Trang chủ » Ta là cái đó [23-28] – Sự sáng suốt đưa đến tính vô tư

Ta là cái đó [23-28] – Sự sáng suốt đưa đến tính vô tư

by Hậu Học Văn
313 views

Maharaj: Trời mưa to quá làm ông ướt sũng hết cả người. Trong thế giới của Ta thời tiết luôn luôn tốt đẹp. Không có ngày và cũng chẳng có đêm, không nóng và cũng không lạnh. Trong đó chẳng có lo âu hay nuối tiếc nào câu thúc Ta. Tâm Ta hoàn toàn vô niệm, vì chẳng còn tham ái nào bắt Ta làm nô lệ.

Hỏi: Có đến hai thế giới sao?

M: Thế giới của ông thì vô thường và biến dịch. Thế giới của Ta thì toàn hảo và bất biến. Ông có thể kể cho Ta điều ông thích về thế giới của ông, Ta sẽ lắng nghe chăm chú, và thậm chí còn thích thú nữa, nhưng lúc nào Ta cũng biết rõ là thế giới của ông không có, và ông đang chiêm bao.

H: Cái gì làm cho thế giới của ông khác biệt với thế giới của tôi?

M: Thế giới của Ta không có một đặc tính nào để có thể được nhận dạng. Ông không thể nói gì về thế giới của Ta. Ta là thế giới của Ta. Thế giới của Ta là chính Ta. Nó trọn vẹn và hoàn hảo. Mọi vết tích đều bị xóa sạch, mọi kinh nghiệm đều bị khước từ. Ta chẳng cần gì, ngay cả chính Ta, vì Ta không thể đánh mất chính Ta.

H: Ông cũng chẳng cần đến Thượng đế?

M: Tất cả những ý tưởng và sai biệt như thế chỉ tồn tại trong thế giới của ông; trong thế giới của Ta không có cái gì như thế. Thế giới của Ta đơn độc và rất đơn sơ.

H: Không có cái gì xảy ra trong thế giới của ông?

M: Bất cứ gì xảy ra trong thế giới của ông thì chỉ có giá trị trong thế giới của ông, và chỉ kích thích những phản ứng trong thế giới của ông. Trong thế giới của Ta chẳng có gì xảy ra,

H: Ngay sự kiện ông kinh nghiệm thế giới của ông đã hàm ý nhị nguyên có sẵn trong mọi kinh nghiệm.

M: Về ngôn từ thì đúng. Nhưng lời lẽ của ông không đến được với Ta. Thế giới của Ta là thế giới vô ngôn. Trong thế giới của ông cái không được nói ra thì không tồn tại. Trong thế giới của Ta – ngôn từ và nội dung của nó không có sự hiện hữu. Trong thế giới của ông không có gì ở lại, trong thế giới của Ta chẳng có gì đổi thay. Thế giới của Ta là thật, còn thế giới của ông dấy khởi từ chiêm bao.

H: Nhưng ông và tôi đang cùng trò chuyện.

M: Cuộc trò chuyện xảy ra trong thế giới của ông. Trong thế giới của Ta chỉ có sự im lặng vĩnh cửu. Sự im lặng của Ta ca hát, sự rỗng rang của Ta thì viên mãn, Ta chẳng thiếu một cái gì. Ông không thể biết được thế giới của Ta cho đến khi nào ông đến đó.

H: Như thế thì hình như chỉ có một mình ông trong thế giới của ông.

M: Làm sao ông có thể nói một mình hay không một mình khi ngôn từ không có chỗ áp dụng? Dĩ nhiên là Ta một mình vì Ta là tất cả.

H: Có bao giờ ông đến thế giới của chúng tôi?

M: Có gì đến và đi đối với Ta? Một lần nữa lại là ngôn từ. Hiện hữu – từ đó mà Ta đến và từ đó mà Ta đi.

H: Thế giới của ông có ích gì đối với tôi?

M: Hãy quan sát kỹ hơn thế giới của ông, tìm hiểu nó thật nghiêm túc, rồi bất chợt một ngày nào đó ông sẽ tìm thấy ông trong thế giới của Ta.

H: Như thế thì được gì?

M: Ông chẳng được gì cả. Ông chỉ bỏ lại phía sau những gì không phải của ông, và tìm ra cái mà ông chưa bao giờ mất – sự hiện hữu của chính ông.

H: Ai là người cai trị thế giới của ông?

M: Trong thế giới của Ta không có người cai trị và kẻ bị trị. Không hề có bất cứ hình thức nhị nguyên nào. Ông chỉ phóng chiếu ra những ý nghĩ của chính ông. Kinh điển và thần linh của ông hoàn toàn vô nghĩa ở đây.

H: Nhưng ông vẫn còn có một danh xưng và hình tướng, ông còn biểu lộ ý thức và hành động.

M:Trong thế giới của ông thì Ta có vẻ như thế. Trong thế giới của Ta, Ta chỉ có sự hiện hữu. Không còn gì khác. Các ông giầu có những ý tưởng về sự sở hữu, về số lượng và chất lượng. Ta hoàn toàn không còn một ý tưởng nào.

H: Trong thế giới của tôi đầy những phiền nhiễu, khốn khó và tuyệt vọng. Ông có vẻ sống ung dung bằng một nguồn thu nhập bí ẩn, còn tôi phải làm nô lệ cho sự kiếm sống.

M: Tùy ông thôi. Ông muốn bỏ thế giới của ông để sang thế giới của Ta lúc nào cũng được.

H: Làm thế nào để vượt sang?

M: Thấy thế giới của ông như nó là, mà không phải như ông tưởng tượng nó là. Sự sáng suốt sẽ đưa đến tính vô tư; tính vô tư sẽ đảm bảo đưa đến hành động đúng; hành động đúng sẽ kiến tạo cây cầu bên trong nối liền với sự hiện hữu chơn thật của ông. Hành động là bằng chứng của lòng thành khẩn. Hãy chuyên cần và tin tưởng thực hành những gì ông được chỉ bảo, mọi trở ngại sẽ tiêu tan.

H: Ông có vui sướng không?

M: Trong thế giới của ông có lẽ Ta là kẻ khốn khổ nhất. Thức dậy, ă, nói chuyện, rồi lại đi ngủ – thật là phiền !

H: Thậm chí ông cũng chẳng muốn sống?

M: Sống, chết – những từ ngữ này mới thật vô nghĩa ! Khi ông thấy Ta sống thì Ta chết. Khi ông nghĩ Ta chết thì Ta sống. Quả thật làm rối trí ông !

H: Ông mới thản nhiên làm sao ! Tất cả những đau khổ của thế giới này chẳng là gì cả đối với ông.

M: Ta biết rất rõ những phiền não của ông.

H: Vậy ông làm gì?

M: Ta chẳng cần làm gì cả. Chúng đến rồi đi.

H: Có phải chúng đi bằng chính hành vi mà ông dành cho chúng sự chú ý của ông?

M: Đúng vậy. Sự khó khăn có thể là vật lý, cảm xúc hay tinh thần, nhưng nó luôn luôn có tính cách cá nhân. Những tai họa có quy mô lớn là sự cộng hưởng của vô số những định mệnh cá nhân, và phải trải qua một thời gian mới ổn định. Nhưng chết không bao giờ là một tai họa.

H: Ngay cả khi một người bị sát hại?

M: Tai họa thuộc về kẻ sát nhân.

H: Hình như vẫn có hai thế giới, thế giới của tôi và thế giới của ông.

M: Thế giới của Ta thì chơn thật, thế giới của ông thuộc về tâm.

H:Thử tưởng tượng có một tảng đá, tảng đá đó có một cái lỗ và trong cái lỗ có một con ếch. Con ếch có thể suốt đời an hưởng cực lạc, không hề bị phân tâm, không hề bị quấy nhiễu. Bên ngoài tảng đá thế giới vẫn vận hành. Nếu có ai nói với nó về thế giới bên ngoài, thì con ếch sẽ bảo: “Chẳng hề có những thứ như thế. Thế giới của Ta vô cùng an lạc. Thế giới của ông chỉ là một cấu trúc ngôn từ, nó không có thực thể.” Ông cũng như thế. Khi ông bảo thế giới của chúng tôi đơn thuần không tồn tại thì chúng tôi và ông không có một cơ sở nào chung để bàn luận. Hay, lấy một ví dụ khác. Tôi đến gặp bác sĩ và nói vơi ông ta tôi bị đau dạ dày. Bác sĩ khám tôi và bảo: “Ông không sao cả.” Tôi đáp: “Nhưng tôi đau”. Bác sĩ khẳng định: “Sự đau đớn của ông là thuộc về tâm.” Tôi đáp: “Biết được sự đau đớn của tôi thuộc về tâm chẳng giúp ích gì cho tôi. Ông là bác sĩ, hãy làm cho tôi hết đau. Nếu không chữa cho tôi khỏi, ông không phải là bác sĩ.”

M: Rất đúng.

H: Ông vừa đặt xong đường rầy, nhưng không có cầu nên xe hỏa không qua được. Phải bắc cầu.

M: Chẳng cần đến cầu.

H: Phải có cái gì đó nối liền thế giới của ông với thế giới của tôi.

M: Không cần một sự nối liền nào giữa một thế giới thật và một thế giới tưởng tượng, vì không thể có một sự kết nối nào như thế được.

H: Vậy chúng tôi phải làm gì?

M: Tìm hiểu thế giới của ông, dồn hết tâm trí cho nó, xem xét nó thật kỹ lưỡng, tìm hiểu cẩn thận mọi ý nghĩ về nó; thế là đủ.

H: Thế giới thì quá rộng lớn để tìm hiểu. Tất cả những gì tôi biết là tôi hiện hữu. Thế giới gây phiền não cho tôi, và tôi làm cho thế giới phiền não.

M: Theo kinh nghiệm của Ta thì mọi thứ đều là cực lạc. Nhưng lòng ham muốn cực lạc gây ra đau khổ. Như thế cực lạc trở thành mầm mống của đau khổ. Toàn thể vũ trụ bao la của sự đau khổ đều khởi sinh từ tham ái. Hãy từ bỏ sự ham muốn lạc thú, ông sẽ không còn biết đau khổ là gì.

H: Làm sao lạc thú có thể là mầm mống của đau khổ?

M: Chỉ vì để có được lạc thú ông phạm không biết bao nhiêu tội lỗi. Và quả của tội lỗi là sự đau khổ và cái chết.

H: Ông bảo rằng thế giới không có ích lợi gì đối với chúng tôi, mà chỉ là một nỗi thống khổ. Tôi cảm thấy không phải như thế. Thượng đế không phải là một kẻ ngu ngốc. theo tôi thế giới là một nhà máy khổng lồ biến tiềm năng thành hiện thực, vật chất thành sự sống, cái vô thức thành cái hoàn toàn tỉnh thức. Để nhận ra cái tối thượng chúng ta cần kinh nghiệm của những cái đối nghịch. Cũng như muốn xây dựng một đền đài chúng ta cần đến đá và hồ vữa, gỗ và sắt, kính và ngói; như vậy để trở nên thánh nhân, chủ tể của sự sống và cái chết, một người phải cần đến chất liệu của mọi kinh nghiệm. Cũng như một người đàn bà ra chợ, mua đủ loại thực phẩm, về nhà nấu nướng rồi dâng cho vị chủ nhân ăn, chúng ta hãy nướng mình thật ngon trong ngọn lửa của sự sống để dâng lên Thượng đế thọ dụng.

M: Thế à, nếu ông nghĩ như thế thì cứ hành động đi. Bằng mọi cách, mời Thượng đế của ông thọ dụng.

