Trang chủ » Mạnh Tử – Chương 1 – Lương Huệ Vương Thượng

Mạnh Tử – Chương 1 – Lương Huệ Vương Thượng

by Hậu Học Văn
3759 views

1. Mạnh Tử ra mắt Lương Huệ Vương. Vua nói: “Thưa ngài, chẳng kể ngàn dặm xa mà đến, chắc sắp có gì làm lợi cho nước ta chăng?”

Mạnh Tử đáp rằng: “Vua cần gì nói đến lợi? Hẳn có điều nhân nghĩa mà thôi. Vua mà nói: ‘Lấy gì làm lợi cho nước ta?’ Quan đại phu nói: ‘Lấy gì làm lợi cho nhà ta?’ Kẻ sĩ, người dân nói: ‘Lấy gì làm lợi cho thân ta?’ Trên dưới cùng nhau tranh lợi, thì nước nguy mất.

Trong nước mười ngàn cỗ xe, kẻ giết vua ắt là nhà có một ngàn cỗ xe. Trong nước một ngàn cỗ xe, kẻ giết vua ắt là nhà có một trăm cỗ xe. Cứ mười ngàn lấy một ngàn, cứ một ngàn lấy một trăm, chẳng lấy thế chẳng cho là nhiều (đủ). Ví bằng làm điều nghĩa sau mà làm điều lợi trước, thì chẳng chiếm lấy được chẳng chán.

Chưa có người nhân nào mà bỏ sót người thân của mình. Chưa có người nghĩa nào mà đặt vua mình ra sau. Vua nên nói điều nhân nghĩa mà thôi. Cần gì nói đến lợi?”

BÌNH GIẢI:

Lương Huệ Vương là vua nước Ngụy, đóng đô tại thành Đại Lương. Nước Ngụy cùng với hai nước Triệu, Hàn vốn là nước Tấn trong thời Xuân Thu. Vào thời Chiến Quốc, Ngụy là một trong thất hùng: Yên, Tề, Hàn, Ngụy, Triệu, Sở, Tần. Chiến tranh xảy ra liên tiếp giữa các nước ấy. Khi Mạnh Tử tới Ngụy, Lương Huệ Vương mới bị đánh bại nhục nhã. Bởi vậy, Vương hy vọng Mạnh Tử có kế hoạch khiến cho nước Ngụy cường thịnh.

Mạnh Tử là một nhà hiền triết, cho nên ông có cái nhìn sâu xa về mọi sự việc hơn những nhà chính trị thông thường. Để phục hưng và xây dựng một quốc gia, ông chú trọng đến giải pháp nền tảng và coi nhẹ những biện pháp nông nổi nhất thời. Bởi vì ông thấy được mối nguy hại tiềm ẩn đằng sau cái mà người đời theo đuổi, tán dương.

Lương Huệ Vương vốn là một hầu tước nước Ngụy. Ông không khác gì những người đương thời; mối bận tâm duy nhất là làm sao để được lợi. Vì thế, khi mới gặp Mạnh Tử, Vương đã đem vấn đề lợi ra hỏi. Ông có biết đâu rằng lợi chính là đầu mối của tranh chấp, rối loạn.

Lợi (利) có ba nghĩa là: của cải, sắc bén, tiền lời. Nghĩa của chữ lợi (利) là của cải (lợi lộc) được quen dùng nhất. Nhưng của cải lại là đầu mối cho những âm mưu và những khí cụ sắc bén (lợi khí) để tiêu diệt lẫn nhau. Như thế, nghĩa thứ nhất (của cải) đã gắn liền với nghĩa thứ hai (sắc bén); còn nghĩa thứ ba (tiền lời) lại là đầu mối của sự tham lam. Ai đi buôn cũng mong kiếm được nhiều tiền lời (một vốn, bốn lời). Sự nguy hại của lợi (利) đã lộ ra trong những nghĩa ấy.

Chiết tự chữ lợi (利) bao gồm chữ hoà (禾) nghĩa là cây lúa và bộ đao (刂) nghĩa là con dao, cây đao.

Cây lúa biểu thị của cải; kèm bên của cải là con dao. Con dao là vũ khí bảo vệ của cải hoặc giành lấy của cải. Do đó, lợi là đầu mối gây ra sự tranh chấp, bạo loạn, hận thù, chém giết. Mạnh Tử phân tích rõ:

Vua mà chỉ nghĩ đến lợi cho nước, cho kho lẫm của mình; quan đại phu sẽ bắt chước vua, chỉ nghĩ đến lợi cho gia đình của mình. Theo chiều hướng đó, kẻ sĩ là người đi học thì nghĩ đến vinh thân phì gia; dân chúng cũng đua nhau lo cho thân mình được béo tốt. Thế là từ vua tới dân, ai cũng chỉ nghĩ đến tranh giành lợi lộc. Người này được lợi nhiều sẽ khiến cho người khác bị mất mát, thiệt hại nhiều. Dĩ nhiên người bị mất lại tìm cách giành giật của người khác nữa, tạo nên mối giành giật dây chuyền trong xã hội. Vì vậy, đất nước ắt phải lâm nguy vì sự tranh lợi đó.

Hậu quả của sự tranh giành lợi lộc là: bậc công hầu có một ngàn cỗ xe sẽ giết vua nước có mười ngàn cỗ xe (nước lớn) để được lợi nhiều. Bậc đại phu có trăm cỗ xe sẽ giết vua chư hầu có ngàn cỗ xe (nước nhỏ hơn) để gồm thu lợi lộc cả nước.

Khi đã nắm được quyền hành rồi, vị vua mới lại tận lực thu thuế của dân: cứ mười ngàn hộc lúa thì lấy một ngàn hộc; cứ một ngàn hộc lúa thì lấy trăm hộc. Không lấy được như thế thì cho rằng không đủ. Do vậy, dân chúng sẽ bị bóc lột đến độ không sống được mà phải quay ra trộm cướp, làm giặc, làm loạn…

Nếu vua quan chỉ tối mắt vì lợi mà quên nghĩa, thì tối ngày lo lắng chiếm đoạt vơ vét của dân. Chẳng chiếm đoạt thì chẳng chán; nhưng đã chiếm rồi lại có đà chiếm thêm nữa.

Đưa ra đường lối đối trị nguy cơ mất nước, Mạnh Tử khuyên Lương Huệ Vương chỉ nên nghĩ đến nhân nghĩa mà thôi. Vậy nhân nghĩa là thế nào?

Nhân là đức nhân. Chữ nhân (仁) bao gồm bộ nhân (亻) nghĩa là con người và chữ nhị (二) là số hai.

Số hai biểu thị năng lực càn khôn (thiên địa), kết hợp quân bình bởi hai khí âm dương.

Số hai cũng biểu thị ta và tha nhân.

Như vậy, đức nhân là năng lực của con người lý tưởng đứng giữa càn khôn, thiết lập được thế quân bình âm dương nơi mình để sống khỏe, sống tốt; đồng thời thiết lập được mối tương giao tốt đẹp giữa ta và tha nhân, giữa chủ thể và khách thể. Ta không lấn áp tha nhân và tha nhân cũng không lấn áp ta.

