Trang chủ » Thuật dưỡng sinh của Đạo Gia

Thuật dưỡng sinh của Đạo Gia

by Hậu Học Văn
363 views

Dưỡng Sinh   

01. Nghe nói rằng người khéo giữ gìn sự sống đi trên đường không gặp tê giác và hổ; vào trong quân lữ không cần mang áo giáp và binh khí. Vì tê giác không có chỗ nào để húc; hổ không có chỗ nào để vấu; binh khí không có chỗ nào để chém. Tại sao? Vì họ không có chỗ chết.[Đạo Đức Kinh, chương 50]

02. Năm màu khiến người mù mắt. Năm âm thanh khiến người điếc tai. Năm vị khiến người tê lưỡi. Ruổi rong săn bắn, khiến lòng người hóa cuồng. Của cải hiếm khiến bản thân bị hại khi đi đường. Bởi vậy, sự đối trị của thánh nhân là vì bụng, không vì mắt. Nên bỏ cái kia, lấy cái này. [Đạo Đức Kinh, ch.12]

03. Thánh nhân từ bỏ sự cực đoan, xa xỉ, và cao sang. [ĐĐK, ch.29]

04. Nhắm mắt và ngậm miệng, suốt đời không vất vả. Mở miệng và hoàn thành sự việc, suốt đời không cứu được. Thấy được tế vi mới là minh, giữ được mềm yếu mới là cường. Dùng ánh sáng của đạo, để quay về sự quang minh của đạo, thân không sợ tai ương, đó là tìm về vĩnh cửu. [Đạo Đức Kinh, chương 52]

05. Cái tinh túy của chí đạo (đạo cực cao) thì mịt mịt mờ mờ, cái tột đỉnh của chí đạo thì thâm u lặng lẽ. Đừng thấy gì, đừng nghe gì, và hãy giữ cho thần tĩnh lặng, thì hình thể của ngươi sẽ tự chỉnh lý đúng đắn. Hãy giữ sự thanh tĩnh đó, đừng lao nhọc thân xác, đừng dao động tinh thần thì ngươi sẽ trường sinh. Mắt không thấy, tai không  nghe, tâm không biết, thì thần của ngươi sẽ giữ được hình thể, rồi hình thể sẽ trường sinh. Cẩn thận hoạt động nội tâm của ngươi, ngăn bế những gì từ ngoại giới xâm nhập vào ngươi, nhiều tri thức sẽ thất bại. […] Trời đất có các cơ quan chưởng quản, âm dương có chỗ tàng chứa. Hãy cẩn thận giữ gìn thân thể, mọi thứ trong ngươi sẽ tự lớn mạnh. [Trang Tử, Tại Hựu]

06. Nay ta nói về thói đời cho ngươi nghe: mắt ưa nhìn nữ sắc, tai muốn nghe âm nhạc, mồm thích nếm mỹ vị, chí khí muốn thỏa mãn. Con người thượng thọ là 100, trung thọ là 80, hạ thọ là 60. Trừ đi những lúc bệnh, suy nhược, chết chóc, tang ma, âu lo, hoạn nạn, còn lại là những lúc có thể mở miệng cười thì trong một tháng giỏi lắm là vui cười được bốn năm ngày. Trời và đất vô cùng, kiếp người hữu hạn. Đem cái hữu hạn mà gởi gấm khoảng vô cùng, khác gì cái hình ảnh ngựa kỳ ngựa ký chạy vút qua khe cửa. Kẻ không thể thỏa mãn được ý chí và không biết bảo dưỡng cho trường thọ thì không phải là người thông hiểu đạo vậy. [Trang Tử, Đạo Chích]

07. Kẻ coi trọng sinh mệnh, tuy phú quý nhưng không để sự cung dưỡng làm hại thân, tuy bần tiện nhưng không để cái lợi làm lụy hình hài. Người đời nay làm quan cao tước lớn, coi trọng sự mất chức tước. Thấy cái lợi mà khinh suất để mất thân mình, như vậy không phải là mê muội hay sao? [Trang Tử, Nhượng Vương]

