Trang chủ » Luận ngữ – Chương 9 – Tử Hãn

Luận ngữ – Chương 9 – Tử Hãn

by Hậu Học Văn
756 views

TỬ HÃN ĐỆ CỬU

1. Đức Khổng tử ít nói về điều lợi, cùng với mệnh và đức nhân.

BÌNH GIẢI:

Điều lợi ở đây chỉ những gì thuộc về của cải, tài sản, có liên hệ tới đời sống vật chất. Đa số mọi người đều tham lợi, đều muốn tranh thủ cho mình nhiều mối lợi. Vì thế, điều lợi chính là đầu mối sinh ra những sự tranh chấp trong gia đình, ngoài xã hội. Do đó, chữ lợi (利) được kết hợp bởi chữ hoà (禾) và chữ đao (刂). Chữ hoà (禾) có nghĩa là lúa, chỉ của cải, vì trong xã hội nông nghiệp ngày xưa thì lúa thóc là tài sản quan trọng nhất. Chữ đao (刂 hay 刀) có nghĩa là con dao, chỉ sự tranh giành bằng vũ lực, sát phạt lẫn nhau, vì thuở xưa gươm đao là những vũ khí chính trong chiến tranh. Trong quan hệ xã hội, người này được lợi nhiều thì những người khác sẽ bị thiệt nhiều. Nước này muốn nhiều lợi sẽ xảy ra tình trạng xâm lấn nước kia.

Nói nhiều về lợi tức là khuếch đại thêm tham vọng sẵn có trong lòng người. Đức Khổng tử muốn cho nhà nhà đều được an vui, mọi quốc gia xã hội đều được ổn định, thái bình, đạo đức được đề cao, cho nên ngài ít nói về điều lợi với học trò.

Mệnh có thể được hiểu theo bốn nghĩa:

– Mệnh là Thiên mệnh, cái phần Trời ban cho mỗi người. Theo sách Trung Dung: “Thiên mệnh chi vị tính – 天命之謂性 (Mệnh Trời ban gọi là tính.” Đó là tính bản nhiên, tinh tuyền, đơn sơ, thánh thiện, tiềm tàng trong lòng người. Vì người ta hướng chiều về ngoại vật quá nhiều mà Thiên mệnh bị chôn vùi đi.

– Mệnh là ý chí của Trời. Vũ trụ vạn vật được triển khai và tiến hoá theo những định luật nào là do Mệnh.

– Mệnh là sứ mệnh, là phần vụ Trời trao cho mỗi người để phát huy tài năng tốt đẹp trong cõi đời. Do đó sách Trung Dung nói: “Cư dị dĩ sĩ mệnh -居易以俟命” (Sống đơn sơ để đợi mệnh.)

– Mệnh còn chỉ số mệnh con người phải gánh chịu theo luật nhân quả. Gieo nhân tốt sẽ được số mệnh tốt. Gieo nhân xấu sẽ gặt số mệnh xấu.

Cả bốn nghĩa trên của chữ mệnh đều thuộc phần Hình nhi thượng học, là phần uyên áo, cao siêu trong Nho giáo. Đó là những điều rất khó giải thích bằng ngôn ngữ cho đại chúng; chỉ người có trình độ chiêm nghiệm sâu sắc mới có thể cảm nghiệm được. Vì thế, Đức Khổng tử ít khi nói về mệnh với những học trò có trình độ từ trung bình trở xuống.

Nhân là đức nhân, một đức hạnh nền tảng của người quân tử, đứng đầu trong đạo lý ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Tu tập đầy đủ đức nhân, thêm đức thành nữa thì người quân tử trở nên bậc thánh hiền, phối hợp với Trời (phối thiên). Đức nhân cũng thuộc về Hình nhi thượng học (Siêu hình học), khó dùng ngôn ngữ mà diễn đạt cho thấu đáo.

Mệnh và nhân thuộc về cái học tâm truyền, chỉ dành cho những đệ tử có năng khiếu đặc biệt, có chí hướng trở nên thánh hiền. Đó là lý do Đức Khổng tử ít đề cập đến với học trò.

2. Một người ở xóm Đạt Hạng nói: “Lớn lao thay thầy Khổng! Học rộng mà không nên danh tiếng ở một chỗ nào.”

Đức Khổng tử nghe thấy thế, bảo đệ tử của mình rằng: “Ta giữ chỗ nào? Giữ đánh xe chăng? Giữ bắn cung chăng? Ta giữ chỗ đánh xe vậy.”

BÌNH GIẢI:

Người ở xóm Đạt Hạng nói ra câu trên có vẻ tiếc cho cái tài đức của Đức Khổng tử. Chữ “đại” (lớn lao) hàm ý đầy đủ cả tài lẫn đức. Sở học của ngài rộng rãi, thông hiểu nhiều vấn đề, thế mà không có một chỗ đứng nào rõ rệt để nên danh tiếng với đời, để thành tựu một sự nghiệp gì!

Nghe thấy người ta thuật lại lời ấy, có lẽ Đức Khổng tử cảm khái cho thân phận của mình; cho nên ngài mới nhún nhường mà rằng: “Ta giữ chỗ nào? Giữ đánh xe chăng? Giữ bắn cung chăng?” Lời nói trên đã bao hàm ý tứ xót xa cho thân phận một bậc quân tử có tài kinh bang tế thế. Giữ nghề đánh xe thì phải làm tôi người; đó là một nghề mạt hạng. Giữ nghề bắn cung là đứng ở thân phận võ biền, đâu hợp với người quân tử. Thôi thì cùng lắm phải giữ nghề đánh xe mạt hạng để nuôi thân chứ sao!

Tuy nhiên, nghề đánh xe cũng như nghề lái đò lại hàm nghĩa một nghề cao quí: đó là nghề thầy của thiên hạ, dẫn đường cho mọi người hướng đến chân lý.

Ôi! Tâm sự của một kẻ sĩ “bất phùng thời” mới khiêm nhượng và cao cả làm sao!

3. Đức Khổng tử nói: “Mũ bằng gai, đó là lễ. Ngày nay làm bằng tơ, ít tốn. Ta theo số đông. Lạy thì ở dưới, đó là lễ. Ngày nay, lạy ở trên, đó là kiêu mạn. Tuy trái với số đông, ta theo ở dưới.”

BÌNH GIẢI:

Ngày xưa, theo nghi lễ, mũ miện dùng trong khi tế hoặc chầu vua được dệt bằng gai. Vào thời Đức Khổng tử, người ta thay mũ gai bằng mũ dệt bằng tơ, ít tốn kém hơn. Vì thế, Đức Khổng tử theo số đông, cũng dùng mũ bằng tơ. Đó là nghĩa lý tùy thời thay đổi. Sự thay đổi đó không làm mất ý nghĩa của lễ, lại còn có lợi.

Cũng theo nghi lễ ngày xưa, khi vào chầu vua, các quan lạy ở dưới thềm. Vào thời Đức Khổng tử, các quan không còn lạy ở dưới thềm nữa, mà bước lên bậc trên mới lạy. Trong trường hợp này, Đức Khổng

tử không theo số đông, vì ngài cho như thế là kiêu mạn. Ngài vẫn lạy ở dưới thềm theo lễ xưa để bày tỏ sự tôn kính.

Như thế, đối với Đức Khổng tử, nghĩa lý tùy thời không nhất thiết phải bắt chước theo số đông trong mọi trường hợp. Có khi nên theo thời, có khi không nên theo. Theo mà tốt hơn thì theo; theo mà xấu hơn thì không theo.

4. Đức Khổng tử dứt được bốn điều: không ý riêng, không quyết hẳn, không cứng chắc, không có mình.

BÌNH GIẢI:

Câu trên là lời nhận xét của các đệ tử về Đức Khổng tử, người thầy của họ. Có lẽ câu này được nêu ra vào giai đoạn cuối đời của Đức Khổng tử, khi ngài đã thành tựu nhân cách của một bậc hiền triết.

Chấm dứt được bốn điều trên hẳn là phải trải qua một công trình học hỏi và tu tập lâu dài. Người thường không dễ gì dứt được một điều, chứ nói chi đến dứt được cả bốn điều. Nhất là đối với người có địa vị, có chức quyền trong xã hội, việc dứt bỏ bốn điều trên lại càng khó khăn gấp bội.

