Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 1 – Học Nhi

Luận Ngữ – Chương 1 – Học Nhi

by Hậu Học Văn
3487 views

HỌC NHI ĐỆ NHẤT

1. Đức Khổng tử nói: “Học rồi mà tùy thời ôn tập, lại chẳng đẹp lòng sao? Có bạn bè từ phương xa đến, lại chẳng vui thích sao? Người ta không biết đến mình, mà mình không giận hờn, chẳng phải là bậc quân tử đó sao?”

BÌNH GIẢI:

Chữ “học” trong tinh thần Đức Khổng tử ở câu nói này và cũng là chung cho toàn bộ tư tưởng sách Luận ngữ không nhằm chỉ cái học chuyên môn về một nghề nghiệp hay một kỹ thuật nào, mà là học đạo lý để trở thành bậc quân tử. Quân tử là người hiểu biết đạo lý làm người và cố gắng cư xử theo đạo lý ấy.

Theo đạo Nho, quân tử là mẫu người lý tưởng ở cấp độ thứ ba, sau bậc hiền và bậc thánh. Bậc hiền là người quân tử thành tựu được đức nhân. Bậc hiền thêm đức thành nữa là trở thành bậc thánh.

Đạo của người quân tử là đạo nhất quán, bao gồm cả nhân đạo, thiên đạo và thánh đạo. Đạo này cũng có tên khác là đạo Trung dung, được bàn kỹ trong sách Trung dung.

Nhân đạo là đạo lý chi phối cõi nhân sinh, xã hội con người.

Thiên đạo là qui luật chi phối vũ trụ, vạn vật thiên nhiên.

Thánh đạo là đạo lý siêu phàm giúp con người kết hợp với đạo trời (phối

thiên).

Trong cõi nhân sinh, đạo lý gần gũi con người nhất là hiếu thảo với cha mẹ, đễ kính với anh chị, các bậc trưởng thượng, rồi tới yêu thương mọi người. Vì thế, chữ học ở đây phải được hiểu là học làm con người đích thực.

 Đức Khổng tử nói về sự học rằng: 弟子入則孝,出則弟,謹而信,汎愛 眾而親仁。行有餘力,則以學文。 – Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.” ([Là phận] con em vào thì có hiếu [với cha mẹ], ra thì thuận thảo [với bậc trưởng thượng], cẩn thận mà giữ niềm tin, rộng yêu mọi người mà gần gũi người nhân từ. Thi hành những điều đó còn thừa sức thì hãy học văn.” (Luận ngữ, Học nhi, 6).

 Cái đạo nhất quán ấy, một chiều ăn thông với cõi nhân sinh, chiều kia xuyên suốt tới đạo trời, cao siêu có thể khiến con người nên thánh, nên hiền.

 Chỉ cần được nghe về đạo ấy thôi cũng đã thích thú lắm rồi! Đức Khổng tử có lần tâm sự rằng: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ! -朝聞道,夕死可矣! ” (Sớm được nghe đạo, chiều chết cũng được.)

Chính vì người quân tử học theo đạo ấy, nên những lúc rảnh rang ôn tập lại và thực hành, thấy mình tăng tiến trong đạo, lại chẳng thấy đẹp lòng lắm sao?

Mình đã vui trong việc học, nay lại được bạn bè cùng quan điểm, cùng với mình đồng thanh đồng khí (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu), từ xa đến thăm để cùng nhau bàn hỏi về lẽ đạo nhiệm mầu, lại chẳng vui thích lắm sao?

Học ở đây là học làm người quân tử, mà người quân tử ắt cầu đạo chứ không cầu danh. Vì vậy, dù người ta không biết đến tiếng tăm của mình, tài năng không có cơ hội thi triển, thì người học đạo cũng không cảm thấy buồn giận, luôn thanh thản an nhiên; điều ấy chẳng phải là xứng đáng nhân cách của bậc quân tử đó sao?

 Mở đầu chương Học nhi, cũng là mở đầu sách Luận ngữ, người soạn sách đã trưng dẫn một câu nói đặc biệt của Đức Khổng tử về sự học, đủ biết rằng đạo lý trong sách này chẳng phải tầm thường!

2. Thầy Hữu tử nói: “Làm người có nết hiếu đễ mà lại ưa thích xúc phạm đến bậc trên, ít có vậy. Không ưa thích xúc phạm đến bậc trên mà lại thích làm loạn, điều đó chưa hề có. Người quân tử chuyên chú vào gốc; gốc lập thì đạo sinh. Nết hiếu đễ phải chăng là gốc của đức nhân?”

BÌNH GIẢI:

Nết hiếu đễ là đức hạnh khởi đầu của con người sống trong gia đình. Nết hiếu là lòng tôn kính và làm vui lòng cha mẹ. Nết đễ là sự thuận thảo, nhường nhịn đối với anh chị. Trong gia đình, cha mẹ, anh chị là bậc trên. Ngoài xã hội, nhà cầm quyền giữ địa vị trị an đất nước là bậc trên. Một người có nết hiếu đễ hẳn là không xúc phạm đến cha mẹ, anh chị mình. Người ấy đã không xúc phạm đến bậc trên trong gia đình thì hiếm khi có ý muốn xúc phạm đến bậc trên ở ngoài xã hội. Đã không có ý muốn xúc phạm đến bậc trên hẳn là người ấy không bao giờ gây ra những sự náo loạn, trong nhà cũng như ngoài xã hội. Như thế, sự ổn định trong gia đình có liên hệ mật thiết với sự trị an của đất nước. Đó là lẽ nhất quán hợp lý, xuyên suốt trong ngoài.

