Trang chủ » “Ông là cái Tuyệt đối đó”

“Ông là cái Tuyệt đối đó”

by Hậu Học Văn
363 views

Ngày 6 tháng 4 năm 1981

Người hỏi: Trong lúc ngồi đây hỏi ông, tôi cảm thấy an lạc. Đó không phải là một dấu hiệu chứng tỏ sự tiến bộ hay sao?

Maharaj: Cậu nói gì thế? Cậu nói từ trình độ mẫu giáo. Ta không xem cậu như môn sinh của lớp mumuksha (Người đi tìm giải thoát), mà ta sẽ nói với cậu như nói với môn sinh của lớp sadhaka (Người khao khát tâm linh). Cậu tu tập tâm linh được bao lâu?

H: Từ khi còn nhỏ, gia đình tôi tu tập tâm linh qua nhiều thế hệ, vì thế tu tập tâm linh là một sở thích của tôi.

M: Tốt. Tuy nhiên, cậu vẫn còn thuộc trình độ mẫu giáo. Giải pháp duy nhất cho cậu là từ bỏ sự nhận diện của cậu với thân tâm.

H: Tôi biết tất cả những điều đó bằng tri thức, nhưng tôi không chứng nghiệm, vì thế tôi đến đây để được thân cận thánh nhân – satsang.

M: Cậu hiểu thế nào là satsang? Đó chỉ là một thuật ngữ tâm linh có tính quy ước.

Bây giờ cậu hãy khởi sự từ đây với sự tin tưởng kiên cố: “Ta là Brahman, vô hình thể, vô hình tướng hay vô thể dạng, và cũng không có bất cứ bất cứ khuynh hướng tâm thức nào.

Ta là ý thức thị hiện”. Khi cậu nhận ra mình vô hình tướng, thì chẳng có giai cấp hay tín ngưỡng đối với cậu; chẳng còn khái niệm nào.

Người đi tìm sự giải thoát ở trình độ mẫu giáo, có khuynh hướng tâm linh, nhưng lại nhận diện mình với thân tâm. Người khao khát tâm linh là người không còn nhận diện mình với thân tâm. Siddha, người toàn hảo là người đã an định trong cái biết “Ta Hiện Hữu”, và trong tiến trình đó đã vượt ra khỏi cái “Ta Hiện Hữu”. Trong cuộc hành trình này cậu biết rất rõ mình ở đâu.

M: [quay sang người khác] Mẹ cậu này đã nằm trên giường chờ chết, nhưng Ta khẳng định rằng bà ấy sẽ không chết. Đó là mấy năm trước, bây giờ bà ấy vẫn còn sống.

Bà ấy tin mình sẽ chết nên đã mua loại hoa ưa thích cho tang lễ của mình. Ta bảo bà ấy ngồi dậy và đi pha trà cho Ta.

Lúc đó, thái độ của Ta là: “Ta là Brahman”, hôm nay thái độ đó đã bị từ bỏ. Lúc đó Ta đã tin tưởng chắc chắn là bất cứ gì Ta giải quyết đều sẽ thành, đều sẽ xảy ra. Ngay tại nơi này nhiều điều đã xảy ra. Việc thờ cúng diễn ra ở đây kể từ năm 1932. Ta là người thuê đầu tiên trong tòa nhà Vanmali này.

[Có thêm những câu chuyện về các phép lạ khác đã xảy ra ở đây. Nhiều phép lạ đã xảy ra xung quanh Maharaj, nhưng ông không bao giờ nói về quá khứ hay tương lai.]

M: Nhiều người vẫn thường đến đây với hy vọng rằng mọi vấn nạn của họ được giải quyết. Khi Ta hỏi vì sao họ đến, thì họ chỉ đơn thuần trình bày vấn nạn của mình. Ta thường bảo họ: “Chính việc ông tìm đến đây có nghĩa là vấn nạn của ông chắc chắn sẽ được giải quyết. Ông có thể ra về”. Còn bây giờ các ông đến đây, ai lôi kéo các ông đến?

Chính là sự hiện hữu của các ông. Các ông bị thu hút đến nơi này vì một tính cách nào đó trong các ông. Các ông đang an định trong trạng thái tối thượng. Không phải một sự thu hút có tính cách thế tục đã đưa các ông đến đây. Chẳng có ai trong các ông hay bất cứ ai khác biết gì về sự thu hút này. Sự thu hút đối với các ông là ở trong trú xứ vĩnh hằng của chính mình, đó là nhà của các ông. Khi nào sự thu hút có đó thì các ông đến đây.

H: Các khoa học gia đang nói về “lỗ đen” (the black hole) nơi qui về tối hậu của mọi vật trong vũ trụ.

M: Ông là cái Tuyệt Đối đó, ông nuốt trọn cả vũ trụ.