– Không ý riêng (vô ý) tức là không đem ý kiến riêng tư của mình để áp đặt cho một số đông; trái lại lấy ý kiến số đông là ý kiến mình, là ý kiến mà mình phải tuân theo. Đó là Đức Khổng tử có tinh thần dân chủ. Đó là sự khôn ngoan, bởi vì ý kiến số đông thường là thích hợp cho quyền lợi chung, tránh được chủ quan, thiên lệch.

– Không quyết hẳn (vô tất) tức là quan điểm tùy thời hành động, tùy cảnh sinh hoạt. Người thực sự hiểu biết sâu sắc là người hiểu rõ về lẽ biến dịch của đạo trời trong thiên nhiên vạn vật. Kinh Dịch nói: “Vi đạo dã lũ thiên, biến động bất cư, chu lưu lục hư, thướng há vô thường, cương nhu tương dịch, bất khả vi điển yếu, duy biến sở thích.”

– (Đạo Dịch biến thiên luôn luôn, dời đổi không ngừng, xoay tròn sáu cõi, lên xuống không chừng, cứng mềm trao đổi; không thể là mẫu mực chắc chắn, chỉ có biến hoá để thích ứng.) (Hệ từ hạ, 8). Một khi đã không có mẫu mực chắc chắn, mà cần phải biến hoá để thích ứng thì người ta, dù là thánh nhân, không thể quyết hẳn là nên hay không nên, phải hay không phải. Sự thành công hay thất bại ở trong đời phụ thuộc ở chỗ giỏi thích nghi cho hợp cảnh, hợp thời mà thôi. Cũng một cách hành động như nhau mà có khi thành, có khi bại, chỉ vì thích hợp hay không thích hợp. Vì vậy, không thể hành động lúc nào cũng giống nhau được; đó là lý do không thể quyết hẳn.

– Không cứng chắc (vô cố) tức là không đứng hẳn trong một lập trường nào, trong một tư thế nào; trái lại, linh động mềm dẻo trong cách hành xử. Cây tre, cây sậy sở dĩ không bị gãy trước cuồng phong vì biết đong đưa theo gió. Vì thế, không cứng chắc nghĩa là “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không biến thích ứng với muôn vàn cái biến), biết duy trì đạo trời mà thiên biến vạn hoá để thích ứng với mọi tình huống trong đời. Thiên biến vạn hoá như mây trôi, nước chảy mới có thể thấm nhập vào đá cứng, gỗ bền…

– Không có mình (vô ngã) tức là biến mình ra không, không dùng cái ta để ngăn trở lẽ phải, để chặn đứng đà tiến hoá của đại cuộc, không nêu cái ta ra để khiến người khác phải bực mình. Đó là khiến mình trở nên nhỏ nhít, bé mọn…

Gạt bỏ được bốn chữ ý, tất, cố, ngã để thành tựu bốn chữ vô; như thế, vào cuối đời có thể nói Đức Khổng tử đã cùng với Lão Tử thi hành triết lý vô vi đó vậy.

5. Đức Khổng tử gặp việc sợ sệt ở đất Khuông, nói rằng: “Vua Văn Vương đã mất, văn chế chẳng còn lại đến nay sao? Trời mà muốn làm mất nền văn chế ấy, sau khi ông chết rồi, nền văn chế ấy đã chẳng được trao lại. Trời mà chưa làm mất nền văn chế ấy, người đất Khuông làm gì được ta?”

BÌNH GIẢI:

Đất Khuông là vùng đất thuộc nước Vệ. Người Khuông vốn ghét tên Dương Hổ, là gia thần họ Quí. Khi thầy trò Đức Khổng tử qua đó, người Khuông nhìn nhầm Đức Khổng tử ra Dương Hổ, vì có dáng mạo tương tự nhau. Do đó, người Khuông đã bao vây và định hãm hại ngài.

Trước tình hình nguy hiểm ấy, Đức Khổng tử đã nói câu trên với các học trò, thể hiện niềm tin vững chắc vào sự tương trợ của Trời. Với niềm tin này, ngài rất bình tĩnh trước cơn nguy cấp. Ngài lý luận rằng: Sở dĩ ngài tiếp thu được nền văn chế của vua Văn Vương bao gồm lễ nhạc, chế độ, văn hoá tốt đẹp là do Trời trao cho. Chỉ có ngài hiểu thấu, nắm bắt trọn vẹn văn chế ấy và có thể dạy lại cho đời sau. Một khi Trời đã trao cho ngài và muốn văn chế ấy được lưu truyền, ắt là Trời phải bảo vệ ngài. Giả như Trời không muốn điều ấy, thì sau khi Văn Vương đã qua đời, văn chế ấy ắt phải mất. Trời đã gìn giữ thì người Khuông không thể hãm hại ngài được.

Quả nhiên, khi nhận biết là nhầm lẫn, người Khuông đã xin lỗi và để cho thầy trò ngài ra đi.

6. Quan Thái tể hỏi Tử Cống rằng: “Phu tử là bậc thánh chăng? Sao nhiều tài năng thế?”

Tử Cống thưa: “Cố nhiên Trời muốn buông cho ngài làm thánh, lại nhiều tài năng nữa.”

Đức Khổng tử nghe thấy vậy, nói: “Quan Thái tể có biết ta chăng? Ta thuở nhỏ hèn hạ, cho nên có thể làm được nhiều việc hèn mọn. Bậc quân tử có cần nhiều tài nghề chăng? Chẳng cần nhiều.”

Thầy Lao nói: “Thầy bảo: ‘Ta không được dùng cho nên biết nhiều nghề.’”

BÌNH GIẢI:

Thái tể là một chức quan cao nhất trong hàng lục khanh (Thượng thư) của triều đình thời Xuân Thu. Những lời trao đổi trong đoạn văn trên đã thể hiện tài năng cùng nhân cách của Đức Khổng tử.

Quan Thái tể phân vân, không biết có nên coi Đức Khổng tử là bậc thánh chăng, bởi vì Ngài quá nhiều tài năng. Bấy giờ, Tử Cống, một cao đệ của Đức Khổng tử, xác nhận niềm tin của mình rằng Trời muốn cho Ngài làm thánh nên đã cho Ngài nhiều tài năng.

Tuy nhiên, Đức Khổng tử cải chính, không tự nhận là thánh, mà thành khẩn trình bày thân thế thực sự của mình. Ngài vốn xuất thân là một kẻ nghèo

hèn. Cha là một võ quan già đã mất sớm. Chắc mẹ con Ngài đã phải chật vật trong sinh kế; vì thế, Ngài đã biết làm nhiều việc từ thuở thơ ấu và tuổi thiếu niên. Lời tự thuật về thân thế của mình, không giấu diếm quá khứ hèn mọn, chứng tỏ Đức Khổng tử là người rất khiêm hạ, đơn sơ, chất phác, không giả dối, không cảm thấy xấu hổ về thân thế ti tiện của mình, không tự cao tự đại, không nhận mình giỏi giang, thánh thiện hơn người. Đức độ bậc thánh của Ngài thể hiện ở đó.

Trong khi tự thuật về mình, Đức Khổng tử cũng giải bày cho các đệ tử biết về tài năng cần thiết của người quân tử . Quân tử là người hiểu đạo lý để nắm giữ vai trò lãnh đạo dân chúng. Chức vụ lãnh đạo không đòi hỏi người quân tử phải biết nhiều nghề, phải làm được nhiều việc. Thực ra, người quân tử ở chức năng lãnh đạo chỉ cần biết dùng người, biết cắt đặt đúng chỗ tài năng của người khác, biết kiểm soát, phê phán và biết nêu gương mẫu trung chính cho mọi người.

Đoạn văn trên còn dẫn lời một đệ tử tên là Lao. Ông này nhắc lại lời Đức Khổng tử: “Ta không được dùng, cho nên biết nhiều nghề!” Câu này là một lời than nhẹ về thân phận hẩm hiu của mình: có tài năng lãnh đạo nhưng đã không được vua dùng làm quan cai trị, không được trao quốc chính; vì thế mà phải biết nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai, thích ứng với thời thế.

7. Đức Khổng tử nói: “Ta có biết chăng ? Không biết. Có người kém cõi nào đó hỏi ta, mà chẳng rõ sự gì, ta bèn gạn hỏi về đầu cuối của sự việc, rồi trình bày rõ ra hết.”