H: Một đứa trẻ đến trường học đủ mọi thứ để rồi sau này chẳng dùng được cái gì. Nhưng qua tiến trình học hỏi đứa trẻ trưởng thành. Tương tự như thế chúng ta trải qua vô số kinh nghiệm và quên đi tất cả, nhưng trong lúc đó chúng ta luôn luôn trưởng thành. Một Gnani là gì nếu không phải là một con người với một thiên tài về thực tại ! Thế giới này của tôi không thể là ngẫu nhiên. Nó có ý nghĩa, và như thế là phải có một đồ án đằng sau nó. Và đồ án đó ở trong tay Thượng đế của tôi.

M: Nếu thế giới là hư giả thì đồ án và người thiết kế đồ án đó cũng là hư giả.

H: Ông lại phủ nhận thế giới. Không có một cây cầu nào giữa chúng ta.

M: Không cần phải có cây cầu. Sự lầm lẫn của ông là tin tưởng ông được sinh ra. Ông chưa hề được sinh ra và ông sẽ không bao giờ chết đi, nhưng ông tin rằng ông đã được sinh ra vào một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, và một thân xác nào đó là của chính ông.

H: Thế giới hiện hữu, tôi hiện hữu. Đó là những sự kiện thực tế.

M: Vì sao ông lại bận tâm đến thế giới trước khi lo lắng cho chính ông? Ông muốn cứu vớt thế giới, có phải thế không? Liệu ông có cứu được thế giới trước khi tự cứu ông? Và được cứu vớt có nghĩa là gì? Được cứu vớt khỏi cái gì? Khỏi ảo tưởng. Sự cứu vớt có nghĩa là thấy mọi vật như chính chúng là. Ta thật sự không thấy Ta có liên quan với bất cứ ai và bất cứ cái gì. Thậm chí cũng chẳng liên quan đến một cái Ta, dù cái Ta đó là gì. Ta không bao giờ có thể được xác định. Ta vừa ở trong vừa ở ngoài – vô cùng thân thiết nhưng không thể đến gần.

H: Làm sao ông đã đạt được như thế?

M: Bằng tín tâm đối với Tôn sư. Tôn sư đã bảo Ta: “Chỉ một mình ông ” và Ta đã không nghi ngờ ngài. Ta đã tư duy sâu sắc về lời ngài nói, cho đến khi nhận ra đó là chân lý tuyệt đối.

H: Tin tưởng bằng sự lập đi lập lại?

M: Bằng sự giác ngộ chính mình. Ta nhận ra rằng Ta luôn luôn ý thức và an vui tuyệt đối. Chỉ vì lầm lẫn nên Ta mới tưởng rằng nhờ thân xác và thế giới của những thân xác mà Ta có được hiện hữu – ý thức – an lạc.

H: Ông không phải là người có học thức. Ông cũng chẳng đọc kinh sách nhiều, và những gì ông đọc hay nghe có lẽ không tự mâu thuẫn. Còn tôi là người có sở học khá cao, và đã từng đọc rất nhiều; tôi nhận thấy sách vở và thầy dạy mâu thuẫn với nhau một cách vô vọng. Do đó tôi nghi hoặc bất cứ gì đọc được hay nghe được. Phản ứng đầu tiên của tôi luôn luôn là: “Nó có thể là như thế, hoặc, nó không thể là như thế.” Vì tâm tôi không thể quyết định cái gì là thật và cái gì là hư giả nên tôi chơi vơi trong nghi hoặc. Trong Yoga mang một cái tâm nghi hoặc là một bất lợi vô cùng to lớn.

M: Nghe những điều ông nói kể cũng hay; nhưng Tôn sư cũng dạy tôi phải tuyệt đối nghi hoặc tất cả mọi thứ. Ngài bảo: “phủ nhận sự tồn tại đối với tất cả mọi cái ngoại trừ cái Ta của người.” Bằng tham ái ông đã tạo ra thế giới với những lạc thú và khổ đau của nó.

H: Thế giới có bắt buộc phải đau khổ như thế không?

M: Làm sao khác được? Chính bản chất của lạc thú là hữu hạn và vô thường. Lạc thú khởi sinh từ đau khổ, trong đau khổ nó tìm kiếm sự thỏa mãn, và kết thúc trong nỗi đau đớn của sự chán chường và tuyệt vọng. Đau khổ luôn luôn là hậu cảnh của lạc thú, mọi tìm cầu lạc thú đều khởi sinh từ đau khổ và chấm dứt trong đau khổ.

H: Tất cả những điều ông nói đối với tôi quá rõ ràng. Nhưng khi có phiền não vật lý hay tâm lý xảy đến thì tâm tôi lại trở nên u tối và ảm đạm, hoặc tìm cách giải khuây một cách điên cuồng.

M: Điều ấy có gì quan trọng? Chỉ cái tâm là u tối và bất ổn, có phải ông đâu? Ông nhìn xem, đủ mọi chuyện xảy ra trong căn phòng này. Ta có làm cho chúng xảy ra đâu? Chúng chỉ xảy ra. Với ông cũng thế – cuốn sổ định mệnh tự khai mở và hiện thực hóa những gì bất khả tránh. Ông không thể thay đổi dòng diễn tiến của các sự kiện, nhưng ông có thể thay đổi được thái độ của ông, và điều thực sự quan trọng là thái độ chứ không phải đơn thuần sự kiện. Thế gian là cõi giới của tham ái và lo sợ. Ông không thể tìm được sự an lạc trong đó. Muốn có an lạc ông phải vượt ra khỏi thế giới. Nguyên nhân căn bản của thế giới là sự yêu quí chính mình. Vì nó mà chúng ta tìm kiếm lạc thú và né tránh khổ đau. Thay sự yêu quí chính mình bằng sự yêu quí cái Ta thì bức tranh sẽ thay đổi. Đấng sáng tạo Brahma là tổng thể của tất cả mọi tham ái. Thế giới là phương tiện để thỏa mãn những tham ái đó. Người ta chấp nhận bất cứ lạc thú nào mà họ mong muốn để rồi trả giá bằng nước mắt. Thời gian sẽ thanh toán mọi nợ nần. Luật quân bình có hiệu lực tối thượng.

H: Để trở thành một siêu nhân trước tiên phải là một con người. Thành nhân là kết quả của vô số kinh nghiệm. Lòng ham muốn đưa đến kinh nghiệm. Như thế, vào thời điểm của nó và ở bình diện của nó, lòng ham muốn là chính đáng.

M: Về một phương diện tất cả điều đó đều đúng. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, sau khi gom góp đầy đủ ông phải khởi công xây dựng. Lúc đó sàng lọc và loại bỏ – Viveka-Vairagya – là vô cùng cần thiết. Mọi thứ cần phải được xem xét cẩn thận và những cái không cần thiết phải được loại bỏ một cách không thương tiếc. Cứ tin Ta đi, loại bỏ thì chắc chắn là nhiều, vì trong thực tế chẳng cái gì có giá trị. Cứ thản nhiên một cách tha thiết – thế là đủ.

24. Thượng đế là Người làm ra tất cả, Bậc giác ngộ là Kẻ chẳng làm gì cả

Hỏi: Một số bậc giác ngộ – Mahatmas – cho rằng thế giới không phải là một sự ngẫu nhiên và cũng chẳng phải là một trò chơi của Thượng đế mà là thành quả và sự thể hiện của một công cuộc vĩ đại nhằm thức tỉnh và phát triển ý thức trong khắp vũ trụ. Từ không có sự sống đến sự sống, từ vô thức đến ý thức, từ vô minh đến trí tuệ, từ tà kiến đến sáng suốt – đó là phương hướng mà theo đó thế giới không ngừng di chuyển một cách miệt mài. Dĩ nhiên là có những lúc nghỉ ngơi và bóng tối bao phủ khi vũ trụ có vẻ như không hoạt động, nhưng rồi sự nghỉ ngơi chấm dứt và công trình ý thức lại tiếp tục. Theo cái nhìn của chúng tôi, thế giới là một thung lũng đầy nước mắt, một nơi chốn cần phải thoát ly càng sớm càng tốt, và bằng mọi phương tiện có được. Đối với những bậc giác ngộ thế giới là tốt đẹp và nó phục vụ cho một mục đích tốt đẹp. Dù không phủ nhận rằng thế giới là một cơ cấu của tâm, và, tối hậu tất cả là một duy nhất, nhưng các vị ấy thấy và cho rằng cơ cấu đó có ý nghĩa, và phục vụ cho một mục đích được mong muốn cao nhất. Điều mà chúng tôi gọi là ý chí của Thượng đế không phải là một ý tưởng thất thường của một vị thần linh tinh nghịch, mà là sự thể hiện của một sự cần thiết tuyệt đối để trưởng thành trong tình yêu, trí tuệ và quyền năng, để hiện thực hóa những tiềm năng vô biên của sự sống và ý thức.

Một người làm vườn trồng hoa, từ một hạt giống nhỏ bé thành một đóa toàn hảo rực rỡ; tương tự như thế trong vườn hoa của Thượng đế, Ngài trồng từ con người đến siêu nhân, là những người hiểu biết, có lòng yêu thương và làm việc cùng với Ngài.

Khi Thượng đế nghỉ ngơi – Pralaya, nhưng ai chưa hoàn tất sự phát triển sẽ trở nên vô thức trong một thời gian, còn những người đã toàn hảo, tức là những người đã thoát ra khỏi mọi hình tướng và nội dung của ý thức tiếp tục biết rõ sự im lặng của vũ trụ. Khi đến lúc một vũ trụ mới xuất hiện, những người còn ngủ sẽ thức dậy, và công việc của họ bắt đầu. Những người có trình độ cao thức dậy trước và chuẩn bị cơ sở cho những người kém hơn – là những người cảm thấy các hình thái và mô thức của thái độ thích hợp cho sự phát triển sâu xa hơn của họ.

Những giải thích của các vị đó là như thế. Sự khác biệt với điều ông chỉ dạy: Ông khẳng định thế giới là bất thiện và cần phải xa lánh. Họ còn cho rằng sự nhàm chán thế giới chỉ là một giai đoạn trôi qua, tuy cần thiết nhưng nhất thời; rồi sự nhàm chán sẽ được thay thế bằng một tình yêu bao trùm lên tất cả, và một ý chí kiên quyết để làm việc cùng Thượng đế.

Maharaj: Tất cả những gì ông nói đều đúng cho con đường đi ra – Pravritti. Còn con đường trở về – Nivritti – thì sự không hóa chính mình (naughting oneself) là cần thiết. Chỗ đứng của Ta là khôngParamakash, nơi ngôn từ và tư duy không thể đạt đến. Đối với tâm nó hoàn toàn là bóng tối và im lặng. Rồi ý thức bắt đầu khuấy động và đánh thức tâm – Chidakash, tâm phóng chiếu ra thế giới Mahadakash – được dựng lập bằng ký ức và tưởng tượng. Một khi thế giới được hình thành, thì tất cả những gì ông nói có thể là như thế. Nghĩ tưởng ra mục đích, phấn đấu để đạt được mục đích, tìm kiếm phương tiện và đường lối, trình bày viễn ảnh, biểu lộ năng lực và lòng dũng cảm – tất cả những thứ đó

đều ở trong bản chất của tâm. Đó là những thuộc tính thiêng liêng và Ta không phủ nhận chúng. Nhưng chỗ Ta chọn là nơi không có sự khác biệt, không có vật và cũng chẳng có tâm tạo ra vật. Ở đó là Ta ở nhà. Bất cứ gì xảy ra chẳng hề tác động đến Ta – sự vật tác động đến sự vật, thế thôi. Vì không còn ký ức và chờ mong, nên Ta luôn luôn tươi mới, hồn nhiên và nồng nhiệt. Tâm là một người thợ vĩ đại – MahakarTa – và cần được nghỉ ngơi. Vì không cần gì cả nên Ta không lo sợ. Mà sợ ai? Không hề có sự phân chia, chúng ta không phải là những cái Ta riêng biệt. Chỉ có một cái Ta duy nhất, đó là Thực tại Tối thượng, trong đó nhân cách và phi nhân cách là một.

H: Tất cả những gì tôi muốn là có thể giúp ích cho thế giới.

