Trang chủ » Ta là cái đó [8-12] – Cái Ta ở ngoài Tâm

Ta là cái đó [8-12] – Cái Ta ở ngoài Tâm

by Hậu Học Văn
481 views

8. Cái Ta ở ngoài Tâm

Hỏi: Khi còn nhỏ tôi vẫn thường trải qua những trạng thái hoàn toàn hạnh phúc, gần với cực lạc, sau này thì không còn nữa. Nhưng từ khi tôi đến Ấn Độ những trạng thái này lại xuất hiện trở lại, đặc biệt là sau khi tôi gặp ông. Tuy nhiên, những trạng thái này, dù tuyệt diệu đến đâu, không tồn tại lâu dài. Chúng đến rồi đi và không thể biết khi nào sẽ trở lại.

Maharaj: Làm sao có cái gì an ổn trong một cái tâm mà chính nó bất an?

H: Làm sao tôi có thể làm cho tâm tôi an?

M: Làm sao một cái tâm bất an có thể an được chính nó? Dĩ nhiên là nó không thể. Chính bản chất của tâm là lang thang bất định. Tất cả những gì ông có thể làm là dời tiêu điểm của ý thức ra ngoài tâm.

H: Làm sao thực hiện?

M: Từ bỏ mọi ý nghĩ, ngoại trừ ý nghĩ duy nhất: “Ta hiện hữu”. Thoạt tiên tâm sẽ nổi loạn, nhưng trước lòng kiên nhẫn và sự kiên trì nó sẽ chịu thua và giữ im lặng. Một khi ông tĩnh lặng, mọi chuyện sẽ xảy ra một cách tùy thuận và rất tự nhiên mà không có một sự can thiệp nào của ông.

H: Liệu tôi có thể tránh được cuộc chiến giai dẳng với tâm của tôi?

M: Có, ông có thể. Cứ sống cuộc đời của ông như nó đến với ông, nhưng tỉnh thức, quan sát, cứ để mọi chuyện xảy ra như nó xảy ra, làm những chuyện tự nhiên một cách tự nhiên, đau khổ, mừng vui – như cuộc đời đem đến. Đây cũng là một cách.

H: Vậy thì tôi có thể lập gia đình, có con cái, điều hành một cơ sở kinh doanh… và hạnh phúc.

M: Đúng thế. Có thể ông hạnh phúc hay không hạnh phúc, cứ chấp nhận nó một cách thản nhiên.

H: Nhưng tôi muốn hạnh phúc.

M: Hạnh phúc chơn thật không thể tìm thấy trong những gì thay đổi và vô thường. Lạc thú và đau khổ thay phiên nhau một cách lạnh lùng. Hạnh phúc đến từ cái Ta và chỉ có thể tìm thấy trong cái Ta. Chỉ cần tìm ra cái Ta chơn thật của ông – Swarupa – rồi tất cả những cái khác sẽ đến với nó.

H: Nếu cái Ta chơn thật của tôi là an lạc và tình yêu, tại sao nó bất an như thế?

M: Không phải sự hiện hữu chơn thật của ông bất an nhưng ảnh phản chiếu của nó trong tâm có vẻ như bất an bởi vì tâm bất an. Cũng giống như ảnh phản chiếu của mặt trăng trong nước bị gió khuấy động. Ngọn gió tham ái khuấy động tâm, và “tôi” – tức ảnh phản chiếu của cái Ta trong tâm – có vẻ như biến động. Nhưng tất cả những ý nghĩ về sự biến dịch và bất an, về lạc thú và đau khổ này đều ở trong tâm. Cái Ta đứng ngoài tâm, thấy biết nhưng thản nhiên.

H: Làm sao đạt đến nó?

M: Ông là cái Ta, ở đây và bây giờ. Cứ để kệ tâm, hãy đứng một cách tỉnh thức và thản nhiên rồi ông sẽ nhận ra rằng đứng một cách tỉnh thức, vô tư, quan sát những diễn tiến đến rồi đi, là một phương diện thuộc bản tánh chân thật của ông.

H: Những phương diện khác là gì?

M: Phương diện thì vô số. Nhận ra một, ông sẽ nhận ra tất cả.

H: Hãy cho tôi biết một cái gì đó giúp được tôi.

M: Ông biết rõ nhất cái ông cần!

H: Tôi bất an. Làm sao tôi đạt được an lạc?

M: Ông cần an lạc để làm gì?

H: Để hạnh phúc.

M: Thế bây giờ ông không hạnh phúc?

H: Tôi có cái tôi không muốn, và tôi muốn cái tôi không có.

M: Làm sao ông biết được cái gì là thích thú và cái gì không?

H: Dĩ nhiên là do kinh nghiệm đã trải qua.

M: Được ký ức hướng dẫn, ông theo đuổi sự thích thú và lãng tránh sự khó chịu. Thế ông đã thành công chưa?

