Trang chủ » Ta là cái đó [18-22] – Ta là ai?

Ta là cái đó [18-22] – Ta là ai?

by Hậu Học Văn
544 views

18. Muốn biết cái ông là, hãy tìm ra cái không phải là ông

Hỏi: Theo như ông mô tả vũ trụ gồm có vật, tâm và tinh thần. Ngoài ra còn có nhiều mô thức khác được cho là phù hợp với vũ trụ, khiến một người cảm thấy bối rối không biết mô thức nào đúng và mô thức nào sai. Cuối cùng người đó hoài nghi rằng tất cả các mô thức chỉ là ngôn từ, và chẳng có mô thức nào chứa đựng thực tại. Theo ông, thực tại bao gồm ba phạm trù rộng lớn: Phạm trù vật chất năng lượng – Mahadakash, phạm trù ý thức – Chidakash, và phạm trù thuần túy tinh thần – Paramakash.

Phạm trù thứ nhất là một cái gì đó có cả sự chuyển động và quán tính. Chúng ta nhận thức. Chúng ta cũng biết rằng chúng ta nhận thức. Chúng ta ý thức và cũng biết rằng chúng ta ý thức. Như thế, chúng ta có hai: vật chất – năng lượng, và, ý thức. Vật chất có vẻ như ở trong không gian, còn năng lượng luôn luôn trong thời gian, liên quan đến thay đổi và được đo lường bằng nhịp độ thay đổi. Ý thức, một cách nào đó, có vẻ như ở đây và bây giờ, trong một điểm duy nhất của không gian và thời gian.

Nhưng hình như ông cho rằng cả ý thức cũng mang tính vũ trụ – điều này có nghĩa ý thức là phi thời, phi xứ và phi nhân cách. Một cách nào đó tôi có thể hiểu rằng không có mâu thuẫn nào giữa cái phi thời phi xứ, với cái ở đây và bây giờ, nhưng tôi không thể hiểu được ý thức phi nhân cách. Theo tôi ý thức luôn luôn được tập trung, hướng tâm, cá nhân hóa, và là một con người. Ông có vẻ cho rằng có thể có nhận thức mà không có người nhận thức, biết mà không có người biết, yêu mà không có người yêu, hành động mà không có người hành động. Tôi thấy bộ ba – biết, người biết, và cái bị biết – có thể thấy được trong bất cứ động thái nào của sự sống. Ý thức hàm ý: một sự hiện hữu có ý thức, một đối tượng của ý thức và thực tế của sự ý thức. Cái có ý thức tôi gọi là con người. Con người sống trong thế giới, là một phần của thế giới, con người tác động vào thế giới và bị thế giới tác động.

Maharaj: Thế tại sao ông không tìm hiểu xem thế giới và con người thật đến thế nào?

H: Ồ, không! Tôi chẳng cần tìm hiểu. Nếu con người cũng thật như cái thế giới mà trong đó hắn tồn tại, đối với tôi thế là đủ.

M: Vậy câu hỏi là gì?

H: Con người là thật, vũ trụ là khái niệm, hay vũ trụ là thật và con người là tưởng tượng?

M: Cả hai đều không thật.

H: Chắc chắn là tôi phải đủ thật để đáng được ông trả lời, và tôi là một con người.

M: Nhưng trong khi ngủ thì không.

H: Chìm xuống không phải là vắng mặt. Mặc dù ngủ, tôi vẫn hiện hữu.

M: Là một con người thì ông phải ý thức về chính ông. Ông ý thức về chính ông trong mọi lúc?

H: Dĩ nhiên là không trong khi ngủ, hoặc khi bất tỉnh hay bị gây mê.

M: Trong suốt thời gian thức, ông luôn luôn ý thức về chính ông?

H: Không, có những lúc tôi đãng trí, hoặc bị thu hút bởi một cái gì đó.

M: Trong những lúc ý thức về chính mình bị gián đoạn, ông vẫn là một con người?

H: Dĩ nhiên tôi luôn luôn là cùng một con người. Tôi nhớ chính tôi như tôi đã là vào hôm qua, vào năm ngoái – hiển nhiên, tôi là cùng một con người.

M: Như thế, là một con người, ông cần phải có ký ức?

H: Dĩ nhiên.

M: Nếu không có ký ức, ông là gì?

H: Một ký ức không hoàn chỉnh đưa đến một tính cách cá nhân không hoàn chỉnh. Không có ký ức tôi không thể tồn tại như một con người.

M: Chắc chắn ông vẫn tồn tại mà không có ký ức. Ông vẫn tồn tại – trong khi ngủ.

H: Chỉ theo nghĩa còn sống. Chứ không phải là một con người.

M: Như ông thừa nhận ông là một con người và sự tồn tại của ông lúc có lúc không; ông có thể cho biết ông là gì trong những lúc gian cách xen vào giữa các kinh nghiệm về chính ông như một con người?

H: Tôi hiện hữu, nhưng không phải là một con người. Vì không ý thức về chính mình trong những lúc gian cách, tôi chỉ có thể nói rằng tôi tồn tại, nhưng không phải là một con người.

M: Chúng ta có thể gọi đó là sự tồn tại phi nhân cách?

H: Tôi muốn gọi đó là sự tồn tại vô thức; tôi hiện hữu, nhưng tôi không biết tôi hiện hữu.

M: Ông vừa mới nói: “Tôi hiện hữu, nhưng tôi không biết tôi hiện hữu.” Ông có thể nói như thế về sự hiện hữu của ông trong một trạng thái vô thức?

H: Không, tôi không thể.

M: Ông chỉ có thể mô tả nó trong thời quá khứ: “Tôi đã không biết, tôi đã không ý thức” theo nghĩa không nhớ mà thôi.

H: Đã không ý thức thì làm sao tôi nhớ và nhớ cái gì?

M: Ông đã thực sự không ý thức hay ông không nhớ?

H: Làm sao tôi phân biệt được?

M: Ông thử suy nghĩ xem. Ông có thể nhớ từng giây phút một của ngày hôm qua không?

H: Dĩ nhiên là không.

M: Lúc đó ông đã không có ý thức?

H: Dĩ nhiên là không phải không có ý thức.

M: Vậy là ông có ý thức nhưng ông không nhớ?

H: Đúng.

M: Có thể ông có ý thức trong khi ngủ nhưng ông không nhớ.

H: Không, tôi đã không ý thức. Tôi đã ngủ. Tôi đã không hành xử như một con người có ý thức.

M: Một lần nữa, làm sao ông biết?

H: Những người thấy tôi ngủ bảo tôi như thế.

M: Tất cả những gì họ có thể xác nhận là họ thấy ông nằm im, hai mắt nhắm và thở đều đặn. Họ không thể biết được lúc đó ông có ý thức hay không. Bằng chứng duy nhất mà ông có là ký ức của ông. Nhưng ký ức lại là một bằng chứng không chắc chắn!

H: Vâng, tôi thừa nhận rằng theo cách diễn giải của tôi thì tôi là một con người trong thời gian thức. Tôi là cái gì ở giữa những lúc đó thì tôi không biết.

M: Ít ra ông biết là ông không biết! Vì ông cho rằng ông không có ý thức trong những khoảng gian cách giữa những thời gian thức, chúng ta sẽ không đả động đến những khoảng gian cách. Chỉ bàn về thời gian thức của ông.

H: Tôi là cùng một con người trong các giấc chiêm bao của tôi

M: Đồng ý. Hãy bàn đến cả hai – thức và chiêm bao. Khác biệt chỉ là sự liên tục. Nếu những giấc chiêm bao của ông tiếp tục một cách nhất quán, đêm này sang đêm khác, với cùng những cảnh quan và cùng những nhân vật thì ông hoàn toàn không phân biệt được lúc nào là thức và lúc nào là chiêm bao. Do đó, khi nói về trạng thái thức, chúng ta bao gồm cả trạng thái chiêm bao.

H: Đồng ý. Tôi là một con người trong quan hệ hữu thức với một thế giới.

M: Thế giới và sự quan hệ hữu thức với nó có cần thiết cho sự kiện ông là một con người hay không?

