Trang chủ » Ta là cái đó [29-34] – Ông tự do ngay bây giờ

Ta là cái đó [29-34] – Ông tự do ngay bây giờ

by Hậu Học Văn
315 views

29. Sống là mục đích duy nhất của cuộc đời

Hỏi: Thất bại trong Yoga nghĩa là gì? Ai là kẻ thất bại trong Yoga?

Maharaj: Đây chỉ là một câu hỏi không hoàn chỉnh. Người nào không hoàn tất Yoga vì một lý do nào đó thì được coi là thất bại trong Yoga. Một sự thất bại như thế chỉ có tính cách nhất thời, vì trong Yoga không có chiến bại. Yoga là một cuộc chiến luôn luôn thắng, vì đây là một cuộc chiến giữa cái thật và cái giả. Cái giả không có cơ hội thắng thế.

H: Ai thất bại? Con người – Vyakti – hay cái Ta – Vyakta?

M: Câu hỏi được đặt sai. Không có vấn đề thất bại, dù là trước mắt hay lâu dài. Cũng giống như đi trên một con đường dài và gian khổ trong một đất nước xa lạ. Trong vô số bước đi thì chỉ bước cuối cùng đưa ông đến đích. Nhưng ông không thể cho rằng những bước trước đó là thất bại. Mỗi bước đưa ông đến gần đích, ngay cả khi ông phải quay trở lại để vòng qua một trở ngại. Trong thực tế mỗi bước đều đưa ông đến đích, vì luôn luôn di chuyển, học hỏi, khám phá, khai mở là định mệnh muôn đời của ông. Sống là mục đích duy nhất của cuộc đời. Cái Ta không đồng hóa chính nó với thành công hay thất bại – ngay cả ý tưởng trở thành cái này hay cái kia cũng không thể có. Cái Ta hiểu rằng thành công hay thất bại chỉ là tương đối và tùy thuộc, chúng chỉ là những sợi chỉ ngang, dọc của cuộc đời. Học từ cả thành công lẫn thất bại và đi xa hơn. Nếu ông chưa học được thì làm lại.

H: Tôi phải học cái gì?

M: Sống mà không băn khoăn, lo lắng về chính mình. Muốn thế ông phải biết sự hiện hữu chơn thật của ông – Swarupa – là bất khuất, vô úy, và luôn luôn chiến thắng. Một khi biết chắc rằng không gì có thể quấy nhiễu được ông mà chỉ có sự tưởng tượng của chính ông thì ông không còn bận tâm với tham ái và lo sợ, khái niệm và ý tưởng, mà chỉ sống theo chân lý duy nhất.

H: Điều gì có thể là lý do vì sao có người thành công và có người thất bại trong Yoga? Có phải đó là định mệnh, hay cá tính, hay chỉ là sự tình cờ?

M: Chưa có ai thất bại trong Yoga bao giờ. Tất cả chỉ là nhịp độ tiến bộ mà thôi. Khởi đầu thì chậm chạp nhưng kết thúc thì nhanh. Khi hành giả thực sự thuần thục thì sự giác ngộ nổ bùng. Nó xảy ra một cách tự phát, hoặc chỉ do một gợi ý nhỏ. Nhanh không hẳn đã hay hơn chậm. Chậm chạp chín mùi và nhanh chóng khai hoa xen kẽ nhau. Cả hai đều tự nhiên và đúng.

M: Tuy nhiên, tất cả những điều như vậy chỉ ở trong tâm mà thôi. Còn theo Ta thấy thì không có gì như thế. Trong tấm gương vĩ đại của ý thức mọi hình ảnh xuất hiện rồi biến mất, chỉ có ký ức tạo cho chúng sự tiếp tục. Mà ký ức là vật chất – có thể bị phá hủy, có thể bị hư hoại, và biến dịch vô thường. Trên những nền tảng mong manh như thế chúng ta xây dựng ý thức về sự tồn tại của con người – mơ hồ, lúc có lúc không, như mộng huyễn. Sự tin tưởng mơ hồ “Ta là thế này, thế nọ” ngăn che trạng thái bất biến của tánh biết thuần túy, và làm cho chúng ta tin rằng mình được sinh ra để chịu đau khổ và chết đi.

H: Cũng như một đứa trẻ không thể không lớn lên, thì một người, do bản chất thúc ép, phải tiến bộ. Việc gì cần phải gắng sức? Sự cần thiết của Yoga ở chỗ nào?

M: Tiến bộ luôn luôn có trong mọi lúc. Tất cả mọi thứ đều góp phần cho sự tiến bộ. Nhưng đây là sự tiến bộ của vô minh. Vòng vô minh có thể luôn luôn mở rộng, nhưng vô minh lúc nào cũng trói buộc. Vào đúng thời điểm một Đạo sư sẽ xuất hiện để giáo hóa và khuyến khích chúng ta thực hành Yoga, và một sự chín mùi xảy ra mà hậu quả của nó là màn đêm vô lượng kiếp của vô minh tan biến trước bình minh của mặt trời trí tuệ. Nhưng trong thực tế chẳng có gì đã xảy ra. Mặt trời luôn luôn có đó, không hề có đêm tối đối với mặt trời. Tâm bị mê mờ vì ý tưởng “Ta là thân xác” không ngừng tuôn ra sợi chỉ ảo hóa của nó.

H: Nếu tất cả là một phần của sự tiến bộ tự nhiên, việc gì cần phải cố gắng?

M: Ngay cả cố gắng cũng là một phần của sự tiến bộ. Khi vô minh trở nên cố đế, chai lì, cá tính trở nên dung tục thì chắc chắn phải cần đến cố gắng và nỗi vất vả của sự cố gắng là điều không tránh khỏi. Còn hoàn toàn thuận theo tự nhiên thì chẳng cần đến cố gắng. Hạt sống của đời sống tâm linh phát triển trong im lặng và trong bóng tối cho đến đúng giờ đã định.

H: Chúng tôi tình cờ tiếp xúc với một số người đã từng là những vật có tiếng tăm, nhưng về già thì trở nên trẻ con, tầm thường, hay sinh sự và hằn học. Làm sao họ lại thoái hóa nhiều đến như thế?

M: Họ là những hành giả Yogi không toàn hảo, không hoàn toàn điều ngự được thân xác. Hoặc, có thể họ chẳng cần bận tâm giữ gìn thân xác trước sự thoái hóa tự nhiên. Một người không nên đi đến kết luận trước khi hiểu rõ tất yếu mọi yếu tố liên quan. Quan trọng hơn cả, một người không nên đưa ra những phán xét về sự hèn kém hay ưu việt. Sự trẻ trung thì thiên về sinh khí – Prana – hơn là về trí tuệ – Gnana.

H: Người ta có thể trở nên già đi, nhưng vì sao lại mất đi tất cả sự bén nhạy và sáng suốt?

M: Ý thức và vô thức khi còn ở trong thân thì tùy thuộc vào điều kiện của não bộ. Nhưng cái Ta ở ngoài cả hai, ở ngoài não bộ, và ở ngoài tâm. Khuyết tật của dụng cụ không phản ánh người sử dụng nó.

H: Tôi nghe nói bậc giác ngộ chẳng bao giờ hành hoạt thiếu trang nghiêm. Vị ấy luôn luôn cư xử theo khuôn mẫu.

M: Ai đặt ra khuôn mẫu? Vì sao một người đã giải thoát lại cần thiết tuân theo những quy ước? Ngay khi trở nên có thể đoán biết được thì người ấy không thể nào tự do. Tự do của người ấy là ở trong sự tự do hoàn tất cái gì cần thiết vào lúc đó, hoặc tuân theo sự đòi hỏi của tình huống. Tự do làm cái mình thích thì vẫn bị ràng buộc, còn tự do làm cái mình phải làm, cái gì đúng thì mới là tự do thực sự.

H: Tuy nhiên, phải có một cách nào đó để phân biệt ai là người giác ngộ và ai chưa. Một người giác ngộ vẫn giống như người khác thì người ấy có gì hữu ích?

M: Người nào biết rõ chính mình thì không nghi hoặc về chính mình. Người đó cũng chẳng cần người khác công nhận trạng thái của mình hay không. Chẳng mấy khi người giác ngộ tiết lộ sự giác ngộ của mình; phước báu cho những ai gặp được người giác ngộ, vì người đó tiết lộ sự giác ngộ cho lợi lạc lâu dài của họ.

H: Khi nhìn quanh, một người cảm thấy kinh hoàng trước mức độ đau khổ không cần thiết đang xảy ra. Những người cần được cứu giúp thì không được cứu giúp. Thử tưởng tượng một phòng bệnh đầy những bệnh nhân không thể cứu chữa đang lăn lộn và rên la. Nếu có quyền giết hết họ để chấm dứt sự đau đớn mà họ đang chịu đựng, liệu ông có làm không?

M: Ta sẽ để tự họ quyết định.

H: Nhưng nếu định mệnh của họ là phải chịu đau khổ? Làm sao ông có thể can thiệp vào định mệnh?

M: Định mệnh của họ là cái đang xảy ra. Không thể ngăn cản định mệnh. Ông muốn nói rằng cuộc đời của mỗi người hoàn toàn được định đoạt vào lúc sinh ra? Thật là một ý tưởng lạ lùng! Nếu quả thật như thế thì ai đó có quyền năng quyết định sẽ bảo đảm chắc chắn rằng không có người nào chịu đau khổ.

H: Thế còn nhân quả?

M: Mỗi một khoảnh khắc chứa đựng toàn thể quá khứ và tạo ra toàn thể tương lai.

H: Nhưng liệu quá khứ và tương lai tồn tại?

M: Chỉ trong tâm mà thôi. Thời gian ở trong tâm, không gian ở trong tâm. Luật nhân quả cũng là một lối suy nghĩ. Trong thực tại tất cả ở đây và bây giờ, và tất cả là một. Tính nhiều và đa dạng chỉ có trong tâm.

H: Tuy nhiên, ông vẫn hậu thuẫn cho sự làm dịu bớt đau khổ, dù bằng cách phải hủy diệt những thân xác mắc bệnh trầm kha vô phương cứu chữa?

M: Một lần nữa, ông nhìn từ bên ngoài vào còn Ta nhìn từ bên trong ra. Ta không thấy một người đau khổ, Ta là người đau khổ. Ta biết người đó từ bên trong, và làm cái gì đúng một cách tùy nghi và chẳng cần dụng sức. Ta không tuân theo một luật lệ nào và cũng chẳng đặt ra luật lệ. Ta trôi chảy với cuộc sống – một cách thủy chung, không cưỡng lại.

H: Tuy nhiên ông vẫn có vẻ là một người rất thực tế, hoàn toàn chủ động đối với những gì quanh ông.

M: Ông muốn Ta là một cái gì khác? Một kẻ không thích hợp?

H: Nhưng ông không thể giúp ích nhiều cho người khác.

M: Dĩ nhiên, Ta có thể giúp ích. Cả ông cũng có thể giúp ích. Mọi người đều có thể giúp ích. Nhưng sự đau khổ luôn luôn tái diễn. Chỉ con người mới có thể đoạn trừ nguồn gốc của đau khổ trong chính mình. Người khác có thể giúp làm dịu đi nỗi đau khổ nhưng không thể làm gì được với nguyên nhân của sự đau khổ: sự vô minh cùng cực của nhân loại.

H: Liệu sự vô minh đó có bao giờ chấm dứt?

M: Trong con người – dĩ nhiên, vào bất cứ lúc nào. Trong nhân loại, như chúng ta biết, phải sau rất nhiều năm. Trong tạo dựng – không bao giờ, vì tự thân tạo dựng bắt nguồn từ vô minh; tự thân vật là vô minh. Không biết, và không biết mình không biết là nguồn gốc của đau khổ triền miên.

H: Chúng tôi có nghe nói về các Avatars, tức là các đấng cứu thế vĩ đại.

M: Thế họ có cứu được thế gian này không? Họ đến rồi đi – và thế giới vẫn lăn trôi trong trần lao. Dĩ nhiên là họ đã làm rất nhiều và mở ra nhiều chiều hướng mới trong tâm thức của nhân loại. Nhưng bảo là cứu thế thì phóng đại.

H: Không có sự cứu vớt nào cho thế giới sao?

M: Thế giới nào mà ông muốn cứu vớt? Cái thế giới được chính ông phóng chiếu ra? Chính ông hãy cứu nó. Còn thế giới của Ta? Hãy chỉ cho Ta thế giới của Ta và Ta sẽ lo liệu nó. Ta không biết bất cứ thế giới nào tách biệt với chính Ta, dù Ta hoàn toàn tự do cứu vớt hay không cứu vớt. Việc gì mà ông muốn cứu vớt thế giới, trong khi điều mà thế giới cần là được cứu vớt khỏi ông? Cứ bước ra khỏi bức tranh và xem liệu có gì còn lại để cứu vớt?