H: Chưa, tôi chẳng thành gì cả. Sự thích thú không bền lâu. Đau khổ lại tái diễn.

M: Đau khổ nào?

H: Lòng ham muốn lạc thú, sợ hãi đau khổ, cả hai đều là những trạng thái phiền não. Liệu có thể có một trạng thái lạc thú thuần túy?

M: Mọi lạc thú, vật lý hay tâm lý đều cần đến một công cụ. Cả hai loại công cụ vật lý và tâm lý đều là vật chất, rồi chúng sẽ mỏi mệt và hao mòn. Lạc thú mà chúng đem lại chắc chắn hạn chế về cường độ và sự lâu bền. Đau khổ luôn luôn ở đằng sau tất cả những lạc thú của ông. Ông muốn chúng vì ông đau khổ. Mặt khác, chính sự tìm kiếm lạc thú là nguyên nhân của đau khổ. Đây là một cái vòng luẩn quẩn.

H: Tôi có thể thấy được cái cơ cấu gây ra sự bối rối của tôi, nhưng tôi không thấy lối thoát.

M: Lối thoát năm ngay trong chính sự tìm hiểu cơ cấu ấy. Xét cho cùng, mọi bối rối chỉ ở trong tâm ông, mà cho đến nay tâm ông chưa bao giờ nổi dậy chống lại sự bối rối và tóm được sự bối rối. Tâm ông chỉ nổi dậy chống lại sự đau khổ.

H: Như thế, tôi chỉ có cách là cứ ở trong tình trạng bối rối.

M: Hãy tỉnh thức. Đặt câu hỏi, quan sát, tìm hiểu, bằng mọi cách để biết sự bối rối, cách hoạt động của nó, và xem nó làm gì ông và người khác. Biết rõ sự bối rối, ông sẽ không còn bị bối rối.

H: Khi nhìn vào trong tôi, tôi thấy ham muốn mãnh liệt nhất là làm một cái gì đáng để ghi nhớ, tạo dựng một cái gì đó tồn tại lâu bền hơn tôi. Ngay cả khi tôi nghĩ đến một gia đình với vợ con thì cũng chỉ vì đó là một chứng tích lâu dài và bền chắc đối với tôi.

M: Được, cứ dựng cho chính ông một công trình đáng được ghi nhớ. Thế ông định xây cất nó như thế nào?

H: Tôi xây cất cái gì thì chẳng quan trọng, miễn là nó trường tồn.

M: Chắc chắn là ông có thể tự thấy rằng không có gì là trường tồn. Tất cả mọi thứ đều hư hoại, phân hóa, và tan rã. Ngay chính cái nền móng mà trên đó ông xây dựng cũng sụp đổ. Làm sao ông có thể xây dựng được cái gì lâu bền hơn tất cả?

H: Bằng tri thức, bằng ngôn từ, tôi biết rõ rằng tất cả là vô thường. Nhưng không hiểu vì sao lòng tôi mong muốn sự thường hằng. Tôi muốn tạo nên một cái gì đó trường tồn.

M: Thế thì ông phải xây dựng nó bằng một chất liệu trường tồn. Ông có cái gì trường tồn? Thân và tâm ông đều không trường tồn. Ông phải tìm ở một nơi nào khác.

H: Tôi mong muốn cái thường hằng, nhưng không tìm thấy nó ở đâu.

M: Thế ông, chính ông, không thường hằng sao?

H: Tôi đã được sinh ra, và tôi sẽ chết đi.

M: Liệu ông có thể nói rằng ông đã không có trước khi ông được sinh ra, và vào lúc chết liệu ông có thể nói: “Giờ đây Ta không còn nữa.” Nói như thế có đúng không? Ông không thể nói từ kinh nghiệm của chính ông rằng ông không hiện hữu. Ông chỉ có thể nói “Ta hiện hữu”. Thậm chí người khác cũng không thể bảo ông rằng ông không hiện hữu.

H: Không hề có cái “Ta hiện hữu” trong khi ngủ.

M: Trước khi phát ngôn một cách bao biện như thế, hãy cẩn thận xem xét trạng thái thức của ông. Ông có sớm nhận ra rằng nó đầy những khoảng trống khi tâm trở nên vô ký. Ông có để ý rằng ông nhớ rất ít ngay cả khi ông hoàn toàn thức. Ông không thể nói rằng ông không biết gì trong khi ngủ. Ông chỉ không nhớ. Một khoảng trống trong ký ức không nhất thiết phải là một khoảng trống trong ý thức.

H: Liệu tôi có thể nhớ lại trạng thái ngủ sâu của tôi?

M: Dĩ nhiên! Bằng cách loại trừ những sự xen vào ngắn hạn của các trạng thái vô ý trong thời gian thức, thì dần dần ông sẽ loại trừ được sự xen vào dài hơn của tình trạng đãng trí mà ông gọi là ngủ. Lúc đó ông sẽ biết rất rõ là ông đang ngủ.