❁ ❁ ❁

Ngày 10 tháng 4 năm 1981

Maharaj: Cái biết “Ta Hiện Hữu” chỉ còn giao tiếp rất mong manh. Do đó các ông chỉ có thể thực hành darshan (nhìn với sự kính trọng từ xa), thuyết giảng chắc không có thể xảy ra. Bất cứ tín tâm nào các ông có về Ta thì tín tâm đó sẽ an định trong các ông. Không phải darshan, mà là tín tâm của các ông đối với darshan.

Khác thường, hy hữu, lạ lùng, ngạc nhiên, phi hiện tượng – đó là loại lợi lạc mà các ông sẽ nhận hưởng. Tín tâm tối hậu vào cái Ta. Tất cả tín tâm. Bất cứ gì các ông thấy, đừng thấy nó chỉ là một thân xác. Đó chính là tay chân (limbs) của nguyên lý tối thượng và bất khả nhận thức đang thể hiện tự thân. Những tay chân này đã đạt đến đỉnh cao nhất.

Người hỏi: Tôi tin như thế.

M: Vì sự tin tưởng đó trở nên kiên cố đối với ông nên không bao giờ nó có thể suy xuyển. Nó là tất cả, trọn vẹn, và bất hoại.

❁ ❁ ❁

Ngày 11 tháng 4 năm 1981

Maharaj: Cốt lõi của ý thức này là biết, biết “Ta Hiện Hữu” . Ý thức không phải là một nhân cách, cũng không phải là một cá nhân. Nó là sự thị hiện tổng thể. Hiện hữu có đó, nó tràn đầy tất cả.

Tuy nhiên, cái “Ta Hiện Hữu” vi tế này là kết quả của thân xác vật chất khách quan. Cả một đại thụ tiềm ẩn trong một hạt giống, ba cõi thế giới thu gọn trong giọt “Ta Hiện Hữu” li ti.

Trạng thái cao nhất là trạng thái của một người giác ngộ. Bước đầu tiên là trở thành giọt li ti đó. Trong tiến trình biết rõ giọt li ti đó, ông thoát ra khỏi nó, và đó là một người giác ngộ. Người giác ngộ không còn bị ám ảnh bởi bất cứ tai họa hay phiền trược nào, vì người đó đã vượt ra khỏi cái nguyên lý “Ta Hiện Hữu”. Người đó nhìn vở kịch như một nhân chứng.

Bây giờ, hãy hiểu rõ. Giọt li ti này của cái biết là kết quả của thân xác được nuôi dưỡng bằng tinh chất thực phẩm; trong sự hiểu nó, ông thoát ra khỏi nó. Nếu bước cuối cùng này được thực hiện: biết rằng Ta, cái Tuyệt Đối, không phải là “giọt li ti” đó, tức ý thức – điều này phải xảy ra một lần. Không còn can dự vào trò chơi của ý thức, ông ở trong trạng thái không còn trở lại nữa, trạng thái vĩnh cửu.

Bất cứ gì ông cho là hiểu biết tâm linh đều đạt được trong cõi giới của ý thức; những hiểu biết như thế đơn thuần là một gánh nặng trên đầu ông, và chỉ tạo thêm khốn khổ. Nó không gì khác hơn là thuật ngữ tâm linh. Cái biết “Ta Hiện Hữu” này chính là nguồn gốc của mọi bất hạnh.

Có phải ông ở trong vị trí không thể vận dụng ngôn từ để diễn đạt cái Ta của ông?

Khi Ta trả lời các câu hỏi của ông một cách chi tiết như thế, thì ông nên rút vào sự tĩnh lặng mà từ đó không ngôn từ nào sinh khởi.

Ta diễn giải cái biết này một cách trọn vẹn và rốt ráo. Ông có can đảm chấp nhận nó không? Nếu thực sự quán triệt những gì Ta vừa nói, ông không cần thiết phải trở lại nữa. Đừng tìm cách nói lại điều này với người khác, cũng đừng nói về điều này ở chỗ khác.

❁ ❁ ❁

Ngày 22 tháng 4 năm 1981

Maharaj: Toàn thể vũ trụ được kinh nghiệm trong ý thức “Ta Hiện Hữu”. Nếu không có ý thức “Ta Hiện Hữu” thì liệu bất cứ gì khác có thể tồn tại? Ý thức này đang đánh trống và mọi người bị thu hút bởi tiếng trống. Ai là người đi tìm kẻ đánh trống? Ai gây ra âm thanh và đánh trống? Lạ lùng thay chẳng có ai thèm liếc mắt nhìn tia ý thức này.

Người hỏi: Khi tôi an định trong ý thức, có phải đó là thiền?

M: Ai là kẻ an định? Không phải chính là ý thức?