Nghĩa là đức nghĩa. Chữ nghĩa (義) bao gồm chữ dương (羊) nằm trên nghĩa là con dê và chữ ngã (我) bên dưới nghĩa là ta, chính ta.

Con dê là một loài vật hiền lành, luôn luôn sống theo đoàn thể, không cạnh tranh, đấu đá. Tính chất hiền lành của con dê cũng tương tự như con cừu (chiên). Vì vậy, cừu hay dê là hai con vật có thể thay cho nhau, được dùng làm của lễ hy tế hiến dâng lên Thượng Đế trong các nền văn minh cổ.

Như vậy, đức nghĩa biểu thị một năng lực hiền hoà của con người sống trong đoàn thể, không tách khỏi đoàn thể và luôn luôn giữ mối tương giao tốt đẹp với mọi thành phần trong đoàn thể. Vì thế mới có: nghĩa cha con, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em, nghĩa bạn bè, nghĩa đồng bào…

Nhân và nghĩa kết hợp với nhau trong một con người làm nên đức tính lý tưởng của con người có giáo dục, có văn hoá, có lý trí tình cảm quân bình tốt đẹp, thâm hậu, luôn luôn tôn trọng chính mình cũng như tôn trọng tha nhân, xứng đáng là một tạo vật vượt trên muôn vật: con người nhân nghĩa. Người có nhân nghĩa không ích kỷ, không chà đạp, bóc lột người khác, nhận ơn thì đền ơn (đền ơn đáp nghĩa), sống hoà thuận với mọi người, cùng chia sẻ quyền lợi, chia sẻ mọi nỗi buồn niềm vui để giải trừ đau khổ, cực nhọc trong kiếp nhân sinh.

Vì vậy, đã là người có nhân, không bao giờ bỏ sót người thân của mình; trong đó có cha mẹ, vợ con, anh em, họ hàng, bè bạn… Đã là người có nghĩa, không bao giờ coi nhẹ vua hay những người lãnh đạo trên mình; người đó biết rằng cần phải tôn trọng cấp trên thì đoàn thể của mình (quốc gia) mới tồn tại vững bền. Do đó, làm vua một nước chỉ nên nói đến điều nhân nghĩa, ra sức làm điều nhân nghĩa để cho mọi người trong nước cũng chú trọng vào nhân nghĩa. Như thế, tất nhiên cái lợi sẽ đến. Cái lợi đến sau nhân nghĩa mới thực là to lớn, bền vững lâu dài; đó là cái lợi chung cho mọi người trong nước.

2. Mạnh Tử ra mắt Lương Huệ Vương. Vua đứng trên hồ bán nguyệt, ngắm nhìn ngỗng trời, chim nhạn, nai, hươu, nói rằng: “Người hiền cũng vui cảnh này chứ?”

Mạnh Tử đáp: “Là người hiền rồi sau hãy vui cảnh này. Chẳng phải người hiền, tuy có cảnh này cũng chẳng vui.

Kinh Thi rằng: Khởi đầu đo đạc Linh đài, Đo đạc rồi sau sắp đặt. Dân chúng ra công mà làm, Chẳng bao lâu đài đã xong. Chẳng cần gấp gáp khởi công, Dân như con cái kéo lại.

Vua ngự ở vườn Linh hựu,

Hươu cái hươu đực nhởn nhơ nằm. Hươu cái hươu đực láng lẫy mập mạp, Chim chóc thì đẹp trắng phau phau. Vua ngự ở hồ Linh chiểu,

Ôi, đầy cá lội tung tăng.

Văn Vương lấy sức dân dựng đài, làm hồ mà dân chúng hoan lạc, bảo đài đó là Linh đài, hồ đó là Linh chiểu; vui vẻ vì có nai, hươu, cá, ba ba. Người xưa đã cùng vui với dân, cho nên mới được vui vậy.

Bài Thang Thệ nói: ‘Mặt trời ấy khi nào chẳng còn? Ta cùng với ngươi đều mất cả.’ Dân chúng muốn với vua cùng mất; tuy có đài, ao, chim, thú, há có thể vui một mình chăng?”

BÌNH GIẢI:

Mạnh Tử đến gặp Lương Huệ Vương trong lúc ông đang đứng trên hồ thưởng ngoạn cảnh đẹp. Huệ Vương gọi Mạnh Tử là người hiền và cho rằng người hiền cũng nên vui hưởng cảnh đẹp này. Mạnh Tử không dám nhận mình là người hiền, nhưng muốn nhân đó khuyên vua một bài học: Hãy trở nên người hiền đã, rồi sau hãy vui cảnh đẹp. Nếu chưa phải người hiền, tuy có cảnh đẹp cũng chẳng vui.

Tại sao vậy?

Bởi vì dân chúng chưa ủng hộ mình, sớm muộn tai họa sẽ xảy đến, làm sao vui được!

Để chứng minh cho luận điểm của mình, Mạnh Tử trích dẫn bài “Linh đài” trong Kinh Thi, Thiên Đại Nhã. Dịch giả Tạ Quang Phát diễn thành thơ như sau:

“Làm Linh đài bắt đầu đo nhắm.

Đã đo rồi thì cắm trụ liền. Nhân dân làm lụng xây lên.

Một ngày không hết hiển nhiên dựng thành. Vua bảo: chớ làm nhanh vội vã,

Dân không cần gọi, đã đến ngay. Vườn Linh hựu vua đang ở đấy. Hươu đực và hươu cái thảnh thơi. Hươu đều trơn mướt tốt tươi.

Con chim lông trắng sáng ngời tinh anh. Vua hiện đang trong Linh chiểu ấy,

Ôi! Cá đều đầy dẫy tung tăng.”

(Kinh Thi: NXB Văn học, trang 555 – 556).

Chu Hy đã chú giải bài Kinh Thi này rằng: “Trong nước có cái đài để xem khí âm dương biến chuyển mà xét biết là tai hại hay tốt lành, thường ra đấy mà xem xét thiên văn để tiết chế sự lao nhọc hay sự nhàn rỗi. Cái đài của Văn Vương vừa mới đo và đóng cọc thì nhân dân đã đến làm, cho nên không hết ngày mà xong. Tuy lòng của Văn Vương sợ dân chúng phiền nhọc, mới răn dạy là chớ làm gấp rút. Mà lòng dân thì vui thích ra công như con cái xua vào làm việc cho cha mẹ; không cần kêu gọi mà tự đến.” (Tạ Quang Phát: Sđd: Trang 555).

Chẳng những dân chúng hoan hỉ giúp vua xây Linh đài mà còn hoà vui với vua trước cảnh đẹp thiên nhiên của vườn Linh hựu, hồ Linh Chiểu. Thật là một cảnh tượng thái bình an lạc.

Tại sao có sự hoà vui như vậy?

