Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 2 – Vi Chính

Luận Ngữ – Chương 2 – Vi Chính

by Hậu Học Văn
1525 views

VI CHÍNH ĐỆ NHỊ

1. Đức Khổng tử nói: “Làm chính trị dùng đạo đức, ví như sao Bắc đẩu, ở chỗ của mình mà các sao khác chầu về.”

BÌNH GIẢI:

“Làm chính trị dùng đạo đức” của Đức Khổng tử là quan điểm cai trị lý  tưởng theo Đế đạo, tương truyền được áp dụng vào hai đời vua Đế Nghiêu và  Đế Thuấn thuở xưa. Dân gian vẫn quen gọi thời đó là Hoàng kim thời đại của  nước Trung Hoa cổ, trước Công nguyên trên 20 thế kỷ. Trong cách cai trị này,  vua không cần dùng tới hình luật nghiêm khắc, chỉ ngồi rũ áo xiêm (thùy y  thường), dùng đạo đức của mình cảm hoá các quan và dân chúng mà mọi việc  trôi chảy tốt đẹp, đất nước thái bình.

  Cách cai trị theo Đế đạo còn được gọi là “vô vi nhi trị”; vua thuận theo lòng  dân mà bỏ qua ý riêng của mình; có việc gì cần làm thì khuyến khích để dân  tự nguyện chứ không áp đặt. Đó là đường lối cai trị mà cả Khổng tử và Lão  tử mỗi khi nhắc lại đều tấm tắc ngợi khen.  Ở đây, Đức Khổng tử đã ví ông vua cai trị theo cách ấy như sao Bắc đẩu,  chỉ ở ngôi của mình mà các sao khác đều chầu về; có nghĩa là lấy đức trị thì  dân chúng và các vương hầu sẽ mến đức mà qui phục.  Dưới Đế đạo thì có Vương đạo và Bá đạo. Vương đạo là đường lối cai trị của  nhà Chu. Lúc này đạo đức đã ít nhiều suy vi, nên phải vận dụng thêm cả lễ  nhạc và hình luật. Bá đạo là đường lối cai trị bằng vũ lực và mưu thuật, được  vận dụng nhiều từ đời Ngũ bá (thời Xuân Thu) trở về sau. Bá đạo được đẩy  xa tới mức cực đoan khắc nghiệt ở nước Tần dưới quyền cai trị của Vệ Ưởng  và Lý Tư. 

Tương truyền Vệ Ưởng vào thuyết vua Tần (thời Chiến quốc): lần thứ  nhất, nói về Đế đạo thì vua Tần ngủ gật; lần thứ hai, nói về Vương đạo thì  vua Tần lơ đãng ngó ra ngoài trời nhìn chim bay; lần thứ ba nói về Bá đạo  với những thuật ràng buộc dân chúng, với những mẹo trí trá đối với lân bang  thì vua Tần thích chí quên ăn, nghe một mạch, rồi trao ngay quyền trị nước  cho Vệ Ưởng.

 Qua đây, chúng ta có thể hiểu được tại sao Đức Khổng tử chu du liệt quốc  13 năm, viếng nhiều vương hầu mà không có ai trọng dụng trao cho quốc  chính. Lý do là Ngài chủ trương dùng đức trị, trong khi các vương hầu thời  ấy bỏ qua đạo đức, không muốn tu thân, chỉ muốn cai trị bằng vũ lực và mưu  thuật.  “Làm chính trị dùng đạo đức” mang lại kết quả rất lớn.  Xem như vào thời Tam quốc ở Trung Hoa, nhà Hán đã suy vong rồi, thế  mà Lưu Bị nhờ có đức còn qui tụ được bao nhiêu anh hùng hào kiệt bốn  phương, đi đến đâu cũng được dân chúng đem cơm giỏ nước bầu ra đón; để  rồi giành được một phần ba thiên hạ, giữ thế chân vạc ngang với Tào Tháo  và Tôn Quyền.

 Ở nước Đại Việt ta, vào thời Lý, sử chép rằng vua Lý Thánh Tông, cai trị  trong 18 năm (1054 -1072), là một vị vua nhân từ, có lòng thương dân như  con và rất quan tâm đến cơm áo của các tù phạm, nhất là vào mùa đông  tháng giá. Vì thế, trăm họ hết lòng mến phục; trong đời ngài làm vua ít có  giặc giã. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, trang 102). 

2. Đức Khổng tử nói: “Kinh Thi có ba trăm thiên, một lời bao trùm được hết, đó là: “Tư tưởng không lệch lạc.”

BÌNH GIẢI:

Kinh Thi có tất cả 311 thiên; Đức Khổng tử nói số chẵn là 300 thiên. Đó là  một bộ sách nằm trong Ngũ kinh của Nho giáo, gồm những bài ca dao truyền  khẩu từ đời thượng cổ đến đời Chu Bình Vương ở Trung Hoa. Kinh Thi nói về  tính tình, phong tục, chính trị và cả tình luyến ái nam nữ. Kinh Thi có công  dụng giáo dục tư tưởng con người, giúp cho sự suy nghĩ được chính đáng. 

3. Đức Khổng tử nói: “Dẫn dắt bằng biện pháp chính trị, ổn định bằng hình luật thì dân tránh được lỗi nhưng không biết xấu hổ. Dẫn dắt bằng đạo đức, ổn định bằng lễ giáo thì dân biết xấu hổ mà lại có khuôn phép chính  đáng.” 

BÌNH GIẢI:

Ý tưởng trong câu này bổ sung và làm sáng tỏ chủ trương “làm chính trị  dùng đạo đức” (vi chính dĩ đức) ở trên.  Chữ “đạo” ở đây có chức năng động tự, có nghĩa là dẫn dắt hay hướng dẫn,  giống như ở phần 5 của chương Học nhi.  Dẫn dắt bằng biện pháp chính trị (đạo chi dĩ chính) là cai trị dân bằng thể  chế chặt chẽ với những sắc lệnh sai khiến hoặc nghiêm cấm; sai khiến việc  này, nghiêm cấm điều kia. Ổn định bằng hình luật (tề chi dĩ hình) là đặt ra  những hình thức câu thúc để xử phạt những kẻ vi phạm thể chế hay vi phạm  quyền lợi của người khác.

Cai trị bằng hai đường lối trên tức là dùng biện  pháp can thiệp từ bên ngoài, thì xã hội có ổn định tương đối, vì dân sẽ sợ hãi  mà ít dám phạm lỗi. Tuy nhiên, dân không biết xấu hổ về những lỗi lầm của  mình. Sở dĩ không biết xấu hổ, bởi vì dân không biết những hành vi sai trái  là xấu.  Trái lại, dẫn dắt bằng đạo đức (đạo chi dĩ đức) là nhà cầm quyền tự thi  triển đạo đức, dạy dân sống đạo đức theo lương tâm. Ổn định bằng lễ giáo  (tề chi dĩ lễ) là nhà cầm quyền cư xử với dân và dạy dân cư xử với nhau bằng  hình thức lễ giáo, thể hiện sự tôn trọng, yêu mến lẫn nhau.

Bằng hai đường  lối này, dân sẽ có một nền đạo đức với lễ nghĩa nội khởi, nhận ra những hành  vi sai trái là xấu, là có hại, nhận ra những ý định lầm lạc có bản chất không  tốt; từ đó, lương tâm tự cảm thấy hổ thẹn mà không muốn vi phạm.  Nhờ biết xấu hổ, không có ý định vi phạm cho nên tự nhiên có khuôn phép  chính đáng từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Do đó, quốc gia được ổn định,  phát triển thịnh vượng mà nhà cầm quyền ít phải can thiệp. 