Người này [chỉ Jean Dunn] đã hiểu bổn tánh của mình. Tất cả đều do tín tâm của bà ta đặt vào Đạo sư. Bất cứ gì liên quan đến Ta đều là linh thiêng đối với bà ấy. Nếu không có một tín tâm như thế đối với Đạo sư, thì ông không thể có được tín tâm với cái Ta của ông. Có nhiều người tìm cầu hết sư phụ này đến sư phụ khác, để làm gì? Để liếm cái còn lại của họ. Liếm cái còn lại của chính mình thì có lẽ còn hay hơn nhiều.

Hãy bám chắc ý thức của chính ông, ở yên trong đó. Tất cả gánh nặng khái niệm phải được hóa giải trong ý thức của ông, nhưng đừng dùng ý thức để xây dựng những công trình vĩ đại của khái niệm.

H: Thói quen là một mãnh lực làm cho người ta phân tán, có phải thế không?

M: Thói quen cho rằng cái Ta là thân xác đã tác động lên mọi người rất mãnh liệt. Cái biết “Ta Hiện Hữu” là Đạo sư của các ông, hãy an trú trong đó.

Ai là kẻ ca tụng sự sùng bái? Chính là tri thức của vị Đạo sư kia – ngươi là ai, kẻ không mời mà đến? Dĩ nhiên, hoạt động của toàn thế giới tùy thuộc vào tri thức này, nhưng khi tri thức này đạt đến tột đỉnh, nó hội nhập vào Parabrahman.

Các ông vẫn tiếp tục viết nhật ký về những khái niệm của mình – Ta cho các ông biết, tối hậu nó hoàn toàn vô dụng. Nó chỉ là một công cụ của sự ràng buộc.

❁ ❁ ❁

Ngày 5 tháng 6 năm 1981

Maharaj: Ông biết ông đang hiện hữu. Điều này đã xảy ra như thế nào, vì cái gì mà ông biết ông hiện hữu? Ông phải tìm đến tận cội nguồn. Một trăm năm trước ông đã không biết sự tồn tại của chính ông. Lúc đó ông không hề phiền não. Bây giờ, vì cái biết này, tất cả phiền não khởi sinh. Cái biết “Ta Hiện Hữu” này xuất hiện vì có thân xác, vậy cái biết nào chúng ta có về thân xác, còn cái biết nào về cái “Ta” này?

Người hỏi: Khi thân xác ngã xuống, khi con người chết đi thì liệu ký ức và ý thức còn lại?

M: Cả ký ức lẫn ý thức đều là tính chất của thân xác thực phẩm. Khi thân xác không có thì vấn đề tồn tại của ký ức lẫn ý thức cũng không có. Cái biết “Ta Hiện Hữu” là một tính chất của thân xác thực phẩm, nhưng nó không phải là bản chất của cái Ta chơn thật.

H: Turiya là gì?

M: Turiya có nghĩa: chỉ có ông còn lại, không có gì khác còn lại. Chừng nào ông biết ông hiện hữu thì mọi vật hiện hữu. Tìm cho ra ông là cái gì thì ông sẽ biết tất cả các câu trả lời; hãy tìm cho ra nguồn gốc của thân xác này và nguồn gốc của cái biết “Ta Hiện Hữu” này. Nếu tìm ra được ông sẽ biết ông là cái gì.

Cái quan trọng là ý thức. Ông phải dồn tất cả chú ý vào chính ý thức. Đó là tiến trình thiền quán; rồi tất cả bí mật sẽ được ý thức tiết lộ cho ông. Ý thức thích sự yêu quý cái Ta đó. Nếu ông chỉ quan tâm đến ý thức, ông sẽ biết được nó. Nếu ông quan tâm đến thế giới thì có nghĩa là ông không quan tâm đến ý thức. Nếu ông chỉ quan tâm đến ý thức thì ý thức sẽ vạch trần mọi bí mật và ông sẽ biết ông là cái gì. Cái “ông” này sẽ biết ông là ai, còn tánh biết có nghĩa là ý thức thuần túy thì không có “Ta”.

Quan sát chính ông, đó là thiền quán. Chỉ giữ lại ý thức, đừng pha trộn nó với bất cứ gì, đó là cái biết vô ngôn, đó LÀ ông. Các ý nghĩ vẫn còn đó, nhưng sẽ trở nên yếu dần, như vậy chỉ cảm thọ cái biết “Ta Hiện Hữu” còn lại: chỉ có ý thức, không có bất cứ hành hoạt nào. Quan sát các hành hoạt của ông là còn ở trình độ thấp, như quan sát sự sân hận, vân vân, đó còn là sự đồng hóa với thân tâm.

H: Maharaj có cảm thọ thân xác của ông không?

M: Ta biết rằng tất cả mọi thứ đều thông qua ý thức. Cũng như Ta thấy ông, Ta nhìn thân xác này, nhưng Ta tách biệt hẳn nó. Ta không bị đồng hóa với thân xác.

