Trang chủ » 1. IMMANUEL KANT – NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐẾN KANT

1. IMMANUEL KANT – NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐẾN KANT

by Trung Kiên Lê
168 views

TÁC GIẢ - LỜI GIỚI THIỆU

I. PLATON

1. Bối cảnh

2. Socrate

3. Thời kỳ học hỏi của Platon

4. Vấn đề đạo đức

5. Vấn đề chính trị

6. Vấn đề tâm lý

7. Giải pháp tâm lý

8. Giải pháp chính trị

9. Giải pháp luân lý

10. Phê bình

II. ARISTOTE

1. Một chút lịch sử

2. Công việc của Aristote

3. Nền tảng của luận lý học

4. Hệ thống khoa học

5. Siêu hình học và thực chất của Thiên Chúa

6. Tâm lý học và bản chất của nghệ thuật

7. Đạo đức học và bản chất của hạnh phúc

8. Khoa học - chính trị

9. Phê bình

10. Tuổi già và chết

III. FRANCIS BACON

1. Từ ARISTOTE đến thời phục hưng

2. Sự nghiệp chính trị của Bacon

3. Những bài tiểu luận

4. Cuộc tái tạo vĩ đại

5. Phê bình

6. Kết luận

IV. SPINOZA

1. Tiểu sử

2. Luận về tôn giáo chính trị

3. Sự cải tiến trí năng

4. Đạo đức học

5. Chính trị luận

6. Ảnh hưởng của Spinoza

V. VOLTAIRE

1. Paris: Oedipe

2. London: những lá thơ từ Anh quốc

3. Cuộc sống ở Cỉrey

4. Ở Potsdam với hoàng đế Frédérique

5. Les délices: "Luận về đạo đức"

6. Ferney: Candide

7. Bách khoa tự điển và triết lý tự điển

8. Chống độc tài áp bức

9. Voltaire và Rousseau

10. Đoạn kết

VI. IMMANUEL KANT

1. Những nẻo đường đến KANT

2. Con người

3. Phê bình lý tính thuần túy

4. Phê bình lý tính thực tiễn

5. Về tôn giáo và lý trí

6. Về chính trị và nền hòa bình vĩnh cửu

7. Phê bình và đánh giá

8. Vài lời về Hegel

VII. SCHOPENHAUER

1. Thời đại

2. Con người

3. Thế giới kể như biểu tượng

4. Thế giới: dục vọng

5. Thế giơi: Sự ác

6. Minh triết về nhân sinh

7. Minh triết về cái chết

8. Phê bình

VIII. HERBERT SPENCER

1. COMTE và DARWIN

2. Sự phát triển của Spencer

3. Nguyên lý đầu

4. Sinh vật học: quá trình tiến hóa của sự sống

5. Tâm lý học: sự tiến hóa của tâm trí

6. Xã hội học: tiến hóa của xã hội

7. Đạo đức học: tiến hóa của đạo đức

8. Phê bình

9. Kết luận

IX. FRIEDRICH NIETZSCHE

1. Dòng dõi

2. Tuổi trẻ

3. Nietzsche và Wagner

4. Tiếng hát Zarathustra

5. Đạo đức siêu nhân

6. Siêu nhân

7. Suy tàn

8. Quý tộc

9. Phê bình

10. Kết cục

Chưa có tư tưởng hệ nào thống trị cả một thời đại như triết học của Immanuel Kant đã thống trị tư tưởng thế kỷ 19. Sau gần 60 năm hoạt động trong lặng lẽ biệt lập, người dân Tô cách lan (Scottland) dị thường cổ quái của thành phố Koenigsberg đã đánh thức cả thế giới ra khỏi “cơn ngủ mê trong giáo điều” vào năm 1781, với tác phẩm thời danh Phê bình lý tính thuần tuý; và từ năm ấy đến thời đại chúng ta, nền “triết học phê phán” đã thống trị Âu châu duy lý.

