Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 4 – Lý Nhân

Luận Ngữ – Chương 4 – Lý Nhân

by Hậu Học Văn
1293 views

LÝ NHÂN ĐỆ TỨ

1. Đức Khổng tử nói: “Xóm có đức nhân thì tốt đẹp, chọn lựa mà không ở nơi có nhân, sao được gọi là sáng suốt?”

BÌNH GIẢI:

Xóm là đơn vị cư trú hành chính nhỏ nhất vào thời xưa. Xóm có đức nhân  tức là nơi có nhiều người nhân hậu cư trú. Ở đó thường có thuần phong mỹ  tục, thường có sự yên ổn, không có trộm cắp; mọi người sinh hoạt lành mạnh  theo đạo lý và cư xử tốt đẹp với nhau. Là người sáng suốt, khôn ngoan thì  phải biết chọn lựa nơi cư trú để sống yên ổn, thảnh thơi, có cơ hội học tập đức  nhân và nhất là cho con cháu mình có một môi trường tốt đẹp, thuận lợi để  thăng tiến.  Nếu người nào đó không quan tâm đến nơi ở có đức nhân mà chỉ chọn lựa  nơi thuận tiện cho công việc làm ăn, dễ phát triển lợi lộc, đến nỗi gia đình  mình sau này sinh ra hư đốn, thối hoá, sao có thể gọi là người sáng suốt được? 

2. Đức Khổng tử nói: “Người không có đức nhân không thể ở lâu trong cảnh cùng túng, không thể ở mãi trong niềm vui. Người có đức nhân an ổn trong đức nhân, người trí vận dụng đức nhân để được lợi.”

BÌNH GIẢI:

Đức nhân vừa là năng lực vừa là đường lối hoàn thiện con người trong mọi  phương diện.  Đó là một đề tài phong phú thuộc Hình nhi thượng học của đạo Nho.1 Sách  Trung Dung cho rằng:  “Nhân giả nhân dã – 仁者人也” (Người có đức nhân là con người vậy.) Có  nghĩa, người có đức nhân là con người lý tưởng, con người đích thực. Hiểu  ngược lại, người không có đức nhân không phải là con người đích thực, mà chỉ  là tiểu nhân với nhiều nhược điểm, khuyết điểm, nhiều lỗi lầm. 

Người nhân hay còn gọi là người quân tử thì có đạo tại tâm, nên có thể  chấp nhận cảnh nghèo túng suốt đời. Trái lại, người bất nhân hay tiểu nhân  không thể ở lâu trong cảnh nghèo túng. Người ấy luôn nghĩ đến lợi danh,  quyền bính, chức vị; cho nên sẵn sàng tìm mọi phương thế để thoát nghèo,  mặc dù có phải dùng đến phương thế tàn nhẫn, trái đạo lý. Cũng vì vận dụng  những đường lối bất nhân để thành công, cho nên người bất nhân không thể  được ở mãi trong niềm vui. Luật nhân quả tức luật quân bình của đạo Trời sẽ  tác động, khiến cho sớm hoặc muộn, người bất nhân cũng sẽ mất niềm vui,  phải chịu hậu quả đau khổ, theo cách này hay cách khác.

 Người nhân, vì có đạo tâm, tức là có Trời ở trong lòng, cho nên luôn luôn  được an vui trong đức nhân. Trong bất cứ tình huống nào, dù nghèo hay giàu,  thành công hay thất bại, đắc thế hay thất thời, người nhân vẫn được an vui  trong tâm hồn. Bởi vì hệ quả của đức nhân là sự an ổn.  Người trí thì khôn ngoan, sáng suốt và năng động như nước; do đó biết vận  dụng đức nhân, tùy nghi hành xử, đem lợi ích cho mình và cho người. Xã hội  an ổn là do đức nhân; xã hội tiến bộ là do đức trí.

 Muốn cho xã hội vừa thái  bình, thịnh trị vừa tiến bộ, văn minh thì phải biết vận dụng cả nhân lẫn trí.  Nhân và trí liên kết với nhau như hai biểu tượng “chim bồ câu và con rắn”  trong Kinh Thánh (Tân Ước) vậy. Nhiều nhân ít trí thì chậm tiến nhưng an  ổn. Nhiều trí ít nhân thì tiến bộ, văn minh, nhưng xã hội sẽ rối loạn, bất an. 

3. Đức Khổng tử nói: “Chỉ người có đức nhân mới biết ưa người, mới biết ghét người.”

BÌNH GIẢI:

Người có đức nhân là người lý tưởng, có đầy đủ các đức tốt và sự hiểu biết  thấu đáo. Vì thế người ấy biết ưa thích đúng người, biết ghét bỏ đúng người;  nghĩa là có sự chính đáng trong ưa, ghét. Thấy người có tài đức thì ưa thích;  thấy người vô hạnh, kém tài, thất đức thì ghét bỏ. Ưa thích thì gần gũi; ghét  bỏ thì xa lánh. Làm một bậc lãnh đạo đất nước, cần phải biết ưa thích gần  gũi những người hiền đức, đồng thời phải biết ghét bỏ xa lánh những phường  gian nịnh, đất nước mới hưng thịnh thái bình được. 

4. Đức Khổng tử nói: “Nếu có ý chí hướng về đức nhân thì không có điều xấu.”

BÌNH GIẢI:

Tuy rằng mình chưa phải là quân tử thành tựu đức nhân, nhưng nếu có ý  chí, có quyết tâm hướng về đức nhân, thì những mầm xấu không có điều kiện  phát triển trong lòng. Mầm xấu không phát triển, ý nghĩ không đeo đuổi điều  xấu, lời nói không phát biểu điều xấu thì không có hành vi xấu nào có thể xẩy  xảy ra được. Và mầm xấu nếu nảy sinh trong lòng cũng nhanh chóng tự tiêu  vong. Đó là bí quyết tu đức. 

5. Đức Khổng tử nói: “Giàu và sang, đó là điều ham muốn của con người,

nhưng không do đạo lý mà được thì không lấy. Nghèo và hèn, đó là điều  chê ghét của con người, nhưng không do đạo lý mà được khỏi, thì không  bỏ. Người quân tử mà bỏ đức nhân, than ôi nên danh sao được? Người  quân tử không làm trái đức nhân dù chỉ trong khoảng một bữa ăn. Vội  vàng cũng thế, hoạn nạn cũng thế.” 