Thưa rằng: vì vua Văn Vương đã là người hiền. Đó là người vừa có tài vừa có đức; mà đức còn dồi dào hơn tài. Có đức cho nên vua không dám làm nhọc sức dân; thấy dân đói khát, vua không yên bụng ngồi ăn; thấy dân vất vả ngược xuôi, vua không yên tâm nằm ngủ. Vua lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân. Do đó, dân coi vua còn hơn cha mẹ. Vua không muốn làm phiền dân, nhưng dân chỉ muốn có cơ hội phục vụ vua, hết tình hết nghĩa với vua để tỏ lòng ái mộ. Trong sự cảm thông hoan lạc giữa vua và dân đó, thì mới nên thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên.

Nói về Văn Vương xong, Mạnh Tử lại đem trường hợp vua Kiệt ra cảnh cáo Lương Huệ Vương. Ngày xưa vua Kiệt (cuối đời nhà Hạ) đã từng tự hào rằng “bao giờ mặt trời mất, quyền ta mới mất”. Do vậy, dân chúng vì ghét vua Kiệt cho nên đã mong cho mặt trời mất. Mặt trời mất, vua mất theo, thì dân có chết cũng cam lòng. Đó là điều được chép trong thiên Thang thệ, sách Thương thư.

Dân chúng đã oán ghét nhà cầm quyền đến nỗi không thiết sống nữa, muốn với nhà cầm quyền cùng chết cả, liệu đất nước có thể yên ổn được chăng? Như thế, dù có cảnh đẹp đài, ao, chim, thú, liệu vua có thể sống mà vui thú một mình được chăng?

3. Lương Huệ Vương nói: “Quả nhân trị nước đã hết lòng rồi. Hà Nội bị mất mùa, thì dời dân sang Hà Đông, lại đem thóc lúa tới Hà Nội. Hà Đông bị mất mùa, cũng thế. Xem xét sự cai trị của nước láng giềng, không được như dụng tâm của quả nhân. Thế mà dân nước láng giềng không ít hơn; dân của quả nhân không nhiều hơn. Sao vậy?”

Mạnh Tử đáp rằng: “Vua thích chiến trận, xin lấy chiến trận làm thí dụ. Trống nổi râm ran, binh khí giáo kích đã giao đấu. Thế rồi cởi bỏ áo giáp, kéo lê binh khí mà chạy. Có bọn dừng lại sau trăm bước; có bọn dừng lại sau năm chục bước. Lấy bọn năm chục bước cười bọn trăm bước thì thế nào?”

Trả lời: “Không thể cười được. Chẳng qua là không chạy được tới trăm bước thôi. Ấy cũng là bỏ chạy cả.”

Nói tiếp: “Như vua đã biết điều ấy, thì đừng mong dân đông hơn nước láng giềng.

“Nếu không vi phạm vào thời gian nông vụ, thóc lúa không thể nào ăn hết. Nếu không thường xuyên thả lưới vào ao hồ, cá, ba ba không thể nào ăn hết. Búa rìu mà vào núi rừng đúng thời vụ, củi gỗ không thể dùng hết. Thóc lúa cùng với cá, ba ba không thể ăn hết, củi gỗ không thể dùng hết; thế là khiến dân nuôi được người sống, chôn được kẻ chết, không còn sầu oán nữa. Nuôi được người sống, chôn được kẻ chết, không còn sầu oán, ấy là khởi đầu cho nền vương đạo vậy.

“Được năm mẫu đất ở, lấy dâu tằm trồng trọt, thì người năm mươi tuổi có thể được mặc lụa. Những vật nuôi như gà, heo, chó, heo nái mà không mất thời vụ sinh sản, thì người bảy mươi tuổi có thể được ăn thịt. Được ruộng trăm mẫu mà thời vụ đừng bị chiếm đoạt, thì mấy người trong nhà có thể không bị đói ăn. Nếu cẩn thận mở trường huyện, trường làng để giáo dục, bày tỏ nghĩa lý hiếu đễ, thì những người tóc hoa râm không phải vác đội ngoài đường xá. Người bảy mươi tuổi mặc lụa, ăn thịt, dân đen không bị đói, bị rét; thế mà không thịnh vượng, chưa hề có vậy.

“Bọn ‘chó heo’ ăn đồ ăn của người mà không biết kiềm chế, ngoài đường có người chết đói mà không biết phát chẩn. Người ta chết, thì nói rằng: chẳng phải tại ta, tại mùa màng thôi. Thế thì có khác gì kẻ đâm người cho chết lại nói: chẳng phải tại ta, tại binh khí thôi!

“Vua mà không đổ lỗi cho mùa màng, ấy là dân trong thiên hạ sẽ kéo đến vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nỗi ưu tư của Lương Huệ Vương cũng như của những nhà cai trị thời Xuân Thu Chiến Quốc là làm sao đất nước có dân đông đúc. Theo Đức Khổng, ba mục tiêu hệ trọng của việc chính trị là: thứ, phú, giáo; trong đó thứ đứng đầu.

– Thứ là làm cho dân phát triển đông đúc.

– Phú là làm cho dân giàu có của cải, đầy đủ tiện nghi.

– Giáo là dạy bảo dân về đạo đức lễ nghĩa, điều chỉnh phong tục cho tốt đẹp.

Vào thời ấy, dân đông đúc là dấu hiệu của sự thịnh vượng, phồn vinh. Tuy nhiên, làm cho dân đông đúc đâu có dễ. Sở dĩ thời ấy dân cư thưa thớt là vì nhiều lý do:

– Lương thực thiếu thốn Đau yếu bệnh tật, không có thuốc chữa, cho nên ít người sống thọ.

– Trẻ con chết non rất nhiều.

– Chiến tranh liên miên làm hao tổn dân số.

– Người ta chết vì tai họa thiên nhiên nhiều, như thú dữ, sông nước, bão lũ…

Vì vậy, thao thức của Lương Huệ Vương đem nói với Mạnh Tử là: mặc dầu đã cố gắng hơn nước láng giềng, thế mà dân của vua chỉ xấp xỉ như dân nước láng giềng, không đông hơn được.

Để giải thích lý do, Mạnh Tử lấy việc chiến trận làm ví dụ. Giả như khi hai bên giao chiến, có một bên thua. Bọn binh lính bên thua cởi giáp kéo lê vũ khí chạy dài. Đám tàn quân đó gồm hai nhóm: nhóm chạy nhanh hơn, được 100 bước; nhóm chạy chậm hơn, được 50 bước.

Đâu đó yên ổn rồi, nhóm chạy chậm chê cười nhóm chạy nhanh là đồ chết nhát. Mạnh Tử hỏi ý kiến Lương Huệ Vương về chuyện này.

Vương cho rằng: không thể cười bọn nhanh hơn là nhát; bởi vì cả hai đều là nhát gan cả; chỉ khác nhau ở chỗ chạy nhanh hay chậm thôi.

Mạnh Tử đưa ra ví dụ này có ý ám chỉ nước Ngụy của Huệ Vương và nước láng giềng đều được cai trị như nhau; khác nhau ở chỗ dở nhiều hay dở ít. Cai trị dở như vậy thì không mong đông dân được.

Ngay cái việc cứu đói cho dân ở Hà Nội, Hà Đông mất mùa, đâu có hay gì!

