Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 5 – Công Dã Tràng

Luận Ngữ – Chương 5 – Công Dã Tràng

by Hậu Học Văn
785 views

CÔNG DÃ TRÀNG ĐỆ NGŨ

1. Đức Khổng tử nói về Công Dã Tràng rằng: “Có thể gả con gái cho. Tuy bị giam trong lao tù, nhưng thật không có tội.” Bèn đem con gái của mình gả cho.  Đức Khổng tử nói về Nam Dung rằng: “Nước có đạo, không bị bỏ; nước  không có đạo, tránh khỏi bị giết vì phạm luật.” Bèn đem con gái của anh  mình gả cho. 

BÌNH GIẢI:

Công Dã Tràng và Nam Dung là hai người học trò của Đức Khổng tử. Công  Dã Tràng là người nước Tề. Nam Dung còn có tên là Nam Cung Quát, anh  của Mạnh Ý Tử, đại phu nước Lỗ.  Công Dã Tràng đã từng bị giam trong lao tù. Nhưng qua sự kiện này, Đức  Khổng tử mới thấy được đức hạnh của ông. Ông không hề phạm lỗi lầm, thế  mà bị nhốt oan. Có lẽ trong cơn hoạn nạn, nhân cách của ông càng lộ rõ. Do  vậy, Đức Khổng tử không ngần ngại mà đem con gái gả cho.

 Nam Dung thì thể hiện đức hạnh qua cả hai trường hợp. Vào lúc nước có  đạo (ổn định thái bình), Nam Dung nhờ có tài đức nên được trọng dụng. Đến  khi nước không có đạo (bất ổn, loạn lạc), Nam Dung tránh khỏi bị giết oan nhờ sự thận trọng, khéo léo trong ngôn hạnh, cư xử đúng chỗ, tiến thối đúng  thời, không mất lòng ai. Vì thế, Đức Khổng tử cảm mến mà đem cháu gái của  mình gả cho.  Tóm lại, Đức Khổng tử đã gả chồng cho con và cháu gái trên tiêu chuẩn  đức hạnh .

2. Đức Khổng tử nói về Tử Tiện rằng: Người như thế đáng bậc quân tử thay! Nước Lỗ không có quân tử, thì sao được vậy?

BÌNH GIẢI:

Tử Tiện tên là Mật Bất Tề, học trò Đức Khổng tử. Đức Khổng tử khen Tử  Tiện là người quân tử, nhân đó nói đến sự cần thiết của hoàn cảnh tốt có thể  xây dựng nên nhân cách một con người. Đó là ý nghĩa của câu tục ngữ: “Gần  mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nước Lỗ có những người quân tử, tạo nên  một hoàn cảnh tốt, cho nên Tử Tiện đã chịu ảnh hưởng và tiếp thu được các  phẩm hạnh quân tử, vì thế ông mới trở nên quân tử. Những người quân tử ấy  là thầy, là bạn của Tử Tiện, hoặc một vài quan chức nào đó trong triều đình,  một vài ẩn sĩ nào đó trong thôn xóm. Nếu nước Lỗ chẳng có quân tử, lấy đâu  ra những phẩm hạnh cao quí làm gương cho Tử Tiện noi theo? 

3. Thầy Tử Cống hỏi rằng: “Tứ này như thế nào?”

Đức Khổng tử nói: “Nhà ngươi là dụng cụ.”

Lại hỏi: “Dụng cụ gì?”

Đáp: “Cái bát khảm ngọc.”

BÌNH GIẢI:

Tử Cống tên thật là Đoan Mộc Tứ, một trong những học trò xuất sắc của  Đức Khổng tử. Thấy Đức Khổng tử nhận xét về Công Dã Tràng, Nam Dung  và Tử Tiện, Tử Cống hỏi xem thầy nhận xét về mình thế nào. Đức Khổng tử  cho rằng Tứ là một dụng cụ. Như vậy ý ngài muốn nói Tử Cống chỉ có tài  năng về một phương diện thôi, cũng như mỗi dụng cụ dùng vào một việc.  Để cho rõ hơn, Tử Cống muốn biết dụng cụ đó là cái gì. Đức Khổng tử trả  lời: cái hồ liên. Hồ liên là cái bát đựng xôi có khảm ngọc để cúng tế ở tôn miếu.  Điều đó có nghĩa rằng Tử Cống có tài vương tá, có thể đảm đương chức quan  khanh về nghi lễ tại triều đình, có khả năng tôn phù xã tắc. 

Trên thực tế, ngoài khả năng về kinh doanh, thương mại, Tử Cống có tài về  ngôn ngữ, ăn nói hoạt bát. Thời ấy, có người đã cho rằng Tử Cống còn ăn nói  khéo léo hơn Đức Khổng tử. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Tử Cống đã dùng  tài ăn nói của mình thuyết cho Điền Thường (nước Tề) án binh không đánh  nước Lỗ, xúi giục vua Ngô chịu cất quân đánh nước Tề, dụ dỗ Việt Vương Câu  Tiễn đem binh mã tình nguyện làm tiên phong cho vua Ngô, sau đó lại thuyết  cho vua Tấn luyện binh chuẩn bị đương đầu với vua Ngô. Chung cuộc, với tài  biện thuyết của Tử Cống mà nước Lỗ được tồn tại, nước Tề bị rối loạn, nước  Ngô bị đánh phá, nước Tấn nên cường thịnh, nước Việt thành nghiệp bá. 

4. Có người nói: “Thầy Ung có lòng nhân mà không khéo nói.”

Đức Khổng tử nói: “Dùng tài khéo nói làm gì? Lấy miệng bẻm mép chống  lại người, người ta luôn ghét. Chẳng biết trò ấy có nhân hay chăng,  nhưng dùng tài khéo nói làm gì?” 

BÌNH GIẢI:

Thầy Ung, tên thật là Nhiễm Trọng Cung, học trò của Đức Khổng tử. Có  người nhận xét rằng thầy Ung có nhân mà không khéo nói. Nhân là đức hạnh  đứng đầu trong Ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đức nhân là nền tảng  mọi đức hạnh, từ đó phát sinh ra các điều tốt. Có nhân mới xứng đáng là con  người đích thực. Đức nhân đưa con người tới mức lý tưởng. Người thành tựu  trọn vẹn đức nhân là bậc hiền trong đạo Nho, chỉ thêm đức thành nữa là trở  nên bậc thánh, có thể tham dự vào hàng Tam tài (Thiên, Địa, Nhân). Chính  Đức Khổng tử cũng chưa dám nhận mình đã thành tựu đức nhân. 

Vì vậy, Đức Khổng tử chưa dám chắc thầy Ung có đầy đủ đức nhân như  người nào đó nhận xét. Còn tài ăn nói, Đức Khổng tử cho là không quan  trọng. Nếu người nào chỉ nói khéo thôi, đó là hạng bẻm mép, nịnh hót. Ai  dùng khả năng ăn nói bẻm mép, lém lỉnh để ganh đua với người chỉ tổ khiến  cho người ta ghét, nào có ích lợi gì. Cho nên đức nhân mới đáng đề cao, còn  tài ăn nói không đáng bàn tới. Dĩ nhiên có đức nhân lại thêm ăn nói khéo thì  dễ thành công trong đời và có lợi cho thiên hạ. Nhưng nếu thiếu đức nhân mà  ăn nói khéo thì thật là một tai họa lớn cho thiên hạ! 

