ. Thời gian cũng còn là cái kỳ hạn tâm lý mà tư tưởng tạo nên như phương tiện nhằm tự thực hiện. Chúng ta dùng kỳ hạn đó để tiến bộ, để thực hiện, để trở nên, để tạo thành quả. Phần đông người đời xem đó như là bàn đạp để lấy đà phóng tới một cái gì vĩ đại hơn, tới sự phát triển một vài khả năng, tới sự toàn thiện một kỹ thuật nào đó, tới sự thực hiện một cứu cánh, một mục tiêu – mục tiêu này có thể là đáng giá hoặc có thể là không, rồi từ đó họ tưởng nghĩ rằng thời gian là cần thiết cho sự lộ bày, khai phá những gì là chân lý, là Thượng đế, là siêu thoát khỏi nỗi khổ nhọc của con người.

Thế thường, ta xem thời gian như là một kỳ hạn, một giai đoạn giữa cái lúc hiện tại và một điểm thời gian nào đó trong tương lai mà người ta sẽ tự thực hiện, và người ta dùng kỳ hạn ấy để đào luyện tính tình, để dứt bỏ một vài thói quen để phát triển các bắp thịt hay một vài quan điểm nào đó. Trong suốt hai ngàn năm qua, những tâm thức Cơ đốc đã bị qui định nhằm để tin tưởng vào một đấng cứu thế, vào địa ngục, vào thiên đàng, còn ở Đông phương, cũng có những sự qui định tương tự được dùng để áp chế tâm trí con người còn dài lâu cổ xưa hơn nữa. Người ta nghĩ rằng thời gian là cần thiết cho mọi điều mà người ta phải làm hoặc phải hiểu, do đó thời gian trở thành gánh nặng, trở thành rào cản ngăn chặn không cho nhận thức những sự kiện, ngăn chặn không cho nhìn thấy tức khắc nguyên nhân chân, giả của một điều nào đó, vì người ta tin rằng muốn được như thế cần phải có thời gian. Người ta bảo:

“Ngày mai trong hai năm nữa, tôi sẽ hiểu cực kỳ sáng suốt điều này”. Ngay khi người ta chấp nhận thời gian là người ta đã dụng dưỡng sự biếng nhác, chính sự lười biếng kỳ lạ này đã ngăn chặn không cho nhìn thấy tức khắc chân tướng của sự vật.

Ta nghĩ rằng cần phải có thời gian để đoạn tuyệt với cái trạng thái qui định mà xã hội – với những tôn giáo có tổ chức, với những luật lệ về luân lý, với những tín điêu, với sự ngạo mạn, với tinh thần tranh đua của nó – đã khống chế tâm thức. Ta tư tưởng bằng thời gian vì tư tưởng thuộc trong thời gian: tư tưởng là phản ứng của ký ức và ký ức là thứ hậu trường đã được tích trữ, di truyền, thủ đắc bởi giống nòi chủng tộc, bởi tập đoàn, phe nhóm, bởi gia đình và cá nhân. Hậu trường ấy là thành quả của tiến trình tích trữ của tư tưởng và sự tích trữ này đã nương nhờ vào thời gian. Đối với phần đông chúng ta, khả năng tư tưởng đích thị là ký ức. Khi có một khích động hay một sự mời gọi thì chính ký ức phản ứng như một ứng đáp, tương tự như một bộ óc điện tử tác động bằng phương thức liên hợp. Vì tư tưởng là phản ứng của ký ức, nên ngay trong bản chất, nó là sản phẩm của thời gian và cũng là chủ thể cấu tạo nên thời gian.

Điều tôi trình bày không phải là một lý thuyết, cũng không phải là một đề tài để suy nghĩ. Các ngài chả cần phải suy nghĩ chi về điều đó cả, tốt hơn các ngài hãy nhìn thấy những sự kiện ấy vì chúng là như thế đó. Tôi không đi sâu vào chỗ phức tạp của những chi tiết của các sự kiện đó, nhưng tôi chỉ vạch ra cho các ngài thấy các sự kiện cốt yếu, và trong hai điều này, các ngài phải thực hiện một: hoặc các ngài nhìn thấy các sự kiện đó hoặc không. Nếu các ngài theo dõi điều tôi trình bày, chứ không phải những danh từ được phát ngôn, nếu thay vì phân tích bài nói chuyện của tôi, các ngài nhận thấy thực sự rằng các sự kiện là như thế, các ngài mới có thể nhìn thấy cái cách thế mà thời gian nó lừa đảo mê hoặc chúng ta và lúc bấy giờ, câu hỏi được đặt ra là: thời gian có thể nào ngưng dứt không? Nếu chúng ta có thể thấy được toàn bộ tiến trình của hành vi chúng ta – thấy chiều sâu hun hút cùng bề mặt cạn cợt của nó, thấy vẻ đẹp cùng nét xấu của nó – không phải ở ngày mai mà thức khắc ngay bây giờ, thì chính nhận thức là hành động hủy phá thời gian.