Điều đó chỉ biểu lộ cái vụng về của Lương Huệ Vương. Nếu cứ gặp mất mùa là lùa dân đi lùa dân lại như thế, thì hao phí bao nhiêu tiền của và công sức, khiến cho kinh tế ngày càng thêm suy bại.

Mạnh Tử nêu ra phương thức phát triển kinh tế như sau:

– Nhà nước đừng vi phạm vào thời gian nông vụ, tức là đừng bắt dân đi làm xâu giữa ngày mùa; nhà nông được thảnh thơi cấy gặt, thóc lúa sẽ dư thừa.

– Ngăn cấm dân thường xuyên thả lưới trong ao hồ, phải tránh mùa cá đẻ và để cho cá kịp lớn, thì cá, ba ba… sẽ dồi dào.

– Đừng cho thợ rừng chặt phá bừa bãi, để cho cây cối kịp mọc, kịp lớn, củi gỗ sẽ đầy dẫy.

Với ba biện pháp trên, Mạnh Tử khuyến cáo vua phải có kế hoạch hẳn hoi về kinh tế và phải biết gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Một khi đất nước đã dồi dào thực phẩm, tài nguyên củi gỗ thừa thãi, bấy giờ dân chúng được thịnh vượng lên; người sống được nuôi nấng tử tế, kẻ chết được an táng hẳn hoi và trong dân sẽ không còn tiếng than oán nhà nước nữa.

Được như vậy, ấy là nền chính trị Vương đạo đã tiến hành. Vương đạo là nền cai trị của các vua hiền ngày xưa, không chỉ chăm chăm mưu cầu phú quý cho gia đình, dòng tộc, mà lấy hạnh phúc của dân làm trọng, lấy sự thái bình an lạc của đất nước làm mục tiêu.

Sau khi nói về bước khởi đầu, Mạnh Tử nói thêm về đường lối thăng tiến đến thịnh vượng như sau:

– Ngoài việc trồng lúa để có cơm ăn, nhà nước cần phải khuyến khích trồng dâu để cho dân có áo lụa mặc.

– Phải khuyến khích và dạy dân chăn nuôi gia súc để cho dân có thịt ăn.

– Cấp nhiều ruộng và cho dân rảnh rang thời giờ canh tác để diệt trừ nạn đói.

– Cần mở thêm trường học ở làng, ở huyện, dạy dân đạo đức, nghĩa lý hiếu đễ, để cho con cháu biết giúp đỡ cha chú, khiến cho người già (tóc hoa râm) không phải vác nặng đi đường.

Những biện pháp trên mà được thi hành đến nơi đến chốn thì đất nước ắt thịnh vượng, thái bình.

Sau khi nêu ra những biện pháp cải thiện việc cai trị, Mạnh Tử thẳng thắn chỉ trích hiện trạng nước Ngụy lúc bấy giờ.

Bọn “chó heo” mà Mạnh Tử nói ở đây chính là ám chỉ bọn “tham quan lại nhũng” mà dân chúng thường gọi là “quân cẩu trệ”. Bọn tham nhũng đã ăn hại công quỹ mà nhà vua không biết kiềm chế, kiểm tra; đến nỗi dân chúng khốn cùng. Ngoài đường có người chết đói mà nhà nước không phát chẩn cứu giúp. Tai họa xảy ra cho dân như thế nhưng nhà cầm quyền không chịu nhận lỗi, lại đổ tại mất mùa, thiên tai. Cho dù thỉnh thoảng có bị mất mùa, thì nhà nước phải biết tiên liệu mà sắp sẵn kho dự trữ để cứu tế.

Nếu nhà vua biết nhận ra sự sai trái, sự kém cỏi của mình mà chấn chỉnh; bấy giờ dân trong thiên hạ sẽ ùa về qui phục. Làm sao dân không đông đúc, nước không cường thịnh?

4. Lương Huệ Vương nói: “Quả nhân mong muốn được yên ổn để nhận lấy lời dạy bảo.”

Mạnh Tử đáp rằng: “Lấy gậy và giáo mác giết người, có khác nhau chăng?”

Trả lời: “Chẳng có gì khác nhau.”

“Lấy giáo mác và chính trị (giết người) có khác nhau chăng?” Trả lời: “Chẳng khác gì nhau.”

[Mạnh Tử] nói tiếp: “Nhà bếp có thịt béo, chuồng ngựa có ngựa béo. Dân chúng có sắc đói, ngoài đồng có người chết đói. Thế là để cho thú vật ăn thịt người. Thú vật ăn lẫn nhau, vả lại người ta còn ghét. Làm cha mẹ dân thi hành chính trị mà không truất khỏi nạn thú vật ăn thịt người, sao lại làm cha mẹ dân được?

Thầy Trọng Ni nói: “Kẻ khởi đầu chế tác ra tượng gỗ hình người, có đáng không con nối dõi chăng?” Đó là kẻ làm hình tượng người mà dùng, có coi như thế chăng, kẻ khiến cho dân đói đến chết?”

BÌNH GIẢI:

Thấy Lương Huệ Vương đã có lòng muốn nghe, Mạnh Tử chất vấn vua một cách nghiệt ngã để đi đến kết luận: cai trị hà khắc cũng là giết người như giết người bằng gậy hay bằng giáo mác vậy.

Có thể nói chính trị hà khắc còn nguy hiểm hơn gậy và giáo mác nữa. Giết người bằng gậy đập, giáo đâm, người ta còn có thể né tránh; còn chính trị hà khắc như một chiếc lưới bủa vây, trói chặt dân chúng, khiến người ta chịu chết mà không tránh né được. Vì vậy, truyện kể rằng: đức Khổng Tử cùng đệ tử đi qua một cánh rừng nọ, thấy một người đàn bà ngồi khóc. Ngài hỏi thăm mới biết gia đình bà ấy đã có mấy người bị cọp vồ. Hỏi tại sao lại không lên phố thị đông dân mà ở để tránh cọp. Người ấy trả lời rằng ở đấy có quan lại hà khắc, sách nhiễu, rất khó sống. Đức Khổng Tử bèn quay lại bảo các đệ tử: “Hà chính mãnh ư hổ.” (Chính trị hà khắc dữ tợn hơn cọp.) Dân mà sợ chính quyền hơn sợ cọp như thế, làm sao đất nước phát triển tốt đẹp được?

Sau khi thấy thái độ của Lương Huệ Vương có vẻ hoà hoãn, không chống đối, Mạnh Tử phát biểu thẳng: ngựa của vua mập béo trong chuồng, trong khi dân chúng đói khổ. Như thế có nghĩa là vua để cho ngựa ăn thịt người; hay nói khác đi, vua đã lấy thực phẩm nuôi người đem nuôi ngựa cho béo. Làm người có lương tâm, thấy thú vật ăn thịt lẫn nhau, người ta còn ghét; huống chi thú vật ăn thịt người. Ở cương vị vua quan cầm quyền cai trị mà để cho thú vật ăn thịt người như thế, sao tự nhận là cha mẹ dân được?