 Vì vậy, người quân tử ở vai trò trị nước hay giáo dục phải chuyên chú vào cái gốc; đó là duy trì nết hiếu đễ cho con người từ những bài học đầu đời. Hiếu đễ được thành lập và đề cao thì bao nhiêu đức hạnh khác sẽ phát sinh từ đấy. Mọi đức hạnh của con người được đạo Nho qui chiếu về đức nhân. Thành tựu đức nhân mới là con người đích thực (仁者人也。 Nhân giả, nhân dã.). Cho nên nết hiếu đễ phải được coi là gốc của đức nhân.

Thầy Hữu tử, tức là ông Hữu Nhược, một cao đệ của Đức Khổng tử, thường chú trọng vào nết hiếu đễ, đã nhận ra điểm quan trọng này. Nhưng thầy vốn là một người khiêm nhường nên đã nói ra ý kiến trên với lời lẽ dè dặt.

3. Đức Khổng tử nói: “Nói năng dối trá, [trau chuốt] nhan sắc, [người như thế] ít có đức nhân vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ngôn ngữ từ miệng lưỡi phát ra là ngọn ở bên ngoài; tâm địa là gốc ở bên trong. Người ta không thể thấy được tâm địa, nhưng xét ngôn ngữ của một người, nếu tinh ý, người ta có thể biết được tâm địa người ấy. Ngôn ngữ xảo trá là biểu hiện của một tâm địa kém thành thật. Người dùng lời nói khéo cốt để che đậy ý đồ xấu của mình; nhất là khi lời nói dối trá được vận dụng để thuyết phục hay biện bạch. Những tay du thuyết nổi danh thời Chiến Quốc như Tô Tần, Trương Nghi, thời Tam Quốc như Bàng Thống, Hám Trạch… là những ví dụ điển hình, vì họ chẳng bao giờ thành tâm thành ý cả, mà chỉ cố thuyết phục đối phương theo hướng để có lợi cho họ. Đó là điểm thứ nhất có thể dùng để đánh giá về sự thiếu kém của đức nhân.

Điểm thứ hai là chú trọng trau chuốt nhan sắc đẹp đẽ. Nhan sắc đẹp đẽ là điều ai cũng ưa thích, mến mộ, nhưng đó phải là cái đẹp tự nhiên, không cố ý trau chuốt. Nếu người chỉ biết chú trọng đến vẻ đẹp bên ngoài, chỉ biết trau chuốt hình dung, dáng vẻ, thì thực chất trong nội tâm không thể có sự tu dưỡng cao quý. Sự chú trọng quá nhiều đến vẻ ngoài như thế dĩ nhiên không phù hợp với tiêu chuẩn của đức nhân.

 Theo quan điểm của Đức Khổng tử, đỉnh cao của đức nhân nằm trong ý nghĩa câu nói mà Ngài dạy cho Nhan Hồi: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân. – 克己 復禮為仁。 ” (Chinh phục lấy mình, tuân theo thiên lý là nhân.) Chinh phục lấy mình là không chạy theo ngoại vật, hình sắc dáng vẻ bên ngoài; tuân theo thiên lý là sống trong đạo trời, chân chất thật thà không làm hại đến tha nhân.

 Đức Khổng tử lại nói về đức nhân với Tử Trương: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hỹ; viết: cung, khoan, tín, mẫn, huệ.” (Có thể làm năm điều trong thiên hạ là nhân vậy; đó là: cung kính, khoan hoà, trung tín, chăm chỉ, sáng suốt.” (Luận Ngữ: Dương hoá). Vì thế, Ngài cũng nói: “Cương, nghị, mộc, nột, cận nhân.” (Cương trực, nghiêm trang, chất phác, trì độn, là gần với đức Nhân.) (Luận ngữ: Tử Lộ). Từ đó, có thể suy ra người có nhân thì thành tựu, ôn hoà, khiêm nhượng, nhẫn nhục; người bất nhân thì khéo léo, giảo hoạt, giả dối, tàn nhẫn… Do đó, Đức Khổng tử mới nhận thấy trong những người nói năng xảo trá, lại thêm ưa thích trau chuốt cho nhan sắc thêm đẹp, thật ít người có đức nhân.

 Để chứng thực nhận xét này, chúng ta hãy đọc lại cổ sử Trung Hoa. Những người phụ nữ nổi tiếng đẹp như: Muội Hỉ (đời nhà Hạ), Đát Kỷ (đời nhà Thương), Bao Tự (đời nhà Chu); rồi đến Tây Thi, Trịnh Đán, Hạ Cơ (thời Xuân Thu, Chiến Quốc), Dương Quý Phi (đời nhà Đường) v.v… đều có nhan sắc khuynh quốc, khuynh thành, nhưng cũng đều là những người xảo ngôn, dối trá, đã dùng lời nói mà làm hại không biết bao nhiêu người. Những người nam nổi tiếng đẹp trai như Công Tôn Át (thời Xuân Thu) thì có tính ghen ghét tỵ hiềm, Tống Ngọc (nước Sở), Tràng Khanh (đời nhà Hán) thì nổi tiếng trăng hoa… đều là những kẻ luôn chú trọng quá đáng đến vẻ đẹp bên ngoài. Những con người ấy, cả nữ lẫn nam, hẳn không phải là những người dồi dào đức nhân rồi. Câu nói trên của Đức Khổng tử thật đáng cho người học đạo lưu ý!