H: Dù bị nhốt kí trong một cái hang, tôi vẫn còn là một con người

M: Điều đó hàm ý một thân xác và một cái hang. Và một thế giới mà trong đó cái hang và ông tồn tại.

H: Vâng, tôi thấy được điều đó. Thế giới và ý thức về thế giới là cần thiết đối với sự tồn tại của tôi như một con người.

M: Điều này khiến cho con người là một phần không thể tách rời được của thế giới, hay ngược lại. Hai là một.

H: Ý thức đứng riêng một mình. Con người và thế giới xuất hiện trong ý thức.

M: Ông nói: xuất hiện. Ông có thể thêm: biến mất?

H: Không, tôi không thể. Tôi chỉ có thể biết sự xuất hiện của tôi và sự xuất hiện của thế giới. Là một con người, tôi không thể nói: “Không có thế giới.” Nếu không có thế giới thì không thể có tôi để nói như thế. Vì có thế giới, nên mới có tôi để nói: “Có thế giới.”

M: Xoay ngược lại lập luận thì đúng hơn. Vì có ông nên mới có thế giới.

H: Lập luận như vậy, đối với tôi là không có nghĩa.

M: Sự vô nghĩa sẽ biến mất khi tìm hiểu.

H: Chúng ta bắt đầu ở đâu?

M: Theo Ta biết, bất cứ cái gì tùy thuộc đều không thật. Cái thật thì hoàn toàn không tùy thuộc. Vì sự tồn tại của con người tùy thuộc vào sự tồn tại của thế giới, vì bị hạn chế trong thế giới và được xác định bởi thế giới, nên con người không thể nào là thật.

H: Nhưng chắc chắn con người không phải là mộng huyễn.

M: Ngay cả giấc mộng cũng có sự tồn tại của nó, khi nó được nhận thức và thưởng thức, hoặc được kéo dài. Bất cứ gì ông tư duy hay cảm thọ đều có sự hiện hữu. Nhưng nó có thể không phải là cái mà ông cho nó là. Cái gì mà ông nghĩ là một con người có thể là một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn.

H: Tôi là cái mà tôi biết chính tôi là.

M: Ông không thể nói rằng ông là cái mà ông nghĩ chính ông là! Những ý nghĩ của chính ông về chính ông thay đổi từ ngày này sang ngày khác, và từ lúc này sang lúc khác. Hình ảnh về cái Ta của ông thay đổi nhiều nhất trong những gì mà ông có. Nó rất dễ bị tác động, và bị chi phối bởi bất cứ hiện tượng nào đi qua. Chỉ cần một nỗi bất hạnh, một sự mất việc, một sự sỉ nhục thì hình ảnh mà ông có về chính ông, tức là cái mà ông gọi là con người của ông thay đổi một cách sâu sắc.

Để biết được cái mà ông là thì trước tiên ông phải tìm hiểu và biết được cái không phải là ông. Mà muốn biết cái không phải là ông thì ông phải quan sát chính ông tường tận, ông phải loại bỏ tất cả những gì không cần thiết đi chung với thực tế căn bản: “Ta hiện hữu”. Tất cả những ý nghĩ: Ta đã được cha mẹ sinh ra tại một nơi nào đó, và bây giờ Ta là thế này, sống ở, lập gia đình với, là cha của, là nhân viên của, và vân vân, đều không có sẵn trong ý thức “Ta hiện hữu”. Thái độ thông thường của chúng ta là “Ta là thế này”. Hãy tách cái “Ta là” một cách cương quyết và kiên trì ra khỏi những cái “thế này” hay “thế nọ”, và tìm cách cảm thấy hiện hữu nghĩa là gì, chỉ hiện hữu, mà không là “thế này” hay “thế nọ”. Tất cả các thói quen sẽ cưỡng lại trạng thái này. Cưỡng lại những thói quen đó nhiều khi là một công việc lâu dài và khó khăn, nhưng một sự hiểu biết thông suốt sẽ giúp ông rất nhiều.

Nếu càng hiểu rõ rằng trên bình diện của tâm, ông chỉ có thể được mô tả bằng những ngôn từ phủ định thì ông càng nhanh chóng đến đích của sự tìm kiếm, và nhận ra sự hiện hữu vô biên của ông.

19. Thực tại nằm trong Tính khách quan

Hỏi: Tôi là một họa sĩ và tôi kiếm sống bằng nghề vẽ tranh. Từ cái nhìn tâm linh vẽ tranh có một giá trị nào không?

Maharaj: Khi vẽ, bà nghĩ về cái gì?

H: Khi vẽ, chỉ có bức tranh và chính tôi.

M: Bà làm gì ở đó?

H: Tôi vẽ.

M: Không, bà không vẽ. Bà thấy bức tranh đang diễn ra. Bà chỉ quan sát, tất cả những cái khác đều diễn ra.

H: Bức tranh tự vẽ chính nó? Hay là, một cái “tôi” sâu kín, hoặc một thần linh nào đó vẽ?

M: Tự thân ý thức là người họa sĩ vĩ đại nhất. Toàn thể thế giới là một bức tranh.

H: Ai đã vẽ ra bức tranh thế giới?

M: Người họa sĩ ở ngay trong bức tranh.

H: Bức tranh ở trong tâm của người họa sĩ, và người họa sĩ ở trong bức tranh, mà bức tranh đó lại ở trong tâm của người họa sĩ, mà người họa sĩ đó lại ở trong bức tranh! Không phải sự vô tận này của các trạng thái và cảnh giới là vô lý? Ngay lúc chúng ta nói về bức tranh trong tâm, thì tâm chính nó lại ở trong bức tranh; chúng ta gặp một chuỗi vô tận các nhân chứng, nhân chứng cao hơn chứng kiến nhân chứng thấp hơn. Cũng giống như đứng ở giữa hai tấm gương rồi thắc mắc về một đám đông!

M: Rất đúng! Một mình bà và tấm gương đôi. Giữa hai tấm gương, bà có vô số hình tướng và danh xưng.

H: Ông nhìn thế giới như thế nào?

M: Ta thấy một người họa sĩ đang vẽ một bức tranh. Ta gọi bức tranh là thế giới, người họa sĩ là Thượng đế. Ta không phải bức tranh và cũng chẳng phải là Thượng đế. Ta không sáng tạo, và cũng không được tạo ra. Ta dung chứa tất cả, không có gì dung chứa Ta.

H: Khi tôi nhìn một cái cây, một khuôn mặt, một buổi hoàng hôn thì bức tranh thật hoàn hảo. Khi nhắm mắt lại, hình ảnh trong tâm tôi mờ nhạt và không rõ nét. Nếu chính tâm tôi phóng chiếu ra hình ảnh, tại sao tôi cần phải mở mắt để thấy một đóa hoa duyên dáng, nhưng khi nhắm mắt lại tôi chỉ thấy nó một cách mơ hồ

M: Đó là vì mắt bên ngoài của bà tốt hơn mắt bên trong. Tâm bà hoàn toàn hướng ra bên ngoài. Khi bà học được cách nhìn thế giới tâm của bà, bà sẽ thấy nó còn nhiều màu sắc hơn và hoàn hảo hơn bất cứ gì mà thân xác có thể đem lại. Dĩ nhiên là bà cần một sự luyện tập nào đó. Nhưng việc gì phải lý sự? Bà tưởng tượng rằng bức tranh phải được tạo ra bởi người họa sĩ, tức là người thực sự vẽ ra nó. Bà luôn luôn truy tìm nguồn gốc và nguyên nhân. Tương quan nhân quả chỉ ở trong tâm; ký ức tạo ra ảo tưởng về sự liên tục và sự lập đi lập lại gây nên ý tưởng về tương quan nhân quả. Khi mọi vật cùng xảy ra một cách lập đi lập lại, chúng ta có khuynh hướng thấy một liên hệ nhân quả giữa chúng. Điều này tạo ra một thói quen tâm lý, nhưng một thói quen thì không phải là một sự cần thiết.

H: Ông vừa mới nói thế giới được Thượng đế tạo ra.

M: Nên nhớ rằng ngôn ngữ chỉ là một công cụ của tâm, được tạo ra bởi tâm, và cho tâm. Một khi bà thừa nhận một nguyên nhân, thì Thượng đế là nguyên nhân tối hậu và thế giới là kết quả. Hai cái khác nhau, nhưng không tách rời nhau.