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nói câu trên cốt để làm sáng tỏ thêm ý nghĩa của đức nhân  trong đời sống người quân tử. Sống trong đức nhân là sống theo đạo lý; đó là  đạo trời chi phối vũ trụ nhân sinh. Đạo trời được tuân thủ thì cõi nhân sinh  sẽ phát triển tốt đẹp.  Giàu và sang là có nhiều của cải và có địa vị đáng tôn trọng trong xã hội.  Có khi giàu mà không sang. Có khi sang mà không giàu. Giàu và sang liên  kết đầy đủ với nhau là những điều mà ai cũng ưa thích.

Tuy nhiên, giàu sang  phải đến trong đạo lý mới phù hợp với đức nhân. Nghĩa là của cải đến do việc  làm chính đáng; địa vị sang trọng đến do tài năng tương xứng. Nếu do những  việc làm bất chính như buôn lậu, bóc lột, trộm cướp, tham nhũng, lường gạt,  nịnh hót mà được giàu có thì không phù hợp với đạo trời. Nếu do lừa dối, nịnh  hót mà được địa vị sang trọng, không phải do tài năng và công sức đích thực  thì không phù hợp với đạo trời. Những trường hợp giàu sang như thế là “vi  nhân” (làm trái đức Nhân). Người quân tử không thể nhận lấy sự giàu sang  một cách trái đạo được. Làm như thế là đẩy cả xã hội vào sự rối loạn, lầm  than!  Nghèo và hèn là không có của cải và không có địa vị sang trọng. Có khi  nghèo mà không hèn. Có khi hèn mà không nghèo.

Tuy nhiên, nghèo và hèn  thường đi đôi với nhau làm cho người ta lâm vào cảnh túng quẫn, bị khinh rẻ;  cho nên người ta thường chê ghét, cố gắng vượt thoát khỏi nghèo hèn.  Nhưng tránh khỏi tình trạng nghèo hèn trong đạo lý, nghĩa là bằng đường  lối chân chính mới phù hợp với đức nhân. Ví dụ, do thời cơ thuận tiện, nhờ  người nâng đỡ, giới thiệu và nhất là nhờ khả năng sẵn có cộng với sự nỗ lực  phấn đấu mà thoát khỏi nghèo hèn; đó là thoát nghèo hèn bằng sự chân  chính. Nếu không do đạo lý, trái lại, thoát nghèo bằng đường lối bất chính,  nghĩa là trái với đức nhân, thì người quân tử không chịu bỏ cảnh nghèo hèn.  Người quân tử thà vui trong cảnh nghèo mà giữ đức nhân còn hơn.

 Sách Nam Hoa Kinh đã nói về cái nghèo của Trang Tử như sau:

“Thầy  Trang mặc áo vải thô mà có chỗ vá, nối đai, buộc giày mà sang chơi vua nước  Ngụy. Vua Ngụy hỏi:

  – Sao tiên sinh cùng đến thế?

 Thầy Trang đáp: 

– Nghèo thôi, không phải cùng (khổ) đâu. Kẻ sĩ có đạo đức mà làm không  được là cùng; áo rách, giày thủng là nghèo chứ không phải cùng. Thế này gọi  là không gặp thời…”

  Sở dĩ người quân tử không muốn vượt thoát cảnh nghèo hèn bằng đường  lối bất chính, lại cam chịu sự thiếu thốn quẫn bách, không phải là tự hãnh  diện trong đạo đức, mà chỉ vì lòng yêu thương tha nhân, không muốn nêu  gương xấu cho mọi người, không muốn xã hội rơi vào cảnh rối loạn, tội lỗi đó  thôi. 

Người quân tử mà từ bỏ đức nhân, chạy theo tiền tài, danh vọng, sao còn  gọi là quân tử! Người quân tử phải gắn liền với đức nhân từng giây, từng  phút. Dù trong khoảng một thời gian ngắn (khoảng thời gian ăn xong một  bữa cơm), người quân tử cũng không thể làm trái đức nhân được. Gặp khi vội  vàng, hoạn nạn cũng thế. Bởi vì rời bỏ đức nhân, ấy là quân tử biến thành  tiểu nhân rồi.

 Trong đoạn văn của Đức Khổng tử ở trên, có hai chữ “đắc” đã khiến người  đọc phân vân không ít. Trong câu: “Phú dữ quí, thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ  kỳ đạo đắc chi, bất xử dã”; chữ “đắc” dịch là “được” thì phải rồi. Còn câu: “Bần  dữ tiện, thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khứ dã”; chữ “đắc”  cũng dịch là “được” thì không ổn!

  Vì thế, đã có mấy kiểu dịch khác nhau.  Học giả Đoàn Trung Còn dịch là:  “Nghèo với hèn, ai lại chẳng ghét? Nhưng nếu chúng nó đến với mình mà  mình chẳng lỗi đạo, thì người quân tử chẳng từ bỏ.”

Học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là:  “Nghèo và hèn, người ta ai cũng ghét, nhưng nếu chẳng lỗi đạo mà phải  nghèo hèn thì người quân tử chẳng bỏ.” Ở dưới, ông chú thích: “Bất dĩ kỳ đạo  đắc chi” có thể hiểu là không đáng được mà được, không đáng bị mà bị. 

Học giả Phan Bội Châu dịch và giải thế này:  “Đói nghèo với thấp hèn là cái giống mà người ta ai cũng ghét. Nhưng sở dĩ  đến nỗi bần tiện, tất có một cái duyên cớ mà được bần tiện đó; nếu chẳng thế  thời chính là cái bần tiện bằng trời cho, quân tử chẳng cần gì mà từ chối vậy.”