H: Tuy nhiên, vấn đề thường hằng, vấn đề tiếp tục hiện hữu vẫn chưa được giải quyết.

M: Thường hằng đơn thuần chỉ là một ý tưởng, phát sinh từ hành vi thời gian. Thời gian lại tùy thuộc vào ký ức. Khi nói về sự thường hằng, ông hàm ý một ký ức liên tục xuyên qua thời gian bất tận. Ông muốn vĩnh cửu hóa tâm, đây là điều không thể được.

H: Thế cái gì vĩnh cửu?

M: Cái không thay đổi với thời gian. Ông không thể vĩnh cửu hóa một cái gì biến dịch – chỉ cái bất biến mới vĩnh cửu.

H: Tôi khá quen thuộc với ý nghĩa tổng quát của những gì ông nói. Tôi không khao khát thêm kiến thức. Tất cả những gì tôi cần là sự an lạc.

M: Ông có thể có tất cả an lạc mà ông muốn cho sự đòi hỏi của ông.

H: Tôi đang đòi hỏi.

M: Ông phải đòi hỏi với một trái tim trọn vẹn, và sống một cuộc sống hợp nhất.

H: Bằng cách nào?

M: Hãy cách ly chính ông với tất cả những gì làm cho tâm ông bất an. Loại bỏ tất cả những gì quấy nhiễu sự an lạc của tâm. Nếu muốn an lạc, ông hãy tỏ ra xứng đáng được an lạc.

H: Chắc chắn là mọi người đều đáng được an lạc.

M: Những người đáng được an lạc đều là những người không quấy nhiễu sự an lạc.

H: Tôi quấy nhiễu sự an lạc bằng cách nào?

M: Bằng cách làm nô lệ cho tham ái và lo sợ.

H: Ngay cả khi chúng là chính đáng?

M: Những phản ứng thuộc cảm xúc – sinh khởi từ vô minh hay vô ý – chẳng bao giờ là chính đáng. Hãy tìm một cái tâm trong, và một trái tim sạch. Những gì ông cần chỉ là giữ tỉnh thức trong tĩnh lặng, tìm hiểu sâu xa bản tánh chơn thật của chính ông. Đó là cách duy nhất đến với an lạc.

9. Phản ứng của ký ức

Hỏi: Một số người nói rằng vũ trụ được tạo ra. Nhiều người khác cho rằng vũ trụ luôn luôn tồn tại và thường xuyên trải qua những biến dịch. Có người bảo vũ trụ tuân theo những quy luật vĩnh cửu. Có người thậm chí phủ nhận vũ trụ do nhân duyên tạo ra. Có người nói thế giới là thật. Người khác thì bảo nó không hề có thực thể.

Maharaj: Ông thắc mắc về thế giới nào?

H: Dĩ nhiên là thế giới thuộc về những nhận thức của tôi.

M: Thế giới mà ông nhận thức thì thật sự rất nhỏ bé, và hoàn toàn riêng tư. Cứ xem nó như một giấc chiêm bao và quẳng nó đi.

H: Làm sao tôi có thể xem nó như một giấc chiêm bao? Một giấc chiêm bao thì không lâu dài.

M: Vậy thế giới nhỏ bé của ông lâu dài đến bao giờ?

H: Xét cho cùng thế giới nhỏ bé của tôi chính là một phần của toàn thể.

M: Thế không phải ý tưởng về một thế giới toàn thể cũng là một phần của thế giới thuộc riêng ông? Vũ trụ không đến bảo ông rằng ông là một phần của nó. Chính ông là người nghĩ tưởng ra một cái tổng thể dung chứa ông như một phần của nó. Thật ra, tất cả những gì ông biết là thế giới của riêng ông, dù ông có trang bị cho nó những tưởng tượng và hoài bảo to lớn đến đâu.

H: Nhận thức chắc chắn không phải là tưởng tượng!

M: Còn gì khác? Nhận thức là nhận ra qua hồi tưởng, có phải không? Người ta có thể cảm nhận một cái gì hoàn toàn xa lạ, nhưng không thể nhận thức được nó. Nhận thức có liên hệ với ký ức.

H: Cứ cho rằng như thế, nhưng ký ức không biến nó thành một ảo tưởng.

M: Nhận thức, tưởng tượng, mong đợi, dự đoán, ảo tưởng – tất cả đều dựa trên ký ức. Hầu như không có một ranh giới rõ rệt nào giữa chúng. Chúng tương nhập lẫn nhau. Tất cả đều là phản ứng của ký ức.

H: Tuy nhiên, ký ức có đó để chứng minh thế giới của tôi là hiện thực.

M: Ông nhớ được bao nhiêu? Thử viết ra từ ký ức của ông vào ngày 30 tháng trước ông đã nghĩ gì, nói gì và làm gì?

H: Đúng, tôi không nhớ được.

