Trang chủ » Ta là cái đó [47 – 53] – Biết là tự do

Ta là cái đó [47 – 53] – Biết là tự do

by Hậu Học Văn
260 views

47. Quan sát tâm ông

Hỏi: Trong khi tìm kiếm cái thiết yếu một người nhận ra ngay mình không đủ khả năng, và thấy cần phải có người hướng dẫn hay một đạo sư. Điều này hàm ý một hình thức kỷ luật nào đó vì người môn đồ được mong đợi phải tin tưởng người hướng dẫn, và hoàn toàn làm theo sự khuyên bảo và chỉ giáo của người đó. Tuy nhiên những thúc bách và sức ép của xã hội quá lớn, những ham muốn và lo sợ cá nhân quá mạnh, nên yếu tố cần thiết cho sự tuân hành – tức là sự hồn nhiên của tâm và ý chí – không thể sẵn sàng. Làm thế nào để tạo được sự quân bình giữa sự cần thiết phải có một đạo sư, và sự khó khăn trong việc tuân theo vị đạo sư một cách hoàn toàn?

Maharaj: Cái gì được làm dưới sức ép của xã hội và hoàn cảnh thì không quan trọng lắm, vì nó gần như máy móc, và thuần phản ứng đối với các tác động. Chỉ cần điềm nhiên quan sát chính mình để tự tách ly với những gì đang xảy ra là đủ. Những hành động không chú ý, vô minh, có thể cộng thêm vào nghiệp của người tạo tác, ngoài ra thì chẳng có gì quan trọng. Vị đạo sư chỉ yêu cầu một điều duy nhất: sự trong sáng và tính mãnh liệt của mục đích, ý thức trách nhiệm với chính mình. Phải đặt câu hỏi về thực thể của thế giới. Xét cho cùng, ai là Đạo sư? Người nào chứng được cảnh giới trong đó không có thế giới mà cũng chẳng có ý tưởng về thế giới thì người đó là Vô Thượng Sư.

Tìm ra vị Đạo sư Vô thượng đó có nghĩa là đạt đến trạng thái trong đó tưởng tượng không còn bị ngộ nhận là thực tại. Xin hiểu cho rằng Đạo sư tiêu biểu cho thực tại, cho chân lý, cho hiện hữu. Đạo sư là người hiện thực trong ý nghĩa cao nhất của từ ngữ này. Đạo sư không thể và sẽ không chấp nhận tâm cùng những trò lừa gạt của nó. Đạo sư đến để đưa ông đến với cái thật, đừng mong đợi Đạo sư làm bất cứ gì khác.

Vị Đạo sư theo ý nghĩ của ông – tức là người cho ông kiến thức và chỉ thị – thì không phải là một chân sư. Chân sư là người biết cái thật, bên ngoài sự hào nhoáng của mọi hình tướng. Đối với chân sư thì những câu hỏi của ông về sự tuân hành và kỷ luật đều vô nghĩa, vì trong cái nhìn của chân sư con người mà ông cho là ông không tồn tại. Những câu hỏi của ông là về một con người không tồn tại. Cái gì tồn tại với ông thì không tồn tại với chân sư. Cái mà ông cho là đương nhiên thì chân sư phủ nhận hoàn toàn. Chân sư muốn ông thấy chính ông như chân sư thấy ông. Lúc đó ông chẳng cần đến một Đạo sư để vâng lời và đi theo, vì ông sẽ vâng lời và đi theo thực tại của chính ông. Hãy nhận ra rằng bất cứ gì ông nghĩ là ông chỉ là một giòng các sự kiện, và trong khi mọi thứ đang diễn ra, đến và đi, thì chỉ có ông hiện hữu – cái bất biến giữa những cái thay đổi, sự tự chứng trong số những suy diễn. Hãy tách cái được quan sát ra khỏi người quan sát, và từ bỏ những nhận dạng sai lầm.

H: Để tìm kiếm thực tại, một người cần phải loại bỏ các chướng ngại. Mặt khác, sự cần thiết phải sinh tồn trong một xã hội nhất định buộc một người phải làm và chịu đựng rất nhiều thứ. Liệu có cần phải bỏ cả nghề nghiệp và địa vị xã hội để tìm thực tại?

M: Cứ hành nghề của ông. Khi nào có chút rảnh rang, hãy nhìn vào trong. Điều quan trọng là đừng bỏ lỡ cơ hội khi nó tự hiện đến. Nếu nhiệt tình ông sẽ tận dụng trọn vẹn thời gian rảnh rỗi của ông. Thế là đủ.

H: Trong sự tìm kiếm cái thiết yếu và loại bỏ những cái không cần thiết, có một lĩnh vực nào cho sinh hoạt sáng tạo không? Chẳng hạn như tôi yêu hội họa. Dành thời gian rảnh rỗi để vẽ tranh có giúp gì cho tôi không?

M: Dù có phải làm bất cứ gì, hãy quan sát tâm ông. Ngoài ra, ông cũng phải có những lúc hoàn toàn an ổn và yên tĩnh bên trong, khi tâm ông hoàn toàn tĩnh lặng. Nếu ông không thấy điều đó thì ông không thấy tất cả. Nếu ông thấy, thì sự im lặng của tâm sẽ hòa tan và hóa giải tất cả những cái khác.

Khó khăn của ông là ông vừa muốn và vừa sợ thực tại. Ông sợ thực tại vì ông không biết nó. Ông cảm thấy an tâm với những cái quen thuộc tức là cái đã biết. Cái không biết thì không chắc chắn, và do đó nguy hiểm. Biết thực tại là ở với thực tại trong sự hài hòa. Trong sự hài hòa thì không có chỗ cho sợ hãi.

Một đứa trẻ biết thân xác của nó, nhưng nó không biết những khác biệt dựa trên thân xác. Nó chỉ biết và vui thích. Xét cho cùng, biết và vui thích là mục đích mà nó được sinh ra. Sự vui thích hiện hữu là hình thức đơn giản nhất của lòng yêu quý chính mình, mà sau này phát triển thành lòng yêu quý cái Ta. Hãy là một đứa trẻ mà không có gì xen vào giữa thân xác và cái Ta. Khi tiếng huyên náo không ngớt của đời sống tâm linh vắng bặt, và trong sự im lặng sâu thẳm, cái Ta ngắm nhìn thân xác. Đứa trẻ cũng giống như một tờ giấy trắng trên đó chưa viết gì. Hãy là đứa trẻ thơ đó, thay vì cứ loay hoay tìm cách là thế này hay thế nọ; hãy vui sướng hiện hữu. Ông sẽ là nhân chứng hoàn toàn tỉnh thức về phạm trù ý thức. Nhưng đừng để cảm thọ và ý nghĩ nào xen vào giữa ông và phạm trù.

H: Bằng lòng với sự hiện hữu thuần túy thì có vẻ như là một cách vị kỷ nhất để giết thời gian.

M: Một cách vị kỷ xứng đáng nhất! Bằng mọi cách hãy vị kỷ, hãy từ bỏ tất cả ngoại trừ cái Ta. Khi chỉ yêu cái Ta và ngoài ra không còn gì khác thì ông siêu vượt cái vị kỷ và vô vị kỷ. Mọi khác biệt không còn ý nghĩa. Tình yêu cái một và tình yêu tất cả hòa nhập với nhau trong tình yêu, thuần túy và chân phương, không dành riêng cho ai và cũng không từ chối một ai. Hãy ở trong tình yêu đó, đi sâu hơn nữa vào trong nó, tìm hiểu chính ông và yêu sự tìm hiểu thì không những ông giải quyết mọi phiền trược của riêng ông mà còn tất cả mọi phiền trược của nhân loại.

Ông sẽ biết phải làm gì. Đừng đặt những câu hỏi thiển cận, hãy chuyên tâm vào những cái căn bản, gốc gác sự hiện hữu của ông.

H: Có cách nào để tôi tăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp giác ngộ chính mình?

M: Dĩ nhiên là có.

H: Ai sẽ thực hiện sự tăng tiến này? Liệu ông sẽ làm điều đó giúp tôi?

M: Sự tăng tiến chẳng cần đến ông mà cũng không cần đến Ta. Nó sẽ tự xảy ra.

H: Việc tôi đến đây đã chứng tỏ điều đó. Có phải sự tăng tiến này là do thân cận với bậc thánh nhân? Khi rời khỏi đây lần trước, tôi hy vọng sẽ trở lại. Và tôi đã trở lại! Bây giờ tôi lại tiếc rằng mình chẳng còn bao lâu nữa phải trở về Anh.

M: Ông giống như một đứa trẻ sơ sinh. Trước khi được sinh ra nó đã có, nhưng nó không biết sự hiện hữu của chính nó. Khi nó được sinh ra thì một thế giới xuất hiện trong nó, cùng với ý thức về sự hiện hữu. Và bây giờ ông phải lớn lên trong ý thức, tất cả chỉ có thế. Đứa trẻ đó là ông vua của thế giới – khi lớn lên nó sẽ cai quản vương quốc của nó. Thử tưởng tượng khi còn thơ ấu nó bị một cơn bạo bệnh, nhưng được một thầy thuốc chữa khỏi. Liệu vị ấu vương này có được vương quốc là nhờ người thầy thuốc? Người thầy thuốc có thể chỉ là một trong những yếu tố góp phần. Còn rất nhiều yếu tố khác; tất cả đã góp phần. Nhưng yếu tố chính, yếu tố quyết định vẫn là sự sinh ra làm con một ông vua. Tương tự như thế, vị Đạo sư có thể trợ lực. Nhưng điều chính yếu là thực tại sẵn có bên trong. Thực tại sẽ tự khẳng định chính nó. Việc ông đến đây chắc chắn đã giúp ích ông. Đó không phải điều duy nhất sẽ giúp ông. Cái chính yếu là sự hiện hữu của ông. Sự tha thiết của ông đã chứng minh điều đó.

H: Theo đuổi một nghề nghiệp có phủ nhận sự tha thiết của tôi?

M: Ta đã bảo ông rồi. Chừng nào ông còn dành cho mình thật nhiều lúc an ổn thì ông vẫn có thể an toàn hành nghề cao quý của ông. Những lúc tĩnh lặng bên trong này chắc chắn sẽ hủy diệt mọi chướng ngại. Đừng hoài nghi sự hiệu nghiệm của nó. Cứ thử xem.

H: Tôi đã thử rồi!

M: Nhưng chưa bao giờ tin tưởng, chưa bao giờ kiên quyết. Nếu tin tưởng và kiên quyết thì ông đã không hỏi những câu như thế. Ông hỏi vì ông không tự tin. Ông không tự tin vì chẳng bao giờ ông chú ý đến chính ông, mà chỉ chú ý đến những kinh nghiệm của ông. Hãy quan tâm với chính ông ngoài mọi kinh nghiệm, hãy ở với chính ông, yêu quý chính ông; sự an toàn tối hậu chỉ được tìm thấy trong sự biết rõ chính mình. Điều quan trọng là sự tha thiết. Hãy thành thật với chính ông thì không có gì phản bội được ông. Đức hạnh và quyền năng chỉ là những đồng xu giả cho trẻ con chơi. Chúng hữu ích trong thế giới, nhưng không đem ông ra ngoài thế giới. Để đi ra ngoài, ông cần sự tỉnh thức bất động, sự chú ý trong im lặng.

H: Thể xác của một người lúc đó sẽ như thế nào?

M: Bao giờ còn khỏe mạnh thì ông còn sống.

H: Cuộc sống bất động bên trong này không ảnh hưởng đến sức khỏe?

M: Thân xác ông chỉ là thực phẩm chuyển hóa. Thức ăn của ông thế nào, thô hay tế, thì sức khỏe của ông thế ấy.

H: Chuyện gì sẽ xảy ra với bản năng tình dục? Làm sao có thể tiết chế được nó?

M: Tình dục chỉ là một thói quen được huân tập. Vượt ra khỏi nó. Chừng nào còn chú trọng đến thân xác thì ông còn ở trong sự kiềm tỏa của ăn uống và tình dục, sợ hãi và cái chết. Hãy tìm ra chính ông và giải thoát.

48. Biết là tự do

Hỏi: Tôi ở tịnh xá Sri Ramanashram đến. Tôi tu tập ở đó bảy tháng nay.

Maharaj: Lúc ở tịnh xá, ông đã thực hành những gì?

H: Tôi cố gắng tập trung vào câu “Ta là ai?”

M: Ông thực hành như thế nào? Niệm thành tiếng?

H: Vào những lúc rảnh rỗi trong ngày. Có khi tôi niệm thành tiếng “Ta là ai?” “Ta là, nhưng Ta là ai?” hoặc có khi tôi niệm thầm trong tâm. Thỉnh thoảng tôi vẫn có những cảm xúc dễ chịu, hoặc thể nhập vào những trạng thái an lạc trong tĩnh lặng. Về tổng thể, tôi tìm cách im lặng và cảm nhận, thay vì cố tìm kiếm kinh nghiệm.

M: Ông đã thật sự chứng nghiệm những gì khi ở trong chánh định?

H: Một cảm giác tĩnh lặng bên trong, an ổn và im lặng.

M: Thế ông có để ý thấy ông trở nên vô thức?

H: Có, thỉnh thoảng và tình trạng vô thức chỉ xảy ra rất ngắn. Ngoài ra, tôi ở trong trạng thái tĩnh lặng, bên ngoài lẫn bên trong.

M: Đó là loại tĩnh lặng gì? Một trạng thái giống như ngủ sâu những luôn biết, trạng thái ngủ tỉnh thức?

H: Vâng, ngủ tỉnh thức – Jagrit-Sushypti.