 Và cụ Phan đã biện luận như sau: “Hai chữ “đạo” ở đây nghĩa khác nhau:  Chữ “đạo” ở trên là cái lý do mà làm được phú quý; chữ “đạo” ở dưới là cái  duyên cớ xui nên bần tiện. Hễ phú quý không lý do gì mà được thời quân tử  bất xử; bần tiện không duyên cớ gì mà đến thời quân tử bất khử. Muốn phú  quý mà ghét bần tiện, quân tử cũng thường tình như ai, nhưng phía nào lấy,  phía nào bỏ, quân tử vẫn cân nhắc ở trên chữ “nhân”.  Trái với nhân mà được phú quý thời quân tử phải từ chối cái phú quý ấy;  đúng với nhân mà mắc lấy bần tiện thời quân tử đành chịu cái bần tiện ấy.”

  Cả ba lối dịch trên đều giữ nguyên chữ “đắc”, nhưng tìm cách dịch luồn  lách cho hợp nghĩa.
 Riêng học giả Trần Trọng Kim thì dịch: “Bần tiện thì ai  cũng ghét, nhưng không lấy đạo mà làm cho khỏi, thì không bỏ.”2 Dịch chữ  “đắc” là “làm cho khỏi”, đó là cụ Trần hiểu chữ “đắc” ra chữ “khứ”. Và cụ Trần  đã ghi chú ở dưới: “Câu này nên để: Bất dĩ kỳ đạo khứ chi, bất khứ dã” thì rõ  nghĩa hơn.

Nghi hồ đời xưa chép sai chăng?”  Sau khi cân nhắc, chúng tôi đồng ý với cụ Trần Trọng Kim, nếu thay chữ  “đắc” thứ hai bằng chữ “khứ”, câu văn sẽ có nghĩa rõ ràng; không cần dịch  luồn lách, biện luận gì cả!  Có lẽ đây là lỗi “tam sao thất bản” (ba lần chép lại thì mất gốc); sau đó, kẻ  hậu học vì tôn trọng cổ nhân mà không dám sửa.  Ngày nay, sở dĩ xã hội rối loạn, thế giới khủng hoảng, con người bất an bởi  vì đã có quá nhiều người đánh mất đức nhân, xá lánh cảnh nghèo hèn với bất  cứ giá nào, tìm kiếm giàu sang bất kể đạo lý và lương tâm! 

6. Đức Khổng tử nói: “Ta chưa thấy người ưa thích đức nhân, chê ghét điều bất nhân. Người ưa thích đức nhân không lấy gì đặt trên đức nhân. Người chê ghét điều bất nhân, khi làm điều nhân, không để cho điều bất  nhân dính bén vào mình. Có ai suốt ngày dùng hết sức làm điều nhân  chăng? Ta chưa thấy ai không đủ sức. Bởi vì có chăng, ta chưa được  thấy.” 

BÌNH GIẢI:

Đức nhân là năng lực hoàn hảo của con người lý tưởng. Năng lực hoàn hảo  này bao gồm mọi điều tốt đẹp cả về tinh thần lẫn thể chất. Tất cả những điều  mà người ta ao ước hay cầu chúc cho nhau như là: phúc, thọ, khang, ninh…  đều nằm trong đức nhân. Trái lại, bất nhân là những điều làm băng hoại con  người, suy bại quốc gia xã hội.  Thế mà vào thời Xuân Thu, Đức Khổng tử chưa được thấy một người nào  thực sự ưa thích đức nhân và thực sự chê ghét điều bất nhân.

 Có lẽ sau Đức  Khổng tử khoảng 100 năm, ở bên Hy Lạp, nhà hiền triết Diogène cũng ở  trong tình cảnh ấy, cho nên ông mới cầm đèn vào chợ tìm một con người đích  thực giữa ban ngày!  Một khi thực sự ưa thích đức nhân thì đức nhân phải được thượng tôn,  không có gì đặt trên đức nhân được. Tiền bạc, của cải, địa vị, quyền bính,  danh tiếng không ở trên đức nhân đã đành, thậm chí việc yêu mến cha mẹ,  vợ con, anh em, bạn bè nếu bất chính thì cũng không được đặt trên đức nhân.  Còn tiền bạc, của cải, địa vị… nếu đến một cách công chính; và lòng yêu mến  cha mẹ, vợ con… nếu phát khởi một cách chính đáng, thì tất cả đều đã ở trong  đức nhân rồi.

Người thực sự chê ghét điều bất nhân luôn luôn sinh hoạt trong  đức nhân, không để cho bất cứ điều gì gọi là bất nhân dính bén được vào  mình.  Những điều bất nhân thì rất nhiều, nhưng có thể gọi chung những điều  bất nhân là những gì phương hại đến tinh thần và thể chất con người. Ví  dụ như ăn uống một thức gì, nói năng, hành động một điều gì khiến cho con  người thành ra mê muội, bệnh tật, cuồng loạn, mất phẩm giá… thì đó tức là  thi hành điều bất nhân. 

Cứ như vậy mà xét thì thi hành đức nhân, tránh điều bất nhân tức là tu  thân. Có ai suốt ngày hết sức thực hành việc tu thân chăng? Việc tu thân để  trở nên con người tốt chẳng khó khăn gì; ai cũng đủ sức làm điều ấy nếu họ  muốn. Đức Khổng tử xác nhận: “chưa thấy ai không đủ sức”. Nếu có ai đó  không đủ sức thì Đức Khổng tử chưa được thấy. Nghĩa là không có ai cả! Thế  thì, tại sao thiên hạ chưa thực sự ưa thích đức nhân? Thưa rằng: bởi vì người  ta chưa thực sự hiểu biết; trí khôn chưa được vén màn vô minh đã bao phủ  từ lâu đời! 

7. Đức Khổng tử nói: “Sự thái quá của con người đều ở về phái của mình. Xem xét sự thái quá ấy thì biết đức nhân vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho chia mọi người trong xã hội thành hai phái: quân tử và tiểu  nhân. Phái quân tử nương theo đức nhân; phái tiểu nhân hướng về điều bất  nhân. Khi chưa thành tựu đức nhân để đạt tới bậc thánh, con người thường  hay lệch lạc trong những sự thái quá; hoặc thái quá trong đường thiện, hoặc  thái quá trong đường ác.  Trong sách Trung Dung, Đức Khổng tử nói: “Đạo chi bất minh dã, ngã tri  chi hỹ; hiền giả quá chi, bất tiếu giả bất cập dã. -道之不明也,我知之矣;  賢者過之,不肖者不及也。 (Đạo không sáng tỏ ra được, ta biết rồi; người  đức hạnh thì vượt quá, người hư đốn thì chẳng kịp.) (Trung Dung, chương 4). 