08. Kẻ thông hiểu được sự sống thì không mong cầu cái vô dụng cho sự sống; kẻ thông hiểu được vận mệnh thì không mong cầu cái vượt ngoài phạm vi hiểu biết. Muốn nuôi thân trước tiên phải có lương thực. Nhưng có người điều kiện vật chất sung túc mà hình thể vẫn không nuôi dưỡng tốt. Để có sự sống thì trước hết không được rời bỏ hình. Nhưng có kẻ không rời bỏ hình mà vẫn mất sự sống. Sự sống bắt đầu thì ta không thể từ khước, khi sự sống mất đi thì ta không thể ngăn nó lại. Buồn thay! Người đời cứ cho rằng hễ nuôi dưỡng thân thể là giữ được sự sống. Nếu nuôi thân thể mà không đủ để giữ được sự sống, sự đời còn gì đáng làm đâu? Tuy nó không đáng làm mà ta không thể không làm, thế là không tránh khỏi khổ lụy. Muốn tránh việc nuôi dưỡng thân thể thì chẳng gì bằng từ bỏ thế gian. Từ bỏ thế gian thì khỏi khổ lụy. Không khổ lụy thì tâm sẽ quân bình thuần chính. Quân bình thuần chính thì sẽ có sự sống mới. Có sự sống mới là tiếp cận với đạo.  [Trang Tử, Đạt Sinh]

09. Nói chung, cái mà thiên hạ tôn quý là giàu có, sang trọng, sống lâu, điều thiện. Cái mà họ vui thích là yên thân, vị ngon, quần áo đẹp, sắc đẹp, âm thanh hay. Cái mà họ khinh bỉ là sự nghèo túng, hèn hạ, chết yểu, điều ác. Cái mà họ đau khổ là thân không được an nhàn, miệng không thưởng thức vị ngon, thân không mặc quần áo đẹp, mắt không trông thấy sắc đẹp, tai không nghe được âm thanh hay. Kẻ nào không có được các thứ ấy thì lo buồn sợ sệt. Cứ vì thân thể như vậy thật là ngu xuẩn. Kẻ giàu có, lao khổ thân xác, làm lụng miệt mài, tích lũy nhiều của nả mà không được hưởng hết. Cứ vì thân thể như vậy là lo cái bề ngoài. Kẻ sang trọng, hết đêm tới ngày lo toan nghĩ ngợi chuyện tốt xấu, hay dở. Cứ vì thân thể như vậy là xa đạo thường hằng. Cuộc đời mỗi người cùng đi đôi với lo rầu. Dù sống lâu thì thần trí cũng lú lẫn, mụ mẫm vô dụng, lại buồn mãi vì sống lâu thế mà không chết đi. Ôi sao mà khổ vậy!  Cứ vì thân thể như vậy cũng là xa đạo thường hằng. [Trang Tử, Chí Lạc]

10. Buồn vui làm hại đức; mừng giận làm hại đạo; yêu ghét làm mất đức. Cho nên tâm chớ âu lo hay vui mừng, đó là chí đức. Tinh ròng chuyên nhất không thay đổi, đó là chí tĩnh. Không xung đột với ai, đó là chí hư. Không giao tiếp sự vật, đó là chí đàm (vô cùng yên lặng). Không chống đối ai, đó là chí túy (rất tinh tuý). Cho nên nói: Lao nhọc thân xác miệt mài thì sinh ra điều tệ hại; tinh lực dùng liên tục thì lao tổn. Hễ lao tổn thì kiệt quệ. [Trang Tử, Khắc Ý]

11. Đời người hữu hạn, mà tri thức thì vô hạn. Lấy cái hữu hạn mà truy cầu cái vô hạn, nguy hại thay! Biết thế mà vẫn cứ truy cầu tri thức, như vậy càng nguy. Làm thiện thì không nổi danh, làm ác thì bị trừng phạt. Noi theo cái trung dung mới là thường đạo (chính đạo); nhờ đó ta có thể bảo thân, giữ vẹn sinh mệnh, phụng dưỡng song thân, và hưởng trọn tuổi già. [Trang Tử, Dưỡng Sinh Chủ]

12. Người giỏi dưỡng sinh giống như kẻ chăn dê: quan sát con nào lạc phía sau và quất roi vào chúng. [Trang Tử, Đạt Sinh]

13. Bỏ việc đời, thân xác sẽ không lao nhọc; quên cuộc sống, tinh thần sẽ không hao tổn. Hình thể được bảo toàn và tinh thần được hồi phục thì thiên nhân hợp nhất. [Trang Tử, Đạt Sinh]