Nếu ta không thấu hiểu được thời gian thì ta không sao thấu hiểu được đau khổ. Chúng không phải như ta tưởng, là hai nhân vật khác biệt nhau. Để đến sở làm, sống với gia đình, sinh sản, không phải là những sự việc khu biệt. Trái lại, tất cả mọi phương diện ấy của cuộc sống đều liên lạc nhau một cách sâu xa và mật thiết, và không có lòng mẫn cảm xuất sinh từ tình thương thì ta không thể nào nhận thấy được những mối liên lạc mật thiết phi thường đó.

Để thấu hiểu đau khổ, ta phải thật sự thấu hiểu bản chất của thời gian và sự cấu tạo của tư tưởng. Thời gian phải ngưng dứt, bằng không ta chỉ lặp đi lặp lại những kiến thức, tài liệu đã được tích trữ, tương tự như một bộ óc điện tử. Nếu thời gian không chấm dứt tức là tư tưởng không chấm dứt – thì ta chỉ biết lặp đi lặp lại, chỉ biết thích ứng, chỉ biết biến chế, chứ không bao giờ có mới mẻ nơi nội tâm ta. Chúng ta là những bộ óc điện tử được đề cao vẻ vang, tuy có đôi chút độc lập, nhưng chúng ta vẫn máy móc trong sinh hoạt.

Vậy để thấu hiểu bản chất và sự chấm dứt của đau khổ, ta cần phải thấu hiểu thời gian. Muốn thấu hiểu thời gian, ta cần phải thấu hiểu tư tưởng. Hai vật ấy không tách rời nhau được. Có thấu hiểu thời gian, ta mới chấm dứt được tư tưởng và thấu hiểu tư tưởng tức là chấm dứt thời gian, do đó chấm dứt luôn đau khổ. Nếu điều ấy đã được sáng tỏ thì ta mới có thể nhìn tận mặt sự đau khổ thay vì thờ phượng sùng bái nó như những người Cơ đốc. Thế thường, ta hay sùng thượng hoặc phá hủy điều nào ta không hiểu. Ta đặt điều đó vào trong một nhà thờ, một đền chùa hay trong thâm kín nào đó của tâm thức ta để rồi từ đó nó trở thành là một vật kinh khiếp, hoặc ta đá hất, quăng ném thải bỏ nó; hoặc ta lẩn tránh nó. Nhưng ở đây ta không hành động như thế. Chúng ta thấy rõ rằng, từ nhiều nghìn vạn năm qua, con người đã vùng vẫy mãi trong đau khổ, và không sao giải quyết được vấn đề, thành thử họ trở nên chai lì, họ đã chấp nhận đau khổ bảo rằng đó là một phương diện không thể tránh của cuộc sống.

Nhưng khư khư chấp nhận đau khổ, không những ngu muội mà đó còn là cách thế làm cho tâm trí thành hắc ám, vô cảm, hung bạo nông cạn, và do đó cuộc sống chỉ còn là một chuỗi dài ti tiện của những bạo lực và khoái lạc nối tiếp nhau.

Chúng ta sống những cuộc sống phân chia manh mún như là nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nghệ sĩ, là con người tình cảm, sùng đạo hoặc là gì khác nữa. Nhưng muốn thấu hiểu đau khổ và thoát ly đau khổ, ta phải thấu hiểu thời gian, tức là thấu hiểu tư tưởng. Bấy giờ ta nhận thấy rằng không thể nào chối bỏ, lẩn trốn, đào thoát khỏi đau khổ bằng cách vui đùa, đi nhà thờ, chấp nhận những tin tưởng có tổ chức, mà không thể chấp nhận và sùng thượng đau khổ. Nhưng để tránh những tệ đoan nguy hiểm ấy, ta cần phải có một sức chú tâm cao độ, tức là năng lực vậy.