BÌNH GIẢI:

Trong câu trên, Đức Khổng tử đã nói thật về sự hiểu biết và phương pháp tìm hiểu sự việc của Ngài. Thực ra, không phải Ngài biết rộng về mọi vấn đề. Tuy nhiên, vì biết phương pháp tìm hiểu mà hóa ra Ngài có thể giải đáp được mọi vấn đề cho những người đến hỏi Ngài.

Ví dụ như có một người kém cỏi, dốt nát hoặc quê mùa nào đó đến hỏi Ngài về một vấn đề gì, cần Ngài chỉ bảo. Dĩ nhiên, thoạt đầu Ngài chẳng hiểu rõ về vấn đề ấy (không không như dã). Nhưng Ngài cẩn thận gạn hỏi kỹ lưỡng về sự việc cả đầu lẫn cuối, cân nhắc cả hai mặt trái phải của sự việc. Thế là Ngài hiểu rõ sự việc ấy và có thể trình bày ngọn ngành các tình tiết, các điểm lợi hại cho người ấy biết.

Trong sách Đại học, Tăng Tử có thuật lại lời dạy của Đức Khổng tử rằng:”Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy, tri sở tiên hậu, tắc cận đạo hỹ. 物有本末;事有終始, 知所先後則近道矣。- (Vật có gốc ngọn, việc có đầu cuối, biết được chỗ trước sau thì gần được sự thật vậy.) Đó là phương pháp tìm hiểu mọi vấn đề trong đời. Nếu biết được gốc ngọn, đầu cuối của thực tại, biết được sự tiến triển trước sau của thực tại đó, ta có thể biết rõ về thực tại và sẽ biết cách ứng phó, xử lý sao cho thích hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

8. Đức Khổng tử nói: “Chim phượng hoàng không đến, sông Hoàng Hà không xuất hiện bức vẽ. Ta đành thôi vậy ư!”

BÌNH GIẢI:

Người Trung Hoa thời cổ tin rằng chim phượng hoàng là một linh vật. Phượng hoàng xuất hiện ở đâu là điềm báo ở đấy có Thánh vương ra đời. Tương truyền vua Thuấn đã từng được dâng một con phượng; đời vua Văn Vương cũng có chim phượng hót ở Kỳ Sơn.

Đức Khổng tử đã xem vua Thuấn và Văn Vương là những Thánh vương, vậy điềm chim phượng hoàng đến có liên hệ với Thánh vương.

Huyền sử Trung Hoa cũng nói vua Phục Hy đã từng thấy bức vẽ diệu kỳ bao gồm 10 con số (từ 1 đến 10) trên lưng con long mã xuất hiện ở sông Hoàng hà. Từ đấy, ông đã nghiệm được đạo trời gói gọn trong bức vẽ mà triển khai thành Tiên thiên bát quái và 64 quẻ dịch, diễn tả qui luật biến dịch của vạn vật trong trời đất. Do đó, bức vẽ xuất hiện ở sông Hoàng Hà (Hà đồ) cũng có liên hệ với Thánh vương nữa.

Vào thời Xuân Thu, thiên hạ đại loạn, nhân tâm đã làm mất đạo trời, Đức Khổng tử mong có một bậc Thánh vương ra đời để Ngài được theo phò tá mà tham dự vào việc phục hưng chính đạo, ổn định thiên hạ. Tuy nhiên, trước sau không thấy chim phượng hoàng đến và không có Hà đồ xuất hiện, Ngài cho rằng sẽ không có Thánh vương ra đời. Thánh vương đã không ra đời, thì thiên hạ sẽ còn loạn lâu và Ngài chẳng có cơ hội nào để phát huy đạo lý. Câu trên đã nói lên sự thất vọng của Ngài vậy.

Dưới con mắt khoa học ngày nay, chúng ta có thể nghỉ rằng: phụng hoàng và long mã là những con vật quí hiếm. Có lẽ chúng chỉ xuất hiện và tồn tại trong một môi trường thiên nhiên tốt đẹp, thuận lợi nào đó. Một khi, môi trường thiên nhiên đã suy thoái thì chúng bị tuyệt chủng, còn đâu mà xuất hiện! Môi trường thiên nhiên suy thoái là do con người đã đem nhân dục vào. Nhân dục làm hư hỏng xã hội; do đó môi trường thiên nhiên bị hư hỏng theo. Xã hội hư hỏng thì không có Thánh vương; môi trường thiên nhiên hư hỏng thì không có linh vật. Hai hiện tượng đó có thể đi đôi với nhau; cho nên người xưa mới cho rằng hiện tượng này là điềm của hiện tượng kia.

Đức Khổng tử nhận thấy điều đó; vì thế việc truyền bá đạo lý của Ngài chỉ là một sự gắng gượng mà thôi! Sách Luận ngữ đã từng nói lên quan điểm tiêu cực này của một số nhà ẩn sĩ về tình trạng suy đồi của xã hội thời ấy. Người ta chạy theo vật chất ào ào như nước chảy. Làm sao chặn đứng được!

9. Đức Khổng tử thấy người mặc đồ tang, người phục sức xiêm áo mũ miện và người mù, đã gặp thì dù là người trẻ tuổi, ắt đứng lên; đi qua mặt, ắt rảo bước.

BÌNH GIẢI:

Người mặc đồ tang là người đang có nỗi buồn, người mặc xiêm áo mũ miện là người đang chấp hành việc nước, người mù là người khuyết tật. Người có tang và người khuyết tật là những người đáng thương ; người chấp hành việc nước là người đáng trọng. Gặp những người ấy, mặc dù thấy họ trẻ tuổi hơn, Đức Khổng tử vẫn đứng lên để bày tỏ sự tôn kính hay chia buồn. Nếu cần phải qua mặt những người ấy, Ngài phải rảo bước đi nhanh kẻo làm phiền họ. Đó là lễ độ của một ông thầy, cần phải nêu gương cho các học trò.

10. Thầy Nhan Uyên xúc động khen ngợi rằng: “Ngẩng lên thì càng thấy cao; đi sâu vào thì càng thấy bền chắc; nhìn ngắm thì thấy ở phía trước, lại chợt thấy ở đằng sau, Thầy khéo dần dần dẫn dụ người ta; lấy chữ nghĩa mở rộng cho ta, lấy lễ nghĩa ràng buộc ta, muốn ngừng không xong, đã đem hết năng lực của mình ra, như có cái gì đứng sừng sững vậy; tuy muốn theo đến nơi mà không noi theo trọn được.”

BÌNH GIẢI:

Trên đây là lời của Nhan Uyên, tức là Nhan Hồi, một đệï tử xuất sắc đứng đầu trong cửa Khổng, nhận xét về đạo Nho. Dĩ nhiên, những đệ tử như Tử Lộ, Phàn Trì,Tể Ngã… không thể nói được; ngay đến cả những đệï tử hạng hai, ba như Tăng Sâm, Tử Cống, Tử Hạ, Tử Trương, Trọng Cung… có lẽ cũng không thể nhận xét về đạo một cách sâu sắc như vậy.

Đa số những người học Nho chỉ biết rằng đạo này có hai phần: Hình nhi thượng học nói về những vấn đề siêu hình và Hình nhi hạ học nói về đạo lý phổ thông trong cõi nhân sinh. Khi nói về đạo Nho, hầu hết mọi người chỉ chú trọng vào phần phổ thông này.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào hai tác phẩm quan trọng nhất là Kinh Dịch và Trung Dung, thì đạo Nho gồm có tới 3 phần: nhân đạo, thiên đạo và thánh đạo.

Nhân đạo là đạo lý làm người, bao gồm những qui luật cần thiết cho con người trong cõi đời, cốt để tạo nên trật tự ổn định, thái hồ trong quốc gia, xã hội. Nhân đạo gồm có Tam Cương, Ngũ Thường… dẫn dắt con người từ tiểu nhân lên bậc quân tử.

Thiên đạo là những qui luật chi phối vũ trụ thiên nhiên (dịch lý) với qui mô lớn lao, sâu rộng bao quát từ thế giới cực tiểu (các sinh thể nhỏ mọn) cho tới thế giới cực đại (thiên hà, tinh tú).

Thánh đạo là đường lối dẫn con người từ bậc quân tử lên hiền thánh. Con người thành tựu thánh đạo đạt tới cứu cánh là phối Thiên (kết hợp với Trời), tham dự vào việc hố dục trời đất (tán thiên địa chi hoá dục).