M: Nhưng không đến nỗi tệ như thế. Ông nhớ rất nhiều – chính ký ức vô thức làm cho ông rất quen thuộc với cái thế giới mà trong đó ông sống.

H: Đành rằng thế giới mà trong đó tôi sống là chủ quan và phiến diện. Thế còn ông? Ông sống trong loại thế giới nào?

M: Thế giới của Ta cũng giống như của ông. Ta thấy, Ta nghe, Ta cảm thọ, Ta tư duy, Ta nói và hành động trong một thế giới mà Ta nhận thức, cũng như ông. Nhưng với ông đó là tất cả, còn với Ta thì nó hầu như không là gì cả. Tuy biết rõ thế giới là một phần của chính Ta, nhưng Ta chú ý đến nó không nhiều hơn ông chú ý đến thực phẩm mà ông đã ăn. Trong khi được làm thành món và được ông ăn, thực phẩm còn tách biệt với ông và ông để ý đến nó; nhưng khi đã nuốt, ông hoàn toàn không biết nó nữa. Ta đã ăn trọn thế giới và Ta không cần thiết suy nghĩ về nó.

H: Thế ông không trở nên hoàn toàn vô trách nhiệm?

M: Làm sao được? Làm sao Ta có thể gây đau khổ cho cái gì đó là một với Ta. Trái lại, vì không nghĩ gì về thế giới nên bất cứ gì Ta làm đều lợi lạc cho nó. Cũng như thân xác tự đặt nó vào một vị trí đúng một cách vô thức, Ta không ngừng hành động để đặt thế giới vào đúng vị trí của nó.

H: Nhưng liệu ông có biết những đau khổ vô biên của thế giới?

M: Dĩ nhiên là Ta biết, còn rõ hơn ông biết.

H: Thế ông làm gì?

M: Ta nhìn thế giới qua đôi mắt của Thượng Đế và thấy tất cả đều an lành.

H: Làm sao ông có thể nói tất cả đều an lành? Hãy nhìn những cuộc chiến tranh, bóc lột, đấu tranh tàn nhẫn giữa công dân và nhà nước.

M: Tất cả những đau khổ đó đều do con người tạo ra và con người có đủ quyền năng để chấm dứt chúng. Thượng đế giúp Ta bằng cách cho con người đối diện với hậu quả của các hành động mà con người gây ra, và đòi hỏi rằng sự quân bình phải được tái lập. Nghiệp – Karma – là luật pháp hành xử cho lẽ phải, và cũng là bàn tay hàn gắn thương đau của Thượng đế.

 

10. Hành vi nhân chứng

Hỏi: Tôi đầy những ham muốn và tôi muốn chúng được thỏa mãn. Làm sao tôi có được cái tôi muốn?

Maharaj: Ông có xứng đáng được cái ông muốn không? Bằng cách này hay cách khác ông phải bỏ ra công sức để thực hiện những ham muốn của ông. Hãy dồn năng lực vào cái ông muốn dồi chờ kết quả.

H: Tôi lấy năng lực ấy ở đâu?

M: Tự thân ham muốn là năng lực.

H: Vậy tại sao mọi ham muốn không được thỏa mãn?

M: Có thể là nó không đủ mạnh và lâu bền.

H: Đúng, đó là vấn đề của tôi. Tôi muốn đủ thứ nhưng khi phải hành động thì lại quá lười.

M: Khi lòng ham muốn của ông không rõ ràng và không mãnh liệt thì nó không thể định hình. Ngoài ra, nếu những ham muốn của ông chỉ có tính cách cá nhân, và cho sự hưởng dụng của riêng ông thì năng lực mà ông bỏ ra nhất thiết là hạn chế, nó không thể nhiều hơn cái mà ông có.

H: Nhưng những người bình thường vẫn đạt được mong muốn của họ.

M: Chỉ sau khi họ mong muốn rất thiết tha và sau một thời gian dài. Mặc dù vậy, những gì họ đạt được cũng rất hạn chế.

H: Thế còn những ham muốn vô vị kỷ?:

M: Khi ông ham muốn cái tốt lành chung, cả thế giới cùng ham muốn với ông. Hãy xem ham muốn của nhân loại như ham muốn của chính ông, rồi ra tay hành động. Như thế ông không thể nào thất bại.

H: Nhân loại là chuyện của Thượng đế, không phải chuyện của tôi. Tôi chỉ quan tâm đến chính tôi. Tôi không có quyền thấy những ham muốn chính đáng của tôi thành tựu hay sao? Những ham muốn của tôi chẳng gây đau khổ cho ai cả. Chúng rất chính đáng. Là những ham muốn đúng, tại sao chúng không trở thành hiện thực?

M: Ham muốn đúng hay sai tùy theo hoàn cảnh, và còn tùy thuộc vào cách nhìn của ông. Sự khác biệt giữa đúng và sai chỉ có giá trị đối với cá nhân.

H: Một sự khác biệt như thế có những chỉ dấu gì? Làm sao tôi biết được ham muốn nào của tôi là đúng và ham muốn nào là sai?