M: Điều chính yếu là không còn những cảm xúc tiêu cực – tham ái, lo sợ, vân vân, “sáu kẻ thù” của tâm. Một khi tâm không còn những cảm xúc như thế, những gì còn lại sẽ đến một cách dễ dàng. Cũng như quần áo ngâm trong nước xà phòng sẽ trở nên sạch thì tâm sẽ được thanh tẩy trong giòng cảm xúc thanh tịnh.

Khi ngồi tĩnh lặng và quan sát chính ông, đủ mọi thứ sẽ nổi lên trên bề mặt. Đừng động đến chúng, đừng phản ứng lại chúng; chúng tự đến và tự đi. Điều quan trọng nhất vẫn là sự tỉnh thức, hoàn toàn biết rõ chính Ta, hay đúng hơn là tâm ta.

H: Ông nói “chính ta” có nghĩa là cái ta hằng ngày?

M: Phải, con người, chỉ con người mới có thể quan sát được từ bên ngoài. Người quan sát ở bên ngoài sự quan sát. Cái có thể quan sát được thì không phải là cái Ta thật.

H: Bằng cách lùi lại liên tục, tôi luôn luôn có thể quan sát người quan sát.

M: Ông chỉ có thể quan sát sự quan sát, nhưng ông không thể quan sát người quan sát. Ông biết ông là người quan sát tối hậu bằng trực giác, chứ không phải thông qua một tiến trình lý luận dựa vào sự quan sát. Ông là cái ông là, nhưng ông chỉ biết cái mà ông không là. Cái Ta được biết như sự hiện hữu, cái không phải là Ta được biết như cái nhất thời. Nhưng trong thực tế tất cả đều ở trong tâm. Cái được quan sát, sự quan sát và người quan sát đều là những cơ cấu của tâm. Chỉ riêng cái Ta hiện hữu.

H: Tại sao tâm lại tạo ra những phân chia này?

M: Phân chia và phân biệt hóa đều thuộc về bản chất của tâm. Chẳng có gì tai hại trong sự phân chia. Nhưng sự tách biệt đi ngược lại với thực tế. Sự vật và con người khác nhau, nhưng không tách biệt nhau. Thiên nhiên là một, thực tại là một. Có những sự trái ngược nhưng không có sự chống đối.

H: Tôi nhận thấy về bản chất, tôi rất hiếu động. Ở đây tôi được khuyên là tránh hoạt động. Càng tìm cách bất động thì sự thôi thúc phải làm một cái gì đó lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Điều này không những làm tôi hiếu động bên ngoài, mà còn khiến tôi giằng co xung đột bên trong để là cái, mà theo bản chất, không phải là tôi. Có phương cách nào đối trị sự thôi thúc phải làm một việc gì đó?

M: Giữa làm việc và thuần hoạt động có một sự khác biệt. Toàn thể giới tự nhiên làm việc. Làm việc là tự nhiên, tự nhiên là làm việc. Trái lại, hoạt động dựa vào ước muốn và lo sợ, dựa vào sự mong muốn chiếm hữu và hưởng thụ, dựa vào nỗi lo sợ bị đau đớn và diệt vong. Làm việc là bởi tất cả cho tất cả, còn hoạt động là bởi chính mình và cho chính mình.

H: Có sự đối trị nào cho hoạt động?

M: Chỉ cần quan sát nó, và nó sẽ tự chấm dứt. Hãy vận dụng mọi cơ hội để tự nhắc nhớ rằng ông đang bị ràng buộc, rằng bất cứ gì xảy ra cho ông là vì có sự tồn tại thân xác của ông. Ước muốn, sợ hãi, phiền trược, sự vui sướng không thể xảy ra nếu không có ông để chúng xảy ra. Do đó, bất cứ gì xảy ra đều nhắm (point) vào sự tồn tại của ông như là một trung tâm nhận thức. Đừng bận tâm đến những vật nhắm (pointers), mà biết rõ chúng nhắm vào cái gì. Điều này rất đơn giản, nhưng cần phải thực hành. Điều quan trọng là sự kiên trì mà ông cần phải có để tiếp tục quay lại với chính ông.

H: Tôi vẫn thường rơi vào những trạng thái kỳ lạ của sự mất hút sâu thẳm trong chính mình, nhưng rất bất chợt và thoáng qua. Tôi không cho rằng mình có thể kiểm soát được những trạng thái như thế.

M: Thân là một vật thể và cần thời gian để thay đổi. Tâm chỉ là một tập hợp những thói quen tâm lý, cung cách tư duy và cảm thọ. Muốn thay đổi chúng thì phải đem chúng lên trên mặt và tìm hiểu. Điều này cũng cần đến thời gian. Chỉ cần cương quyết và kiên trì, những gì còn lại sẽ tự giải quyết.

H: Tôi hầu như biết rất rõ những gì cần phải làm, nhưng lại cảm thấy buồn chán rồi đi tìm sự bầu bạn với người khác, mà như thế thì uổng phí thời gian đáng lẽ ra phải dành cho sự độc cư và thiền định.

M: Cứ làm bất cứ gì ông thích. Đừng hành hạ chính ông! Bạo lực sẽ làm ông tàn nhẫn và chai đá. Đừng chống lại những gì ông cho là chướng ngại trên đường ông đi. Chỉ chú ý đến chúng, quan sát và tìm hiểu. Cứ để mọi chuyện xảy ra, dù tốt hay xấu. Nhưng đừng để những gì xảy ra nhận chìm ông.

H: Mục đích của sự thường xuyên nhắc nhớ chính mình là người quan sát là gì?

M: Tâm phải biết rằng bên ngoài cái tâm biến đổi là hậu cảnh của tánh biết bất biến. Tâm phải biết cái Ta thật, tôn trọng cái Ta thật, và chấm dứt che lấp cái Ta thật, như mặt trăng che lấp mặt trời trong thời gian nhật thực. Chỉ cần nhận ra rằng cái có thể quan sát được, kinh nghiệm được thì không thể là ông, hay ràng buộc được ông. Đừng để ý đến những gì không phải là ông.

H: Muốn làm những gì ông nói tôi phải thường xuyên biết.

M: Biết là tỉnh thức. Không biết có nghĩa là ngủ. Dù sao thì ông vẫn biết mà không cần phải cố gắng để biết. Điều ông cần là biết ông biết. Biết một cách chủ động và có ý thức, hãy mở rộng và đào sâu phạm trù của tánh biết. Ông luôn luôn có ý thức về tâm, nhưng ông không biết chính ông đang ý thức.

H: Theo chỗ tôi hiểu, ông minh định những ý nghĩa riêng biệt cho các từ ngữ “tâm”, “ý thức”, và “tánh biết”.

M: Hãy nhìn sự việc như thế này. Tâm không ngừng tạo ra ý nghĩ, ngay cả những khi ông không để ý đến chúng. Khi ông biết những gì đang diễn ra trong tâm, ông gọi đó là ý thức. Đây là trạng thái thức của ông – ý thức của ông di chuyển từ cảm thọ này sang cảm thọ khác, từ nhận thức này sang nhận thức khác, từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác trong một chuỗi diễn biến bất tận. Rồi đến tánh biết, tức là trực giác về toàn thể ý thức, tổng thể của tâm. Tâm cũng giống như một dòng sông, chảy không ngừng trong lòng thân xác; ông đồng hóa chính mình, trong một khoảnh khắc, với một gợn sóng riêng biệt nào đó, và gọi nó là: “ý nghĩ của tôi”. Tất cả những gì ông ý thức chính là tâm ông; tánh biết là sự biết rõ ý thức như một tổng thể.

H: Mọi người đều có ý thức, nhưng không phải ai cũng biết.

M: Đừng nói: “Mọi người đều có ý thức,” mà nói: “Có ý thức,” trong đó mọi cái xuất hiện và biến mất. Tâm của chúng ta chỉ là những đợt sóng trong đại dương ý thức. Là sóng thì chúng đến và đi. Là đại dương thì chúng bao là và vĩnh cửu. Hãy biết rõ chính ông là đại dương bao la và vĩnh cửu, cội nguồn của mọi sự sống. Dĩ nhiên những gì Ta nói chỉ là ẩn dụ. Thực tại ở ngoài mọi mô tả. Ông chỉ có thể biết nó bằng cách nó.

H: Liệu sự tìm kiếm thực tại có đáng để chuốc lấy phiền trược?

M: Không có thực tại thì tất cả đều là phiền trược. Nếu muốn sống một cách lành mạnh, sáng tạo vui sướng, và giầu có vô tận để chia sẻ thì hãy tìm cái ông là.

Trong khi tâm ở trong thân, và ý thức ở trong tâm, thì tánh biết hoàn toàn tự do. Thân có những đòi hỏi của thân, tâm có những đau khổ và lạc thú của tâm. Tánh biết thì vô tư và bất di bất dịch. Tánh biết thì linh hoạt, tĩnh lặng, an lạc, tỉnh thức và vô ưu, vô tham ái và vô úy. Hãy quán nó là chính sự hiện hữu đích thực của ông, và tìm cách là nó trong cuộc sống hàng ngày, rồi ông sẽ nhận ra tánh biết trong sự viên mãn của nó.

Tâm chú ý đến những gì xảy ra, còn tánh biết chú ý đến tâm. Đứa trẻ mải mê với món đồ chơi, bà mẹ chăm chú nhìn đứa con, mà không nhìn món đồ chơi.

Bằng cách quan sát không mệt mỏi, Ta trở nên hoàn toàn rỗng rang, và với sự rỗng rang đó tất cả đã trở lại với Ta, ngoại trừ tâm. Ta nhận ra mình đã đánh mất tâm vĩnh viễn.

H: Trong lúc đang nói chuyện với chúng tôi như bây giờ, ông vô thức?

M: Ta không ý thức mà cũng chẳng vô thức. Ta ở ngoài tâm cùng với vô số những trạng thái và điều kiện của nó. Mọi khác biệt đều do tâm tạo ra và chỉ áp dụng cho tâm. Ta là tự thân của Ý thức thuần túy, tánh biết nguyên vẹn của tất cả những gì hiện hữu. Ta ở trong trạng thái thật hơn trạng thái của ông. Ta không hề bị rối trí bởi những khác biệt và phân chia mà những khác biệt và phân chia đó cấu thành một con người. Bao giờ thân xác này còn thì nó vẫn có những nhu cầu như mọi thân xác khác, nhưng diễn tiến tâm lý của Ta đã chấm dứt.

H: Nhưng ông hành sử như một người suy nghĩ.

M: Tại sao lại không? Nhưng sự suy nghĩ của Ta, cũng như sự tiêu hóa, thì vô thức và có chủ đích.

H: Nếu sự suy nghĩ của ông là vô thức, làm sao ông biết điều ông suy nghĩ là đúng?

M: Khi không còn bị tham ái hay lo sợ ngăn trở thì cái gì có thể làm cho suy nghĩ sai lầm? Một khi đã biết rõ chính Ta và Ta có nghĩa là gì thì Ta không cần phải luôn luôn kiểm soát lại mình. Một khi biết rõ đồng hồ của ông luôn luôn chính xác, ông có do dự mỗi lần nhìn nó xem giờ.

H: Như ngay lúc này, ai nói nếu không phải là tâm?

M: Cái nghe câu hỏi, trả lời câu hỏi.

H: Nhưng là ai?

M: Không phải ai, mà cái. Dù Ta có vẻ là một người theo cái nhìn của ông, nhưng Ta không phải là con người theo nghĩa ông hiểu từ ngữ này. Ta là đại dương bao la của ý thức trong đó mọi cái xảy ra. Ta ở ngoài mọi sự tồn tại và nhận thức, Ta là sự an lạc thuần túy của hiện hữu. Ta không cảm thấy tách biệt với bất cứ gì, do đó Ta là tất cả. Không cái gì là Ta, vì vậy Ta không là cái gì cả.

Năng lượng duy nhất – làm cho lửa cháy, nước chảy, hạt giống nảy mầm và cây mọc – làm cho Ta trả lời các câu hỏi. Không có gì thuộc về con người là Ta dù cho ngôn ngữ và cách nói có vẻ như thuộc về con người. Con người là một tập hợp những mô thức của tham ái, ý nghĩ và hành động đưa đến hậu quả. Không có một mô thức như thế trong trường hợp của Ta. Ta không còn tham ái hay lo sợ thì làm sao có thể có một mô thức?

H: Nhưng ông không thể tránh khỏi cái chết?

M: Sự sống sẽ thoát ra, thân xác sẽ chết, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến Ta. Ta siêu vượt không gian và thời gian, không do tạo tác mà có và cũng không tạo tác, nhưng lại là chính cội nguồn của sự tồn tại.

H: Tôi xin phép hỏi ông đã đạt đến điều kiện hiện nay của ông như thế nào?

M: Tôn sư bảo Ta luôn luôn bám chặt vào ý thức “Ta hiện hữu” không được lơi lỏng dù chỉ trong giây lát. Ta cố gắng làm theo lời Tôn sư, và trong một thời gian tương đối ngắn Ta nhận ra trong chính Ta chân lý của sự chỉ giáo. Tất cả những gì Ta làm là thường xuyên nhớ nghĩ đến sự chỉ giáo, vẻ mặt và lời nói của Tôn sư. Quá trình này đã đoạn diệt tâm; trong sự tĩnh lặng của tâm, Ta đã thấy chính Ta như Ta – giải thoát.

H: Sự giác ngộ của ông là hốt nhiên hay lâu dần mà có?

M: Không phải cả hai. Ông là cái ông , không do thời gian mà có. Chính tâm nhận ra cái đó khi nó đã loại trừ tất cả tham ái và lo sợ.

H: Ngay cả ước muốn giải thoát?