Mạnh Tử tấn công thêm: Ngày xưa, Đức Khổng Tử (Trọng Ni) đã lên án kẻ khởi đầu chế tác ra tượng gỗ hình người, không đáng có con nối dõi. Lý do là kẻ ấy có dã tâm, coi rẻ sinh mạng con người. Tạc tượng hình người bằng gỗ (giống y như người thật), vô hình trung thể hiện lòng bất nhân. Từ lòng bất nhân, người ta tiến đến chỗ miệt thị và giết hại con người, không xa. Đó là một tội nặng đáng bị tuyệt tự (vô hậu). Mới tạc hình người để chôn thôi mà đã bị Đức Khổng lên án nặng nề như thế; còn kẻ cai trị khiến cho dân chết đói có đáng lên án như thế chăng?

5. Lương Huệ Vương nói: “Nước Tấn, mạnh mẽ lớn lao trong thiên hạ, thầy đã biết điều đó. Đến đời quả nhân, phía đông thua bại ở nước Tề, con lớn bị chết; phía tây mất đất cho nước Tần bảy trăm dặm; phía nam bị nhục ở nước Sở. Quả nhân thấy hổ thẹn; mong ước vì những người chết rửa hận một phen. Như thế nào thì được?”

Mạnh Tử đáp rằng: “Mảnh đất vuông trăm dặm mà có thể cai trị được cả thiên hạ. Nếu như vua thi hành chính sách nhân đạo đối với dân, giảm hình phạt, bớt thuế má thu góp, để dân cày sâu, giẫy cỏ. Những trai tráng dành ngày nhàn rỗi mà tu sửa hiếu, đễ, trung, tín; vào thì phụng kính cha anh; ra thì phụng kính bậc bề trên; có thể khiến họ cầm gậy mà đánh với binh khí bén, áo giáp bền chắc của nước Tần, nước Sở.

“Những nước ấy chiếm đoạt thời vụ của dân họ, khiến cho không được cày ruộng giẫy cỏ để nuôi cha mẹ. Cha mẹ họ bị đói rét; anh em, vợ con phải lìa tan. Những nước ấy đã nhận chìm dân họ; bấy giờ vua đi đến mà đánh phạt. Ôi, ai địch với vua được?

“Cho nên có lời nói rằng: ‘Bậc nhân vô địch.’ Vua chớ nghi ngờ.”

BÌNH GIẢI:

Nước Tấn là gốc nước Ngụy của Lương Huệ Vương. Vào thời Xuân Thu, Tấn là một nước hùng cường sánh ngang với Tề, Sở, Tống, Tần; đã có thời làm bá chủ chư hầu. Sang thời Chiến Quốc, nước Tấn chia thành ba nước: Ngụy, Triệu, Hàn. Luơng Huệ Vương làm chủ nước Ngụy, bị thất thế với ba nước Tề, Tần, Sở. Vì thế vua muốn tham kiến Mạnh Tử xem có kế sách gì phục thù, rửa hận.

Có lẽ trong ý tưởng của Lương Huệ Vương, ông ta muốn Mạnh Tử giới thiệu cho mình vài viên tướng sức địch muôn người và một chuyên gia quân sự cỡ như Tôn Vũ, Điền Nhương Thư, Nhạc Nghị có tài hành binh thần tốc, bách chiến bách thắng để trao ấn nguyên nhung đem quân báo thù Tề, Tần, Sở.

Tuy nhiên, ý tưởng của Lương Huệ Vương đã không nằm trong quan điểm chính trị của Mạnh Tử. Quan điểm của Lương Huệ Vương là quan điểm bá đạo; quan điểm của Mạnh Tử là quan điểm vương đạo. Bá đạo lấy dân làm bệ phóng để xây dựng địa vị Bá vương; còn Vương đạo lấy hạnh phúc của dân làm cứu cánh chính trị. Do đó, Mạnh Tử không đáp ứng sự mong muốn của Lương Huệ Vương, mà trình bày với vua một nền chính trị nhân đạo. Với đường lối nhân chính này, một vị vua chỉ cần một khoảnh đất trăm dặm vuông là đủ làm cơ sở để xây dựng sự nghiệp cai trị cả thiên hạ.

Đường lối nhân chính trước hết là an dân: giảm hình phạt, bớt thuế má, thu góp để cho dân được thảnh thơi phát huy sức sáng tạo trong phát triển kinh tế; cày sâu cho lúa bội thu; giẫy cỏ để trồng các loại hoa màu, cây trái…

Khi dân đã dư ăn, dư mặc, bước thứ hai là giáo dục dân: khuyến khích trai tráng học tập các đức hiếu, đễ, trung, tín (tôn kính cha mẹ, hoà thuận anh em, trung trinh trong chính đạo, tín thật trong giao tiếp). Trong nhà thì phụng kính cha anh; ra xã hội thì phụng kính các bậc bề trên, cư xử có tình nghĩa, để tạo nên một xã hội ổn định, trật tự, đoàn kết, vững mạnh.

Khi dân chúng đã vui sống trong an lạc, tinh thần phấn chấn, yêu kính vua như cha mẹ, sẵn sàng nghe lệnh vua như nghe lời thánh phán; lúc ấy vua có khiến họ cầm gậy tầm vông nêu cao chính nghĩa đi chinh phạt quân vô đạo Tần, Sở, thì dù quân Tần, Sở có vũ khí bén nhọn, áo giáp chắc bền cũng không chống lại được họ. Trái lại, đối phương sẽ buông vũ khí, cởi áo giáp mà qui hàng vì họ có chính nghĩa. Chẳng những quân Tần, Sở về hàng mà đến dân chúng Tần, Sở, là những người bị nhà cầm quyền của họ hà hiếp bấy lâu cũng ùa theo nữa. Những nhà cầm quyền ấy đã không cho họ có quyền nuôi nấng cha mẹ, khiến cha mẹ họ phải đói rét; đã xua trai tráng trong dân đi chinh chiến liên miên, đi làm xâu đắp lũy đào hào, khiến cho anh em, vợ chồng phải lìa nhau.

Bấy giờ vua giương cao ngọn cờ chính nghĩa “Phụng thiên thảo tội” (Phụng mệnh Trời phạt kẻ có tội) đi đến chinh phạt, thì dân chúng nước họ sẽ đem cơm giỏ nước bầu ra chào đón. Như thế, những nhà cầm quyền đã từng nhận chìm dân dưới vũng bạo tàn sao có thể đối địch được với vua. Mạnh Tử quả đã có niềm tin sắt đá vào một chân lý muôn thuở: “Người nhân đức thì không ai địch lại” (Nhân giả vô địch).