M: Trong trường hợp của ông, những ham muốn nào đưa đến đau khổ là sai, và ham muốn nào đem lại hạnh phúc là đúng. Nhưng ông không được quên người khác. Đau khổ và hạnh phúc của họ cũng phải được biết đến.

H: Kết quả thì thuộc về tương lai. Làm sao tôi biết nó như thế nào?

M: Dùng tâm của ông. Nhớ. Quan sát. Ông không khác với tha nhân. Hầu hết những kinh nghiệm của họ cũng có giá trị đối với ông. Hãy suy nghĩ minh bạch và sâu xa, hãy đi vào toàn thể cái cơ cấu ham muốn của ông cùng với những dây mơ rễ má của nó. Chúng là phần quan trọng nhất của kết cấu tâm lý và cảm xúc của ông, chúng tác động rất mạnh đến hành động của ông. Hãy nhớ rằng ông không được bỏ qua những gì ông không biết. Để vượt ra khỏi chính ông, ông phải biết chính ông.

H: Biết chính tôi nghĩa là thế nào? Biết chính tôi, một cách chính xác là tôi biết cái gì?

M: Tất cả những gì không phải là ông.

H: Chứ không phải cái mà tôi là?

M: Cái mà ông là, thì ông đã là. Biết được cái không phải là ông thì ông thoát ra khỏi nó, và ở trong trạng thái tự nhiên của chính ông. Tất cả sẽ xảy ra một cách tự phát và chẳng cần dụng công.

H: Và tôi sẽ phát hiện được gì?

M: Ông sẽ phát hiện ra rằng chẳng có gì để phát hiện. Ông là cái mà ông là, và chỉ thế thôi.

H: Nhưng tối hậu tôi là cái gì?

M: Là sự phủ nhận tối hậu tất cả những gì không phải là ông.

H: Tôi không hiểu!

M: Chính định kiến của ông cho rằng ông phải là một cái gì đó làm cho ông không thấy.

H: Làm sao tôi loại bỏ được định kiến đó?

M: Nếu ông tin Ta, thì hãy tin tưởng khi Ta bảo ông rằng ông là tánh biết thuần túy, tánh biết đó soi sáng ý thức và nội dung bao la của ý thức. Nhận ra tánh biết này và sống thuận theo nó. Nếu ông không tin tưởng Ta, thì quay vào trong, tìm hiểu “Ta là cái gì?” hoặc, đặt tiêu điểm của tâm ông vào cái “Ta hiện hữu” tức là sự hiện hữu thuần túy và chân phương.

H: Lòng tin của tôi đối với ông tùy thuộc vào cái gì?

M: Vào cái nhìn sáng suốt của ông tận tim người. Nếu ông không thể nhìn vào tim Ta, thì nhìn vào tim ông.

H: Tôi không thể làm được hai điều đó.

M: Hãy làm cho ông trong sạch bằng một cuộc sống ngăn nắp và hữu ích. Quan sát ý nghĩ, cảm thọ, lời lẽ và hành động của ông. Điều này sẽ làm cho cái nhìn của ông sáng suốt.

H: Thế không phải trước tiên tôi phải từ bỏ tất cả, và sống một cuộc sống không nhà.

M: Ông không thể từ bỏ tất cả. Ông có thể bỏ nhà ra đi và để lại phiền não cho gia đình, nhưng mọi ràng buộc là ở trong tâm ông, và chúng sẽ không rời ông cho đến khi ông biết tâm một cách tường tận. Cái cần làm trước hãy làm trước – biết chính ông – tất cả những cái khác sẽ đến cùng với nó.

H: Nhưng ông đã bảo tôi là Thực tại Tối thượng. Thế không phải đó là sự biết mình?

M: Dĩ nhiên ông là Thực tại Tối thượng! Có sao đâu? Mỗi mỗi hạt cát là Thượng đế; biết được điều này rất quan trọng, nhưng đó mới là khởi đầu.

H: Ông bảo tôi là Thực tại Tối thượng. Tôi tin ông. Tiếp đến tôi phải làm gì?

M: Ta đã bảo ông rồi. Phát hiện ra tất cả những gì không phải là ông. Thân xác, cảm thọ, tư tưởng, ý nghĩ, thời gian, không gian, hiện hữu và phi hiện hữu, cái này hay cái kia – không có gì cụ thể hay trừu tượng mà ông có thể nêu ra được, lại là ông. Một câu nói suông chưa đủ – ông có thể lải nhải liên tu bất tận một công thức nào đó nhưng sẽ chẳng đem lại một kết quả nào. Ông phải quan sát chính ông liên tục – nhất là tâm ông – từ lúc này sang lúc khác, không được bỏ sót một cái gì. Hành vi nhân chứng này là điều thiết yếu để tách rời cái Ta khỏi những gì không phải là cái Ta.