M: Ai nói là ông không thể giúp gì cho thế giới? Chính ông quyết định thế nào là giúp, và cái gì cần giúp, rồi tự đưa ông vào một cuộc xung đột giữa những gì ông nên làm và những gì ông có thể làm, giữa sự cần thiết và khả năng.

H: Nhưng tại sao chúng tôi làm như thế?

M: Tâm ông phóng chiếu ra một cơ cấu, rồi ông tự đồng hóa mình với cơ cấu đó. Chính bản chất của lòng tham muốn thúc giục tâm tạo ra một thế giới để nó thỏa mãn. Một ham muốn nhỏ thậm chí có thể mở đầu cho một chuỗi dài các hành động, huống chi là một ham muốn mãnh liệt? Ham muốn có thể tạo ra cả một vũ trụ, sức mạnh của lòng ham muốn thật mầu nhiệm. Một que diêm bé nhỏ có thể làm cho cả một khu rừng mênh mông bốc cháy, thì lòng ham muốn cũng thế, nó làm cho những ngọn lửa của sự thể hiện bùng cháy. Chính mục đích của sự sáng tạo là thỏa mãn lòng ham muốn. Ham muốn có thể là cao thượng, hay thấp hèn, còn hư không thì vô tính – một người có thể chất đầy hư không tất cả những gì mình thích. Ông nên cẩn thận với những gì ông ham muốn. Còn với những người ông muốn giúp, ông nên nhớ rằng họ đang ở trong cái thế giới tương ứng với sự ham muốn của họ, ông không có cách nào giúp được họ, ngoại trừ cách thông qua sự ham muốn của họ. Ông chỉ có thể dạy cho họ nên có những ham muốn chính đáng thì may ra họ có thể vươn cao hơn chính họ, và không còn bị thôi thúc tạo ra và tái tạo những thế giới của tham ái, là cõi giới của lạc thú và khổ đau.

H: Phải đến một ngày vở tuồng kết thúc, một người phải chết, và một vũ trụ đi đến sự tận cùng.

M: Như một người ngủ say quên hết tất cả và thức dậy cho một ngày mới, hoặc một người chết đi rồi xuất hiện trong một cuộc sống khác thì các thế giới của tham ái và lo sợ cũng tan biến và xuất hiện như thế. Còn nhân chứng vũ trụ, cái Ta Tối Thượng không bao giờ ngủ và cũng chẳng bao giờ chết. Trái tim vĩ đại không bao giờ ngừng đập, vào mỗi nhịp đập của nó một vũ trụ mới lại hình thành.

H: Cái Ta Tối thượng có ý thức không?

M: Nó ở ngoài tất cả những gì mà tâm nhận thức. Nó vượt ra khỏi hiện hữu và phi hiện hữu. Nó là Có và cũng là Không đối với tất cả, nó vừa ở bên ngoài vừa ở bên trong, vừa tạo dựng vừa hủy diệt, nó chơn thật ngoài sức tưởng tượng.

H: Thượng đế và Mahatma là một hay hai?

M: Là một.

H: Phải có một sự khác biệt nào đó.

M: Thượng đế là Người Làm Ra Tất Cả, người giác ngộ là người không làm gì cả. Đích thân Thượng đế không bảo rằng: “Ta làm ra tất cả”. Đối với Thượng đế mọi chuyện xảy ra là do bản chất tự nhiên của nó. Đối với bậc giác ngộ, tất cả đều do Thượng đế tạo ra. Bậc giác ngộ không thấy có sự khác biệt giữa Thượng đế và tự nhiên. Cả Thượng đế và bậc giác ngộ đều biết mình là trung tâm bất động của tất cả mọi chuyển động, là nhân chứng thường hằng của cái vô thường. Trung tâm là một điểm trống không, còn nhân chứng là một điểm của tánh biết thuần túy; cả hai đều biết mình là không, do đó không có gì cưỡng lại được cả hai.

H: Trong kinh nghiệm của riêng ông những điều đó được thấy và cảm nhận như thế nào?

M: Vì không là gì cả nên Ta là tất cả. Tất cả mọi cái là Ta, tất cả mọi cái là của Ta. Cũng như thân xác Ta chuyển động bởi ý nghĩ của Ta về sự chuyển động; mọi chuyện xảy ra khi Ta nghĩ về chúng. Nên nhớ rằng Ta chẳng làm gì cả. Ta chỉ nhìn chúng xảy ra.

H: Mọi chuyện xảy ra theo như ông muốn chúng xảy ra, hay ông để chúng xảy ra như chúng xảy ra?

M: Cả hai. Ta chấp nhận và được chấp nhận. Ta là tất cả và tất cả là Ta. Là thế giới, nên Ta không sợ thế giới. Là tất cả, thì có cái gì mà Ta phải sợ? Nước không sợ nước, và lửa không sợ lửa. Không những thế, Ta không sợ vì Ta không là cái có thể kinh nghiệm sự sợ hãi, hay gặp nguy hiểm. Ta không có hình tướng hay danh xưng. Chính vì ràng buộc với danh xưng và hình tướng nên sợ hãi sinh khởi. Ta không hề bị ràng buộc. Ta là cái Không, và cái Không thì không sợ cái gì. Trái lại, cái gì cũng sợ cái Không, vì khi một cái gì đó chạm đến cái Không thì nó trở thành Không. Cái Không cũng như một cái giếng không đáy, bất cứ gì rơi xuống đó đều biến mất.

H: Thế không phải Thượng đế là một con người?

M: Bao giờ ông còn nghĩ ông là một con người, thì Thượng đế cũng là một con người. Khi ông là tất cả, ông thấy Thượng đế là tất cả.

H: Liệu tôi có thể thay đổi sự kiện bằng cách thay đổi thái độ?

M: Thái độ là sự kiện. Lấy sự giận dữ làm ví dụ. Ta giận dữ, đi tới đi lui trong phòng; cùng lúc đó Ta biết Ta là một trung tâm của trí tuệ và tình yêu, một nguyên tử của sự tồn tại thuần túy. Tất cả lắng xuống và tâm hòa nhập vào sự im lặng.

H: Như thế, một đôi khi ông vẫn còn giận dữ?

M: Ta nổi giận với ai và để làm gì? Cơn giận đến và tan biến ngay khi Ta nhớ lại chính mình. Tất cả chỉ là một trò chơi của Gunas. Khi tự đồng hóa với chúng, Ta là nô lệ của chúng. Khi đứng riêng ra, Ta là chủ nhân của chúng.

H: Liệu ông có thể ảnh hưởng đến thế giới bằng thái độ của ông? Khi tách mình ra khỏi thế giới ông làm mất đi mọi hy vọng cứu giúp thế giới.

M: Làm sao lại có thể như thế? Tất cả là chính Ta – vì sao Ta không thể giúp chính Ta? Ta không đồng hóa chính Ta với bất cứ người nào đó riêng biệt, vì Ta là tất cả – vừa là cái riêng biệt, vừa là vũ trụ.

H: Liệu ông có thể giúp tôi, một con người riêng biệt?

M: Ta luôn luôn giúp ông – từ bên trong. Cái Ta của Ta và cái Ta của ông là một. Ta biết, nhưng ông không biết điều đó. Đó là tất cả mọi khác biệt – và sự khác biệt đó không tồn tại mãi.

H: Và ông cứu giúp toàn thể thế giới bằng cách nào?

M: Gandhi chết, nhưng tâm của vị ấy tỏa khắp thế giới. Tư tưởng của một người giác ngộ thẩm nhập khắp nhân loại và mãi mãi hoạt động không ngừng. Vì không có danh xưng và xuất hiện từ bên trong, nên nó mãnh liệt hơn và có sức thuyết phục hơn. Đó là cách mà thế giới trở nên tốt đẹp hơn – cái bên trong trợ lực và làm cho cái bên ngoài hạnh phúc. Khi chết đi, người người giác ngộ không còn nữa, theo cùng ý nghĩa một con song không còn nữa khi nó hòa nhập vào biển cả; danh xưng và hình tướng không còn nữa, nhưng nước vẫn còn và trở thành một với nước biển. Khi người giác ngộ hội nhập với tâm vũ trụ, tất cả tinh hoa và trí tuệ của vị đó trở thành di sản của nhân loại, và nâng cao tâm thức của mỗi một chúng sinh.

H: Chúng tôi gắn liền với tính cách con người của chúng tôi. Tính cách cá nhân của chúng tôi, sự hiện hữu của chúng tôi khác biệt với người khác, đó là những gì chúng tôi vô cùng yêu quý. Ông có vẻ cho rằng cả hai đều vô dụng. Thế cái bất thị hiện của ông có ích gì đối với chúng tôi?

M: Bất thị hiện, thị hiện, tính cách cá nhân, tính cách con người – Nirguna, Saguna, Vyaka, Vyakti, tất cả chỉ là ngôn từ suông, là quan điểm, và thuộc tính của tâm. Chúng không hề có thực thể. Cái thật được chứng nghiệm trong im lặng. Ông bám víu lấy tính cách con người – nhưng ông chỉ ý thức mình là một con người khi nào ông gặp phiền não – còn khi không gặp phiền não thì ông chẳng bao giờ nghĩ đến chính ông.

H: Ông chưa nói với tôi về những công năng của cái Bất Thị Hiện.

M: Chắc chắn là ông phải ngủ để thức dậy. Ông phải chết đi để sống, ông phải được nấu chảy để tạo hình một cái mới. Ông phải phá hủy để xây dựng, hủy diệt trước khi sáng tạo. Cái Tối Thượng là dung môi của vũ trụ, nó ăn mòn bất cứ gì chứa nó, nó xuyên thủng mọi trở ngại. Nếu không có sự phủ nhận tuyệt đối tất cả mọi vật thì tính chuyên chế của mọi vật sẽ là tuyệt đối. Cái Tối Thượng là người hòa hợp vĩ đại, người đảm bảo sự quân bình tối hậu và toàn hảo, người bảo vệ sự sống trong tự do. Nó làm cho ông tan biến, và như thế tái khẳng định sự hiện hữu chơn thực của ông.

H: Cái Tối Thượng hoàn toàn tốt đẹp ở bình diện của nó. Nhưng làm sao nó hoạt động trong cuộc sống hàng ngày?

M: Cuộc sống hàng ngày là cuộc sống của hành động. Dù có yêu thích cuộc sống hay không, ông vẫn phải hành động. Bất cứ gì ông làm vì lợi ích của chính ông đều tích lũy lại và trở thành thuốc nổ; một ngày nào đó nó sẽ nổ tung, gieo tai họa cho ông và cho cả thế giới của ông. Khi tự lừa dối mình rằng ông làm điều tốt đẹp cho tất cả thì ông càng làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, vì ông không được để những ý tưởng của ông định đoạt điều gì là tốt đẹp cho người khác. Kẻ nào tự nhận mình biết được điều tốt đẹp cho người khác là một người nguy hiểm.

H: Vậy thì một người phải hành động như thế nào?

M: Không cho chính ông và cũng chẳng cho người khác mà vì lợi ích của hành động. Một cái gì đó đáng làm là vì chính mục đích và ý nghĩa của nó. Đừng biến một cái gì thành phương tiện cho một cái khác. Đừng ràng buộc. Thượng đế không tạo ra cái này để phục vụ cho cái kia. Mỗi cái được tạo ra vì chính nó. Vì nó được tạo ra cho chính nó, nên nó không xen vào cái khác. Ông đang sử dụng đồ vật và con người cho những mục đích xa lạ với chúng và họ, nên ông phá hoại thế giới và chính ông.

H: Như ông nói, sự hiện hữu chơn thật lúc nào cũng ở với chúng tôi. Tại sao chúng tôi không nhận ra nó?