Ý thức thì không phải nam hay nữ, nó như ánh sáng. Ánh sáng còn có nghĩa là nhiệt. Khi nhiệt độ mất đi, bác sĩ sẽ nói người bệnh chết.

H: Thế còn luân hồi?

M: Ngay cả sự sinh ra này cũng là hư giả. Tính chất của cái biết “Ta Hiện Hữu” là do thân xác. Trong giấc ngủ sâu, ông không biết mình tồn tại hay không; ông không biết có ông, chỉ thế thôi. Ông đã không hề được sinh ra, mà chỉ có thông báo về sự tồn tại của ông. Ông tồn tại ngay cả trước khi ông được sinh ra; sự tồn tại của ông là vĩnh cửu, nhưng cái biết ông tồn tại xuất hiện khi ông được vài tuổi.

Cứ bận tâm đến sự sinh ra này. Việc gì phải bận tâm đến luân hồi? Thử nghĩ xem sự sinh ra này có đúng không?

❁ ❁ ❁

Ngày 7 tháng 6 năm 1981

Người hỏi: Một người điều ngự tâm như thế nào?

Maharaj: Chỉ chấp nhận cái thiện, loại bỏ cái ác, và không ngừng tụng niệm danh hiệu của Thượng đế sẽ giúp ông dần dần điều ngự được tâm. Cái gì có thể chấp nhận được đối với ông và làm cho ông an ổn là cái thiện. Cái gì tâm ông bác bỏ thì bất thiện.

Khi ông làm một cái gì đó và có sự lo sợ bất thành thì có nghĩa là tâm ông không trong sạch.

H: Làm sao một người phát triển được tâm ưa thích sự trì chú?

M: Thân cận bậc thánh nhân có thể giúp ông phát triển sự trì chú. Chuyện gì xảy ra từ 5 giờ chiều đến 6 giờ tối? Ý thức tìm gặp ý thức. Sẽ không có đối thoại nào ngoại trừ sự dung thông nào đó giữa ý thức với chính nó. Sẽ không có người lạ thứ ba nào hay cá nhân nào lăng xăng ở đây. Thượng Đế đã đến gặp Thượng Đế. Ông phải biết rằng dù tình cảm nào sinh khởi, ông vẫn không phải là nó.

❁ ❁ ❁

Ngày 9 tháng 6 năm 1981

Maharaj: Rajneesh không phải là một nhân vật tầm thường hay một giáo trưởng không có tiếng tăm. Ông ấy rất phi thường – ông ấy rất to lớn. Ông ấy là một thánh nhân vĩ đại.

Khi đã có Đạo sư [Rajneesh] rồi, vì sao ông lại thăm viếng các bậc thánh nhân khác? Khi đã có một thánh nhân vĩ đại là Đạo sư thì ông không nên ngồi đây hay đến đây. Ta không thích những người thay đổi hết đạo sư này đến đạo sư khác. Ta không thích những kẻ lang thang. Cái gì là sự khác biệt giữa Maharaj và Rajneesh? Một khi ông gỡ bỏ các chữ viết (có nghĩa là tên) thì cái gì là sự khác biệt? Ông hãy tìm hiểu cái “Ta” của kẻ lang thang đó trước khi ông tìm hiểu người khác. Cái gì là sản phẩm sau khi ông bỏ đi cái tên của nó. Ông là cái gì nếu không có một cái tên hay danh hiệu?

Ông phải tìm hiểu kẻ đi tìm hiểu, tức là tìm hiểu cái “Ta Hiện Hữu”.

Trước khi tìm hiểu người khác, hãy tìm hiểu chính ông trước xem ông là thật hay không thật. Những chữ “Ta Hiện Hữu” được viết ra một cách tự động bằng một loại mực nào đó. Loại mực được dùng để viết ra cái ông là gì? Trong chất mực viết ra chữ “Ta Hiện Hữu” đó, trong chất mực đó danh hiệu của Tej Sesh Bhagavan được xác nhận bởi kinh Vệ Đà (Vedas). Sesh có nghĩa là còn thừa lại, cái còn lại. Cái gì còn lại tức là cái ông là.

[Maharaj yêu cầu một người ra về, đừng nghe thuyết giảng nữa].

Người nào đã hiểu được điều bí ẩn của mình như chính nó là, thì người đó không còn bàn luận về tính cách vĩ đại hay tầm thường của bất cứ ai.