5. Đức Khổng tử khiến thầy Tất Điêu Khai làm quan. [Thầy ấy] đáp lại: “Con chưa đủ tự tin.” Đức Khổng tử lấy làm vui lòng.

BÌNH GIẢI:

Tất Điêu Khai, tên tự là Tử Nhược, người nước Lỗ, học trò Đức Khổng  tử. Trước một tình thế nào đó, Đức Khổng tử bảo ông ra làm quan. Tất Điêu  Khai thành thật trả lời: “Con chưa đủ tự tin.” Đó là lời nói thể hiện đức tính  khiêm nhường. Khiêm nhường là sự nhận rõ khả năng thật của mình. Tất  Điêu Khai chưa đủ tin vào tài năng và đức hạnh của mình có thể làm một ông quan đúng nghĩa. Một ông quan cần có tài năng chính trị để xử lý việc  nước, đem lợi ích cho dân; cần có đức hạnh để làm gương mẫu cho dân. Có tài  năng chính trị và có đức hạnh mới có thể ổn định và phát triển xã hội. Thật  ra, không mấy ai có đủ cả tài lẫn đức hoàn hảo. Kể ra một người có đức khiêm  nhường như Tất Điêu Khai có thể ứng thời mà đảm đương chức quan được.  Người ấy một khi đã biết tự khiêm ắt biết tự sửa mình để thăng tiến tốt đẹp.  Một chế độ chính trị mà có nhiều người như vậy đã là một điều may mắn lớn  cho xã hội. Một ông vua lãnh đạo đất nước nên tìm kiếm những người như thế  mà mời ra làm quan. Cho nên Đức Khổng tử cảm thấy vui lòng mà có được  người học trò ấy. 

6. Đức Khổng tử nói: “Đạo không thi hành được. Theo ta cưỡi bè gỗ trôi nổi trên biển, có trò Do chăng?” Thầy Tử Lộ nghe vậy vui mừng. Đức Khổng tử nói: “Trò Do dũng cảm hơn ta, nhưng không lấy đâu ra gỗ.” 

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn văn trên, chữ phu (桴) cũng phát âm là phù, có bộ mộc bên  trái, chỉ chiếc bè gỗ. Chữ tài (材) cũng có bộ mộc, là gỗ dùng để đóng bè. Lời  lẽ trong đoạn này thể hiện tâm sự buồn nản của Đức Khổng tử.  Căn cứ vào toàn bộ tư tưởng của ngài được chép trong Tứ thư và Lễ ký,  ngài ước vọng đại đạo được thi hành để thiên hạ tiến tới đại đồng, tương tự  thời vua Nghiêu, vua Thuấn (của rơi ngoài đường không có ai nhặt) như  truyện kể của người xưa. Còn chính ngài chỉ mơ tưởng nối gót Chu Công,  dùng lễ nghĩa cai trị để xã hội đạt tới thời Tiểu Khang, tức là được an khang  thịnh vượng có giới hạn.

  Tuy nhiên, trên thực tế, vua Lỗ đã nghe theo nịnh thần mà lạnh nhạt với  ngài, khiến ngài trở thành kẻ lữ thứ, tha hương. Còn các vua chư hầu khác,  không có ông nào chịu nghe theo đường lối vương đạo nhân trị của ngài. 

Trong khi đó, nhà Chu suy mạt, thiêu tử thất đức, kỷ cương đổ nát, nhân tâm  rối loạn. Thế là đạo không thi hành được.  Giữa lúc buồn chán đó, có lẽ Đức Khổng tử nghĩ tới Vi Tử nhà Ân ngày  xưa đã từng bỏ vua Trụ vô đạo sang đất Triều Tiên bên kia biển lập nghiệp.  Vì thế, ngài mới nói với thầy Tử Lộ (Trọng Do) về cái ý muốn cưỡi bè gỗ trôi  nổi trên biển. 

Nhưng tại sao trong hàng đệ tử, Đức Khổng tử chỉ nói với Tử Lộ về ý này?  Lý do là ngài biết Tử Lộ có thừa dũng cảm để cùng thầy vượt biển. Về điểm  này, ngài xác nhận “Trò Do dũng cảm hơn ta.” Một bậc quân tử trong đạo  Nho phải gồm đủ ba đức: nhân, trí, dũng. Về nhân, trí thì Tử Lộ có hơi kém  so với một số bạn đồng môn xuất sắc như Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Cống…  nhưng về dũng, Tử Lộ đứng đầu các bạn đồng môn và hơn cả thầy. Tính hiếu  dũng (ưa sự dũng mãnh) của Tử Lộ đã được nói đến trong sách Trung Dung  khi Đức Khổng tử luận về sức mạnh của người phương Bắc: “Nhẫm kim cách,  tử nhi bất yếm, Bắc phương chi cường dã; nhi cường giả cư chi – 袵金革,死  而不厭;北方之強也,而強者居之。 .” (Lăn vào binh khí giáp trụ, không  ngại chết chóc, đó là sức mạnh của người phương Bắc, kẻ vũ dũng chấp nhận  điều ấy.) 

Tuy nhiên nói chuyện với Trọng Do về chuyện thả bè trên biển chẳng qua  là câu nói đùa cho qua cơn buồn mà thôi. Đức Khổng tử đâu có tính bỏ quê  hương đi thật, vả lại ngài đâu có tiền mua gỗ đóng bè! 

7. Mạnh Võ Bá hỏi: “Thầy Tử Lộ có nhân chăng?”

Đức Khổng tử nói: “Không biết.” 

Lại hỏi nữa. Đức Khổng tử nói: “Trò Do, có thể cho điều khiển quân đội  một nước có ngàn cỗ xe. Đức nhân của trò ấy thì [ta] không biết.” “

 “Thầy Cầu như thế nào?”

  Đức Khổng tử nói: “Trò Cầu, có thể cho giữ chức quan tể một ấp ngàn hộ  dân, cho một nhà quan có trăm cỗ xe. Còn đức nhân của trò ấy thì [ta]  không biết.”

  “Thầy Xích như thế nào?” 

Đức Khổng tử nói: “Trò Xích, thắt đai lưng ở triều đình, có thể khiến  cùng tân khách nói chuyện. Còn đức nhân của trò ấy thì [ta] không biết.” 

BÌNH GIẢI:

Mạnh Võ Bá là con của Mạnh Ý Tử, quan đại phu nước Lỗ. Ông hỏi Đức  Khổng tử về đức nhân của ba người học trò của ngài là Tử Lộ (Trọng Do),  Nhiễm Hữu (Cầu) và Tử Hoa (Công Tây Xích).  Đối với cả ba người, Đức Khổng tử chỉ nói đến tài năng riêng của các ông.  Tử Lộ có tài điều khiển quân đội một nước chư hầu lớn (một ngàn cỗ xe trận).  Nhiễm Hữu có tài làm quan cai trị một ấp lớn (ngàn hộ) hay làm quan chỉ  huy binh lính trong phủ một đại thần (khanh, tướng). Công Tây Hoa (tức Tử  Hoa) có tài về ngôn ngữ ngoại giao, dáng mạo trang trọng, có thể mặc lễ phục  đón tiếp tân khách ở triều đình. 