H: Người ta nói chuyện thấy Thượng đế.

M: Khi bà thấy thế giới tức là bà thấy Thượng đế. Không hề có chuyện thấy Thượng đế ngoài thế giới. Ngoài thế giới mà thấy Thượng đế thì chính là Thượng đế. Ánh sáng nhờ đó bà thấy thế giới, tức Thượng đế, là đốm sáng nhỏ: “Ta hiện hữu” rõ ràng là rất nhỏ, nhưng nó khởi đầu và chấm dứt trong từng hành vi biết và yêu thương.

H: Tôi phải thấy thế giới mới thấy được Thượng đế?

M: Còn cách nào khác? Không có thế giới, không có Thượng đế.

H: Vậy cái gì còn lại?

M: Bà còn lại như sự hiện hữu thuần túy.

H: Vậy lúc đó thế giới, và Thượng đế sẽ như thế nào?

M: Hiện hữu thuần túy – Avyakta.

H: Nó cũng đồng với phạm trù Vĩ Đại – Paramakash?

M: Bà có thể gọi nó như thế. Ngôn từ không quan trọng, vì ngôn từ không thể đạt đến nó. Ngôn từ phải xoay trở lại trong sự phủ định hoàn toàn.

H: Làm sao tôi có thể thấy thế giới là Thượng đế? Thấy thế giới là thấy Thượng đế – nghĩa là thế nào?

M: Cũng giống như vào một căn phòng tối. Bà không thấy gì cả – bà có thể sờ mó, nhưng không thấy – không có màu sắc, không có hình dáng. Bất chợt cửa sổ mở và căn phòng tràn ngập ánh sáng. Màu sắc và hình thể xuất hiện. Cửa sổ đem lại ánh sáng nhưng không phải là nguồn sáng. Mặt trời mới là nguồn sáng. Tương tự như thế, vật là căn phòng tối, ý thức là cửa sổ, làm cho vật tràn ngập cảm giác và nhận thức là mặt trời – cũng là cái Tối thượng, nguồn gốc của cả vật lẫn ánh sáng.

Cửa sổ có thể đóng hay mở, nhưng mặt trời luôn luôn chiếu sáng. Cửa sổ làm cho căn phòng hoàn toàn khác hẳn, mà không hề làm cho mặt trời khác đi. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là thứ yếu đối với một cái vô cùng nhỏ bé, tức cái “Ta hiện hữu”. Không có cái “Ta hiện hữu” thì không có gì cả. Tất cả mọi hiểu biết là hiểu biết về cái “Ta hiện hữu”. Mọi ý tưởng sai lầm về cái “Ta hiện hữu” này đưa đến ràng buộc; chỉ hiểu biết đúng mới đưa đến tự do và an lạc.

H: “Ta hiện hữu” và “Cái đó hiện hữu” có giống nhau không?

M: “Ta hiện hữu” hàm ý bên trong, “Cái đó hiện hữu” hàm ý bên ngoài. Cả hai đều dựa trên ý thức hiện hữu.

H: Ý thức hiện hữu có giống với kinh nghiệm về sự tồn tại?

M: Tồn tại có nghĩa là là một cái gì đó, một vật, một cảm xúc, một ý nghĩ, một ý tưởng. Tất cả tồn tại đều có tính riêng biệt. Chỉ có hiện hữu là có tính vũ trụ, theo nghĩa mỗi hiện hữu đều tương hợp với mọi hiện hữu khác. Khi có nhiều sự tồn tại thì gây ra va chạm, còn hiện hữu thì không bao giờ. Tồn tại có nghĩa là trở thành, thay đổi, sinh, tử, và tái sinh, còn trong hiện hữu chỉ có sự an lạc tĩnh lặng.

H: Nếu tôi là kẻ tạo ra thế giới thì tại sao tôi lại làm cho nó tồi tệ?

M: Mỗi người sống trong thế giới riêng của chính mình. Tất cả thế giới không xấu, hay tốt như nhau.

H: Cái gì quyết định sự khác biệt?

M: Tâm phóng chiếu ra thế giới, tô mầu thế giới theo cách riêng của nó. Khi bà gặp một người đàn ông, ông ta chỉ là một người lạ. Khi bà lấy ông ta, ông ta trở thành cái Ta của chính bà. Khi gây gỗ, ông ta trở thành kẻ thù của bà. Chính thái độ của tâm bà quyết định người đàn ông đó là gì đối với bà

H: Tôi có thể thấy rằng thế giới của tôi là chủ quan. Điều này có thể làm cho nó trở thành hư huyễn?

M: Nó là hư huyễn chừng nào nó còn là chủ quan, và chỉ trong phạm vi đó mà thôi. Thực tại nằm trong tính khách quan.

H: Tính khách quan nghĩa là gì? Lúc nãy ông nói thế giới là chủ quan, bây giờ ông lại nói về tính khách quan. Thế không phải mọi vật là chủ quan?

M: Mọi vật là chủ quan, nhưng cái thật thì khách quan.

H: Theo nghĩa nào?

M: Nó không tùy thuộc vào ký ức và hoài bão, tham ái và lo sợ, thích và không thích. Tất cả đều được thấy như thị.

H: Có phải đó là cái mà ông gọi là trạng thái thứ tư – Turiya?

M: Bà gọi nó là gì tùy ý. Nó kiên cố, bền chắc, bất biến, vô thủy, vô chung, luôn luôn mới, và luôn luôn tươi trẻ.

H: Làm sao đạt đến nó?

M: Vô tham ái và vô úy sẽ đưa bà đến đó.

20. Cái Tối thượng siêu vượt tất cả

Hỏi: Ông nói thực tại là một. Tính một, tính duy nhất là biểu trưng của con người. Như vậy thực tại là một con người, với vũ trụ là thân xác của nó ?

Maharaj: Bất cứ gì ông có thể nói ra đều vừa đúng và vừa sai. Ngôn từ không thể vươn đến cái ở ngoài tâm.

H: Tôi chỉ đang cố hiểu những gì ông nói. Ông nói với chúng tôi về Con Người, Cái Ta, và Cái Tối Thượng – Vyakti, VyakTa, AvyakTa. Ánh sáng của Tánh Biết Thuần Túy – Pragna – được hội tụ thành “Ta hiện hữu” trong Cái Ta – Jivatma; thành ý thức – Chetana – soi sáng tâm – Antabkarana; và thành sự sống – Prana – đem lại sinh khí cho thân xác – Deha. Tất cả những cái đó qua ngôn từ thì có vẻ xuôi tai. Nhưng khi phải phân biệt trong chính tôi Con Người với Cái Ta, và Cái Ta với Cái Tối Thượng thì tôi lẫn lộn.

M: Con người không bao giờ là chủ thể. Ông có thể thấy một con người, nhưng ông không phải con người. Ông luôn luôn là Cái Tối Thượng, xuất hiện vào một điểm nào đó trong không gian và thời gian như nhân chứng, như một cây cầu giữa tánh biết thuần túy của Cái Tối Thượng và ý thức đa dạng của con người.

H: Khi quan sát chính mình, tôi thấy tôi là nhiều con người tranh giành lẫn nhau để sử dụng một thân xác.

M: Chúng tương ứng với các khuynh hướng khác nhau – Samskara – của tâm.

H: Liệu tôi có thể hòa giải chúng?

M: Làm sao được? Chúng quá mâu thuẫn với nhau! Cứ thấy chúng như chúng là – những thói quen của ý nghĩ và cảm thọ, một mớ ký ức và những thôi thúc.

H: Nhưng tất cả chúng đều nhận: “Ta là”.

M: Điều đó xảy ra là vì ông tự đồng hóa ông với chúng. Một khi nhận ra rằng bất cứ gì xuất hiện trước ông đều không thể là chính ông, và chúng không thể nói “Ta là”, thì ông hoàn toàn tự do đối với tất cả những “con người” của ông, và những yêu sách của chúng. Ý thức “Ta là” là của riêng ông. Ông không thể tách rời nó, nhưng ông có thể gán nó cho bất cứ thứ gì, như khi ông bảo: Ta là trẻ trung, ta là giầu có, vân vân. Nhưng những sự đồng hóa cái Ta như thế rõ ràng là sai, và là nguyên nhân của ràng buộc.