4. Đức Khổng tử nói: “Ta mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học, ba mươi tuổi thì vững vàng, bốn mươi tuổi thì không ngờ vực, năm mươi tuổi thì biết mệnh trời, sáu mươi tuổi thì nghe theo, bảy mươi tuổi theo lòng  muốn của mình mà không vượt qua khuôn phép.” 

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử thọ 73 tuổi (551 – 478 trước Công nguyên). Như thế, câu  nói trên có lẽ được Ngài nói vào khoảng thời gian sau tuổi 70, trước khi Ngài  mất. Với câu trên, Đức Khổng tử thuật lại quá trình thành tựu việc tu học  của mình.  Ta mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học (Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu  học):  Từ thời xưa, việc học ở Trung Hoa được phân làm hai cấp: Tiểu học và Đại  học. Theo Chu Hy, trẻ em lên 8 tuổi được đưa vào nhà Tiểu học để học từ thấp  lên cao về những điều thường thức bao gồm lục nghệ: lễ, nhạc, xạ (bắn cung),  ngự (cưỡi ngựa), thư (viết chữ), số (toán pháp). Lên 15 tuổi, các thiếu niên đã  qua bậc tiểu học, gồm con của thiên tử, con của các công khanh, đại phu… và  một số thiếu niên tuấn tú trong hàng thứ dân được đưa vào nhà Đại học (Thái  học). Ở đây, họ được học về đạo lý cao siêu để có thể tự sửa mình và biết cách  cai trị dân về sau.

  Như vậy, Đức Khổng tử nói: “Ta mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học”,  tức là kể từ khi bước vào trình độ cao Ngài rất chăm chỉ học tập.  Ba mươi tuổi thì vững vàng (Tam thập nhi lập):  Chữ “lập” ở đây không phải chỉ việc lập gia đình. “Lập” là vững vàng trong  điều lễ (lập ư lễ). Đó là biết cư xử, giao tiếp với người trên kẻ dưới theo đúng  lễ nghĩa, phù hợp với địa vị của mình một cách chững chạc, không lệch lạc,  lúng túng, hồ đồ. 

Bốn mươi tuổi thì không ngờ vực (tứ thập nhi bất hoặc):

Với sự thu thập kiến thức về mọi mặt (bác học), sự hỏi han rộng rãi (quảng  vấn), sự suy nghĩ cẩn thận (thận tư), sự biện luận sáng suốt (minh biện) và  sự nỗ lực thực hành (đốc hành), đến tuổi 40 Đức Khổng tử trở nên chín chắn  trong hiểu biết và kinh nghiệm về những hiện tượng thiên nhiên, về những  vấn đề nhân sinh, nên Ngài không còn ngờ vực nữa. Ngài đã hiểu thấu sự lý  một cách đầy đủ. 

Năm mươi tuổi thì biết mệnh trời (Ngũ thập nhi tri thiên mệnh):  Mệnh trời (thiên mệnh) trong đạo Nho có các nghĩa sau: 

  1. Tính bản nhiên tinh tuyền, tiềm tại trong con người. Theo sách Trung Dung thì: “Thiên mệnh chi vị tính. – 天命之謂性。 ” (Mệnh trời gọi là tính.) 
  2. Chức phận mà Trời trao cho con người. Trong nghĩa này, sách Trung Dung nói: “Cư dị dĩ sĩ mệnh. – 居易以俟命” (Sống giản dị để đợi mệnh.)
  3. Sự việc ắt phải diễn ra theo qui luật nhân quả; đó cũng là luật trời, con người không cưỡng lại được. Trong nghĩa này, sách Luận ngữ nói: “Đạo chi tương hành dã dư, mệnh dã; đạo chi tương phế dã dư, mệnh dã. – 道  之將行也與,命也;道之將廢也與,命也。 ” (Đạo truyền ra được, do  mệnh vậy; đạo bị bỏ phế đi, do mệnh vậy.”

 Vào tuổi 50, Đức Khổng tử “biết mệnh trời”. Điều đó có thể chỉ một nghĩa  hoặc bao hàm cả ba nghĩa trên: 

Thứ nhất, Ngài đã nhận ra trong con người có một thực thể tốt lành tiềm  tại; sách Trung dung gọi là thiên mệnh; sách Đại Học gọi là minh đức.

 Thứ hai, Ngài đã nhận ra chức phận chính thức của mình là người truyền  bá đạo lý hơn là một nhà chính trị. 

Thứ ba, Ngài đã nhận ra những sự rối loạn xã hội trong thời Xuân Thu  không thể nhất thời ổn định được bằng đường lối chính trị. Những sự rối loạn  ấy đã được gieo nhân từ xa xưa thì nay phải kết quả và quả ấy đã chín mùi  trong thời nay; không thể nào một người vận dụng đạo lý có thể xoay chuyển  được.  Sáu mươi tuổi thì nghe theo (Lục thập nhi nhĩ thuận):  Chữ “nhĩ” trong câu này thường được hiểu là cái tai, có chức năng danh tự.  Nhưng thiết nghĩ, chức năng của chữ “nhĩ” ở đây phải là động tự, cũng như  những chữ “chí, lập, hoặc, tri” ở trên và hai chữ “tùng, du” ở dưới. Vậy chữ  “nhĩ” nên dịch là “nghe”. Thế thì “nhĩ thuận” có nghĩa là “nghe theo”. Vì dịch  “nhĩ” là cái tai nên nhiều người hiểu “nhĩ thuận” là thuận tai và cho rằng Đức  Khổng tử hiểu hết bất cứ điều gì lọt vào tai Ngài ở tuổi 60. Hiểu như vậy thì chức năng chữ “nhĩ” là danh tự, e rằng không hợp trong ngữ cảnh này, xét về  mặt ngữ pháp. Vả lại, xét về ý thì hiểu như thế cũng không được mạch lạc. 

Còn dịch là “nghe theo” thì có nghĩa rằng: sau khi Đức Khổng tử đã hiểu  biết được thiên mệnh thì Ngài “nghe theo” thiên mệnh, không còn cưỡng lại  nữa. Thực tế cho thấy rằng vào lúc trẻ, khi khí huyết còn sung thịnh, người ta  hay theo ý riêng, cố sức tác động để xoay chuyển thời thế theo ý mình, không  tin vào thiên mệnh. Chỉ khi về già, sau nhiều lần thất bại, người ta dần dần  mới hiểu ra thiên mệnh và chấp nhận “nghe theo”. 

Bảy mươi tuổi theo lòng muốn của mình mà không vượt qua khuôn phép  (Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ):  Đối với những người chỉ học cho biết mà không chịu tu tập, có khi đến tuổi  90 mà thuận theo lòng ham muốn của mình vẫn còn vượt qua khuôn phép  đạo lý! Đa số con người là như vậy. Sở dĩ người ta tự cấm chỉ, không buông  theo lòng muốn mà nghĩ ngợi vẩn vơ, hay phát biểu bằng ngôn ngữ và hành  động, bởi vì sợ phạm đến giáo luật hay phạm đến khuôn phép xã hội. Rất ít  người có thể buông theo lòng muốn tự nhiên của mình mà không vi phạm đạo  lý; ngoại trừ bậc thánh nhân.

 Giờ đây, ở tuổi 70, Đức Khổng tử đạt tới trình độ theo lòng muốn một cách  tự nhiên mà vẫn hợp với khuôn phép đạo lý (bất du củ); đó là Ngài đạt tới  mức thánh nhân rồi. Thánh nhân an nhiên tự tại trong thiên đạo, thảnh thơi  trong tính phận của mình, như cá lội trong nước mà không ngộp nước, như  sen nở từ trong bùn mà không nhuốm mùi bùn. Đức Khổng tử vào cuối đời đã  trở thành con người lý tưởng như vậy. 

5. Mạnh Ý Tử hỏi về hiếu, Đức Khổng tử nói: “Không trái ngược.”

Phàn Trì đánh xe, Đức Khổng tử nói cho biết: “Mạnh Tôn hỏi ta về hiếu; ta nói rằng: “Không trái ngược.”