Còn về đức nhân của ba người, Đức Khổng tử đều trả lời là không biết. Nói  như thế, có nghĩa là ngài không xác nhận các ông Tử Lộ, Nhiễm Hữu và Tử  Hoa đã thành tựu đức nhân.  Đức nhân là đức hạnh cao cả, sâu rộng, thuộc về phần hình nhi thượng  học trong đạo lý làm người.1 Bàn về các bậc hiền cuối đời nhà Ân, Đức Khổng  tử chỉ nhìn nhận ba vị có đức nhân là Vi Tử, Cơ Tử và Tỉ Can. Ba vị đó có ba  cách hành xử khác nhau trong thời Ân mạt, nhưng đều thể hiện đức nhân: Vi  Tử bỏ nước sang đất Triều Tiên để bảo toàn dòng dõi; Cơ Tử giả cuồng để chờ  cơ hội phục hồi; Tỉ Can chấp nhận cái chết để can vua Trụ.

 Trong hàng đệ tử, nhiều người đã hỏi ngài về đức nhân. Ngài trả lời về  nhân tùy theo trình độ cao thấp và khuynh hướng của mỗi người. Riêng với  Nhan Hồi, ngài nêu ra mức độ cao nhất: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân – 克己復禮  為仁。 ” (Tự chế phục mình, tuân theo tiết điệu lẽ trời là nhân.) Vì thấy đức  nhân vừa cao siêu vừa mênh mông chi phối mọi sinh hoạt lý tưởng của nhân  sinh, cho nên ngài khiêm nhường tự nhận là mình chưa thành tựu: “Nhược  thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm -若聖與仁,則吾豈敢。 ” (Ví bằng là bậc  thánh, bậc nhân thì ta không dám.) 

8. Đức Khổng tử bảo Tử Cống rằng: “Nhà ngươi cùng với Hồi, ai hơn?”

Đáp rằng: “Tứ này sao dám mong bằng Hồi? Hồi nghe một thì biết mười,  Tứ này nghe một chỉ biết đến hai.”

 Đức Khổng tử nói: “Chẳng bằng. Ta cùng với nhà ngươi chẳng bằng vậy.” 

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn văn trên, Đức Khổng tử ướm hỏi Tử Cống về khả năng của ông  khi sánh với Nhan Hồi, đệ tử xuất sắc nhất trong Khổng môn. Câu hỏi ngắn  gọn, chỉ có ý chung chung mà không nhấn mạnh riêng về khả năng nào. 

Tử Cống đáp lời thầy, ý tứ lại nghiêng về khả năng tri thức (nghe, biết). Về  khả năng nghe biết (văn, tri) thì Tử Cống thua xa Nhan Hồi. Hồi nghe một  biết mười; Tứ nghe một biết hai. Vì thế, Tử Cống tự biết không thể sánh với  Nhan Hồi, không dám mong bằng Nhan Hồi. 

Tử Cống nghe một biết hai đã là giỏi lắm. Có người nghe một chỉ biết một.  Chẳng thiếu gì người nghe rồi mà chẳng hiểu gì! Còn Nhan Hồi nghe một biết  mười, đó là trường hợp xuất sắc, hiếm có. 

Có điều đáng nói trong đoạn văn này là Đức Khổng tử cùng đồng ý với Tử  Cống như vậy và còn nói thêm một cách khiêm nhường rằng: “Ta cùng với  nhà ngươi chẳng bằng vậy.” Hán nho giải thích rằng Đức Khổng tử nói thế  cốt để an ủi Tử Cống. Cũng có học giả ngày nay dịch chữ “dữ” là “đồng ý với”;  và câu đó trở thành “Ta đồng ý với anh rằng anh không bằng anh Hồi.” Dịch  như thế là có ý cho rằng Đức Khổng tử vốn hơn Nhan Hồi, không kém như  Tử Cống.

 Chúng ta nhận thấy rằng chữ “dữ” ở câu trên đã được dịch là “cùng với”:  “Nhà ngươi cùng với Hồi, ai hơn?”, thì chữ “dữ” ở câu dưới cũng phải dịch là  “cùng với” mới hợp lẽ và hợp văn phạm: “Ta cùng với nhà ngươi chẳng bằng  vậy.”  Dịch thế này có lẽ hợp với sự thật là: về một phương diện nào đó, Đức  Khổng tử thấy mình không bằng Nhan Hồi. Xét một cách tổng quát, dĩ nhiên  Đức Khổng tử phải hơn các học trò thì họ mới nhận ngài làm thầy.

 Tuy nhiên  về khả năng riêng, Đức Khổng tử đâu có thể hơn hết mọi học trò. Ví dụ, về  lòng dũng cảm, Ngài nhận mình không bằng Tử Lộ; về ngôn ngữ hoạt bát,  ngài không bằng Tử Cống; về tính nghiêm nghị, ngài không bằng Tử Trương;  về nông nghiệp ngài không bằng lão phố…  Ở đây, về khả năng nghe biết (văn, tri) không biết Đức Khổng tử và Nhan  Hồi, ai hơn ai; nhưng về đức nhân, dường như Nhan Hồi hơn Đức Khổng tử!  Bởi vì Đức Khổng tử thường hay than thở về thế sự. Ví dụ: “Thệ giả như tư  phù! Bất xả trú dạ! -逝者如斯夫!不舍晝夜。 (Chảy mãi thế này ư, ngày  đêm không thôi!); “Đạo bất hành dã. – 道不行也!” (Đạo không thi hành được  rồi!); “Ngô đạo cùng hỹ! – 吾道竆矣 ” (Đạo ta cùng rồi!). “Đạo chi tương hành  dã dư, mệnh dã! Đạo chi tương phế dã dư, mệnh dã! -道之將行也與,命也;  道之將廢也與,命也。 ” (Đạo truyền ra được, mệnh vậy! Đạo bị bỏ đi, mệnh vậy!); “Triết nhân kỳ nuy hồ!” (Triết nhân nguy rồi chăng!).

  Đức Khổng tử hay than thở, trong lòng kém an vui, có lẽ ngài chưa thành  tựu đức nhân bằng Nhan Hồi chăng? Người dồi dào đức nhân thì luôn luôn  chấp nhận thực tại, lúc nào cũng thấy an vui, trên không oán Trời, dưới  không trách người (Thượng bất oán Thiên, hạ bất vưu nhân. -上不怨天,下  不尤人。 ) Về điểm này, Nhan Hồi đạt được, đến nỗi Đức Khổng tử đã khen  ngợi rằng: “Hiền tai Hồi dã, nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng. Nhân  bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi dã! -賢哉回也!一簞  食,一瓢飲,在陋巷。人不堪其憂,回也不改其樂。賢哉回也! ” (Hiền  thay trò Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, ở ngõ hẻm. Người ta thì không chịu  nổi cảnh ưu phiền đó, trò Hồi thì không đổi niềm vui ấy. Hiền thay trò Hồi!) 