Triết học Schopenhauer nổi lên có uy lực một thời gian ngắn trên làn sóng lãng mạn bùng khởi năm 1848; thuyết tiến hoá từ sau năm 1859 đã càn quét tất cả những gì đến trước nó; và sự đạp đổ thần tượng gây phấn kích của Nietzsche đã chiếm trung tâm sân khấu triết học vào cuối thế kỷ. Nhưng những thuyết này đều là những phát triển bề mặt phụ thuộc, bên dưới chúng mạch ngầm vững mạnh của triết học Kant vẫn tiếp tục chảy, luôn luôn sâu hơn, rộng hơn.

Cho đến ngày nay những định lý chính yếu của nó vẫn là những châm ngôn của mọi nền triết học trưởng thành. Nietzsche đã thừa nhận Kant, và tiếp tục đi tới; Schopenhauer gọi cuốn Phê bình là “tác phẩm quan trọng nhất trong văn học Đức“, và cho rằng bất cứ người nào chưa hiểu Kant thì hãy còn là một đứa trẻ. Spencer không thể hiểu Kant, và có lẽ chính vì thế mà Spencer chưa đạt được đến tầm vóc triết học toàn vẹn. Để áp dụng lời nói của Hegel về Spinoza: muốn thành một triết gia, trước hết phải là một “Kant-tử”.

Bởi thế, nào chúng ta hãy trở thành “Kant-tử” tức khắc. Nhưng dường như việc ấy không thể hoàn thành ngay lập tức được; vì trong triết học cũng như trong chính trị, khoảng cách dài nhất giữa hai điểm chính là một đường thẳng. Kant là người cuối cùng trong thế giới ta phải đọc khi muốn hiểu về Kant. Nhà triết học của chúng ta vừa giống vừa khác Đức Chúa Trời, ông nói qua những đám mây, nhưng không có sự soi sáng của làn chớp. Ông khinh thị những tỉ dụ và lối nói cụ thể; cho rằng chúng sẽ làm cho sách của ông quá dày (Vì rút gọn lại như thế nên nó chỉ gồm sơ có 800 trang!).

Chỉ những triết gia chuyên nghiệp mới đọc; và những người này lại không cần minh chứng. Nhưng khi Kant đưa bản thảo cuốn Phê bình cho bạn ông là Herz, một người rất uyên thâm về tư tưởng duy lý, Herz trả lại bản thảo sau khi đọc nửa cuốn, bảo rằng ông sợ sẽ phát điên nếu tiếp tục. Chúng ta sẽ làm gì với một triết gia như thế?

Ta hãy đến với Kant bằng con đường quanh và thật dè dặt, bắt đầu bằng một khoảng cách an toàn “kính nhi viễn chi”. Ta hãy khởi hành từ nhiều điểm khác nhau trên vòng tròn của vấn đề, rồi dò dẫm đường về trung tâm điểm vi diệu nơi mà nền triết học khó hiểu nhất đang cất giữ bí yếu và kho tàng của nó.

TỪ VOLTAIRE ĐẾN KANT

Con đường ở đây là từ lý trí không đức tin đến đức tin không lý trí. Voltaire có nghĩa là tôn sùng lý trí, Bách Khoa, Thời Đại của lý tính. Sự hăng hái nồng nhiệt của Francis Bacon đã khởi hứng cho toàn thể Âu châu (trừ Rousseau) với niềm tin tất nhiên vào năng lực của tri thức và luận lý trong việc giải quyết rốt ráo mọi vấn đề, và minh chứng “tính cách hoàn hảo vô hạn” của con người. Condorcet ở trong lao tù viết cuốn “Biểu đồ sử học về sự tiến triển của tâm thức con người (1793)”, nói lên niềm tin cao cả của thế kỷ 18 vào tri thức và lý trí, và không đòi hỏi chìa khoá nào khác hơn là Giáo dục phổ thông để đi đến xã hội lý tưởng. Ngay những người Đức cứng cỏi nhất cũng có thời đại Aufklaerung (Ánh sáng Lý trí) với Christian Wolff duy lý và Lessing đầy hy vọng.

Và những người Paris nhạy cảm của thời Cách mạng đã kịch nghệ hoá sự phong thánh này của tri thức trong việc thờ phụng “Nữ thần lý trí”, dưới hình tượng một phụ nữ duyên dáng. Nơi Spinoza niềm tin ở lý trí này đã làm phát sinh một cơ cấu đồ sộ của hình học và luận lý: Vũ trụ là một hệ thống toán học, và có thể được mô tả tiên nghiệm, bằng cách diễn dịch từ những định đề đã được chấp nhận. Ở Hobbes, thuyết duy lý của Bacon đã trở thành một thuyết vô thần và duy vật; không có gì cả ngoài “nguyên tử và khoảng trống”.