H: Hình như điều mà ông muốn nhấn mạnh là nếu không có ông thì thế giới của ông đã không tồn tại, và do đó điều duy nhất mà ông có thể làm cho thế giới là: kéo màn chấm dứt vở tuồng. Đó không phải là lối thoát. Cho dù thế giới là sự tạo dựng của riêng tôi thì sự hiểu biết này chẳng cứu giúp gì được nó. Sự hiểu biết chỉ có thể giải thích. Câu hỏi vẫn là: Tại sao tôi đã tạo ra một thế giới khốn khổ như thế, và tôi có thể làm gì để thay đổi nó? Ông có vẻ như bảo rằng: Quên nó đi và chiêm ngưỡng hạnh phúc trên thiên đường của chính ông. Chắc chắn là ông không hàm ý như thế. Sự mô tả một căn bệnh và nguyên nhân của căn bệnh không chữa khỏi căn bệnh. Cái mà chúng tôi cần là phương thuốc đúng.

M: Sự mô tả và nguyên nhân là phương cách trị liệu cho một căn bệnh được gây ra bởi u mê và ngu dốt. Cũng như bệnh thiếu vitamine được chữa khỏi bằng cách cung cấp những chất bị thiếu thì mọi căn bệnh của cuộc đời đều được chữa khỏi bằng một liều thuốc đúng của sự vô tư trí tuệ – Viveka-Vairagya.

H: Ông không thể cứu vớt thế gian bằng cách rao giảng những giáo điều về sự toàn hảo. Con người là như thế. Họ có bắt buộc phải chịu đau khổ không?

M: Bao giờ con người vẫn là như thế thì không có một lối thoát nào ra khỏi sự đau khổ. Hãy dẹp bỏ cái ý thức về sự riêng biệt thì xung đột sẽ không còn.

H: Một thông điệp được in ra có thể chỉ là giấy và mực. Chính bản văn mới là quan trọng. Khi phân tích thế giới thành những thành phần và tính chất chúng ta bỏ qua một điều quan trọng nhất  – ý nghĩa của nó. Việc ông thu gọn tất cả mọi thứ thành chiêm bao đã không tính đến sự khác biệt giữa giấc mơ của một con côn trùng và giấc mơ của một thi sĩ. Tất cả đều là chiêm bao, cứ cho là như thế. Nhưng không phải tất cả đều như nhau.

M: Các giấc chiêm bao thì không đồng hành như nhau, nhưng người chiêm bao là một. Ta là con côn trùng, Ta là nhà thơ – trong chiêm bao. Nhưng trong hiện thực Ta không phải cả hai. Ta ở ngoài tất cả những giấc chiêm bao. Ta là ánh sáng mà trong đó tất cả các giấc chiêm bao xuất hiện và biến mất. Ta vừa ở trong vừa ở ngoài giấc chiêm bao. Giống như một người bị nhức đầu biết cơn đau và cũng biết rằng mình không phải là cơn đau thì Ta biết giấc chiêm bao, chính Ta đang chiêm bao và chính Ta không chiêm bao – tất cả cùng một lúc. Ta là Ta, trước, trong khi và sau giấc chiêm bao. Nhưng cái Ta thấy trong chiêm bao thì không phải là Ta.

H: Tất cả chỉ là tưởng tượng. Một người tưởng tượng rằng mình đang chiêm bao, một người khác tưởng tượng mình không chiêm bao. Không phải cả hai đồng như nhau?

M: Đồng và không đồng. Không chiêm bao – như là một khoảng xen vào giữa hai giấc chiêm bao – dĩ nhiên là một phần của giấc chiêm bao. Còn không chiêm bao – như là một sự liên tục không gián đoạn, tồn tại phi thời trong thực tại – thì chẳng có liên quan gì với chiêm bao. Theo nghĩa này thì Ta chưa bao giờ chiêm bao, và sẽ chẳng bao giờ chiêm bao.

H: Nếu cả chiêm bao và ra khỏi chiêm bao đều là tưởng tượng, vậy lối thoát là gì?

M: Chẳng cần lối thoát! Ông không thấy rằng lối thoát cũng là một phần của giấc chiêm bao? Tất cả những gì ông cần làm: thấy chiêm bao là chiêm bao.

H: Nếu tôi khởi sự thực hành gạt bỏ tất cả mọi thứ, xem chúng như một giấc chiêm bao thì nó sẽ đưa tôi đến đâu?

M: Dù có đưa ông đến bất cứ đâu thì nó vẫn là một giấc chiêm bao. Cái ý tưởng thoát ra khỏi giấc chiêm bao chỉ là một ảo tưởng. Việc gì phải đi đâu? Chỉ cần nhận ra rằng ông đang chiêm bao một giấc chiêm bao mà ông gọi nó là thế giới, và chấm dứt tìm cách thoát ra. Giấc chiêm bao không phải là vấn đề của ông. Vấn đề của ông là ông thích đoạn này, nhưng lại không thích đoạn khác của giấc chiêm bao. Hoặc yêu thích tất cả, hoặc không tất cả, và đừng than van nữa. Một khi đã thấy chiêm bao là chiêm bao thì ông vừa làm xong tất cả những gì cần làm.

H: Có phải chiêm bao do suy nghĩ mà có?

M: Mọi thứ đều là trò chơi của tư tưởng. Trong trạng thái vô tưởng – Nirvikalpa Samadhi – không có gì được nhận thức. Ý tưởng căn nguyên vẫn là: “Ta hiện hữu”. Nó phá vỡ trạng thái ý thức thuần túy và theo sau là vô số cảm giác và nhận thức, cảm thọ và ý tưởng – mà tổng thể của chúng tạo ra Thượng đế và thế giới của Ngài. Cái “Ta hiện hữu” vẫn là nhận chứng, chính ý chí của Thượng đế mà mọi chuyện xảy ra.

H: Tại sao lại không do ý chí của tôi?

M: Một lần nữa, ông lại phân chia chính ông thành Thượng đế và nhân chứng. Cả hai là một.

30. Ông tự do ngay bây giờ

Hỏi: Có rất nhiều thuyết về bản chất của con người và vũ trụ. Thuyết sáng thế, thuyết ảo ảnh, thuyết mộng huyễn. Trong các thuyết đó, thuyết nào đúng?

Maharaj: Tất cả đều đúng, và tất cả đều sai. Ông có thể chọn thuyết nào mà ông ưa thích nhất.

H: Ông có vẻ thiên về thuyết mộng huyễn.

M: Tất cả chỉ là những cách xếp đặt chữ nghĩa với nhau. Một số thiên về cách này, một số thuận theo cách khác. Lý thuyết thì không đúng mà cũng chẳng sai. Chúng chỉ là những cố gắng nhằm giải thích cái không thể giải thích được. Điều quan trọng không phải là lý thuyết mà là cách nó được thử nghiệm. Chính sự thử nghiệm lý thuyết làm cho lý thuyết thành công. Hãy thử nghiệm bất cứ lý thuyết nào mà ông yêu thích – nếu ông thực sự nghiêm túc và thành thật thì sự đạt đến thực tại sẽ thuộc về ông. Mang lấy kiếp người, ông bị câu thúc trong một tình huống bất trắc và đầy đau khổ, và ông đang tìm lối thoát. Ông được mời xem một số họa đồ về cái nhà tù giam giữ ông mà chẳng cái nào đúng hẳn. Nhưng nếu ông thật sự thành khẩn thì chúng có một giá trị nào đó. Chính sự thành khẩn – chứ không phải lý thuyết – sẽ giải thoát ông.

H: Lý thuyết có thể lừa dối, còn sự thành khẩn thì mù quáng.

M: Lòng chân thành sẽ hướng dẫn ông. Hiến mình cho mục đích tự do và sự toàn hảo sẽ khiến ông từ bỏ mọi lý thuyết và phương pháp để sống với sự hiểu biết, trí tuệ và tình yêu năng động. Lý thuyết có thể hữu ích như là những điểm khởi đầu, nhưng cần phải được từ bỏ, càng sớm càng tốt.

H: Có một hành giả Yogi nói rằng để giác ngộ thì chẳng cần đến pháp môn Yoga tám giai đoạn, chỉ riêng sức mạnh của ý chí là đủ. Chỉ cần tập trung vào mục đích với tất cả sự tin tưởng vào sức mạnh thuần ý chí là đủ để đạt được một cách dễ dàng và nhanh chóng những gì mà người khác phải mất hàng chục năm mới thành tựu.

M: Tập trung, hoàn toàn tin tưởng, thuần ý chí! Với những vốn quý như thế thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một người thành tựu một cách nhanh chóng. Loại Yoga ý chí này dành cho những hành giả trưởng thành, đã loại bỏ được tất cả ham muốn và chỉ còn một. Xét cho cùng, ý chí không gì khác hơn là sự kiên định của trái tim và tâm thức. Với sự kiên định như thế cái gì cũng có thể đạt được.

H: Theo chỗ tôi hiểu thì hành giả Yogi đó không có ý muốn nói sự kiên định với mục đích sẽ đưa đến sự theo đuổi không ngừng và tinh tấn. Vị ấy muốn nói rằng chỉ cần đặt ý chí vào mục đích thì chẳng cần đến sự theo đuổi hay tinh tấn. Chính yếu tố ý chí thu hút đối tượng của nó.

M: Dù có gọi nó là gì đi nữa: ý chí, mục đích bất dịch, hay nhất tâm, thì ông vẫn trở lại với sự thành khẩn, chân thành, và thành thật. Khi thật sự thành khẩn, ông dồn hết tất cả, từng giây phút của cuộc sống cho mục đích của ông. Ông không phung phí thời gian và sức lực cho những cái khác. Ông hoàn toàn dâng hiến, ông có thể gọi đó là ý chí, là tình yêu, hay lòng thành thật. Chúng ta là những sinh vật phức tạp, thường xuyên chịu xung đột cả trong lẫn ngoài. Chúng ta luôn luôn mâu thuẫn với chính mình, hôm nay phá hủy những gì xây dựng hôm qua. Chẳng có gì làm ngạc nhiên khi chúng ta gặp bế tắc. Một chút trực tâm cũng có thể tạo ra một khác biệt lớn.

H: Cái nào mãnh liệt hơn, lòng ham muốn hay định mệnh?

M: Lòng ham muốn tạo ra định mệnh.

H: Và định mệnh tạo ra ham muốn. Ham muốn của tôi bị điều kiện hóa bởi tính di truyền và hoàn cảnh, bởi cơ hội và sự tình cờ, bởi cái mà chúng ta gọi là định mệnh.

M: Vâng, ông có thể cho là như thế.

H: Khi nào tôi được tự do ham muốn điều tôi ham muốn?

M: Ông tự do ngay bây giờ. Ông ham muốn gì? Cứ ham muốn đi.

H: Dĩ nhiên là tôi hoàn toàn tự do ham muốn, nhưng tôi không được tự do hành động như tôi ham muốn. Những thôi thúc khác làm cho tôi lạc hướng. Ham muốn được tôi chấp nhận thì không đủ mãnh liệt, trong khi những ham muốn mà tôi không chấp nhận thì lại mãnh liệt hơn.

M: Có thể ông tự lừa dối ông. Có thể ông đang diễn tả những ước muốn đích thực của ông, còn những ước muốn được ông chấp nhận và phô bày ngoài mặt chỉ vì tính cách khả kính.

H: Có thể đúng như ông nói, nhưng đấy lại là một lý thuyết khác. Thực tế là tôi không cảm thấy tự do để ham muốn cái mà tôi nghĩ tôi nên ham muốn, và khi có vẻ như ham muốn một cách chính đáng thì tôi lại không hành động tương ứng.

M: Tất cả là do sự nhu nhược của tâm và sự phân hóa của não bộ. Hãy tập trung và giữ cho tâm ông kiên cố rồi ông sẽ nhận thấy rằng ý nghĩ và cảm thọ, ngôn từ và hành động của ông sẽ tự điều hướng theo ý chí của ông.

H: Lại thêm một giáo điều nữa về sự toàn hảo! Đạt đến sự nhất tâm và giữ tâm kiên cố không phải là chuyện dễ dàng! Một người phải bắt đầu như thế nào?

M: Ông chỉ có thể bắt đầu từ chỗ của ông hiện nay. Ông ở đây và bây giờ, ông không thể lìa khỏi đây và bây giờ.

H: Nhưng tôi có thể làm gì ở đây và bây giờ?

M: Ông có thể biết rõ về sự hiện hữu của ông – ở đây và bây giờ.

H: Chỉ thế thôi sao?

M: Thế thôi. Chẳng có gì hơn nữa.

H: Trong tất cả những lúc thức cũng như chiêm bao tôi đều ý thức về chính mình. Nhưng điều đó chẳng giúp tôi được bao nhiêu.

M: Ông biết ông suy nghĩ, cảm thọ, và hành động. Nhưng ông không biết sự hiện hữu của ông.

H: Ông muốn đưa tôi vào yếu tố mới nào?

M: Thái độ của hành vi nhân chứng thuần túy, quan sát các sự kiện mà không can thiệp.