Quả là Đức Khổng tử thấy mình kém Nhan Hồi về sự an vui tự tại. Tuy  nhiên, ngài hơn Nhan Hồi và các đệ tử khác và vẫn xứng đáng làm thầy thiên  hạ vì ngài biết ứng thời (Quân tử thời trung): biết lúc dũng lúc không, biết  lúc nghiêm lúc khoan, biết lúc tiến lúc thối, biết lúc nhanh lúc chậm v.v…  Hơn nữa, Đức Khổng tử xứng đáng làm thầy vì đã tự nhận ra năng lực thực  sự của mình. 

9. Tể Dư ngủ ngày. Đức Khổng tử nói: “Gỗ mục, không thể chạm khắc; bức tường bẩn thỉu, không thể tô trát, đối với trò Dư ta trách mắng làm gì?”

Đức Khổng tử nói: “Trước kia ta đối với người, nghe lời nói mà tin việc  làm. Bây giờ ta đối với người, nghe lời nói mà phải xem việc làm. Vì trò  Dư mà ta thay đổi như thế.” 

BÌNH GIẢI:

Tể Dư tức là Tể Ngã, học trò của Đức Khổng tử. Ông này có tật nói năng hồ  đồ và ngủ ngày, là một tật xấu vì trái với qui luật âm dương của thiên nhiên.  Âm thuộc về đêm để ngủ nghỉ, dương thuộc về ngày để làm việc, học tập. Ngủ  ngày khiến cho người ta uể oải, sinh lười biếng, không thể làm nên sự nghiệp  gì. Đức Khổng tử ví người ngủ ngày như gỗ mục không thể chạm khắc được,  lại giống như bức tường bẩn thỉu không thể tô trát. Như thế, người ngủ ngày  là kẻ vô dụng; và từ đó có thể nảy sinh những tật xấu khác. 

Ngoài ra, Tể Dư lại còn có tật nói quá lời, nói hồ đồ. Nói quá lời, không hành động theo kịp lời nói thì mất tín nhiệm. Nói hồ đồ có thể rước họa vào  thân. Chính vì tiếp xúc với Tể Dư mà Đức Khổng tử thay đổi quan niệm về  cách đánh giá người. Trước kia, nghe người ta nói thì ngài tin ngay vào khả năng hành động của họ. Bây giờ, qua kinh nghiệm gần gũi Tể Dư, thấy trò này nói nhiều mà không làm được hay chẳng chịu làm, ngài mới đổi quan niệm xét người: đó là còn phải xem việc làm có phù hợp với lời nói kia hay không. Đức Khổng tử không muốn lên tiếng trách mắng Tể Dư vì quá thất  vọng. Nhưng những lời nói ở đoạn văn trên quả là những lời phê phán nặng hơn búa rìu.

10. Đức Khổng tử nói: “Ta chưa thấy [ai là] người cương quyết.”

Có người đáp: “[Có] Thân Trành đó!”

Đức Khổng tử nói: “Trành là người ham muốn, sao [có thể] cương quyết được.”

BÌNH GIẢI:

Người cương quyết là người có ý chí mạnh mẽ, kiên trì. Thấy điều gì sai  trái, người ấy dứt bỏ được ngay. Thấy điều gì phải và tốt, người ấy cố gắng đạt  được. Đó là loại người hiếm có! 

Nghe được ý kiến của Đức Khổng tử, ai đó nêu ra trong hàng đệ tử Đức  Khổng tử có Thân Trành. Nhưng ngài cải chính ngay: Thân Trành chỉ là  người ham muốn, cương quyết sao được?  Người ham muốn thì có cả ham muốn tốt lẫn ham muốn xấu. Đặc điểm  của người ham muốn (tức là người nhiều dục vọng) là muốn đạt được mọi ý  muốn của mình. Thế mà những điều ham muốn thì luôn có hấp lực rất mãnh  liệt.

Xem ra điều ham muốn xấu lại có hấp lực mạnh hơn điều ham muốn  tốt. Vì thế, người nào bị chi phối quá nhiều vì ham muốn e rằng dễ sa vào  những ham muốn trái với luân lý, đạo đức. Ví dụ như ham muốn quyền lực,  ham muốn danh lợi; ham muốn tình dục… Tất cả những ham muốn đó dễ  khiến người ta vi phạm đức nhân, xa lìa bản tính thuần nhiên tốt lành. Do  đó, không thể bảo người ham muốn là người cương quyết được. 

11. Thầy Tử Cống nói: “Ta không muốn người thêm điều gì cho ta, ta cũng muốn không thêm cho người điều ấy.”

Đức Khổng tử nói: “Này Tứ, chẳng phải ngươi đã đạt đến mức ấy đâu !”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Cống, tức là Đoan Mộc Tứ, có vẻ tự hào khi nói ra một châm ngôn  thuộc loại “khuôn vàng thước ngọc” về lẽ ứng xử công bằng; nhưng ông có ý  vận dụng ngay vào tính hạnh của mình.  Ý nghĩa câu nói của Tử Cống tương tự như câu “Kỷ sở bất dục, vật thi  ư nhân -己所不欲,勿施於人。 ” (Điều mình không muốn, đừng làm cho  người khác.).

Đức Khổng tử đã từng nói câu này, nhưng chỉ là nói chung cho  mọi người như một lời khuyên, một khuôn vàng thước ngọc đáng phải noi  theo, chứ ngài không hề có ý tự nhận rằng mình đã đạt được như thế.  Tuy nhiên, ở đây, Tử Cống nhắc lại ý ấy và xưng là “ngô”, tức là có ý tự hào  rằng “tôi đây” đã thực hành được như vậy. Do đó, Đức Khổng tử mới nhắc khéo  Tử Cống nên khiêm nhượng một chút rằng: Ngươi chưa đạt được mức ấy đâu! 

12. Thầy Tử Cống nói: “Văn chương của thầy thì có thể được nghe. Lời của thầy nói về tính cùng đạo Trời thì chưa được nghe vậy.”

BÌNH GIẢI:

Văn chương là những thi ca, kinh sử, lễ nhạc của đời trước. Những thứ ấy  thuộc về phần Hình nhi hạ học. Đức Khổng tử thường đem phần này giảng  chung cho các học trò, được gọi là phần học công truyền. Còn tính, hiểu theo  nghĩa là phần thuần nhiên tinh tuyền (bản tính tiên thiên) của con người  nhận được từ Trời, có tên gọi khác là Thiên mệnh (Thiên mệnh chi vị tính. –  天命之謂性。 ) Đó là thực thể siêu hình, u ẩn, tiềm tại trong thẳm cùng lòng  người. 

Đạo Trời là qui luật vừa vi tế vừa vĩ đại bao la, chi phối toàn thể vũ trụ vạn  vật và nhân sinh. Cả tính và đạo Trời đều thuộc về phần Hình nhi thượng  học (Siêu hình học); môn học này là phần học tâm truyền, chỉ truyền riêng  cho những học trò có thức năng đặc biệt, có tâm đạo sâu xa, có thiện hạnh  hơn người. Do đó những học trò ở trình độ phổ thông như Tử Cống, Tử Lộ,  Tử Trương… không được nghe Đức Khổng tử giảng bao giờ; vì có được nghe,  cũng khó lòng tiếp thu được. Lý do là tâm tư của họ còn lệ thuộc quá nhiều  vào ngoại vật.  Tử Cống chú trọng vào thương mại, Tử Lộ nghiêng về cường dũng, Tử  Trương quan tâm tới chính trị. Có lẽ trong Cửu Khổng, chỉ có Nhan Hồi được  nghe. Hồi mất rồi thì Tăng Sâm được nghe. Tăng Sâm truyền lại cho Tử Tư  (Khổng Cấp), cháu nội Đức Khổng tử. 