M: Ước muốn đoạn trừ tất cả ước muốn là một ước muốn lạ lùng nhất, cũng như sự sợ hãi lo sợ là sự sợ hãi kỳ lạ nhất. Một cái không cho ông nắm bắt, và một cái không cho ông bỏ chạy. Ông có thể sử dụng cùng ngôn từ, nhưng trạng thái thì không giống nhau. Người đi tìm sự giải thoát thì không còn vướng mắc trong ước muốn, người ấy đi ngược với ước muốn, mà không đi cùng. Một sự mong muốn giải thoát chung chung mới chỉ là bước đầu, tìm ra phương pháp thích hợp và sử dụng là bước kế tiếp. Người đi tìm chỉ có một mục đích duy nhất trong tầm nhìn: tìm ra sự hiện hữu chân thật của chính mình. Trước các muốn đó là ước muốn đầy tham vọng nhất, vì không gì và không ai có thể thỏa mãn nó; người đi tìm và cái được tìm là một, chỉ riêng sự tìm kiếm mới quan trọng.

H: Sự tìm kiếm rồi sẽ kết thúc nhưng người tìm kiếm vẫn còn.

M: Không phải, người tìm kiếm sẽ biến mất, sự tìm kiếm vẫn còn. Sự tìm kiếm chính là thực tại tối hậu và phi thời.

H: Tìm kiếm có nghĩa là vắng thiếu, mong cầu, không trọn vẹn, và không toàn hảo.

M: Không phải, nó có nghĩa là phủ nhận và từ khước cái không trọn vẹn và cái không toàn hảo. Sự tìm kiếm thực tại chính nó là động thái của thực tại. Về một phương diện, tất cả mọi sự tìm kiếm đều vì hạnh phúc chơn thật, hay hạnh phúc của cái chơn thật. Nhưng ở đây chúng ta muốn nói tìm kiếm là tìm kiếm chính mình, nguồn gốc của ý thức, ánh sáng bên ngoài tâm. Sự tìm kiếm không bao giờ ngừng, vì vậy sự khao khát những cái khác phải chấm dứt thì sự tiến bộ thực sự mới có thể xảy ra.

Một người cần phải hiểu rằng sự tìm kiếm thực tại, hay Thượng đế, hay Đạo sư, và sự tìm kiếm cái Ta là một; khi một cái được tìm ra thì tất cả đều được tìm ra. Khi “Ta hiện hữu”, và “Thượng đế hiện hữu” không còn phân biệt được trong tâm ông thì một cái gì đó sẽ xảy ra và ông sẽ biết – không chút nghi hoặc – rằng Thượng đế hiện hữu vì ông hiện hữu, ông hiện hữu vì Thượng đế hiện hữu. Hai là một.

H: Tất cả đều do tiền định, vậy sự tự giác ngộ chính mình có do tiền định? Hay ít ra chúng ta cũng được tự do?

M: Định mệnh chỉ áp dụng cho danh xưng và hình tướng. Nếu ông không phải thân hay tâm thì định mệnh không thể khống chế được ông. Ông hoàn toàn tự do. Cái ly bị điều kiện hóa bởi hình dáng, vật liệu, sự sử dụng, vân vân, nhưng khoảng không trong cái ly thì hoàn toàn tự do. Khoảng không ngẫu nhiên ở trong cái ly chỉ khi nào nó được nhìn trong sự tương quan với cái ly, ngoài ra nó chỉ là khoảng không. Chừng nào còn có thân xác thì ông có vẻ là ở trong thân xác. Nếu không có thân xác thì không phải ông lìa khỏi thân xác, mà ông chỉ hiện hữu.

Ngay cả định mệnh cũng chỉ là một ý tưởng. Ngôn từ có thể được sắp xếp với nhau bằng rất nhiều cách. Những phát biểu thì khác nhau, nhưng liệu chúng có tạo rat hay đổi nào trong thực tế? Không biết bao lý thuyết đã được nghĩ ra để giải thích vạn vật – tất cả đều có vẻ hợp lý, nhưng chẳng lý thuyết nào là đúng thật. Khi lái một chiếc xe, ông bị chi phối bởi các định luật cơ học và hóa học, bước ra khỏi xe ông ở trong ảnh hưởng của các định luật sinh lý và sinh hóa.

H: Thiền là gì và những công năng của nó?

M: Đối với kẻ sơ cơ thì một số hình thức thiền nào đó, hoặc cầu nguyện đều có thể thích hợp. Còn đối với người đi tìm thực tại thì chỉ có một pháp thiền –  quyết liệt từ chối chứa chấp ý nghĩ. Vô niệm chính là thiền.

H: Làm thế nào để thực hành?

M: Ông bắt đầu bằng cách để cho các ý nghĩ tuôn chảy và quan sát chúng. Chính sự quan sát làm cho giòng tâm chảy chậm dần rồi hoàn toàn dừng lại. Một khi tâm yên tịnh, hãy duy trì sự yên tịnh đó. Đừng cảm thấy nhàm chán sự an ổn, hãy ở trong nó, và đi sâu hơn vào trong nó.

H: Tôi nghe nói về việc bám giữ vào một ý nghĩ để xua đuổi những ý nghĩ khác. Nhưng làm sao có thể xua đuổi tất cả ý nghĩ? Ý tưởng bám giữ vào một ý nghĩ chính nó cũng là một ý nghĩ.

M: Hãy thử nghiệm cách mới, đừng theo kinh nghiệm quá khứ. Quan sát các ý nghĩ của ông, và quan sát chính ông đang quan sát các ý nghĩ. Trạng thái vô niệm sẽ xảy ra một cách bất ngờ, và ông sẽ nhận ra nó nhờ sự an lạc của nó.

H: Ông không hề bận tâm đến tình hình hiện nay của thế giới? Hãy nhìn những cảnh kinh hoàng ở Đông Hồi[6]. Những cảnh đó không làm ông xúc động hay sao?

M: Ta đọc báo và biết chuyện gì đang xảy ra! Nhưng phản ứng của Ta không giống với phản ứng của ông. Ông tìm kiếm phương cách chữa trị, trong khi Ta quan tâm đến sự ngăn ngừa. Bao giờ còn có nguyên nhân thì chắc chắn phải có hậu quả. Bao giờ con người còn có khuynh hướng phân chia và tách biệt, bao giờ con người còn ích kỷ và gây hấn thì những cảnh như thế sẽ xảy ra. Nếu muốn hòa bình và hòa hợp trên thế giới thì con người phải có hòa bình và hòa hợp trong tâm thức và trái tim.

Một sự thay đổi như thế không thể áp đặt, mà phải đến từ bên trong. Những ai ghê tởm chiến tranh thì phải loại trừ chiến tranh ra khỏi thể chế của mình. Nếu không có con người hiếu hòa làm sao ông có thể có một thế giới hòa bình? Bao giờ con người còn như họ là thì thế giới phải như nó là. Ta đang làm phần mình để tìm cách giúp con người hiểu rằng chính họ là nguyên nhân duy nhất của mọi thống khổ mà họ đang gánh chịu. Theo nghĩa đó, Ta là một kẻ hữu ích. Nhưng cái Ta là trong chính Ta, trạng thái bình thường của Ta thì không thể được diễn tả theo ý thức và sự hữu ích có tính cách xã hội.

Ta có thể nói về nó, dùng đến các ẩn dụ hay ẩn ngôn, nhưng Ta biết rất rõ nó không phải là như thế. Không phải là nó không thể được kinh nghiệm. Nó chính là cái đang kinh nghiệm! Nhưng nó không thể được mô tả theo cách của tâm, nghĩa là phải phân chia và đối đãi để biết.

Thế giới cũng như một tờ giấy, và có một điều gì đó được đánh máy lên đó. Đọc và hiểu ý nghĩa của những gì được đánh máy thay đổi tùy theo từng người đọc; tờ giấy là yếu tố chung, luôn luôn hiện diện, nhưng hầu như không được biết đến. Khi lấy băng mực ra khỏi máy, hành vi đánh máy không để lại dấu vết nào trên mặt giấy. Tâm của Ta cũng thế – những cảm tưởng vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng không để lại dấu vết.

H: Vì sao ông ngồi đây tiếp chuyện những người đến gặp ông? Điều gì thúc đẩy ông?

M: Chẳng có gì thúc đẩy. Ông cho rằng Ta phải có một lý do nào đó. Ta không ngồi đây, mà cũng không nói chuyện, chẳng cần phải tìm kiếm nguyên do. Đừng lầm Ta với thân xác. Ta chẳng có việc gì để làm, nhiệm vụ nào để thi hành. Phần đó của Ta – ông có thể gọi là Thượng đế – chăm lo cho thế giới. Thế giới này của ông – cái thế giới rất cần được chăm sóc – đang sống và chuyển động trong tâm ông. Hãy vào sâu trong nó, ông sẽ tìm ra những câu trả lời, và chỉ ở trong đó mà thôi. Ông chờ mong những câu trả lời từ nơi nào khác đến? Liệu có gì tồn tại bên ngoài ý thức của ông?

H: Có thể có cái tồn tại mà chẳng cần tôi biết hay không biết.

M: Sự tồn tại đó là sự tồn tại gì? Liệu hiện hữu có thể tách rời khỏi biết? Tất cả hiện hữu, cũng như tất cả cái biết đều liên quan đến ông. Một vật hiện hữu bởi vì ông biết nó, hoặc trong kinh nghiệm của ông hoặc trong sự hiện hữu của ông. Thân và tâm ông tồn tại chừng nào mà ông còn tin như thế. Ngừng nghĩ rằng chúng là của ông thì chúng biến mất. Bằng mọi cách cứ để thân và tâm ông hành hoạt, nhưng đừng để chúng hạn chế ông. Nếu nhận ra những cái không toàn hảo, cứ tiếp tục chú ý đến chúng; chính sự chú ý của ông đối với chúng sẽ đặt trái tim và tâm thức của ông vào đúng chỗ.

H: Liệu tôi có thể chữa khỏi một căn bệnh hiểm nghèo chỉ bằng cách nhận biết nó?

M: Hãy nhận biết tổng thể của nó, chứ không phải là những triệu chứng bên ngoài. Mọi bệnh tật đều sinh khởi từ tâm. Điều trị tâm trước bằng cách nhận dạng và loại trừ tất cả những ý nghĩ và cảm xúc sai lầm. Tiếp tục sống và làm việc bất kể bệnh tật, đừng bận tâm đến nó. Một khi đã loại trừ được nguyên nhân thì hậu quả chắc chắn sẽ ra đi.

Người ta trở thành cái mà họ tin rằng họ là. Hãy từ bỏ tất cả ý nghĩ về chính ông, và ông sẽ nhận ra ông chính là nhân chứng thuần túy, ở bên ngoài tất cả những gì có thể xảy ra với thân hay tâm.

H: Nếu tôi trở thành bất cứ gì tôi nghĩ chính tôi là, và tôi nghĩ rằng tôi là Thực tại Tối thượng, như thế không phải Thực tại Tối thượng của tôi cũng chỉ là một ý tưởng?

M: Cứ đạt đến trạng thái đó đi, rồi hãy đặt câu hỏi.

49. Tâm tạo ra bất an

Hỏi: Nhiều người đến gặp ông để vấn giáo. Làm sao ông biết cách trả lời?

Maharaj: Ta nghe câu hỏi thế nào, thì Ta nghe câu trả lời cũng như thế.

H: Làm sao ông biết câu trả lời của ông là đúng?

M: Một khi đã biết được nguồn gốc thật sự của những câu trả lời, Ta chẳng còn nghi hoặc chúng. Từ cội nguồn thanh tịnh chỉ có nước thanh tịnh chảy ra. Ta không quan tâm đến tham ái và lo sợ của người hỏi. Ta tương hợp với sự kiện thực tế, chứ không tương hợp với ý tưởng. Con người nhận danh xưng và hình tướng làm chính mình, còn Ta không nhận cái gì là chính Ta. Nếu Ta nghĩ mình là thân xác được biết đến bằng một danh xưng thì Ta không thể trả lời các câu hỏi của ông. Nếu Ta xem ông đơn thuần chỉ là một thân xác thì những câu trả lời của Ta chẳng lợi lạc gì cho ông. Không một chân sư nào chìm đắm trong ý tưởng. Chân sư thấy sự vật như chính chúng là và chỉ cho người khác thấy chúng như chính chúng là.

Nếu ông cho người hỏi là cái mà họ nghĩ họ là thì ông chỉ làm hại họ, như họ vẫn luôn luôn tự làm hại họ một cách nghiêm trọng. Nhưng nếu ông thấy họ như họ là trong thực tế, thì điều này sẽ đem lại cho họ rất nhiều lợi lạc. Nếu họ nhờ ông chỉ cho họ cái gì phải làm, phương pháp nào phải thực hành, lối sống nào phải theo, thì chỉ trả lời: Chẳng làm gì cả, mà chỉ hiện hữu. Trong hiện hữu tất cả xảy ra một cách tự nhiên.

H: Tôi nhận thấy trong khi nói, ông dùng các tự ngữ “tự nhiên” và “ngẫu nhiên” một cách lẫn lộn. Theo tôi ý nghĩa của hai từ ngữ này khác nhau rất xa. Cái tự nhiên thì ổn định, và theo luật, một người có thể tin tưởng cái tự nhiên. Cái ngẫu nhiên thì hỗn loạn, bất ngờ và không thể đoán trước. Một người có thể giải thích một cách hợp lý rằng mọi cái đều tự nhiên, và theo luật thiên nhiên, còn bảo rằng mọi cái đều là ngẫu nhiên, không có nguyên nhân thì chắc chắn là cường điệu.

M: Nếu Ta dùng chữ “tự sinh khởi” thay cho “ngẫu nhiên” thì chắc ông vừa ý?