Khi Nhan Uyên khen ngợi “ngẩng lên thì thấy càng cao” là có ý nói về thiên đạo. Khi nói “đi sâu vào thì càng thấy bền chắc” là nói tới những vấn đề như đức nhân, đức thành, tính, mệnh… trong phần Hình như thượng học. Ông nói rằng “nhìn ngắm thì thấy ở đằng trước, lại chợt thấy ở đằng sau” là nói về những đề tài như thiên mệnh, quỷ thần (những linh lực siêu nhiên)…[16] Những vấn đề trên toàn là những đề tài dành cho những người có tâm thức thượng đẳng, có khả năng cảm nghiệm sâu xa, có duyên với môn siêu hình học.

Dĩ nhiên, đạo Nho cao cả, rộng rãi, có cả một truyền thống lâu dài mấy ngàn năm từ những bậc Thánh vương huyền thoại như Phục Hy, Thần Nông… tới các Thánh vương bán huyền thoại như Nghiêu Thuấn, Hạ Vũ, Thành Thang, Văn Vương, Vũ Vương… cho nên rất khó hiểu đối với đại đa số dân chúng. Vì vậy Đức Khổng tử (Phu tử) mới dùng phương pháp tiệm tiến, khéo léo dẫn dụ người ta từ thấp lên cao, từ gần ra xa, như trước là hiếu đễ với cha mẹ, anh em, tuân phục người thân, kính Trời, yêu mến tha nhân, trung tín, lễ nghĩa… Sau đó, Ngài mới giới thiệu về việc làm sáng tỏ minh đức, phát huy tính mệnh, sống trong đạo trời.

Thoạt đầu, Ngài lấy văn chương trong Kinh Thi để mở rộng trí khôn đệ tử (hưng ư thi), rồi lấy lễ giáo dạy dỗ các đệ tử tập quen sống trong trật tự, bỏ các thói xấu (lập ư lễ), sau đó mới dùng âm nhạc để hoàn thiện nhân cách (thành ư nhạc).

Nhan Uyên nhận xét rằng, khi đã tiến bước trong đạo lý mới thấy đạo lý là cần thiết và đạo có một sức hấp dẫn khiến người ta muốn thăng tiến thêm nữa mà không ngừng lại được (Dục bãi bất năng). Tuy vậy, mặc dầu đã nỗ lực rất nhiều nhưng kẻ học đạo dường như thấy chân lý vẫn cao cả như một thực tại sừng sững, chót vót trước mặt, khó lòng thấu đáo, vượt qua. Người có thành tâm thiện chí nhất vẫn cảm thấy chưa thể thành tựu đạo lý một cách tron vẹn được.

Điều này rất đúng, bởi vì ngay thầy của Nhan Uyên là Đức Khổng tử mà vẫn khiêm nhượng không dám nhận mình là bậc thánh, bậc nhân (nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm -若聖與仁,則吾豈敢。), còn thấy mình mắc nhiều sai lầm.

11. Đức Khổng tử ốm nặng ; Tử Lộ khiến các môn đệ làm gia thần. Khi bệnh thuyên giảm, Ngài nói: “Lâu vậy thay! Trò Do đã làm điều giả dối rồi. Không có gia thần, mà làm ra có gia thần. Ta lừa dối ai? Lừa dối Trời ư? Vã lại, ta mà chết trong tay gia thần, đâu bằng chết trong tay các học trò? Vả lại, ta giả sử chẳng được an táng theo nghi thức lớn, há ta lại chết ở đường xá ư?”

BÌNH GIẢI:

Theo tục lệ nước Lỗ vào thời Xuân Thu, quan đại phu được thu nhận gia thần để cai quản các việc trong nhà. Đức Khổng tử đã có thời làm Nhiếp Tướng Sự, đứng đầu hàng đại phu, cho nên cũng có gia thần. Lúc này, Ngài đã thôi làm quan, trong nhà không có gia thần nữa. Tử Lộ (tên húy là Trọng Do), đệ tử lớn tuổi của Đức Khổng tử, muốn chuẩn bị một lễ an táng long trọng cho thầy, nên đã tự ý cắt cử các môn đệ đóng vai gia thần để hộ tang. Khi bệnh thuyên giảm, thấy sự tình như vậy, Ngài đã nhẹ nhàng trách cứ Tử Lộ.

Ngài than thở rằng vì bệnh nặng đã lâu rồi, do đó Ngài không biết việc làm của Trọng Do. Trọng Do đã làm điều giả dối. Không có gia thần mà lấy người đóng giả làm gia thần; đó là điều tự dối mình và dối Trời. Điều đó chẳng qua là tạo một cái danh giá hão mà thôi. Giả như có gia thần thật chăng nữa, thì chết trong tay gia thần đâu có được an ủi bằng chết trong tay các học trò thân thiết của mình! Vả lại, giá như thầy không được an táng theo đại lễ, thì chẳng lẽ thân nhân hàng xóm và các học trò lại để thầy chết ngoài đường xá mà chẳng chôn sao?

Qua những ý tứ trong đoạn văn trên, chúng ta nhận thấy Đức Khổng tử quả là bậc thầy có một đời sống giản dị, trung thực, thanh cao, không lệ thuộc vào những hình thức lễ nghi giả dối, phiền tối.

12. Tử Cống nói: “Ở đây có viên ngọc đẹp, nên cất giấu vào hòm hay cầu giá đắt mà bán đi?”

Đức Khổng tử nói: “Bán đi chứ! Bán đi chứ! Ta đang đợi giá đây.”

BÌNH GIẢI:

Viên ngọc đẹp mà Tử Cống nói ở đây chỉ thầy mình là Đức Khổng tử. Đức Khổng tử có tài năng và đức hạnh song toàn, được ví như viên ngọc đẹp. Tử Cống muốn hỏi thầy một cách bóng bẩy: Thầy có nên cất giấu tài đức của mình, mãi mãi sống đời ẩn dâät, hay nên thi thố tài đức ra để giúp vua trị nước?

Hiểu được ý ấy của Tử Cống, Đức Khổng tử cũng bóng bẩy tỏ bày: Nên đem tài đức ra giúp đời chứ! Nên lắm chứ! Nhưng cần phải chờ đợi xem có vị quân vương nào biết sử dụng cái tài đức ấy hay không. Đức Khổng tử không có ý gì đòi hỏi quân vương phải trả lương cao bổng hậu, phải hết sức tôn trọng kính lễ Ngài ; nhưng đòi hỏi vị quân vương muốn dùng Ngài phải hoàn toàn tín nhiệm Ngài và thi hành chính sách của Ngài. Chính sách của Ngài là nhân chính: lấy đức nhân để cai trị, lấy đức trung chính để điều khiển quốc gia. Ngài không bao giờ chấp nhận đường lối cai trị bá đạo, đàn áp dân chúng của các nhà cầm quyền đương thời. Ý nghĩa sự đợi giá của Ngài là như vậy. Chung cuộc, chẳng có ông vua nào trả được giá cao cho viên ngọc đẹp ấy!

13. Đức Khổng tử muốn đến ở với các giống mọi rợ phía đông. Có người nói: “Thô lỗ, ở sao được?”

Đức Khổng tử nói: “Người quân tử ở đó, còn có thô lỗ gì nữa?”

BÌNH GIẢI:

Ý tưởng muốn đến ở với các giống mọi rợ phía Đông chứng tỏ rằng Đức Khổng tử đã chán ngán tình trạng suy đồi của xã hội Trung Hoa vào thời ấy. Dân Trung Hoa thời Xuân Thu đã có một trình độ văn minh và văn hố rất cao; chỉ vì vua chúa quan quyền bỏ phế đạo lý mà dân chúng phải lầm than khổ sở. Ý tưởng này đã từng được Đức Khổng tử nói đến trong chương Công Dã Tràng: “Đạo không thi hành được, thì đành cưỡi bè lênh đênh trên biển mà thôi.” (Đạo bất hành, thừa phu phù ư hải… 道不行,乘桴浮於海…。)

Thật ra ý tưởng đó chỉ là một sự giả định, thể hiện tâm lý chán nản. Tuy nhiên sự trao đổi ngôn từ giữa Đức Khổng tử và một người nào đó trong đoạn văn trên thể hiện ý nguyện của Ngài: người quân tử sống bất cứ nơi đâu cũng lo việc cải thiện, cải thiện cho mọi người nên tốt đẹp, cải thiện cho nếp sống ở đó trở nên có văn hoá, giải trừ sự ngu dốt, thô lỗ.