H: Bây giờ tôi có thể hiểu được rằng tôi không phải là con người, mà là cái – khi được phản ánh trong con người – cho con người một cảm giác hiện hữu. Thế còn Cái Tối Thượng? Bằng cách nào tôi biết chính tôi là Cái Tối Thượng?

M: Nguồn gốc của ý thức không thể là một đối tượng của ý thức. Muốn biết nguồn gốc thì phải là nguồn gốc. Khi nhận ra ông không phải con người mà ông là nhân chứng thuần túy, im lặng, và tánh biết vô úy đó chính là sự hiện hữu của ông thì lúc đó ông là sự hiện hữu. Đó chính là cội nguồn, là khả năng vô tận.

H: Có nhiều nguồn gốc hay chỉ có một cho tất cả?

M: Còn tùy cách ông nhìn nó, từ đầu nào. Trong thế giới có vô số các vật thể, nhưng con mắt thấy chúng thì chỉ có một. Cái cao hơn luôn luôn xuất hiện như là một đối với cái thấp hơn, và cái thấp hơn xuất hiện như là nhiều đối với cái cao hơn.

H: Tất cả hình tướng và danh xưng đều là của một Thượng đế duy nhất?

M: Một lần nữa, còn tùy cách ông nhìn. Trên bình diện ngôn từ mọi vật là tương đối. Cái Tuyệt đối phải được chứng nghiệm, không thể bằng sự luận bàn.

H: Làm thế nào để chứng nghiệm cái Tuyệt Đối ?

M: Nó không phải là một vật thể để được nhận ra và cất giữ trong ký ức. Nó ở ngay trong hiện tại, và đúng hơn là trong sự cảm nhận. Nó liên hệ với “thế nào” hơn là với “cái gì”. Nó ở trong phẩm chất, trong giá trị. Là nguồn gốc của mọi vật, nó ở ngay trong mọi vật.

H: Nếu là nguồn gốc, tại sao và làm thế nào nó thị hiện chính nó?

M: Nó khai sinh ra ý thức. Tất cả những cái khác đều ở trong ý thức.

H: Tại sao lại có nhiều trung tâm ý thức?

M: Vũ trụ khách quan – Mahadakash – luôn luôn chuyển động, phóng chiếu ra và làm biến mất đi vô số các hình tướng. Bất cứ khi nào một hình tướng được truyền cho sự sống – Prana, thì tánh biết phản chiếu vào vật chất làm ý thức – Chetana – xuất hiện.

H: Cái Tối Thượng bị tác động như thế nào?

M: Làm sao có cái gì tác động được nó ? Cội nguồn thì không thể bị tác động bởi những thay đổi bất thường của dòng sông, cũng như kim loại không thể bị tác động bởi hình dáng của những món trang sức làm ra từ nó. Ánh sáng có bị phim ảnh trên màn hình tác động? Cái Tối Thượng làm cho mọi vật khả hữu, chỉ có thế.

H: Vậy tại sao một số điều xảy ra và một số điều lại không xảy ra?

M: Truy tìm nguyên nhân chỉ là một thú tiêu khiển của tâm. Không hề có tính nhị nguyên nhân quả. Mỗi vật đều là nguyên nhân của chính nó.

H: Như vậy không thể có một hành động có chủ đích?

M: Ta chỉ có thể nói là ý thức dung chứa tất cả. Trong ý thức tất cả đều khả hữu. Trong thế giới của ông, ông có thể có nhiều nguyên nhân nếu ông muốn. Người khác có thể thỏa mãn với một nguyên nhân: Ý chí của Thượng đế. Còn nguyên nhân gốc chỉ có một: Ý thức “Ta hiện hữu”.

H: Quan hệ giữa cái Ta và cái Tối Thượng là gì?

M: Từ quan điểm của cái Ta: Thế giới là cái biết, cái Tối Thượng là cái Không Biết. Cái Không Biết khai sinh ra cái biết nhưng vẫn là Không Biết. Cái biết là vô tận nhưng cái Không Biết là vô biên của những cái vô tận. Cũng như một tia nắng không thể được nhìn thấy trừ khi nó bị những hạt bụi ngăn che, cái Tuyệt đối làm cho mọi cái được biết, nhưng chính nó vẫn không được biết.

H: Điều đó có nghĩa là cái Không Biết thì không thể tiếp cận được.

M: Ồ, không. Cái Tối Thượng là cái có thể tiếp cận dễ nhất vì nó chính là sự hiện hữu của ông. Chỉ cần chấm dứt mọi suy tư và tham ái, đó là Cái Tối Thượng.

H: Nếu tôi không ham muốn gì, ngay cả ham muốn cái Tối Thượng?

M: Thì hoặc là ông chết, hoặc ông là cái Tối Thượng.

H: Thế giới đầy những ham muốn. Mọi người đều ham muốn một cái gì đó. Ai là kẻ ham muốn? Con người hay cái Ta?

M: Cái Ta. Tất cả mọi ham muốn, thánh thiện hay phàm tục đều từ cái Ta mà ra; tất cả đều treo trên ý thức “Ta hiện hữu”.

H: Tôi có thể hiểu được những ham muốn thánh thiện – Satyakama – phát sinh từ cái Ta. Đó có thể là sự thể hiện khía cạnh cực lạc Sadchitananda (Hiện hữu – Tánh biết – Hạnh phúc) của cái Ta. Nhưng tại sao lại có những ham muốn phàm tục?

M: Tất cả mọi ham muốn đều nhắm đến hạnh phúc. Hình tướng và tính chất của ham muốn phụ thuộc vào Psyche[1] (Antahkarana). Ở đâu quán tính sức ì chiếm ưu thế thì ở đó chúng ta tìm thấy sự xấu xa. Cùng với năng lượng, sự đam mê khởi sinh. Cùng với sự trong sáng, động lực đằng sau ham muốn là thiện ý, là từ bi, là sự thôi thúc đem lại hạnh phúc hơn là hưởng hạnh phúc. Nhưng Cái Tối Thượng siêu vượt tất cả, và vì tính thấu suốt vô cùng của Cái Tối Thượng nên tất cả mọi ham muốn lành mạnh đều có thể được thỏa mãn.

H: Những ham muốn nào là lành mạnh?

M: Những ham muốn tiêu diệt chủ thể, hay đối tượng của chúng, hoặc không giảm bớt khi đã được toại nguyện đều là những ham muốn tự mâu thuẫn và không thể thỏa mãn. Chỉ có những ham muốn được thôi thúc bởi lòng yêu thương, thiện ý và từ bi, đem lại lợi lạc cho cả chủ thể lẫn đối tượng thì mới có thể được thỏa mãn hoàn toàn.

H: Tất cả mọi ham muốn đều đau đớn, cả thánh thiện lẫn phàm tục.

M: Chúng không giống nhau nên sự đau đớn cũng không giống nhau. Đam mê thì đầy đau đớn, còn từ bi thì không bao giờ. Toàn thể vũ trụ phấn đấu nhằm thỏa mãn một ham muốn sinh khởi từ tâm từ bi.

H: Cái Tối Thượng có biết chính nó? Cái Vô Nhân Cách có ý thức không?

M: Nguồn gốc của tất cả có tất cả. Bất cứ cái gì từ đó chảy ra đều phải ở sẵn trong đó dưới hình thức chủng tử. Cũng như một hạt giống là cái tối hậu của vô số hạt giống, hàm tàng kinh nghiệm và sự hứa hẹn của vô số khu rừng, thì cái Không Biết dung chứa tất cả những cái đã là, hay có thể đã là, và tất cả những cái sẽ là và có thể sẽ là. Toàn thể phạm trù của sự trở thành luôn luôn rộng mở và có thể tiếp cận được; quá khứ và tương lai cùng tồn tại trong cái bây giờ vĩnh cửu.

H: Ông đang sống trong cái Không Biết Tối Thượng?

M: Còn nơi nào khác?

H: Vì sao ông nói thế?