6. Mạnh Tử ra mắt Lương Tương Vương.

Trở ra, bảo người ta rằng: “Nhìn ông ta từ xa, chẳng giống ông vua; tới gần ông, mà chẳng thấy có gì đáng sợ. Bất chợt [ông] hỏi rằng: ‘Thiên hạ làm sao ổn định được?’ Ta đáp rằng: ‘Thu về một mối mới ổn định.’ – ‘Ai có khả năng thu về một mối?’ Đáp rằng: ‘Người nào không ham thích giết người có khả năng thu về một mối.’ – ‘Ai có khả năng tham dự vào?’ Đáp rằng: ‘Thiên hạ chẳng ai không tham dự. Kìa vua có biết lúa non chăng? Khoảng thời gian hạn hán vào tháng bảy, tháng tám, lúa non khô héo. Trời ùn ùn nổi mây, ầm ầm đổ mưa xuống, tức thì lúa non phát vụt lên. Vào lúc như thế, ai có thể ngăn cản nổi? Nay kìa những người chăn dắt thiên hạ, chưa có kẻ nào không ham giết người. Như có vị vua nào không ham giết người, ắt dân trong thiên hạ đều nghển cổ mà trông ngóng vậy. Đạt được như thế, dân sẽ quay về như nước chảy xuống chỗ thấp. Đang đổ ầm ầm, ai có thể ngăn cản được?”

BÌNH GIẢI:

Lương Tương Vương là con của Lương Huệ Vương, thay cha cầm quyền cai trị nước Ngụy. Mạnh Tử đến gặp Lương Tương Vương với hy vọng rằng ông này có thể hơn Huệ Vương, biết nghe theo đường lối nhân chính của mình chăng.

Tuy nhiên Mạnh Tử thất vọng ngay khi mới tiếp xúc: Tương Vương không có khí tượng của một ông vua, không có dáng mạo uy nghi đáng kính sợ. Trực giác cho Mạnh Tử biết ông ta chỉ là một người tầm thường, không có chí lớn.

Dĩ nhiên, Lương Tương Vương cũng lên tiếng hỏi như bất cứ một ông vua nào khác, hỏi cho có lệ về đường lối ổn định thiên hạ.

Mạnh Tử cho biết: muốn thiên hạ ổn định phải thống nhất sự lãnh đạo trong các nước chư hầu. Trong tình thế của thời Chiến Quốc lúc bấy giờ, chiến tranh xảy ra liên tục; vua chư hầu nào cũng hiếu sát, cũng muốn dùng binh lực, vũ khí để gồm thâu thiên hạ. Thế mà, dân chúng trong các nước đều đã chán ngấy chiến tranh, sợ hãi cảnh giết chóc, chỉ mong muốn thái bình. Cho nên muôn người như một, ai ai cũng mong đợi một thánh vương nhân đức, biết quý sinh mạng dân chúng, đứng lên nắm quyền cai trị. Nếu có bậc thánh vương ấy xuất hiện thì dân chúng hoan hỉ chẳng khác gì đại hạn gặp mưa rào. Thiên hạ khắp nơi sẽ ùn ùn kéo về thần phục chẳng khác nào lúa non vụt lên như thổi.

Trước khí thế nồng nhiệt ấy, không ai có thể ngăn cản nổi. Bấy giờ lòng dân bồng bột hưng phấn; người người kéo đi ủng hộ như trẩy hội, chẳng khác gì nước nguồn từ cao nguyên tuôn xuống đồng bằng. Người ta không ngăn được nước đang tuôn đổ thì cũng không thể cản được lòng dân nhiệt thành ủng hộ một thánh vương nhân đức không ham giết người, một vị cứu tinh trong thời đại loạn.

7. Tề Tuyên Vương hỏi rằng: “Công việc của Tề Hoàn, Tấn Văn có thể được nghe chăng?”

Mạnh Tử đáp: “Học trò của thầy Trọng Ni không được bày tỏ về công việc của Hoàn, Văn. Vì thế không được truyền cho đời sau. Bề tôi chưa được nghe, chi bằng nói về nghiệp vương chăng?”

Vua nói: “Đức như thế nào thì có thể nên nghiệp vương được?”

Đáp: “Bảo vệ dân chúng thì nên nghiệp vương, chẳng có gì cản nổi.” Hỏi: “Ví như quả nhân có thể bảo vệ dân được chăng?”

Đáp: “Có thể được.”

Hỏi: “Do đâu mà biết ta có thể?”

Đáp: “Bề tôi nghe Hồ Hột nói: ‘Vua ngồi ở trên nhà; có con bò bị dắt qua dưới nhà. Vua thấy vậy nói: Con bò làm sao thế? Đáp rằng: Sắp đem đi lấy máu bôi chuông. Vua nói: Thả ra đi. Ta chẳng nỡ thấy nó sợ run lập cập, ví như vô tội mà bị đem đến chỗ chết. Hỏi: Vậy bỏ việc lấy máu bôi chuông ư? Đáp: Sao lại bỏ? Lấy con dê thế vào.’ Chẳng biết có như vậy chăng?”

Vua đáp: “Có thế.”

Mạnh tử nói: “Tấm lòng ấy đủ làm nên nghiệp vương được. Trăm họ đều cho rằng vua tiếc con bò. Bề tôi biết chắc vua chẳng nỡ.”

Vua nói: “Đúng vậy. Quả thật trăm họ có cho như thế. Nước Tề tuy nhỏ hẹp, ta nào lại tiếc một con bò? Chỉ là ta chẳng nỡ thấy nó run lập cập, ví như vô tội mà bị đem đến chỗ chết. Cho nên mới đem con dê thế vào.”

Mạnh Tử nói: “Vua chẳng lấy làm lạ rằng trăm họ cho vua vì tiếc con bò. Lấy con nhỏ mà thế con lớn, sao họ biết được ý vua? Vua ví như xót thương vô tội mà bị đem đến chỗ chết, sao lại chọn giữa bò và dê?”

Vua cười nói: “Bấy giờ thật ra lòng dạ làm sao chẳng biết? Ta chẳng phải tiếc của mà đem thế con dê vào. Ấy nên trăm họ bảo rằng ta tiếc.”

Mạnh Tử nói: “Chẳng thiệt hại gì; ấy là cách thức làm điều nhân vậy. Thấy con bò mà chưa thấy con dê. Người quân tử đối với cầm thú, thấy chúng sống mà chẳng nỡ thấy chúng chết; nghe tiếng chúng mà chẳng nỡ ăn thịt chúng. Cho nên người quân tử xa lánh bếp núc là vậy.”

Vua thấy vui, nói: “Kinh thi rằng: ‘Người kia có gì trong lòng, ta nghĩ đo lường được cả.” Lời nói đó thuộc về phu tử vậy. Này, ta đã làm như thế, quay trở lại mà tìm hiểu, thì chẳng hiểu được lòng mình. Phu tử nói thế, đối với ta trong lòng cảm thấy bồi hồi. Tấm lòng ấy sở dĩ hợp với nghiệp vương là thế nào?”

Mạnh Tử đáp: “Có người lại nói với vua rằng: sức tôi đủ nhấc nổi trăm quân (3.000 cân) nhưng không đủ nhấc một cái lông chim; sáng mắt đủ thấy rõ một sợi lông vào mùa thu nhưng không thấy cái xe chở củi. Vua có chấp nhận được không?”

Trả lời: “Không.”

“Nay ơn huệ đủ đạt tới cầm thú, mà công hiệu không đến được với trăm họ, sao lại lẻ loi thế? Vậy, một cái lông chim không nhấc nổi vì không dùng sức đấy thôi; cái xe chở củi không thấy được vì không chịu dùng sự sáng mắt đấy thôi; trăm họ chẳng thấy bảo vệ vì không dùng đến ân huệ đấy thôi. Cho nên vua chẳng nên nghiệp vương ấy là chẳng làm thôi, đâu phải không có khả năng làm.”

