Trang chủ » Trung Dung – Chu Hy Chương Cú

Trung Dung – Chu Hy Chương Cú

by Hậu Học Văn
724 views

CÂU CỦA CHƯƠNG HY

Thầy Trình tử nói: Không thiên lệch gọi là trung, không dời đổi gọi là dung. Trung là con đường chính đáng của mọi người, dung là cái lẽ nhất định của mọi người. Bản văn này là tâm pháp được trao truyền trong Cửa Khổng, ông Tử Tư sợ rằng lâu dần bị sai lạc đi, cho nên viết thành sách, để trao cho ông Mạnh Tử. Sách ấy, những lời ban đầu nói đến một lý duy nhất, ở đoạn giữa trải ra muôn việc, phần cuối lại kết hợp thành một lý duy nhất. Mở rộng ra thì đầy sáu cõi, thu lại thì lui vào ẩn náu nơi kín đáo. Vị của nó vô cùng, đều là thực học. Người khéo đọc sách suy nghĩ tìm tòi mà đạt được, thì dùng suốt đời; không thể cạn hết vậy.”

BÌNH GIẢI:

Hai chữ “Trung dung” này đã từng gây khá nhiều sự hoang mang và bất đồng trong ý kiến của các học giả Nho học xưa nay. Trong bản dịch “Trung Dung tập chú”, ông Hồng Liên Lê Xuân Giáo cho rằng kể cả Trung Hoa và Việt Nam “Đạo Trung dung đang còn là một con voi trước một đàn người mù” (Trung Dung tập chú, trang 7). Câu này có nghĩa: Trung dung là thế này, Trung dung là thế nọ, tùy theo ý kiến riêng của mỗi học giả; chẳng khác gì câu chuyện đám người mù sờ voi bằng tay: người này cho voi là con đỉa lớn khi sờ thấy cái vòi, người kia cho voi là cây cột khi sờ thấy cái chân, người nọ cho voi là cây chổi khi sờ thấy cái đuôi…

Thậm chí, dịch giả Lê Xuân Giáo còn trích dẫn lời của ông Trương Chi Động, một vị tiến sĩ dưới triều Quang Tự nhà Thanh nói:

“Từ trước tới nay, người ta đã dùng rất nhiều văn tự và ngôn ngữ để lý giải đạo Trung dung. Nhưng cho tới nay, người ta vẫn chưa ai biết đạo Trung dung đang là cái gì! Đúng là người ta đã dùng những từ ngữ không ai hiểu để giải thích một cái không ai hiểu.”

(Sđd: trang 7).

Ở Việt Nam, theo ông Lê Xuân Giáo, vào những năm 1929 – 1930, cụ Phan Khôi đã viết trong Phụ nữ tân văn như sau:

“Ngày trước, chúng tôi đi học và đi thi chữ Hán đã căn cứ vào lời chú giải của ông Chu Hy, một đại nho triều Tống, rồi dịch nghĩa đạo Trung dung như thế này:

“Trung là chính giữa. Không thiên lệch bên nào. Dung là bình thường, không thái quá, không bất cập. Trung dung là cái thế quân bình ở vào tình huống nào, trạng thái nào cùng giữ được cái thế điều hoà của nguyên lý bình thường.”

Cụ Phan Khôi đã viết thêm:

(Sđd, trang 8) .

“Nếu đúng vậy, thì đạo Trung dung là một triết thuyết chủ trương lưng chừng, nửa mỡ, nửa nạc, không dứt khoát lập trường; là cái không trắng, không đen, mà là luốc luốc… Nói như thế, ai thực hành được đạo Trung dung trong việc lập thân xử thế, sẽ thành một anh chàng ba phải… hay sao?”

(Sđd, trang 8).

Cũng theo dịch giả Lê Xuân Giáo, cụ Nguyễn Huy Nhu, tiến sĩ triều Nguyễn, hội trưởng Hội Cổ học Huế, đã nói với người thư ký hội Khổng Học Sài Gòn về nội dung thuyết Trung dung như sau:

“Thật ra, chúng tôi thời trước học sách Trung dung cũng chỉ học cho nhớ một số câu để khi đi thi trích dẫn vào bài thi, cho đậu Cử nhân, tiến sĩ, chứ thực tế nội dung yếu chỉ của triết thuyết Trung dung, chúng tôi cũng vẫn chưa hiểu nổi.”