Về sau, Tử Tư sợ phần này thất truyền cho nên mới viết thành sách, có tên  là Trung dung, rồi truyền cho Mạnh Tử. Mạnh Tử chính là người thuộc thế  hệ thứ tư được học về tính và đạo Trời. Ngày nay, Trung Dung là tác phẩm mà  nhiều người cho là khó hiểu nhất trong đạo Nho và thường bị hiểu sai. 

13. Thầy Tử Lộ được nghe dạy, mà chưa thực hành được, thì sợ nghe thêm.

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Lộ tuy là người hiếu dũng nhưng ông rất chú trọng vào việc thực  hành những lời thầy dạy. Ông thấm nhuần quan điểm “Ngôn cố hành, hành  cố ngôn. -言顧行,行顧言。 ” (Nói năng thì xét lại hành động, hành động thì  xét lại lời nói) của thầy, sao cho lời nói và việc làm đi đôi với nhau. (Trung  dung: Chương 13). Đức Khổng tử lại nói: “Lực hành cận hồ nhân -力行近乎  仁。 ” (Ra sức thực hành thì gần với đức nhân.) (Trung Dung: chương 20).  Bởi vì chăm chú theo thầy để đạt đến đức nhân nên Tử Lộ rất thành khẩn  trong học tập. Mỗi khi nghe thầy dạy một điều gì, ông ghi nhớ và cố gắng thực  hành ngay. Điều gì chưa thực hành được, ông ra sức rèn tập và không muốn  nghe thêm vì sợ rằng không có khả năng theo kịp. 

14. Thầy Tử Cống hỏi rằng: “Khổng Văn Tử, sao lại được gọi là Văn?” Đức Khổng tử nói: “Sáng suốt mà lại hiếu học, hạ mình hỏi han mà không xấu hổ, vậy nên được gọi là Văn.”

BÌNH GIẢI:

Ông Khổng Văn Tử, tên thật là Khổng Ngữ, tự là Trọng Thúc, làm quan đại phu nước Vệ. Sau khi mất, người đời tôn thụy hiệu và Văn Tử.

Theo lời giảng của Đức Khổng tử, Văn Tử là người có học vấn, vốn đã sáng  suốt, thế mà còn hiếu học đến nỗi thường xuyên hỏi han mọi người, hỏi ngay  đến cả với người dưới mình, có địa vị thấp hơn, kém cỏi hơn, vẫn không cảm  thấy xấu hổ. 

15. Đức Khổng tử bảo rằng ông Tử Sản có được bốn điều trong đạo quân tử: hành động nơi mình thì khiêm cung; phụng sự bậc trên thì kính cẩn; nuôi nấng dân chúng thì ban ơn; sai khiến dân chúng thì theo lẽ phải. 

BÌNH GIẢI:

Đạo quân tử gồm nhiều tính hạnh, nhưng người xưa không có thói quen  liệt kê đầy đủ các tính hạnh ấy ra. Trong chiều hướng này, Đức Khổng tử chỉ  tùy theo từng trường hợp riêng rẽ mà nói về một hai tính hạnh. Ở đây, Đức  Khổng tử đã khen Tử Sản có được bốn điều; như thế, Tử Sản đã được đề cao  lắm. 

Ông Tử Sản tên thật là Công Tôn Kiều, làm quan đại phu nước Trịnh vào  thời Xuân Thu. Bốn tính hạnh của ông Tử Sản thể hiện nhân cách quân tử là:

 – Khi đem thân mình ra hành động, giao tiếp với mọi người thì tỏ ra khiêm  cung, không ngạo mạn khinh người. 

– Phụng sự vua, người ở bậc trên chỉ huy mình thì tỏ ra kính cẩn, không  nịnh hót, cũng không tạo uy thế để bức vua, điều khiển vua theo ý mình. 

– Trong chức vụ nuôi nấng, cai trị dân chúng thì luôn ban ơn để vỗ về.

 – Khi có việc cần sai khiến dân chúng thì theo lẽ phải, tạo nên mối tương  giao tốt đẹp với dân, cho dân được mãn ý thỏa lòng. 

16. Đức Khổng tử nói: “Ông Án Bình Trọng khéo giao thiệp với người; lâu mà vẫn giữ niềm kính cẩn.”

BÌNH GIẢI:

Ông Án Bình Trọng tên thật là Án Anh, làm quan đến chức Tể tướng nước  Tề thời Xuân Thu. Đức Khổng tử khen ông Án Bình Trọng khéo giao thiệp để  giữ hoà khí với mọi người. Đối với những người thân quen đã lâu ngày, trước  sau ông vẫn giữ niềm kính cẩn, tức là giữ được sự tôn trọng như lúc mới gặp.  Trong sự giao tiếp, thông thường thì quen biết lâu ngày dễ sinh ra sự  khinh nhờn, coi thường nhau, đi đến tình trạng ăn nói bừa bãi, sỗ sàng, bất  nhã… từ đó có thể khiến cho tình cảm trở nên nhạt nhẽo hay giận ghét. Sự  kính cẩn bền bỉ trong giao thiệp của Án Bình Trọng lại là một tính hạnh nữa  trong đạo quân tử. 

17. Đức Khổng tử nói: “Tang Văn Trọng cất nhà cho rùa ở, có họa tiết núi non, rong rêu ở cột trụ. Như thế khôn sáng sao được?”

BÌNH GIẢI:

Tang Văn Trọng tên thật là Tôn Thìn, làm quan đại phu nước Lỗ. Ông ta  cất nhà cho một con rùa lớn ở. Nhà được trang trí đẹp đẽ, có họa tiết phong  cảnh núi non và rong rêu ở trên tường, trên cột. Đức Khổng tử cho rằng như  thế sao có thể bảo Tang Văn Trọng là người khôn sáng. Câu này được nói ra  có lẽ để phản bác lại quan niệm của người nước Lỗ bấy giờ đã khen Tang Văn  Trọng là người khôn sáng. Người khôn sáng là kẻ thấu hiểu sự lý đến nơi đến  chốn, không bao giờ làm những việc vô ích hoặc mê tín dị đoan. 

Thời đó, mai rùa được dùng trong thuật chiêm bốc (bói toán). Con rùa lại  thường có tuổi thọ cao. Có lẽ Tang Văn Trọng tin rằng bảo dưỡng, quí trọng  rùa thì được phước thọ chăng? Nếu vậy, Tang Văn Trọng chẳng phải là người  trí rồi. Nuôi rùa để cầu phước thọ là mê tín. Nuôi rùa để giải trí mà hao tốn tài vật quá nhiều là phí phạm. Cả hai trường hợp đều không thấu hiểu sự lý.