Phàn Trì thưa: “Như thế nghĩa là gì?”

Đức Khổng tử nói: “Cha mẹ còn sống, phụng sự cho hợp lễ; từ trần, mai táng cho hợp lễ; [về sau] cúng tế cho hợp lễ.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Ý Tử, cũng gọi là Mạnh Tôn, tức là Trọng Tôn Hà Kỵ, cha là Mạnh  Hi Tử. Mạnh Ý Tử làm quan đại phu nước Lỗ nhưng không hiểu rõ về lễ,  thích làm những điều trái ngược vượt qua lễ. Lễ là những hình thức qui định  cách cư xử thích hợp với địa vị, thứ bậc của từng hạng người trong xã hội.

Sau  khi nhà Chu nắm quyền cai trị, Chu Công đã ấn định Chu lễ, cốt để ổn định  xã hội. Cũng vì Mạnh Ý Tử không nắm rõ lễ, cho nên Mạnh Hi Tử trước khi  từ trần đã dặn Ý Tử phải đến xin học lễ với Đức Khổng tử.  Ở đây, Mạnh Ý Tử hỏi về đạo hiếu, Đức Khổng tử dạy: “Không trái ngược”,  đó là để đối trị cái tính thích làm những điều trái ngược vượt lễ của ông.

Phàn Trì, tức là Phàn Tu, một đệ tử của Đức Khổng tử, thường đánh xe  cho Ngài. Phàn Trì chưa hiểu hết ý nghĩa của mấy chữ “không trái ngược”  trong đạo hiếu, mới nêu thắc mắc, mong thầy giải đáp.  Đức Khổng tử đã phân tích ý nghĩa “không trái ngược” trong ba trường  hợp:  “Cha mẹ còn sống, phụng sự cho hợp lễ.” (Sinh, sự chi dĩ lễ):  Phụng sự cho hợp lễ nghĩa là phụng dưỡng cha mẹ trong khả năng của  mình, tôn kính vâng lời cha mẹ trong lẽ phải, không vâng lời một cách mù  quáng trong những điều bất chính.  “Từ trần, mai táng cho hợp lễ” (Tử, táng chi dĩ lễ):  Khi cha mẹ từ trần, hãy chôn cất cha mẹ theo lễ nghi được phong tục tập  quán qui định cho thứ bậc của mình trong xã hội.

Ví dụ: Là thứ dân, không  nên tiếm dụng nghi lễ dành cho các bậc vương hầu khanh sĩ, vừa tốn phí vừa  gây khó chịu cho những người cùng thứ bậc với mình hay những người có thứ  bậc trên mình. 

“Cúng tế cho hợp lễ.” (Tế chi dĩ lễ):  Cúng tế là những nghi thức bày tỏ niềm tưởng nhớ đối với người đã khuất.  Việc cúng tế (kỵ giỗ) quan hệ ở sự thể hiện lòng thương mến luyến tiếc lâu  dài, cốt để đôn đốc tình người, nêu gương cho các thế hệ con cháu. Vì vậy, việc  cúng tế không nên tổ chức rình rang to tát, cũng không nên tổ chức quá sơ  sài, bủn xỉn. Rình rang to tát sẽ mang tiếng là khoe khoang; sơ sài bủn xỉn sẽ  mang tiếng là tình cảm đơn bạc, nhạt nhẽo. 

6. Mạnh Võ Bá hỏi về đạo hiếu, Đức Khổng tử nói: “Cha mẹ chỉ lo buồn về bệnh tật của con.”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Võ Bá là con của Mạnh Ý Tử. Ông này là hạng công tử con nhà quan  đại phu giàu có, nên thường có tính ăn chơi, không bảo trọng thân thể. Vì thế,  trả lời cho Võ Bá về đạo hiếu, Đức Khổng tử nói đến nỗi lo lắng, phiền muộn  của cha mẹ khi thấy con bị bệnh hoạn hay bị thương tật. Do đó, đối với trường  hợp của Võ Bá, cố gắng giữ gìn thân thể tránh khỏi bệnh tật, thương tích để  cất nỗi lo lắng cho cha mẹ, đó là đạo hiếu vậy. 

7. Thầy Tử Du hỏi về hiếu, Đức Khổng tử nói: “Đời nay cho rằng hiếu là có thể nuôi nấng cha mẹ. Đến như chó ngựa, đều có thể được nuôi nấng. Không có lòng tôn kính, lấy gì để phân biệt?”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Du tên thật là Ngôn Yển, một cao đệ của Đức Khổng tử. Trả lời cho Tử Du về đạo hiếu, Đức Khổng tử nhấn mạnh đến lòng tôn kính cha mẹ.

Đa số người đời chỉ hiểu về đạo hiếu một cách đơn giản là phụng dưỡng; tức  là cho cha mẹ ăn uống. Nếu cho ăn uống là hiếu thì cho súc vật như chó, ngựa  ăn uống cũng là hiếu hay sao? Ắt là phải có sự phân biệt rõ ràng. Sự phân  biệt giữa việc nuôi nấng cha mẹ và nuôi nấng súc vật là lòng tôn kính. Nuôi  nấng cha mẹ đòi hỏi phải có lòng tôn kính kèm theo. Lòng tôn kính còn đáng  trọng hơn thực phẩm nữa. Nếu mình không có cao lương mỹ vị mà chỉ có thức  ăn đạm bạc dâng lên cha mẹ, nhưng trong tâm đầy lòng kính mến, đó mới  thật là có hiếu. Bởi vì cha mẹ nào cũng quí tấm lòng của con hơn thực phẩm. 

8. Thầy Tử Hạ hỏi về hiếu, Đức Khổng tử nói: “Nét mặt mới khó. Có việc, con cái vất vả phục vụ; có rượu, cơm, mời cha mẹ ăn, chừng ấy đã đủ là hiếu sao?”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Hạ tên thật là Bốc Thương, một cao đệ của Đức Khổng tử. Có lẽ  ông này thường có nét mặt không được vui. Người thì nói Tử Hạ có tính cương  trực, mặt hay có sắc giận. Vì thế, khi ông hỏi về đạo hiếu, Đức Khổng tử có  lời dạy trên dành riêng cho ông và cho những người ở vào trường hợp tương  tự như ông.  Cha mẹ có việc, con cái ra sức lao nhọc giúp đỡ. Con cái có thực phẩm  ngon, mời cha mẹ ăn uống. Những điều đó hẳn là thể hiện lòng hiếu thảo. Tuy  nhiên, đó chưa phải là đỉnh cao của đạo hiếu!  Đỉnh cao đạo hiếu là làm cho cha mẹ được vui lòng mãn ý. Làm vui lòng  cha mẹ nhiều nhất là khiến cho cha mẹ tin rằng con cái có tình cảm chân thật  yêu mến mình. Tình cảm ấy phải có tự đáy lòng người con và thể hiện trên  nét mặt vui vẻ hoà ái của người con.

 Ngoài ra, nét mặt vui vẻ hoà ái của người  con còn biểu lộ một niềm an vui hạnh phúc của chính người ấy đã đạt được.  Thấy con cái được hạnh phúc lại càng làm cho cha mẹ vui lòng hơn nữa. Nét  mặt vui vẻ hoà ái của người con phải là một hiện tượng tự nhiên chứ không  phải gượng gạo hay đóng kịch giả dối. Cái khó là ở chỗ đó. Vì vậy, Đức Khổng  tử nói: “Sắc nan.”:(Nét mặt mới khó.) 