Ông đã trở thành kẻ nô lệ cho một khái niệm, và vì làm nô lệ cho một khái niệm nên ông đã hoàn toàn bị cuốn hút vào khái niệm, và ngày càng đắm chìm trong khái niệm. Ông đang chết đuối trong khái niệm. Bị vướng phải khái niệm ông hiện hữu – khái niệm tiên khởi – ông bắt đầu đặt tên và gán ghép danh hiệu và ý tưởng cho người khác rồi ông mắc kẹt trong đó. Dù có tự xưng là giác ngộ thì một người vẫn thích tiêu khiển với một mớ khái niệm. Cho dù người đó biết rất rõ rằng mình sẽ chẳng đi đến đâu, nhưng vẫn bận bịu với mớ khái niệm. Taj Sesh Bhagavan đã tự đến và sẽ tự ra đi. Là cái “Ta Hiện Hữu” ông sẽ đạt được gì cho chính ông? Ông đã an định mình trong vị trí hay khái niệm nào là “Ta Hiện Hữu”? Sự tin tưởng chắc chắn thường là: Ta là ba trạng thái – thức, ngủ sâu, và biết “Ta Hiện Hữu” – tức là các phương diện của Tej Sesh Bhagavan. Ông không phải cái đó.

Người hỏi: Thế tôi là ai?

M: Câu trả lời chắc chắn và rõ rệt là chỉ có ông hiện hữu. Ông ném lưỡi câu có gắn mồi xuống nước để bắt cá. Cũng như thế, bằng cái mồi khái niệm ông hiện hữu ông ném xuống nước và kéo lên một mớ khái niệm cho chính ông. Như vậy khi có câu hỏi được theo sau bằng câu trả lời, thì bất cứ gì bị bác bỏ (cái còn lại) chính là sự bác bỏ đó.

Trước khi có bất cứ nhận thức nào thì đã có ông. Nếu không có ông thì không có người khác. Ông tự chống đỡ bằng tri thức của thân xác, và sau khi đã ổn định trong thân xác hay tri thức, thì ông tạo ra hay mời gọi vô số khái niệm rồi ông sa lầy trong khái niệm. Ông đang nói về người khác, hãy cho Ta biết ông là cái gì. Ta đang hỏi về ông.

Ông là cái gì? Ông, người quan sát.

H: Maharaj biết tôi không biết tôi là cái gì. Vậy sao ông còn hỏi tôi?

M: Ta không nói với ông. Ý thức đang nói với ý thức về ý thức. Ai bảo ông là Maharaj đang nói với ông? Chính cơ sở của ông là sai lầm. Một hình tướng nhận biết một hình tướng khác của con ruồi. Đó là vì sao có sự khoa tay một cách tự động này. Nếu Ta hiểu Ta là cái gì, có nghĩa chỉ là một hình tướng, thì Ta sẽ biết, thì Ta sẽ biết người khác cũng là hình tướng. Vì thế, Ta sẽ không chất vấn, tranh luận hay đôi co với họ. Nhưng nếu Ta không hiểu chính Ta, và nếu Ta cỡi trên đôi cánh của khái niệm thì Ta ưa thích hình tướng bề ngoài của Ta hơn.

H: Vì Maharaj chỉ nói với ý thức, ông ấy sẽ không nói với sự vô minh của tôi.

M: Vô minh sẽ luôn luôn còn đó cũng như cái biết cũng sẽ luôn luôn còn đó.

Không thể có cái biết mà không có vô minh, và cũng không thể có vô minh mà không có cái biết đối ứng. Cả hai là những đối nghịch trong sự thị hiện, cái này không thể tồn tại mà không có cái kia. Thậm chí khái niệm này về cái biết cũng đơn thuần chỉ là một khái niệm. Đối với người giác ngộ, không hề có khái niệm về vô minh hay cái biết. Sự trống vắng hoàn toàn không có cái biết hay vô minh là trạng thái trước khi có sự sinh khởi của ý thức. Nhưng ông cố tìm cách diễn giải điều Ta nói bằng những khái niệm khác nhau, và ông tự điều kiện hóa mình với tất cả những khái niệm đó.

H: Maharaj lấy đi của tôi tất cả. Tôi chẳng còn gì để bám víu – Tôi sẽ ngã.

M: Với cái ngã đó ông sẽ tan vỡ thành bao nhiêu mảnh? Với tất cả những mảnh đó ông muốn làm gì tùy thích! Một người nữa đang đi tìm chính mình, nhưng ông lại lẩn trốn.

H: Thực tại là gì?

M: Bất cứ gì thường hằng, bất tử, bất biến. Cái luôn luôn vĩnh cửu, một trạng thái phi kinh nghiệm. Tiếp liền theo nó là ý thức, là cái biết “Ta Hiện Hữu”, rồi kinh nghiệm về thân xác và cuộc sống. Mọi kinh nghiệm của ông đều ở trong cõi giới của ý thức.

Trong cõi giới của ý thức ông không thể nào có kinh nghiệm về chân lý. Thật thế, không thể có kinh nghiệm về chân lý, vì phân tích đến tận cùng thì ông là CÁI ĐÓ. Làm sao có thể có kinh nghiệm về chân lý? Chân lý có trước sự hiện hữu.