H: Điều đó có tác động gì đến tôi?

M: Sự thiếu quyết tâm là do thiếu thông minh, thiếu hiểu biết, mà chúng lại là kết quả của sự không tỉnh thức. Bằng cách tinh tấn để tỉnh thức ông sẽ gom được tâm và làm cho nó trở nên kiên cố.

H: Tôi có thể hoàn toàn tỉnh thức về những gì đang xảy ra, nhưng không có cách nào ảnh hưởng đến chúng.

M: Ông lầm rồi. Những gì đang xảy ra chỉ là phóng ảnh của tâm ông. Một cái tâm nhu nhược không thể điều khiển những phóng ảnh của chính nó. Do đó, hãy biết rõ tâm ông và những phóng ảnh của nó. Ông không thể điều khiển những gì ông không biết. Trái lại, sự hiểu biết tạo nên sức mạnh. Trong thực hành thì rất đơn giản. Muốn điều ngự chính mình thì phải biết chính mình.

H: Có thể tôi sẽ đạt đến được sự điều ngự chính mình, nhưng liệu tôi có thể đối phó với những hỗn loạn trên thế giới?

M: Chẳng hề có hỗn loạn nào trên thế giới, ngoại trừ những hỗn loạn do tâm ông tạo ra. Tâm tự tạo ra có nghĩa là ngay tại tâm điểm của nó có một ý tưởng sai lầm về chính mình, cho mình là một cái gì đó khác biệt, tách rời khỏi những cái khác. Trong thực tế, ông không là một cái gì cả, và cũng chẳng hề tách biệt. Ông là tiềm năng vô biên, khả năng vô tận. Vì ông hiện hữu, nên tất cả mới có thể hiện hữu. Vũ trụ chỉ là một phần thể hiện của khả năng trở thành của ông, mà khả năng đó thì vô hạn.

H: Tôi nhận thấy tôi hoàn toàn bị sai xử bởi lòng ham muốn lạc thú và nỗi lo sợ sự đau đớn. Dù ham muốn của tôi có cao thượng đến đâu và lo sợ của tôi có chính đáng đến đâu thì hạnh phúc và đau khổ vẫn là hai cực mà ở giữa là cuộc đời tôi xoay vần.

M: Hãy xông vào tận nguồn gốc của cả đau khổ lẫn lạc thú, ham muốn và lo sợ. Hãy quan sát, tra vấn, và tìm cách hiểu chúng.

H: Ham muốn lẫn lo sợ đều là những cảm xúc được tạo ra bởi các yếu tố vật chất hay tâm lý. Chúng có đó và rất dễ quan sát. Nhưng tại sao chúng có đó? Tại sao tôi lại ham muốn lạc thú và sợ hãi đau khổ?

M: Lạc thú và đau khổ là những trạng thái của tâm. Chừng nào ông còn nghĩ ông là tâm, hay đúng hơn là thân-tâm, thì ông còn nêu lên những câu hỏi như thế.

H: Khi nhận ra chính mình không phải là thân xác, liệu tôi có thể thoát khỏi ham muốn và lo sợ?

M: Chừng nào còn có một thân xác và một cái tâm bảo vệ thân thì ông còn bị tác động bởi những lực hấp dẫn và xô đẩy. Chúng luôn luôn có đó, trong phạm trù của các sự kiện, nhưng chẳng hề làm ông bận tâm. Đặt trọng tâm chú ý của ông vào một chỗ khác. Ông không hề bị phân tâm.

H: Nhưng chúng vẫn còn đó. Liệu một người không bao giờ được hoàn toàn tự do?

M: Ông hoàn toàn tự do thậm chí ngay bây giờ. Cái mà ông gọi là định mệnh thực ra chỉ là kết quả của ý muốn ham sống của chính ông. Muốn biết được ý muốn ham sống này mãnh liệt như thế nào thì ông có thể nhận biết nó qua nỗi sợ chết đến độ kinh hoàng của mọi loài chúng sinh.

H: Người ta chết một cách tự nguyện cũng khá nhiều.

M: Chỉ khi nào phương cách duy nhất còn lại tồi tệ hơn cái chết. Nhưng sự sẵn sàng chết như thế cũng có cùng một nguồn gốc với ý muốn ham sống, và nguồn gốc đó còn sâu kín hơn cả chính cuộc sống. Là một sinh vật thì không phải là trạng thái tối hậu;  còn có một cái gì siêu việt, tuyệt vời hơn rất nhiều, nó không phải hiện hữu mà cũng chẳng phải phi hiện hữu, không phải sinh mà cũng chẳng phải vô sinh. Đó là trạng thái của tánh biết thuần túy, vượt ra ngoài mọi hữu hạn của không gian và thời gian. Một khi cái ảo tưởng cho rằng thân-tâm là chính mình đã được loại bỏ thì cái chết không còn là mối kinh hoàng, mà trở thành một phần của sự sống.

31. Đừng xem thường sự chú ý

Hỏi: Theo cái nhìn của tôi, ông có vẻ là một người nghèo khó với phương tiện rất hạn chế, đang phải đối diện với tất cả những hệ lụy của sự nghèo khó và phiền toái của tuổi già như mọi người khác.

Maharaj: Nếu như Ta giàu có thì có gì khác biệt? Ta là cái Ta là. Làm sao Ta có thể là một cái gì khác? Ta không giàu mà cũng không nghèo, Ta là chính Ta.

H: Nhưng ông vẫn nếm mùi lạc thú và đau khổ.

M: Ta trải qua những cái đó trong ý thức, nhưng Ta chẳng phải ý thức mà cũng chẳng phải nội dung của ý thức.

H: Ông bảo rằng chúng ta đều bình đẳng trong sự hiện hữu chơn thật của chính mình. Nhưng vì sao kinh nghiệm của ông lại khác với kinh nghiệm của chúng tôi đến thế?

M: Kinh nghiệm thật sự của Ta thì không khác. Nhưng sự đánh giá và thái độ của Ta thì khác. Ta thấy cùng một thế giới như ông thấy, nhưng cách thấy thì không cùng. Chẳng có gì là kỳ bí cả. Mọi người thấy thế giới qua cái ý tưởng mà họ có về chính mình. Ông nghĩ ông là thế nào thì ông cho thế giới là như thế. Khi ông tưởng tượng ông tách biệt với thế giới thì thế giới sẽ có vẻ tách biệt với ông, và ông sẽ trải qua tham ái và lo sợ. Ta không thấy thế giới tách biệt với Ta, nên chẳng có gì để Ta tham ái và lo sợ.

H: Ông là một điểm sáng trong thế giới. Không phải ai cũng như thế.

M: Hoàn toàn không có sự khác biệt nào giữa Ta và người khác, ngoại trừ điều Ta biết Ta như chính Ta là. Ta là tất cả. Ta biết chắc như thế, còn ông thì không.

H: Rốt cuộc thì chúng ta vẫn khác nhau.

M: Không, chúng ta không khác. Sự khác biệt chỉ xảy ra trong tâm và nhất thời. Ta đã từng như ông, và ông sẽ như Ta.

H: Thượng đế đã tạo ra một thế giới đa dạng nhất.

M: Sự đa dạng chỉ có trong ông. Thấy chính ông như ông là thì ông sẽ thấy thế giới như thế giới là – một khối thực thể duy nhất, không thể phân chia, và không thể mô tả. Chính khả năng sáng tạo của ông phóng chiếu lên nó một bức tranh và tất cả câu hỏi của ông đặt ra là về bức tranh.

H: Một Yogi người Tây Tạng đã viết rằng Thượng đế sáng tạo ra thế giới cho một mục đích và điều hành thế giới theo một phương án. Mục đích đó rất tốt đẹp, và phương án đó là khôn ngoan nhất.

M: Tất cả những cái đó đều nhất thời, còn Ta liên quan với cái vĩnh cửu. Các thần linh và vũ trụ của họ xuất hiện và biến mất, các đấng cứu thế tiếp nối nhau trong một chuỗi vô tận, và cuối cùng chúng ta trở lại với nguồn gốc. Ta chỉ nói đến nguồn gốc vô thời của tất cả các thần linh cùng với vũ trụ của họ, trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

H: Ông biết tất cả các thần linh đó? Ông có nhớ người nào không?

M: Dăm ba đứa trẻ làm trò cho vui thì có gì để xem và có gì để nhớ?

H: Tại sao một nửa nhân loại là đàn ông và một nửa là đàn bà?

M: Vì hạnh phúc của họ. Cái phi nhân cách trở thành nhân cách vì hạnh phúc trong quan hệ. Nhờ ân đức Tôn sư, Ta có thể thấy cái phi nhân cách lẫn cái nhân cách bằng con mắt bình đẳng. Đối với Ta cả hai là một. Trong cuộc sống, nhân cách hội nhập với phi nhân cách.

H: Nhân cách sinh khởi từ phi nhân cách như thế nào?

M: Chúng chỉ là các phương diện của một Thực tại. Bảo cái này có trước cái kia là không đúng. Tất cả những ý tưởng như thế thuộc về trạng thái thức.

H: Cái gì gây ra trạng thái thức?

M: Ham muốn nằm ngay ở gốc rễ của mọi sự sáng tạo. Ham muốn và trí tưởng tượng nuôi dưỡng và củng cố lẫn nhau. Trạng thái thứ tư – Turiya – là trạng thái nhân chứng thuần túy, là tánh biết vô tư, vô cảm tính và vô ngôn. Nó cũng giống như hư không, hoàn toàn không bị tác động bởi những gì nó dung chứa. Mọi phiền não của thân và tâm không đạt đến nó – phiền trược thì ở bên ngoài, “ở đó”, còn nhân chứng thì luôn luôn “ở đây”.

H: Cái nào thật, cái chủ quan hay cái khách quan? Tôi có khuynh hướng tin rằng vũ trụ khách quan là thật còn cái tâm chủ quan của tôi luôn luôn biến dịch và vô thường. Ông có vẻ cho rằng thực tại thuộc về những trạng thái nội tâm và chủ quan của ông, và ông phủ nhận thực tại đối với thế giới cụ thể bên ngoài.

M: Cả cái chủ quan lẫn cái khách quan đều biến dịch và vô thường. Chẳng có gì là thật về chúng. Hãy tìm cái thường hằng trong cái vô thường, yếu tố duy nhất bất biến trong mọi kinh nghiệm.

H: Yếu tố bất biến này là gì?

M: Dù Ta có gọi nó bằng nhiều tên khác nhau, và chỉ cho ông bằng nhiều cách khác nhau thì cũng chẳng giúp gì nhiều, trừ khi ông có khả năng thấy nó. Một người bị mờ mắt không thể nhìn thấy con vẹt đậu trên cành cây, dù ông có cố gắng gợi ý đến đâu để chỉ cho người đó thấy. Giỏi lắm là người đó thấy được ngón tay ông chỉ. Trước tiên là làm cho thị giác của ông trong sáng, rồi học cách thấy thay vì trố mắt nhìn, ông sẽ nhận ra con vẹt kia. Ông cũng cần phải thành khẩn muốn thấy. Ông cần cả tính trong sáng và lòng thành khẩn cho sự hiểu biết chính mình. Ông cần sự trưởng thành của trái tim và tâm thức, mà sự trưởng thành đó phát sinh từ sự thành khẩn ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày những gì ông đã hiểu, dù ít đến đâu. Trong Yoga không có cái gì như là thỏa hiệp lừng chừng.

Nếu ông muốn tội lỗi, hãy tội lỗi hết mình và công khai. Cũng như đức hạnh có những bài học để dạy các bậc thánh thiện thành khẩn thì tội lỗi cũng có những bài học để dạy kẻ tội lỗi thành khẩn. Chính sự lẫn lộn hai cái với nhau mới tai hại. Không gì có thể ngăn trở ông một cách hữu hiệu bằng thái độ thỏa hiệp lừng chừng, vì nó chứng tỏ sự thiếu thành khẩn, nếu không thành khẩn thì chẳng làm được chuyện gì.

H: Tôi tán thành khắc khổ, nhưng trong thực tế lại chuộng sự xa hoa. Thói quen chạy theo lạc thú và lẫn tránh đau khổ đã thâm căn cố đế trong tôi đến nỗi tất cả những ý định tốt đẹp của tôi, khá nhiều trên bình diện lý thuyết, nhưng không thể nào bám rễ trong cuộc sống hàng ngày. Bảo rằng tôi không thành thật thì chẳng giúp ích gì được tôi, vì tôi không biết cách làm thế nào để thành thật.

M: Ông không thành thật mà cũng chẳng dối trá – đặt tên cho những trạng thái của tâm thì chỉ hữu ích để bày tỏ sự vừa ý hay không vừa ý của ông. Phiền trược không phải là của ông – mà là của tâm ông. Ông hãy bắt đầu bằng cách xa lìa tâm ông. Hãy kiên trì tự nhắc nhở rằng ông không phải là tâm, và mọi phiền trược là của tâm chứ không phải là của ông.