M: Không còn tham ái nào sinh khởi trong tâm Ta.

H: Vậy ông không còn ý thức?

M: Dĩ nhiên là có ! Ta hoàn toàn ý thức, nhưng vì không còn tham ái hay lo sợ xâm nhập tâm Ta, nên chỉ có sự im lặng tuyệt đối.

H: Ai là người biết sự im lặng?

M: Sự im lặng biết chính nó. Đó là sự im lặng của cái tâm im lặng, khi si mê và tham ái cái “Ta là” được làm cho im lặng.

H: Ông có thỉnh thoảng kinh nghiệm tham ái?

M: Tham ái chỉ là những đợt sóng trong tâm. Ông biết một con sóng khi ông thấy nó. Tham ái chỉ là một trong nhiều thứ khác. Ta cảm thấy không có sự thôi thúc nào bắt Ta phải thỏa mãn một tham ái, và cũng chẳng có hành động nào là cần thiết để đối phó với nó. Không còn tham ái có nghĩa là: Không có sự thôi thúc phải thỏa mãn.

H: Tại sao tham ái lại khởi sinh?

M: Bởi vì ông tưởng tượng rằng ông đã được sinh ra, và ông sẽ chết nếu ông không lo cho thân xác của ông. Mong muốn sự tồn tại hữu thân là căn nguyên của phiền trược.

H: Nhưng, có rất nhiều linh hồn – Jivas – nhập vào các thân xác. Chắc chắn không thể là một sai lầm nào đó trong nhận xét, mà phải có một mục đích. Mục đích đó có thể là gì?

M: Để biết chính nó, cái Ta phải được đối diện với cái đối nghịch của nó – tức không phải cái Ta. Lòng ham muốn đưa đến kinh nghiệm. Kinh nghiệm đưa đến phân biệt, xa lìa, tự biết mình – giải thoát. Xét cho cùng thì giải thoát là gì? Là biết ông ở ngoài sinh tử. Vì ông quên mất chính mình, và tưởng tượng rằng ông là một sinh vật hữu tử, ông tạo ra vô số phiền trược cho chính ông; ông phải tỉnh thức, như vừa ra khỏi cơn mộng dữ.

Sự tìm hiểu cũng làm cho ông tỉnh thức. Ông chẳng cần phải đợi cho đến khi đau khổ, mà tốt hơn nên tìm hiểu hạnh phúc là gì, vì tâm ở trong sự hài hòa và an lạc.

H: Một cách chính xác, ai là người kinh nghiệm tối hậu – cái Ta hay cái Không biết?

M: Dĩ nhiên là cái Ta.

H: Vậy tại sao ông lại đưa ra ý niệm về cái Không Biết Tối Thượng?

M: Để giải thích cái Ta.

H: Nhưng có cái gì ở ngoài cái Ta?

M: Ngoài cái Ta thì chẳng có gì cả. Tất cả là một và tất cả được dung chứa trong “Ta hiện hữu”. Trong trạng thái thức và chiêm bao nó là con người. Trong giấc ngủ sâu, và Turiya[2] nó là cái Ta. Bên ngoài sự chuyên chú linh hoạt của Turiya là sự an lạc tĩnh lặng vĩ đại của cái Tối Thượng. Nhưng thật ra tất cả là một trong tánh thể và tương quan trong biểu hiện. Trong vô minh người thấy trở thành cái bị thấy, trong trí tuệ người thấy là hành vi thấy.

Nhưng việc gì phải bận tâm với cái Tối Thượng? Chỉ cần biết người người biết thì tất cả sẽ được biết.

21. Ta là ai?

Hỏi: Chúng tôi được khuyên là nên tôn thờ Thực tại, hiện thân là Thượng đế, hoặc Đấng Toàn Hảo, và được bảo là đừng tìm cách tôn thờ cái Tuyệt đối, vì điều này quá khó khăn đối với một ý thức tập trung trong não bộ.

Maharaj: Cái Thật thì rất đơn giản và khai mở cho tất cả. Tại sao ông lại làm cho phức tạp? Cái Thật luôn luôn yêu và đáng yêu. Cái Thật dung chứa tất cả, chấp nhận tất cả, và làm cho tất cả đều thanh tịnh. Chỉ cái không thật mới khó khăn và là nguồn gốc của phiền trược. Cái không thật luôn luôn cần cầu, mong đợi, và đòi hỏi. Vì là hư giả nên nó rỗng tuếch, luôn luôn tìm kiếm sự xác nhận và bảo đảm. Nó rất sợ hãi và né tránh mọi sự tìm hiểu. Nó đồng hóa tự thân với bất cứ sự chống đỡ nào, dù yếu ớt hay tạm bợ đến đâu. Bất cứ gì nó có, nó đều đánh mất và đòi thêm. Do đó đừng tin vào ý thức. Bất cứ gì ông có thể thấy được, cảm thọ được, hay suy nghĩ được đều không phải như thế. Ngay cả tội lỗi và đức hạnh, giá trị và vô giá trị đều không phải là những gì mà chúng thể hiện bề ngoài. Thông thường cái xấu và cái tốt chỉ là vấn đề quy ước và tập quán, chúng bị xa lánh hay được tiếp đón tùy theo cách vận dụng ngôn từ.

H: Thế không phải có những ham muốn tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn?

M: Tất cả ham muốn đều xấu, nhưng vẫn có những ham muốn xấu xa hơn những ham muốn khác. Theo đuổi bất cứ ham muốn nào cũng đều đem lại cho ông phiền trược.

H: Ngay cả ham muốn không còn ham muốn?

M: Tại sao lại ham muốn? Ham muốn một trạng thái không còn ham muốn không làm ông trở nên tự do. Không gì có thể làm ông tự do, vì chính ông là tự do. Chỉ thấy được ông bằng sự sáng suốt vô tham ái, thế là đủ.

H: Để biết chính mình cần phải có thời gian.

M: Thời gian có thể giúp gì cho ông? Thời gian chỉ là một chuỗi liên tiếp các khoảnh khắc, mà mỗi khoảnh khắc xuất hiện từ hư vô và biến mất vào hư vô, không bao giờ xuất hiện trở lại. Làm sao ông có thể xây dựng trên một cái gì vô thường đến như thế?

H: Vậy cái gì thường hằng?

M: Quay về với chính ông để tìm cái thường hằng. Lặn sâu vào bên trong và tìm ra cái chơn thật trong ông.

H: Làm thế nào để tìm chính tôi?

M: Bất cứ gì xảy ra, đều xảy ra đối với ông. Bất cứ gì ông làm, người làm ở trong ông. Tìm ra chủ thể của tất cả những gì là ông, một con người.

H: Tôi còn có thể là một cái gì khác?

M: Tìm xem. Dù Ta có bảo ông rằng ông là nhân chứng, là người quan sát thầm lặng thì cũng vô nghĩa đối với ông, trừ khi ông tìm ra con đường đưa đến sự hiện hữu của chính ông.

H: Câu hỏi của tôi là: Làm sao tìm ra con đường đưa đến sự hiện hữu của chính mình?

M: Buông bỏ tất cả các câu hỏi, ngoại trừ câu hỏi: “Ta là ai?” Xét cho cùng, điều duy nhất mà ông biết chắc chắn là chính ông hiện hữu. Cái “Ta là” thì chắc chắn. “Ta là cái này” thì không phải. Tinh tấn tìm cho ra cái ông là trong thực tế.

H: Suốt 60 năm qua tôi đã chẳng làm gì khác hơn điều đó.

M: Tinh tấn có gì là sai? Tại sao lại vọng cầu kết quả? Tự thân tinh tấn chính là bản chất chơn thật của ông.

H: Tinh  tấn thì đầy gian khổ.

M: Ông biến nó thành gian khổ vì ông vọng cầu kết quả. Tinh tấn mà không vọng cầu, phấn đấu mà không tham lam.

H: Tại sao Thượng đế lại sinh tôi ra như tôi là?