Rồi cụ Nhu lại tiếp:

“Và đây không phải riêng một cá nhân tôi, mà cho tới cả các cụ Khôi Thám xưa, đối với triết thuyết Trung dung cũng chung chung một tình trạng đó.”

(Sđd, trang 9).

Ông Lê Xuân Giáo lại còn nêu ra một số học giả Tây phương đã dịch hai chữ “Trung dung” như thế này:

– Trung dung là trung tâm điểm đúng nhất (juste milieu).

– Trung dung là trung tâm điểm bất biến (milieu invariable).

– Trung dung là trung đề của một tam đoạn luận (le moyen terme).

(Sđd: trang 9)

Rồi ông Lê Xuân Giáo kết luận:

“Tuy nhiên, họ dịch như thế cũng như bao người Việt Nam chúng ta đã dịch, chẳng làm cho ai hiểu thêm được gì hết.”

(Sđd: trang 10).

Ngoài ra, trong tập sách Đại học, Trung dung của cụ Đoàn Trung Còn, nhà Phật học kiêm Nho học lão thành này đã nói về học thuyết Trung dung như sau:

“Học thuyết ấy có phần giống với lý “Trung đạo” của nhà Phật! Đức Phật Thích Ca từng khuyên tín đồ tránh xa hai lối cực đoan: đừng sa ngã vào nơi dục lạc mà hại thân thể; đừng khư khư chịu khổ hạnh mà hại tâm trí, lúc nào ý kiến, sự suy xét, lời nói, việc làm, đời sống, cuộc tinh tấn, ý niệm và ý định đều phải giữ cho chơn chánh, từ hoà, như vậy được, ắt sẽ thành Thánh, thành Phật. Đức Thánh Khổng dạy đệ tử nên tránh xa sự thái quá và sự bất cập, đừng để cái tâm chênh lệch qua nẻo tà, ác, tham lam, phải cố gắng theo những đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, đặng giữ mình và xử đời… Vậy thì, bởi thuyết Trung dung và Trung đạo, hai bực Thầy Tổ gần với nhau; mà những hàng môn đồ của hai giáo cũng có lắm phần hạp với nhau trong sở hành nữa vậy.”

(Trung dung, dịch giả Đoàn Trung Còn, trang 37).

Xem ra, một cách chung chung; xưa nay người ta thường hiểu chữ “trung” theo nghĩa “trung bình” và chữ “dung” theo nghĩa “dung hoà”. Nếu chỉ là thế thì học thuyết Trung dung chẳng có gì đặc biệt, chẳng có gì là cao thâm!

Tuy nhiên, cụ Phan Khôi đã không đồng ý:

“Đạo Trung dung của thánh hiền lẽ nào lại có thể như thế được (?) chỉ tại chúng ta chưa thấu triệt yếu chỉ đấy thôi.”

(Sđd: trang 8) .

Riêng cụ Phan Bội Châu đã nhận xét về sách Trung dung như sau:

“Bản sách này ở trong Khổng Học là một bản sách rất cao, bàn đạo lý rất thâm thúy, góp cả thiên đạo và nhân sự, đủ cả lý luận và sự thực. Xem ở trên mặt chữ và chương cú, không được dễ hiểu như Đại học và Luận ngữ. Học giả bắt đầu vào cửa Khổng học thiệt chưa có thể lĩnh hội được cả tuyền thư.”

(Khổng học đăng, Quyển I: Phan Bội Châu, trang 310).

Trước những ý kiến nêu trên và để cho sáng tỏ hơn về học thuyết Trung dung, giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu lại những lời của Trình Tử: “Bất thiên chi vị Trung, bất dịch chi vị dung. 不偏之謂中,不易之謂庸。” (Không thiên lệch gọi là trung, không dời đổi gọi là dung.)

Trong câu này, chữ “trung” và chữ “dung” có vẻ như là hai động từ (verbe). Trung là không thiên lệch, dung là không dời đổi. Và câu này hàm ý một túc từ (complément): không thiên lệch, không dời đổi khỏi “cái gì đó”. “Cái gì đó” là túc từ (complément) được hiểu ngầm; có thể đó là cú pháp của cổ nhân, và cũng có thể là cổ nhân (Trình Tử) muốn đánh đố độc giả, muốn cho độc giả phải động não. Có động não mới xứng đáng được nghe lời chân lý thiên thu! Đây cũng là một ngữ pháp thường được dùng trong Kinh sách của các bậc thánh hiền xưa, kể cả Kinh Thánh Công giáo cũng vậy. Đức Giêsu cũng đã từng nói: “Hãy xin, thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp; hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì bất cứ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ thì được mở cho” (MT: 7, 7 – 8). Phải thành khẩn gõ, thành khẩn tìm, mới có thể hiểu được lời chân lý!