Từ Spinoza đến Diderot, đức tin tan rã nhường chỗ cho lý trí tiến lên: lần lượt những giáo điều cũ biến mất; giáo đường Gô-tích của tín ngưỡng Trung cổ – với những chi tiết và vẻ lố bịch thú vị của nó – đã sụp đổ; Thượng đế cũ té khỏi ngai vàng cùng với dòng họ Bourbons, thiên đường tàn tạ thành bầu trời trống rỗng, và địa ngục chỉ còn là một biểu tượng cảm xúc. Helvétius và Holbach đã làm cho vô thần luận thịnh hành trong các buổi thù tiếp của Pháp; ngay cả giới tu sĩ cũng bắt đầu mon men bàn thuyết vô thần, và La Mettrie qua Đức để rêu rao thuyết ấy dưới sự bảo trợ của cua Phổ. Khi, vào năm 1874, Lessing làm Jacobi kinh ngạc với lời tự xưng là môn đệ của Spinoza, thì đấy là một dấu hiệu đức tin đã bị hạ bệ, và Lý trí đang ca khúc khải hoàn.

David Hume, người đóng một vai trò dữ dội trong việc đả kích niềm tin siêu nhiên của phái Tôn sùng Lý trí, đã bảo rằng khi lý tính chống lại con người, con người sẽ lập tức chống lại lý tính. Đức tin và hy vọng tôn giáo, được phát ngôn trong hằng trăm ngàn tháp chuông vươn từ khắp miền đất Âu châu, đã ăn rễ quá sâu vào những định chế xã hội và trong tim người, khiến họ không thể sẵn sàng nhượng bộ bản cáo trạng cừu nghịch của lý trí.

Điều không thể trách là khi đã bị lên án như thế, đức tin ấy và hy vọng ấy sẽ chất vấn về thẩm quyền của quan toà, và sẽ đòi một cuộc xét lại lý trí cũng như tôn giáo. Cái tri thức kia là gì mà dám lăm le phá huỷ bằng một tam đoạn luận những niềm tin của hằng ngàn năm và hằng triệu người? Nó có phải là vô-quá chăng?. Hay nó chỉ là một cơ năng trong người như bất cứ cơ năng nào khác, mà nhiệm vụ cùng năng lực đều bị giới hạn gắt gao? Đã đến lúc nên xử xét quan toà này, nên xét lại cái Toà án Cách mạng tàn nhẫn đã thẳng tay tung ra những bản án tử cho mọi niềm tin hy vọng cũ này. Đã đến lúc phải phê phán lý trí.

TỪ LOCKE ĐẾN KANT

Một cuộc xét lại như thế đã được dọn đường bằng tác phẩm của Locke, Berkeley và Hume, tuy nhiên kết quả hầu như cũng đối nghịch với tôn giáo nốt.

John Locke (1632 – 1704) đã đề nghị áp dụng vào tâm lý học những cuộc trắc nghiệm theo phép quy nạp và những phương pháp của Francis Bacon. Trong tác phẩm vĩ đại của ông nhan đề “Luận về lý trí con người (Essay on Human Understanding, 1684)” lần đầu tiên trong tư tưởng tân thời, lý trí quay vào chính nó, và triết học bắt đầu dò xét khí cụ bấy lâu đã được tín nhiệm. Phong trào nội quan ấy trong triết học tiến lên từng bước sánh đôi với thuyết hướng nội mà Richardson và Rousseau khai triển, hệt như mầu sắc tình cảm và cảm xúc trong Clarissa Harlowe và La Nouvelle Héleise đã tương ứng với sự tán dương của triết học về thiên tính và cảm tính vượt trên tri thức và lý trí.