M: Ông nói đến Thượng đế nào? Thượng đế là gì? Không phải Thượng đế chính là ánh sáng mà nhờ đó ông đặt câu hỏi? Tự thân “Ta hiện hữu” là Thượng đế. Tự thân sự tìm kiếm là Thượng đế. Trong khi tìm kiếm ông sẽ khám phá ra rằng ông không phải thân mà cũng chẳng phải tâm, và tình yêu cái Ta trong ông cũng là tình yêu cái Ta trong tất cả. Hai là một. Ý thức trong ông và ý thức trong Ta, rõ ràng là hai nhưng thật ra là Một. Hãy tìm ra tính Một duy nhất, và đó là tình yêu.

H: Làm sao tôi tìm ra tình yêu đó?

M: Ông yêu cái gì bây giờ? Cái “Ta hiện hữu”. Dành hết trái tim và tâm trí cho nó, đừng bận tâm đến bất cứ gì khác. Một khi không còn phải cố gắng và thật tự nhiên thì đó là trạng thái cao nhất. Trong trạng thái đó tự thân tình yêu vừa là người yêu vừa là người được yêu.

H: Mọi người đều muốn sống, muốn tồn tại. Đó không phải là lòng yêu thương chính mình?

M: Tất cả mọi ham muốn đều bắt nguồn từ cái Ta. Vấn đề là lựa chọn ham muốn đúng.

H: Đúng hay sai thay đổi tùy theo thói quen và tập quán. Mỗi xã hội có những tiêu chuẩn khác nhau.

M: Hãy quẳng đi tất cả những tiêu chuẩn có tính cách truyền thống. Cứ để chúng cho các nhà đạo đức giả. Chỉ cái gì giải thoát ông khỏi tham ái, lo sợ và tà kiến là cái tốt. Bao giờ còn ưu tư về tội lỗi và đức hạnh thì ông còn bất an.

H: Theo tôi tội lỗi và đức hạnh chỉ là những mặc ước xã hội. Nhưng có thể có những tội lỗi tâm linh và đức hạnh tâm linh. Tôi muốn nói tâm linh là tuyệt đối. Liệu có cái như tội lỗi tuyệt đối và đức hạnh tuyệt đối?

M: Tội lỗi và đức hạnh chỉ dùng cho con người. Nếu không có con người tội lỗi hay con người đức hạnh thì cái gì là tội lỗi, cái gì là đức hạnh? Ở bình diện tuyệt đối, không hề có con người; đại dương bao la của tánh biết thuần túy không đức hạnh mà cũng chẳng tội lỗi. Tội lỗi và đức hạnh luôn luôn là tương đối?

H: Liệu tôi có thể buông bỏ những quan niệm không cần thiết như thế không?

M: Bao giờ còn nghĩ ông là con người thì không được.

H: Nhờ chỉ dấu nào tôi biết được tôi vượt ra khỏi tội lỗi và đức hạnh?

M: Nhờ không còn tham ái và lo sợ, không còn ý nghĩ là một con người. Nuôi dưỡng những ý nghĩ như “Ta là kẻ có tội” là có tội. Đồng hóa chính mình với một cái gì đó riêng biệt là tất cả mọi tội lỗi. Cái phi nhân cách thì chơn thật, cái có nhân cách thì sinh diệt. “Ta là” là sự hiện hữu phi nhân cách. “Ta là cái này” là con người. Con người thì tương đối, còn hiện hữu thuần túy là căn nguyên.

H: Chắc chắn sự hiện hữu thuần túy không phải là vô thức, và cũng không phải là vô phân biệt. Làm sao nó ở ngoài tội lỗi và đức hạnh? Xin vui lòng cho biết nó có trí tuệ hay không?

M: Tất cả những câu hỏi vừa nêu lên đều khởi sinh từ sự tin tưởng rằng chính ông là một con người. Hãy thoát ra khỏi tính cách con người thì ông sẽ thấy.

H: Một cách chính xác ông muốn nói gì khi bảo tôi chấm dứt là một con người?

M: Ta không bảo ông chấm dứt hiện hữu – đó là điều ông không thể. Ta chỉ bảo ông chấm dứt tưởng tượng rằng ông đã được sinh ra, có cha mẹ, là một thân xác, sẽ chết đi, và vân vân. Hãy thử thực hiện một bước khởi đầu –  nó không quá khó khăn như ông tưởng.

H: Cho rằng mình có nhân cách là tội lỗi của cái phi nhân cách.

M: Một lần nữa lại là cái nhìn của tính cách cá nhân ! Tại sao ông cứ khăng khăng làm nhiễm ô cái phi nhân cách bằng những ý nghĩ của ông về tội lỗi và đức hạnh? Tội lỗi và đức hạnh không áp dụng được đối với cái phi nhân cách. Cái phi nhân cách không thể được mô tả bằng những hình thức tốt và xấu. Hiện hữu – Trí tuệ – Tình yêu – tất cả là tuyệt đối. Phạm vi của tội lỗi ở đâu trong đó? Còn đức hạnh mới là sự đối nghịch của tội lỗi.

H: Chúng ta đang nói về đức hạnh thiêng liêng.

M: Đức hạnh chơn thật là đức hạnh thiêng liêng. Cái mà ông là thực sự là đức hạnh của ông. Còn cái đối nghịch với tội lỗi mà ông gọi là đức hạnh chỉ là sự vâng lời phát sinh từ sợ hãi.

H: Vậy tại sao mọi cố gắng chỉ để trở nên tốt lành?

M: Tất cả những cố gắng chỉ để duy trì ông tiến tới. Ông tiếp tục tiến tới cho đến khi tìm thấy Thượng đế. Rồi Thượng đế sẽ tiếp nhận ông vào trong chính Ngài – và làm cho ông như chính Ngài là.

H: Cùng một hành động, được xem là tự nhiên vào một điểm, và tội lỗi ở một điểm khác. Cái gì làm cho nó trở nên tội lỗi?

M: Bất cứ gì ông làm ngược lại với sự hiểu biết tốt lành là tội lỗi.

H: Hiểu biết tùy thuộc vào ký ức.

M: Nhớ cái Ta của ông là đức hạnh, quên mất cái Ta của ông là tội lỗi. Chung qui tất cả chỉ là sự nối kết tinh thần hay tâm lý giữa tâm và vật. Chúng ta có thể gọi sự nối kết đó là Psyche. Khi Psyche còn thô thiển, chưa phát triển, còn sơ khai, thì nó bị chi phối bởi những ảo tưởng thô thiển. Khi tâm thức tăng trưởng theo bề rộng và gia tăng độ bén nhậy, nó trở thành sự nối kết hoàn hảo giữa thuần vật chất và thuần tinh thần, và đem lại ý nghĩa cho vật chất và sự thể hiện cho tinh thần.

Có thế giới vật chất – Mahadakash – và thế giới tinh thần – Paramakash. Ở giữa hai cái là tâm thức vũ trụ – Chidakash, cũng là trái tim vũ trụ – Premakash. Chính tình yêu sáng suốt làm cho hai cái thành một.

H: Có người đần độn, có người thông minh. Sự khác biệt là Psyche của họ. Những người trưởng thành có nhiều kinh nghiệm phía sau họ. Cũng như một đứa trẻ lớn lên nhờ ăn, uống, ngủ và chơi đùa, thì Psyche của một người được định hình bởi tất cả những gì người ấy tư duy, cảm thọ và hành động, cho đến khi nó hoàn hảo để được dùng như một cây cầu giữa tinh thần và thể xác. Cũng như cây cầu nối liền sự lưu thông giữa hai bờ song, Psyche liên kết nguồn gốc và sự thể hiện của nguồn gốc.

M: Gọi nó là tình yêu. Cây cầu là tình yêu.

H: Xét cho cùng, tất cả đều là kinh nghiệm. Bất cứ gì chúng ta suy nghĩ, cảm thọ, và hành động đều là kinh nghiệm. Đằng sau là người kinh nghiệm. Như vậy, tất cả chúng ta biết gồm có hai yếu tố – người kinh nghiệm và kinh nghiệm. Nhưng thật ra hai là một – chỉ người kinh nghiệm là kinh nghiệm. Tuy nhiên, người kinh nghiệm lại cho rằng kinh nghiệm thuộc về bên ngoài. Cũng như thế, tinh thần và thể xác là một; chúng chỉ có vẻ như là hai.