9. Đức Khổng tử nói: “Ta và Hồi nói chuyện suốt ngày, mà trò không hỏi ngược trở lại, dường như là dốt nát; lui về, xem xét đời tư của trò, thì đã phát huy được đầy đủ. Trò Hồi không hề dốt nát.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Hồi tức là Nhan Hồi, hay Nhan Uyên, người nước Lỗ, kém Đức Khổng  tử hơn 30 tuổi. Ông là người rất thông minh, lại giàu đức hạnh và hiếu học.  Trong hàng đệ tử của Đức Khổng tử, Nhan Hồi là học trò xuất sắc nhất; thầy  trò tâm đắc, hợp ý nhau, nói chuyện về đạo lý cả ngày không biết mệt.  Ở đây, Đức Khổng tử thuật lại một buổi nói chuyện suốt ngày giữa thầy  và Hồi; nhưng trước sau Ngài không thấy Hồi thắc mắc, hỏi ngược lại một  điều gì, có vẻ như một người dốt nát. Thường thì người dốt nát quá chẳng biết  đâu mà hỏi, cứ lẳng lặng nghe như vịt nghe sấm vậy thôi.

Trái lại, người có  ít nhiều trí thông minh thì hay hỏi vặn và đặt lại vấn đề cho hiểu rõ hơn. Do  thái độ nín thinh ngồi nghe của Nhan Hồi, người ngoài có cảm tưởng là ông  dốt nát. Tuy nhiên, sau khi Nhan Hồi lui về, Đức Khổng tử theo dõi và xem  xét đời tư của ông, mới thấy rằng ông đã phát huy đầy đủ những ý tứ của  mình đã giảng. Vì vậy, Đức Khổng tử xác nhận Nhan Hồi không phải là người  dốt nát; ngược lại, ông là người thông minh tuyệt vời, hiểu hết ý tứ nông sâu  của lời thầy, không cần hỏi han gì nữa. 

10.Đức Khổng tử nói: “Nhìn việc làm của người, xem lý do việc làm của người, xét sự an vui trong việc làm của người, người ta giấu giếm sao được? Người ta giấu giếm sao được?”

BÌNH GIẢI:

Với câu này, Đức Khổng tử nói về thuật biết người. Muốn kết thân với  người, muốn dùng người để cộng tác với mình trong công việc, cần phải biết rõ  người. Nếu người ấy là bậc hiền nhân quân tử, mình nên gần gũi; nếu người  ấy là kẻ tiểu nhân, hèn nhát, gian dối, lừa đảo, nguy hiểm, mình nên lánh xa  hoặc phòng bị. Lòng người tuy sâu kín khó lường, nhưng nếu biết cách tìm  hiểu thì vẫn có thể thấy rõ được. 

Thứ nhất, hãy nhìn việc làm của người (thị kỳ sở dĩ). Công việc mà họ đang  làm là việc gì: việc tốt hay việc xấu. Nếu đó là việc tốt, có thể phỏng đoán rằng  người ấy có căn bản tốt. Nếu đó là việc xấu, người ấy có căn bản xấu.

  Thứ hai, hãy xem lý do việc làm của người. Họ làm việc ấy với lý do nào:  vì lợi hay vì nghĩa, lợi kỷ hay lợi tha, tự ý hay bị ép buộc… Nếu việc làm vì lợi  mà lại là lợi kỷ (lợi cho riêng họ) thì đó không phải là người tốt. Nếu việc làm  vì nghĩa hay lợi tha (lợi cho người khác), đó là bậc quân tử. 

Thứ ba, hãy xét sự an vui trong việc làm của người. Họ làm trong niềm an  vui tự nhiên hay làm trong sự gượng ép. Nếu làm một cách an vui tự nhiên,  họ là bậc đạt nhân; nếu làm một cách gượng ép, họ mới chỉ là hạng tập nhân.  Đạt nhân là người đã thuần thục; tập nhân là người còn đang cố gắng thực  tập. 

Kết hợp cả ba mức độ quan sát trên về một con người và phân tách ra từng  trường hợp, ta có thể thấy rõ người ấy thuộc về loại nào, người ấy không thể  giấu giếm được. Giả sử người ấy làm một công việc tốt, lý do thúc đẩy là điều  nghĩa và công việc được làm trong niềm an vui tự nhiên, ắt hẳn người ấy là  bậc đạt nhân quân tử, đáng tôn trọng. 

11. Đức Khổng tử nói: “Ôn lại điều cũ mà biết được điều mới, có thể làm thầy được.”

BÌNH GIẢI:

Mấy chữ “ôn cố nhi tri tân” được nói đến trong sách Trung Dung. Muốn  biết những điều mới thì phải ôn lại những chuyện cũ; bởi vì không có gì gọi  là hoàn toàn mới dưới ánh sáng mặt trời. Mọi sự diễn tiến trong lịch sử đều  mang tính qui luật. Thế mà qui luật thì bất dịch; cái gì đã chi phối chuyện  cũ thì vẫn chi phối chuyện mới. Lịch sử loài người như một dòng sông. Dòng  nước chảy ở một khúc sông này vẫn mang trong nó những tinh thể nước của  những khúc sông trên nó tuy có kết hợp thêm những dòng tiểu lưu ở hai bên  bờ chảy thêm vào. Muốn biết nước ở cuối dòng sông phải tìm hiểu nước đầu  nguồn và nước của những dòng tiểu lưu chảy vào.

Cũng vậy, muốn hành động  cho tốt trong những chuyện mới, phải biết ôn lại điều cũ trong quá khứ để rút  kinh nghiệm, giữ điều hay, bỏ điều dở.  Người ta thường có hai loại: loại thủ cựu chỉ thích giữ những điều cũ; loại  cấp tiến chỉ ham những điều mới mà bỏ quên những tinh hoa cũ. Cả hai loại  trên đều là cực đoan, chỉ theo đuổi một chiều, hành động rất dễ bị thất bại  hoặc không đạt được thành công tốt đẹp. Cực đoan thủ cựu không thích ứng  được với thời đại mới sẽ bị đào thải. Cực đoan cấp tiến không biết rút kinh  nghiệm của quá khứ thì dễ bị thất bại. Người nào biết ôn lại điều cũ để tiên  đoán về những điều mới sẽ xảy ra, hoặc rút ra được những bài học cho thời  đại mới, hoặc sáng tạo ra những điều mới phù hợp với tương lai, đổi mới được  xã hội và đem lại kết quả tốt, người ấy mới đáng mặt làm thầy để giảng dạy  thiên hạ, dẫn đường chỉ lối cho thiên hạ. Cái người có thể vắt quá khứ để cô  đúc nên tinh hoa tương lai, quả là bậc đại sư vậy. 

12. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử không phải là khí cụ.”

BÌNH GIẢI:

Khí cụ là một món đồ chỉ được dùng trong một việc nào đó mà không thể  dùng trong một việc khác. Ví dụ: con dao, cái kéo để cắt, cái ly để đựng nước,  cái ghế để ngồi, cái bút để viết… Đối với con người, khí cụ có thể được hiểu  là một chuyên viên chỉ thành thạo trong một chuyên ngành nào đó, như:  chuyên gia canh nông, chuyên gia cơ khí, kinh tế, xây dựng v.v…  Người quân tử không phải là một khí cụ, một chuyên viên trong một  chuyên ngành nào. Ở thời Đức Khổng tử, quân tử là người học về đạo lý đạt  tới trình độ đại học, hiểu thấu đáo “Bát điều mục”: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.  Hiểu thấu đáo “Bát điều mục”, người quân tử tự làm sáng tỏ được năng lực  sáng nơi mình, thân yêu mọi người và cùng với mọi người tiến tới mức trọn  lành (Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện.) 