Sự hiểu biết đã được sinh khởi thế nào? Chúng ta có chăng -như nhiều người tưởng- những ý nghĩ bẩm sinh về phải quấy, về Thượng đế, những ý tưởng nội tại trong tâm thức từ sơ sinh, có trước mọi kinh nghiệm? Những nhà thần học sợ niềm tin vào thần linh sẽ biến mất vì người ta chưa bao giờ thấy thượng đế trong một ống viễn vọng kính nào cả, đã nghĩ rằng tín ngưỡng và đạo đức có thể vững mạnh nếu những ý tưởng làm nòng cốt cho chúng được chứng minh là bẩm sinh trong mọi linh hồn bình thường.

Nhưng, mặc dù là một người Kitô ngoan đạo, sẵn sàng biện luận rất hùng hồn cho tính cách hữu lý của Kitô giáo, Locke không thể chấp nhận những giả thuyết này; ông bình tĩnh loan báo rằng “tất cả hiểu biết của ta đều phát sinh từ kinh nghiệm và qua những giác quan”, rằng “không có gì trong tâm trí cả trừ những gì đã có trước trong giác quan”. Tâm thức lúc sơ sinh là một tấm vải sạch, một bạch bản; và kinh nghiệm giác quan viết lên đó bằng ngàn cách, cho đến khi cảm giác sinh ra ký ức và ký ức sinh ra tư tưởng.

Tất cả điều ấy dường như đưa đến kết luận làm ta giật mình là: vì chỉ có những sự vật vật chất mới có thể có tác dụng trên giác quan ta, vậy chúng ta không biết gì ngoài vật chất, và phải chấp nhận một nền triết học duy vật. Nếu cảm giác là nguyên liệu của tư tưởng – người hấp tấp sẽ lý luận- thì vật chất phải là nguyên liệu của tâm thức.

Tuyệt đối không, Giám mục George Berkeley (1684 – 1753) nói: Sự phân tích về tri thức theo kiểu Locke đúng hơn chỉ chứng minh rằng vật chất chỉ hiện hữu như một hình dáng của tâm thức. Đấy là một ý tưởng xuất sắc chối bỏ duy vật bằng phương tiện giản dị là chứng minh rằng chúng ta không biết gì về cái gọi là vật chất; trong khắp Âu châu chỉ có một trí tưởng tượng gốc Ái-Nhĩ-Lan (Ireland) kia mới có cái phép ảo thuật siêu hình này. Nhưng hãy xem, -vị giám mục ấy bảo- thật rõ ràng quá mà: há Locke không bảo chúng ta rằng mọi tri thức của ta đều được rút ra từ cảm giác? Bởi thế mọi hiểu biết của chúng ta về bất cứ gì đều chỉ là những cảm giác của ta về nó và những ý tưởng rút từ những cảm giác ấy.

Một “sự vật” chỉ là một bó tri giác, nghĩa là những cảm giác được phân loại và giải thích. Bạn cãi rằng bữa điểm tâm của bạn có rất nhiều thực chất hơn một bó tri giác; và một chiếc búa dạy cho bạn về nghề thợ mộc qua ngón tay cái của bạn có một vật-chất-tính to tát nhất. Nhưng bữa điểm tâm của bạn trước hết chỉ là một mớ cảm giác: thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, rồi cảm giác về sự dễ chịu ấm áp trong mình. Cũng thế, chiếc búa là một bó cảm giác về màu sắc, kích thước, hình dáng, sức nặng, xúc giác v.v… thực tại tính của nó đối với bạn không phải ở trong vật chất tính của nó, mà ở trong những cảm giác đến từ ngón tay cái của bạn.

Nếu bạn không có cảm giác, thì chiếc búa đối với bạn sẽ không hiện hữu tí nào; nó có thể đập vào ngón tay cái tê chết của bạn mãi mãi mà không được bạn chú ý mảy may. Nó chỉ là một mớ cảm giác, hay một mớ ký ức; nó là một điều kiện tâm thức. Tất cả vật chất chúng ta tri giác đều là điều kiện tâm thức; và thực tại độc nhất mà ta biết trực tiếp là tâm thức. Chừng ấy về duy vật đủ rồi.

