Trang chủ » Luận ngữ – Chương 7 – Thuật Nhi

Luận ngữ – Chương 7 – Thuật Nhi

by Hậu Học Văn
1273 views

THUẬT NHI ĐỆ THẤT

1. Đức Khổng tử nói: “Kể lại mà không sáng tác, tin theo mà ưa thích điều cũ; ta trộm sánh với ông Lão Bành.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử đã khiêm nhượng, thành thật trình bày hạnh tích của mình. Ngài chỉ kể lại những đạo lý đã được nghe mà không sáng tác ra điều gì mới. Đạo lý mà ngài được nghe là đạo thống của người xưa. Ngài tin theo và ưa thích đạo thống cũ. Công việc kể lại đó, ngài có thể trộm sánh với việc ông Lão Bành kể truyện cổ tích. Có lẽ Lão Bành nhờ sống lâu mà nhớ được nhiều chuyện xưa, hay kể lại cho mọi người nghe.

Theo truyền thuyết huyền thoại, Lão Bành có tên là Tiền Kiên, làm quan đại phu xứ Đại Bành, sống tới 700 tuổi. Lão Bành còn được gọi là ông Bành Tổ. Trang Tử cho rằng ông Bành Tổ được đạo mà sống từ đời Hữu Ngu tới đời Ngũ Bá, tức là từ đời vua Thuấn đến đời Xuân Thu, khoảng 1500 năm. Vì thế, có câu tục ngữ: “Sống lâu như Bành Tổ.”

2. Đức Khổng tử nói: “Thầm lặng mà hiểu biết, học mà không chán, dạy bảo người không mỏi mệt, ta chỉ có thế thôi chăng?”

BÌNH GIẢI:

Ở câu trên, Đức Khổng tử tự xác nhận mình là người chỉ biết kể lại đạo lý cổ truyền mà không sáng tác điều gì. Ở đây, ngài nêu rõ ba điều có thể nói là ngài có (hữu ư ngã) như sau:

Thầm lặng mà hiểu biết:

Thầm lặng là suy tư lặng lẽ, tức là tự mình chiêm nghiệm về những điều mắt thấy tai nghe để từ đó suy ra những ý nghĩa sự lý theo những nguyên lý: nhân quả, cứu cánh, tất định, túc lý.

– Nguyên lý nhân quả là: “Mọi sự đều có nguyên nhân.” Có lửa ắt có khói. Đã có nhân phải có quả, đã có quả ắt trước đó phải có nhân. Thấy nhân sẽ đoán ra quả; thấy quả thì nhận ra nhân đi trước.

– Nguyên lý cứu cánh là: “Tất cả đều có một cùng đích hay hướng đến cùng đích.” Như thế, thấy sự vật diễn tiến trước mắt mình, người ta có thể đoán biết được sự vật sẽ đi về đâu, dẫn đến tương lai nào.

– Nguyên lý tất định là: “Mọi hiện tượng đều bị chi phối bởi những điều kiện hiện hữu nhất định.” Nhìn bất cứ một hiện tượng nào (thiên nhiên, nhân sinh, xã hội, lịch sử…), người ta có thể luận ra những điều kiện chi phối hiện tượng đó. Vì vậy, muốn điều chỉnh một hiện tượng, người ta chỉ cần điều chỉnh những điều kiện liên hệ: bãi bỏ điều kiện này, tăng thêm điều kiện khác…

– Nguyên lý túc lý là: “Tất cả cái gì hiện hữu đều có hay phải có lý do hiện hữu.” Như thế, tất cả mọi điều tốt hoặc xấu trên đời đều phải có lý do hiện hữu của chúng. Vậy muốn giải trừ điều xấu, chỉ việc giải trừ lý do hiện hữu của điều xấu, tức là giải trừ nhân xấu, bãi bỏ điều kiện xấu.

Tóm lại, nhờ thầm lặng suy tư trên những chân lý nền tảng của tinh thần con người mà Đức Khổng tử hiểu biết được cặn kẽ mọi việc.

Học mà không chán:

Việc học có thể tiến hành nhờ vào sách vở và những người xung quanh. Sách vở ghi chép chuyện xưa, trong đó có điều khôn, điều dại, điều phải, điều trái… Người đọc sách khôn khéo có thể học được nhiều điều hay, tránh được nhiều điều dở. Những người xung quanh chẳng những có thể làm thầy mình về một phương diện nào đó, mà còn là cơ hội cho mình tự xét lại. Thấy người hay thì cố mà bắt chước; thấy người dở thì cảnh giác mình đừng sống như vậy.

Việc học có nhiều điều ích lợi và nhiều điều thú vị, cho nên người đã chăm học thì sẽ thấy việc học tạo ra sự hấp dẫn phong phú khiến cho người học không bao giờ chán; càng học càng thấy say mê. Đức Khổng tử ở trong trường hợp này. Vì thế, vào thời Xuân Thu, ngài không những nổi tiếng là nhà đạo đức, mà còn nổi tiếng là nhà bác vật, biết nhiều thứ vật trên đời.

Dạy bảo người không mỏi mệt:

Đây là kết quả của việc thầm lặng hiểu biết và việc chăm học. Nhờ hiểu biết sâu xa, người học nhận ra được những nguyên nhân gây nên điều ác trong xã hội và muốn cải thiện xã hội theo những chân lý đã học được. Vì vậy, người chăm học tập bao giờ cũng có tâm nguyện muốn dạy lại cho người những điều mình đã hiểu biết và muốn cho mọi người đều hướng thiện, muốn cho xã hội được ổn định, thái bình, thịnh vượng. Do đó, việc dạy bảo người không bị mỏi mệt là hệ quả tất yếu của người chăm học. Khi thấy có người tỏ ra muốn học hay thấy cơ hội có thể dạy được, người chăm học sẽ dạy ngay, không đặt thành vấn đề thù lao nhiều hay ít. Đó là đạo đức tính của người chăm học.

Đức Khổng tử là người như thế. Ngài khiêm nhượng mà nói mình chỉ có ba điều trên thôi, chứ chẳng có điều gì hay hơn. Tuy nhiên, có ba điều ấy là đủ xứng đáng để làm thầy thiên hạ, đáng được tôn làm “vạn thế sư biểu” rồi!

3. Đức Khổng tử nói: “Đức hạnh không sửa cho tốt, học vấn không giải cho rõ, nghe điều nghĩa không bắt chước theo, điều xấu không sửa đổi, đó là những mối lo lắng của ta.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử là một bậc thầy và là một nhà chính trị vào thời Xuân Thu, dĩ nhiên có nhiều điều phải lo. Trong câu này, Đức Khổng tử nói đến những mối lo quan trọng nhất, thường xuyên nhất của chính bản thân ngài.

Sở dĩ đó là những mối lo quan trọng nhất bởi vì chúng cần thiết cho một bậc thầy, cho một nhà chính trị vương đạo chủ trương cai trị theo nhân trị.

Để có thể là một bậc thầy và một bậc lãnh đạo gương mẫu xứng đáng thì phải lo lắng trau dồi đức hạnh ngày một tốt hơn, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa những điều đã học được và vận dụng những điều đã học vào hành động, nghe nói về điều nghĩa thì phải bắt chước theo, đồng thời cố gắng sửa đổi những điều xấu còn tồn tại nơi mình.

Nói về đạo đức mà không trau dồi đức hạnh là người giả đạo đức.

Học mà không thông nghĩa lý sâu xa là cái học ngọn (mạt học). Học mà không biết vận dụng vào hành động là cái học của các nho gia hương nguyện (hủ nho).

Nghe nói về điều nghĩa mà không bắt chước theo là người giả nhân giả nghĩa.

Không cố gắng sửa đổi những điều xấu tồn tại nơi mình là kẻ tiểu nhân.

Có lo lắng về những điều ấy mới xứng đáng là bậc thầy dạy học trò, là bậc lãnh đạo dân chúng. Thầy thì phải làm gương mẫu đạo đức cho học trò; bậc lãnh đạo thì phải làm gương mẫu đạo đức cho dân chúng.

4. Thầy vào lúc rảnh rỗi thì thư thái, vui vẻ.

BÌNH GIẢI:

“Yến cư” chỉ tình trạng rảnh rỗi, không mắc bận một công việc gì. Đối với Đức Khổng tử, yến cư là thời gian ngài không bận dạy học trò, không bận việc quan. Câu trên là lời nhận xét của các đệ tử về thái độ của Đức Khổng tử trong lúc nhàn hạ. Sự thư thái và vui vẻ của ngài thể hiện tư thái thanh cao an bình của một bậc đạt nhân quân tử. Điều đó chứng tỏ rằng Đức Khổng tử không tha thiết tới danh lợi, quyền bính, địa vị, không mang mặc cảm tội lỗi về các hành vi trong quá khứ của mình.

Người nhiều tham vọng về danh lợi, quyền bính… thì luôn bôn chôn lo nghĩ, tính toán. Người có mặc cảm tội lỗi thì tinh thần bất an. Cả hai loại người đó đều không thể thư thái, vui vẻ được.