H: Ông có thể dùng chữ “tự sinh khởi” hay “tự nhiên” để đối lại với “ngẫu nhiên”. Trong cái ngẫu nhiên có yếu tố bất ổn, và hỗn loạn. Một sự ngẫu nhiên luôn luôn là một sự vi luật, một ngoại lệ, một ngạc nhiên.

M: Thế không phải chính cuộc đời là một chuỗi những ngạc nhiên?

H: Trong tự nhiên có sự hài hòa. Cái ngẫu nhiên là một sự hỗn loạn.

M: Ông nói như một con người, giới hạn trong thời gian và không gian, thu hẹp trong nội dung của một cái thân và một cái tâm. Cái gì thích thì ông gọi là “tự nhiên,” cái không thích ông gọi là “ngẫu nhiên”.

H: Tôi thích cái tự nhiên, cái tuân theo luật pháp, cái được mong đợi, và tôi sợ cái vi luật, cái mất trật tự, cái bất ngờ, cái vô nghĩa. Cái ngẫu nhiên thì hoàn toàn vô lý. Có thể có những cái gọi là “ngẫu nhiên may mắn” nhưng chúng chỉ chứng tỏ quy luật: không thể có sự sống trong một vũ trụ chỉ có những ngẫu nhiên.

M: Ta nhận thấy có sự hiểu lầm. Ta muốn nói rằng ngẫu nhiên có nghĩa là một cái gì đó mà không một quy luật được biết nào có thể áp dụng đối với nó. Khi bảo rằng mọi thứ đều ngẫu nhiên, không do nhân duyên mà có, Ta chỉ muốn nói rằng các nguyên nhân và quy luật mà theo đó chúng ta vận hành đều ở ngoài sự hiểu biết, và ngay cả sự tưởng tượng của chúng ta. Nếu ông gọi cái mà ông cho là ổn định, hài hòa, có thể đoán biết được là tự nhiên, thì cái gì tuân theo những quy luật cao hơn, và được vận hành bởi những năng lực cao hơn có thể được gọi là tự sinh khởi. Như thế chúng ta có hai sự ổn định tự nhiên: cái thuộc về nhân cách, có thể đoán biết được, và cái phi nhân cách, hay siêu nhân, không thể đoán biết được. Cứ gọi đó là tự nhiên thấp hơn và tự nhiên cao hơn, và quẳng đi từ ngữ ngẫu nhiên. Khi ông trưởng thành trong kiến thức và sự sáng suốt, ranh giới giữa cái tự nhiên thấp hơn và tự nhiên cao hơn dần dần biến mất, nhưng cả hai vẫn còn cho đến khi được thấy là một. Vì, thật là kỳ lạ, mọi cái đều không thể giải thích được!

H: Khoa học giải thích rất nhiều.

M: Khoa học liên quan với danh xưng và hình tướng, khối lượng và chất lượng, mô thức và định luật; nó hoàn toàn đúng trong vị trí của nó. Nhưng cuộc sống phải được sống, không có thời gian để phân tích. Phản ứng phải là tức thời, do đó cái tự sinh khởi và vô thời là thiết yếu. Chúng ta sống và di chuyển trong cái không biết. Cái biết là quá khứ.

H: Tôi chỉ có thể căn cứ vào cái mà tôi nhận thấy tôi là. Tôi là một cá nhân, một con người trong số những con người. Một số người có thể trở nên hội nhập và hòa hợp, còn một số thì không. Có người sống thản nhiên, phản ứng tức thời và chính xác đối với từng tình huống, đánh giá đúng sự cần thiết vào đúng lúc; có người vụng về, sai lầm và thường gây phiền trược cho chính mình. Những người thích ứng để hòa hợp có thể được gọi là tự nhiên, và bị chi phối bởi luật pháp, còn những người không hội nhập thì gây rối và bị chi phối bởi những tình cờ ngẫu nhiên.

M: Ngay chính cái ý tưởng về sự hỗn loạn đã bao hàm ý nghĩa của sự ổn định, có tổ chức và tương quan qua lại. Hỗn loạn và hài hòa – không phải chúng là hai khía cạnh của cùng một trạng thái?

H: Nhưng hình như ông nói rằng tất cả đều hỗn loạn, ngẫu nhiên và không thể đoán trước.

M: Đúng, theo nghĩa không phải tất cả những quy luật của hiện hữu là có thể biết được, và không phải tất cả sự kiện đều có thể đoán trước được. Ông càng hiểu rõ thì vũ trụ càng trở nên mãn nguyện, về mặt cảm xúc lẫn tâm lý. Thực tại thì tốt và đẹp, chúng ta tạo ra sự hỗn loạn.

H: Nếu ông muốn nói chính ý chí tự do của con người tạo ra những cái tình cờ ngẫu nhiên thì tôi đồng ý. Nhưng chúng ta chưa bàn đến ý chí tự do.

M: Sự ổn định của ông là cái cho ông lạc thú, và sự bất ổn là cái cho ông đau khổ.

H: Ông có thể nói như thế, nhưng đừng bảo tôi rằng hai cái là một. Hãy nói với tôi bằng ngôn ngữ của chính tôi – ngôn ngữ của một cá nhân tìm kiếm hạnh phúc. Tôi không muốn bị lừa phỉnh bằng những biện thuyết bất nhị.

M: Điều gì khiến ông tin rằng ông là một cá nhân riêng biệt.

H: Tôi hành xử như một cá nhân. Tôi hành hoạt do chính tôi. Tôi nghĩ đến tôi trước tiên, và mọi cái khác chỉ là tương thuộc với tôi. Nói tóm lại, tôi bận rộn với chính tôi.

M: Tốt, cứ tiếp tục bận rộn với chính ông. Thế ông đến đây về việc gì?

H: Việc làm tôi an tâm và hạnh phúc lâu nay. Phải thú thật là tôi không thành công lắm. Tôi không an ổn mà cũng chẳng hạnh phúc. Vì thế, tôi đến đây. Nơi này mới đối với tôi, còn lý do tôi đến đây thì rất cũ: Tìm kiếm hạnh phúc an ổn, sự an ổn hạnh phúc. Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy. Liệu ông có thể giúp tôi?

M: Cái chưa bao giờ mất thì không bao giờ có thể tìm ra. Chính sự tìm kiếm an vui làm cho ông xa lìa sự an vui. Không tìm thì không mất. Căn bệnh rất đơn giản và cách trị liệu cũng đơn giản như thế. Chính tâm ông làm cho ông cảm thấy bất an và bất hạnh. Sự mong chờ khiến ông bất an, ký ức làm cho ông bất hạnh. Đừng dụng tâm sai lầm thì kết quả sẽ tốt đẹp với ông. Ông không cần phải tu sửa tâm, mà chính tâm tự tu sửa miễn là ông buông bỏ tất cả mọi lo âu với quá khứ và tương lai, sống trọn vẹn trong cái bây giờ.

H: Nhưng cái bây giờ không có phương vị. Tôi sẽ không là ai cả, không là gì cả!

M: Đúng thế. Vì không là gì cả và không là ai cả nên ông an ổn và hạnh phúc. Ông có thể chứng nghiệm những gì mà ông hỏi. Cứ thử xem.

Nhưng hãy trở lại với cái ngẫu nhiên và cái tự sinh khởi, hay tự nhiên. Ông bảo tự nhiên thì ổn định còn ngẫu nhiên là một dấu hiệu của sự hỗn loạn. Ta phủ nhận sự khác biệt và bảo rằng chúng ta gọi một sự kiện là ngẫu nhiên khi không thể truy tìm những nguyên nhân tạo ra nó. Trong cái tự nhiên không có chỗ cho hỗn loạn. Chỉ trong tâm con người mới có hỗn loạn. Tâm không nắm bắt được cái tổng thể – tầm thấy của nó quá thiển cận. Tâm chỉ thấy những cái manh múm rời rạc và không thể nhận thức toàn thể bức tranh. Cũng như một người nghe tiếng nhưng không hiểu ngôn ngữ của người nói, nên quy kết cho người nói là huyên thuyên vô nghĩa, và hoàn toàn sai lầm. Những gì nghe như một chuỗi âm thanh hỗn loạn với người này thì lại là một bài thơ tuyệt tác đối với người khác.

Vua Jataka có lần chiêm bao thấy mình là một kẻ ăn mày. Khi tỉnh giấc vua hỏi Đạo sư Vasishta: Ta là một ông vua chiêm bao thấy mình là kẻ ăn mày, hay là một kẻ ăn mày chiêm bao thấy mình làm vua? Vị đạo sư trả lời: Ngài không phải cả hai, mà là cả hai. Ngài là, bởi vì ngài hành xử một cách tương ứng; ngài không là vì điều đó không lâu dài. Liệu ngài có thể mãi mãi là một ông vua hay một kẻ ăn mày? Tất cả đều thay đổi. Ngài là cái không thay đổi. Vậy ngài là cái gì? Vua Jataka đáp: Phải, Ta không phải là vua mà cũng chẳng phải là kẻ ăn mày, Ta là nhân chứng vô tư. Vị Đạo sư bảo: Còn một ảo tưởng cuối cùng – ngài cho mình là người giác ngộ, khác biệt với người thường và cao siêu hơn người thường.

Một lần nữa ông lại đồng hóa mình với tâm, trong trường hợp này là một cái tâm đạo đức và có thể là gương mẫu về mọi phương diện. Bao giờ còn thấy có sự khác biệt dù chỉ là nhỏ nhoi thì ông còn xa lạ với thực tại. Ông đang ở trên bình diện của tâm. Khi nào cái “Ta là chính ta” ra đi, thì cái “Ta là tất cả” đến. Khi cái “Ta là tất cả” đi, cái “Ta là” đến. Khi ngay cả cái “Ta là” ra đi, thì chỉ riêng thực tại , và trong đó mỗi một cái “Ta là” đều được gìn giữ và tôn vinh. Đa dạng nhưng không tách biệt là cái tối hậu mà tâm có thể chạm đến. Bên ngoài cái đó mọi hoạt động chấm dứt, vì trong đó mọi cứu cánh đã đạt được và mọi mục đích đã hoàn thành.

H: Một khi đã đạt được Trạng thái Tối hậu có thể nào chia sẻ nó với người khác?

M: Trạng thái Tối hậu là cái chung, ở đây và bây giờ, trong đó mọi người đều đã chia sẻ. Nó là trạng thái của hiện hữu – biết và thích. Ai mà không thích hiện hữu, hay không biết sự tồn tại của chính mình? Nhưng chúng ta không biết lợi dụng niềm vui sướng vì biết này, chúng ta không vào sâu trong nó và thanh lọc tất cả những gì không thuộc về nó. Công việc tự thanh lọc nội tâm, tẩy uế cái Psyche này là vô cùng thiết yếu. Cũng như một hạt bụi lọt vào mắt làm cho mắt sưng lên và xóa nhòa cả thế giới, thì cái ý tưởng sai lầm “Ta là thân-tâm” là nguyên nhân của lòng vị kỷ, và ngăn che vũ trụ. Chống lại với ý thức cho rằng mình là một con người hữu hạn và riêng biệt chỉ là chuyện vô ích, nếu mọi gốc rễ của nó không được đánh bật lên và phơi bày. Lòng vị kỷ bám rễ trong những ý tưởng sai lầm về chính mình. Làm cho tâm trong sáng chính là Yoga.

50. Biết rõ chính mình là nhân chứng

Hỏi: Ông có bảo rằng tôi có thể được xét dưới ba phương diện: Nhân – Vyakti, Siêu nhân – VyakTa, và Phi-nhân – AvyakTa. Phi-nhân là vũ trụ và cái “Ta” thật thuần túy; siêu-nhân là ảnh phản chiếu của cái “Ta” thật thuần túy trong ý thức, thành cái “Ta hiện hữu”; nhân – con người – là tổng thể các diễn tiến vật lý và sinh lực. Trong giới hạn nhỏ hẹp của khoảnh khắc hiện tại, cái siêu nhân biết con người – cả trong không gian và thời gian – không phải chỉ một con người, mà là một chuỗi dài những con người được xâu kết với nhau bởi sợi dây nghiệp. Nhân chứng cũng như sự tích lũy của những kinh nghiệm đã được huân tập, nền tảng của ký ức, và sự nối kết – Sutratma – đều vô cùng thiết yếu. Cá tính con người là do cuộc sống tạo nên và định hình từ kiếp này sang kiếp khác. Vũ trụ ở ngoài mọi danh xưng và hình tướng, bên ngoài ý thức và cá tính; vũ trụ là sự hiện hữu của ý thức vô ngã thuần túy. Tôi lập lại quan điểm của ông có đúng không?

Maharaj: Trên bình diện của tâm thì đúng. Bên ngoài tâm ngôn từ không thể áp dụng.

H: Tôi hiểu được rằng con người chỉ là một cơ cấu tâm lý, một danh từ tập thể để chỉ một tập hợp các ký ức và thói quen. Còn kẻ biết con người, tức là trung tâm nhân chứng, cũng thuộc về tâm?

M: Con người cần một chỗ dựa, một thân xác để đồng hóa với, cũng như mầu sắc cần một bề mặt để xuất hiện trên đó. Hành vi thấy mầu sắc không tùy thuộc mầu sắc – nó luôn luôn như thế đối với mọi mầu sắc. Một người cần có mắt để thấy mầu sắc. Mầu sắc có nhiều nhưng mắt thấy chỉ có một. Phi nhân cũng giống như ánh sáng trong mầu sắc và trong mắt thấy, đơn giản, duy nhất, không thể phân chia và không thể nhận thức được, ngoại trừ qua những thể hiện của nó. Không phải là không thể biết, mà không thể nhận thức được, không thể xác minh, và không thể tách rời. Không phải vật mà cũng không phải tâm, không phải khách quan mà cũng không phải chủ quan; nó là gốc rễ của vật và cội nguồn của ý thức. Vượt ngoài sinh tử, nó là Sự sống dung nhiếp tất cả, và loại trừ tất cả, trong nó sinh tức tử và tử tức sinh.