Người đức hạnh, thuộc về phái quân tử, là người đi vào đường tu đức. Họ  là những người mẫu mực, không bao giờ nói và làm điều ác. Tuy nhiên sự  thái quá của họ ở chỗ quá đạo đức mà xa lánh thế tục, không chịu gần gũi  tha nhân, không chịu thân mật với kẻ xấu. Người hư đốn, thuộc về phái tiểu  nhân, là người xa rời luân lý, đạo đức. Họ chẳng làm điều thiện đã đành; sự  thái quá của họ ở chỗ lôi kéo người khác vào đường ác.  Như vậy, xét sự thái quá của mỗi phái, ta có thể biết được bản chất đức  nhân và đức nhân nằm trong phái nào, người nào. 

8. Đức Khổng tử nói: “Sớm được nghe Đạo, chiều tối chết cũng được.”

BÌNH GIẢI:

Trong triết học Đông phương, nhất là trong Nho giáo, chữ đạo vừa có  nghĩa là chân lý, vừa có nghĩa là con đường dẫn đến chân lý, lại có nghĩa là  qui luật chi phối vũ trụ nhân sinh. Với nghĩa “con đường dẫn đến chân lý”,  đạo tức là đường lối trở nên thánh hiền, đường lối tiến hoá từ cõi nhân sinh  tới cõi siêu thời, phối Thiên.

 Đối với những người suốt ngày chỉ bận tâm về những vấn đề cơm áo, danh  lợi, ái tình, quyền bính, chạy theo những nhu cầu thân xác, chữ đạo dường  như không gây âm hưởng gì mấy trong tâm hồn họ. Tuy nhiên đối với những  người đã từng khốn khổ vì cơm áo, danh lợi, đã từng đau đớn về ái tình… hay  đối với những người đã có lúc đạt được những nguyện vọng trần thế rồi bị  mất, cuối cùng ray rứt trong cô đơn, lạc lõng… và đã từng tốn nhiều thời gian  đi tìm sự giác ngộ, giải thoát để cầu hạnh phúc chân thực, vĩnh hằng… thì  khi nghe nói đến chữ đạo dường như tâm hồn sẽ bị chấn động. Đến lúc nghe  được đạo thật, tức là những lời nói về chân lý: chân lý chi phối vũ trụ nhân  sinh, chân lý dẫn đến sự sống vĩnh hằng, chân lý tối cao; bấy giờ họ cảm thấy  cõi lòng như mở ra, tâm hồn được nâng dậy và vơi bớt sầu muộn, niềm hy  vọng ùa đến… Họ thấy vui thích đến nỗi muốn nhảy múa lên, và xúc động  đến chan hoà nước mắt. Họ cảm thấy dường như tâm thức đạt tới chiều kích  siêu thời gian, không gian, trở nên cao cả, tươi tắn, không còn bị trói buộc bởi  những gì nhỏ nhoi, vụn vặt của thế gian. Đó là điều mà Đức Giêsu đề cập đến  trong Tân Ước: “Chân lý sẽ giải thoát anh em.” (Gioan: 8, 32).

 Người nghe đạo cảm thấy sung sướng, hân hoan bởi vì được nghe nói đến  chân lý tức là đã thấy được lối thoát, đã đạt quá nửa đường đi rồi. Có lẽ Đức  Khổng tử đã ở trong tình trạng này, cho nên Ngài mới nói như trên. Thực ra,  đạo chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với người đang thao thức đi tìm. 

9. Đức Khổng tử nói: “Kẻ sĩ có chí hướng về đạo mà hổ thẹn về chuyện áo xấu, cơm thô thì chưa đủ để cùng bàn luận.”

BÌNH GIẢI:

Mục đích tối thượng của việc học theo quan niệm Triết Đông xưa là học  đạo, tức là học về chân lý. Kẻ sĩ là người có học. Một khi đã có chí hướng về  đạo, kẻ sĩ ắt phải đi theo hướng linh đạo, quay lưng lại với vật đạo, nghĩa là  coi nhẹ những giá trị vật chất. Thế mà, người ấy lại hổ thẹn về nỗi phải mặc  áo xấu, ăn cơm thô; đó là rơi vào tình trạng mâu thuẫn nội tại: trí hướng theo  linh đạo mà lòng nuối tiếc vật đạo. Có nuối tiếc vật đạo mới tha thiết với vấn  đề áo đẹp, cơm ngon. Vì coi trọng áo đẹp, cơm ngon nên người ấy mới cảm  thấy hổ thẹn khi phải mặc áo xấu, ăn cơm thô… Đó là tình trạng phân thân:  trí một nơi, lòng một nẻo. Như vậy, người ấy sớm muộn gì cũng bỏ đạo mà  theo vật thôi. Do đó, Đức Khổng tử không thể cùng người ấy bàn luận về đạo!      

10. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử ở trong thiên hạ, không theo hẳn, không bỏ hẳn, cùng sánh với nghĩa mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử là người thông hiểu dịch lý. Dịch lý là qui luật biến động của vũ  trụ nhân sinh. Vũ trụ thiên nhiên không ngừng biến đổi thì xã hội nhân sinh  cũng không ngừng biến đổi. Do biến đổi mà có thời. Vì thế, người quân tử  phải biến đổi theo, tức là phải biết thích ứng với thời. Trong Kinh Dịch có cả  một quẻ gọi là Trạch Lôi Tùy để nói về nghĩa lý của việc tùy thời. Có thời cần phải nhanh, có thời cần phải chậm, có thời cần phải ngừng… Thời liên hệ tới  việc. Cho nên có việc phải làm gấp gáp, có việc phải làm thong thả; có việc  phải bảo tồn, có việc phải thải bỏ; và cũng có việc phải sửa đổi sao cho hợp với  thời, với hoàn cảnh, với tâm lý con người.  Nghĩa là mối tương giao tốt đẹp giữa người với người.