M: Đối với Tinh thần, không có cái gì là thứ hai.

H: Thế cái thứ hai xuất hiện đối với ai? Theo tôi hình như tính nhị nguyên chỉ là một ảo tưởng được tạo ra bởi sự không hoàn hảo của Psyche. Khi Psyche toàn hảo, tính nhị nguyên không còn được thấy nữa.

M: Quả là như thế.

H: Tuy nhiên, tôi phải lập lại câu hỏi rất đơn giản: Ai tạo ra sự phân biệt giữa tội lỗi và đức hạnh?

M: Kẻ nào có thân thì có tội với thân. Kẻ nào có tâm thì có tội với tâm.

H: Nếu chỉ đơn thuần có thân và tâm không nhất thiết phải là tội lỗi. Phải có một yếu tố thứ ba ở ngay nguồn gốc của nó. Tôi vẫn tiếp tục trở lại câu hỏi về tội lỗi và đức hạnh này, vì ngày nay bọn trẻ cứ cho rằng chẳng có cái như là tội lỗi, nên chẳng cần phải câu nệ quá mà hãy sẵn sàng bắt kịp những ham muốn hiện tiền. Bọn họ phớt lờ truyền thống và uy quyền; chỉ có tư tưởng kiên cố và chân thật may ra mới có thể ảnh hưởng được họ.

Nếu bọn họ có kiềm chế một số hành động nào đó thì chẳng qua là vì sợ cảnh sát chứ không phải vì sự tin tưởng. Chắc chắn là phải có một cái gì đó trong những gì họ nói, vì chúng ta có thể thấy các giá trị của chúng ta thay đổi từ nơi này đến nơi khác, và từ lúc này sang lúc khác. Chẳng hạn như chém giết trong chiến tranh là một đức tính anh hùng hôm nay, nhưng có thể bị coi là tội ác ghê tởm vào thế kỷ sau.

M: Một người cùng di chuyển với trái đất chắc chắn sẽ trải qua ngày và đêm. Người nào ở cùng với mặt trời sẽ không biết bóng tối là gì. Thế giới của Ta không phải là thế giới của các ông. Theo như Ta thấy, các ông đang đóng trò trên sân khấu. Không hề có thực tế nào trong việc đến và đi của các ông. Mọi vấn đề của các ông chẳng thật chút nào !

H: Có thể chúng tôi là những kẻ mộng du, hay đang ở trong ác mộng. Ông không thể làm gì được sao?

M: Đây là điều Ta làm: Ta đã đi vào trạng thái chiêm bao của các ông và bảo: “Ngưng làm cho chính mình và tha nhân đau khổ, chấm dứt đau khổ và tỉnh thức.”

H: Vậy tại sao chúng tôi không thức tỉnh?

M: Các ông sẽ thức tỉnh. Không gì có thể ngăn trở Ta. Có lẽ phải cần một thời gian. Khi các ông bắt đầu đặt câu hỏi về giấc chiêm bao của chính mình thì sự tỉnh thức không còn bao lâu.

22. Sự sống là Tình yêu và Tình yêu là Sự sống

Hỏi: Có phải tu tập Yoga là luôn luôn có ý thức? Hay, có thể nào là vô thức, ở bên dưới ngưỡng cửa của biết?

Maharaj: Đối với những người sơ cơ, việc tu tập Yoga thường là có chủ ý và đòi hỏi quyết tâm cao. Nhưng sau nhiều năm tu tập nghiêm túc, hành giả có thể thường xuyên chuyên chú trong sự giác ngộ chính mình, dù có ý thức hay không. Pháp môn Sadhana – trực chỉ một cách vô thức – là hữu hiệu nhất, vì nó tùy nghi và chắc chắn.

H: Phải hiểu như thế nào về một người từng tu tập Yoga nghiêm túc trong một thời gian, rồi sau đó chán nản và buông trôi mọi cố gắng?

M: Chỉ xét đoán bề ngoài một người làm, hay không làm cái gì đó, thì thường là lầm lẫn. Người đó trông có vẻ như thờ ơ nhưng có thể là để gom góp sức lực. Các nguyên nhân về thái độ của chúng ta rất vi tế. Một người không nên vội vàng lên án, và thậm chí cũng chớ vội ca tụng. Nên nhớ rằng Yoga là sự tác động của cái Ta bên trong – VyakTa – lên cái Ta bên ngoài – Vyakti. Tất cả những gì cái bên ngoài làm đơn thuần chỉ là phản ứng đối với cái bên trong.

H: Nhưng cái bên ngoài vẫn hữu ích.

M: Nó hữu ích được bao nhiêu và bằng cách nào? Nó có thể điều khiển một phần nào thân xác, và có thể hoàn chỉnh tư thế cũng như cách thở. Còn đối với ý nghĩ và cảm thọ của tâm thì nó chỉ có rất ít ưu thế, vì nó chính là tâm. Chính cái bên trong mới có thể điều khiển cái bên ngoài. Cái bên ngoài sẽ tuân theo một cách khôn ngoan.

H: Nếu cái bên trong có trách nhiệm tối hậu đối với sự phát triển tâm linh của con người, thì tại sao người ta lại hô hào và khuyến khích cái bên ngoài?

M: Cái bên ngoài có thể giúp ích bằng cách giữ im lặng và làm cho không còn tham ái và lo sợ. Chắc ông có để ý rằng tất cả những chỉ thị đối với cái bên ngoài đều là dưới hình thức phủ định như: đừng, chấm dứt, kiềm chế, từ bỏ, buông bỏ, hy sinh, bỏ, thấy cái hư giả là hư giả. Ngay cả mô tả ngắn gọn về thực tại cũng là sự phủ nhận: “Không phải cái này, Không phải cái này” – Neti, Neti. Tất cả những cái khẳng định thuộc cái Ta bên trong, cùng như tất cả những cái tuyệt đối thuộc về Thực tại.

H: Làm sao chúng ta phân biệt được cái bên trong và cái bên ngoài qua kinh nghiệm thực tế?

M: Cái bên trong là nguồn gốc của cảm hứng, cái bên ngoài được vận hành bằng ký ức. Nguồn gốc thì không thể truy tầm, trong khi tất cả ký ức đều bắt đầu ở một nơi nào đó. Như vậy cái bên ngoài luôn luôn được xác định, còn cái bên trong thì không thể nắm bắt bằng ngôn từ. Sự nhầm lẫn của các môn đồ Yoga là họ tưởng tượng rằng cái bên trong là cái gì có thể nắm bắt được, họ quên rằng tất cả những gì có thể nhận thức được đều biến dịch, và do đó không thật. Chỉ có cái làm cho nhận thức trở nên khả hữu – gọi nó là Sự Sống hay Đại Ngã – Brahman, hay bất cứ gì mà ông muốn – mới là thật.

H: Sự sống có cần phải có một cái thân để thể hiện chính nó?

M: Thân xác tìm cách sống. Không phải sự sống cần đến thân xác mà chính thân xác cần đến sự sống.

H: Sự sống làm như vậy một cách có chủ đích?

M: Thế tình yêu có hành xử một cách có chủ đích? Có và không. Sự sống là tình yêu và tình yêu là sự sống. Cái gì giữ cho thân xác được liên tục nếu không phải tình yêu? Tham ái là gì, nếu không phải là yêu quí cái Ta? Lo sợ là gì, nếu không phải là sự mong muốn được bảo vệ? Và hiểu biết là gì nếu không phải là lòng yêu chuộng sự thật? Phương diện và hình thức có thể sai lầm, nhưng động cơ phía sau luôn luôn là sự yêu quí – yêu quí cái Ta và yêu quí cái của Ta. Cái Ta và cái của Ta có thể là nhỏ bé, hoặc có thể bùng nổ và bao gồm cả vũ trụ, nhưng tình yêu lúc nào cũng thế.

H: Tụng niệm danh xưng Thượng đế là điều rất phổ biến ở Ấn Độ, liệu có công thức nào không?

M: Khi biết tên một vật, hay một người, ông có thể tìm ra vật đó hay người đó một cách dễ dàng. Kêu gọi Thượng đế bằng tên của Ngài, ông mời Ngài đến với ông.