4. Thầy Tăng Tử nói: “Tôi, mỗi ngày tự xét mình ba điều: mưu việc cho người có hết lòng chăng? Cùng bạn bè giao thiệp, có giữ niềm tin chăng? Được truyền dạy, có ôn tập chăng?”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tăng Tử có tên là Tăng Sâm; cha là Tăng Tích (Tăng Điểm), cũng là môn đệ Đức Khổng tử. Ông là nhân vật thứ hai, đứng sau Nhan Hồi trong hàng đệ tử ưu tú nhất của Đức Khổng tử. Sau khi Nhan Hồi mất, Tăng Sâm được coi như người môn đệ kế thừa chính thống của Khổng môn. Ông kém Đức Khổng tử 46 tuổi, là môn đệ nhỏ tuổi nhất nhưng lại là người tỏ ra cẩn trọng, trung tín, đốc thực và hiểu đạo lý sâu xa nhất. Về sau, ông là thầy dạy của cháu nội Đức Khổng tử là Khổng Cấp (Tử Tư), tác giả cuốn Trung Dung.

 Trong Khổng môn ở các thế hệ sau, Tăng Tử được tôn là Tông Thánh (vị thánh nối dòng Nho giáo) và Tử Tư được tôn là Thuật Thánh (vị thánh truyền thuật trung thực tư tưởng uyên áo của Nho giáo).

Qua câu nói trên, thầy Tăng Tử cho biết ông lưu ý như thế nào đến hành vi và tâm tính của mình. Nhận hợp tác với người trong công việc thì phải hết lòng. Giao thiệp với bạn bè phải giữ niềm tin, tức là không dối trá hay hứa hẹn hão. Nhận được lời truyền dạy của thầy thì thường xuyên ôn tập, thực hành.

5. Đức Khổng tử nói: “Cai trị nước một ngàn cỗ xe, phải thận trọng trong công việc mà giữ niềm tin, tiêu dùng tiết kiệm mà yêu thương mọi người, sai khiến dân chúng phải tùy thời.”

BÌNH GIẢI:

Chữ “đạo” ở đây đóng vai một động tự, có nghĩa là hướng dẫn, chỉ đường hay cai trị. Nước một ngàn cỗ xe (thiên thặng chi quốc) là một nước tầm cỡ trung bình vào thời đó, có khoảng một ngàn cỗ xe trận. Nước Lỗ, quê hương Đức Khổng tử là một nước như thế. Nước lớn có khoảng một vạn cỗ xe trận (vạn thặng chi quốc) là như nước Tề, nước Sở… Nước nhỏ có khoảng một trăm cỗ xe trận (bách thặng chi quốc) là như các nước Trần, Sái, Ngu, Quắc v.v…

Vào đầu thời Xuân Thu (thế kỷ 8 trước Công nguyên), Trung Hoa gồm có trên 100 nước lớn nhỏ. Vì chinh chiến diễn ra liên miên trong mấy trăm năm, nên người ta quen dùng số lượng xe trận để chỉ một nước lớn, vừa hay nhỏ. Để cai trị một nước trung bình, không có quá nhiều công việc, không có tham vọng xâm lược, bá chủ như một nước lớn, Đức Khổng tử cho rằng cần chú ý tới năm điều sau đây:

1. Thận trọng trong công việc (kính sự): việc gì cần làm thì phải suy tính cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng, không được sơ sót, cẩu thả để tránh thất bại và hao tốn.

2. Giữ niềm tin (tín): cần phải thành khẩn, trung thực với dân, không được lừa dối thì dân chúng mới rắp tâm thuận theo và sẵn sàng hy sinh khi cần.

3. Tiêu dùng tiết kiệm (tiết dụng): nước không có tài nguyên phong phú thì phải chi tiêu tiết kiệm, không được lãng phí công quỹ để làm gương cho dân.

4. Yêu thương mọi người (ái nhân): nhà cầm quyền phải yêu thương dân chúng như con, nghĩa là sẵn sàng phục vụ dân, đừng bóc lột, đàn áp, xem thường dân.

5. Sai khiến dân tùy thời (sử dân dĩ thời): Nếu cần động viên dân chúng làm công tác thủy lợi hay xây thành, đắp lũy… phải xét tới thời buổi thích hợp. Phải biết tránh những lúc dân bận việc cày bừa, gieo trồng thu hoạch. Sai khiến dân đúng việc (việc công chính cần thiết) và đúng thời (thời giờ rảnh rang) thì dân không oán.

Với một nước trung bình, nếu biết cai trị như thế, nhà cầm quyền và dân chúng một lòng, đất nước ổn định, kinh tế và quốc phòng tương đối vững vàng thì không lo gì nạn xâm lăng, vì các nước láng giềng đều nể trọng và muốn kết thân.
 Những lời chỉ dạy của Đức Khổng tử ở đây thuộc về đạo lược, tức là sách lược chỉ đạo ở thượng tầng, vượt trên cả chính lược và chiến lược.

6. Đức Khổng tử nói: “[Là phận] con em, vào thì hiếu thảo [với cha mẹ], ra thì thuận thảo [với bậc trưởng thượng], cẩn thận mà giữ niềm tin, rộng yêu mọi người mà gần gũi người nhân đức. Thi hành những điều đó còn thừa sức, thì hãy học văn.

BÌNH GIẢI:

Câu này thể hiện rõ chủ trương “tiên học lễ, hậu học văn” (học lễ trước, học văn sau) của Khổng môn. Đạo Khổng chia sự học làm hai phần: học lễ và học văn.

Học lễ để trở nên con người đích thực.
 Học văn để lập sự nghiệp mưu sinh.

Học lễ là học về đạo đức. Con em phải học để biết hiếu thảo với cha mẹ ở trong nhà, tức là kính yêu dòng sống từ Trời truyền đến cho mình. Ra ngoài xã hội, con em phải biết thuận thảo, kính nhường các bậc trưởng thượng. Hành động thì phải cẩn thận và thành thực để giữ niềm tin. Phải rộng yêu mọi người, không phân biệt, kỳ thị một ai, bởi vì con người là một sinh vật cao nhất trong thiên nhiên, ai cũng có một sứ mệnh linh thiêng trường cửu như mình; tuy nhiên cần gần gũi người nhân đức để được tiếp thu những điều khôn ngoan thiện hảo.