Trong cõi nhân sinh,  có nghĩa vua tôi, có nghĩa thầy trò, nghĩa cha con, mẹ con, nghĩa vợ chồng,  nghĩa anh em, nghĩa bè bạn, nghĩa láng giềng, nghĩa đồng bào…  Vì vậy, học làm người quân tử thì không nên cố chấp vào một điều gì, tức  là không nên theo hẳn một hình thức, một khuôn khổ nào, không bỏ hẳn một  phép tắc, một đường lối nào… Hình thức, phép tắc… phải được linh động sửa  đổi cho hợp với thời, với nghĩa. Cho nên, miễn là thích hợp với nghĩa, người  quân tử luôn luôn hành động tùy thời. Đó là đạo lý thời nghĩa của người quân  tử. Khư khư theo một hình thức hoặc khăng khăng chối bỏ một đường lối nào  đều là những cách xử sự cực đoan và cố chấp. Đó là cách xử sự của nho gia  hương nguyện, có hại cho đạo lý và phản tiến hoá. 

11. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử nghĩ đến đạo đức, kẻ tiểu nhân nghĩ đến chỗ ở. Người quân tử nghĩ đến hình phạt, kẻ tiểu nhân nghĩ đến ban ơn.”

BÌNH GIẢI:

Chí hướng của quân tử là tiến lên bậc thánh hiền, cho nên thường nghĩ  đến những điều đạo đức. Người quân tử thường tự xét mình xem có vi phạm  nguyên tắc đạo đức hay không, hoặc đã thăng tiến đến mức nào về mặt đạo  đức.  Trái lại, chí hướng của tiểu nhân là theo đuổi vật chất, cho nên chỉ nghĩ  đến nơi ăn chốn ở, sao cho thỏa mãn thân xác. Kẻ tiểu nhân thường bận tâm  về việc ăn uống cho thỏa mãn, không được ăn ngon thì giận hờn bực dọc,  mong ước có nhà cửa sang trọng để hãnh diện với đời. 

Vì nghĩ đến đạo đức, cho nên người quân tử lại hay nghĩ đến hình phạt:  hình phạt của Trời đối với kẻ thất đức, hình phạt của chính quyền đối với  kẻ vi phạm luật pháp. Nghĩ đến hình phạt, do đó, người quân tử tránh được  hình phạt.  Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến sự ban ơn: cầu khấn Trời xin nhiều ơn  lành mặc dù chẳng làm được việc phúc đức gì; hoặc là chạy chọt ở cửa quyền  để kiếm lợi lộc ân thưởng. Không nghĩ đến hình phạt, do đó, kẻ tiểu nhân mới  hay phạm pháp và mắc vào tai vạ, hình phạt. 

12. Đức Khổng tử nói: “Nương theo lợi mà hành động thì nhiều oán thù.”

BÌNH GIẢI:

Lợi ở đây là cái lợi vật chất, như tiền bạc, của cải, nhà đất… Đó là những  thứ mà người đời thường đua nhau tranh giành, chiếm đoạt. Một khi vật lợi  đổ dồn vào người này sẽ gây thiệt hại cho người kia hay nhiều người khác. Vì  thế, lợi là đầu mối gây nên sự tương tranh bất tận. Gây nên sự tương tranh  chính là tạo nên oán thù. Hành động mà nương theo vật lợi, chỉ nghĩ đến lợi  mà quên nghĩa hẳn là sẽ tạo nên mối oán thù với nhiều người. Mối lợi càng to,  oán thù càng lớn.

Người nào muốn được yên thân, không nên đuổi theo điều  lợi. Càng được nhiều lợi, càng trở nên tham lam. Càng tham lam thì càng  khắc khoải, âu lo và bị nhiều kẻ ghét. Bị nhiều kẻ ghét thì tính mệnh sẽ gặp  nguy hiểm.  Điều lợi không những khiến cho nhiều kẻ oán mình, mà cũng xui mình  oán người, oán những kẻ tranh lợi với mình. oán người thì tâm hồn bất an và  tổn thọ. 

13. Đức Khổng tử nói: “Cần lấy sự cư xử tốt đẹp, nhún nhường mà làm việc nước thôi, có chăng? Không cần lấy sự cư xử tốt đẹp, nhún nhường mà làm việc nước, như thế là lễ chăng?”

BÌNH GIẢI:

Sau khi lật đổ chế độ cai trị vô đạo của vua Trụ, Chu Công đã thiết lập  Chu lễ, tạo một khuôn mẫu trật tự thống nhất để ổn định xã hội. Từ triều  đình cho tới gia đình, Chu lễ ấn định các hình thức lễ nghi thích hợp cho mọi  sinh hoạt trong xã hội. Đó là một việc tốt. Nhưng lâu dần, các vua quan cai  trị chỉ còn giữ được hình thức lễ nghi mà đã đánh mất phần tinh thần, tức là  thực chất của lễ.

Giới cầm quyền hoá thành những con người đạo đức giả, tổ  chức các nghi lễ tôn nghiêm, giao thiệp bằng những cung cách và ngôn ngữ  khách sáo mà thiếu lễ nhượng, tức là thiếu sự cư xử tốt đẹp, nhún nhường.  Do đó, xã hội ngày càng rối loạn, nhân tâm ngày càng đảo điên! Cái thời rối  loạn nhất trong lịch sử Trung Hoa đó được gọi là thời Xuân Thu, Chiến Quốc  (từ thế kỷ VIII đến thế kỷ III trước Công nguyên).

  Qua câu nói trên, Đức Khổng tử, sống vào giữa thời Xuân Thu, Chiến  Quốc, đã nhìn ra nguyên ủy của sự rối loạn này: Đó là sự đánh mất lễ nhượng.  Muốn cho đất nước được ổn định, bình an từ trên xuống dưới, chỉ cần giới cầm  quyền cư xử tốt đẹp và nhún nhường. Vua cư xử tốt đẹp và nhún nhường với  các quan thì các quan sẽ bắt chước mà cư xử tốt đẹp nhún nhường với dân.  Từ đó, dân chúng sẽ bắt chước vua quan mà cư xử tốt đẹp nhún nhường với  nhau, không còn tình trạng dối gạt tranh cạnh lẫn nhau, xã hội ắt sẽ ổn định.  Điều này sẽ làm nức lòng các bậc anh tài trong nước. Họ sẽ phấn khởi qui  phục nhà cầm quyền, tham gia việc nước, ra sức trổ tài thì đất nước ắt phải  hưng thịnh, phồn vinh.