14. Đức Khổng tử nói: “Ta từ nước Vệ trở về nước Lỗ, rồi sau mới sửa lại Nhạc cho chính đáng; thiên Nhã, thiên Tụng đều được sắp đặt hẳn hoi.”

BÌNH GIẢI:

Sau khi vua Lỗ không còn tín nhiệm nữa, Đức Khổng tử bỏ nước Lỗ đi chu du liệt quốc trong 13 năm. Cuối cùng, vào mùa đông năm thứ 11 đời vua Lỗ Ai Công, Quí Tôn Phì theo lời di chúc của cha, đã cho người đón Đức Khổng tử trở về nước Lỗ. Lúc này Ngài đã bước vào tuổi 70. Mặc dầu được mời về nhưng không được mời tham chính, Đức Khổng tử chỉ chuyên chú vào việc dạy học và san định lại kinh sách; đáng lưu ý nhất là việc chỉnh đốn lại Kinh Nhạc và sắp xếp lại thứ tự hai thiên Nhã và Tụng trong kinh Thi.

Thiên Nhã gồm có: Tiểu Nhã và Đại Nhã. Thiên Tụng gồm có: Chu Tụng, Lỗ Tụng và Thương Tụng. Nhã là những bài thơ của Nhạc chính đính. Tụng là những bài ca phổ nhạc ở trong tông miếu. (Theo Tạ Quang Phát trong Kinh Thi Tập truyện, quyển Trung và Quyển Hạ, NXB Văn học, 2004).

15. Đức Khổng tử nói: “Ra thì thờ công khanh, vào thì thờ cha anh; việc tang, không dám không cố gắng; không bị khốn quẩn vì rượu: Ta có được điều nào [trong số đó] chăng?”

BÌNH GIẢI:

Theo chính pháp nhà Chu, tước Công đứng đầu ngũ tước (công, hầu, bá, tử, nam); công thường là vua các chư hầu, dưới bậc vương dành cho thiên tử nhà Chu. Khanh là chức quan lớn đứng đầu ba cấp (khanh, đại phu, sĩ). Như vậy, công khanh là các bậc đại thần giúp vua trị nước.

Những người có học trong nước ra làm chính trị được gọi là “xuất”, trái với việc ẩn dật tại nhà, được gọi là “xử”. Bổn phận của kẻ xuất sĩ là vâng theo sự sai phái của các công khanh, tức là “thờ công khanh” (sự công khanh); đã thờ thì phải tận tụy trung thành.

Ra ngoài xã hội thì như thế ; còn trở về sống với gia đình gọi là “nhập” (vào). Đạo lý của việc vào nhà, tức là sống trong gia đình, là tôn kính vâng lời cha anh, được gọi là “thờ cha anh” (sự phụ huynh). Một người dù có địa vị ở ngoài xã hội lớn đến đâu đi chăng nữa thì khi về nhà vẫn phải tuân theo đạo lý “sự phụ huynh”.

Tang sự là việc an táng người đã khuất. Sách Trung Dung nói: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, hiếu chi chí dã -事死如事生,事亡如事存,孝 之至也。” (Thờ người quá cố như thờ người sống, thờ người đã mất như thờ người hiện còn, đó là có hiếu hết mức vậy.) (Trung Dung, chương 19). Do đó, một người con có hiếu bao giờ cũng phải cố gắng lo trọn việc an táng cha mẹ theo nghi lễ tử tế.

Điều thứ tư, Đức Khổng tử nói đến việc không khốn quẫn vì rượu. Rượu là một thức uống quan trọng trong nghi lễ, tiệc tùng. Không có sự nồng ấm của rượu, người ta khó lòng cảm thông với thần linh trong các buổi tế, người ta khó lòng giao cảm với nhau trong các bữa tiệc liên hoan. Nhưng dùng nhiều rượu quá dễ đưa đến sự tán loạn tinh thần, rối loạn tiêu hoá. Tán loạn tinh thần thì mất khôn ngoan, mất tự chủ; rối loạn tiêu hoá sinh ra khiếm lễ và bệnh tật. Vì vậy người quân tử dùng rượu phải có chừng mực, không bao giờ để cho ma men lôi kéo quá chén đến độ say sưa, khốn quẫn.

Đức Khổng tử là bậc thầy, lại là bậc quân tử đang tiến hoá lên bậc hiền thánh, chắc chắn là Ngài giữ được bốn đạo lý trên một cách tốt đẹp. Tuy nhiên, Ngài khiêm nhượng nói như thế cốt là để gián tiếp răn dạy các đệ tử mà thôi!

16. Đức Khổng tử đứng bên dòng sông nói rằng: “Đi không trở lại như thế kia ư, không ngừng nghỉ ngày đêm.”

BÌNH GIẢI:

Có người dịch câu này là: “Chảy mãi thế này ư, ngày đêm không thôi!” Dịch như vậy rất gọn, lại có âm điệu hay. Tuy nhiên, chúng tôi muốn dịch rõ chữ “thệ” là “đi không trở lại” để nói lên nhận định sâu sắc của Đức Khổng tử về lẽ biến dịch “bất khả phục hồi” (không thể trở lại) của dòng đời.

Lý Bạch (李白) sau này đã từng cảm thán trong bài Tương tiến tửu (將進 酒): “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi? Hựu bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ty, mộ như tuyết? -君不見黃河之水天上來,奔流到海不復回?又不見高 堂明鏡悲白髮,朝如青絲,暮成雪?- Anh chẳng thấy nước sông Hoàng Hà trên trời tuôn xuống, chảy ra biển mà không trở lại? Lại chẳng thấy nhà cao kia có người buồn vì tóc bạc, sớm mới như tơ biếc, tối như tuyết sương?”

Cùng một ý ấy, hiền triết Héraclite của Hy Lạp cổ đại đã từng than thở: “Người ta không bao giờ tắm hai lần trong cùng một dòng nước.” (On ne se baigne jamais deux fois dans la même fleuve.) Giòng nước cứ trôi mãi, còn cơ thể con người và những sinh hoạt tâm lý trong con người cũng không dừng lại. Đó là qui luật biến dịch của vũ trụ vạn vật.

Đức Khổng tử nói câu trên là đưa ra nhận định về một sự thật muôn đời trong thế gian. Chính về điểm này, nhà Phật đã gọi thế gian là vô thường. Vô thường nghĩa là không thường hằng, không tồn tại vĩnh cửu. Hậu thế đọc lại câu này của Đức Khổng tử cho rằng Ngài buồn bã khi nhận thấy vạn vật chóng qua. Hẳn là như vậy. Ai cũng biết rằng lẽ biến dịch chi phối tất cả: từ thiên nhiên đếùn con người trãi dài trong xã hội và lịch sử. Bởi vì đời người trôi chảy cho nên xã hội với các trào lưu của nó như chính trị, kinh tế, văn hố, nghệ thuật… cũng trôi chảy lúc nhanh lúc chậm, như những đợt thủy triều. Lịch sử quốc gia hay lịch sử nhân loại cũng thay đổi liên tục theo năm tháng. Từ quá khứ xa xôi đến hiện tại, đã có biết bao triều đại thăng trầm, biết bao chế độ, chính thể luân phiên áp đặt trên dân chúng… Các hiện tượng tâm lý trong lòng người cũng trôi chảy như một dòng sông. Ký ức con người luôn luôn ghi thêm những điều mới và buông bỏ những điều cũ, tạo nên hiện tượng nhớ và quên. Nào là những liên tưởng, những tình cảm, những hoài niệm nối tiếp nhau không ngừng nghỉ, cả trong lúc thức cũng như lúc ngủ…

Mặc dầu buồn bã than thở, nhưng với thái độ chuyên chăm rao giảng đạo lý, có lẽ Đức Khổng tử đã nhận ra một chân lý vĩnh hằng trong cõi đời. Chân lý ấy bất biến trong khi vạn vật luôn luôn biến dịch. Than thở câu này, có lẽ Ngài muốn gián tiếp khuyên các đệ tử đừng quá lệ thuộc vào sự vật vô thường mà hãy để tâm nhắm tới chân lý bất biến. Chân lý bất biến đó là đức nhân, đức thành, đức trung chính.