H: Tôi có thể bắt đầu tự nhủ: “Ta không phải là tâm, ta chẳng cần quan tâm đến những phiền trược của nó” nhưng tâm vẫn còn đó, và những phiền trược của nó vẫn còn nguyên như cũ. Này ông, xin đừng nói lý do là tôi chưa đủ thành khẩn, và tôi cần phải thành khẩn hơn nữa! Tôi biết điều ông nói, tôi công nhận điều ông nói, và tôi chỉ hỏi ông – làm sao thực hiện đây?

M: Ít ra là ông hỏi! Đủ để bắt đầu. Hãy khởi sự tư duy, thắc mắc, và quan tâm tìm một phương cách. Hãy ý thức rõ chính ông, quan sát tâm ông, dành tất cả chú ý cho nó. Đừng mong đợi kết quả xổi thì, có thể ông sẽ không nhận ra một kết quả nào. Cái Psyche của ông sẽ trải qua một sự thay đổi mà ông không hay biết, tư duy của ông sẽ trong sáng hơn, cảm xúc của ông sẽ bao dung hơn, và thái độ của ông sẽ thanh thoát hơn. Ông không cần thiết phải nhắm đến những cái đó – ông sẽ chứng kiến sự thay đổi thì cũng thế thôi. Vì, cái mà ông là hiện nay là kết quả của sự không chú ý, và cái mà ông trở thành là kết quả của sự chú ý.

H: Vì sao đơn thuần chú ý lại quan trọng đến như thế?

M: Cho đến nay cuộc đời ông tăm tối và bất an (TamasRajas). Chú ý, tỉnh thức, sự biết rõ, tính trong sáng, sự linh hoạt, sinh khí là tất cả những thị hiện của sự toàn vẹn, sự hợp nhất với bản chất chơn thật của ông – Sattva. Chính trong bản thể của Sattva mà sự tăm tối và bất an được thanh tẩy và hóa giải, và tính cách con người được tái tạo theo đúng với bản chất chơn thật của cái Ta. Sattva là tôi tớ trung thành của cái Ta, nó luôn luôn chu đáo và vâng lời.

H: Tôi sẽ đạt đến trạng thái đó bằng sự chú ý thuần túy?

M: Chớ xem thường sự chú ý. Chú ý có nghĩa là quan tâm và cũng là tình yêu. Muốn biết, muốn làm, muốn khám phá, hay muốn sáng tạo ông phải dành hết tâm huyết vào đó – có nghĩa là chú ý. Mọi phước báu từ đó mà ra.

H: Ông bảo chúng tôi tập trung vào ý thức “Ta hiện hữu”. Có phải đó cũng là một hình thức chú ý?

M: Còn gì nữa? Dành tất cả chú ý của ông cho cái quan trọng nhất đời ông – chính ông. Trong cái vũ trụ của riêng ông, ông là tâm điểm – không biết được tâm điểm thì ông có thể biết được cái gì?

H: Nhưng làm sao tôi có thể biết được chính tôi? Muốn biết được chính tôi thì tôi phải ra ngoài tôi. Nhưng cái ở ngoài tôi thì không thể là chính tôi. Như vậy, có vẻ như tôi không thể biết chính tôi, mà chỉ biết cái mà tôi cho là chính tôi.

M: Đúng thế. Cũng như ông không thể thấy mặt ông, mà chỉ thấy ảnh phản chiếu của nó trong gương; tương tự như thế ông chỉ có thể thấy hình ảnh của chính ông phản chiếu trong tấm gương không hề bị hoen ố của tánh biết thuần túy.

H: Làm sao tôi có được tấm gương không hoen ố đó?

M: Rõ ràng là ông phải tẩy sạch các vết hoen ố. Thấy được những vết hoen ố và tẩy sạch chúng. Giáo huấn từ ngàn xưa vẫn có giá trị.

H: Cái gì thấy và cái gì tẩy xóa?

M: Bản chất trong sáng của tấm gương toàn hảo là cái mà ông không thể thấy được. Bất cứ gì mà ông thấy chắc chắn phải là một vết hoen ố. Lơ nó đi, buông bỏ nó, biết nó như một cái gì không cần đến.

H: Tất cả những gì có thể nhận thức được có phải là những vết hoen ố?

M: Tất cả đều là những vết hoen ố.

H: Toàn thể thế giới là một vết ố.

M: Phải, đúng thế.

H: Khủng khiếp quá! Như thế, vũ trụ chẳng có giá trị gì?

M: Nó vô cùng giá trị. Vượt ra khỏi nó thì ông nhận ra chính ông.

H: Nhưng tại sao nó xuất hiện ngay từ đầu?

M: Ông sẽ biết được điều đó khi nó chấm dứt.

H: Liệu có bao giờ nó chấm dứt?

M: Có chứ, do ông.

H: Nó đã bắt đầu từ khi nào?

M: Bây giờ.

H: Nó sẽ chấm dứt khi nào?

M: Bây giờ.

H: Nó có chấm dứt bây giờ đâu?

M: Ông không để cho nó chấm dứt.

H: Tôi muốn để nó chấm dứt.

M: Ông không muốn. Tất cả cuộc đời ông gắn liền với nó. Quá khứ và tương lai của ông, tham ái và lo sợ của ông, tất cả đều bắt nguồn từ thế giới. Không có thế giới, ông ở đâu, và ông là ai?

H: Một cách chính xác, đó là điều tôi gặp ông để tìm ra.

M: Và Ta bảo cho ông biết một cách chính xác điều này: hãy tìm được một chỗ đặt chân ở bên ngoài, rồi tất cả sẽ sáng tỏ và dễ dàng.

32. Cuộc sống là Đạo sư tối thượng

Hỏi: Hai người chúng tôi từ những xứ sở xa xôi đến, một là người Anh, và một là người Mỹ. Thế giới mà trong đó chúng tôi sinh ra đang băng hoại, và vì còn trẻ nên chúng tôi rất lo lắng. Những người lớn tuổi hy vọng họ sẽ chết bằng cái chết của họ, còn bọn trẻ chúng tôi không có hy vọng đó. Một số người trong chúng tôi có thể không chấp nhận giết, nhưng không ai có thể chấp nhận để bị giết. Liệu chúng tôi có hy vọng chấn chỉnh thế giới nội trong đời chúng tôi.

Maharaj: Vì sao các cậu lại nghĩ rằng thế giới sắp diệt vong?

H: Các phương tiện hủy diệt đã trở nên vô cùng khốc liệt. Không những thế, ngay cả các hoạt động sản xuất vẫn không ngừng tàn phá thiên nhiên, cũng như các giá trị văn hóa và xã hội của chúng tôi.

M: Cậu nói về thời đại hiện nay. Từ trước đến nay điều này vẫn luôn như thế ở mọi nơi. Nhưng tình thế đáng lo ngại này có thể là nhất thời và có tính cách địa phương. Rồi mọi chuyện sẽ qua đi, và người ta sẽ quên đi.

H: Thảm họa sắp xảy ra có một quy mô rộng lớn không thể tưởng tượng. Chúng ta đang sống giữa một vụ nổ dữ dội.

M: Mỗi con người đau khổ riêng và chết riêng. Con số thì chẳng quan trọng. Hàng triệu người chết thì cũng nhiều như một người bị sát hại.

H: Thiên nhiên có thể tiêu diệt hàng triệu người, nhưng điều đó không làm tôi kinh sợ. Những biến cố như thế có thể là một thảm kịch hay một điều kỳ bí, nhưng không tàn bạo. Điều làm tôi kinh hoàng là những đau khổ mang tính hủy diệt và tàn phá do con người tạo ra. Thiên nhiên luôn luôn hùng vĩ trong sự tạo dựng và phá hủy. Nhưng hành vi của con người thì độc ác và điên cuồng.

M: Đúng. Như vậy, vấn đề cậu quan tâm không phải là đau khổ và cái chết, mà là sự độc ác và điên cuồng tại nguồn gốc của chúng. Thế không phải độc ác cũng là một hình thức điên cuồng? Và không phải điên cuồng là một sự dụng tâm sai lầm? Vấn nạn của nhận loại là ở trong sự dụng tâm sai lầm. Toàn thể kho báu của thiên nhiên và tinh thần luôn luôn rộng mở đối với ai dụng tâm đúng đắn.

H: Thế nào là dụng tâm đúng đắn?

M: Lo sợ và tham ái tạo nên sự dụng tâm sai lầm. Dụng tâm đúng đắn là phụng sự tình yêu, cuộc sống, chân lý và cái đẹp.

H: Nói thì dễ hơn làm. Yêu chân lý, yêu người, thiện ý – toàn là những thứ hiếm quý! Chúng ta cần rất nhiều những thứ đó để chấn chỉnh thế giới, nhưng ai là người ban phát?

M: Cậu có thể muôn đời tìm kiếm chân lý và tình yêu, trí tuệ và thiện ý ở bất cứ đâu; van xin Thượng đế và con người – tất cả đều vô ích. Cậu phải bắt đầu trong chính mình, với chính mình – đây là định luật bất di bất dịch. Cậu không thể sửa đổi hình ảnh trong gương mà không sửa đổi bộ mặt. Trước tiên, hãy nhận ra rằng thế giới chỉ là ảnh phản chiếu của chính cậu, và ngừng tìm kiếm sai lầm trong ảnh phản chiếu. Hãy chú ý đến chính cậu, chấn chỉnh chính cậu – về tâm lý cũng như cảm xúc. Thân xác vật lý sẽ tự động theo sau. Cậu nói nhiều về những cải tổ: kinh tế, xã hội, chính trị. Cứ mặc kệ những cải tổ mà hãy quan tâm đến người cải tổ. Một kẻ vô minh, tham lam và tàn ác tạo ra một thế giới như thế nào?

H: Nếu phải chờ một sự thay tâm đổi ý thì chúng ta chờ đến muôn đời. Những gì ông nói chỉ là giáo điều về sự toàn hảo, và cũng là giáo điều của sự tuyệt vọng. Khi tất cả toàn hảo, thế giới sẽ toàn hảo. Thật là một lập luận hiển nhiên vô tích sự!

M: Ta có bảo thế đâu. Ta chỉ nói: Cậu không thể sửa đổi thế giới trước khi sửa đổi chính cậu; Ta không bảo trước khi sửa đổi mọi người. Sửa đổi người khác là chuyện không cần thiết và không thể được. Nhưng nếu cậu có thể sửa đổi chính mình thì cậu sẽ nhận ra rằng không có sửa đổi nào khác là cần thiết. Muốn sửa đổi hình ảnh thì chỉ cần sửa đổi cuốn phim, cậu chẳng cần phải công kích màn ảnh!

H: Làm sao ông chắc chắn về ông đến như thế? Làm sao ông biết được điều ông nói ra là đúng thật?

M: Ta không chắc chắn về chính Ta, mà Ta chắc chắn về cậu. Tất cả những gì cậu cần là chấm dứt tìm kiếm bên ngoài cái mà cậu chỉ có thể tìm thấy bên trong. Hãy đặt lại cho đúng cách nhìn của cậu trước khi hoạt động. Cậu đau khổ vì sự hiểu lầm nghiêm trọng. Hãy làm cho tâm cậu trong sáng, tim cậu trong sạch, đời cậu thánh thiện – đó là phương cách nhanh chóng nhất để sửa đổi thế giới của cậu.

H: Vô số thánh nhân và các bậc thần bí đã từng xuất hiện và ra đi. Chẳng ai sửa đổi thế giới của tôi.

M: Làm sao họ có thể sửa đổi? Thế giới của cậu không phải là của họ, và thế giới của họ không phải là của cậu.

H: Chắc chắn là có một thế giới thực tế chung cho mọi người.

M: Thế giới của sự vật, năng lượng và vật chất? Cho dù có một thế giới chung gồm các sự vật và động lực vật lý thì đó cũng không phải là thế giới mà trong đó chúng ta đang sống. Thế giới của chúng ta là thế giới của cảm thọ và ý nghĩ, của những thu hút và xô đẩy, của những nấc thang giá trị, của các động cơ và khuyến khích – một thế giới hoàn toàn tâm lý. Về phương diện sinh học, chúng ta cần rất ít; tất cả vấn đề của chúng ta đều thuộc về một giai tầng khác. Những vấn đề do tham ái, lo sợ, và tà kiến tạo ra chỉ có thể giải quyết trên bình diện của tâm. Cậu phải điều ngự tâm cậu, mà muốn thế thì cậu phải vượt ra khỏi nó.

H: Vượt ra khỏi tâm nghĩa là thế nào?