 Giới cầm quyền và các bậc phụ huynh đã có lễ nhượng  thì các con em làm sao có thể còn vô lễ!  Như thế, nếu vua quan biết dùng lễ nhượng mà cai trị thì việc nước đâu có  khó gì! Nhưng hiện tượng đó là có hay chăng (Hà hữu?)  Còn nếu chỉ dùng các hình thức lễ nghi cồng kềnh, nghiêm khắc, với thái  độ đạo đức trá hình, thì đó không thực sự là lễ. Lễ mà thiếu sự cư xử tốt đẹp,  nhún nhường (lễ nhượng) thì chỉ là lớp vỏ hào nhoáng! Lễ không có thực chất  thì nào có ích gì cho xã hội? Đó là lý do khiến xã hội rối loạn, đạo đức phong  hoá suy đồi và dân chúng phải lầm than mãi mãi! 

14. Đức Khổng tử nói: “Chớ lo không chức vị; hãy lo rằng chức vị được nên. Chớ lo không người biết đến mình, hãy cầu mong xứng đáng cho người biết.”

BÌNH GIẢI:

Đối với những người hằng thao thức lo lắng về nỗi không có chức vị trong  xã hội, Đức Khổng tử cho rằng không nên như thế. Điều đáng lo của người  quân tử là: Giá như mình có chức vị (chức vị được nên), liệu mình có đủ tài  đức để đảm đương không?  Vì vậy, không nên lo người ta không biết đến mình; người quân tử chỉ cầu  mong mình có đủ tài đức xứng đáng để người ta biết đến.

 Như thế, cái lo của người quân tử luôn luôn hướng về chính mình để gia  tăng nghị lực tu tập, để tìm ra phương thế giúp mình càng ngày càng giỏi  giang, đức hạnh. Người quân tử không nên hướng cái lo ra bên ngoài và về  tương lai. Bên ngoài và tương lai không thuộc về mình. Học làm người quân  tử phải biết rằng chức vị có hay không là do Thiên mệnh và thời thế. Có  Thiên mệnh và thời thế thuận lợi, người quân tử ắt có cơ hội để thi thố tài  năng. Không có mệnh và không gặp thời, người quân tử chỉ nên sống thanh  bần vui với đạo.

  Còn những kẻ bôn chôn lo lắng tìm chức vị, cố gắng bộc lộ mình ra để  mong cầu người khác biết đến, với chủ trương “anh hùng tạo thời thế”; những  kẻ ấy có thể là “anh hùng” theo một nghĩa nào đó, nhưng không thể là quân  tử, vì họ thiếu tự trọng. Do thiếu tự trọng, họ có thể dùng mọi thủ đoạn luồn  lách, mọi phương tiện xấu để đạt nguyện vọng. Nếu có chức vị, những kẻ ấy  có thể làm hại cho đời hơn là làm lợi và có thể sẽ mang tiếng xấu ngàn thu. 

15. Đức Khổng tử nói: “Sâm này! Đạo của ta chỉ có một mà xuyên suốt hết.”

Tăng tử thưa: “Dạ.”

Đức Khổng tử ra, các môn nhân hỏi rằng: “Thầy nói gì vậy?”

Tăng Tử đáp: “Đạo của Thầy là trung thứ mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho của Đức Khổng tử tập hợp những lẽ khôn ngoan về mọi vấn đề  liên hệ tới nhân sinh và vũ trụ. Đạo ấy đã được các bậc tiên vương, tiên hiền  thuở trước cảm nghiệm và đem ra thực hành; Đức Khổng tử chỉ là người tiếp  thu, hệ thống hoá và phát huy. Tất cả nhũng lẽ khôn ngoan ấy đã được đem  giảng cho các đệ tử trong thời gian Đức Khổng tử chu du liệt quốc và trong  giai đoạn cuối đời dạy học tại quê nhà. Dĩ nhiên, đạo ấy rộng rãi bao la, khiến  cho các đệ tử cảm thấy khó lòng tiếp thu hay thấu đáo hết.

Biết được sự khó  khăn choáng ngợp này, một hôm, Đức Khổng tử đã nói với Tăng Sâm về sự  qui nhất của đạo Nho.  Tăng Sâm hay Tăng Tử là đệ tử đứng vào hàng thứ hai, sau Nhan Hồi. Vì  Nhan Hồi mất sớm nên Đức Khổng tử muốn truyền mối Đạo ấy cho họ Tăng.  Tuy Tăng Tử không thông minh xuất sắc và chân chất bằng Nhan Hồi, nhưng  ông cũng là một đệ tử đáng khen. Tâm tư của ông đã từng biểu hiện qua câu  nói: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân: vi nhân mưu nhi bất trung hồ? Dữ bằng  hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ? -吾日三省吾身,為人謀不忠  乎? 與朋友交而不信乎? 傳不習乎? (Tôi, mỗi ngày tự xét mình ba điều: mưu  việc cho người có hết lòng chăng? Cùng bạn bè giao thiệp, có giữ niềm tin  chăng? Được truyền dạy, có ôn tập chăng?) (Xem lại tiết 4, chương Học nhi.) 

Do đó, Đức Khổng tử kỳ vọng vào Tăng Tử. Muốn hoằng dương đạo, trước  hết phải biết đúc kết đạo. Muốn đúc kết đạo phải thấu hiểu đạo. Khi thấu hiểu đạo rồi, mới có thể tùy nghi triển khai đạo ấy. Vì thế, Đức Khổng tử dùng một chữ “nhất” để đúc kết đạo và đem nói cho Tăng Tử: “Ngô đạo nhất  dĩ quán chi.” (Đạo của ta chỉ có một mà xuyên suốt hết.) 