H: Cái Tuyệt đối hay Sự sống mà ông nói là chơn thật, hay chỉ là một lý thuyết thuần túy để che đậy sự vô minh của con người?

M: Cả hai. Đối với tâm nó là một lý thuyết; trong chính nó thì nó là thực tại. Nó chính là thực tại trong sự loại trừ cái giả một cách tự phát và rốt ráo. Ánh sáng hủy diệt bóng tối bằng chính sự hiện diện của nó, cái tuyệt đối hủy diệt cái tưởng tượng cũng như thế. Thấy được tất cả kiến thức chỉ là một hình thức của vô minh thì chính đó là một động thái của thực tại. Nhân chứng không phải là một con người. Con người xuất hiện khi có một chỗ dựa cho nó – một cơ thể, một thân xác. Trong con người cái tuyệt đối được phản ánh như tánh biết. Thấy biết thuần túy trở nên thấy biết chính mình.

Khi có cái Ta, thấy biết cái Ta chính là hành vi nhân chứng. Khi không có cái Ta để chứng kiến thì cũng không có hành vi nhân chứng. Tất cả rất đơn giản, chỉ có sự có mặt của con người là tạo ra phức tạp. Thấy được không có gì là một con người riêng biệt một cách thường hằng thì tất cả trở nên rõ ràng. Tánh biết – tâm – vật, là một thực tại duy nhất gồm hai phương diện động và tịnh, và ba thuộc tính: Quán tính, năng lượng và sự hòa hợp.

H: Cái gì có trước – ý thức hay tánh biết?

M: Tánh biết trở thành ý thức khi nó có một đối tượng. Đối tượng luôn luôn thay đổi. Trong ý thức có sự chuyển động, còn tự thân tánh biết thì bất khả chuyển động và vô thời, ở đây và bây giờ.

H: Ngay lúc này đau khổ và máu đang đổ ở Đông Hồi. Ông nhìn sự kiện ra sao? Nó xuất hiện như thế nào đối với ông, phản ứng của ông ra sao?

M: Trong ý thức thuần túy không có gì từng xảy ra.

H: Xin vui lòng bước xuống từ những đỉnh cao siêu hình! Nói cho một con người đang đau khổ biết rằng không ai biết đến sự đau khổ của hắn ngoại trừ chính hắn, thì có ích lợi gì? Quy kết mọi chuyện là ảo tưởng là một sỉ nhục cộng thêm vào nỗi đau đớn. Một người Bengali ở Đông Hồi là một thực tế và nỗi đau khổ của hắn cũng là một thực tế. Xin đừng phân tích rằng những thực tế đó không tồn tại! Ông đọc báo, ông nghe người ta nói về điều đó. Ông không thể viện dẫn vô minh. Sao, ông có thái độ nào về những gì đang xảy ra?

M: Không có thái độ. Chẳng có gì đang xảy ra.

H: Ngày nào cũng có bạo loạn xảy ra trước mặt ông, người ta chém giết lẫn nhau. Chắc chắn ông không thể bảo rằng chẳng có gì xảy ra và giữ thái độ xa lánh.

M: Ta chưa bao giờ bảo phải xa lánh. Ông có thể thấy Ta xông vào giữa cuộc chém giết để cứu một người nào đó và bị giết chết. Nhưng với Ta không có gì xảy ra.

Thử tưởng tượng một tòa nhà xập xuống. Một số phòng trong đó bị hư hại, một số còn nguyên. Nhưng liệu ông có thể nói rằng khoảng không bị hư hại hay còn nguyên? Chỉ có cấu trúc là bị thiệt hại và những ai tình cờ ở trong đó. Chẳng có gì xảy ra với khoảng không. Tương tự như thế, chẳng có gì xảy ra đối với sự sống khi hình tướng bị hư hoại và danh xưng bị tẩy xóa. Người thợ bạc nấu chảy các món trang sức để làm ra cái mới. Đôi khi món trang sức đẹp bị nấu lẫn với món trang sức xấu, nhưng người thợ bạc vẫn thản nhiên làm việc vì biết vàng chẳng mất đi đâu.

H: Tôi không chống lại cái chết, nhưng cách chết.

M: Cái chết thì tự nhiên, còn cách chết thì do con người gây ra. Phân chia tạo ra sợ hãi và xung đột, mà xung đột lại tạo ra bạo lực. Hãy từ bỏ mọi phân chia do con người tạo ra thì tất cả những kinh hoàng do con người sát hại lẫn nhau chắc chắn sẽ chấm dứt. Trong thực tại không có sự giết hại và cũng không có sự chết. Cái thật không chết, cái hư giả chưa sống bao giờ. Hãy điều tâm ông ngay thẳng thì tất cả sẽ ngay thẳng. Khi biết được rằng thế giới là một, nhân loại là một ông sẽ hành động một cách thích hợp. Nhưng trước tiên, hãy quan tâm đến cách ông suy nghĩ, cảm thọ và sống. Nếu không có ổn định trong ông, không thể nào có ổn định ngoài thế giới.

Trong thực tại không có gì xảy ra. Trên màn ảnh tâm, định mệnh không ngừng phóng chiếu lên đó những hình ảnh của chính nó, cùng với ký ức của những lần phóng chiếu trước kia, và như thế ảo ảnh không ngừng đổi mới chính nó. Các hình ảnh xuất hiện rồi biến đi – ánh sáng bị ngăn che bởi vô minh. Hãy nhìn thấy ánh sáng và đừng để ý đến hình ảnh.

H: Thật là một cách nhìn chai đá về sự vật! Người ta chém giết lẫn nhau, còn ông ngồi đây nói chuyện phim ảnh.

M: Bằng mọi cách hãy xông vào để được giết, nếu đó là điều ông nghĩ ông phải làm. Hay, thậm chí nhúng tay vào cuộc chém giết, nếu ông cho đó là nhiệm vụ của ông. Nhưng đó không phải là cách chấm dứt sự tàn ác. Tàn ác là sự hôi thối của một cái tâm bệnh hoạn. Hãy tu sửa lại tâm để nó không còn phóng chiếu những hình ảnh méo mó và xấu xa.

H: Tôi hiểu được những gì ông nói, nhưng về cảm xúc thì tôi không thể chấp nhận. Cái nhân sinh quan thuần lý tưởng này làm cho tôi vô cùng ghê tởm. Tôi không thể nào nghĩ rằng chính tôi thường xuyên ở trong trạng thái chiêm bao.

M: Làm sao ông có thể thường xuyên chỉ ở trong một trạng thái được tạo ra bởi một thân xác vô thường? Sự hiểu biết sai lầm dựa vào ý tưởng ông là thân xác. Hãy xem xét cái ý tưởng đó, thấy được những mâu thuẫn nội tại của nó. Hãy nhận ra sự tồn tại hiện nay của ông giống như một trận mưa các đốm sáng, mỗi đốm sáng kéo dài khoảng vài giây, và trận mưa thì chừng vài phút. Chắc chắn cái gì mà sự khởi đầu của nó cũng là sự kết thúc thì không có khoảng giữa. Ông hãy cẩn ngôn. Thực tại không thể là nhất thời. Thực tại là vô thời, và sự vô thời không phải là một khoảng thời gian.

H: Đành rằng thế giới trong đó tôi sống không phải là thế giới thật. Có một thế giới thật nhưng hình ảnh của nó mà tôi thấy thì méo mó. Sự méo mó có thể là do khuyết tật trong tâm hay thân của tôi. Nhưng khi nghe ông nói không hề có thế giới thật mà chỉ có một thế giới mộng huyễn trong tâm tôi, thì tôi không thể chấp nhận. Tôi ước gì có thể tin được rằng tất cả những nỗi kinh hoàng của cuộc sống là do tôi có một thân xác. Tự sát có thể là một lối thoát.

M: Chừng nào ông còn bận tâm đến ý tưởng – của chính ông hay của người khác – ông còn gặp phiền trược. Nếu ông không để ý đến giáo huấn, kinh điển, hay bất cứ gì được thể hiện bằng ngôn từ, mà lặn thật sâu vào trong ông để tìm chính ông, chỉ riêng điều này sẽ giải quyết tất cả mọi phiền trược của ông, và ông sẽ làm chủ mọi tình huống, vì ông không còn bị khống chế bởi những ý tưởng của ông về tình huống.

Để ví dụ, ông gần gũi với một cô gái thật hấp dẫn. Ông khởi sinh ý nghĩ về cô gái và tạo nên một tình huống về tình dục. Một vấn đề phát sinh và ông bắt đầu tìm kiếm sách vở về sự tiết dục, hay hưởng dục. Nếu là trẻ con thì cả ông và cô gái kia có thể trần truồng vui đùa với nhau mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Chỉ cần chấm dứt nghĩ rằng ông là thân xác thì mọi vấn đề về tình yêu và tình dục sẽ chẳng còn ý nghĩa. Một khi tất cả những ý thức về sự hữu hạn không còn thì mọi sợ hãi, đau khổ và mong cầu lạc thú đều chấm dứt. Lúc đó chỉ tánh biết còn lại.

51. Hãy thản nhiên với đau khổ và lạc thú

Hỏi: Tôi là một người Pháp sinh ra và sống ở Pháp, tôi thực hành Yoga trong khoảng mười năm nay.

Maharaj: Sau mười năm thực hành ông có đến gần hơn với mục đích của ông?

H: Gần hơn một chút, có thể là như thế. Đây là một công việc khó khăn, chắc ông cũng biết.

M: Cái Ta thì kề cận và con đường đưa đến nó thật dễ dàng. Tất cả những gì ông cần làm là đừng làm gì cả.

H: Nhưng tôi lại thấy sự tu tập thật khó khăn.

M: Sự tu tập của ông là chỉ hiện hữu. Sự làm tự xảy ra. Chỉ chú ý. Đâu là sự khó khăn để nhớ rằng ông hiện hữu? Ông luôn luôn hiện hữu.

H: Ý thức hiện hữu luôn luôn có đó – chẳng có gì nghi hoặc. Nhưng phạm trù của sự chú ý thường bị tràn ngập bởi đủ loại tướng trạng tâm lý – cảm xúc, hình ảnh và ý tưởng. Ý thức hiện hữu thuần túy thường xuyên bị nhiễu loạn xâm chiếm.

M: Ông loại trừ những thứ không cần thiết ra khỏi tâm như thế nào? Ông có những phương cách, phương tiện nào để thanh tẩy tâm?

H: Tận căn bản, con người luôn luôn sợ hãi. Con người sợ chính mình nhất. Tôi có cảm tưởng mình như một kẻ đang ôm một quả bom có thể phát nổ vào bất cứ lúc nào. Hắn không thể tháo gỡ ngòi nổ của quả bom và cũng không thể quẳng nó đi. Hắn vô cùng sợ hãi, và cuống cuồng tìm kiếm một giải pháp mà hắn không thể tìm ra. Đối với tôi giải thoát có nghĩa là loại bỏ được quả bom này. Tôi không biết nhiều về quả bom. Tôi chỉ biết rằng nó xuất hiện từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ sợ hãi và cuống cuồng chống lại việc nó không được yêu. Đứa trẻ khao khát tình yêu, và vì không được đáp lại, nó sợ hãi và giận dữ. Có khi tôi cảm thấy muốn giết người, hay tự sát. Ước muốn này mãnh liệt đến nỗi tôi luôn luôn sợ hãi, nhưng không biết làm sao thoát khỏi nó.

Như ông thấy, có một sự khác biệt giữa một cái tâm Ấn giáo và một cái tâm Âu châu. Cái tâm Ấn giáo tương đối đơn giản. Người Âu châu là một sinh vật phức tạp hơn nhiều. Người Ấn giáo có bản chất hài hòa hơn. Người Ấn không hiểu được trăn trở của người Âu châu, và sự theo đuổi miệt mài những gì mà họ nghĩ cần phải thực hiện, và mở rộng kiến thức tổng quát của họ.

M: Khả năng lý luận của người Âu châu tài giỏi đến độ họ có thể lý luận chính mình ra khỏi tất cả mọi lý luận! Thái độ tự khẳng định của họ là do họ hoàn toàn tùy thuộc vào luận lý.

H: Tư duy, lý luận là trạng thái bình thường của tâm. Tâm không thể ngưng làm việc.

M: Đó là một trạng thái có tính cách thói quen, nhưng không nhất thiết phải là một trạng thái bình thường. Một trạng thái bình thường thì không thể đau đớn, còn thói quen sai lầm thường đưa đến những đau đớn kinh niên.

H: Nếu nó không phải là trạng thái tự nhiên, hay bình thường của tâm, vậy làm sao chấm dứt nó? Phải có một phương cách để làm cho tâm tĩnh lặng. Không biết bao nhiêu lần tôi tự bảo mình: đủ rồi, làm ơn chấm dứt, lải nhải những câu như thế này là đủ rồi! Nhưng tâm tôi không dừng lại. Tôi cảm thấy có thể làm cho tâm dừng lại một lúc, nhưng không được lâu. Ngay cả những người được gọi là “tâm linh” cũng dùng những xảo thuật để làm cho tâm tĩnh lặng. Họ lập đi lập lại các công thức, họ hát, cầu nguyện, thở mạnh hay nhẹ, lắc, quay, tập trung, thiền, chạy theo những trạng thái xuất thần, tu tập công hạnh – họ làm việc không ngừng để ngừng làm việc, ngừng theo đuổi, ngừng chuyển động. Nếu những gì họ làm không mang tính bi kịch, thì cũng khôi hài.