Cái gì đó” được hiểu ngầm trong câu nói của Trình tử sẽ được thứ tự trình bày trong 33 chương sách Trung dung do Tử Tư thuật lời của Đức Khổng tử. Đó là “thiên mệnh, thiên đạo, nhân đạo”.

Như vậy câu của Trình tử phải được hiểu đầy đủ là “không thiên lệch, không dời đổi khỏi thiên mệnh, thiên đạo và nhân đạo”. Đó là cấp độ thứ nhất của ý nghĩa hai chữ “trung dung”.

Câu tiếp theo của Trình tử là:

Trung giả, thiên hạ chi chính đạo; dung giả, thiên hạ chi định lý. 中者天 下之正道;庸者天下之定理。” (Trung là con đường chính đáng của mọi người, dung là cái lẽ nhất định của mọi người.)

Trong câu này, chữ “trung” và chữ “dung” lại là danh từ (nom). Trung dung không còn là động từ (verbe), mà là danh từ (nom). Vậy, ở đây Trung dung chỉ đến một “cái gì đó”. Đọc kỹ 33 chương sách Trung dung, chúng ta sẽ biết “cái gì đó” chính là “thiên mệnh, thiên đạo, nhân đạo”.

Trung dung nói vắn tắt lại là một chữ trung: đó là thiên mệnh, là Thái cực tiềm tàng trong con người; đó là thiên đạo chi phối vũ trụ vạn vật; đó là nhân đạo trong sự giao tiếp giữa người với người.

Theo Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, trung là toàn thiện. Năm Nhâm Dần (1542), cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhân dạo chơi bên bờ sông Tuyết giang, thấy chữ trung có ý nghĩa bao quát đạo làm người, nên đã cho xây một cái quán, đề tên là quán Trung tân. Tân là cái bến, trung là toàn thiện. Cụ muốn mọi người hãy đứng lại nơi bến bờ toàn thiện. Trung tân là cứu cánh của mỗi người. Vì thế cụ đã viết một bài minh tỏ ý nguyện trên bia đá dựng trên bến sông; trong đó có đoạn văn như sau:

“Quán dĩ Trung tân danh, hà sở thủ nghĩa. Dư ngữ chi viết: Trung giả trúng dã, toàn kỳ thiện vi trung, bất toàn kỳ thiện tắc phi trung dã. Tri sở chỉ vi yếu tân, bất tri sở chỉ tắc mê tân hỹ.” (Quán sở dĩ có tên Trung tân, điều này mang nghĩa ra sao. Ta muốn nói rằng: Trung là đúng, thành toàn điều thiện là trung, không thành toàn điều thiện thì chẳng phải trung. Biết chỗ dừng lại là bến trọng yếu, không biết chỗ dừng lại tức là bến mê vậy.”

(Trung tân quán bi minh, Trạng Trình.

Tài liệu của Lê Hữu Mục. Trích theo Trung dung giảng luận của Nguyễn Văn Thọ, bản đánh máy, trang 35).

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như các bậc thánh hiền trong đạo thống Nho giáo luôn cho rằng Trời (thiên) là một thực tại toàn thiện. Cho nên thiên mệnh, thiên đạo nhân đạo, tất cả thoát thai từ Trời, đều toàn thiện. Vậy toàn thiện là Trung dung, là chính đạo, là định lý của mọi người. Đây là cấp độ thứ hai của ý nghĩa hai chữ “Trung dung”.

Tạm phân ý nghĩa Trung dung ra hai cấp độ như trên cốt cho dễ hiểu, chứ thực ra có thể gồm thâu lại một. “Thiên mệnh, thiên đạo và nhân đạo là chính đạo, là định lý của mọi người, không được thiên lệch và dời đổi. Nếu có lệch lạc và dời đổi sẽ tạo nên sự khủng hoảng: khủng hoảng nơi cá nhân, gia đình và xã hội, khủng hoảng luôn cả vũ trụ tức môi trường thiên nhiên chung quanh.