5. Đức Khổng tử nói: “Ta suy kém lắm rồi! Đã lâu ta không nằm mơ lại thấy Chu Công nữa.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nói câu này ắt hẳn trong lúc về già. Ngài nói như thế chứng tỏ rằng trước kia ngài thường nằm mơ thấy Chu Công. Chu Công tức là Chu Công Đán, con của Văn Vương, em của Vũ Vương nhà Chu. Chu Công đã từng giúp Vũ Vương và Thành Vương (con của Vũ Vương) ổn định việc cai trị, thiết định Chu Lễ về các việc quan, hôn, táng, tế trong triều đình và dân chúng. Chính nhờ tài năng của Chu Công mà nhà Chu có thể duy trì Vương triều vững vàng, cai trị nước Trung Hoa được gần 1.000 năm.

Đường lối cai trị của Chu Công là vương đạo, cắt cử người tài năng lên địa vị lãnh đạo đất nước. Vương đạo của Chu Công tuy chưa đưa thiên hạ tới hạnh phúc đại đồng lý tưởng; nhưng ở giai đoạn đầu, đã khiến đất nước đạt tới thời tiểu khang, tức là thời kỳ thịnh vượng, ổn định tương đối.

Đức Khổng tử rất khâm phục Chu Công và muốn bắt chước Chu Công để giải quyết tình trạng rối loạn của thời Xuân Thu. Tuy nhiên, bôn ba trong nhiều năm, Đức Khổng tử đã không gặp được vị minh quân nào chịu theo đường lối của mình. Vì thế, khi về già, sức khoẻ suy kém, năng lực tinh thần sa sút, Đức Khổng tử hết hy vọng hoàn thành chí nguyện, cho nên ngài không còn nằm mơ thấy Chu Công nữa. Không nằm mơ thấy Chu Công có nghĩa là từ trong tiềm thức của Ngài, ước vọng hành đạo đã hết; và ngài biết mình sắp giã từ thế gian.

6. Đức Khổng tử nói: “Đặt chuẩn đích ở đạo, cậy nhờ vào đức hạnh, nương theo điều nhân, tiêu khiển ở nghệ thuật.”

BÌNH GIẢI:

Câu nói của Đức Khổng tử trên đây nêu ra hướng tiến và sinh hoạt của một đệ tử trong đạo nho.

Trước hết, hướng tiến này đặt chuẩn đích ở đạo.

Trong câu này, đạo không có nghĩa là con đường, mà đạo là một thực thể siêu việt, một nguồn sống huyền nhiệm thống nhất, phổ biến nhưng tiềm tàng trong mỗi người. Đạo là chân lý vĩnh hằng; người nào thấy đạo thì phát huy được linh lực siêu nhiên và cảm thấy hạnh phúc viên mãn vì đạt tới bình an tâm linh. Đạo ẩn kín trong mỗi người; cho nên xét về mặt giá trị, mọi người đều bình đẳng, đều là anh em với nhau. Người ta sở dĩ không được hạnh phúc vì không thấy đạo. Đạo không thấy được vì tâm thức con người thường hay hướng ra ngoại vật qua các cửa ngõ giác quan. Cần phải có bậc thầy khai tâm chỉ điểm cho người ta mới biết hướng tìm đạo.

Đức Khổng tử là người có khuynh hướng đi tìm chân lý từ nhỏ và có tâm hồn thành khẩn, cho nên khi được nghe nói về đạo, ngài đã nhận ra ngay và sung sướng thốt lên: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ! 朝聞道,夕死可矣!- (Buổi sáng được nghe về đạo, buổi chiều chết được rồi!)

Sách Trung dung nói: “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo. 道不遠人;人之為道而遠人,不可以為道。” (Đạo chẳng xa người, người nào làm cho đạo xa người, chẳng thể làm nên đạo được.”

Mạnh Tử thì viết: “Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn… phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên. -道在邇,而求諸遠… 反身而誠,樂莫大焉。 (Đạo ở nơi ngươi mà tìm đâu xa… quay trở lại mình mà thành tựu, còn niềm vui nào lớn bằng.)

Do đó, một đệ tử chân chính, biết cách tu nhân, cần phải để chí vào đạo, đặt chuẩn đích ở đạo. Những qui tắc dẫn người ta đến đạo gọi là đạo lý. Phải sống theo đạo lý lâu ngày mới thấy đạo được.

Thứ hai, cậy nhờ vào đức hạnh.

Đức hạnh là những điều làm nên phẩm giá con người. Số mệnh con người trên trần gian là thể hiện đức hạnh. Đức hạnh là những điều làm nên phẩm giá con người. Số phận con người trên trần gian là thể hiện đức hạnh. Đức hạnh là những ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ tốt đẹp nâng con người lên trên mọi tạo vật. Đức hạnh do các thánh hiền xưa khám phá ra bằng sự Thiên khải hay bằng công phu tu tập, đúc kết. Giờ đây, muốn trở nên bậc quân tử, hiền thánh, người nho sĩ phải căn cứ vào những gương mẫu đức hạnh của cổ nhân, cậy nhờ vào đó mà tu tập, tăng tiến.

Thứ ba, nương theo điều nhân.

Điều nhân thể hiện sự tương giao tốt đẹp với mọi người. Phàn Trì hỏi Đức Khổng tử về điều nhân, ngài trả lời: “Yêu người” (ái nhân). Ngài dạy Tử Cống về cái điều có thể làm trong suốt cả đời: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. 己 所不欲,勿施於人。 (Điều gì mình không muốn, chớ làm cho người.) Ngài lại nói thêm: “Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. 夫仁者,己欲立而立人,己欲達而達人。 (Phàm là người nhân thì mình muốn nên hãy nên cho người, mình muốn thành tựu hãy thành tựu cho người.). Điều nhân là sự biểu hiện của đạo và đức hạnh trong cõi nhân sinh. Những gì trái với điều nhân thì nho sĩ không làm.

Thứ tư, tiêu khiển ở nghệ thuật.

Trong cửa Khổng, các đệ tử ưu tiên học tập đạo đức, ngoài ra thì được học lục nghệ: lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (viết chữ), số (toán pháp). Lục nghệ là 6 môn học giúp cho người nho sĩ có thể sinh hoạt trong đời: hoặc làm quan văn, quan võ, làm thầy giáo, làm nhà doanh nghiệp, v.v. Trong lục nghệ có những môn học có thể dùng để tiêu khiển như: nhạc, xạ, ngự, thư. Người ta có thể giải trí bằng tấu nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, viết chữ đẹp.

Tuy nhiên, chữ nghệ được hiểu một cách phổ thông là những thú tiêu khiển thanh cao dùng để giải trí sau khi đã dành nhiều thời giờ học tập hay làm việc. Vì thế, nghệ chỉ cho nghệ thuật, là những thú vui có khả năng thăng hoa đời sống tinh thần như: thi, nhạc, họa. Thi là làm thơ, đem tâm tình tao nhã kết hợp với nét đẹp của thiên nhiên, tạo nên những áng văn chương. Nhạc là sáng tác hay tấu nhạc khí, đem sự rung động tế nhị của tâm hồn kết hợp với âm thanh của vạn vật, tạo nên những giai điệu hoà cảm du dương. Họa là vẽ tranh, đem cảm nghiệm chủ quan của mình thâm nhập vào cảnh đẹp thiên nhiên để vẽ nên những bức tranh có hồn, có khả năng thăng hoa tâm hồn, đem con người hoà vào vạn vật, thể nghiệm đồng nhất tính của thiên địa vạn vật.

Đối với một đệ tử chân chính trong Nho giáo, nghệ thuật không thuần là phương tiện tiêu khiển, giải trí sau khi đã miệt mài học tập, miệt mài phục vụ nhân sinh, mà nghệ thuật cũng là đạo: đạo nghệ. Đạo nghệ là phương thế dẫn người ta đến chân lý, giúp người ta tiếp cận với nguồn sống bao la vĩnh hằng, khiến người ta nhìn thấy dấu vết của đạo in trong thiên nhiên vạn vật. Như vậy đạo nghệ làm cho người ta thư thái tâm hồn và an tâm tiến bước về cõi đạo.

Ngoài việc chăm chú vào đạo, vào đức hạnh và nương theo điều nhân, người ta cần dành thời giờ tiêu khiển trong nghệ thuật để lấy lại sức khoẻ thể chất, tinh thần sau thời gian mệt nhọc. Có như thế mới có thể tiếp tục phục vụ tha nhân, đi hết đoạn đường trong cõi nhân sinh và sống trọn tuổi trời một cách tốt đẹp.

7. Đức Khổng tử nói: “Từ một bó nem trở lên đem dâng, ta chưa từng không dạy bảo.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa ở Trung Hoa, món lễ vật nhỏ mọn nhất là một bó nem (mười cái). Bạn bè đến thăm nhau, bó nem là lễ vật được ưa dùng đối với những người nghèo. Học trò đến xin học với thầy cũng thường dùng lễ vật mọn này. Thầy nhận lễ vật là dấu hiệu thầy đón nhận học trò; ngoài ra không có lương bổng gì khác. Đức Khổng tử nói như trên có ý cho biết ngài sẵn lòng dạy bảo những người có thành tâm thiện chí, chứ không kể đến lễ vật nhiều hay ít.