Tăng Tử đã hiểu đạo và nắm được ý thầy nên trả lời: “Dạ.” Chúng ta nên  hiểu rằng lẽ đạo rất huyền vi, ở ngoài ngôn từ; người nào tâm ý đa đoan, phức  tạp, không thể lãnh hội được. Bởi vậy, các bậc thánh hiền xưa thường dùng  phương pháp “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) để truyền đạt. Người nắm được  thì có thể vận dụng đến vô cùng. Câu nói trên của Đức Khổng tử dành cho  Tăng Tử, dĩ nhiên các đệ tử đồng môn có nghe thấy nhưng không hiểu thấu  đáo. Cho nên khi thầy đi khỏi, họ mới hỏi Tăng Tử về ý của câu ấy. Tăng tử  đã đem chữ “nhất” của thầy triển khai thành hai chữ “trung thứ”. Quả thực,  “trung thứ” là đạo lý quan trọng dành cho mọi người trong cõi nhân sinh.

 Vậy, “trung thứ” là gì?  Cả hai chữ trung, thứ (忠,恕) đều có bộ tâm (心) ở dưới làm nền tảng.  “Tận kỷ viết trung, như kỷ viết thứ.” 盡己曰忠, 如己曰恕。 (Đem hết lòng  mình sống theo đạo Trời là trung, coi người khác như mình là thứ.” Tâm là  lòng người. Muốn thi hành trung thứ phải đặt lòng người trên vật chất, hay  phải lấy lòng người làm nền tảng cho mọi sinh hoạt. Chú trọng đến tâm là đề  cao tình người, coi nhẹ vật chất, trang trải tình người trên sự vật. Muốn biết  sống theo đạo Trời thì phải học dịch lý. Muốn coi mọi người như mình thì phải  nhận ra mọi người là anh em với mình, cùng đựơc sinh ra từ một cội nguồn.  Qui kết mọi người vào mình, hiệp nhất với nhau; qui kết mình vào đạo Trời  thì đạt chữ nhất, tức là đắc đạo. 

16. Đức Khổng tử nói: “Quân tử hiểu rõ về điều nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về điều lợi.”

BÌNH GIẢI:

Chữ nghĩa (義) ghép bởi chữ dương (羊: con dê) và chữ ngã (我: tôi). Chữ  dương chỉ một đoàn, nhóm… (đàn dê). Chữ ngã (tôi) kết với chữ dương mang ý  nghĩa là: “Tôi có liên hệ với đoàn, nhóm…” Như vậy, chữ nghĩa chỉ mối tương  quan tốt đẹp giữa một số đông, một cộng đồng. Trong gia đình có nghĩa cha  con, mẹ con, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em… Đó là mối tương quan tốt đẹp giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng và anh em với nhau.

Ngoài ra còn có nghĩa họ  hàng, nghĩa bạn bè, nghĩa hàng xóm, nghĩa đồng bào, nghĩa nhân loại… Đó  là những tương quan tốt đẹp giữa người với người, không phân biệt ruột thịt,  xa gần, giống nòi, tôn giáo…  Người quân tử mỗi khi làm một điều gì đều cân nhắc xem có hợp nghĩa hay  không, có vi phạm đến mối tương quan tốt đẹp giữa mình và tha nhân không.  Chữ lợi (利) chỉ của cải, tiền bạc…, được ghép bởi chữ hoà (禾: cây lúa) và  bộ đao (刂: con dao). Cây lúa tượng trưng cho của cải, con dao chỉ sự chiếm  đoạt.

Nói đến của cải là nói đến sự kiện có liên hệ với sự chiếm đoạt, cạnh  tranh. Chữ lợi còn có ý nghĩa là sắc bén, là lòng tham. Dĩ nhiên, nghĩ đến lợi  là do lòng tham nổi lên và tìm mưu mẹo sắc bén để chiếm đoạt. Kẻ tiểu nhân  chỉ nghĩ đến lợi, tức là đáp ứng lòng tham của mình, cho nên đánh mất tình  nghĩa đối với tha nhân. 

17. Đức Khổng tử nói: “Thấy người đức hạnh tài năng thì lo sao cho ngang bằng người; thấy người không tài đức thì [quay lại] tự xét mình.”

BÌNH GIẢI:

Trong đạo nho, hiền là bậc người ở trên quân tử và dưới thánh nhân, có đầy đủ đức hạnh tài năng. Điểm khác nhau giữa ba bậc người đó là:

– Quân tử là người quyết chí bước vào con đường đạo đức, đang nỗ lực rèn tập đức hạnh tài năng.

– Hiền là người tiến xa trên đường đạo đức, có đầy đủ tài đức và thành tựu được đức nhân.

– Thánh là người hiền đã thành tựu đức thành, nên được kết hiệp với Trời (phối Thiên).

Câu trên là lời Đức Khổng tử dành cho người quân tử. Người quân tử khi thấy bậc hiền, có đức hạnh tài năng, thì phải lo nghĩ làm sao thăng tiến cho bằng được bậc ấy. Nếu thấy người không tài đức, tức là người ở vào hạng tiểu nhân có nhiều thói xấu, thì phải quay lại tự xét mình xem có điểm nào xấu như thế không để sửa đổi.

18. Đức Khổng tử nói: “Thờ phụng cha mẹ thì nhỏ nhẹ khuyên can. Thấy ý chí không theo mình thì vẫn kính trọng mà không lìa bỏ. Có chịu khó nhọc mà không oán trách.” 

BÌNH GIẢI:

Xưa nay, có một số người hiểu lầm rằng một người con hiếu thờ phụng cha  mẹ phải hoàn toàn vâng lời cha mẹ. Ý kiến này đã bị phản bác vì lý do: cha  mẹ đôi khi cũng sai lầm trong lời dạy bảo; cũng có trường hợp cha mẹ là người  xấu, sai bảo con làm điều phản đạo lý; chẳng lẽ con cứ vì đạo hiếu mù quáng  mà tuân theo hay sao?

  Ở đây, Đức Khổng tử giảng rõ trường hợp ấy. Một người con biết thờ phụng  cha mẹ không phải chỉ tuân theo mà con phải biết can ngăn mỗi khi thấy cha  mẹ sai lầm hay dạy bảo mình làm điều xấu. Dĩ nhiên, cha mẹ là bậc trên cho  nên lời can ngăn phải nhỏ nhẹ khéo léo, tránh làm phật lòng. Ví như cha mẹ  nhất quyết không nghe theo sự can gián của mình, người con hiếu vẫn phải  kính trọng cha mẹ và không lìa bỏ. Nếu có vì can ngăn mà bị khó nhọc, quở  phạt hay bị trách mắng, cũng kiên trì chịu đựng mà không oán hận. 