H: Ngài đến dưới hình thức nào?

M: Tùy theo sự mong đợi của ông. Nếu ông kém may mắn và một người thánh thiện nào đó cho ông một câu thần chú – Mantra – may mắn, và ông trì niệm câu chú với tất cả tín tâm và thành khẩn thì vận rủi của ông chắc chắn sẽ ra đi. Tín tâm kiên cố vẫn mãnh liệt hơn định mệnh. Định mệnh là kết quả của nhiều nguyên nhân, hầu hết là ngẫu nhiên, và do đó đan kết với nhau một cách rất lỏng lẻo. Niềm tin và hy vọng sẽ vượt qua định mệnh một cách dễ dàng.

H: Khi niệm chú thì chuyện gì xảy ra?

M: Âm thanh của câu chú tạo ra hình tướng và hình tướng đó là hiện thân của cái Ta. Cái Ta có thể là hiện thân của bất cứ hình tướng nào – và hành hoạt qua hình tướng đó. Xét cho cùng, cái Ta thể hiện tự thân trong hành động – và câu chú là năng lượng khởi đầu hành động. Nó tác động đến ông, và nó tác động đến môi trường quanh ông.

H: Thần chú thuộc về truyền thống? Có bắt buộc phải như thế không?

M: Từ ngàn xưa đã có sự liên hệ giữa một số từ ngữ với những năng lượng tương ứng; nếu lập lại nhiều lần các từ ngữ đó thì sự liên hệ sẽ tăng thêm cường độ. Nó cũng giống như một con đường để đi. Đó là một con đường dễ dàng – chỉ cần có tín tâm là đủ. Người trì chú tin tưởng con đường sẽ đưa mình đến nơi muốn đến.

H: Ở Âu châu không có truyền thống thần chú, ngoại trừ trong một số dòng tu kín. Trì chú có ích lợi gì đối với một thanh niên Tây phương thời nay?

M: Chẳng có ích lợi gì, trừ khi anh ta bị thu hút rất mạnh. Đối với anh ta cách đúng nhất là chuyên chú với ý nghĩ rằng anh ta là nền tảng của mọi sự hiểu biết, là tánh biết bất biến và bất diệt về tất cả những gì xảy đến với các giác quan và tâm. Nếu luôn luôn giữ điều đó trong tâm, thấy biết và tỉnh thức, thì anh ta chắc chắn sẽ phá vỡ mọi giới hạn của vô minh, và thể nhập vào sự sống thuần túy, ánh sáng và tình yêu.

Ý nghĩ “Ta chỉ là nhân chứng” sẽ thanh tẩy thân tâm và khai mở con mắt của trí tuệ. Anh ta vượt ra khỏi mọi ảo tưởng và trong lòng hoàn toàn không còn tham ái. Cũng như băng tan thành nước, nước bốc hơi, hơi nước hòa tan trong không khí và biến mất trong không gian, thì thân xác sẽ hòa tan trong tánh biết thuần túy – Chidakash, rồi thành sự hiện hữu thuần túy – Paramakash, là cái ở ngoài mọi tồn tại và không tồn tại.

H: Bậc giác ngộ cũng ăn uống và ngủ nghỉ. Cái gì khiến bậc giác ngộ làm như vậy?

M: Người giác ngộ được vận hành bởi cùng năng lượng vận hành vũ trụ.

H: Tất cả đều được vận hành bởi cùng một năng lượng; sự khác biệt là gì?

M: Đây là sự khác biệt duy nhất: Bậc giác ngộ biết được cái người khác chỉ nghe nói suông mà không trải qua. Về phương diện tri thức thì người thường có vẻ tin tưởng nhưng trong hành động họ để lộ ra sự ràng buộc, còn người giác ngộ chẳng bao giờ lầm lẫn.

H: Mọi người đều nói “Ta là”. Bậc giác ngộ cũng nói “Ta là”. Sự khác biệt ở chỗ nào?

M: Sự khác biệt ở trong ý nghĩa gắn liền với câu: “Ta là”. Đối với người giác ngộ, kinh nghiệm: “Ta là thế giới, thế giới là của ta” có một giá trị tuyệt đối – người giác ngộ suy nghĩ, cảm thọ và hành động một cách hợp nhất, và là một với tất cả chúng sinh. Người đó thậm chí có thể không biết đến cả lý thuyết lẫn phương pháp tu hành sự giác ngộ của chính mình, người đó có thể được sinh ra và chẳng được giáo dục những quan niệm về tôn giáo hay siêu hình. Nhưng không hề có một lầm lẫn nào, dù nhỏ nhặt nhất, trong sự hiểu biết và lòng từ bi của người giác ngộ.

H: Giả sử tôi gặp một khất sĩ lõa thể và đói khát, tôi hỏi người đó: “Ông là ai?” Người khất sĩ trả lời: “Ta là cái Ta Tối Thượng.” Tôi đáp: “Được, ông là Cái Tối Thượng, vậy hãy thay đổi trạng thái hiện nay của ông đi.” Người đó sẽ làm gì?

M: Người đó sẽ hỏi ông: “Trạng thái nào? Có cái gì cần phải thay đổi? Cái gì là không đúng với Ta?

H: Tại sao người đó lại trả lời như vậy?

M: Bởi vì người đó không còn bị ràng buộc với hình tướng bề ngoài, người đó không đồng hóa chính mình với danh xưng và hình tướng. Người đó sử dụng ký ức, nhưng ký ức không thể sử dụng được người đó.

H: Thế không phải tất cả hiểu biết đều dựa trên kinh nghiệm?

M: Hiểu biết ở trình độ thấp thì đúng. Hiểu biết ở trình độ cao, hiểu biết Thực tại có sẵn trong bản chất chơn thật của con người.

H: Liệu tôi có thể nói rằng tôi không phải cái mà tôi ý thức được, và tôi cũng không phải tự thân ý thức?

M: Bao giờ ông còn là người tìm kiếm, thì tốt hơn hãy bám chặt với ý nghĩ ông là ý thức thuần túy, hoàn toàn không có nội dung. Vượt ra khỏi ý thức là trạng thái tối thượng.

H: Sự mong cầu giải thoát khởi sinh từ trong ý thức hay bên ngoài?

M: Dĩ nhiên là từ trong ý thức. Tất cả mọi ham muốn đều khởi sinh từ ký ức và ở trong nội vi phạm trù ý thức. Cái ở bên ngoài ý thức thì không còn cố gắng cần cầu. Ngay chính sự ham muốn vượt ra khỏi ý thức vẫn còn trong nội vi ý thức.

H: Liệu có vết tích, hay dấu ấn nào của cái bên ngoài lưu lại trên ý thức?

M: Không, không thể nào có.

H: Vậy cái gì nối kết hai cái? Làm sao có thể tìm ra được sự dung thông giữa hai trạng thái không hề có sự tương đồng? Không phải tánh biết thuần túy là sự nối kết giữa hai cái hay sao?

M: Ngay cả tánh biết thuần túy cũng là một hình thức của ý thức.

H: Vậy cái gì ở bên ngoài? Hư không?

M: Một lần nữa, hư không ám chỉ ý thức. Viên mãn và hư không là những điều kiện tương đối. Cái Thật mới thực sự ở bên ngoài – bên ngoài không những trong tương quan với ý thức mà còn trong bất cứ mọi tương quan nào. Sự khó khăn ở đây là việc sử dụng từ ngữ “trạng thái”. Cái Thật không phải là trạng thái của một cái gì khác – nó không phải là một trạng thái của tâm, của ý thức, hay Psyche – nó cũng không phải là một cái gì có khởi đầu và kết thúc, hiện hữu hay không hiện hữu.

Tất cả mọi cái đối nghịch đều được dung chứa trong nó – nhưng nó không hề bị tác động bởi những cái đối nghịch. Ông chớ xem nó như là kết thúc của một sự chuyển tiếp. Nó là chính nó, sau khi những ý thức như thế không còn nữa. Lúc đó những từ ngữ như “Ta là con người,” hoặc “Ta là thượng đế” không còn ý nghĩa. Nó chỉ có thể được nghe, và được thấy trong sự im lặng và bóng tối.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x