Đau khổ thường mọc gốc rễ trong thái độ tự thương thân xót phận. Nếu ta muốn thấu hiểu đau khổ ta phải “mổ xẻ” sự thương thân xót phận đó một cách thẳng tay. Không biết các ngài có để ý thấy các ngài tự thương thân trách phận đến mực độ nào chăng khi các ngài nói: “Tôi cô độc”. Ngay khi sự thương thân xót phận này xen vào là các ngài đã bồi đất cho cây đâm gốc mọc rễ rồi. Các ngài có thể biện minh cho sự thương thân xót phận này, có thể lý luận, có thể đánh bóng, phủ đậy nó bằng ý niệm, nhưng nó vẫn luôn luôn hiện diện ở đó, ung độc lở lói vào sâu nội tâm các ngài. Vậy, kẻ muốn thấu hiểu đau khổ, trước tiên phải khởi sự giải thoát khỏi cái mưu mộ ti tiện, bạo ngược và vị ngã là sự thương thân xót phận đó. Các ngài có thể cảm nhận được tình tự thương thân xót phận đó vì cầu nguyện bệnh hoạn hoặc vì có kẻ thân yêu qua đời hoặc vì các ngài chưa tự thực hiện được con người của mình, nên các ngài tự cảm thấy mình sút kém, lu mờ, nhưng dù thế nào, tình tự thương thân xót phận vẫn là gốc rễ của đau khổ. Hễ ta giải thoát khỏi tình tự này, là ta có thể nhìn tận mặt đau khổ, không sùng thượng hay lẩn trốn nó, hoặc gán cho nó một ý nghĩa cao thượng và đạo đức, hoặc nghĩ rằng cần phải đau khổ mới tìm thấy được Thượng đế, như thế quả thực là dại dột. Chỉ có những tâm thức mê mờ và ngu muội mới quy thuận với đau khổ. Vậy bằng cách này hay cách khác, không nên chấp nhận đau khổ mà cũng không chối bỏ nó. Khi ta đã giải thoát khỏi sự thương thân xót phận ấy thì ta đã lột bỏ hết mọi tình tự và cảm xúc của đau khổ có thể dấy sinh và lúc bấy giờ ta mới có thể nhìn tận mặt đau khổ với một sự chú tâm trọn vẹn.

Tôi hy vọng rằng đó là điều mà các ngài đang làm sáng nay khi chúng ta cùng tiến tới trong câu chuyện, và hy vọng rằng các ngài đừng bằng lòng chấp nhận trên bình diện ngôn từ những điều tôi trình bày. Các ngài hãy ý thức việc các ngài âu sầu chấp nhận đau khổ, ý thức những lý luận, những biện giải, ý thức sự thương thân tủi phận, thái độ tình cảm và xúc cảm của các ngài, bởi vì tất cả những thứ ấy đều làm hao phí năng lực. Muốn thấu hiểu đau khổ, các ngài phải đặt hết chú tâm của các ngài vào đó và trong sự chú tâm này không còn chỗ chứa những biện giải, những tình cảm những lý luận cũng như tình tự thương thân xót phận.

Tôi hy vọng các ngài thấu hiểu rõ ràng qua lời trình bày của tôi, khi tôi khuyên các ngài nên đặt hết chú tâm vào đau khổ. Trong sự chú tâm này không có một cố gắng nào nhằm để giải quyết hoặc thấu hiểu sự đau khổ. Ta nhìn, ta quan sát, chỉ có thế thôi. Mọi cố gắng nhằm thấu hiểu, nhằm lý luận hoặc lẩn tránh đau khổ, đều là thái độ chối bỏ cái tâm thái tiêu cực của sự chú tâm trọn vẹn, mà chỉ trong tâm thái này cái gọi là đau khổ mới có thể được thấu hiểu.

Không phải chúng ta đang phân tích, đang khám phá đau khổ bằng lối phân tích nhằm một cách dứt bỏ đau khổ, vì các động tác đó của tâm trí chỉ là những mánh khóe xảo quyệt. Tư tưởng, đứng ra làm cuộc phân tích, tưởng tượng rằng đã thấu hiểu và thoát ly đau khổ. Tưởng tượng thế là dại dột. Các ngài có thể dứt bỏ được một sự đau khổ đặc biệt nào đó, nhưng đau khổ vẫn sẽ tái hiện dưới một hình thức khác. Chúng ta nói về đau khổ trong cái toàn thể của nó, tự thân của đau khổ, dù là đau khổ của tôi hay của các ngài hay của một người nào khác.