H: Hành vi nhân chứng – không phải đó là bản chất chơn thật của tôi?

M: Để chứng kiến, thì phải có một cái gì đó để chứng kiến. Chúng ta vẫn còn trong vòng nhị nguyên.

H: Thế còn chứng kiến nhân chứng, biết cái biết?

M: Sắp xếp chữ nghĩa chẳng đưa ông đến đâu. Quay vào trong và phát hiện cái không phải là ông. Ngoài ra chẳng có gì là quan trọng.

 

11. Tánh biết và ý thức

Hỏi: Ông làm gì trong khi ngủ?

Maharaj: Ta biết Ta đang ngủ.

H: Thế không phải ngủ là một trạng thái vô thức?

M: Đúng, Ta biết Ta vô thức.

H: Thế còn khi thức, hoặc chiêm bao?

M: Ta biết Ta thức, hoặc chiêm bao.

H: Tôi không hiểu ông. Một cách chính xác ông muốn nói gì? Để tôi minh định những từ ngữ đã dùng: khi ngủ – tôi muốn nói là không có ý thức, khi thức – tôi muốn nói là có ý thức, khi chiêm bao – tôi muốn nói là có ý thức về nội tâm, nhưng không có ý thức về những gì xung quanh.

M: Thế thì sự minh định của ông cũng gần giống với Ta. Nhưng, có một sự khác biệt. Khi ở trong một trạng thái ông quên hai trạng thái kia, còn với Ta chỉ có một trạng thái hiện hữu duy nhất, dung nhiếp và siêu vượt ba trạng thái của tâm: thức, chiêm bao và ngủ.

H: Ông có thấy trong thế giới có một khuynh hướng và một mục đích?

M: Thế giới không gì khác hơn là ảnh phản chiếu trí tưởng tượng của Ta. Ta có thể thấy bất cứ gì Ta muốn thấy. Nhưng việc gì Ta lại phải bày đặt ra những mô thức của sáng tạo, tiến hóa và hủy diệt? Ta chẳng cần đến chúng. Thế giới ở trong Ta, thế giới là chính Ta. Ta không hề sợ nó và cũng chẳng có ý muốn giam hãm nó trong bức tranh của tâm.

H: Trở lại giấc ngủ. Ông có chiêm bao không?

M: Dĩ nhiên.

H: Những giấc mơ của ông là gì?

M: Chúng là tiếng vang vọng của trạng thái thức.

H: Còn trong giấc ngủ sâu của ông?

M: Ý thức của não bộ tạm ngưng.

H: Thế trong lúc đó ông vô thức?

M: Đối với môi trường xung quanh – Đúng.

H: Không hoàn toàn vô thức?

M: Ta vẫn biết Ta vô thức.

H: Ông dùng các từ ngữ như “biết” và “ý thức” một cách riêng biệt. Không phải chúng như nhau?

M: Tánh biết là tiên nguyên, nó là trạng thái nguyên thủy, không có sự khởi đầu, không có sự kết thúc, không do nhân duyên tạo ra, không tùy thuộc, không gồm những thành phần, và không thay đổi. Ý thức khởi sinh do tiếp xúc, nó là ảnh phản chiếu từ một bề mặt, và là một trạng thái nhị nguyên. Không thể có ý thức nếu không có tánh biết, nhưng có thể có tánh biết mà không có ý thức, chẳng hạn như trong giấc ngủ sâu. Tánh biết thuộc về tuyệt đối, còn ý thức liên quan với nội dung của nó; ý thức luôn luôn thuộc về một cái gì đó. Ý thức thì phiến diện và thay đổi, còn tánh biết là toàn thể, bất biến, tĩnh và lặng. Tánh biết là cái khuôn chung của mọi kinh nghiệm.

H: Làm sao một người vượt ra khỏi ý thức để thể nhập với tánh biết?

M: Vì chính tánh biết làm cho ý thức khả hữu, nên trong bất cứ trạng thái nào của ý thức cũng đều có tánh biết. Do đó, ngay chính ý thức về ý thức đã là một động thái trong tánh biết. Sự chú ý vào giòng ý thức sẽ đưa ông đến tánh biết. Đó không phải là một trạng thái mới lạ. Nó được nhận ra ngay tức thời như là sự tồn tại căn bản và nguyên thủy, tức là chính sự sống, và cũng là tình yêu và hỷ lạc.

H: Vì thực tại luôn luôn hiện hữu với chúng ta, giác ngộ chính mình bao gồm những gì?

M: Giác ngộ không gì khác hơn là ngược lại với vô minh. Xem thế giới là thật và cái Ta của chính mình là không thật – là vô minh, là nguồn gốc của đau khổ. Biết được cái Ta là thực tại duy nhất, còn tất cả những cái khác là vô thường và biến dịch – là tự do và an lạc. Đơn giản chỉ có thế. Thay vì nhìn sự vật theo tưởng tượng, hãy biết cách nhìn chúng như chúng là. Khi có thể thấy bất cứ gì như chính nó là, thì ông cũng thấy chính ông như ông là. Điều này cũng như lau sạch một tấm gương. Tấm gương cho ông thấy thế giới như chính nó là, thì chính nó cũng cho ông thấy bộ mặt thật của chính ông. Ý nghĩ “Ta hiện hữu” chính là tấm vải lau. Hãy dùng nó.