Vào đời Tống, Trình tử gọi chân lý bất biến là đạo khi ông nói: “Tùy thời biến dịch, dĩ tòng đạo dã – 隨時變易以從道也” (Tuỳ thời thay đổi để theo đạo vậy.” Đạo là chân lý của Trời thì không thay đổi. Thay đổi mà bỏ Đạo là kẻ tiểu nhân; thay đổi mà giữ được Đạo là người quân tử. Không chịu thay đổi là người ngoan cố, lạc hậu, sớm muộn cũng bị dòng lịch sử đào thải, sóng đời trùm lấp. Đạo có thể đem con người ra khỏi tính cách vô thường của cuộc đời để trở nên bậc hiền thánh phối Thiên (sánh với Trời). Đạo lý này đã được nói rõ trong sách Trung Dung.

Suốt một đời, Đức Khổng tử rất ưu tư về cách thức phải ứng xử với sự biến dịch của dòng đời. Cách thế ứng xử của các bậc hiền thánh xưa có thể thu gom vào một câu: “Dĩ bất biến ứng vạn biến – 以不變應萬變 (Lấy cái không biến thích ứng với muôn vàn cái biến.” Cái không biến ấy là đạo, bao gồm đức nhân, đức thành, đức trung chính. Lòng nhân ái, lòng thành khẩn, lòng ngay thẳng với bao sự khôn khéo, uyển chuyển vận dụng, không những ứng xử được với mọi người, với mọi trường hợp mà còn làm cho con người trở nên thánh nhân.

Tương tự như vậy, mặc dầu nhà Phật xác nhận thếâ gian vô thường, nhưng lại nói đến đường lối thoát khỏi vô thường. Đó là đường tu Bát chánh đạo nhằm đạt tới chân tâm, Phật tính, là thực tại vĩnh hằng của con người.

Ngoài ra, khi đọc câu này của Đức Khổng tử có người lại hiểu chử xả (舍) đọc là xá với nghĩa là cái nhà. Vì thế câu này được dịch là: “Trôi nổi lang thang thế này ư, đêm ngày chẳng có nhà.” Như vậy, dịch giả ấy muốn hiểu Đức Khổng tử tự than thở về thân phận của mình: một con người rời quê hương đi lang thang rao giảng đạo lý, đến nỗi chẳng có cái nhà mà ở! Hiểu như thế, người ta có thể cho rằng Đức Khổng tử cùng tâm sự với Chúa Giêsu khi Ngài than rằng: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có chỗ ngả đầu.” (Luca: 9, 58)

17. Đức Khổng tử nói: “Ta chưa thấy ai ưa thích đức hạnh như ưa thích sắc đẹp.”

BÌNH GIẢI:

Đức hạnh là những giá trị thuộc về tinh thần. Sắc đẹp là những giá trị thuộc về thể chất. Thể chất đẹp chỉ vẻ đẹp bên ngoài của con người, hay vẻ đẹp của cây cối, động vật, nhà cửa, cảnh tượng thiên nhiên.

Nếu không được giáo dục kỹ lưỡng, con người thường hướng về sắc đẹp thể chất; bởi vì giữa thân xác, bao gồm ngũ quan, và thể chất có mối liên hệ đồng tính. Vật chất tìm đến vật chất, đó là qui luật tự nhiên. Vì thế, mọi người đều có khuynh hướng ưa thích sắc đẹp.

Tuy nhiên, con người được giáo dục kỹ lưỡng thì biết rằng sắc đẹp thể chất là những gì chóng qua. Chẳng những chóng qua, sắc đẹp thể chất còn là nguyên nhân tạo nên những mối nguy hại. Nguy hại gần gũi nhất là suy giảm thể lực con người; ngoài ra sắc đẹp còn gây nên những mối tranh giành bất ổn giữa người này và người kia. Nhiều người cùng yêu thích và muốn sở hữu một người đẹp, một vật đẹp… sẽ gây nên mối tranh chấp, bất hoà, làm mất ổn định xã hội. Do đó, sắc đẹp có thể làm mất sự bình an cá nhân, ngoài ra còn gây nên sự rối loạn cho quốc gia, xã hội.

Người nào chỉ hướng chiều về sắc đẹp thì tâm hồn luôn luôn bị bôn chôn, xao xuyến, khắc khoải, chẳng bao giờ được an bình tịnh lạc.

Trái lại, đức hạnh là những giá trị đem đến sự bình an cho tâm hồn, đem lai trật tự, ổn định cho xã hội. Xã hội nào có nhiều người đức hạnh sẽ là một xã hội thái hoà, thịnh vượng. Nếu ai có niềm tin sâu xa thì sẽ biết đức hạnh có liên hệ với những giá trị thiêng liêng vĩnh hằng. Bởi vậy, chỉ có người nào được giáo dục tử tế, nhận ra giá trị của đức hạnh mới biết ưa thích đức hạnh hơn sắc đẹp mà thôi.

18. Đức Khổng tử nói: “Ví như đắp núi, một sọt nữa mới nên, mà dừng, ấy là ta dừng lại vậy. Ví như san đất, tuy mới đổ một sọt, mà tiến thêm, ấy là ta đi đến thành tựu vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nêu ra hai ví dụ: đắp núi và san đất cho bằng. Việc đắp núi mà thiếu một sọt đất cũng chưa thành núi; nếu thối chí mà ngưng lại, ắt là công việc dở dang, bất thành. Việc san đất cho bằng, tuy mới đổ một sọt đất, nhưng nếu cứ tiếp tục đổ thêm nữa, ắt là sẽ có lúc thành công.

Hai ví dụ trên đều nhằm khuyến khích các đệ tử chăm học. Nếu chịu khó chăm chỉ liên tục, việc học ắt thành tựu; còn nếu cố gắng đã gần thành mà thối chí bỏ dở thì công sức đã bỏ ra cũng thành uổng phí.

Việc học và tất cả mọi công việc trong đời đều như thế cả. Bí quyết của sự thành công là sự kiên trì, nhẫn nại, liên tục cố gắng mà thôi.

19. Đức Khổng tử nói: “Dạy bảo cho mà không trễ nãi, chỉ có trò Hồi thôi chăng?”

BÌNH GIẢI:

Trong các trò của Đức Khổng tử, Nhan Hồi được thầy khen ngợi nhiều nhất. Ông thông minh, nghe nột hiểu mười, khiêm tốn, chăm chỉ, vui sống trong đạo lý mà chẳng bận tâm về cảnh nghèo. Điểm đặc sắc nhất của Nhan Hồi là thực hành lời dạy bảo của thầy mà chẳng trễ nải.
Chẳng may Nhan Hồi yểu mệnh (chưa đầy 32 tuổi), Đức Khổng tử từng cho rằng đại đạo sẽ thất truyền vì thiếu người hoằng dương.

20. Đức Khổng tử nói về Nhan Uyên rằng: “Tiếc thay! Ta chỉ thấy người ấy tiến lên, mà chưa thấy người ấy ngừng lại.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử thương tiếc Nhan Uyên (tức Nhan Hồi) vì ông này sớm lìa đời. Trong việc học tập và thi hành đạo đức, Nhan Uyên là đệ tử xuất sắc nhất trong cửa Khổng, chỉ có thăng tiến mà không hề dừng lại. Những lời dạy bảo của Đức Khổng tử dành cho Nhan Hồi luôn bao hàm nghĩa lý sâu xa hơn những lời dành cho đệ tử khác. Thế mà Nhan Uyên vẫn tiếp thu được và ra sức thực hành.

21. Đức Khổng tử nói: “Lúa non mà chẳng trổ bông, có rồi đấy! Trổ bông mà chẳng thành hạt, có rồi đấy!”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử dùng hình ảnh đám lúa non chẳng trổ bông và trổ bông mà chẳng thành hạt để ám chỉ những con người “hữu danh vô thực”, có thể là:

– Một người mang tiếng đi học mà chẳng thành đạt gì cả.

– Một người có sức học giỏi giang, có đỗ đạt đàng hoàng, nhưng lại vô hạnh hay chẳng có khả năng vận dụng sức học để làm nên một việc gì.