Tuy nhiên, có nhiều người nhân câu này cho rằng Đức Khổng tử đòi hỏi lễ vật mới dạy. Vì thế, cụ Phan Bội Châu trong Khổng Học Đăng đã giải nghĩa hai chữ “thúc tu” là: kiềm chế và tu sửa. Cụ giải thích đại ý rằng ai biết tự kiềm chế và sửa đổi tật xấu của mình đều được Đức Khổng tử nhận làm học trò. Lối giải thích này thật hay, nhưng chữ tu (脩) nghĩa là nem được xếp vào bộ nhục (月), còn chữ tu (修) nghĩa là sửa đổi được xếp vào bộ nhân đứng (亻) và có bộ sam (彡) bên phải thay cho vị trí bộ nhục. Theo bản văn Luận ngữ phổ thông, chữ tu viết là 脩 (bộ月). Không rõ bản của cụ Phan dùng là bản nào. Và mặc dù 2 chữ tu trên (脩 và 修) đôi khi cũng được dùng thay thế cho nhau, nhưng đa số các học giả đều dịch “thúc tu” là bó nem.

8. Đức Khổng tử nói: “Không bực tức muốn hiểu, không bày giải cho, không tấm tức muốn nói, không khiến cho nảy ra. Nhấc cho một góc cạnh, mà không nhấc được ba góc cạnh kia thì không đáp lại (dạy cho) nữa.”

BÌNH GIẢI:

Câu trên của Đức Khổng tử nói về phương pháp học tập đồng thời là phương pháp dạy bảo của ngài. Người học trò nào không bực tức muốn hiểu, tư tưởng sẽ không mở ra và ngài cũng không thể bày giải cho được. Người nào bực tức muốn hiểu, tư tưởng sẽ mở ra (phương pháp học) và ngài sẽ bày giải thêm cho (phương pháp dạy).

Cũng vậy, người nào không tấm tức muốn nói, lời nói sẽ không nảy ra và ngài cũng không thể khiến cho nảy ra được. Người nào thấy thầy nhấc cho một góc cạnh, tức là khai triển một vấn đề làm mẫu, mà không biết bắt chước nhấc ba góc cạnh kia, tức là không bắt chước khai triển những vấn đề tương tự còn lại, thì ngài không đáp lại lòng mong mỏi học tập của người ấy nữa. Lý do là người ấy thiếu khả năng tiếp thu, không có gì để phát huy và không thể tiến xa trên đường học tập. Có dạy bảo cũng vô ích!

Thầy chỉ là người giúp cho người học trò phát huy khả năng của mình, như bà đỡ giúp cho sản phụ sinh con. Nếu người nào vốn không có khả năng hoặc không có thiện chí học tập thì người thầy dù giỏi đến mấy, cố gắng đến mấy cũng đành chịu bó tay.

9. Thầy ăn uống ở bên người có tang thì chưa từng ăn no. Ngày nào thầy khóc (điếu tang) thì không ca hát.

BÌNH GIẢI:

Câu trên là lời của đệ tử nhận xét về sinh hoạt của Đức Khổng tử. Ngài là một người tế nhị, thể hiện đức nhân ái trong từng hành vi nhỏ nhặt. Khi ăn uống bên cạnh một người có tang, ngài biết người ấy buồn không muốn ăn, cho nên để chia sẻ nỗi buồn với người ấy, ngài không dám ăn no. Khi đi điếu tang một người thân mới qua đời, ngài cũng khóc; ngày hôm ấy, về nhà ngài không đàn hát để chứng tỏ nỗi buồn thương vẫn còn vương vấn trong lòng.

10. Đức Khổng tử bảo Nhan Hồi rằng: “Được dùng thì hành đạo; bị bỏ thì ẩn dật, chỉ có ta và ngươi được như thế thôi.”

Tử Lộ nói: “Thầy [được dùng] điều động ba quân thì lấy ai đi theo?

Đức Khổng tử nói: “Như người tay không bắt hổ, qua sông không cần thuyền, chết không hối hận, ta không chọn lấy người ấy. Ắt là cần người gặp việc biết lo lắng, thích dùng mưu mẹo để nên việc mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Trong cửa Khổng, Nhan Hồi là người có đức nhân cao nhất. Ông biết tự chế phục mình theo lễ, biết sống theo đạo Trời, chăm học, thông minh, vui trong cảnh nghèo mà không tham vọng. Sở dĩ được như vậy vì ông hết lòng hướng về đạo, ôm giữ đạo nơi mình. Chỉ có ông là người đồng chí hướng với Đức Khổng tử trong mọi hành vi, cử chỉ và cách sinh hoạt. Do đó, nếu gặp thời, được trọng dụng, thì Nhan Hồi sẽ gắng sức đem đạo lý ra thi hành; nếu không gặp thời, bị bỏ quên trong ngõ hẹp, thì ông cũng sống ẩn dật mà gìn giữ đạo cho mình, không bao giờ xao nhãng lý tưởng. Đạo như hơi thở của chính ông, là sinh khí nuôi dưỡng chính ông.

Những người khác không được như vậy. Được trọng dụng thì săn đuổi danh lợi, lãng quên đạo lý; bị thải bỏ, thì buồn chán, thất vọng, than oán, băng hoại; hoặc bon chen, chạy chọt tìm kiếm địa vị mới, bỏ cả đạo lý, phẩm cách. Trong số đệ tử của Đức Khổng tử lúc bấy giờ, chỉ có Nhan Hồi hoàn toàn theo được lý tưởng của thầy mà thôi.

Tử Lộ là người hiếu dũng, mạnh mẽ, nhiệt thành nhất trong đám môn sinh của Đức Khổng tử, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Biết mình không thể sánh với Nhan Hồi về đường học vấn, đạo đức, nhưng ông tự tin vào tài sức của mình có thể giúp Đức Khổng tử trong việc hành binh. Đức Khổng tử đã từng làm

Nhiếp tướng sự trong triều đình nước Lỗ, điều khiển việc nước, ắt là có lúc phải hành binh. Vì thế, Tử Lộ mới hỏi Đức Khổng tử xem lúc ra trận ngài cần ai đi theo phụ tá. Trong sự suy nghĩ của Tử Lộ, chắc là thầy phải chọn người có võ nghệ cao cường và can đảm, không sợ chết.

Hiểu được ý ấy, Đức Khổng tử mới bày tỏ quan điểm của mình. Ra trận, ngài không cần người có võ nghệ cao cường, liều lĩnh (bạo hổ, bằng hà…); bởi vì có võ nghệ giỏi đến đâu cũng chỉ đánh được trăm người, ngàn người, rồi cũng bị sát thương. Để đối địch với trăm ngàn tướng sĩ của đối phương thì cần người biết lo lắng, biết đề cao cảnh giác, trù hoạch phương sách, toan tính trước sau, biết dùng mưu sâu kế khéo mới có thể thắng được địch quân và bảo toàn lực lượng. Có nghĩa là ngài không cần đến loại người hiếu dũng vô mưu như Tử Lộ. Câu trả lời này là một lời răn dạy chí lý cho Tử Lộ vậy.

11. Đức Khổng tử nói: “Giàu mà có thể tìm được, dầu làm kẻ cầm roi (đánh ngựa) ta cũng làm. Ví bằng không thể tìm được, thì ta theo sở thích của mình.”

BÌNH GIẢI:

Cái giàu được nói ở đây là cái giàu trong ngay thẳng, giàu trong đạo trời và dĩ nhiên là trong sự qui định của pháp luật; chứ không phải cái giàu bằng đường đối vô nhân đạo, bất nghĩa, tránh né luật pháp. Đức Khổng tử có lẽ theo truyền thống của người xưa tin rằng: “Tiểu phú do cần, đại phú do Thiên” (Giàu nhỏ do chăm chỉ, giàu lớn do Trời). Ca dao Việt Nam có câu:

“Số giàu đem đến dửng dưng,

Lọ là con mắt tráo trưng mới giàu.”

Người có số giàu lớn trong sự ngay thẳng hợp pháp thì chẳng cần phải chật vật cầu cạnh, tự nhiên cũng được. Còn người không có số giàu lớn thì bon chen, vất vả cũng vô ích, chỉ thêm đau khổ nhục nhã mà thôi.

Trong niềm tin cổ truyền này, Đức Khổng tử cho rằng sự giàu sang không thể tìm được. Giả như có thể tìm được, ngài sẵn sàng cầm roi đánh ngụa đi hầu người, tức là chấp nhận làm kẻ hạ tiện để được giàu. Ví bằng không thể tìm được giàu sang, thì ngài sống theo sở thích của mình mà thôi. Sở thích của ngài là rao giảng đạo lý và dạy bảo sự khôn ngoan cho những ai muốn học.

12. Thầy thận trọng trong những việc: chay tịnh, chinh chiến, bệnh tật.

BÌNH GIẢI:

Chay tịnh (trai giới) là sự giữ gìn thân tâm cho trong sạch trước khi tham dự cuộc tế lễ thần linh hay vong linh tổ tiên. Thể thức chay tịnh đòi hỏi phải kiêng rượu, thịt, chỉ ăn thực vật (rau, đậu, hoa quả) và nằm ngủ ở nhà riêng. Công dụng của chay tịnh là giúp cho cơ thể được thanh thản, tinh thần trong sáng. Có như vậy, người ta mới có thể cảm thông được với thần linh hay tổ tiên trong siêu nhiên giới.

Chinh chiến là việc giao tranh với quân thù. Việc chinh chiến liên hệ tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Mỗi khi có việc chinh chiến xảy ra, những người có trách nhiệm đương đầu với đối phương cần phải suy tính cẩn thận, chuẩn bị binh lương, kế sách kỹ lưỡng để thủ thắng.