H: Một người có thể làm gì để duy trì kinh nghiệm đó?

M: Không có kinh nghiệm nào là thường hằng. Ông là sự thường hằng. Kinh nghiệm chỉ có trong cõi giới của ý thức, tức là bị ràng buộc bởi thời gian.

H: Làm thế nào để vượt ra khỏi thời gian?

M: Ông đã xuất hiện như thế nào? Kinh nghiệm về sự vật xảy ra một cách vô thức hoặc tự sinh khởi. Ông không thể đi vào trạng thái đó một cách chủ định.

H: Liệu chúng ta có thể ra khỏi trạng thái đó một cách chủ định?

M: Ông muốn bước ra? Một người phải biết chính xác cái gì là thời gian và cái gì là mình. Ông phải biết điều đó trước. Cái gì là bước đi của ông? Ông muốn bước ra khỏi thời gian. Thời gian là gì?

H: Thời gian là ước muốn.

M: Hoàn toàn không phải, thời gian có nghĩa là không gian.

H: Trong không gian có sự chia cắt.

M: Bất cứ cái biết nào ông đặt trước Maharaj đều là những khái niệm sai lầm. Ông có biết rằng sinh ra có nghĩa là khốn khổ không?

H: Nỗi đau đớn của sự sinh ra, nhưng không phải cái biết.

M: Đùa giỡn với ngôn từ và khái niệm sẽ chẳng giải thoát được ông.

H: Thế tôi phải làm gì?

M: Thậm chí cũng đừng chấp nhận cái khái niệm ông phải làm bất cứ gì.

H: Tôi phải làm gì với sự đau đớn?

M: Nó đã đến như thế nào thì sẽ ra đi như thế đó.

H: Tôi có phải trở nên lười biếng?

M: Cứ nhảy nhót lung tung! Ông hiểu Ta nói gì nhưng ông sợ bất cứ gì được gọi là cái biết mà ông thu thập được sẽ mất đi giá trị. Krishnamurti nói rất chính xác những gì ông ấy nói, nhưng ông có tiêu hóa một cách trọn vẹn không? Bất cứ gì Maharaj nói với ông, ông đều tìm cách tiếp thu bằng khái niệm.

❁ ❁ ❁

Ngày 10 tháng 6 năm 1981

Người hỏi: Trong khi thiền quán tôi thường buồn ngủ. Tôi phải làm gì để khắc phục?

Maharaj: Đừng bao giờ nêu vấn đề này với Ta. Ông ở trong ba trạng thái: Trạng thái thức, trạng thái ngủ sâu và trạng thái biết có ông, vậy tại sao ông lại loay hoay với trạng thái không có ông? Vì sao ông lại bận tâm? Buồn ngủ tự xảy ra. Ông phải hiểu rằng khi ông an định trong trạng thái trước các trạng thái thức, ngủ sâu, trước khi có ngôn từ và thậm chí trước cả ý thức, thì bất cứ gì xảy ra trong trạng thái thân xác của ông đều không do ông làm. Cứ để kệ nó. Đừng thắc mắc về nó. Ông ở bên này và nếu có gì xảy ra thì vì sao ông lại bận tâm? Hãy là chính ông. Nếu ông là chính ông, ông chẳng cần phải bận tâm về những gì xảy ra ở bên kia. Ông bận tâm đến trạng thái thuộc về kinh nghiệm của ông. Có vô số kinh nghiệm, chẳng hạn như: tôi thấy ánh sáng xanh, tôi đi tới, vân vân; đừng nói với Ta những chuyện như thế. Hãy là chính ông, đừng là kinh nghiệm.

Đây cũng là một giai đoạn nhất thời và ông chẳng cần xem là quan trọng bằng cách bảo rằng: “Ôi, chỉ là một cái gì đó thôi!” Chuyện như thế xảy ra tự nhiên.

Có một người đến gặp Ta và bảo rằng ông ta thường khóc khoảng 10 phút trong khi thiền quán. Ông ta tưởng đó là điều trọng đại xảy ra cho mình trong tiến trình giác ngộ cái Ta. Có gì là quan trọng khi bị xúc động và bảo: “Ôi, ta khóc!” Có sao đâu! Ông không phải là người khóc, và ông cũng không phải là cảm xúc của ông, có phải thế không? Rất nhiều người đến gặp Maharaj kể lại những kinh nghiệm tâm linh mà họ đã trải qua trong khi thiền quán, chỉ để chứng tỏ “Ta đây!” với người khác.