14. Thân thể con người khác nào một đất nước: ngực và bụng là cung điện phòng thất, tứ chi là ngoại thành, xương cốt và các quan tiết là bách quan, nếp nhăn trên da là các ngã tư đường, thần là vua, máu huyết là bầy tôi, khí là dân chúng. Cho nên bậc chí nhân trị được thân mình cũng như minh quân cai trị được đất nước. Hễ yêu quý dân thì yên định đất nước, hễ yêu quý khí thì bảo toàn được thân. Dân khốn khổ điêu linh thì vong quốc, khí suy nhược thì thân tàn tạ. Cho nên bậc chí nhân thượng sĩ dùng thuốc trước khi bị bệnh, chứ không để sau khi bị nguy hại rồi mới tìm cách chạy chữa. Thế mới biết: sinh mệnh khó bảo toàn mà dễ mất, khí khó trong thanh mà dễ đục. Nếu có thể tra xét và tùy cơ ứng biến, thì có thể khắc chế thị dục và bảo toàn tính mệnh.  [Đạo Tạng-Bão Phác Tử, chương Dưỡng Sinh Luận]

15. Người giỏi dưỡng sinh, trước tiên phải trừ khử sáu mối hại, sau đó mới có thể sống lâu trăm tuổi. Sáu cái hại là gì? [và cần phải làm gì?] Một là phải coi thường danh lợi; hai là phải cấm chỉ âm nhạc và nữ sắc; ba là chớ tham lam của cải tiền bạc; bốn là phải giảm bớt thức ngon vị béo; năm là phải trừ bỏ lời nói khéo léo xảo trá; sáu là phải trừ khử sự ganh ghét đố kỵ. Sáu điều hại không trừ khử, thì phép tu dưỡng thân tâm chỉ vô hiệu thôi. [Đạo Tạng – Bão Phác Tử, Dưỡng Sinh Luận]

16. Cho nên để bảo vệ sự hài hoà và giữ vẹn chân tính thì phải: ưu tư ít, vọng niệm ít, cười ít, nói ít, vui ít, giận ít, sướng ít, sầu ít, ham ít, ghét ít, việc ít, cơ mưu ít. Hễ ưu tư nhiều thì thần tán loạn, vọng niệm nhiều thì tâm lao tổn, cười nhiều thì phủ tạng lộn ngược, nói nhiều thì khí hải thoát hết tinh, vui nhiều thì bàng quang bị tà phong chướng khí bên ngoài xâm nhập, giận nhiều thì mặt da xuất huyết, sướng nhiều thì tâm thần tà vạy phóng đãng, sầu nhiều thì đầu tóc tiều tụy khô héo, ham nhiều thì chí khí phát tiết dễ sinh tà niệm, ghét nhiều thì tinh hư hoại chạy mất, việc nhiều thì gân mỏi mạch khô cạn, mưu nhiều thì trí lự chìm đắm mê muội. Các thứ đó chặt đứt sinh mệnh con người, sắc bén còn hơn rìu búa, làm tổn hại sinh mệnh con người còn dữ tợn hơn sài lang. [Đạo Tạng-Bão Phác Tử, chương Dưỡng Sinh Luận]

17. Đừng ngồi lâu, đừng đi bộ lâu, đừng nhìn lâu, đừng nghe lâu, không đói thì chớ cố ép ăn, không khát thì chớ cố ép uống. Không đói mà cố ép ăn thì tỳ lao tổn; không khát mà cố ép uống thì bao tử trướng. Thân thể phải thường lao động; ăn phải thường ăn ít. Lao động chớ quá độ; ăn ít chớ để tới đói. Sáng mùa đông đừng để bụng rỗng; tối mùa hạ đừng ăn no. Dậy sớm thì đừng dậy trước khi gà gáy; dậy trễ thì chớ dậy sau khi mặt trời mọc. Tâm có quán xét sửa chữa thì chân thần mới giữ nguyên vị trí (không đi mất). Khí có định thì các thứ xấu mới xuất ra khỏi thân thể. Hành vi lừa dối trí trá thì quỷ thần ghét, hành vi cạnh tranh thì linh tánh bị ngăn trở. Khinh khi và làm nhục người khác thì tuổi thọ bị giảm nhiều ngày. Giết hại loài vật thì tuổi thọ giảm nhiều năm. Làm một việc thiện thì hồn vui; làm một việc ác thì phách vui vẻ (vì phách thích chết, hồn ham sống).