Bản văn này vốn là một tâm pháp trong Cửa Khổng, trước khi được Tử Tư viết thành bản văn để trao cho Mạnh tử thì nó ở dạng “bất thành văn”, nghĩa là những lời truyền miệng, cộng thêm các hành vi và các ẩn ý trong tâm tư. Tâm pháp đòi hỏi thầy phải làm gương cho trò và đòi hỏi trò phải thành khẩn noi gương thầy mà thực hành, lâu ngày mới tiếp thu được. Đạo Trung dung hay sự toàn thiện không phải là một bản văn chỉ để học thuộc lòng như kiểu học vẹt. Do đó, trước khi Tử Tư viết ra trao cho Mạnh tử thì đạo Trung dung chỉ là một tâm pháp được Khổng tử truyền cho các môn đệ, trong đó những người tâm đắc nhất có Nhan Hồi, Tăng Sâm, sau đó mới truyền tới Tử Tư.

Có lẽ Tử Tư đã linh cảm rằng sau Mạnh Tử tâm pháp ấy có thể bị sai sót hay thất truyền, cho nên ông mới viết thành bản văn như thế. Vì thiếu những tác phong, những hành vi thiện hảo, những nét linh động của một bậc thầy hỗ trợ, do đó bản văn Trung dung trở thành khô chết, khó hiểu.

Những lời ban đầu của sách Trung dung nói đến một lý duy nhất: đó là “thiên mệnh”, là “tính bản nhiên” của con người.

Ở đoạn giữa, gồm 31 chương, đạo Trung dung được trải ra muôn việc: đó là đạo của người quân tử và cũng chính là thiên đạo bao trùm vũ trụ. Người quân tử theo đạo chỉ việc tiến bước trong đường nhân đức, vui sống trong mọi hoàn cảnh. Bởi vì Trung dung là thiên đạo cho nên một nền chính trị lý tưởng cũng phải đặt căn bản trên đạo ấy. Từ các bậc lãnh đạo cho tới dân chúng, mọi người trên dưới đều lo tu đức thì dân mới giàu, đất nước mới thịnh trị thái bình… Đó là nhân đạo phải đi theo thiên đạo. Trung dung là chính đạo, cho nên các vị thánh nhân đời trước đều chủ trương như thế, và cho đến muôn đời sau, có thánh nhân nào ra đời cũng sẽ giảng dạy đạo lý ấy…

Sang đến chương cuối, Trung dung lại kết hợp thành một lý duy nhất: đó là đề cao “minh đức”, là thiên mệnh, là tính bản nhiên thụ bẩm bởi Trời.

Như vậy, sách Trung Dung khởi đầu cũng từ chữ thiên và đóng lại cũng ở chữ thiên. Bởi vì Trung dung bao gồm cả thiên đạo nhân đạo cho nên nếu triển khai ra, đạo ấy đề cập tới cả nhật, nguyệt, tinh cầu trên bầu trời, chi phối cả núi sông, cây cỏ trên mặt đất, và ảnh hưởng tới mọi người khắp bốn phương. Do đó Chu Hy nói: “mở rộng ra thì đầy sáu cõi” (Phóng chi tắc di lục hợp – 之則彌六合)

Tuy nhiên, Trung dung lại cũng là thiên mệnh, là tính bản nhiên, vì thế nếu “thu lại thì đạo ấy ẩn kín” trong tâm hồn mỗi người. (Quyện chi tắc thối tàng ư mật – 卷之則退藏於密)

Đối với những người có tâm cầu đạo, tha thiết đi tìm chân lý thì Trung dung có sức cuốn hút vô cùng. Đó chính là đạo mà Khổng Tử đề cập tới trong sách Luận ngữ: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ.” (Buổi sáng được nghe đạo, chiều chết được rồi.) (L.N: Lý Nhân, 8).

Người nào có thành tâm thiên chí khéo đọc sách này sẽ cố gắng suy nghĩ, tìm tòi, tu tập, hẳn là có thể vận dụng đạo Trung dung trong mọi tình huống của đời người mà kết quả thì vô hạn.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

3 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] – Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung […]

trackback

[…] Giới thiệu ❁ Chu Hy Chương Cú ❁ Chương 1 ❁ Chương 2 ❁ Chương 3 ❁ Chương 4 ❁ Chương 5 ❁ Chương 6 ❁ […]

trackback

[…] Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung (LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải NGUYỄN MINH TIẾN hiệu đính và giới thiệu ) […]

3
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x