Nhưng vị giám mục Ái-nhĩ-lan đã không kể gì đến nhà hoài nghi Tô-cách-lan. David Hume (1711 – 1776) vào năm 26 tuổi, đã làm chấn động mọi tín đồ Kitô giáo với cuốn sách nặng mùi “tà giáo” của ông, cuốn “Luận về bản tính con người” (Treatise on Human Nature) một trong những cổ thư và điều kinh dị của triết học tân thời. Theo Hume, chúng ta chỉ biết tâm thức như biết vật chất: nhờ tri giác, mặc dù trong trường hợp này là tri giác nội giới.

Không bao giờ chúng ta tri giác một thực thể nào gọi là “tâm thức”; chúng ta chỉ tri giác những ý tưởng, ký ức, cảm giác v.v… rời rạc. Tâm thức không phải là một thực chất, một cơ quan có những ý tưởng, nó chỉ là một cái tên trừu tượng để chỉ những loạt ý tưởng; tri giác, ký ức và cảm giác là tâm thức; không có cái “linh hồn” nào có thể quan sát đằng sau những quá trình tư tưởng. Kết quả dường như là Hume đã phá hoại tâm thức một cách hiệu quả, cũng như Berkeley đã phá hoại vật chất. Không có gì còn lại cả; và triết học bỗng thấy mình đứng giữa những điêu tàn đổ nát do chính nó gây ra.

Thảo nào có một lối chơi chữ khôi hài khuyên nên bỏ cuộc tranh chấp: “No matter, never mind” (“Không có gì, đừng để ý” hay “chẳng có vật chất cũng chẳng có tâm thức”). Nhưng Hume không chỉ bằng lòng với sự phá huỷ tôn giáo chính thống bằng cách đánh đổ khái niệm linh hồn; ông còn đề nghị phá huỷ khoa học bằng cách đánh tan khái niệm định luật. Khoa học cũng như triết học, từ Bruno và Galilée, đã quá xem trọng luật lệ thiên nhiên, xem trọng “sự tất yếu” trong chuỗi tiếp nối nhân quả; Spinoza đã nuôi dưỡng nền siêu hình vĩ đại của ông bằng quan niệm đầy tự phụ này.

Nhưng hãy nhìn kỹ xem, Hume bảo, chúng ta chỉ thấy những biến cố và chuỗi sự kiện tiếp nối, và suy ra nguyên nhân và sự tất yếu; một định luật không phải là một đạo luật bất diệt và thiết yếu mà những biến cố phải phục tùng, nhưng chỉ là một lối tóm lược tốc ký tinh thần của kinh nghiệm như ống kính vạn hoa của chúng ta; chúng ta không thể nào bảo đảm rằng những chuỗi sự kiện đã được quan sát từ trước đến nay sẽ tái xuất hiện không thay đổi trong kinh nghiệm vị lai. “Định luật” là một tục lệ được tuân theo trong chuỗi biến cố; nhưng không có gì là “tất yếu” ở trong tục lệ.

Chỉ những công thức toán học là tất yếu, chỉ có chúng mới là đúng thực một cách nội tại, bất biến; và sở dĩ như vậy chỉ là vì những công thức ấy đều có tính cách trùng phức, thuộc từ đã chứa sẵn trong chủ từ, “3×3=9” là một chân lý bất diệt và thiết yếu chỉ vì “3×3” và “9” là cùng một sự kiện được diễn tả khác nhau; thuộc từ không thêm gì cho chủ từ cả. Khoa học, như vậy, phải tự giới hạn mình hoàn toàn vào toán học và thí nghiệm trực tiếp; nó không thể tin cậy vào sự diễn dịch không được kiểm chứng từ những “định luật”.

Vào khắp các thư viện sau khi quả quyết về những nguyên tắc này rồi, – nhà hoài nghi cổ quái của chúng ta bảo- quả là chúng ta phải gây một cuộc tàn phá khổng lồ! Nếu chúng ta cầm lên xem bất cứ cuốn sách nào chẳng hạn về siêu hình học kinh viện, ta hãy hỏi:

“Sách có chứa đựng một lý luận trừu tượng nào về số hay lượng không?”

– Không.  

“Sách có chứa đựng một lý luận thực nghiệm nào về sự kiện và hiện hữu không?”

– Không.