Khi buồn ngủ, hãy tỉnh thức và nhắc nhở chính mình vào lúc đó, vào lúc chập chờn đó, rằng: “Ta là Brahman thị hiện”. Trong suốt tiến trình của trạng thái ngủ, trạng thái siêu kinh nghiệm của ông có trước tâm, vẫn tiếp tục trong khi ngủ. Nếu buồn ngủ thì niệm chú, và khi thức giấc giữa khuya ông vẫn thấy sự niệm chú tiếp tục. Nếu tỉnh thức và biết rõ chính mình, ông sẽ thấy ánh sáng ở những nơi sâu kín tận thâm tâm ông.

❁ ❁ ❁

Ngày 11 tháng 6 năm 1981

Maharaj: Ông biết gì về thân xác của ông? Nó là cái gì và ông là cái gì? Thân xác là hình tướng hoặc hình thể. Mùi vị của thân xác thực phẩm là cái biết “Ta Hiện Hữu”.

Cái gì là diện mạo của ông mà ông cảm nhận hay kinh nghiệm nơi thân xác này? Ngôn từ của ông thì ổn nhưng có phải ông là ngôn từ? Ông đang mặc quần áo – nhưng có phải ông là quần áo? Không hề có hình tướng vĩnh cửu. Thân xác không ngừng thay đổi.

Chừng nào còn nhận diện mình với thân xác thì không bao giờ ông cảm thấy thỏa mãn. Đây là không gian, Ta không phải không gian. Ông phải có sự tin tưởng chắc chắn về chính cái Ta của ông. Ông phải có sự thôi thúc từ sâu kín muốn biết chính ông. Phước báu luôn luôn có đó. Sự tin tưởng đầu tiên của ông, rằng “ông hiện hữu”, là cái có trước ngôn từ, và ông khoác cho nó hình tướng của một thân xác. Hãy từ bỏ sự nhận diện với thân xác này. Trước khi có ngôn từ thì chính là ông, hãy là cái đó.

H: Làm sao tôi có thể là cái đó?

M: Dù ông có là bất cứ gì thì đừng gán cho nó một hình thể hay kiểu dáng nào, chỉ thế thôi. Nếu ông hiện hữu thì tất cả mọi thứ đều hiện hữu. Tôn thờ sách vở và dùi mài kinh điển chẳng đưa ông đến đâu. Hãy là cái Ta của ông. Hãy tận tụy với cái Ta của ông, chỉ tôn thờ cái đó mà thôi. Tôn thờ cái biết “Ta Hiện Hữu” như một thần linh, như Đạo sư của ông. Ông thấy hình ảnh của ông trong gương trước, hay ông biết có ông trước? Cái nào có trước? Nếu không có ông, liệu ông có thể thấy hình ảnh của ông trong gương?

Đừng tìm cách lượng định cái Ta thật hay cái Ta giả, mà hãy liên kết cái Ta với Brahman, Ta là Brahman. Những gì ông vừa nghe đủ lợi lạc cho ông. Có nghe thêm về cái biết như thế cũng chẳng cần thiết. Những gì ông nghe được đến nay đủ lợi lạc cho ông nếu ông lãnh hội được và an trú trong đó. Ông chẳng cần gì thêm nữa. Ông là Brahman viên mãn, không còn gì hơn nữa. Điều đáng tiếc là ông đã điều kiện hóa cái Ta của ông để nó tin ông – cái Tối Thượng – là thân xác. Bây giờ thì ông biết ông không phải là thân xác. Vì sao ông để hình tướng của cái “ta” giả mạo thuộc thân xác kia khống chế?

Ông biết rất nhiều nhưng những gì ông biết đều thuộc về thế giới thực dụng. Cho đến nay ông chẳng có sự hiểu biết nào về cái Ta. Ta sẽ không nói về cái biết thế gian.

Vấn đề không dừng lại ở đây. Đây là thế giới. Thế giới được không gian bao phủ. Cái biết về không gian có đó.

Không gian được dung chứa trong cái biết “Ta Hiện Hữu” và trước khi “Ta Hiện Hữu” là chidakash (Ý thức). Chidakash là cội nguồn của vũ trụ. Chidakash là gốc rễ của không gian tâm.

Không thể có cái biết Ta là thế này hay Ta là thế kia; ông không thể là thế này, hay là thế kia. Vì có chidakash nên mới có mahakash (Không gian bao la). Có không gian của thế giới vì có không gian của tâm, hoặc trước khi có tâm. Không gian này được bao phủ bởi không gian khác vi tế hơn và mênh mông hơn. Ở tại đáy của không gian đó là cái biết “Ta Hiện Hữu”. Nếu an trú trong cái biết chidakash, một người sẽ nhận ra mình bất sinh bất tử.

❁ ❁ ❁

Ngày 14 tháng 6 năm 1981

Người hỏi: Những sinh hoạt liên tục của đời thường làm cho tâm u mê. Tôi muốn biết có cách nào làm cho tâm tỉnh thức?