Như tôi đã nói, để thấu hiểu đau khổ, cần phải thấu hiểu thời gian và tư tưởng. Phải nhận thức rõ để không phân biệt chọn lựa tất cả mọi cách thế lẩn trốn, tất cả những gì là thương thân xót phận được phô diễn thành ngôn từ, làm như thế để cho tâm thức được hoàn toàn tịch lặng đối diện với điều ta muốn hiểu. Trong đó, tuyệt nhiên không có sự chia cách giữa chủ thể quan sát và đối tượng bị quan sát: Không phải chính các ngài, chủ thể quan sát, người tư tưởng, đang đau khổ và đang nhìn thấy đau khổ: Chỉ có một tâm thái duy nhất. Cái tâm thái đau khổ bất khả phân này hết sức cần thiết, bởi vì khi ta nhìn đau khổ như là một chủ thể quan sát là ta đã tạo nên cuộc xung đột làm ngưng trệ tâm thức, làm hoang phí năng lực và do đó loại trừ sự chú tâm.

Khi ta thấu hiểu bản chất của thời gian và tư tưởng, khi ta đã bứng gốc sự thương thân xót phận, bứng gốc tình cảm, cảm xúc và tất cả những gì bao hàm trong đó thì tư tưởng, nguyên là nguồn cội dấy sinh tất cả sự phức tạp ấy, liền chấm dứt và thời gian không còn nữa. Bấy giờ ta tiếp xúc trực chỉ và mật thiết với vật mà các ngài gọi là đau khổ. Ta duy trì đau khổ khi ta lẩn tránh đau khổ, khi ta muốn trốn chạy nó hay muốn giải quyết nó hay sùng thượng nó. Nhưng khi tất cả mọi hành động đó đều không có, bởi vì ta đã giáp mặt trực tiếp với đau khổ và do đó ta tuyệt đối lặng yên trước đau khổ, ta liền khám phá rằng ta không đau khổ chi hết. Ngay khi tâm thức các ngài tiếp xúc trọn vẹn với sự-kiện-đau-khổ thì chính sự tiếp xúc ấy giải quyết tất cả những gì đã nương nhờ vào thời gian và tư tưởng, làm tái sinh sự kiện đó. Và thế là đau khổ chấm dứt.

Bây giờ, làm cách nào chúng ta có thể thấu hiểu được cái mà chúng ta gọi là sự chết, và chúng ta quá đỗi sợ hãi? Con người đã tạo biết bao nhiêu là đường lối quanh co để đề cập sự chết: những thờ phượng, những lý lẽ để chối bỏ nó, vô số những tin tưởng, vân vân. Nhưng để thấu hiểu sự chết, tất nhiên phải đề cập nó bằng một tâm thức mới mẻ, bởi vì các ngài không biết gì về sự chết cả, phải thế không? Các ngài đã thấy nhiều người chết, và các ngài đã quan sát, ở chính các ngài cũng như những người khác, cái chết lần mò tiến đến cùng với tuổi tác và sự tiêu mòn hư hoại do tuổi tác đem lại. Các ngài biết rằng sự sống của xác thân cáo chung với sự già nua, với tai nạn, với bệnh tật, với sát hại hoặc với tự vẫn, nhưng các ngài không biết sự chết như cái ngài biết về những ham muốn tình dục, sự đói khát, tính hung bạo, sự tàn nhẫn. Các ngài không nhận biết một cách đích xác trọn vẹn chết là gì, và bao lâu các ngài không thấu hiểu, thì sự chết sẽ vô nghĩa đối với các ngài. Điều mà các ngài sợ hãi là một sự trừu tượng mà các ngài không quan niệm nổi. Bởi vì không nhận biết được sự sung mãn của cái chết là gì, và bao lâu các ngài không thấu hiểu, thì sự chết sẽ vô nghĩa đối với các ngài. Điều mà các ngài sợ hãi là một sự trừu tượng mà các ngài không quan niệm nổi. Bởi vì không nhận biết được sự sung mãn của cái chết và những nghĩa lý bao hàm trong đó, nên tâm thức các ngài sợ hãi nó: tâm thức sợ hãi các ý niệm về sự chết, chứ không phải nó sợ hãi chính sự kiện mà nó không biết.