M: Cậu đã vượt ra khỏi thân xác, có phải thế không? Cậu có theo dõi một cách chi tiết sự tiêu hóa, tuần hoàn hay bài tiết của cậu đâu. Những sinh hoạt đó đều trở thành tự động. Tương tự như thế, tâm phải hành hoạt một cách tự động, mà không cần phải kêu gọi sự chú ý. Điều này chỉ có thể xảy ra khi nào tâm cậu hoạt động hoàn chỉnh. Chúng ta thường xuyên ý thức về tâm và thân, bởi vì chúng luôn luôn kêu gọi giúp đỡ. Đau đớn và đau khổ chỉ là những tiếng la của thân và tâm kêu gọi sự chú ý. Để vượt ra khỏi thân, cậu phải khỏe mạnh; để vượt ra khỏi tâm cậu phải đặt tâm trong một trật tự hoàn toàn. Cậu không thể để lại phía sau một đống bầy hầy và đi ra ngoài. Đống bầy hầy đó sẽ làm cậu vướng chân. “Dọn rác của mình bầy ra” là một luật chung. Và đó cũng là luật công bằng.

H: Xin phép hỏi ông đã vượt ra khỏi tâm như thế nào?

M: Nhờ công đức của Tôn sư.

H: Công đức ấy là gì?

M: Ngài nói với Ta cái gì là chân lý.

H: Ông ấy đã nói gì với ông?

M: Ngài bảo Ta là Thực thể Tối thượng.

H: Ông đã làm gì với điều đó?

M: Ta tin tưởng Tôn sư và ghi nhớ lời dạy.

H: Chỉ có thế thôi sao?

M: Phải, Ta nhớ Tôn sư, Ta nhớ lời ngài dạy.

H: Ông muốn nói rằng chỉ có thế là đủ?

M: Còn phải làm gì nữa? Nhớ đến Tôn sư và lời ngài dạy là đã quá nhiều. Lời khuyên của Ta cho cậu còn dễ hơn thế – chỉ cần nhớ chính mình. “Ta hiện hữu” là đủ chữa lành bệnh của tâm và đưa cậu ra khỏi tâm. Chỉ cần chút tín tâm. Ta không lừa dối cậu đâu. Việc gì Ta phải làm như thế? Ta mong cầu nơi cậu điều chi? Ta mong cậu an lành – đó là bản chất của Ta. Việc gì Ta phải lừa dối cậu?

Lý lẽ thường tình cũng có thể cho cậu biết rằng muốn thực hiện một ước muốn cậu phải để tâm vào nó. Nếu muốn biết bản chất chơn thật của chính mình, cậu phải để tâm đến chính mình trong mọi lúc, cho đến khi bí mật hiện hữu của cậu phô bày.

H: Vì sao nhớ chính mình lại đưa đến sự giác ngộ chính mình?

M: Bởi vì chúng là hai phương diện của cùng một trạng thái. Nhớ chính mình là ở trong tâm, còn giác ngộ chính mình là ở ngoài tâm. Hình ảnh trong gương là của bộ mặt ở bên ngoài gương.

H: Khá đúng. Nhưng mục đích là gì?

M: Muốn giúp người khác, một người phải vượt ra khỏi sự cần giúp.

H: Tất cả những gì tôi muốn là hạnh phúc.

M: Hãy hạnh phúc để tạo hạnh phúc.

H: Và mặc kệ người khác lo cho chính họ.

M: Này cậu, cậu không tách biệt với tha nhân đâu. Hạnh phúc mà cậu không thể chia sẻ được là hạnh phúc giả tạm. Chỉ cái gì có thể chia sẻ được thì mới thực sự đáng mong cầu.

H: Đúng. Nhưng tôi có cần một Đạo sư không? Những gì ông nói với tôi rất đơn giản và rất thuyết phục. Tôi sẽ nhớ lời ông, nhưng không có nghĩa ông là Đạo sư của tôi.

M: Điều quan trọng không phải là kính ngưỡng một ai đó, mà là sự kiên trì và chiều sâu của sự cống hiến cho công cuộc. Tự thân cuộc sống là vị Đạo sư Tối thượng; hãy chú ý đến những bài học và tuân theo các mệnh lệnh của cuộc sống. Khi nhân cách hóa nguồn gốc của những bài học, cậu có một Đạo sư ở bên ngoài; khi tiếp nhận các bài học trực tiếp từ cuộc sống thì vị Đạo sư ở bên trong. Ghi nhớ lời dạy của Đạo sư – bên ngoài hay bên trong – thắc mắc, tư duy, sống với nó, yêu quí nó, trở thành nó, trưởng thành với nó, biến nó thành của riêng mình. Cứ bỏ vào đó tất cả và cậu sẽ có tất cả. Ta đã làm như thế. Ta đã cống hiến tất cả thời gian của Ta cho Tôn sư và những gì ngài chỉ dạy.

H: Tôi sống bằng nghề viết văn. Ông có thể cho tôi một lời khuyên nào đó, riêng biệt cho tôi?

M: Viết văn là một tài năng và cũng là một kỹ năng. Trưởng thành với tài năng và phát triển với kỹ năng. Hãy ham muốn cái gì đáng ham muốn, và ham muốn nó một cách tốt đẹp. Muốn tìm lối ra giữa đám đông thì phải lách qua nhiều người, tương tự như thế cậu tìm đường ra giữa các sự kiện mà không để mất hướng. Điều này rất dễ, nếu cậu thành khẩn.

H: Rất nhiều lần ông đề cập đến sự cần thiết phải thành khẩn. Nhưng chúng tôi không phải là những người thuần ý chí. Chúng tôi là những mớ ham muốn và cần cầu, đòi hỏi bản năng và thôi thúc. Chúng bò lúc nhúc lên nhau, lúc cái này, lúc cái khác ngoi lên trên, nhưng chẳng bao giờ được lâu.

M: Chẳng có cần cầu, mà chỉ có ham muốn.

H: Ăn, uống, có chỗ nương thân: có phải đó là sống?

M: Ước muốn sinh tồn là một ước muốn căn bản nhất. Tất cả những thứ khác đều tùy thuộc vào nó.

H: Chúng ta sống vì chúng ta phải sống.

M: Chúng ta sống vì chúng ta khao khát sự tồn tại mang tính cảm giác.

H: Một điều mang tính chung nhất như thế thì không thể sai trái.

M: Dĩ nhiên là không sai. Vào đúng chỗ và đúng thời thì chẳng có gì sai. Nhưng khi quan tâm đến chân lý, đến thực tại thì cậu phải đặt câu hỏi về mọi thứ, ngay cả chính cuộc đời của cậu. Bằng cách khẳng định sự cần thiết của kinh nghiệm thuộc cảm giác và tri thức, cậu thu hẹp sự tìm hiểu trong phạm vi tìm kiếm sự thỏa mãn.

H: Tôi tìm kiếm hạnh phúc, chứ không phải sự thỏa mãn.

M: Ngoài sự thỏa mãn của tâm và thân, cậu còn biết hạnh phúc nào khác?

H: Liệu còn có hạnh phúc khác?

M: Hãy tìm ra cho chính cậu. Đặt câu hỏi về từng sự thôi thúc, đừng cho bất cứ ham muốn nào cũng là chính đáng. Hãy từ bỏ tất cả mọi sở hữu, vật lý cũng như tâm lý, hoàn toàn không còn bận tâm đến chính mình, hãy cởi mở để khám phá.

H: Theo truyền thống tâm linh Ấn Độ, chỉ cần sống thân cận với một vị thánh nhân hay một bậc hiền triết thì cũng đủ để đạt đến giải thoát mà chẳng cần đến phương tiện nào khác. Vì sao ông không lập một tịnh xá – Ashram – để nhiều người có thể sống gần ông.

M: Ngay khi lập ra một tổ chức nào đó thì Ta trở thành tù nhân của nó. Thật ra, ai cũng có thể gặp Ta. Ăn ở chung nhà không làm cho người ta cảm thấy được tiếp đãi ân cần hơn. “Sống gần” không có nghĩa là hít thở cùng không khí. “Sống gần” có nghĩa là tin tưởng và quy thuận, không để những thiện ý của Đạo sư trở nên uổng phí. Luôn luôn để Đạo sư trong tim và ghi nhớ những lời ngài dạy – đó mới chính là thật sự ăn ở cùng với chân lý. Sự thân cận có tính cách vật lý thì không mấy quan trọng. Hãy biến tất cả đời cậu thành sự thể hiện tín tâm và lòng yêu quí đối với Đạo sư – đó mới chính là sống thân cận với Đạo sư.

33. Mọi chuyện đều tự xảy ra

Hỏi: Bậc giác ngộ có chết không?

Maharaj: Người giác ngộ ở ngoài sống và chết. Điều mà chúng ta cho là bất khả tránh – sinh ra và chết đi – thì đối với người giác ngộ chỉ là một cách thể hiện cái động trong cái tịnh, cái biến đổi trong cái bất biến, cái chấm dứt trong cái bất tận. Đối với người giác ngộ thì hiển nhiên là không có gì được sinh ra và chẳng có gì chết đi, không có gì bền lâu và cũng chẳng có gì thay đổi, tất cả hiện hữu như chính nó là – một cách phi thời.

H: Ông nói bậc giác ngộ ở ngoài. Ở ngoài cái gì? Ở ngoài sự hiểu biết?

M: Sự hiểu biết nổi lên và chìm xuống. Ý thức xuất hiện rồi biến mất. Đó là điều xảy ra hàng ngày và quan sát được. Chúng ta đều biết rằng nhiều lúc chúng ta có ý thức và cũng có nhiều lúc không. Khi không có ý thức, chúng ta ở trong trạng thái tối tăm hoặc không biết gì cả. Nhưng một người giác ngộ biết rõ chính mình không phải hữu thức mà cũng chẳng phải vô thức; người giác ngộ biết một cách thuần túy, như một nhân chứng về ba trạng thái của tâm và nội dung của các trạng thái đó.

H: Hành vi nhân chứng này bắt đầu khi nào?

M: Đối với người giác ngộ không có gì bắt đầu hoặc chấm dứt. Cũng như muối hòa tan trong nước, tất cả mọi thứ tan biến vào trong sự hiện hữu thuần túy. Trí tuệ là sự phủ nhận vĩnh viễn cái hư giả. Thấy được cái hư giả là trí tuệ. Siêu vượt ra ngoài là cái bất khả diễn giải.

H: Trong tôi có sự tin tưởng: “Ta là thân xác.” Cứ cho là tôi nói từ vô minh. Nhưng trạng thái cảm nhận chính mình là thân, là thân-tâm, là tâm-thân, hay thậm chí là tâm thuần túy – bắt đầu từ bao giờ?

M: Ông không thể nói đến một sự bắt đầu của ý thức. Ngay chính những ý tưởng về sự bắt đầu và thời gian đều ở trong ý thức. Muốn nói một cách có ý nghĩa về sự bắt đầu của bất cứ cái gì thì ông phải bước ra khỏi nó. Và ngay khi bước ra khỏi, ông nhận ra rằng chẳng có cái gì như thể và chưa bao giờ đã có cái như thế. Chỉ có thực tại, trong đó không cái gì tự nó có thực thể. Cũng như sóng không thể xa lìa biển, tất cả mọi tồn tại đều bắt nguồn từ hiện hữu.

H: Thực tế là ngay đây và bây giờ, tôi hỏi ông: cái cảm tưởng “Ta là thân xác” khởi lên khi nào? Lúc tôi sinh ra? Hay mới sáng nay?

M: Ngay bây giờ.

H: Nhưng tôi nhớ hôm qua tôi cũng có nó!

M: Ký ức về ngày hôm qua chỉ có ngay bây giờ.

H: Nhưng chắc chắn là tôi tồn tại trong thời gian. Tôi có một quá khứ và một tương lai.

M: Đó là cách ông tưởng tượng – ngay bây giờ.

H: Chắc chắn đã phải có một sự bắt đầu.

M: Ngay bây giờ.

H: Thế còn chấm dứt?

M: Cái không có sự bắt đầu thì không thể chấm dứt.

H: Tôi biết tôi hỏi cái gì.

M: Một câu hỏi sai thì không thể có câu trả lời. Nó chỉ có thể được xem là hư giả.

H: Đối với tôi nó là thật.

M: Nó xuất hiện như thật với ông bao giờ? Ngay bây giờ.

H: Đúng, nó rất thật với tôi – ngay bây giờ.

M: Cái gì là thật về câu hỏi của ông? Câu hỏi của ông là một trạng thái của tâm. Không có trạng thái nào của tâm lại thật hơn chính tâm. Tâm có thật không? Nó chỉ là sự kết tập của các trạng thái, mà mỗi trạng thái đều biến diệt. Làm sao một chuỗi liên tiếp các trạng thái biến diệt có thể được xem là thật?

H: Cũng giống như những chuỗi hạt trên một sợi dây, sự kiện tiếp nối sự kiện – mãi mãi.