M: Đúng, ông luôn luôn là Cái Tối Thượng. Nhưng sự chú ý của ông lại đặt vào những cái khác, hoặc vật lý hoặc tâm lý. Khi sự chú ý của ông vừa rời một cái gì đó và chưa đặt vào một cái khác, thì trong khoảng xen kẽ ở giữa đó ông chính là sự hiện hữu thuần túy. Khi đã thuần thục thực hành pháp sáng suốt và vô tư Viveka-Vairagya, ông không còn thấy những trạng thái thuộc cảm giác và tâm, lúc đó hiện hữu thuần túy xuất hiện như một trạng thái tự nhiên.

H: Làm thế nào để mất đi ý thức tách biệt này?

M: Bằng cách chú ý tâm vào “Ta là,”, vào ý niệm hiện hữu, thì “Ta là thế này thế nọ” sẽ biến mất; “Ta chỉ là nhân chứng” vẫn còn, và cả nó sẽ chìm trong “Ta là tất cả”. Rồi cái tất cả trở thành cái Một, và cái Một – chính ông, không tách biệt với Ta. Hãy buông bỏ ý tưởng về một cái “ta” riêng biệt, thì câu hỏi “Kinh nghiệm của ai?” sẽ không sinh khởi.

H: Ông nói từ sự chứng nghiệm của chính ông. Làm sao tôi biến nó thành của tôi?

M: Ông nói về kinh nghiệm của Ta như thể nó khác với kinh nghiệm của ông, bởi vì ông tin là chúng ta tách biệt. Nhưng chúng ta không tách biệt. Ở bình diện sâu hơn, kinh nghiệm của Ta chính là kinh nghiệm của ông. Lặn sâu vào trong chính ông và ông sẽ nhận thấy nó thật dễ dàng và thật đơn giản. Cứ đi theo hướng “Ta hiện hữu”.

25. Bám chặt cái “Ta hiện hữu”

Hỏi: Có bao giờ ông vui hay buồn? Ông có biết vui sướng và đau khổ là gì không?

Maharaj: Ông gọi chúng là gì thì tùy ý. Đối với Ta chúng chỉ là những trạng thái của tâm, còn Ta không phải là tâm.

H: Tình yêu có phải là một trạng thái của tâm?

M: Một lần nữa, điều đó còn tùy ông hiểu tình yêu theo nghĩa nào. Tham ái, dĩ nhiên, là một trạng thái của tâm. Nhưng sự giác ngộ tính duy nhất thì ở ngoài tâm. Đối với Ta, không có gì tự tồn tại. Tất cả là cái Ta, tất cả là chính Ta. Thấy chính mình trong mọi người và mọi người trong chính mình thì chắc chắn là tình yêu.

H: Khi trông thấy một cái gì đó vừa ý, tôi muốn nó. Một cách chính xác, ai muốn? Cái Ta hay tâm?

M: Câu hỏi được đặt sai. Không có “ai”. Mà chỉ có tham ái, lo sợ, giận dữ, và cái tâm bảo – đây là Ta, cái này là của Ta. Không có cái gì có thể được gọi là “ta” hay “của ta”. Tham ái là một trạng thái của tâm, được tâm nhận thức và đặt tên. Nếu không có cái tâm nhận thức và đặt tên thì tham ái ở ddaau?

H: Nhưng liệu có nhận thức mà không có sự đặt tên?

M: Dĩ nhiên. Sự đặt tên không thể vượt ra ngoài tâm, còn nhận thức chính là ý thức.

H: Khi một người chết đi thì chính xác chuyện gì xảy ra?

M: Chẳng có gì xảy ra. Một cái gì đó trở thành không. Cái không đã có đó, và cái không vẫn có đó.

H: Chắc chắn phải có một sự khác biệt giữa người sống và người chết. Ông nói về người sống như chết, và người chết như sống.

M: Tại sao ông lo lắng về một người qua đời, nhưng chẳng mấy quan tâm đến hàng triệu người chết đi mỗi ngày? Toàn thể vũ trụ nổ vào bên trong và nổ ra bên ngoài trong từng khoảnh khắc – Ta có cần phải thương khóc chăng? Đối với Ta có một điều rất rõ ràng. Tất cả những gì , sống, và chuyển động đều có sự hiện hữu trong ý thức, còn Ta vừa ở trong và vừa ở ngoài ý thức. Ở trong ý thức – Ta là nhân chứng. Ở ngoài ý thức – Ta là Hiện Hữu.

H: Chắc chắn là ông quan tâm khi con ông đau ốm, có phải thế không?

M: Chẳng việc gì Ta phải bối rối. Ta chỉ làm cái gì cần thiết. Ta chẳng lo lắng về tương lai. Một phản ứng đúng đối với mọi tình huống ở trong bản tánh của Ta. Ta không dừng lại để nghĩ phải làm gì. Ta hành động và tiếp tục tiến tới. Kết quả không hề ảnh hưởng đến Ta. Ta chẳng cần biết chúng tốt hay xấu. Chúng là bất cứ gì mà chúng là – nếu chúng trở lại thì Ta hành xử với chúng hoàn toàn mới. Hay, đúng hơn, là Ta ngẫu nhiên hành xử với chúng hoàn toàn mới. Không hề có ý thức chủ định nào trong bất cứ gì Ta làm. Mọi chuyện xảy ra vì chúng xảy ra – không phải vì Ta làm cho chúng xảy ra, mà vì Ta hiện hữu nên chúng xảy ra. Trong thực tế không hề có gì xảy ra. Khi tâm động thần Shiva nhảy múa, cũng như nước hồ dợn sóng làm cho mặt trăng nhảy múa. Tất cả đều là hiện tướng, khởi sinh do những ý nghĩ sai lầm.

H: Chắc chắn là ông biết rất nhiều điều và hành xử theo bản chất của chúng. Ông đối xử với đứa trẻ như đứa trẻ, với người lớn như người lớn.

M: Cũng như vị mặn thấm nhuần khắp đại dương và mỗi một giọt nước biển đều mang cùng một vị, thì mỗi một kinh nghiệm đều cho Ta giao tiếp với thực tại, và sự giác ngộ luôn luôn tươi mới về hiện hữu của chính Ta.

H: Tôi có tồn tại trong thế giới của ông như ông tồn tại trong thế giới của tôi?

M: Dĩ nhiên, ông hiện hữu và Ta hiện hữu. Nhưng chỉ là những điểm trong ý thức; chúng ta không là gì ngoài ý thức. Cần phải hiểu rõ điều này: Thế giới treo trên sợi chỉ của ý thức; không có ý thức thì không có thế giới.

H: Có vô số điểm trong ý thức; như vậy cũng có vô số thế giới?

M: Lấy chiêm bao làm ví dụ. Trong một bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân, tất cả đều ngủ, và tất cả đều chiêm bao. Mỗi người mơ một giấc chiêm bao riêng biệt, và cá nhân, không liên hệ đến nhau và không tác động đến nhau, nhưng có một yếu tố chung duy nhất là sự đau ốm. Tương tự như thế, trong sự tưởng tượng chúng ta tách rời chính mình khỏi thế giới thật của kinh nghiệm chung, và bao phủ chúng ta là một đám mây tham ái và lo sợ, hình ảnh và ý nghĩ, ý tưởng và khái niệm riêng tư.

H: Điều đó thì tôi có thể hiểu được. Nhưng cái gì có thể là nguyên nhân của thế giới riêng tư muôn hình vạn trạng?

M: Sự khác biệt không nhiều lắm đâu. Tất cả các giấc chiêm bao đều cùng bao phủ lên một thế giới chung. Ở một mức độ nào đó chúng định hình và tác động lẫn nhau. Tính duy nhất căn bản chi phối tất cả. Ở tận gốc rễ của tất cả là sự quên mất mình, không biết mình là ai.

H: Để quên, một người phải biết. Liệu tôi có biết tôi là ai trước khi tôi quên tôi?

M: Dĩ nhiên, Quên chính mình có sẵn trong biết chính mình. Ý thức và vô thức là hai phương diện của cuộc đời. Chúng cùng tồn tại. Khi biết thế giới ông quên mất cái Ta – khi biết cái Ta ông quên mất thế giới. Xét cho cùng thì cái gì là thế giới? Nếu không phải là một sự tổng hợp của các ký ức. Hãy bám vào một cái quan trọng, bám chặt cái “Ta hiện hữu” và buông bỏ những cái khác. Đó chính là Sadhana. Trong giác ngộ, không có cái gì để bám víu vào và cũng chẳng có gì để quên. Tất cả mọi cái đều được biết, nhưng không có gì được ghi nhớ.

H: Cái gì là nguyên nhân của sự quên mất chính mình?

M: Không có nguyên nhân bởi vì không có sự quên. Các trạng thái của tâm nối tiếp nhau, cái sau xóa đi cái trước. Nhớ chính mình là một trạng thái của tâm, và quên chính mình là một trạng thái khác của tâm. Chúng thay phiên nhau như ngày và đêm. Thực tại ở ngoài cả hai.

H: Chắc chắn là phải có một sự khác biệt giữa quên và không biết. Không biết thì không cần đến nguyên nhân. Còn quên hàm ý một sự biết trước đó và một khuynh hướng hoặc khả năng quên. Tôi nhìn nhận là tôi không thể biết được lý do của sự không biết, nhưng quên thì chắc chắn phải có một cơ sở nào đó.

M: Không hề có cái như là cái không biết. Mà chỉ có quên. Quên có gì là không đúng? Quên cũng đơn giản như nhớ.

H: Quên mất chính mình không phải là một tai họa sao?

M: Thì nó cũng tệ hại như thường xuyên nhớ chính mình. Có một trạng thái ở ngoài quên và không quên: Trạng thái tự nhiên. Nhớ, quên – là các trạng thái của tâm, bị giới hạn trong ý nghĩ, và hạn chế trong ngôn từ. Lấy ý tưởng được sinh ra làm ví dụ. Ta được bảo rằng Ta đã được sinh ra nhưng Ta không nhớ. Ta được bảo rằng Ta sẽ chết đi nhưng Ta không mong chờ. Ông có thể cho rằng Ta quên, hoặc thiếu tưởng tượng. Nhưng Ta không thể nhớ cái chưa bao giờ xảy ra, và Ta cũng không thể mong chờ một cái gì hiển nhiên không thể xảy ra. Thân xác được sinh ra và thân xác chết đi, điều đó có gì liên quan đến Ta? Thân xác đến và ra đi trong ý thức, và tự thân ý thức có nguồn gốc trong Ta. Ta là sự sống, tâm và thân là của Ta.

H: Ông bảo rằng sự quên mất chính mình nằm ngay gốc rễ của thế giới. Để quên thì tôi phải nhớ. Tôi đã quên nhớ cái gì? Tôi chưa hề quên rằng tôi hiện hữu.

M: Cái “Tôi hiện hữu” này cũng là một phần của ảo tưởng.

H: Làm sao có thể như thế được? Ông không thể chứng minh với tôi rằng tôi không có. Thậm chí khi tôi tin rằng tôi không có – thì vẫn có tôi.

M: Thực tại không thể được chứng minh hay bác bỏ. Còn ở trong tâm thì ông không thể làm được hai điều đó, mà khi ở ngoài tâm thì ông chẳng cần cả hai. Trong cái thật, câu hỏi “cái gì là thật?” không khởi sinh. Cái thị hiện – Saguna – và cái bất thị hiện – Nirguna – không khác nhau.

H: Trong trường hợp đó tất cả đều thật.

M: Ta là tất cả. Tất cả là thật như chính Ta. Ngoài Ta ra, không có gì là thật.

H: Tôi không có cảm tưởng thế giới là hậu quả của một lỗi lầm.

M: Ông chỉ có thể nói như thế sau khi đã tìm hiểu đến nơi đến chốn, chứ không phải trước khi. Dĩ nhiên, khi ông nhận thức rõ và loại bỏ tất cả những gì không thật, cái còn lại là thật.

H: Liệu có gì còn lại?

M: Cái thật còn lại. Đừng bị ngôn từ lừa gạt !