Như thế, chức năng của người quân tử là lãnh đạo, điều phối mọi người,  khiến cho xã hội ổn định, quốc gia thăng tiến, thái bình. Nếu không gặp thời  cơ thuận lợi, người quân tử là thầy giảng dạy đạo lý cho các đệ tử để chuẩn  bị cho các thế hệ tương lai.  Cụ Võ Trường Toản ở đất Gia Định năm xưa đã từ chối làm quan với nhà  Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Long, chỉ ở quê nhà dạy học,.đào tạo nhân tài  cho thế hệ sau (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định… ); đó là  một mẫu người quân tử vậy. 

13.Thầy Tử Cống hỏi về người quân tử. Đức Khổng tử nói: “Thi hành trước cái lời của mình rồi mới nói theo sau.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử là bậc thầy giảng dạy đạo lý cho mọi người, vì thế người quân tử  phải trở nên mẫu mực cho người khác. Quân tử phải thành tựu đạo lý nơi  mình rồi sau mới khuyên bảo người được. Do đó, trước khi dạy bảo điều gì,  người quân tử phải thi hành trước rồi mới nói sau. Muốn nói điều đạo đức  nhân nghĩa, bác ái, phải thi hành đạo đức nhân nghĩa, bác ái trước; muốn dạy  về ẩm thực tiết độ, phải giữ tiết độ trước. Lời nói phải đi đôi với việc làm mới  thực là đức hạnh của người quân tử. 

14. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử cư xử đồng đều mà không về hùa; kẻ tiểu nhân về hùa mà không cư xử đồng đều.”

BÌNH GIẢI:

Trong câu này, chữ “chu” và chữ “tỉ” có nghĩa trái ngược nhau. “Chu”  nghĩa là vòng tròn, là “chung khắp” cho mọi người. “Tỉ” nghĩa là so sánh, là  “thân riêng”, hay “về hùa” với một người, một nhóm nào. Hai chữ ấy nói lên  tính cách trái ngược giữa quân tử và tiểu nhân. 

Người quân tử tôn trọng giá trị của mọi người, yêu thương mọi người  không phân biệt thân sơ, giàu nghèo, sang hèn…; cho nên người quân tử cư  xử đồng đều với mọi người, không thiên vị riêng ai, hành động luôn hướng về  lợi ích chung. Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ tôn trọng, yêu thương những người  cùng phe cánh với mình, cùng chung quyền lợi với mình. Vì thế, kẻ tiểu nhân  không hành động vì lợi ích chung, mà chỉ về hùa với những kẻ hợp ý mình  mặc dù những kẻ ấy hành động xấu. Họ sẵn sàng bỏ qua đạo lý, bỏ qua lẽ  phải để bênh vực những kẻ cùng quan điểm, cùng lập trường với họ mà thôi.  Tuy nhiên, ngay cả với người cùng phe cánh với mình, kẻ tiểu nhân cũng  không thực lòng, họ sẵn sàng phản bội khi mất quyền lợi. 

15. Đức Khổng tử nói: “Học mà không suy nghĩ thì bị rối rắm; suy nghĩ mà không học thì bị nhọc mệt.”

BÌNH GIẢI:

Học là sự thu gom kiến thức, kinh nghiệm của người xưa hay người đồng  thời và nghe lời thầy giảng dạy về những lẽ khôn ngoan. Kiến thức, kinh  nghiệm của người xưa được chép trong kinh sách; lời thầy được trực tiếp  truyền đạt vào tai mình. Tuy nhiên, tất cả những kiến thức, kinh nghiệm đó  đều phức tạp, rậm rạp hay cô đọng như một mớ quặng kim loại và có tính  cách chung chung cho nhiều trường hợp. Vì thế, để có thể hiểu thấu và biết  cách vận dụng những tư tưởng trong sách, những lời của thầy, người học trò  cần phải suy nghĩ, phân tích, tìm phương thế áp dụng trong từng trường hợp  riêng, thích ứng với thời thế và hoàn cảnh hiện tại.

Suy nghĩ cũng là cân nhắc  để loại bỏ những điều sai lầm, những điều không thích hợp, rút tỉa ra những  tinh hoa ích dụng. Nếu chỉ có chăm chú học kinh sách và nghe lời giảng rồi  chất đống vào tâm trí mà không chịu suy nghĩ, phân tích, thải bỏ, chắt lọc,  người học trò sẽ bị rối rắm, tâm trí như sa vào hỏa mù của tư tưởng, bị mắc vào lưới của ngôn ngữ văn tự. Đó là ý nghĩa của câu “Học nhi bất tư, tắc  võng.” “Võng” là cái lưới, chỉ tình trạng tâm trí bị bao vây, bị rối rắm. 

Suy nghĩ là điều rất cần; nhưng nếu người nào chỉ tự mình suy nghĩ suông,  bỏ thời gian suy nghĩ lao lung về mọi vấn đề mà không chịu học trong kinh  sách và nghe lời thầy giảng thì sẽ bị nhọc mệt, tâm trí hoá ra nghi ngờ, rất  nguy hại. Đó là ý nghĩa của câu “Tư nhi bất học, tắc đãi.” “Đãi” nghĩa là mỏi  mệt nghi ngờ, nguy hại. Bởi vì thời gian của một đời người quá ngắn ngủi;  làm sao tự mình suy nghĩ mà có thể biết hết mọi lẽ khôn ngoan ở đời. Bắt  trí óc vận động suy nghĩ về mọi vấn đề, chẳng phải mắc bệnh cuồng trí hay  sao? Vả lại không có những kinh nghiệm về thành công, thất bại của người  đi trước, người ta không thể tự rút được kinh nghiệm cho mình.

Tự mình suy  nghĩ nhiều quá mà không được kinh sách và thầy hướng dẫn sẽ bị nhọc tinh  thần lẫn thể xác, đâm ra nghi ngờ lung tung và rất dễ sa vào những cực đoan  nguy hại. Đức Khổng tử đã có rất nhiều kinh nghiệm trên đường học vấn. Lời  khuyên trên của ngài rất cần cho những người có chí lập thân.

16. Đức Khổng tử nói: “Công kích đầu mối khác, điều ấy có hại mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Không biết Đức Khổng tử nói câu này với các môn đệ trong trường hợp  nào, cho nên khó lòng giải thích câu này phù hợp với ý của ngài. Chúng ta chỉ  có thể phỏng đoán.  Thời ấy, đạo lý do Đức Khổng tử truyền dạy là một đạo truyền thống lâu  đời có một quá khứ rất xa. Học thuyết của ngài bao gồm những tư tưởng rời  rạc khởi từ những lời dạy của các bậc thánh vương tiên hiền như Đế Nghiêu,  Đế Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Cao Dao, Y Doãn,  Chu Công… kết hợp với những suy tư và kinh nghiệm của ngài trong thời  gian cai trị nước Lỗ và chu du liệt quốc. Các đệ tử theo học với Đức Khổng tử  cũng lang thang cùng thầy từ nước nọ sang nước kia.  Bấy giờ, những học thuyết của Dương Chu, Mặc Địch chưa khởi lên, nhưng  mầm mống của những quan niệm tỵ thế, phẫn thế, vị ngã, kiêm ái, vô vi, hình  pháp có lẽ cũng đã manh nha.

 Có thể, trong hàng môn đệ của Đức Khổng tử, một người nào đó, trong lúc trò chuyện với thầy đã công kích một quan niệm  hay một học thuyết khác với đạo truyền thống của thầy trò họ đang theo. Hai  chữ “dị đoan”(đầu mối khác) dường như chỉ quan niệm hay học thuyết khác  đó. Bản chất của Đức Khổng tử vốn hiếu hoà và khiêm nhu; vả lại ngài cũng  không bao giờ tỏ ra độc chuyên tư tưởng. Ngài thường có thái độ chiết trung  dung hoà (chấp kỳ lưỡng đoan nhi dụng kỳ trung: nắm hai đầu mối mà dùng  ở giữa).