M: Tất cả chúng đều treo trên một ý nghĩ căn bản: “Ta là thân xác.” Nhưng ngay cả ý nghĩ này cũng là một trạng thái của tâm và không lâu bền. Nó đến rồi đi như tất cả các trạng thái khác. Cái ảo tưởng là thân-tâm có đó chỉ vì nó không được tìm hiểu đến nơi đến chốn. Chính sự không tìm hiểu đến nơi đến chốn là sợi dây mà trên đó tất cả những trạng thái của tâm bám víu. Cũng giống như bóng tối trong một căn phòng đóng kín. Rõ ràng là có nó. Nhưng khi cửa phòng mở toang, bóng tối đi đâu? Nó chẳng đi đâu cả, bởi vì nó đã không ở phòng. Tất cả những trạng thái của tâm, tất cả những dãnh xưng và hình tướng của sự tồn tại bắt nguồn từ sự không thắc mắc, không tìm hiểu đến nơi đến chốn, từ sự tưởng tượng và dễ tin. Khi nói “Ta là” thì đúng, những nếu bảo rằng “Ta là cái này”, “Ta là cái kia” thì đó là một dấu hiệu của sự không thắc mắc, thiếu suy xét, của một cái tâm nhu nhược, hoặc thờ ơ.

H: Nếu tất cả đều là ánh sáng, thì bóng tối xuất hiện như thế nào? Làm sao có thể có bóng tối ngay giữa ánh sáng?

M: Chẳng có bóng tối nào ở giữa ánh sáng. Quên mất chính mình là tối. Khi bị thu hút bởi những cái khác, bởi những cái không phải là Ta, chúng ta quên mất cái Ta. Chẳng có gì là không tự nhiên về điều đó. Nhưng tại sao lại quên mất chính mình trong quá nhiều ràng buộc? Trí tuệ là ở chỗ không bao giờ quên mình là nguồn gốc thường tại của cả người kinh nghiệm lẫn kinh nghiệm.

H: Trong trạng thái hiện nay của tôi, ý nghĩ “Ta là thân xác” xuất hiện một cách tự nhiên, còn ý nghĩ “Ta là hiện hữu thuần túy” phải được áp đặt lên tâm như một cái gì có thật, dù chưa bao giờ thực chứng.

M: Đúng, việc thực hành bao gồm có sự tự nhắc nhở một cách kiên quyết về “trạng thái hiện hữu” thuần túy của chính mình, rằng mình không phải là bất cứ gì cá biệt, hay một tập hợp của những cá biệt, và thậm chí cũng không phải là tổng thể của những cá biệt, tạo thành vũ trụ. Tất cả đều tồn tại trong tâm, ngay cả thân cũng chỉ là sự hợp nhất trong tâm của vô số những nhận thức thuộc cảm giác, mà mỗi nhận thức lại là một trạng thái của tâm. Nếu ông bảo: “Ta là thân xác” hãy cho Ta xem.

H: Nó đây.

M: Chỉ khi nào ông nghĩ về nó. Cả tâm và thân đều là những trạng thái thất thường, lúc có lúc không. Sự tổng hợp của những trạng thái chợt lóe lên rồi chợt tắt này tạo ra cái ảo tưởng về sự tồn tại. Tìm ra cái thường hằng trong cái vô thường, cái chơn thật trong cái hư giả. Đó chính là Sadhana.

H: Thực tế, tôi nghĩ tôi là thân xác.

M: Bằng mọi cách hãy nghĩ về chính ông. Nhưng đừng đem ý nghĩ về một thân xác vào bức tranh. Chỉ có một giòng những cảm giác, nhận thức, ký ức, và ý tưởng. Thân xác chỉ là một cái gì trừu tượng, được hình thành bởi khuynh hướng tìm kiếm sự đơn nhất trong cái đa dạng – điều này, một lần nữa, chẳng có gì sai.

H: Tôi được bảo rằng ý nghĩ “Ta là thân xác” là một khuyết tật trong tâm.

M: Tại sao lại nói thế? Những phát biểu như thế gây ra đủ thứ phiền trược. Cái Ta là nguồn gốc của tất cả, và là nơi đến cuối cùng của tất cả. Không có gì ở ngoài nó.

H: Khi ý nghĩ về thân xác trở nên một sự ám ảnh, thì không phải điều đó hoàn toàn sai?

M: Chẳng có gì sai trong ý nghĩ về thân xác, thậm chí cũng chẳng có gì không đúng trong ý nghĩ “Ta là thân xác”. Nhưng giới hạn chính mình chỉ trong một thân xác là sai lầm. Trong thực tế tất cả mọi tồn tại, mọi hình tướng là của chính Ta, trong nội vi ý thức của Ta. Ta không thể nói Ta là cái gì bởi vì ngôn từ chỉ có thể mô tả cái không phải là Ta. Ta hiện hữu, và bởi vì Ta hiện hữu, nên tất cả hiện hữu. Nhưng Ta ở ngoài ý thức, và, do đó, trong ý thức Ta không thể nói Ta là cái gì. Nhưng, Ta hiện hữu. Câu hỏi “Ta là ai?” không có đáp án. Không kinh nghiệm nào có thể trả lời, vì cái Ta ở ngoài mọi kinh nghiệm.

H: Nhưng câu hỏi “Ta là ai?” phải có một công năng nào đó.

M: Nó không có câu trả lời trong ý thức, và, do đó, giúp người hỏi vượt ra ngoài ý thức.

H: Tôi ở đây – trong khoảnh khắc hiện tại. Cái gì là thật và cái gì là không thật trong đó? Xin đừng bảo tôi rằng câu hỏi của tôi sai. Hỏi lại câu hỏi của tôi chẳng đưa tôi đến đâu cả.

M: Câu hỏi của ông không sai. Nhưng nó không cần thiết. Ông nói: “Ta ở đây và bây giờ.” Dừng lại ở đó, đó là thật. Đừng biến một sự kiện thực tế thành câu hỏi. Sự sai lầm của ông là ở đó. Ông không phải biết mà cũng chẳng phải không biết, không phải tâm mà cũng chẳng phải vật; đừng cố tìm cách mô tả ông dưới hình thức tâm hay vật.

H: Vừa mới đây một cậu bé có vấn đề gì đó đến gặp ông. Ông nói vài câu rồi cậu Ta ra đi. Thế ông có giúp cậu Ta không?

M: Tất nhiên.

H: Vì sao ông lại đoan chắc như thế?

M: Giúp ích là bản tính của Ta.

H: Làm sao ông biết được điều đó?

M: Chẳng cần phải biết. Nó tự vận hành.

H: Ông vẫn đưa ra một phát biểu. Sự phát biểu của ông dựa trên cái gì?

M: Những gì mà người khác bảo Ta. Ông là người thắc mắc về các bằng chứng. Ta chẳng cần chúng. Xắp đặt mọi thứ cho đúng cách là bản tánh của Ta, đó là cái thật, cái thiện và cái đẹp – Satyam, Shivam, Sundram.

H: Khi một người đến gặp ông để được chỉ giáo, và ông chỉ dạy người đó. Sự chỉ giáo đó ở đâu mà có và nhờ ở quyền năng nào nó giúp người kia?

M: Sự hiện hữu của người đó tác động đến tâm của chính người đó và tạo ra một sự đáp ứng.

H: Thế vai trò của ông là gì?

M: Người đó và cái Ta của người đó cùng đến trong Ta.

H: Vì sao cái Ta không giúp được người đó nếu không có ông?

M: Vì Ta là cái Ta! Ông tưởng tượng Ta tách biệt, nên đặt câu hỏi. Không hề có “cái Ta của ta” và “cái Ta của người đó.” Chỉ có cái Ta, cái Ta duy nhất cho tất cả. Bị lầm lẫn bởi sự đa dạng của danh xưng và hình tướng, tâm và thân, ông tưởng tượng có nhiều cái Ta. Ông và Ta là cái Ta, nhưng ông có vẻ không tin điều đó. Bàn về cái Ta cá nhân và cái Ta vũ trụ là thuộc về phạm vi của kẻ sơ cơ; hãy vượt ra ngoài, đừng vướng mắc trong nhị nguyên.

H: Trở lại với người cần giúp. Người đó đến với ông.

M: Nếu người đó đến, chắc chắn sẽ được giúp. Vì định mệnh buộc người đó cần giúp, người đó tìm đến. Chẳng có gì lạ lùng về điều đó. Ta không thể giúp người này và từ chối người khác. Mọi người đến đều được giúp, đó là định luật. Cách giúp thì khác vì tùy theo sự cần giúp.

H: Vì sao người đó phải tìm đến đây để được giúp? Người đó không thể tìm được từ bên trong hay sao?

M: Người đó không nghe được vì tâm người đó mải vọng ra ngoài. Nhưng thực ra tất cả kinh nghiệm đều xảy ra trong tâm, vì vậy dù người đó đến gặp Ta và được giúp thì tất cả cũng đều ở trong chính người đó. Thay vì tìm ra câu trả lời trong chính mình, người đó tưởng tượng tìm ra đáp án từ bên ngoài. Còn đối với Ta, không có Ta, không có người cần giúp và cũng không có sự giúp. Tất cả chỉ là một thoáng trong tâm. Ta là sự im lặng và an lạc vô biên trong đó không có gì xuất hiện, vì tất cả những gì xuất hiện đều biến mất. Không có người đến nhờ giúp, không có người giúp, không có người được giúp. Tất cả chỉ là một sự phô diễn trong ý thức.

H: Nhưng quyền năng giúp có đó, và phải có ai đó hoặc cái gì đó làm cho quyền năng đó hiển hiện; gọi người đó hay cái đó là Thượng đế, là Ta, hay là Tâm thức vũ trụ. Điều quan trọng là sự kiện, chứ không phải danh hiệu.

M: Đó là quan điểm của thân-tâm. Cái tâm thuần túy thấy mọi thứ như chúng là: những bọt bong bóng trong ý thức. Chúng xuất hiện, biến mất, và tái xuất hiện mà không hề có một thực thể. Không một nhân duyên riêng biệt nào có thể gán cho chúng, vì mỗi cái được toàn thể tạo ra, và tác động lên toàn thể. Mỗi bọt bong bóng là một thân và tất cả thân đó là của Ta.

H: Có phải ông muốn nói rằng ông có quyền năng làm tất cả mọi chuyện một cách đúng đắn?

M: Chẳng có quyền năng nào tách biệt khỏi Ta. Nó có sẵn ngay trong bản tánh của Ta. Gọi nó là năng lực sáng tạo. Từ một thỏi vàng ông có thể làm ra nhiều món trang sức – mỗi món trang sức vẫn là vàng. Tương tự như thế, trong bất cứ vai trò nào mà Ta xuất hiện, và bất cứ chức năng nào mà Ta hành xử – Ta vẫn là cái Ta là: cái “Ta hiện hữu” bất động, bất di bất dịch và bất tùy thuộc. Cái mà ông gọi là vũ trụ, là thiên nhiên là tính tùy nghi sáng tạo của Ta. Bất cứ gì xảy ra – xảy ra. Bản tánh của Ta là thế nên tất cả sẽ chấm dứt trong an lạc.

H: Tôi gặp trường hợp một đứa trẻ bị mù vì người mẹ ngu ngốc cho nó uống lầm một loại cồn công nghiệp có chất methyl. Tôi khẩn khoản nhờ ông giúp đứa trẻ mù. Ông có đầy lòng từ bi, và, dĩ nhiên là sự thành tâm cứu giúp người khác. Bằng quyền năng nào ông có thể giúp đứa trẻ?

M: Trường hợp của đứa trẻ được ghi nhận trong ý thức. Nó ở đó – không thể tẩy xóa được. Ý thức sẽ hành sử.

H: Nếu tôi nhờ ông giúp thì có gì khác biệt?

M: Sự nhờ giúp của ông là một phần thuộc sự mù mắt của đứa trẻ. Vì nó mù nên ông mới nhờ. Ông chẳng thêm vào cái gì cả.

H: Nhưng sự cứu giúp của ông sẽ là một yếu tố mới.

M: Không, tất cả đều ở trong sự mù mắt của đứa trẻ. Tất cả đều ở trong đó – bà mẹ, đứa trẻ, ông và Ta, cùng những yếu tố khác. Tất cả là một sự kiện.

H: Ông muốn nói rằng ngay cả cuộc nói chuyện của tôi và ông về đứa trẻ cũng là tiền định.

M: Còn gì nữa? Tất cả đều hàm chứa tương lai của chính nó. Đứa trẻ xuất hiện trong ý thức. Ta ở bên ngoài. Ta không ra lệnh cho ý thức. Ta biết rằng sắp xếp mọi thứ cho đúng đắn là thuộc bản chất của tánh biết. Hãy để cho ý thức lo cho những gì nó tạo ra! Sự đau khổ của đứa trẻ, lòng trắc ẩn của ông, sự lắng nghe của Ta, và hành vi của ý thức – tất cả là một sự kiện duy nhất – đừng phần chia nó thành những thành phần rồi đặt câu hỏi.

H: Tâm ông hành hoạt thật lạ lùng!

M: Ông lạ lùng, không phải Ta. Ta rất bình thường. Ta rất minh mẫn. Ta thấy sự vật như chính chúng là, do đó Ta không hề sợ chúng. Còn ông thì sợ hãi thực tại.