H: Từ vô thủy, và trải qua vô lượng kiếp, tôi tạo dựng, cải thiện và làm đẹp thế giới của tôi. Tuy nó không hoàn hảo nhưng cũng chẳng phải là không thật. Nó là một tiến trình.

M: Ông lầm rồi. Thế giới không hề tồn tại ngoài ông. Trong từng khoảnh khắc nó không gì khác hơn là ảnh phản chiếu của chính ông. Ông tạo ra nó và ông là người hủy diệt nó.

H: Rồi lại tạo dựng nó, và nó được cải thiện.

M: Để cải thiện nó, ông phải hủy diệt nó. Một người phải chết đi để sống. Không hề có tái sinh mà không qua cái chết.

H: Vũ trụ của ông có thể toàn hảo. Vũ trụ của riêng tôi luôn luôn trong tiến trình cải thiện.

M: Cái vũ trụ của riêng ông tự nó không tồn tại. Nó đơn thuần chỉ là một cái nhìn hữu hạn và méo mó về cái thật. Vũ trụ chẳng cần được cải thiện mà cái cần được cải thiện là cách nhìn của chính ông.

H: Ông nhìn vũ trụ như thế nào?

M: Vũ trụ chỉ là một sân khấu mà trên đó vở tuồng thế giới đang được trình diễn. Điều quan trọng là phẩm chất của sự trình diễn; không phải những gì các diễn viên nói và làm, mà là cách họ nói và làm.

H: Tôi không thích ý tưởng vở tuồng – Lila – này. Tôi muốn so sánh thế giới với một công trường mà trong đó chúng ta là những người thợ xây dựng.

M: Ông quá quan trọng hóa vấn đề. Có gì không đúng với vở kịch? Ông chỉ có một mục đích chừng nào ông chưa hoàn tất; khi chưa thực hiện xong thì sự hoàn tất, và toàn hảo là mục đích. Khi ông hoàn tất trong chính ông, bên trong và bên ngoài là một duy nhất thì lúc đó ông hưởng dụng vũ trụ, ông không còn tốn công mệt sức. Đối với những kẻ phân biệt thì ông có vẻ như đang bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng đó chỉ là ảo tưởng của họ. Các vận động viên thể thao có vẻ như cố gắng ghê gớm: Nhưng động cơ duy nhất của họ là thi đấu và phô diễn.

H: Ông muốn nói Thượng đế chỉ vui đùa, ngài tham dự vào những hành động vô mục đích?

M: Thượng đế không những chơn thật và tốt lành, mà còn đẹp đẽ nữa – Satyam-Shivam-Sundarm. Ngài tạo ra cái đẹp chỉ vì yêu thích cái đẹp.

H: Như thế cái đẹp là mục đích của ngài !

M: Tại sao ông cứ muốn đề cập đến mục đích? Mục đích hàm ý chuyển động, thay đổi, một ý nghĩa không toàn hảo. Thượng đế không nhắm đến cái đẹp – bất cứ gì Thượng đế làm đều đẹp. Liệu ông có thể cho rằng một đóa hoa cố tìm cách để đẹp? Đóa hoa đẹp bởi chính bản thân của nó. Tương tự như thế, Thượng đế chính là sự toàn hảo, chứ không phải là sự cố gắng để toàn hảo.

H: Mục đích tự hoàn thành chính nó trong cái đẹp.

M: Đẹp là gì? Bất cứ gì được cảm nhận một cách an lạc là đẹp. Sự an lạc là tinh hoa của cái đẹp.

H: Ông nói đến Sat-chit-ananda. Ta hiện hữu thì hiển nhiên. Ta biết thì hiển nhiên. Ta vui sướng thì không hiển nhiên. Hạnh phúc của Ta đã đi đâu?

M: Hoàn toàn biết rõ sự hiện hữu của chính ông thì ông sẽ biết an lạc. Vì không để tâm vào chính ông mà đặt nó vào cái không phải là ông, nên ông mất ý thức về sự an lạc, về sự hiện hữu an vui.

H: Phía trước chúng ta có hai con đường – con đường của sự tinh tấn – Yoga Marga, và con đường của sự nhàn hạ – Bhoga Marga. Cả hai đều đưa đến cùng một mục đích: Giải thoát.

M: Vì sao ông lại gọi Bhoga là con đường? Làm sao nhàn hạ có thể đưa lại cho ông sự toàn hảo?

H: Hành giả toàn hảo – Yogi – sẽ tìm thấy thực tại. Người hưởng dụng toàn hảo – Bhogi – cũng sẽ đến đó.

M: Làm sao có thể như thế được? Không phải họ mâu thuẫn với nhau?

H: Những cái phi thường đều gặp nhau. Làm một Bhogi toàn hảo vẫn khó hơn là một Yogi toàn hảo.

Tôi chỉ là một kẻ phàm phu, không dám mạo muội phán xét về giá trị. Nhưng xét cho cùng, cả hành giả Yogi lẫn người hưởng dụng Bhogi đều quan tâm đến sự tìm kiếm hạnh phúc. Hành giả Yogi muốn hạnh phúc thường hằng, người hưởng dụng Bhogi thỏa mãn với cái thất thường, lúc có lúc không. Thường thì Bhogi phấn đấu nhiều hơn Yogi.

M: Nếu phải phấn đấu và hao công tốn sức thì hạnh phúc của ông có gì xứng đáng? Hạnh phúc chơn thật thì tự sinh khởi và chẳng cần phải cố gắng.

H: Tất cả chúng sinh đều tìm kiếm hạnh phúc, tuy phương tiện có khác nhau. Người tìm nó bên trong và do đó được gọi là Yogi, còn người tìm nó ở ngoài thì bị lên án là Bhogi. Nhưng họ vẫn cần lẫn nhau.

M: Lạc thú và đau khổ thay phiên nhau. Còn hạnh phúc thì bất di bất dịch. Cái mà ông có thể tìm và thấy thì không phải cái thật. Hãy tìm cái ông chưa bao giờ mất, hãy tìm cái bất khả chuyển nhượng.

26. Tính cách con người – một chướng ngại

Hỏi: Theo tôi thấy, thế giới là một trường Yoga và tự thân cuộc sống là sự thực hành Yoga. Mọi người đều phấn đấu cho sự toàn hảo, và Yoga là gì nếu không phải là phấn đấu. Chẳng có gì là đáng khinh đối với những người được gọi là “phàm phu” và cuộc sống “phàm tục” của họ. Họ phấn đấu cũng cam go và chịu đựng cũng không kém hành giả Yogi, chỉ có điều là họ không ý thức được mục đích thật sự của họ.

Maharaj: Người thường các cậu cũng tương tự như Yogi về phương diện nào?

H: Mục đích tối hậu thì như nhau. Cái mà hành giả Yogi đạt được bằng sự tu hành – Tyaga – thì người thường – Bhoga – đạt được qua kinh nghiệm. Con đường Bhoga thì vô thức, do đó lập đi lập lại và kéo dài, còn con đường Yoga thì có chủ đích và chuyên sâu, nên nhanh chóng hơn.

M: Có thể là các giai đoạn của YogaBhoga luân phiên nhau. Trước tiên là Bhogi, rồi Yogi, trở lại Bhogi, rồi lại Yogi.

H: Mục đích của sự luân phiên đó là gì?

M: Những ham muốn hời hợt có thể được loại trừ bằng nội quán và thiền định, nhưng các tham ái mãnh liệt và thâm căn cố đế thì phải được thực hiện, và quả của chúng, dù ngọt hay đắng, đều phải được nếm.

H: Vậy tại sao chúng ta phải tôn kính các hành giả Yogi và xem thường những người Bhogi? Về một phương diện tất cả đều là Yogi.

M: Trên bậc thang giá trị của con người những cố gắng có chủ đích thì được xem là đáng ca tụng. Trong thực tế, cả hành giả Yogi và những người Bhogi đều thuận theo bản chất riêng của họ, tùy hoàn cảnh và cơ hội. Cuộc đời của hành giả Yogi được điều khiển bởi một ước muốn duy nhất – tìm kiếm Chân lý, còn người Bhogi phục vụ cho nhiều chủ nhân. Nhưng một Bhogi có thể trở thành một hành giả Yogi, và một hành giả Yogi có thể quay trở lại thời kỳ của một Bhogi. Kết quả chung cuộc thì vẫn như nhau.

H: Theo kinh sách, Đức Phật có nói rằng khi được nghe về sự giác ngộ thì vô cùng quan trọng, vì một sự đảo ngược hoàn toàn và chuyển hóa sẽ xảy ra trong ý thức. Tin lành được ví như đốm lửa trong một chuyến tàu chở đầy bông gòn; một cách chậm chạp nhưng chắc chắn tất cả sẽ biến thành tro. Tương tự như thế, tin lành về sự giác ngộ không sớm thì muộn sẽ đem lại một sự chuyển hóa.

M: Đúng, trước tiên là nghe – Sbravana, nhớ – Smarana, rồi tư duy – Manama, vân vân. Chúng ta tương đồng về quan điểm. Người nào nghe được tin lành thì trở thành Yogi, những người còn lại tiếp tục với lối sống Bhoga của họ.

H: Nhưng ông đồng ý rằng khi sống một cuộc đời – chỉ sống một cuộc đời tầm thường thế tục, được sinh ra để chết đi, và chết đi để được sinh ra – con người sẽ thăng tiến bằng chính lực đẩy của cuộc đời, cũng như một giòng sông tìm đường ra biển bằng chính khối lượng nước mà nó huân tập được.

M: Trước khi có thế giới, đã có ý thức. Thế giới hình thành trong ý thức, tồn tại trong ý thức, rồi tan biến vào trong ý thức thuần túy. Ở tận nguồn gốc của tất cả là nhận thức “Ta hiện hữu”. Trạng thái tâm “có một thế giới” là thứ yếu; để hiện hữu, Ta không cần thế giới, mà thế giới cần Ta.

H: Sự ham sống là một cái gì thật phi thương.

M: Nhưng phi thường hơn nữa là sự tự do không còn bị thôi thúc phải sống.

H: Tự do đối với mọi gánh nặng?

M: Phải, tự do đối với mọi gánh nặng, và còn nhiều hơn thế nữa. Tự do vô biên và hữu thức.

H: Thế không cần phải có tính cách con người để thu nhập kinh nghiệm?

M: Như cậu hiện nay, tính cách con người chỉ là một chướng ngại. Đồng hóa chính mình với thân xác có thể là một điều tốt cho một đứa trẻ, nhưng một sự trưởng thành thật sự lại tùy thuộc vào sự loại bỏ chướng ngại thân xác. Bình thường, một người cần từ bỏ những ham muốn thuộc thân xác ngay từ khi còn sớm trong đời. Thậm chí một Bhogi, kẻ không từ chối hưởng thụ, cũng chẳng cần phải thèm khát những gì đã nếm qua. Thói quen, sự ham muốn lập lại làm cả Yogi lẫn Bhogi cảm thấy không được thỏa mãn.

H: Tại sao ông cứ tiếp tục gạt bỏ con người như chẳng có gì quan trọng? Tính cách con người là thực tế thiết yếu của sự tồn tại. Nó chiếm toàn thể sân khấu.

M: Chừng nào còn không thấy được tính cách con người chỉ là thói quen, dựng lập trên ký ức, thúc giục bởi tham ái, thì cậu còn nghĩ mình là một con người – sống, cảm thọ, suy nghĩ, năng động, thụ động, hài lòng hay đau đớn. Hãy đặt câu hỏi với chính cậu, tự hỏi cậu: “Có phải vậy không?” “Ta là ai?” “Cái gì ở đằng sau và bên ngoài tất cả những điều này?” Chẳng bao lâu cậu sẽ nhận ra sự lầm lẫn của cậu. Bản chất của lầm lẫn là nó tự nhiên biến mất khi được nhận diện.

H: Yoga của sự sống, của chính cuộc sống, chúng ta có thể gọi là Yoga tự nhiên – Nisarga Yoga. Nó làm tôi nhớ đến Yoga căn bản – Adhi Yoga, đề cập trong kinh Rig-Veda, và được mô tả như là cuộc hôn nhân của cuộc sống với tâm.