Vì thế, khi thấy đệ tử công kích một học thuyết khác, Đức Khổng tử  liền nói câu trên để khuyên bảo đệ tử của mình.  Công kích một học thuyết khác, điều ấy có hại. Công kích học thuyết của  người là gây ra sự hiềm khích với người, trong khi chính mình đâu có thập  phần hoàn hảo. Độc chuyên tư tưởng là không tôn trọng tự do tư tưởng. Gây  hiềm khích, kết oán thù, chứng tỏ là mình có tâm địa nhỏ nhen, kém đạo đức.  Đó là tự hạ thấp chính mình, tạo cớ cho người ta công kích. Cứ để cho nhiều  học thuyết khởi lên trong tình trạng “trăm hoa đua nở” (bách hoa tề phóng),  để rồi các học thuyết ấy bổ sung cho nhau lại là một điều hay. Nếu học thuyết  của mình hay, thì với qui luật “hữu xạ tự nhiên hương”, thiên hạ sẽ đến với  mình. Còn học thuyết nào dở, tự nó sẽ suy tàn với thời gian, cần gì phải công  kích! 

17. Đức Khổng tử nói: “Này Do! Có muốn [ta] dạy cho ngươi thế nào là biết chăng? Biết thì nhận là biết; không biết thì nhận là không biết, như vậy mới thật là biết vậy.”

BÌNH GIẢI:

Do tức là Trọng Do, tên của thầy Tử Lộ.  Tử Lộ là người nước Lỗ, đệ tử của Đức Khổng tử, kém thầy chừng mười  tuổi, có tính hiếu dũng, bộc trực. Qua câu này, Đức Khổng tử muốn dạy cho  ông tính khiêm hạ. 

Người ta không thể biết hết mọi điều, không thể thông thạo mọi lãnh vực.  Một người muốn thăng tiến trong việc học, cần phải có tính khiêm hạ. Khiêm  hạ là nhận ra sự bất toàn, sự hiểu biết có giới hạn của mình. Vì thế, không  biết thì nhận là không biết, ấy đúng là biết vậy. Biết điều gì? Biết rõ mình  không biết.  Nhận ra mình không biết điều gì đó, tức là mình có lòng thành thật. Có  lòng thành thật, người khác dễ bổ khuyết cho mình, khiến cho mình được  biết thêm cái mình chưa biết.

Ngoài ra, nhận là mình không biết một điều  gì, mình sẽ tránh được cái ảo tưởng biết; tránh được ảo tưởng biết thì mình  sẽ không tự cao tự đại và trong tương lai mình có thể được biết do nỗ lực học  hỏi. Nếu cứ tự hào trong cái ảo tưởng biết, không chịu học hỏi gì thêm; vả lại  người khác cũng chẳng thèm bổ khuyết cho mình thì suốt đời mình sẽ không  biết .

18.Thầy Tử Trương học để cầu bổng lộc. Đức Khổng tử nói: “Nghe cho nhiều, bỏ trống điều nghi ngờ, còn lại thận trọng lời nói, thì ít lầm lỗi. Xem cho nhiều, bỏ qua điều nguy hại, còn lại thận trọng hành động, thì ít phải  ăn năn. Lời nói ít lầm lỗi, hành động ít phải ăn năn, bổng lộc ở trong đó  vậy.” 

BÌNH GIẢI:

Tử Trương tên là Chuyên Tôn Sư, một đệ tử của Đức Khổng tử, dáng bộ  nghiêm trang. Ông này đi học nhưng có khuynh hướng thiên về việc tìm  kiếm bổng lộc, tức là có ý muốn ra làm quan trong tương lai. Đối với một đệ  tử không chú trọng nhiều về đường đạo lý tu tâm dưỡng tính như vậy, Đức  Khổng tử ắt là phải có những lời khuyên dạy đáp ứng yêu cầu của ông ta.  Ngài khuyên: “Đa văn… đa kiến… ” (nghe nhiều, xem nhiều) để mở mang  kiến thức. Một người ở cương vị trị dân cần phải hiểu biết nhiều về mọi mặt  mới có thể điều khiển được guồng máy cai trị. Tuy nhiên, dù nghe nhiều cũng không ai có thể hiểu biết hết mọi việc. Vì thế, nếu có điều gì còn nghi ngờ thì  bỏ trống mà không nên nói. Còn lại những điều gì đã biết chắc chắn thì nói  ra một cách thận trọng. Bởi vì, “lỡ chân thì dễ, lỡ miệng thì khó”.

Tục ngữ còn  nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.” (Một lời đã nói ra, bốn ngựa khó  lòng đuổi theo.) Nếu biết thận trọng trong lời nói sẽ ít mắc lỗi, bớt được tai  họa.  Ngoài ra, lại còn phải xem nhiều để rút kinh nghiệm. Tuy vậy, dù có xem  nhiều cũng không ai có thể thấu tỏ hết những việc phức tạp trong xã hội. Vì  thế, điều gì nhận thấy có thể gây nguy hại thì bỏ qua; còn lại hãy hành động  một cách thận trọng, sẽ tránh được tình trạng phải ăn năn về sau.

 Làm một nhà cai trị mà ít lầm lỗi trong lời nói, ít phải ăn năn trong hành  vi, sẽ được thượng cấp tín nhiệm, sẽ được dân chúng ái mộ; vì thế có thể bảo  vệ địa vị lâu dài và còn được thăng quan tiến chức nữa. Do đó, không cần bàn  tới bổng lộc, không cần thu gom của cải mà bổng lộc tự đến và sẽ được hưởng  dụng lâu dài. 

19. Vua Ai Công hỏi rằng: “Làm sao để dân tuân theo?” Đức Khổng tử đáp rằng: “Cất nhắc người ngay thẳng, tách rời kẻ gian tà thì dân tuân theo. Cất nhắc kẻ gian tà, tách rời người ngay thẳng thì dân không tuân theo.”

BÌNH GIẢI:

Vua Ai Công nước Lỗ là con vua Lỗ Định Công, ở ngôi vào khoảng thế kỷ  V trước Công nguyên. Ai Công đã hỏi Đức Khổng tử về bí quyết cai trị: “Làm  sao để dân tuân theo?”  Bí quyết của Đức Khổng tử rất giản dị: “Cất nhắc người ngay thẳng.” (cử  trực). Người ngay thẳng là bậc quân tử, lòng luôn hướng về chính đạo. Người  ngay thẳng không nịnh trên nạt dưới, không chạy theo thị hiếu, vật dục mà  bỏ đạo lý; cho nên hành động theo phép công, bảo vệ chính nghĩa, không  thiên vị người thân, không khinh thị kẻ sơ, không a dua với những kẻ tiểu  nhân nịnh hót, không kết bè đảng để âm mưu soán nghịch mong thỏa mãn tham vọng quyền bính, lợi lộc cá nhân.

Vì thế, người ngay thẳng không sa vào  những tệ đoan hối lộ, tham nhũng, sách nhiễu… Người ngay thẳng ở địa vị  quan lại cai trị thì dân chúng được dễ thở, không bị đàn áp, bóc lột; dân chúng  có thể đạo đạt được ý nguyện của mình lên vua và triều đình trung ương, do  đó nền dân chủ được hiện thực. Người ngay thẳng được đặt trên kẻ tà khuất  thì những kẻ tiểu nhân không có cơ hội thao túng, dân chúng được thoải mái  sinh hoạt, phát huy được tài năng, đất nước được thịnh vượng, thái bình. Vì  vậy, dân chúng sẽ biết ơn chính quyền, hết lòng tuân theo lệnh vua và chính  sách của nhà nước.  Trái lại, nếu kẻ gian tà được cất nhắc, những bậc quân tử hiền tài sẽ ẩn  mặt; kẻ gian tà sẽ lôi kéo bè đảng tiểu nhân thao túng chính quyền, dối vua,  lừa triều đình, đàn áp, sách nhiễu dân chúng để thủ lợi.