Học văn là học về các môn học phổ thông. Vào thời Đức Khổng tử ở Trung Hoa, các môn học phổ thông bao gồm lục nghệ: Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số.

– Lễ: nghi lễ
– Nhạc: âm nhạc
– Xạ: bắn cung
– Ngự: cưỡi ngựa
– Thư: đọc sách
– Số: toán pháp

7. Thầy Tử Hạ nói: “Bắt chước người hiền đổi lòng hiếu sắc, hết sức thờ cha mẹ, liều thân thờ vua, cùng với bạn bè giao thiệp thì nói năng thật thà, tuy nói là chưa học, tôi ắt cho rằng đã học rồi.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Hạ có tên là Bốc Thương, một cao đệ của Đức Khổng tử. Ông này theo đúng chủ trương của Khổng môn, đề cao cái học về đạo đức, coi nhẹ cái học phổ thông về các khoa chuyên môn.

Đối với người thường, ai cũng có lòng hiếu sắc. Để cho lòng hiếu sắc hoàn toàn làm chủ tâm tư thì còn lòng dạ nào nghĩ đến việc gì khác. Chỉ có bậc hiền nhân mới biết khắc phục lòng hiếu sắc để có thể phục vụ tha nhân. Đó là một trình độ đạo đức cao. Có đạo đức cao mới có thể phụng thờ cha mẹ đến nơi đến chốn, mới có thể đem thân phò vua giúp nước lập nên công trạng ở đời. Ngoài ra, giao thiệp với bạn bè lại giữ được niềm thành tín, lời nói đi đôi với việc làm.

 Một người như thế, nếu nói là chưa học, không ai có thể tin được. Có thể người ấy chưa học về một ngành chuyên môn nào trong các khoa học phổ thông; nhưng về đạo đức, quả là người ấy đã học nhiều rồi. Thầy của người ấy là những bậc hiền nhân trong xã hội.

8. Đức Khổng tử nói:“Người quân tử không trang trọng thì không có uy, sự học sẽ không vững vàng; nhắm vào sự trung tín, không kết bạn với kẻ chẳng giống như mình; có lỗi lầm thì đừng ngại sửa đổi.”

BÌNH GIẢI:

 Trang trọng đích thực không phải là bộ tịch giả tạo qua y phục và cung cách dáng vẻ bên ngoài. Trang trọng là dáng vẻ thể hiện của một con người sống theo lễ. Lễ chi phối mọi sinh hoạt của người đó, bao gồm cả các động tác đi, đứng, nằm, ngồi, cách ăn uống, nói cười… Lễ là sự tụ hội những điều tốt đẹp tự nhiên hợp với đạo trời. Văn Ngôn viết: “Gia hội túc dĩ hợp lễ.” (Gom góp mọi điều tốt đẹp đủ để cho hợp với lễ.” (Kinh Dịch: Quẻ Kiền).

 Nói một cách cụ thể, Lễ là những khuôn phép, mẫu mực cần thiết tạo thành các thuần phong mỹ tục để tiết chế, điều hoà tình cảm, cử chỉ, hành vi của con người. Người nào sống theo lễ thì tự nhiên thân thể sẽ toát ra một dáng vẻ trang trọng khiến người nhìn thấy phải kính nể, quí mến, do đó mà có uy nghi. Con người đã sống theo lễ ắt là có lòng tự trọng, tức là không tự hạ thấp giá trị của mình, không tỏ ra hèn kém, bạc nhược.

Như thế, trong sự trang trọng do lễ tạo nên có bao hàm cả sự tự trọng. Sự trang trọng và sự tự trọng do lễ có một nguồn cội sâu xa là niềm tin vào đạo trời và sống trong đạo trời. Do đó sự trang trọng tạo nên uy nghi một cách tự nhiên, không cần phải làm bộ, làm dáng một cách giả dối, kệch cỡm.

Học làm quân tử mà không trang trọng thì không có uy đã đành; ngoài ra, không trang trọng tức là sinh hoạt không đặt căn bản trên lễ, không có nguồn cội ở đạo trời thì sự học vấn sẽ thiếu cơ sở vững vàng. Thiếu cơ sở vững vàng tức là thiếu chân lý chủ đạo, sự học chỉ là thu gom những mớ kiến thức bồng bềnh, tạp loạn, nhất thời, đúng ít, sai nhiều…

Người quân tử muốn tiến lên bậc hiền thánh còn phải chú ý tới ba điều nữa:
 Trung tín là sống trong tâm địa thành thật để duy trì niềm tin, không tự dối mình hay gạt người.

Đối với những kẻ chẳng giống như mình, tức là những kẻ giả dối, không sống theo lễ, người quân tử không thể kết bạn. Kết bạn với họ chẳng học được điều gì hay mà còn bị thiệt hại. Chỉ có thể giao thiệp qua loa với họ để giữ hoà khí mà thôi.

 Người quân tử cần phải sẵn sàng sửa đổi lỗi lầm của mình. Ai cũng có lỗi, không nhiều thì ít. Nhận ra lỗi lầm và sửa đổi ngay là điều đáng khen của người quân tử.