 

12. Con người không phải Thực tại

Hỏi: Xin vui lòng cho chúng tôi biết ông đã giác ngộ như thế nào?

Maharaj: Năm 34 tuổi Ta gặp Tôn sư, và năm 37 tuổi Ta giác ngộ.

H: Chuyện gì đã xảy ra? Sự thay đổi đã diễn ra thế nào?

M: Lạc thú và đau khổ không còn tác động được Ta. Ta hoàn toàn thoát khỏi tham ái và lo sợ. Ta cảm thấy chính Ta viên mãn, chẳng cần gì cả. Ta thấy trong đại dương của tánh biết thanh tịnh, trên bề mặt của ý thức vũ trụ, vô số những đợt sóng của thế giới hiện tượng nổi lên và chìm xuống mà không hề có sự khởi đầu hay chấm dứt. Là ý thức – tất cả chúng là Ta. Là sự kiện xảy ra – tất cả chúng là của Ta. Có một quyền năng bí ẩn chăm lo cho chúng. Quyền năng đó là tánh biết, là Ta, là Sự sống, là Thượng đế, là bất cứ danh xưng gì mà các ông muốn gọi. Nó là nền tảng, là sự nương tựa tối hậu của tất cả mọi hiện hữu, giống như vàng là căn bản của tất cả những đồ trang sức bằng vàng. Và nó là của chúng ta một cách rất thân thuộc! Tách rời danh xưng và hình tướng ra khỏi món đồ trang sức thì vàng hiển lộ. Không còn danh xưng và hình tướng, không còn tham ái và lo sợ mà chúng tạo ra, thì cái gì còn lại?

H: Cái không gì cả.

M: Đúng, còn lại cái không, nhưng là cái không đầy ắp. Nó là tiềm năng vô tận còn ý thức là hiện thực vô biên.

H: Khi nói tiềm năng, ông hàm ý tương lai?

M: Quá khứ, hiện tại, tương lai – tất cả đều có đó. Và vô tận.

H: Nhưng vì cái không là không, nó chẳng ích lợi bao nhiêu cho chúng tôi.

M: Làm sao ông có thể nói như thế được? Nếu sự tiếp xúc không bị phá vỡ thì làm sao có tái sinh? Liệu có thể có sự tân tạo mà không có sự chết đi? Thậm chí bóng tối của giấc ngủ làm cho người ta hồi sức và tươi trẻ lại. Nếu không có cái chết, chúng ta sẽ mắc kẹt trong lão suy đến muôn đời.

H: Thế không có cái gì là bất tử?

M: Khi sống và chết được xem như tương quan thiết yếu, như hai phương diện của một hiện hữu, thì đó là bất tử. Thấy được kết thúc trong bắt đầu và bắt đầu trong kết thúc là thấy được hàm ý của sự bất diệt. Chắc chắn bất tử không phải là sự tiếp tục. Chỉ có tiến trình thay đổi liên tục. Chẳng có gì tồn tại mãi.

H: Tánh biết có tồn tại mãi không?

M: Tánh biết không thuộc thời gian. Thời gian chỉ tồn tại trong ý thức. Bên ngoài ý thức, không gian và thời gian ở chỗ nào?

H: Trong nội vi phạm trù ý thức của ông còn có cả thân xác ông.

M: Dĩ nhiên. Nhưng cái ý tưởng “thân ta” – khác với những thân khác – không có trong đó. Đối với Ta nó là “một cái thân” nhưng không phải “thân ta”, “một cái tâm” nhưng không phải “tâm ta”. Tâm lo được cho thân, Ta chẳng cần can thiệp. Cái gì cần làm đang được làm, một cách bình thường và tự nhiên.

Có thể ông không ý thức rõ những chức năng sinh lý của ông, nhưng khi ý nghĩ và cảm thọ, ham muốn và lo sợ trở thành vấn đề, thì ông ý thức về chính ông một cách rất rõ rệt. Đối với Ta những cái đó hầu hết cũng là vô thức. Ta biết Ta nói chuyện với người khác, hoặc làm mọi chuyện đều rất đúng và thích hợp, mà không cần ý thức nhiều về những hành vi như thế. Có vẻ như Ta sống đời sống vật lý, và tỉnh thức một cách tự động, phản ứng một cách tùy nghi và chính xác.

H: Phản ứng tùy nghi của ông có được là kết quả của sự giác ngộ, hay nhờ luyện tập?