Thường ăn ở khoan thai, điềm đạm giữ gìn, thì thân an tĩnh, tai ương họa hại sẽ không liên can với mình. Tên mình sẽ được ghi vào Sổ Sinh và tội lỗi mình được xoá đi trong Sổ Tử. Cái nguyên tắc dưỡng sinh chỉ có vậy thôi. Nếu như có thêm luyện đan, hoàn đan bổ não, biến hoá kim dịch để lưu giữ thần, thì đó là phép tắc huyền diệu thượng thừa. Trái lại, nếu ăn ngũ cốc và huyết nhục mà tu luyện, trong vạn người thì chỉ có rất ít kẻ đắc đạo. Hãy hết sức giữ giới! Lão Quân nói: «Nếu giữ đạo này của ta, bậc thượng sĩ sẽ sống thọ, bậc trung sĩ tu một nửa sẽ tránh tai họa bệnh tật, bậc hạ sĩ sẽ tránh được tai ương. Còn kẻ ngu không nắm được đạo này nên đánh mất tính mệnh. Ta chỉ nói bấy nhiêu thôi.»  [Đạo Tạng-Bão Phác Tử, chg. Dưỡng Sinh Luận]

18. Tài năng chưa tới mà khổ sở mong tìm là làm hại; sức lực không đủ mà gượng thi hành là làm hại; buồn rầu ai oán đến nỗi tiều tụy là làm hại; vui sướng quá độ là làm hại; bôn ba vì dục vọng là làm hại; cười nói vui đùa lâu là làm hại; đi ngủ và nghỉ ngơi không đúng giờ là làm hại; ráng sức giương cung nỏ là làm hại; say mèm đến nỗi nôn mửa là làm hại; ăn no đi nằm ngay là làm hại; chạy nhảy để hơi thở khò khè hổn hển là làm hại; reo vui khóc lóc là làm hại; âm dương không giao hợp là làm hại; tích lũy các điều hại này quá mức sẽ chết sớm; chết sớm đâu phải là đạo dưỡng sinh. Cho nên, phương pháp dưỡng sinh là: không phun nước bọt ra xa, không đi bộ nhanh, tai không ráng nghe, mắt không nhìn lâu, không ngồi quá lâu, không nằm cho đến mỏi mệt, mặc thêm áo trước khi mùa lạnh đến, cởi bớt áo trước khi mùa nóng đến, chớ để rất đói rồi mới ăn, chớ ăn no quá, chớ để thật khát rồi mới uống, chớ uống quá nhiều. Hễ ăn nhiều thì đầy bụng, uống nhiều thì sinh đàm.

Chớ lao nhọc quá mà cũng chớ rảnh rang nhiều quá, chớ thức dậy muộn, chớ để đổ mồ hôi, chớ ngủ nhiều quá, chớ cỡi xe cỡi ngựa nhanh, đừng ráng căng mắt nhìn xa, chớ ăn những món sinh lạnh bụng, chớ uống rượu trước luồng gió, chớ tắm nhiều lần trong ngày, chớ có chí nguyện quá xa xôi, chớ có chế tạo những đồ vật kỳ dị tinh xảo, mùa đông chớ để quá ấm, mùa hè chớ để quá mát, đừng nằm ngoài loã thể dưới trăng sao, nằm ngủ chớ để lộ vai, chớ mạo hiểm đi lúc thời tiết xấu như rất rét, rất nóng, hay nhiều sương mù. Năm vị vào miệng thì chớ dùng thái quá bởi vì chua quá hại tỳ, đắng quá hại phổi, cay quá hại gan, mặn quá hại tim, ngọt quá hại thận; đó là cái lý tự nhiên của ngũ hành vậy.

Tất cả những cái gọi là làm hại này, cũng không thể nhận biết ngay được, nhưng về lâu về dài mới thấy chúng làm tổn thọ. Người giỏi bảo dưỡng thân thể có giờ giấc đi ngủ và thức dậy sớm trễ khác nhau tùy theo bốn mùa, sinh hoạt ban ngày có chế độ luôn điều hòa; biết điều dưỡng gân cốt thư thái, có phép tắc vận động; ngăn chận tật bệnh và xua trừ tà khí, có phép tắc nuốt nhả [thổ nạp, đạo dẫn] giúp khí huyết lưu thông tuần hoàn, có phép dùng thuốc bổ hư và tả thực; tiết chế sự lao động và nghỉ ngơi, có yếu quyết tăng giảm. Dằn cơn giận để bảo toàn âm khí, nén vui mừng để bảo dưỡng dương khí. Sau đó uống thuốc từ thảo mộc để bổ khuyết những tổn mất, rồi uống kim đan để trường thọ, nguyên lý trường sinh chỉ như vậy thôi. [Bão Phác Tử-Nội Thiên, chương Cực Ngôn]