18. Thầy Tử Trương hỏi rằng: “Lệnh doãn Tử Văn ba lần làm quan lệnh doãn, không có vẻ hoan hỷ; ba lần bị bãi chức, không có vẻ buồn giận. Việc cai trị của chức lệnh doãn cũ đều được báo cáo cho quan lệnh doãn  mới. Như thế là sao?” 

Đức Khổng tử nói: “Có lòng trung vậy.”

Lại hỏi: “Được là nhân chăng?”

Đáp: “Chưa biết, thế sao được là nhân?”

“Thôi tử giết vua Tề. Ông Trần Văn Tử có mười cỗ xe ngựa, bỏ mà lánh đi. Đến nước khác liền nói: ‘Cũng giống như quan đại phu Thôi Tử ở ta thôi.’ Lại lánh đi. Đến một nước nữa, lại nói: ‘Cũng giống như quan đại phu Thôi Tử ở ta thôi:’ Lại lánh đi. Như thế là sao?”

Đức Khổng tử nói: “Có lòng trong sạch vậy.”

Lại hỏi:“Được là nhân chăng?”

Đáp: “Chưa biết. Thế sao được là nhân?”

BÌNH GIẢI:

Thầy Tử Trương nêu ra hai trường hợp để hỏi Đức Khổng tử xem có thể  gọi được là nhân không. Thứ nhất là quan lệnh doãn Tử Văn ở nước Sở; thứ  hai là ông Trần Văn Tử làm quan ở nước Tề.  Ông Tử Văn ba lần làm lệnh doãn (tể tướng), ba lần bị bãi chức mà vẫn giữ  được sự bình thản: không tỏ vẻ hoan hỷ, không lộ vẻ buồn giận; lại còn trình  bày những công việc cai trị của mình trong chức vụ lệnh doãn cho viên lệnh  doãn mới thay thế mình, không hề giấu diếm. 

Ông Trần Văn Tử làm quan đồng triều với Thôi Tử ở nước Tề, có tới mười  cỗ xe ngựa; chứng tỏ ông cũng là một vị quan lớn và phú quí. Thế mà, thấy  Thôi Tử ỷ vào thế lực, giết vua, làm việc soán nghịch, vi phạm phép nước,  Trần Văn Tử bất bình, bỏ cả địa vị của cải, từ chức rồi lánh đi. Sang đến một  nước khác, thấy tình hình quan chức ở đấy cũng uy hiếp vua, thất lễ như Thôi  Tử ở nước Tề, ông lại bỏ đi. Đến một nước nữa, cũng thấy tình trạng tương tự  như vậy, ông tiếp tục xa lánh.  Tử Trương nêu ra hai trường hợp này để hỏi xem Tử Văn và Trần Văn Tử  là những người như thế nào? Cả hai có đáng được gọi là người có đức nhân  chăng?

 Đối với lệnh doãn Tử Văn, Đức Khổng tử đánh giá ông là người có lòng  trung với vua, với nước, tận tụy với dân. Đối với Trần Văn Tử, Đức Khổng tử  cho ông là người trong sạch, bởi vì sẵn sàng từ bỏ quyền lợi, không a dua vào  việc trái, không ngồi đồng triều với kẻ thất đức. Còn về đức nhân của hai ông  thì Đức Khổng tử chưa biết, bởi vì chưa hội đủ yếu tố để kết luận. Trung với  vua, với xã tắc, chưa gọi được là nhân. Từ bỏ lợi lộc, không tham quyền cố vị,  chưa được gọi là nhân. Vậy thế nào mới gọi là nhân? 

Căn cứ vào những lời dạy căn bản của Đức Khổng tử dành cho các môn  đệ được ghi rải rác trong sách Luận ngữ, chúng ta có thể biết rằng đức nhân  làm nên con người đích thực (Nhân giả nhân dã – 仁者人也。 ). Con người đó  tạo được mối giao hoà với tha nhân với trời đất, đứng trong ngôi vị Tam tài  (Thiên, địa, nhân). Người có đức nhân biết yêu mọi người như mình (Kỷ sở  bất dục, vật thi ư nhân -己所不欲,勿施於人。 ), có đầy đủ các đức hạnh:  cung kính, khoan hoà, trung tín, chăm chỉ, sáng suốt (cung, khoan, tín, mẫn,  huệ). Người có đức nhân biết tự chế phục mình và sống theo lẽ trời (Khắc kỷ  phục lễ vi nhân -克己復禮為仁。 ). Một con người toàn thiện như vậy thì  chính Đức Khổng tử cũng chưa dám tự nhận mình là người có đủ đức nhân.  (Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm. -若聖與仁,則吾豈敢。 ) 

19. Ông Quý Văn tử suy nghĩ ba lần rồi sau mới hành động.

Đức Khổng tử nghe vậy nói rằng:”Lần thứ hai, thế là đủ rồi.”

BÌNH GIẢI:

Ông Quý Văn Tử tên thật là Quí Hành Phụ, làm quan đại phu nước Lỗ.  Ông có thói quen suy đi nghĩ lại ba lần trước khi làm một việc gì. Sự suy  nghĩ cân nhắc quá kỹ lưỡng này khiến cho bê trễ công việc, gây phiền hà cho  những người xung quanh và làm trở ngại cho sự tiến hành công việc chung.  Vì thế, Đức Khổng tử khuyên các đệ tử rằng: Chỉ cần suy nghĩ lại lần thứ hai  là đủ. 

Việc suy nghĩ cân nhắc quá nhiều lần lại còn có hại; bởi vì dễ khiến cho  người trở thành do dự, phân vân. Tình trạng tâm lý này chẳng những gây  trở ngại cho công việc, lại còn khiến cho người ta rơi vào bệnh tâm thần nhẹ,  suốt ngày lẩn thẩn, loanh quanh với những ý nghĩ bối rối mà không thể quyết  đoán dứt khoát. 

20. Đức Khổng tử nói: “Như ông Ninh Vũ Tử, khi nước có đạo thì làm người khôn ngoan; khi nước không có đạo thì làm kẻ ngu si. Sự khôn ngoan của ông có thể theo kịp, mà sự ngu si của ông thật không thể theo kịp.”

BÌNH GIẢI:

Ông Ninh Vũ Tử tên thật là Ninh Du, làm quan đại phu nước Vệ. Vào thời  Xuân Thu, ông tham chính trong hai triều vua Vệ Văn Công và Vệ Thành  Công.  Dưới triều Văn Công, đất nước được cai trị tốt nên an bình, thịnh vượng;  được gọi là nước có đạo. Lúc ấy, Ninh Vũ Tử tỏ ra là một quan chức khôn  ngoan, sáng suốt, đóng góp vào việc trị an đất nước. Sự khôn ngoan đó của  ông nhiều người có thể theo kịp và bắt chước được.

 Dưới triều Thành Công, vua cai trị vụng về nên đất nước loạn lạc, tức là  nước không có đạo; Ninh Vũ Tử vẫn một mực tận tụy giúp vua lo việc nước,  chẳng quản vất vả, gian nan. Những bậc trí giả lúc bấy giờ cho ông là kẻ ngu  si, không thức thời vụ. Sự ngu si đó của Ninh Vũ Tử thật khó có người theo  kịp và bắt chước. Vì thế, Đức Khổng tử đã phải cất lời khen ngợi. 