19. Đức Khổng tử nói: “Cha mẹ còn sống không nên đi xa; đi xa ắt phải xác định nơi chốn.”

BÌNH GIẢI:

Cha mẹ bao giờ cũng lo lắng cho con, sợ con gặp phải tai nạn. Vì thế, khi cha mẹ còn sống thì con không nên đi đâu xa để tránh cho cha mẹ khỏi thương nhớ và lo lắng. Bất đắc dĩ, khi có việc cần đi xa, ắt phải nói rõ nơi đến để cha mẹ yên tâm và cũng tiện liên lạc.

20. Đức Khổng tử nói: “Tuổi của cha mẹ không thể không biết. Một là để mừng, một là để lo sợ.”

BÌNH GIẢI:

Làm con không thể không biết đến tuổi của cha mẹ mình. Mỗi năm, cha  mẹ sống thêm được một tuổi thì mừng rỡ vì còn có cha mẹ sống với mình.  Đồng thời, mỗi năm thấy cha mẹ già yếu hơn thì lại phải lo lắng chăm sóc cho  cha mẹ được khỏe; bên cạnh đó lại còn nỗi sợ hãi vì thấy ngày ra đi của cha  mẹ đang tới gần hơn. 

21. Đức Khổng tử nói: “Người xưa không nói ra lời, sợ hổ thẹn mình không theo kịp lời nói.”

BÌNH GIẢI:

Người xưa chỉ những bậc đạo đức, chất phác ở thời Đường Nghiêu, Ngu  Thuấn… Họ là những người quân tử chủ trương lời nói phải đi đôi với việc  làm. Vì thế, họ thận trọng trong lời nói, không dám nói nhiều; nói ra sợ làm  không được sẽ bị hổ thẹn vì người khác chê cười. Câu này gián tiếp cho biết  vào thời Xuân Thu lúc ấy, người ta ham nói nhiều mà không chịu thi hành,  nhất là về phương diện đạo đức; vì thế, thiên hạ đại loạn. 

22. Đức Khổng tử nói: “Người biết kiềm chế mà lỗi lầm, ít có vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nhận thấy rằng người nào biết kiềm chế những dục vọng  của mình, biết kiềm chế ngôn ngữ của mình thì rất hiếm khi phạm lỗi lầm.  Lỗi lầm xảy ra hầu hết là do dục vọng quá mức, lời nói quá trớn. Dục vọng  quá mức, lời nói quá trớn có thể đụng chạm tới quyền lợi, danh dự người khác.  Dục vọng quá mức còn dẫn tới những hành động khinh xuất vì thiếu cảnh  giác. Lỗi lầm và tai họa từ đấy xảy ra.  Người xưa nói: “Bệnh do khẩu nhập, họa tại ngôn xuất.” (Bệnh do miệng  mà vào, tai họa ở lời nói mà ra.) Vì thế, có thể nói rằng ít có người nào biết tự  kiềm chế mà lại phạm lỗi. 

23. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử muốn chậm chạp ở lời nói mà gắng sức ở việc làm.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử bao giờ cũng chú trọng vào việc làm: việc làm thể hiện nhân  phẩm, đạo đức; làm nhiều nói ít, hoặc lời nói đi đôi với việc làm.  Nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói mà không làm là biểu hiện của kẻ tiểu nhân.  Vì vậy, người ta có thể nhận ra nhân cách của người quân tử ở chỗ: ít nói  nhưng gắng sức, cần mẫn trong hành động. 

24. Đức Khổng tử nói: “Người có đức không bị lẻ loi, ắt có láng giềng.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử có ý nói rằng: Đức hạnh là điều quí, đa số người ta đều  ngưỡng mộ. Vì thế người có đức không bao giờ bị lẻ loi một mình, sớm muộn  gì cũng sẽ có người đến hỗ trợ, như người láng giềng của mình vậy. 

25. Thầy Tử Du nói: “Thờ vua mà can gián nhiều thì bị nhục nhã; bạn bè mà can gián nhiều, thì xa cách.”

BÌNH GIẢI:

Tử Du là học trò nhỏ tuổi nhất của Đức Khổng tử, kém Ngài khoảng 45  tuổi.

 Chữ “sác” còn đọc là “số” (những con số), hoặc đọc là “sổ” (đếm số). Vì thế,  chữ “sác” chuyển sang nghĩa bóng có thể hiểu là gần gũi, thân mật quá; cũng  có thể hiểu là nói năng, can gián nhiều quá. 

Nếu hiểu theo nghĩa “gần gũi, thân mật quá”, thì câu của thầy Tử Du  thành: “Thờ vua mà gần gũi thân mật quá, thì bị nhục nhã; bạn bè mà gần  gũi thân mật quá, thì xa cách.” Gần gũi thân mật quá sẽ sinh ra khinh nhờn,  sàm sỡ. Đối với vua mà bề tôi khinh nhờn, sàm sỡ có thể khiến cho vua giận  mà bị nhục. Đối với bạn bè mà khinh nhờn, sàm sỡ có thể khiến cho bạn oán  ghét mà xa cách.

  Các học giả tiền bối thường hiểu “sác” là nói năng, can gián nhiều có thể bị  tai họa; như trường hợp Ngũ Tử Tư can gián vua Ngô Phù Sai, bị vua bức tử.  Đối với bạn bè mà can gián nhiều thì mất hết tình thân. Can gián là điều tốt.  Gặp điều xấu thì tùy nghi mà can gián. Không nghe thì thôi. Can gián nhiều  quá thì vô ích mà càng làm cho người ta bực mình hoá giận; việc can gián sẽ  bị phản tác dụng thành ra xấu. 

Đọc tiếp Chương 5 – Công Dã Tràng

❁ ❁ ❁

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Chương 1. Học Nhi ❁ Chương 2. Vi Chính ❁ Chương 3. Bát Dật ❁ Chương 4. Lý Nhân ❁ Chương 5. Công Dã Tràng […]

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x