M: Tâm tồn tại trong hai trạng thái: Như nước và như mật. Nước rất dễ bị giao động, chỉ cần một xáo trộn nhỏ; còn mật trở nên bất động rất nhanh dù có bị khuấy động đến đâu.

H: Do bản chất của nó, tâm không bao giờ an. Nó có thể được làm cho an, nhưng tự nó thì không an.

M: Có thể là bệnh sốt kinh niên làm cho ông luôn luôn run rẩy. Chính tham ái và lo sợ làm cho tâm ông bất an. Không còn các cảm xúc tiêu cực thì tâm an.

H: Ông không thể bảo vệ trẻ con khỏi những cảm xúc tiêu cực. Ngay khi được sinh ra nó đã học được sự đau khổ và sợ hãi. Cái đói là một ông thầy tàn nhẫn, dạy nó bài học về sự tùy thuộc và thù ghét. Đứa trẻ yêu mẹ nó vì bà cho nó ăn, và ghét mẹ nó vì bà chậm trễ làm thức ăn cho nó. Cái tâm vô thức của chúng ta đầy những xung đột, và những xung đột đó tràn vào ý thức. Chúng ta sống trên một núi lửa, chúng ta luôn luôn đối diện với nguy hiểm. Tôi đồng ý rằng sự thân cận với những người có tâm an lạc sẽ đem lại những ảnh hưởng dễ chịu, nhưng ngay khi xa họ thì những phiền trược cũ lại tái phát. Đây là lý do vì sao tôi đến Ấn Độ thường kỳ để được thân cận với Đạo sư của tôi.

M: Ông nghĩ là ông đến và đi, trải qua nhiều trạng thái và tướng trạng khác nhau. Ta thấy sự vật như chúng là: những sự kiện thoáng qua phô diễn trước Ta trong một chuỗi các diễn tiến di chuyển nhanh chóng; chúng có được hiện hữu là do Ta, nhưng chắc chắn chúng không phải là Ta hay của Ta. Ta không phải là một trong số các hiện tượng, mà cũng không hề bị chi phối bởi một hiện tượng nào. Ta bất tùy thuộc một cách hồn nhiên và hoàn toàn đến nỗi tâm ông – một cái tâm đã quen với đối kháng và từ chối – không thể nắm bắt được. Ta muốn nói một cách bộc bạch rằng: Ta không cần đối kháng, hay phủ nhận, vì rõ ràng là Ta không thể là cái đối nghịch hay sự phủ nhận của bất cứ cái gì. Ta ở ngoài tất cả, trong một cảnh giới hoàn toàn khác biệt. Đừng tìm Ta trong sự đồng hóa với, hay đối nghịch với một cái gì đó. Ta ở chỗ không hề có tham ái hay lo sợ. Còn kinh nghiệm của ông thế nào? Ông cũng cảm thấy mình hoàn toàn xa lìa với tất cả những cái vô thường?

H: Có, thỉnh thoảng. Nhưng ngay lập tức một cảm giác nguy hiểm ập đến, tôi cảm thấy bị cô lập, ở ngoài mọi quan hệ với tha nhân. Ông thấy đấy, đây là sự khác biệt trong cơ cấu tâm lý của chúng ta. Với người Ấn, cảm xúc theo sau suy nghĩ. Cho người Ấn một ý tưởng thì cảm xúc của họ khởi sinh. Với người Tây phương thì ngược lại, hãy cho họ một cảm xúc, họ sẽ tạo nên một ý tưởng. Những ý tưởng của ông rất hấp dẫn về phương diện tri thức, nhưng về mặt cảm xúc thì tôi không đáp ứng được.

M: Hãy đặt tri thức sang một bên. Đừng sử dụng nó trong những vấn đề như thế này.

H: Một sự chỉ giáo mà tôi không thực hiện được thì có ích gì? Những gì ông nói đều là ý tưởng, và ông muốn tôi phản ứng một cách xúc cảm với những ý tưởng, vì nếu không có xúc cảm thì không thể có hành động.

M: Vì sao ông lại nói đến hành động? Có bao giờ ông hành động? Có một năng lực không biết được và năng lực đó hành động nhưng ông tưởng rằng ông hành động. Ông chỉ quan sát những gì đang xảy ra, mà không thể ảnh hưởng đến chúng bằng bất cứ cách nào.

H: Tại sao trong tôi có sự chống đối quyết liệt để chấp nhận rằng tôi không thể làm gì cả?

M: Nhưng ông làm được gì? Ông như một bệnh nhân được bác sĩ gây mê để thực hiện một cuộc giải phẫu. Khi tỉnh lại và nhận ra cuộc giải phẫu hoàn tất, liệu ông có thể bảo rằng ông vừa làm một cái gì đó?

H: Nhưng tôi là người lựa chọn sự giải phẫu.

M: Chắc chắn không phải ông. Một bên là căn bệnh của ông và một bên là áp lực của bác sĩ và gia đình ông buộc ông quyết định. Ông không có sự lựa chọn nào cả, mà chỉ có ảo tưởng về một sự lựa chọn.

H: Nhưng tôi cảm thấy mình không đến nỗi vô tư lực như ông cho rằng tôi có vẻ như thế. Tôi cảm thấy mình có thể làm bất cứ gì mà tôi có thể nghĩ được, chỉ có điều là tôi không biết cách làm. Cái tôi thiếu không phải là năng lực, mà là sự hiểu biết.

M: Không biết được phương tiện thì cũng tệ hại như không có năng lực! Nhưng hãy tạm gác lại đề tài này; xét cho cùng điều chúng ta cảm thấy vô tư lực thì chẳng có gì quan trọng, miễn là chúng ta thấy rõ rằng hiện nay chúng ta vô tư lực.

Năm nay 74 tuổi, nhưng Ta vẫn cảm thấy là một đứa trẻ thơ. Ta nhận thấy rõ ràng Ta vẫn là một đứa trẻ bất kể mọi đổi thay. Tôn sư đã bảo: Đứa trẻ thơ đó, bây giờ vẫn là ông, là cái Ta thật của chính ông – Swarupa. Hãy trở về với trạng thái hiện hữu thuần túy đó, khi cái “Ta là” vẫn còn trong sự tinh khiết của nó, chưa bị nhiễm ô bởi những cái “Ta là thế này,” “Ta là thế nọ.” Phiền trược của ông là những nhận diện sai lầm về chính ông, hãy buông bỏ tất cả chúng. Tôn sư bảo Ta: “Hãy tin Ta. Ta cho ông biết ông là siêu phàm. Hãy xem đó là chân lý tuyệt đối. Cái vui của ông cũng siêu phàm, và sự đau khổ của ông cũng siêu phàm. Tất cả đều từ Thượng đế mà ra. Luôn luôn nhớ điều đó.

Ông là Thượng đế, chỉ ý chí của ông mới được thực hiện.” Ta hoàn toàn tin tưởng Tôn sư và chẳng bao lâu nhận ra lời ngài nói là chơn thật và chính xác một cách mầu nhiệm làm sao. Ta không tự điều kiện hóa tâm bằng cách nghĩ: “Ta là Thượng đế, Ta mầu nhiệm, Ta siêu việt.” Ta chỉ làm theo sự chỉ dạy của Tôn sư là đặt sự chú ý của tâm vào sự hiện hữu thuần túy “Ta là,” và an trú trong đó. Ta vẫn thường ngồi hàng giờ, chỉ với cái “Ta hiện hữu” trong tâm mà không có gì khác xen vào, chẳng bao lâu an lạc và một tình yêu trùm khắp trở thành trạng thái bình thường của Ta. Trong đó tất cả – chính Ta, Tôn sư, cuộc đời mà Ta sống, thế giới quanh Ta – đều tan biến. Chỉ còn an lạc và sự im lặng không đáy.

H: Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng thật ra không phải thế. Có những lúc một trạng thái tuyệt vời của sự an lạc bừng nở trong tôi, tôi quan sát và tự nhủ: nó đến thật dễ dàng làm sao, nó có vẻ vô cùng thân mật làm sao, nó thật trọn vẹn là của tôi. Việc gì phải khó nhọc tìm kiếm một trạng thái kề cận đến như thế trong tay? Lần này, chắc chắn nó đến để ở lại. Nhưng chẳng bao lâu nó hoàn toàn tan biến và để lại trong tôi sự thắc mắc – liệu đó là hương vị của thực tại hay lại là một cơn mất trí. Nếu là thực tại thì tại sao nó ra đi? Có lẽ là cần phải có một kinh nghiệm độc nhất nào đó để chuyển tôi vĩnh viễn sang trạng thái mới, và cho đến khi cái kinh nghiệm có tính cách quyết định đó xảy ra thì trò chơi trốn tìm này vẫn còn tiếp tục.

M: Mong đợi một cái gì độc nhất và gây ấn tượng sâu sắc, một sự bùng nổ kỳ diệu nào đó, chỉ là một chướng ngại và trì hoãn sự giác ngộ chính mình của ông. Ông không cần phải mong đợi một sự bùng nổ, vì nó đã xảy ra – ngay vào lúc ông chào đời, ngay khi ông nhận ra chính ông hiện-hữu-biết-cảm-thọ. Ông chỉ phạm một sai lầm duy nhất: Ông cho cái bên trong ông là bên ngoài, còn cái bên ngoài thì ông lại cho là bên trong ông. Tâm và các cảm thọ đều là bên ngoài, nhưng ông lại cho chúng là thân thiết. Ông tin thế giới là khách quan, trong khi nó hoàn toàn chỉ là một phóng ảnh của tâm ông. Đó là sự nhầm lẫn căn bản, và không một vụ bùng nổ mới nào có thể cải sửa được. Ông phải tư duy chính ông ra khỏi sự lầm lẫn đó. Ngoài ra không còn cách nào khác.

H: Làm sao tôi có thể tư duy chính tôi ra khỏi sự lầm lẫn khi ý nghĩ của tôi đến và đi một cách tùy tiện. Chúng không ngớt lải nhải làm cho tôi phân tâm và tổn sức.

M: Quan sát các ý nghĩ của ông giống như ông quan sát sự lưu thông trên đường phố. Người ta đến và đi, ông cứ việc ghi nhận nhưng đừng phản ứng. Lúc đầu thì không dễ, nhưng chỉ cần thực hành một thời gian ông sẽ nhận ra rằng tâm ông có thể hành hoạt trên nhiều giai tầng khác nhau cùng một lúc, và ông có thể biết rõ tất cả. Chỉ khi nào ông quan tâm nhất định đến một giai tầng thì bấy giờ sự chú ý của ông mới vướng mắc trong đó, và ông không còn biết gì về những giai tầng khác. Mặc dù vậy công việc ở những giai tầng bị mất đi sự chú ý của ông vẫn tiếp tục tiến hành, bên ngoài phạm trù ý thức.

Đừng đánh vật với ký ức và ý nghĩ của ông mà tìm cách duy trì trong phạm trù chú ý của ông những câu hỏi khác, quan trọng hơn, như “Ta là ai?” “Ta đã ngẫu nhiên được sinh ra như thế nào?” “Cái vũ trụ quanh Ta này từ đâu đến?” “Cái gì thật và cái gì vô thường?” Ký ức sẽ không còn bám víu dai dẳng nếu ông không còn quan tâm đến nó; chính sự xúc cảm dây dưa làm cho sự ràng buộc giai dẳng. Ông luôn luôn đuổi theo lạc thú và tránh né đau khổ, luôn luôn tìm kiếm an lạc. Ông không thấy rằng chính sự đi tìm hạnh phúc làm cho ông khổ sở?

Thử cách khác: thản nhiên với đau khổ và lạc thú, không van xin mà cũng không từ chối, dồn tất cả chú ý của ông vào giai tầng mà trong đó cái “Ta là” hiện hữu phi thời. Chẳng bao lâu ông sẽ nhận ra rằng an lạc và hạnh phúc ở ngay trong bản tánh của ông, chính sự tìm kiếm chúng qua những kênh luồng nào đó mới gây ra phiền nhiễu. Tránh phiền nhiễu, thế là đủ. Không cần phải tìm kiếm, ông không cần phải tìm cái ông đã có. Ông chính là Thượng đế, là Thực tại Tối thượng.

Để khởi sự, hãy tin Ta, tin vị Đạo sư. Lòng tin giúp ông thực hiện bước đầu tiên – và sau đó chính kinh nghiệm sẽ biện minh cho sự tin tưởng của ông. Trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc đời, sự tin tưởng ban đầu là thiết yếu, nếu không có nó thì chẳng làm được gì nhiều. Mọi công cuộc kinh doanh đều là hành vi tin tưởng. Ngay cả bánh mì ông ăn, ông ăn với sự tin tưởng. Bằng cách nhớ những gì Ta bảo thì ông sẽ đạt được bất cứ gì. Một lần nữa Ta nhắc lại: Ông là thực tại trùm khắp tất cả và siêu vượt tất cả. Hãy hành xử một cách tương xứng: suy nghĩ, cảm họ và hành động một cách hài hòa với toàn thể, chẳng bao lâu ông sẽ chứng nghiệm những gì Ta nói. Chẳng cố gắng nào là cần thiết. Chỉ cần tin tưởng và hành động trên sự tin tưởng.

Nên hiểu rằng Ta chẳng mong cầu điều gì nơi ông. Chính vì sự lợi lạc của chính ông mà Ta nói, vì trên tất cả ông yêu quý chính ông, ông muốn ông an ổn và hạnh phúc. Đừng xấu hổ vì điều đó, đừng chối bỏ điều đó. Yêu quý chính mình là điều tự nhiên và tốt đẹp. Chỉ có điều ông phải biết chính xác cái ông yêu quý. Cái ông yêu quý không phải là thân xác, mà là Sự sống – nhận thức, cảm thọ, tư duy, hành động, yêu, phấn đấu, sáng tạo. Sự sống mà ông yêu chính ông, là tất cả. Hãy nhận ra nó trong sự toàn vẹn của nó, ngoài tất cả phân chia và hữu hạn; tất cả ước muốn của ông sẽ hòa nhập trong đó, vì cái lớn hơn dung chứa cái nhỏ hơn. Vì thế, hãy tìm ra chính ông, vì tìm ra ông tức là tìm ra tất cả.