21. Đức Khổng tử khi ở nước Trần nói: “Về chăng? Về chăng? Nhóm đệ tử nhỏ nhoi của ta, những kẻ ngông cuồng, đơn sơ, rõ là văn vẻ, nhưng chẳng biết tự sửa sang lấy mình.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử sau nhiều năm chu du liệt quốc, ước mong tìm được những bậc minh quân, những trang hiền sĩ thiện chí để truyền đạt đạo lý, nhưng không gặp được ai. Thời bấy giờ, những người hiện diện trên chính trường hầu hết là những kẻ thiếu đạo đức, chỉ ham danh lợi, quyền bính, ưa sử dụng mưu chước xảo quyệt, lợi mình, hại người. 

Khi ở nước Trần, ngài lộ vẻ chán nản và thốt ra lời nói có ý muốn trở về  quê cũ. Quê cũ của ngài là nước Lỗ, có một nhóm gồm những đệ tử nhỏ nhoi  (không có quyền cao chức trọng); dù sao họ cũng có tư tưởng cao thượng hơn  người; tuy bị liệt vào hạng ngông cuồng, nhưng có nếp sống đơn sơ, có dáng  vẻ văn nhã; mặc dầu họ chưa biết cách tự sửa lấy mình để trở nên hoàn hảo.  Đức Khổng tử có ý muốn về quê nhà hướng dẫn cho nhóm người đồng  hương này. Bởi vì, có tư tưởng cao thượng tuy ngông nghênh, có nếp sống đơn  sơ, có dáng vẻ văn nhã, không thô lỗ, cộc cằn, là có đủ điều kiện căn bản để  thăng tiến thành bậc quân tử. 

22. Đức Khổng tử nói: “Bá Di, Thúc Tề, không nhớ đến điều xấu cũ, nên ít oán người.

BÌNH GIẢI:

Bá Di, Thúc Tề là hai hoàng tử của vua nước Cô Trúc sống vào cuối đời  nhà Ân, đầu đời Tây Chu ở Trung Hoa. Tương truyền hai ông đều là hiền sĩ,  nhường ngôi vua cho nhau; nhưng rốt cục cả hai đều không nhận vương vị.  Thế rồi cả hai đều bỏ kinh thành trốn đi. Khi Vũ Vương nhà Chu cất quân  tiêu diệt bạo vương nhà Ân là vua Trụ, Bá Di, Thúc Tề đến trước ngựa ra sức  can ngăn, lấy lẽ: bầy tôi giết thiên tử là bất trung. Đến lúc, Vũ Vương dẹp tan  nhà Ân, cả thiên hạ đều tôn Chu, hai ông lui về ẩn dật tại núi Thú Dương, ăn  rau vi và chịu chết đói.

 Vì là hai hiền sĩ thời cổ (khoảng thế kỷ 12 trước Công nguyên), cho nên  không mấy ai biết rõ về tài đức của hai ông. Chỉ thấy ở đây, Đức Khổng tử  khen hai ông về tính hạnh không ghi nhớ điều xấu cũ của người, cho nên ít  phải dụng tâm nuôi lòng oán đối với người. Đó là một đức hạnh đáng khen,  khiến cho tâm hồn được thư thái.  Trong câu trên, chúng ta nên lưu ý chữ “dụng” (dùng), có nghĩa “không  phải dụng tâm oán thù” (ít oán người). Nghĩa này chính xác và tích cực hơn  là nghĩa “ít bị người oán”. 

23. Đức Khổng tử nói: “Ai bảo Vi sinh Cao ngay thẳng? Có người đến xin giấm, bèn xin bên hàng xóm mà cho.”

BÌNH GIẢI:

Vi Sinh Cao là người nước Lỗ. Người ta thường cho ông là người ngay  thẳng. Nhưng Đức Khổng tử không đồng quan điểm như vậy. Ngài nêu ra  một trường hợp để dẫn chứng: có người đến nhà Vi Sinh Cao xin giấm. Nhà  ông không có, ông ta bèn sang hàng xóm xin giấm về mà cho. 

Trong trường hợp này, có lẽ Đức Khổng tử thấy Vi Sinh Cao không ngay  thẳng ở chỗ không dám thẳng thắn nói rằng mình không có, lại tự che giấu  bằng cách sang hàng xóm xin rồi đem về, tự nhận là của mình đem cho, khiến  người ấy phải hàm ơn mình! Chứ giả như ông đi xin giùm mà không nhận là  của mình cho, thì đâu có gì đáng trách. 

24. Đức Khổng tử nói: “Nói năng dối trá, trau chuốt nhan sắc, cung kính thái quá, Tả Khâu Minh lấy làm hổ thẹn; Khâu này cũng hổ thẹn. Giấu giếm sự oán hận mà [giả vờ] thân thiện với người, Tả Khâu Minh lấy  làm hổ thẹn; Khâu này cũng hổ thẹn.” 

BÌNH GIẢI:

Ông Tả Khâu Minh là một hiền nhân vào bậc tiền bối của Đức Khổng tử,  viết sách Tả truyện. Trước những thái độ, cử chỉ của người đương thời như:  nói năng khéo léo giảo hoạt, sửa sang trau chuốt sắc diện cho đẹp đẽ, tỏ bộ  cung kính thái quá; ông cảm thấy hổ thẹn. Bởi vì tất những thái độ đó là hành vi tiểu nhân, biểu hiện trong một xã hội rối loạn, suy thối đạo đức. Ở đó  không có sự chân thành, mà chỉ có sự đóng kịch để che giấu tâm địa xấu xa;  chỉ có sự nịnh hót, bợ đỡ để thủ lợi.

 Lại còn có kẻ nham hiểm hơn, có điều oán hận với người mà giấu kín trong  lòng; ngoài mặt vẫn tươi tỉnh giả bộ làm thân với người để thừa cơ ám hại.  Tất cả những hành vi và tâm địa giả dối trên đều không phải là cách hành xử  của người quân tử, cho nên ông Tả Khâu Minh lấy làm hổ thẹn, xa lánh. Đức  Khổng tử tự xác nhận mình cũng như vậy. 

25. Thầy Nhan Uyên và thầy Quí Lộ theo hầu. Đức Khổng tử nói: “Sao các ngươi không nói ra ý nguyện của mình?”

Thầy Tử Lộ nói: “Muốn có xe ngựa, mặc áo lông cừu nhẹ; cùng bạn bè chia sẻ, hư nát mà chẳng giận.”

Nhan Uyên nói: “Muốn chẳng khoe điều thiện, chẳng thi thố công lao.”

Tử Lộ nói: “Xin được nghe ý nguyện của thầy.”

Đức Khổng tử nói: “Đem an vui cho người già, đem niềm tin cho bạn bè, đem hoài bão cho người tuổi trẻ.”

BÌNH GIẢI:

Thầy Nhan Uyên có tên là Nhan Hồi, thầy Quí Lộ tức là Tử Lộ; cả hai ông  đều là học trò thân cận Đức Khổng tử. Trong lúc hai người theo hầu thầy, Đức  Khổng tử gợi ý cho các ông bày tỏ chí hướng.