Bệnh tật là tình trạng bất an trong cơ thể. Mỗi khi cơ thể nhiễm bệnh, cần phải tìm cho ra nguyên nhân gây bệnh và phải tìm phương cách thích hợp nhất như điều chỉnh ăn uống, kiêng cữ hay dùng dược liệu cần thiết để đẩy lùi bệnh tật một cách nhanh chóng, không để cho bệnh tật hoành hành lâu trong nội tạng.

Đức Khổng tử đã thận trọng trong ba việc ấy để cảm nghiệm những chân lý siêu việt, để giữ gìn sự trị an cho dân chúng và giữ cho bản thân mình được khỏe mạnh.

13. Đức Khổng tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều, ba tháng không biết mùi thịt. Nói rằng: “Không ngờ nhạc được sáng tác đến mức tuyệt vời như thế!”

BÌNH GIẢI:

Vào thời trẻ, tương truyền Đức Khổng tử đã từng sang nước Tề học nhạc. Có lẽ, lúc này, ngài được nghe nhạc Thiều. Vì chuyên tâm nghe nhạc Thiều, ngài không tha thiết ăn thịt nữa; và cũng có lẽ vì muốn cho trình độ thẩm âm được cao để hiểu thấu lý nhạc, ngài đã giữ chay, tự nguyện kiêng thịt.

Thiều là tên một khúc nhạc do vua Thuấn nhà Ngu sáng tác (trước Công nguyên khoảng trên 2000 năm). Ngài là bậc thánh vương trị dân theo đế đạo, cho nên thiên hạ được thái bình, nhà nhà không cần đóng cửa ngõ. Với tâm tình hoà ái cùng thiên nhiên vạn vật, ngài cảm nghiệm được linh lực giao hoà của trời đất mà sáng tác nên nhạc Thiều. Bởi vì Đức Khổng tử cũng là một bậc thánh nhân, cùng với vua Thuấn đồng thanh đồng khí, lại thêm giữ lòng thanh khiết, ngài mới cảm được cái tuyệt mỹ của nhạc Thiều, cho nên đã tán thán như vậy.

14. Nhiễm Hữu nói: “Thầy có giúp vua Vệ chăng?” Tử Cống nói: “Vâng, tôi sắp hỏi đây.”

Trở vào nói: “Bá Di, Thúc Tề là người thế nào vậy?” Trả lời: “Bậc hiền nhân đời xưa.”

Hỏi: “Có oán hận chăng?”

Trả lời: “Tìm điều nhân thì được nhân, lại oán hận sao nữa?” Trở ra nói: “Thầy chẳng giúp đâu.”

BÌNH GIẢI:

Đoạn văn trên kể lại lời trao đổi vắn tắt giữa thầy trò Đức Khổng tử trước một biến cố quan trọng ở nước Vệ. Bấy giờ, vua Vệ là Vệ Xuất Công (công tử Triếp) vừa mới được đình thần tôn lên ngôi, sau khi ông nội là Vệ Linh Công đã qua đời. Công tử Triếp chấp nhận lên ngôi vua nước Vệ, đương nhiên đã bất hiếu với cha mình là thế tử Khối Quí. Sự việc xảy ra giữa lúc thế tử Khối Quí (con của Vệ Linh Công, cha của công tử Triếp) đang từ nước Tấn trở về để tiếp nhận ngôi vua.

Nguyên trước kia, Vệ Linh Công trục xuất con trai là thế tử Khối Quí; khiến ông này phải sang nương nhờ nước Tấn. Nay Vệ Linh Công mất, Khối Quí được nước Tấn ủng hộ trở về tiếp ngôi. Thấy vậy, Vệ Xuất Công chuẩn bị binh lực để đánh cha mình là Khối Quí. Con chống lại cha, chiếm ngôi vua là một việc đại bất hiếu; những người học theo đạo Nho không thể chấp nhận được.

Các đệ tử của Đức Khổng tử theo thầy đang ở nước Vệ, sợ thầy muốn cầu địa vị mà giúp Vệ Xuất Công, cho nên mới thắc mắc cùng nhau. Lời trao đổi giữa Nhiễm Hữu và Tử Cống biểu lộ ý tưởng ấy.

Đoạn văn trên thể hiện đức độ của thầy trò Đức Khổng tử, đồng thời nói lên sự tế nhị trong tình thầy trò. Nhiễm Hữu và Tử Cống cùng lo sợ như nhau nhưng không dám công khai chất vấn thầy; bởi vì thẳng thắn chất vấn thầy có nghĩa là coi nhẹ thầy. Tử Cống là một nhà buôn, vẫn nổi tiếng là người khéo ăn nói và tế nhị, nên đã tình nguyện vào hỏi thầy với ý tứ rất kín đáo. Ông không hỏi thẳng vào vấn đề đang thắc mắc mà lại hỏi một cách xa xôi về hai nhân vật Bá Di, Thúc Tề.

Bá Di, Thúc Tề vốn là hai công tử con vua nước Cô Trúc, một chư hầu của nhà Ân dưới triều đại vua Trụ. Vua Cô Trúc để lại di ngôn truyền ngôi cho người con thứ ba là Thúc Tề. Khi cha mất, công tử Thúc Tề lại không chịu lên ngôi mà nhường ngôi cho anh cả là công tử Bá Di theo truyền thống quyền huynh thế phụ. Công tử Bá Di không muốn trái mệnh cha cho nên đã trốn đi. Công Tử Thúc Tề thấy vậy cũng bỏ trốn luôn. Triều đình Cô Trúc phải tôn người con thứ hai (em của Bá Di, anh của Thúc Tề) lên ngôi vua. Từ đó về sau, ai cũng khen Bá Di, Thúc Tề là những người có đức nhân. Ở đây, Đức Khổng tử cũng nhận xét như vậy.

Nghe thấy thầy khen ngợi Bá Di, Thúc Tề, Tử Cống đã biết được lòng thầy phần nào. Nhưng để cho chắc ý, Tử Cống hỏi vặn lại xem Bá Di, Thúc Tề có oán hận về lập trường của mình không. Đức Khổng tử phân tích rõ rằng: hai ông tìm điều nhân đức (điều nhân đức của Thúc Tề là tôn trọng quyền huynh thế phụ, điều nhân đức của Bá Di là tôn trọng mệnh cha) và đã cùng sống theo nhân đức thì còn có gì phải oán hận lẫn nhau hay oán hận vì không được làm vua?

Thấy Đức Khổng tử phân giải như vậy, Tử Cống mới chắc được là thầy không giúp Vệ Xuất Công, bởi vì Vệ Xuất Công không giữ đạo hiếu. Hiếu với cha mẹ là một phần quan trọng trong đức nhân vậy. Đức Khổng tử đã khen ngợi Bá Di, Thúc Tề có nhân, lẽ nào lại ủng hộ vua Vệ là kẻ bất nhân.

Tử Cống không hỏi về việc giúp vua Vệ và Đức Khổng tử cũng chẳng nói gì tới vua Vệ; thế mà Tử Cống biết là Đức Khổng tử sẽ không giúp vua Vệ; đó là chỗ tế nhị trong ngôn ngữ của thầy trò Đức Khổng tử và là sự tinh ý của Tử Cống.

15. Đức Khổng tử nói: “Ăn cơm thô sơ, uống nước lã, gấp cánh tay mà gối, cũng có niềm vui trong lòng. Bất nghĩa mà được giàu có lại sang trọng, đối với ta như mây nổi.”

BÌNH GIẢI:

“Ăn cơm thô sơ, uống nước lã, gấp cánh tay mà gối” là hình ảnh biểu trưng của một cuộc sống nghèo nàn. Cơm thô sơ là bữa ăn không có cao lương mỹ vị, cá thịt. Nước lã là nước thiên nhiên, không phải rượu. Gấp cánh tay mà gối là không có cái gối đầu; đồng thời cũng cho thấy là không có chăn ấm, nệm êm, quần áo nhung lụa hay lông cừu. Tuy vậy, Đức Khổng tử vẫn có niềm vui trong lòng, là tại sao? Đó là tại vì ngài có đạo ở trong lòng. Chính đạo, nguồn sống siêu nhiên đã đem lại niềm an vui bất tuyệt cho ngài.

Đức Khổng tử đã từng nói một câu, có lẽ vào thời trai trẻ: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ! – 朝聞道,夕死可矣!” (Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết được rồi!). Mới được nghe nói về đạo thôi mà đã thích thú đến thế; huống chi duy trì được đạo ở trong lòng, ngài còn khát khao gì hơn nữa. Nhờ ôm giữ đạo mà ngài không bao giờ làm những điều bất nghĩa. Bất nghĩa là những điều vi phạm đến tha nhân. Người có đạo bao giờ cũng làm những điều hợp nghĩa; trong đó có nghĩa gia đình, nghĩa bằng hữu, nghĩa đồng bào… Điều nghĩa là mối tương quan tốt đẹp giữa người với người. Những điều bất nghĩa làm sụp đổ những mối tương quan tốt đẹp. Sự giàu có sang trọng thu được do những hành vi bất nghĩa chẳng những đã không tốt đẹp gì, lại còn chẳng bền, không khác gì đám mây trôi nổi, chốc lát sẽ tan. Bất nghĩa khiến cho người ta oán ghét, thù hận. Ai làm điều bất nghĩa là rước lấy tai họa vào mình và còn khiến cho tâm hồn bất an.