M: Cả hai. Cống hiến cho mục đích sẽ khiến ông sống một cuộc sống trong sạch và tử tế – một cuộc sống cống hiến cho sự tìm kiếm chân lý và giúp ích người khác; còn sự giác ngộ – bằng cách loại trừ vĩnh viễn mọi trở ngại dưới những hình thức tham ái, lo sợ và tà kiến – sẽ khiến cho đức hạnh cao thượng trở nên dễ dàng và tùy nghi.

H: Ông không còn tham ái và lo sợ?

M: Số mệnh sinh Ta ra là một người đơn giản, bình thường như mọi người khác, một tiểu thương khiêm tốn, với chút ít học vấn. Cuộc đời Ta cũng bình thường, với những tham ái và lo sợ như mọi người khác. Rồi, qua sự tin tưởng vào tôn sư, và làm theo lời ngài, Ta giác ngộ sự hiện hữu chơn thật của Ta. Ta bỏ lại phía sau bản chất thuộc về con người tự lo liệu lấy, cho đến khi định mệnh của nó kết thúc. Thỉnh thoảng một phản ứng cũ, cảm xúc hay tâm lý, xảy ra trong tâm, nhưng ngay lập tức nó bị phát hiện và bị loại bỏ. Xét cho cùng, chừng nào còn hệ lụy với một con người, người ta vẫn bị tác động bởi cách suy nghĩ, hành sử và thói quen của con người đó.

H: Thế ông không sợ chết?

M: Ta đã chết rồi.

H: Theo nghĩa nào?

M: Ta chết đến hai lần, Không những Ta chết với thân mà còn chết cả với tâm.

H: Vậy mà trông ông chẳng chết chút nào!

M: Ông nói thế! Hình như ông còn biết rõ trạng thái của Ta còn rõ hơn cả chính Ta!

H: Xin ông bỏ qua. Nhưng tôi không hiểu được. Ông bảo ông không còn thân mà cũng chẳng còn tâm, nhưng tôi thấy ông vẫn sống và nói chuyện lưu loát.

M: Trong não bộ và thân xác ông, một hoạt động vô cùng phức tạp lúc nào cũng đang xảy ra, ông có ý thức được nó không? Hoàn toàn là không. Nhưng đối với người ngoài tất cả dường như diễn ra một cách trí tuệ và có chủ đích. Tại sao không thừa nhận rằng toàn thể đời sống cá nhân của một người có thể chìm dưới ngưỡng cửa của ý thức, nhưng đời sống ấy vẫn diễn ra một cách hợp lý và trôi chảy?

H: Liệu như thế có bình thường không?

M: Cái gì bình thường? Cuộc đời ông – thường xuyên bị ám ảnh bởi tham ái và lo sợ, đầy những đấu tranh và xung đột, vô nghĩa và không hề có một niềm vui – Liệu cuộc đời đó có bình thường? Ý thức rất rõ về thân ông thì liệu có bình thường? Bị những cảm xúc giằng xé, bị ý nghĩ hành hạ thì liệu có bình thường? Một cái thân khỏe mạnh, một cái tâm lành mạnh sống hầu như không được chủ nhân của chúng biết đến, chỉ khi nào đau đớn hay khổ sở thì thân mới kêu gọi sự quan tâm, và tâm mới cần đến sự sáng suốt. Tại sao không áp dụng như thế cho toàn thể đời sống cá nhân? Một người vẫn có thể hành xử đúng, đối đáp giỏi và đầy đủ đối với bất cứ gì xảy ra mà chẳng cần phải chuyên tâm chú ý. Khi khả năng kiểm soát chính mình trở thành bản tính thứ hai, tánh biết sẽ rời tiêu điểm của nó vào những bình diện sâu hơn của sự sống và hành động.

H: Thế không phải ông trở thành người máy?

M: Có hại gì khi tự động hóa những gì có tính cách thói quen và lập lại? Mặc dù là tự động, nhưng khi bị rối loạn, nó cũng gây đau đớn và khổ sở và kêu gọi sự chú ý. Toàn thể mục đích của một cuộc sống trong sạch và ngăn nắp là giải thoát con người khỏi sự khống chế của hỗn loạn và gánh nặng của đau khổ.

H: Ông có vẻ bênh vực một cuộc sống computer hóa.

M: Có gì sai với một cuộc sống không còn phiền trược? Tính cách con người đơn thuần chỉ là ảnh phản chiếu của cái chơn thật. Tại sao ảnh phản chiếu không trung thực với nguyên bản như một điều hiển nhiên, và tự động? Liệu con người cần phải có kiểu mẫu nào đó của riêng nó? Cuộc sống mà sự thể hiện của nó là con người sẽ hướng dẫn con người. Một khi nhận ra con người chỉ là cái bóng của thực tại mà không phải chính thực tại thì ông chẳng còn băn khoăn và lo lắng. Ông sẽ chấp thuận để được hướng dẫn từ bên trong, và đời sống trở thành một cuộc hành trình vào cái không thể biết.

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj – Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x