9. Thầy Tăng Tử nói:“Cẩn thận trong việc cuối, nhắc nhớ đến người xa, đạo đức của dân trở nên dày dặn vậy.”

BÌNH GIẢI:

Việc cuối ở đây chỉ việc mãn phần của cha mẹ. Nhắc nhớ đến người xa chỉ sự kính nhớ tổ tiên qua đời đã lâu. Qua câu nói trên, thầy Tăng Tử đã có một cái nhìn xa đến mối liên hệ giữa việc gia đình và việc đất nước. Việc an táng cha mẹ và kính nhớ tổ tiên là việc gia đình. Việc đạo đức của dân là việc đất nước. Muốn cho đất nước được thịnh trị, thái bình thì phải làm sao cho đạo đức của dân được dày dặn. Thế mà muốn cho đạo đức của dân được dày dặn thì phải khiến cho dân chú trọng đến đạo hiếu. Đạo hiếu có liên hệ tới chính trị là như thế.

Đạo hiếu là sự tôn trọng nguồn sống từ Trời truyền đến mình qua trung gian của tổ tiên và cha mẹ. Tôn trọng nguồn sống là nền tảng của đạo đức; vì vậy đạo hiếu là gốc các đức hạnh.

Đạo hiếu có nhiều chi tiết, sẽ được dần dần bàn tới trong bộ Luận ngữ này. Tuy nhiên đối với việc cha mẹ mãn phần thì hiếu là tổ chức tang lễ cho cha mẹ chu đáo, cẩn thận. Ngoài ra, hiếu còn vươn xa tới tổ tiên; phải có những nghi lễ tế tự để tưởng nhớ. Dĩ nhiên, các nghi lễ không nên tổ chức quá to tát, tốn kém, nặng về hình thức khoe khoang, nhưng cần trang trọng để bày tỏ tấm lòng thành kính nhớ thương của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên.

Thấy nhà cầm quyền giữ đạo hiếu với cha mẹ, tổ tiên, ắt dân chúng cũng bắt chước mà chú trọng vào việc đạo đức. Đạo đức của dân được dày dặn thì đất nước sẽ ổn định, thái bình.

10. Thầy Tử Cầm hỏi thầy Tử Cống: “Thầy ta đến nước nào, ắt nghe việc chính trị nước ấy. Thầy cầu nghe đó sao? Hay thầy được cho nghe đó sao?” Thầy Tử Cống nói: “Thầy ta thì ôn hoà, lương thiện, cung kính, kiệm ước, khiêm nhượng, nhờ đó mà được mời nghe. Cách cầu nghe của thầy ta, chẳng phải khác với cách cầu nghe của người khác đó sao?”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Cầm có tên là Trần Cang. Thầy Tử Cống là Đoan Mộc Tứ, có tài ăn nói hoạt bát. Cả hai đều là đệ tử của Đức Khổng tử. Riêng Tử Cống ở trong nhóm Nhan Hồi, Tăng Sâm là những đệ tử xuất sắc.

Trong đoạn văn trên, “thầy ta” (phu tử) chỉ Đức Khổng tử. Vào thời Xuân Thu, sau khi gặp sự bất như ý ở nước Lỗ, quê hương mình, Đức Khổng tử cùng một số đệ tử đi chu du liệt quốc trong 13 năm. Đến nước nào, Ngài cũng được vua quan chào đón ân cần và hỏi han về việc chính trị. Thấy vậy, thầy Tử Cầm mới hỏi thầy Tử Cống xem có phải Đức Khổng tử cầu cạnh để được nghe về chính trị nước ấy, hay Ngài được các vua quan cho nghe và hỏi ý kiến.

Thầy Tử Cống giải thích rằng, Đức Khổng tử có những đức tính tốt như: ôn hoà, lương thiện, cung kính, kiệm ước, khiêm nhượng. Nhờ những đức tính này và có tiếng là người học rộng biết nhiều, đã từng cai trị thành công ở nước Lỗ, đi tới đâu Ngài cũng được trọng vọng. Như thế, không phải Ngài cầu cạnh mà chính tài năng, đức hạnh của Ngài có một năng lực vô hình khiến cho các vua quan tìm kiếm mình. Nếu gọi là cách cầu, thì cách cầu của Đức Khổng tử khác xa với cách cầu của người thường. Người thường cầu cạnh bằng lễ vật, đút lót hay nhờ lời giới thiệu. Còn Đức Khổng tử thì chỉ tự biểu hiện tài đức để thu hút sự tìm kiếm của người.

Sở dĩ Ngài không được các vua liệt quốc thời ấy trọng dụng vì Ngài chủ trương một nền chính trị lấy đức nhân, lấy sự tu thân làm nền tảng; trong khi các vua chỉ muốn dùng bá thuật, cường quyền để cai trị và không muốn tự sửa mình theo tiêu chuẩn đạo đức.

11. Đức Khổng tử nói: “Cha còn, hãy xem chí hướng của người. Cha mất, hãy xem hành vi của người. Trong ba năm, không thay đổi đường lối của cha, có thể gọi là hiếu vậy.”

BÌNH GIẢI:

Câu này, Đức Khổng tử nói về đạo hiếu. Trong tinh thần đạo hiếu, cốt yếu là làm cho cha mẹ được vui lòng. Vì thế, khi cha còn sống, hãy xem chí hướng của cha mà bắt chước. Bắt chước chí hướng của cha là điều khiến cho người vui lòng nhất. Đạo Nho lấy đức nhân làm gốc. Đức nhân là nền tảng của đạo Trung dung, tức là đạo của người quân tử. Do đức nhân mà có đạo lý phổ thông là Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Dĩ nhiên, người cha được nói đến ở đây là người sống trong đạo Nho, chứ không phải người cha vô đạo, bất tiếu. Cha sống trong đạo mà con bắt chước chí hướng của cha, thì còn điều gì làm cha vui lòng hơn! Khi cha đã mất, hãy xem lại những hành vi, hạnh kiểm của cha mà bắt chước. Đức Khổng tử đã từng nói trong sách Trung dung rằng: “Tiễn kỳ vị, hành kỳ lễ, tấu kỳ nhạc, kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã. – 踐其位,行其禮,奏其樂;敬其所尊, 愛其所親;事死如事生,事亡如事存,孝之至也。 ” (Đứng vào địa vị của cha ông, tiến hành nghi lễ của cha ông, tấu nhạc của cha ông, kính người mà cha ông tôn trọng, yêu người mà cha ông thân thiết, thờ người quá cố như thờ người sống, thờ người đã mất như thờ người hiện còn, đó là có hiếu hết mức vậy.) (Trung Dung: chương 19).