H: Tại sao tôi lại sợ?

M: Chính sự vô minh về chính ông làm ông sợ và ông cũng không biết ông sợ. Đừng tìm cách không sợ. Trước tiên hãy phá xập bức tường vô minh.

Mọi người sợ chết vì người ta không biết cái chết là gì. Bậc giác ngộ chết trước khi cái chết đến với vị ấy, nên thấy chẳng có gì để sợ. Ngay khi biết được sự hiện hữu chơn thật của ông thì ông chẳng sợ gì nữa. Cái chết đem lại tự do và sức mạnh. Muốn tự do trong thế giới, ông phải chết đi đối với thế giới. Lúc đó cả vũ trụ thuộc về ông, nó trở nên thân xác ông, sự thể hiện và cũng là công cụ thể hiện. Hạnh phúc được tự do tuyệt đối thì ở ngoài mọi mô tả. Trái lại, kẻ nào sợ tự do thì không thể chết.

H: Ông muốn nói rằng người nào không thể chết đi, thì không thể sống?

M: Ông muốn nói sao cũng được. Ràng buộc là câu thúc, buông bỏ là tự do, tham ái là nô lệ.

H: Có phải nếu ông được cứu vớt, thì thế giới được cứu vớt?

M: Là cái toàn thể, nên thế giới chẳng cần được cứu vớt. Con người lầm lẫn và gây nên đau khổ; khi sự đau khổ đi vào phạm trù tánh biết, tức là ý thức của người giác ngộ nó liền được chỉnh lại cho đúng. Bản tánh của người giác ngộ là như thế.

H: Hãy quan sát một diễn tiến có thể được gọi là tiến bộ tâm linh. Một người vị kỷ trở nên mộ đạo, điều ngự bản thân, thanh lọc ý nghĩ và cảm thọ, tu tập tâm linh, nhận ra sự hiện hữu chơn thật của chính mình. Một sự tiến bộ như thế được điều hành bởi luật tương quan nhân quả, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên.

M: Theo cái nhìn của Ta mọi thứ đều tự xảy ra, một cách tự phát. Nhưng con người tưởng tượng rằng mình phấn đấu cho một mục đích để được thưởng công. Người ta lúc nào cũng nghĩ đến phần thưởng và tìm cách để đạt nó.

H: Một kẻ phàm phu, thô thiển sẽ chẳng làm gì nếu không có phần thưởng. Có gì là không đúng nếu hứa hẹn với người đó một sự thưởng công nào đó?

M: Dù sao thì người đó cũng tạo cho mình sự tưởng thưởng nào đó. Người đó không ý thức rằng sự trưởng thành là ở trong bản chất của ý thức. Người đó sẽ tiến bộ nhờ sự khuyến khích này đến sự khích lệ khác, và sẽ theo đuổi các Đạo sư để mong được thỏa mãn những ham muốn của mình. Một khi, theo những quy luật của hiện hữu, người đó tìm ra được con đường quay về và lúc đó sẽ từ bỏ tất cả mọi khích lệ, vì sự bận tâm đến thế gian không còn nữa. Người đó không còn ham muốn – nơi tha nhân hay từ chính mình. Người đó chết đi đối với tất cả và trở thành cái Tất Cả. Vô cầu và vô vi – đó chính là sáng tạo thật sự! Nhìn vũ trụ xuất hiện và biến mất trong tim mình là một cảnh quan kỳ vĩ.

H: Chướng ngại lớn nhất cho sự nội tinh tấn là nỗi nhàm chán. Người môn đồ cảm thấy nhàm chán.

M: Tính trì trệ và sự bất an – Tamas Rajas – đi cùng với nhau, chúng làm giảm bớt sự trong sáng và tính hòa hợp – Sattva. TamasRajas phải được điều ngự trước khi Sattva xuất hiện. Nó sẽ xuất hiện vào đúng thời cơ, và tự nhiên.

H: Nếu thế thì chẳng cần đến tinh tấn?

M: Khi cần thì tinh tấn xuất hiện. Khi vô dụng công là cần thiết thì tự nó sẽ khẳng định. Ông chẳng cần phải xô đẩy cuộc sống. Cứ việc trôi theo với cuộc sống và cống hiến chính ông hoàn toàn cho công việc của khoảnh khắc hiện tại, có nghĩa là chết ngay bây giờ đối với hiện tại. Vì sống tức là chết. Nếu không có cái chết thì không thể nào có sự sống.

Hãy nắm bắt được yếu chỉ: Thế giới và cái Ta là một và toàn hảo. Chỉ có thái độ của ông là sai lầm và cần được điều chỉnh.

Tiến trình này hay sự tái điều chỉnh là cái mà ông gọi là Sadhana. Ông đạt đến nó bằng cách chấm dứt sự lười biếng và vận dụng tất cả công sức để dọn đường cho tính trong sáng và lòng từ tâm. Trong thực tế, đó là những dấu hiệu của một sự trưởng thành tất yếu. Đừng lo sợ, đừng đề kháng, đừng trì hoãn. Hãy là cái ông là. Chẳng có gì để sợ. Hãy tin tưởng và thử xem. Hãy thử nghiệm một cách thành thật. Hãy cho sự hiện hữu chơn thật của ông một cơ hội để định hình cuộc đời ông. Ông sẽ không ân hận đâu.

34. Tâm chính là sự bất an

Hỏi: Tôi là người Thụy Điển. Tôi hiện đang dạy Hatha Yoga ở Mễ và Mỹ.

Maharaj: Ông học Hatha Yoga ở đâu?

H: Tôi học một vị thầy Ấn Độ, ở Mỹ.

M: Hatha Yoga đã đem lại cho ông những gì?

H: Yoga đã đem lại cho tôi sức khỏe tốt và một phương tiện sinh sống.

M: Tốt lắm. Đó là tất cả những gì mà ông mong muốn?

H: Tôi tìm sự an lạc cho tâm. Tôi ghê tởm những sự tàn ác do những kẻ gọi là Thiên Chúa giáo, nhân danh Đấng Christ, gây ra. Có một dạo tôi chẳng theo tôn giáo nào cả. Thế rồi tôi bị Yoga lôi cuốn.

M: Ông đã được những gì?

H: Tôi nghiên cứu triết lý Yoga, và triết lý Yoga đã giúp tôi.

M: Triết lý Yoga đã giúp ông bằng cách nào? Căn cứ vào chỉ dấu nào mà ông kết luận rằng triết lý Yoga đã giúp ông?

H: Sức khỏe tốt là một cái gì khá rõ rệt.

M: Cảm thấy khỏe mạnh rõ ràng là điều vui thích. Sự vui thích là tất cả những gì ông kỳ vọng ở Yoga?

H: Niềm vui sướng của sự an mạnh là một phần thưởng của Yoga. Nhưng một cách tổng quát Yoga đem lại nhiều hơn thế nữa. Yoga giải đáp rất nhiều vấn đề.

M: Khi nói đến Yoga ông muốn nói gì?

H: Toàn thể nền đạo giáo của Ấn Độ – sự tiến hóa, luân hồi, nghiệp, và nhiều điều khác.

M: Được, ông có đủ tất cả kiến thức ông mong muốn. Nhưng ông hưởng được lợi lạc từ kiến thức đó như thế nào?

H: Nó cho tôi một cái tâm an lạc.

M: Có thật không? Tâm ông an lạc? Sự tìm kiếm của ông đã kết thúc?

H: Ồ, chưa.

M: Tất nhiên. Sẽ không có kết thúc nào cho sự tìm kiếm đó, vì không hề có cái như là tâm an lạc. Tâm có nghĩa là nhiễu loạn. Bất an chính là tâm. Yoga không phải là một thuộc tính của tâm, và cũng chẳng phải là một trạng thái của tâm.

H: Có một mức độ an định nào đó mà tôi hưởng được từ Yoga.

M: Hãy quan sát kỹ và ông sẽ nhận thấy rằng tâm luôn luôn lăng xăng với ý nghĩ. Thỉnh thoảng nó ở trong trạng thái vô ký, nhưng chỉ một lúc rồi trở lại trạng thái bất an cố hữu. Một cái tâm được trấn an thì không phải một cái tâm an.

Ông nói rằng ông muốn làm cho tâm ông an. Liệu chính người muốn làm cho tâm an, có an không?

H: Không. Tôi không an, tôi cần sự trợ lực của Yoga.

M: Ông không thấy sự mâu thuẫn sao? Suốt nhiều năm ông tìm kiếm sự an tâm. Ông không thể tìm ra nó, vì một cái mà bản chất vốn dĩ bất an thì không thể nào an.

H: Có một sự cải thiện nào đó.

M: Sự an định mà ông tự cho là đã tìm được thì rất mong manh, bất cứ chuyện nhỏ nhặt nào cũng có thể làm nó tan vỡ. Cái mà ông gọi là an chẳng qua chỉ là sự nhiễu loạn đi vắng. Nó không đáng được gọi là an. Thật sự an thì không thể bị quấy nhiễu. Liệu ông có thể tự nhận là đã tìm được sự an tâm, bất khả xâm phạm?

H: Tôi đang phấn đấu.

M: Cả phấn đấu cũng là một hình thức bất an.

H: Vậy thì cái gì an?

M: Cái Ta không cần phải làm cho an. Nó chính là an, mà không phải cảm thấy an. Chỉ cái tâm là bất an. Tất cả những gì tâm biết là sự bất an, dưới vô số dạng thức và mức độ khác nhau. Những gì thích thú thì được cho là ưu việt và những gì gây đau khổ thì không được kể đến. Điều mà chúng ta gọi là tiến bộ chỉ là sự thay đổi từ trạng thái không vừa ý sang trạng thái vừa ý. Tự thân những cái thay đổi không thể đem chúng ta vào cái không thay đổi, vì bất cứ gì có sự khởi đầu đều có sự kết thúc. Cái thật thì không bắt đầu; nó chỉ tự hiển lộ là cái vô thủy vô chung, nó bao trùm lên tất cả, nó đầy quyền năng, là động lực đầu tiên nhưng bất động, và bất biến với thời gian.

H: Vậy một người phải làm gì?

M: Nhờ Yoga ông đã thu thập được kiến thức và kinh nghiệm. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng nó có lợi ích gì cho ông? Yoga có nghĩ là sự hợp nhất, là kết hợp. Ông đã tái hợp nhất với cái gì, và đã tái kết hợp với cái gì?

H: Tôi đang tìm cách tái kết hợp tính cách con người trở lại với cái Ta chơn thật.

M: Tính cách con người – Vyakti – chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Còn cái Ta – VyakTa – là nạn nhân của sự tưởng tượng này. Chính sự nhận lầm cái không phải ông là ông đã trói buộc ông. Không thể nói rằng con người tồn tại nhờ những thực trạng của chính nó; chính cái Ta tin rằng có một con người, và [cái ta] ý thức nó là con người đó. Bên ngoài cái Ta – VyakTa – là cái bất thị hiện – AvyakTa – tức là nguồn gốc phi nhân duyên của tất cả mọi sự vật. Thậm chí khi nói về sự tái hợp nhất của con người với cái Ta cũng không đúng bởi vì không hề có con người, mà chỉ có một hình ảnh của tâm được tạo ra bởi sự tin tưởng vào một thực tế sai lầm. Không có gì bị phân chia và do đó chẳng có gì để hợp nhất.

H: Yoga trợ giúp sự tìm kiếm và tìm ra cái Ta.

M: Ông có thể tìm ra cái ông đã mất. Nhưng ông không thể tìm ra cái ông chưa mất bao giờ.

H: Nếu chưa bao giờ làm mất thì lẽ ra tôi đã giác ngộ. Nhưng tôi có giác ngộ đâu. Tôi đang tìm kiếm. Thế không phải chính sự tìm kiếm của tôi là bằng chứng tôi đã làm mất một cái gì đó hay sao?

M: Nó chỉ cho thấy một điều là ông tin tưởng rằng ông đã làm mất. Nhưng ai là người tin? Và cái gì được tin là đã bị mất? Ông đã làm mất một người nào đó giống như chính ông? Thế ông đang tìm kiếm cái Ta nào? Hay, một cách chính xác là ông mong tìm được cái gì?

H: Sự hiểu biết chơn thật về cái Ta.

M: Sự hiểu biết chơn thật về cái Ta không phải là một kiến thức. Nó không phải là một cái gì đó ông có thể phát hiện bằng cách đi tìm, giáo giác khắp nơi. Không thể nào tìm ra nó trong không gian và thời gian. Kiến thức chỉ là một ký ức, một mô thức của ý nghĩ, một thói quen của tâm. Tất cả những cái đó được thúc giục bởi lạc thú và đau khổ. Chính vì bị dằn vặt bởi lạc thú và đau khổ mà ông đi tìm sự hiểu biết. Là chính mình thì hoàn toàn ở bên ngoài mọi sự thúc giục. Ông không thể là chính ông vì một lý do nào đó. Ông chính ông, và không lý do nào là cần thiết.