Mọi người đều vui mừng vì hiện hữu, nhưng chẳng mấy ai biết được sự viên mãn của nó. Ông sẽ biết được điều đó bằng cách an trú trong tâm với cái “Ta hiện hữu”, “Ta biết,” “Ta yêu” với quyết tâm đạt đến ý nghĩa thâm sâu nhất của những từ ngữ này.

H: Liệu tôi có thể nghĩ “Ta là Thượng đế?”

M: Đừng đồng hóa ông với một ý nghĩ. Nếu ông muốn nói Thượng đế là Cái Không Biết, thì chỉ cần nói: “Ta không biết Ta là cái gì.” Nếu ông biết Thượng đế như ông biết cái Ta của ông, thì ông không cần phải nói điều đó. Tốt nhất vẫn là nhận thức “Ta hiện hữu.” Hãy kiên trì ở với nó. Kiên trì ở đây chính là trí tuệ, đừng nghĩ đến thất bại. Trong cuộc kinh doanh này không hề có thất bại.

H: Nhưng ý nghĩ của tôi không để tôi làm chuyện đó.

M: Đừng để ý. Đừng xua đuổi chúng. Đừng làm gì với chúng, cứ mặc kệ chúng, dù chúng là bất cứ gì. Chính sự xua đuổi của ông tạo cho chúng sự sống. Chỉ cần đừng quan tâm. Hãy nhìn xuyên suốt. Luôn luôn ghi nhớ: “Bất cứ gì xảy ra – xảy ra vì Ta hiện hữu. Tất cả chỉ để nhắc nhở rằng ông hiện hữu. Hãy tận dụng thực tế: muốn kinh nghiệm thì ông phải hiện hữu. Ông không cần phải ngừng suy nghĩ. Mà chỉ cần ngừng quan tâm. Chính sự không quan tâm giải thoát ông. Đừng bám giữ, thế là đủ. Thế giới được làm bằng những chiếc vòng. Tất cả những cái móc là của ông. Hãy duỗi những cái móc của ông thẳng ra thì không gì có thể cầm giữ được ông. Hãy từ bỏ mọi sự lệ thuộc thì không còn gì nữa để từ bỏ. Hãy từ bỏ tập quán chiếm hữu, thói quen tìm cầu kết quả, vì tự do của vũ trụ là của ông. Đừng cố gắng.

H: Sống là cố gắng. Có rất nhiều điều phải làm.

M: Cái gì cần làm thì cứ làm. Đừng cưỡng lại. Sự quân bình của ông phải năng động, dựa vào sự thực hiện những điều đúng, từ lúc này sang lúc khác. Đừng làm một đứa trẻ không muốn trưởng thành. Những cử chỉ và điệu bộ rặp khuôn sẽ chẳng giúp gì ông. Trông cậy hoàn toàn vào sự trong sáng của ý nghĩ, sự trong sạch của động cơ thúc đẩy, và sự chính trực của hành động. Ông không thể nào đi sai đường. Hãy vượt ra ngoài và để lại tất cả phía sau.

H: Nhưng liệu có gì có thể tồn tại mãi mãi?

M: Ông muốn một cái gì đó giống như trạng thái xuất thần suốt ngày đêm. Những trạng thái xuất thần đến rồi đi một cách cần thiết, vì bộ óc con người không thể chịu đựng căng thẳng trong một thời gian dài. Một trạng thái xuất thần kéo dài sẽ đốt cháy não bộ, trừ khi trạng thái đó cực kỳ thanh tịnh và vi tế. Trong thiên nhiên, không có gì đứng yên, mọi thứ đều rung động, xuất hiện và biến mất. Trái tim, hơi thở, sự tiêu hóa, ngủ và thức, sinh và tử – tất cả đều đến và đi như những đợt sóng. Các thái cực thay phiên nhau một cách nhịp nhàng, định kỳ và hài hòa là một quy luật tất yếu. Nổi loạn chống lại mô thức của sự sống là vô ích. Nếu ông muốn tìm cái bất biến, hãy vượt ra ngoài kinh nghiệm.

Khi Ta bảo: “Luôn luôn nhớ cái “Ta hiện hữu” thì điều này có nghĩa là: trở lại với nó nhiều lần.” Không một ý nghĩ đặc thù nào có thể là trạng thái tự nhiên của tâm, mà chỉ có sự im lặng. Không phải ý tưởng về sự im lặng, mà chính sự im lặng. Khi tâm ở trong trạng thái tự nhiên, nó trở lại với sự im lặng một cách tự sinh khởi sau mỗi kinh nghiệm, hay đúng hơn là mọi kinh nghiệm đều xảy ra trước một hậu cảnh im lặng.

Những gì ông vừa học được ở đây đã trở thành chủng tử. Ông có thể quên đi, hiển nhiên là như thế. Nhưng chủng tử đó vẫn sống, và vào đúng thời vụ nó sẽ đâm chồi, mọc lên và đơm hoa kết trái. Tất cả sẽ tự xảy ra. Ông không cần làm gì cả, chỉ đừng ngăn trở nó.

52. Cảm thấy hạnh phúc và đem lại hạnh phúc là nhịp điệu của tình yêu

Hỏi: Tôi từ Âu châu sang đây mấy tháng nay theo định kỳ để gặp Đạo sư của tôi ở gần CalcutTa. Hiện tôi đang trên đường về lại Âu châu. Một người bạn rủ tôi đến gặp ông và tôi vui mừng đã đến đây.

Maharaj: Ông đã học được những gì ở Đạo sư của ông, ông hành theo pháp gì?

H: Đạo sư của tôi là một đại đức năm nay khoảng tám mươi tuổi. Về triết lý, ngài là một người theo trường phái Vệ đà – Vedantin, và phương pháp ngài chỉ giáo có liên quan rất nhiều đến sự khơi dậy những năng lực vô thức của tâm, và đem những chướng ngại và bế tắc bị che giấu vào ý thức. Phương pháp tu tập riêng cho tôi có liên hệ với vấn đề cá nhân mà tôi đã gặp trong thời thơ ấu và niên thiếu.

Mẹ tôi đã không cho tôi được cái cảm giác an ổn và yêu thương – là những gì rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của một đứa trẻ. Bà thường xuyên lo âu, loạn trí, không biết rõ cả chính mình, và không phải là một phụ nữ thích hợp để làm mẹ. Đối với bà tôi là một trách nhiệm và là một gánh nặng ngoài sức chịu đựng. Bà không bao giờ muốn tôi được sinh ra, bà không muốn tôi trưởng thành và phát triển, bà muốn tôi trở lại trong bụng bà, chưa bao giờ được sinh ra và chưa bao giờ tồn tại. Bà chống lại mọi động thái của sự sống trong tôi, bà chống đối kịch liệt bất cứ cố gắng nào vượt ra khỏi cái vòng nhỏ hẹp của sự tồn tại quen thuộc của bà.

Khi còn trẻ thơ, tôi vừa nhạy cảm vừa tình cảm. Tôi khao khát tình yêu trên tất cả mọi thứ, và tình yêu, tình yêu chân phương và mang tính bản năng của một người mẹ dành cho con thì tôi đã không bao giờ có được. Sự tìm kiếm người mẹ của đứa trẻ thơ đã trở thành sự thôi thúc chủ yếu của đời tôi, và tôi vẫn chưa bao giờ vượt ra khỏi nó để trưởng thành. Một đứa trẻ hạnh phúc, một thời thơ ấu hạnh phúc trở thành nỗi ám ảnh trong tôi.

Mang thai, sinh sản, trẻ thơ là những gì tôi quan tâm tha thiết. Tôi trở thành một bác sĩ sản khoa có đôi chút danh tiếng, và đã từng cống hiến cho sự phát triển phương pháp sinh sản không đau. Một đứa con hạnh phúc của một bà mẹ hạnh phúc – đó là lý tưởng suốt đời tôi. Nhưng mẹ tôi luôn luôn có đó – chính bà bất hạnh, bà không thích và không thể thấy tôi hạnh phúc. Điều này tự thể hiện theo những cách lạ lùng. Khi tôi đau ốm thì bà cảm thấy khỏe hơn, khi tôi khỏe mạnh thì bà đau ốm, bà nguyền rủa chính mình và nguyền rủa cả tôi. Như thể bà không bao giờ tha thứ tôi cái tội ác đã được sinh ra, bà làm cho tôi cảm thấy tội lỗi vì tôi vẫn sống. “Mi sống vì mi thù ghét Ta. Nếu yêu Ta thì mi hãy chết đi” là cái thông điệp mà bà không ngừng lập đi lập lại với tôi một cách thầm lặng.

Tôi đã trải qua một cuộc đời như thế, được mong cho chết thay vì được yêu. Vì bị giam hãm trong mẹ tôi, chung thân làm một đứa trẻ nên tôi không thể phát triển một quan hệ có ý nghĩa với một phụ nữ; hình ảnh của mẹ tôi luôn luôn xen vào giữa, không tha thứ, và không thể được tha thứ. Tôi tìm sự khuây khỏa trong công việc và được an ủi nhiều, nhưng tôi vẫn không thoát ra khỏi cái hố của tuổi thiếu niên. Sau cùng, tôi xoay sang sự tìm kiếm tâm linh và tôi kiên định đi trên con đường này nhiều năm nay. Nhưng về một phương diện nó cũng giống như sự tìm kiếm tình yêu của người mẹ như trước kia, dù gọi nó là Thượng đế, hay Atma hay Thực tại Tối thượng.

Xét về căn bản, tôi muốn yêu và được yêu; nhưng điều bất hạnh là những người được gọi là tu hành lại chối bỏ cuộc đời và dành tất cả cho tâm. Khi đối diện với những nhu cầu và thúc bách của đời sống, họ bắt đầu phân loại hóa, trừu tượng hóa và khái niệm hóa, rồi cho sự phân loại còn quan trọng hơn cả chính cuộc đời. Họ yêu cầu phải tập trung vào một khái niệm, và nhân cách hóa nó. Thay vì hòa nhập một cách tự sinh khởi thông qua tình yêu, họ đề xuất một sự tập trung có chủ đích và chuyên chú vào một công thức. Cho dù là Thượng đế hay Atma, cái Ta, hay một cái gì khác thì cũng thế! Nghĩa là một cái gì đó để nghĩ về, mà không phải một ai đó để yêu. Tôi chẳng cần đến triết lý hay phương pháp, những thứ đó thì rất nhiều và hấp dẫn hay hữu lý như nhau. Tôi cần sự sôi nổi của trái tim, sự tân tạo của cuộc sống, chứ không phải một cách tư duy mới. Không hề có lối tư duy nào là mới, nhưng cảm xúc thì có thể lúc nào cũng mới. Khi yêu một người, tôi chăm chú đến người đó một cách tự sinh khởi và mãnh liệt, với tất cả sự nồng nàn và sinh lực mà tâm không thể ra lệnh.

Ngôn từ cần thiết để hình thành cảm xúc; ngôn từ mà không có cảm xúc thì cũng như quần áo mà không có người mặc – lạnh lùng và ủ rũ. Bà mẹ của tôi – người đã vắt khô tất cả cảm xúc trong tôi – làm cho nguồn cảm xúc của tôi khô kiệt. Liệu tôi có thể tìm thấy ở đây nguồn cảm xúc phong phú và dồi dào, những gì mà tôi cần rất nhiều như một đứa trẻ?

M: Tuổi thơ của ông bây giờ ở đâu? Và tương lai của ông là gì?

H: Tôi đã được sinh ra, lớn lên, và sẽ chết đi.

M: Ông muốn nói thân xác ông, dĩ nhiên là như thế. Còn tâm ông? Ta không nói về phương diện sinh lý và tâm lý. Chúng là một phần của tự nhiên và bị chi phối bởi quy luật của tự nhiên. Ta muốn nói về sự tìm kiếm tình yêu của ông. Nó đã có một sự khởi đầu? Liệu nó có một sự chấm dứt?

H: Tôi không thể nói được. Nó có đó – từ khi còn sớm cho đến lúc cuối cùng của đời tôi. Sự khao khát tình yêu này – thật triền miên và cũng thật vô vọng!

M: Trong sự tìm kiếm tình yêu của ông, một cách chính xác ông kiếm cái gì?

H: Chỉ đơn giản là: yêu và được yêu.

M: Ông muốn nói một phụ nữ?

H: Không nhất thiết phải là một phụ nữ. Một người bạn, một vị thầy, một người hướng dẫn – miễn là cảm xúc phải trong sáng. Dĩ nhiên, một phụ nữ là câu trả lời thông thường. Nhưng không nhất thiết chỉ có một câu trả lời.

M: Ông chọn cái nào trong hai, yêu hay được yêu?

H: Tôi muốn cả hai! Nhưng tôi có thể thấy yêu thì vĩ đại hơn, cao cả hơn, và sâu sắc hơn. Được yêu thì êm ái thật đấy, nhưng không làm cho một người trưởng thành.

M: Ông có thể tự yêu, hay phải được chọn làm cho yêu?

H: Dĩ nhiên tôi phải gặp một người đáng yêu. Mẹ tôi không những đã không yêu mà còn chẳng đáng yêu.

M: Điều gì làm cho một người đáng yêu? Thế không phải là được yêu? Ông yêu trước rồi mới tìm lý do ông yêu.

H: Có thể là ngược lại. Ông yêu điều làm ông vui sướng.