M: Một cuộc sống được sống một cách sâu sắc, trong sự tỉnh thức hoàn toàn, chính nó là Nisarga Yoga.

H: Hôn nhân giữa cuộc sống và tâm nghĩa là gì?

M: Sống trong sự tỉnh thức tự nhiên, trong ý thức về sự sống thanh thản, hoàn toàn quan tâm đến cuộc sống của chính mình – đó là tất cả những hàm ý.

H: Sharada Devi, hiền thê của ngài Ramakrishna Paramahamsa, vẫn thường quở các môn đồ của ngài về sự cố gắng quá mức. Bà so sánh họ với những trái xoài trên cây được hái trước khi chin. “Tại sao lại vội vàng?” Bà thường bảo: “Chờ cho đến khi các ông hoàn toàn chín mùi, và trở nên ngọt lịm”.

M: Bà quả thật đúng ! Có rất nhiều người vừa mới sáng sớm đã cho là giữa trưa, một kinh nghiệm nhất thời đã cho là toàn giác, và làm thui chột chút chứng đắc nhỏ nhoi bằng sự kiêu căng quá lố. Lòng khiêm tốn và sự im lặng là cần thiết cho một hành giả Sadhaka, dù cao cấp đến đâu.

Chỉ bậc giác ngộ hoàn toàn chín chắn mới có thể cho phép mình hoàn toàn tùy nghi tự ý.

H: Hình như môn đồ của nhiều phái Yoga sau khi đã phát huệ vẫn buộc phải tịnh khẩu từ 7 đến 12 hay 15 hoặc thậm chí đến 25 năm. Ngay cả đạo sư Bhagavan Sri Ramana Maharshi cũng tự tịnh khẩu 20 năm trước khi thuyết giảng.

M: Đúng, quả bên trong phải thật chín mùi. Giới hạnh, và sự sống tỉnh thức vẫn tiếp tục cho đến khi hành giả thực sự chín mùi. Lâu dần sự tu tập càng trở nên vi tế, cho đến khi không còn một hình thức nào nữa.

H: Krishnamurti cũng nói đến sự sống trong tỉnh thức.

M: Ông ấy luôn luôn nhắm thẳng vào “cái tối hậu”. Đúng, cuối cùng thì tất cả các pháp môn Yoga đều hội tụ trong Adhi Yoga như cậu nói, được xem là cuộc hôn nhân của ý thức (cô dâu) và cuộc sống (chú rể). Ý thức và hiện hữu hội ngộ trong hỷ lạc. Để hỷ lạc khởi sinh thì phải có gặp gỡ, giao tiếp, và sự khẳng định của cái duy nhất trong nhị nguyên.

H: Đức Phật cũng nói rằng để đạt được Nirvana một người phải đến với chúng sinh. Ý thức cần cuộc sống để trưởng thành.

M: Tự thân thế giới là sự giao tiếp – toàn thể các giao tiếp được thực hiện trong ý thức. Tinh thần tiếp xúc với vật và ý thức khởi sinh. Những ý thức như thế, khi bị nhiễm ô bởi ký ức và chờ mong, trở nên ràng buộc. Kinh nghiệm thuần túy thì không ràng buộc; kinh nghiệm vướng mắc giữa ham muốn và lo sợ thì bất tịnh và tác nghiệp.

H: Có thể nào có hạnh phúc trong tính một duy nhất? Không phải tất cả hạnh phúc hàm ý cần thiết của giao tiếp, do đó mang tính nhị nguyên?

M: Chả có gì không đúng với nhị nguyên chừng nào nó không tạo ra xung đột. Nhiều và đa dạng mà không xung đột là hỷ lạc. Ánh sáng ở trong ý thức thuần túy. Để có sự nồng nhiệt thì giao tiếp là cần thiết. Bên trên tính duy nhất của hiện hữu là sự hợp nhất của tình yêu. Tình yêu là ý nghĩa và mục đích của tính nhị nguyên.

H: Tôi là một đứa con nuôi. Tôi không biết cha ruột của tôi. Mẹ tôi chết khi tôi mới sinh ra. Để làm vui lòng một người vợ không con, cha nuôi tôi đã nhận nuôi tôi – hầu như là tình cờ. Ông ấy là một người bình dị – vừa là chủ vừa là tài xế của một chiếc xe tải. Mẹ nuôi tôi lo việc nhà. Năm nay tôi 24 tuổi. Suốt hai năm rưỡi qua tôi đi khắp nơi, không ngừng tìm kiếm. Tôi muốn sống một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống thánh thiện. Tôi phải làm gì?

M: Trở về nhà, đảm đương công việc của cha, chăm sóc cha mẹ trong tuổi già. Lấy cô gái đang chờ cậu, hãy chung thủy, bình dị và khiêm tốn. Đừng phô trương đức hạnh và sống thầm lặng. Năm giác quan và ba tính chất là tám bước đi của cậu trong Yoga. Và “Ta hiện hữu” là Thần chú Vĩ đại – Mahamantra. Cậu có thể học ở chúng tất cả những gì cần biết. Hãy chuyên chú và không ngừng tìm hiểu. Tất cả chỉ có thế.

H: Nếu chỉ sống cuộc sống của chính mình là giải thoát, vậy tại sao tất cả mọi người không giải thoát?

M: Tất cả đều đang được giải thoát. Không phải cậu sống cái gì mà cậu sống thế nào mới đáng kể. Ý niệm về sự giác ngộ là vô cùng quan trọng. Chỉ cần biết được giác ngộ là điều có thể xảy ra thì cũng đã thay đổi toàn diện cái nhìn của một con người. Nó cũng giống như một que diêm cháy trong đống mạt cưa. Tất cả các đại sư không làm gì khác hơn. Một tia lửa của chân lý có thể thiêu rụi cả một ngọn núi của những điều hư giả. Và ngược lại thì cũng vậy: Mặt trời chân lý vẫn bị che khuất sau đám mây của sự đồng hóa chính mình với thân xác.

H: Phổ biến tin lành về sự giác ngộ có lẽ là điều vô cùng quan trọng.

M: Chỉ mới nghe đã là một hứa hẹn của sự giác ngộ. Gặp được một Đạo sư là đảm bảo một sự giải thoát. Cái toàn hảo thì đem lại sự sống và sáng tạo.

H: Một bậc giác ngộ có bao giờ nghĩ: “Ta giác ngộ”? Vị ấy không ngạc nhiên khi được người khác tôn vinh thành quan trong? Bậc giác ngộ không xem mình là một con người bình thường?

M: Chẳng bình thường, mà cũng chẳng phi thường. Chỉ tỉnh thức và yêu thương – một cách mãnh liệt. Người giác ngộ nhìn vào chính mình mà không hề có những định nghĩa về chính mình, và nhận dạng về chính mình. Người giác ngộ không hề biết mình là một cái gì tách biệt với thế giới. Người giác ngộ là thế giới. Người giác ngộ từ bỏ hoàn toàn chính mình, như một người giầu có nhưng không ngừng cho đi sự giầu có của mình. Người giác ngộ không giầu có vì chẳng có gì, nhưng không nghèo túng vì cho đi rất hào phóng. Người giác ngộ thì vô sản. Tương tự như thế, người giác ngộ vô ngã, và đã mất đi khả năng tự đồng hóa với bất cứ gì. Người giác ngộ không có vị trí, không có trú xứ, siêu vượt không gian thời gian, và thế giới. Người giác ngộ ở ngoài ngôn ngữ và tư duy.

H: Hừ! Quả thật là một điều kỳ bí khó dò đối với một con người đơn giản như tôi.

M: Chính cậu mới khó dò, phức tạp, kỳ bí và khó hiểu. Ta chính là sự đơn giản, khi so với cậu. Ta là cái đang là – không hề có bất cứ phân biệt nào xen vào giữa bên trong và bên ngoài, của Ta và của người, tốt và xấu. Thế giới là cái gì thì Ta là cái đó; Ta là cái gì thì thế giới là cái đó.

H: Làm sao có chuyện mỗi con người tạo ra thế giới của riêng mình?

M: Trong một nhóm người đang ngủ, mỗi người mơ giấc chiêm bao riêng của riêng mình. Chỉ khi nào tỉnh giấc thì câu hỏi về những giấc chiêm bao khác nhau mới được đặt ra, và cũng ngay lúc đó câu hỏi được giải đáp vì chiêm bao được thấy là chiêm bao, là cái gì đó tưởng tượng.

H: Ngay cả chiêm bao cũng có một cơ sở nào đó.

M: Nó ở trong ký ức. Cho dù như thế, cái gì được nhớ thì cũng chỉ là một giấc chiêm bao khác. Ký ức về cái hư giả thì không thể không tạo ra cái hư giả. Chẳng có gì là không đúng với ký ức như thế. Hư giả là nội dung của nó. Hãy nhớ cái thật, quên đi ý tưởng.

H: Cái gì là thật?

M: Cái được nhận thức trong tánh biết thuần túy, không bị tác động bởi tham ái và lo sợ – là thật.

27. Cái không có sự bắt đầu luôn luôn bắt đầu

Hỏi: Hôm trước tôi có hỏi ông về hai con đường của sự trưởng thành – tu hành và hưởng thụ (YogaBhoga). Sự khác biệt giữa hai con đường không quá lớn như nó có vẻ như thế. Hành giả Yogi tu hành để hưởng thụ; người Bhogi hưởng thụ để tu hành. Hành giả Yogi tu hành trước, người Bhogi hưởng thụ trước.

Maharaj: Rồi sao? Mặc kệ hành giả Yogi với Yoga, và người Bhogi với lối sống Bhoga của họ.

H: Con đường Bhoga theo tôi có vẻ hay hơn. Hành giả Yogi như một quả xoài xanh, bị hái khỏi cây lúc còn non và ủ cho chín trong một giỏ rơm. Trong môi trường thiếu không khí và quá nóng, quả xoài chín nhưng hương vị thực sự và mùi thơm của nó mất đi. Quả xoài còn ở trên cây tăng trưởng đến hết cỡ, mầu sắc đẹp và hương vị thơm ngọt, một sự vui tươi về mọi phương diện. Nhưng không hiểu vì sao Yoga nhận được đủ mọi ca tụng, còn Bhoga chịu đủ mọi nguyền rủa. Theo chỗ tôi thấy Bhoga vẫn hay hơn Yoga.

M: Vì sao cậu nói thế?

H: Tôi quan sát các hành giả Yogi và những cố gắng phi thường của họ. Ngay cả khi họ giác ngộ, vẫn có một cái gì cay đắng hay khắc khổ về sự chứng đắc của họ. Họ dành hầu hết thời gian cho những cơn xuất thần nhập định, và khi mở miệng họ không nói gì ngoài kinh điển. Vào lúc huy hoàng nhất những người giác ngộ đó giống như những bông hoa toàn hảo, nhưng chỉ là những bông hoa nhỏ tỏa chút hương thơm trong một phạm vi nhỏ hẹp. Nhưng có những người khác, họ như cả một khu rừng – phong phú, đa dạng, mênh mông và đầy những ngạc nhiên – trong họ là cả một thế giới. Chắc chắn là phải có một lý do về sự khác biệt này.

M: Quả là như thế. Theo cậu, một người bị ức chế trong Yoga, còn người khác thăng hoa trong lối sống Bhoga hưởng thụ.

H: Không phải thế sao? Hành giả Yogi sợ hãi cuộc đời và tìm kiếm sự an thân, trong khi người Bhogi mạo hiểm, đầy phấn khởi, và dám dấn thân. Hành giả Yogi bị trói buộc vào một lý tưởng, còn người Bhogi lúc nào cũng sẵn sàng khám phá.

M: Đó chỉ là vấn đề ham muốn nhiều hay thỏa mãn với cái ít. Hành giả Yogi có nhiều tham vọng còn người Bhogi chỉ đơn thuần phiêu lưu.