H: Bằng cách tu tập Yoga tôi sẽ tìm ra sự an lạc.

M: Liệu có thể nào sự an lạc tách rời khỏi chính ông? Ông nói từ kinh nghiệm của chính ông hay chỉ từ sách vở? Kiến thức sách vở của ông rất hữu ích để bắt đầu, nhưng cần phải mau chóng từ bỏ nó để trực tiếp chứng nghiệm, mà thực chất của sự chứng nghiệm đó thì bất khả diễn tả. Ngôn từ còn có thể được sử dụng để hủy diệt, ngôn từ tạo ra hình ảnh và cũng chính ngôn từ hủy diệt hình ảnh. Ông đưa đẩy ông đến trạng thái hiện nay qua lối tư duy bằng ngôn từ, ông phải thoát ra khỏi nó cũng bằng con đường mà ông đã đi vào.

H: Tôi đã đạt được một mức độ an lạc nội tâm. Tôi cũng phải hủy nó hay sao?

M: Cái gì đạt được thì có thể lại bị mất. Chỉ khi nào ông nhận ra sự an lạc chơn thật, sự an lạc mà ông chưa bao giờ mất thì sự an lạc đó sẽ ở với ông, vì nó đã chưa bao giờ lìa xa ông. Thay vì bỏ công tìm kiếm cái mà ông không có, hãy nhận ra cái mà ông chưa bao giờ mất. Cái luôn luôn có đó, trước sự khởi đầu và sau sự chấm dứt của tất cả mọi cái – cái bất sinh và bất tử. Trạng thái bất di bất dịch đó, không hề bị ảnh hưởng bởi sinh và tử của một cái thân, hay của một cái tâm. Ông phải nhận ra trạng thái đó.

H: Những phương tiện để đạt được nhận thức như thế là gì?

M: Trong cuộc sống, chẳng có gì có được mà không phải vượt qua chướng ngại. Những chướng ngại đối với sự nhận thức rõ ràng về sự hiện hữu chơn thật của chính mình là lòng ham muốn lạc thú và nỗi lo sợ đau khổ. Chính cái động cơ lạc thú và đau khổ là chướng ngại. Chính sự tự do không còn mọi thôi thúc – trạng thái trong đó không còn tham ái sinh khởi – là trạng thái tự nhiên.

H: Liệu từ  bỏ tham ái có cần đến thời gian?

M: Nếu ông giao phó nó cho thời gian thì phải cần đến hàng triệu năm. Từ bỏ hết tham ái này đến tham ái khác là một tiến trình dài lê thê mà chẳng bao giờ thấy được sự kết thúc. Cứ mặc kệ các tham ái và lo sợ của chính ông, dành tất cả sự chú ý cho chủ thể, tức kẻ ở đằng sau từng kinh nghiệm tham ái và lo sợ. Hãy hỏi: Ai tham ái? Hãy để từng tham ái đem ông trở lại với chính ông.

H: Nguồn gốc của tất cả tham ái và lo sợ là một: lòng mong cầu hạnh phúc.

M: Cái hạnh phúc mà ông có thể nghĩ tưởng đến và mong cầu đơn thuần chỉ là những thỏa mãn vật lý và tâm lý. Những lạc thú có tính cách cảm quan và tâm lý như thế không phải là hạnh phúc chơn thật và tuyệt đối.

H: Những lạc thú có tính cách cảm quan và tâm lý, cũng như cái cảm giác chung về sự bình an phát sinh từ sự khỏe mạnh của thân xác và tinh thần, chắc chắn là phải có nguồn gốc trong thực tại.

M: Nguồn gốc của chúng ở trong sự tưởng tượng. Một người được ai đó cho một hòn đá và bảo rằng đó là viên kim cương vô giá thì sẽ vô cùng sung sướng cho đến khi nhận ra sự lầm lẫn của chính mình; cũng như thế mọi lạc thú sẽ mất đi vị ngọt và đau khổ sẽ không còn cay đắng khi cái Ta được nhận ra. Cả lạc thú lẫn đau khổ đều được thấy như chính chúng là – những phản ứng có tính cách điều kiện, thuần phản ứng, chỉ là những lôi kéo và xô đẩy dựa trên ký ức, hay những nhận thức đã có từ trước. Thường thì lạc thú và đau khổ chỉ được kinh nghiệm khi nào chúng được mong đợi. Tất cả chỉ là sự tin tưởng và thói quen được huân tập.

H: Lạc thú có thể là tưởng tượng, nhưng đau khổ thì thực có.

M: Đau khổ và lạc thú luôn luôn đi cùng với nhau. Thoát ra khỏi một cái thì cũng có nghĩa là thoát ra khỏi cả hai. Nếu ông không màng đến lạc thú, thì ông chả sợ gì đau khổ. Nhưng có một thứ hạnh phúc không phải cả hai, mà hoàn toàn siêu vượt ra ngoài. Thứ hạnh phúc mà ông biết thì có thể diễn tả và đo lường được. Nó thuộc về khách quan giới, có thể nói như thế. Mà cái thuộc về khách quan giới thì không thể là của riêng ông. Đồng hóa chính mình với một cái gì đó ở bên ngoài là một sai lầm nghiêm trọng. Đào xới các tầng lớp của tâm chẳng đi đến đâu. Thực tại ở ngoài chủ quan giới lẫn khách quan giới, siêu vượt mọi tầng lớp của tâm, và mọi khác biệt. Một cách chắc chắn, thực tại không phải là nguyên thủy, cội nguồn hay gốc rễ của chúng. Chúng sinh khởi từ sự mê mờ thực tại, mà không phải từ chính thực tại, tức là cái không thể diễn tả, ở ngoài hiện hữu và phi hiện hữu.

H: Rất nhiều vị thầy bảo tôi theo đuổi và nghiên cứu các triết thuyết khác nhau, nhưng không ai đã cho tôi đúng cái tôi muốn.

M: Ham muốn tìm kiếm cái Ta sẽ được thực hiện, miễn là ông đừng vọng cầu bất cứ gì khác. Ông phải thành thật với chính ông và thực sự không mong cầu gì khác. Nếu hiện nay ông ham muốn nhiều thứ khác và mải mê theo đuổi chúng thì mục đích chính của ông sẽ bị trì hoãn cho đến khi ông trở nên khôn ngoan hơn và không còn bị giằng co giữa những thôi thúc đầy mâu thuẫn. Hãy đi vào, đừng để mất định hướng, đừng bao giờ nhìn ra.

H: Nhưng tham ái và lo sợ của tôi vẫn còn đó.

M: Chúng ở đâu nếu không phải trong ký ức của ông? Một khi nhận ra gốc rễ của chúng là ở trong sự mong cầu, do ký ức đẻ ra thì chúng sẽ thôi ám ảnh ông.

H: Tôi hiểu rất rõ rằng công tác xã hội là một việc làm không bao giờ kết thúc, vì tiến hóa và thoái hóa, tiến bộ và thoái bộ đi cùng với nhau. Chúng ta có thể thấy điều đó từ mọi góc cạnh, và trên mọi bình diện. Cái gì còn lại?

M: Bất cứ công việc nào ông đảm nhiệm – hãy làm xong. Đừng nhận thêm công việc nào mới, trừ khi được yêu cầu bởi một tình huống liên quan cụ thể đến đau khổ và làm dịu bớt đau khổ. Hãy tìm ra chính ông trước, vô số phước báu sẽ theo sau. Không có gì đem lại lợi lạc cho thế gian nhiều cho bằng sự từ bỏ mọi lợi lạc. Người nào không còn tư duy theo thói quen được và mất mới thật là người bất bạo động, vì đã ở ngoài mọi xung đột.

H: Đúng, tôi luôn luôn bị thu hút bởi ý tưởng Ahimsa – bất bạo động.

M: Trước tiên, Ahimsa có nghĩa: “đừng gây đau khổ.” Không phải làm điều thiện trước, mà trước tiên hãy ngừng gây đau khổ, đừng tạo thêm đau khổ. Ahimsa không phải là làm cho người khác hoan hỉ.

H: Tôi không nói đến chuyện làm cho người khác hoan hỉ, mà tôi hết lòng muốn giúp người khác.

M: Sự giúp duy nhất xứng đáng để đem cho là sự không cần phải giúp thêm. Sự giúp được lập lại thì không phải là giúp. Đừng nói đến chuyện cứu giúp một ai đó, nếu ông không đưa được người đó ra khỏi mọi sự cần cầu cứu giúp.

H: Làm sao có thể thoát ra khỏi mọi sự cần cầu? Một người có thể giúp được người khác như vậy sao?

M: Khi ông hiểu ra rằng tất cả mọi tồn tại – trong phân chia và hữu hạn – thì đầy đau khổ, và khi ông sẵn sàng và có thể sống một cách hợp nhất, trong tính một duy nhất với tất cả cuộc sống, như sự hiện hữu thuần túy, thì lúc đó ông vượt ra khỏi mọi sự cần giúp. Ông có thể giúp người khác bằng những lời chỉ giáo, những ví dụ, nhưng trên tất cả, bằng chính sự hiện hữu của ông. Ông không thể cho cái mà ông không có, và ông không có cái không phải là ông. Ông chỉ có thể cho cái ông là – và cái đó thì ông cho vô tận.

H: Nhưng liệu có thật là tất cả mọi tồn tại đều đau khổ?

M: Thế cái gì khác có thể là nguyên nhân của sự tìm cầu hạnh phúc có tính chung nhất cho mọi loài chúng sinh? Liệu một người hạnh phúc có còn đi tìm hạnh phúc? Con người chẳng bao giờ yên nghỉ, mà luôn luôn di chuyển. Đó là vì người ta đau khổ và tìm thuốc giảm đau trong lạc thú. Tất cả hạnh phúc mà con người có thể tưởng tượng được là ở trong sự bảo đảm cho lạc thú được tái diễn.

H: Nếu cái tôi là – con người mà tôi cho là tôi như hiện nay – không thể hạnh phúc, thì tôi phải làm gì?

M: Ông chỉ có thể chấm dứt hiện hữu – như ông có vẻ hiện hữu vào bây giờ. Chẳng có gì độc ác trong điều Ta nói. Đánh thức một người ra khỏi cơn ác mộng là từ bi. Ông tìm đến đây vì ông đau khổ, và tất cả những gì Ta có thể bảo ông là: thức tỉnh, biết chính ông, là chính ông. Sự chấm dứt của đau khổ không ở trong lạc thú. Khi nhận ra rằng ông ở ngoài đau khổ và lạc thú, xa lìa và bất khả xâm phạm thì lúc đó sự theo đuổi hạnh phúc mới ngừng, và kết quả là đau khổ cũng vậy. Vì đau khổ nhắm vào hạnh phúc và hạnh phúc chấm dứt trong đau khổ, luôn luôn là như thế.

H: Trong trạng thái tối thượng có thể nào không có hạnh phúc?

M: Cũng chẳng có đau khổ, mà chỉ có tự do. Hạnh phúc tùy thuộc vào một ai đó hay một cái gì đó thì có thể mất đi; tự do khỏi tất cả mọi thứ, không tùy thuộc vào bất cứ cái gì thì không thể mất đi. Tự do khỏi đau khổ thì không có nguyên nhân, và, do đó, không thể bị hủy diệt. Hãy nhận ra sự tự do đó.

H: Thế không phải tôi được sinh ra để chịu đau khổ do một kết quả từ quá khứ? Liệu có thể có tự do? Có thể nào tôi đã được sinh ra bởi ý muốn của chính tôi? Thế không phải tôi là một sinh vật được tạo ra?

M: Những gì được sinh ra và chết đi chỉ là sự bắt đầu và chấm dứt của một giòng diễn tiến các sự kiện trong ý thức. Chính vì cái ý tưởng phân chia và hữu hạn nên chúng mới đầy đau khổ. Một sự giảm đau nhất thời chúng ta gọi là lạc thú, chúng ta xây dựng lâu đài trong hư không với hy vọng an hưởng lạc thú bất tận mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Tất cả hoàn toàn là do hiểu lầm và lạm dụng. Hãy thức tỉnh, vượt ra ngoài, và sống thật.

H: Kiến thức của tôi thì hạn hẹp, còn sức lực thì chẳng có bao nhiêu.

M: Là nguồn gốc của cả hai, cái Ta ở ngoài cả tri kiến lẫn sức lực. Cái có thể quan sát được thì ở trong tâm. Bản chất của cái Ta là tánh biết thuần túy, nhân chứng thuần túy, không hề bị tác động bởi sự có mặt hay vắng mặt của tri kiến, hay sự hài lòng.

Hãy đặt sự hiện hữu của chính ông ở ngoài xác thân sinh tử này thì tất cả mọi vấn nạn của ông sẽ được giải quyết. Chúng tồn tại vì ông tin rằng ông được sinh ra để chết đi. Đừng tự lừa dối mình và hãy tự do. Ông không phải là một con người.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x