Bấy giờ, dân chúng  không được tự do sinh hoạt, ý nguyện không được tỏ bày, tài năng không được  phát huy, đạo lý bị thui chột; dân chúng sẽ sống trong lầm than, khổ sở và  phải tìm cách luồn lọt, chui lũi, kiếm kế sinh nhai ngoài vòng pháp luật. Do  đó, nạn trộm cướp và các tệ đoan sẽ dấy lên như ong vỡ tổ. Lúc ấy, đất nước  sẽ ly loạn, tài nguyên sẽ sa sút, người người tán lạc, chính lệnh trung ương  không được thi hành vì dân chúng không tuân theo.  Việc chính trị tuy phức tạp nhưng có thể qui chiếu vào một điểm “cử trực”  hay “cử uổng” mà thôi!

20. Quí Khương tử hỏi: “Muốn khiến cho dân kính trọng, trung thành, khuyên nhủ lẫn nhau thì làm thế nào?” Đức Khổng tử nói: “Đến với dân bằng sự trang trọng, thì dân kính trọng;  hiếu thảo, nhân từ thì dân trung thành; đề cao điều thiện mà dạy dỗ  những người kém cỏi, thì dân khuyên nhủ lẫn nhau.” 

BÌNH GIẢI:

Quí Khương tử tức Quí Tôn Phì, làm quan đại phu nước Lỗ. Ông này là  người đã cho đón Đức Khổng tử về quê hương sau 13 năm chu du liệt quốc  mà không đắc ý.  Quí Khương tử đã hỏi Đức Khổng tử về bí quyết trị nước bằng cách thế nào  để cho dân kính trọng, trung thành với nhà cầm quyền và làm sao cho dân  biết khuyên nhủ lẫn nhau làm điều thiện. Bởi vì một khi dân biết kính trọng,  trung thành với nhà cầm quyền và biết khuyên nhủ lẫn nhau thì xã hội ắt  được ổn định, đất nước ắt được bình an.

 Đức Khổng tử gợi ý như sau: Muốn dân kính trọng mình thì mình phải  kính trọng dân trước. Nghĩa là mỗi khi có việc đến với dân, nhà cầm quyền  phải có thái độ trang trọng, không được tỏ ra khinh bỉ dân. Mình kính trọng  dân, thì dân kính trọng mình; đó là qui luật “có qua có lại”. Mình khinh dân  thì dân khinh mình và xa lánh mình, không muốn hợp tác với mình, tuy rằng  ngoài mặt tỏ vẻ khúm núm, sợ sệt.  Muốn dân trung thành với mình, nghĩa là tận tâm tận lực với mình, nhà  cầm quyền phải biết hiếu thảo với cha mẹ, phải có lòng nhân từ, ưu ái với  những người dưới, bé mọn. Lòng hiếu thảo và nhân từ sẽ tác động vào lòng  dân, khiến cho dân sẽ tha thiết với mình, không bao giờ từ bỏ, lại còn đem  thân làm phên giậu che chắn cho mình.

 Muốn dân khuyên nhủ lẫn nhau làm điều thiện, nhà cầm quyền phải đề  cao điều thiện và sẵn sàng dạy dỗ, nâng đỡ những người kém cỏi gần gũi bên  mình. Như vậy, dân sẽ theo gương mà khuyên nhủ, dạy bảo lẫn nhau, cùng  nhau làm điều thiện.  Kinh Thư có ghi lại lời các bậc thánh vương ngày xưa, thường khuyên bảo  các nhà cai trị đừng soi gương nước mà nên soi gương dân. Soi gương nước  hay soi gương đồng, gương kính chỉ là để trau chuốt nhan sắc; còn soi gương  dân mới biết cách cai trị của mình tác động thế nào trên dân. Dân thi nhau  làm thiện, ấy là chính sách cai trị tốt. Dân thi nhau làm ác, dối gạt lẫn nhau,  ấy là chính sách cai trị dở; nhà cai trị đã làm gương xấu cho dân vậy. 

21. Có người hỏi Đức Khổng tử rằng: “Sao thầy chẳng làm chính trị?” Đức Khổng tử nói: “Kinh Thư nói về hiếu thế này: ‘Chỉ riêng việc hiếu thảo, thuận hoà với anh em là có thi hành chính trị.’ Thế cũng là làm  chính trị, sao phải ra làm mới là làm chính trị?” 

BÌNH GIẢI:

Theo tiểu sử Đức Khổng tử, ngài được mời tham gia việc chính trị rất  muộn, vào lúc 51 tuổi với chức Trung đô tể; sang năm sau làm Đại tư khấu  (Hình bộ thượng thư); bốn năm sau nữa mới được thăng chức Nhiếp tướng sự  (Tể tướng), thay vua cầm quyền trị nước.  Câu hỏi trên của ai đó có lẽ được đặt ra với Đức Khổng tử trước khi ngài  ra làm quan. Trả lời cho người hỏi, Đức Khổng tử trích dẫn Kinh Thư, một  cuốn cổ kinh ghi lại những lời dạy khôn ngoan và những việc cai trị của các  bậc thánh vương đời xưa.  Đại ý lời Kinh Thư nói: “Ở trong nhà, một người có lòng hiếu thảo, biết  phụng dưỡng cha mẹ, lại biết cư xử thuận hoà với anh em, khiến cho gia đình  được ổn định an lành.

Vì thế, gia đình được an trị chính đáng; đó là thi hành  chính trị tại gia vậy.” Thi hành chính trị tại gia tức là tề gia, đóng góp vào  việc trị quốc và làm cho thiên hạ thái bình. Tề gia là bước thứ hai trong bốn  bước: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được trình bày trong sách Đại  học.  Chính trị với cái nghĩa “chính giả chính dã – 政者正也” (Chính trị là làm  cho trở nên chính đáng), tuy không ra làm quan để trực tiếp tham chính,  nhưng ở nhà biết tề gia cho tốt đẹp, đó là gián tiếp làm chính trị. Mặc dù chưa  có thời cơ thuận tiện tham chính ở cấp độ quốc gia, thi thố tài đức để ổn định  thiên hạ, người quân tử ở bất cứ đâu, trong bất cứ địa vị nào mà vẫn sống  chính đáng để làm gương mẫu cho đời, đó cũng là làm chính trị vậy.

22. Đức Khổng tử nói: “Người mà không giữ điều hẹn ước, thật không biết có thể làm được gì! [Như] xe lớn mà không có đòn gỗ ngang, xe nhỏ mà không có đòn gỗ cong, làm sao có thể đi được?”

BÌNH GIẢI:

Một con người chỉ có thể được quan niệm đúng nghĩa là người khi người ấy  sống trong một cộng đồng, một xã hội. Đã là con người trong xã hội thì phải  có tương giao tốt đẹp với mọi người. Yếu tố quan trọng, cần thiết nhất trong  tương giao là chữ tín. Chữ tín hay lòng tin là sự tuân giữ điều đã nói ra, đã  hẹn ước. Hẹn ước điều gì với ai thì phải tuân giữ, chấp hành đúng đắn. Điều  tín không được tuân giữ thì không thể có tương giao tốt đẹp, hơn nữa tương  giao sẽ bị đình chỉ.

Giả sử trong một xã hội mà các mối tương giao bị đình chỉ,  xã hội sẽ không còn là xã hội đúng nghĩa nữa. Đó là một tập thể lộn xộn đầy  sự dối gạt.  Như thế, con người không giữ chữ tín sẽ không còn là con người xã hội  nữa; anh ta chỉ còn là một cá nhân cô lập, không thể quan niệm được, không  thể giao thiệp được. Một cá nhân cô lập không làm được việc gì nên chuyện vì  không còn ai tin tưởng và hợp tác với anh ta.