16. Đức Khổng tử nói: “Thêm cho ta vài năm, trọn vẹn học Dịch, có thể không lầm lẫn lớn vậy.”

BÌNH GIẢI:

Kinh Dịch là một kỳ thư, ban đầu chỉ có những hào (vạch liền, vạch đứt), những quẻ (tổ hợp của các vạch), do vua Phục Hy (tương truyền sống vào khoảng gần 5.000 năm trước Công nguyên) phác họa ra. Ông đã ngước mắt nhìn bầu trời để rồi thu tóm vạn vật vào hai phạm trù âm dương mà đặt căn bản cho Kinh Dịch.

Kinh Dịch biểu hiện sự giao thoa, đeo đuổi, chuyển hoá, pha trộn, thăng giáng, suy thịnh của hai yếu tố âm dương (được triển khai từ thái cực) để thành tựu nên vạn vật. Khái niệm này tương tự như quan niệm của học thuyết Big Bang ngày nay cho rằng: Vào thời khai nguyên sáng thế, sau một tiếng nổ lớn, từ một thể cực đậm đặc và cực nóng, năng lực triển khai thành các electron (âm) và các proton (dương). Khoảng 300.000 năm sau, các electron tự do quyện vào các proton mà tạo thành cơ sở cho thế giới vật chất.

Đến khoảng thế kỷ 12 trước Công nguyên, Văn Vương là người viết lời giải đoán vắn gọn cho các quẻ (Thoán từ hoặc Quái từ). Thế rồi, con của Văn Vương là Chu Công mới viết lời giải đoán cho các hào (Hào từ).

Kinh Dịch là tinh hoa kiến thức huyền bí vừa có tính mặc khải vừa có tính chiêm nghiệm của các bậc thánh hiền thời cổ. Nó nói về qui luật biến động, thăng giáng, đối kháng, trao đổi, chuyển hoá của các hiện tượng trong vũ trụ vạn vật và nhân sinh; bởi vì tất cả các hiện tượng đó đều không ra ngoài hai phạm trù âm dương. Người nào thông hiểu dịch lý thì có thể hiểu biết sâu xa và tiên liệu các sự việc một cách tương đối chính xác; do đó mà hành động ít lỗi lầm.

Đức Khổng tử đã từng chăm chỉ học Dịch đến nỗi mấy lần đứt cả sợi dây xâu các gáy sách (bằng tre hoặc gỗ). Tuy nhiên ngài vẫn còn muốn có thêm thời giờ để học cho thấu đáo hơn. Có lẽ câu trên được ngài nói vào lúc cuối đời khi cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa. Câu nói này hàm ý khiêm nhượng rằng trong quá khứ, những cách xử lý của ngài cũng chưa thập phần hoàn hảo.

Chữ “tốt” (卒) trong câu này, có học giả bảo nó vốn là hai chữ “ngũ thập” ( 五十 – 50) được viết trệch đi, và dịch là: “Cho ta sống thêm ít năm nữa, tới 50 tuổi nghiên cứu Kinh Dịch, thì có thể không lầm lỗi lớn.”

17. Đức Khổng tử dùng ngôn ngữ chính đính, nói về Kinh Thi, Kinh Thư, hành lễ, đều là ngôn ngữ chính đính.

BÌNH GIẢI:

Ngôn ngữ chính đính là thứ ngôn ngữ thanh nhã, lịch sự, trang trọng dùng để thuyết minh đạo lý. Ngôn ngữ thông tục là những lời nói bình thường trong dân gian, chữ nghĩa mộc mạc. Trong đời sống hằng ngày, người ta thường dùng ngôn ngữ thông tục để trao đổi ý tưởng với nhau để giúp cho những người bình dân ít học dễ hiểu. Tuy nhiên ngôn ngữ thông tục thường quê mùa, cục mịch và có khi không được nhã nhặn thanh tao. Vì vậy, khi nói về Kinh Thi, Kinh Thư với mọi người hay với các học trò, và khi tham dự các nghi lễ tế cúng, Đức Khổng tử đều dùng ngôn ngữ chính đính (ngôn ngữ của giới trí thức) để cho lời nói được trang trọng.

Diệp công hỏi về Đức Khổng tử với Tử Lộ. Tử Lộ không trả lời.

18. Đức Khổng tử nói: “Ngươi sao chẳng nói rằng: Đó là con người, phát tức vì chưa hiểu mà quên ăn, vui vẻ vì hiểu được mà quên lo buồn, không biết tuổi già sắp đến, thế đó!”

BÌNH GIẢI:

Diệp công tức là Thẩm Chư Lương (沈諸粱), làm quan đại phu nước Sở, có thực ấp ở đất Diệp, nên xưng là Diệp công. Ông hỏi Tử Lộ về Đức Khổng tử, có lẽ vào khoảng thời gian Đức Khổng tử du hành tới nước Sở, sau khi rời nước Lỗ ra đi. Tử Lộ không biết nói thế nào về thầy mình cho phải, nên không trả lời.

Nghe vậy, Đức Khổng tử tự giới thiệu về mình cho Tử Lộ biết, để có thể trả lời cho người hỏi. Ngài là người rất ham học hỏi, tìm hiểu về các sự lý trong thiên hạ; khi chưa hiểu thì cảm thấy uất ức mà phải nghĩ cho ra đến nỗi quên cả ăn uống. Khi đã nghĩ ra, có giải đáp cho vấn đề rồi thì ngài vui vẻ đến nỗi quên cả lo buồn. Bởi vì bận tâm tìm hiểu các sự lý và tìm phương hướng giải đáp mà ngài quên luôn thời gian đang trôi qua, không còn ý thức về tuổi già sắp đến nữa.

19. Đức Khổng tử nói: “Ta chẳng phải là người sinh ra đã biết, [chỉ] là ưa thích chuyện xưa, cố gắng tìm hiểu mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử xác định mình không phải là bậc thánh nhân. Thánh nhân là người sinh ra đã biết, không cần học (Sinh nhi tri giả, thánh dã. 生而知 者, 聖也。); còn ngài không phải sinh ra đã biết. Ngài chỉ là người ưa thích chuyện xưa. Ở đây, chuyện xưa chỉ đến những nếp văn hoá, chế độ thời trước. Văn hoá bao gồm cả đạo lý làm người, những kiến thức về qui luật thiên nhiên và những cách thế, những khuôn mẫu xã hội đã được chế tác, sắp đặt khiến cho đời sống mọi người được ổn định, an lành. Văn hoá, chế độ là những tinh hoa mà loài người đã thu đạt, tích lũy được sau nhiều ngàn năm tiến hoá.

Ở Trung Hoa cổ đại, từ thời Tam Hoàng, Ngũ Đế cho đến các triều đại Hạ, Thương, Chu, đã có nhiều thành tựu rực rỡ về văn hoá, chế độ. Đức Khổng tử rất ái mộ những thành quả tốt đẹp này, cho nên mới tự nhận mình là người hiếu cổ. Cả đời ngài đã ra công ra sức tìm hiểu để áp dụng trong việc trị dân và giảng dạy lại cho các đệ tử.

20. Đức Khổng tử không dạy bảo về điều quái lạ, sức mạnh, sự rối loạn và năng lực siêu nhiên.

BÌNH GIẢI:

Điều quái lạ là những việc không bình thường, thật giả khó phân biệt, chú ý vào những điều quái lạ có thể khiến người ta lãng quên đạo lý thường hằng, quên qui luật tự nhiên, không có lợi cho đời sống con người. Đôi khi những điều quái lạ còn đưa đẩy người ta vào tình trạng mê tín dị đoan, có hại cho sự thăng tiến tinh thần, cho sự ổn định xã hội.

Sức mạnh thể chất là năng lực có thể làm mất hoà khí giữa người với người. Ở qui mô lớn, sức mạnh thể chất đưa tới sự áp chế, sự tranh đoạt trong dân chúng, có hại cho nhân nghĩa, làm mất thế quân bình trong các quốc gia.

Sự rối loạn chỉ tất cả những đảo lộn trong các mối tương quan: gia đình, đất nước… Trong gia đình, rối loạn làm phương hại đến tình nghĩa giữa cha mẹ, con cái, anh em, vợ chồng… Trong phạm vi đất nước, rối loạn làm mất trật tự giữa các thứ bậc trên dưới. Do đó, xã hội mất ổn định, xảy ra giặc giã, trộm cướp…

Năng lực siêu nhiên (thần) là những thực tại ở ngoài khả năng lý trí con người. Nói về thần không khéo sẽ đưa đến sự sai lầm, sự hàm hồ, huyền hoặc, khiến người ta có thể hoang mang, hoài nghi. Điều đó có thể phương hại đến chính đạo của người quân tử.

Đức Khổng tử luôn quan tâm đến nhân đạo, là đường lối làm cho con người trở nên trung tín, khôn ngoan, chân thật. Ngài muốn mọi người cư xử tốt với nhau để đất nước được thái bình thịnh trị. Vì thế, ngài không nói tới “quái, lực, loạn, thần” là những vấn đề có thể làm lệch hướng tiến của người quân tử.