19. Sở dĩ ta phải lo âu nhiều bởi vì ta có thân. Nếu không có thân, ta đâu có lo lắng gì. [Đạo Đức Kinh, ch.13]

20. Chính vì không tranh với ai, nên không ai oán trách. [Đạo Đức Kinh, ch.8]

21. [Vì có ích nên] cây trên núi tự khiến nó bị đốn; [vì cháy được nên] mỡ tự khiến nó bị đốt sạch. Quế ăn được nên cây quế bị đốn. Cây sơn có ích nên thân bị khắc rạch [để lấy nhựa]. Ai cũng biết lợi thế của sự hữu dụng; mấy ai biết lợi thế của sự vô dụng. [Trang Tử, Nhân Gian Thế]

22. Con thú lớn dù ngoạm được một cỗ xe, nếu một mình rời khỏi núi, sẽ không tránh được hiểm họa bị đánh lưới Con cá lớn dù nuốt được một con thuyền, nếu rời nước lên cạn, sẽ bị kiến bu cắn. Cho nên điểu và thú không ghét nơi cao, cá và ba ba không ghét chỗ sâu. Ai muốn bảo toàn thân thể và sinh mệnh của mình, thì nên ẩn thân; chớ ghét nơi thâm u diệu viễn thì mới được. [Trang Tử, Canh Tang Sở]

23. Trang Tử [và đệ tử] đi trong núi, thấy một cây lớn, cành lá sum suê. Người đốn cây đứng bên cạnh nó nhưng không đốn nó. Trang Tử hỏi tại sao, hắn trả lời: «Cây này chẳng dùng được vào việc gì.» Trang Tử bảo [đệ tử]: «Cây đó nhờ vô dụng mà an hưởng trọn tuổi trời.» Ra khỏi núi, Trang Tử ghé nhà một bạn cũ. Người bạn mừng rỡ, sai đứa ở giết ngỗng nấu đãi khách. Đứa ở hỏi: «Có con kêu, có con không biết kêu. Bẩm ông, giết con nào?» Chủ nhà trả lời: «Con nào không biết quang quác thì giết.» Hôm sau, đệ tử hỏi Trang Tử: «Hôm qua, cây trên núi nhờ vô dụng mà hưởng trọn tuổi trời. Nay con ngỗng của chủ nhà này vì không biết quang quác mà bị làm thịt. Thầy muốn ở hoàn cảnh nào?»

 Trang Tử cười đáp: «Chu này muốn ở chỗ trung dung giữa hữu dụng và vô dụng (giữa tài và bất tài). Nhưng chỗ trung dung đó cũng chưa phải gần với đạo, nên vẫn chưa tránh khỏi hệ lụy. Nếu ai cỡi trên đạo đức mà tiêu dao thì sẽ không như vậy. Họ sẽ vượt khỏi sự khen ngợi hay chê bai; có thể vùng lên như rồng hay lẩn tránh như rắn; tùy thời biến hóa, mà không khẳng định mình chuyên vào một thứ gì; địa vị dù lên cao hay xuống thấp, họ đều lấy sự hài hòa mà độ lượng mọi việc xung quanh. Họ phiêu bồng nơi tổ tiên của vạn vật (tức đạo), , như vậy thì làm sao mà bị hệ lụy cho được? Đó là phép tắc của Thần Nông và Hoàng Đế vậy. Còn như cái tình của vạn vật và truyền thống của nhân luân thì lại khác: hợp rồi tan, thành công rồi thất bại, liêm khiết bị dè bỉu, tôn quý bị dị nghị, hành vi tích cực bị tổn hại, hiền tài bị mưu hại, bất tài bị khinh rẻ. Các tình huống đó có chi là chắc chắn? Đáng buồn thật! Các ngươi hãy ghi nhớ: chỉ có cảnh giới của đạo và đức là tốt đẹp thôi.» [Trang Tử, Sơn Mộc]

24. Kim loại vì cứng mà gãy, nước nhờ mềm yếu mà vẹn toàn. Núi cao nên đổ lở, giòng nước giữa hai ngọn núi vì thấp nên bình an. Cho nên ai giữ đức tính âm nhu thì sẽ không bị tai họa do tranh giành với người khác. [Bão Phác Tử-Ngoại Thiên, chương Quảng Thí]

25. Người hàm chứa đức dày thì ưu hoạn và tà khí không thể xâm nhập nổi. Cho nên không có vật gì gây thương tổn cho mình được. Trang Tử nói: «Kẻ đã vô ngã và lánh đời, thì ai mà  hại cho được?» [Đạo Tạng, Tống Huy Tông ngự giải Đạo Đức Chân Kinh]

❁❁❁
TríchTư tưởng Đạo Gia
Hàn Sinh tuyển

Lê Anh Minh dịch 

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x