Người Bhogi của cậu có vẻ phong phú hơn và lịch lãm hơn, nhưng thực tế không phải như thế. Hành giả Yogi thu hẹp lại như mép cắt của lưỡi dao. Người hành giả phải như thế – để cắt sâu và ngọt, xuyên qua một cách chính xác vô số các tầng lớp của sự hư giả. Người Bhogi cúng vái ở vô số bàn thờ, còn hành giả Yogi chẳng phụng sự ai ngoài cái Ta thật của chính mình.

Không hề có mục đích nào trong sự đối nghịch giữa hành giả Yogi và những người Bhogi. Con đường đi ra – Pravritti – cần thiết có trước con đường trở về – Nivritti. Đưa ra phán xét và phê bình suông thì chỉ là chuyện lố bịch. Tất cả đều cống hiến cho sự toàn hảo tối hậu. Một số người cho rằng ba phương diện của thực tại: Chân lý – Trí tuệ – Hỷ lạc. Người nào đi tìm chân lý trở thành Yogi, người nào tìm kiếm trí tuệ trở thành người giác ngộ, người nào đi tìm hạnh phúc trở thành con người của hành động.

H: Chúng tôi nghe nói về sự hỷ lạc của tính bất nhị.

M: Một sự hỷ lạc như thế thuộc về bản chất của một sự an lạc vĩ đại. Còn lạc thú và đau khổ là kết quả của hành động đúng và không đúng.

H: Cái gì tạo ra sự khác biệt?

M: Sự khác biệt là ở chỗ cho và giữ. Dù cách tiếp cận là gì đi nữa, thì rốt cuộc tất cả sẽ trở thành một.

H: Nếu không có sự khác biệt trong mục đích, việc gì lại phân biệt giữa các phương cách tiếp cận khác nhau?

M: Cứ để mỗi người hành động theo bản chất riêng. Dù gì đi nữa thì mục đích tối hậu cũng sẽ đạt được. Tất cả những phân biệt và phân loại của cậu khá đúng, nhưng nó không xảy ra trong trường hợp của Ta. Một giấc mơ dù được mô tả một cách chi tiết và chính xác đến đâu, thì nó vẫn chẳng có một cơ sở nào, tương tự như thế mô thức của cậu chẳng thích hợp với bất cứ gì ngoài những giả định của chính cậu. Cậu bắt đầu với một ý tưởng và chấm dứt với cùng một ý tưởng dưới một lớp áo khác.

H: Ông nhìn sự vật như thế nào?

M: Đối với Ta một và tất cả đều như nhau. Cùng một ý thức – Chit, lúc là hiện hữu – Sat – và lúc là hỷ lạc – Ananda. Khi động ý thức là hỷ lạc, khi tịnh ý thức là hiện hữu.

H: Ông vẫn còn phân biệt giữa động và tịnh.

M: Vô phân biệt nói trong sự im lặng. Ngôn từ chuyên chở sự phân biệt. Cái bất thị hiện – Nirguna – thì không có danh xưng, tất cả danh xưng đều dùng cho cái thị hiện – Saguna. Giằng co với ngôn từ để diễn tả một cái ngoài ngôn từ thì chỉ là chuyện vô ích. Ý thức – Chidananda – là tinh thần  – Purusha, ý thức là vật chất – Prakriti. Tinh thần không toàn hảo là vật chất, vật chất toàn hảo là tinh thần. Vào lúc khởi đầu cũng như vào lúc chấm dứt, tất cả là một.

Tất cả mọi phân chia đều ở trong tâm – Chitta; không có gì trong thực tại – Chit. Động và tịnh là các trạng thái của tâm, và chúng không thể có nếu không có cái đối nghịch.Tự thân không có gì động, và chẳng có gì tịnh. Cho những gì tâm tạo dựng là tồn tại tuyệt đối – là một lỗi lầm nghiêm trọng. Không có gì tự tồn tại.

H: Ông có vẻ đồng hóa tịnh với Trạng thái Tối thượng?

M: Có cái tịnh như một trạng thái của tâm – Chidaram – và có cái tịnh như một trạng thái hiện hữu – Atmaram. Cái tịnh của tâm đến rồi đi, còn cái tịnh chơn thật lại ở ngay tâm của hành động. Điều đáng tiếc là ngôn từ là một công cụ của tâm và chỉ dùng được trong phạm vi của những cái đối nghịch.

H: Khi là nhân chứng, ông động hay tịnh?

M: Nhân chứng là một kinh nghiệm, còn tịnh thì thoát ra khỏi mọi kinh nghiệm.

H: Hai cái không thể cùng tồn tại – như tiếng náo động của sóng và sự tĩnh lặng của độ sâu cùng tồn tại trong biển cả – hay sao?

M: Bên ngoài tâm không có cái gì là kinh nghiệm. Kinh nghiệm là một trạng thái nhị nguyên. Cậu không thể nói về thực tại như một kinh nghiệm. Một khi thấu hiểu điều này thì cậu không còn tìm kiếm hiện hữu và trở thành như hai cái riêng biệt và đối nghịch. Trong thực tế, chúng là một và bất khả phân, như rễ và cành của cùng một cây. Cả hai chỉ có thể tồn tại trong ánh sáng của ý thức, mà ý thức lại khởi sinh theo sau “Ta hiện hữu”. Đây là sự kiện tiên quyết. Nếu để vuột nó thì cậu để vuột tất cả.

H: Có phải cảm giác hiện hữu chỉ là một sản phẩm của kinh nghiệm? Có phải đại chân ngôn (Mahavakya) Tat-Sat chỉ là một phương thức của tâm?

M: Bất cứ gì nói ra thì chỉ là ngôn từ. Bất cứ gì tư tưởng được thì chỉ là ý nghĩ. Ý nghĩa chơn thật thì có thể chứng nghiệm được nhưng không thể giải thích được. Mahavakya là chơn thật, còn ý tưởng của cậu là hư vọng, vì tất cả ý tưởng – Kalpana – đều hư vọng.

H: Thế sự tin tưởng “Ta là Cái Đó” cũng hư vọng?

M: Dĩ nhiên. Tin tưởng là một trạng thái của tâm. Trong “Cái Đó” không có “Ta là”. Khi ý thức “Ta là” hiện lên thì “Cái Đó” bị che khuất, cũng như khi mặt trời lên thì sao biến mất. Tương tự như ánh sáng cùng đến với mặt trời, thì hỷ lạcChidanandacùng đến với ý thức về cái Ta. Con người tìm kiếm nguồn gốc của hỷ lạc trong cái “không phải Ta”, do đó ràng buộc khởi sinh.

H: Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn luôn ý thức về trạng thái thực của ông?

M: Chẳng phải ý thức mà cũng chẳng phải vô thức. Ta không cần đến sự tin tưởng. Ta sống bằng lòng dũng cảm. Can đảm là cốt tủy của Ta, nó là tình yêu cuộc sống. Ta hoàn toàn không còn ký ức và dự tính, chẳng hề bận tâm đến Ta là cái gì hay Ta không là cái gì. Ta không lệ thuộc vào những mô tả về chính mình – SohamBrahmasmi “Ta là Ngài” “Ta là Cái Tối Thượng” đều vô ích đối với Ta. Ta có lòng dũng cảm để là: không gì cả, và thấy thế giới như chính nó là: Không gì cả. Nghe đơn giản như thế đấy, hãy thử xem!

H: Nhưng cái gì cho ông sự can đảm?

M: Cái nhìn của cậu thật lầm lạc làm sao! Can đảm có cần để được ai cho? Câu hỏi của cậu hàm ý lo âu là trạng thái bình thường còn can đảm là trạng thái bất thường. Xoay ngược lại thì mới đúng. Lo âu và hy vọng do tưởng tượng sinh ra – Ta hoàn toàn không còn cả hai. Ta chỉ là sự hiện hữu đơn thuần, Ta không cần gì để nương tựa.

H: Nếu ông không biết chính ông thì sự hiện hữu của ông có lợi lạc gì đối với ông? Để hạnh phúc với cái ông là, ông phải biết cái là ông.

M: Hiện hữu chiếu sáng là biết, biết là yêu thương nồng nhiệt. Tất cả là một. Cậu tưởng tượng ra những phân chia rồi tự băn khoăn với những câu hỏi. Đừng quá bận tâm với những công thức. Hiện hữu thuần túy thì không thể mô tả được.

H: Nếu một cái gì đó không thể biết được và không thể hưởng dụng được thì chẳng lợi lạc gì cho tôi. Trước tiên, nó phải là một phần kinh nghiệm của tôi.

M: Cậu lôi kéo thực tại xuống ngang hàng với kinh nghiệm. Làm sao thực tại có thể tùy thuộc vào kinh nghiệm khi chính nó lại là nền tảng – Adhar – của kinh nghiệm. Thực tại ở ngay trong chính thực tế của kinh nghiệm, chứ không phải trong bản chất của kinh nghiệm. Xét cho cùng, kinh nghiệm là một trạng thái của tâm, còn hiện hữu thì nhất định không thể là một trạng thái của tâm.

H: Tôi lại bối rối! Hiện hữu có tách biệt với biết?

M: Sự tách biệt chỉ là một thể hiện bề ngoài. Cũng như giấc chiêm bao không thể tách biệt với người chiêm bao, biết không thể tách rời hiện hữu. Giấc chiêm bao là người chiêm bao, cái biết là người biết, sự khác biệt đơn thuần chỉ là ngôn từ.

H: Bây giờ tôi thấy được SatChit chỉ là một. Thế còn hỷ lạc – Ananda? Hiện hữu và ý thức luôn luôn có mặt với nhau, còn hỷ lạc chỉ thỉnh thoảng mới lóe lên.

M: Trạng thái hiện hữu vô phiền nhiễu là hỷ lạc; trạng thái phiền nhiễu là cái hiển hiện thành thế giới. Hỷ lạc ở trong tính bất nhị, còn kinh nghiệm thuộc về nhị nguyên. Cái gì đến và đi là kinh nghiệm cùng với tính cách nhị nguyên – đau khổ và lạc thú – của nó. Hỷ lạc thì không thể được biết. Một người luôn luôn hỷ lạc, nhưng không bao giờ cảm thấy hỷ lạc. Hỷ lạc không phải là một thuộc tính.

H: Tôi còn một câu hỏi nữa: Một số hành giả Yogi đạt được mục đích của họ nhưng chẳng lợi lạc gì cho người khác. Họ không biết chia sẻ, hoặc không thể chia sẻ. Những người có thể chia sẻ cái họ có thì khai tâm được cho người khác. Sự khác biệt nằm ở đâu?

M: Chẳng có gì khác biệt. Cách tiếp cận sự việc của cậu không đúng. Không hề có người khác để giúp. Một người giầu có sau khi trao lại tất cả tài sản cho gia đình thì chẳng còn một xu để cho ăn mày. Người giác ngộ rũ bỏ tất cả mọi quyền thế và những gì sở hữu thì cũng giống như thế. Không gì, đúng vậy, không gì có thể nói về người giác ngộ. Người giác ngộ không thể cứu giúp một ai vì người ấy là mọi người. Người giác ngộ là người nghèo khó và cũng là sự nghèo khó, là tên trộm và cũng là sự ăn trộm. Làm sao có thể nói được rằng người giác ngộ cứu giúp khi người ấy không tách rời một ai? Người nào nghĩ mình tách biệt với thế giới thì hãy để người đó cứu giúp thế giới.

H: Nhưng vẫn còn nhị nguyên, có đau khổ nên có sự cần cứu khổ. Nếu cho rằng đau khổ chỉ là chiêm bao thì chẳng đạt được cái gì.

M: Cách duy nhất có thể cứu giúp là tỉnh giấc chiêm bao.

H: Cần phải có một người đánh thức.