Hậu quả của lời nói rất nghiêm trọng, sẽ gây ảnh hưởng khó lường, tốt cũng như xấu. Nhất là lời nói của một bậc thầy, lại càng tác động lâu dài tới muôn thế hệ. Vì thế, Đức Khổng tử rất dè dặt trong ngôn ngữ. Ngài không dạy bảo về “quái, lực, loạn, thần” để cho các học trò được an tâm trong nhân đạo và dần dần thăng tiến lên thánh đạo là đạo lý cực cao của người quân tử. Khi đã đến trình độ cao, người ta sẽ tự hiểu ra và tự lý giải được những vấn đề ấy.

21. Đức Khổng tử nói: “Ba người cùng đi, ắt có thầy của ta [trong đó] vậy. Chọn những điều thuộc về người tốt mà theo, những điều thuộc về người xấu [thì biết] mà sửa đổi.”

BÌNH GIẢI:

Ba người cùng đi chỉ một nhóm người trong đó có mình cùng với hai người nữa. Cũng có người đọc hiểu rộng chữ “ba” chỉ vài người không xác định. Trong hai người đi với mình đó, ắt có người tốt, kẻ xấu; hoặc vừa tốt vừa xấu, tốt về mặt này, xấu về mặt kia.

Dù thế nào chăng nữa, họ vẫn có thể là thầy của mình, nếu mình biết cách học với họ. Nghĩa là chọn những điều thuộc về người tốt mà bắt chước; hoặc là lựa những điều thuộc về người xấu mà sửa đổi. Hoặc trong một người có điều tốt, điều xấu thì mình hãy chọn điều tốt mà theo; xét thấy mình có điều xấu như vậy thì sửa đổi.

Thông thường, người ta chỉ thấy được cái tốt, cái hay của mình mà không thấy được cái xấu, cái dở của mình. Nay thấy cái xấu, cái dở của người, chính là cơ hội thuận tiện để cho mình nhận ra cái xấu của mình. Như vậy, người tốt kẻ xấu đều có thể là thầy của mình; bởi vì họ đã tạo cơ hội cho mình biết theo điều tốt và bỏ điều xấu.

22. Đức Khổng tử nói: “Trời sinh đức ở ta; Hoàn Khôi làm gì ta được?”

BÌNH GIẢI:

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, trên đường chu du liệt quốc, Đức Khổng tử đến nước Tống và giảng về lễ cho các đệ tử dưới một gốc cây lớn. Quan Tư Mã (phụ trách Bộ Binh) nước Tống là Hoàn Khôi có lẽ sợ ngài gây ảnh hưởng mà chiếm mất quyền bính của mình, cho nên sai người chặt cây đó, có ý hăm doạ muốn giết ngài. Đức Khổng tử ra đi và nói với các đệ tử: “Trời sinh đức ở ta, Hoàn Khôi làm gì ta được?” Câu nói này thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào Trời và tin vào đức ngay thẳng của mình có thể hoá giải được mối nguy. Niềm tin đó hàm ý rằng: khi mình đã có hành vi thất đức thì sớm muộn sẽ bị Trời hại, nếu mình có đức, Trời sẽ không hại, trái lại, còn nâng đỡ. Trời đã không hại thì ai có thể hại được?

Khi ở nước Vệ, Tử Lộ đã từng tỏ ý bất bình với Đức Khổng tử về việc ra mắt nàng Nam Tử. Ngài đã thề: “Ta có điều gì không phải, Trời ghét ta, Trời ghét ta!” Câu nói ấy cũng thể hiện một niềm tin như ở trường hợp này.

23. Đức Khổng tử nói: “Các học trò cho ta giấu diếm chăng? Ta không giấu diếm gì cả; ta không làm điều gì mà không cho các trò hay biết. Khâu này là vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, Đức Khổng tử dạy các học trò không có giáo trình rõ rệt như ngày nay. Ngài tùy theo trình độ của mỗi học trò mà nói về một đề tài nào đó; hoặc đưa ra lý giải cho một vấn đề cũng tùy theo trình độ cao thấp, tùy theo ngay cả sở thích của mỗi người. Vì không có sự thống nhất trong lời giảng như vậy, cho nên có một số học trò tưởng rằng thầy không dạy bảo hết, hoặc không dạy công khai, cho người này biết mà giấu người kia; hoặc có những điều thầy còn giấu giếm, chưa tiết lộ hết.

Câu nói trên là lời thanh minh của Đức Khổng tử đối với các học trò. Sở dĩ có sự hiểu lầm như vậy vì cái học trong Khổng môn rất rộng rãi, bao quát từ nhân đạo sang thiên đạo và lên thánh đạo. Tất cả những đề tài đó được thu gom thành hai phần: Hình nhi hạ học và Hình nhi thượng học.

Hình nhi hạ học nói về đạo lý trong cõi nhân sinh gồm có: đường lối và cách ứng xử của người quân tử, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, lễ nhạc, v.v. Trong đó có: tam cương (quân thần, phụ tử, phu phụ), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), đạo hiếu kính và thập nghĩa…

Hình nhi thượng học nói về vũ trụ quan và nhân sinh quan, bàn về những vấn đề siêu hình như: khởi nguyên vũ trụ và đạo dịch, đức sinh, tính, mệnh, đạo trung dung, đức nhân, đức thành, thiên mệnh, thiên nhân tương ứng, quỉ thần, sinh tử…

Có những điều huyền vi mà Đức Khổng tử chỉ nói vắn gọn, thấp thoáng…

Đó là cái học tâm truyền dành cho những học trò có thượng căn, thiết tha với đạo như Nhan Hồi, Tăng Sâm… Đức Khổng tử không hề giấu, nhưng đối với các học trò căn khí thấp, không hiểu được những lẽ huyền nhiệm cao siêu, lại tưởng là ngài đã giấu.

24. Đức Khổng tử dạy về bốn môn: Văn học, đức hạnh, trung thành, niềm tin.

BÌNH GIẢI:

Trong Khổng môn, văn học chỉ đến những bản văn cổ còn lưu lại từ những thời đại trước, bao gồm các điển tịch như:

– Kinh Thi: những bài hát trong dân gian và trong triều đình (Quốc Phong, Tiểu Nhã, Đại Nhã… )

– Kinh Thư: những truyền ngôn về phép trị nước của các vua và các hiền thần đời Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ, Thương, Chu.

– Kinh Lễ: các lễ nghi trong triều đình và trong dân gian.

– Kinh Nhạc: âm nhạc và công dụng của âm nhạc (nhạc Thiều, nhạc Võ).

– Kinh Dịch: qui luật biến dịch trong vũ trụ và nhân sinh (Thoán từ, Hào từ… ).

Ngoài ra, văn học còn chỉ lục nghệ: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số.

Đức hạnh là những năng lực tinh thần và những hành vi tốt. Năng lực tinh thần tốt thuộc về tâm ý gọi là đức. Hành vi tốt được phô diễn ra cử chỉ, việc làm gọi là hạnh.

Trung thành là sự hết lòng (tận tâm) trong chính đạo. Vua thì hết lòng phục vụ dân; bề tôi hết lòng theo mệnh vua.

Niềm tin là lòng thành thật, không dối trá; lời nói và việc làm đi đôi với nhau để tạo nên mối giao hảo liên kết giữa mọi người.

25. Đức Khổng tử nói: “Bậc thánh nhân, ta không được thấy; được thấy bậc quân tử, ấy là khá rồi. Bậc thiện nhân, ta không được thấy; được thấy bậc hữu hằng, ấy là khá rồi. Không có mà cho là có, trống rỗng mà cho là đầy đủ, thiếu thốn mà cho là thừa thãi, khó là bậc hữu hằng được.”

BÌNH GIẢI:

Bậc thánh nhân là người hiểu thấu và liên kết được ba tài năng thiên, địa, nhân; trong đó tài nhân được thể hiện hết mức. Tài thiên là năng lực che chở phổ biến của Trời (cụ thể là ánh sáng và dưỡng khí). Tài địa là năng lực bảo dưỡng của đất. Tài nhân là năng lực sáng tạo, phục vụ con người.

Đồng thời, bậc thánh nhân lại có khả năng tiếp thu chân lý vĩnh hằng và có khả năng truyền đạt chân lý cho mọi người. Một con người như vậy quả là hiếm hoi trong lịch sử nhân loại. Dĩ nhiên vào thời Xuân Thu, Đức Khổng tử không được thấy bậc ấy. Trong sách Trung dung (chương 27) Tử Tư tiên đoán: Phải đợi có vị thánh nhân ấy rồi đạo mới được thực hành sau. (Đãi kỳ nhân nhi hậu hành – 待其人而後行。)

Bậc thiện nhân là người duy trì được đức nhân trong lòng, lại thường lấy việc thi hành điều thiện, tránh xa điều ác làm mục đích (Dĩ nhân tồn tâm, nhi năng hành thiện vô ác đích nhân.). Con người ấy không dễ có; Đức Khổng tử cũng chưa được thấy. Tuy nhiên, ngài xác nhận được thấy bậc quân tử và bậc hữu hằng; ngài cho đó là điều hân hạnh rồi.

Bậc quân tử là người một lòng hướng theo chính đạo, thường xuyên tu sửa chính mình để mỗi ngày một tiến lên con người lý tưởng. Ngoài xã hội, người quân tử có thể đảm đương chức vụ lãnh đạo quốc gia (quân); trong gia đình, người quân tử là một người con hiếu thảo, hoà thuận (tử).