Xin các ngài hãy xem xét điều này với tôi: nếu các ngài chết tức tốc, các ngài không có thì giờ để nghĩ đến cái chết và sợ hãi nó. Nhưng đây lại có một khoảng cách giữa hiện tại và lúc cái chết sẽ đến, và trong kỳ hạn đó các ngài có thời giờ để âu lo và lý luận về cái chết. Các ngài muốn kéo dài cuộc đời trong một cuộc sống khác – nếu cuộc sống khác đó có – kéo dài tất cả những nỗi lo âu, tất cả những ham muốn, những tri thức mà các ngài đã tích trữ, thế rồi các ngài tin tưởng vào một hình thức bất tử nào đó. Với các ngài, sự chết là một vật cách biệt với sự sống. Cái chết ở đằng kia, một nơi nào đó, còn các ngài thì ở đây, đang lo sinh sống, đang bận lái xe, đang bận hưởng khoái lạc dâm dục, đang cảm thấy đói, đang tạo ưu phiền, đang chạy áp phe, đang tích trữ kiến thức, vân vân. Các ngài không muốn chết vì các ngài chưa viết xong quyển sách của mình, vì các ngài chưa chơi vĩ cầm tuyệt hay. Thế rồi các ngài phân chia sự chết với sự sống và các ngài tự bảo: “Bây giờ tôi muốn hiểu sự sống, còn sự chết thì sau rồi tôi sẽ hiểu”. Thế nhưng, chết sống vốn không cách biệt nhau, và đấy là điều trước tiên cần phải thấu hiểu. Sống và chết là một. Chúng liên quan mật thiết với nhau. Ta không thể khu biệt chúng ra và tìm hiểu cái này tách lìa cái kia được. Mà phần đông chúng ta lại làm như thế. Ta chia cắt sự sống ra nhiều khu vực kín mít, không dính dáng chi với nhau cả. Nếu các ngài là nhà kinh tế học thì các vấn đề kinh tế là tất cả mối quan tâm của các ngài, ngoài ra các ngài không biết chi hết. Nếu ngài là y sĩ chuyên môn về mũi họng hay về tim thì ngài sống trong phạm vi hạn định của những kiến thức đó suốt trong bốn năm chục năm và đó là thiên đàng của ngài khi ngài chết.

Như tôi đã nói, hễ nhìn xét cuộc sống một cách chia ly manh mún là sống triền miên trong điên đảo hỗn loạn, trong mâu thuẫn của đau khổ. Cần phải nhìn thấy cái toàn thể của cuộc sống và ta chỉ có thể nhìn thấy được cái toàn thể khi lòng tràn đầy trìu mến, thương yêu. Tình thương là cuộc cách mạng duy nhất khả dĩ ổn định được trật tự trong thế giới. Việc thu đạt thêm nhiều kiến thức về toán học, về y học, về sử, về kinh tế và kế đó ráp nối tất cả các mảnh vụn ấy lại, là điều hoàn toàn vô ích: hành vi đó không giải quyết được gì cả. Không có tình thương thì mọi cuộc cách mạng đều đưa đến sự sùng thượng nhà nước hay sùng thượng một hình ảnh hoặc đưa đến vô số những hành vi trụy tồi tàn bạo làm hủy hoại con người. Cũng tương tự như thế, vì sợ hãi cái chết, ta đặt nó cách khoảng với ta và tách rời nó với cuộc sống thường nhật của ta, sự phân cách này chỉ khiến phát sinh thêm sợ hãi, âu lo và gia tăng những lý thuyết về sự chết. Muốn thấu hiểu sự chết, phải thấu hiểu sự sống. Sự sống không phải là sự tương tục của tư tưởng và chính sự tương tục này đã khởi dấy tất cả mọi đau khổ của ta.

Nhưng tâm thức các ngài có đủ khả năng thu hồi hết sự chết về ngay trong hiện tại tổ chức thời này không? Các ngài theo dõi tôi chứ? Sự thật cái chết không phải là cái gì ở tận đằng xa kia đâu: cái chết ở tại đây và ngay bao giờ. Cái chết hiện diện khi ta nói năng, khi ta hưởng lạc, khi ta lắng nghe, khi ta đến sở làm. Cái chết hiển hiện ở đó mọi lúc trong cuộc sống như tình thương vậy. Nếu các ngài nhận thấy được một lần sự thể ấy, các ngài sẽ thấy rằng tình tự sợ chết không còn nữa. Không phải ta sợ cái-không-biết mà ta sợ mất cái-biết. Ta sợ mất hết gia đình, sợ bị cô độc, không ai bầu bạn, ta sợ nỗi khổ về cô độc, hành hạ, sợ không có cảm giác và mất hết của cải đã được tích lũy. Ta sợ phải xa lìa cái-biết. Cái biết là ký ức, và tâm thức bám víu vào ký ức ấy, nhưng ký ức chỉ là máy móc, điều đó đã được các máy tính điện tử chứng minh hết sức ngoạn mục.