Maharaj: Ta không nói về thân tâm và những gì đang xảy ra trong thế giới. Ta chỉ nói về bổn tánh chơn thật của ông, và bổn tánh chơn thật của ông là ý thức hiện diện mà ông có – ý thức này. Nếu ông không có ý thức thì không hề có thế giới đối với ông. Chẳng có gì ở ngoài kia. Thế giới tồn tại với ông chỉ khi nào ông có ý thức, như thế những gì Ta nói là về ý thức này, ý thức về sự hiện diện này.

Một khi ý thức về sự hiện diện này xuất hiện, ông có hành động thế nào và làm gì trong thế giới này thì Ta không bàn đến. Ý thức về sự hiện diện này, ý thức này, không phải nó có trước mọi cái hay sao? Thậm chí khi suy nghĩ về bất cứ gì thì ông vẫn phải dùng đến tâm, và nếu ông không có ý thức thì liệu ý nghĩ có thể xảy ra? Vì thế, ý thức về sự hiện diện này, ý thức này là tiên nguyên, nếu không có nó thì không gì có thể xảy ra, phải thế không? Không gì – không ý nghĩ nào, không khái niệm nào – có thể tự sinh khởi.

Không một hành hoạt nào có thể phát sinh nếu không có ý thức về sự hiện diện. Ý thức về sự hiện diện không cần bất cứ hành hoạt nào của tâm để biết ông có mặt. Ông không phải tự hỏi: “Ta có hiện diện không, Ta có ý thức không?” Vì có ý thức trực giác về sự hiện diện mà ông biết ông hiện diện. Ý thức về sự hiện diện này, nó không phải là ý thức mà Ta hiện diện, ông hiện diện, hay bất cứ cá nhân nào khác hiện diện. Như thế, ý thức về sự hiện diện là ý thức về sự hiện diện. Vì nhận diện mình với thân xác nên một người nghĩ mình được sinh ra và sẽ chết đi. Như thế, cái được sinh ra là ý thức chung nhất về sự hiện diện. Ý thức về sự hiện diện tự đến và sẽ tự ra đi. Không hề có cá nhân nào ngoại trừ qua sự đồng hóa với một thân xác. Ý thức về thời gian, giai đoạn, hay diễn tiến trong thời gian – tất cả chỉ có thể khả hữu nếu có ý thức. Nếu không có ý thức, liệu ông biết có thời gian?

Chỉ khi nào có bấc và có nhiên liệu thì mới có thể có ánh sáng. Như vậy ánh sáng tùy thuộc vào sự lâu dài của nhiên liệu. Đó là cách mà yếu tố thời gian xuất hiện. Ý thức về sự hiện diện, ý thức này, là tất cả. Vậy hãy tìm ra nó sinh khởi như thế nào và nó sẽ tồn tại bao lâu. Cũng như ánh sáng còn đó khi nào còn nhiên liệu, thì ý thức này sẽ tồn tại cho đến khi nào còn nhiên liệu – nhiên liệu là thân xác, được cấu thành bởi ngũ đại, là sự tích tụ của thực phẩm. Nếu không thường xuyên được cung cấp thực phẩm thì thân xác không tồn tại, và nếu thân xác không tồn tại thì ý thức sẽ không tồn tại. Vì thế, ý thức này sẽ tùy thuộc vào thời gian tồn tại của thân xác. Thậm chí ý thức này không phải là tất cả và nó cũng không tồn tại mãi mãi. Hãy tìm ra xem ý thức đó đã sinh khởi như thế nào, hãy tìm ra cội nguồn của ý thức.

Thân xác này là gì? Thân xác chỉ là sự tích tụ của thực phẩm và nước. Thực phẩm và nước chắc chắn không phải là ông, còn ý thức này chỉ là bản chất của thực phẩm và nước. Vì thế, ông là một cái gì đó tách biệt với thân xác hay ý thức. Bao giờ còn có thân xác, bất cứ ai tự cho mình là một cá nhân thì ý thức về sự hiện diện, ý thức này là vốn liếng duy nhất của người đó. Hãy xem nó như vị Thần linh tối thượng, và đừng sùng bái bất cứ gì khác ngoài ý thức về sự hiện diện. Khi ông là một với ý thức về sự hiện diện thì bất cứ gì cần thiết như là cái biết tâm linh sẽ tự sinh khởi.

Nếu có trở ngại hay câu hỏi nào mà ông quan tâm thì ông sẽ nhận ra chúng đều dựa trên sự nhận diện của ông với thân và tâm như một cá nhân. Nếu không có sự nhận diện đó thì không có câu hỏi nào sinh khởi. Ông sẽ đi đến kết luận này.

❁ ❁ ❁

Ý thức và cái Tuyêt đối – Sri Nisargadatta Maharaj
Ảnh: Jongsun Lee on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x