– Một người nhờ học vấn mà có địa vị cao sang, nhưng chẳng làm ích lợi gì cho dân chúng cả…

Hai hình ảnh trên còn biểu thị những trường hợp “hữu danh vô thực” như: vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, cha chẳng ra cha, mẹ chẳng ra mẹ, chồng chẳng ra chồng, vợ chẳng ra vợ, thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ…

Nếu quốc gia toàn là những hạng người ấy thì xã hội ắt rối loạn; bởi vì họ là hạng dối trá, lừa gạt lẫn nhau.

22. Đức Khổng tử nói: “Những kẻ sinh sau đáng sợ, biết đâu trong tương lai họ chẳng hơn mình bây giờ ? Bốn mươi, năm mươi tuổi mà không nghe gì thì cũng chẳng đủ sợ nữa vậy.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử luôn có lòng khiêm tốn, không bao giờ chủ quan tự cho mình hơn mọi người. Ngài cho rằng những kẻ sinh sau đáng phải sợ, bởi vì với khả năng thông minh Trời cho và với sự tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm ngày càng nhiều được ghi chép trong sách vở, có thể sau này họ giỏi hơn mình bây giờ. Tuy nhiên, đến khi họ tới tuổi 40, 50, là khoảng thời gian đủ cho họ thành tựu học vấn, tài năng và đức hạnh, nếu họ không phát huy được, không nêu được tiếng tăm trong xã hội, bấy giờ họ không còn đáng sợ nữa.

Ở tuổi 40, 50, ngoại trừ thời thế và hoàn cảnh khắc nghiệt không cho phép, người có tài đức chắc chắn phải bộc lộ ra, không thể che giấu được. Còn thời gian kế tiếp, 60, 70 tuổi là thời gian suy sụp trong tuổi già, sức khỏe kém cỏi, trí khôn cùn nhụt, người nào không tạo sẵn đà thành công thì không còn đủ sức phấn đấu để thành tựu được nữa.

23. Đức Khổng tử nói:”Với những lời dạy bảo phép tắc, không nên theo sao ? Biết sửa đổi mới quí . Với những lời khiêm tốn tán thành, không nên vui mừng sao? Biết xét kỹ mới quí. Vui mừng mà chẳng xét kỹ, theo mà chẳng sửa đổi, ta không thể như thế nào với họ nữa rồi.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nói câu trên với những đệ tử của mình. Giá như ai đó dùng những lời chính đáng hợp đạo lý chỉ bảo cho mình, hẳn là mình phải nghe theo. Nhưng nghe rồi phải biết tự sửa sai cho phù hợp với những lời chỉ bảo ấy mới đáng quí. Giá như ai đó dùng những lời khiêm cung tốn thuận mà tán thành ý kiến mình, lập trường mình, nghĩa là hoàn toàn đồng quan điểm với mình trong cách phán đoán, hành xử, hẳn là mình phải vui mừng rồi. Tuy nhiên sau đó phải biết suy xét kỹ lưỡng những lời tán thành ấy, xem có đúng đắn chính xác hay có hậu quả gì không, hay là những lời a dua, nịnh hót. Biết suy xa nghĩ gần, cẩn thận trước sau mới đáng quí!

Còn đối với loại người chỉ biết gật đầu nghe theo mà chẳng chịu sửa đổi, chỉ biết vui mừng khi được người ta tán đồng mà chẳng suy xét gì, Đức Khổng tử cho rằng những người ấy không thể dạy dỗ được. Họ là những người ngoan cố trong điều xấu và ưa nịnh hót.

24. Đức Khổng tử nói: “Có thể lấy được tướng lĩnh ba quân, không thể lấy được ý chí của người tầm thường.”

BÌNH GIẢI:

Ba quân là một đoàn quân có nhiều binh lính. Tùy theo đoàn quân nhỏ hay lớn mà có một tướng lĩnh chỉ huy tương ứng. Chỉ huy một sư đoàn, một quân đoàn, một lộ quân có thể là một thiếu tướng, trung tướng hay đại tướng. Một tướng lĩnh mặc dầu có nhiều quyền uy cùng với binh lính và vũ khí hỗ trợ, nhưng vẫn có thể bị bắt hoặc giết. Lịch sử nhân loại đầy dẫy những tướng lĩnh danh tiếng bị bắt cầm tù hoặc bị sát thương trên chiến trường. Tuy nhiên ý chí của những người tầm thường thì lại không dễ gì bị cướp đoạt.

Những người tầm thường chỉ dân chúng, bao gồm những con người ít học hoặc vô học, không phân biệt già trẻ gái trai. Những con người tầm thường ấy nếu đem tách riêng ra là những cá nhân yếu đuối, nhưng một khi họ đã kết hợp lại thành một toàn khối thì ý chí của họ rất kiên cường, không sức mạnh nào lay chuyển nổi.

Hãy lấy dân tộc Việt Nam làm ví dụ. Trải qua bao nhiêu cuộc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam vẫn bền bỉ đương đầu với quân thù giữ gìn nền độc lập. Ý chí của những người dân thường đã liên kết bền chắc hơn keo sơn, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, khiến cho quân thù dù mãnh liệt hùng hậu đến đâu cũng phải thối chí ngã lòng và chịu thất bại.

Đức Khổng tử đã sớm thấy được chân lý này: ý chí vững bền của những người tầm thường không thể chiếm đoạt được. Ngài nói ra câu này là gián tiếp dạy cho các đệ tử nghệ thuật chính trị. Muốn làm chính trị tốt, tức là cai trị dân thành công, đất nước thịnh vượng thái bình, chỉ có một con đường duy nhất là đem mình hoà vào ý nguyện của dân; bởi vì ý dân là ý Trời.

25. Đức Khổng tử nói: “Mặc áo vải gai rách, cùng đứng với người mặc áo lông chồn lông lạc mà chẳng xấu hổ, đó là trò Do ư!” “Chẳng ghen ghét, chẳng tham lam; làm gì mà chẳng hay?”

Tử Lộ thường nhắc mãi câu đó. Đức Khổng tử nói: “Đạo lý đó, sao đã đủ hay?”

BÌNH GIẢI:

Tử Lộ tính tình chân chất, sống trong cảnh nghèo (mặc áo vải gai rách) mà không mang mặc cảm tự ti. Vì thế, mỗi khi ông có dịp đứng bên cạnh những người giàu có, quyền quí (mặc áo lông chồn lông lạc) thì không cảm thấy xấu hổ, vẫn an nhiên tự tại. Ông không tỏ thái độ ghen ghét, ganh tỵ với người giàu có hơn mình, cũng không có ý tham lam cảnh giàu sang mà cầu cạnh. Đó là phong cách của bậc quân tử.

Đức Khổng tử thấy vậy, bèn lấy một câu Kinh Thi để khen ngợi: “Chẳng ghen ghét, chẳng tham lam, làm gì mà chẳng hay?” Lời khen ngợi này ngụ ý rằng: Với đức tính như vậy, Tử Lộ có thể làm quan, đảm đương được việc quốc gia, xã hội.

Câu Kinh Thi trên vốn ở trong thiên Bội phong , Chương Hùng trĩ, đoạn 4:

百爾君子 , 不知徳行。 不忮不求 , 何用不臧。

“Bách nhĩ quân tử, Bất tri đức hạnh. Bất kỵ, bất cầu, Hà dụng bất tang?”

(Là quân tử như chàng, Há chẳng biết đức hạnh.

Chẳng ghen ghét, tham lam, Làm gì mà chẳng hay?)

(Tạ Quang Phát, Kinh Thi I, trang 145, NXB Văn học, 2004)

Được lời khen ngợi của thầy như mở tấc lòng, Tử Lộ thường nhắc đi nhắc lại câu kinh Thi đó. Thấy vậy, Đức Khổng tử sợ Tử Lộ an bình tọa thủ, tự bằng lòng với chính mình, chẳng lo học hành cầu tiến lên bậc hiền thánh, cho nên mới nhắc nhở: “Đạo lý đó, sao đã đủ hay?”

Đạo lý đó chỉ hay trong sự cư xử, giao tiếp thường nhật, có thể làm một quan chức thanh liêm, biết dùng những người có tài đức để hợp tác với mình trong công việc. Muốn tiến lên bậc hiền thánh, người quân tử cần phải tu tập nhiều hơn nữa, không phải chỉ dừng lại trong hai phẩm tính “chẳng ghen ghét, chẳng tham lam” mà thôi.