Thế thì ném nó vào lửa, vì nó không thể chứa đựng gì ngoài ra ngụy biện và ảo tưởng” (Royce trích dẫn trong The Spirit of Modern Philosophy, Boston, 1892, p.98). Hãy tưởng tượng những người chính thống giáo ù tai biết bao khi nghe những lời ấy. Ở đây truyền thống tri thức luận -sự truy tầm bản chất, nguồn gốc và giá trị của tri thức- đã thôi còn là một vật chống đỡ cho tôn giáo; mũi kiếm mà giám mục Berkeley đã dùng để giết con giao long của duy vật đã quay lại đâm vào tâm thức phi-vật-chất và linh hồn bất diệt; và trong cơn biến động ấy ngay cả khoa học cũng bị thương tổn nặng nề.

Thảo nào vào năm 1775 khi Immanuel Kant đọc một bản tiếng Đức dịch những tác phẩm của David Hume, ông rất kinh ngạc trước những kết quả này, và được đánh thức dậy từ “cơn mê ngủ trong giáo điều” trong đó ông đã chấp nhận không hồ nghi những tinh yếu của tôn giáo và những nền tảng khoa học. Vậy cả khoa học lẫn đức tin phải đầu hàng trước hoài nghi chăng? Có thể làm gì được để cứu vãn?

TỪ ROUSSEAU ĐẾN KANT

Đối với luận cứ của phái tôn sùng lý trí cho rằng lý trí sẵn sàng thiên về duy vật, Berkeley đã cố trả lời vật chất không hiện hữu. Nhưng điều này đã đưa đến bác luận của Hume theo đó chính vì không có vật chất nên tâm thức cũng không luôn. Có thể có một cách trả lời khác -ấy là lý trí không phải là trắc nghiệm cuối cùng. Có vài kết luận lý thuyết mà toàn thể con người của chúng ta phản kháng lại; chúng ta không có quyền để cho những đòi hỏi của bản chất chúng ta phải bị bóp nghẹt trước những tuyên bố của một luận lý mà chung quy chỉ là sản phẩm mới của một phần tử vừa mong manh vừa lừa dối trong ta.

Đã biết bao lần bản tính tự nhiên và những cảm thức của chúng ta dẹp sang một bên những tam đoạn luận ti tiểu ấy, cứ muốn cho chúng ta phải sử sự như những hình kỷ hà học, và bắt tình với sự phân minh của toán học! Dĩ nhiên một đôi khi, và đặc biệt trong những phiền toái giả tạo của sinh hoạt đô thị mới – lý trí là kẻ dẫn đường tốt nhất; nhưng trong những cơn khủng hoảng lớn của cuộc sống, và trong những vấn đề trọng đại về xử thế và đức tin, chúng ta tin cậy vào cảm thức của chúng ta hơn là vào những đồ hình. Nếu lý trí mà chống lại tôn giáo, thì lý trí phải mạt.

Quả thế, đấy là luận cứ của J.J. Rousseau (1712 – 1778), người hầu như duy nhất ở Pháp đã chống lại thuyết duy vật và vô thần của phái Tôn sùng lý trí. Một định mệnh thật đã oái oăm cho một bản chất yếu ớt thần kinh loạn, bị tung ra giữa đám duy lý khoẻ mạnh và thuyết hưởng lạc hầu như tàn bạo của nhóm Bách Khoa! Rouseau vốn là một thanh niên ốm yếu, bị đẩy vào sự trầm tư và hướng nội vì cơ thể yếu ốm và thái độ thiếu thiện cảm của cha mẹ và thầy giáo. Chàng đã thoát ly những mũi dùi của thực tại để đi vào một thế giới tự tạo của mộng mị, nơi đó chàng có thể tưởng tượng ra những vinh quang mà cuộc đời và tình yêu đã khước từ chàng. Cuốn Tự thú của chàng biểu lộ mặc cảm cố hữu của cảm tính tế nhị nhất với một quan niệm trì độn về sự đứng đắn và danh dự; và một niềm tin vững chắc ở sự cao cả của tâm hồn mình.

tính tế nhị nhất với một quan niệm trì độn về sự đứng đắn và danh dự; và một niềm tin vững chắc ở sự cao cả của tâm hồn mình. Năm 1749, Hàn lâm viện Dijon ra một giải thưởng cho vài tiểu luận về vấn đề “Sự tiến bộ của khoa học và nghệ thuật đã góp phần hủ hoá hay thanh hoá đạo đức?”. Bài của Rousseau đã thắng giải. Văn hoá là một sự tệ hại nhiều hơn là một giá trị, Rousseau lý luận -với tất cả hăng hái và chân thành của một người thấy văn hoá vượt quá tầm của mình nên muốn chứng minh nó vô giá trị. Hãy nhìn những hỗn loạn mà sự ấn loát đã sinh ra ở Âu châu.