Vì thế, Đức Khổng tử mới nói:  “Không biết người ấy có thể làm được gì!” (Bất tri kỳ khả dã!).  Ngài nêu ví dụ cho dễ hiểu: Cái xe lớn như xe bò, xe trâu, phải có đòn gỗ  ngang (nghê) đóng vào hai càng để buộc con bò, con trâu vào. Khi bò, trâu  bước đi thì cái xe di chuyển theo. Cái xe nhỏ như xe ngựa, phải có đòn gỗ cong  để buộc ngựa vào. Như thế xe ngựa mới hữu dụng. Nay xe lớn không có đòn  gỗ ngang, xe nhỏ không có đòn gỗ cong, lấy chỗ đâu mà buộc bò, buộc ngựa  vào. Do đó cái xe trở thành vô dụng.  Đòn ngang, đòn cong cần thiết cho cái xe, thì chữ tín cũng cần thiết cho  con người xã hội như vậy. Chữ tín là mấu chốt cho mọi người tín nhiệm vào.  Con người không có chữ tín (không giữ điều hẹn ước) thì cũng thành người  vô dụng thôi. 

23.Thầy Tử Trương hỏi: “Mười triều đại có thể biết được chăng?”

Đức Khổng tử nói: “Nhà Ân nương theo hình thức cai trị của nhà Hạ, những chỗ bớt thêm có thể biết được. Nhà Chu nương theo hình thức cai trị của nhà Ân, những chỗ bớt thêm có thể biết được. Triều đại nào đó nối tiếp nhà Chu, tuy trăm triều đại đều có thể biết được.”

BÌNH GIẢI:

Những người học đạo, học triết, học sử đều có ý muốn biết về những việc về  sau. Trường hợp của thầy Tử Trương cũng vậy. Ông là người học đạo với Đức  Khổng tử và lại là một môn đệ có tham vọng chính trị, muốn làm quan hưởng  lộc; cho nên ông lại càng muốn biết diễn tiến tương lai của các nền chính trị.  Vì thế, ông đã hỏi Đức Khổng tử xem có thể biết được mười đời tức là mười  triều đại về sau hay không. 

Đức Khổng tử đã nêu ra ba triều đại: nhà Hạ, nhà Ân và nhà Chu (Tam  đại), kéo dài trong khoảng thời gian gần 2000 năm để giải thích. Nhà Ân  (Thương) kế tiếp nhà Hạ thì nương theo hình thức cai trị (điển lễ, pháp độ…)  của nhà Hạ đi trước mà có sửa đổi, bớt thêm ít nhiều. Nhà Chu kế tiếp nhà  Ân cũng theo cách thức như thế. Những điều đó đã được ghi chép trong sử  sách và trong bia miệng (lời truyền khẩu) của dân gian. Cứ thế mà suy ra thì  triều đại kế tiếp và cả trăm triều đại sau này đều theo phương thức đó: căn  cứ vào hình thức cai trị đã có trước mà sửa đổi ít nhiều cho hợp thời. Cứ lý ấy  mà suy: từ trước tới sau, dù một triều đại có theo một thể chế nào thì vẫn duy  trì hình thức cai trị cốt lõi bất di dịch là:

 – Một vị lãnh đạo tối cao (có thể được gọi là hoàng đế, quốc vương, chủ tịch,  tổng bí thư hay tổng thống)

 – Một vị nắm guồng máy hành chính (có thể được gọi là tể tướng, tướng  quốc hay thủ tướng).

 – Một guồng máy cai trị trung ương bao gồm: các đại thần phụ trách các  Bộ như Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Binh, Bộ Hình… (ngày nay gọi là các Bộ Ngoại  Giao, Giáo dục, Quốc phòng, Tư pháp…)

 – Một hệ thống điều hành việc cai trị từ trung ương tới địa phương bao gồm  các quan lại lớn nhỏ (ngày nay gọi là công chức, cán bộ các ngạch). 

Hình thức cai trị ấy nếu được điều động theo ý riêng của tổ chức cai trị  trung ương thì gọi là chế độ chuyên chế, nếu có tham khảo ý dân thì gọi là  chế độ dân chủ.  Dù là thể chế nào, chuyên chế hay dân chủ, guồng máy cai trị cần phải có  những con người tốt. Đạo Nho coi trọng con người cai trị hơn thể chế. Nếu có  thể chế hay mà con người cai trị không tốt thì dân chúng cũng lầm than, khổ  sở. Vì thế việc đào luyện con người rất quan trọng. Đạo Nho chủ trương đào  luyện con người cả tài lẫn đức, nhưng đức được chú trọng hơn tài.

  Nếu có một cái nhìn xuyên suốt như vậy thì sự lý muôn đời vẫn có thể biết,  có thể hiểu được. Muốn cho các triều đại sau được tốt, thì ngay từ triều đại  này cần phải điều chỉnh cho tốt; bởi vì triều đại sau sẽ mô phỏng cách cai trị  của triều đại đi trước. Lý nhân quả là như vậy. Việc đời là một dây nhân quả  liên tục từ trước đến sau. 

24. Đức Khổng tử nói: “Chẳng phải vong linh tổ tiên mình mà cúng tế, ấy là nịnh bợ. Thấy việc nghĩa mà không làm, ấy là không có ý chí mạnh mẽ.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, chữ “quỉ” vốn không có nghĩa xấu là quỉ ma như ngày nay. “Quỉ”  chỉ vong linh người đã khuất, đã từ bỏ dương gian mà sang cõi âm. Như thế,  chữ “quỉ” không mang nghĩa tốt hay xấu. Việc cúng tế (cúng tế tổ tiên, cúng  tế các anh hùng liệt sĩ, cúng tế các vị thánh nhân) là một nghi lễ biểu hiện  sự tưởng nhớ tôn kính và biết ơn. Trong nghi lễ cúng tế thường có dâng lễ  vật (cúng) và vái lạy (tế).

Người đời không hiểu ý nghĩa việc cúng tế, thường  hay cúng tế bâng quơ đối với những thần vật, những vong linh không rõ cội  nguồn, hay đối với những vong linh không phải tổ tiên mình, cũng chẳng phải  vong linh những anh hùng liệt sĩ có công với đất nước. Nhiều khi, do tự kỷ ám  thị đâm ra sợ sệt một ấn tượng vô hình nào đó mà người ta đem lễ vật, hương  nến cúng tế một khúc đường hay có tai nạn, một khúc sông, một xó tối… Đối  với những trường hợp ấy, Đức Khổng tử cho là nịnh bợ, vô ích; không phải  việc đáng làm của người quân tử thông hiểu đạo lý. 

Người quân tử chỉ tế Trời, tế tổ tiên, tế vong linh các anh hùng liệt sĩ, tế  các vị thánh nhân mà thôi. Tế Trời để tỏ lòng tôn kính với Đấng sáng tạo  vũ trụ vạn vật. Tế tổ tiên để kính nhớ ân đức sinh thành dưỡng dục. Tế các  anh hùng liệt sĩ và tế các thánh nhân là những người có công với dân chúng,  những người gây ảnh hưởng tốt về phương diện tinh thần.

  Đối với những người thấy việc nghĩa mà không làm, Đức Khổng tử cho là  không có ý chí mạnh mẽ (vô dũng), là nhát gan. Việc nghĩa là việc phù hợp  với đạo lý, thể hiện tình tương trợ, bác ái, cứu khốn phò nguy đối với những  người yếu đuối kém cõi, người sa cơ lỡ bước, người bị ức hiếp… Trong điều  kiện mình có thể làm được mà không chịu làm, đó là người nhát gan hoặc lười  biếng, thiếu ý chí mạnh mẽ. 

Đọc tiếp Chương 3 – Bát Dật

❁ ❁ ❁

3 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x