Bậc hữu hằng là người lấy đạo thường hằng làm mục đích (thủ thường hữu vi đích nhân), cho nên thành thật, trung chính, có sao nói vậy, không thêm bớt, sống giữa xã hội đảo điên mà giữ được tiết tháo, thẳng ngay. Đức Khổng tử giảng rõ: Người không có khả năng mà nhận mình có, không hiểu biết mà tự cho rằng biết đầy đủ, thiếu sót đủ điều mà tự cho rằng mình thừa thãi; người ấy là loại hữu danh vô thực, giả dối, khoác lác (thùng rỗng kêu to), làm sao có thể là bậc hữu hằng được. Trong Tân Ước, Đức Giêsu nói: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm điều đặt chuyện là do ma quỉ mà ra.” Ma quỉ là những lực xấu xa lôi kéo người ta ra khỏi chính đạo.

Đức Khổng tử nói như thế là muốn cho các đệ tử lấy bậc quân tử, hữu hằng làm mẫu mực. Đạt tới bậc quân tử, hữu hằng rồi, cố gắng trọn đời thì có thể tiến tới bậc thiện nhân và thánh nhân. Xã hội mà có nhiều bậc quân tử, hữu hằng đã là một xã hội tương đối tốt đẹp, ổn định rồi.

26. Đức Khổng tử câu cá mà không chài lưới; bắn mà chẳng bắn chim yên ngủ.

BÌNH GIẢI:

Câu này nói lên từ tâm của Đức Khổng tử, đồng thời xác nhận ngài không làm nghề đánh cá hay săn bắn chim thú. Đã vào nghề đánh cá thì phải dùng chài lưới để bắt cho được nhiều cá. Đã vào nghề săn bắn thì phải bắn cho được nhiều chim thú. Đằng này Đức Khổng tử chỉ câu cá và bắn chim cốt để giải trí, cho nên không dùng lưới bắt nhiều cá và chỉ bắn chim tỉnh thức hay đang bay. Hành động của ngài thể hiện từ tâm vì không muốn đa sát. Chài lưới cá cho được nhiều thì loài cá khó bề sinh sản; bắn con chim đang ngủ thì nó không biết đường tránh né.

27. Đức Khổng tử nói: “Vốn có người không biết mà cứ làm, ta thì không phải vậy. Nghe nhiều, chọn lấy điều thiện mà theo; xem nhiều mà ghi nhớ lấy, cái biết ấy là hạng dưới thôi.”

BÌNH GIẢI:

Trong thiên hạ, có vô số người không biết mà cứ làm càn; vì thế đã có biết bao sự sai trái, biết bao tai họa diễn ra trong lịch sử loài người. Đức Khổng tử vốn khiêm nhượng, tự biết mình không phải bậc thánh. Bậc thánh sinh ra đã biết, không cần học; còn ngài chỉ là người hiếu học. Học tức là nghe biết nhiều để chọn lấy điều hay, điều tốt mà thi hành; quan sát nhiều để thu góp kiến thức mà vận dụng khi cần. Đức Khổng tử ham học, do học mà biết rộng; cho nên cái biết của ngài chỉ là hạng dưới, đứng sau cái biết cao hơn của bậc thánh.

28. Người làng Hỗ khó nói điều phải cho họ nghe theo. Có một thiếu niên [người làng ấy] ra mắt, các đệ tử đều ngờ vực. Đức Khổng tử nói: “[Ta] tán thành sự thăng tiến của họ, không tán thành sự thối lui của họ, cần gì phải thái quá? Người ta tự sửa mình để thăng tiến, thì [ta] hưởng ứng sự sửa trị của họ, không cần truy cứu quá khứ của họ.”

BÌNH GIẢI:

Làng Hỗ là một làng có thói quen làm điều xấu, khó lòng nói điều thiện với họ. Có một thiếu niên làng ấy đến ra mắt Đức Khổng tử xin học; các đệ tử của ngài có ý ngờ vực thiện chí của thiếu niên ấy, không muốn tiếp nhận.

Thấy vậy, Đức Khổng tử bày tỏ lập trường của ngài: Thấy người ta có ý thăng tiến thì phải tán thành thiện chí ấy, chứ đâu phải mình tán thành sự thối hoá của người ấy. Vì sao lại khắt khe thái quá? Người ta đã biết tự sửa trị, tìm cơ hội thăng tiến thì mình phải hưởng ứng, khích lệ và giúp người ta thăng tiến; không cần phải truy cứu đến quá khứ xấu của người ta.

Cố chấp một thành kiến và cứng nhắc trong một cách cư xử là thái độ thường tình của người đời. Bậc quân tử sống trong đức nhân cần phải có tâm tư khoáng đạt, độ lượng với người để giúp người cải thiện.

29. Đức Khổng tử nói: “Đức nhân có ở xa chăng? Ta muốn đức nhân thì đức nhân đến vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho quan niệm đức nhân là năng lực tốt lành vốn tiềm tại ở trong lòng mỗi người. Sách Trung dung nói: “Nhân giả nhân dã – 仁者人也。 (Người có đức nhân là con người đích thực vậy.” Người nào thực hiện được đức nhân, biểu hiện trong ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, người ấy trở nên bậc hiền thánh. Sống trong đức nhân là sống trong đạo Trời đó thôi. Như thế, đức nhân đâu ở xa xôi gì! Nếu ta thực lòng muốn nhân thì đức nhân ắt đến ngay lập tức.

Muốn đức nhân xuất hiện, chỉ cần xoay hướng lòng muốn. Nếu lòng muốn hướng về ngoại vật, chạy đuổi theo những tham vọng thế tục như: tiền tài, sản nghiệp, danh vọng, địa vị, quyền bính, sắc đẹp, tiện nghi vật chất… ắt đức nhân bị chôn vùi mất. Phát triển lòng muốn hướng ra ngoại vật, ấy là khuếch đại lòng tham. Lòng tham sẽ kéo theo sự sân hận, khi lòng tham không được như ý. Tham và sân kết hợp khiến cho lòng si (mê muội) bao trùm hết cả tâm thức con người. Bấy giờ, đức nhân như nàng tiên trong huyền thoại ngủ thiếp giữa rừng sâu, không thể tỉnh dậy được. Như vậy, muốn có đức nhân thì người ta chỉ cần giải trừ dần dần những dục vọng hướng ngoại, như chặt bỏ những tàn cây rậm rạp trong rừng. Lúc ấy, đức nhân sẽ tự hồi tỉnh, như nàng tiên được giải mê. Đức nhân cũng có thể ví như kho báu được tổ tiên chôn trong ruộng nhà, nay ta chỉ cần cầm xẻng đào xới sâu xuống đúng chỗ sẽ thấy.

Đức nhân không phải từ đâu đến mà chỉ xuất hiện tại tâm con người. Khi đức nhân hiển hiện nơi một người thì chân lý sẽ tỏa sáng trong người ấy, khiến cho người ấy được an vui và làm bất cứ điều gì cũng hợp lẽ đạo.

30. Đức Khổng tử nói: “Đức nhân có ở xa chăng? Ta muốn đức nhân thì đức nhân đến vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đạo Nho quan niệm đức nhân là năng lực tốt lành vốn tiềm tại ở trong lòng mỗi người. Sách Trung dung nói: “Nhân giả nhân dã – 仁者人也。 (Người có đức nhân là con người đích thực vậy.” Người nào thực hiện được đức nhân, biểu hiện trong ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi, người ấy trở nên bậc hiền thánh. Sống trong đức nhân là sống trong đạo Trời đó thôi. Như thế, đức nhân đâu ở xa xôi gì! Nếu ta thực lòng muốn nhân thì đức nhân ắt đến ngay lập tức.

Muốn đức nhân xuất hiện, chỉ cần xoay hướng lòng muốn. Nếu lòng muốn hướng về ngoại vật, chạy đuổi theo những tham vọng thế tục như: tiền tài, sản nghiệp, danh vọng, địa vị, quyền bính, sắc đẹp, tiện nghi vật chất… ắt đức nhân bị chôn vùi mất. Phát triển lòng muốn hướng ra ngoại vật, ấy là khuếch đại lòng tham. Lòng tham sẽ kéo theo sự sân hận, khi lòng tham không được như ý. Tham và sân kết hợp khiến cho lòng si (mê muội) bao trùm hết cả tâm thức con người. Bấy giờ, đức nhân như nàng tiên trong huyền thoại ngủ thiếp giữa rừng sâu, không thể tỉnh dậy được. Như vậy, muốn có đức nhân thì người ta chỉ cần giải trừ dần dần những dục vọng hướng ngoại, như chặt bỏ những tàn cây rậm rạp trong rừng. Lúc ấy, đức nhân sẽ tự hồi tỉnh, như nàng tiên được giải mê. Đức nhân cũng có thể ví như kho báu được tổ tiên chôn trong ruộng nhà, nay ta chỉ cần cầm xẻng đào xới sâu xuống đúng chỗ sẽ thấy.

Đức nhân không phải từ đâu đến mà chỉ xuất hiện tại tâm con người. Khi đức nhân hiển hiện nơi một người thì chân lý sẽ tỏa sáng trong người ấy, khiến cho người ấy được an vui và làm bất cứ điều gì cũng hợp lẽ đạo.

31. Đức Khổng tử cùng với người hát mà thấy hay, ắt yêu cầu hát lại để họa theo sau.

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử là người hiếu học và không hề tự tôn. Đức tính ấy thể hiện cả trong lúc ca hát với người. Thấy người hát hay thì ngài yêu cầu người ta hát lại, ngài họa theo sau cốt để học cái nghệ thuật hát của người và bắt chước cho tường tận.