Ở đâu triết học nổi lên, ở đấy sức khoẻ tâm hồn của quốc gia bị đồi truỵ. “Ngay những triết gia cũng nói giữa họ với nhau rằng vì những học giả đã xuất hiện, nên không tìm thấy ở đâu những người lương thiện chánh trực. “Tôi dám tuyên bố rằng một trạng thái suy tưởng là phản thiên nhiên; và một người suy tưởng (một người “trí thức” theo ngôn ngữ của chúng ta ngày nay) là một con vật hư hỏng”. Tốt hơn nên bỏ sự phát triển tri thức quá mau chóng của chúng ta, và nên nhằm mục đích huấn luyện trái tim và tình cảm. Giáo dục không làm cho con người khôn lanh – thường thường là vào việc ác. Bản tính và cảm thức đáng tin cậy hơn lý trí.

Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông La Nouvelle Héloise (1761) Rousseau minh chứng dài dòng sự cao vượt của cảm thức đối với tri thức; cảm tính trở thành thời trang cho những bà Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông La Nouvelle Héloise (1761) Rousseau minh chứng dài dòng sự cao vượt của cảm thức đối với tri thức; cảm tính trở thành thời trang cho những bà quý tộc, và cho một số đàn ông; trong suốt một thế kỷ, nước Pháp đã được tưới bằng nước mắt trong văn chương, rồi nước mắt thật, và phong trào vĩ đại của ý thức Âu châu vào thế kỷ 18 đã nhường bước cho văn chương cảm xúc lãng mạn của thời kỳ 1789 – 1848.

Trào lưu này mang theo nó một sự phục hưng mạnh mẽ cảm thức tôn giáo; những say mê trong tác phẩm “Đặc chất tinh thần Kitô giáo” (1802) của Chateaubriand chỉ là một âm vang của bài “Lời thú về đức tin của cha sở Savoie” mà Rousseau bao gồm trong Emile (1762), cuốn tiểu luận của thời đại bàn về giáo dục. Vắn tắt, luận chứng của bài “Lời thú” như sau: mặc dù lý trí có thể chống lại đức tin vào Thượng Đế và linh hồn bất tử, cảm thức vẫn tràn ngập để bênh vực những ý niệm ấy; vậy thì tại sao chúng ta không tin vào bản tính ở dây thay vì nhượng bộ trước nỗi tuyệt vọng của một chủ nghĩa hoài nghi cằn cỗi

Khi Kant đọc Emile, ông bỏ cuộc đi dạo hằng ngày dưới rặng phi lao, để đọc xong cuốn sách một mạch. Đấy là một biến cố trong đời ông, khi gặp ở đây một người thứ hai đang dò dẫm tìm đường ra khỏi bóng tối của vô thần và lại mạnh dạn quả quyết sự ưu thắng của cảm thức trên lý trí trong những vấn đề siêu cảm giác này. Cuối cùng, đây là phân nửa thứ hai của câu trả lời cho thuyết phi-tôn-giáo; cuối cùng bây giờ mọi kẻ phỉ báng và hoài nghi sẽ tản mác.

Chắp nối lại những sợi chỉ luận cứ này, phối hợp những ý tưởng của Berkeley và Hume với những cảm thức của Rousseau, cứu vớt tôn giáo khỏi lý trí, nhưng đồng thời cũng cứu khoa học khỏi hoài nghi chủ nghĩa – đấy là sứ mạng của Immanuel Kant. Nhưng Immanuel Kant là ai?

❁ ❁ ❁ 
Tác giả: William Durant
Nguồn: DTV eBook.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x