26. Đức Khổng tử nói: “Vào mùa lạnh, rồi mới biết cây thông cây bách tàn rụng về sau.”

BÌNH GIẢI:

Ở miền ôn đới, vào mùa đông giá lạnh, các loại cây đều trút hết lá; chỉ có những cây thông, cây bách còn giữ được lá xanh; sau mùa đông lá của chúng mới tàn rụng. Vì thế, cây thông cây bách được dùng tượng trưng cho người quân tử. Người quân tử dù gặp cảnh hoạn nạn vẫn bền vững trong đạo lý, sống ngay thẳng, không thay đổi khí tiết.

Trong khi đó, những kẻ tiểu nhân, chẳng khác gì loài cây trút lá trong mùa đông, gặp hoàn cảnh khó khăn thì thay đổi khí tiết, vì miếng cơm manh áo mà sẵn sàng thay lòng đổi dạ. Cho nên, cơn hoạn nạn chính là cơ hội tốt để người ta có thể đánh giá ai là người quân tử hay kẻ tiểu nhân.

27. Đức Khổng tử nói: “Người trí chẳng nghi ngờ; người nhân chẳng lo buồn; người dũng chẳng sợ hãi.”

BÌNH GIẢI:

Trí, nhân, dũng là ba đức nền tảng của người quân tử. Ai thiếu một trong ba đức trên không thể là người quân tử đúng nghĩa được.

Trí là khôn ngoan, sáng suốt. Vì khôn ngoan, sáng suốt, hiểu rõ sự lý trước sau cho nên người trí chẳng nghi ngờ.

Nhân là tâm tình tốt lành, bên trong không vọng cầu, bên ngoài cư xử theo lễ nghĩa. Do đó, người nhân tự bằng lòng với cái mình có mà không khao khát, cho nên tâm hồn được bình an. Người nhân lại cư xử theo lễ nghĩa, không làm phiền lòng ai. Vì thế, người nhân không mắc phải chuyện lo buồn.

Dũng là sự vững mạnh trong tinh thần. Người dũng gan dạ, gặp nguy hiểm không nao núng cho nên chẳng sợ hãi.

28. Đức Khổng tử nói: ”Có thể cùng học chung, nhưng chưa thể theo một đường lối; có thể cùng theo một đường lối nhưng chưa thể cùng gây dựng; có thể cùng gây dựng nhưng chưa thể cùng linh động thích nghi.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử nói câu này có ý răn dạy các đệ tử cần phải thận trọng khi cộng tác với người khác. Sống trong một xã hội, thông thường chúng ta chẳng những có thể mà còn cần phải học chung với người khác. Có học chung mới có sự so sánh, ganh đua để cố gắng tiến lên; có học chung thì mới có sự giúp đỡ lẫn nhau.

Tuy nhiên học chung với người chưa thể cùng theo một đường lối với người. Mình cùng học với người một thầy, một trường học hay một môn, nhưng nếu người theo tà đạo, sao mình có thể cùng theo được?

Có khi mình và người cùng theo một đường lối, cùng theo chính đạo, nhưng cách thế làm việc khác hẳn nhau, làm sao mình với người có thể cùng gây dựng một sự nghiệp, cùng xây dựng một cơ đồ được?

Lại cũng có trường hợp mình với người cùng chung một đường lối, cùng có thể gây dựng chung sự nghiệp theo một phương án, nhưng tính khí lại khác nhau, không linh động thích nghi như nhau, sao có thể cộng tác được? Sự linh đợng thích nghi tức là sự quyền biến trong cách ứng xử chỉ được vận dụng khi hợp lẽ phải và rất cần thiết. Người xưa quan niệm rằng, lúc bình thường thì phải chấp kinh; ngộ biến mới phải tòng quyền. Chấp kinh là tuân theo đạo lý thường hằng. Tòng quyền là linh động xử lý theo từng hoàn cảnh bất thường nhưng phải hợp lẽ. Nếu quyền biến mà trái lẽ, nhất là trái đạo nhân, thì là phường đạo tặc, quân gian tà. Quyền biến hợp lẽ mới là chính nhân quân tử. Người ta không thể viện lẽ quyền biến mà làm những việc thương luân bại lý hay gây tổn hại người khác.

Vì vậy, cộng tác với người là cần thiết, nhưng người học đạo cần phải dè dặt, không phải gặp ai cũng cộng tác. Cần phải học để biết nên cộng tác với ai và cộng tác trong những giới hạn nào.

29. “Hoa cây đường lệ, nghiêng qua rồi trở lại. Há chẳng tưởng nhớ em sao, nhưng nhà thì lại xa!”

Đức Khổng tử nói: “Chưa tưởng nhớ đó. Ôi có chi mà xa?”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng tử lấy Kinh Thi giảng dạy, ngoài công dụng gia tăng từ ngữ, kiến thức cho các đệ tử, còn có thâm ý là hưng khởi tình cảm chân chất, đơn sơ, tốt đẹp (hưng ư Thi) và phát triển đạo lý tiềm ẩn trong đó.

Dĩ nhiên, đa số những bài kinh Thi là những ca dao dồi dào tình cảm; nhưng tình cảm trong đó chưa hẳn đầy đủ trọn vẹn, hợp đạo Trời. Vì thế, qua trường hợp khiếm khuyết đó, Đức Khổng tử dạy bảo thêm cho được trọn vẹn. Tiêu biểu cho trường hợp này là bài thơ trên:

唐棣之华, 偏其反而。 岂不爾思, 室是遠而。

“Đường lệ chi hoa Thiên kỳ phản nhi Khởi bất nhĩ tư, Thất thị viễn nhi.”

Bài cổ thi này nay đã thất truyền; bản kinh Thi phổ thông không có. Chúng ta chỉ biết qua sách Luận ngữ. Câu “Đường lệ chi hoa, thiên kỳ phản nhi” (Hoa cây đường lệ nghiêng qua rồi trở lại) nói lên đạo trời. Đạo trời thì có qua có lại, có âm có dương, có sự liên kết chặt chẽ giữa hai yếu tố đối nghịch để giữ thế quân bình trong thiên nhiên vạn vật. Đạo ấy chẳng những chi phối cây cỏ mà chi phối cả loài người. Loài người thì có nam có nữ ; nam nữ liên kết, khăng khít tình cảm, thủy chung với nhau thì xã hội mới an bình.

Qua hai câu: “Khởi bất nhĩ tư, thất thị viễn nhi” (Há chẳng tưởng nhớ em sao, nhưng nhà thì lại xa), chúng ta thấy tình cảm của cặp nam nữ này chưa thật sự khắng khít trọn vẹn. Nếu thật sự khắng khít sao tưởng nhớ mà chẳng đến gặp nhau? Ca dao Việt Nam nói: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, Thập bát sông cũng lội, ngũ thập lục đèo cũng qua!”

Nếu còn viện lý do nhà xa mà không tới, ấy là tình yêu chưa đủ thâm sâu trọn vẹn. Đã không tới thì tình yêu có cũng như không, làm sao kết nghĩa trăm năm cho được! Không kết nghĩa trăm năm là đạo người chẳng thành. Đạo người chẳng thành ấy là không theo đúng đạo trời. Đạo trời là, hoa cây đường lệ có nghiêng đi rồi có quay trở lại. Đạo người trọn vẹn phải là, đã yêu nhau, tưởng nhớ đến nhau, dù có đi xa mấy cũng phải lặn lội mà trở lại với nhau.

Người con trai trong bài Kinh Thi trên quả là chưa thực hiện được đạo người và đạo Trời.

Nhân bài Kinh Thi này, Đức Khổng tử mới bảo các đệ tử rằng: “Chưa tưởng nhớ đó. Ôi có chi mà xa!” (Vị chi tư dã. Phù hà viễn chi hữu?) Đức Khổng tử chê người con trai trong bài thơ trên chỉ yêu đầu môi chót lưỡi mà thôi, chứ lòng chưa yêu thật. Người ta khi thật yêu, thật tưởng nhớ, phải cố tìm đến để kết hợp với nhau. Từ đây có thể suy diễn thêm: Người học đạo cũng phải yêu chân lý, tưởng nhớ chân lý như yêu người tình vậy. Người hocï đạo tha thiết với chân lý phải tìm đến chân lý và thực hiện chân lý nơi chính mình, không thể viện dẫn bất cứ lý do, hoàn cảnh trắc trở nào.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x