 Thế thì, mặc dầu cha đã mất, nhưng người con hiếu vẫn kính yêu cha như người còn sống, kế tục những hành vi, hạnh kiểm, những thói quen, những công trình tạo tác của người trong suốt ba năm tang chế, tưởng nhớ. Tuy nhiên, cái gì dù hay, dù tốt đến đâu cũng cần phải được canh cải để thích ứng theo thời. Sau ba năm kế thừa những hành vi, những công trình theo nếp cũ của cha, nếu có điều gì không còn hợp thời, bấy giờ người con mới nghĩ đến chuyện canh cải. Đó là đặc tính “vô cải” trong đạo hiếu.

12. Thầy Hữu Tử nói: “Chỗ dùng của lễ, hoà hợp là quí; đường lối của các vua đời trước là dùng lễ khiến cho tốt đẹp; việc lớn việc nhỏ đều do đó. Có chỗ không làm là: biết hoà để hoà hợp nhưng không lấy lễ để điều tiết thì cũng không nên làm.”

BÌNH GIẢI:

Lễ là các nghi thức khiến cho sự tương giao giữa mọi người ở các thứ bậc khác nhau được tốt đẹp. Khi kết hợp thành một cộng đồng, một xã hội, dĩ nhiên mỗi người có một vị thế, một thứ bậc trên dưới khác nhau. Điều đáng quí của lễ là khiến cho mọi người được thông cảm, hoà hợp với nhau.

Các vua đời trước như: Đường Nghiêu, Đế Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Võ Vương… đều vận dụng lễ trong mọi việc lớn nhỏ. Như tế trời đất để kính thờ Thượng Đế có lễ Giao, lễ Xã; tế tổ tiên có lễ Đế, lễ Thường. Trong đại lễ lại có tiểu lễ như nghi lễ “lữ thù” để cho con em nâng chén rượu mời người trên, tạo nên bầu không khí hoà hợp giữa người trên kẻ dưới, xoá bỏ sự cách biệt trong công việc thường ngày.

Tất cả những nghi lễ lớn nhỏ đó đã khiến cho trong triều ngoài huyện đều có trật tự tốt đẹp. Tuy nhiên, biết hoà hợp là điều quí, nhưng nếu chỉ quí hồ nhắm tới hoà hợp mà quên mất việc dùng lễ nghi để tiết chế tình cảm, để giữ gìn trật tự thì không hay. Bởi vì tình cảm thiếu điều tiết có thể thành ra phóng túng, khinh nhờn, phạm thượng thì nguy hại cho sự ổn định của gia đình và xã hội. Điều đó các vua xưa không làm và ngày nay chúng ta cũng không nên làm.

13. Thầy Hữu Tử nói: “Điều hứa hẹn gần với điều nghĩa, thì lời nói mới có thể hoàn thành được; sự cung kính gần gũi với điều lễ, thì xa được điều sỉ nhục. Nhân vì không đánh mất người thân của mình, cũng có thể đứng đầu một dòng dõi.”

BÌNH GIẢI:

Trong giao thiệp, người ta hay hứa hẹn. Đã hứa thì phải thành thật trong lời hứa và lời hứa ấy phải được thực hiện. Đó là đức tín. Muốn cho lời hứa có thể thực hiện được, khi hứa hẹn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, điều hứa hẹn phải gần với điều nghĩa. Điều nghĩa là sự tương giao báo đáp qua lại giữa người này với người kia: giữa bạn bè có nghĩa bằng hữu; giữa vợ chồng có nghĩa phu thê, giữa những người trong một nước có nghĩa đồng bào v.v…

 Điều nghĩa là sự báo đáp tốt đẹp hợp với đạo lý, tình người. Điều hứa hẹn phải hợp nghĩa, không trái đạo lý, mới có thể thực hiện được. Nếu vì cao hứng nhất thời, hay vì hám lợi mà hứa liều điều bất nghĩa thì làm sao thực hiện được? Nếu cố thực hiện điều đã hứa như vậy để giữ chữ tín thì chính mình sẽ phạm vào điều bất nghĩa! Sự cung kính là một đức tốt; nhưng cung kính phải gần với điều lễ, nghĩa là phải thích hợp trong tương quan giao thiệp với người trên để tỏ lòng tôn trọng, mới tránh được điều sỉ nhục. Nếu cung kính mà không theo lễ sẽ rơi vào tình trạng quỳ lụy, thấp hèn, tâng bốc, nịnh hót. Đó là tình trạng đáng xấu hổ và nhục nhã, làm mất phẩm giá con người.

Làm người, ai cũng có người thân, gần gũi nhất là cha mẹ, anh em, bà con họ hàng, làng xóm… Trước khi nói đến rộng yêu tha nhân, người ta cần phải biết yêu mến cha mẹ, anh em, bà con họ hàng… Đó là thứ tự yêu mến trong tình cảm tự nhiên. Những người ở gần gũi bên cạnh, có công dưỡng dục mà mình không yêu được, làm sao có thể yêu được người xa? Trong trường hợp đó, nói đến rộng yêu tha nhân thì chỉ là giả dối! Bởi lẽ biết yêu những người thân của mình nên mới xứng đáng là người biết đạo lý yêu thương, mới có tình yêu thương chân thật! Như vậy mới được xem là người có khả năng mở ra một dòng dõi tốt đẹp mai sau (diệc khả tông dã).

14. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu yên, gắng sức trong việc làm mà thận trọng trong lời nói, đến với người có đạo đức để trở nên chính đáng; có thể gọi là người hiếu học vậy.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử là người đã hướng chiều về đạo đức, đã khởi sự tiến bước trên đường thành nhân. Tuy nhiên, muốn trở nên bậc hiền thánh, người quân tử còn phải học tập thêm nhiều. Vì thế, Đức Khổng tử cho rằng người quân tử không nên chú trọng vào việc ăn uống thỏa thích với của ngon vật lạ, không nên chú trọng vào nơi ở cho yên vui, thỏa thích với cửa nhà khang trang. Chú trọng nhiều vào việc ăn ở tức là lệ thuộc vào nhu cầu. Nhu cầu sẽ nảy ra nhu cầu, khiến cho người quân tử bận tâm với những việc phụ mà quên mất việc học đạo lý.

 Ngoài ra, người quân tử phải gắng sức, chăm chỉ trong việc làm. Việc nào đáng làm phải làm ngay, không trễ nải, chần chừ. Nói năng phải thận trọng; không thô lỗ hay vô ý làm mếch lòng người khác. Lời nói phải được cân nhắc kỹ càng kẻo bị vạ miệng, mang họa vào thân. Bởi vì, bệnh tật thường do đồ ăn, tai họa thường do lời nói (bệnh do khẩu nhập, họa do khẩu xuất). Hơn nữa, người quân tử cần đến với những người có đạo đức, những nơi chất chứa đạo lý để học hỏi, noi gương, bắt chước; do đó mà sửa mình trở nên chính đáng. Như thế mới xứng đáng là người hiếu học.

15. Thầy Tử Cống nói: “Nghèo mà không nịnh hót, giàu mà không ngạo mạn, như vậy là thế nào?”

Đức Khổng tử nói: “Khá đấy. [Nhưng] chưa bằng nghèo mà vui, giàu mà  ưa thích điều lễ.” 

Thầy Tử Cống nói: “Kinh Thi rằng: ‘Như cắt như chạm; như giũa như  mài.’ Cũng có nghĩa như thế ư?” 

Đức Khổng tử nói: “Này Tứ, thật khá là người đầu tiên đáng nghe nói về  Kinh Thi. Mới nói về việc trước mà đã biết việc sau.”

 BÌNH GIẢI:

 Thầy Tử Cống là người giỏi về buôn bán cho nên giàu có. Ông cũng là một  cao đệ có tài ăn nói của Đức Khổng tử. Khi đặt câu hỏi với thầy “nghèo mà  không nịnh hót, giàu mà không ngạo mạn…”, có lẽ ông đã tự nhận xét về  hạnh kiểm của mình và ông muốn Đức Khổng tử đánh giá xem mình thuộc  vào hạng người nào.

 Đối với người thường, ở trong phận nghèo thì hay nịnh hót người giàu sang  quyền thế để kiếm lợi. Một khi người ấy đã giàu thì lại sinh tính ngạo mạn tự  cao, khinh rẻ những người nghèo khó hơn mình. Nịnh hót và ngạo mạn là hai  tính xấu mà đa số người ta hay mắc phải. Cả hai trường hợp nịnh hót và ngạo  mạn đều thể hiện tính khí tiểu nhân, kém đạo đức. Kẻ tiểu nhân kém đạo đức  không có lòng tự trọng, không có đức tự chủ, không tự thấy giá trị của mình.  Người có lòng tự trọng, có đức tự chủ không tỏ ra hèn kém, đánh mất phẩm  giá mình trong lời nịnh hót; người ấy cũng không ngạo mạn, bởi vì ngạo mạn  là coi rẻ giá trị người khác. “Không nịnh hót, không ngạo mạn” chính là tình  trạng “tự lập” của một người đã đạt tới mức độ vững vàng trong đạo đức. Đó  là đức hạnh của người quân tử. 

Đức Khổng tử nói “Khá đấy” tức là có ý ngợi khen. Tuy nhiên, Ngài nói  thêm: “Nhưng chưa bằng nghèo mà vui, giàu mà ưa thích điều lễ.” 
“Nghèo mà vui” chỉ tình trạng con người đạt đạo, tâm thức không còn lệ  thuộc vào vật chất nữa. Đó là chỗ đạt của Nhan Hồi. 
“Ưa thích điều lễ” chỉ tình trạng con người sống trong thiên đạo hay thánh  đạo. Lễ ở đây không phải chỉ là lễ nghi, lễ nghĩa tầm thường, tức là những  tương quan phổ thông và cần thiết trong xã hội. Lễ theo nghĩa cao cả là sống  trong đức nhân,1 tức là đạt tới trình độ con người lý tưởng, được tham dự vào  hàng Tam tài (Thiên-địa-nhân).

  Người ta nếu không có hạnh tu đức cao, mỗi khi trở nên giàu có thường  hay buông thả theo dục vọng. Buông thả theo dục vọng (túng dục) tức là đánh mất lễ (thất lễ). Nếu giàu có mà ưa thích điều lễ tức là có cơ hội, có hoàn cảnh, có khả năng tiền tài để tha hồ buông thả theo dục vọng nhưng vẫn không  theo, vẫn tự chủ trong đức nhân. Đó là người đã vượt mức quân tử để đứng  vào hàng thánh nhân rồi. 