 

Muốn thấu hiểu vẻ đẹp và bản chất phi thường của sự chết, ta phải giải thoát khỏi cái biết. Chết với cái biết là bắt đầu thấu hiểu sự chết, bởi vì bấy giờ tâm thức chuyển mình mới mẻ, trong nó không còn sợ hãi nữa và ta có thể đi vào cái trạng thái được gọi là sự chết. Kẻ thông minh đích thực mới thấu hiểu được thời gian, tư tưởng và đau khổ. Chỉ kẻ đó mới thấu hiểu được sự chết. Thứ tâm thức biết chết từng giây từng phút, không bao giờ tích trữ, không bao giờ gom góp kinh nghiệm, mới là tâm thức vô tư vô nhiễm và do đó mới luôn luôn nằm trong một trạng thái thương yêu thường trực.

Không biết các ngài có muốn hỏi chi thêm về vấn đề đó không, để chúng ta đi sâu vào các chi tiết.

H: Thưa ngài, giữa tư tưởng của ngài và tư tưởng Cơ đốc về tình thương, khác nhau chỗ nào?

K: Tôi e không thể nói được chỗ đó với ngài. Tôi không có “tư tưởng” tình thương, nếu ta nghĩ về tình thương, thì đấy không phải là tình thương, chắc ngài biết là có một sự khác biệt lớn lao giữa một nhu cầu bình thường về dâm dục với những tư tưởng kích thích cảm giác. Tâm thức chỉ biết lo hưởng lạc, chỉ biết nghĩ đến khoái lạc, cứ tự kích thích bằng những hình ảnh, bằng những tưởng tượng, bằng những tư tưởng, tâm thức ấy rất tổn hại. Nhưng “cái kia” thì lại hoàn toàn khác hẳn: Ý nghĩa của cái ấy, không có tư tưởng xen vào, nên vốn khác hẳn. Cũng tương tự như thế, ta không thể tư tưởng về tình thương. Ngài có thể tưởng nghĩ đến một kiểu mẫu tình thương mà ký ức đã ghi chép được hay tưởng nghĩ đến những gì người ta đã nói với ngài về tình thương: họ nói tình thương tốt hoặc xấu, thiêng liêng hoặc phàm tục, vân vân. Nhưng các tư tưởng ấy không phải là tình thương. Tình thương không phải thuộc Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, không phải đông tây chi cả, tình thương không phải của ngài, không phải của tôi. Chỉ khi nào ngài đã chặt đứt hết mọi ý niệm về quốc tịch, về chủng tộc, về tôn giáo của ngài cũng như về mọi ý niệm khác, ngài mới biết được tình thương là gì.

Các ngài thấy không, sáng nay tôi nói về sự chết để các ngài có thể thấu hiểu toàn bộ sào huyệt của nó – không phải là các ngài thấu hiểu nó khi các ngài đang ngồi đây trong căn lều này, mà thấu hiểu nó trong suốt cả toàn bộ cuộc sống của các ngài – để do đó các ngài thoát ly khỏi đau khổ, thoát khỏi sợ hãi và thật sự nhận biết được ý nghĩa của sự chết. Nếu từ bây giờ và trong những ngày kế tiếp mà tâm trí các ngài không trở nên hoàn toàn sáng suốt, vô tư vô nhiễm, chú tâm sâu sắc, thì nghe lời tôi nói cầm bằng như vô ích hoàn toàn. Nhưng nếu các ngài sáng suốt, chú tâm sâu sắc, ý thức tư tưởng và tình cảm của mình, nếu các ngài không lo diễn giải những điều tôi nói mà các ngài đang thực sự quan sát chính các ngài qua những mô tả và khám phá về vấn đề này thì khi rời căn lều này các ngài sẽ sống, các ngài sẽ sống không những tưng bừng mà cả với sự chết và tình thương nữa.

28/7/1964

2/8/1964

❁ ❁ ❁
Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian – Krishnamurti

Nguyễn Minh Tâm, Đào Hữu Nghĩa dịch

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x