  Tử Lộ mạnh dạn nói lên ước nguyện của mình: “Muốn có xe ngựa, mặc  áo lông cừu nhẹ; cùng bạn bè chia sẻ, hư nát mà chẳng giận.” Câu nói trên  chứng tỏ Tử Lộ muốn được làm quan, có quyền bính, có lợi lộc. Ông cũng tỏ ra  là người hào phóng, khoáng đạt, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với bạn bè. 

Xét cuộc đời Tử Lộ, quả nhiên chí hướng này đã thành tựu. Ông được  làm quan ở nước Vệ trong khi Đức Khổng tử lui về dạy học tại quê nhà. Tuy  nhiên, tính tình thẳng thắn, khảng khái và hiếu dũng của ông đã dẫn đến  một chung cuộc đáng thương. Khi xảy ra biến động trong triều đình nước Vệ,  vì không thức thời và thiếu uyển chuyển trong cách xử thế, Tử Lộ đã bị giết  một cách thê thảm, thân xác bị bằm nát như tương. Chữ “tệ” (hư nát) trong  câu nói trên có phải vận vào thảm cảnh này chăng? Chỉ biết rằng Đức Khổng  tử đã tiên đoán Tử Lộ ắt sẽ chết vào lúc xảy ra biến động chính trị ở nước Vệ;  khi được tin báo, ngài đã sa lệ và sai đổ hũ tương đi, không ăn nữa. (Theo Lễ  ký, Đàn cung thượng). 

Nhan Uyên thì nói: “Muốn chẳng khoe điều thiện, chẳng thi thố công lao.”  Câu nói này biểu lộ chí hướng của Nhan Uyên là trở nên bậc thánh hiền.  Cuộc đời của ông đã ứng nghiệm với ý nguyện ấy. Mặc dầu đức hạnh cao khiết  và được Đức Khổng tử kỳ vọng rất nhiều; nhưng chưa có cơ hội nào để phát  huy điều thiện và thi thố công lao với đời thì Nhan Uyên đã yểu vong. Đức  Khổng tử thương tiếc ông, khóc mãi không thôi!

 Còn Đức Khổng tử thì bảy tỏ chí hướng của mình qua câu nói: “Đem an vui  cho người già, đem niềm tin cho bạn bè, đem hoài bão cho người tuổi trẻ.” Rõ  ràng đó là khẩu khí của một bậc thầy, một bậc “vạn thế sư biểu” như người  đời sau ca tụng.  Ngài chẳng làm quan được lâu bởi vì vua Lỗ không trọng dụng, vì nịnh  thần gièm pha đã đành, nhưng chính ngài đâu có tha thiết gì với quan chức,  lợi lộc! Không tha thiết nên chẳng chiều lòng các vua chúa đương thời để  kiếm một chỗ đứng hiển vinh. Ý nguyện của ngài nhắm vào việc tìm cơ hội  thuận lợi để thi hành đạo lý trong cõi nhân sinh. Cho nên, chung cuộc thì  thiên hạ đời sau chỉ biết đến ngài qua danh hiệu bậc thầy truyền rao đạo lý  làm người cho muôn đời là xứng hợp. 

26. Đức Khổng tử nói: “Thôi vậy! Ta chưa từng thấy ai có thể nhận ra lỗi lầm của mình mà trong lòng tự oán trách.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử than thở câu này trong thời đại của ngài là thời Xuân Thu  (722 – 480 trước Công nguyên). Đó là thời cực kỳ rối loạn, đạo đức suy đồi  trong lịch sử Trung Quốc: chiến tranh liên miên, tội ác đầy rẫy; vua tôi, cha  con, vợ chồng, anh em, bè bạn, chủ tớ… giết hại lẫn nhau, tranh danh đoạt  lợi, vi phạm luân thường đạo lý vô số kể. 

Lý do đưa đến tình trạng bi đát như thế có thể được tìm ra trong câu nói  trên của Đức Khổng tử. Ngài chưa từng thấy người nào có thể nhận ra lỗi  lầm của mình mà trong lòng tự biết oán trách. Lỗi lầm của con người thì đâu  có thiếu, chỉ có thừa thôi. Nhưng có lỗi lầm rồi biết tự nhận lỗi, biết ăn năn,  biết tự oán trách mới có thể cải thiện được. Đằng này không nhận ra lỗi, hoặc  thấy lỗi mà chẳng sám hối, chẳng tự trách, lại còn hiên ngang tự hào, thì  càng ngày lỗi càng nhiều, càng nặng. Một xã hội như thế thì an ổn, thái bình  sao được? 

27. Đức Khổng tử nói: “Một xóm có mười nhà, ắt có người trung tín như Khâu này, nhưng không có người hiếu học như Khâu.”

BÌNH GIẢI:

Trung là sự chuyên nhất của tinh thần nhắm vào một đối tượng. Đối tượng  có thể là Đấng Tối Cao, là đạo Trời, là bậc quân vương, minh chủ, là vợ hoặc  chồng trong tương quan gia đình, là bằng hữu… Nhờ đức trung mà người ta  không thay lòng đổi dạ, mặc dầu dòng đời có đổi thay cùng với vật đổi sao dời.

 Tín là niềm tin, là sự giữ gìn lời hứa, là điều kiện giúp cho mối tương quan  được vững bền. Đức trung và đức tín luôn luôn đi đôi với nhau, dùng làm cơ sở  tinh thần cho con người trong cộng đồng xã hội. Có những người không được  học hành nhưng vẫn có đức trung tín tự nhiên, bẩm sinh vì được thụ hưởng  tính di truyền trong một dòng tộc đạo đức, chất phác. 

Vì thế, trong một xóm mười nhà, ắt có người trung tín, không nhiều thì ít.  Tuy nhiên, muốn biết biểu hiện trung tín cho tốt đẹp, cho xứng hợp với từng  đối tượng một cách linh hoạt thì cần phải học. Bởi vì trung tín có mức độ nông  sâu, ít nhiều, xa gần… Lại có những trường hợp không nên trung, không nên  tín. Chẳng hạn, nếu hết lòng trung tín với một quân vương mà người ấy đã  hư hỏng, phản bội dân chúng thì đó là sai lầm. Nếu lúc nào cũng trung tín  thì sẽ là con người khù khờ, dại dột. Đối với những kẻ không đáng trung mà  trung, không đáng tín mà tín và giữ chặt điều trung tín với họ thì chẳng khác  gì tiếp tay làm bậy.

 Do đó, người ta cần phải học để biết xử lý, vận dụng đức trung tín cho  hợp cảnh, hợp thời. Đức Khổng tử là người có lòng trung tín cũng như nhiều  người, nhưng ngài hiếu học, luôn luôn trau dồi kiến thức, cho nên biết cách  ứng cảnh, ứng thời cho phải đạo trung tín. Vì thế, ngài mới có thể làm thầy  thiên hạ. 

Đọc tiếp Chương 6 – Ung Dã

❁ ❁ ❁

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] 1. Học Nhi ❁ Chương 2. Vi Chính ❁ Chương 3. Bát Dật ❁ Chương 4. Lý Nhân ❁ Chương 5. Công Dã Tràng […]

1
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x