Vua nói: “Hình trạng của không chịu làm và không có khả năng làm khác nhau ra sao?”

Đáp: “Cắp núi Thái Sơn vượt qua Bắc Hải, người ta nói: tôi không có khả năng. Thế thật là không khả năng. Vì một người trên mà bẻ một cành cây, người ta nói: tôi không có khả năng, thế là không chịu làm, chẳng phải không khả năng. Cho nên vua không nên nghiệp vương chẳng phải là loại cắp núi Thái Sơn vượt qua Bắc Hải. Vua không nên nghiệp vương là loại bẻ cành cây thôi.

“Tôn trọng bậc già lão của mình để rồi tôn trọng đến bậc già lão của người, âu yếm con em mình để rồi âu yếm đến con em người; có thể điều khiển thiên hạ như ở bàn tay. Kinh Thi rằng: ‘Giữ phép thường với vợ mình, rồi giữ với anh em thì cai trị được từ nhà đến nước.’ Nói thế là cất nhắc lòng mình rồi gia thêm cất nhắc lòng người mà thôi (lấy mình làm gương mẫu cho kẻ khác). Cho nên đem ân huệ triển khai là đủ để bảo vệ bốn biển. Không đem ơn huệ triển khai thì không bảo vệ được vợ con. Người xưa sở dĩ vượt hơn người thường, không gì khác là: khéo triển khai hành vi của mình mà thôi.

“Nay ơn huệ đủ đạt tới cầm thú mà công hiệu không đến được trăm họ, sao lại lẻ loi thế?

“Có cân lường rồi sau mới biết nặng nhẹ; có đo đạc rồi sau mới biết ngắn dài; đối với mọi vật đều như vậy. Tâm tình thì phải kỹ lưỡng hơn. Xin vua cân nhắc.

“Hay vua dấy lên việc chinh chiến, làm nguy hại tướng sĩ, bầy tôi, gây oán với chư hầu. Rồi sau mới thoả lòng chăng?”

Vua nói: “Chẳng phải ta muốn thoả như thế đâu. Chỉ hòng tìm lấy điều mong ước lớn của ta thôi.”

Hỏi: “Điều mong ước lớn của vua, có thể được nghe chăng?” Vua cười mà không nói.

Hỏi: “Vì đồ béo ngọt chẳng đủ cho khẩu vị chăng? Đồ nhẹ ấm chẳng đủ cho thân thể chăng? Hay vì sắc đẹp chẳng đủ cho mắt nhìn chăng? Thanh âm chẳng đủ cho tai nghe chăng? Những kẻ yêu dấu chẳng đủ sai khiến trước mặt chăng? Những bầy tôi của vua đều đủ để cung phụng vua, mà vua há còn muốn như thế?”

Đáp: “Chẳng phải, ta chẳng vì các việc như thế.”

Mạnh Tử nói: “Vậy thì điều mong ước lớn của vua có thể biết được rồi. Muốn đòi đất đai, muốn các nước Tần Sở vào chầu, muốn cai trị Trung quốc mà vỗ về các dân mọi rợ bốn phía. Ví bằng để làm được những điều ấy, ví bằng tìm được mong muốn ấy, cũng giống như leo cây tìm cá vậy.”

Vua nói: “Thậm tệ dường ấy ư?”

Đáp: “Còn nguy hại nhiều nữa. Leo cây tìm cá, tuy không được cá, chẳng có tai họa theo sau. Ví bằng để làm được những điều ấy , tìm được mong muốn ấy, dốc hết tâm lực mà làm, ắt có tai họa theo sau.”

Hỏi: “ Có thể nghe được chăng?”

Đáp: “Người nước Trâu với người nước Sở đánh nhau, vua cho rằng ai thắng?”

Vua nói: “ Người nước Sở thắng.”

Đáp: “Phải rồi, nhỏ hẳn không thể địch lớn; ít hẳn không thể địch đông; yếu hẳn không thể địch mạnh. Đất đai của vùng bên trong biển này, vuông vức nghìn dặm có chín vùng, nước Tề góp lại có một vùng. Lấy một chinh phục tám, nào khác gì nước Trâu địch nước Sở chứ? Đáng là quay về với điều căn bản vậy. Nay vua phát huy chính trị thi triển đức nhân, khiến những kẻ sĩ trong thiên hạ đều muốn đứng ở triều đình của vua; những kẻ cày cấy đều muốn cày cấy ở ruộng đất của vua; giới buôn bán đều muốn trữ hàng ở chợ búa của vua; các khách lữ hành đều muốn đi ra đường xá của vua; thiên hạ giận ghét vua của mình đều muốn chạy tới tố cáo với vua. Ví bằng như thế, ai có khả năng cản trở được?”

Vua nói: “Ta tối tăm, chẳng thể tiến tới như vậy. Ước mong phu tử giúp đỡ chí hướng của ta, đem sự sáng tỏ dạy dỗ ta. Ta tuy chẳng sáng suốt, xin thử làm xem.”

Đáp: “Không có của cải bền vững mà có tấm lòng bền vững, chỉ có kẻ sĩ mới đạt được. Dân chúng ví như không có của cải bền vững nhân đó chẳng có lòng bền vững. Nếu chẳng có lòng bền vững thì họ buông thả, lệch lạc, hoang phí, chẳng có gì không làm. Đến lúc hãm vào tội lỗi, rồi sau theo đó mà hành hình họ. Ấy là bủa lưới bắt dân vậy. Có một người nhân đức ở ngôi cai trị mà lại có thể làm cái việc bủa lưới bắt dân hay sao?

“Vậy nên bậc minh quân chế định điền sản cho dân, ắt khiến ngẩng lên đủ phụng thờ cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi nấng vợ con, năm được mùa thì trọn thân no nê, năm mất mùa thì thoát khỏi chết chóc. Rồi sau mới thúc đẩy làm điều thiện. Cho nên dân mới theo điều thiện dễ dàng.

“Nay chế định điền sản cho dân, ngẩng lên không đủ phụng thờ cha mẹ, cúi xuống không đủ nuôi nấng vợ con, năm được mùa thì trọn thân khổ sở, năm mất mùa thì không khỏi chết chóc. Như thế chỉ cứu khỏi chết mà sợ không đủ, huống chi còn nhàn rỗi mà sửa lễ nghĩa ư? Vua muốn tiến hành, sao chẳng quay về điều căn bản?

“Được năm mẫu đất ở, lấy dâu tằm trồng trọt thì người năm mươi tuổi có thể được mặc lụa. Những vật nuôi như gà heo, chó, heo nái mà không mất thời vụ sinh sản, thì người bảy mươi tuổi có thể được ăn thịt. Được ruộng trăm mẫu mà thời vụ đừng bị chiếm đoạt, tám miệng ăn trong nhà có thể không bị đói. Nếu cẩn thận mở trường huyện, trường làng để giáo dục, bày tỏ nghĩa lý hiếu đễ, thì những người tóc hoa râm không phải vác đội ngoài đường xá. Người già được mặc lụa ăn thịt, dân đen không bị đói, bị rét; thế mà không thịnh vượng, chưa hề có vậy.”