M: Người đánh thức lại ở ngay trong giấc chiêm bao. Người đánh thức là báo hiệu khởi đầu của sự chấm dứt. Không có giấc chiêm bao nào là bất tận.

H: Ngay cả khi nó không có sự bắt đầu?

M: Tất cả mọi thứ đều bắt đầu với cậu. Còn cái nào là cái không có sự bắt đầu?

H: Tôi bắt đầu khi được sinh ra.

M: Đó là điều cậu nghe người khác nói lại. Có thật cậu bắt đầu khi được sinh ra? Thế cậu có thấy chính cậu bắt đầu?

H: Tôi chỉ bắt đầu ngay bây giờ. Tất cả những cái khác đều là ký ức.

M: Đúng thế. Cái không có sự bắt đầu thì luôn luôn bắt đầu. Cũng cách đó, Ta cho vô tận bởi vì Ta không có gì cả. Không là gì cả, không có gì cả, không giữ gì cả cho chính mình là sự cho nhiều nhất, là lòng hào phóng rộng rãi nhất.

H: Thế sự quan tâm đến chính mình không còn nữa?

M: Dĩ nhiên Ta quan tâm đến chính Ta, cái Ta là tất cả. Trong thực tế nó xuất hiện dưới hình thức thiện ý, không bao giờ cạn kiệt và mang tính vũ trụ. Cậu có thể gọi nó là tình yêu, là bao trùm tất cả, là cứu chuộc tất cả. Tình yêu đó vô cùng năng động – nhưng không ý thức về hành động.

28. Mọi đau khổ đều khởi sinh từ tham ái

Hỏi: Tôi từ một xứ sở xa xôi đến đây. Tôi có một số chứng nghiệm nội tâm riêng, và muốn trao đổi với ông.

Maharaj: Được. Ông có biết chính ông không.

H: Tôi biết tôi không phải là thân. Tôi cũng chẳng phải là tâm.

M: Vì sao ông nói vậy?

H: Tôi không cảm thấy tôi ở trong thân. Tôi hình như ở khắp nơi, mọi nơi. Còn đối với tâm, tôi có thể đóng, mở tùy ý, có thể nói là như thế. Điều này khiến tôi nhận biết tôi không phải là tâm.

M: Khi ông cảm thấy ông ở mọi nơi trên thế giới, ông vẫn tách biệt với thế giới? Hay, ông là thế giới?

H: Cả hai. Có khi tôi cảm thấy mình không phải là tâm hay thân, mà là con mắt duy nhất thấy tất cả. Khi vào sâu trong trạng thái đó, tôi thấy tôi là tất cả những gì tôi thấy. Thế giới và tôi trở thành một.

M: Hay lắm. Thế còn tham ái? Ông còn tham ái không?

H: Có, tham ái có đến, nhưng ngắn và hời hợt.

M: Và ông làm gì với tham ái?

H: Tôi làm gì được? Chúng đến, chúng đi. Tôi quan sát chúng. Có khi tôi thấy thân và tâm tôi tham dự vào sự thỏa mãn chúng.

M: Tham ái của ai được thỏa mãn?

H: Chúng là một phần của thế giới mà trong đó tôi sống. Chúng cũng như cây cối và mây trong thế giới đó.

M: Thế không phải chúng là biểu hiện của một sự không toàn hảo nào đó?

H: Làm sao chúng có thể như thế được? Chúng là chúng, và tôi là tôi. Làm sao sự xuất hiện và biến mất của tham ái có thể tác động đến tôi? Dĩ nhiên, chúng tác động đến tướng trạng và nội dung của tâm.

M: Tốt lắm, ông làm nghề gì?

H: Tôi là nhân viên giám sát phạm nhân sau khi được phóng thích và còn trong thời kỳ quản chế.

M: Nghĩa là thế nào?

H: Các thanh thiếu niên phạm pháp sau khi được tha, bị quản chế một thời gian, được các nhân viên chuyên ngành giám sát thái độ, hướng dẫn học nghề và giúp tìm công ăn việc làm.

M: Ông có phải làm việc không?

H: Ai làm việc? Công việc tình cờ xảy ra.

M: Ông có cần làm việc không?

H: Tôi cần nó vì tiền. Tôi thích công việc của tôi vì tôi có dịp giao tiếp với người khác.

M: Ông cần người khác để làm gì?

H: Có thể các thanh niên đó cần tôi, và chính định mệnh của họ khiến tôi đảm nhận công việc này. Xét cho cùng, đó là cùng một cuộc đời.

M: Ông đạt đến trạng thái hiện nay bằng cách nào?

H: Tôi theo con đường của tôi nhờ sự chỉ giáo của ngài Ramana Maharshi. Rồi tôi gặp một người tên Douglas Harding, người này đã chỉ cho tôi cách quán “Ta là ai?”

M: Nó đến một cách bất ngờ hay từ từ?

H: Rất bất ngờ. Giống như một cái gì đó bị quên bẵng đi bỗng nhiên trở lại với tâm trí. Hoặc, giống như một sự hiểu biết chợt lóe lên. “Thật giản dị làm sao,” tôi thốt lên: “Thật giản dị làm sao; Ta không phải cái mà Ta tưởng Ta là! Ta không phải cái được nhận thức và cũng chẳng phải người nhận thức, Ta chỉ là hành vi nhận thức.”

M: Thậm chí cũng không phải hành vi nhận thức, mà là cái làm cho tất cả những cái đó khả hữu.

H: Tình yêu là gì?

M: Khi ý thức phân biệt và phân chia không có, ông có thể gọi đó là tình yêu.

H: Vì sao có quá nhiều căng thẳng trong tình yêu nam nữ?

M: Vì yếu tố hạnh phúc trong đó quá nổi bật.

H: Không phải hạnh phúc là yếu tố nổi bật trong tất cả tình yêu?

M: Không nhất thiết phải như thế. Tình yêu có thể gây đau khổ. Lúc đó ông có thể gọi đó là lòng từ bi.

H: Hạnh phúc là gì?

M: Sự hài hòa giữa trong và ngoài là hạnh phúc. Trái lại, đồng hóa chính mình với nguyên nhân bên ngoài là đau khổ.

H: Sự nhận dạng cái Ta xảy ra như thế nào?

M: Bản chất của cái Ta là nó chỉ biết chính nó. Vì thiếu kinh nghiệm nên nó cho bất cứ gì được nhận thức là chính nó. Bị dằn vặt tả tơi, nó học cách nhìn ra – Viveka – và sống đơn độc – Vairagya. Khi thái độ đúng – Uparati – trở nên bình thường thì sự thôi thúc mãnh liệt – Mukmuk-Shutva – bên trong giục nó tìm kiếm nguồn gốc của nó. Ngọn nến của thân xác được thắp lên, tất cả trở nên rõ ràng và sáng sủa – Atma-prakash.

H: Nguyên nhân đích thực của đau khổ là gì?

M: Đồng hóa chính mình với cái hữu hạn – Vyaktitva. Các cảm giác, theo đúng nghĩa của chúng, dù mãnh liệt đến đâu cũng không hề gây đau khổ. Mà chính tâm, bị tà kiến làm cho điên đảo, si mê với ý nghĩ: “Ta là cái này”, “Ta là cái kia”. Vì sợ mất và muốn được nên tâm đau khổ khi thất vọng.

H: Tôi có một người bạn vẫn thường mơ thấy ác mộng, hết đêm này sang đêm khác. Đi ngủ đối với anh ta là một cực hình. Không có cách nào giúp anh ta được.

M: Làm bạn với cái chơn thiện – Satsang – sẽ giúp anh ta.

H: Cuộc đời tự nó là một cơn ác mộng.

M: Làm bạn với cái chơn thiện là phương thức tối thượng thừa lành mọi bệnh tật, dù thuộc thân hay tâm.

H: Thường thì một người không thể tìm được một tình bạn như thế.

M: Tìm bên trong. Cái Ta của ông là người bạn quý nhất của ông.

H: Vì sao cuộc đời đầy những mâu thuẫn?

M: Điều đó nhằm phá vỡ tính kiêu mạn. Chúng ta phải nhận ra mình tầm thường và yếu đuối như thế nào. Chừng nào còn tự lừa dối bằng những gì mà chúng ta tưởng mình là, mình biết, mình có, và mình làm thì chúng ta còn ở trong cảnh ngộ thật đáng buồn. Chỉ trong sự phủ định hoàn toàn cái ta thì chúng ta mới có cơ may nhận ra sự hiện hữu chơn thật của chính mình.

H: Vì sao phủ định cái ta lại có quá nhiều căng thẳng đến như thế?

M: Giác ngộ chính mình cũng vậy. Phải từ bỏ được cái ta hư giả trước khi tìm ra cái ta thật.

H: Cái ta mà ông chọn để gọi là hư giả thì với tôi nó thật một cách đáng buồn nhất. Nó là cái ta duy nhất mà tôi biết. Cái mà ông gọi là cái Ta thật đơn thuần chỉ là một khái niệm, một cách nói, một sản phẩm của tâm, một bóng ma hấp dẫn. Phải nhìn nhận rằng cái ta thường ngày của tôi không toàn mỹ, nhưng nó là cái ta duy nhất của tôi. Ông bảo tôi là một cái ta khác, hoặc có một cái ta khác, thế ông có thấy nó không – nó có phải là một thực thể đối với ông, hay ông muốn tôi tin cái mà chính ông không thấy?

M: Đừng vội vàng kết luận như thế. Cái cụ thể không nhất thiết là thật, cái chỉ nhận thức được không nhất thiết là giả. Những nhận thức dựa trên cảm giác và được định hình bởi ký ức hàm ý một người nhận thức, mà bản chất của người đó ông chưa bao giờ muốn tìm hiểu thực sự. Hãy dành cho nó tất cả sự chú ý của ông, tìm hiểu nó với sự quan tâm trìu mến, rồi ông sẽ nhận ra những cái cao siêu và thâm sâu của hiện hữu, mà một người như ông – bị cái hình ảnh bé nhỏ của chính mình choán hết – đã không giám mơ tưởng đến.

H: Để tìm hiểu chính mình một cách có kết quả, tôi phải có một tâm trạng đúng.

M: Ông phải nghiêm túc, kiên quyết, và thực sự quan tâm. Ông phải đầy thiện chí với chính ông.

H: Tôi hoàn toàn vị kỷ phải không?

M: Không phải. Ông luôn luôn phá hoại chính ông và những gì ông có bằng sự tôn thờ những thần linh xa lạ, độc hại và giải dối. Cứ vị kỷ, nhưng đúng cách. Hãy cầu mong sự an lành cho chính ông, hãy ra sức thực hiện những gì tốt đẹp cho chính ông. Hãy phá hủy tất cả những gì ngăn trở ông với hạnh phúc. Là tất cả – yêu thương tất cả – cảm thấy hạnh phúc – tạo hạnh phúc. Không có hạnh phúc nào hạnh phúc hơn thế.

H: Vì sao có quá nhiều đau khổ trong tình yêu?

M: Tất cả mọi đau khổ đều khởi sinh từ tham ái. Tình yêu chơn thật thì không bao giờ bị thất vọng. Làm sao ý thức về tính duy nhất có thể bị thất vọng? Cái có thể bị thất vọng là lòng khao khát sự thể hiện. Khao khát như thế thuộc về tâm. Đối với tất cả những gì thuộc về tâm, thất vọng là điều bất khả tránh.

H: Tình dục có vai trò gì trong tình yêu?

M: Yêu là một trạng thái hiện hữu. Tình dục là năng lượng. Tình yêu thì sáng suốt còn tình dục thì mù quáng. Một khi bản chất thật sự của tình yêu và tình dục được hiểu rõ thì không còn xung đột hay lẫn lộn.

H: Có rất nhiều tình dục mà không có tình yêu.

M: Không có tình yêu tất cả đều độc ác. Tự thân cuộc sống không có tình yêu thì độc ác.

H: Cái gì có thể làm cho tôi yêu?

M: Ông chính là tình yêu, khi vô úy.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x