M: Điều gì làm ông vui sướng?

H: Chẳng có luật lệ nào cả. Toàn thể vấn đề có tính cách cá nhân và không thể đoán biết được.

M: Phải. Ông muốn nói thế nào cũng được. Nếu không yêu thì không có hạnh phúc. Nhưng, liệu tình yêu có làm ông luôn luôn hạnh phúc? Thế không phải liên kết tình yêu với hạnh phúc là thuộc về giai đoạn sớm sủa và phôi thai? Khi người được ông yêu đau khổ, không phải ông cũng đau khổ hay sao? Liệu ông không còn yêu, vì ông đau khổ? Liệu tình yêu và hạnh phúc cùng đến và cùng đi? Có phải tình yêu chỉ là sự chờ mong lạc thú?

H: Dĩ nhiên là không. Có thể có rất nhiều đau khổ trong tình yêu.

M: Thế thì yêu là gì? Không phải nó là một trạng thái hiện hữu, hơn là một trạng thái của tâm? Ông có cần phải biết ông yêu thì ông mới yêu? Thế không phải ông đã yêu mẹ ông mà ông không biết? Ông khao khát tình yêu của bà ấy, một cơ hội để yêu bà ấy, đó không phải là động thái của tình yêu hay sao? Không phải tình yêu là một phần của ông, như ý thức về sự hiện hữu? Ông tìm kiếm tình yêu của mẹ ông, bởi vì ông yêu mẹ ông.

H: Nhưng bà không để cho tôi yêu!

M: Bà không thể ngăn được ông.

H: Thế tại sao tôi bất hạnh suốt đời?

M: Bởi vì ông không chịu đi sâu vào gốc rễ sự hiện hữu của ông. Chính sự vô minh về chính ông đã che lấp tình yêu và hạnh phúc của ông, và khiến ông đi tìm cái ông chưa bao giờ mất. Tình yêu là ý muốn, ý muốn chia sẻ hạnh phúc của ông với tất cả. Cảm thấy hạnh phúc – làm cho hạnh phúc. Đó chính là nhịp điệu của tình yêu.

53. Khi đã được thỏa mãn, tham ái lại đẻ thêm tham ái

Hỏi: Thú thật là hôm nay tôi đến gặp ông với một tâm trạng nổi loạn. Người ta đã đối xử không công bằng với tôi ở văn phòng bán vé máy bay. Khi gặp những tình huống như thế này thì những gì tôi được chỉ dạy đều có vẻ đáng ngờ, và những gì tôi tu tập đều có vẻ vô ích.

Maharaj: Đây mới là một tâm trạng hữu ích. Hoài nghi tất cả, phủ nhận tất cả, nhất định không chịu biết qua người khác. Đây chính là kết quả công phu tu tập lâu dài của ông. Xét cho cùng, có ai học mãi đâu.

H: Đủ rồi. Công phu đó chẳng đưa tôi đến đâu cả.

M: Đừng nói “chẳng đưa đến đâu.” Nó đưa ông đến chỗ ông là – bây giờ.

H: Tôi vẫn là một đứa trẻ với những cơn tức giận của nó. Tôi chẳng hề tiến được chút nào so với lúc ban đầu.

M: Ông đã bắt đầu như một đứa trẻ và ông sẽ chấm dứt như một đứa trẻ. Bất cứ gì thụ đắc được cho đến nay thì ông phải bỏ đi và khởi sự lại từ đầu.

H: Nhưng đứa trẻ sẽ quậy phá. Khi không được thỏa mãn hay bị từ chối, nó quậy phá.

M: Cứ để nó quậy phá. Chỉ cần quan sát hành động quậy phá. Và nếu vì quá sợ hãi xã hội ông không giám quậy phá đến nơi đến chốn thì cũng quan sát cả thái độ đó. Ta biết đây là một việc đầy khó khăn. Nhưng không có phương sách đối trị – ngoại trừ một cách – sự tìm kiếm phương sách đối trị phải chấm dứt.

Khi ông sân hận hay đau khổ, hãy tách rời chính ông ra khỏi sân hận và đau khổ rồi quan sát chúng. Đứng ngoài mọi chuyện là bước đầu tiên của giải thoát. Hãy bước ra ngoài và quan sát. Những diễn tiến vật lý vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng tự thân chúng chẳng có gì quan trọng. Chỉ có tâm mới đáng kể. Dù bất cứ gì xảy ra thì ông không thể quậy phá và la hét ở phòng bán vé máy bay hay ngân hàng. Xã hội không cho phép ông làm chuyện đó. Nếu không thích cung cách làm ăn của họ, hoặc không chuẩn bị để chịu đựng họ thì ông đừng đi máy bay và đừng đem theo tiền. Cứ đi bộ, và nếu không thể đi bộ thì đừng đi du lịch. Muốn giao tiếp với xã hội ông phải chấp nhận những lề thói của nó, vì lề thói của xã hội là lề thói của ông. Sự cần thiết và nhu cầu của ông đã tạo ra những lề thói đó. Những ham muốn của ông quá phức tạp và mâu thuẫn – chẳng trách được vì sao xã hội mà ông tạo ra cũng phức tạp và mâu thuẫn không kém.

H: Tôi thấy rõ và nhìn nhận rằng tất cả mọi hỗn loạn bên ngoài chỉ là phản ảnh những xung đột nội tại của chính tôi. Nhưng phương sách đối trị là gì?

M:  Đừng tìm cách đối trị.

H: Thỉnh thoảng tôi ở trong một “trạng thái thoát tục”, và cảm thấy cuộc đời thật hạnh phúc và hài hòa. Nhưng trạng thái đó chẳng kéo dài được bao lâu! Tâm trạng thay đổi và tất cả trở nên hỗn loạn.

M: Chỉ cần giữ được sự tĩnh lặng, buông bỏ tất cả ký ức và chờ mong, thì ông có thể dửng dưng với những kiểu cách hoa mỹ của các sự kiện. Chính sự bất an của ông tạo ra hỗn loạn.

H: Suốt ba tiếng đồng hồ ở phòng bán vé tôi đã thực hành sự kiên nhẫn và chịu đựng. Nhưng điều đó chẳng làm cho sự việc trở nên chóng vánh hơn.

M: Ít ra ông đã không làm cho sự việc chậm lại vì nếu ông nổi quạu lên thì chắc chắn mọi chuyện còn tồi tệ hơn nữa. Ông muốn kết quả tức thời! Chúng ta không làm ảo thuật ở đây. Mọi người phạm cùng một sai lầm: Phủ nhận phương tiện nhưng mong muốn cứu cánh. Ông muốn hòa bình và hòa hợp trên thế giới, nhưng lại không muốn chúng trong chính ông. Cứ làm đúng theo những gì Ta chỉ dẫn, ông sẽ không thất vọng đâu. Ta không thể giải quyết mọi vấn đề của ông chỉ bằng lời lẽ suông, mà chính ông phải làm theo những gì Ta chỉ dẫn và kiên nhẫn. Không phải sự chỉ dẫn đúng sẽ giải thoát, mà hành động dựa vào sự chỉ dẫn đó sẽ giải thoát. Cũng như một bác sĩ, sau khi tiêm cho bệnh nhân một liều thuốc, bảo người bệnh: “Bây giờ, hãy giữ im lặng. Đừng làm gì khác, chỉ giữ im lặng” thì Ta cũng vừa bảo ông: Ông vừa được tiêm một liều thuốc và bây giờ hãy giữ im lặng, chỉ cần giữ im lặng. Ông không phải làm cái gì khác. Tôn sư Ta cũng đã làm như thế. Ngài bảo Ta một điều gì đó rồi dặn: “Bây giờ giữ im lặng. Đừng lúc nào cũng đăm chiêu tư lự. Dừng lại. Im lặng.”

H: Tôi có thể giữ im lặng suốt một giờ vào buổi sáng. Nhưng ngày thì dài và nhiều chuyện xảy ra đã làm cho tôi mất quân bình. Nói “im lặng” thì dễ, nhưng giữ im lặng trong khi mọi thứ đang la hét trong tôi và xung quanh tôi thì không dễ – vui lòng chỉ cho tôi phải làm thế nào.

M: Tất cả những gì cần làm chỉ có thể được thực hiện trong an tĩnh và im lặng. Không cần thiết phải bức mình.

H: Những gì ông nói đều là lý thuyết, không phù hợp với thực tế. Tôi sẽ trở lại Âu châu mà chẳng có gì để làm ở đó. Đời tôi hoàn toàn rỗng tuếch.

M: Ông chỉ cần giữ im lặng thì tất cả sẽ đến – công việc, sức mạnh để làm việc, và động cơ chính đáng. Ông có cần phải biết trước mọi chuyện không? Đừng bận tâm với tương lai – bây giờ hãy giữ im lặng rồi tất cả sẽ đâu vào đó. Cái không mong đợi rồi vẫn sẽ xảy ra, còn cái dự tính có thể chẳng bao giờ đến. Đừng bảo Ta là ông không thể chế ngự được bản tính của ông. Ông chẳng cần phải chế ngự nó. Cứ quẳng nó đi. Chẳng có bản tính nào để chế ngự hay để khuất phục. Chẳng có kinh nghiệm nào có thể làm ông đau đớn, miễn là ông đừng biến nó thành thói quen. Ông chính là nguyên nhân vi tế của toàn thể vũ trụ. Tất cả hiện hữu vì ông hiện hữu. Hãy nắm bắt điều này thật chắc chắn và thường xuyên an trú trong nó. Nhận ra đó là chân lý tuyệt đối – tức là giải thoát.

H: Nếu là hạt giống của vũ trụ thì tôi là một hạt giống hư hỏng! Cứ nhìn quả thì biết được hạt.

M: Có gì sai lầm với thế giới của ông mà ông nguyền rủa nó?

H: Thế giới của tôi đầy đau khổ.

M: Tự nhiên giới thì không vui thích hay đau khổ. Tự nhiên giới đầy trí tuệ và cái đẹp. Đau khổ hay lạc thú là ở trong tâm. Thay đổi nấc thang giá trị thì tất cả sẽ thay đổi. Lạc thú và đau khổ đều là những náo động của cảm giác, cứ xem chúng như nhau thì sẽ có hạnh phúc chơn thật. Thế giới là do ông tạo ra, bằng mọi cách hãy làm cho thế giới này hạnh phúc. Chỉ có sự bằng lòng mới làm ông hạnh phúc vì tham ái, khi đã được thỏa mãn, lại đẻ thêm tham ái. Hãy xa lìa mọi tham ái, và bằng lòng với những gì tự nó tìm đến là một trạng thái đầy lợi lạc – một điều kiện tiên quyết của trạng thái sung mãn. Đừng ngờ vực vẻ khô cằn bề ngoài và sự rỗng rang của nó. Cứ tin Ta đi, chính sự thỏa mãn các tham ái mới gây ra khốn khổ. Vô tham ái là chơn hạnh phúc.

H: Chúng ta vẫn cần nhiều thứ.

M: Nếu không đòi hỏi những gì không cần thì những gì ông cần sẽ đến với ông. Chỉ rất ít người đạt được trạng thái hoàn toàn an nhiên và vô tư này. Đây là trạng thái cao thượng, là ngưỡng cửa của giải thoát.

H: Suốt hai năm nay tôi cô quạnh, bơ vơ và trống rỗng; tôi vẫn thường cầu cho cái chết đến sớm.

M: Nhưng khi ông đến đây thì mọi chuyện bắt đầu biến chuyển. Cứ để mọi chuyện xảy ra như chúng xảy ra – cuối cùng mọi chuyện sẽ tự đâu vào đó. Ông không cần phải căng thẳng mong ngóng tương lai – tương lai tự nó sẽ đến với ông. Ông sẽ còn ở trong trạng thái mộng du này một thời gian nữa, như ông bây giờ, một cách vô nghĩa và mất tự tin; nhưng giai đoạn này sẽ chấm dứt và ông sẽ nhận thấy việc tu tập của ông có kết quả và dễ dàng. Luôn luôn có những lúc người ta cảm thấy trống trải và bị xa lánh. Những lúc như thế thật đáng được khao khát vì có nghĩa là tâm hôn đã nhổ neo và sẵn sàng viễn du. Đây chính là sự viễn ly – khi cái cũ đã qua và cái mới chưa đến. Nếu ông sợ thì trạng thái này có vẻ hoang mang, nhưng thật ra chẳng có gì để sợ. Hãy ghi nhớ lời chỉ dẫn: Dù gặp bất cứ gì – hãy vượt ra.

H: Quy luật của Đức Phật: Nhớ điều cần nhớ. Nhưng tôi cảm thấy vô cùng khó khăn để nhớ điều đúng vào đúng lúc. Đối với tôi thì quên hình như là quy luật!

M: Có nhớ cũng không phải dễ khi mọi tình huống đều kéo theo một cơn giông đầy những tham ái và lo sợ. Tham ái được ký ức sinh ra, và cũng chính nó hủy diệt ký ức.

H: Làm sao tôi có thể chống lại tham ái. Có gì mạnh hơn nó đâu?

M: Những giòng nước của cuộc đời ào ào tuôn chảy trên các tảng đá tham ái hay sân hận. Hãy dời đi các tảng đá bằng sự thấy biết sáng suốt và vô tư, thì cũng chính giòng nước đó sẽ chảy sâu, chảy xiết một cách tĩnh lặng với lưu lượng lớn hơn và cường độ mạnh hơn. Đừng lý thuyết suông, mà hãy dành thời gian để tư duy và suy gẫm; nếu mong muốn tự do, đừng bỏ qua bước chân kề cận nhất với tự do. Cũng như leo núi, không được bỏ một bước nào. Chỉ thiếu một bước thì vẫn chưa đạt đến đỉnh cao.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x