BÌNH GIẢI:

Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công là hai vị bá chủ trong thời Xuân Thu. Lúc Mạnh Tử ra mắt Tề Tuyên Vương là một thời điểm trong thời Chiến Quốc, nước Tấn chẳng còn; các chư hầu coi rẻ thiên tử nhà Chu; cho nên tước Công tiếm xưng Vương vị, trở thành: Lương Huệ Vương, Lương Tương Vương, Tề Tuyên Vương…

Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử về công việc của Tề Hoàn, Tấn Văn là có ý muốn mở nghiệp bá nắm quyền lãnh đạo các nước chư hầu.

Mạnh Tử là một hiền triết giữ đúng đạo thống Nho giáo truyền từ Đức Khổng Tử; ông chỉ muốn thi hành chính sách cai trị theo vương đạo, đề cao đức nhân, lấy hạnh phúc dân chúng làm trọng, Cho nên ông đã tránh không nói về bá đạo của Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công; vì bá đạo nhẹ về đức nhân mà nặng về mưu thuật, vũ lực. Ông cố gắng hướng Tề Tuyên Vương sang vương đạo, dùng đức trị, nhân chính để dân chúng thoát nạn gươm đao, thiên hạ thái bình.

Biết Tề Vương chẳng phải là một vị vua hiền xứng đáng với ý nghĩa chính danh; nhưng Mạnh Tử cũng cố gắng tìm ra một điểm nhỏ đáng khen trong tâm tư của Tuyên Vương hòng khích lệ ông ta, khiến ông hứng chí mà theo chăng? Điểm nhỏ đáng khen ấy là lòng trắc ẩn đối với một con bò sợ run lập cập khi bị lôi đi giết để lấy máu làm lễ bôi chuông. Lòng trắc ẩn ấy tuy nhỏ nhoi như đốm lửa lập loè trong đêm đen, tuy nhiên Mạnh Tử cũng hy vọng nếu ráng thổi, đốm lửa ấy có thể bùng lên thành một bếp lửa lớn ấm áp.

Hầu như các quan trong triều và dân chúng không nhìn ra lòng trắc ẩn nhỏ nhoi đó. Họ cho rằng Tề Tuyên Vương hà tiện, muốn thay con bò lớn bằng con dê nhỏ cho đỡ tốn của. Là một hiền triết có cái nhìn tinh tế, Mạnh tử đã nhận ra tâm tình xúc động ấy của Tề Tuyên Vương để gợi ra và muốn Tuyên Vương nhân đó phát triển thêm nữa trở thành tấm lòng thương cảm hướng về những nỗi thống khổ của dân chúng.

Quả nhiên, được ngợi khen Tề Tuyên Vương rất hứng chí, vui vẻ nghe Mạnh Tử thuyết về nghiệp vương.

Bằng phương pháp lập luận rất chặt chẽ, Mạnh Tử đã đặt vấn đề: ơn huệ của vua soi tới được cầm thú (con bò), tại sao lại không đến được với dân chúng (trăm họ);điều đó chẳng vô lý lắm sao?

Từ lập luận sắc bén ấy, Mạnh Tử cho rằng vua có thể xây dựng nghiệp vương, nghĩa là dư sức bảo vệ dân chúng, chẳng qua vua không muốn làm đó thôi, chứ chẳng phải vua không có khả năng làm. Mạnh Tử cho rằng cái khó của việc xây dựng nghiệp vương chỉ như cái khó của việc bẻ một cành cây, chứ không phải cái khó cắp núi Thái Sơn vượt qua Bắc Hải. Nghĩa là vua có dư sức để làm.

Nghiệp vương là công việc khởi từ sự tôn trọng cha mẹ già cả của mình, rồi suy ra tôn trọng các bậc già cả trong dân; âu yếm con em mình rồi triển khai ra, âu yếm thương xót con em trong cả nước. Khi vua đã lấy mình làm gương mẫu tốt lành (giữ phép thường) cho mọi người, ắt mọi người từ gia đình ra tới thiên hạ sẽ theo gương vua mà cư xử tốt với nhau. Vua đã biết ban ơn huệ cho con bò thì vua hẳn biết ban ơn huệ cho mọi người. Khi đã biết triển khai thì ơn huệ của vua có thể bảo vệ bốn biển; nghĩa là bảo đảm được hạnh phúc cho toàn thể dân chúng trong nước. Như thế, nghiệp vương ắt sẽ thành tựu.

Nếu vua muốn dùng bạo lực bá đạo (giáp binh) mà mở rộng biên cương thì chỉ hao binh tổn tướng, dân chúng khổ sở mà chung cuộc sẽ hoàn toàn thất bại. Trái lại, nếu biết quay trở lại điều căn bản của vương đạo: phát huy chính trị lương hảo, thi triển đức nhân, mọi người sẽ khẩu phục, tâm phục và đều muốn trở nên công dân của vua cả. Bấy giờ, dù có gặp năm mất mùa cũng không có người chết đói, người già được mặc áo lụa, ăn thịt, người tóc hoa râm không phải vác nặng ở ngoài đường. Đó là cảnh tượng đất nước thái bình, thịnh vượng, không khác gì thời đại hoàng kim của Nghiêu, Thuấn thuở xưa.

Quả thực, Mạnh tử đã khổ công thuyết phục nhưng tiếc thay các vua thời ấy chẳng biết nghe theo! Giá như những vua như Lương Huệ Vương, Lương Tương Vương, Tề Tuyên Vương… biết nghe mà trọng dụng Mạnh Tử để thi hành nền nhân chính thì nước Trung Hoa đã đổi khác. Bấy giờ bọn tung hoành gia như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Tuy… đâu còn có chỗ để khua môi múa mép; và bọn Vệ Ưởng, Lý Tư chẳng có cơ hội được trọng dụng ở Tần để thiết lập nên một nhà nước độc tài, chuyên chế, tàn bạo, khắc nghiệt có một không hai trong lịch sử Trung Hoa sau này.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

3.7 3 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

4 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung […]

trackback

[…] Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung (LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải NGUYỄN MINH […]

trackback

[…] ❁ Chương 1. Lương Huệ Vương Thượng ❁ Chương 2. Lương Huệ Vương Hạ ❁ Chương 3. Công Tôn Sửu Thượng ❁ Chương 4. Côn Tôn Sửu Hạ ❁ Chương 5. Đằng Văn Công Thượng ❁ Chương 6. Đằng Văn Công Hạ ❁ Chương 7. Ly Lâu Thượng ❁ Chương 8. Ly Lâu Hạ ❁ Chương 9. Vạn Chương Thượng ❁ Chương 10. Vạn Chương Hạ ❁ Chương 11. Cáo Tử Thượng ❁ Chương 12. Cáo Tử Hạ ❁ Chương 13. Tận Tâm Thượng ❁ Chương 14. Tận Tâm Hạ […]

trackback

[…] Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung (LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải NGUYỄN MINH […]

4
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x