32. Đức Khổng tử nói: “Văn học chẳng gì ta cũng như người; đem mình làm người quân tử, thì ta chưa đạt được.”

BÌNH GIẢI:

Về văn học, tức là môn học bao gồm kinh điển, thư tịch và lục nghệ (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), Đức Khổng tử cho rằng mình cũng khả dĩ bằng được người khác. Tất cả những thứ đó thuộc về kiến thức; nếu chăm chỉ học tập thì có thể đạt được, không khó. Tuy nhiên, thi hành đạo lý để trở nên một bậc quân tử đúng nghĩa, Đức Khổng tử tự cảm thấy mình chưa đạt được. Đây là một lời nói khiêm nhượng, chứng tỏ ngài rất thành thật. Chính ở điểm này thôi, Đức Khổng tử đã xứng đáng làm thầy các đệ tử.

33. Đức Khổng tử nói: “Ví bằng bậc thánh và bậc nhân thì ta sao dám? Chẳng qua thực hành đường lối của thánh nhân, dạy người không mỏi mệt, có thể được như thế mà thôi.

Công Tây Hoa nói: “Chính là những việc ấy mà đệ tử không thể học theo được.”

BÌNH GIẢI:

Bậc thánh là người đã đạt mức lý tưởng, kết hiệp với Trời. Theo sách Trung dung thì thánh nhân là bậc đã “phối Thiên” (配天) (sánh với Trời).[13] Bậc nhân là con người hoàn thiện, đỉnh cao của bậc quân tử, thực hiện được Thiên mệnh, phát huy tính bản nhiên tinh tuyền.

Với hai bậc ấy (tuy hai mà một), Đức Khổng tử không dám sánh, vì ngài chưa đạt tới. Ngài chỉ tự nhận mình nỗ lực thực hành theo đường lối của bậc thánh, bậc nhân và tha thiết với việc giáo huấn người khác không biết mỏi mệt. Thực hành theo đường lối của bậc nhân, bậc thánh là đang tiến bước trên đường hoàn thiện, là thăng tiến theo chiều cao. Tha thiết giáo huấn người khác là thể hiện tình thương yêu tha nhân, là tiến hoá theo chiều ngang. Phát triển gồm đủ cả hai chiều dọc ngang là thực hiện sứ mệnh con người trong vũ trụ.

Ở đây, Đức Khổng tử lại tỏ ra rất thành thật và khiêm nhượng; có sao nói vậy. Tuy nhiên, một đệ tử của ngài là Công Tây Hoa (tức Tử Hoa) nhận xét rằng, chỉ với hai điều đó thôi, hai điều cốt lõi của đạo làm người, và cũng chính là đạo làm thánh nếu thành tựu, các đệ tử đã không có thể theo kịp được đức hạnh của thầy.

34. Đức Khổng tử đau nặng. Tử Lộ xin cầu cúng.

Đức Khổng tử nói: “Có chăng?”

Tử Lộ đáp: “Thưa có. Sách Lụy nói: ‘Cầu xin cho ngươi với thần thánh trên dưới.’”

Đức Khổng tử nói: “Khâu này cầu xin đã lâu rồi.”

35. BÌNH GIẢI:

Tục cầu cúng thần linh để xin cho được khỏi bệnh hay khỏi các tai họa vốn đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Sách Lụy là một cổ thư chép các bài văn cúng tế đã có từ đời Chu Văn Vương. Điều đó chắc hẳn Đức Khổng tử đã biết.

Ngài hỏi Tử Lộ chẳng qua tạo cơ hội cho Tử Lộ hiểu rõ cách hành xử của người quân tử, nếu quả thực Tử Lộ chưa hiểu ra.

Người quân tử sống trong đạo Trời lúc nào cũng lo sửa mình, sám hối những lỗi lầm đã qua và cố gắng tiến lên bậc nhân đức. Tư tưởng và nếp sống của người quân tử hằng ngày như thế nào, hẳn thần linh đã biết. Đâu phải đợi cầu cúng van xin thì thần linh mới giáng phúc cho! Còn bệnh tật và các tai họa ở đời là lẽ thường trong cõi nhân sinh. Khỏe mạnh hay đau ốm hầu hết là do người ta biết sống trong đạo Trời hay trái đạo Trời (qui luật thiên nhiên). Những việc họa phúc trong đời đa số cũng do con người. Tất cả đều theo luật nhân quả, đều có nguyên nhân.

Hơn nữa, trong họa có phúc, trong phúc có họa lại là định luật phản phục của Dịch lý. Người khôn ngoan và đạo đức có thể lánh họa chiêu phúc, nếu vụng về và thất đức có thể gặp họa mất phúc là thường. Người quân tử phải biết nhìn xa và tính trước, đâu phải đợi nước đến chân mới nhảy, bệnh tình lâm nguy mới cầu xin.

Còn những điều họa phúc đến ngoài khả năng phấn đấu, toan tính của con người thì đó là Mệnh; con người không thể biết, không thể bàn được. Cái Mệnh đến bước phải chết, thì không thể cầu xin được. Mà có khi chết lại là cách giải thoát tốt đẹp cho con người, hoặc hơn nữa, có khi đem ơn ích cho nhiều người. Một người cha chết có khi hoà giải được mối hận thù giữa các anh em. Một người con chết có khi hàn gắn được sự sứt mẻ tình cảm giữa cha mẹ… Có những cơn bệnh hết sức ngặt nghèo, thập tử nhất sinh, thế mà người bệnh lại qua khỏi được; sau khi qua khỏi người ấy lại thấy được sức khỏe hơn xưa… Mệnh là như thế, cho nên không được bắt Mệnh phải theo ý mình.

Đức Khổng tử hiểu như thế, vì vậy ngài không cần phải làm lễ cầu cúng theo lời khuyên của Tử Lộ. Ngài biết rằng sống trong chính đạo tức là cầu xin rồi; do đó ngài mới nói: “Khâu này cầu xin đã lâu rồi.”

36. Đức Khổng tử nói: “Xa xỉ thì chẳng nhún nhường; tằn tiện thì quê mùa. Mang tiếng chẳng nhún nhường, thà quê mùa còn hơn.”

BÌNH GIẢI:

Xa xỉ tức là hoang phí trong cách ăn mặc, chi tiêu. Người có tính xa xỉ thường hay tự hào, kiêu ngạo, khinh rẻ người khác. Tằn tiện tức là tiết kiệm trong ăn mặc, chi tiêu; dĩ nhiên không được rộng rãi trong sự tiếp đãi người khác. Người tằn tiện thường bị mang tiếng chặt chẽ, quê mùa, kém hào phóng với mọi người. Cân nhắc hậu quả của hai tính ấy, Đức Khổng tử thà chịu tiếng quê mùa còn hơn là mang tiếng kiêu ngạo.

Ngoài ra, tằn tiện thì ít lệ thuộc vào người khác; còn xa xỉ dễ đưa đến túng thiếu; túng thiếu thì phải lệ thuộc.

37. Đức Khổng tử nói: “Người quân tử thảnh thơi phóng khoáng; kẻ tiểu nhân thường hay phải lo lắng.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử để chí hướng vào đạo, phát triển đức nhân nơi mình, ít lưu tâm đến những chuyện nhỏ nhặt thường ngày, do đó không bị vướng mắc vào chuyện tranh cạnh hơn thua.

Người quân tử hiểu rõ những nhược điểm nơi tâm hồn mình cũng như tâm hồn người, vì thế sẵn sàng thông cảm, tha thứ cho người, có lượng bao dung tất cả. Bởi vậy, tâm hồn người quân tử luôn được thảnh thơi phóng khoáng.

Kẻ tiểu nhân thường chú tâm nhiều vào vật lợi. Lợi đưa đến cạnh tranh, tỵ hiềm, ghen ghét, dẫn theo nhiều dục vọng. Cho nên tâm hồn tiểu nhân luôn khao khát, thèm muốn. Vì cạnh tranh nên có nhiều kẻ thù, phải lo đối kháng, chống cự; vì khao khát thèm muốn mà tâm hồn luôn xốn xang, đòi hỏi. Do đó, kẻ tiểu nhân thường hay phải lo lắng, sợ sệt, buồn phiền, bất mãn.

38. Đức Khổng tử ôn hoà mà nghiêm trang, oai vệ mà không hung dữ, cung kính mà yên bình.

BÌNH GIẢI:

Câu này là lời của các đệ tử mô tả về dáng mạo bên ngoài của Đức Khổng tử. Dáng mạo bên ngoài biểu hiện tâm hồn. Ngài sống trong thiên đạo, hướng về thánh đạo và chú tâm phát triển nhân đạo, nên có dáng mạo ôn hoà mà không nhu nhược, có vẻ oai vệ mà không hung dữ, có vẻ cung kính, tôn trọng mọi người mà không có nét quị lụy, yếu hèn.

Tất cả những dáng mạo đó là do có đạo làm nền tảng trong tâm hồn. Đạo là một thực tại siêu hình, uy linh cho nên tạo ra nét nghiêm trang, oai vệ mà nhân từ, cung kính trong giao thiệp mà được vững vàng thư thái trong giá trị của mình. Những người tầm thường thiếu đạo chủ trì tại tâm thì không thể đạt được như thế.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x