Để có thể tiến lên bậc hiền thánh, người quân tử cần phải có công phu tu  đức nhiều, thường xuyên rèn tập đức hạnh như người thợ ngọc hằng ngày  chăm chỉ cắt chạm, giũa mài. Người thợ cắt chạm, giũa mài ngọc ngà tạo nên  những viên ngọc quí, những pho tượng đẹp làm sao, thì người quân tử rèn tập  đức hạnh để trở nên bậc hiền thánh cũng tương tự như vậy. Đó là ý tứ của câu  Kinh Thi “như cắt như chạm, như giũa như mài”.

 Đức Khổng tử không nói về Kinh Thi, chỉ nói đến con người “nghèo mà vui,  giàu mà ưa thích điều lễ”; thế mà thầy Tử Cống lại hiểu về ý nghĩa câu Kinh  Thi trên; đó là nghe một biết hai, nói gần biết xa, mới nói về việc trước mà đã  biết việc sau. Quả thật thầy Tử Cống xứng đáng được nhận lời khen của Đức  Khổng tử, xứng đáng là người đầu nghe giảng về Kinh Thi vậy.   

16. Đức Khổng tử nói: “Chớ lo người không biết mình, hãy lo mình không biết người thôi.”

BÌNH GIẢI:

Đối với những người lo buồn về nỗi người ta không biết đến tên mình, đến  tài năng của mình, Đức Khổng tử nói: “Chớ lo người không biết mình, hãy lo  mình không biết người thôi.” Câu này được hiểu như sau: 

Chớ lo người không biết mình: 
Người ta không biết mình nằm trong hai trường hợp: 
Mình thật sự không có tài đức gì cả, cho nên không gây được sự chú ý cho  mọi người. Nếu đúng như thế, người ta không biết mình thì thật là tốt; bởi vì  biết đến chỉ thêm xấu hổ. 
Mình thật sự có tài đức mà chẳng ai biết đến. Nếu vậy, mình chẳng nên lo  buồn làm gì; bởi vì đó là tư cách của người quân tử. Đức Khổng tử từng nói: 

“Người ta không biết đến mình mà mình không giận hờn, chẳng phải là bậc  quân tử đó sao?” (Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?) 

Vả lại, có tài đức mà được biết đến, được trọng dụng để thi thố cái sở  trường của mình, cần phải đắc thời và đắc mệnh. Phải có thời thế, có cơ hội  thuận lợi, tài năng mới có thể thi thố được. 

Nhà Nho còn tin vào mệnh Trời nữa; vì thế, vấn đề đắc mệnh mới được nói  đến. Đức Khổng tử đã nói: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã.” (Không biết  mệnh không lấy gì làm quân tử được.” (Luận Ngữ: Nghiêu viết). Sách Trung  Dung lại nói: “Cư dị dĩ sĩ mệnh. – 居易以俟命” (Sống giản dị để đợi mệnh.”  Mệnh là chức phận mà Trời trao cho con người tùy theo thời thế. Nếu Trời  không trao, có vận động tới mấy cũng bằng thừa; vận động, quảng cáo cho  lắm chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ. Kinh nghiệm của Đức Khổng tử vào thời  Xuân Thu hãy còn đó. Mười mấy năm chu du liệt quốc cốt để cho các vua chúa  biết đến mình mà dùng nhưng nào có được đâu! 

Vì vậy, trong cả hai trường hợp trên, chớ lo người không biết mình. Kẻ học  làm quân tử chỉ nên vui trong phận mình mà không nên lo buồn về việc người  không biết đến; chỉ nên lo rằng nếu có cơ hội được tín nhiệm mà mình không  đủ tài đức đảm đương thôi.

  Hãy lo mình không biết người:  Người quân tử cần phải biết những người mà mình tiếp xúc thuộc về loại  nào: người tốt hay người xấu, sở trường, sở đoản của họ thế nào.  Nếu là người tốt, mình cần theo đuổi mà học tập, bắt chước. Nếu là người  xấu, mình cần lánh xa kẻo mang họa. 

Hoặc giả, đứng ở cương vị lãnh đạo nào đó, chúng ta cần phải biết sở  trường, sở đoản của người để giao phó công việc thích hợp; người tài đức cao  thì giao việc lớn, người tài đức thấp thì giao việc nhỏ; thấy người bất tài thất  đức phải tìm cách lánh xa hay cô lập, không được tín nhiệm. Những kẻ không  đáng tin mà tin quá thì có ngày nguy hại đến mình và hỏng cả đại sự. Ngay  trong phạm vi nhỏ hẹp là một gia đình, bậc cha mẹ phải biết tính tình và  năng lực các con để tùy theo đó mà tín nhiệm hay ủy thác. 

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

4 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] – Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung […]

trackback

[…] Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung (LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải NGUYỄN MINH TIẾN hiệu đính và giới thiệu ) ❁ ❁ ❁ […]

trackback

[…] Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung (LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải NGUYỄN MINH TIẾN hiệu đính và giới thiệu ) ❁ ❁ ❁ […]

trackback

[…] ❁ Chương 1. Học Nhi ❁ Chương 2. Vi Chính ❁ Chương 3. Bát Dật ❁ Chương 4. Lý Nhân ❁ Chương 5. Công Dã Tràng ❁ Chương 6. Ung Dã ❁ Chương 7. Thuật Nhi ❁ Chương 8. Thái Bá ❁ Chương 9. Tử Hãn ❁ Chương 10. Hương Đảng ❁ Chương 11. Tiên Tiến ❁ Chương 12. Nhan Uyên ❁ Chương 13. Tử Lộ ❁ Chương 14. Hiến Vấn ❁ Chương 15. Vệ Linh Công ❁ Chương 16. Quý Thị ❁ Chương 17. Dương Hóa ❁ Chương 18. Vi Tử ❁ Chương 19. Tử Trương ❁ Chương… Xem thêm »

4
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x